HOÀng anh một số VẤN ĐỀ VỀ SỬ DỤng ngôn từ trên báo chí HÀ NỘI – 2003 MỤc lụC


NGÔN NGỮ TÁC GIẢ VÀ NGÔN NGỮ NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM BÁO CHÍ



trang7/11
Chuyển đổi dữ liệu23.07.2016
Kích1 Mb.
#2149
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

NGÔN NGỮ TÁC GIẢ VÀ NGÔN NGỮ NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM BÁO CHÍ

Ngôn ngữ báo chí, nếu xét từ góc độ chủ thể phát ngôn, tồn tại dưới hai dạng chính. Đó là ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật.



I. NGÔN NGỮ TÁC GIẢ

Ngôn ngữ tác giả chính là ngôn ngữ của người viết, của chủ thể sáng tạo ra tác phẩm. Nó bao gồm hai kiểu dưới đây:

  1. Ngôn ngữ mang "cái tôi" trần thuật của tác giả

Ở kiểu ngôn ngữ này, tác giả xưng "tôi" khi trình bày hay bàn luận về các vấn đề, sự kiện, hiện tượng,... được đề cập trong tác phẩm. "Cái tôi" này thường là "cái tôi" nhân chứng cho nên nó có tác dụng làm tăng độ xác thực, độ tin cậy của thông tin.

Chính việc đàm thoại trực tiếp với độc giả từ danh tính của "cái tôi" cá nhân đầy cụ thể đã giúp cho tác giả thể hiện một cách tự do thái độ, tình cảm của mình. Vì lẽ đó, ngôn ngữ mang "cái tôi" trần thuật luôn ngập tràn cảm xúc cá nhân.

Ví dụ:

"Thấy tôi chưa tâm phục khẩu phục, H. kéo tôi lên xe để đi thực tế. Đêm Cà Mau nhộn nhịp quá. Nam thanh nữ tú dập dìu bên nhau trên những chiếc xe bóng loáng. Nếu không nhờ H. chở tôi dọc quanh "đường đèn vàng" có lẽ giờ này tôi đang "cày trên bàn viết" mà không cảm nhận được cuộc sống tất bật nơi thành phố cuối miền cực Nam của Tổ quốc... Hai bên đường, quán nối quán, xe xếp chật cả đường, âm thanh hỗn loạn từ trong quán vọng ra, nhạc não tình có, nhạc Pop - Rap cũng có,...cứ thi nhau mở hết công suất làm kẻ "Hai Lúa" như tôi phải đinh tai nhức óc." (Văn hoá chủ nhật, 7 / 10 / 2001);



"Người tôi được nhuộm bụi đỏ sau một ngày lặn lội trên đường. Bù lại, tôi cũng gặp được nhân vật mà mình cần. Phóng sự "ông già mù bên dốc Cổng Trời" ra đời từ đó. Chuyện nếu chỉ có vậy thì chẳng còn gì để nói. Đối với nhà báo, viết được một bài như thế là đã sướng lắm rồi. Nhưng với riêng tôi, tôi luôn chờ một tiếng vọng sau những bài như thế." (Lao động, 11 / 10 / 2001).

Ngôn ngữ mang cái tôi trần thuật của tác giả thường giàu tính biểu cảm nên rất sinh động, dễ đi vào lòng người. Nó có thể gặp trong nhiều thể loại, nhưng phổ biến hơn cả là phóng sự, bút ký, ghi chép, v.v.



  1. Ngôn ngữ không mang "cái tôi" trần thuật của tác giả

Kiểu ngôn ngữ này, đến lượt mình, lại được thể hiện dưới hai hình thức sau:

a. Ngôn ngữ sự kiện

Ở đây, tác giả chỉ cố gắng miêu tả, tường thuật các sự kiện một cách khách quan như chúng vốn có trong thực tiễn, không để lộ rõ thái độ, tình cảm của mình. (Chúng tôi dùng từ "cố gắng" vì không thể có sự khách quan tuyệt đối, dù đó có là tác phẩm báo chí thuộc thể loại nào đi chăng nữa. Chỉ cần tác giả có một động thái đơn giản là sắp xếp các thành tố ngôn ngữ theo một trật tự nào đó, là vô hình trung anh ta đã tạo ra những điểm nhấn khác nhau, và bằng việc này, đã thể hiện một thái độ nhất định của mình đối với sự kiện . Có lẽ, do sắc thái biểu cảm trung tính của kiểu ngôn ngữ này mà nó được nhiều người gọi là "ngôn ngữ sự kiện".

Ví dụ:

"Sáng 5. 10. tại Trung tâm Triển lãm Hội chợ Việt Nam (Giảng Võ, Hà Nội) khai mạc Hội chợ Thương mại Hà Nội 2001. Hội chợ trưng bày, giới thiệu những thành tựu kinh tế, văn hoá, xã hội, các hoạt động thương mại, quy hoạch phát triển kinh tế, các dự án đầu tư của thành phố. 130 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế của thành phố Hà Nội và hai nước Trung Quốc, Cộng hoà Pháp tham gia giới thiệu các sản phẩm cơ khí, điện tử, điện lạnh, da giầy, dệt may, hoá được, thủ công mỹ nghệ, công nghệ thực phẩm, nông sản chế biến, hàng tiêu dùng...Trong thời gian diễn ra hội chợ, có các hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, trình diễn, thời trang và hội thảo. Ban tổ chức bình xét, tặng thưởng Huy chương vàng cho những sản phẩm chất lượng cao, được người tiêu dùng tín nhiệm. Hội chợ mở đến hết ngày 11. 10 . " (Nhân dân, 6 / 10 / 2001);



"Chính phủ Pháp vừa quyết định triển khai một khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 150.000 Phơ-răng (22.000 Ơ-rô) dành cho những người dân bị lũ lụt tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Khoản viện trợ này được triển khai qua Hội Chữ thập đỏ sẽ giúp mua gạo ngay để gửi tới nhân dân vùng bị thiên tai, nhất là những gia đình đặc biệt khó khăn." (Hà Nội mới, 5 / 10 / 2001).

Dễ dàng nhận thấy, ngôn ngữ sự kiện khá "khô khan", vì thế, nó chủ yếu gặp trong thể loại tin, là nơi sự hấp dẫn nằm ở ngay trong sự kiện chứ không phải ở cách thức biểu đạt bằng ngôn từ.



b.Ngôn ngữ bình giá

Kiểu ngôn ngữ này thường gặp trong các dạng bài như bình luận, phiếm luận, tiểu phẩm, ....Ở đó, tác giả không xưng "tôi" khi phân tích, bình luận các vấn đề, sự kiện, hiện tượng,...Chính hình thức vô nhân xưng như vậy đã làm cho các suy nghĩ, cảm xúc của anh ta trở nên khách quan hơn, bởi lẽ độc giả có cảm giác rằng chủ thể của các suy nghĩ, cảm xúc ấy không chỉ thuộc về một các nhân đơn lẻ nào đó, mà thuộc về cả một tập thể, một cộng đồng, thậm chí cả một xã hội.

Ví dụ:

Đòn ngoại giao
Trong khi Mỹ hùng hổ giáng đòn quân sự chống khủng bố ở Ap - ga - ni - xtan thì trên mặt trận ngoại giao, họ liên tiếp bị hai phản đòn.

Ngày 8. 10, khi tiếp đặc phái viên Mỹ tại Ma - xê - đô - ni - a, Giêm Pa - điu, Thủ tướng Ma - xê - đô - ni - a L. Giooc - ghi - ep - xki đã gọi Mỹ là " tên khủng bố lớn nhất thế giới ", Thủ tướng còn nhờ ông Pa - điu chuyển tới Tổng thống G. Bu - sơ nguyên văn lời nhận xét này. Quá đỗi ngạc nhiên, ông Pa - điu ngay lập tức đã rời văn phòng của Thủ tướng Giooc - ghi -ep - xki (tin Hãng BETA).

Cùng ngày 8.10, Xy - ri đã giành một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc với sự ủng hộ rộng rãi từ các quốc gia trên thế giới (160 trong số 178 nước tham gia ), bất chấp việc Mỹ liệt nước này vào danh sách các quốc gia " bảo trợ khủng bố" (tin Hãng AP).

Ngoại giao thật là thiên biến vạn hoá và lịch sử có khi người ta không nói ra sự thật, có khi lại nói toạc móng heo mà không kiêng nể gì. Để bày tỏ thái độ, có khi người ta nói bằng lời, có khi lại bằng lá phiếu mà lá phiếu thì thường thật hơn lời nói . " (Nhân dân, 13 / 10 /2001).

Nhân đây, có lẽ cũng cần phải nói thêm rằng, thảng hoặc, trong các bài viết có tính chất bình luận, nếu có đại từ nhân xưng, thì đó thường là đại từ số nhiều "chúng ta" - một đại từ có nhiệm vụ khách quan hoá "cái tôi" chủ quan của tác giả.

Ví dụ:

"... Chúng ta không quên quá khứ với những tội ác của đế quốc Mỹ đã chồng chất trên đất nước ta. Khồng quên nhưng chúng ta vẫn có thể tạm gác lại để hướng tới tương lai vì lợi ích của cả hai nước. Chúng ta có cả nhiều nghìn năm lịch sử mà không cần đến Mỹ, có cả nhiều chục năm chiến đấu và chiến thắng Mỹ cho nên hiện nay càng có đủ bản lĩnh, trí tuệ và tiềm lực để mở cửa, hội nhập, làm đối tác tin cậy với tất cả các nước, trong đó có Mỹ.



Chúng ta tin rằng, những chính sách ngang ngược và phi lý, trắng trợn và thâm độc của chính quyền Mỹ đối với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam, sẽ chỉ gây bất lợi và tổn hại cho nước Mỹ và nhân dân Mỹ. " (Nhà báo và Công luận, số 38 / 2001).

II. NGÔN NGỮ NHÂN VẬT

Ngôn ngữ nhân vật là ngôn ngữ của những đối tượng khác ngoài tác giả. Nó gồm hai kiểu chính dưới đây:

1. Ngôn ngữ nhân vật trực tiếp

Đó là những lời nói được trích dẫn trực tiếp, xuất hiện trong những tình huống đàm thoại, phỏng vấn. Xét theo hình thức xuất hiện, có thể chia ngôn ngữ nhân vật trực tiếp thành hai dạng:



a. Ngôn ngữ nhân vật là thành tố của cuộc đối thoại

Đây là cuộc đối thoại trực tiếp giữa nhân vật với tác giả, nó thể hiện vai trò của tác giả như một người trong cuộc, một nhân chứng đáng tin cậy của sự việc.

Trong trường hợp này, lời nhân vật là phản ứng đáp lại đối với phát ngôn trước đó của tác giả, vì thế đương nhiên nó sẽ bị phát ngôn này ràng buộc cả về hình thức lẫn nội dung.

Ví dụ:


"Tôi thở dài, ôm thằng bé 4 tuổi vào lòng:

- Thế chị cho cháu đi thật sao?

- Không! Chị nghĩ lại rồi, riêng thằng này, chị để nó lại".

(An ninh thế giới cuối tháng, số 7 /2003)



b. Ngôn ngữ nhân vật là lời độc thoại

Ở đây, nhân vật đóng vai người kể chuyện. Về mặt biểu hiện, phát ngôn của anh ta không phải là thành tố của một cuộc đối thoại (dù rằng trong thực tế, nó hoàn toàn có thể là phản ứng đáp lại trước một phát ngôn nào đó của tác giả, nói cách khác, nó có thể chỉ là phần nổi của một cuộc đối thoại có những thành tố bị lược bớt, bị "chìm"). Hình thức độc thoại như vậy có tác dụng nhấn mạnh tính khách quan của lời kể và tính chủ động của nhân vật. Bên cạnh đó, nó cũng góp phần trừu tượng hoá vai trò của cái "tôi" tác giả, gợi cảm giác là tác giả không can thiệp vào hoạt động ngôn từ của nhân vật nhằm định hướng nó đi theo những ý đồ nào đó.

Thông tin, nhờ thế, đạt tới độ khách quan, xác thực cao nhất.

Ví dụ:


"Chị Lê Thị Gần không giấu được niềm vui khi việc sản xuất của làng hương được êm chèo mát mái giữa mùa đông: "... Nghề hương có cái trắc tréo khó chịu lắm: suốt mùa đông cho đến giữa mùa xuân là khoảng thời gian bán chạy hàng, rứa mà giữa lúc mình cần làm mạnh, cần nắng để phơi hương thì ông trời lại mưa miết nên làm ra cây hương khổ nhọc lắm. Năm nay ông trời thuận cho người làm hương, làm răng mình không vui được”.

(Sài Gòn giải phóng, số 11/10/2003)

Về nguyên tắc, ngôn ngữ nhân vật trực tiếp thường mang dấu ấn cá nhân rất rõ nét. Nó thể hiện khá đầy đủ các đặc điểm của chủ thể phát ngôn: từ giới tính, tuổi tác, quê quán cho đến trình độ, nghề nghiệp, tính cách,... Tất nhiên, khi xuất hiện trên báo in, rất có thể ngôn ngữ nhân vật đã mất đi cái dáng vẻ nguyên sơ như nó vốn có trong đời thực vì nó đã trải qua sự nhào nặn dưới ngòi bút tác giả hoặc biên tập viên. Còn ngôn ngữ nhân vật trên truyền hình hay phát thanh là bức tranh rất chân thực về con người của anh ta, vì nó đến với người nghe một cách trực tiếp, không qua trung gian cho nên vẫn giữ được nguyên vẹn các sắc vẻ cá nhân của người nói.

Ví dụ:


"Đối diện với chúng tôi là một phụ nữ chừng 60 tuổi, tóc đốm bạc, da trắng xanh cớm nắng, khuôn mặt tròn, chiếc kính đen trễ nải để lộ con mắt trái khép kín. Mắt phải chỉ còn he hé không thấy biểu hiện phản xạ ánh sáng. Chị cười buồn:

- Răng biết tui ở đây mà nhà báo tìm đến? - Không đợi câu trả lời, chị tiếp - Người ta nói "giàu hai con mắt", rứa mà bên ni (chỉ mắt trái) đã hai mươi năm nay tối hẳn. Còn bên phải mỗi ngày mỗi mờ, vài năm nay cũng nỏ thấy chi nữa." (Lao động, 4 / 10 / 2001);

"PV: - Tại sao vài năm nay ông không đóng phim?

NSND Trịnh Thịnh: - Tôi từ chối rất nhiều, cả phim truyền hình lẫn quảng cáo. 75 tuổi, vẫn nhiều người mời đóng, quý quá chứ, nhưng vì hai lẽ: thứ nhất là chất lượng kịch bản không vừa ý, thứ hai là sức khoẻ (tôi bị huyết áp cao và thận), không thể đua theo tốc độ làm phim chóng mặt bây giờ. Xưa, mình làm phim nhựa, đóng vài tháng mới xong, quen rồi. Giờ nhanh quá, có khi lại ẩu, chẳng có thời gian nghiên cứu nhân vật, chọn cách diễn, chỗ nhấn nhá để cho nó có sức sống. Mà khi nhân vật trong kịch bản lại mờ nhạt, thì tôi cũng không thể "gột" nó lên. Biết không như ý, thì thà không nhận còn hơn. Dừng lại đúng lúc có cái hay của nó." (Thể thao và Văn hoá, 2 / 10 / 2001).

Rõ ràng là ngôn ngữ nhân vật trực tiếp, nếu được tác giả tái hiện một cách trung thành (tất nhiên không vượt quá giới hạn mà sự chuẩn mực cho phép) so với nguyên gốc, luôn mang những đặc trưng rất rõ nét của phong cách khẩu ngữ.

2. Ngôn ngữ nhân vật gián tiếp

Đây là trường hợp tác giả dùng lời của mình để diễn đạt lại nội dung các phát ngôn của nhân vật.

Ví dụ:

"Ktam đang học lớp 7 trường PT Dân tộc nội trú Lạc Dương thì bố mẹ bắt ở nhà để nhà gái đến cưới. Không nỡ bỏ trường, xa bạn bè thầy cô thân thương và quan trọng hơn Ktam muốn có cái chữ để sau này cuộc sống may ra đỡ vất vả hơn. Sau nhiều ngày đấu tranh tư tưởng, nếu không chịu vâng lời bố mẹ thì nhà gái sẽ phạt, mà mức phạt không "bèo" chút nào: 2 con trâu mập và 3 cái ché, tính ra cũng mất vài chục triệu chứ có ít đâu..."



(Chuyện dưới chân núi Langbiang - SGGP, ngày 29/8/2003)

"...Về nhà, thằng Ha Klãi được canh giữ cẩn thận vì hễ nhìn thấy người là nó khóc rú lên. Mãi đến hơn một tháng sau nó mới quen trở lại "kiểu sống con người". Nó kể rằng: hôm đó nó đang chơi với ông nội phía sau nhà thì "con ma" từ trong rừng sâu hiện ra và dẫn nó đi. Vào rừng, nó được một cặp "vợ chồng" vượn già hái trái cây cho ăn và bẻ lá cho nó nằm ngủ vào ban đêm...Cứ như thế cho đến ngày nó bị dân làng phát hiện và bắt về..."

(Lao Động, 25/11/2003)

Ngôn ngữ nhân vật gián tiếp gặp chủ yếu trong phóng sự, bút ký, ghi chép,..Nó một mặt làm cho giọng điệu của tác phẩm báo chí trở nên đa dạng, linh hoạt hơn; mặt khác, thể hiện vai trò tổ chức các thành tố nội dung của tác giả rõ nét hơn. Vì như chúng ta đều biết, nếu những bài viết thuộc các thể loại trên có quá nhiều ngôn ngữ nhân vật trực tiếp thì chúng vừa khô cứng, đơn điệu (giống như diễn đàn để nhân vật làm công việc phát ngôn thuần tuý) lại vừa làm lu mờ dấu ấn sáng tạo của tác giả (tác giả chỉ biết chép lại lời người khác). Bên cạnh đó, ngôn ngữ nhân vật gián tiếp còn tạo đièu kiện cho tác giả bộ lộ thái độ, tình cảm của mình đối với sự việc, hiện tượng được nói tới một cách rõ ràng, công khai.


Ngôn ngữ nhân vật có mặt trong nhiều thể loại như phỏng vấn, đối thoại, phóng sự, bút ký, chi chép,...Với mỗi thể loại, nó có vai trò và vị trí riêng, và điều này thể hiện rõ nét ngay trong "liều lượng" sử dụng. Chẳng hạn, ở phỏng vấn, ngôn ngữ nhân vật, do tính chất đặc thù của thể loại, luôn giữ vai trò chủ đạo, lấn át hoàn toàn ngôn ngữ tác giả; còn trong phóng sự, ngược lại, do ngôn ngữ nhân vật chỉ có chức năng làm tăng độ xác thực của thông tin và tạo sự sinh động cho văn phong của tác giả, cho nên nó thường chiếm một dung lượng nhỏ hơn nhiều so với ngôn ngữ tác giả.1

Nhìn chung, về nguyên tắc, trong các tác phẩm báo chí, giữa ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật luôn có sự tách bạch và người ta có thể nhận diện chúng không mấy khó khăn. Song bên cạnh đó, cũng có không ít trường hợp ranh giới giữa ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật bị xoá nhoà. Ấy là khi tác giả vận dụng tính ước lệ vốn đặc trưng cho bút pháp văn học để xây dựng tác phẩm. Có thể xem tiểu phẩm "Lời cầu xin của rắn" của Trần Mạnh Hảo là một ví dụ điển hình:

"Em là một con rắn hổ mang đực vừa mới lấy vợ được năm phút, thì thưưong thay, vợ em bị phường bắt rắn đến bắt sống cho vào bao tải xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì cố giữ lấy giống nòi, em mới chạy thục mạng, xin tị nạn tại khu nuôi rắn Tư Dược Quân khu 9. Giờ đây, em chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là cung cấp nọc độc cho các bác làm thuốc cứu người. Em xin thay mặt cho hàng triệu con rắn đang chết đuối trong các hũ rượu, hàng nghìn bạn bè đang bị cắt tiết pha rượu trong tiệc nhậu, hoặc đang bị xẻ thịt xào lăn, cho hàng tạ, hàng tạ con rắn mẹ trong các bao tải kìn kìn chở ra biên giới cầu xin các bác đừng huỷ diệt loài rắn chúng em. Nhân mùa xuân con rắn, em xin được có nhời tâm sự như sau..." (An ninh thế giới, Xuân Tân tỵ, 2001).

Trong tiểu phẩm trên, từ đầu đến cuối chỉ có lời kể của một con rắn xưng ở ngôi thứ nhất "em". Dễ dàng nhận thấy về hình thức, đây là ngôn ngữ nhân vật, nhưng về bản chất, đó lại là ngôn ngữ tác giả. Vì tác giả đã hoá thân vào nhân vật, nói về những điều mà nhân vật đang trăn trở, suy tư nhưng khó nói hoặc không thể nói (với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này). Và chính cái kiểu "đóng vai" như vậy đã giúp cho bài viết, dù đề cập những vấn đề lớn, vẫn có một giọng điệu nhẹ nhàng và một dáng vẻ sinh động, hấp dẫn.

Trên đây là một số suy nghĩ của chúng tôi về ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm báo chí. Hy vọng, chúng sẽ phần nào giúp cho những ai quan tâm có một cái nhìn khái quát nhất về vấn đề khá quan trọng và thú vị nhưng chưa được đầu tư nghiên cứu đúng mức này.

-------------------------



Chú thích:

1 Trong thực tế, vẫn có phóng sự mà ở đó ngôn ngữ tác giả bị ngôn ngữ nhân vật lấn át. Chẳng hạn trong phóng sự "Gặp ông hai chấm mở ngoặc kép" của Nguyễn Quang Vinh đăng trên báo Lao động ngày 17 / 2 / 2003 hầu như chỉ có ngôn ngữ nhân vật. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy rất hiếm.

Tài liệu tham khảo


  1. Nguyễn Đức Dũng, Sáng tạo tác phẩm báo chí, Nxb. Văn hoá - Thông tin, 2001.

  2. Vũ Quang Hào, Ngôn ngữ báo chí, Nxb. Đại học quốc gia, H., 2001.

  3. Nguyễn Tri Niên, Ngôn ngữ báo chí, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2003.

  4. Phân viện Báo chí và Tuyên truyền - Khoa Báo chí, Báo chí - những điểm nhìn từ thực tiễn, T. 1, 2, Nxb. Văn hoá - Thông tin, H., 2001.

5. Viện Ngôn ngữ học, Học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Khoa học xã hội, H., 1980.

Bài đã đăng trên tạp chí “Ngôn ngữ”, số 12/2005

VỀ NGÔN NGỮ BÁO PHÁT THANH
I. CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÔN NGỮ PHÁT THANH

Ngôn ngữ báo phát thanh, lẽ đương nhiên, mang trong mình tất cả các tính chất của ngôn ngữ báo chí nói chung. Song, bên cạnh đó, nó còn có một số nét riêng biệt sau đây:



  1. Ngôn ngữ phát thanh là ngôn ngữ nói ( ngôn ngữ âm thanh )

Đây là một phẩm chất vô cùng quý giá, vì ngôn ngữ nói hướng tới thính giác - một hệ thống tri giác hoàn hảo nhất của con người. Theo các chuyên gia thì dung lượng thông tin mà con người chuyển tải hay tiếp nhận được nhờ thính giác và ngôn ngữ nói lớn gấp ba lần so với lượng thông tin mà anh ta chuyển tải hay tiếp nhận bằng con đường thị giác - đọc hoặc viết. Nguyên do là bởi ngôn ngữ nói, ngoài thông tin nằm trong ý nghĩa của ngôn từ, còn mang trong mình một thông tin bổ trợ đáng kể khác được thể hiện qua chất giọng, qua ngữ điệu, qua âm lượng. Nói là " bổ trợ " nhưng thực ra thông tin này có vai trò quan trọng không kém thông tin chính. Và trong không ít trường hợp, chính nó là nhân tố quyết định mức độ hiệu quả của việc tiếp nhận thông tin. Một bài viết trung bình nhưng do một người có chất giọng tốt và biết sử dụng ngữ điệu hợp lý, linh hoạt truyền đạt sẽ có sức tác động lớn hơn nhiều so với một bài viết hay nhưng do một người có chất giọng tồi và thường xuyên xử lý sai ngữ điệu trình bày. Không phải ngẫu nhiên mà nhà nghiên cứu ngôn ngữ phát thanh nổi tiếng người Mỹ W. Hofman đã nhận định: " Nội dung của từ ngữ làm người ta xúc động tới mức nào, thì âm thanh của tiếng nói cũng có thể làm người ta rung cảm tới chừng ấy "1.

2. Ngôn ngữ phát thanh thiên về hình thức độc thoại tuy có sử dụng nhiều phương tiện của đối thoại

Có lẽ trước hết chúng ta nên tìm hiểu về hai khái niệm " độc thoại " và " đối thoại ".

" Độc thoại " là sản phẩm ngôn ngữ của một cá nhân trong hoàn cảnh giao tiếp chỉ có anh ta là người nói. Theo nhà ngôn ngữ học L. V. Serba ( Nga ) " đây là hệ thống có tổ chức cao của các ý tưởng được biểu đạt qua ngôn từ, nhằm tác động có chủ đích tới những người xung quanh "2.

Còn đối thoại là một chuỗi những lời hồi đáp với tư cách là những phản ứng qua lại giữa ít nhất hai cá thể nào đó.

Nhưng ở đây cần bổ sung thêm ngay rằng những lời hồi đáp có dung lượng quá lớn ( gồm nhiều câu và thể hiện trọn vẹn một chủ đề nào đó ) cũng được xem là độc thoại. Điều này có nghĩa là độc thoại có thể tồn tại ngay trong đối thoại.

Với cách hiểu như trên của ngôn ngữ học về " độc thoại " và " đối thoại ", chúng ta thấy ngôn ngữ phát thanh có khuynh hướng độc thoại rất rõ nét. Phần lớn các thể loại của báo phát thanh như bình luận phóng sự, phản ánh, câu chuyện phóng viên, điểm tin, tiểu phẩm,.. đều mang tính chất độc thoại. Rồi ngay cả một số ít thể loại vốn được coi là thuộc kiểu đối thoại như phỏng vấn, đàm thoại bàn tròn thực ra cũng không thuần chất chỉ là đối thoại. Bởi vì trong chúng có không ít những lời hồi đáp mang tính chất độc thoại.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể phủ nhận là độc thoại trên báo phát thanh ngày càng dùng nhiều hơn các phương tiện của đối thoại.. Chẳng hạn, trước khi bắt đầu độc thoại về một vấn đề, sự kiện hay hiện tượng nào đó, người ta có thể xây dựng một tình huống đối thoại giữa hai người nhằm tạo sự sinh động để thu hút sự chú ý. Rồi trong quá trình độc thoại, người ta thường xuyên sử dụng các từ ngữ, cách diễn đạt,... đặc trưng cho ngôn ngữ đối thoại để người nghe thấy gần gũi, có cảm giác là nhà báo đang trò chuyện trực tiếp với mình, và do vậy, hiệu quả tiếp nhận thông tin sẽ cao hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng các phương tiện của đối thoại chỉ là thủ pháp tăng cường giá trị biểu cảm cho ngôn từ chứ không thể làm thay đổi bản chất của độc thoại, khiến nó trở thành đối thoại.

3. Ngôn ngữ phát thanh luôn mang dấu ấn cá nhân rõ nét của người nói hay người đọc

Mức độ của nó tuỳ thuộc vào từng thể loại, từng tình huống giao tiếp cụ thể. Khi người truyền tin là phát thanh viên, dấu ấn cá nhân có vẻ như bị hạn chế tới mức thấp nhất, song người ta vẫn nhận thấy thái độ cảm xúc của anh ta đối với bài viết thông qua giọng điệu. Còn nếu như người truyền tin là tác giả bài viết ( phóng viên, biên tập viên ) thì dấu ấn cá nhân rõ nét hơn nhiều. Khảo cứu cho thấy, lời nói của những người chưa từng qua các khoá đầo tạo đặc biệt về đọc, nói, luyện giọng ( tức là họ không phải là phát thanh viên hay nhà hùng biện chuyên nghiệp ) thường là công cụ biểu đạt hết sức tinh tế trạng thái tâm lý đích thực cũng như nhiều đặc điểm của người phát ngôn. Có lẽ đây là lý do khiến cho nhiều đài phát thanh trên thế giới thường xuyên yêu cầu các chủ thể sáng tạo trình bày ngay chính tác phẩm của họ trước micrô. Bởi điều này tạo điều kiện cho thính giả giải toả được nhu cầu: khám phá một cá thể mới với những nét riêng tư trong đời sống nội tâm của anh ta. Đây là một nhu cầu hết sức tự nhiên và nhân bản, nó luôn mang tính cấp thiết trong bất cứ thời đại nào, đúng như Hecxen viết: " Con người luôn muốn xâm nhập vào cá thể khác, muốn chạm tới từng thớ mạch li ti của trái tim người khác để lắng nghe nhịp đập của nó. Anh ta so sánh, kiểm chứng, tìm kiếm sự khẳng định, sự đồng cảm, sự biện hộ "3.



4. Ngôn ngữ phát thanh không có khả năng được minh hoạ bằng hình ảnh

Đây là mặt khác biệt, đồng thời cũng là mặt hạn chế của nó so với truyền hình và báo in. Tuy nhiên, ngôn ngữ phát thanh đã tìm thấy sự minh hoạ cho mình ở các nguồn khác cũng nằm trong chính thế giới của âm thanh. Đó là các băng ghi âm tư liệu, là tiếng động, là âm nhạc, và đặc biệt là các đặc tính vật chất và hình tượng của ngôn từ cất thành tiếng. Có thể nói, nhà báo phát thanh phải vẽ nên hình ảnh bằng âm thanh. Thực tế cho thấy là các tác phẩm báo phát thanh hay, có sức tác động lớn bao giờ cũng có ngôn ngữ hết sức sống động, giàu hình ảnh, có tính trực quan cao, chắp cánh cho sự tưởng tượng của người nghe, khiến cho họ có cảm giác đang được chứng kiến sự việc xảy ra ngay trước mặt mình; bên cạnh đó, nó còn phải được trình bày bởi một chất giọng tốt, lên bổng xuống trầm, tăng giảm tốc độ âm thanh một cách hợp lý.

Hiện nay, đang có nhiều ý kiến cho rằng hạn chế về phương diện hình ảnh của báo phát thanh rất có thể lại trở thành ưu thế của nó, vấn đề là sử dụng ngôn ngữ âm thanh như thế nào. Quả vậy, nếu biết sử dụng ngôn từ khéo léo và linh hoạt, nhà báo phát thanh có khă năng kích thích tư duy sáng tạo của người nghe, làm cho họ luôn đóng vai trò tích cực trong việc tiếp nhận thông tin. Trong khi đó thì ở truyền hình, do được cung cấp quá đầy đủ thông tin ở cả hai bình diện hình ảnh lẫn ngôn từ, khán giả ít phải tư duy hơn nên dần dần trở nên thụ động mỗi khi tham gia vào kênh giao tiếp này.

5. Ngôn ngữ phát thanh, cũng như ngôn ngữ truyền hình, có tính hình tuyến

Các tín hiệu của ngôn ngữ phát thanh xuất hiện lần lượt, cái này tiếp theo sau cái kia, tạo thành dòng chảy liên tục, theo bề rộng một chiều của thời gian. Và người nghe phải tiếp nhận chúng một cách tức thời cho nên họ không có khả năng quay lại với điều chưa hiểu hoặc đầu tư thời gian để nghiền ngẫm thấu đáo điều đã lĩnh hội được. Chính vì thế, bất cứ sai sót nào ( hay chỉ đơn giản là sự chưa quen tai ) của ngôn ngữ phát thanh cũng khiến cho thính giả phải dừng lại để suy nghĩ, tìm hiểu và có nghĩa là không còn tập trung tư tưởng để nghe các thông tin kế tiếp nữa. Kết quả là cái thì đựoc hiểu mơ hồ, cái thì bị bỏ qua. Và như vậy thì tính hiệu quả của chương trình bị giảm sút đáng kể. Xuất phát từ đây, yêu cầu đặt ra đối với ngôn ngữ phát thanh là: Chính xác, đơn nghĩa, rõ ràng, dễ hiểu.

Nói đến tính hình tuyến của tín hiệu ngôn ngữ, không thể không nói đến quan hệ ngữ đoạn như là hệ quả của nó. Theo quan hệ này, các đơn vị ngôn ngữ khi đứng cạnh nhau sẽ quy định lẫn nhau và cho ta những kết hợp gọi là ngữ đoạn. Trong ngôn ngữ phát thanh, biểu hiện nổi bật nhất của quan hệ ngữ đoạn là việc ngắt đoạn khi nói, khi đọc. Do đó, đây là điều cần được các nhà báo phát thanh đặc biệt quan tâm. Cùng một sản phẩm ngôn từ, nếu được ngắt đoạn ở những chỗ khác nhau, sẽ biểu đạt các ý nghĩa khác nhau. Còn nếu ngắt đoạn sai thì tính chỉnh thể về mặt kết cấu của sản phẩm ngôn từ đó bị phá vỡ, hậu quả là người nghe khó hiểu được đúng nội dung của nó.

II. MỘT SỐ GỢI Ý SỬ DỤNG NGÔN TỪ TRONG PHÁT THANH



  1. Nên hạn chế sử dụng từ ngữ địa phương

Những từ ngữ này, ở mức độ nào đó, có khả năng tăng cường tính biểu cảm của ngôn ngữ phát thanh. Thế nhưng, về phạm vi hành chức, chúng chỉ gắn liền với một địa phương nhất định nào đó nên có thể gây khó khăn cho các thính giả là người sống ở các khu vực khác.

  1. Tránh lạm dụng việc vay mượn từ ngữ từ tiếng nước ngoài

Nếu nhất thiết phải vay mượn thì chỉ nên chọn những từ ngữ có tính phổ cập rộng rãi, và cố gắng phát âm chuẩn xác theo chuẩn mực đã được thừa nhận. Vì không ít trường hợp cho thấy, những từ ngữ được vay mượn từ tiếng nước ngoài, nếu không thông dụng hoặc được phát âm không đúng, thường trở thành những " hạt sạn " cản trở người nghe tiếp nhận thông tin.

3. Đối với các thuật ngữ chuyên ngành ít gặp hay mới mẻ, nên diễn đạt bằng cách khác sao cho quảng đại quần chúng dễ hiểu

Đừng bao giờ bắt chước cách nói, cách dùng từ của các nhà chuyên môn mà chỉ có người trong giới mới hiểu được.



4. Tránh đưa ra quá nhiều con số trong một văn bản phát thanh

Việc đưa ra các con số nên có liều lượng vừa phải, nếu không người nghe sẽ thấy choáng ngợp, căng thẳng, không còn đủ sự tỉnh táo cũng như hứng thú để nghe và lĩnh hội các thông tin khác; bên cạnh đó, các con số cũng cần được làm tròn cho dễ nhớ.



5. Cố gắng đọc hoặc nói trước micrô thật diễn cảm ( tất nhiên là ở mức độ mà khả năng cho phép )

Qua giọng điệu phải thật sự " thả hồn " của mình vào nội dung tác phẩm thì nó mới có sức tác động lớn đối với người nghe. Còn kiểu nói hay đọc với âm điệu đều đều, đơn điệu, tẻ nhạt dễ gây cảm giác là chính người chuyển tải thông tin cũng " vô cảm " trước những gì mình đang trình bày. Và điều đó dễ dàng giết chết mọi cảm xúc cũng như sự quan tâm của người nghe.



6. Cần tránh những câu văn có thể tạo nên nhiều cách hiểu

Vì sự " mơ hồ " về nghĩa như vậy của chúng dễ làm cho người nghe bị phân tán tư tưởng hoặc hiểu sai, hiểu lệch chủ ý của tác giả.

Dưới đây là hai ví dụ về câu mơ hồ về nghĩa:

a, Điều đó thể hiện thái độ quyết tâm cao chống tệ nạn buôn lậu của Uỷ ban Nhân dân ( UBND ).

b, Chống lây lan và sống chung với AIDS.

Các câu trên ít nhất có hai cách hiểu:

a, Thái độ quyết tâm cao của UBND.

- Tệ nạn buôn lậu của UBND.

b, Chống lây lan và chống sống chung với AIDS.


  • Chống lây lan và nên sống chung với AIDS.

7. Cần hết sức kiệm lời

Trong báo phát thanh, người nghe, do phải lĩnh hội thông tin một cách tức thời, chỉ có thể tập trung sự chú ý của mình trong một khoảng thời gian ngắn. Vì lẽ đó, trong số các cách diễn đạt có thể với cùng một nội dung, nên chọn cách diễn đạt ngắn gọn nhất mà vẫn chuyển tải được đầy đủ lượng thông tin cần thiết.



8. Nên chú ý khai thác các biện pháp tu từ ngữ âm để ngôn ngữ phát thanh sinh động, hấp dẫn và có ý nghĩa sâu sắc hơn

Nhà báo phát thanh có thể vận dụng những biện pháp cơ bản dưới đây:

a, Biện pháp hoà phối thanh điệu: Là biện pháp lựa chọn và kết hợp các yếu tố âm thanh sao cho hài hoà để các câu văn trở nên dễ nghe, dễ đọc hơn.

Trong văn xuôi, để tạo sự hài hoà về thanh điệu, người ta thường sử dụng sự luân phiên thanh điệu thuộc hai nhóm bằng ( gồm thanh huyền và thanh ngang ) và trắc ( gồm thanh hỏi, thanh ngã, thanh sắc và thanh nặng ) ở âm tiết của các câu hợc thành phần câu. Ví dụ:

"... Chắc là rượu bổ ( T ). Có rẻ cũng phải ba bốn đồng ( B ). Ý tất người ta có định lấy con mình ( B ) thì người ta mới chịu bỏ tiền mua rượu biếu chứ ( T ). Vả lại, bây giờ hạng thông, ký, phán lấy vợ nhà quê kể cũng thường ( B ). ( Nam Cao ).

" Được đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ chín ( T ), ông xúc động nói: " Đảng đã sinh ra tôi lần thứ hai ( B ) ". ( Đài TNVN, 20 / 4 / 2001 ).

" 15 năm qua ( B ), văn hoá văn nghệ đã đạt được nhiều thành tựu ( T ) trong các lĩnh vực, nghiên cứu, sáng tác, phê bình ( B ) ". ( Đài TNVN ).

Biện pháp hoà phối thanh điệu có tính phổ cập hết sức rộng rãi. Hầu hết các biện pháp tu từ ngữ âm khác, khi được vận dụng, đều phải ở mức độ này hay mức độ khác, kết hợp với nó.

b, Biện pháp lặp số lượng âm tiết: Là biện pháp sử dụng các câu văn có số lượng âm tiết như nhau ở cạnh nhau để tạo nên âm hưởng của thơ ca. Ví dụ:

" Núi rừng vẫn ngút ngàn, rậm rạp. Đường đi tắt nhỏ teo hoang vu ". ( Hồ Phương ).

" Trận lụt chưa rút. Nước vẫn mênh mông ". ( Nguyễn Sáng ).

c, Biện pháp lặp vần: Là biện pháp sử dụng các âm tiết có khuôn vần giống nhau nhằm tạo nhạc tính cho câu văn. Ví dụ:

" Tre trông thanh cao giản dị, chí khí như người. Nhà thơ đã có lần ca ngợi: Bóng tre trùm mát rượi ". ( Thép Mới ).

"... Dân làng thi nhau sắm thuyền bè đi tìm vàng trên khắp các lạch sông nguồn suối. Ngót chục năm trôi qua, những người đàn ông cứ biền biệt ra đi. Vàng đâu chẳng thấy, cái mà họ đem về chỉ là những con nghiện, những giọt nước mắt tàn tạ và... cả một gánh nợ khó bề trả nổi ( ! ). Người ta bảo: Đó là một canh bạc với ông Giời ". ( Đỗ Doãn Hoàng ).

d, Biện pháp tạo nhịp điệu: Là biện pháp dùng những hình thức cân đối, nhịp nhàng của lời văn nhằm tạo nên một âm hưởng lôi cuốn, dễ đi vào lòng người.

Dưới đây là một số trường hợp diển hình về nhịp điệu:


  • Dùng những từ phản nghĩa đối nhau, ví dụ:

" Trong Việt Minh, đồng bào ta bắt tay nhau chặt chẽ, không phân biệt gái, trai, già, trẻ, lương giáo, giàu, nghèo. ( Hồ Chí Minh ).

  • Dùng những cụm từ, những vế, những đoạn câu đối nhau, ví dụ:

" Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước ". ( Hồ Chí Minh ).

- Vận dụng sự cân đối, nhịp nhàng, khúc chiết của các bộ phận trong một câu ghép ( thường được gọi là trường cú ), ví dụ:

" Nay, vì tình hình quốc tế, vì muốn tỏ lòng tin vào nước Pháp mới, và sự thành thực của những người đại diện cho Chính phủ Pháp, và tin vào sự hoàn toàn độc lập của tương lai nước nhà, tôi cùng Chính phủ ta ký bản hiệp định sơ bộ với Chính phủ Pháp.( Hồ Chí Minh ).

Trong câu văn trên, về mặt tiết tấu, ngữ điệu có sự chia tách rõ rệt giữa hai bộ phận: bộ phận thức nhất từ đầu đến từ " nhà ", bộ phận thứ hai từ từ " tôi " cho đến hết.

Giọng nói được nâng cao dần ở bộ phận thứ nhất của câu, tạo ra một sự căng thẳng chờ đợi. Sau khi đã lên cao đến đỉnh điểm thì đánh dấu bằng một nhịp ngừng ngắt, tiếp theo đó hạ thấp rõ rệt ở bộ phận thứ hai, làm dịu đi sự căng thẳng chờ đợi.

d, Biện pháp tạo âm hưởng chung: Là biện pháp phối hợp âm thanh, nhịp điệu của câu văn không phải chỉ cốt tạo ra một sự cân đối nhịp nhàng, êm ái, du dương, mà cao hơn thế, phải tạo ra được một âm hưởng hoà quyện với nội dung hình tượng của cả đoạn văn, thậm chí toàn văn bản. Ví dụ: " Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt bắc, tre ngút ngàn Điện Biên, luỹ tre thân mật làng tôi. Đâu đâu cũng có nứa tre làm bạn.

... Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép quân thù. Tre xung phong vào xe tăng đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hy sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động. Tre, anh hùng chiến đấu! ( Thép Mới ).

Trong các đoạn văn trên, sự luân phiên thanh điệu bằng, trắc, sự thay đổi nhịp điệu mau thưa, sự phối hợp câu dài với câu ngắn... đã tạo nên cái chất thơ, chất nhạc hoàn toàn hoà quyện với nội dung trữ tình, với cảm xúc say sưa, mạnh mẽ của tác giả đối với đất nước thông qua hình tượng cây tre.4

Thực tế cho thấy, các biện pháp tu từ ngữ âm nói trên hầu như không bao giờ xuất hiện đơn lẻ: Mỗi biện pháp thường chỉ xuất hiện đồng thời với các biện pháp khác. Chính vì vậy, chúng thường mang sức mạnh được cộng hưởng làm cho câu văn vừa trở nên gợi cảm về mặt âm thanh, vừa được bổ sung thêm những khía cạnh nhất định về mặt ý nghĩa.




Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương