HOÀng anh một số VẤN ĐỀ VỀ SỬ DỤng ngôn từ trên báo chí HÀ NỘI – 2003 MỤc lụC


VIỆC SỬ DỤNG CHẤT LIỆU VĂN HỌC TRONG TÁC PHẨM BÁO CHÍ



trang3/11
Chuyển đổi dữ liệu23.07.2016
Kích1 Mb.
#2149
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

VIỆC SỬ DỤNG CHẤT LIỆU VĂN HỌC TRONG TÁC PHẨM BÁO CHÍ


Khi nói về mối quan hệ qua lại hết sức mật thiết giữa văn học và báo chí, không thể bỏ qua một khía cạnh rằng: văn học chính là nguồn chất liệu dồi dào và quí giá cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí.

Thực vậy, trong các tác phẩm báo chí thuộc nhiều thể loại khác nhau, chúng ta thường xuyên bắt gặp vô số các chất liệu văn học. Các chất liệu này, nếu được dùng đúng chỗ và đúng liều lượng, luôn mang lại giá trị to lớn: đó là làm cho bài báo trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ lĩnh hội, hay nói một cách ngắn gọn là đạt hiệu quả giao tiếp cao hơn.

Khảo sát sơ bộ cho thấy, việc sử dụng chất liệu văn học trong báo chí thường được thực hiện theo một số kiểu cơ bản sau đây:

1. Mượn cốt truyện hoặc tình tiết từ tác phẩm văn học.

Ở đây, xảy ra hai khuynh hướng:



a, Kể lại ( thường là ở dạng tóm tắt ) toàn bộ cốt truyện hay chỉ là một tình tiết của tác phẩm văn học, để tạo cơ sở liên hệ, so sánh. Rồi từ đó, nói về một vấn đề, một sự kiện hiện tại có những nét tương tự. Ví dụ:

" Lại nói Quan Công trên đường trở về với Lưu Bị, qua 4 cửa ải đã giết 5 tướng Tào. Bây giờ đang đi đến cửa sông Hoàng Hà, Tân Kỳ ra chặn đường .Quan Công bảo:" Ta đã giết những đứa ngăn trở ta giữa đường, mi có biết không? ". Kỳ đáp: " Mi chỉ giết được các tướng hèn, vô danh, chứ mi dám đụng đến ta à? ". Quan Công hỏi: "Mày đã bằng Nhan Lương, Văn Sú chưa? ". Tân Kỳ cả giận, tế ngựa lại đánh. Chưa được một hiệp, đao Quan Công vừa giơ lên, đầu Tân Kỳ đã rơi xuống lăn long lóc dưới mặt đất. .....



Nay trở lại với VCK U. 16 Châu Á vừa kết thúc tại Đà Nẵng. Tuyển U. 16 Việt Nam đã vượt qua các cửa ải của bảng A để lọt vào vòng bán kết gặp Iran. Nhưng hỡi ôi!..."

( Lao động , 22 / 9 / 2000 )

Trong các bài viết thuộc loại này, chính sự chuyển đổi bất ngờ từ quá khứ sang hiện tại và sắc màu tương phản giữa cổ và kim đã tạo nên sự thú vị cho độc giả. Họ vừa được "gợi nhắc " về tích cũ, vừa được tiếp nhận thông tin mới liên quan tới một vấn đề bức xúc nào đó trong xã hội.



b, Đưa vào cốt truyện ( chủ yếu là của các tác phẩm văn học cổ ) những tình tiết, dữ liệu hiện đại.

Nói cách khác, trên cái khung của cốt truyện cổ người ta đã đắp vào những mảng hiện thực thời nay. Ví dụ:



" Roãn Tháu lúc nhỏ học ông Trịnh Duân, cốt là theo nghề khoa cử. Khoa thi nọ, đến bộ môn văn đầu bài ra câu luận " Chu Nguyên Hựu chư thần ", tức là luận về sự giết bầy tôi đời Nguyên Hựu, ý sâu xa là muốn nâng cao vai trò của ông vua lúc đó là Tịnh Khang lên, dìm đời vua trước đã lâu là Triết Tôn xuống.

Roãn Tháu đỗ điểm cao, loanh quanh được bổ về làm giám đốc một nông trường.

Tự dưng có mấy gia đình nghèo từ xa đến khai phá đất hoang ở cạnh nông trường của Roãn Tháu, loanh quanh chỉ mấy năm mà vùng đất hoang vu, khô cằn nọ trở nên xanh tốt. Thấy vậy, Roãn Tháu nổi tà tâm, mang bản đồ đến doạ những người ít chữ, bảo là họ đã chiếm đất của nông trường, mấy người dân cày không biết hư thật đành dọn đến vùng hoang vu gần đó. Roãn Tháu chiếm vườn tược của họ làm đất riêng của mình.

Như cái kim trong bọc, đến ngày nọ nó phải lòi ra..."

( Lao động, 29 / 9 / 2000 )

Ở bài viết kiểu trên, sự đan xen giữa tích cũ và chuyện mới không chỉ làm gia tăng sức biểu cảm của ngôn từ, mà còn làm cho sự phê phán hay mỉa mai, châm biếm trở nên thâm thuý mà vẫn nhẹ nhàng, dễ tiếp nhận hơn...

Nhìn chung, việc mượn cốt truyện hay tình tiết từ tác phẩm văn học thường được dùng trong các dạng bài như bình luận, phóng sự, ghi chép, bút ký và tiểu phẩm.



2, Mượn hình ảnh các nhân vật văn học

Đây là hình ảnh của các nhân vật văn học vốn từ lâu đã trở nên quen thuộc, gần gũi với quảng đại quần chúng, tới mức người viết báo có thể viện dẫn chúng như là biểu tượng của những đặc điểm, tính chất nào đó mà không cần chú giải. Chẳng hạn: Sở Khanh là hiện thân của sự lừa lọc, xảo trá trong tình yêu; Chí Phèo tiêu biểu cho những kẻ lưu manh, côn đồ, luôn sẵn sàng "gào làng ăn vạ "; Tú Bà là tên gọi chung cho những kẻ buôn bán thân xác phụ nữ....

Ví dụ:

- " Người đàn ông ấy,nổi tiếng là một Don Juan (Đông Gioăng), đã cưới vợ tới lần thứ ba, và cũng như tổ tiên ông ta, có một hậu cung chứa toàn gái đẹp trong lâu đài của mình ở Bom bay ".



( An ninh thế giới, 7/ 9/ 2000)

" Nhưng cứ sống như cô bé 22 tuổi đầu người Sơn La, bị mụ Hoạn Thư người Nam Định thuê người tạt axit đến mù một mắt, rúm ró khuôn mặt cũng cầm bằng như đã chết ".

(Văn nghệ trẻ, 8 / 6 / 2000)

" Làng tôi thay đổi nhanh quá. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiến An như con cá vàng người làng tôi vừa bắt được ".

(Văn nghệ, 16 / 9 / 2000)

...Keegan cũng có thể gọi trở lại Lesaux, tiền vệ trái đang hồi phục phong độ của Chelsea, để quán xuyến hành lang bên trái vốn là "gót chân A sin " của đội tuyển Anh.

(Gia đình và Xã hội, số 89 / 2000)

- " Má già " mafia.

(Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh, 11 / 1 / 2001)

-Cái chết của " con nai vàng "17 tuổi.

(An ninh Thủ đô, 6 / 6 / 1999)

Những trường hợp vay mượn kiểu này không chỉ gặp trong các bài viết thuộc thể ký và bình luận, mà còn có mặt ở cả thể loại tin. Chúng giúp tác giả kiệm lời tới mức tối đa mà vẫn khắc hoạ được chân xác và đầy gợi cảm một con ngươì hay một sự việc nào đó.

3. Mượn từ ngữ, lối nói từ các tác phẩm văn học

Các chất liệu văn học thuộc loại này được sử dụng hết sức rộng rãi và linh hoạt. Chúng có thể đứng ở bất kỳ chỗ nào trong kết cấu của bài viết, từ tiêu đề cho đến các câu trong đoạn văn.

Ở tiêu đề, ví dụ: " Hôm qua em đi tỉnh về..."( Công an Thành phố HCM. , 26 /1 2 / 2000) ; " Quê hương nếu ai không nhớ..."(Hà Nội mới, Tết Mậu Dần ); " Tình trong như đã.. " (Gia đình, số 5 / 2001); " Hai nửa vầng trăng " ( Lao động, 5 / 12 / 2000 ); " Càng ngắm càng say " (Nhân dân hàng tháng, số11 / 1998)...Ở các vị trí khác, ví dụ: " Mải miết đi hoài, ngoảnh trông lại, bất giác đoạn " Đà Giang độc bắc lưu " vụt hiện ra ngang tầm mắt, ấy là lúc chúng tôi gặp bản người Dao lấp ló trên các sườn đồi " (Quân đội Nhân dân, 5/ 3 / 2000); " Về Đông Hồ bây giờ thấy Phà Hồ nhộn nhạo, những " cát trắng phẳng lì " của thi sĩ Hoàng Cầm xưa đã bị đào bới bởi đội quân gánh cát thuê " (Văn nghệ trẻ, 6 / 1 / 2000); "...vườn tược là một khái niệm xa xỉ ở "mảnh đất lắm người nhiều xe " này..." ( Sinh viên, số17/ 2000); "Bên cạnh đó, căn bệnh "thương nhớ đồng quê "của người xa xứ cũng đã len lỏi vào bảng hiệu, hàng loạt nhà hàng, quán bar có những cái tên như: Miền quê, Mái lá, Làng tôi, Tao ngộ..." (Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, số90/ 2000); "...Thuê nhà có nghĩa là chỉ ăn tạm ở nhờ một thời gian nhất định nào đó, làm gì cần tình làng nghĩa xóm dài lâu, vì thế quân " đạo chích " nhiều khi ở ngay sát vách nhưng người thuê cũng không biết mặt và dù " liền dậu mùng tơi " thì chúng cũng chẳng kiêng nể gì..." ( Phóng sự Thái Minh Châu, NXB Lao động, Hà Nội, 1999)...

Các từ ngữ, lối nói được vay mượn từ các tác phẩm văn học, như đã thấy, có thể là thơ mà cũng có thể là văn xuôi ( và tuỳ từng tình huống cụ thể mà chúng được giữ nguyên dạng hoặc cải biên chút ít ). Tuy nhiên, thơ có vẻ chiếm ưu thế, vì giữa những dòng chữ khô khan bề bộn thông tin, sự xuất hiện của những vần thơ làm cho giọng văn trở nên mềm mại, nhẹ nhàng và có sức truyền cảm lớn hơn so với văn xuôi.

Giá trị của thơ còn được bộc lộ rõ nét và đầy đủ hơn, khi trong một số tác phẩm ( đặc biệt là phóng sự , ghi chép ) có những tác giả đã trích dẫn không phải chỉ một câu thơ ( hay từ ngữ nằm trong phạm vi một câu thơ ), mà hẳn cả một đoạn thơ. Ví dụ:

" Hàng ngày trên các tuyến đường sắt nước ta, có bao nhiêu " thương gia tí hon ", những thương gia chân chính đang làm ăn bằng đạo lý nghề nghiệp như thằng Nam?...Nghĩ về các em, lại thấy những câu thơ xưa của Tế Hanh chưa cũ:



Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu

Nghìn đời không đủ sức đi mau

Có chi vương vấn trong hơi máy

Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau..."

(Thương mại, số 1, 2 / 1992)

" Côn Sơn ngút ngàn trong sương khói mưa bay và trùng điệp núi non đầy chất thơ, cái chất thơ đầy ngọt ngào sâu lắng lãng mạn của Côn Sơn đã làm một Nguyễn Trãi mê đắm:

Côn Sơn có suối nước trong

Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm

Côn Sơn có đá tần vần

Mưa tuôn đá sạch ta nằm ta chơi

Côn Sơn thông tốt ngất trời

Ngả nghiêng dưới bóng ta thời tự do..."

( Phóng sự Thái Minh Châu, Hà Nội, 1999)

Những đoạn thơ trên nhờ khả năng biểu cảm của mình, đã minh hoạ một cách sống động và hình ảnh các ý tưởng của tác giả. Thêm vào đó, chúng lại chiếm những vị trí độc lập trong bố cục của bài viết, cho nên đã tạo điều kiện cho độc giả được nghỉ ngơi thư giãn, giải toả bớt căng thẳng trong quá trình đọc, và điều này có nghĩa là hiệu quả tiếp nhận thông tin sẽ cao hơn.



Như vậy là chúng ta đã điểm qua đôi nét về việc sử dụng chất liệu văn học trên báo chí. Ở đây, tất nhiên, còn có thể bàn đến cả những hiện tượng dùng bút pháp văn học khi viết báo. Nhưng do khuôn khổ bài viết có hạn, mà vấn đề này lại quá lớn, nên chúng tôi tạm thời gác lại. Hy vọng, nó sẽ là chủ đề của một bài viết riêng sau này. ( Bài đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 7 / 2001 )

VỀ CÁCH SỬ DỤNG THÀNH NGỮ - TỤC NGỮ TRÊN BÁO CHÍ
Hiện nay, trong số các thủ pháp nhằm tạo giá trị biểu cảm cho ngôn ngữ báo chí, việc sử dụng thành ngữ tục ngữ đang được xem là thủ pháp phổ cập nhất và cũng hiệu quả nhất. Nguyên do là bởi thành ngữ - tục ngữ có những ưu thế nổi trội như: phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức; giàu hình ảnh, dễ sử dụng; và đặc biệt là có một số lượng lớn tới hàng ngàn đơn vị ( con số 12.000 thành ngữ - tục ngữ trong cuốn " Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt Nam " của Vũ Thuý Anh, Vũ Quang Hào- công trình sưu tập được xem là lớn nhất từ trước tới nay, chưa hẳn đã là con số cuối cùng )1...

Nhìn chung, thành ngữ - tục ngữ trong các tác phẩm báo chí được dùng dưới hai hình thức cơ bản sau đây:



  1. GIỮ NGUYÊN DẠNG

Ở đây các thành ngữ - tục ngữ được dùng nguyên vẹn cả cấu trúc như chúng vốn có, không bị thêm hoặc bớt các thành tố nào đó, ví dụ:

" Nguyên tắc " buôn có bạn, bán có phường " được tôn trọng sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững và cùng có lợi trong thế giới cạnh tranh sôi động này " ( Sinh viên Việt Nam, 14 / 8 / 2001 );

" Nói tóm lại, chuyện đội mũ bảo hiểm hoá ra không đơn giản chút nào. Cả nước xôn xao bàn chuyện mũ... Vì sao các nước họ cũng quy định đội mũ bảo hiểm mà chẳng gây ra dư luận gì mạnh lắm nhỉ ? Thì ra " mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh ". Nước người đi mô tô chỉ loáng thoáng... Còn ở ta, xe máy như ốc bươu vàng " ( Lao động, 15 / 5 / 2001 );

" Chính vì vậy mà hàng loạt ca sĩ Hà Nội đã khăn gói quả mướp vào Nam lập nghiệp với lý do " đất lành chim đậu " để mong kiếm danh lợi ". ( Hà Nội mới, Tết 2002 );

" Nghĩ con trai như cái nơm, bạ đâu úp đó, chỉ tội con gái mình, lỡ duyên hết phận. Mặc dù hết sức buồn và nhục, nhưng máu chảy ruột mềm, không thể đẩy con ra đường" ( Nông nghiệp Việt Nam, 25 / 4 / 2002 );

" Thế là tình trạng " trống đánh xuôi, kèn thổi ngược " diễn ra, khiến nhiều cặp vợ chồng ẩu đả liên tục " ( Thế giới phụ nữ ", 21 / 7 /2001 );

" Với một bản di chúc lằng nhằng như của ông Thiệp thì giải quyết giỏi đến thế nào cũng chỉ là cách... " giật gấu vá vai " mà thôi ( Tiếp thị và Gia đình , 4 / 4 / 2002 );

" Chỉ những kẻ bẻ cong chân lý mới " cố đấm ăn xôi " dựng nên những trò bịp bợm ( Nhân dân, 6 / 2 / 2002 );

" Chi gần như là nữ tài xế " độc nhất vô nhị " khi có hai bằng đại học ( An ninh thế giới, 3 / 2002 ).

Thực tế khảo sát cho thấy, những thành ngữ được giữ nguyên dạng chủ yếu là thành ngữ 4 hoặc 6 yếu tố.



  1. KHÔNG GIỮ NGUYÊN DẠNG

Việc không giữ nguyên dạng thành ngữ - tục ngữ thường diễn ra theo một số kiểu sau đây:

1. Hoán đổi vị trí các yếu tố

Đây là những trường hợp mà số lượng các yếu tố trong thành ngữ vẫn được giữ nguyên, chỉ có vị trí của chúng trong cấu trúc bị sắp xếp lại. Ví dụ:

" Do ngày càng " của khó người khôn " nên Minh đã không tìm ra được công việc như chị muốn " ( An ninh thế giới cuối tháng, 3 / 2 /2002 );

( Nguyên dạng là " người khôn của khó " ).

" Những lời dặn dò như vậy, chắc chắn anh ta phải " khắc cốt ghi xương " chú làm sao quên được ( Hà Nội ngày nay, số 5 / 2000 );

( Nguyên dạng là " ghi xương khắc cốt " ).

" Vùng quê nghèo xơ xác xưa kia giờ đã " thay thịt đổi da " khiến chúng tôi ngỡ mình bị lạc ( Gia đình, số 4 / 2002 ).

( Nguyên dạng là " thay da đổi thịt " ).

Sự hoán đổi vị trí các yếu tố thường chỉ gặp trong các thành ngữ 4 yếu tố có cấu trúc đối ngẫu cặp đôi ( tức là có hai vế tương ứng ). Đó có thể sự hoán đổi vị trí của các cặp yếu tố ( người khôn / của khó > của khó / người khôn; ghi xương / khắc cốt > khắc cốt ghi xương ), mà cũng có thể là sự hoán đổi vị trí của từng yếu tố đơn lẻ như thay da / đổi thịt > thay thịt / đổi da, tuy nhiên, trường hợp đầu hay gặp hơn trong thực tế.

2. Cải biên các yếu tố

Người ta thường cải biên các yếu tố trong thành ngữ - tục ngữ theo hai cách chính như sau:



a. Mở rộng cấu trúc

Tức là trên cơ sở giữ lại tất cả các yếu tố gốc, tác giả cho thêm vào cấu trúc thành ngữ - tục ngữ các yếu tố mới nhằm nêu rõ chủ đề tác phẩm hoặc hoặc các ý tưởng mình định thể hiện. Ví dụ:

" Thuốc đắng liệu có dã tật? " ( Quốc tế, số 29 / 2002 );

" Mang con bỏ giữa chợ đời " ( Nhân dân, 15 / 1 / 1998 );

" Cái khó không bó cái khôn " ( Hà Nội mới, 12 / 5 / 2000 );

" Con hát mẹ đừng vội khen hay " ( Hà Nội mới, 3 / 4 / 2001 );

" Trước sau... không như một " ( Lao động, 23 / 5 /2001 ).

Các yếu tố mới có thể nằm ở các vị trí khác nhau xét theo quan hệ với thành ngữ gốc, nhưng chủ yếu là trong nội tại cấu trúc của nó với vai trò chêm xen.



b. Thay yếu tố cũ bằng yếu tố mới

Đây là những trường hợp mà trong thành ngữ - tục ngữ nguyên gốc sẽ có một hoặc một số yếu tố nào đó bị thay bằng các yếu tố mới do tác giả tự nghĩ ra. Ví dụ:

" Bình mới, rượu quá đát! ( Pháp luật, 17 / 5 /2002 );

" Phép nước thua... lệ trường " ( An ninh thế giới, 12 / 9 / 2001 );

" Để mọi người được vui xuân với tinh thần " lá rách ít đùm lá rách nhiều..." ( Công an nhân dân, 15 / 3 / 2002 );

" Cháy nhà mới ra mặt... tham nhũng " ( lao động, 19 / 2 / 2001 );

" Vừa đốt nhà vừa la hàng xóm " ( Nhân dân, 17 / 8 /2 2001 );

" Con sâu làm rầu... rừng thông " ( Lao động, 12 / 9 / 2002 );

" Tay ông run run rót cốc nước mời tôi và ông nói trong mỏi mệt: " Chú ơi, tre già, măng gãy " ( Nông nghiệp Việt Nam, 25 / 4 / 2002 );

" Nói có... tài liệu, mách lại có... hình ảnh " ( Tiền phong, 12 / 4 / 2002 ).

Các ví dụ trên cho thấy, việc thay thế không nhất thiết phải theo quan hệ 1 - 1, mà nó có thể được thực hiện đồng thời với sự mở rộng, tức là các yếu tố mới được đưa vào nhiều hơn các yếu tố cũ bị cắt đi.

c. Tách các yếu tố ra khỏi cấu trúc

Nếu trong hai cách cải biên nói trên, bất chấp mọi sự thay đổi, thêm bớt, cấu trúc nguyên gốc của thành ngữ - tục ngữ vẫn giữ vai trò hạt nhân, thì ở trong trường hợp thứ ba này cấu trúc ấy đã bị phá vỡ: các yếu tố ( hay các vế ) của nó trở thành những bộ phận riêng rẽ, chỉ đóng vai trò phụ trợ trong câu văn. Ví dụ:

" Người ta cứ thấy " của rẻ " là ham mà không biết rằng nhiều khi đó còn là " của ôi " nữa ( Lao động, 1 / 2 / 2001 );

" Sau một thời gian dài " lên voi ", hắn không thể nghĩ là có lúc mình lại phải " xuống chó " như thế này ( An ninh Thủ đô, 17 / 3 /1999 );

" Sở dĩ có tình trạng " béo cò " hết sức phi lý như trên là bởi thời gian qua, trong lĩnh vực sử dụng nhà đất, các cơ quan chức năng đã thường xuyên làm " đục nước " bằng việc buông lỏng quản lý hay phối hợp với nhau không đồng bộ " ( Gia đình, số 6 / 2001 )...

Dễ dàng nhận thấy, các thành ngữ - tục ngữ bị cải biên hầu như bao giờ cũng mang sắc thái đánh giá tiêu cực. Thông qua chúng, tác giả thể hiện thái độ phê phán hay của mình ( đôi khi núp dưới cái vỏ hài hước, châm biếm ) trước các sự việc hiện tượng nào đó trong xã hội.



  1. Lược bớt các yếu tố

Có lẽ, đây cũng là một dạng của cải biên. Chỉ có điều, tác giả không đưa thêm bất kỳ yếu tố mới nào vào trong cấu trúc gốc, mà ngược lại, còn bớt đi một bộ phận ( thường là một vế ) của nó. Ví dụ:

" Vẫn biết là " thương cho roi cho vọt " nhưng khi tình thương này đến mức tổn hại cả về thể chất và tinh thần thì nó trở thành mối quan tâm của toàn xã hội " ( Lao động, 7 / 3 /2002 );

" Nhưng " hoạ vô đơn chí ", bên cạnh những lời cáo buộc ấy còn có những lời chỉ trích không kém phần gay gắt " ( Tuổi trẻ, 6 / 3 / 2001 );

" Đâu rồi dáng thầy cần cù sớm hôm, đâu rồi bảng đen phấn trắng, và bạn bè - đứa nhút nhát, đứa tinh nghịch với những trò " nhất quỷ nhì ma ..." ( Áo trắng, 15 / 11 / 2001 );

" Bán tự vi sư... " ( Văn hoá, 7/ 3/ 2000 );

" Nước sạch - không thể cha chung " ( Hà Nội mới, 5 / 9 /2001 );

" Miệng nam mô... " ( Nhân dân, 29 / 5 /2001 )...

Hiện tượng lược bớt các yếu tố chủ yếu xảy ra đối với tục ngữ. Nguyên do là tục ngữ thường gồm hai vế, mỗi vế là một cấu trúc khá trọn vẹn về cú pháp và diễn đạt tương đối hoàn chỉnh một ý nghĩa nào đó, cho nên việc đưa ra một vế của tục ngữ vào câu văn không cản trở quá trình nhận thức của người đọc, mà ngược lại, còn giúp cho họ hiểu rõ hơn định hướng thông tin của người viết trong khi vẫn có những liên tưởng nhất định về câu tục ngữ nguyên gốc. Còn với thành ngữ, nếu ta lược bớt một bộ phận hay một vế nào đó, thì chỉnh thể của nó thường sẽ bị phá vỡ cả về hình thức lẫn nội dung, và do vậy, cả giá trị thông tin, cả giá trị biểu cảm của phần cònlại đều giảm sút đáng kể ( thậm chí không còn tính hình ảnh, hàm súc ) so với nguyên gốc.

Nhân đây, cần phải nói rằng các thủ pháp cải biên hay lược bớt các yếu tố của thành ngữ - tục ngữ nêu trên không phải lúc nào cũng được sử dụng riêng rẽ và thuần nhất; có những tình huống chúng được kết hợp với nhau, chẳng hạn:

" Gần nhà đèn mà vẫn tối " ( Nhân dân, 30 / 3 /2001 ).

( Vừa lược bớt một vế " gần mực thì đen ", vừa cải biên vế còn lại bằng cách thay các yếu tố cũ bằng các yếu tố mới: " đèn " thành " nhà đèn ", " thì sáng " thành " mà vẫn tối " ).

" Nghĩ về thực trạng nền bóng đá Việt Nam hiện nay, chúng ta không khỏi chạnh lòng: Tre thì đã già mà măng dường như lại đang chết yểu vì bệnh ngôi sao " ( Thể thao và Văn hoá, 17 / 8 /2000 ).

( Vừa cải biên yếu tố " mọc " thành " chết yểu ", vùa thêm các yếu tố mới " thì đã ", " dường như lại đang... " ).

Nư vậy, trong các tác phẩm báo chí, thành ngữ - tục ngữ được sử dụng dưới rất nhiều các dạng thức khác nhau. Đây là kết quả sáng tạo của nhà báo trong các ngữ cảnh cụ thể và ứng với các mục đích cụ thể. Tuy nhiên, để có sự sáng tạo ấy, nhà báo cần phải phải hiểu biết sâu rộng về thành ngữ - tục ngữ. Và điều này cũng có nghĩa là họ không được phép xem nhẹ việc thường xuyên nghiên cứu học hỏi nhằm mở rộng thêm kiến thức về di sản văn hoá dân gian vô giá này.


Chú thích

1. Vũ Thuý Anh, Vũ Quang Hào, Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt Nam, NXB. Văn hoá - Thông tin, H., 2000.

2. Vũ Quang Hào, Về biến thể của thành ngữ, tục ngữ, Tạp chí " Văn hoá dân gian ", H., 1992, số 1.

3. Nguyễn Văn Hằng, Thành ngữ bốn yếu tố trong tiếng Việt hiện đại, NXB. Khoa học xã hội, H., 1999.

4. Nguyễn Thị Thanh Hương, Khai thác chất liệu văn học dân gian trong việc đặt tên bài báo, Tạp chí " Nghề báo ", TP. HCM., 2003, số 1.
( Bài đăng trên Tạp chí Nghề báo, số 4 / 2002 )

CHƠI CHỮ TRÊN BÁO CHÍ

Chơi chữ, theo Từ điển tiếng Việt là "Dùng các hiện tượng đồng âm, đa nghĩa, v. v. trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng nhất định (như bóng gió, châm biếm , hài hước...) trong lời nói".1 Đây là một thủ pháp tạo giá trị biểu cảm cho ngôn từ khá hiệu quả; nhờ nó, lời nói của chủ thể phát ngôn trở nên sinh động, hấp dẫn và sâu sắc hơn, để lại dấu ấn nhất định trong lòng người nghe, người đọc.

Trong báo chí, việc chơi chữ diễn ra dưới nhiều dạng thức khác nhau. Song, nhìn chung, có thể khái quát chúng thành một số kiểu cơ bản như sau:

1. Bóc tách các thành tố của từ nguyên khối (thường là từ 2 âm tiết) thành những từ độc lập. Ví dụ:

"Những kẻ chỉ đào mà không tạo" (Văn nghệ trẻ, 13 / 5 / 2001);

"Sông Tô mà chẳng lịch" (Phụ nữ Thủ đô, 17 / 6 / 1999);

"Hội ít mà thảo nhiều" (Văn hoá, 1/ 3 / 1998);

"... Thời " oanh" đã qua, nay tới thời "liệ " (Thế giới, 25 / 3 / 2002);

"Tín vượt... ngưỡng" (Hà Nội mới, Tết, 2202);

"Có "toà" mà chưa có "án" (Gia đình và Xã hội, số 47 / 2000);..

Thực tế khảo sát cho thấy, trong đa số các trường hợp, quan hệ về mặt ý nghĩa giữa các thành tố bị bóc tách là quan hệ tương phản. Vì thế, giữa chúng thường có sự hiện diện của những quan hệ từ như mà, nhưng. Còn kiểu bóc tách "không tương phản" như sau rất hiếm khi gặp: "Những năm ở đưòng 7, sáng có quen biết một tài xế người Bắc rồi hai người bén duyên nhau. đúng là anh "tài" đã "xế " vào cuộc đời Sáng..." ( Tiền phong, 17 / 2 /2002 ).

Việc chơi chữ theo kiểu bóc tách có thể được khái quát hoá thành mô hình như sau:

AB -> A cx B

Trong đó: A và B là hai âm tiết của từ nguyên khối, cx là bộ phận chêm xen.

Có lẽ ở đây cũng cần phải nói thêm rằng bộ phận chêm xen không nhất thiết lúc nào cũng phải là từ ngữ; có khi nó được thể hiện bằng dấu câu, ví dụ:

"Những chuyến xe "hành"... khách" (Hà Nội mới cuối tuần, 28 / 5 / 1995).



2. Dùng các cấu trúc đối nhau về ý nghĩa. Ví dụ:
" Trường thọ đang ... giảm thọ" (Lao động, 14 / 5 /2001);

"Sinh nhật - sinh chuyện..." (Hà Nội mới chủ nhật, 22 / 2 /1998);

"Hoá đơn đỏ trên thị trường đen" (Thanh niên, 19/ 4 /1999);

"Sông Bé đã trở thành "sông lớn" ?(Thanh niên, 11 / 4 / 2000);

"Sầu riêng với nỗi buồn chung"... (Phụ nữ Việt Nam, 25 / 6 /1999);...

Để xây dựng các cấu trúc như vậy, người ta thường sử dụng các cặp từ trái nghĩa (đỏ - đen, bé - lớn, riêng - chung,...). Trong mỗi ví dụ trên, cả hai thành tố của cặp từ trái nghĩa đều có mặt; song cũng có những trường hợp chỉ có một thành tố xuất hiện, chẳng hạn:

"Công ty trách nhiệm hạn" (Gia đình và Xã hội, số 33 / 2002).

"Công ty trách nhiệm hữu hạn" là cụm từ có tính phổ cập rất cao, vì thế khi người đọc gặp cụm từ "Công ty vô trách nhiệm vô hạn" họ hiểu ngay rằng đây chính là sản phẩm thu được nhờ sự cải biên cụm từ đầu.

Mô hình khái quát:

A ----- (- A)

Trong đó: (- A) là từ trái nghĩa với A.

Tuy nhiên ở đây cũng cần phải nói thêm là A và (- A) có thể là những từ trái nghĩa hoàn toàn, mà cũng có thể là những từ chỉ trái nghĩa trong những ngữ cảnh nhất định nào đó (Sinh nhật - sinh chuyện).

3. Sử dụng phép đồng âm giữa các từ

Đây là kiểu chơi chữ hết sức phổ cập. Có thể chia nó thành một số dạng chính như sau:

a, Dùng các thành tố đồng âm hoàn toàn

Các thành tố này có thể biểu thị các từ khác nhau (đây là những từ đồng âm khác nghĩa), ví dụ:

"Tiếng than từ vùng than" (Lao động, 12 / 3 / 2002);

"Từ màn bạc đến két bạc" (Tiền phong, 12 / 8 / 1998);

Bên cạnh đó, chúng cũng có thể biểu thị cùng một từ, nhưng trong các nét nghĩa khác nhau, ví dụ:

"Gái nhảy" có tạo được bước "nhảy"? ( Người lao động, 6 / 2 / 2003) ;...

Mô hình khái quát:

A (y1) ----- A (y2)

Trong đó: A là vỏ âm thanh của từ, còn y1, y2 là hai ý nghĩa khác nhau của vỏ âm thanh đó.

b, Dùng các từ (hay các âm tiết) có vỏ âm thanh gần giống nhau

Các từ ( hay các âm tiết ) này có thể :

- Chỉ khác nhau ở phụ âm cuối, ví dụ:

"Phong trào nuôi ốc hương ở Khánh Hoà đang đi từ "sốt" đến "sốc" (Lao động, 23 / 1 /2003);

- Chỉ khác nhau ở phụ âm cuối và ở phần vần, ví dụ:

"Hái lộc hay hái luật" (Văn hoá, 11/ 2 /1998);

- Chỉ khác nhau ở phần vần, ví dụ:

"Cheo leo Chalo" ( Tiền phong, 19 / 4 /2002);

- Chỉ khác nhau ở phụ âm đầu, ví dụ:

"Học đòi - học vòi - học chơi chòi..." (Hạnh phúc gia đình , 15 / 2 /2002);

- Chỉ khác nhau ở dấu thanh điệu, ví dụ:

"Ẩn hoạ văn hoá" (Hà Nội mới, Tết Nhâm Ngọ, 2002);

"Tìm hoa gặp hoạ" (Tuổi trẻ hạnh phúc, số 6/ 1999);

"Trường tư, đầu tư, từ đâu?" (Hà Nội mới, 14 / 3 /1999);...

Hai hình thức chơi chữ bằng cách dùng các từ đồng âm hay gần âm nêu trên khá giàu sức gợi: Những âm thanh được lặp đi lặp lại cứ xoáy vào lòng người đọc, gây nên một nỗi ám ảnh lâu bền. Tuy nhiên, nó lại tương đối phức tạp, vì đòi hỏi người viết phải có sự lựa chọn công phu để tìm ra các từ vừa có ý nghĩa phù hợp với tư tưởng và cảm xúc mà anh ta muốn thể hiện, lại vừa phải có vỏ âm thanh giống nhau.

Mô hình khái quát:

A ---- A'----- A''

Trong đó: A, A', A'' là các từ có vỏ âm thanh gần giống nhau.

c, Thay thế một từ (hay một cụm từ) bằng một từ (hay một cụm từ) khác có vỏ âm thanh gần giống với nó, ví dụ:

"Ngày xuân đi xem ... hại" (Hà Nội mới, Tết 2002);

(Từ "hại" ở đây xuất phát từ từ "hội");

"Trường lên đỉnh Olimpia " (Lao động, 21 / 3 /2002)

(Từ "trường" trong ví dụ này bắt nguồn từ từ "đường");

"Gặp nhau đuối ... dần" (Đầu tư, 12 / 1 /2002);

("Đuối dần" là cách nói nhại theo từ "cuối tuần");...

Mô hình khái quát:

A' / A


Trong đó: A' là từ xuất hiện thay thế cho A là từ có vỏ âm thanh gần giống với nó.

d, Đảo ngược trật tự các thành tố trong cấu trúc, ví dụ:



"Lắc ai? Ai lắc?" (Tuổi trẻ, 11 / 5 / 2002);

"Hồ Than Thở đang thở than" (Nông nghiệp Việt Nam, 9 / 4 /1999);...

Mô hình khái quát: AB ---> BA

Trong đó: A và B là các âm tiết trong một từ nguyên khối.

e, Phiên các âm tiết trong tên riêng nước ngoài thành các từ tiếng Việt có ý nghĩa, ví dụ:

"Đại bại tướng Vét Mỡ Lợn (Wesmoreland) đã cút về nước mẹ Hoa Kỳ (Nhân dân, 13 / 6 /1968);

"Khi ... Cá Bột Lọt (Cabotlodge) mời Zoon đến thăm Việt Nam, y hoa tay lia lịa vì y sợ quân du kích hoan nghênh" (Nhân dân, 4 /11 /1966);...

Hình thức chơi chữ này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khai thác khá thường xuyên trong các tiểu phẩm châm biếm của mình ở thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ.2

Mô hình khái quát:

ABC (+ y) / ABC (- y)

Trong đó: ABC (+ y) là các âm tiết trong tiếng Việt với ý nghĩa của chúng được dùng để thay thế cho ABC (- y) là các âm tiết trong tiếng nước ngoài không có ý nghĩa đó.

f, Gán cho âm tiết trong từ nước ngoài ý nghĩa của từ đồng âm với nó trong tiếng Việt rồi xây dựng những kết cấu đối nhau. Ví dụ:

"Taylo rồi chân cũng lo" (Nhân dân, 20 / 7 /1964);

"Cô - ta sang Tây" ( Lao động, 11 / 3/ 1999);...

Mô hình khái quát:

AB (+ y) ----- (- A) hoặc (- B ) (+ y)

Trong đó: AB là các âm tiết trong tiếng nước ngoài được gán cho ý nghĩa của từ đồng âm với nó trong tiếng Việt, (- A) và (- B) là các âm tiết tiếng Việt có ý nghĩa đối lập với A và B, y là ý nghĩa.

g, Nói lái

Nói lái là một hình thức chơi chữ độc đáo. Chỉ bằng sự sắp xếp lại những bộ phận cấu thành( phụ âm đầu, khuôn vần hay dấu thanh ) của các âm tiết nào đó, người ta có thể tạo ra những âm tiết mới. Và trong nhiều trường hợp, các âm tiết mới này không chỉ giống các âm tiết cũ về phương diện âm thanh mà còn có quan hệ khăng khít với chúng về mặt ý nghĩa. ví dụ:

"... Cái gọi là "tình yêu hiện đại" có khi hiện đại quá hoá ra "hại điện", biến thành bi kịch tình yêu " (Hạnh phúc gia đình, 28 / 12 / 2001);

"Xa đi, siđa!" (Lao động, 3 / 5 / 2002);

"Vấn đề " đầu tiên"..." (Lao động, 2 / 11 / 2002), v.v.

Các ví dụ trên đều là những trường hợp hợp chơi chữ thành công: Cái gọi là "tình yêu hiện đại" rất có thể sẽ không chỉ làm phương hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc mà còn làm tốn kém về vật chất của cá nhân và gia đình; vì thế từ "hại điện" như là sản phẩm của sự nói lái được dùng rất chính xác. Căn bệnh thế kỷ SIDA hiện chưa có thuốc chữa đang là nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất của toàn nhân loại, ai ai cũng cần phải tránh xa, cho nên phép nói lái Siđa thành "xa đi" là một sự lựa chọn tinh tế. Rồi chuyện "tiền đâu?" luôn là vấn đề bức xúc và nan giải nhất ở nhiều lĩnh vực hoạt động của cuộc sống, do đó nói lái " tiền đâu " thành "đầu tiên" nhằm khẳng định vị thế quan trọng của đồng tiền trong việc thực hiện một kế hoạch nào đó là hoàn toàn phù hợp với văn cảnh.

Ở đây cũng cần nói thêm rằng không phải sản phẩm nào của sự nói lái cũng đều mang ý nghĩa, có những trường hợp chúng chỉ đơn giản nhằm mục đích tạo ra sự mới lạ cho cách diễn đạt hay mang lại giá trị thẩm mỹ nhất định cho từ gốc vốn biểu đạt một khái niệm không hay, không đẹp cho nên ít được dùng trong những hoàn cảnh giao tiếp chính thức, trang trọng. Ví dụ:

“...Nghe thông tin từ ông Nguyễn lê- Phó Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội - mà thấy rầu cả lòng. Theo ông Lê, với những trận mưa trên 50 mm trong 3 giờ thì có thể có tới hơn 30 đường phố Hà Nội bị ngập úng trong mùa mưa 2002 này. Sực nhớ, số điểm ngập úng cục bộ ở Hà Nội mùa mưa năm ngoái cũng là 30. 30 bằng 30. Và như vậy thì tình hình úng ngập năm nay đúng là "vũ như cẫn"...” (Lao động, 15 / 5 /2002);

“Tuy truyền hình đến quay phim khá nhiều lần, nói là để phản ảnh nhưng mọi thứ cứ " Nguyễn Y Vân " từ nhiều năm qua như thế” (Phóng sự Thái Minh Châu, NXB. Lao động, 1999);

"Lại "cuổng trời"!" (Lao động, 21 / 4 / 2002);...

Nếu ta dùng các chữ cái A, B để biểu thị các chữ cái đứng đầu âm tiết, V - vần, và T - thanh điệu, các trường hợp nói lái có thể được khái quát thành một số mô hình cơ bản như sau:

A (V1 T1) B (V2 T2) -----> B (V2 T1) A (V1 T2): đấu tranh - tránh đâu;

A (V1 T) B (V2 T) ------> A (V2 T) B (V1 T): hiện đại - hại điện;

A (V1 T1) B (V2 T2) -----> A (V2 T1) B (V1 T2): cởi truồng - cuổng trời.



4. Dùng từ có thể đồng thời gợi ra nhiều ý nghĩa. Ví dụ:

"Làm thế nào cho lạc thêm vui?" (Nhân dân, 14 / 3 /1962)

"Những kẻ sống ... "lạc" (Gia đình, số 2 / 2003);...

Trong ví dụ thứ nhất, chính sự xuất hiện của từ "vui" đã khiến cho từ "lạc" đồng thời biểu thị hai ý nghĩa: vừa là "củ lạc, hạt lạc" vừa là "vui sướng". Còn từ "lạc" trong ví dụ thứ hai vừa có thể hiểu là "lầm lạc", vừa có thể hiểu là "khoái lạc" (vì nội dung của bài phóng sự có tiêu đề như trên nói về những nam thanh niên kiếm sống bằng nghề phục vụ chuyện chăn gối cho những phụ nữ đã luống tuổi, thừa tiền nhưng lại thiếu tình).

Mô hình khái quát:

y1

A

y2



Trong đó: A là vỏ âm thanh, còn y1 và y2 là các ý nghĩa mà vỏ âm thanh đó biểu thị.




Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương