HOÀng anh một số VẤN ĐỀ VỀ SỬ DỤng ngôn từ trên báo chí HÀ NỘI – 2003 MỤc lụC



trang10/11
Chuyển đổi dữ liệu23.07.2016
Kích1 Mb.
#2149
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

2. Lỗi về nghĩa của từ

Mỗi từ, khi được dùng, phải biểu đạt chính xác nội dung cần thể hiện, tức là nghĩa của nó phải thích hợp nhất với điều định nói. Nếu người nói hay người viết không đáp ứng được yêu cầu này, phát ngôn của họ sẽ trở nên khó hiểu hoặc bị hiểu sai.

Nhìn chung, việc dùng từ không đúng nghĩa thường gặp trong một số các tình huống cơ bản như: người nói ( người viết ) không nắm chắc nghĩa của từ, nhất là các từ Hán - Việt, các thuật ngữ khoa học; hoặc giả anh ta nhầm lẫn các từ gần âm, gần nghĩa với nhau.

Ví dụ 1:


" Thêm vào đó, phải ăn mặc theo đúng phong cách hiện hành thời phong kiến ".

Đã " hiện hành " ( tức đang lưu hành thời hiện tại )1 thì làm sao còn ở " thời phong kiến " được? Chắc tác giả định nói: " thịnh hành ".

Ví dụ 2:

" Chiều thứ bảy vừa qua, khí hậu Sài Gòn khá mát mẻ ".

Khí hậu luôn có tính ổn định cao và gắn với một vùng địa lý rộng lớn, nó không thể thay đổi theo ngày giờ và ở phạm vi một thành phố được. Từ đúng phải là " thời tiết ".

Ví dụ 3:


" Hội diễn năm nay chẳng có gì thay đổi mấy, vẫn những vòng hoa tươi chất đầy sân khấu ".

Từ " vòng hoa " ở đây khiến người ta phải liên tưởng tới một cái khác, hoàn toàn trái ngược với không khí tưng bừng, náo nhiệt của hội diễn. Chính xác nhất có lẽ là từ " lẵng hoa ".

Ví dụ 4:

" ... Nhưng dường như, ham chơi cổ vật đã trở thành một căn bệnh nghiền. Anh không sao bỏ được. Chợ hoa Tết, tôi vẫn gặp anh lảng vảng bên các quầy đồ cũ, để tìm mua những cái mình say sưa ".

Từ " lảng vảng " mang nghĩa xấu, thường dùng dể chỉ những hành dộng mờ ám, lén lút của những đối tượng khả nghi nào đó, vì thế nó không phù hợp với nhân vật được nói tới trong ví dụ trên. Nên thay nó bằng từ " quanh quẩn ".

Ví dụ 5:


" Dù còn vài khó khăn, ca sỹ, nghệ sỹ Việt kiều vẫn rầm rập kéo về, thậm chí còn rủ rê nhau cùng về cho vui ".

" Rủ rê "có nghĩa là: " lôi kéo, rủ người khác làm việc xấu "2. Như vậy, trong trường hợp trên nó không thể hiện đúng sắc thái đánh giá vốn mang tính chất tích cực của tác giả trước tinh thần và khí thế hồi hương của các nghệ sỹ Việt kiều. Theo chúng tôi, cần dùng từ " rủ ".

Khảo sát cho thấy, trong số các kiểu lỗi liên quan tới từ trên báo chí thì việc dùng từ không đúng nghĩa chiếm tỉ lệ cao hơn cả. Và điều này khiến chúng ta không thể không đặt câu hỏi: Phải chăng nhiều người cầm bút vẫn còn có thái độ quá dễ dãi khi sử dụng những từ mà mình chưa hiểu một cách cặn kẽ?

3. Lỗi về kết hợp từ

Các từ, khi được dùng ở phạm vi câu cũng như phạm vi toàn văn bản, luôn nằm trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau về ngữ nghĩa và ngữ pháp. Nói cách khác, mỗi từ phải thích ứng với các từ khác đứng trước nó và đứng sau nó. Nếu người viết không đáp ứng được yêu cầu này, anh ta có thể tạo ra những sự mâu thuẫn, phi lô gic giữa các thành tố ngôn ngữ cấu thành câu hay văn bản.

Ví dụ 1:

" Nếu xem kỹ những tác phẩm được trưng bày trong triển lãm thì càng nhận ra sự hụt hẫng trong hiểu biết, vốn sống của tác giả lồ lộ trên không ít tác phẩm được coi là khoảnh khắc đẹp mang tính tiêu biểu cho trí tuệ của làng ảnh ".

Từ " xem kỹ " ( quan sát tường tận từng chi tiết )3 không phù hợp về nghĩa với từ " lồ lộ " ( được hiện ra, phô bày ra rất rõ )4.

Chữa lại: " Nếu xem kỹ những tác phẩm được trưng bày trong triển lãm thì càng nhận thấy rõ sự hụt hẫng trong hiểu biết, vốn sống của tác giả ở không ít tác phẩm được coi là khoảnh khắc đẹp mang tính tiêu biểu cho trí tuệ của làng ảnh ".

Ví dụ 2:

" Giáo hoàng John Paul II cũng được đưa vào tờ bạc được đúc tại Vatican ".

" Tờ bạc " là một loại giấy cho nên không thể được " đúc " - một động từ chỉ dùng với các vật rắn ( như kim loại, nhựa,... ). Để tránh vi phạm về quan hệ kết hợp, nên thay từ " tờ " bằng từ " đồng ".

Ví dụ 3:


" Nếu ở huyện chỉ có 9 hội thi và hội diễn nghệ thuật, nhưng ở các thôn xã đã tổ chức hơn 120 lượt biểu diễn văn nghệ ( hoàn toàn bằng kinh phí quyên góp ) ".

Trong tiếng Việt, quan hệ từ " nếu " luôn đi với quan hệ từ " thì " tạo thành một cặp hô ứng. Còn nếu dùng quan hệ từ " nhưng " thì ở vế câu phía trước phải có quan hệ từ cùng cặp với nó là " tuy ". Xét theo văn cảnh cụ thể của trường hợp này, có thể đưa ra hai cách chữa như sau:



  • Nếu ở huyện chỉ có 9 hội thi và hội diễn nghệ thuật, thì ở các thôn xã đã tổ chức hơn 120 lượt biểu diễn văn nghệ.

  • Trong khi ở huyện chỉ có 9 hội thi và hội diễn nghệ thuật, thì ở các thôn xã đã tổ chức hơn 120 lượt biểu diễn văn nghệ.

Ví dụ 4:

" Ngày mai là mùa mưa ".

" Mùa mưa " là cả một quá trình dài, gồm nhiều ngày ( thậm chí nhiều tháng ), trong khi đó " ngày mai " chỉ là một ngày ngắn ngủi thì làm sao có thể bao quát được toàn bộ quá trình đó? Có thể chữa câu trên thành: " Sắp tới là mùa mưa " hoặc " Ngày mai là bắt đầu mùa mưa ".

Ví dụ 5:


" Đây là một trong những tỉnh duy nhất nhìn thấy mặt trời lặn về phía biển ".

" Duy nhất " có nghĩa là chỉ có một, cho nên nó không thể kết hợp với từ " những " vốn dùng để chỉ số nhiều. Cách chữa đơn giản là lược bớt cụm từ " một trong những ":

" Đây là tỉnh duy nhất nhìn thấy mặt trời lặn về phía biển ".

4. Lỗi về lặp từ

Cần nói ngay rằng đây không phải là sự lặp từ có chủ ý nhằm liên kết câu hay tăng cường tính biểu cảm, mà là sự lặp từ do tác giả có sơ suất hoặc chưa thực sự làm chủ được ngòi bút của mình. Và sự lặp từ như vậy làm cho ngôn ngữ của tác giả trở nên dài dòng tới mức dư thừa, gây cản trở cho sự tiếp nhận của người nghe, người đọc.

Hay gặp hơn cả là những trường hợp sử dụng trong cùng một câu những từ đồng nghĩa, gần nghĩa làm thành phần đồng chức.

Ví dụ 1:


" Những cuộc cải cách này tỏ ra có hiệu quả và tác dụng ".

" Hiệu quả " và " tác dụng " có ý nghĩa tương tự như nhau.

Ví dụ 2:

" Do Gorrila sống trên một trong những vùng đất màu mỡ nhất của châu Phi, bị bao quanh bởi những làng mạc nơi có nhiều cư dân sinh sống, nên nhu cầu đòi hỏi mở rộng diện tích canh tác ngày một tăng đã đã ảnh hưởng tác động đến cuộc sống của loài động vật này ".

" Nhu cầu - đòi hỏi " và " ảnh hưởng - tác động " là hai cặp từ đồng nghĩa.

Ví dụ 3:


" Anh đã dũng cảm nhảy xuống dòng nước xiết cứu sống 4 em học sinh thoát chết ".

" Sống " và " thoát chết " trong câu văn này cùng thể hiện một ý nghĩa.

Để chữa kiểu lỗi trên chỉ cần làm một động tác rất đơn giản là loại bỏ một trong hai thành tố đồng nghĩa ( nếu các thành tố đồng nghĩa nhiều hơn hai, cũng chỉ giữ lại một ).

Bên cạnh đó, chúng ta còn gặp cả những hiện tượng lặp đi lặp lại cùng một từ ( trong phạm vi câu cũng như trong phạm vi đoạn văn ).

Ví dụ 1:

"Nhưng có một điều ngạc nhiên, những đối tượng vẽ bậy lên các di tích không ít ngườingười có văn hoá và có trình độ, nhưng lại thiếu ý thức".

Để tránh lặp lại từ " người "và làm cho ý tưởng tác giả trở nên rõ ràng hơn, chúng ta nên viết lại câu văn trên như sau:

"Nhưng có điều đáng ngạc nhiên là: trong số những đối tượng vẽ bậy lên các di tích, không ít người có trình độ, nhưng lại thiếu ý thức".

Ví dụ 2:

" Theo những kết quả nghiên cứu sơ bộ của một nghiên cứu lớn mới đây, việc bổ sung vitamin A tiền sản sẽ góp phần làm giảm tổn thất to lớn này".

Từ " nghiên cứu " đầu tiên rõ ràng là thừa, cần được lược bớt.

Ví dụ 3:


" Năm ấy, Quang Dũng đọc cho Trần Lê Văn nghe mấy bài thơ vừa sáng tác xong, Quang Dũng nói với Trần Lê Văn cho Quang Dũng mượn cuốn sổ tay để ghi mấy bài thơ vào. Trần Lê văn vui vẻ chiều ý Quang Dũng... ".

Sự lặp đi lặp lại quá nhiều lần những cái tên riêng như trên, dù có xuất phát từ chủ ý của người viết, vẫn gây cảm giác là anh ta có vốn từ vựng nghèo nàn. Theo chúng tôi, nếu ở đoạn văn này tác giả không muốn dùng các đại từ để thay thế cho tên riêng, thì ít nhất cũng nên cấu trúc lại câu cho ngắn gọn như sau:

"Năm ấy, sau khi đọc cho Trần Lê Văn nghe mấy bài thơ mình vừa sáng tác, Quang Dũng nói với Trần lê Văn cho mượn cuốn sổ tay để ghi chúng vào. Trần Lê văn vui vẻ chiều ý Quang Dũng".
Bàn về sự cần thiết phải sử dụng từ ngữ chính xác, nhà văn Mỹ nổi tiếng Mark Twain viết: "Sự khác nhau giữa một từ chính xác và một từ gần chính xác cũng giống như là sự khác nhau giữa tia chớp và con đom đóm"5 . Nếu thế thì sự khác biệt về giá trị giữa một từ đúng và một từ sai còn to lớn hơn nhiều. Và điều này cũng có nghĩa là hậu quả do việc dùng từ không đúng gây ra nhiều khi khó mà hình dung nổi.Vậy nên mỗi người cầm bút cần luôn tỉnh táo và thận trọng để hạn chế tối đa những hạt sạn không đáng có như chúng tôi vừa trình bày trên đây.



Chú thích

1, 2, 4. Từ điển tiếng Việt, ( Hoàng Phê chủ biên ), NXB. Đà Nẵng, 2001.



3. Nguyễn Như Ý ( chủ biên ), Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Văn hoá - Thông tin, H., 1999.

5. Dẫn theo: A. N. Voskoboinhicov và I. G. Yuriev, Nhà báo và thông tin, M., 1993, tr. 195 ( bằng tiếng Nga ).

( Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền, số 2 / 1999 )



NHỮNG HẠN CHẾ TRONG VIỆC ĐƯA SỐ LIỆU TRÊN BÁO CHÍ
Có thể nói, hiện nay số liệu đã trở thành một phần không thể thiếu của hầu hết các tác phẩm báo chí. Sự hiện diện của những con số trong một bài viết vừa giúp người đọc hình dung rõ ràng, cụ thể hơn về vấn đề, sự việc, hiện tượng,... được đề cập lại vừa làm gia tăng độ xác thực và tính thuyết phục của thông tin: chúng tạo cho độc giả cảm giác là người viết đã khảo sát những gì mình phản ánh một cách kỹ lưỡng, công phu và tiếp xúc với những nguồn tin đáng tin cậy. Tuy nhiên, việc sử dụng số liệu trên báo chí vẫn còn mắc phải không ít những hạn chế.

1. Hình thức thể hiện số liệu không nhất quán

Số liệu trên báo chí có thể tồn tại dưới hai dạng thức là con số và chữ. Riêng con số lại bao gồm khá nhiều kiểu: số tương đối, số tuyệt đối, số thập phân, ...Và chính cái sự đa dạng như vậy về mặt hình thức thể hiện của số liệu đã làm cho không ít nhà báo mắc phải lỗi không nhất quán trong việc trình bày chúng. Chẳng hạn, trong cùng một bối cảnh:

a, Khi thì dùng dạng chữ, khi thì dùng dạng số. Ví dụ:

" Như vậy, mỗi con chó nuôi kiểu " công nghiệp " cũng có thể lên tới mỗi tháng 4 kg, tính sơ sơ mỗi con lãi từ 40 - 60 ngàn đồng/ tháng. Gia đình ông N. H. Đ. ở Cầu Khâu - Thanh Oai - Hà Tây có thu nhập 200.000 đ/ tháng mà rất nhàn... ";



" - Chị thu nhập một ngày được khoảng bao nhiêu?

  • Khá được mươi ngàn, trung bình từ 5 - 7000 đồng...

  • Giá lynon bao nhiêu một kg?

  • Từ một ngàn tới một ngàn hai trăm đồng. ".

b, Đang dùng số tuyệt đối lại chuyển sang dùng số tương đối hay ngược lại. Ví dụ:

" Ở Nhật Bản, phụ nữ dành thời gian cho những việc không tên, nhiều hơn chín lần so với nam giới. ở I-ta-li-a, nhiều hơn 28%, Áo ( 12% ) và Pháp 11% ".

2. Đưa số liệu không chính xác

Dạng lỗi này có liên quan tới hai nguyên nhân cơ bản sau đây:

a, Nguồn cung cấp thông tin sai

Những trường hợp kiểu này gặp khá nhiều trong thực tiễn báo chí. Nhà báo sau khi nhận được số liệu từ một nguồn nào đó, đã vội vã đưa ngay lên mặt báo mà không tiến hành kiểm chứng một cách kỹ càng và chắc chắn độ tin cậy của nó. Và đây là lý do khiến cho công chúng đôi lúc không biết định hướng lòng tin của mình vào ai khi về cùng một sự việc, về cùng một đối tượng, mỗi báo đưa ra một số liệu khác nhau ( chẳng hạn về thời điểm diễn ra một vụ hoả hoạn có báo viết là 14 giờ, báo khác viết: 13 giờ 20 phút, báo thứ ba viết: 15 giờ; rồi về dân số Việt Nam năm 1997 có báo viết là 71 triệu người, báo khác viết: 74 triệu người, báo khác nữa lại viết: 77 triệu người, v. v. ).

b, Nhà báo tính toán không đúng

Không ít số liệu được đưa lên mặt báo là kết quả của sự tính toán của chính người cầm bút. Vì lẽ đó, chỉ cần anh ta thiếu cẩn trọng một chút hoặc không thông thạo lắm các phép tính của toán học là số liệu đã có thể bị sai lệch so với thực tế. Ví dụ:

" Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 1999, Phúc Tân đã bắt giữ 34 vụ với 48 đối tượng bán lẻ hêrôin. So với cùng kỳ năm trước con số này tăng lên 16 vụ và bằng 400%. "

Căn cứ vào các dữ kiện đã có sẵn thì rõ ràng số vụ buôn bán ma tuý mà Phúc Tân bắt được vào năm trước là 18 vụ ( 34 - 16 ). Như vậy thì 34 vụ ( năm 1999 ) so với 18 vụ ( năm trước ) chỉ bằng xấp xỉ 190% chứ làm sao bằng được 400% như tác giả tính toán?

" ... trong vòng 3 năm 3 tháng 9 ngày, người ta thống kê được tổng cộng 405 con thú rừng đã chết trước bàn tay ngoéo cò của ông. Bình quân mỗi tháng một sinh linh của rừng phải nộp mạng cho ông. "

Một phép tính nhẩm cũng cho thấy ngay rằng 3 năm 3 tháng tương đương với 39 tháng. Như thế thì mỗi tháng phải có hơn 10 con thú rừng bị chết trước mũi súng của ông chứ không thể chỉ là 1 con.

Việc đưa số liệu không chính xác trong những tình huống nhất định có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng vì sự thật khách quan đã bị bóp méo ( như về doanh thu, lời lãi, thua lỗ của doanh nghiệp; hay về sự tham nhũng, đưa hối lộ, nhận hối lộ của cán bộ, công chức,...). Do vậy, các nhà báo cần hết sức tỉnh táo và thận trọng để hạn chế tới mức thấp nhất dạng lỗi này.

3. Lạm dụng số liệu

Số liệu là minh chứng đặc biệt quan trọng đối với lập luận trong tác phẩm báo chí. Tuy nhiên, sự hiện diện của quá nhiều số liệu trong một ngữ đoạn dễ làm cho người đọc có cảm giác nặng nề, khó tiếp nhận, nhất là khi chúng liên quan tới những lĩnh vực mà họ không am tường hay quan tâm. Vì lẽ đó, nhà báo cần lựa chọn kỹ càng để chỉ đưa ra một liều lượng vừa phải những con số tiêu biểu nhất, có sức nặng hơn cả về mặt thông tin.

Dưới đây là hai ví dụ về việc lạm dụng số liệu:

" Đến nay, điện lưới quốc gia đã được đưa đến toàn bộ 61 tỉnh và thành phố. 100% số huyện đã có điện ( trong đó 469/491 huyện có điện lưới, đạt tỉ lệ 95,5%, còn 13 huyện miền núi và 9 huyện đảo đều được lắp đặt các trạm đi-ê-den hoặc thuỷ điện nhỏ); 6862/8894 xã có điện, đạt tỉ lệ 68,1%. Sản lượng điện sản xuất bình quân đầu người năm 1999 đạt hơn 320 kw giờ. Tổng vốn đầu tư trong 5 năm qua đạt ước tính gần 40 nghìn tỉ đồng ".1

" Số liệu thống kê cho thấy sản lượng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long là 5 triệu tấn năm 1990, 4,5 triệu tấn năm 91. Trong năm 1994 chỉ còn 2,5 triệu tấn giảm 50% so với năm 90. Khuynh hướng suy thoái đó cũng tương tự trong sản xuất cà phê. Số liệu cho thấy năm 90 là 2 triệu tấn, năm 91 là 1,5 triệu tấn giảm 25% so với năm trước ...".2

Nếu như trong báo in việc sử dụng quá nhiều số liệu đã là không nên thì trong báo phát thanh và truyền hình điều này lại càng cần phải tránh. Nguyên do là bởi ở phát thanh và truyền hình người nghe phải tiếp nhận và lĩnh hội thông tin một cách tức thời ( nghĩa là họ không có khả năng quay lại với những gì mình nghe không rõ ), vì thế khi bị các con số làm phân tán tư tưởng họ rất dễ bỏ qua các thông tin kế tiếp.

Khi số liệu trong bài viết đã nhiều mà chúng lại được đưa ra dưới dạng chính xác tuyệt đối thì việc lĩnh hội thông tin của độc giả lại càng khó khăn. Có lẽ ít ai lại không thấy ngại ngần khi phải đọc những con số kiểu 257. 365. 728. 000 đ; 126,745%, v. v. Tất nhiên, trong một số lĩnh vực như giá cả, tỉ lệ lãi suất ngân hàng, ... sự chính xác như trên là cần thiết; song trong đại đa số các tình huống giao tiếp khác, người đọc sẽ thấy dễ chịu hơn với những kiểu nói " làm tròn " vừa hạn chế sự có mặt của các con số khô khan, vừa giúp họ dễ hình dung giá trị thực của chúng, như: gần một nửa, khoảng 70%, xấp xỉ 2/3, ước chừng 250 tỉ, ...



4. Đưa số liệu mà không có căn cứ để so sánh

Số liệu chỉ có ý nghĩa đích thực khi được đặt trong sự đối chiếu, so sánh. Còn nếu đứng một mình, chúng hầu như không có giá trị thông tin, thậm chí còn gây cản trở cho quá trình nhận thức của đối tượng tiếp nhận.Trong một số trường hợp, căn cứ để đối chiếu so sánh có thể do độc giả tự tìm ra. Chẳng hạn, những con số như 100 nghìn đồng hay 10 triệu đồng sẽ được so với lương tháng hay các vật dụng thường gặp trong gia đình ( xe máy, ti vi, tủ lạnh, đièu hoà không khí,..). Tuy nhiên, trong đa phần các trường hợp khác, nếu người viết không trực tiếp đưa ra căn cứ để so sánh thì số liệu của anh ta, cho dù có là kết quả của sự kiếm tìm công phu đến mấy, vẫn rất dễ bị bỏ qua hoặc ít nhất cũng không có tác dụng như mong muốn.

Ví dụ:

" Thành phố Hồ Chí Minh chi 15.000 tỉ đồng xây nhà cho người có thu nhập thấp ".

Rõ ràng 15.000 tỉ đồng là một số tiền rất lớn. Nhưng thực chất nó là bao nhiêu? Muốn làm nổi bật giá trị của số tiền này, trước hết cần phải chỉ rõ số căn nhà, số mét vuông diện tích sẽ được xây dựng, và thậm chí cả số người có thể cư trú ở đó; rồi trên cơ sở ấy, nêu ra tỷ lệ phần trăm những người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở sẽ được đáp ứng.

Tương tự, các con số trong những ví dụ sau đây cũng có rất ít giá trị thông tin vì chúng không được đặt trong quan hệ đối chiếu so sánh:

" Ngành giao thông vận tải ứng thêm 2000 tỉ đồng để xây dựng các công trình ";

" Năm qua, tỉnh Hoà Bình đã trồng mới được 150 ha rừng ".

Có lẽ, chỉ có các chuyên gia trong ngành xây dựng mới nhìn ra được giá trị cụ thể của 2000 tỉ đồng và cũng chỉ có những người có liên quan trực tiếp tới ngành lâm nghiệp mới cảm nhận được 150 ha rừng là con số nhỏ hay to.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là các số liệu được đưa ra để đối chiếu so sánh phải nằm trong những hoàn cảnh giống nhau. Có thể so sánh lương của một vị bộ trưởng và một vị giáo sư ở cùng một quốc gia, nhưng sẽ là vô nghĩa nếu so sánh lương của một người quản lý nhà băng ở Nhật với đồng nghiệp của anh ta ở Thái Lan mà không căn cứ vào điều kiện sống cụ thể ở hai nước này.
Như vậy, qua những điều đã trình bày trên đây, có thể khẳng định rằng việc đưa số liệu trên báo chí không phải là vấn đề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Muốn thật sự chinh phục được công chúng, những con số của nhà báo cần phải vừa chính xác, vừa có tính thẩm mỹ lại vừa có giá trị thông tin cao.

------------------------------------------------



1 Dẫn theo Vũ Quang Hào, Ngôn ngữ báo chí, NXB. Đại học Quốc gia, H., 2001, tr. 159.

2 Dẫn theo Trần Ngọc Châu, 10 nguyên tắc trong viết tin kinh tế, trong: Báo chí - những điểm nhìn từ thực tiễn, T. 2, NXB. Văn hoá - Thông tin, H., 2001, tr.142.
PHỤ LỤC
Trong phần Phụ lục, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chương viết về ngôn ngữ báo chí trong cuốn " Nhà báo và Thông tin " của các tác giả A. N. Voscoboinhicop và I. G. Yuriev do chúng tôi dịch từ nguyên bản tiếng Nga.
NGÔN NGỮ BÁO CHÍ DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI BIÊN TẬP

Ngôn ngữ của các tác phẩm báo chí phải mang được ý nghĩa của chúng tới cho công chúng vô cùng đa dạng. Ranh giới của công chúng này trải dài từ cái mà người ta gọi là sự biết chữ sơ đẳng cho đến việc thông thạo hoàn toàn và có nhận thức tiếng mẹ đẻ với tất cả các sắc thái của nó. Nhiệm vụ của người biên tập là phải làm cho ý nghĩa của các bài viết trở nên dễ hiểu trên tất cả các cấp độ đó. Nếu chỉ có sự chính xác về sự kiện không thôi thì hãy còn chưa đủ, cần phải có thêm cả phong cách trình bày rõ ràng, mạch lạc. Và về phương diện này thì cấu trúc không chỉ của cả bài viết, mà còn của từng câu, rồi việc lựa chọn đúng từ là hết sức quan trọng.

Vậy biên tập viên phải hiểu thấu đáo các chi tiết tỉ mỉ về ngữ pháp, cú pháp và phong cách để trong trường hợp cần thiết có thể cải thiện ngôn ngữ văn bản của tác giả. Anh ta phải có khả năng trong lúc vội vã vẫn tìm ra và sửa chữa được tất cả các câu, từ kém chất lượng. Nếu xuất hiện những nghi ngờ nào đó về chính tả, anh ta có thể dùng từ điển chính tả để tra cứu. Nhưng lại chẳng có sự chỉ dẫn nào nhằm giúp người ta định hướng được trong ý nghĩa của bài viết. Vấn đề không chỉ ở chỗ là ý nghĩa đó phải dễ hiểu đối với chính người biên tập, về mặt này, trước hết chúng ta cần nói tới độc giả là người thường được trang bị kém cỏi hơn nhiều.

1. Tác giả muốn nói gì ?

Liệu tác giả có trình bày được những điều mình muốn nói một cách rành mạch, rõ ràng? Hầu như lần này cũng vậy, mỗi khi biên tập viên nhận được một tài liệu mới là câu hỏi đó lại xuất hiện trước anh ta. Rồi một lần khác, sau khi kết thúc sự làm quen đầu tiên với bài viết, anh ta nghĩ ngợi: có vẻ như tất cả đều ổn, nhưng có một cái gì đó còn gây nghi hoặc.

Người biên tập, nhất là người mới vào nghề, hiếm khi là chuyên gia về đề tài của tất cả mọi tài liệu mà anh ta phải xử lý. Vì vậy, trong trường hợp nghi ngờ, anh ta không phải lúc nào cũng có thể khẳng định một cách chắc chắn là tác giả đã nhầm lẫn hay sai sót ở đâu và như thế nào. Thế nhưng, kể cả nếu tác giả là người khá thông thạo mọi thứ, một thoáng nghi ngờ thường vẫn cứ là dấu hiệu rằng " ở đây có một cái gì đó không ổn ". Còn nếu chính người biên tập lại không suy xét nổi là có chuyện gì thì các độc giả đã phải đặt ra đủ thứ câu hỏi từ lâu.

Trong thực tế, chẳng cần phải là chuyên gia về một vấn đề nào cũng có thể nhận thấy được tác giả đã trình bày nó có đạt hay không. Chẳng hạn như người biên tập có thể tìm thấy những mâu thuân giữa các phần của nó, sự hơn trội của những chỗ nói chung chung đối với những sự việc cụ thể, sự thiếu rành mạch về diễn đạt hay thậm chí chỉ đơn giản là sự nhầm lẫn về từ ngữ. Đây đã đủ là những dấu hiệu đáng lo ngại và anh ta cần phải bàn luận cùng tác giả về tất cả những chỗ đáng ngờ.

Cuộc nói chuyện có khả năng hơn cả sẽ dẫn đến kết cục là bài viết được trả lại cho tác giả để anh ta hoàn tất nó. Chính người biên tập cần phải tránh việc sửa chữa những chỗ còn nghi ngờ. Chỉ trong trường hợp tuyệt đối tin tưởng vào sự đúng đắn của mình và có chỗ dựa là những nguồn đáng tin cậy, anh ta mới có quyền cho phép mình đưa vào văn bản những thay đổi nào đó. Nhưng ngay cả trong trường hợp này cũng phải báo cho tác giả biết về những sửa đổi, bổ sung.

Đó là những nguyên tắc vỡ lòng mà trong các cuốn sách giáo khoa về báo chí ở dạng này hay dạng khác người ta vẫn giới thiệu cho các biên tập viên mới vào nghề. Nhưng những lời giới thiệu chỉ có giá trị nếu các tác giả viết " theo luật ", tức là họ đã được làm quen với các yêu cầu của " sáu câu hỏi và hình tháp quay ngược " và các bài " vỡ lòng " khác trong việc phát tin. Song cũng không phải là do tình cờ mà người ta nói " phi ngoại lệ bất thành qui tắc ". Và với ý nghĩa như vậy thì hầu như trong bất cứ một tài liệu nào cũng có những ngoại lệ của mình. Vẫn những " bài học vỡ lòng " đó nói rằng, sự tuân thủ các qui tắc một cách mù quáng có thể dẫn đến sự hạn chế hay triệt tiêu tính chất muôn màu muôn vẻ trong việc đăng tải tin, bài của các tác giả khác nhau. Việc biên tập như vậy sẽ bóp chết những nét nổi bật nhất trong phong cách cá nhân của mỗi tác giả ( nếu như chúng có ) và dễ làm cho các trang báo thật đơn điệu buồn tẻ.

Như thế có nghĩa là sự phục tùng các qui tắc một cách thiếu cân nhắc, dẫu cho các qui tắc đó có hợp lý nhất đi chăng nữa, không được phép trở thành mục đích cuối cùng của công việc biên tập. Nhiệm vụ của người biên tập là giúp tác giả đưa bài viết của mình đến một trạng thái " cần thiết ", nếu như nó có " một cái gì đó chưa ổn ". Trong đa số các trường hợp, để làm điều này cần phải hết sức chú ý tới các sự kiện trong tác phẩm: lôgic của việc chuyển tiếp là phải phát triển làm sao để cho độc giả không có những câu hỏi thắc mắc, để trong quá trình đọc, anh ta không phải gặp hàng đống những cách nói phức tạp hay những từ ngữ khó hiểu, mà chỉ thấy một con đường thông suốt dẫn đến việc cảm thụ được ý nghĩa của cái mà tác giả muốn nói.

Một bài viết rõ ràng về ý nghĩa và được viết đúng văn phạm là rất dễ đọc, nếu trong một câu, chẳng hạn như là thời động từ bị viết sai, mà sau khi người biên tập chữa nó đã trở nên đúng về mặt ngữ pháp, nhưng đồng thời cũng thành khó hiểu hơn, thì rõ ràng là chưa được. Anh ta phải tìm ra cách nào đó để câu ấy vừa thể hiện đúng ý tác giả, vừa đúng ngữ pháp, vừa dễ đọc. Có nghĩa là người biên tập phải bảo đảm làm sao để cả ý nghĩa chung của tài liệu, cả các chi tiết của nó, được trình bày một cách rõ ràng và được độc giả hiểu đúng.

Để cho việc diễn đạt trở nên rõ ràng hơn, và có ý nghĩa là để cho độc giả thuận lợi hơn khi đọc, người ta hay dùng phụ đề. Chúng tựa như những cái mốc mà dựa vào đó, người ta có thể đọc các văn bản dài dễ dàng hơn. Ở trong những cái mốc này, người ta thường đánh dấu những phương hướng chính về ý nghĩa hay đề tài trong nội dung thông tin.

Trong nhiều chỗ khác nhau của cuốn sách này, chúng tôi đã nói rằng tính chất rõ ràng của việc trình bày phụ thuộc khá nhiều vào sự phân đoạn văn bản. Cái này quan trọng hơn đối với tất cả các loại bài, nhưng đặc biệt lá đối với thông báo tin tức, vì ở đó các đoạn văn dài rất bị kiêng kị. Các đoạn văn dài sẽ là hợp lý nếu nằm trong các cuốn sách hay là tạp chí, là những thứ thường được người ta đọc trong hoàn cảnh điềm tĩnh hơn. Nhưng ở trên trang báo, trông chúng thật cồng kềnh, độc giả có thể bị nhầm lẫn trong một dãy câu dày đặc và thậm chí bị lạc mất cái chỗ là nơi anh ta dừng lại và bị xao nhãng bởi một điều gì dó.

Ở đây chúng ta có thể đưa ra sự so sánh với dòng điện: cường độ dòng điện tỷ lệ thuận với hiệu điện thế và tỷ lệ nghịch với điện trở mà nó gặp trên đường. Trong bất kỳ tài liệu nào mà nhà báo chuẩn bị cho đăng, cần phải dọn sạch mọi thứ “ điện trở “ gây khó khăn cho việc đọc. Một trong những điện trở như vậy chính là những đoạn văn quá dài.

Người biên tập gặp không ít vấn đề cả với những thuật ngữ chuyên ngành - chúng cũng có thể trở thành “ điện trở “. Nếu tác giả là người viết cho các báo đại chúng thì anh ta phải hết sức thận trọng đối với chúng -phải nghĩ xem là một độc giả “ tầm tầm bậc trung “ có thể hiểu nổi chúng hay không. Nếu như tác giả đã bỏ qua khía cạnh này thì người biên tập cần phải lo để tìm ra những từ phù hợp mà có thể thay thế cho thuật ngữ này hay thuật ngữ khác. Nếu việc thay thế không thể làm nổi thì nhất thiết phải đưa ra lời giải thích ngắn gọn, dễ hiểu về ý nghĩa của nó.

Các quan niệm của con người về sự " hư ảo " trong thế giới xung quanh họ phụ thuộc không chỉ vào các dịnh hướng về cuộc sống, mà còn vào thông tin thực tế mà họ nhận được. Mà thông tin đó đôi lúc lại hết sức mâu thuẫn vì nó đến từ các nguồn khác nhau.

Chính vì vậy mà vai trò của những khả năng bao quát toàn diện là rất lớn - thông tin như được " trải ra trên mặt bằng ", các sự việc cụ thể được tổng hợp lại thành các khái niệm trừu tượng. Không có những sự khái quát như thế, con người đơn giản là không thể nhận được bức tranh đầy đủ về cuộc sống của thế giới xung quanh. Nhiệm vụ của người biên tập ở chỗ là làm sao để bảo đảm cho các bài báo có sự cân bằng khả quan nhất giữa cái cụ thể và cái trừu tượng.

Néu tác giả không có khái niệm rõ ràng về cái mà anh ta muốn nói với độc giả, anh ta thường cố nguỵ trang cho sự thiếu rõ ràng đó bằng một loạt những suy luận chung chung theo khuôn mẫu có sẵn. Nhưng ngay cả trong trường hợp mà tác giả hiểu thấu đáo cái anh ta định viết thì các ý tưởng của anh ta vẫn cứ được diễn đạt dưới hình thức trừu tượng và bị phức tạp hoá tới mức độc giả không thể nào chuyển được ý nghĩa của chúng vào phạm vi kinh nghiệm sống của chính bản thân mình.

Việc xác định ý nghĩa của sự trừu tượng trong diễn đạt thông tin với những nội dung đa dạng nhất đã được không ít các công trình nghiên cứu về lý thuyết và ứng dụng đề cập tới. Nếu áp dụng vào báo chí, các kết quả của những công trình đó có thể được trình bày một cách tóm tắt như sau:

Bất cứ một ý tưởng nào, không phụ thuộc vào việc chúng đơn giản hay phức tạp, cũng sẽ được độc giả hiểu dễ dàng hơn nhiều nếu nó được đưa ra không phải là qua các suy luận chung chung trừu tượng, mà là được chuyển vào bề mặt của các kiến thức thực tế được đông đảo người biết hay các tình huống cụ thể của cuộc sống: từ câu chuyện về những bận rộn hàng ngày của các thị trấn và những người dân ở đó cho đến việc giải thích các sự kiện và vấn đề của đời sống quốc tế.

Ngôn ngữ trong tờ báo, nhất là trong thông báo tin tức, về mặt phong cách, rõ ràng là phải gần với ngôn ngữ đàm thoại hơn là với ngôn ngữ viết. Nó có thể so sánh với một cuộc đàm thoại thú vị của một người kể chuyện tài ba. Một nhà báo có kinh nghiệm có thể kể về những sự việc phức tạp nhất bằng ngôn ngữ rất giản đơn.

Dưới đây là một ví dụ về thông tin đề cập tới các vấn đề kinh tế của Ấn Độ ở một thời không xa lắm, được trình bày khá thành công. Bài viết về đề tài này, phóng viên của báo " New York Time " thường trú tại New Delhi bắt đầu như sau:

" Trên bàn làm việc của Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ có một chiếc cặp giấy mỏng màu vàng. Đó là bản báo cáo đã được chuẩn bị kỹ càng mà như ông nói trong cuộc đàm thoại với chúng tôi, Chính phủ không muốn sử dụng, nhưng vẫn lo ngại là rồi sẽ phải làm điều đó. Ông T. T. Krisnamakhari, nhà hoạt động chính trị và nhà doanh nghiệp nổi danh trong giới thương gia của đất nước, khi ngồi trước chiếc bàn làm việc ấy, đã cầm chiếc cặp giấy lên tay như áng thử mức nặng nhẹ của nó.

" Tôi đã chuẩn bị bản báo cáo đó suốt 3 tháng, ông nói tiếp. Đây là lần cuối tôi nói với các đồng nghiệp của mình về những cái mà đất nước chúng tôi có thể làm được cũng như không thể làm được, nếu như sắp tới nó không nhận được viện trợ nước ngoài ".

Sau cái Lead này, cả bài báo được đưa ra cũng hết sức sống động, mặc dù nếu rơi vào tay tác giả khác nó rất có thể đã trở thành một văn bản tẻ nhạt. Khi nhà báo tìm thấy nhưng chi tiết nổi bật nhất của cái đang xảy ra, anh ta sẽ giúp cho độc giả có được cảm giác là mình đang ở chỗ diễn ra sự kiện và hiểu rõ hơn ý nghĩa của nó. Nói cách khác, trong thông báo tin tức luôn cần ưu cái cụ thể hơn là cái trừu tượng.




  1. Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương