HĐnd tỉnh hà TĨnh khoá XVI, KỲ HỌp thứ 3 CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 236.89 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích236.89 Kb.
#14221
1   2   3   4

5. Quan tâm đầu tư ngân sách cho bảo vệ, khoanh nuôi, trồng mới và trồng nâng cấp rừng phòng hộ, đặc dụng theo hướng bền vững; khuyến khích, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh, kinh doanh tổng hợp tạo thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ

Tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh theo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012. Giai đoạn 2012 – 2015 mỗi năm bình quân trồng mới 5.800 ha rừng (trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 800 ha, hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo chương trình 147/QĐ-TTg 520 ha bằng vốn ngân sách và trồng 4.480 ha rừng sản xuất bằng vốn tự có, vốn vay của các thành phần kinh tế); bảo vệ rừng 250.321 ha, trong đó, đối tượng xung yếu và rất xung yếu cần được giao khoán là 106.652ha (riêng diện tích rừng Đặc dụng 71.056 ha sau khi biên chế đủ 500 ha/1 cán bộ thì không bố trí kinh phí bảo vệ); khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng là 4.900 ha.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện khối lượng các hạng mục lâm sinh trên 581 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 130 tỷ đồng, ngân sách địa phương 10 tỷ đồng, lồng ghép các dự án 130 tỷ đồng, xã hội hóa 311 tỷ đồng).

Quy hoạch rừng sản xuất nguyên liệu gỗ để khai thác tối đa tiềm năng về lâm nghiệp của tỉnh. Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển rừng sản xuất theo Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách khuyến khích theo Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 09/8/2011 của UBND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ Ngân sách cho việc bảo vệ rừng tự nhiên sản xuất chưa có sản phẩm khai thác trong vòng 10-15 năm tới. Tạo cơ chế thông thoáng, môi trường đầu tư thuận lợi, chính sách ưu đãi nhằm thu hút các thành phần kinh tế, nhất là các Doanh nghiệp xây dựng các dự án đầu tư chiều sâu vào sản xuất kinh doanh tổng hợp theo hướng bền vững, lâu dài, đảm bảo đúng quy hoạch. Đặc biệt là làm giàu rừng tự nhiên bằng việc trồng cây bản địa gỗ lớn, trồng cây lâm sản phi gỗ dưới tán rừng, trồng cao su, trồng rừng thâm canh tạo thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với các nhà máy chế biến có công nghệ tiên tiến, chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng cao và các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu.

Quan tâm đầu tư, lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp bao gồm: Đ­ường lâm nghiệp, công trình phòng cháy chữa cháy rừng...đặc biệt là các vùng quy hoạch sản xuất tập trung, nhằm tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư vào bảo vệ, phát triển rừng.

6. Kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức trong hoạt động về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

6.1. Kiện toàn hệ thống tổ chức

Kiện toàn hệ thống tổ chức các cơ quan, tổ chức của Nhà nước về quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên toàn tỉnh theo hướng thống nhất, tinh gọn, đồng bộ, hoạt động có hiệu quả; đội ngũ cán bộ phải được phân loại, sắp xếp lại, lựa chọn những người tinh thông, tận tụy với công việc được giao để đảm trách các vị trí chủ chốt; kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ thoái hóa, biến chất, bảo kê, thông đồng cho lâm tặc khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép.

a. Về cơ quan quản lý Nhà nước:

- Ở cấp tỉnh, huyện: Sau khi có nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì tổ chức lại các cơ quan quản lý lâm nghiệp theo hướng thống nhất thành một đầu mối tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện quản lý Nhà nước về lâm nghiệp.

- Ở cấp xã: Bố trí cho 98 xã có từ 500 ha rừng và đất lâm nghiệp trở lên thêm mỗi xã 01 cán bộ bán chuyên trách theo dõi lâm nghiệp (ngoài 01 công chức theo dõi lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới-theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ). Thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí cho các xã tổ chức bảo vệ rừng tại cơ sở theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.

b. Về các đơn vị hoạt động sự nghiệp.

Kiện toàn, tổ chức lại các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ theo hướng:

- Đối với rừng đặc dụng: Giữ nguyên Vườn Quốc gia Vũ Quang, bổ sung đủ biên chế theo quy định. Điều chỉnh quy mô quản lý của Khu bảo tồn TN Kẻ Gỗ theo hướng tiếp nhận thêm một số diện tích của ban QLRPH Cẩm Xuyên và Thạch Hà để có quy mô quản lý khoảng 43.447 ha, tiếp nhận thêm biên chế của PH Cẩm Xuyên và PH thạch Hà để đảm bảo đủ biên chế theo quy định.

- Đối với rừng phòng hộ:

+ Giữ nguyên Ban QLRPH Hồng Lĩnh, bổ sung thêm biên chế để đảm bảo đủ theo quy định.

+ Ban quản lý PH Sông Tiêm: Cắt chuyển một số diện tích rừng sản xuất của Ban, giữ nguyên biên chế được giao 2011.

+ Ban quản lý RPH Ngàn phố: Được tổ chức lại gồm phần diện tích tách ra từ Công ty lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn cùng với diện tích của ban Ngàn phố sau khi soát xét cắt chuyển, quy mô quản lý khoảng 25.161 ha. Bổ sung thêm biên chế được tuyển từ Công ty TNHHMTV lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn để đảm bảo đủ biên chế theo quy định.

+ Ban QLRPH Ngàn Sâu: Được tổ chức lại gồm diện tích của PH Ngàn sâu sau khi soát xét cắt chuyển, gộp với phần cắt từ Công ty TNHHMTV lâm nghiệp và dịch vụ chúc A, quy mô quản lý khoảng 17.350 ha, bổ sung thêm biên chế được tuyển từ Chúc A để đảm bảo đủ biên chế theo quy định.

+ Ban QLRPH Nam Hà Tĩnh: Điều chỉnh quy mô diện tích gồm diện tích của PH Nam Hà Tĩnh sau khi soát xét cắt chuyển gộp với diện tích của Công ty cổ phần NLS cắt ra, quy mô quản lý khoảng 16.752 ha.

+ Ban quản lý RPH Cẩm xuyên và Thạch Hà: Sáp nhập và điều chuyển diện tích vào Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ gỗ và chuyển về địa phương, cho doanh nghiệp thuê. Số biên chế của 2 đơn vị này được chuyển về Bảo tồn Kẻ Gỗ. Với số lao động hợp đồng thì tiếp tục nghiên cứu giải quyết việc làm theo cả 2 hướng là yêu cầu doanh nghiệp được thuê đất tiếp nhận lao động hoặc giao đất giao rừng cho những người không được doanh nghiệp giải quyết việc làm, hoặc chấm dứt hợp đồng với một số đối tượng và tỉnh sẽ có chính sách phù hợp cho số lao động dôi dư.

(Biên chế các ban quản lý rừng PH, ĐD sau khi sắp xếp lại như biểu 10 kèm theo).

Sau khi đề án được phê duyệt, phải xây dựng đề án chi tiết để kiện toàn, tổ chức lại và tăng cường năng lực cho các ban đảm bảo đủ mạnh, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó chú trọng quan tâm tăng cường năng lực cho công tác bảo vệ rừng, chính quy hóa lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ có quy mô và đủ điều kiện thì từng bước nghiên cứu có thể thành lập Hạt kiểm lâm trực thuộc để tăng cường hiệu lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng.

c. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước:

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả theo lộ trình, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo tinh thần Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng 2 công ty TNHHMTV lâm nghiệp và dịch vụ Chúc A và Hương Sơn cần rà soát, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững để chủ động trong kế hoạch khai thác gỗ hàng năm; xây dựng Đề án sản xuất kinh doanh gắn với quản lý rừng bền vững nhằm tái cấu trúc 2 công ty, đảm bảo hoạt động hiệu quả, bền vững. Trên cơ sở các chính sách hiện hành, xem xét bố trí ngân sách cho 2 Công ty để bảo vệ diện tích rừng phòng hộ đan xen còn lại và diện tích rừng tự nhiên sản xuất nghèo, chưa có sản phẩm khai thác trong vòng 10 - 15 năm tới.

Các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp nhà nước cần từng bước tiếp cận và triển khai thực hiện cơ chế đồng quản lý với cộng đồng dân cư địa phương trên cơ sở cùng chia sẻ trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và cùng hưởng lợi ích từ rừng trên cơ sở đóng góp của các bên theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

6.2. Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức

Chính quyền các cấp cần quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình theo đúng quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng, đồng thời thực hiện tốt các quy định khác của pháp luật. Các tổ chức, đơn vị tăng cường chỉ đạo đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật và chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, trong đó chú trọng thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Xây dựng các chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch, phương án bảo vệ rừng, PCCCR để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

- Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý việc khai thác, vận chuyển, tàng trử, buôn bán, chế biến lâm sản trái phép và các hành vi vi phạm khác. Giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn trong phát triển, sử dụng rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển rừng sang trồng cao su đảm bảo đúng quy hoạch, đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật.

- Chỉ đạo, thẩm định, phê duyệt phương án giao đất, giao rừng và tổ chức giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đảm bảo công bằng, đúng pháp luật.

- Tổ chức, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật bảo vệ và phát triển rừng.

- Tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn cho các tổ chức, các thành phần kinh tế đầu tư vào bảo vệ, phát triển rừng.

- Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, đảm bảo thông tin kịp thời cho công tác điều hành, quản lý.

7. Tổ chức lại mạng lưới các cơ sở chế biến lâm sản theo quy hoạch, thực hiện việc cấp phép có điều kiện. Chuyển hướng từ chế biến thô sang chế biến tinh, sâu, sử dụng nguyên liệu từ rừng trồng là chính, đưa công nghiệp chế biến lâm sản trở thành mũi nhọn kinh tế của ngành và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh

Trong năm 2012 tổ chức rà soát lại toàn bộ các cơ sở chế biến gỗ, các cơ sở mộc, thủ công mỹ nghệ sử dụng nguyên liệu gỗ, nắm chắc về địa điểm, quy mô, công nghệ, nguồn nguyên liệu đầu vào, sản phẩm chủ yếu, các thủ tục pháp lý để cho cơ sở hoạt động. Tiến hành sắp xếp lại hệ thống chế biến hiện có đảm bảo phù hợp khả năng nguồn nguyên liệu và nhu cầu thiết yếu, chỉ để lại các cơ sở phù hợp và đủ điều kiện hoạt động chế biến lâm sản. Kiên quyết không để lại các cơ sở chế biến, các xưởng cưa xẻ trong và gần các khu rừng đặc dụng, phòng hộ; có hình thức xử lý, sắp xếp lại đối với các cơ sở vi phạm. Trên cơ sở đó xây dựng hoàn chỉnh phương án quy hoạch lại mạng lưới cơ sở chế biến lâm sản theo hướng đảm bảo gắn với vùng và nguồn nguyên liệu, trình UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2012. Sau khi rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại cần xây dựng thành cơ sở dữ liệu về hoạt động chế biến lâm sản để theo dõi, quản lý. Việc cấp phép cho hoạt động chế biến lâm sản phải đảm bảo đúng quy hoạch, cơ sở chế biến phải đủ năng lực, giải trình và cam kết sử dụng nguồn lâm sản hợp pháp, giảm thiểu tác động môi trường... và nhất thiết phải có ý kiến của cơ quan quản lý về lâm nghiệp.

Trên cơ sở khả năng của nguồn nguyên liệu, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, chuyển hướng vào chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng như: đồ gỗ xuất khẩu, ván dăm, ván ép, Bột giấy, ... nhằm nhanh chóng thúc đẩy chuyển chế biến từ thô sang tinh, sâu. Quan tâm, tạo thuận lợi cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ cao cấp và chế biến lâm sản phi gỗ.

Các cơ sở chế biến lâm sản cần gắn kết với nguồn nguyên liệu bằng hình thức liên kết, hợp đồng đầu tư bao tiêu sản phẩm cho người làm rừng. Tỉnh cần có chính sách về cung ứng nguyên liệu tại chỗ, nguyên liệu nhập khẩu cho các cơ sở chế biến và phục vụ nhu cầu dân dụng.



8. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán, tàng trử, chế biến lâm sản trái phép; kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào, đầu ra của các cơ sở chế biến, coi đây là giải pháp trọng tâm trước mắt và phải duy trì hoạt động thường xuyên, có hiệu quả

Hàng năm các chủ rừng cần rà soát, xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng của đơn vị phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo bảo vệ rừng tại gốc hiệu quả; bố trí lực lượng đủ mạnh tại các trạm bảo vệ rừng nhằm kiểm tra, phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý các vi phạm; phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm; nắm chắc tình hình vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần quản lý, vùng trọng điểm thường xảy ra vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác BVR-PCCCR các cấp từ tỉnh, đến huyện, xã chỉ đạo, tổ chức và huy động lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi xâm hại rừng; thiết lập đường dây nóng, phát động nhân dân phát giác, tố giác các đối tượng vi phạm Luật BV&PTR, để có biện pháp xử lý kịp thời. Chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát và xử lý dứt điểm các vụ án chống người thi hành công vụ còn tồn đọng, chỉ đạo Bộ đội biên phòng nghiêm cấm người, phương tiện... vào khu vực biên giới trái phép.

Thành lập các đoàn liên ngành gồm: Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Biên phòng mở các đợt kiểm tra, truy quét việc khai thác, buôn bán, tàng trữ, chế biến lâm sản trái phép, kể cả lâm sản trái phép đang tàng trử trong các hộ gia đình; chú trọng soát xét toàn bộ các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản, các làng nghề có sử dụng gỗ trên toàn tỉnh, kiểm tra từ giấy phép cho đến nguồn gốc lâm sản đưa vào chế biến, kinh doanh... nếu vi phạm thì thu hồi giấy phép, tịch thu lâm sản. Kiên quyết tháo dỡ các xưởng lập trái phép, xử lý nghiêm, đúng pháp luật các hành vi vi phạm.

Lực lượng kiểm lâm phải chú trọng quản lý chặt, duy trì kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản, đặc biệt là kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào; phối hợp với các cơ quan chức năng trong kiểm soát lưu thông lâm sản trên địa bàn, đảm bảo lâm sản đưa vào chế biến, lưu thông phải có nguồn gốc hợp pháp; quán triết và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 của Bộ NN&PTNT về quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán lâm sản, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm.

Tập trung xử lý dứt điểm các điểm nóng về bảo vệ rừng. Đẩy mạnh công tác pháp chế, giải quyết dứt điểm, xử phạt, đưa ra truy tố các vụ vi phạm đã có đủ hồ sơ pháp lý. Chi cục kiểm lâm theo chức năng nhiệm vụ của mình, tổ chức giám sát chặt chẽ, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xử lý kỷ luật nghiêm đối với chủ rừng và các địa phương (nhất là cấp xã) để xảy ra điểm nóng về quản lý bảo vệ rừng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, dự án chuyển rừng sang trồng cao su đã được phê duyệt; kiên quyết đình chỉ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương khai thác tận thu, tận dụng rừng để khai thác trái phép lâm sản.

9. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, khuyến lâm và quan tâm phát triển nguồn nhân lực

Ưu tiên đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ mới vào sản xuất, tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu để nhanh chóng tiếp cận và chuyển giao các công nghệ mới. Trong đó chú trọng nghiên cứu, chuyển giao các phương thức kinh doanh rừng tổng hợp, bền vững; kỹ thuật nhân giống mới có năng suất cao; kỹ thuật nông lâm kết hợp có hiệu quả; công nghệ mới, hiện đại trong chế biến sâu lâm sản... Đẩy mạnh xã hội hóa nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, thu hút các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Quan tâm hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát quản lý chất lượng giống, thực hiện quản lý tốt chuỗi hành trình về giống nhằm đảm bảo giống đưa vào trồng rừng phải có năng suất, chất lượng cao. Đầu tư nâng cấp hệ thống 10 vườn ươm hiện có theo hướng hiện đại, tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh Trung tâm giống chất lượng cao tại Cẩm Xuyên nhằm đảm bảo cung ứng đủ giống có chất lượng phục vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường năng lực của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm nhằm chuyển giao, hỗ trợ đưa khoa học, công nghệ mới vào phục vụ sản xuất. Đầu tư hỗ trợ xây dựng một số mô hình sản xuất, kinh doanh rừng hiệu quả, bền vững để phổ biến, nhân rộng. Mở các lớp tập huấn chuyển giao về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng và khai thác rừng hợp lý; các lớp bồi dưỡng về quản lý rừng, hạch toán kinh tế trong kinh doanh rừng...

Thực hiện tốt chính sách thu hút và sử dụng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi vào các chương trình dự án bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Quan tâm đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ lâm nghiệp cấp huyện, xã đáp ứng yêu cầu. Xem xét việc đào tạo cán bộ lâm nghiệp của trường trung cấp NN&PTNT để khi nhập vào trường đại học Hà Tĩnh phải đảm bảo đào tạo được đội ngũ cán bộ lâm nghiệp đáp ứng yêu cầu. Trong thực hiện việc đào tạo nghề cho nông dân cần quan tâm đào tạo cho lao động ở vùng sâu, vùng xa ở trung du và miền núi làm nghề rừng.



10. Tăng cường quản lý khai thác lâm sản, tiến tới khai thác rừng bền vững

Việc khai thác lâm sản phải được kiểm soát, đảm bảo bền vững, đúng quy trình, quy phạm, đúng quy hoạch, đảm bảo minh bạch, công bằng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất kinh doanh gỗ; nâng cao hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; cung cấp nguyên liệu cho các Doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Ngoài diện tích rừng tự nhiên sản xuất của 2 công ty lâm nghiệp đã có phương án điều chế, cần xem xét xây dựng phương án điều chế đối với diện tích rừng tự nhiên sản xuất và phòng hộ còn lại để từng bước mở rộng diện tích, sản lượng khai thác lâm sản bền vững, có kiểm soát. Đây là biện pháp đảm bảo nguồn cung mà không làm phá vỡ cấu trúc rừng, từ đó làm giảm áp lực khai thác rừng trái phép và tạo nguồn thu cho các đơn vị quản lý rừng nhằm đảm bảo đời sống người lao động.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy chế bán đấu giá cây đứng trong khai thác gỗ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh theo Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND ngày 29/9/2011 của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm tăng cường QLNN về khai thác, sử dụng rừng, tăng nguồn thu để đầu tư tái tạo rừng, cung cấp nguyên liệu cho các Doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị quản lý rừng cần xác lập, xây dựng hệ thống quản lý, sử dụng rừng hướng tới khai thác, sử dụng bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn FSC để tiến tới được cấp chứng chỉ rừng; phấn đấu đến năm 2020 tất cả lượng gỗ khai thác trên địa bàn tỉnh đều được cấp chứng chỉ. Đây là điều kiện cho các sản phẩm gỗ sản xuất trên địa bàn Hà Tĩnh tham gia hội nhập vào thị trường gỗ ở khu vực và thế giới, là cơ hội để tăng giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

11. Thực hiện tốt công tác điều tra, kiểm kê nhằm đánh giá đúng hiện trạng tài nguyên rừng, tổ chức theo dõi diễn biến rừng, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Để nắm chắc hiện trạng tài nguyên rừng phục vụ công tác điều hành, quản lý, xác định các nhiệm vụ cho chiến lược phát triển, trong thời gian tới cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành Trung ương thực hiện tốt công tác điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 1240/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo xong trong năm 2012. Các chủ rừng, chính quyền địa phương cấp huyện, xã cần tích cực chủ động, phối hợp với cơ quan chuyên môn nhằm đánh giá đúng chất lượng, trữ lượng rừng, hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp. Công tác điều tra, kiểm kê rừng cần đạt các mục tiêu:

- Nắm bắt được toàn diện về diện tích rừng; chất lượng rừng và diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp gắn với chủ quản lý cụ thể trên địa bàn tỉnh.

- Thiết lập được hồ sơ quản lý rừng của địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu theo đơn vị quản lý rừng và đơn vị hành chính các cấp phục vụ theo dõi diễn biến rừng và đất chưa có rừng hằng năm..

- Thành quả của công tác điều tra, kiểm kê rừng đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát về quản lý bảo vệ và phát triển rừng; tạo cơ sở để thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Từ kết quả điều tra, kiểm kê xác lập thành cơ sở dữ liệu ở các cấp quản lý khác nhau, hàng năm mỗi cấp quản lý, đặc biệt là chủ rừng phải có trách nhiệm thực hiện theo dõi diễn biến rừng, cập nhật bổ sung thông tin, các biến động về tài nguyên rừng, đảm bảo hệ thống dữ liệu luôn cố gắng theo sát thực tế, phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở mỗi cấp. Kết quả kiểm kê là cơ sở để giao, cho thuê rừng cho các tổ chức, cá nhân, gắn trách nhiệm của chủ rừng với việc bảo toàn và sử dụng có hiệu quả vốn rừng được giao.



12. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; siết chặt kỷ cương, pháp luật toàn diện trên các mặt

Hàng năm UBND các cấp, các cơ quan chức năng phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; tổng hợp kết quả báo cáo cho cấp trên quản lý trực tiếp. Việc kiểm tra phải có đánh giá cụ thể về những mặt tốt, chưa tốt, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, xử lý, đề xuất hình thức xử lý thỏa đáng, nghiêm minh các tổ chức cá nhân vi phạm, cụ thể:

- UBND xã: Căn cứ vào tình hình cụ thể và yêu cầu nhiệm vụ cần có các cuộc kiểm tra đột xuất để xử lý kịp thời từng vụ việc và định kỳ hàng tháng, quý, năm tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng trên địa bàn, lập biên bản, tổng hợp báo cáo UBND huyện vào thời gian cuối tháng, quý, năm; xử lý theo thẩm quyền đối với từng vụ việc vi phạm (nếu có), các vụ việc vượt thẩm quyền, phức tạp, nổi cộm phải báo cáo ngay cho UBND huyện, hạt Kiểm lâm để kịp thời ngăn chặn, xử lý; lập hồ sơ theo dõi các đối tượng vi phạm để có biện pháp quản lý, giáo dục, chuyển hóa.

- UBND huyện: Ngoài các cuộc kiểm tra đột xuất thì định kỳ 3 tháng 1 lần kiểm tra, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND xã có rừng, trách nhiệm quản lý bảo vệ, phát triển rừng của chủ rừng trên địa bàn. Tổng hợp tình hình quản lý bảo vệ và phát triển rừng của huyện, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở NN&PTNT). Xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền đối với các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý. Các vụ việc phức tạp, nổi cộm phải báo cáo ngay cho UBND tỉnh, Chi cục Kiểm lâm để kịp thời chỉ đạo, ngăn chặn, xử lý.

- Chi cục Kiểm lâm: Tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh tổ chức các đợt kiểm tra của tỉnh về công tác bảo vệ, phát triển rừng. Tổ chức kiểm tra đột xuất và định kỳ 3 tháng 1 lần để nắm chắc tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng của các hạt Kiểm lâm và của các chủ rừng Nhà nước, xem xét xử lý theo thẩm quyền các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật.

- Định kỳ 3 tháng một lần tổ chức đoàn liên ngành của tỉnh để kiểm tra, đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xử lý các trường hợp vi phạm.

- UBND tỉnh: Tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất và định kỳ 6 tháng 1 lần kiểm tra, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND huyện, thị xã, trách nhiệm quản lý bảo vệ, phát triển rừng của chủ rừng Nhà nước, của các ngành chức năng. Xem xét có hình thức xử lý thỏa đáng, đúng pháp luật đối với các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật.

Siết chặt hơn nữa kỷ cương, kỹ luật đảm bảo sự chấp hành nghiêm túc quá trình chỉ đạo từ trên xuống và báo cáo phản ánh tình hình từ dưới lên. Cương quyết xử lý các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy định của Nhà nước, đồng thời có hình thức khen thưởng thỏa đáng với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong bảo vệ và phát triển rừng.




tải về 236.89 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương