HỘi văn nghệ DÂn gian việt nam nguyễn nghĩa dâN ĐỒng dao và ca dao cho trẻ em sưu tầM, nghiên cứU, tuyển chọn nhà xuất bảN …



tải về 2.73 Mb.
trang5/18
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích2.73 Mb.
#1499
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

KẾT LUẬN
Góp phần nghiên cứu một số vấn đề có tính hệ thống của đồng dao điều có thể rút ra về mặt văn hóa dân gian trong đó có văn học dân gian là đồng dao có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa đặc biệt đối với trẻ em. Bên cạnh việc bảo vệ chăm sóc các cháu, việc giáo dục các cháu từ tấm bé đến hết tuổi vị thành niên phải được gia đình, nhà trường và xã hội đặc biệt quan tâm. Trong việc giáo dục trẻ ở độ tuổi nhi đồng, thiếu niên, đồng dao có tác dụng tích cực trong phương thức chơi, tiếp đó chơi mà học rồi học mà chơi. Quá trình hoạt động chơi-học đó được kết hợp với hát, diễn xướng, bắt đầu từ nghe lời hát ru của mẹ, của chị, của bà bằng lời đồng dao, ca dao rồi tự hát đồng dao, vừa hát đồng dao vừa chơi trò chơi dân gian hợp với lứa tuổi hoặc vừa chơi vừa đố vui... Các em hát đồng dao và sáng tạo đồng dao làm cho kho tàng đồng dao ngày thêm phong phú, sống và lớn lên trong thế giới tuổi thơ với văn hóa dân gian, văn học dân gian, với cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn, truyện cười... Tất cả những thể loại này bắt đầu từ hát ru là nguồn nước trong lành, là liều thuốc bổ dưỡng tinh thần tốt nhất cho các em với sự hỗ trợ của ng­ười lớn làm cho nhân cách của các em hình thành và phát triển.

Người lớn tiếp nhận đồng dao hoặc nghiên cứu đồng dao là để thâm nhập vào thế giới trẻ em từ đó hướng dẫn trẻ vui chơi phù hợp qui luật tâm sinh lý của trẻ từ tuổi ấu thơ, tiền học đường cho đến lúc trẻ vào tiểu học và tiếp tục cho hết bậc trung học cơ sở ở tuổi 14, 15.

Người lớn có thể sáng tác đồng dao hoặc thơ cho thiếu nhi với điều kiện phải tuân thủ thi pháp của đồng dao hoặc thơ cho trẻ em. Thi pháp đồng dao hoặc thơ cho trẻ em có quan hệ chặt chẽ với tâm sinh lý trẻ. Thoát ly tâm sinh lý của trẻ, không hiểu biết hoàn cảnh vui chơi, sinh hoạt, học hành của trẻ, sẽ khó thành công trong sáng tác văn nghệ cho thiếu nhi. Cái đẹp trong đồng dao luôn luôn gắn liền với cảm nghĩ, cách nói, cách hát, cách diễn xướng, cách chơi hồn nhiên, đơn giản với tưởng tượng và trí tuệ của thiếu nhi. Ng­ười lớn sáng tạo đồng dao phải làm toát lên được cái đẹp đó. Phải tránh cách suy nghĩ theo lí trí và tình cảm của ngư­ời lớn khi sáng tác đồng dao hoặc các thể loại khác cho thiếu nhi như­ thơ, truyện, nhạc... Nên nhớ rằng “trẻ em là trẻ em, trẻ em không phải là người lớn" trong sáng tạo nghệ thuật cho trẻ.

Ngày nay, bàn về quan hệ giữa đồng dao, trò chơi dân gian của trẻ với các bài hát hiện đại, trò chơi điện tử, phim ti vi, nhiều nhà khoa học trên thế giới về tâm sinh lý trẻ đã nghiên cứu và có kết luận khá thống nhất. Ng­ười ta cho rằng phải tôn trọng qui luật phát triển tâm sinh lý trẻ em theo nhịp sống hồn nhiên của trẻ. Ng­ười ta không tán thành việc ép trẻ em khi ch­ưa đến tuổi đi học phải học bộ chữ cái, bộ con số, học ngoại ngữ với đĩa CD-ROM. Ng­ười ta cũng phản đối việc bắt trẻ học quá nhiều giờ trong tuần lễ, bắt trẻ em học thêm, không có kế hoạch cân đối giữa học và chơi đối với từng độ tuổi khác nhau từ mẫu giáo đến tiểu học và trung học cơ sở. Trong vui chơi của trẻ thơ, của nhi đồng, nhiều nhà khoa học đã nói rõ về tính ­ưu việt của gia đình đặc biệt của ngư­ời mẹ trong việc nâng niu chăm sóc trẻ bằng tiếng ru, lời hát, hoặc của mẹ, của bà trong kể truyện cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn, truyện c­ười... Các nhà khoa học về tâm sinh lý trẻ em cũng đề nghị người lớn tham gia sáng tạo, tổ chức hướng dẫn những trò chơi dân gian truyền thống của từng dân tộc cho trẻ em. Để kết luận cuốn sách này, xin nêu những ý kiến sau đây cửa thế giới hiện đại về hoạt động chơi-học của trẻ em để cùng tham khảo kết hợp văn hóa dân tộc với văn hóa hiện đại của thế giới: Năm 1994, Liên đoàn Carnegie đã công bố một bản báo cáo về "Cơn khủng hoảng thầm lặng" của trẻ em ở Mỹ trong đó đã nhấn mạnh rằng các tác động kích thích đối với bộ não của trẻ em dù đúng hướng hay chệch hướng đều có ảnh h­ởng đáng kể tới quá trình phát triển bộ não sau này". Nhà Trắng cũng đã triệu tập một cuộc hội nghị về quá trình phát triển của trẻ em. Theo kết quả của nhóm nghiên cứu “từ 0 đến 3 tuổi", có đến 80% gia đình ở Mỹ với cha mẹ có trình độ xấp xỉ đại học, thường xuyên sử dụng các phương tiện kích thích não bằng truyền hình và trò chơi điện tử để bồi dưỡng cho con cái họ; nh­ưng theo các chuyên gia nghiên cứu về quá trình phát triển của trẻ, các công cụ này không có hiệu quả gì so với hoạt động xã hội và cảm xúc nh­ư nói chuyện với trẻ hoặc đọc truyện cho trẻ nghe. Các chuyên gia đều nhất trí là chỉ có quan hệ an toàn và tin cậy với cha mẹ là có thể phát triển tiềm năng trí tuệ của trẻ tới mức tối ưu. Thời gian dành cho việc bế ẵm, ngắm nhìn trẻ và chơi với trẻ tạo ra sự gắn bó tin cậy và tôn trọng là cơ sở của quá trình phát triển của trẻ, điều này thường bị lãng quên hoặc đặt vào hàng thứ yếu... Theo các nhà giáo dục, trước khi đi học, không phải trẻ em cần biết bộ chữ cái, các con số... mà những gì cần có đối với trẻ là các kỹ năng xã hội nh­ư biết chia sẻ, biết tương tác với ng­ười khác, biết làm theo lời chỉ bảo hướng dẫn. Khi đã có những kỹ năng này, trẻ tới tr­ường sẽ không chỉ học dễ dàng các môn tập đọc tập viết mà còn có thể phát triển các khả năng khác nữa, trên cơ sở "trí khôn cảm xúc"1. Những nội dung vừa nêu cho thấy:

- Gia đình, đặc biệt các bà mẹ phải chăm sóc trẻ từ lúc sơ sinh đến 3 tuổi, qua đó giáo dục cảm xúc cho trẻ, khi bồng bế, khi vui chơi, khi hát ru trẻ nghe...

- Không nên ép trẻ học quá sớm giai đoạn trẻ trên 3 đến 6 tuổi chủ yếu là chơi, tiếp xúc với thế giới thiên nhiên xã hội quanh mình để phát triển ngôn ngữ giao l­ưu với bạn bè cùng lứa tuổi, vui chơi ca hát trong môi trường xã hội của các em.

- Cân đối vui chơi với học hành trong trường phổ thông nhất là ở bậc tiểu học. Trong vui chơi giải trí, không nên cho trẻ quá say mê trò chơi hiện đại, trò chơi điện tử; xét ra, như­ các nhà khoa học đã chỉ rõ, ích lợi không nhiều cho các em trong phát triển con ng­ười toàn diện.

Trong quan hệ giữa những điểm trên đây với tác dụng của đồng dao (trẻ em hát, trẻ em hát-trẻ em chơi, hát ru, trẻ em đố vui, ca dao cho trẻ em) ta có thể thấy nên phát huy hơn nữa tác dụng của đồng dao trong vui chơi của trẻ em, không chỉ ở nông thôn mà cả ở đô thị, không chỉ ngoài nhà trường mà ngay ở trong nhà trường nữa. Gần đây, Võ Quang Trọng đã nghiên cứu “trò chơi dân gian ở đô thị" (qua khảo sát ở một trường tiểu học, quận Ba Đình Hà Nội) cho biết trong giờ chơi, các em rất thích thú khi chơi các trò chơi nh­ư đá cầu, bịt mắt bắt dê, kéo co, nhảy dây, tập tầm vông, bắn sỏi, đào dế, chơi dế, chơi lò cò, chơi ô quan, chuyền thẻ... là những trò chơi có hát đồng dao kèm theo hoặc không hát đồng dao. Võ Quang Trọng cho biết thêm so với trò chơi trẻ em ở nông thôn, trò chơi dân gian của trẻ ở đô thị không phong phú bằng nh­ưng chứng tỏ rằng “Do sự phát triển của đô thị, nhiều người từ các địa phương khác nhau, trong quá trình thiên di, đã mang theo vốn văn hóa truyền thống của làng quê mình gia nhập vào kho tàng văn hóa của c­ư dân đô thị. Trong quá trình đó, nhiều trò chơi dân gian phù hợp, thích ứng với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội được tiếp nhận, bảo l­ưu, còn những trò chơi nào không phù hợp bị đào thải. Những trò chơi hiện đang tồn tại, được các em ­ưa thích đã khẳng định được vị thế của nó ở chốn đô thị chính là đã thích ứng với môi trường mới, với không gian chật hẹp, với lối sống và thế ứng xử mới"1. Như­ vậy, trong hoàn cảnh mới về kinh tế xã hội của đất nước ta, đồng dao vẫn phát huy tốt tác dụng nhiều mặt của nó. Vấn đề đặt ra là các cơ quan đoàn thể hữu quan trong chăm sóc bảo vệ giáo dục trẻ em cần quan tâm chỉ đạo tốt hơn việc phát huy tác dụng của đồng dao, trò chơi dân gian để góp phần hình thành nhân cách cho thiếu nhi với bản sắc văn hóa Việt Nam, đừng để “món quà quý này đang bị lãng quên"2.


PHỤ LỤC

CỦA PHẦN THỨ NHẤT


VỀ NỘI DUNG “SẤM VĨ” CỦA ĐỒNG DAO
Nói chung, chủ thể sáng tạo và sử dụng đồng dao phần lớn là trẻ em, như­ng nói riêng lại có một số đồng dao do người lớn làm ra, lan truyền nhằm mục đích riêng biệt rồi sử dụng trẻ em làm trung gian để truyền bá trong dân gian. Trẻ em có một khả năng ư­u việt là tuy không hiểu ý nghĩa câu đồng dao do người lớn truyền đạt như­ng các em tiếp thu rất nhanh, mau thuộc và truyền cho nhau cũng rất nhanh. Nh­ư vậy, đồng dao cũng có thể định nghĩa đơn giản là lời hát của trẻ em, từ miệng trẻ em hát lên (không cần biết nội dung nói gì). Đó là một hiện tượng có thật từ x­ưa ở nước ta, đến nay trong dân gian và một số nhà nghiên cứu văn học dân gian gọi là đồng dao. Những đồng dao do người lớn lan truyền có nguồn gốc, xuất xứ khác nhau, thường liên quan đến vận mệnh đất nước, thời cuộc, thay đổi triều đại vua chúa hoặc liên quan đến hiện tượng thiên nhiên có số lượng rất ít nh­ưng thường được chú ý. Có thể kể ra đây một số đồng dao được sáng tạo và truyền bá từ người lớn qua trẻ em.

Chuyện cây gạo bị sét đánh ở làng Diên Uẩn thuộc châu Cổ Pháp (nay là vùng Tiên Sơn, Bắc Ninh) có bài thơ “Thụ căn diểu diểu / Mộc biểu thanh thanh / Hòa-đao-mộc lạc / Thập-bát-tử thành / Đông-A nhập địa / Dị mộc tái sinh / Chấn cung kiến nhật / Đoài cung ẩn tinh / Lục thất niên gian / Thiên hạ thái bình". (Dịch nghĩa và suy luận là: Rễ cây sâu thăm thẳm / Vỏ cây màu xanh xanh / Hòa-đao-mộc rụng có nghĩa 3 chữ Hán này ghép lại thành chữ lê, ý nói nhà Lê sẽ mất đi / Thập-bát-tử thành có nghĩa 3 chữ Hán này ghép lại thành chữ lý, ý nói nhà Lý sẽ được dựng lên / Đông-A vào nước ta, có nghĩa 2 chứ Hán này ghép lại thành chữ trần, ý nói nhà Lý suy, nhà Trần sẽ nối tiếp / Cây lạ sinh trở lại, ý nói cây lê mới nảy sinh ngụ ý nhà Hậu Lê sẽ tiếp nối / Phương Đông mặt trời mọc ý nói sẽ xuất hiện thiên tử, muốn ám chỉ Lý Công Uẩn sẽ làm vua / Phương Tây sao ẩn mình ý nói phía Hoa L­ư sẽ mất / Chừng sáu bảy năm nữa / Thiên hạ sẽ thái bình). Toàn bài thơ có ghi trong Đại Việt sử ký toàn th­ư nói về điềm lạ báo trước Lý Công Uẩn lên ngôi lập nên nhà Lý. Bài thơ trên như­ lời sám được truyền bá và trẻ em hát nguyên văn, được xem là đồng dao.

Lời ca dao "Nhong nhong ngựa ông dã về / Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn" cũng là lời hát đồng dao kèm thêm trò chơi c­ưỡi ngựa “Ếp nhong nhong / Ngựa ông đã về / Cắt cỏ Bồ Đề / Cho ngựa ông ăn" có liên quan đến một mệnh lệnh quân sự. Vào cuối năm 1427, cuộc kháng chiến chống Minh dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và Nguyễn Trãi vào thời kỳ giành được thắng lợi hoàn toàn. Giặc Minh đóng trong thành Đông Quan bị bao vây. Đại bản doanh nghĩa quân Lê Lợi đóng ở dinh Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội ngày nay). Ngày ngày quân ta nhận được nhiều lương thực tiếp tế của nhân dân. Để không làm phiền dân, bộ chỉ huy quân ta ra mệnh lệnh chỉ nhận cỏ của dân đem đến cho ngựa còn không được nhận bất cứ một thứ gì khác như­ rư­ợu, thịt, ai vi phạm quân lệnh sẽ bị xử lý công khai. Lệnh ban ra dân chúng rất cảm kích, rủ nhau đi cắt cỏ cho ngựa của quân khởi nghĩa. Lời đồng dao này có thực, phản ánh tình quân dân của cuộc kháng chiến chống Minh, chắc chắn do người lớn sáng tác, trẻ em hát và sau đó vận vào trò chơi. Trong bài viết "Vị trí của đồng dao" (Tạp chí Vì Trẻ thơ, số 6-1995), Nghiêm Đa Văn viết “Ức Trai Nguyễn Trãi mư­ợn miệng trẻ thơ hát khúc đồng dao: "Nhong nhong..." để báo cho muôn dân vùng lên đánh trận cuối cùng, thu giang sơn về một mối" và “… Bấy lâu chúng ta quên rằng đồng dao có cả một sứ mệnh vô cùng lớn lao. Lớn lao đến mức trí lực nh­ư Khổng Minh, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ không dám bỏ qua".

Có lẽ lời đồng dao kèm theo trò chơi "Chi chi chành chành" làm nhiều nhà nghiên cứu đồng dao quan tâm nhất. Trò chơi chỉ là kết hợp lời hát đồng dao trong khi chơi trò ú tim, trốn tìm, trẻ hát mà không cần hiểu bài hát nói gì. Điều các em chú ý là lời “Chi chi chành chành" và “Ù à ù ập" hoặc "Hú tim lại ập " trong lúc chơi, còn người lớn lâu nay vẫn cho là đồng dao. Nguyễn Văn Tố và Nguyễn Văn Huyên là hai nhà nghiên cứu văn hóa dân gian bàn khá sâu về bài đồng dao này. Trong bài “Ghi chú về một bài ca dao", Nguyễn Văn Huyên viết: “Bài ca được đồng nghiệp của tôi - ông Nguyễn Văn Tố - giải thích như­ có liên quan đến những sự kiện bi thảm xảy ra vào năm 1885, sau khi vua Tự Đức mất (1883). Theo cách tin của nhiều ngư­ời quanh tôi hồi tôi còn thơ ấu, bài đồng dao trên là một lời sấm cố (của cụ Trạng Trình) báo trước tương lai nước ta sau khi nhà Lê sụp đổ”. Sấm là lời tiên đoán. Sấm vĩ là bộ phận hợp thành quan trọng của “thiên nhân cảm ứng luận"1.

Như­ chúng ta biết, lời đồng dao này có đến bảy, tám dị bản; riêng Nguyễn Văn Huyên đưa ra bốn bản khác nhau: 1- Chi chi chành chành / Cái đanh thổi lửa / Con ngựa chết chuông / Ba vư­ơng thượng đế / Cấp kế thượng hạ / Bà xã đi tìm / Hú tim bắt lấy! 2- Chi chi chành chành / Cái đanh nẩy lửa / Con ngựa chết chuông / Ba v­ương thượng đế / Chấp chế thượng hạ / Ba chạ đi tìm / Hú tim lại hập! 3- Chi chi chành chành / Cái đanh thổi lửa / Con ngựa chết tr­ương / Ba vư­ơng thượng đế / Chấp chế đi tìm / Hú tim lại ập! 4- Chi chi chành chành / Cái đanh thổi lửa / Con ngựa chết trương / Ba vương thượng đế / Chấp kế đi tìm / Hú tim bắt ập!1. Lời đồng dao có bản gồm 7 hoặc 8 dòng, nhiều bản 6 dòng, được giải thích trong dân gian là “Chi chi chành chành là cành, nhánh sinh sôi, biến đổi/ Cái đanh thổi lửa là cái đinh làm phát ra lửa tức que diêm đánh ra lửa hoặc súng bắn ra lửa, ý nói văn minh phương Tây, sức mạnh phương Tây / Con ngựa chết trư­ơng ý nói năm Ngọ (1786) Lê Hiển Tông chết và chết vào thời điểm quân Tây Sơn chiếm đế đô, triều Hậu Lê sụp đổ / Ba vư­ơng ngụ đế ý nói Nguyễn Huệ tự xư­ng vư­ơng ở Bắc, Nguyễn Nhạc x­ưng vư­ơng ở Trung, Nguyễn Ánh chiếm giữ phía Nam. Ba v­ương ba phương nghĩa như­ nhau / Cấp kế thương hải ý nói hoàng tử Cảnh cầu cứu viện trợ của Pháp các nước trên biển" (ng­ười Pháp) đến giúp Nguyễn Ánh / Ú tim ù ập ý nói mọi chuyện như­ trò đuổi bắt nhau, ám chỉ những sự kiện từ sau khi Gia Long cầu viện Pháp, con cháu Gia Long chơi trò ú tim về các chính sách của nhà Nguyễn, cuối cùng nước ta mất vào tay Pháp. Tất cả, cho đến phút cuối, đã chơi trò ú tim!”.

Dựa vào sự giải thích của nhiều nhóm xã hội Nguyễn Văn Huyên đề xuất cách diễn dịch bài đồng dao được xem như­ một câu sấm nói trên: "Những cành này làm nảy sinh những cành khác / Khi chiếc đinh làm nảy lửa / Con ngựa sẽ chết bỏ thây / Ba miền sẽ lập thành ba nước / Gấp lên! Viện trợ từ các biển xa sẽ tới / Ngư­ời ta sẽ chơi hú tim, ngư­ời ta sẽ bắt được nhau!1.

Cũng bài đồng dao này, lại có cách giải thích cho rằng nội dung nói về âm dư­ơng ngũ hành. Cái đanh thổi lửa, muốn rèn được đanh (đinh) thì phải thổi lửa, đinh còn là chữ “đinh" trong ngũ hành thuộc hỏa (lửa); con ngựa chết trư­ơng, ngựa là ngọ thuộc hỏa, khắc thủy, ngựa bị nước phải chết... tóm lại, bài đồng dao dạy về quan hệ can, chi, âm dư­ơng, ngũ hành, qui luật âm dư­ơng ngũ hành tương sinh tương khắc2. Những nội dung này đối với trẻ em khi xưa, đi học chữ Hán thường được các cụ đồ truyền cho và chấp nhận như­ những kiến thức về dịch lý cũng nh­ư ngày nay các em học các định lý về toán học vậy.

Đ­ưa ra một số đồng dao do người lớn sáng tạo, thông qua trẻ em để truyền bá rộng rãi trong dân gian với những mục đích khác nhau, chúng tôi muốn khẳng định và đồng tình với một số nhà nghiên cứu về đồng dao cũng nh­ư theo quan niệm cổ truyền trong dân gian, rằng có những đồng dao có nội dung “sấm vĩ” nói về thời cuộc, vận mệnh quốc gia, tình hình đất nước, hoặc các đồng dao về sự kiện lịch sử chính trị xã hội... trong hệ thống đồng dao của nhân dân ta. Đối với trẻ em, không nhất thiết phải giải thích nội dung các đồng dao đó, lớn lên các em sẽ hiểu, còn bây giờ với lứa tuổi thơ cứ khuyến khích các em vừa hát vừa chơi những trò chơi kèm theo các đồng dao loại này. Xét đến cùng, chẳng có hại gì đối với trẻ. Có lẽ điều chúng ta cần lư­u tâm là có những người lớn vô công rồi nghề " đặt ra những câu vần vè có nội dung không tốt truyền cho trẻ em để truyền bá trong xã hội với ý đồ xấu (Ví dụ đồng tiền là tiên là phật, là sức bật của trẻ...") thì không được gọi là đồng dao và phải loại trừ khỏi đời sống văn hóa của nhân dân ta.


PHẦN THỨ HAI

SƯU TẦM, TUYỂN CHỌN, CHÚ THÍCH

(Xếp theo vần chữ cái tiếng Việt)
A. Đồng dao trẻ em hát

B. Đồng dao trẻ em hát-trẻ em chơi

C. Đồng dao hát ru

D. Trẻ em đố vui

Đ. Ca dao cho trẻ em

MẤY ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI ĐỌC PHẦN HAI
1. Phần thứ hai gồm: s­ưu tầm, tuyển chọn, chú thích đồng dao và ca dao cho trẻ em, có năm mục như­ đã ghi ở trang trước, được tuyển chọn nhiều đồng dao trẻ em hát", đồng dao có trò chơi kèm theo "Trẻ em hát-trẻ em chơi' , những đồng dao "Hát ru", một số "Ca dao cho trẻ em " về lòng yêu nước, thương nòi, kính mến và biết ơn Bác Hồ, các anh hùng liệt sĩ; tình cảm truyền thống trong gia đình, nhà trường và xã hội; hiểu biết về cảnh dẹp, sản vật đất nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc... và một ít câu đố vui hợp với tuổi thiếu nhi.

2. Sau các mục B, C có phụ lục đồng dao của một số dân tộc thiểu số. Do tư­ liệu được sư­u tầm còn ít nên để vào phần phụ lục, hy vọng sau này được bổ sung nhiều hơn.

3. Có một số đồng dao của mục B được chú thích khá đầy đủ về trò chơi được trẻ em ­ưa thích.

4. Một số đồng dao có nhiều dị bản đều được tuyển vì có nhiều địa phương hát lời đồng dao khác nhau để tiện đối chiếu khi sử dụng. Lời những đồng dao gần giống nhau có thể là dị bản của nhau.

5. Về chú thích: Chỉ chú thích những chỗ khó hiểu của lời đồng dao hoặc ca dao và chú thích những địa danh cần thiết.

6. Theo từng mục A, B, C, D, Đ lời đồng dao được xếp theo vần chữ cái tiếng Việt và đánh số thứ tự từ đầu đến cuối của từng mục để tiện tra cứu.



A. ĐỒNG DAO TRẺ EM HÁT

A - Ă - Â
1. Ăn một quả na

Bằng ba quả quýt

Tôi ngồi nói thiệt

Quả quít thì chua

Bắt vua phải trả

Quả vả thì chát

Tôi tát mặt quan

Quan chạy la làng

Quăng đi quả quít

Quăng đi quả vả

Trả về quả na.
2. Ăn một bát cơm

Nhớ người cày ruộng

Ăn một đĩa muống

Nhớ người đào ao

Ăn một quả đào

Nhớ người vun gốc

Ăn một con ốc

Nhớ người đi mò

Sang đò

Nhớ người chèo chống



Nằm võng

Nhớ người mắc dây

Đứng mát gốc cây

Nhớ người trồng trọt.


B
3. Ba bà đi bán lợn con

Bán đi chẳng được lon xon chạy về.

Ba bà đi bán lợn sề

Bán đi chẳng được chạy về lon xon.


4. Ba bà đi chợ mua bốn quả dưa

Chia đi chia lại đã trưa mất rồi

May sao lại gặp một người

Ba bà ba quả phần tôi quả này.


5. Bà già dung dẻ đi chơi

Trẻ em lọm khọm lo người đấm lưng.


6. Ban đêm oi bức mặt trời

Ban ngày mát mẻ trăng cười trên cao

Ban đêm nắng đỏ hồng hào

Ban ngày nhấp nháy ông sao đầy trời.


7. Bàn tay trắng

Bàn tay đen

Đĩa đậu đen

Đĩa đậu đỏ

Bỏ vô nồi

Nước sôi.


8. Bao giờ cho đến tháng ba

Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng

Hùm nằm cho lợn liếm lông

Quả hồng mòng nuốt bà già tám mươi1

Nắm xôi nuốt trẻ lên mười

Chân giò, chai rượu nuốt người lao đao.

Lúa mạ nhảy lên ăn bò

Cỏ năn, cỏ lác rình mò bắt trâu2

Gà con đuổi bắt diều hâu

Chim ri đánh đuổi vỡ đầu bồ nông.


9. Bao giờ cho đến tháng năm

Thổi nồi cơm nếp vừa nằm vừa ăn.


10. Bao giờ cho chuối có cành

Cho sung có nụ, cho hành có hoa

Bao giờ cho khỉ đeo hoa

Cho voi đánh sáp, cho gà nhuộm răng.


11. Bắc kim thang cà lan bí rợ

Cột bên kèo là kèo bên cột

Chú bán dầu qua cầu mà té

Chú bán ếch ở lại làm chi

Con le le đánh trống thổi kèn

Con bìm bịp thổi tò tí le tò le.


12. Bắc thang lên đến cung mây

Hỏi sao chú Cuội phải ấp cây cả đời

Cuội nghe thấy nói, Cuội cười

Bởi hay nói dối phải ngồi ấp cây.


13. Băm bầu, băm bí

Băm chị thằng Ngô

Băm cô thuốc lào

Bán thuốc cho tao

Ba đồng một điếu.
14. Bắt lươn, lươn bò xuống cỏ

Bắt cò, cò bỏ cò bay

Ôi thôi hỏng cả đôi tay

Lươn bò xuống cỏ, cò bay lên trời.


15. Bê là bê vàng

Bê đứng rềnh ràng

Bê đi với mẹ

Bê đừng chạy xuống bể

Bê đừng chạy lên ngàn

Mà cọp mang

Mà sấu nuốt

Đi tìm nơi cỏ tốt

Bê gặm cho ngon

Bê là bê con

Bê là bê vàng...
16. Bí ngô (đỏ) là cô đậu nành

Đậu nành là anh dưa chuột

Dưa chuột là ruột dưa gang

Dưa gang là nàng dưa hấu

Dưa hấu là cậu bí ngô

Bí ngô là cô đậu nành...


17. Bò đen húc lẫn bò vàng

Bò trắng mất vía nhảy quàng xuống ao.


18. Bong bóng thì chùm

Gỗ lim, thì nổi

Đào ao bằng chổi

Quét nhà bằng mai

Hòn đá dẻo dai

Hòn xôi rắn chắc

Gan lợn thì đắng

Bồ hòn thì bùi

Hương hoa thì hôi

Nhất thơm thì cú

Hay sủa thì trâu

Hay cày thì chó.


19. Bồ các là bác chim ri

Chim ri là dì sáo sậu

Sáo sậu là cậu sáo đen

Sáo đen là em tu hú

Tu hú là chú bồ các

Bồ các là bác chim ri...


20. Bố mày đi tát, mẹ mày đi hôi

Ở nhà tao xách cỗ xôi lên trời.


21. Bông chi

Bông bác


Bác chi

Bác hùm


Hùm chi

Hùm beo


Beo chi

Beo lùm


Lùm chi

Lùm tài


Tài chi

Tài thụt.


22. Bồng bồng cõng rồng đi chơi

Gặp khi tối trời

Rồng rơi cái bịch

Các quan lích kích

Cõng rồng lên ngai

Rồng vươn vai

Rồng tái mặt

Quan vuốt mắt

Rồng nằm im

Ba hồi trống chiêng

Hạ rồng xuống lỗ.
23. Buổi mai ngủ dậy

Ra tắm bể Đông

Đạp cây xương rồng

Kéo lên chín khúc

Gặp mệ bán cá úc

Đổ máu đầy cầu

Gặp mệ bán dầu

Dầu trơn lầy lẫy

Gặp mệ bán giấy

Giấy mỏng tanh tanh

Chanh chua như dấm

Gặp mệ bán nấm

Nấm lại một tai

Gặp mệ bán khoai

Khoai loi1 một cổ2

Gặp mệ bán rổ

Rổ sưa rếc rếc3

Gặp mệ bán ếch

Ếch nhảy lom xom

Gặp mệ bán nhom1

Nhom đỏ loi lói

Gặp mệ bán mói2

Mói mặn như tương

Gặp mệ bán đường

Đường đen thui thủi

Gặp mệ bán chui3

Chui nhọn veo vẻo

Gặp mệ bán kéo

Kéo sổ ngạt ra

Gặp mệ bán ca4

Ca kêu chít chít

Gặp mệ bán mít

Mít mủ cả tay

Xay kêu lộn ộn

Gặp mệ côi đôộng5

Mệ ơi là mệ.


24. Buổi mai ngủ dậy

Xuống tắm biển Đông

Gặp một con rồng

Nổi lên chín khúc

Gặp bà bán cá úc

Máu chảy đầy cầu

Gặp bà bán dầu

Dầu thơm hoa lý

Gặp bà bán bí

Bí chẻ hai cheng

Cheng chua như dấm

Gặp bà bán nấm

Nấm mất một tai

Gặp bà bán khoai

Khoai mất một cổ (củ)

Gặp bà bán rổ

Rổ sưa rế rế

Gặp bà bán ếch

Ếch nhảy lom xom

Gặp bà bán nhom1

Nhom đỏ loi lói

Gặp bà bán mói (muối)

Mói mặn như tương

Gặp bà bán hương

Hương thơm phưng phức2
25. Buổi mai ăn cơm cho no

Đi ra chợ Gio3

Mua chín cái tréc1

Đắp chín cái lò

Cái nấu canh ngò

Cái kho củ cải

Cái nấu chuối xanh

Cái nấu cá kình

Cái rim thịt vịt

Cái hầm thịt gà

Cái nấu om cà

Cái kho đu đủ

Cái nấu củ khoai tây

Nghe tin anh học trường này

Bồn chồn trong dạ bỏ chín cái tréc này không coi2
26. Buổi mai ngủ dậy

Ăn một bụng cơm no

Chạy ra chợ nọ

Mua chín cái trách

Đặt quách lên lò

Một cái kho ngò

Hai cái kho cải

Ba cái kho nải chuối xanh

Bốn cái nấu canh rau má

Năm cái kho cá chim chim

Sáu cái kho rim thịt vịt

Bảy cái làm thịt con gà

Tám cái kho cà đu đủ

Chín cái kho củ môn tây.


27. Buổi sáng ngủ dậy

Ăn một bụng cơm cho no

Chạy ra ngoài gò

Bắt một con công

Đem lên biếu ông

Ông cho trái thị

Đem ra biếu chị

Chị cho bánh khô

Đem vào biếu cô

Cô cho bánh ú

Đem ra biếu chú

Chú cho buồng cau

Nay chừ chú thím giận nhau

Đem trả buồng cau cho chú

Trả bánh ú cho cô

Trả bánh khô cho chị

Trả trái thị cho ông

Bắt con công đem về nhà1.


28. Bước sang tháng sáu giá chân

Tháng một nằm trần bức đổ mồ hôi

Con chuột kéo cày lồi lồi

Con trâu bốc gạo vào ngồi trong cong

Vườn rộng thì thả rau rong

Ao sâu vãi cải lấy ngồng làm dưa

Đàn bò đi tắm đến trưa

Một đàn con vịt đi bừa ruộng nương

Voi kia nằm ở gầm giường

Cóc đi đánh giặc bốn phương nhọc nhằn

Chuồn kia thấy cám liếm ăn

Lợn kia thấy cám nhọc nhằn bay qua

Trời mưa cho mối bắt gà

Đòng đong cấn cấn đuổi cò lao xao

Lươn nằm cho trúm bò vào

Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô

Thóc giống cắn chuột trong bồ

Một trăm lá mạ đuổi vồ con trâu

Chim chích cắn cổ diều hâu

Gà con tha quạ biết đâu mà tìm

Bong bóng thì chìm1

Gỗ lim thì nổi

Đào ao bằng chổi

Quét nhà bằng mai

Hòn đá dẻo dai

Hòn xôi rắn chắc

Gan lợn thì đắng

Bồ hòn thì bùi

Hương hoa thì hôi

Nhất thơm thì cú

Đàn ông to vú

Đàn bà rậm râu

Hay cắn là trâu

Hay cày là chó.


tải về 2.73 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương