HỘI ĐỒng giám mục việt nam giáo lý giáo hội công giáo biên soạN CHO giáo dân việt nam



tải về 1.61 Mb.
trang9/23
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích1.61 Mb.
#33085
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   23

2. Nhìn lại một chặng đường ...
Sau 1960, năm địa phận khác được thành lập là Đà Nẵng (1963), Xuân Lộc (1966), Phú Cường (1966), Ban Mê Thuộc (1967) và Phan Thiết (1975), nâng tổng số giáo phận Việt Nam hiện nay lên 25 địa phận (Hà Nội 10, Huế 6, Sài Gòn 9). Tính đến tháng 6-1992, Việt Nam đã có tất cả 67 giám mục (32 vị đã được Chúa gọi về).
Từ năm 1975, trong bối cảnh đất nước thống nhất, Hội Thánh Việt Nam ở hai miền Nam Bắc được xum họp một nhà. Kể từ 1980, Đại hội các Giám Mục toàn quốc đã được tiến hành hằng năm, và Hội Thánh Việt Nam khẳng định ý muốn là "Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam, để phục vụ hạnh phúc của đồng bào" (X. Thư chung 1980).

Nhìn lại lịch sử hơn 300 năm, như Mẹ MARIA, người tín hữu Việt Nam cất cao lời ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa, vì khi quay nhìn quá khứ với cặp mắt đức tin, ta nhận ra Chúa hằng hiện diện và đồng hành với Hội Thánh trong từng bước đi, dù khi thành công hay thất bại, dù lúc chan hòa ánh sáng hay bóng tối đong đầy.


Nhìn lại lịch sử hơn 300 năm, người tín hữu Việt Nam cũng ý thức rằng đức tin mà mình lãnh nhận, đã được gieo trồng và vun xới bằng mồ hôi và nước mắt; hơn nữa bằng cả máu đào của tiền nhân. Vì thế, phải hết sức trân trọng, gìn giữ và phát huy đức tin ấy bằng cả cuộc đời.
Hơn thế nữa, nếu đức tin là hồng ân đã lãnh nhận xuyên qua gian khổ của tiền nhân, người tín hữu Việt Nam hôm nay phải tiếp tục công trình của cha ông trong nỗ lực truyền giáo, để tinh thần Phúc Âm được thấm nhập vào mọi thực tại xã hội, và quê hương Việt Nam thân yêu được phát triển theo hướng đi của Nước Trời, Nước Công Chính, Yêu Thương và An Bình.

MARANATHA, Lạy Chúa GIÊSU, Xin Ngài Đến (Kh 22,20).


* CHÚ THÍCH:
(1) C.A. Poncet: la Princesse Marie, Bulle des Amis du Vieux Huế tháng 2-1941, tr. 351-358.
(2) Xin coi Hồng Lam, Lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, Huế 1944, giải thích của Cadière tr. 124-138.
(3) Các cha Dòng Tên đã xuất bản tự điển Bồ Hoa năm 1588, và tự điển La-Bồ-Nhật năm 1595.
(4) Nguyễn Hồng, Lịch Sử truyền giáo ở Việt Nam I, Hiện Tại 1959 tr. 68-76; 105-118.
(5) Đắc Lộ, Lịch sử xứ Đông Kinh, Lyon 1651, tr. 164.
(6) Nhờ việc xuất bản năm 1651 này, cha Đắc lộ vẫn được coi là Ông Tổ của chữ quốc ngữ. Thực ra, chính ngài trong lời dẫn của tập sách, đã nhắc đến công khởi sự của cha Pina, đến hai cuốn tự điển được soạn tại Macao của cha G.Amaral (tự điển Việt-Bồ) và cha Ant. Barbosa (tự điển Bồ Việt). Trong các tài liệu người Việt viết chữ quốc ngữ có hai lá thư của Bentô Thiện và Igessiô Văn Tín (1659) và "Truyện nước Annam Đàng Ngoài chí Đàng Trong" của linh mục Bỉnh viết tại Lisbone năm 1822 (x. Võ Long Tê, Lịch Sử Văn Học CGVN, Sài-gòn 1965 tr. 127 và 206 - Phan Phát Huờn, Việt Nam giáo sử I, Sài-gòn 1965, tr 138-139).
(7) Võ Long Tê, Sđd tr. 170-183.
(8) Nguyễn Hồng, Sđd tr. 122
(9) ĐC Bùi Tuần, Ơn trở về, Đồng Nai 1991 tr. 15-16.
(10) Việt Nam Công Giáo Niên Giám 1964 tr. 156-157 và 504-505
(11) Trích văn kiện châu phê Dòng MTG của ĐTGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, 27.02.1990.
(12) Luật tiên khởi II, 2-5. Xc Hiến chương Dòng MTG, Đ. 96 tr. 86.
(13) Tam bách chu niên từ khi lập Dòng MTG, Sài-gòn 1970 tr.5.
(14) Angelo Walz OP. Compendium Historiae Ordinis Praedica-torum, đoạn 127.Các Giám Mục Đaminh thường gửi thư luân lưu chung cho hai Dòng, vì như ĐC Alonso Phê viết ngày 13-7-1791: "Vậy lề luật chị em Hãm Mình (Đaminh), và lề luật chị em Mến Câu Rút (MTG) dù khác nhau mặc lòng, song cũng tóm lại sự hãm mình cả. Vì kẻ Mến Câu Rút thì phải Hãm Mình, và kẻ hãm mình cho được phúc thì phải hãm mình vì Mến Câu Rút ...."
(15) Bùi Đức Sinh, Đaminh trên đất Việt I, tr 115; II tr. 127-156.
(16) Theo thống kê: - 1855 số tín hữu 426.000 tỷ lệ 4%

- 1907 số tín hữu 872.400 tỷ lệ 7%

- 1933 số tín hữu 1.297.000 tỷ lệ 9.9%

- 1963 số tín hữu 2.388.000 tỷ lệ 8.27%

- 1990 số tín hữu 4.342.000 tỷ lệ 6.86%

(17) Một số vấn đề lịch sử đạo Thiên Chúa. UBKHXH 1988, Mạc Đường tr. 69-70.


(18) Như trên, bài Chương thâu tr. 103-117.
(19) Launay, Histoire Générale de la Société des Missions Etrangères, Paris 1894. II tr. 125. ĐC Labbé viết năm 1710 rằng: "Người Việt đến Đồng Nai khoảng 40 năm trước. Trong số 20.000 người di cư, theo tôi có ít nhất 2.000 giáo dân".
(20) Linh mục nguyệt san 1970 số 105, tr. 618-619.
(21) x. Sách giáo khoa Lịch sử lớp 11, nxb Giáo Dục 1991, tr. 147-150.
(22) Một số vấn đề lịch sử đạo TC. UBKAXH 1988, tr,150-157.
(23) Collectanea S.C de Propaganda Fide, t.I tr. 541-545.

Bài 22
HIỆP THÔNG GIỮA CÁC THÁNH
(x. SGLC từ 0946 đến 0962)
"Hết thảy mọi người chúng ta, từng cấp bậc và cách thức khác nhau, đều hiệp thông trong cùng một đức mến Chúa yêu người, cùng hát lên một bài ca chúc tụng vinh quang Thiên Chúa chúng ta."
"Vì tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô và nhận lãnh Thánh Thần của Ngài, đều họp thành một Hội Thánh duy nhất và liên kết với nhau trong Ngài (Ep 4, 16). Bởi vậy sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em đã an nghĩ trong bình an của Chúa Kitô không hề bị gián đoạn" (GH 49).
Khi dâng Thánh Lễ, bao giờ cộng đoàn tín hữu cũng dâng lời cầu nguyện cho Hội Thánh tại thế, đồng thời hướng tâm hồn đến những anh chị em tín hữu đã qua đời và cộng đoàn các Thánh trên trời. Cử chỉ ấy diễn tả cách gần gũi và sâu sắc mầu nhiệm Các Thánh Cùng Thông Công được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Mầu nhiệm này vừa nói lên mối hiệp thông giữa những người thánh (sanctis) vừa diễn tả sự hiệp thông trong các của thánh (sancta) và hướng dẫn người tín hữu sống chiều kích Hội Thánh, vì Hội Thánh chính là hiệp thông.
I. HIỆP THÔNG ÂN HUỆ THIÊNG LIÊNG
Sách Công Vụ Tông Đồ mô tả sinh hoạt của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên "Họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng... Tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau, để mọi sự làm của chung" (Cv 2, 42-44). Cộng Đoàn ấy là mẫu mực của một Hội Thánh sống mầu nhiệm hiệp thông:
* Hiệp thông trong ĐỨC TIN, dựa vào giáo huấn của các Tông Đồ.
* Hiệp thông trong ĐỨC ÁI, chia sẻ với nhau của cải vật chất, đến nỗi "Không ai phải thiếu thốn" (Cv 4,34) và cả của cải thiêng liêng, vì "Nếu một bộ phận nào đau thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang thì mọi bộ phận cùng vui chung" (1Cr 12,26). Sự thánh thiện hay tội lỗi của một người đều ảnh hưởng đến cả cộng đoàn.
* Hiệp thông trong ĐỜI SỐNG BÍ TÍCH, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, bí tích dưỡng nuôi và hoàn thành mối hiệp thông trong Hội Thánh.
* Hiệp thông trong Cầu Nguyện, nhờ có lãnh nhận các ân huệ Thánh Thần nhưng mọi ân huệ đều nhằm xây dựng lợi ích chung (1Cr. 12,7; GH 12).
II. HIỆP THÔNG GIỮA CÁC THÁNH
Trong cùng một Hội Thánh "có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi trần thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện, và có những kẻ được hiển vinh, đang chiêm ngưỡng rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi như Ngài hằng có" (GH 49). Nhưng dù ở tình trạng nào, tất cả đều chia sẻ cùng một lòng yêu mến Thiên Chúa, và tha nhân, cùng là môn đệ Chúa Kitô và cùng được Thánh Thần hướng dẫn, nên tất cả họp thành một Hội Thánh duy nhất và liên kết với nhau trong Ngài.
Chính vì thế, người tín hữu hướng tâm hồn lên Đức Trinh Nữ Maria, các Thiên Thần và toàn thể các Thánh trên trời. Hướng lên các ngài để "ngắm nhìn đời sống những người đã trung thành bước theo Chúa Kitô và khám phá ra một lý do mới thúc đẩy ta tìm kiếm Thành Thánh tương lai" (GH 50). Đồng thời để xin các ngài cầu thay nguyện giúp vì "Các Thánh không ngừng cầu bầu cho ta bên Chúa Cha... Các ngài đã phục vụ Chúa trong mọi sự và hoàn tất trong thân xác mình những gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, hầu mưu ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh (Cl 1,24). Do đó, với tình huynh đệ các ngài lo lắng giúp đỡ chúng ta rất nhiều vì chúng ta yếu hèn" (GH 49).
Cũng trong mối hiệp thông ấy "Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu nguyện cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho những người đã chết để họ được giải thoát là một ý nghĩ lành thánh" (2 Mcb 12, 46; GH 50). Lời cầu nguyện ấy không những giúp đỡ người đã chết được giải thoát khỏi tội lỗi, nhưng chính chúng ta cũng được hưởng nhờ lời chuyển cầu của các ngài.
III. SỐNG MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG

1. Người tín hữu Việt Nam có lòng mộ mến các Thánh cách đặc biệt. Tuy nhiên sự mộ mến đó nhiều khi lại được thể hiện bằng những hình thức thái quá, đôi khi còn mang tính vụ lợi và lạm dụng. Vì thế cần phải ý thức rằng "việc tôn kính các Thánh đích thực không hệ tại nhiều ở những việc bề ngoài cho bằng ở cường độ tình yêu tích cực của chúng ta" (GH 51). Đồng thời việc tôn kính các Thánh "không làm suy giảm sự tôn thờ dành riêng cho Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, nhưng phải làm cho sự tôn thờ ấy thêm phong phú hơn” (Ga 13,35)


2. Noi gương cộng đoàn tín hữu đầu tiên, người tín hữu cần thể hiện tinh thần hiệp thông ngay trong cộng đoàn mình đang sống, qua cử hành phụng vụ, qua sự đoàn kết yêu thương, qua sự chia sẻ của cải thiêng liêng cũng như vật chất. Cuộc sống hiệp thông đó của cộng đoàn cũng là phương cách tốt nhất để giới thiệu và làm chứng Tin Mừng Đức Giêsu "Ở điểm nầy, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35).

Bài 23
ĐỨC MARIA LÀ MẸ HỘI THÁNH
(x. SLGC từ 0963 đến 0972)
"Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh, và cũng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Đức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng. Ngài thật là Mẹ chúng ta" (GH 61).
Thiên Chúa nhân hậu và khôn ngoan khi muốn thực hiện công việc cứu chuộc thế giới vào thời cuối cùng, "đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà" (Gl 4,4), và Người Con đó "đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria" (Kinh Tin Kính). Công việc cứu chuộc vẫn tiếp tục trong Hội Thánh, là thân thể Chúa Kitô. Trong thân thể này, Đức Maria có mặt như một chi thể trổi vượt, liên kết mật thiết với Đầu, và hằng yêu thương, bảo vệ hướng dẫn các chi thể khác là các tín hữu, với lòng của người mẹ hiền.
I. ĐỨC MARIA LÀ MẸ HỘI THÁNH
1. "Khi sứ thần truyền tin, Đức Trinh Nữ Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem Sự Sống đến cho Thế gian" (GH 53). "Như thế, Đức Maria, con cháu Ađam, vì chấp nhận lời Thiên Chúa, đã trở nên Mẹ Đức Giêsu" (id 56). Mẹ đã liên kết mật thiết với Con từ lúc thưa tiếng "Xin Vâng" trong ngày truyền tin, kéo dài đến lúc Chúa Kitô chết trên thập giá. "Như thế, Đức Trinh Nữ cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Ngài đã từng ở đó" (Ga 19,25). Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế hy vật do lòng mình sinh ra. Và cuối cùng chính Đức Giêsu Kitô khi hấp hối trên thập giá, đã trối Ngài làm mẹ của môn đệ qua lời này: Thưa bà, này là con Bà" (Ga 19,36-27; GH 58).
Sau khi Đức Giêsu lên trời, Đức Maria đã ở giữa các Tông đồ, như người Mẹ "giữa một đàn em đông đúc" của Đức Giêsu (Rm 8,29), Con của Mẹ. Người cùng cầu nguyện với Hội Thánh sơ khai: "Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu" (Cv 1,14). Hơn nữa: "Đức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Đấng đã bao phủ lấy Người trong ngày Truyền Tin" (GH 59), và "ai nấy được tràn đầy ơn Thánh Thần" (Cv 2-4) trong ngày lễ Ngũ Tuần.
Sau cuộc đời trần thế, Đức Maria đã được đưa lên trời cả hồn lẫn xác để hưởng vinh quang thiên quốc. Mẹ là người đầu tiên được tham dự vào cuộc Phục Sinh của Con Mẹ, và như vậy Mẹ là dấu chỉ báo trước và bảo đảm cho các Kitô hữu được sống lại với Chúa Kitô.
2. Hội Thánh chào kính Đức Maria như chi thể cao cả nhất, có một không hai và như gương mẫu sáng ngời về niềm tin và lòng mến (GH 53). Là mẹ Chúa Kitô, Đức Maria còn "là Mẹ các chi thể (của Thân thể Chúa Kitô), vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Hội Thánh là những chi thể của Đầu ấy" (GH 53). Mẹ đã cộng tác đặc biệt với Đấng Cứu Thế "để đem lại sự sống siêu nhiên cho các linh hồn". Và mẹ luôn tiếp tục thiên chức làm mẹ "cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn" (GH 623). Như vậy, ở trên trời Mẹ Maria không ngừng cộng tác vào chương trình cứu độ, bằng việc cầu bầu và chăm sóc các tín hữu "cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời" (GH 62).
II. VIỆC TÔN KÍNH ĐỨC TRINH NỮ MARIA
Ngay từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo, Đức Trinh Nữ Maria đã được tôn kính với Tước Hiệu "Mẹ Thiên Chúa", và các tín hữu thường chạy đến với Mẹ "trong cơn gian nan thiếu thốn" (Kinh Trông Cậy). Hội Thánh luôn dành cho Đức Maria lòng yêu mến và tôn kính rất đặc biệt, vượt trên các thiên thần và các thánh.
"Từ nay hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc, Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả" (Lc 1, 48-49). Việc tôn kính này hoàn toàn khác biệt với sự thờ phượng phải có đối với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng lại "khuyến khích thêm việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi" (GH 66). Bởi vì, Mẹ Maria chẳng có sứ mệnh nào khác hơn là dẫn đưa chúng ta tới Đức Giêsu Kitô Con của Mẹ.

Vì thế "Hội Thánh khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Nữ Trinh nhất là trong Phụng Vụ", một lòng sùng kính không dựa trên tình cảm hay tính dễ tin "nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật... thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta" (GH 67). Lòng tôn kính và yêu mến này, chúng ta bày tỏ trong những ngày lễ kính Mẹ (nhất là lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời ngày 15 tháng 8 và lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm ngày 8 tháng 12) các ngày thứ bảy, và đặc biệt là lần hạt Mân Côi, là Kinh "tóm tắt Phúc Âm" để suy niệm về cuộc đời Đức Giêsu cùng với Mẹ Maria.


III. ĐỨC MARIA, HÌNH ẢNH HỘI THÁNH PHẢI HOÀN THIỆN
"Như Thánh Ambrosiô đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Hội Thánh trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô" (GH 63). Thật vậy, Mẹ Maria là hình ảnh của Hội Thánh tại thế "Hội Thánh vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng" (GH 8) hướng nhìn lên Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, một phần tử ưu tú của mình, đã chiến thắng tội lỗi, nhờ hồng ân Chúa Kitô. Vì thế, Hội Thánh luôn luôn kiên trì và tin tưởng trong hành trình đức tin trên trần gian.
Hơn nữa Hội Thánh còn ngắm nhìn Đức Maria như mẫu mực hoàn hảo mà mình phải đạt tới, để trở thành "một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tÿ ố, không vết nhăn, hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền" (Ep 5,27). "Sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang" (Kh 21,2). Do đó, Hội Thánh luôn hướng nhìn lên Đức Mẹ hồn xác lên trời, như phần tử đầu tiên vượt thắng cái chết mà sống lại trong vinh quang. Mẹ được Thiên Chúa tôn vinh trên trời, là dấu chỉ báo trước và đảm bảo ơn cứu độ vinh quang cho tất cả các phần tử khác của Hội Thánh.
"Ngày nay, trên trời Mẹ Đức Giêsu đã được vinh hiển cả hồn và xác, là hình ảnh và khởi thủy của Hội Thánh phải hoàn thành đời sau; đồng thời, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (2Pr. 3,10). Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành" (GH 68).

Bài 24
ƠN THA TỘI
(x SGLC từ 0976 đến 0983)

"Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20, 22-23).


Chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha thứ tội lỗi, nhưng Chúa Kitô Phục Sinh đã ban quyền tha tội cho các Tông Đồ, khi thông ban Chúa Thánh Thần cho các ông. Thật ra, không phải các Tông Đồ thay thế Chúa Kitô để tha tội, nhưng chính Chúa Kitô có mặt và hoạt động trong các Tông đồ, như dụng cụ của Người, để tha thứ tội lỗi cho con người.

I. MỘT PHÉP RỬA DUY NHẤT ĐỂ THA TỘI
Con người cần được tha thứ tội lỗi để có thể giao hòa với Thiên Chúa và được sống đời đời. Vì thế, Chúa Kitô đã tha thiết lập bí tích Thánh tẩy, như phương thế số một và chính thức để ban ơn tha tội, "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án" (Mc 16, 15-16). Qua thánh tẩy, người có tội được thông hiệp với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, "Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính" (Rm 4, 25) và như vậy "chúng ta cũng được sống một đời sống mới" (Rm 6,4).
Bí tích Thánh Tẩy không những tha thứ tội tổ tông, mà còn tha tất cả các tội riêng và các hình phạt do tội gây ra. Tuy nhiên, người đã chịu Thánh Tẩy vẫn còn mang bản tính yếu đuối và đã bị tổn thương, vẫn còn bị dục tình lôi kéo về sự ác. Ai có thể đứng vững mà chiến thắng các cơn cám dỗ trong suốt cuộc đời? Vì thế, Chúa Kitô còn để lại cho Hội Thánh bí tích sám hối, được gọi là đệ nhị Thánh Tẩy, nhằm tha thứ tội và ban ơn hòa giải cho những người sau khi lãnh bí tích Thánh Tẩy mà còn phạm tội.
II. QUYỀN CẦM BUỘC VÀ THÁO CỞI CỦA HỘI THÁNH
Chúa Kitô đã ban "chìa khóa nước trời" cho Hội Thánh, để Hội Thánh được quyền nhận vào hay loại khỏi Nước Trời, quyền ra luật để cho phép điều này hoặc cấm đoán điều kia... trong những gì thuộc lãnh vực đức tin và luân lý - Đó là quyền cầm buộc và tháo cởi của Hội Thánh. "Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" (Mt 16,19).
Vì thế, Hội Thánh có toàn quyền để tha thứ bất cứ tội nào dù nặng nề đến đâu. Một người dù phạm tội độc ác quái gở và có nhiều tội đến thế nào chăng nữa, vẫn có thể được tha thứ, nếu có lòng ăn năn thành thật. Trong khi dạy Giáo lý, phải làm cho người ta tin vào quyền năng tha thứ mọi tội lỗi của Hội Thánh mà Chúa Kitô Phục Sinh đã thông ban cho các Tông Đồ cũng như những người kế vị. "Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha thứ cho loài người" (Mt 12,31).
III. HỆ LUẬN MỤC VỤ
"Nếu trong Hội Thánh không có phép tha tội, thì sẽ không có sự trông cậy, không có hy vọng được sống muôn đời và được giải thoát vĩnh viễn. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa đã ban một hồng ân lớn lao như thế cho Hội Thánh của Ngài" (Thánh Âu Tinh).
- Hãy lãnh nhận bí tích Sám hối với lòng biết ơn sâu xa. Và cần năng đi xưng tội không những để được tha tội và được tẩy xóa mọi tội, mà còn để nuôi dưỡng niềm hy vọng được sống đời đời.
- Chúa đã trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho Hội Thánh, nên các tín hữu phải lấy lòng tôn kính và yêu mến, mà vâng phục các giáo huấn cũng như tuân theo kỷ luật Hội Thánh. "Với tinh thần vâng lời của người Kitô hữu, giáo dân cũng hãy mau mắn chấp nhận những điều mà chủ chăn có nhiệm vụ đại diện Chúa Kitô, đã quyết định với tư cách những thày dạy và những nhà lãnh đạo trong Hội Thánh” (GH 37).
Do đó, các giáo huấn chính thức về đức tin và luân lý cũng như các qui luật Phụng vụ của Đức Giáo Hoàng Rôma hoặc các Giám Mục thông hiệp với Đức Giáo Hoàng, cần phải được kính cẩn tuân phục và với tinh thần đức tin (GH 25).

Bài 25
ƠN PHỤC SINH VÀ ĐỜI SỐNG VĨNH CỬU
(x. SGLC từ 0992 đến 1065)
"Chúng ta đang hành trình hướng về chung cục lịch sử nhân loại" (MV 45). "Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại... nhưng chúng ta biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một đất mới... Khi ấy sự chết sẽ bị đánh bại, con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh trong Chúa Kitô" (MV 39).

"Đấng làm cho Đức Giêsu sống lại... cũng sẽ làm cho thân xác của anh em được sự sống mới" (Rm 3,11).


I. Ý NGHĨA CỦA SỰ CHẾT THEO KITÔ GIÁO
Chết là một sự thật hiển nhiên không ai thoát khỏi và chối cãi. Người Việt Nam thường nghĩ: xác là thể phách còn hồn là tinh anh, xác là thể phách nên phải chết, hồn là tinh anh nên còn. Tin tưởng này không ai lạ với niềm tin Kitô giáo: chết là hồn lìa khỏi xác, hồn là thiêng liêng nên bất tử, xác là vật chất nên hư nát. Chết là chấm dứt cuộc sống trần gian.
Nhưng tại sao chết? Đó là bí ẩn cao nhất về thân phận con người (MV 18). Kitô giáo dạy rằng: Thiên Chúa sáng tạo con người là hồn và xác. Người không muốn con người phải chết, chết là hậu quả của tội lỗi (Rm 5,12).
Khi Chúa Kitô đến trần gian, chấp nhận chịu chết vì muốn vâng phục thánh ý Chúa Cha, rồi được sống lại và về trời, Người đã biến đổi ý nghĩ sự chết. Do đó ai tin Chúa Kitô thì:
- "Chết là một mối lợi" (Pl 1,21) vì được ở với Chúa Kitô, theo nghĩa được hiệp thông trọn vẹn với Người mãi mãi (pl 1,23).
- Chết là sự sống được biến đổi: "Ai tin Chúa Kitô thì khi chết, sự sống không bị tiêu hủy mà được biến đổi để họ về hưởng phúc vĩnh cửu trên trời" (Kinh Tiền tụng I lễ Cầu Hồn).
Như vậy, "phận con người là phải chết một lần rồi sau đó chịu phán xét" (Dt 9,27). Không có chuyện đầu thai sang kiếp khác. Nên Kitô hữu phải chuẩn bị cho giờ chết của mình để được chết lành, và xin Đức Maria chuyển cầu cho "khi này và trong giờ lâm tử".
II. SỰ SỐNG LẠI CỦA CHÚA KITÔ VÀ CỦA CHÚNG TA
Việc xác sẽ sống lại vẫn là một điều xưa nay khó được chấp nhận, nhất là đối với con người sống trong thời đại khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên trong Kinh Tin Kính, Kitô hữu tuyên xưng: Tôi tin xác loài người sẽ sống lại. Niềm tin này đã có từ thời Cựu Ước (2Mt ct 7,9-14) và được xác quyết mạnh mẽ khi Chúa Kitô tuyên bố: "Ta là sự sống lại và là sự sống" (Ga 11,25) "ai tin Ta"... "ai ăn thịt và uống máu Ta... Ta sẽ cho họ sống lại vào ngày sau hết" (Ga 6,54). Người cũng làm phép lạ cho một số người chết được sống lại (x. Lc7, 11-7 hoặc Ga 11) nhưng phép lạ này là dấu chỉ loan báo sự sống lại của Người, vì sự sống lại không có nghĩa là Người trở về đời sống như trước, nhưng là sau khi chết, hồn lìa xác, xác Người được an táng (x. Mt 27,5.59-60), ngày thứ ba Người sống lại với "xác vinh hiển" (Pl 3,21) để sống vĩnh cửu không bao giờ chết nữa.
- Sự sống lại của ta là gì? Khi ta chết, hồn lìa xác, xác bị hư nát, hồn gặp Chúa Kitô để được xét xử và nhận thưởng phạt, rồi đến ngày sau hết hồn được hiệp nhất với xác đã được biến đổi do quyền năng phục sinh của Chúa Kitô.
- Ai sẽ sống lại? Tất cả những ai đã chết, tuy nhiên không phải tất cả được vào Nước Trời, vì "ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống, ai đã làm điều dữ thì sẽ sống lại để bị kết án" (Ga 5,29).
- Sống lại như thế nào? Sống lại với xác riêng của mình nhưng được biến đổi thành "xác có thần khí" (1Cr 14,44) không hư nát. Còn chuyện sống lại bằng cách nào thì vượt quá trí tưởng tượng và hiểu biết của ta.
- Sống lại khi nào? Sống lại vào ngày sau hết, ngày tận thế. Ngày Chúa Kitô quang lâm (1Tx 4,16).
Vì thế, ta phải tôn trọng thân xác của mình cũng như của tất cả mọi người, đặc biệt những người đau khổ. Nghi thức an táng Kitô giáo chứng tỏ niềm tin về thân xác sẽ sống lại.
III. PHÁN XÉT RIÊNG
Chúa Kitô là Đấng cứu độ nên Chúa Cha trao cho Người quyền xét xử để thưởng phạt mọi người. Tân Ước nói đến việc thưởng phạt ngay sau khi con người chết, dựa vào dụ ngôn "người giàu và anh nghèo Ladarô" (x. Lc 16,22) và dựa vào lời Đức Giêsu nói với người trộm lành (x. Lc 23,43).
Ngay sau khi chết, mỗi người được phán xét riêng tùy theo việc họ sống hiệp thông với Chúa Kitô, để hiệp thông với Thiên Chúa, với mọi người và vũ trụ vạn vật. Họ sẽ được thưởng hay chịu phạt; hoặc là chịu thanh luyện , hoặc được hưởng hạnh phúc Nước Trời, hoặc chịu phạt đời đời.
IV. TRỜI HAY THIÊN ĐÀNG
Những người đã chết trong ơn nghĩa Chúa và được thanh luyện toàn hảo thì được ở với Chúa Kitô muôn đời, nghĩa là được vào Nước Trời hay Thiên Đàng. Trời không phải ở bên trên tầng xanh nhưng là một tình trạng, "một cuộc sống hiệp thông trong sự sống và tình yêu với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Đức Trinh Nữ Maria, các Thiên Thần, và tất cả mọi người lành thánh". Đó là cùng đích tối hậu, là sự hoàn thành mọi khát vọng sâu xa nhất của con người, là tình trạng hạnh phúc tuyệt vời và dứt khoát.
Sự hiệp thông trong hạnh phúc với Thiên Chúa, trong Chúa Kitô, với mọi người lành và toàn thể tạo thành là một mầu nhiệm mà thánh Phaolô diễn tả là "mắt chưa thể thấy, tai chưa hề nghe, lòng người chưa hề nghĩ tới" 1Cr 2,9). Kinh thánh tìm cách diễn tả bằng những hình ảnh như: sự sống, ánh sáng, hòa bình, tiệc cưới, rượu trong Nước Trời, nhà của Chúa Cha, Giêrusalem trên trời....

tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương