HỘI ĐỒng giám mục việt nam giáo lý giáo hội công giáo biên soạN CHO giáo dân việt nam



tải về 1.61 Mb.
trang4/23
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích1.61 Mb.
#33085
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23

V. HỆ LUẬN MỤC VỤ
"Có sự phân rẽ trong chính con người, từ đó sinh ra bao nhiêu là bất hòa lớn lao trong xã hội" (MV 10) "Mọi sinh hoạt hằng ngày của con người đang lâm nguy vì kiêu ngạo, và lòng ích kỷ thái quá, cần được thanh tẩy và hoàn thiện nhờ thập giá và sự sống lại của Chúa Kitô" (MV 37).
Như vậy tất cả mọi người đều chịu ảnh hưởng xấu xa của tội lỗi. Cuộc sống con người trên trần gian trở thành cuộc chiến đấu chống lại sự ác dưới mọi hình thức, nơi bản thân cũng như nơi xã hội, để đạt tới sự tốt lành như Thiên Chúa muốn. Trong cuộc chiến khốc liệt và kéo dài suốt đời này, luôn có Chúa Kitô đồng hành và trợ giúp con người. "Vì chúng ta chiến đấu, không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao" (Ep 6,12). Nên chúng ta "hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỉ" (Ep 6,11).

Bài 11
ĐỨC GIÊSU KITÔ, CON MỘT

THIÊN CHÚA
(x. SGLC từ 0422 đến 0451)
Đức Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Simon Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống"

(Mt 16,15-16).


"Ngôi lời đã trở nên người phàm... là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật" (Ga 1,14).

"Và này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu" ( Lc 1,31).



I. ĐỨC GIÊSU LÀ ĐẤNG KITÔ
Sinh ra làm người ai cũng có một tên gọi. Tên gọi chỉ tính cá biệt của mỗi người. Nhưng trong kinh Thánh, tên gọi thường bao hàm một sứ mạng.
Trong ngày truyền tin, Sứ Thần loan báo cho Đức Maria: "Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu" (Lc 1,31). Trong ngôn ngữ Do Thái, từ Giêsu có nghĩa là: "Thiên Chúa Cứu Độ" như lời Thiên Thần nói với Giuse: "Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ" (Mt 1,21).
Với biến cố Phục Sinh, danh Thánh Đức Giêsu được tôn vinh và tỏ ra quyền năng cao cả trên hết "muôn ngàn danh hiệu" (x.Pl 2,9-10). Danh Thánh Đức Giêsu còn được đặt ở trung điểm của lời cầu nguyện Kitô Giáo. Vì thế ta xin bất cứ điều gì, cùng Thiên Chúa Cha cũng phải nhân danh Chúa Kitô (x.Ga 15,16).
Đức Giêsu cũng được gọi là Đấng Kitô, Kitô là từ Hy lạp bởi từ Do Thái là Messia, nghĩa là Đấng được xức dầu.
Theo truyền thống Do Thái, những người được Thiên Chúa tuyển chọn, trao sứ mạng như các Vua (x.IV 1,39), Tư Tế (x.Xh 29,7; Lv 8,12), Ngôn Sứ (x.IV 19,16) đều được xức dầu nhân danh Thiên Chúa, và Đức Giêsu đã xác nhận lời tuyên xưng của Phêrô: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16). Ngài là Đấng mà ngay từ đầu "Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian" (Ga 10,36). Và khi Gioan làm phép rửa cho Ngài "Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người" (Cv 10, 38).
Sau này chính Đức Giêsu đã công khai tuyên bố sứ mạng của mình mà ngôn sứ Isaia đã loan báo: Ngài được Thần khí Thiên Chúa xức dầu để trở thành Ngôn sứ, Tư Tế, Vương Đế đích thực của Thiên Chúa: "Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi... Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh" (Lc 4,18-21).
Ý nghĩa đích thực và hoàn hảo của Danh Kitô tỏ hiện sau khi Đức Giêsu từ cõi chết sống lại như Phêrô tuyên xưng: "Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô" (Cv 2,36).
II.ĐỨC GIÊSU "CON MỘT THIÊN CHÚA"
Đức Giêsu là Con Một duy nhất của Thiên Chúa, mà Hội Thánh hằng tuyên xưng: Tôi tin kính một Đức Giêsu Kitô Con một Thiên Chúa (Kinh Tin Kính). Chính Phêrô cũng tuyên xưng Đức Giêsu là: "Đấng Kitô con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16) và Đức Giêsu cho Phêrô biết đó là mặc khải từ Cha Ngài. (x.Mt 16,17).
Sau khi trở lại, Phaolô cũng tuyên xưng và rao giảng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (x.Gl 1,15-16; Cv 9,20).
Chính Đức Giêsu đã xác định lại lời tuyên xưng của các Tông Đồ khi người ta tố cáo Ngài: "Ông là con Thiên Chúa sao?" Đức Giêsu đã trả lời: "Đúng như các ông nói chính Tôi đây" (Lc 22,70) và là "Con một của Thiên Chúa" (Ga 3,16).
Đàng khác, khi chịu phép rửa ở sông Giodan, và biến mình trên núi Tabo, Chúa Cha đã long trọng tuyên bố Đức Giêsu là "Con yêu dấu". Cuối cùng, viên bách quản cũng thốt lên khi nhìn Đức Giêsu trên thập giá: "Quả thật, người này là con Thiên Chúa" (Mc 15,39).
Nhưng tước hiệu là "Con Thiên Chúa" của Đức Giêsu vượt trên tước hiệu "Con Thiên Chúa" mà Cựu Ước gán cho các Thiên Thần, cho dân Ít-ra-en, cho các vua Ít-ra-en.
Tước hiệu "Con Thiên Chúa" trong Cựu Ước chỉ muốn nói đến sự liên hệ mật thiết của Thiên Chúa với các tạo vật của Ngài; trái lại, Đức Giêsu là "Con Thiên Chúa" vì Ngài "Biết Cha Ngài" (x.Mt 11,27) đồng bản tính với Chúa Cha, Ngài là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa... (Kinh Tin Kính). Vì thế, Đức Giêsu đã phân biệt rõ ràng: "Cha của Thầy cũng là Cha của Anh em" (Ga 20,17).
III. ĐỨC GIÊSU LÀ CHÚA
Để gia nhập Hội Thánh, mỗi người chúng ta đều tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa: "Nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần... ". Người tín hữu cũng hằng tuyên xưng Đức Giêsu: "là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa... Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật... đồng bản tính với Đức Chúa Cha..." (Kinh Tin Kính).
Suốt cuộc đời công khai, Đức Giêsu chứng tỏ uy quyền của Ngài đối với thiên nhiên, như truyền cho sóng gió im lặng "Người thức dậy, ngăm đe sóng gió, sóng gió liền ngừng và biển lặng ngay" (Lc 8,24). Cả những người mắc bệnh hiểm nghèo, cũng được Ngài chữa trị, chỉ một lời phán ra, ma quỉ đều run sợ, kẻ chết được sống lại và nhất là kẻ có tội được tha.
Cuối cùng ta thấy chính Đức Giêsu công khai nhận Ngài là Chúa khi Ngài dạy dỗ các Tông Đồ, "Anh em gọi Thầy là Thầy là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy là Chúa" (Ga 13,13).
Sau khi Phục Sinh, Đức Giêsu hiện ra với các Tông Đồ và Tông Đồ Tôma đã tuyên xưng: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con" (Ga 20,28).
Khi cử hành nghi thức phụng vụ, Hội Thánh luôn tuyên xưng "Chúa ở cùng anh chị em" hoặc "Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con".
IV. SỐNG VỚI CHÚA KITÔ
Như vậy Đức Giêsu, chẳng những là Chúa Kitô, Con Một Thiên Chúa, nhưng cũng là Chúa, là Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Do đó, chúng ta hết lòng tôn thờ, yêu mến tin tưởng và nghe lời Đức Giêsu như Chúa Cha đã truyền dạy: "hãy vâng nghe lời Người" (Lc 9,35), phải siêng năng đọc Thánh Kinh để biết và yêu mến Đức Giêsu vì "không biết Thánh Kinh, tức là không biết Chúa Kitô" (Thánh Giê-rô-ni-mô).
Để yêu mến Đức Giêsu, hãy giữ lời Ngài: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy" và nhất là khi ta yêu thương nhau. Đặc biệt yêu thương kẻ thù là dấu chứng cụ thể ta yêu mến Thiên Chúa: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em con hãy yêu thương nhau" (Ga 13,34) và "hãy yêu kẻ thù, và làm ơn cho kẻ ghét anh em" (Lc 6,27).


Bài 12
CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI
(x. SGLC từ 0456 đến 0507)
"Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử" (Gl 4,4-5). Con Thiên Chúa chính là Đức Giêsu Kitô. "Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người" (Kinh Tin Kính).
I. TẠI SAO CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI?
Ở trên trái đất nầy con người là "Nhân linh ư vạn vật" nhưng lại đau khổ hơn hết mọi loài. Chỉ cần nhìn quanh thế giới hôm nay hoặc, xem lại lịch sử loài người cũng thấy rõ sự thật. Đó không phải do Thiên Chúa, vì Người đã sáng tạo mọi sự đều tốt đẹp, nhưng do chính con người đã sử dụng trí tuệ và tự do cách sai lầm để bất phục Thiên Chúa, và chuốc lấy muôn vàn thất bại trên đường hạnh phúc của mình. Dầu Thiên Chúa có thể bỏ mặc cho họ phải hư đốn vì tội của họ, nhưng Người là Cha yêu thương và toàn năng, không thể làm ngơ trước nỗi khổ của họ, nên Người phải ra tay cứu độ.
Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa sai Con của Người xuống thế làm người:
- để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa: "Chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta" (1 Ga 4,10).
- để chúng ta nhận biết tình yêu của Thiên Chúa: "Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế nầy: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống". (1 Ga 4,9).
- để Người trở nên khuôn mẫu thánh thiện cho chúng ta: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15,12) "Thầy đã nêu gương cho anh em để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em" (Ga 13,15).
- để chúng ta được "thông phần bản tính Thiên Chúa" (2 Pr 1,4) "nhờ sự hiệp thông với Người" (Thánh Irênê).
I. BỞI PHÉP CHÚA THÁNH THẦN MÀ NGƯỜI XUỐNG THAI
Biến cố truyền tin cho Đức Maria (x.Lc. 1,16-38) cho ta biết "thời gian tới hồi viên mãn". Chúa Thánh Thần là "Đấng ban sự sống" (Kinh Tin Kính) được sai đi để thánh hóa cung lòng Đức Maria và làm cho bà thụ thai Con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa xuống thế làm người trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, chính là Chúa Kitô, Đấng được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần ngay khi bắt đầu làm người. Và sau nầy trong suốt cuộc đời, Đức Giêsu Kitô dần dần chứng tỏ: "Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” (Cv 10,38).
III. SINH BỞI ĐỨC MARIA ĐỒNG TRINH
Biến cố truyền tin cho Đức Maria cũng cho biết Thiên Chúa đã muốn loài người tự nguyện hợp tác với công trình cứu độ của Người. Người đã tuyển chọn một thiếu nữ Ít-ra-en ở làng Na-gia-rét, thuộc xứ Ga-li-lê "đã đính hôn với một người tên là Giuse thuộc nhà Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria" (Lc. 1,26-27). Đức Maria đã được Thiên Chúa "ban cho nhiều ơn cân xứng với một vai trò cao cả như thế" (Lg 56). Tân Ước gọi Đức Maria là "Đấng đầy ân sủng" (Lc 1,28). Và Hội Thánh công bố rằng: "Đức Trinh Nữ Maria ngay từ lúc mới được thụ thai, nhờ ân sủng và ơn huệ đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, và dựa vào công nghiệp của Đức Giêsu Kitô cứu độ loài người, đã được gìn giữ toàn vẹn, không lây nhiễm chút vết nhơ nào của tội nguyên tổ" (DS-2803), và cũng tinh tuyền không một tội riêng nào trong suốt cuộc đời. Người là "Đấng Vô nhiễm nguyên tội".
Khi Đức Maria thưa lời "xin vâng". Người đã trở thành Mẹ Đức Giêsu để thuộc quyền Con và cùng với Con phục vụ mầu nhiệm cứu độ (x.GH 56). Nhưng Đức Giêsu, Con của Người lại chính là Con Chúa Cha, là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, nên Hội Thánh tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Sau hết, vì Đức Maria thụ thai Đức Giêsu bởi phép Chúa Thánh Thần, nên dầu đã sinh Đức Giêsu, Đức Maria được Hội Thánh tuyên xưng là Đấng trinh khiết vẹn toàn (x.GH 57). Như thế Đức Maria vừa là Mẹ vừa là Trinh Nữ vẹn toàn, theo ý định của Thiên Chúa Quan Phòng, Người "đi tiên phong, tỏ ra là một người mẹ và một trinh nữ gương mẫu tuyệt vời và hiếm có của Hội Thánh" (GH 63).
IV. ĐỨC GIÊSU LÀ THIÊN CHÚA THẬT VÀ LÀ NGƯỜI THẬT
Việc Con Thiên Chúa làm người không có nghĩa là nơi Đức Giêsu có một phần là Thiên Chúa - một phần là người; cũng không phải là hai yếu tố Thiên Chúa và loài người hòa trộn lẫn nhau nơi Người. Đức Giêsu đã làm người thật mà vẫn là Thiên Chúa thật. Chân lý nầy Hội Thánh luôn phải bảo vệ và làm sáng tỏ trong những thế kỷ đầu tiên để đối phó với nhiều lạc giáo.
Công đồng Nicée (325) tuyên xưng Đức Giêsu "đồng bản tính với Đức Chúa Cha" chứ không phải có bản tính khác với Chúa Cha, Công đồng Ephêsô (431) tuyên bố "Ngôi Hai Thiên Chúa đảm nhận bản tính nhân loại trong ngôi vị của Người" chứ không phải Người có hai ngôi vị. Công đồng Chalcédonie (451) tuyên xưng "Chúa Kitô có bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại, cả hai không lẫn lộn nhưng hiệp nhất trong một ngôi vị". Công đồng Vatican II xác định rằng: "nơi Chúa Kitô bản tính nhân loại được đảm nhận (mặc lấy) chứ không bị tiêu diệt... Người làm việc với bàn tay con người, suy nghĩ bằng trí tuệ con người, hành động với ý chí con người, yêu mến bằng trái tim con người... thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi" (MV 22).

Như vậy Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Thân xác, trí tuệ và ý chí con người của Người cũng phải "lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan" (Lc 2,40) vì Người đã tự nguyện "trở nên giống phàm nhân" (Pl 2,7). Tuy nhiên, chúng lại hoàn toàn hòa hợp và tuân phục trí tuệ và ý chí của Thiên Chúa. Đức Giêsu yêu thương tất cả chúng ta bằng trái tim con người. Vì thế, Hội Thánh coi Thánh Tâm Đức Giêsu, bị đâm thủng vì tội lỗi chúng ta để cứu độ chúng ta, "như dấu chỉ và biểu tượng tuyệt vời của tình yêu Người đối với Chúa Cha và với tất cả chúng ta" (Đức Piô XII).


V. CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI VÀ CON NGƯỜI HÔM NAY.
Nhiều người hôm nay do ảnh hưởng của tiến bộ khoa học kỹ thuật, và do lối sống hưởng thụ tiện nghi vật chất, đã bị cám dỗ như nguyên tổ xưa để tự hào tự mãn, muốn "đạt tới cùng đích đời mình ngoài Thiên Chúa" (MV 13), gạt bỏ Thiên Chúa để mình làm chủ tất cả... Nhưng đa số người Việt Nam theo truyền thống Á đông vẫn luôn quý mến sự hòa hợp giữa Trời Đất Người (Thiên Địa Nhân), biết vâng mệnh Trời, nhân ái với mọi người, và trân trọng thiên nhiên, để mong được an hòa hạnh phúc. Đây là truyền thống rất tốt đẹp và thuận lợi, giúp ta dễ chấp nhận hơn việc "Con Thiên Chúa làm người để hiệp thông với con người và vạn vật". Việc hiệp thông của Người mang một ý nghĩa sâu sắc, và là lời mời gọi Kitô hữu Việt Nam hôm nay:
1. Ý nghĩa sâu sắc. Con Thiên Chúa nhập thể làm người để thể hiện cuộc sống hiệp thông giữa Trời - Đất - Người, làm cho Trời - Đất - Người hòa giải hòa hợp với nhau, nhưng vẫn trân trọng phẩm giá của mỗi thành phần. Đó là để phục hồi phẩm giá đích thực và cao quý mà nguyên tổ đã làm hư mất. Người đã mở ra con đường cứu độ là mời gọi ta trở nên "đồng hình đồng dạng" với Người, để có thể chu toàn lề luật yêu thương mới của Người (MV 22). "Con Thiên Chúa làm người ta được hiệp thông với Người mà trở nên con Thiên Chúa". (thánh Irênê).
2. Lời mời gọi Kitô hữu Việt Nam hôm nay. Con Thiên Chúa làm người mời gọi Kitô hữu mang tên của Người, hãy tiếp nối công trình nhập thể cứu độ của Người bằng cách "trở nên đồng hình đồng dạng với Người" (Rm 8,29), noi gương Người hội nhập vào dân tộc mình để phục vụ; đồng hành với đồng bào để xóa dốt giảm nghèo, nhất là hội nhập vào truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để có thể biểu lộ đức tin và loan báo Tin Mừng cứu độ của Người cho thích nghi với dân tộc hơn (Thư chung của HĐGM Việt Nam 1980).


Bài 13
CUỘC SỐNG TRẦN THẾ CỦA

ĐỨC GIÊSU
(x. SGLC từ 0512 đến 0560)
"Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14).
"Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian" (Ga 1,29).

Kinh Tin Kính chỉ nói đến những mầu nhiệm, liên quan đến đời sống Chúa Kitô về nhập thể (thụ thai, giáng sinh) và vượt qua (khổ nạn, thập giá, chết, mai táng... sống lại, lên trời). Không nói gì rõ ràng về những mầu nhiệm trong đời ẩn dật và công khai của Chúa, Nhưng những tín điều liên quan đến nhập thể và vượt qua của Đức Giêsu lại soi sáng toàn bộ cuộc sống trần thế của Người. Tất cả những gì Đức Giêsu đã làm và dạy, từ khởi đầu cho đến ngày được đưa về trời cần phải được nhìn dưới ánh sáng của những mầu nhiệm giáng sinh và vượt qua.


I. TẤT CẢ CUỘC SỐNG CỦA CHÚA KITÔ LÀ MẦU NHIỆM.
Nhiều điều người ta tò mò muốn biết về Đức Giêsu thì Tin Mừng không nói. Hầu như cuộc sống ở Nazareth chẳng được nói đến, và ngay cả phần lớn cuộc sống công khai cũng không được kể lại. Bởi vì những gì được viết lại trong Tin Mừng chỉ là "để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô. Con Thiên Chúa và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người" (Ga 20,31).
Tin Mừng được viết ra do những người có niềm tin đầu tiên vào Đức Giêsu. Họ muốn làm cho những người khác nhận ra những dấu hiệu của mầu nhiệm. Qua những cử chỉ của Đức Giêsu, dấu lạ và lời nói của Người, Người đã tỏ ra rằng "nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể" (Cl 2,9).
Tất cả cuộc sống của Chúa Kitô là để mặc khải Chúa Cha. Tất cả cuộc sống của Chúa Kitô là để cứu chuộc con người. Và hiện nay Ngài hằng "đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta" (Dt 9,24).
II. ĐỜI THƠ ẤU - ẨN DẬT
1. Thơ ấu
Giáng sinh: là biến cố vô cùng trọng đại nên Thiên Chúa sửa soạn rất kỹ. Ngài đã qui hướng những nghi thức, hy lễ, hình ảnh và biểu trưng của Giao Ước cũ về Chúa Kitô: loan báo qua các ngôn sứ và khơi dậy nơi các dân ngoại niềm mong đợi nào đó. Sau cùng "vị ngôn sứ của Đấng Tối Cao" (Lc 1,76) được sai đến trực tiếp dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Chính ông sẽ chỉ cho mọi người thấy "Đấng xóa bỏ tội trần gian" (Ga 1,29).
Khi cử hành Phụng Vụ Mùa Vọng, Hội Thánh hiện tại hóa niềm mong đợi sống động Đấng Cứu Thế. Trong khi thông dự, vào sự chuẩn bị lâu dài cho lần đến đầu tiên của Đấng Cứu Thế, người tín hữu cũng sống ước vọng nóng bỏng hướng tới lần ngự đến thứ hai của Người.
Đức Giêsu sinh hạ khiêm tốn trong máng chiên lừa, trong một gia đình nghèo và những mục đồng đơn sơ là những chứng nhân đầu tiên của biến cố nầy. Chính trong cảnh nghèo hèn nầy, vinh quang trời cao đã tỏ hiện. Hội Thánh không ngừng ca tụng vinh quang của đêm nầy:
Hôm nay Trinh Nữ sinh hạ Đấng bất diệt

Và trái đất dâng một hang động

cho Đấng không thể với tới.

Thiên Thần và mục đồng ca tụng Người

Các đạo sĩ theo sao lạ tiến tới

Ngài đã sinh ra vì chúng tôi

Thưa Hài Nhi, Thiên Chúa vĩnh cửu.
Trong tương quan với Thiên Chúa, trở nên trẻ thơ là điều kiện để vào Nước Trời. Phải hạ mình xuống, nên bé nhỏ, nhưng phải sinh ra từ trời cao, từ Thiên Chúa, để trở nên con Thiên Chúa. Mầu nhiệm Giáng Sinh hoàn thành nơi chúng ta khi Chúa Kitô thành hình nơi chúng ta, Giáng Sinh là mầu nhiệm trao đổi lạ lùng.
Trong đời thơ ấu của Chúa có những biến cố đáng ghi nhớ:
a) Cắt bì vào ngày thứ tám sau khi sinh. Biến cố nầy là một tuyên cáo việc Ngài sáp nhập vào dòng dõi Abraham, vào dân của Giao Ước và cũng là dấu chỉ phục tùng lề luật.
b) Những nhà thông thái đến kính viếng. Là đại biểu của dân ngoại, họ là hoa quả đầu mùa của các dân tộc, họ đón nhận Tin Mừng qua việc nhập thể. Họ đã tìm được nơi Ít-ra-en vị vua của mọi dân tộc.
c) Dâng Chúa vào đền thờ. Chứng tỏ Ngài là con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa. Simêon và Anna tượng trưng cho niềm mong đợi Ít-ra-en đã đến gặp gỡ Chúa. Ngài là ánh sáng muôn dân và vinh quang của Ít-ra-en. Qua Phụng vụ lễ Nến, Hội Thánh nhắc nhở các tín hữu đến gặp gỡ Chúa Kitô và thắp sáng niềm tin trong ánh sáng Chúa Kitô.
d) Việc chạy trốn sang Ai Cập và việc tàn sát trẻ thơ của Hêrôđê. Không phải Người bất lực không bảo vệ được mình và các em nhỏ. Việc nầy tỏ rõ cuộc đời Ngài chỉ toàn nhận lấy bách hại và hất hủi. Một sự tranh đấu không ngừng giữa bóng tối và ánh sáng.
2. Đời ẩn dật
Phần lớn cuộc sống, Đức Giêsu đã chia sẻ điều kiện sống của đa số nhân loại: một cuộc đời bình thường không dáng vẻ rầm rộ bên ngoài, cuộc sống lao động bằng chân tay, một cuộc sống theo tôn giáo Do Thái tùng phục lề luật Thiên Chúa... Ngài hằng vâng phục cha mẹ Ngài, thi hành tuyệt hảo giới điều thứ tư. Đó là hình ảnh trần thế về lòng tùng phục hiếu thảo với Cha trên trời của Ngài. Sự vâng phục nầy là nền tảng cho việc vâng phục ý Cha ở Vườn Cây Dầu. Hằng ngày cộng tác lo việc cho cha mẹ chính là sửa soạn lo việc Cha trên trời, khởi đầu phục hồi những gì do sự bất phục của Ađam và làm tiêu hủy.
Việc cậu bé Giêsu lúc 12 tuổi bị lạc và tìm lại được trong đền thờ đã làm vỡ tan sự im lặng dầy đặc trong những năm ẩn dật. Ngài muốn cho ta thoáng thấy mầu nhiệm việc dâng hiến trọn vẹn cho một sứ mạng phát sinh từ mối quan hệ thần linh của Ngài: "Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" (Lc 2,49).
III. ĐỜI CÔNG KHAI
1. Khai mạc
a) Phép rửa: Đức Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai bằng phép rửa của Gioan. Đức Giêsu cùng đến với nhiều người. Gioan ngập ngừng, nhưng Đức Giêsu yêu cầu Gioan cứ làm như lệ thường. Vì đây là dịp để Thiên Chúa tỏ mình ra cách trọng đại: Thánh Thần như hình Chim bồ câu đậu xuống trên Đức Giêsu, đồng thời có tiếng Chúa Cha phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta" (Mt 3,17).
Với phép rửa, Đức Giêsu chấp nhận và khai mạc sứ mạng của Người tôi tớ đau khổ. Ngài để cho mình bị kể vào số tội nhân. Ngài đã là "Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian" (Ga 1,29). Tiếng của Cha trả lời cho sự chấp nhận nầy và Thánh Thần ngự xuống. Lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa, cửa trời mở ra và nước được thánh hóa, báo trước cuộc sáng tạo mới sắp bắt đầu.
b) Chúa chịu cám dỗ.
Sau phép rửa, Đức Giêsu vào sa mạc ăn chay 40 đêm ngày. Kết thúc những ngày đó, Xa-tan đến cám dỗ Ngài ba lần. Biến cố nầy có một ý nghĩa cứu độ. Đức Giêsu là Ađam mới luôn trung thành trong khi Ađam cũ sa ngã. Đức Giêsu hoàn thành tốt đẹp ơn gọi của Ít-ra-en trái với những người khiêu khích Thiên Chúa suốt 40 năm trong sa mạc. Đức Giêsu là Đấng chiến thắng ma quỷ trong sa mạc. Chiến thắng báo trước chiến thắng cuộc tử nạn.
2. Rao giảng Nước Thiên Chúa.
a) Loan báo: Sau khi Gioan bị bắt, Đức Giêsu trở về Galilêa, Ngài công bố Tin Mừng của Thiên Chúa đã đến bằng những lời nầy: "Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1, 15). Để chu toàn ý Chúa Cha. Chúa Kitô đã khai mạc Nước Thiên Chúa nơi trần gian. Chúa Cha tập họp con người xung quanh. Con của Người là Đức Giêsu Kitô. Cuộc tập họp nầy chính là cộng đoàn Hội Thánh mà Chúa Kitô là trung tâm.
Tất cả mọi người được kêu gọi gia nhập Nước Trời. Muốn gia nhập phải tuân giữ lời Đức Giêsu dạy. Tuy thế Nước Thiên Chúa được dành ưu tiên cho: kẻ nghèo hèn, bé mọn và tội lỗi:
- "... để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn".
(Lc 4,18).

- "... Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái... nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn".

(Mt 11,25).



- "Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi".

(Mc 2,17).


Tất cả đều phải tuân theo một điều kiện: Sám hối, nếu không, không thể gia nhập Nước Trời.
b) Dấu chỉ Nước Trời.
Đức Giêsu kèm theo lời giảng của Ngài nhiều dấu lạ điềm thiêng và những dấu chỉ (x. Cv 2,22) để chứng tỏ rằng Nước Thiên Chúa hiện diện nơi Ngài, làm chứng Ngài là Đấng Cứu Độ đã được báo trước, và cũng chứng tỏ Ngài được Chúa Cha sai đến. Những dấu chỉ đó mời gọi con người tin vào Ngài, tăng cường niềm tin vào Đấng thi hành công việc của Cha. Khi thi hành những dấu lạ để giải phóng con người khỏi những đói khát, bất công, bệnh tật, chết chóc, Đức Giêsu đã thực hiện những dấu chỉ thời cứu độ. Nhưng mục đích của Ngài không phải đến để tiêu diệt sự dữ trần gian mà là giải phóng con người khỏi nô lệ tội lỗi.
c) Xây dựng Hội Thánh
Trong việc rao giảng Nước Trời, Đức Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai và cho tham dự vào sứ mạng của Người: "Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân" (Lc 9,2). Trong số đó có ông Phêrô giữ địa vị cao nhất: "Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên đá nầy Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy" (Mt 16,18). Ngài còn trao cho ông Chìa Khóa Nước Trời: "Thầy sẽ trao cho anh Chìa Khóa Nước Trời" (Mt 16,19). Quyền Chìa Khóa chỉ uy quyền để cai trị Nhà Thiên Chúa là Hội Thánh.
d) Biến hình:
Khung cảnh bề ngoài của việc biến hình nói lên tầm quan trọng của biến cố: có Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện, có các nhân vật đại diện Cựu và Tân Ước, và toàn thể thân xác Chúa Kitô tỏa sáng lạ lùng. Việc biến hình lại đi trước cuộc tử nạn, điều đó cho biết "để đi vào vinh quang" (Lc 24,26) Ngài phải qua thập giá tử nạn ở Giêrusalem. Việc biến hình cho chúng ta hưởng trước vinh quang của Chúa Kitô. Đấng sẽ "biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người" (Pl 3,12). Nhưng cũng nhắc chúng ta rằng: chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa (x. Cv 14,22).

tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương