HỘI ĐỒng giám mục việt nam giáo lý giáo hội công giáo biên soạN CHO giáo dân việt nam



tải về 1.61 Mb.
trang3/23
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích1.61 Mb.
#33085
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23

III. Ánh sáng cho cuộc đời.
1. Bắt đầu ngày sống và trước mỗi công việc, người tín hữu có thói quen làm dấu Thánh giá "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Làm việc gì nhân danh ai, phải đặt công việc đó trong đường hướng và ý muốn của người mình nhân danh. Ước gì ngày sống và mọi công việc chúng ta làm được thực hiện trong tâm tình và theo đường hướng của Chúa Ba Ngôi, Chúa Tình Yêu.
2. Thiên Chúa được tỏ ra trong Đức Giêsu Kitô không phải là Thiên Chúa đơn độc, nhưng là cộng đồng Ba Ngôi, trong đó mỗi Ngôi hướng về hai Ngôi khác bằng tất cả tình yêu trao ban và đón nhận. Mầu nhiệm ấy trở thành ánh sáng và động lực thúc đẩy cuộc sống của ta trên bình diện cá nhân, gia đình cũng như xã hội.


Bài 8
THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG SÁNG TẠO

VÀ QUAN PHÒNG.
(x SGLC từ 0268 đến 0314)
"Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu".

(Tv 8,2)


"Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa.
Không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,

Đêm này kể lại với đêm kia

Chẳng một lời một lẽ

Chẳng nghe thấy âm thanh

Mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu

Và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển"

(Tv 18,2-5)

Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần, là Đấng Toàn Năng đã lấy khôn ngoan và tình thương mà sáng tạo muôn vật hữu hình và vô hình "để ban cho chúng đầy tràn ơn phúc và cho nhiều thọ tạo được vui hưởng ánh sáng huy hoàng" (Kinh Tạ Ơn IV), và Người còn luôn chăm sóc hướng dẫn mọi thụ tạo. Vì thế Chúa Kitô mời gọi ta tín thác nơi Thiên Chúa quan phòng với tình con thảo (x.Mt 6,26-34). Còn thánh Phêrô nhắn nhủ: "mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em" (1 Pr 5,7)


I. GIÁO LÝ VỀ THIÊN CHÚA SÁNG TẠO RẤT QUAN TRỌNG CHO CẢ ĐỜI NGƯỜI.
Con người ở mọi thời mọi nơi đều vẫn thắc mắc mình từ đâu đến, đi về đâu, mình bắt nguồn từ đâu, mục đích đời người là gì, mọi vật hiện hữu bởi đâu đến và đi về đâu... Trí tuệ con người chỉ có thể giải đáp một phần, nhưng rất thiếu sót và chưa thỏa đáng. Thế mà việc biết đúng nguồn cuội và cùng đích đời người lại là hai việc tối quan trọng không thể tách rời nhau, vì chung quyết định về ý nghĩa và hướng đi cho cuộc đời cũng như mọi hành động của con người.
Vì thế Thiên Chúa đã mặc khải dần dần qua lịch sử cứu độ, khi tuyển chọn dân tộc Ít-ra-en và ký kết giao ước với họ (x. ba chương đầu của Sách Sáng Thế). Sau cùng Chúa Kitô đã đến mặc khải trọn vẹn và dứt khoát để giúp ta hiểu rằng nguồn cuội và cùng đích đời người cũng như vũ trụ vạn vật chính là Thiên Chúa.
II. THIÊN CHÚA SÁNG TẠO TRỜI ĐẤT, MUÔN VẬT HỮU HÌNH VÀ VÔ HÌNH
Kinh Tin Kính tuyên xưng "Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng Tạo Thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình":
Thế giới hữu hình: Tất cả mọi tạo vật hữu hình đều do Thiên Chúa sáng tạo, mỗi vật đều "có sự vững chãi, chân thực và tốt lành, cùng với trật tự và những định luật riêng" (MV 36); mỗi vật đều phản ánh một phần sự khôn ngoan và tốt lành của Thiên Chúa; không vật nào có thể tự mãn, nhưng phải tùy thuộc lẫn nhau, để bổ túc và phục vụ cho nhau; mỗi vật ở một cấp bậc khác nhau từ kém đến hoàn hảo hơn, nhưng con người là chóp đỉnh của tạo thành, vì được tạo dựng riêng biệt (x.St 1,26).
Thế giới vô hình: gồm các vật thuần thiêng, không có thể xác, Kinh Thánh gọi là thiên thần. Đó là các tôi tớ và sứ giả của Thiên Chúa. Các ngài có trí tuệ, ý chí, ngôi vị và bất tử, vì thế hoàn hảo hơn các thụ tạo hữu hình. Các ngài được dựng nên để phục vụ suốt dòng lịch sử cứu độ: từ việc đóng cửa Vườn Địa Đàng (x.St 3,24) qua biến cố báo tin Chúa Kitô xuống thế làm người (Lc 1,26) đến việc "phúc âm hóa muôn dân" (x.Lc 2,10) sau cùng là tập họp muôn dân từ bốn phương lại để Chúa Kitô phán xét chung (x.Mt 24,31). Trong thánh lễ, Hội Thánh hiệp với các thiên thần để ca tụng Thiên Chúa chí thánh. Và trong cuộc sống "mỗi tín hữu đều có một thiên thần hộ mệnh để bảo trợ và hướng dẫn đến sự sống đời đời" (Thánh Ba-xi-li-ô).
"Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra: rất là tốt đẹp" (St 1,31).
III. SÁNG TẠO LÀ CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI, ĐẤNG TOÀN NĂNG VÀ QUAN PHÒNG
Ta thường nghĩ rằng Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu độ, Chúa Thánh Thần thánh hóa, vì Kinh Tin Kính tuyên xưng như vậy.Thực ra, toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa bao gồm sáng tạo, cứu độ và thánh hóa, đều là công trình chung của cả Ba Ngôi, Thiên Chúa đã sáng tạo "để làm vinh quang danh Người và tạo nên hạnh phúc cho chúng ta"(TG 2).
Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng: "Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì Chúa làm nên" (Lc 1,113B,3); "không có gì là không thể làm được" (Lc 1,37); "Đấng làm cho kẻ chết được sống, và khiến những gì không có hóa có" (Rm 4,17). Người đã tạo dựng muôn vật từ hư vô, không cần gì vật có trước, không cần trợ giúp (x.DS 3022).
Thiên Chúa còn là Cha (x.Mt 6,9) nên sau khi sáng tạo Người vẫn tiếp tục chăm sóc và điều khiển mọi thụ tạo (Mt 6,32) "một cách cụ thể và trực tiếp", để tất cả mọi người mọi vật từ tình trạng tốt lành và hoàn hảo ban đầu có thể tiến hóa dần dần đến mức hoàn hảo như ý Người muốn. Hội Thánh gọi công việc đó là việc Thiên Chúa quan phòng.

IV. TẠI SAO CÓ SỰ XẤU, SỰ DỮ?
Thiên Chúa toàn năng đầy khôn ngoan và giàu tình thương đã sáng tạo muôn vật đều tốt lành nhưng chưa toàn hảo, vì Người muốn chúng còn "ở trong tình trạng hành trình" qua dòng thời gian, để liên đới bổ túc cho nhau mà tiến hóa tới mức toàn hảo sau cùng. Trong quá trình tiến hóa đó, có vật trở nên tốt hơn, có vật xấu hơn và bị đào thải. Do đó cùng với sự tốt thể lý, cũng có sự xấu thể lý.
Còn thiên thần và con người là thụ tạo có trí tuệ và tự do, cũng phải tiến tới cùng đích của mình bằng cách chọn lựa cho mình trở nên tốt hơn hoặc xấu hơn. Và thực sự họ đã chọn lựa sai lầm để phạm tội. Do đó, sự xấu luân lý đã nhập vào thế gian.
Như thế, sự xấu, sự dữ luân lý đều không do Thiên Chúa muốn, dầu là trực tiếp hay gián tiếp. Tuy nhiên Người để chúng xảy ra, vì Người tôn trọng tự do của thụ tạo, và vì Người có thể rút từ sự xấu, sự dữ ấy ra sự lành còn tốt đẹp hơn gấp bội nữa (x.St 45,8; 50,20; Rm 5,20).
Đây là một huyền nhiệm, huyền nhiệm về sự xấu, sự dữ mà chỉ một mình Chúa Kitô, Đấng đã chịu chết và sống lại mới mặc khải được, và chỉ tới ngày được giáp mặt với Thiên Chúa ta mới hiểu hết được. (x.1 Cr 13,12)
V. THIÊN CHÚA SÁNG TẠO VÀ CUỘC SỐNG CON NGƯỜI HÔM NAY
Người Việt Nam rất quen thuộc với Trời, gặp chuyện tốt xấu may rủi đều kêu trời, coi trời như Tạo Hóa: ngẫm hay muôn sự tại trời; trời sinh voi, trời sinh cỏ; cha mẹ sinh con, trời sinh tính... Nhiều người còn lập bàn thờ "ông Thiên" để tỏ lòng hiếu thảo với Trời. Người Việt Nam cùng khao khát hạnh phúc và luôn cầu Trời cho mình được "Phúc Lộc Thọ" và gặp mọi sự may mắn. Vì thế, giáo lý về Thiên Chúa sáng tạo và quan phòng không xa lạ với ta, trái lại giúp ta hiểu sâu sắc hơn; Trời chính là Thiên Chúa, là chủ trời đất, là Cha Toàn Năng yêu thương. Giáo lý ấy phải giúp ta có thái độ đúng đắn hơn.
1. Đối với Thiên Chúa: Biết Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, còn ta là con và là thụ tạo của Người, nên ta không lo Người bất lực, bất trung, không sợ Người làm mất phẩm giá và tự do của ta. Trái lại, ta yêu mến tôn thờ Người trên hết mọi sự với tình con thảo.
Biết Thiên Chúa quan phòng chăm sóc điều khiển mọi vật mọi loài, nên ta nghe lời Chúa Kitô dạy để hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa quan phòng (Mt 65,31-33), cứ lo chuyên cần lao động và phát minh... theo khả năng của ta, Người sẽ giúp ta thành tựu theo chương trình của Người: mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên.
2. Đối với mọi người mọi vật: Biết mọi người mọi vật đều là thụ tạo như nhau, nên ta không sợ hãi hoặc tôn thờ bất cứ ai hay vật gì. Mỗi người mỗi vật lại đều phản ánh sự khôn ngoan và tình thương của Thiên Chúa, nên ta không kÿ thị, không gây ô nhiễm cho môi sinh, không hủy diệt chúng vô cớ. Trái lại, ta tuân giữ "điều răn mới về tình yêu của Chúa Kitô, đó là luật căn bản để kiện toàn con người, và do đó để cải tạo thế giới", nghĩa là "biến cải cuộc sống mình trở nên nhân đạo hơn, và quy phục trái đất" (Mv 38) về một đích là "trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị" (2 Pr 3,13).
3. Đối với sự xấu, sự dữ: Biết Thiên Chúa đã sáng tạo mọi loài vật tốt đẹp, và sự xấu sự dữ không do Thiên Chúa, nên ta không bất mãn với Thiên Chúa, hoặc tuyệt vọng trước sự dữ. Trái lại, ta noi gương Chúa Kitô để cùng Người chống lại sự dữ dưới mọi hình thức, và cố gắng sống và làm nhiều việc tốt lành để hòa giải những sự dữ với niềm tin tưởng rằng: "Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người" (Rm 8,28).

Bài 9
THIÊN CHÚA TẠO DỰNG

CON NGƯỜI
(x.SGLC từ 0355 đến 0379)
Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, có nam có nữ. Con người có vị trí ưu việt trong công trình sáng tạo và được tham dự vào đời sống thân mật với Thiên Chúa.
Không có câu hỏi nào gay gắt cho bằng câu hỏi con người đặt ra về chính mình: "Con người đã và còn đang đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, những quan niệm khác nhau và đôi khi trái nghịch nhau" (MV 12) và chính quan niệm ấy dẫn lối cho cuộc sống. Chính vì thế, câu hỏi về con người có tầm quan trọng đặc biệt, và Hội Thánh "được Thiên Chúa là Đấng mặc khải dạy dỗ, có thể đem lại câu giải đáp cho những khó khăn ấy, nhờ đó diễn tả được thân phận đích thực của con người, giãi bày những yếu hèn, đồng thời có thể nhìn nhận xác đáng phẩm giá và thiên chức của con người" (MV 12).
I. CON NGƯỜI LÀ HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA
Trong biết bao nhiêu câu trả lời về con người, Kinh Thánh đưa ra định nghĩa đơn sơ mà sâu sắc "Con người là hình ảnh Thiên Chúa" (St 1,24).
Là hình ảnh của Thiên Chúa nên con người mang phẩm giá đặc biệt, vượt trên vạn vật, đến nỗi tác giả Thánh Vịnh phải kêu lên:

"Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,

Muôn trăng sao Chúa đã an bài,

thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,

Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?

Chúa cho con người chẳng thua kém

thần linh là mấy,

ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,

cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,

đặt muôn loài muôn sự dưới chân"



(Tv 8,4-7)
Là hình ảnh của Thiên Chúa, con người có khả năng đặc biệt, khả năng nhận biết và yêu mến (x. MV 12), nhờ đó con người có thể đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa và bước vào giao ước yêu thương với Ngài.
Là hình ảnh của Thiên Chúa nên con người là đỉnh cao của tạo thành và Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự là cho con người "Trời và đất, biển khơi và mọi tạo vật là để cho con người" (Thánh Gioan Kim Khẩu). Nhưng đồng thời, con người không thể quên rằng họ được tạo nên để phụng sự, yêu mến Thiên Chúa, và phải hiến dâng tất cả tạo thành cho Ngài. Phẩm giá cao cả nầy chỉ hiểu được trọn vẹn nhờ Đức Giêsu, vì "Mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể" (MV 22). Chính giáo huấn, cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu bày tỏ tất cả nghĩa cao cả của bản thân và cuộc sống con người.
II. CON NGƯỜI LÀ XÁC VÀ HỒN
Bằng ngôn ngữ biểu tượng, Kinh Thánh mô tả "Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật" (St 2,7). Như thế, nơi con người có cả yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần, và cả hai tạo nên bản tính duy nhất, liên kết chặt chẽ với nhau: con người duy nhất xác hồn.
"Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất" (MV 14), nhưng tổng hợp vật chất ấy lại được linh động hóa bởi nguyên lý tinh thần là hồn thiêng. Vì thế, "con người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất, và không chỉ coi mình như một mảnh vụn của thiên nhiên hay như một phần tử vô danh trong xã hội loài người. Bởi vì nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật" (MV 14).
Hồn thiêng ấy do Thiên Chúa trực tiếp tạo nên và ban tặng, chứ không do cha mẹ tạo nên. Đồng thời, hồn thiêng mang tính bất tử, không bị tiêu diệt, kể cả khi hồn lìa khỏi xác trong giờ chết, nhưng sẽ kết hợp lại với thân xác trong cuộc phục sinh sau cùng.
III. CON NGƯỜI LÀ NAM VÀ NỮ
"Ngay từ khởi thủy, Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam và có nữ" (MV 12; St 1,27), nghĩa là có sự khác biệt nhưng đồng thời lại bình đẳng với nhau: khác biệt về phái tính cùng với những nét độc đáo của mỗi phái, nhưng bình đẳng về phẩm giá, vì cả hai đều là hình ảnh của Thiên Chúa, phản ánh sự khôn ngoan và tốt lành của Ngài.
Họ được tạo dựng để sống với nhau và cho nhau. Kinh Thánh mô tả: "Đức Chúa là Thiên Chúa phán: con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó" (St 2,18). Nhưng bởi vì giữa bao nhiêu thú vật, chim trời và dã thú, người nam vẫn không tìm được một trợ tá tương xứng, nên "Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ người nam, làm thành một người đàn bà" và lúc ấy người nam reo lên "Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi" (St 1,22-23), tiếng reo của khám phá, của tình yêu và thông hiệp. Và cả hai kết hợp với nhau "thành một xương một thịt" (St 2,24).
Sự liên kết giữa họ và tạo nên cộng đoàn đầu tiên giữa người với người (MV 12), trong đó hai người nam nữ vừa bình đẳng, vừa bổ túc cho nhau. Nhờ đó, họ "cộng tác đặc biệt vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa, Ngài đã chúc lành cho họ, và phán: Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều" (MV 50). Sự liên kết ấy còn diễn tả bản tính thâm sâu của con người "là một hữu thể có tính xã hội và nếu không liên lạc với người khác, sẽ không thể sống và phát triển tài năng của mình" (MV 12).
IV. CON NGƯỜI TRONG VƯỜN ĐỊA ĐÀNG
Con người nguyên thủy sống trong mối hiệp thông thân tình với Thiên Chúa, hài hòa với chính mình, với nhau và với cả vạn vật chung quanh. Kinh Thánh diễn tả bằng hình ảnh địa đàng, nơi con người sống, cày cấy và canh giữ đất đai (x. St 2,4-15). Hội Thánh gọi tình trạng đó là tình trạng công chính nguyên thủy, và con người "được tham dự đời sống thần linh" (GH 2).

Trong hạnh phúc nguyên thủy đó, con người làm chủ chính mình, không chịu sự thống trị của dục vọng, không phải đau khổ và chết chóc, lao động không là gánh nặng nhưng là sự cộng tác của con người với Thiên Chúa, nhằm kiện toàn chính bản thân và cả công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, hạnh phúc nguyên thủy ấy đã bị mất đi khi con người sa ngã trong Adam. (x. GH 2).
V. SỐNG ƠN GỌI LÀM NGƯỜI
Mặc khải của Thiên Chúa về phẩm giá con người phải trở thành ánh sáng soi lối cho cuộc sống người Kitô hữu, trong cuộc sống của bản thân cũng như trong mọi mối quan hệ đời sống.
1. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Phẩm giá cao quý ấy được bộc lộ trọn vẹn nơi Đức Giêsu, Đấng Thiên Chúa làm người, và đã tự đồng hóa mình với những người nghèo khổ, hèn mọn nhất. Chính vì thế, con người trở thành con đường của Hội Thánh, và người Kitô hữu phải biết trân trọng con người, những con người cụ thể ta gặp trong cuộc sống, dù là trẻ thơ hay già cả, giàu có hay nghèo hèn, mạnh khỏe hay yếu đau, bạn hay thù... vì tất cả đều là hình ảnh của Thiên Chúa, và Đức Giêsu đang hiện diện trong họ (x. Mt 25,40).
2. Ý thức về con người duy nhất xác hồn giúp người Kitô hữu ý thức bản chất và vận mạng cao cả của mình, để biết ngẩng đầu lên và hướng lòng đến những sự trên trời. Phát triển kinh tế và những tiện nghi vật chất là điều cần thiết và hữu ích, nhưng chúng ta cũng dễ bị cám dỗ để quên mất rằng "Nhân linh ư vạn vật""mang trong lòng những khát vọng vô biên, được mời gọi tới một cuộc sống cao cả hơn" (MV 10). Vì thế, phải hướng đến việc phát triển con người toàn diện, chứ không chỉ về thân xác và vật chất mà thôi.

Bài 10
CON NGƯỜI SA NGÃ
(x. SGLC từ 385 đến 412)
"Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính" (Rm 5,18-19).

Thiên Chúa vô cùng tốt lành đã tạo dựng mọi sự thật tốt đẹp, nhưng thực tế thường ngày lại cho thấy những giới hạn và bất toàn của thiên nhiên, những bất công và xấu xa trong xã hội ; và những con người gian ác. Niềm tin Kitô giáo giải thích như thế nào ? Những thắc mắc của ông Gióp về đau khổ và của thánh vịnh gia về những người gian ác (Tv 72,3-12) chỉ được giải đáp nơi Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, nhờ Người, "mầu nhiệm của sự gian ác" (2Tx 2,7) được sáng tỏ dưới ánh sáng của "mầu nhiệm của đạo thánh" (1Tm 3,16). Khi từ cõi chết sống lại, Đức Giêsu Kitô đã đổ tràn ân sủng trên thế giới tội lỗi (Rm 5,21) bởi vì Người là Đấng duy nhất chiến thắng sự ác (Lc 11,21-22 ; Ga 16,11 ; 1Ga 3,8) "Nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ, bí ẩn đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Phúc Âm" (MV 22).


I. TỘI LỖI VÀ ÂN SỦNG
Ngày nay người ta có khuynh hướng giải thích tội lỗi như là sự thiếu trưởng thành, sự yếu đuối của tâm hồn, là sự lầm lẫn, là hậu quả đương nhiên của hoàn cảnh xã hội. Thật ra con người phạm tội, vì đã lạm dụng tự do Chúa ban, mà không vâng phục lệnh truyền của Người, từ chối tình yêu của Người. Tội lỗi là từ khước Thiên Chúa và đặt mình đối nghịch với Người. Nên muốn hiểu tội lỗi là gì, cần phải đặt tội lỗi trong tương quan với Thiên Chúa - Đặt mình trước mặt Thiên Chúa, con người không những nhận ra tội lỗi của mình, mà còn cảm nhận được lòng nhân từ hay tha thứ của Thiên Chúa, để quay về với Người và dấn bước theo Người (Lc 5,8-11 ; Ga 8,11).
Tội lỗi đã xuất hiện từ buổi đầu của lịch sử nhân loại. "Được thiết lập trong sự công chính, tuy nhiên ngay từ đầu lịch sử, con người nghe theo Thần Dữ nên đã lạm dụng tự do của mình khi nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa" (MV 13). Sách Sáng Thế (3,1-15) đã nói đến việc sa ngã của con người đầu tiên, nhưng ý nghĩa sâu xa của câu chuyện sa ngã chỉ được bày tỏ trọn vẹn nơi Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại, để trở thành Cứu Chúa duy nhất của toàn thể nhân loại (Cv 4,12). Tin nhận Chúa Kitô, Adam mới, là nguồn mạch ân sủng của sự sống, thì sẽ nhận ra Adam là nguồn mạch tội lỗi đưa đến cái chết.

II. MA QỦI GÂY RA TỘI LỖI
Con người phạm tội, nhưng con người không phải là tạo vật đầu tiên chống lại Thiên Chúa. Con người phạm tội, vì đã nghe theo lời dụ dỗ của ma quỷ, "vì ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu" (1Ga 3,8), ma quỷ có tên là Xa-tan. Xa-tan cùng với đồng bọn đều là những thiên thần tốt lành được Thiên Chúa dựng nên tốt lành, nhưng đã trở nên xấu xa, vì đã chống lại Thiên Chúa cách dứt khoát. Họ đã từ chối Thiên Chúa cách vĩnh viễn và trở thành thù địch với con người, nhằm mê hoặc con người vào con đường xấu xa giống như họ.
Nhưng Thiên Chúa đã sai Con Một xuống thế làm người, để trợ giúp và giải thoát con người khỏi áp lực của ma quỷ. "Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện là để phá hủy công việc của ma quỷ" (1Ga 3,8). Thiên Chúa cho phép ma quỷ hoành hành trên thế giới cho đến ngày tận thế, nhưng những ai tin vào Đức Giêsu Kitô đều chiến thắng ma quỷ (1Ga 5,5). Đức Giêsu Kitô không những mạnh hơn ma quỷ (x.Lc 11,22) thống trị chúng (qua các lần trừ quỷ mà Tin Mừng kể lại), nhưng nhờ cái chết và cuộc sống lại của Người, ma quỷ đã bị đánh bại (x.Ga 12,31) để chờ ngày "Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Ngài" (1Gr 15, 25; x.Tv 110, 1).
III. TỘI NGUYÊN TỔ
1. Con người bị thử thách và sa ngã
Được dựng nên cách Thánh Thiện để sống hòa hợp với Thiên Chúa và với vạn vật, con người đã lạm dụng tự do để làm theo ý mình mà không theo ý Chúa, muốn coi mình hơn Thiên Chúa mà mất tin tưởng và không vâng phục Người. Đó là tội đầu tiên của con người. Tội đầu tiên này sẽ lôi kéo theo muôn vàn tội lỗi của mọi người qua các thời đại. Khi phạm tội từ bỏ Thiên Chúa. Đấng duy nhất tốt lành (x.Mt 19,17), con người tự ý nhận lấy mọi hậu quả xấu xa của tội lỗi.
2. Hậu quả tội nguyên tổ.
Sau khi sa ngã, ông bà nguyên tổ mất quân bình khi thấy mình trần truồng (x.St 3,7), chạy trốn Thiên Chúa (x.St 3,8), tương quan giữa hai người không còn bình đẳng hòa hợp như trước (x.St 3,16), đất đai đã chống lại con người, và con người phải vất vả cực nhọc mới chinh phục được thiên nhiên. Cuối cùng, thì con người phải trở về bụi đất (x.St 3,18-19). Như vậy, hậu quả đầu tiên của tội nguyên tổ là mất tình nghĩa với Thiên Chúa (ân sủng của sự thánh thiện nguyên thủy). Đánh mất sự hòa hợp với Thiên Chúa, con người bị chia rẽ và xáo trộn nơi chính bản thân mình, mất hòa bình với người khác và xung khắc với vạn vật. Và hậu quả bi đát nhất là : con người phải chết. Cái chết đã đến với con người, nên làm người ai cũng phải chết (x.ra 5,12). Và từ tội đầu tiên này, tội lỗi đã lan tràn và thống trị khắp thế giới. "Nhìn sâu tận đáy lòng mình, con người cũng khám phá ra rằng, mình đã hướng về sự dữ và đã ngụp lặn trong muôn vàn sự dữ là những điều không thể xuất phát từ Đấng Tạo Hóa tốt lành của mình. Nhiều khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguyên ủy của mình, con người cũng đã phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình, và đồng thời phá vỡ mọi hòa hợp nơi chính bản thân cũng như đối với những người khác và với mọi loài thọ tạo” (MV 13).
3. Tội nguyên tổ truyền lại cho con cháu.
Con người đầu tiên là Adam đã phạm tội mất tình nghĩa với Thiên Chúa, nên tất cả con cháu thuộc dòng giống loài người, đều sinh ra trong tình trạng tội lỗi của Adam. Bởi vì Adam đã nhận được ơn Thánh thiện và công chính ban đầu, không chỉ cho một mình ông, nhưng cho toàn thể nhân loại. Vậy một khi Adam đã đánh mất đặc ân đó vì tội mình, thì nhân loại sinh ra từ Adam cũng không còn được ở trong tình nghĩa hòa hợp với Thiên Chúa. Tình trạng mất ơn nghĩa với Chúa của mọi người sinh ra ở đời này, ta gọi là tội tổ tông truyền. "Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết ; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội" (Rm 5,12). Nhưng nếu tội lỗi và sự chết xâm nhập mọi người, thì ân sủng và sự sống của Chúa Kitô cũng tràn ngập tất cả nhân loại. ( Rm 5,18 )
4. Bản tính con người bị tổn thương do tội lỗi.
Chính vì mọi người sinh ra trong tình trạng mất ơn Thánh Thiện và Công Chính ban đầu, nên bản tính con người đã bị tổn thương, suy yếu và hướng về điều xấu. Ơn cứu chuộc của Chúa Kitô ban qua Thánh Tẩy, xóa sạch tội lỗi, đưa ta vào trong ơn nghĩa thân tình với Chúa, nhưng tính suy yếu và nghiêng chiều về sự ác vẫn tồn tại nơi bản tính con người. Như vậy, và con người phải luôn sẵn sàng chiến đấu để thắng vượt tội lỗi.
IV. LỜI HỨA BAN ƠN CỨU ĐỘ
Thiên Chúa là Đấng toàn Năng và trung tín, không những đã không bỏ rơi con người sau khi sa ngã, nhưng còn tìm đến với con người (x.St 3,8), và kêu gọi họ tin tưởng là sự ác sẽ bị đánh bại (x.St 3,15) và con người sẽ lại được phục hồi phẩm giá. Chính Chúa Kitô Cứu Thế đã phục hồi phẩm giá con người cách kÿ diệu hơn cả phẩm giá lúc được sáng tạo (x. Lời nguyện nhập lễ, Lễ giáng Sinh ngày).

Thật ra tội lỗi con người không làm hỏng chương trình của Thiên Chúa, mà là cơ hội Thiên Chúa biểu lộ tình thương xót nhân từ không biết mệt mỏi của Người, hầu đưa toàn thể nhân loại đạt tới cùng đích của mình là : sự sống muôn đời, "Thế Giới ấy, người Kitô hữu tin là đã được tình yêu của Đấng Tạo Hóa tác thành và bảo trì ; thế Giới ấy đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi, nhưng nhờ Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại mà bẻ gãy uy quyền của Thần dữ, đã được giải thoát để thay hình đổi dạng theo dự định của Thiên Chúa mà tiến tới sự viên mãn" (MV 12). Chiến thắng tội lỗi do Chúa Kitô thực hiện, đã mang lại cho chúng ta những lợi ích lớn lao hơn là những lợi ích mà tội đã làm mất đi. "Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội" (Rm 5,20) - "Ôi ! Tội đã hóa thành hồng phúc, nhờ tội, chúng con mới có được Đấng Cứu Tinh cao cả dường này" (Bản công bố Tin Mừng Phục Sinh, canh thức vượt qua).



tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương