HỘI ĐỒng dân tộC



tải về 133.28 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích133.28 Kb.
#12986

QUỐC HỘI KHÓA XIII

HỘI ĐỒNG DÂN TỘC

Số: 711/BC-HĐDT13



 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự Do – Hạnh phúc




Hà Nội, ngày 08 tháng 5 năm 2014

BÁO CÁO

Kết quả giám sát Tình hình triển khai và kết quả thực hiện việc bố trí

dân cư các vùng thường xảy ra thiên tai, dân cư trú trong rừng đặc dụng




Thực hiện chương trình hoạt động giám sát năm 2014, Hội đồng Dân tộc tiến hành giám sát chuyên đề: “Tình hình triển khai và kết quả thực hiện việc bố trí dân cư các vùng thường xảy ra thiên tai, dân cư trú trong rừng đặc dụng” theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg, ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 193) Phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2015 và Quyết định số 1776/QĐ-TTg, ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 1776) Phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020, sau đây gọi tắt là Chương trình bố trí dân cư.

Chương trình bố trí dân cư có nhiều nội dung, Hội đồng Dân tộc chọn 2 vấn đề liên quan trực tiếp đến miền núi, vùng dân tộc thiểu số là: Bố trí dân cư các vùng thường xảy ra thiên tai và dân cư trú trong khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để thực hiện giám sát.

Ngày 25/12/2013, Thường trực Hội đồng Dân tộc ban hành các văn bản: Kế hoạch giám sát số 620/KH-HĐDT13; Nghị quyết thành lập đoàn giám sát số 621/NQ-HĐDT13; Công văn số 622/623/624/HĐDT13, kèm theo đề cương, biểu mẫu để yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân 45 tỉnh, thành phố báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chương trình bố trí dân cư.

Ngày 28/02/2014, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức phiên họp mở rộng, mời đại diện các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội nghe Lãnh đạo các Bộ, ngành1 báo cáo về Chương trình bố trí dân cư.

Từ ngày 01/3 đến 21/3/2014, Hội đồng Dân tộc tổ chức 4 đoàn đến giám sát tại 8 tỉnh2. Theo đề nghị của Hội đồng Dân tộc, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân các tỉnh cùng phối hợp thực hiện giám sát tại địa phương.

Tính đến hết tháng 4 năm 2014, Hội đồng Dân tộc đã nhận được báo cáo của Chính phủ và các Bộ, ngành; báo cáo của Ủy ban nhân dân 37 tỉnh, còn 8 tỉnh3 chưa có báo cáo theo yêu cầu của Hội đồng Dân tộc.

Ngày 23/4/2014, Hội đồng Dân tộc tổ phiên họp toàn thể lần thứ 8 tại thành phố Hồ Chí Minh, để các Thành viên tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả giám sát.

Qua báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh và giám sát trực tiếp tại địa phương, Hội đồng Dân tộc báo cáo kết quả giám sát tình hình triển khai và kết quả thực hiện việc bố trí dân cư các vùng thường xảy ra thiên tai, dân cư trú trong rừng đặc dụng, như sau:

I. KHÁI QUÁT VỀ TÌNH HÌNH THIÊN TAI VÀ CHƯƠNG TRÌNH BỐ TRÍ DÂN CƯ GIAI ĐOẠN 2006 - 2013

1. Tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra từ 2006 - 2013

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số từ năm 2000-2013 đã xảy ra 5.005 vụ thiên tai (chủ yếu là bão, lũ, sạt lở đất) làm chết và mất tích 9.500 người, bị thương 4.323 người; 242.940 hộ dân bị ảnh hưởng; 871.793 ha đất bị ngập úng, bồi lấp; 49.847 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi hoàn toàn; 965.229 ngôi nhà bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại ước tính 68.692 tỷ đồng (chỉ riêng năm 2013, bão lũ đã làm 264 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất lên đến 25.000 tỷ đồng).

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ủy ban nhân dân 37 tỉnh có báo cáo gửi về Hội đồng dân tộc, từ 2006-2013 các địa phương này phải gánh chịu 5.740 vụ thiên tai; 343.638 hộ trong vùng bị ảnh hưởng; 971.029 ha đất bị ngập, bồi lấp; 3.542 người chết và mất tích, 4.630 người bị thương; 57.752 ngôi nhà bị sập đổ, hư hại hoàn toàn; 973.560 ngôi nhà bị hư hỏng; 246.117 hộ dân khác thiệt hại về tài sản, hoa màu với giá trị tương đương 4.515 tỷ đồng, tổng giá trị thiệt hại ước tính lên đến 75.328 tỷ đồng4. Như vậy, báo cáo của Bộ Tài nguyên và môi trường so với báo cáo tổng hợp mới của 37 tỉnh đã vênh nhau rất xa về các con số.


2. Khái quát về Chương trình bố trí dân cư

2.1. Bố trí dân cư theo Quyết định 193

Giai đoạn 2006-2015 thực hiện bố trí, sắp xếp lại dân cư 150.000 hộ, trong đó, giai đoạn 2006-2010 bố trí 75.000 hộ, bao gồm: 30.000 hộ vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn về đời sống; 10.000 hộ vùng biên giới, hải đảo; 33.000 hộ dân di cư tự do; 2.000 hộ ở vùng xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng. Giảm tỉ lệ hộ nghèo ở vùng dự án bố trí, sắp xếp lại dân cư xuống còn 15%.



2.2. Bố trí dân cư theo Quyết định 1776

Giai đoạn 2013-2020 thực hiện bố trí ổn định 160.000 hộ, trong đó giai đoạn 2013-2015 bố trí ổn định 55.900 hộ, bao gồm: 32.100 hộ vùng thiên tai; 6.600 hộ vùng đặc biệt khó khăn; 8.600 hộ vùng biên giới, hải đảo; 8.600 hộ di cư tự do, hộ cư trú trong khu rừng đặc dụng. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dự án bố trí dân cư từ 1,5% - 2%/năm; tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt từ 70% - 80%, hộ sử dụng điện đạt từ 90% - 95%; tỷ lệ hộ có nhà kiên cố và bán kiên cố đạt từ 70% - 80%.

Tổng mức vốn thực hiện giai đoạn 2013-2020 (không bao gồm nguồn vốn đầu tư các dự án thuộc khu kinh tế quốc phòng và các đề án bố trí dân cư đặc thù theo quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ) là 16.774 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 12.990 tỷ đồng, vốn sự nghiệp kinh tế 3.784 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư: ngân sách trung ương hỗ trợ: 10.064 tỷ đồng (gồm vốn đầu tư phát triển 7.794 tỷ đồng, vốn sự nghiệp kinh tế 2.271 tỷ đồng), ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác 6.710 tỷ đồng. Ngân sách trung ương hỗ trợ giai đoạn 2013-2015 là 3.400 tỷ đồng, gồm: Vốn đầu tư phát triển 2.600 tỷ đồng, vốn sự nghiệp kinh tế 800 tỷ đồng.

2.3. Nhu cầu bố trí dân cư giai đoạn 2006 - 2013 của các địa phương

Theo kết quả rà soát của các địa phương (37 tỉnh thực hiện Chương trình bố trí dân cư có báo cáo gửi về Hội đồng dân tộc), tổng nhu cầu cần bố trí dân cư giai đoạn 2006-2013 của 37 tỉnh là 315.827 hộ, trong đó có 64.398 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Các tỉnh có nhu cầu sắp xếp, bố trí dân cư lớn là Bình Phước, với 67.841 hộ (trong đó có 65.700 do đầu tư xây dựng bờ kè, đường cứu hộ, cứu nạn tại huyện Đồng Phú và Bù Đăng), Đồng Tháp có 51.132 hộ (chủ yếu thuộc vùng sạt lở bờ sông), Nghệ An có 22.543 hộ, Trà Vinh có 12.291 hộ, Quảng Nam có 11.973 hộ, Lào Cai có 10.585 hộ… Số hộ dân vùng thường xảy ra thiên tai, sạt lở nguy hiểm cần di dời khẩn cấp là 256.818 hộ, trong đó có 55.675 hộ người dân tộc thiểu số. Dân cư trú trong các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cần phải di dời, sắp xếp, bố trí lại là 23.455 hộ, trong đó có 7.798 hộ người dân tộc thiểu số. Các tỉnh có dân cư trú trong rừng đặc dụng lớn là Sóc Trăng 7.288 hộ, Lào Cai 6.182 hộ, Nghệ An 3.043 hộ, Thanh Hóa 2.573 hộ, Cà Mau 2.354 hộ, Đồng Nai 1.711 hộ.

Các địa phương cần xây dựng 1.532 dự án bố trí dân cư tập trung để sắp xếp cho 118.684 hộ, trong đó có 1.393 dự án bố trí dân cư vùng thường xảy ra thiên tai, 139 dự án bố trí dân cư trú trong các khu rừng đặc dụng. Bố trí 85.733 hộ theo hình thức xen ghép, 91.170 hộ hỗ trợ ổn định tại chỗ.

Theo phê duyệt của 37 tỉnh, nhu cầu kinh phí để thực hiện chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2006 - 2013 là 25.008 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 20.138 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 3.866 tỷ đồng, vốn vay và từ các nguồn khác là 564 tỷ đồng.



II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BỐ TRÍ DÂN CƯ

  1. Những kết quả đạt được

1.1. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình bố trí dân cư

a. Việc ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cơ quan thường trực chương trình phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính (TC) và các cơ quan liên quan như Bộ Quốc phòng, Trung ương Đoàn thành niên cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng, ban hành các chính sách liên quan, trả lời, hướng dẫn địa phương để tổ chức triển khai thực hiện chương trình, cụ thể:

- Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 78 phê duyệt một số chính sách thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 193;

- Rà soát, báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1776.

- Ban hành các văn bản: số 1546/BNN-HTX ngày 7/6/2007 chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh, huy động lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án để ưu tiên đầu tư thực hiện bố trí dân cư ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai, vùng biên giới, hải đảo; Thông tư số 21/TT-BNN ngày 27/3/2007 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quyết định 193; số 2990/BNN-KTHT ngày 6/10/2008 về triển khai bố trí dân cư vùng thiên tai năm 2008; số 779/BNN-KTHT ngày 30/3/2009 về triển khai bố trí dân cư vùng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét năm 2009 và nhiều văn bản hướng dẫn về quy hoạch, kế hoạch, chính sách thực hiện vốn hỗ trợ di dời dân cấp bách ở các vùng có nguy cơ cao về thiên tai. Thông tư số 03/2014/TT-BNNPTNT ngày 25/01/2014 hướng dẫn thực hiện Quyết định 1776.

Việc thực hiện Chương trình đã có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương. Từ hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch, thẩm định, phê duyệt, đến tham gia nghiên cứu, xây dựng chính sách đều có sự chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành. Thường xuyên tổ chức các đoàn công tác của Bộ và liên Bộ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện tại các địa phương. Qua đó, đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện Chương trình.



b. Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện ở các địa phương

Chương trình bố trí dân cư được cấp ủy Đảng, chính quyền ở địa phương quan tâm, tích cực tổ chức thực hiện; nhiều tỉnh như Lai Châu, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Bình Phước, Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và các Quyết định, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh; trong đó, chú trọng bố trí ổn định dân cư vùng có nguy cơ cao về thiên tai, vùng biên giới, ổn định dân di cư tự do. Ủy ban nhân dân các tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở triển khai lập quy hoạch, kế hoạch, thực hiện chính sách đất đai, chính sách hỗ trợ hộ gia đình di dân. Ngoài chính sách hỗ trợ theo Quyết định 78, một số tỉnh có chính sách hỗ trợ thêm về nhà ở, chuyển nhượng đất đai, hỗ trợ phát triển sản xuất… tạo điều kiện cho các hộ di dân sớm ổn định đời sống, sản xuất tại nơi tái định cư.

Công tác kiện toàn tổ chức chuyên ngành thực hiện Chương trình đã được Ủy ban nhân dân các tỉnh chú trọng; đến nay 100% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Chi cục Phát triển nông thôn, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác bố trí dân cư từ tỉnh đến huyện, xã, giúp chính quyền các cấp thực hiện bố trí dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới.

Một số địa phương dự báo được nhu cầu sắp xếp, bố trí dân cư, dự kiến số dự án cần xây dựng, nhu cầu đất đai cho việc tái định cư, sắp xếp bố trí dân cư... Công tác xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án được bắt đầu từ cơ sở, có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và người dân nên cơ bản phù hợp với tâm tư nguyện vọng và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đồng bào. Một số tỉnh có Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, văn bản của UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành thực hiện chương trình.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra của các cấp, các ngành, đồng thời phát huy được vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chính trị ở cơ sở và nhân dân trên địa bàn; tạo sự đồng thuận của nhân dân với chính quyền địa phương, góp phần thực hiện có hiệu quả, đúng mục đích các dự án bố trí dân cư trên địa bàn.

1.2. Công tác rà soát, quy hoạch, xây dựng và phê duyệt dự án

Theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh đã triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể bố trí dân cư giai đoạn 2006-2015, rà soát, bổ sung quy hoạch giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Đến nay, đã có trên 90% số tỉnh hoàn thành xây dựng quy hoạch tổng thể bố trí dân cư, làm cơ sở triển khai thực hiện Chương trình.

Các địa phương đã lập và phê duyệt được 955 dự án bố trí, sắp xếp dân cư. Các dự án này có thể bố trí được 288.828 hộ dân, trong đó có 907 dự án bố trí dân cư vùng thiên tai, cho 230.886 hộ; 48 dự án bố trí dân cư vùng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cho 20.887 hộ. Dân cư trú trong các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chủ yếu ở các vùng đệm của rừng như: Vườn Quốc gia Bạch Mã có 12.960 hộ; Vườn Quốc gia Cát Tiên 6.376 hộ; Vườn Quốc gia Hoàng Liên 4.362 hộ; Vườn Quốc gia Pù Luông 4.201 hộ,… Số dân cư trú trong rừng có khoảng 9.642 hộ, bao gồm các vùng: Đông Bắc bộ 1.494 hộ; Tây Bắc bộ 1.332 hộ; Bắc Trung bộ 2.105 hộ; Duyên hải Nam Trung bộ 1.168 hộ; Tây Nguyên 273 hộ; Đông Nam bộ 813 hộ và Đồng bằng sông Cửu Long 2.215 hộ.

Căn cứ quy hoạch được duyệt, các địa phương lựa chọn các đối tượng ưu tiên lập dự án bố trí ổn định dân cư. Nội dung kế hoạch của một số địa phương đã lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án. Quá trình xây dựng dự án có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân trên địa bàn, nhận được sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đồng bào.



1.3. Kết quả thực hiện bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai và bố trí dân cư trú trong khu rừng đặc dụng

a. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì quản lý, thực hiện Chương trình

Giai đoạn 2006-2013 cả nước bố trí ổn định khoảng 171.497 hộ, so với mục tiêu chương trình đề ra đến năm 2015 tại Quyết định 193 (150.000 hộ) vượt 14%. Từ năm 2006-2012, cả nước đã tập trung bố trí ổn định cho 71.413 hộ dân vùng thường xảy ra thiên tai5/30.000 hộ theo mục tiêu ban đầu đặt ra đến năm 2010, đạt 238%. Bố trí dân cư khu vực rừng đặc dụng được 100 hộ/2000 hộ theo mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2006-2010, đạt 5%.



Kết quả thực hiện các dự án cụ thể

- Bố trí dân cư vùng thiên tai: Việc thực hiện bố trí dân cư thuộc đối tượng này tập trung chủ yếu ở các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai như: Tây Bắc (6.682 hộ), Bắc Trung bộ (6.311 hộ), Duyên hải Nam Trung bộ (8.819 hộ); đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long do lồng ghép nguồn vốn thuộc chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ, đã di chuyển được 19.741 hộ vùng sạt lở ven sông, ven biển.

- Bố trí dân cư vùng xung yếu, rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng: Việc bố trí ổn định dân cư trú trong rừng thời gian qua chủ yếu thực hiện sắp xếp dân di cư tự do đến sinh sống phân tán, không theo quy hoạch tại các vùng rừng đặc dụng, phòng hộ thuộc các tỉnh vùng Tây Nguyên và một số tỉnh thuộc Trung du miền núi Bắc bộ, vùng rừng U Minh. Do khả năng ngân sách hạn chế, việc bố trí các hộ cư trú hợp pháp trong rừng đặc dụng ra khỏi rừng gặp khó khăn nên thời gian qua chỉ thực hiện ở một số địa bàn thuộc Vườn Quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) với tổng số hộ thực hiện di chuyển chỉ được gần 100 hộ.

b. Số liệu báo cáo của 37 tỉnh

Kết quả thực hiện từ 2006-2013, trên địa bàn 37 tỉnh đã bố trí, sắp xếp được 149.744/288.828 hộ, đạt 51,85% so với nhu cầu đề ra. Trong đó có 907 dự án bố trí dân cư vùng thiên tai, sắp xếp ổn định được 131.884/230.886 hộ, đạt 57,12%; bố trí được 3.128/20.887 hộ dân cư trú trong các khu rừng đặc dụng thuộc 48 dự án, đạt 14,98% so với kế hoạch.

Các tỉnh đã bố trí 70.498 hộ theo hình thức tập trung, 26.101 hộ xen ghép, 47.679 hộ ổn định tại chỗ và theo các hình thức khác. Một số địa phương thực hiện đạt tỷ lệ cao, như: Cao Bằng bố trí 946/979 hộ, đạt 96,63%, Đồng Tháp bố trí 47.701/51.132 hộ, đạt 93,9%, An Giang bố trí 5.186/5.752 hộ, đạt 90,16%, Hậu Giang bố trí 3.648/4703 hộ, đạt 78,33%, Gia Lai bố trí 3.790/5209 hộ, đạt 72,76%, Lào Cai bố trí 7.432/10585 hộ, đạt 70,21%...

Chương trình bố trí dân cư vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, dân cư trú trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được thực hiện trong những năm qua là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Việc thực hiện di chuyển được hàng vạn hộ ra khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai (sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lũ, sụt lún đất…), đã cơ bản giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản khi có mưa lũ, hạn chế phá rừng, di cư tự do; củng cố quốc phòng an ninh tuyến biên giới đất liền, hải đảo.

Nhờ có chính sách sắp xếp dân cư, các hộ dân sống phân tán, rải rác, hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hộ nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm, biên giới được quy tụ về nơi ở mới ổn định, được thụ hưởng các công trình phúc lợi công cộng và đặc biệt là có đất để sản xuất. Các công trình hạ tầng thiết yếu: Giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, đường điện, trạm hạ thế, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, san tạo mặt bằng, khai hoang ruộng nước đã phát huy được hiệu quả góp phần giảm thiểu tình trạng tình trạng du canh, du cư và di cư tự do, nhân dân được chăm sóc y tế, trẻ em được đến trường, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, các hộ dân được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cần thiết, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, vùng sâu, vùng xa.

Các dự án bố trí dân cư xây dựng được nhiều điểm tái định cư phù hợp tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhà ở phân lô theo quy hoạch, các công trình kết cấu hạ tầng giao thông (mặt thảm nhựa hoặc bê tông), hệ thống nước sinh hoạt, thoát nước khu dân cư, công trình vệ sinh gia đình… đã cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.



1.4. Kết quả xây dựng kết cấu hạ tầng

Tại các dự án bố trí dân cư (chưa tính dự án các khu kinh tế quốc phòng) đã xây dựng 4.783 km đường giao thông; 410 cầu nông thôn; 647 công trình thủy lợi; 1.215 công trình cấp nước sinh hoạt và 2.557 giếng (bể); 345 công trình thoát nước; 1.258 km đường dây điện trung và hạ thế; 446 trạm biến áp; 1.362 phòng học; 510 trạm y tế; 385 nhà văn hóa; 201 trụ sở UBND xã; 260 công trình khác và san lấp mặt bằng khu dân cư khoảng 23,7 triệu m3 đất. Hưởng lợi các công trình này không chỉ các hộ chuyển đến vùng dự án mà cả người dân tại chỗ nhất là vùng đồng bào dân tộc. Nhờ đó, đã tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng, phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới.



1.5. Về phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân vùng dự án

Do quỹ đất hạn chế, các địa phương chủ yếu di dân trong phạm vi gần để người dân có nơi định cư an toàn nhưng vẫn sản xuất trên đất cũ. Những địa phương còn quỹ đất tổ chức khai hoang, phục hóa, chuyển nhượng đất giữa hộ mới đến và hộ sở tại, bảo đảm đất sản xuất cho hộ di dân. Theo báo cáo của các địa phương, tại các dự án bố trí dân cư đã khai hoang, phục hóa hơn 1 vạn ha, gieo trồng 3 triệu ha cây lương thực, 1,3 vạn ha cây ăn quả, trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng hơn 3 vạn ha; phát triển chăn nuôi 950.127 con đại gia súc, 2.802.828 con gia súc và 30.641.303 con gia cầm. Phần lớn tại các dự án bố trí dân cư, sản xuất có bước phát triển, các hộ gia đình ổn định thu nhập, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần.

Đời sống người dân được cải thiện từng bước, khá hơn nơi ở cũ. Kết quả điều tra hơn 4.000 hộ di dân tại 15 tỉnh về nhà ở có 5,7% nhà kiên cố, 86,8% nhà bán kiên cố, 7,4% nhà tạm; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 81,1%; tỷ lệ hộ sử dụng điện 93,8%; thu nhập bình quân dao động từ 15-54 triệu đồng/hộ/năm. Các hộ di dân, tuy bước đầu còn khó khăn song cơ bản đã ổn định nơi ở, yên tâm phát triển kinh tế, ổn định lâu dài.

1.6. Thực hiện vốn đầu tư

Theo báo cáo số 667/BNN-KTHT, ngày 27/02/2014 của Bộ NN&PTNT, tổng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho chương trình giai đoạn 2006-2013 là 7.550 tỷ đồng, bao gồm: vốn đầu tư phát triển bố trí theo kế hoạch 2.609,5 tỷ đồng (trong đó hơn 50% bố trí cho các khu kinh tế quốc phòng), vốn sự nghiệp kinh tế 1.382 tỷ đồng, vốn bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để di dời dân cấp bách ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai 3.558,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân sách trung ương còn bố trí hỗ trợ các địa phương thông qua việc hỗ trợ các công trình đê kè, hỗ trợ phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão lụt bình quân từ 2.000 - 3.000 tỷ đồng/năm.

Theo số liệu tổng hợp báo cáo từ 37 tỉnh (có sự chênh lệch khá lớn so với báo cáo của Trung ương) cho thấy, từ năm 2006-2013, số vốn đã được cấp cho Chương trình bố trí dân cư là 7.077/23.081 tỷ đồng, bằng 30,66% so với nhu cầu được duyệt. Trong đó vốn cho bố trí dân cư vùng thường xảy ra thiên tai là 6.160/16.412 tỷ đồng, bằng 37,53% kế hoạch, bố trí dân cư các khu rừng đặc dụng là 521/1.835 tỷ đồng, đạt 28,41% kế hoạch.

Trong cơ cấu nguồn vốn, ngân sách trung ương hỗ trợ 4.497 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.171 tỷ đồng, vốn vay, nhân dân đóng góp và nguồn đầu tư khác 1.409 tỷ đồng. Các địa phương đầu tư lớn cho Chương trình bố trí dân cư là Đồng Tháp 2.610/4.407 tỷ đồng, đạt 59,23% (trong đó vốn vay và các doanh nghiệp đầu tư là 1.157 tỷ đồng, ngân sách trung ương 923 tỷ đồng, ngân sách địa phương 531 tỷ đồng), Hậu Giang 207/237 tỷ đồng, đạt 87,36%, Hà Giang 370/1029 tỷ đồng, đạt 35,96%, Phú Yên 99/127 tỷ đồng, đạt 76,61%, Lai Châu 84/150 tỷ đồng, đạt 55,75%...

Một số địa phương làm tốt việc huy động nguồn lực của nhân dân và các doanh nghiệp cho chương trình sắp xếp bố trí dân cư, như hiến đất, mua vật tư làm nhà, đầu tư sản xuất... Điển hình, nhân dân xã Lẩu Thí Ngài, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, có 29 hộ hiến đất để xây dựng khu tái định cư; một số hộ dân hiến đất cho Dự án tái định cư thôn Măng Kri, xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum… và lồng ghép các chương trình, dự án với nguồn vốn thuộc quy hoạch bố trí ổn định dân cư để thực hiện Chương trình. Một số nơi có cách làm sáng tạo như: sử dụng kinh phí đấu giá một số lô đất ở các khu tái định cư để đầu tư cho các dự án bố trí dân cư; hoặc có chính sách hỗ trợ ổn định dân cư tại chỗ vùng ngập lũ, lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống lâu dài. Một số tỉnh đã bố trí nguồn lực tương đối lớn từ ngân sách địa phương để thực hiện chương trình, như Đồng Tháp 531 tỷ đồng, Quảng Ngãi 99,75 tỷ đồng, Nghệ An 75 tỷ đồng, An Giang 61 tỷ đồng, Lai Châu 54 tỷ đồng…

Ngoài nguồn vốn đầu tư theo Quyết định 193, quá trình thực hiện việc bố trí dân cư vùng thiên tai, các tỉnh đã huy động nguồn lực từ các chương trình dự án khác để lồng ghép nhằm nâng cao hiệu quả của Chương trình theo Quyết định 193, như các dự án về hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn và một số chính sách hỗ trợ khác. Ưu tiên hỗ trợ cây giống, vật nuôi, thực hiện chính sách khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho đồng bào tại các điểm tái định cư. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt tại các khu tái định cư tập trung, giúp người dân ổn định cuộc sống, có điều kiện phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Một số tỉnh đã kết hợp Chương trình theo QĐ 193 để xây dựng chính sách đặc thù ở địa phương.

2. Hạn chế, tồn tại

2.1. Về công tác chỉ đạo, điều hành

a. Đối với Trung ương

- Văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Chương trình của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành còn chậm: Quyết định 193 ban hành ngày 24/8/2006, nhưng sau 2 năm (10/6/2008) mới ban hành Quyết định 78 về một số chính sách thực hiện chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 193; hay, Quyết định 1776 ban hành ngày 21/11/2012, nhưng 14 tháng sau (25/01/2014) Bộ NN&PTNT mới ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện.

- Công tác hướng dẫn, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương ở một số nội dung như: Huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn, điều chỉnh mức hỗ trợ, chi kinh phí quản lý chỉ đạo… còn chậm và chưa cụ thể. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ dẫn đến lúng túng và gặp khó khăn trong triển khai, tổ chức thực hiện.

- Chương trình bố trí dân cư theo QĐ 193 trùng lắp với các chương trình khác, như chương trình 135, chương trình 134, chương trình 33, chương trình 120, 160… về các nội dung: Bố trí, sắp xếp dân cư, hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư hệ thống điện, nước sinh hoạt… làm cho nguồn vốn bị phân tán, dàn trải. Cùng một nội dung nhưng do nhiều cơ quan quản lý, gây khó khăn, lúng túng trong việc tổ chức thực hiện ở địa phương.

- Công tác kiểm tra, đánh giá, cập nhật thông tin, báo cáo hạn chế, không kịp thời. Trung ương không nắm được nhu cầu thực tế cũng như kết quả thực hiện chương trình ở các địa phương, không đánh giá được hiệu quả các dự án đầu tư. Số liệu báo cáo của cơ quan chủ trì ở Trung ương khác xa so với báo cáo của UBND các tỉnh, cụ thể ở các số liệu: Thống kê tình hình và hậu quả thiên tai có sự khác biệt lớn; nhu cầu bố trí dân cư, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT là 355.756 hộ, trong đó có 317.745 hộ dân khu vực thường xảy ra thiên tai, 38.011 hộ dân cư trú trong các khu rừng đặc dụng, trong khi tống hợp từ 37 tỉnh là 280.273 hộ, trong đó có 256.818 hộ khu vực thiên tai, 23.455 hộ dân cư trú trong rừng đặc dụng (trong khi QĐ 193 đề ra mục tiêu giai đoạn 2006-2015, bỗ trí, sắp xếp 30.000 hộ khu vực thường xảy ra thiên tai, 2.000 hộ dân cư trú trong các khu rừng phòng hộ); nhu cầu vốn theo báo cáo của Trung ương giai đoạn 2006-2015 là 9.250 tỷ đồng; riêng giai đoạn 2006-2010 là 4.500 tỷ đồng, trong khi báo cáo của 37 tỉnh là 25.007 tỷ đồng; kết quả bố trí dân cư theo báo cáo của Trung ương là 71.513, trong đó có 71.413 hộ hộ dân vùng thường xảy ra thiên tai, 100 hộ dân cư khu vực rừng đặc dụng, kết quả theo báo cáo từ 37 tỉnh là 135.012 hộ, trong đó có 131.884 hộ hộ dân vùng thường xảy ra thiên tai, 3.128 hộ dân cư khu vực rừng đặc dụng; thực hiện vốn đầu tư theo báo cáo của trung ương đạt 7.550 tỷ đồng, theo số liệu báo cáo từ 37 tỉnh là 7.077 tỷ đồng…

- Công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn xây dựng, thẩm định dự án bố trí dân cư của các cơ quan trung ương chưa chặt chẽ, nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng các địa phương phê duyệt quá nhiều dự án với mức đầu tư khổng lồ, ngân sách quốc gia không có khả năng đáp ứng nhưng không được cảnh báo, nhắc nhở hoặc phản bác.

- Trong cơ cấu nguồn vốn cho Chương trình bố trí dân cư theo QĐ 193, có khoảng 50% dành cho các khu kinh tế quốc phòng, tuy nhiên công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả của các cơ quan trung ương, việc phối, kết hợp với các địa phương trong quy hoạch, quản lý dân cư và tình hình hoạt động của của các khu kinh tế quốc phòng chưa tốt, không được thực hiện thường xuyên, nên các địa phương không nắm được.

b. Ở các địa phương

- Nhận thức về công tác bố trí dân cư chưa ngang tầm với nhiệm vụ, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến Chương trình này. Bố trí dân cư là một trong những chính sách cấp bách, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với đồng bào vùng có nguy cơ cao về thiên tai, giúp người dân nhanh chóng thoát khỏi khu vực nguy hiểm, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn thụ động, triển khai chậm, thậm chí có nơi chưa triển khai nhiệm vụ này.

- Việc tổ chức thực hiện Chương trình bố trí dân cư thiếu tính đồng bộ, chưa thống nhất, sự phối hợp giữa các sở, ban ngành cấp tỉnh, cơ quan chủ trì với các huyện chưa chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp. Quản lý Chương trình bố trí dân cư ở địa phương giao cho nhiều ngành, không rõ cơ quan chủ trì, có nơi giao cho Sở NN&PTNT (Chi cục Phát triển nông thôn), có nơi giao cho huyện nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

2.2. Công tác xây dựng, thẩm định, phê duyệt dự án

- Các địa phương ban hành quyết định phê duyệt Chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến 2015 theo Quyết định 193 rất chậm (các tỉnh phê duyệt vào năm 2010 và 2011), dẫn đến việc triển khai tổ chức thực hiện chậm so với mục đích, yêu cầu của Quyết định 193.

- Trách nhiệm của UBND các tỉnh trong chỉ đạo, triển khai Chương trình này chưa được quan tâm đúng mức, công tác điều tra, khảo sát, lập quy hoạch không chuẩn xác, các dự án được phê duyệt còn nhiều hạn chế, không có tính bền vững, chưa phù hợp với nhu cầu thực cũng như nguồn lực, khả năng cân đối ngân sách của quốc gia và địa phương; thời gian thực hiện kéo dài, không hiệu quả và chưa đáp ứng yêu cầu di dân thực tế trên địa bàn. Có nơi phê duyệt quá nhiều dự án, chạy theo chính sách, tranh thủ chính sách bố trí dân cư để thực hiện nhiệm vụ khác của địa phương, trong khi nhu cầu thực cần phải bố trí, sắp xếp dân cư khu vực nguy cơ xảy ra thiên tai không lớn, khả năng ngân sách có hạn, như: Nghệ An (2.858,3 tỷ đồng), Kon Tum (2.778 tỷ đông), Hà Giang 1.029,4 tỷ đồng... Một số tỉnh phê duyệt các dự án có suất đầu tư rất lớn, điển hình như: Dự án sắp xếp dân cư vùng thiên tai tại thôn Khai hoang, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang bố trí cho 53 hộ, với kinh phí 99,16 tỷ đồng; Dự án di dân ra khỏi khu vực rừng đặc dụng xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên có quy mô 45 hộ, kinh phí 59,11 tỷ đồng; Dự án bố trí dân cư xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An có quy mô 56 hộ, kinh phí 62,8 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, có nơi không quan tâm quy hoạch, xây dựng dự án bố trí dân cư, trong khi nhu cầu thực tế rất lớn và nguy cơ thiên tai đe dọa thường xuyên (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa có hơn 675 hộ, 2.808 khẩu hiện sống tại các điểm dân cư có nguy cơ về lũ ống, lũ quyét, 553 hộ, 2.257 khẩu tại khu vực có nguy cơ về sạt lở đất; 90 hộ dân sống trong khu rừng đặc dụng nhưng không được quy hoạch, xây dựng, phê duyệt dự án bố trí dân cư).

- Công tác rà soát bổ sung quy hoạch bố trí dân cư chưa được các địa phương thực hiện, trong khi luôn có sự biến động lớn về số hộ bị ảnh hưởng thiên tai hằng năm (sau khi dự án được phê duyệt) do mưa lũ, bão, mở đường, xây dựng các công trình... Công tác điều tra khảo sát, dự báo, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch những khu vực có nguy cơ thiên tai chưa được quan tâm; chưa dự tính, dự báo được các vùng, các điểm có nguy cơ thiên tai cao.

- Hầu hết các địa phương đều tập trung cho các dự án bố trí dân cư tập trung (đây là các dự án mới, có mức đầu tư lớn, chủ yếu là nguồn đầu tư phát triển, nhiều công trình hạ tầng được xây dựng), mà ít quan tâm tới các dự án di dân xen ghép và ổn định tại chỗ (các dự án xen ghép chủ yếu sử dụng vốn sự nghiệp), nên tỷ lệ thực hiện đạt thấp. Trong khi, thực tế ở một số địa phương thì mô hình di dân xen ghép phù hợp với điều kiện địa hình, đất đai, phong tục tập quán của đồng bào cũng như điều kiện ngân sách hiện nay. Có dự án đã đầu tư rất lớn (xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã chi hơn 13 tỷ đồng nhưng mới chỉ đào bới, san gạt dở dang, chưa di chuyển được hộ dân nào ra khỏi vùng nguy cơ cao về thiên tai).



2.3. Kết quả thực hiện Chương trình bố trí dân cư

- Kết quả di dân ra khỏi vùng có nguy cơ thiên tai, dân ở trong rừng đặc dụng còn hạn chế. Các chỉ tiêu thực hiện về số hộ di dời, xây dựng các điểm tái định cư đều chưa đạt so với mục tiêu quy hoạch được duyệt trong giai đoạn và chưa đáp ứng được nhu cầu di dời của người dân.

Theo báo cáo của UBND các tỉnh, từ 2006-2013, trên địa bàn 37 tỉnh mới bố trí, sắp xếp được 149.744/288.828 hộ, đạt 51,85% so với nhu cầu đề ra. Trong đó, bố trí dân cư khu vực thường xảy ra thiên tai được 131,884/230,886, đạt 57,12% kế hoạch; sắp xếp dân cư trú trong các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được 3.128/20.887 hộ, đạt 14,98% kế hoạch. Một số địa phương thực hiện đạt tỷ lệ rất thấp như: Hà Giang 1.139/6664 hộ, đạt 17,09%; Trà Vinh 1.848/12.291 hộ, đạt 15,04%; Nghệ An 1.776/22543 hộ, đạt 7,88%; Điện Biên 140/3148 hộ, đạt 4,45%...

- Một số dự án di dân tái định cư được xây dựng thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương, không quan tâm đến nhu cầu, phong tục tập quán, đặc điểm dân tộc, văn hóa tâm linh, môi trường sống… của đồng bào các dân tộc, nên không hiệu quả, số hộ không đến ở chiếm tỷ lệ rất cao, điển hình ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, điểm tái định cư Oăm Pao, xã Sơn Cao, có 41/50 hộ bỏ về nơi ở cũ; điểm tái định cư Gò Vườn chỉ có 1/40 hộ đến ở; điểm Măng Pô, năm 2012 cả 65/65 hộ bỏ về, đến năm 2013 mới vận động được 14/65 hộ đến ở. Nhiều dự án đã được đầu tư nhưng sử dụng không hiệu quả, nhà ở tạm bợ, diện tích hẹp, xuống cấp, nhiều nhà không sử dụng được, thiếu nước, thiếu điện, cơ sở hạ tầng vừa thiếu, vừa không đảm bảo. Những hạng mục cấp thiết như đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ chưa được chú trọng, một số tỉnh đầu tư giao thông là chủ yếu. Việc quy hoạch, thiết kế nhà ở và khu dân cư không phù hợp, cùng với ý thức giữ gìn vệ sinh, ăn ở, sinh hoạt của các hộ dân chưa tốt nên vệ sinh môi trường bị ô nhiễm.



2.4. Thực hiện vốn đầu tư

- Nhu cầu bố trí dân cư, đặc biệt là vùng có nguy cơ cao về thiên tai do biến đổi khí hậu rất lớn nhưng việc bố trí vốn cho Chương trình kể cả ở Trung ương và địa phương theo kế hoạch hằng năm chưa thỏa đáng. Từ năm 2011 về trước, ngân sách trung ương bố trí bình quân 300-400 tỷ đồng/năm, trong đó các khu kinh tế quốc phòng chiếm 50% tổng vốn; hai năm 2012-2013 mỗi năm 200 tỷ đồng, bình quân mỗi tỉnh chỉ được bố trí 4-6 tỷ đồng/năm. Riêng 147 dự án đầu tư di dời dân cấp bách ở khu vực có nguy cao về thiên tai, tổng vốn duyệt 5.880 tỷ đồng, đến năm 2013 mới bố trí được 1.850 tỷ đồng - bằng 31% nhu cầu. Do vậy, các địa phương, nhất là các tỉnh nghèo, chưa cân đối được ngân sách để xây dựng địa bàn đón dân. Một số nơi dân phải đến khu tái định cư còn thiếu các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt đặc biệt là thủy lợi, nước, điện sinh hoạt, đời sống chưa thực sự ổn định bền vững.

- Theo báo cáo của UBND các tỉnh, đến hết năm 2013, vốn bố trí cho Chương trình bố trí dân cư ở 37 tỉnh là 7.077/23.081 tỷ đồng, đạt 30,66% nhu cầu vốn được duyệt. Một số địa phương bố trí nguồn thực hiện Chương trình rất thấp là Kon Tum bố trí 194/2778 tỷ đồng, đạt 6,97%; Bạc Liêu 6,3/65 tỷ đồng, đạt 9,71%; Ninh Thuận 94,7/942,8 tỷ đồng, bằng 10,05%; Phú Thọ 278/2.722 tỷ đồng, đạt 10,21%; Nghệ An 315/2858 tỷ đồng, đạt 11,04%, Điện Biên 87/611 tỷ đồng, đạt 14,21%... Cá biệt như TP. Cần Thơ và tỉnh Tây Ninh hiện nay chưa bố trí được hộ dân nào, Cần Thơ chưa có vốn để thực hiện Chương trình.

Việc huy động, bố trí ngân sách địa phương và lồng ghép các nguồn vốn khác còn hạn chế, các địa phương thực hiện Chương trình bố trí dân cư chủ yếu là các tỉnh nghèo, ngân sách dựa vảo Trung ương. Đa số trong 37 tỉnh đều có địa bàn và đối tượng được thụ hưởng chính sách theo các quyết định: 135, 134, 32, 167, 30a… nhưng gần như khi triển khai thực hiện QĐ 193 lại không vận dụng, lồng ghép, Đối tượng bố trí dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, thiếu các điều kiện sản xuất thiết yếu (như đất ruộng, nương đồi thấp, thuỷ lợi, giao thông...), việc đóng góp của nhân dân để thực hiện chương trình rất hạn chế, nên gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu đề ra.



2.5. Về chế độ, chính sách của Chương trình bố trí dân cư

- Chính sách, chế độ còn mang tính cào bằng, chung chung, chưa có định mức quy định cụ thể cho từng loại hình di dân. Chỉ áp dụng cho việc di chuyển dân và xây dựng dự án mới; chưa có chính sách cho việc đầu tư xây dựng các công trình nhằm khắc phục, hạn chế thiên tai, để đảm bảo đời sống, sản xuất mà không nhất thiết phải di chuyển dân đến địa điểm mới.

- Mức hỗ trợ phát triển sản xuất còn thấp, đặc biệt là hỗ trợ trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng chưa đảm bảo để đồng bào ổn định thu nhập từ rừng. Cơ chế hỗ trợ theo hình thức cho không chưa phát huy được trách nhiệm sử dụng hiệu quả nguồn vốn, làm hạn chế ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững của người được hỗ trợ.

- Chính sách hỗ trợ theo Quyết định 78 còn thấp so với chi phí thực tế, đặc biệt chi phí làm nhà ở (thực tế làm một căn nhà cấp 4, diện tích 36m2 khoảng 72 triệu đồng, trong khi mức hỗ trợ, kể cả di chuyển, làm nhà ở, lương thực… chỉ 20 triệu đồng/hộ), các hộ nghèo không đủ điều kiện chuyển đến khu tái định cư, làm chậm tiến độ di dân ở một số dự án bố trí dân cư.

- Người dân cư trú trong vùng thường xảy ra thiên tai, các khu rừng thuộc vùng sâu, vùng xa có địa hình hiểm trở, chia cắt; dân cư phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí chưa phát triển lại sinh sống phân tán, quỹ đất canh tác hạn chế, độ dốc lớn, khi thực hiện di dời rất khó đảm bảo được đất ở, đất sản xuất. Việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất cho khu vực này cũng rất khó khăn. Một bộ phận đồng bào sinh sống ở khu bảo vệ nghiêm ngặt, do phải bảo vệ rừng nên không thể hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ ổn định đời sống.

- Việc hỗ trợ phát triển sản xuất, nhất là hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi chưa theo phương án sản xuất cụ thể của từng địa bàn, chưa phù hợp với điều kiện thực tế nên hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, gây lãng phí, không đáp ứng yêu cầu nâng cao thu nhập để ổn định đời sống, sản xuất của người dân.

- Đất đai và rừng để quy hoạch bố trí sắp xếp dân cư tại các địa phương hạn chế, đất sản xuất nông nghiệp rất ít, phần lớn diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp đã giao cho các hộ gia đình quản lý sử dụng nên việc đền bù để thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn.

2.6. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách

- Một số nơi chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tới người dân, nhiều hộ gia đình nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai vẫn thờ ơ và chưa nhận thấy mức độ nguy hiểm khi xảy ra thiên tai. Nhận thức của một số hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, đôi khi còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa thực sự cố gắng vượt khó vươn lên.

- Việc tổ chức thực hiện chính sách ở một số địa phương còn bất cập, thiếu linh hoạt trong việc vận dụng các chính sách hiện hành để ưu tiên hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của đồng bào đặc biệt là các hộ đang cư trú trong khu vực thường xảy ra thiên tai, cư trú trong rừng đặc dụng.

- Tâm lý người dân còn rụt rè, e ngại, không muốn di dời đến nơi ở mới vì đã quen với truyền thống, phong tục, tập quán sản xuất tại nơi ở cũ, không muốn thay đổi môi trường sống, muốn gắn bó với mảnh đất do tổ tiên để lại. Vấn đề này càng khó đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện sống khó khăn, trình độ dân trí thấp và những nơi còn phong tục, tập quán lạc hậu.



III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội

- Giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Phòng chống thiên tai nhằm đảm bảo công tác điều tra, khảo sát, quy hoạch sắp xếp bố trí dân cư vùng thường xẩy ra thiên tai, dân cư trú trong rừng đặc dụng.

- Hằng năm, khi quyết định dự toán ngân sách, Quốc hội cần ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai, trong đó có kinh phí bố trí, sắp xếp dân cư vùng thường xuyên xẩy ra thiên tai, dân sống trong rừng đặc dụng.

2. Đối với Chính phủ và các bộ, ngành

- Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn, tổ chức thực hiện Luật Phòng chống thiên tai, trong đó có nội dung liên quan đến chính sách sắp xếp, bố trí dân cư vùng thường xẩy ra thiên tai, dân cư trú trong khu rừng đặc dụng. Xác định bộ tiêu chí về cảnh báo thiên tai đối với khu dân cư, đảm bảo cho nội dung này có cơ sở pháp lý đủ mạnh để đầu tư, bố trí nguồn lực; thực hiện tốt công tác dự báo, công tác quy hoạch và sắp xếp bố trí dân cư. Trước mắt kiên quyết đưa tất cả các hộ dân đang cư trú ở những điểm được xác định rõ nguy cơ sẽ xảy ra thiên tai, gây thiệt hại về người và tài sản ra khỏi khu vực này.

- Ban hành cơ chế thực hiện nghiêm Luật bảo vệ và phát triển rừng, trong đó đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số để người dân sống gắn bó với rừng, bảo vệ rừng và đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống từ rừng.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành ở Trung ương và các ngành, các cấp chính quyền ở địa phương trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, phát hiện những bất cập của chính sách để điều chỉnh, bổ sung, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở thực hiện Chương trình bố trí dân cư.

- Đối với dân cư trú trong các khu rừng đặc dụng, Chính phủ cần có chủ trương, chính sách rõ ràng, cụ thể để giải quyết. Khi Nhà nước quy hoạch, thành lập các khu bảo tồn, vườn quốc gia, rừng đặc dụng, cần tính đến yếu tố lịch sử, văn hóa, tâm linh… (việc rà soát, phân loại 3 loại rừng được thực hiện từ năm 2009-2010, trong khi nhiều nơi đồng bào đã sinh sống ổn định lâu đời, là quê hương, bản quán của đồng bào). Theo đó, đối với cư dân đã sinh sống ổn định lâu dài (trên 30 năm), nên xử lý theo hướng tạo điều kiện ổn định tại chỗ, gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ rừng, bảo đảm cho đồng bào có điều kiện ổn định đời sống và sản xuất lâu dài.

Đối với trường hợp dân di cư tự do đến, đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc về chính sách giải quyết di cư tự do đến các vùng dân tộc và miền núi, nhằm đảm bảo các yêu cầu: Giữ vững trật tự, ổn định xã hội; tăng cường đoàn kết dân tộc; đảm bảo yêu cầu quản lý điều hành xã hội của các cơ quan nhà nước; bảo vệ, phát triển rừng và tài nguyên theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương. Kiên quyết đưa số hộ di cư tự do ra khỏi khu vực rừng đặc dụng.

- Nghiên cứu nâng định mức, chế độ phù hợp với từng loại hình sắp xếp bố trí dân cư (dân sống trong rừng đặc dụng, sắp xếp, bố trí dân cư biên giới, nguy cơ thiên tai). Bổ sung chính sách, chế độ để xây dựng các công trình khắc phục thiên tai, ổn định dân cư, không nhất thiết phải di chuyển dân.

- Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TN&MT hướng dẫn các địa phương điều tra, khảo sát lại để xác định cụ thể số điểm có nguy cơ thiên tai cao cần phải di dời, sắp xếp bố trí dân cư, số hộ dân còn sống trong vùng lõi rừng đặc dụng, (số hộ gắn bó lâu đời, số hộ mới di cư tự do) để có phương án, giải pháp cụ thể khi xây dựng kế hoạch, xác định tiến độ thực hiện theo mức độ ưu tiên. Chủ động, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các tỉnh, nhất là nắm chắc địa bàn, tình hình đối tượng của QĐ 193. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn các tỉnh phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch liên quan. Xác định nhu cầu và sắp xếp thứ tự ưu tiên để thực hiện từng năm, từng giai đoạn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác.

- Đề nghị Chính phủ cần tăng cường vai trò của Ủy ban dân tộc và các Ban dân tộc ở các tỉnh trong công tác nắm bắt tình hình và tham mưu đề xuất Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện Quyết định 193, ở các vùng dân tộc và miền núi.

- Cân đối bố trí đủ vốn, kịp thời, đồng bộ cho công tác sắp xếp bố trí dân cư vùng thiên tai, bố trí dân cư ra khỏi rừng đặc dụng. Huy động nguồn lực của toàn xã hội để đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất các điểm tái định cư. Xây dựng các điểm bố trí dân cư theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009.

- Xây dựng, ban hành cơ chế lồng ghép các chương trình dự án với Chương trình bố trí dân cư và nghiên cứu, đề xuất để Chính phủ thống nhất thành một chương trình chung; giao cho một Bộ chuyên ngành quản lý nhà nước về Chương trình bố trí dân cư thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

2. Đối với các địa phương

- Căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế, lợi thế của địa phương, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoach liên quan. Xác định nhu cầu và yêu cầu các vùng, các khu vực cần ưu tiên để bố trí kế hoạch thực hiện từng năm, từng giai đoạn, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của Nhà nước; ưu tiên thực hiện bố trí dân cư vùng có nguy cơ cao về thiên tai (sạt lở đất, lũ quét…). Tiến hành rà soát, xác định những thôn, bản có nguy cơ thiên tai cao, số hộ cần phải di dời, thông báo đến các cấp chính quyền và người dân biết để đề phòng, sẵn sàng thực hiện di dời theo kế hoạch.

- Kết hợp lựa chọn các hình thức bố trí dân cư phù hợp: Thành lập điểm dân cư tập trung mới ở nơi có điều kiện về quỹ đất; xen ghép vào các điểm dân cư hiện có và ổn định tại chỗ. Trong chỉ đạo, điều hành ưu tiên bố trí xen ghép và ổn định tại chỗ; gắn công tác quy hoạch, di dời sắp xếp, bố trí dân cư với chương trình xây dựng nông thôn mới tại các điểm di dân. Hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, đời sống của đồng bào trước khi di dời.

- Tiếp tục, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bố trí dân cư vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn; phổ biến chế độ, chính sách di dân, tái định cư theo QĐ 1776 và của địa phương để nhân dân biết, tin tưởng, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện. Quán triệt, nâng cao nhận thức đối với các cấp, các ngành và cộng đồng về vai trò, tác dụng, tính nhân văn của chính sách, làm thay đổi nhận thức, cách thức hành động; xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội để chủ động, tích cực, tham gia.

- Chủ động bố trí ngân sách địa phương, lồng ghép vốn của các chương trình, dự án và huy động nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để tổ chức thực hiện Chương trình. Minh bạch, công khai các thông tin liên quan đến chính sách, các mục tiêu của Chương trình qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Hoàn thành việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ ở nơi tái định cư; xác định cơ cấu kinh tế, xây dựng các phương án sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu tái định cư, bảo đảm tính ổn định lâu dài cho đồng bào phải di dời.

- Tăng cường công tác kiếm tra của các cơ quan chức năng, của chính quyền các cấp, phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và của nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả, đúng mục đích Chương trình bố trí dân cư trên địa bàn.
Trên đây là kết quả giám sát Tình hình triển khai và kết quả thực hiện việc bố trí dân cư các vùng thường xảy ra thiên tai, dân cư trú trong rừng đặc dụng”, Hội đồng Dân tộc báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội.



Nơi nhận:

- UBTVQH;

- Thủ tướng Chính phủ;

- UB TWMTTQVN;

- Các UB của QH: KT, TC&NS, KHCN&MT, QPAN, CVĐXH;

- VP Quốc hội, VP Chính phủ;

- Các Bộ, ngành: NN&PTNT, KH&ĐT, TC, TN&MT, QP, CT, XD, KH&CN, UBDT, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;

- Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND các tỉnh có CT;

- Các vị ĐBQH;

- Lưu: HC, DT;

- Epas: 30343.





TM. HỘI ĐỒNG DÂN TỘC

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Ksor Phước




1 Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Xây dựng, Ủy ban Dân tộc và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

2 Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Kon Tum, Quảng Ngãi.

3 Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang.

4 Một số vụ thiên tai gây hậu quả lớn khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số:

- Do ảnh hưởng của bão Chanchu từ 20-24/7/2010, mưa lớn đã diễn ra nhiều ngày liên tiếp ở các tỉnh miền núi phía Bắc, gây lũ, sạt lở đã cướp đi sinh mạng của 11 người.

- Ngày 22/6/2011 đã xảy ra trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại nhiều địa phương miền Tây Nghệ An, khiến hàng trăm ngôi nhà, cầu cống bị nước lũ cuốn trôi, hơn 4.000 ha  lúa, 1.790 ha ngô và gần 1.500 ha hoa màu các loại bị nước lũ nhấn chìm. Có 4 người chết và mất tích, 2 người bị thương.

- Đêm 31/8/2012 đã xảy ra trận lũ quét lớn tại thôn Nậm Chàm, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, cướp đi sinh mạng của 10 người dân tộc Dao.



- Ngày 4/9/2013, trận lũ quét xảy ra tại thôn Can Hồ A, xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, Lào Cai, làm chết 4 người, 10 người mất tích, 11 người bị thương và 14 ngôi nhà đã bị lũ cuốn trôi.

5Tính cả số hộ di dân được thực hiện bằng lồng ghép nguồn vốn thuộc Chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ. Cụ thể, vùng ĐBSCL đã di chuyển được 19.741 hộ vùng sạt lở ven sông, ven biển




Каталог: Portals
Portals -> Phan Chau Trinh High School one period test no 2 Name: English : 11- time : 45 minutes Class: 11/ Code: 211 Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp A, B, C, d để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau
Portals -> PHẦn I: thông tin cơ BẢn về ĐẠi hàn dân quốc và quan hệ việt nam-hàn quốc I- các vấN ĐỀ chung
Portals -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
Portals -> LẤy ngưỜi học làm trung tâM
Portals -> BÀi tậP Ôn lưu huỳnh hợp chất lưu huỳnh khí sunfurơ so
Portals -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Portals -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Portals -> GIẤY Ủy quyền tham dự Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016

tải về 133.28 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương