HỘi luật gia việt nam số: 114/TTr-hlgvn



tải về 112.06 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích112.06 Kb.
#25535

HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM




Số: 114/TTr-HLGVN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Độc lập - Tự do - Hạnh phúc



Hà Nội, ngày 26 tháng 3 năm 2015



TỜ TRÌNH

Dự án Luật trưng cầu ý dân

________________________

Kính trình: Ủy ban thường vụ Quốc hội

Thực hiện Nghị quyết số 70/2014/QH13 ngày 30/5/2014 của Quốc hội điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2014 và chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2015, Nghị quyết số 780/NQ-UBTVQH13 ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 về việc triển khai Nghị quyết số 70/2011/QH13 của Quốc hội khóa XIII, Hội Luật gia Việt Nam được giao chủ trì xây dựng Luật Trưng cầu ý dân để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ hợp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Hội Luật gia Việt Nam xin báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án Luật như sau:



I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT TRƯNG CẦU Ý DÂN

1. Phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp, việc xây dựng Luật trưng cầu ý dân được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước. Văn kiện Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp”. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, chỉ rõ: “mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước; ban hành Luật về Trưng cầu ý dân”. Hiến pháp 1946 và các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992, 2013 đều có quy định về trưng cầu ý dân. Hiến pháp 2013 quy định về trưng cầu ý dân tại Điều 29, khoản 15 Điều 70, khoản 13 Điều 74, khoản 4 Điều 120, đồng thời quy định về quyền dân chủ trực tiếp tại khoản 1 Điều 2 và Điều 6. Điều 29 Hiến pháp xác định rõ: “Nhân dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Việc ban hành Luật trưng cầu ý dân là cần thiết để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

2. Trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc là một trong những tư tưởng được thể hiện rõ trong truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, trong Tư tưởng Hồ Chí Minh và trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm vừa qua, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được phổ biến và thực hiện ngày càng rộng rãi trong cuộc sống. Xây dựng Luật Trưng cầu ý dân góp phần thiết thực vào việc phản ánh và phát huy giá trị tư tưởng và truyền thống đó, tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực, đông đảo và quyết định vào các công việc của Nhà nước và xã hội phù hợp với bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

3. Trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Thực tiễn đã cho thấy, từ khi thành lập nước đến nay, nhất là từ sau năm 1976, sau khi đất nước thống nhất về mọi mặt, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật trước khi ban hành đã được triển khai; việc tham vấn chuyên gia và thực hiện phản biện xã hội cũng đã được mở rộng ; việc công khai các dự thảo văn bản luật và chính sách được coi là nguyên tắc ban hành văn bản QPPL và hoạch định chính sách. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, kết quả của các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh cũng còn rất nhiều hạn chế, một trong những nguyên nhân là cho đến nay nước ta vẫn chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân, mặc dù trưng cầu ý dân luôn là một quy định pháp lý hiến định. Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

4. Trưng cầu ý dân đã được thừa nhận rộng rãi như là một trong những giá trị của dân chủ trực tiếp trong xã hội hiện đại và rất nhiều nước đã ban hành Luật Trưng cầu ý dân để điều chỉnh các mối quan hệ về trưng cầu ý dân. Cho đến nay đã có 167/214 (khoảng 78%) quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế và chính trị với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

II. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT TRƯNG CẦU Ý DÂN

Để triển khai xây dựng Dự án Luật, Hội Luật gia Việt Nam đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, ban hành kế hoạch xây dựng dự án Luật Trưng cầu ý dân1; tổ chức 05 cuộc họp Ban soạn thảo; tổ chức 04 cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, cụ thể: hội thảo khoa học “Luật Trưng cầu ý dân – một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, hội thảo khoa học “Những vấn đề cơ bản về Luật Trưng cầu ý dân” tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh; hội thảo quốc tế với chủ đề “Luật Trưng cầu ý dân của một số nước – kinh nghiệm cho Việt Nam”; tổ chức khảo sát ý kiến một số vấn đề về trưng cầu ý dân tại 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương2; tổ chức khảo sát kinh nghiệm thực tế tại Thái Lan; tổ chức nghiên cứu tổng quan về pháp luật trưng cầu ý dân ở các nước trên thế giới; tổ chức nghiên cứu về các quy định của pháp luật hiện hành về trưng cầu ý dân trong hệ thống pháp luật Việt Nam; tập hợp các tài liệu nghiên cứu về luật trưng cầu ý dân trong và ngoài nước, kết quả nghiên cứu luật Trưng cầu ý dân giai đoạn 2004-2006; biên dịch luật Trưng cầu ý dân của 11 quốc gia trên thế giới gồm: Nga, Estonia, Slovakia, Ireland, Latvia, Bangladesh, Myanmar, Philippine, Úc, Thái Lan, Montenegro; các tài liệu tham khảo về trưng cầu ý dân của Nhật Bản, Hàn quốc và Thái Lan; tổ chức nghiên cứu, rà soát các luật có liên quan như Luật Bầu cử, Luật Tổ chức Quốc hội .v.v..



III. CÁC QUAN ĐIỂM CƠ BẢN XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT TRƯNG CẦU Ý DÂN

1. Luật trưng cầu ý dân phải thể chế hóa các quan điểm của Đảng về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường đoàn kết và đồng thuận xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, tham gia rộng rãi, trực tiếp vào những vấn đề trọng đại của đất nước thông qua các cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

2. Nội dung của Luật Trưng cầu ý dân phải phù hợp với các quy định của Hiến pháp và các luật có liên quan, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

3. Việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân phải đảm bảo cơ sở thực tiễn, các quy định của Luật Trưng cầu ý dân phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, phản ánh đúng các điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam hiện nay và phải tính đầy đủ các điều kiện bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành của Luật.

4. Luật Trưng cầu ý dân phải đảm bảo tính kế thừa và phát triển các kết quả của công tác xây dựng pháp luật của nước ta qua các thời kỳ, đồng thời nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới về xây dựng và thực hiện pháp luật về trưng cầu ý dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

IV. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CỦA DỰ THẢO LUẬT

Dự thảo Luật trưng cầu ý dân gồm 9 chương, 56 Điều.



1. Chương I. Những quy định chung

Chương I gồm 12 Điều (từ Điều 1 đến Điều 12) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc trưng cầu ý dân; người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân; những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân; phạm vi trưng cầu ý dân; những trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân; giám sát trưng cầu ý dân; hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân; kinh phí tổ chức trưng cầu ý dân và những hành vi bị nghiêm cấm.



2. Chương II. Đề nghị trưng cầu ý dân, quyết định trưng cầu ý dân, tổ chức trưng cầu ý dân

Chương II gồm 7 Điều (từ Điều 13 đến Điều 19) quy định về các chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân; thẩm tra, cho ý kiến về đề nghị trưng cầu ý dân; trình và quyết định trưng cầu ý dân; công bố quyết định trưng cầu ý dân; tổ chức trưng cầu ý dân và ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân.



3. Chương III. Các cơ quan, tổ chức phụ trách trưng cầu ý dân

Chương III gồm 6 Điều (từ Điều 20 đến Điều 25) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức trưng cầu ý dân; việc thành lập các Tổ trưng cầu ý dân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong việc tổ chức trưng cầu ý dân.



4. Chương IV. Danh sách cử tri và khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân

Chương IV gồm 7 Điều từ (Điều 26 đến Điều 32) quy định về nguyên tắc lập danh sách cử tri; những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri; thẩm quyền lập danh sách cử tri; việc niêm yết danh sách cử tri; khiếu nại và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri; việc cử tri bỏ phiếu nơi khác và quy định về khu vực bỏ phiếu biểu quyết trưng cầu ý dân.



5. Chương V. Thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân

Chương V gồm 5 Điều (từ Điều 33 đến Điều 37) quy định về mục đích, nguyên tắc thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân; nội dung thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân; thời gian thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân; các hình thức thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân và trách nhiệm cơ quan, tổ chức trong thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân.



6. Chương VI. Trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân; quyền, nghĩa vụ của cử tri trong trưng cầu ý dân

Chương VI gồm 5 Điều (từ Điều 38 đến Điều 42) quy định về phiếu trưng cầu ý dân; việc thông báo về thời gian và địa điểm bỏ phiếu; thời gian bỏ phiếu trưng cầu ý dân; về việc bỏ phiếu sớm, hoãn ngày bỏ phiếu; nguyên tắc bỏ phiếu trưng cầu ý dân; quyền, nghĩa vụ của cử tri trong trưng cầu ý dân.



7. Chương VII. Kết quả trưng cầu ý dân

Chương VII gồm 11 Điều (từ Điều 43 đến Điều 53) quy định về kiểm phiếu; phiếu không hợp lệ; khiếu nại tại chỗ khi kiểm phiếu; biên bản kết quả kiểm phiếu của Tổ trưng cầu ý dân; báo cáo kết quả trưng cầu ý dân của Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và báo cáo tổng hợp kết quả cuộc trưng cầu ý dân của Ủy ban thường vụ Quốc hội; kết quả trưng cầu ý dân; việc công bố kết quả trưng cầu ý dân và việc bỏ phiếu lại.



8. Chương VIII. Xử lý vi phạm về trưng cầu ý dân

Chương VIII gồm 2 điều (từ Điều 54 đến Điều 55) quy định xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm điều cấm theo quy định tại Điều 12 của Luật này và hành vi cản trở hoặc trả thù người khiếu nại, tố cáo.


9. Chương IX. Điều khoản thi hành (Điều 56)

Dự thảo luật xây dựng theo phương án cụ thể hóa tối đa các quy phạm để áp dụng trực tiếp, không ban hành Nghị định hay hình thức văn bản khác để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, do vậy Chương này có một Điều (Điều 56) chỉ quy định về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật.


V. NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN CÓ Ý KIẾN KHÁC NHAU

1. Những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân (Điều 6)

Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tại Khoản 15 Điều 70, quy định Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân và Khoản 4 Điều 120, quy định việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.


Có hai loại ý kiến về vấn đề này:

Đa số ý kiến đề nghị: Chỉ quy định về mặt nguyên tắc, khái quát những vấn đề nào được đề nghị để Quốc hội quyết định đưa ra trưng cầu ý dân. Bởi vì, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng của đất nước và việc đưa vấn đề nào ra trưng cầu ý dân thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nếu quy định quá cụ thể có thể sẽ không bao quát hết được (Phương án 1 dự thảo).

Một số ý kiến khác đề nghị: Cần phải quy định rõ những vấn đề nào được đưa ra trưng cầu ý dân, nhưng quy định theo cách trong những vấn đề đó thì tùy thuộc Quốc hội xem xét có thể đưa vấn đề nào ra trưng cầu ý dân. Theo quan điểm này, cần phải liệt kê những vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân (Phương án 2 dự thảo).

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, ngoài việc quy định cụ thể những vấn đề nào đưa ra trưng cầu ý dân, cũng phải quy định cả về những vấn đề không đưa ra trưng cầu ý dân. Ban soạn thảo cho rằng, dự thảo Luật trưng cầu ý dân không cần quy định về những vấn đề không đưa ra trưng cầu ý dân vì đó là vấn đề do Quốc hội quyết định.

Tham khảo một số nước thì có 65 nước không quy định vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là vấn đề nào, cái đó tùy thuộc vào kiến nghị trưng cầu ý dân của các chủ thể đưa ra kiến nghị, miễn là đáp ứng được những quy định của pháp luật; một số nước chỉ quy định trưng cầu ý dân bắt buộc đối với Hiến pháp; một số nước khác thì quy định cụ thể những vấn đề phải trưng cầu ý dân.

Ban soạn thảo thiết kế cả hai phương án tại Điều 6 dự thảo để xin ý kiến.

2. Phạm vi trưng cầu ý dân (Điều 7)


Về vấn đề này có hai loại ý kiến:

Đa số ý kiến cho rằng, các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước. Điều này phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội. Đồng thời, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia đưa ra để toàn dân quyết định, còn những vấn đề mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Một số ý kiến khác cho rằng, có những vấn đề quan trọng của đất nước nhưng phạm vi tác động chỉ ở một khu vực thì Quốc hội vẫn quyết định trưng cầu ý dân nhưng chỉ cần tổ chức trưng cầu ý dân ở khu vực đó, ví dụ như xây dựng nhà máy điện hạt nhân hay một dự án kinh tế xã hội có liên quan đến một hoặc một số tỉnh, thành phố.

Qua khảo sát, nghiên cứu Luật trưng cầu ý dân của nhiều nước trên thế giới cho thấy: ở một số nước việc tổ chức trưng cầu ý dân được tổ chức ở cả cấp địa phương và cấp quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sỹ…), ở một số nước khác thì chỉ tổ chức ở cấp quốc gia (Latvia) và một số nước lại chỉ cho tổ chức ở cấp địa phương (Hoa Kỳ).



Ban soạn thảo nhất trí với đa số ý kiến và đã thể hiện tại Điều 7 dự thảo.

3. Chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân (Điều 13)

Về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, dự thảo Luật trưng cầu ý dân đưa ra hai phương án:



Phương án 1: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền trình đề nghị trưng cầu ý dân.

Phương án 2: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền trình đề nghị trưng cầu ý dân.

Vấn đề này có hai loại ý kiến,



Loại ý kiến thứ nhất đề nghị theo phương án 1 để đảm bảo thống nhất với quy định tại khoản 1, Điều 19 Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi 2014).

Loại ý kiến thứ hai đề nghị, ngoài bốn chủ thể trên, phương án 2 bổ sung Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đề nghị trưng cầu ý dân, bởi vì:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 98 Hiến pháp 2013, Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật, lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính tính thống nhất của hệ thống hành chính quốc gia;

Thứ hai, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 9, khoản 1 quy định “…Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội…”. Việc quy định Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề nghị trưng cầu ý dân sẽ tạo thêm một kênh thông tin quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề trưng cầu ý dân, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò của mình. Đối với Việt Nam, việc quy định Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề nghị trưng cầu ý dân sẽ là một nét độc đáo phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Thứ ba, việc Luật Tổ chức Quốc hội (khoản 1, Điều 19) chỉ quy định 4 chủ thể (như phương án 1) không cản trở Luật trưng cầu ý dân bổ sung thêm chủ thể vì Luật này là luật chuyên ngành trong lĩnh vực trưng cầu ý dân. Tham khảo Luật trưng cầu ý dân của nhiều nước quy định chủ thể có sáng quyền trưng cầu ý dân khá rộng.

Đối với phương án này, cũng có ý kiến cho rằng, để phù hợp với khoản 1 Điều 120 của Hiến pháp, thì cần phải giới hạn Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không được đề nghị trưng cầu ý dân về Hiến pháp.

Ban soạn thảo thiết kế cả hai phương án tại Điều 13 dự thảo để xin ý kiến.

4. Về cơ quan, tổ chức phụ trách trưng cầu ý dân (Điều 20 đến Điều 25)

Theo quy định của Hiến pháp 2013, Điều 74, khoản 13 quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội “Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội”.

Về vấn đề này có ba loại ý kiến khác nhau:

Đa số ý kiến cho rằng, phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, đồng thời để các cơ quan phụ trách trưng cầu ý dân được tổ chức gọn nhẹ, không nên tổ chức bộ máy mới vì việc trưng cầu ý dân là hoạt động không thường xuyên, do đó, việc tổ chức trưng cầu ý dân sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình trực tiếp thực hiện và chỉ đạo việc tổ chức trưng cầu ý dân trên toàn quốc, Chính phủ là cơ quan phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội trong tổ chức trưng cầu ý dân, cơ quan giúp việc cho Ủy ban thường vụ Quốc hội thì tùy từng cuộc trưng cầu ý dân cụ thể sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội phân công hoặc thành lập bộ phận giúp việc; việc tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương sẽ giao cho Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện.

Một số ý kiến cho rằng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần thành lập Ủy ban trưng cầu ý dân trung ương để giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân và chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Ủy ban trưng cầu ý dân trung ương được thành lập với cơ cấu hợp lý, thời gian thành lập nhanh, các đại diện tham gia hoạt động kiêm nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ chuyên biệt và có tính đặc thù riêng của trưng cầu ý dân.

Một số ý kiến khác cho rằng, nên giao cho Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương tổ chức trưng cầu ý dân để tránh thành lập thêm bộ máy. Tuy nhiên, Điều 117, khoản 1 Hiến pháp 2013 quy định “Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấpNhư vậy, Hội đồng bầu cử trung ương không có thẩm quyền tổ chức trưng cầu ý dân, mà việc tổ chức trưng cầu ý dân do Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện. Hơn nữa, trưng cầu ý dân có đặc thù riêng, tính chất của cuộc trưng cầu ý dân khác với bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, thủ tục ngắn gọn hơn một cuộc bầu cử, do vậy không thể giao cho Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương thực hiện.

Ban soạn thảo nhất trí với đa số ý kiến và đã thể hiện tại Chương III dự thảo. Chương III dự thảo Luật gồm 6 Điều (từ Điều 20 đến Điều 25), cụ thể như sau:

Điều 20 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức trưng cầu ý dân gồm 11 nội dung.

Điều 21 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc tổ chức trưng cầu ý dân gồm 05 nội dung.

Điều 22 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức trưng cầu ý dân gồm 09 nội dung.

Điều 23 quy định về việc thành lập Tổ trưng cầu ý dân.

Điều 24 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưng cầu ý dân gồm 09 nội dung.

Điều 25 quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang và công dân trong việc tổ chức trưng cầu ý dân.

5. Về kết quả trưng cầu ý dân (Điều 51)

Dự thảo xây dựng trên cơ sở kết quả cuộc trưng cầu ý dân có giá trị quyết định (theo quy định tại khoản 1, Điều 10 dự thảo), do đó, kết quả cuộc trưng cầu ý dân phải đảm bảo số lượng cử tri nhất định theo công thức “quá bán kép” cụ thể là: “Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành”.

Tuy nhiên, vấn đề này có hai loại ý kiến:

Đa số ý kiến đề nghị, kế thừa quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, dự thảo Luật quy định áp dụng chung cho mọi trường hợp: Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.

Một số ý kiến đề nghị, Hiến pháp là đạo luật đặc biệt quan trọng, do đó, ngoài quy định chung (như phương án 1 dự thảo), phương án này đề xuất trong trường hợp trưng cầu ý dân về Hiến pháp thì cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá hai phần ba tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và phương án được quá hai phần ba số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.

Về vấn đề này, pháp luật các nước quy định không giống nhau, có nước không quy định tỷ lệ cử tri bắt buộc tham gia (Thụy Sĩ); ở Bulgaria, Croatia, Ý, Lithuania, Nga… phải có trên 50% tổng số cử tri của cả nước đi bỏ phiếu; ở Latvia, tỷ lệ này là một nửa số cử tri đã tham gia cuộc bầu cử nghị viện năm gần nhất; ở Azerbaizan, tỷ lệ này rất thấp – chỉ cần 25% tổng số cử tri đã đăng ký tham gia bầu cử.

Về tỷ lệ cử tri tán thành để phương án được lựa chọn các nước cũng không giống nhau: ở Hungary số cử tri bỏ phiếu tán thành phải chiếm ¼ tổng số cử tri; ở Albani và Armenia, tỷ lệ này là 1/3 tổng số cử tri; và ở Đan Mạch, đối với trưng cầu ý dân liên quan đến sửa đổi hiến pháp, thì phải đạt được sự tán thành của 40% tổng số cử tri. Một số nước có quy định tỷ lệ đặc biệt cao khi trưng cầu ý dân về các vấn đề hệ trọng của đất nước. Ví dụ như ở Latvia, đối với việc sửa đổi hiến pháp thì phải được sự tán thành của hơn 50% số cử tri đã đăng ký, ở Lithuania, khi trưng cầu ý dân về các vấn đề liên quan đến chủ quyền đất nước thì số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu phải chiếm ít nhất ¾ tổng số cử tri, còn với các vấn đề khác liên quan đến nhà nước hoặc sửa đổi hiến pháp thì số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu phải chiếm đa số; ở Croatia, khi trưng cầu ý dân về vấn đề liên kết với các quốc gia khác thì phải có đa số cử tri bỏ phiếu "đồng ý".

Ban soạn thảo đã tiếp thu và đã thể hiện tại Điều 51 dự thảo để xin ý kiến.

6. Giám sát trưng cầu ý dân (Điều 9)


Về vấn đề này có hai loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, dự thảo Luật không cần quy định về việc giám sát trưng cầu ý dân, bởi vì, thẩm quyền, trách nhiệm giám sát của các cơ quan dân cử và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được quy định trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sắp tới còn được điều chỉnh trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Theo đó, các cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thi hành pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm cả pháp luật về trưng cầu ý dân. Vì vậy, đề nghị không quy định vấn đề giám sát trong trưng cầu ý dân để tránh trùng lặp.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, để cuộc trưng cầu ý dân được tiến hành dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật thì việc quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các nhân và công dân trong giám sát việc trưng cầu ý dân là cần thiết. Về thẩm quyền, nội dung, phương thức giám sát của các chủ thể cần quy định tại các luật liên quan về giám sát đang được soạn thảo như Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Do đó, dự thảo Luật cần tăng cường các quy định về giám sát trực tiếp của nhân dân-chủ thể thực hiện quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân.

Ban soạn thảo nhất trí với ý kiến thứ hai và thiết kế quy định về giám sát trưng cầu ý dân tại Điều 9 dự thảo.


7. Về giải quyết khiếu nại về kết quả trưng cầu ý dân

Về vấn đề này có hai loại ý kiến,



Loại ý kiến thứ nhất đề nghị, quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo cần quy định trực tiếp vào từng vấn đề cụ thể và từng giai đoạn cụ thể như Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân. Riêng đối với khiếu nại về kết quả trưng cầu ý dân sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội trực tiếp giải quyết và kết quả giải quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội là kết quả cuối cùng.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, theo nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước và yêu cầu về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, do đó đề nghị bổ sung Tòa án nhân dân tối cao xem xét về tính hợp pháp của kết quả trưng cầu ý dân.

Ban soạn nhất trí với loại ý kiến thứ nhất và đã thể hiện trong Dự thảo Luật trưng cầu ý dân gồm ba điều: Điều 20 quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về kết quả trưng cầu ý dân; Điều 30 và Điều 45 quy định trực tiếp việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri và khiếu nại tại chỗ khi kiểm phiếu.

Trên đây là những nội dung chính của Dự thảo Luật trưng cầu ý dân. Thay mặt Ban soạn thảo, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam kính trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.



Nơi nhận:

- Quốc hội;

- Ủy ban thường vụ Quốc hội;

- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Lưu: VT, Ban NC.



CHỦ TỊCH

(đã ký)

Nguyễn Văn Quyền



1 Thành phần gồm đại diện của: Hội Luật gia Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, Ban dân vận Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam,

2 Đối tượng bao gồm: Hội luật gia các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và một số người dân.


Каталог: userfiles -> files -> NAM%202015 -> TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%209%20QH13
files -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
files -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%209%20QH13 -> HỘi luật gia việt nam ban soạn thảO

tải về 112.06 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương