Họ và tên sinh viên: Trần Thị Mỹ Hằng Mã sinh viên: 0851015561


Mục tiêu và định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng cà phê Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU giai đoạn đến năm 2020



tải về 1.01 Mb.
trang8/12
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích1.01 Mb.
#5756
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   12

3.2 Mục tiêu và định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng cà phê Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU giai đoạn đến năm 2020

Vào ngày 26/8/2008, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có quyết định số 2635/QĐ-BNN-CB phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam đến 2015 và định hướng 2020” (Bộ NN&PTNT, 2008). Quyết định đã nêu rõ phương hướng, giải pháp và tổ chức việc thực hiện đề án nâng cao NLCT mặt hàng cà phê Việt Nam, do đó cũng bao quát phần chiến lược để nâng cao NLCT của mặt hàng cà phê Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU.



3.2.1 Mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng cà phê Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU giai đoạn đến năm 2020

  • Mục tiêu tổng quát:

Đến năm 2020, toàn bộ sản phẩm cà phê Việt Nam được sản xuất, chế biến hợp chuẩn, giao dịch bình đẳng tại các sàn giao dịch trong nước và nước ngoài với giá bán ngang bằng hoặc cao hơn giá sản phẩm cùng loại trên thị trường; giá trị gia tăng của sản phẩm do yếu tố chất lượng mang lại tăng từ 30-50%; hạn chế tối đa những thiệt hại đối với ngành cà phê do sự biến động bất lợi của thị trường thế giới; góp phần ổn định cuộc sống, cải thiện thu nhập của người trồng cà phê, trong đó phần đông là đồng bào các dân tộc thiểu số; nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp và vị thế của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế; đóng góp đáng kể vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Bộ NN&PTNT, 2008).

  • Mục tiêu cụ thể

+ Năng suất cà phê Việt Nam đến năm 2020 vùng đại trà đạt 2 tấn/ha, năng suất vùng thâm canh trọng điểm đạt 2,4 tấn/ha nhằm đảm bảo đủ sản lượng xuất khẩu đáp ứng nhu cầu trên thị trường EU.

+ Năm 2020 đưa diện tích cà phê Arabica tăng lên khoảng 10% tổng diện tích cà phê của cả nước, cà phê Robusta chiếm 90% diện tích, từ đó có thể tăng lượng xuất khẩu cà phê Arabica sang EU, phù hợp với thị hiếu thị trường này.

+ Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2015 có 50-70% sản lượng cà phê Việt Nam tham gia giao dịch tại các sàn giao dịch có chất lượng cao.

+ Phát triển mạnh cà phê rang xay và cà phê hoà tan, nâng mức chế biến sâu các sản phẩm cà phê đạt 20% vào năm 2015 và 30% vào năm 2020. Năm 2015 đạt sản lượng cà phê rang xay và hoà tan từ 10.000-15.000 tấn/năm, trong đó 50% xuất khẩu. Từ đó, xuất nhiều sản phẩm cà phê chế biến hơn sang EU.

+ Cà phê có chứng chỉ đạt 50% diện tích vào năm 2015 và 80% vào năm 2020.

+ Tăng mức tiêu dùng nội địa đạt 10-15% tổng sản lượng.



3.2.2 Định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng cà phê Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU giai đoạn đến năm 2020

Dựa theo đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam đến 2015 và định hướng 2020”, ta có định hướng như sau:



  • Hướng tới năm 2020 xây dựng một ngành cà phê phát triển bền vững trong cả phương diện người sản xuất lẫn môi trường tự nhiên. Ổn định diện tích trồng cà phê theo quy hoạch, theo như Quyết định 150/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì diện tích ổn định từ 450.000-500.000 ha. Tiến hành thâm canh cao 200.000 ha cà phê theo Quyết định số 3988/QĐ-BNN-TT của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

  • Tập trung nâng cao chất lượng, tổ chức và hướng dẫn nông dân thu hái đúng kỹ thuật; có các biện pháp kinh tế để ngăn chặn tình trạng hái tuốt cành, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ quả non xanh. Đầu tư, nâng cấp hệ thống sân phơi và máy sấy. Từng bước hiện đại hoá các cơ sở tái chế, phân loại cà phê nhân xuất khẩu, chú trọng hơn phương pháp chế biến ướt và nửa ướt. Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đầu tư trang bị các máy móc, thiết bị tiên tiến, áp dụng tự động hoá dây chuyền sản xuất và giám sát chất lượng sản phẩm. Xây dựng hệ thống tiêu thụ cà phê hiện đại, thích ứng với quá trình giao dịch mua bán trong nước và quốc tế.

  • Xây dựng chiến lược phát triển thị trường, điều chỉnh hợp lý cơ cấu sản phẩm hướng đến tăng tỉ lệ cà phê Arabica, cà phê đạt chứng nhận và cà phê thành phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, đa dạng hoá sản phẩm chế biến để giúp tăng hiệu quả kinh tế và giúp ngành cà phê Việt Nam giảm bớt rủi ro trước những biến động về giá cà phê nguyên liệu trên thị trường.

  • Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tạo liên kết, gắn bó lợi ích giữa người trồng, doanh nghiệp chế biến, các cơ sở dịch vụ và Chính phủ. Phát triển hình thức kinh tế hợp tác, hộ trang trại sản xuất lớn. Khuyến khích hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp trên cơ sở người dân đóng góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất và giá trị vườn cà phê để tổ chức sản xuất lớn theo hướng bền vững.

  • Hoàn thiện hệ thống thông tin về môi trường kinh doanh, hệ thống phân phối, giá cả hiện hành… chủ động áp dụng thương mại điện tử trong giao dịch, mua bán. Xây dựng kênh phân phối hướng đến xuất khẩu trực tiếp cho các nhà rang xay và chế biến để tăng lợi nhuận, biết được nhu cầu và xu hướng của thị trường, giảm xuất khẩu qua trung gian, từ đó hỗ trợ xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam.

  • Xây dựng và khẳng định thương hiệu cà phê Việt Nam trên trường quốc tế. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, củng cố sự tin cậy đối với khách hàng và là công cụ bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp.

  • Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành cà phê phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tổ chức sản xuất lớn, an toàn, bền vững.

3.3 Các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng cà phê Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU

Từ những điểm yếu và nguyên nhân đã đề cập, ta thấy rằng Việt Nam cần phải tiến hành rất nhiều giải pháp để nâng cao hơn nữa NLCT. Thế nhưng, do giới hạn về thời gian nghiên cứu cũng như dung lượng, tác giả sẽ chỉ đề cập đến một số giải pháp trọng tâm và chủ yếu, cụ thể như sau:



3.3.1 Nâng cao chất lượng cà phê và vệ sinh an toàn thực phẩm

Để đạt mục tiêu đến năm 2015 có 50-70% sản lượng cà phê Việt Nam tham gia các sàn giao dịch chất lượng cao thì đòi hỏi Việt Nam cần phải có những giải pháp đồng bộ để cải thiện chất lượng cà phê xuất khẩu.



  • Về phía Nhà nước

Đầu tiên, để giải quyết vấn đề cây giống thì đòi hỏi phải có được giống cà phê tốt, phù hợp và đủ để đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như Bộ NN&PTNT cần tạo điều kiện, liên kết với các nước, tổ chức các buổi tham quan, các khoá học đào tạo cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Viện KHKT Nông nghiệp và các trung tâm giống được giao lưu học hỏi tại những trung tâm nghiên cứu của các quốc gia có truyền thống lâu năm trong ngành cà phê như Braxin, Colombia… về các phương pháp nghiên cứu giống tiên tiến. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai các dự án nhân chồi cây giống như hỗ trợ về kinh phí thực hiện, khuyến khích các doanh nghiệp lớn cùng tham gia đầu tư vườn nhân chồi cà phê. Nâng cấp và đầu tư mới các trung tâm nhân giống, phấn đấu ở mỗi tỉnh có một trung tâm, mỗi huyện có một trạm giống.

Sau khi đã có được chồi cây giống tốt thì cần phải tiến hành thay thế những vườn cà phê có giống không đạt tiêu chuẩn và các vườn cà phê già cỗi. Hiện nay cả nước có khoảng 525.000 ha cà phê, năng suất 1,8-2 tấn/ha, định hướng đến năm 2020 ổn định từ 450.000-500.000 ha, năng suất 2-2,4 tấn/ha, giảm ít nhất 25.000 ha, nhưng điều đó không có nghĩa là ta phải chặt đi cây cà phê cũ để trồng cà phê mới, như vậy sẽ phải tốn vài năm cây cà phê mới cho thu hoạch lại, mà ta chỉ tiến hành chặt đi những cây cà phê ở vùng không thích hợp để chuyển sang trồng các loại cây khác, những diện tích còn lại thì ta tiến hành tái canh, cải tạo giống. Tái canh bằng phương pháp ghép chồi, chọn những cây cà phê kém, cưa ngang gốc rồi ghép bằng các dòng cà phê cao, chất lượng tốt. Phương pháp ghép chồi này có nhiều ưu điểm là chi phí thấp, cho thu hoạch sớm, năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh tốt hơn.

Để thực hiện tái canh bằng phương pháp ghép chồi này, cũng như giúp người nông dân chăm sóc cà phê đúng kĩ thuật hơn, Cục Trồng trọt cần phối hợp với Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên lên quy trình sản xuất tốt (GAP) đối với cà phê và các chính sách để người dân và các doanh nghiệp thực hiện. Cục Khuyến nông, Cục BVTV, các tổ chức khuyến nông địa phương tổ chức các hoạt động tập huấn, hướng dẫn tuyên truyền chuyển giao kỹ thuật ghép chồi cho nông dân, các kỹ thuật trong quá trình trồng và chăm sóc như: thủy lợi, phân bón phù hợp, không sử dụng quá nhiều, thừa thãi phân vi sinh, thực hành tưới nước tiết kiệm, trồng cây che bóng, quản lý dịch hại tổng hợp thông qua các buổi hội thảo, toạ đàm, chương trình chuyên đề cho người trồng cà phê... Bên cạnh đó, tái canh trên diện tích lớn cần phải có kinh phí, do đó Nhà nước cần phải hỗ trợ, đồng thời kêu gọi từ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trong ngành cà phê, ít nhất trong 2 năm đầu thực hiện.

Giai đoạn sau thu hoạch là giai đoạn quan trọng và quyết định đến chất lượng cà phê. Nếu quy trình chế biến sau thu hoạch làm không đúng thì dù có điều chỉnh hay chế biến trên loại máy hiện đại nào sau đó, cũng không thể có cà phê chất lượng cao được. Vì vậy, VICOFA nên có các buổi đào tạo, hướng dẫn về trồng, thu hoạch, chế biến và bảo quản cà phê; tổ chức các chương trình tham quan học tập những mô hình trồng và chế biến cà phê điển hình, tiên tiến. Ngoài ra, một điều cũng rất quan trọng là công an khu vực cần triển khai việc bảo vệ các vườn cà phê khỏi bị trộm cắp, giúp người nông dân an tâm hơn, tránh tình trạng lo ngại mất cắp mà hái tuốt khi quả còn non. Nhà nước tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào xây dựng đường xá, điện, nước... để người dân sau thu hoạch có thể sơ chế ngay tại nơi trồng và vận chuyển nhanh chóng đến nơi chế biến, giúp giữ được hương vị cà phê, tránh việc hạt cà phê chuyển sang màu đen, giảm chất lượng do ủ, cất giữ lâu.

Để cải tiến công nghệ sơ chế và chế biến, Nhà nước hỗ trợ nông dân có sân phơi, máy sấy, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư các dây chuyền chế biến hiện đại thông qua hỗ trợ về vốn, ưu đãi thuế nhập khẩu đối với một số máy móc như máy xay xát, máy tưới, máy phân loại cà phê...(vấn đề hỗ trợ vốn sẽ được nói rõ hơn trong các giải pháp phía sau). Đầu tư sân phơi và máy sấy là cần thiết đối với phương pháp chế biến khô, còn đối với chế biến ướt hoặc nửa ướt, Cục Khuyến nông cần tuyên truyền thêm kiến thức về chế biến ướt, từ việc xây dựng khu vực chế biến cho đến quy trình sản xuất, đầu tư công nghệ phù hợp thông qua các kênh truyền hình, hội thảo... Bên cạnh đó cần đảm bảo cà phê chế biến ướt được mua đúng với giá trị của nó thì mới khuyến khích được các hộ trồng cà phê quan tâm đến phương pháp chế biến này để nâng cao hơn nữa chất lượng cà phê.

Về việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng mới TCVN 4193:2005 thì cần phải có thời gian dần dần để doanh nghiệp và người trồng cà phê thích ứng. Bước đầu, Nhà nước tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 và lợi ích việc áp dụng tiêu chuẩn này, khuyến khích và có thưởng các doanh nghiệp xuất khẩu tự nguyện áp dụng toàn bộ hoặc một phần các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn mới. Sau một thời gian, tổ chức kiểm tra chất lượng đối với cà phê trước khi thông quan bằng một số chỉ tiêu quan trọng, dễ thực hiện như ẩm độ, các khuyết tật về tạp chất, hạt mốc. Sau cùng, tiếp tục áp dụng toàn diện, qui định kiểm tra toàn diện các chỉ tiêu chất lượng theo TCVN 4193:2005 trước khi thông quan. Cục Trồng trọt chịu trách nhiệm đưa ra quy trình, thời gian cụ thể cho việc áp dụng này.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần thành lập và chỉ đạo một số cơ quan trong việc kiểm tra, giám định chất lượng cà phê xuất khẩu, đảm bảo cà phê nhân xuất khẩu vào EU đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn chất lượng mới.

Nhà nước phổ biến, tuyên truyền quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-06:2009/BNNPTNT về cà phê nhân xuất khẩu, cơ sở chế biến cà phê đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tới các doanh nghiệp, người sản xuất, thu mua, chế biến.



  • Về phía doanh nghiệp

Trong việc cải tạo giống cây trồng và vườn cà phê già cỗi, người nông dân cần một nguồn kinh phí khá lớn, vì vậy cần có sự hỗ trợ tài chính từ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên chủ động liên hệ với một số hộ nông dân để đảm bảo nguồn hàng; hỗ trợ họ trong việc tái canh, chuyên canh cà phê chất lượng cao, kĩ thuật canh tác để quản lý được chất lượng ngay từ khâu chọn giống. Cụ thể, trước khi thu hoạch cần có những đầu tư như ứng trước một số tiền cho nông dân trong việc trang trải mua giống tốt, bón phân, tưới nước, chăm sóc cà phê. Sau thu hoạch, hỗ trợ người dân máy móc và phương pháp sơ chế cà phê ngay tại vườn, hỗ trợ phương tiện để vận chuyển cà phê nhanh chóng về khu vực chế biến, giúp cà phê không bị nấm mốc, chuyển đen, đảm bảo chất lượng trước lúc chế biến.

Doanh nghiệp cần thoả thuận với nông dân mua giá cao đối với cà phê nguyên liệu là quả chín, có chất lượng, từ đó tạo động lực cho người dân tăng cường hái quả chín, hạn chế hái tuốt. Đồng thời có chính sách giá phù hợp với cà phê chế biến ướt và nửa ướt, đảm bảo mua đúng với giá trị, cao hơn chế biến khô thì mới khuyến khích được các hộ trồng cà phê quan tâm hơn đến phương pháp này.

Các doanh nghiệp chủ động đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, áp dụng tự động hoá dây chuyền sản xuất và giám sát chất lượng cà phê, hiện đại hoá cơ sở chế biến, tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia QCVN 01-06:2009/BNNPTNT về cơ sở chế biến an toàn vệ sinh, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tự nhận thức và áp dụng tiêu chuẩn TCVN 4193:2005, cải thiện chất lượng xuất khẩu. Cụ thể hơn doanh nghiệp có thể chủ động đưa các qui định về tiêu chuẩn chất lượng này vào hợp đồng kí kết với EU, từ đó hạn chế việc bị đánh đồng với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chất lượng kém, đồng thời tránh việc bị ép giá.

Các doanh nghiêp sản xuất tự ý thức nâng cao trình độ sản xuất của mình, thể hiện bằng các giấy chứng nhận về trình độ quản lý ISO 9001; giấy chứng nhận trình độ bảo vệ môi trường ISO 14000; giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt GAP; giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm HACCP… Nếu đạt được những điều này sẽ giúp Việt Nam khẳng định được trình độ, nâng cao uy tín, tính cạnh tranh, đồng thời giúp các doanh nghiệp vượt qua rào cản kỹ thuật khắt khe của EU.


  • Về phía người trồng cà phê

Người nông dân cần từng bước cải tạo các vườn cà phê kém chất lượng bằng cách tái canh ghép giống các giống cà phê tốt, không nên sử dụng các loại cây giống thực sinh hoặc giống do mình tự làm. Tuân thủ các qui trình trồng trọt, chăm sóc đúng kĩ thuật nhằm đảm bảo chất lượng cà phê, tránh bị nấm mốc, nhiễm khuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua việc thực hành nông nghiệp tốt GAP, quản lý cây trồng tổng hợp ICM, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, thực hành chế biến tốt GMP. Sử dụng lượng nước tưới hợp lý, đúng thời điểm, tăng cường che bóng mát, bón cân đối phân bón kết hợp phân hữu cơ để tăng chất lượng.

Chuyển từ tập quán hái tuốt sang thu hoạch từ 2-3 đợt. Khi thu hái cà phê làm nhiều đợt thì 1 ha cà phê chỉ cần 1 lao động cũng đảm nhận được từ khâu chăm sóc đến thu hái, vì thấy có quả chín là hái dần, vừa đảm bảo chất lượng mà còn hạn chế cà phê bị chín nẫu, khô và hái lẫn nhiều quả xanh, chỉ đợt cuối cùng thì mới hái toàn bộ, lúc đó cà phê không còn xanh non nữa và cũng không phải tốn kém nhiều sân phơi, tiết kiệm nhân công. Khi chế biến khô, cần có hệ thống sân phơi phù hợp, không phơi trên sân đất sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, mùi vị cà phê, bị nấm mốc, cũng như lẫn các tạp chất, không đảm bảo vệ sinh. Đầu tư trang bị máy sấy để phục vụ chế biến, tránh việc cà phê bị ủ lâu ngày mà thâm đen, giảm chất lượng.

Người nông dân cần tăng cường việc chế biến theo phương pháp ướt để nâng cao chất lượng. Phương pháp này đòi hỏi cà phê phải tươi, nên sau thu hoạch phải vận chuyển cà phê nhanh chóng về nơi chế biến, phương tiện vận chuyển phải sạch, không có mùi thuốc trừ sâu, phân bón... Bên cạnh đó, người nông dân cũng cần đầu tư máy móc và lượng nước lớn tại khu vực chế biến, chi phí đầu tư này là khá cao nên các hộ nông dân nhỏ lẻ có thể tập hợp lại dưới dạng HTX để sản xuất.

3.3.2 Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm và hướng đến mặt hàng cà phê có giá trị gia tăng cao


  • Về phía Nhà nước

Công tác quy hoạch vùng là một trong những giải pháp quan trọng. Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng quy hoạch và phát triển loại cà phê Arabica phù hợp với thị hiếu tại EU, đảm bảo nguyên tắc hoạt động trong nền kinh tế thị trường là “bán những thứ mà thị trường cần chứ không chỉ bán những thứ mà mình có”. Cần chú ý là tránh trồng mới, chỉ tập trung thâm canh loại cà phê Robusta, mở rộng diện tích cà phê Arabica ở những vùng thích hợp, hướng đến diện tích cà phê Arabica chiếm 10% tổng diện tích cà phê của cả nước năm 2020 như mục tiêu đã đề ra. Hỗ trợ vốn cho các trung tâm giống có điều kiện nghiên cứu tạo ra các giống mới, đặc biệt là loại Arabica cho năng suất cao, kháng bệnh tốt. Bên cạnh đó cũng hỗ trợ vốn và kĩ thuật canh tác cho người nông dân trong việc mở rộng diện tích Arabica, vì giá thành trồng trọt, sản xuất Arabica là khá cao hơn so với Robusta. Nguồn vốn này có thể trích từ ngân sách Nhà nước hoặc từ nguồn tài trợ ODA.

Với định hướng năm 2020 xây dựng một ngành cà phê phát triển bền vững, cà phê có chứng chỉ đạt 50% diện tích vào năm 2015 và 80% vào năm 2020 thì Bộ NN&PTNT phải từng bước chuyển giao kĩ thuật canh tác cà phê bền vững theo Bộ Nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê 4C, UTZ, tuyên truyền về xu thế hiện nay của thế giới cũng như EU là các loại cà phê bền vững, đạt các chứng nhận quốc tế như Fair-trade, RFA... xuống các cấp địa phương, hộ nông dân qua kênh truyền hình, báo đài, các chương trình hội thảo, chuyên đề. VICOFA, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng các tập đoàn kinh doanh cà phê lớn, thành lập các trung tâm tập huấn dành cho nông dân trồng cà phê, trang bị các phương tiện tập huấn, phòng thí nghiệm cùng các mô hình thực nghiệm nhằm giới thiệu và giúp nông dân áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, đáp ứng các chứng chỉ quốc tế về cà phê. Trên thực tế, một trung tâm như thế này đã được thành lập tại Lâm Đồng vào tháng 3/2012, dưới sự hợp tác của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) với công ty TNHH Thương phẩm Atlantic thuộc tập đoàn ECOM, dự kiến tập huấn cho khoảng 4.000 nông dân để đạt được các chứng chỉ cà phê bền vững như UTZ, RFA hay 4C.

Thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến cà phê của Việt Nam để sử dụng những công nghệ chế biến tiên tiến. Nhà nước có các chính sách về tín dụng và thuế như các khoản vay ngân hàng dài hạn hoặc giảm mức thuế nhập khẩu đối với một số máy móc phục vụ chế biến cà phê để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể đầu tư những dây chuyền máy móc hiện đại, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến, gia tăng sản phẩm cà phê rang xay, hoà tan, chế biến sâu có giá trị cao, đạt được mục tiêu đã đề ra cho năm 2015 là sản lượng cà phê rang xay và hoà tan từ 10.000-15.000 tấn/năm, trong đó 50% xuất khẩu.

Bằng các hoạt động như thực hiện chương trình giới thiệu những tác dụng tích cực của cà phê đối với sức khoẻ con người qua truyền hình, đài phát thanh, từ đó mà kích thích tiêu dùng cà phê trong nước, nâng mức tiêu dùng nội địa lên 10-15% tổng sản lượng, giúp làm phát sinh nhu cầu, thúc đẩy các doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu và tạo ra những sản phẩm mới phục vụ cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu nhiều mặt hàng hơn sang EU, đáp ứng thị hiếu của thị trường này.



  • Về phía doanh nghiệp

Ngoài cà phê nhân Robusta, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng cà phê nhân Arabica được ưa thích sang EU. Đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị, áp dụng các quy trình và phương pháp chế biến cà phê mới và tiên tiến để sản xuất các loại cà phê rang xay và hoà tan có giá trị gia tăng cao, tạo ra các sản phẩm cà phê đặc biệt mà thị trường EU có nhu cầu cao như cà phê hảo hạng và các sản phẩm đạt chứng nhận quốc tế. Hỗ trợ người nông dân về vốn và kĩ thuật trong việc phát triển cà phê bền vững. Ngoài ra, tăng cường các hoạt động quảng cáo, marketing, cũng như hoạt động tuyên truyền lợi ích của việc uống cà phê để nâng mức tiêu dùng nội địa, nghiên cứu cụ thể nhu cầu thưởng thức cà phê của người tiêu dùng trong nước cũng như EU để có những thay đổi và cải tiến sản phẩm.

  • Về phía những người trồng cà phê

Người nông dân cần tự ý thức trồng cà phê theo quy hoạch, phổ biến và hướng dẫn của địa phương, không tự ý mở rộng diện tích Robusta bừa bãi. Tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí từ các dự án trong và ngoài nước của Nhà nước, từ hỗ trợ của doanh nghiệp để áp dụng các quy trình kỹ thuật canh tác cà phê bền vững, đạt chứng nhận quốc tế, đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ ở EU. Hạn chế và đi đến không sử dụng các chất hoá học, thuốc trừ sâu để đảm bảo thân thiện với môi trường... đây là những yếu tố người tiêu dùng EU ngày càng quan tâm.

3.3.3 Tổ chức điều phối hoạt động dọc chuỗi ngành hàng cà phê chặt chẽ hơn

Ta có thể thấy rằng, không thể nào phát triển được một ngành cà phê chuyên nghiệp, phù hợp với các tiêu chuẩn của thế giới và EU, nâng cao NLCT mà lại bằng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, mỗi người một kiểu và việc ai nấy làm. Vì vậy, việc tổ chức ngành hàng cà phê, đi từ các nhóm nông dân đến HTX, thành lập các hiệp hội gắn bó nông dân với người sản xuất, doanh nghiệp, Nhà nước là rất quan trọng.



  • Về phía Nhà nước

Giải pháp đề xuất là xây dựng một Ban điều phối ngành hàng cà phê. Ban này sẽ có sự tham gia của các Bộ, các viện nghiên cứu và các hiệp hội. Ban có nhiệm vụ đề xuất và giám sát việc thực hiện các chính sách, chiến lược liên quan đến ngành hàng cà phê; tổ chức nghiên cứu, đào tạo và phối hợp kiểm soát chất lượng; thu thập, phân tích, dự báo thông tin thị trường trong và ngoài nước; thực hiện các hoạt động phát triển thị trường như các buổi hội chợ, quảng cáo; cải cách tổ chức ngành cà phê; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế… Ngoài ra, Ban sẽ đảm nhiệm luôn Quỹ cà phê nếu nó ra đời.

Hình 3.1: Mô hình đề xuất Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam

Ban sẽ do 1 lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo, với 50% thành viên là thuộc Nhà nước và 50% thuộc các thành phần kinh tế khác. Kế hoạch chi tiêu sẽ do Ban điều phối giám sát và thực hiện.

+ Đại diện của các Bộ sẽ có Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đại diện này tạo ra sự điều phối thống nhất để phát triển toàn ngành, nhiệm vụ chỉ đạo.

+ Các viện có Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các Viện KHKT. Chia làm 2 chức năng, một là nghiên cứu kĩ thuật, một là nghiên cứu chính sách, tạo sự điều phối tập trung và thống nhất hơn, nhiệm vụ đề xuất các chính sách, chiến lược về ngành hàng cà phê.

+ Xây dựng, liên kết những hiệp hội. Hiện chúng ta mới chỉ có mô hình hiệp hội kinh doanh cà phê, còn lại những nhân tố khác vẫn rời rạc và ở quy mô nhỏ. Do vậy, cần tạo ra các hiệp hội mới như:


  • Hiệp hội nhà sản xuất: với mục đích kết nối quyền lợi của nông dân trồng cà phê và gia đình nhằm bảo đảm ổn định thu nhập cho họ. Trong hiệp hội này sẽ bao gồm luôn các HTX và các hội nông dân. Hiệp hội cần tổ chức, khuyến khích các hộ nông dân tập hợp lại theo mô hình HTX, nhóm hộ nông dân, hộ trang trại để giải quyết vấn đề quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cũng như tổng hợp lượng cà phê, tìm đầu ra cho sản phẩm, có như vậy thì mới dễ dàng mở rộng sản xuất, đầu tư và áp dụng khoa học công nghệ đồng bộ, Nhà nước, các doanh nghiệp hỗ trợ vốn, kĩ thuật, máy móc cũng dễ hơn, đảm bảo việc tuyên truyền, quản lý khi có những chính sách mới.

  • Hiệp hội các nhà xuất khẩu: xúc tiến, đàm phán, thoả thuận với các đối tác nhập khẩu, tìm hiểu thị hiếu cà phê của người tiêu dùng trên các thị trường nói chung và EU nói riêng. Bên cạnh đó, hiệp hội này cũng giải quyết luôn vấn đề các doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ cạnh tranh lẫn nhau, tranh mua tranh bán. Hiện tại Việt Nam có VICOFA là tổ chức đại diện cho các nhà xuất khẩu cà phê.

  • Hiệp hội người tiêu dùng: góp phần tạo ra kênh phân phối hợp lý, tiếp cận và phản hồi thông tin, phản ứng của thị trường một cách nhanh chóng và chính xác.

Bên cạnh đó, xây dựng Quỹ cà phê để hỗ trợ ngành hàng, cụ thể là hỗ trợ chi phí sản xuất, thu hoạch, hỗ trợ tạm trữ, tài trợ chi phí quảng cáo, nghiên cứu phát triển, xúc tiến thương mại, xuất khẩu. Nguồn vốn chính của Quỹ là từ đóng góp của các doanh nghiệp. Mặc dù hơn 90% lượng cà phê xuất khẩu hiện nay thuộc các hội viên của VICOFA nhưng nếu chỉ thu phí của các hội viên này sẽ dẫn đến sự tỵ nạnh, vì vậy, tất cả doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đều phải đóng phí vào Quỹ.

Bộ NN&PTNT đóng vai trò đại diện trong việc hoạch định và triển khai thành lập Ban. Nguồn kinh phí trong thời gian đầu sẽ huy động từ ngân sách Nhà nước và kim ngạch xuất khẩu. Các năm sau, kinh phí từ ngân sách sẽ giảm dần và tăng phần đóng góp từ kim ngạch xuất khẩu.



  • Về phía doanh nghiệp

Các doanh nghiệp cần liên kết với nông dân, HTX, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và bảo hiểm để đảm bảo được nguồn hàng ngay từ đầu, ký hợp đồng thu mua với các đối tượng này, như vậy sẽ không phải lo tranh mua nguyên liệu như hiện nay, cũng như lúc cần gom hàng sẽ dễ dàng hơn. Cùng với nông dân hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp trên cơ sở người dân đóng góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất, giá trị vườn cà phê để tổ chức sản xuất lớn theo hướng bền vững, bảo vệ tài sản, cùng hưởng lợi thông qua sản xuất, chế biến, dịch vụ. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn giúp điều tiết giá mua, giá bán hợp lý, chia sẻ thông tin thị trường, đảm bảo hiệu quả ổn định cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Hoàn thiện hệ thống tổ chức giữa các doanh nghiệp cà phê có tác động quan trọng đến phát triển ngành. Các doanh nghiệp sẽ thành lập hệ thống marketing chuyên nghiên cứu về thị trường, giá cả và kế hoạch quảng cáo khuyến mãi phù hợp. Doanh nghiệp lớn hỗ trợ vốn, giải pháp cải tiến chất lượng, trang thiết bị cho người sản xuất và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; sử dụng uy tín của mình để tiêu thụ sản phẩm cho các đơn vị đó trên cơ sở kiểm soát công nghệ, chất lượng sản phẩm, đào tạo và hướng dẫn họ sản xuất tạo ra nguồn hàng hóa đồng nhất, ổn định. Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nhiệm vụ chuyên tổ chức thu mua, cung ứng hàng xuất khẩu, đảm bảo việc cung ứng được nhanh chóng, đúng chất lượng, địa điểm. Như vậy hoạt động trong ngành có tổ chức hơn, hạn chế việc cạnh tranh lẫn nhau.



  • Về phía người trồng cà phê

Các hộ nông dân nhỏ lẻ cần chủ động tích tụ đất, liên kết lại với nhau qua mô hình HTX, hộ trang trại sản xuất lớn. Một mặt, nhận hỗ trợ từ Nhà nước và doanh nghiệp, nắm bắt các hoạt động tuyên truyền, chính sách dễ dàng hơn; mặt khác, có thể thu thập được thông tin diễn biến về tình hình thị trường cà phê kịp thời, từ đó có tổ chức dự trữ cũng như xuất bán phù hợp. Bên cạnh đó, tập hợp thành quy mô lớn sẽ có thể chủ động hơn trong việc cung ứng nguồn hàng khi các doanh nghiệp đặt các đơn hàng lớn, đồng thời giảm tình trạng bị ép giá do số lượng ít.

Каталог: file -> downloadfile6 -> 214
214 -> CHƯƠng 1: CƠ SỞ LÝ luận của hoạT ĐỘng xuất khẩu lao đỘng 3 chưƠng 2: TỔng quan tình hình xuất khẩu lao đỘng việt nam 13 chưƠng 3: MỘt số biện pháP ĐẨy mạnh và NÂng cao hiệu quả xuất khẩu lao đỘng trong những năm tớI 30
downloadfile6 -> Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành hôm nay công ty chúng tôi Lập trình tong dai dien thoai
downloadfile6 -> NHÀ ĐẦu tư thông minh "Cuốn sách hay nhất về đầu tư từng được viết cho đến nay"
downloadfile6 -> Thế giới an ninh- thiết lập hệ thống camera quan sát với card ghi hình Hệ thống Demo bao gồm
downloadfile6 -> 1 Giới thiệu adc 0809
downloadfile6 -> BÀi giảng quản trị ngân hàng 2
downloadfile6 -> HUỲnh duy khánh các công thức tính thể TÍCH
downloadfile6 -> Dạng 1: Tính các đại lượng cơ bản (công thoát A, v0max, P, ibh, Uh, H…)
downloadfile6 -> Ách đỌc tên latinh đỗ Xuân Cẩm Giảng viên Đh huế
downloadfile6 -> I. TỔng quan về vqg tràm chim vị trí địa lý

tải về 1.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương