HỆ thống chuẩn mực kiểm toán việt nam chuẩn mực kiểm toán số 315: Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị


Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu



tải về 365.16 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích365.16 Kb.
#18523
1   2   3   4

Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu

Đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ báo cáo tài chính (hướng dẫn đoạn 25(a) Chuẩn mực này)

A105. Rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ báo cáo tài chính là những rủi ro có ảnh hưởng lan tỏa đến nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính và có ảnh hưởng tiềm tàng đến nhiều cơ sở dẫn liệu. Các rủi ro này có thể không phải là rủi ro có thể phát hiện được với các cơ sở dẫn liệu cụ thể tại các nhóm giao dịch, số dư tài khoản hoặc thông tin thuyết minh. Các rủi ro này đại diện cho các tình huống có thể làm tăng rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu, ví dụ, Ban Giám đốc khống chế kiểm soát nội bộ. Các rủi ro ở cấp độ báo cáo tài chính có thể liên quan đến việc xem xét của kiểm toán viên đối với rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận.

A106. Rủi ro ở cấp độ báo cáo tài chính có thể xuất phát từ khiếm khuyết của môi trường kiểm soát (mặc dù các rủi ro này cũng có thể liên quan đến các yếu tố khác, như tình hình kinh tế suy giảm). Ví dụ, sự thiếu năng lực của Ban Giám đốc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đối với báo cáo tài chính, do vậy, kiểm toán viên cần phải có biện pháp xử lý tổng thẻ đối với rủi ro này.

A107. Hiểu biết của kiểm toán viên về kiểm soát nội bộ có thể dẫn đến nghi ngờ đối với khả năng có thể thực hiện kiểm toán được báo cáo tài chính của đơn vị hay không. Ví dụ:



  1. Lo ngại nghiêm trọng về tính chính trực của Ban Giám đốc đơn vị dẫn đến việc kiểm toán viên kết luận rằng rủi ro do Ban Giám đốc trình bày sai các thông tin trên báo cáo tài chính lớn tới mức không thể thực hiện được cuộc kiểm toán;

  2. Lo ngại về điều kiện và độ tin cậy của hồ sơ, tài liệu của đơn vị khiến kiểm toán viên kết luận rằng khó có thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính

A108. Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 705 quy định và hướng dẫn kiểm toán viên xác định liệu có cần đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ hoặc từ chối đưa ra ý kiến, hoặc trong một vài tình huống, rút khỏi cuộc kiểm toán nếu pháp luật và các quy định cho phép.

Đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu (hướng dẫn đoạn 25(b) Chuẩn mực này)

A109. Kiểm toán viên cần xem xét rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu đối với các nhóm giao dịch, số dư tài khoản, thông tin thuyết minh vì điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho việc xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán tiếp theo ở cấp độ cơ sở dẫn liệu cần thiết để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp. Khi xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu, kiểm toán viên có thể kết luận rằng rủi ro đã xác định có ảnh hưởng lan tỏa hơn đối với tổng thể báo cáo tài chính và ảnh hưởng tiềm tàng đến nhiều cơ sở dẫn liệu.

Sử dụng các cơ sở dẫn liệu

A110. Để khẳng định rằng báo cáo tài chính tuân thủ khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, Ban Giám đốc cần khẳng định chính thức hoặc ngầm định các cơ sở dẫn liệu về việc ghi nhận, đo lường, trình bày và công bố các thành phần của báo cáo tài chính và các thuyết minh liên quan.

A111. Các cơ sở dẫn liệu được kiểm toán viên sử dụng để xem xét các loại sai sót tiềm tàng có thể xảy ra được chia thành ba loại và có thể có những dạng sau:

(a) Các cơ sở dẫn liệu đối với các nhóm giao dịch và sự kiện trong kỳ được kiểm toán:

(i) Tính hiện hữu: các giao dịch và các sự kiện được ghi nhận đã xảy ra và liên quan đến đơn vị;

(ii) Tính đầy đủ: tất cả các giao dịch và sự kiện cần ghi nhận đã được ghi nhận;

(iii) Tính chính xác: số liệu và dữ liệu liên quan đến các giao dịch và sự kiện đã ghi nhận được phản ánh một cách phù hợp;

(iv) Đúng kỳ: các giao dịch và sự kiện được ghi nhận đúng kỳ kế toán;

(v) Phân loại: các giao dịch và sự kiện được ghi nhận vào đúng tài khoản.

(b) Các cơ sở dẫn liệu đối với số dư tài khoản vào cuối kỳ:

(i) Tính hiện hữu: tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu thực sự tồn tại;

(ii) Quyền và nghĩa vụ: đơn vị nắm giữ các quyền liên quan đến tài sản thuộc sở hữu của đơn vị và đơn vị có nghĩa vụ với các khoản nợ phải trả;

(iii) Tính đầy đủ: tất cả các tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu cần ghi nhận đã được ghi nhận đầy đủ;

(iv) Đánh giá và phân bổ: tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu được thể hiện trên báo cáo tài chính theo giá trị phù hợp và những điều chỉnh liên quan đến đánh giá hoặc phân bổ đã được ghi nhận phù hợp.

(c) Các cơ sở dẫn liệu đối với các trình bày và thuyết minh:

(i) Tính hiện hữu, quyền và nghĩa vụ: các sự kiện, giao dịch và các vấn đề khác được thuyết minh thực sự đã xảy ra và có liên quan đến đơn vị;

(ii) Tính đầy đủ: tất cả các thuyết minh cần trình bày trên báo cáo tài chính đã được trình bày;

(iii) Phân loại và tính dễ hiểu: các thông tin tài chính được trình bày, diễn giải và thuyết minh hợp lý, rõ ràng, dễ hiểu;

(iv) Tính chính xác và đánh giá: thông tin tài chính và thông tin khác được trình bày hợp lý và theo giá trị phù hợp.

A112. Kiểm toán viên có thể sử dụng các cơ sở dẫn liệu được mô tả ở trên hoặc có thể diễn đạt theo cách khác với điều kiện là tất cả các nội dung nêu trên đều được đề cập tới. Ví dụ, kiểm toán viên có thể kết hợp các cơ sở dẫn liệu đối với các giao dịch và sự kiện với các cơ sở dẫn liệu đối với số dư tài khoản.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công

A113. Khi giải trình về các cơ sở dẫn liệu đối với báo cáo tài chính của các đơn vị trong lĩnh vực công, ngoài những cơ sở dẫn liệu được liệt kê ở đoạn A111 Chuẩn mực này, Ban Giám đốc thường phải khẳng định rằng các giao dịch và sự kiện đã được thực hiện tuân thủ pháp luật và các quy định. Các cơ sở dẫn liệu này cũng có thể thuộc phạm vi kiểm toán báo cáo tài chính.



Quy trình xác định rủi ro có sai sót trọng yếu (hướng dẫn đoạn 26(a) Chuẩn mực này)

A114. Thông tin thu thập được từ việc thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro, bao gồm bằng chứng kiểm toán thu được từ việc đánh giá về mặt thiết kế của các kiểm soát và xác định liệu các kiểm soát đó có được thực hiện hay không, được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán để hỗ trợ việc đánh giá rủi ro. Việc đánh giá rủi ro sẽ quyết định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán tiếp theo cần thực hiện.

A115. Phụ lục 02 Chuẩn mực này cung cấp ví dụ về các tình huống và sự kiện có thể cho thấy sự tồn tại của rủi ro có sai sót trọng yếu.

Liên hệ các kiểm soát với các cơ sở dẫn liệu (hướng dẫn đoạn 26(c) Chuẩn mực này)

A116. Trong quá trình đánh giá rủi ro, kiểm toán viên cần xác định các kiểm soát có thể ngăn chặn hoặc phát hiện và sửa chữa các sai sót trọng yếu đối với từng cơ sở dẫn liệu cụ thể. Nhìn chung, kiểm toán viên cần hiểu biết về các kiểm soát và liên hệ các kiểm soát này với các cơ sở dẫn liệu trong các chu trình và hệ thống có các kiểm soát đó, v́ bản thân từng hoạt động kiểm soát riêng lẻ thường không xử lý được rủi ro. Thông thường, chỉ khi kết hợp nhiều hoạt động kiểm soát cùng với các thành phần khác của kiểm soát nội bộ thì mới đủ để xử lý rủi ro.

A117. Ngược lại, một số hoạt động kiểm soát có thể có ảnh hưởng nhất định đến từng cơ sở dẫn liệu trong một nhóm giao dịch hoặc số dư tài khoản cụ thể. Ví dụ, các hoạt động kiểm soát mà đơn vị thiết kế nhằm đảm bảo rằng nhân viên của đơn vị sẽ kiểm đếm và ghi nhận chính xác số liệu hàng tồn kho khi kiểm kê định kỳ hàng năm sẽ liên quan trực tiếp đến cơ sở dẫn liệu là tính hiện hữu và tính đầy đủ của số dư hàng tồn kho.

A118. Các kiểm soát có thể liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến một cơ sở dẫn liệu. Kiểm soát càng ít liên quan đến cơ sở dẫn liệu thì càng kém hiệu quả trong việc ngăn chặn hoặc phát hiện và sửa chữa sai sót trong cơ sở dẫn liệu đó. Ví dụ, thủ tục soát xét của trưởng phòng kinh doanh đối với hoạt động bán hàng tại các cửa hàng cụ thể theo khu vực chỉ liên quan gián tiếp đến cơ sở dẫn liệu là tính đầy đủ của doanh thu bán hàng. Do đó, kiểm soát này có thể ít hiệu quả trong việc giảm rủi ro cho cơ sở dẫn liệu “tính đầy đủ” so với các kiểm soát khác có liên quan trực tiếp, như thủ tục đối chiếu giữa chứng từ vận chuyển với hóa đơn bán hàng.



Rủi ro đáng kể

Xác định các rủi ro đáng kể (hướng dẫn đoạn 28 Chuẩn mực này)

A119. Rủi ro đáng kể thường liên quan đến các giao dịch bất thường hoặc các vấn đề cần xét đoán. Giao dịch bất thường là các giao dịch có giá trị hoặc đặc điểm bất thường, do đó, phát sinh không thường xuyên. Các vấn đề cần xét đoán có thể bao gồm các ước tính kế toán mà việc xác định giá trị các ước tính đó chứa đựng yếu tố không chắc chắn đáng kể. Các giao dịch thường xuyên, đơn giản được xử lý một cách có hệ thống thường ít phát sinh rủi ro đáng kể.

A120. Đối với các giao dịch bất thường, rủi ro có sai sót trọng yếu thường nhiều hơn và phát sinh từ các vấn đề như:



  1. Sự can thiệp nhiều hơn của Ban Giám đốc vào việc hạch toán kế toán;

  2. Can thiệp thủ công nhiều hơn vào quá trình thu thập và xử lý dữ liệu;

  3. Các tính toán hoặc nguyên tắc kế toán phức tạp;

  4. Tính chất của giao dịch không thường xuyên khiến đơn vị khó có thể thực hiện các kiểm soát một cách hiệu quả đối với những rủi ro đó.

A121. Đối với các vấn đề cần xét đoán quan trọng liên quan đến các ước tính kế toán, rủi ro có sai sót trọng yếu thường nhiều hơn và phát sinh từ các vấn đề như:

  1. Nguyên tắc kế toán đối với các ước tính kế toán hoặc ghi nhận doanh thu có thể được diễn giải theo cách khác nhau;

  2. Các xét đoán cần thiết có thể mang tính chủ quan hoặc phức tạp hoặc cần các giả định về ảnh hưởng của các sự kiện xảy ra trong tương lai, như xét đoán về giá trị hợp lý.

A122. Đoạn 15 - 21 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 330 quy định ảnh hưởng của việc xác định một rủi ro là đáng kể đối với các thủ tục kiểm toán tiếp theo.

Rủi ro đáng kể liên quan đến rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận

A123. Đoạn 25 - 27 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 240 quy định chi tiết hơn về việc xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận.

Tìm hiểu các kiểm soát liên quan đến các rủi ro đáng kể (hướng dẫn đoạn 29 Chuẩn mực này)

A124. Mặc dù rủi ro liên quan đến các vấn đề bất thường hoặc các vấn đề cần xét đoán thường không thuộc phạm vi của các kiểm soát thông thường, Ban Giám đốc vẫn có thể có các biện pháp khác để xử lý những rủi ro đó. Do vậy, kiểm toán viên cần tìm hiểu xem đơn vị có thiết kế và thực hiện các kiểm soát đối với rủi ro đáng kể phát sinh từ các vấn đề bất thường hoặc vấn đề cần xét đoán hay không, liệu Ban Giám đốc có biện pháp đối với những rủi ro đó hay không và biện pháp như thế nào. Những biện pháp có thể gồm:


  1. Các hoạt động kiểm soát như soát xét các giả định của các cấp quản lý hoặc các chuyên gia;

  2. Ghi chép lại quy trình thực hiện ước tính;

  3. Phê duyệt của Ban quản trị.

A125. Ví dụ, đối với những sự kiện chỉ xảy ra 1 lần như việc nhận được thông báo về một vụ kiện quan trọng, kiểm toán viên cần xem xét biện pháp xử lý của đơn vị, gồm những vấn đề như: vụ việc có được giao cho chuyên gia phù hợp (như chuyên gia tư vấn pháp luật trong hoặc ngoài đơn vị) không, đơn vị đã thực hiện đánh giá về những ảnh hưởng có thể xảy ra chưa và đơn vị dự định thuyết minh như thế nào về vụ việc này trong báo cáo tài chính.

A126. Trong một số trường hợp, các kiểm soát mà Ban Giám đốc áp dụng đối với các rủi ro có sai sót trọng yếu đáng kể có thể vẫn không xử lý được các rủi ro này. Đây là một biểu hiện của khiếm khuyết nghiêm trọng trong kiểm soát nội bộ của đơn vị (xem hướng dẫn tại đoạn A7 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 265).



Những rủi ro mà nếu chỉ thực hiện các thử nghiệm cơ bản sẽ không cung cấp đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp (hướng dẫn đoạn 30 Chuẩn mực này)

A127. Rủi ro có sai sót trọng yếu có thể liên quan trực tiếp tới việc ghi chép các nhóm giao dịch hoặc số dư các tài khoản phát sinh thường xuyên và việc lập báo cáo tài chính một cách đáng tin cậy. Những rủi ro như vậy có thể bao gồm rủi ro về xử lý không chính xác hoặc không đầy đủ các nhóm giao dịch quan trọng và thường xuyên như doanh thu, mua hàng, thu chi tiền.

A128. Khi những giao dịch kinh doanh thường xuyên đó được xử lý với mức độ tự động hóa cao, với rất ít hoặc không có sự can thiệp thủ công thì kiểm toán viên không thể chỉ áp dụng thử nghiệm cơ bản đối với các rủi ro này. Ví dụ, trường hợp này xảy ra khi một lượng lớn thông tin của đơn vị được tạo lập, ghi chép, xử lý hoặc báo cáo chỉ ở dạng thông tin điện tử như trong một hệ thống tích hợp. Trong các tình huống đó:


  1. Bằng chứng kiểm toán chỉ có thể có ở dạng thông tin điện tử và sự đầy đủ, thích hợp của bằng chứng kiểm toán thường phụ thuộc vào tính hữu hiệu của các kiểm soát đối với tính chính xác và đầy đủ của thông tin;

  2. Khả năng xảy ra việc thông tin được tạo lập hoặc bị thay đổi không phù hợp và không bị phát hiện ra có thể lớn hơn nếu các kiểm soát phù hợp không được thực hiện một cách hiệu quả.

A129. Đoạn 08 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 330 quy định các thủ tục kiểm toán tiếp theo khi phát hiện những rủi ro nêu trên.

Xem xét lại đánh giá rủi ro (hướng dẫn đoạn 31 Chuẩn mực này)

A130. Trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên có thể nhận thấy các thông tin có sự khác biệt đáng kể so với các thông tin mà kiểm toán viên đã sử dụng để đánh giá rủi ro. Ví dụ, việc đánh giá rủi ro có thể dựa vào kỳ vọng của kiểm toán viên về hoạt động hiệu quả của một số kiểm soát. Khi tiến hành thử nghiệm đối với các kiểm soát này, kiểm toán viên có thể thu thập được bằng chứng kiểm toán cho thấy các kiểm soát đó không hoạt động hiệu quả tại một số thời điểm của cuộc kiểm toán. Tương tự, khi thực hiện các thử nghiệm cơ bản, kiểm toán viên có thể phát hiện ra các sai sót về số liệu hoặc các sai sót có tần suất xảy ra lớn hơn so với dự kiến của kiểm toán viên khi đánh giá rủi ro. Trong những tình huống như vậy, việc đánh giá rủi ro có thể không phản ánh hợp lý tình hình thực tế của đơn vị và các thủ tục kiểm toán tiếp theo đã được lập kế hoạch có thể không hiệu quả trong việc phát hiện ra các sai sót trọng yếu (xem thêm các quy định và hướng dẫn tại Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 330).



Tài liệu, hồ sơ kiểm toán (hướng dẫn đoạn 32 Chuẩn mực này)

A131. Kiểm toán viên phải sử dụng xét đoán chuyên môn để xác định cách lưu hồ sơ kiểm toán theo yêu cầu ở đoạn 32 Chuẩn mực này. Ví dụ, khi kiểm toán các đơn vị nhỏ, các tài liệu này có thể được kết hợp trong tài liệu về chiến lược kiểm toán tổng thể và kế hoạch kiểm toán (xem đoạn 07 - 09 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 300). Tương tự, kết quả đánh giá rủi ro có thể được lập thành tài liệu riêng biệt, hoặc được ghi chép như một phần trong tài liệu kiểm toán về các thủ tục kiểm toán tiếp theo (xem đoạn 28 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 330). Hình thức và mức độ chi tiết của tài liệu chịu ảnh hưởng bởi tính chất, quy mô và độ phức tạp của đơn vị và kiểm soát nội bộ của đơn vị, sự sẵn có của thông tin từ phía đơn vị và phương pháp luận cũng như kỹ thuật kiểm toán áp dụng trong quá trình kiểm toán.

A132. Với những đơn vị có ngành nghề kinh doanh và các quy trình liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính không phức tạp, hồ sơ kiểm toán có thể có hình thức đơn giản và nội dung ngắn gọn. Hồ sơ kiểm toán không cần phải thể hiện toàn bộ những hiểu biết của kiểm toán viên về đơn vị và các vấn đề liên quan mà chỉ cần lưu lại những hiểu biết chính, trong đó có các thông tin mà kiểm toán viên sử dụng để đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu.

A133. Mức độ ghi chép của hồ sơ cũng có thể phản ánh kinh nghiệm và khả năng của các thành viên trong nhóm kiểm toán. Với điều kiện tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 230, so với cuộc kiểm toán được thực hiện bởi nhóm kiểm toán có nhiều kinh nghiệm, nhóm kiểm toán bao gồm những thành viên có ít kinh nghiệm hơn có thể cần có hồ sơ kiểm toán chi tiết hơn để giúp họ thu thập được những hiểu biết thích hợp về đơn vị được kiểm toán.

A134. Đối với các cuộc kiểm toán định kỳ, một số tài liệu nhất định có thể được mang sang và cập nhật, nếu cần thiết, để phản ánh những thay đổi trong hoạt động hoặc quy trình của đơn vị.
Phụ lục 01

(Hướng dẫn đoạn 04(c), 14 - 24, A69 - A104 Chuẩn mực này)



CÁC THÀNH PHẦN CỦA KIỂM SOÁT NỘI BỘ

Phụ lục này trình bày chi tiết hơn về các thành phần của kiểm soát nội bộ như đã được đề cập ở đoạn 04(c), 14 - 24 và A69 - A104 Chuẩn mực này mà các thành phần này có liên quan đến cuộc kiểm toán báo cáo tài chính.



A. Môi trường kiểm soát

Môi trường kiểm soát bao gồm các yếu tố sau:



  1. Truyền đạt thông tin và yêu cầu thực thi tính chính trực và các giá trị đạo đức: Tính hữu hiệu của các kiểm soát không thể cao hơn các giá trị đạo đức và tính chính trực của những người tạo ra, quản lý và giám sát các kiểm soát đó. Tính chính trực và hành vi đạo đức là sản phẩm của chuẩn mực về hành vi và đạo đức của đơn vị cũng như việc truyền đạt và thực thi các chuẩn mực này trong thực tế. Việc thực thi tính chính trực và các giá trị đạo đức bao gồm các nội dung như: biện pháp của Ban Giám đốc để loại bỏ hoặc giảm thiểu các động cơ xúi giục nhân viên tham gia vào các hành động thiếu trung thực, bất hợp pháp, hoặc phi đạo đức. Việc truyền đạt các chính sách của đơn vị về tính chính trực và các giá trị đạo đức có thể bao gồm truyền đạt tới nhân viên các chuẩn mực hành vi thông qua các chính sách của đơn vị, các quy tắc đạo đức và bằng tấm gương điển hình.

  2. Cam kết về năng lực: Năng lực là kiến thức và các kỹ năng cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ thuộc phạm vi công việc của từng cá nhân.

  3. Sự tham gia của Ban quản trị: Ban quản trị có ảnh hưởng đáng kể đến nhận thức về kiểm soát của đơn vị. Ban quản trị có trách nhiệm quan trọng và trách nhiệm đó được đề cập trong các chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và quy định khác, hoặc trong các hướng dẫn do Ban quản trị ban hành. Ngoài ra, Ban quản trị còn có trách nhiệm giám sát việc thiết kế và hiệu quả hoạt động của các thủ tục báo cáo sai phạm và các thủ tục soát xét tính hiệu quả của kiểm soát nội bộ của đơn vị.

  4. Triết lý và phong cách điều hành của Ban Giám đốc: Triết lý và phong cách điều hành của Ban Giám đốc có nhiều đặc điểm, như quan điểm, thái độ và hành động của Ban Giám đốc đối với việc lập và trình bày báo cáo tài chính có thể được thể hiện qua việc lựa chọn các nguyên tắc kế toán một cách thận trọng hoặc ít thận trọng khi có nhiều lựa chọn khác nhau về nguyên tắc kế toán, hoặc sự kín kẽ và thận trọng khi xây dựng các ước tính kế toán.

  5. Cơ cấu tổ chức: Việc thiết lập một cơ cấu tổ chức thích hợp gồm việc xem xét, cân nhắc các vấn đề chính về quyền hạn, trách nhiệm và các kênh báo cáo phù hợp. Sự phù hợp của cơ cấu tổ chức phụ thuộc một phần vào quy mô và đặc điểm hoạt động của đơn vị.

  6. Phân công quyền hạn và trách nhiệm: Việc phân công quyền hạn và trách nhiệm có thể bao gồm các chính sách liên quan đến thông lệ phổ biến, hiểu biết và kinh nghiệm của các nhân sự chủ chốt, và các nguồn lực được cung cấp để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, việc phân công có thể bao gồm các chính sách và trao đổi thông tin để đảm bảo rằng tất cả nhân viên đều hiểu được mục tiêu của đơn vị, hiểu được hành động của mỗi cá nhân có liên quan với nhau như thế nào và đóng góp như thế nào vào các mục tiêu đó, và nhận thức được mỗi cá nhân sẽ chịu trách nhiệm như thế nào và chịu trách nhiệm về cái gì.

  7. Các chính sách và thông lệ về nhân sự: Các chính sách và thông lệ về nhân sự thường cho thấy các vấn đề quan trọng liên quan tới nhận thức về kiểm soát của đơn vị. Ví dụ, tiêu chuẩn về tuyển dụng các ứng viên có trình độ cao nhất (chú trọng về nền tảng giáo dục, kinh nghiệm làm việc trước đó, các thành tích trong quá khứ và các bằng chứng về tính chính trực và hành vi đạo đức) thể hiện cam kết của đơn vị đối với những người có năng lực và đáng tin cậy. Các chính sách đào tạo trong đó truyền đạt vai trò và nhiệm vụ tương lai, gồm các hoạt động như tổ chức trường đào tạo và hội thảo, thể hiện yêu cầu về kết quả công việc và hành vi mong đợi. Việc đề bạt dựa trên đánh giá định kỳ về hiệu quả công việc thể hiện cam kết của đơn vị trong việc bổ nhiệm những nhân sự có khả năng vào những trọng trách cao hơn.

B. Quy trình đánh giá rủi ro của đơn vị

  1. Cho mục tiêu lập và trình bày báo cáo tài chính, quy trình đánh giá rủi ro của đơn vị bao gồm việc Ban Giám đốc xác định các rủi ro kinh doanh có liên quan như thế nào đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính, ước tính độ rủi ro, đánh giá khả năng xảy ra rủi ro và quyết định các hành động nhằm xử lý, quản trị rủi ro và kết quả thu được. Ví dụ, quy trình đánh giá rủi ro của đơn vị có thể gồm đánh giá cách đơn vị xem xét khả năng ghi nhận thiếu các giao dịch, hoặc cách xác định và phân tích các ước tính quan trọng được ghi nhận trên báo cáo tài chính.

  2. Các rủi ro liên quan đến độ tin cậy của báo cáo tài chính bao gồm các sự kiện trong hay ngoài đơn vị, các giao dịch hoặc các tình huống có thể phát sinh và có ảnh hưởng bất lợi đến khả năng tạo lập, ghi chép, xử lý và báo cáo dữ liệu tài chính phù hợp với các cơ sở dẫn liệu của Ban Giám đốc trong báo cáo tài chính. Ban Giám đốc có thể lập các chương trình, kế hoạch hoặc hành động để xử lý những rủi ro cụ thể hoặc quyết định chấp nhận rủi ro do tính đến hiệu quả kinh tế hay do xem xét các yếu tố khác. Các rủi ro có thể phát sinh hoặc thay đổi trong các tình huống như:

- Những thay đổi trong môi trường hoạt động: Những thay đổi trong môi trường pháp lý hoặc môi trường hoạt động có thể dẫn đến những thay đổi về áp lực cạnh tranh và các rủi ro khác nhau đáng kể;

- Nhân sự mới: Những nhân sự mới có thể có hiểu biết và những trọng tâm khác về kiểm soát nội bộ;

- Hệ thống thông tin mới hoặc được chỉnh sửa: Những thay đổi quan trọng và nhanh chóng trong hệ thống thông tin có thể làm thay đổi các rủi ro liên quan đến kiểm soát nội bộ;

- Tăng trưởng nhanh: Việc mở rộng đáng kể hoạt động một cách nhanh chóng có thể tạo áp lực đối với các kiểm soát và làm tăng rủi ro kiểm soát bị thất bại;

- Công nghệ mới: Việc áp dụng các công nghệ mới vào quá trình sản xuất hoặc vào hệ thống thông tin có thể làm thay đổi rủi ro trong kiểm soát nội bộ;

- Các hoạt động, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới: Việc tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh hoặc các giao dịch mà đơn vị có ít kinh nghiệm có thể dẫn tới những rủi ro mới liên quan đến kiểm soát nội bộ;

- Tái cơ cấu đơn vị: Việc tái cơ cấu có thể dẫn đến giảm biên chế, thay đổi quản lý hay thay đổi sự phân nhiệm làm thay đổi rủi ro liên quan đến kiểm soát nội bộ;

- Mở rộng các hoạt động ở nước ngoài: Việc mở rộng hay mua lại các hoạt động ở nước ngoài dẫn đến các rủi ro mới và khác thường, mà có thể ảnh hưởng đến kiểm soát nội bộ, ví dụ gia tăng hoặc thay đổi các rủi ro từ các giao dịch ngoại tệ;

- Áp dụng các quy định kế toán mới: Việc áp dụng nguyên tắc kế toán mới hoặc thay đổi nguyên tắc kế toán có thể ảnh hưởng đến các rủi ro trong quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính.

C. Hệ thống thông tin liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính, bao gồm các quy trình kinh doanh có liên quan, và trao đổi thông tin

  1. Một hệ thống thông tin bao gồm các máy móc thiết bị (phần cứng), phần mềm, nhân sự, thủ tục và dữ liệu. Nhiều hệ thống thông tin sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin (IT).

  2. Hệ thống thông tin liên quan đến mục tiêu lập và trình bày báo cáo tài chính, gồm hệ thống báo cáo tài chính, trong đó có các phương pháp và ghi chép để:

- Xác định và ghi nhận tất cả các giao dịch có hiệu lực;

- Mô tả các giao dịch một cách kịp thời, chi tiết để cho phép phân loại phù hợp các giao dịch để lập và trình bày báo cáo tài chính;

- Đo lường giá trị của các giao dịch để đảm bảo giá trị giao dịch được phản ánh hợp lý trong báo cáo tài chính;

- Xác định thời kỳ diễn ra giao dịch để ghi nhận giao dịch đúng kỳ kế toán;

- Trình bày thích hợp các giao dịch và các thuyết minh liên quan trên báo cáo tài chính.


  1. Chất lượng của thông tin tạo ra từ hệ thống sẽ ảnh hưởng đến khả năng Ban Giám đốc đưa ra các quyết định phù hợp trong việc quản lý và kiểm soát các hoạt động của đơn vị và lập báo cáo tài chính một cách đáng tin cậy.

  2. Việc trao đổi thông tin, liên quan đến việc cung cấp những hiểu biết về vai trò và trách nhiệm của cá nhân gắn liền với kiểm soát nội bộ đối với việc lập và trình bày báo cáo tài chính, có thể ở dạng tài liệu hướng dẫn về chính sách, hướng dẫn về kế toán và lập báo cáo tài chính. Việc trao đổi thông tin cũng có thể ở dạng điện tử, bằng lời nói và qua những hành động của Ban Giám đốc.


Каталог: Upload -> Video
Video -> TỔng cục thuế
Video -> Ngày 29 tháng 06 năm 2006
Video -> Căn cứ Nghị định số 129/2013/NĐ-cp ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt VI phạm hanh chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế
Video -> V/v tính và quyết toán thuế tncn cho người nước ngoài
Video -> Chuẩn mực việt nam về HỢP ĐỒng dịch vụ soát xét chuẩn mực số 2410: Soát xét thông tin tài chính giữa niên độ do kiểm toán viên độc lập của đơn vị thực hiện
Video -> HỆ thống chuẩn mực kiểm toán việt nam số 1000 Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành
Video -> Khu công nghiệp Biên Hòa II, tp
Video -> Phòng 704, số 45 đường Võ Thị Sáu, phương Đakao, quận 1, tp
Video -> HỆ thống chuẩn mực kiểm toán việt nam chuẩn mực kiểm toán số 810: Dịch vụ báo cáo về báo cáo tài chính tóm tắt
Video -> HỆ thống chuẩn mực kiểm toán việt nam chuẩn mực kiểm toán số 570: Hoạt động liên tục

tải về 365.16 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương