Hà Nội Điện Biên Phủ trên không



tải về 1.12 Mb.
trang6/18
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích1.12 Mb.
#6077
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

Theo Báo Hà Nội Mới


Đường đến "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

QĐND - Thứ Bẩy, 17/11/2012



Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" thể hiện truyền thống càng đánh càng mạnh của quân đội ta trong quá trình vừa xây dựng, vừa chiến đấu, đánh bại chiến tranh công nghệ, chiến tranh điện tử quy mô lớn của Mỹ. Trước hết, đó là kỳ tích về chiến đấu và lao động của từng chiến sĩ phòng không-không quân (PK-KQ) trực tiếp đối đầu với địch ở cấp chiến thuật, nhất là các kíp chiến đấu của các tiểu đoàn hỏa lực và các cán bộ kỹ thuật đã dũng cảm, sáng tạo từng bước đánh bại tất cả các thủ đoạn tinh vi của không quân Mỹ…

"Bửu bối" B-52?

Đầu năm 1972, để hỗ trợ cho quân ngụy đang thua ở Quảng Trị và để gây sức ép với ta trong bế tắc ở Hòa đàm Pa-ri, Mỹ đã mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ 2 đánh phá miền Bắc Việt Nam.

L
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông qua cách đánh B-52. Ảnh tư liệu.
ần đầu tiên Mỹ đã dùng B-52 leo thang đánh rộng ra từ Quảng Bình, Vinh, Thanh Hóa đến Hải Phòng và uy hiếp thủ đô Hà Nội. Bộ đội Tên lửa Hải Phòng bắn nhiều đạn, nhưng B-52 không rơi.

Lầu Năm góc vội chủ quan, tuyên bố: "Bằng kỹ thuật điện tử hiện đại, không lực Hoa Kỳ đã bịt mắt được toàn bộ hệ thống phòng không Bắc Việt. Giờ đây B-52 có thể ném bom vào bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ miền Bắc, B-52 là bất khả xâm phạm".

Bộ đội Phòng không băn khoăn lo lắng về thủ đoạn mới của địch và khả năng đánh trả của ta, trăn trở với nhận định của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng: "Khả năng sớm muộn gì Mỹ sẽ sử dụng B-52 đánh lớn vào Hà Nội để gây sức ép với ta, đang trở thành hiện thực".

Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ quán triệt quyết tâm của Bác Hồ năm xưa: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52, hay "bê" gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng", phát động cuộc thi mới: "Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, đi sâu nghiên cứu địch, thực hiện lời Bác dạy".

Tư lệnh Phòng không Lê Văn Tri giao cho Bộ Tham mưu, trực tiếp là tôi, bấy giờ là Tham mưu phó phụ trách nghiên cứu và huấn luyện chuyên về tên lửa: "Đồng chí hãy tập hợp anh em có trình độ chuyên môn và có quyết tâm cao, để nghiên cứu xây dựng tài liệu về cách đánh B-52 của tên lửa, càng sớm càng tốt".

Tôi rất lo lắng, vì nhiệm vụ này không dễ dàng gì. Là một trong ba con át chủ bài về phương tiện tấn công chiến lược của Mỹ, B-52 là loại máy bay ném bom hiện đại nhất, thường bay ở độ cao trên 10.000m, mỗi chiếc có thể mang đến 30 tấn bom, được trang bị đến 15 máy gây nhiễu các loại và được bảo vệ chặt chẽ.



Đường đến "Điện Biên Phủ trên không"

Tôi còn nhớ ngay từ năm 1962, Bác Hồ đã chỉ thị cho đồng chí Phùng Thế Tài, lúc đó là Tư lệnh Quân chủng Phòng không, cần quan tâm đầu tư nghiên cứu loại máy bay này để không bị bất ngờ.

Vào đầu năm 1966, khi Mỹ lần đầu tiên dùng B-52 đánh ra đèo Mụ Giạ (Quảng Bình), Bác đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Bộ đội PK-KQ: Đã đến lúc phòng không phải tìm cách đánh B-52. Chấp hành chỉ thị của Bác, Trung đoàn 238 - trung đoàn tên lửa thứ 2 mới ra quân đã được đưa vào khu vực Vĩnh Linh để nghiên cứu quyết đánh B-52. Bộ Tham mưu quân chủng đã cử một số cán bộ tác chiến, quân báo, đội trinh sát nhiễu, dưới sự lãnh đạo của Phó tư lệnh Hoàng Văn Khánh, vào Vĩnh Linh để cùng Trung đoàn 238 nghiên cứu nhiễu của địch và tìm cách đánh B-52.

Kết quả, ngày 17-9-1967, Trung đoàn 238 đã bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên trên miền Bắc nước ta.

Vào năm 1969, từ những kinh nghiệm, Trung đoàn 238 đã hình thành tài liệu đánh B-52 đầu tiên của tên lửa nhưng do điều kiện lúc đó nên tài liệu còn sơ khai, cần phải bổ sung nhiều.

Theo chỉ đạo của Bộ tư lệnh, Bộ Tham mưu chúng tôi đã bắt đầu thành lập ra Ban nghiên cứu biên soạn tài liệu đánh B-52 của tên lửa. Ban biên soạn gồm các cán bộ đầu ngành và cán bộ chủ chốt của Bộ Tham mưu và Trường Sĩ quan Phòng không. Tùy theo chủ đề, chúng tôi tranh thủ sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô; huy động sự đóng góp của một số cán bộ của Sư đoàn Phòng không Hà Nội, của Viện Khoa học kỹ thuật quân sự Bộ Quốc phòng; tranh thủ ý kiến cả của các cơ quan có liên quan của Bộ Tổng tham mưu; dựa vào tư liệu của Bộ và của chuyên gia Liên Xô, các tài liệu thu được của địch, kể cả khai thác các lời cung của tù binh phi công Mỹ. Nhưng thiết thực hơn, đã nghiên cứu các bản sơ kết, tổng kết kinh nghiệm của cả các trận đánh thành công lẫn thất bại của tên lửa từ khi ra quân đánh máy bay cường kích, ném bom các loại, nhất là B-52… Xuất phát từ những trận đánh B-52 của Trung đoàn 238 tại Vĩnh Linh năm 1966-1967 đến các trận đánh B-52 ở các cửa khẩu 559, Đường 9 - Nam Lào, Chiến dịch Trị Thiên năm 1972… Khảo sát kinh nghiệm đánh tập trung, hiệp đồng binh chủng, chống nhiễu của các trận chống tập kích quy mô lớn của địch vào Hà Nội năm 1966-1967, nhưng sốt dẻo nhất là các trận đánh B-52 của tên lửa những ngày tháng 4-1972.

Bộ Tham mưu Quân chủng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề khá sôi nổi.

Về nghiên cứu địch, đã đi sâu phân tích các thủ đoạn mới về kỹ, chiến thuật của địch, nhất là về các nhiễu điện tử, nhiễu ngoài đội hình, nhiễu tiêu cực, nhiễu tích cực trong đội hình, thủ đoạn phóng tên lửa Shrike chống ra-đa của ta.

Tập trung nghiên cứu điểm yếu của nhiễu điện tử. Nhận thấy không phải chỗ nào, lúc nào nhiễu cũng giống nhau, nên cần khai thác những điểm có lợi cho ta. Cần chú ý nhiễu tổng hợp của địch trong đội hình mật tập, sử dụng lực lượng quy mô lớn.

Về cách đánh của ta, sử dụng tập trung từ 2 đến 3 tiểu đoàn tên lửa hiệp đồng binh chủng đánh vào một tốp máy bay địch, trong điều kiện địch gây nhiễu tổng hợp và sử dụng rộng rãi tên lửa Shrike chống ra-đa. Bố trí đội hình phù hợp, tập trung vào hướng đường bay chủ yếu có trận địa chốt có thể cơ động hỏa lực, có trận địa cơ động vòng ngoài, đánh địch từ xa, sẵn sàng chuyển hóa thế trận, kết hợp với đánh chính diện, đánh đòn, đánh bên sườn, đánh đuổi, tạo thế trận bao vây địch, hạn chế tác hại của nhiễu.

Về xạ kích, nâng cao khả năng đánh địch trong nhiễu tạp bằng phương pháp ba điểm (T/T), nhưng cần tích cực phát sóng, tránh tư tưởng ngại Shrike địch; tạo khả năng bắt rõ mục tiêu để đánh bằng phương pháp hiệu quả nhất - phương pháp vượt nửa góc (пC).

Hết sức tận dụng những thành quả cải tiến khí tài của chuyên gia Liên Xô cùng các cán bộ kỹ thuật của ta để góp phần khắc phục nhiễu của địch. Sử dụng bộ khí tài quang học đặt trên nóc xe thu phát (cabin пA-00), giúp phát hiện máy bay địch trên nền nhiễu, đồng thời tránh được tên lửa Shrike của địch.

Những nội dung trên được nhóm chúng tôi tổng hợp thành tài liệu, đánh máy in Roneo, mang bìa đỏ, để phân biệt với các tài liệu khác nên anh em thường gọi là Quyển sách đỏ.

Nội dung Tài liệu đánh B-52 được tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh dần qua các Hội nghị quân chính của quân chủng, thông qua các phương án tác chiến đánh B-52 vào tháng 7 và 9 năm 1972.

Tại Hội nghị quân chính mở rộng vào tháng 10-1972, thành phần gồm các cán bộ từ cơ sở trở lên thuộc Quân chủng PK-KQ, Tài liệu đánh B-52 chính thức được thông qua. Sau đó được in và gửi xuống các tiểu đoàn tên lửa để nghiên cứu học tập, vận dụng.

Tháng 11-1972, địch dùng B-52 đánh vào Tây Nghệ An. Ngày 23-11-1972 quân chủng cử một kíp chiến đấu và một số cán bộ tham mưu xuống Tiểu đoàn 43, Tiểu đoàn 44 thuộc Trung đoàn 263 bố trí ở Tây Nghệ An để theo dõi, hỗ trợ đánh B-52 theo tài liệu mới. May mắn thay, đêm đó, tên lửa của ta đã bắn B-52 rơi tại chỗ ở biên giới Việt - Lào - Thái Lan. Phía Mỹ lần đầu tiên đã phải công nhận B-52 bị SAM 2 bắn rơi.

Những kinh nghiệm mới được bổ sung vào tài liệu. Quân chủng phát động tiếp một đợt huấn luyện đột kích về đánh B-52 cho tên lửa. Tư lệnh Quân chủng lại giao nhiệm vụ cho tôi phụ trách một số cán bộ và trắc thủ cốt cán, lần lượt đi xuống một số tiểu đoàn để huấn luyện và kiểm tra sẵn sàng chiến đấu theo phương án, phối hợp với cán bộ của các sư đoàn phòng không. Đoàn cán bộ này được anh em gọi vui là "gánh hát rong".

Cuối tháng 11-1972, phương án cuối cùng đánh B-52 đã được Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và tập thể lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu trực tiếp thông qua, sau đó được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê chuẩn.



Hiệp đấu quyết định và những bài học

Trong cuộc không kích chiến lược chủ yếu bằng B-52 cuối năm 1972, Mỹ đã huy động 4.547 lần chiếc máy bay các loại, trong đó có 663 lần chiếc B-52, tức là 1/2 số máy bay B-52 và 1/3 máy bay chiến thuật của Mỹ, ném xuống miền Bắc nước ta hàng vạn tấn bom. Nhưng kết quả Mỹ đã mất 81 máy bay hiện đại, trong đó có 34 chiếc B-52, có 16 chiếc rơi tại chỗ, mất hàng trăm phi công sừng sỏ, tỷ lệ tổn thất lớn xấp xỉ 15% - một tỷ lệ khiến Mỹ không chịu nổi, phải kết thúc chiến dịch sớm, ngoài ý muốn của Nhà Trắng và Lầu Năm góc... Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương "lực lượng phòng không-không quân cùng quân và dân miền Bắc đã làm nên một trận Điện Biên Phủ trên không vẻ vang nhất".

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân đất đối không của Việt Nam, dựa trên tác chiến của 3 thứ quân. Lực lượng PK-KQ làm nòng cốt, đánh có trọng điểm và rộng khắp với mọi đối tượng địch ở mọi độ cao, ngày cũng như đêm. Tất cả các thành phần đều lập công: Bộ đội ra-đa thông báo kịp thời, chính xác; Tên lửa đánh giỏi, bắn rơi nhiều chiếc B-52; Không quân và pháo 100mm cũng bắn rơi B-52; Cao xạ bắn rơi hàng chục máy bay cường kích các loại; Tự vệ Cơ khí Mai Động bắn rơi 1 chiếc F111A bay thấp, dân quân Hòa Bình bắn rơi 1 trực thăng cứu người lái…

Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" thể hiện nghệ thuật tác chiến phòng không Việt Nam, đỉnh cao là chiến dịch chống tập kích đường không của Mỹ: Từ trận mở đầu thắng giòn giã (18-12-1972), tới trận thắng quan trọng (20-12-1972), kết cục là trận then chốt quyết định (26-12-1972).



Trung tướng VŨ XUÂN VINH - Nguyên Tham mưu phó Quân chủng PK-KQ, nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng.

Theo Quân Đội Nhân Dân Online






Ta thắng vì có “ý chí thép”, có óc sáng tạo và “bàn tay vàng”

QĐND - Thứ Hai, 26/11/2012



Ngay sau Hội thảo khoa học do Học viện Chính trị tổ chức ngày 21-11 vừa qua, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Phiệt (*) đã dành cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân cuộc trao đổi về những chiến công huyền thoại của Bộ đội Phòng không-Không quân. Dưới đây là nội dung.




Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt.
Phóng viên (PV): Thưa ông, ông đánh giá như thế nào tên lửa SAM 2 do Liên Xô viện trợ cho quân đội ta?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Tên lửa SAM 2, về khí tài hoàn toàn bắn được - thậm chí bắn tốt B-52. SAM 2 bắt được mục tiêu ở cự ly 120km; cự ly sát thương là từ 7 đến 34km. Trong khi đó máy bay B-52 tuy bay được ở độ cao hơn 20km, nhưng chỉ ném bom được ở độ cao tối đa là 17km, hiệu quả nhất là khoảng từ 9 đến 10km. 

PV: Theo ông, Mỹ có biết tính năng, tác dụng của SAM 2 không?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Mỹ chẳng những biết mà còn biết tường tận. Chắc chắn là họ “mổ xẻ” nghiên cứu SAM 2 công phu hơn quân đội ta. Vì ta đã dùng SAM 2 bắn được các loại máy bay Mỹ ngay từ những năm đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất của Mỹ năm 1965.

PV: Thế vì sao chiến công bắn rơi B-52 của Bộ đội phòng không Việt Nam lại trở thành kỳ tích?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Hơn cả kỳ tích. Vì, do biết tên lửa SAM 2 của ta do Liên Xô viện trợ bắn được B-52, nên Mỹ đã dùng hệ thống gây nhiễu điện tử cực mạnh để bảo vệ B-52. Và chính hệ thống gây nhiễu này là phương tiện phá hủy, làm tê liệt dải tần số của các loại máy thông tin và vô hiệu hóa đài ra-đa của ta, như ra-đa cảnh giới, ra-đa điều khiển tên lửa; ra-đa ngắm bắn của pháo cao xạ. Tên lửa không đối đất của Mỹ (Sơ-rai) khi bắt được sóng của ra-đa tên lửa ta phát lên còn lập tức phóng trở lại trận địa theo cánh sóng… Ngoài ra chúng còn dùng tới 18 đến 33 chiếc máy bay tiêm kích (F.4) hộ tống trước, hộ tống sau, hộ tống hai bên sườn tạo thành hàng rào khép kín; chúng lại bay toàn bộ vào ban đêm làm cho ta càng khó phát hiện mục tiêu. Theo tính toán của chuyên gia quân sự Mỹ thì đây là một kế hoạch tác chiến hoàn thiện, chặt chẽ, hạn chế tối đa khả năng chiến đấu của lực lượng PK-KQ Việt Nam. Tóm lại, khó nhất khi bắn B-52 là phải phân biệt được các loại nhiễu, để tìm đúng nhiễu B-52 và “vạch” trong nhiễu B-52 ra mục tiêu. Kíp chiến đấu gồm 8 người, nhưng chủ yếu là 5 người, gồm tiểu đoàn trưởng, sĩ quan điều khiển và 3 trắc thủ trong thời gian chừng 60 giây phải phát hiện được thì mới điều khiển tên lửa bắn trúng mục tiêu. Cũng phải nói thêm một khó khăn không nhỏ nữa là trước mỗi lần chuẩn bị cho B-52 vào Hà Nội, chúng còn dùng lực lượng không quân tiêm kích đánh phủ đầu các sân bay, chế áp quyết liệt các trận địa hỏa lực tên lửa, loại trừ hoàn toàn sự uy hiếp của lực lượng đánh B-52 của ta là Tên lửa phòng không và Không quân tiêm kích.

PV: Bộ đội Phòng không làm thế nào để "vạch" được nhiễu B-52?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Chính đây là câu hỏi cần phải lý giải nhất. Khó khăn cũng ở đây, đòi hỏi bản lĩnh, ý chí, trí tuệ cũng ở đây. Thậm chí cái gọi là “bí mật” bắn rơi B-52 cũng ở đây. Tuy nhiên, nếu hiểu văn hóa, truyền thống Việt Nam; hiểu Đảng ta, hiểu Bác Hồ; hiểu Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; hiểu sức mạnh của cuộc chiến tranh chính nghĩa, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thì lại rất dễ lý giải. Bốn mươi năm qua chúng ta cũng đã nói đến rất nhiều, tôi chỉ trao đổi thêm một số ý. Để có được sự bình tĩnh, để có được mưu trí, sáng tạo, sự tinh tường của đôi mắt, sự khéo léo của đôi tay để điều khiển quả đạn vào trúng mục tiêu B-52 là một quá trình rèn luyện cực kỳ gian khổ của Bộ đội Phòng không. Chúng tôi đã phải luyện tập, quan sát ngày đêm để thuộc địa hình, địa vật, thuộc bầu trời Hà Nội 24/24 giờ như “thuộc lòng bàn tay”, để bất cứ sự xuất hiện lạ nào trên bầu trời Thủ đô đều không qua được mắt của Bộ đội Phòng không. Đồng thời chúng tôi cũng phải nghiên cứu kỹ các thủ đoạn của địch; nghiên cứu về chiến thuật, về cách đánh B-52… Còn nói về quá trình rèn luyện của Bộ đội Phòng không như thế nào thì quả là một câu chuyện dài, sách báo của ta cũng đã đề cập đến nhiều. 

PV: Quá trình rèn luyện, học tập, nghiên cứu không chỉ gian khổ mà còn cả hy sinh nữa?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Đúng thế, để “làm chủ được 60 giây” ta tổn thất và hy sinh xương máu không nhỏ. Gần nhất là đêm 16-4-1972, B-52 vào Hải Phòng Bộ đội Phòng không đã bắn hơn 90 quả tên lửa mà không tiêu diệt được chiếc B-52 nào. Còn tháng 12-1972 chúng đánh vào Hà Nội ta cũng phải mất đến 4 trận đầu không thắng…

PV: "Pháo đài bay B-52" cũng có những điểm yếu chứ?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Thậm chí có những yếu điểm chí tử, ví dụ do mang nặng tới hơn 30 tấn nên B-52 luôn luôn bay ổn định ở một độ cao nhất định, trước khi thả bom phải bay trên đường bay thẳng chừng 40km và khi thả bom thì phải nghiêng cánh, đây là thời điểm ra-đa của ta phát hiện ra B-52 thuận lợi nhất. Nhiễu B-52 cũng nặng và dày hơn nhiễu các loại máy bay khác. Đó là chưa nói đến những yếu điểm của yếu điểm về "trạng thái tinh thần trong cuộc chiến tranh  phi nghĩa". Chính vì thế, sau vài trận bắn B-52 bộ đội ta lạc quan nói: Đi “đơm đó B-52”. Mỹ nhận ra thất bại, kết thúc chiến dịch, chứ nếu đưa tiếp B-52 vào đánh Hà Nội thì tôi bảo đảm ta sẽ tiêu diệt hết B-52. 

PV: Có lẽ đến nay đối phương vẫn nghĩ ta còn “bí mật” trong đánh B-52?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Không chỉ đối phương mà nhiều nhà nghiên cứu quân sự trên thế giới cũng nghĩ thế. Nghĩ thế là sai lầm, ta có nghiên cứu, phân tích các loại nhiễu của địch; có cải tiến nhỏ một số khí tài khác cho phù hợp với địa hình, địa vật của ta, nhưng tuyệt nhiên không có cải tiến gì tên lửa SAM 2. Sau này ta cũng không giấu gì cách đánh B-52 - mà thực tế có gì mà giấu. Nhưng đối phương lại cố tình không hiểu sức mạnh của chiến tranh chính nghĩa - chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; sức mạnh của trạng thái chính trị tốt; sức mạnh của tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đúng như đồng chí Thiếu tướng Khư-pe-nen, Trưởng đoàn Chuyên gia Liên Xô đã từng phát biểu với Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân: “Trao vũ khí tên lửa cho các bạn Việt Nam là chúng tôi trao nó cho những bộ óc sáng tạo và những bàn tay vàng”.

PV: Ông có thể dẫn chứng về sức mạnh của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Ta bảo vệ Tổ quốc ta. Ta bảo vệ bầu trời của ta. Ta lại biết trước âm mưu của địch, nên Bộ đội Phòng không đã xây dựng thế trận, bố trí trận địa và luyện tập từ trước nhiều năm, chỉ có đợi B-52 vào là đánh. Tôi nghĩ  nếu bị động, lại không quen địa hình, địa vật  thì có tài giỏi mấy cũng không thể chiến thắng được. Đó chính là ưu thế của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ưu thế đó "không mua, không bán" được.



PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

HUY THIÊM (thực hiện)

 (*) Nguyên Phó tư lệnh về chính trị, nguyên Bí thư Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân.

Theo Quân Đội Nhân Dân Online




Biến "không thể" thành "có thể"

và giành chiến thắng

QĐND - Chủ Nhật, 25/11/2012



"Vượt không” là yêu cầu luyện tập của Bộ đội Không quân Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề về kỹ thuật, biến cái "không thể" thành "có thể" là dùng máy bay Mig-21, do Liên Xô chế tạo, viện trợ để đánh B-52. Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Tuân khẳng định như vậy trong bài tham luận tại Hội thảo khoa học do Học viện Chính trị tổ chức ngày 21-11 vừa qua.

Biến "không thể" thành "có thể"      

Mặc dù trước chiến dịch đánh B-52, không quân ta đã mở nhiều mặt trận trên không thắng lợi, càng đánh càng thắng, loại máy bay nào cũng đã từng đánh thắng. Mục tiêu trên không, trên đất, trên biển đều lập công. Tuy nhiên B-52 thì khác. Đây là loại máy bay ném bom chiến lược, bay xa, mang được tới 30 tấn bom đạn, được trang bị các thiết bị tác chiến hiện đại (ném bom qua màn hình ra -đa, có thiết bị chống nhiễu tích cực, nhiễu cản ra -đa trên không và trên mặt đất), có tên lửa “nhử mồi” đánh lạc hướng tên lửa của ta, có cả vũ khí bắn trả máy bay Mic khi vào tấn công chúng... Đây là loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ lúc bấy giờ. Chúng lại đánh vào ban đêm để hạn chế tối đa khả năng phát hiện của phi công ta. Hỗ trợ cho B-52 là nhiều tốp máy bay khác bay trước, bay sau, bay hai bên, vừa đánh các sân bay của ta, vừa tiêm kích chặn trên đường khi máy bay ta tiếp cận B-52, vừa gây nhiễu điện tử để bịt mắt dẫn đường của ra -đa và thông tin liên lạc của ta. Trong khi Không quân Việt Nam chỉ có một phi đội đánh đêm với 10 phi công vừa được huấn luyện cấp tốc bên Liên Xô về. Mig-21 tuy tính năng cơ động tốt, nhưng thiết bị tác chiến điện tử, nhất là ra -đa phát hiện mục tiêu trên không kém hơn rất nhiều so với B-52; phương tiện dẫn đường hạn chế, địa hình lại hẹp, sân bay chủ yếu bảo đảm cất được cánh, còn hạ cánh rất khó khăn nguy hiểm, nhất là hạ cánh ban đêm thì vô cùng khó khăn… Tóm lại, xét thuần túy về mặt trang bị kỹ thuật thì máy bay của ta không đánh được B.52. Vậy mà trong 2 đêm 27 và 28-12-1972, Không quân Việt Nam đã tiêu diệt được 2 máy bay B-52. Đêm 28, phi công Vũ Xuân Thiều tiếp cận B-52 bắn rất gần và quả cảm lao cả máy bay vào tiêu diệt B-52 (Đêm 27, đồng chí Phạm Tuân bắn cháy B-52 và trở về mặt đất an toàn  - N.V).

 “Vượt không”   

Đó là kết quả của những đợt luyện tập “có một không hai” của Không quân Việt Nam, nhất là đội ngũ phi công. Thật khó mà kể hết những đợt luyện tập đặc biệt ấy. Chúng tôi nghĩ cần viết lại thành sách thật tỉ mỉ để truyền lại cho con cháu mai sau. ở đây, tôi chỉ xin nêu một số hoàn cảnh luyện tập và một số trận đánh.

Luyện tập bắn B-52 lúc đó với mỗi phi công đều là niềm ao ước được bay nhiều, bay những bài tập khó, mong được trực ban, được xuất kích nhiều để rèn luyện. Chúng tôi bay ở những đường băng ngắn hẹp, cất cánh luyện tập mang cả tên lửa  bổ trợ để vào chiến đấu có thể cất cánh ở những bãi đất có cự ly ngắn; tập đánh chặn bằng mắt, không dùng ra -đa, hay bay theo vệt khói máy bay vận tải… tất cả thực hiện trong điều kiện ban đêm. Nhiều bài tập vượt ra ngoài quy chuẩn an toàn quy định cho mỗi loại máy bay, nhưng chúng tôi đã bay, bay tốt và đặc biệt phi đội bay đêm không hề xảy ra tai nạn trong huấn luyện. Ngày 12-4-1972, khi có dấu hiệu B-52 vào Hà Nội, phi công Vũ Đình Rạng đã được lệnh cất cánh trong điều kiện miền Bắc thời tiết rất xấu, mây thấp, tầm nhìn gần như bằng không. Sau khi xuất kích không gặp địch, đồng chí Rạng về sân bay nhiều lần bay xuống nhưng không thấy đường băng, hết dầu phải nhảy dù. Nhiều phi công được giao nhiệm vụ bay vào Bắc Trường Sơn để đánh, đuổi B-52. Có thời gian được giao nhiệm vụ đi sâu vào Tây Trường Sơn, bay hết dầu đành phải nhảy dù ở bất cứ nơi nào.

Phi công Hoàng Biểu một lần bay vào chi viện cho chiến trường, bay về gặp thời tiết xấu, hết dầu phải nhảy dù ở khu vực Yên Thành, Nghệ An. Khi thảo luận về cách đánh B-52, hầu hết các phi công đều thể hiện ý chí quyết tâm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ vô điều kiện. Lúc đó, nhiều đồng chí còn thể hiện quyết tâm nếu bắn hết 2 tên lửa được trang bị vẫn không rơi, sẵn sàng đâm máy bay vào làm quả tên lửa thứ 3 để tiêu diệt B-52. Thực tế, phi công Nguyễn Tiến Sâm bắn gần máy bay lao qua điểm nổ bị tắt máy. Anh bình tĩnh mở máy lại, để trở về. Còn đêm 18-12-1972, địch huy động gần 50 lượt /chiếc B-52 đánh phá vào Hà Nội theo nhiều hướng. Trước khi B-52 vào đến mục tiêu, tất cả các sân bay của miền Bắc đều bị F-111 đánh bom, nhiều trạm ra -đa dẫn đường bị chế áp bằng tên lửa không đối đất, phi công ta cất cánh từ 3 sân bay Hòa Lạc, Vĩnh Phúc và Gia Lâm trong điều kiện đường băng đã bị trúng bom của địch. Vượt ra ngoài hỏa lực phòng không Hà Nội, tránh các tốp F-4, phi công phát hiện B-52 qua đèn dạ hàng, khi bật ra -đa tăng lực vào công kích thì lộ mục tiêu, B-52 tắt đèn cơ động để F-4 công kích. Các phi công của ta phải cơ động tránh tên lửa địch, đến khi cạn dầu phải về hạ cánh trong điều kiện sân bay bị đánh bom, không đèn chiếu sáng, không có chỉ huy, cả 3 máy bay đều hỏng. Trong đó 2 chiếc gãy càng, 1 chiếc lật ngửa nhưng may mắn phi công an toàn tiếp tục làm nhiệm vụ chiến đấu. Còn phi công Vũ Xuân Thiều, như trên đã nói, đêm 28-12 đã bay lên bám sát máy bay địch, bắn rất gần, đồng thời đâm vào B-52 để tiêu diệt chúng.



Động lực 

Thực ra thời kỳ đó, các phi công chúng tôi còn rất trẻ, đa số là học sinh phổ thông vào Trường Không quân của Liên Xô học, sau 2 năm tốt nghiệp về nước là bước ngay vào chiến đấu, nên hiểu về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về giai cấp, đấu tranh giai cấp… còn rất sơ đẳng.

Nhưng qua mỗi lần học tập, sinh hoạt chính trị về truyền thống đánh giặc của các thế hệ đi trước lại thấm dần vào mỗi người chúng tôi, khơi dậy tinh thần yêu nước, thôi thúc phải quyết tâm chiến đấu để không hổ thẹn với lớp lớp cha anh đi trước. Đặc biệt, chúng tôi được Đảng, Bác Hồ dành cho sự quan tâm lớn lao. Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần đến thăm, trực tiếp động viên và giao nhiệm vụ. Lần chúng tôi mới về nước, khi đến thăm Bộ đội Không quân, Bác dặn "cac chú phải mở màn trận trên không thắng lợi". Lần khác, Bác lại dặn “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-52, B-57 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.

Bộ đội Phòng không -Không quân nhớ mãi hình ảnh Bác Hồ đến thăm các đơn vị, gặp gỡ phi công bắn rơi máy bay Mỹ, trao tặng huy hiệu của Người. Thậm chí, Bác còn gọi những phi công có thành tích đến ăn cơm cùng Bác; không ăn cơm thì Bác cho kẹo. Một lần, tại hội trường Quân chủng, Bác bắt tay Anh hùng Nguyễn Văn Cốc (phi công bắn rơi nhiều máy bay Mỹ). Bác nói: “Bác mong cho Không quân có thêm nhiều Cốc hơn nữa”. Phải nói rằng, tình cảm cách mạng, những lời chỉ bảo, dặn dò, những cử chỉ chăm sóc ân cần, chu đáo của Bác là nguồn sức mạnh to lớn giúp chúng tôi vượt lên mọi khó khăn và vững niềm tin chiến thắng.

Chúng tôi hiểu rằng, nếu Bộ đội PK -KQ không bắn rơi B-52 trong chiến dịch quan trọng này thì sự hy sinh, mất mát của Tổ quốc sẽ là rất lớn; nó đe dọa sự mất còn của đất nước, của chế độ; cuộc đấu tranh thống nhất đất nước sẽ phải gian khổ hy sinh hơn nhiều…

Sức mạnh   

Có thể nói sức mạnh làm nên chiến thắng của chúng ta, trong đó có Bộ đội Không quân chính là kết tinh của truyền thống Việt Nam, văn hóa Việt Nam, là tinh thần và ý chí của dân tộc Việt Nam được tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh vĩ đại với con người, kết hợp giác ngộ chính trị, tình cảm chính trị và hành vi chính trị sẽ trở nên thông minh và sáng tạo để phản ứng linh hoạt trong những lúc khó khăn, nhất là trong những sự kiện lớn, những bước ngoặt, những thời cơ của đất nước, của xã hội; lại được sự giúp đỡ, chi viện to lớn có hiệu quả của bầu bạn anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc. Đặc biệt những lời căn dặn, tiên đoán thiên tài của Bác Hồ là động lực to lớn, niềm tin để Không quân nhân dân Việt Nam vượt lên muôn vàn gian khó giành chiến thắng.



Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Tuân (*)

Huy Thiêm  (lược ghi)

(*)Nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.

Theo Quân Đội Nhân Dân Online



Hiệp đồng chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng

QĐND - Chủ Nhật, 02/12/2012


Theo phân tích của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các tướng lĩnh - những người trực tiếp tham gia chiến dịch, một trong nhiều nguyên nhân làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là các lực lượng phòng không quốc gia và phòng không nhân dân đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ. Bằng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không quốc gia, phòng không nhân dân, quân và dân ta đã tạo nên hệ thống hỏa lực phòng không rộng khắp, hiểm hóc, nhiều tầng, nhiều lớp; sử dụng cả lối đánh phân tán và tập trung; đánh máy bay địch bằng mọi quy mô; đánh địch từ xa đến gần; đánh bằng cả lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động; đánh địch từ tầm thấp, đến tầm trung và tầm cao; đánh địch đến từ mọi hướng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến đấu và chiến thắng không quân Mỹ.

Trước hết phải nói đến sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị của bộ đội Phòng không – Không quân (PK-KQ) - lực lượng nòng cốt của chiến dịch. Bằng những vũ khí, trang bị, khí tài chưa thật hiện đại so với địch nhưng các đơn vị bộ đội: Ra-đa; Không quân tiêm kích; Tên lửa phòng không; Pháo cao xạ, đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với nhau trong thế trận chiến tranh nhân dân, tạo thành lực lượng PK-KQ chủ lực mạnh đủ sức chiến đấu và chiến thắng.

Mặc dù địch tìm đủ mọi cách để “bịt mắt” ta. Mỗi chiếc B-52 là một trung tâm tác chiến điện tử và đi theo nó thường có nhiều máy bay chiến thuật hộ tống, gây nhiễu. Nhưng với chức năng là lực lượng trinh sát, quản lý vùng trời, ngay trong trận đánh đầu tiên vào đêm 18-12-1972, Bộ đội Ra-đa, trực tiếp là các kíp trắc thủ của Đại đội 45 thuộc Trung đoàn Ra-đa 291 đã "vạch nhiễu tìm thù" kịp thời phát hiện, khẳng định chính xác B-52 khi chúng cách Hà Nội khoảng 500km, báo động cho các lực lượng PK-KQ sớm 25 phút để chuyển cấp SSCĐ... Với những kinh nghiệm chống nhiễu trước đó và từ trận đầu ra quân, trong suốt 12 ngày đêm của chiến dịch, Bộ đội Ra-đa luôn phát hiện sớm và xác định chính xác B-52, để thông báo, báo động cho các đơn vị, các lực lượng chuyển cấp SSCĐ, hạ quyết tâm sử dụng hỏa lực, bảo đảm bắn rơi B-52. Việc báo động sớm đã giúp nhân dân kịp thời sơ tán, xuống hầm trú ẩn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về con người. Mặt khác, Bộ đội Ra-đa đã cung cấp tình báo cho các đơn vị hỏa lực, dẫn đường cho bộ đội Không quân đánh địch trên không...

Khi mà máy bay Mỹ tập trung đánh phá các sân bay hòng vô hiệu hóa khả năng cất cánh của không quân ta, được Bộ đội Ra-đa thông báo sớm, được Bộ đội Phòng không chi viện, bảo vệ, lực lượng Không quân tiêm kích của ta đã chủ động sơ tán, bố trí máy bay ở các sân bay dã chiến, rồi từ đó bất ngờ xuất kích đánh chặn máy bay địch từ xa. Đặc biệt phi công Phạm Tuân đã trở thành người đầu tiên bắn rơi pháo đài bay B-52 của Mỹ trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không"… Bị không quân ta đánh chặn tiêu hao, đội hình của không quân Mỹ bị chia cắt, phân tán, rối loạn khiến cho cường độ nhiễu giảm đáng kể... Đây chính là điều kiện thuận lợi để Bộ đội Tên lửa ta “vít cổ” pháo đài bay B-52 Mỹ. Trong 12 ngày đêm của chiến dịch, Không quân tiêm kích Việt Nam đã bắn rơi 7 máy bay các loại, trong đó có 2 chiếc B-52.

Lực lượng chủ yếu đánh B-52 trong suốt chiến dịch là Tên lửa phòng không. Lực lượng tên lửa đã được bố trí tập trung trên các hướng chủ yếu. Đặc biệt, 50% lực lượng Tên lửa phòng không được tập trung cho địa bàn Hà Nội. Do không quân Mỹ chủ yếu dùng B-52 đánh phá vào ban đêm, ban ngày chúng sử dụng máy bay chiến thuật, do đó ban ngày quân và dân ta sử dụng Pháo phòng không, Không quân tiêm kích tập trung đánh máy bay chiến thuật để bảo vệ các trận địa tên lửa và các mục tiêu quan trọng. Lực lượng tên lửa được dành ưu tiên chủ yếu để đánh B-52 vào ban đêm... Sự hiệp đồng chặt chẽ, chi viện kịp thời của Ra-đa, Pháo phòng không, Không quân tiêm kích, đã giúp bộ đội Tên lửa bắt, bám, đánh B-52 hiệu quả ngay trong đêm đầu tiên của chiến dịch (18-12). Đặc biệt ngay sau khi Tiểu đoàn 78, Trung đoàn Tên lửa phòng không 257 phóng quả đạn đầu tiên mở màn cho chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, vào 20 giờ 13 phút Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa phòng không 261 phóng 2 quả đạn hạ 1 máy bay B-52 rơi xuống cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Kim Anh (nay là Đông Anh, Hà Nội). Đây là chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị ta bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội. Những ngày kế tiếp, các đơn vị Tên lửa liên tục bắt, bám, đánh trúng đội hình B-52 của địch, lập công xuất sắc... Trong cả chiến dịch, bộ đội Tên lửa đã bắn rơi 36 máy bay các loại, trong đó có 29 pháo đài bay B-52.

Sát cánh cùng các lực lượng còn có bộ đội Pháo Phòng không. Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, ban ngày, Pháo Phòng không phát huy cao độ khả năng, tập trung đánh các loại máy bay chiến thuật của địch khi chúng đánh phá các sân bay, trận địa tên lửa và các mục tiêu quan trọng. Ban đêm Pháo Phòng không trực tiếp tham gia đánh các máy bay chiến thuật bay thấp gây nhiễu và hộ tống trong đội hình pháo đài bay B-52. Trong toàn bộ chiến dịch, lực lượng Pháo Phòng không đã bắn rơi 29 máy bay chiến thuật các loại, đặc biệt pháo 100mm đã bắn rơi 3 máy bay B-52.

Cùng với lực lượng phòng không quốc gia, lực lượng phòng không nhân dân đã có những đóng góp quan trọng làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Trong 12 ngày đêm của chiến dịch các đơn vị thuộc lực lượng phòng không của bộ đội địa phương, dân quân tự vệ chủ yếu được bố trí đón lõng bắn máy bay bay ở tầm thấp và tầm trung. Trong cả chiến dịch, lực lượng phòng không nhân dân đã bắn rơi 9 máy bay các loại.

Bằng việc tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng phù hợp, có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, chúng ta đã phát huy mọi khả năng, sức mạnh tổng hợp của các lực lượng nhằm lập thế, tạo lực có lợi để thực hiện “thắng giặc bằng thế”. Từ chỗ tưởng chừng như không thể bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 chúng ta đã buộc pháo đài bay B-52 của Mỹ rơi tơi tả trên bầu trời miền Bắc. Sau 12 ngày đêm hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, ngoan cường, mưu trí, dũng cảm, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay của giặc Mỹ, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 chiếc F-111 và 42 máy bay chiến thuật các loại. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã trở thành biểu trưng cho sức mạnh tinh thần, sức mạnh tổng hợp từ sự hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng và sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Bài học kinh nghiệm quý báu về sự phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng trong chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn có ý nghĩa hết sức quý giá trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN hiện nay.

PHÙNG KIM LÂN

Theo Quân Đội Nhân Dân Online






Каталог: upload -> download
download -> Nq-qh11 Tiêu đề: nghị quyết số 45/2005/nq-qh11 CỦa quốc hội về việc thi hành bộ luật dân sự
download -> CÔng ty cổ phầN ĐẦu tư dna cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
download -> Biểu tượng của khí phách kiên cường và sức mạnh sáng tạo
download -> Ngoại giao Việt Nam 67 năm: Vươn tới những tầm cao mới
download -> Chuẩn nén hình ảnh là gì?
download -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng và CÀI ĐẶt lập trình tổng đÀI ĐIỆn thoại ike ike 308 ac ike 416 hc ike 832 vc ike 816 bc
download -> Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, nâng lên tầm cao mới tư tưởng độc lập tự chủ, hòa bình và hội nhập thế giới một truyền thống lâu đời của chính trị Việt Nam
download -> Bảng Giá Bán Lẻ Dây & Cáp Điện Số: 01/09. 09. 2014/lkh-r

tải về 1.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương