Hà Nội, 2012 MỤc lụC 6 phần mở ĐẦU 7 phần I: hiện trạng 9


I.3. Những nguyên nhân trực tiếp gây suy giảm, suy thoái ĐDSH Việt Nam



tải về 0.5 Mb.
trang4/10
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích0.5 Mb.
#12952
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

I.3. Những nguyên nhân trực tiếp gây suy giảm, suy thoái ĐDSH Việt Nam

I.3.1. Khai thác trái phép và quá mức tài nguyên sinh vật


Việc khai thác trái phép các loài hoang dã phục vụ nhu cầu sinh sống, giải trí hoặc thương mại đã đẩy nhiều loài động vật của Việt Nam đến bờ vực của tuyệt chủng trong tự nhiên và gây sức ép nghiêm trọng lên các quần thể khác. Trong năm 2010, Cục Kiểm Lâm đã thu giữ trên 34.000 tấn gồm gần 13.000 cá thể động vật hoang dã bị buôn bán trái phép.

Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã và xem chúng là thần dược như sừng tê giác, cao hổ cốt, mật gấu đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người và họ sẵn sàng trả giá cao để có được các sản phẩm này. Nhiều loài là đối tượng săn lùng đã giảm số lượng đến mức các thương lái hiện tại đã nhập cả động vật hoang dã và sản phẩm của chúng từ các nước khác, như hầu hết tê tê gần đây được nhập lậu từ Malayxia, Myamar và Indonexia; sừng tê giác được vận chuyển từ Nam Phi. Thông tin từ CITES cho thấy Việt Nam là quốc gia tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất trong khu vực.

Tình trạng buôn bán các loài động vật hoang dã và sản phẩm của chúng ngày một tăng, là nguyên nhân chính đe doạ sự tuyệt chủng của nhiều loài động vật. Ước tính ở Việt Nam hiện nay chỉ còn dưới 50 cá thể hổ ngoài tự nhiên và loài hổ đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao vì chúng đang sinh sống trong các khu rừng bị chia cắt và xuống cấp nghiêm trọng, khả năng thích nghi thấp, quần thể nhỏ, dẫn tới hiện tượng cận huyết thống.

Tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, tình trạng khai thác tận diệt các cây thuốc quý để xuất lậu qua biên giới là khá phổ biến. Ở Cao Bằng, các đầu nậu Trung Quốc đã lập ra nhiều trạm thu mua và sơ chế dược liệu của địa phương như: củ bình vôi trắng, củ bình vôi vàng, giảo cổ lam, hoàng tinh vàng, huyết đằng, cỏ nhung… Nhiều loài cây thuốc đang bị xuất lậu sang Trung Quốc đến nay vẫn chưa rõ giá trị kinh tế cũng như công dụng chữa bệnh của chúng.

Sự khai thác quá mức các loài thực vật không chỉ ảnh hưởng tới ĐDSH mà còn tới sinh kế của người dân tại các vùng nông thôn khi cuộc sống của nhiều gia đình phụ thuộc vào các sản phẩm lâm nghiệp. Các loài thực vật có giá trị kinh tế cao thường là những loài chịu rủi ro lớn, đặc biệt là các loài cây gỗ quý như: Sưa (Dalbergia tonkinensis), Trắc (D. cochinchinenssis ), Giáng hương (Pterocarpus macrocarpus), Sao (Hopea odorata), Pơ mu (Fokienia hodginsii)... Nhiều loài lâm sản ngoài gỗ khác có giá trị kinh tế cao đang bị khai thác quá mức như: Dó bầu (Aquilaria crassna), Sâm ngọc linh (Panax vietnamensis) và nhiều loài cây thuốc qúy khác cũng đang có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam.

Dân số tăng và mức độ tiêu dùng tăng cùng với việc quản lý đánh bắt kém hiệu quả cũng đang dẫn tới việc khai thác thủy sản quá mức ở nhiều vùng nước làm suy giảm tổng lượng đánh bắt. Nhiều loài thuỷ sản có giá trị cao bị suy giảm nghiêm trọng, như cá Anh vũ, cá Lăng, cá Chiên, tôm Hùm, Bào ngư, Điệp... Các kỹ thuật đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt như dùng chất nổ, chất độc và sốc điện đang lan tràn, không kiểm soát được ở cả trong đất liền và trên biển, đang là mối đe dọa cao đối với hơn 80% diện tích thảm cỏ biển và rạn san hô của nước ta.


I.3.2. Hệ sinh thái và nơi cư trú của loài bị chia cắt và suy thoái


Khai thác rừng vì mục đích thương mại: Tại Việt Nam, rừng là môi trường sống chủ yếu của phần lớn các loài động, thực vật bị đe dọa trên toàn cầu. Tuy nhiên, các khu rừng tại Việt Nam đã bị khai thác quá mức vì mục đích thương mại và phi thương mại trong nhiều thập kỷ, đã dẫn đến suy giảm mạnh về diện tích và chất lượng, trong đó còn lại rất ít diện tích rừng nguyên sinh. Hàng năm, Cục Kiểm Lâm thu giữ hàng chục ngàn m3 gỗ tròn và gỗ xẻ quý hiếm. Có trường hợp lâm tặc ngang nhiên khai thác trái phép rừng gỗ nghiến ngay tại vùng lõi của VQG, gây nhức nhối cho xã hội.

Chuyển đổi đất rừng thành đất trồng cây công nghiệp: Ở Việt Nam việc chuyển đổi đất rừng thành đất trồng cây công nghiệp là một trong những nguyên nhân chính gây mất rừng tự nhiên. Nhiều diện tích rừng tự nhiên đã bị chuyển thành đất trồng cây công nghiệp, bao gồm mía, chè, cà phê, ca cao, cao su, hồ tiêu và gần đây nhất là sắn (xuất khẩu sang Trung Quốc làm nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học). Trong năm 2008, một diện tích lớn 150.000 ha rừng khộp nghèo ( Rừng rụng lá cây họ Dầu) tại Tây Nguyên đã được phép chuyển thành đất trồng cao su. Diện tích rừng tự nhiên đã và đang suy giảm nghiêm trọng. Ước tính hiện chỉ còn khoảng 0,5 triệu ha rừng nguyên sinh, tồn tại rải rác tại khu vực Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ. Do nhu cầu tiêu dùng, nhiều loại nông lâm sản trong nước và xuất khẩu có xu hướng tăng, các khu rừng còn lại ngày càng có nguy cơ bị chuyển đổi thành đất trồng cây công nghiệp.

Phá rừng do du canh: Rất nhiều các hộ dân cư vùng cao, vùng sâu ở nước ta còn tập quán du canh dưới nhiều hình thức, thông thường là hệ thống luân canh và tạo ra đất bỏ hoang, cũng là những đe dọa trực tiếp làm mất rừng hoặc suy thoái rừng.

Mở rộng sản xuất và thâm canh nông nghiệp: Sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số dẫn đến mở rộng thâm canh nông nghiệp tại nhiều vùng đồng bằng. Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, hầu hết các đồng cỏ tự nhiên đã được cải tạo thành vùng trồng lúa. Hệ thống canh tác nông nghiệp ở mức độ thấp của Việt Nam trước đây không những tạo nên bức tranh phong phú về cảnh quan, truyền thống và văn hoá, mà còn góp phần quan trọng cho ĐDSH quốc gia và toàn cầu, nay cũng đang bị phân thành những mảnh ruộng lúa thâm canh.

Chuyển đổi các sinh cảnh ven biển: Các bãi triều ven biển là nơi sinh sống của hàng trăm loài thủy sản và các loài chim nước bản địa hoặc di cư. Việc cải tạo từng phần các bãi triều bằng cách trồng rừng ngập mặn tại vùng cửa sông Hồng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nơi trú ngụ và kiếm ăn ưa thích của nhiều loài chim di cư như loài Cò mỏ thìa (Ptelea minor).

Nhiều khu rừng ngập mặn, đầm phá, bãi triều ven biển đã bị cải tạo nhanh chóng với quy mô lớn thành các đầm nuôi tôm, bãi nuôi ngao và các hải sản khác đã khiến các khu rừng ngập mặn nguyên sinh gần như bị biến mất ở nhiều tỉnh. Kể từ năm 1943 đến 2005, ít nhất 220.000 ha rừng ngập mặn biến mất một phần do chiến tranh, mặt khác do hoạt động chặt phá và phát triển nuôi trồng thủy sản. Hàng ngàn ha rạn san hô, thảm cỏ biển ở Việt Nam đã mất đi do bị khai thác hoặc do nuôi trồng thuỷ sản trên biển. Do áp lực lớn về lợi nhuận, hầu hết hoạt động nuôi trồng thủy sản ở ven bờ và nội địa đã chuyển từ hình thức nuôi quảng canh sang thâm canh kém bền vững hơn, dẫn đến sự suy kiệt của rừng ngập mặn, mất sinh cảnh của nhiều loài chim nước và gây ô nhiễm môi trường.



Sự phát triển cơ sở hạ tầng: Sự tăng trưởng nhanh về kinh tế của Việt Nam đã làm gia tăng mạnh mẽ quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, và điều đó đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các sinh cảnh tự nhiên. Nhiều đường giao thông mới đã chia cắt các khu Vườn Quốc gia và khu Bảo tồn thiên nhiên, tạo ra những rào cản đối với sự phân bố và di chuyển của nhiều loài động vật hoang dã, hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho các mạng lưới buôn bán động vật hoang dã và gây áp lực lên quần thể các loài động, thực vật ở địa phương. Các đập và hồ chứa của thủy điện, ngoài việc tác động làm ngập các thung lũng vốn là rừng tự nhiên, còn tạo ra các rào cản đối với các loài cá di cư, làm thay đổi tập tính sinh học của nhiều loài thuỷ sinh vật, đồng thời cũng gây nhiều tác động tới dòng sông ở hạ lưu sau đập, thậm chí tới vùng cửa sông ven bờ. Nhiều công trình hồ chứa thuỷ điện không vận hành đúng quy trình, như chế độ xả lũ, bảo đảm dòng chảy môi trường...đã gây ra các sự cố thiệt hại về người, về kinh tế, ảnh hưởng mạnh đến các hệ sinh thái vùng hạ lưu.

Khai khoáng: Việc khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng đã gây ra sự mất mát đáng kể sinh cảnh tự nhiên. Khai thác đá vôi để sản xuất xi măng là một nguy cơ đối với các núi đá vôi giàu ĐDSH. Khai thác bừa bãi cát, sỏi ở các lòng sông đã phá huỷ sinh cảnh của nhiều loài thủy sản và làm thay đổi dòng chảy của nhiều con sông. Việc khai thác mỏ thiếu bền vững có thể dẫn đến ô nhiễm đối với các hệ sinh thái thuỷ vực do sự lắng đọng hoá chất độc hại, gây ảnh hưởng tiêu cực tới ĐDSH và làm suy thoái chất lượng của các hệ sinh thái đất ngập nước.

I.3.3. Ô nhiễm


Quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước. Nước thải sinh hoạt và công nghiệp không được xử lý được đổ vào các sông, hồ, không được kiểm soát chặt chẽ, đã tác động xấu đến ĐDSH của các hệ sinh thái này. Mở rộng thâm canh nông nghiệp, tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với nhiều nguồn gốc khác nhau được sử dụng ngày càng phổ biến và không kiểm soát được ở Việt Nam đã góp phần làm suy thoái các quần thể chim và côn trùng ở các vùng nông thôn và ngoại ô thành phố. Nhiều loài chim có ích chuyên tiêu diệt côn trùng có hại đã bị tiêu diệt, dẫn đến bùng phát nhiều dịch bệnh trên đồng ruộng. Nuôi cá tra, ba sa theo hình thức công nghiệp với mật độ nuôi cao ở đồng bằng sông Cửu Long cũng là một nguyên nhân gây ô nhiễm hữu cơ nhiều vực nước, tác động tới hệ sinh thái và quần xã thuỷ sinh ở đó.

I.3.4. Sự du nhập các loài ngoại lai xâm hại


Đến nay, vẫn chưa có một đánh giá tổng hợp về tác hại của các loài ngoại lai xâm hại tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự quan ngại về nguy cơ gây hại cho ĐDSH, sức khỏe con người và nền kinh tế của các loài ngoại lai xâm hại ngày càng tăng, đặc biệt là sau khi loài ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata) được nhập vào Việt Nam vào cuối những năm 1980 và nay đã lan rộng ra toàn quốc. Tính đến năm 1997, ốc bươu vàng đã gây hại cho 132.000 ha diện tích trồng lúa, gây ra thiệt hại hàng triệu USD hàng năm do sản lượng lúa bị giảm sút. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 94 loài thực vật ngoại lai di nhập vào Việt Nam, trong đó có 42 loài xâm hại, 12 loài xâm hại điển hình và đang phát triển nhanh như cây Mai dương (Mimosa pigra), Bèo nhật bản (Eichhornia crassipes). Trong số này, cây Mai dương lần đầu tiên được phát hiện tại VQG Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) năm 1995, nay xâm nhập gần như khắp nơi và đã trở thành một nguy cơ lớn tại nhiều vùng đất ngập nước trong toàn quốc. Năm 2009, Bộ NN&PTNT đã công bố danh sách 48 loài động vật thuỷ sinh ngoại lai đã xâm nhập vào Việt Nam qua nhiều đường, trong đó, 14 loài được đánh giá là gây tác động có hại đối với ĐDSH thuỷ sản. Năm 2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Danh mục các loài ngoại lai xâm hại với 33 loài ngoại lai xâm hại đã biết và 69 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

I.3.5. Biến đổi khí hậu


Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các hệ sinh thái vốn đã bị chia cắt chắc chắn sẽ phản ứng kém hơn đối với những biến đổi này và có thể không tránh khỏi sự mất mát với tốc độ rất cao các loài sinh vật. Theo kịch bản do Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường xây dựng, nếu nước biển dâng cao từ 75cm đến 1m thì khoảng 20 - 38% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng bị ngập; 78 trong số 286 “sinh cảnh sống tự nhiên trọng yếu” (tương đương 27%), 46 khu bảo tồn (tương đương 33%), 9 khu ĐDSH có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế (23%) và 23 khu ĐDSH khác ở Việt Nam sẽ bị tác động nghiêm trọng. Nhiều loài động thực vật hoang dã sẽ phải chịu áp lực ngày càng tăng do phải thay đổi nơi cư trú, nguồn thức ăn bị thay đổi và thiên tai như lũ lụt, hạn hán và mưa bão sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Một số loài thực vật và động vật có xương sống có thể sẽ tuyệt chủng trong thế kỷ tới do tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đến nay hiểu biết về tác động của biến đổi khí hậu tới đa dạng Việt Nam vẫn chưa được đầy đủ.


tải về 0.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương