Hà Nội, 2012 MỤc lụC 6 phần mở ĐẦU 7 phần I: hiện trạng 9


I.2. Bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH Việt Nam



tải về 0.5 Mb.
trang3/10
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích0.5 Mb.
#12952
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

I.2. Bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH Việt Nam

I.2.1. Chính sách và khung pháp lý


Việt Nam là một trong những quốc gia ban hành khung chính sách và pháp lý về bảo tồn ĐDSH vào loại sớm nhất tại khu vực Đông Nam Á.Việt Nam cũng đã thể hiện những cam kết của Chính phủ khi tham gia các điều ước quốc tế như Công ước ĐDSH (CBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar), Công ước buôn bán động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm (CITES).... Những văn bản pháp lý đầu tiên khoảng đầu những năm 1960 đã tạo nền tảng cho việc thành lập Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương, một khu bảo tồn ĐDSH đầu tiên của Việt Nam. Nhiều bộ luật quan trọng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên đã được ban hành, đó là: Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991 (sửa đổi, bổ sung năm 2004); Luật Đất đai năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 1998 và 2003); Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 2005); Luật Tài nguyên nước năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2012); Luật Thủy sản năm 2003. Đặc biệt, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 là một bước ngoặt đối với công tác bảo tồn ĐDSH. Lần đầu tiên, các nguyên tắc và ưu tiên bảo tồn ĐDSH được đưa thành luật riêng, quy định các nguyên tắc, nhiệm vụ bảo tồn ĐDSH cấp quốc gia, cấp bộ ngành và địa phương, tạo cơ sở pháp lý để các cộng động địa phương tham gia bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua các cơ chế mới về chia sẻ lợi ích.

Các Kế hoạch hành động (KHHĐ) về ĐDSH đã được ban hành như KHHĐ 1995 và KHHĐ 2007. Đây là những khuôn khổ pháp lý phối hợp toàn bộ các hoạt động bảo tồn ĐDSH tại Việt Nam, từ trung ương tới địa phương. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chiến lược, kế hoạch, quy hoạch liên quan đến bảo tồn và phát triển ĐDSH.


I.2.2. Hệ thống tổ chức


Luật ĐDSH đã quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đa dạng sinh học; Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ĐDSH; bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về ĐDSH theo phân công của Chính phủ; ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về ĐDSH theo phân cấp của Chính phủ.

Ở cấp quốc gia, những cơ quan chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp về ĐDSH là Cục Bảo tồn ĐDSH thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cục Kiểm lâm, Vụ Bảo tồn thiên nhiên của Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thuộc Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT). Công tác quản lý các khu bảo tồn đã được phân công trách nhiệm đến địa phương. Hầu hết các khu bảo tồn đã có Ban quản lý khu bảo tồn.

Tại địa phương, chính quyền tỉnh và các sở TN&MT và NN&PTNT là các cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện các chính sách và kế hoạch quốc gia về ĐDSH.

Hệ thống các cơ sở nghiên cứu và đào tạo về ĐDSH rộng khắp đã thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học và có những kết quả quan trọng như điều tra tình trạng ĐDSH của tất cả các vùng sinh thái ở Việt Nam, đồng thời phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu và quản lý bảo tồn ĐDSH.

Bên cạnh vai trò Nhà nước, nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế cũng tham gia tích cực bảo tồn ĐDSH, như Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE), Hội Khoa học và Kỹ thuật lâm Nghiệp Việt Nam (VIFA), CRES, ENV, PanNature, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Tổ chức chim quốc tế (Birdlife International), Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF), Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Tổ chức Bảo vệ động - thực vật hoang dã thế giới (FFI), Chương trình bảo tồn Rùa châu Á (ATP), Tổ chức Con người, Tài nguyên và Bảo tồn (PRCF), v..v.

I.2.3. Bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH

1. Bảo tồn tại chỗ


Đến nay, ĐDSH Việt Nam được bảo tồn trong các khu bảo tồn (KBT) hoăcbên ngoài các KBT. Hệ thống KBT trên cạn có 164 rừng đặc dụng với diện tích 2.198.744 ha (chiếm 7% diện tích tự nhiên cả nước), gồm 30 vườn quốc gia, 58 khu dự trữ thiên nhiên, 11 khu bảo tồn loài, 45 khu bảo vệ cảnh quan và 20 khu rừng thực nghiệm nghiên cứu khoa học (Báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học năm 2011).

Hệ sinh thái rừng Việt Nam là nơi cư trú và sinh sống của đa số các loài động, thực vật hoang dã, đồng thời cũng là nơi có ĐDSH cao nhất. Từ năm 1990, nhờ phát triển trồng rừng mà diện tích rừng và độ phủ của rừng tăng lên hàng năm, đạt 39,5% vào năm 2010, tuy nhiên vẫn còn thấp so với yêu cầu, vì diện tích đất trống đồi núi trọc vẫn còn tới hơn 2 triệu ha.

Các hệ sinh thái khác ở dưới nước cũng được bảo tồn. Chính phủ đã phê duyệt hệ thống 45 KBT vùng nước nội địa (năm 2008) và 16 KBT biển (năm 2010). Hiện có 5 KBT biển đang hoạt động là: Vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm, Núi Chúa, Phú Quốc và Cồn Cỏ.

Công tác bảo tồn ĐDSH bên ngoài KBT có vai trò rất quan trọng. Đã có những chương trình, đề án xây dựng hành lang ĐDSH kết nối giữa các KBT, thực hiện ở miền Trung. Cách tiếp cận bảo tồn HST và những nơi sinh cư của động vật hoang dã đã được áp dụng và bước đầu có hiệu quả. Từ năm 1998, Bộ NN&PTNT đã xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về quản lý rừng bền vững dựa trên những nguyên tắc và tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý rừng (FSC). Năm 2007, mới có một công ty trong lĩnh vực lâm nghiệp được cấp chứng chỉ Quản lý rừng FSC, đến nay đã có hơn 100 công ty thuộc nhiều loại hình sở hữu, hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng và chế biến gỗ được cấp chứng chỉ FSC.

Bảo tồn loài được thực hiện chủ yếu bằng biện pháp bảo tồn tại chỗ. Với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, một số dự án tập trung bảo tồn và giám sát các loài đã được thực hiện, như: các loài linh trưởng ở VQG Cát Bà, KBT Na Hang; sao la ở Quảng Nam và Thừa thiên- Huế; voi ở VQG Yok Don, cò thìa ở VQG Xuân Thuỷ; trai tai tượng tại các VQG, KBT biển miền Trung, Đông và Tây Nam Bộ.

Kế hoạch hành động quốc gia tăng cường kiểm soát buôn bán động, thực vật hoang dã giai đoạn 2005-2010 đã được phê chuẩn (năm 2005), trong đó xác định những loài có nguy cơ cao nhất cần ưu tiên bảo tồn. Sách đỏ Việt Nam ghi nhận các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt củng đã được xuất bản và cập nhật liên tục vào các năm 1992, 1996 , 2000 và 2007.



Công tác bảo tồn nguồn gen đã cung cấp hàng nghìn lượt vật liệu di truyền nhằm chọn giống và tạo giống nông nghiệp, thuỷ sản và dược liệu, đã góp phần phục hồi một số nguồn gen bản địa thoát khỏi tình trạng đe dọa tuyệt chủng và bắt đầu khai thác các nguồn gen đặc hữu, quý hiếm ở địa phương nhằm tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong nước phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng như : hươu sao, cá sấu, sâm ngọc linh, thảo quả, trầm hương... Song song với việc nghiên cứu tạo ra những sinh vật biến đổi gen mang các đặc tính mong muốn có giá trị cao, vấn đề quản lý an toàn sinh học đối với đối tượng này đã và đang được đặt ra nhằm giảm thiểu tối đa những rủi ro.

2. Bảo tồn chuyển chỗ


Các hoạt động bảo tồn chuyển chỗ đối với ĐDSH ở Việt Nam đã được thực hiện từ trên trăm năm nay, như tại Vườn Bách Thảo Hà Nội và Thảo Cầm Viên TP HCM. Tại Vườn thú Thủ Lệ Hà Nội và Thảo cầm viên ở TP Hồ Chí Minh, hiện đang nuôi giữ hàng trăm loài động vật hoang dã bản địa hoặc nhập nội. Tại Vườn thú Thủ Lệ đã tiến hành nhân giống thành công một số loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Đến nay, đã có 11 vườn thực vật được thành lập, chủ yếu ở các VQG nhằm sưu tầm và lưu giữ các loài thực vật đại diện của Việt Nam. Vườn Bách Thảo Hà Nội đã trồng trên 100 loài cây gỗ. Ngoài ra, còn một số các cơ sở tư nhân nuôi giữ trưng bày sinh vật biển, nuôi nhốt thú như hổ, gấu... ở một số địa phương như Hà Nội, Nghệ An, Khánh Hoà, Bình Dương nhưng mục tiêu chính không phải là bảo tồn.

Các trung tâm cứu hộ động vật: Đến nay trên cả nước có trên 10 trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Trong đó, Trung tâm cứu hộ động vật linh trưởng tại VQG Cúc Phương đã nuôi giữ 160 cá thể của 15 loài linh trưởng quý hiếm. VQG Cúc Phương cũng đã thành lập Trung tâm cứu hộ rùa và cầy hương. Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã tại Sóc Sơn (Hà Nội) thành lập từ năm 1996, đã có một số kinh nghiệm trong sinh sản nuôi nhốt. Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại VQG Tam Đảo được xây dựng trên diện tích gần 12ha và đi vào hoạt động từ 2008, được thiết kế để có đủ điều kiện chăm sóc suốt đời cho khoảng 200 - 250 cá thể gấu. Tính đến tháng 9.2011, có 84 cá thể gấu đã được cứu hộ và đang sinh sống tại Trung tâm.

Vườn cây thuốc: Theo số liệu điều tra, Việt Nam có 3.948 loài thực vật và nấm lớn thuộc 307 họ đang được sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Đã thành lập trên 10 Trung tâm nghiên cứu cây thuốc và trên 50 Vườn cây thuốc nhằm bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên giàu có này.

Ngân hàng gen và mẫu vật di truyền: Hiện tại, 4 tổ chức trong ngành nông nghiệp ở Việt Nam có kho lạnh bảo quản hạt giống là: Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam; Đại học Cần Thơ; Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm. Tuy nhiên, các kho lạnh này có quy mô tương đối nhỏ và chỉ phục vụ bảo quản trong thời gian ngắn và trung hạn. Ngân hàng gen-hạt giống của Trung tâm Tài nguyên thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã lưu giữ, bảo tồn và khai thác sử dụng hơn 20.000 mẫu giống của gần 250 loài cây trồng trong kho lạnh, lưu giữ khoảng 2.300 nguồn giống 32 loài cây cho củ, gia vị trên đồng ruộng. Các loài lúa đã được đặc biệt chú trọng bảo tồn, gồm giống lúa hoang có khả năng chống chịu côn trùng và sâu bệnh. Viện nghiên cứu cao su bảo tồn 3.340 kiểu gen và 200 mẫu vật của cây cao su. Viện Chăn nuôi quốc gia Thuỵ Phương, Hà Nội đã bảo tồn vật liệu di truyền như tinh trùng của bò u đầu rìu, Bò H’mông; phôi, tế bào và ADN của các giống lợn móng cái, lợn ỉ, lợn cỏ Nghệ An; gà hồ, gà mía, gà ri, gà Đông cảo, gà ác, bò vàng, bò cóc và hươu sao.

Phát triển nhân nuôi các loài nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao: Nhiều loài động vật hoang dã quý, hiếm trong Danh lục đỏ và Sách đỏ Việt Nam (2007) đã được phát triển về số lượng và trở thành vật nuôi khá phổ biến, như: trăn đất, trăn gấm, rắn hổ mang, lợn rừng, hươu sao. Riêng cá sấu nước ngọt đang được phục hồi nhờ chương trình tái thả lại tự nhiên tại Vườn quốc gia Cát Tiên,...Nhiều giống vật nuôi bản địa như lợn ỷ, lợn mẹo và cừu phan thiết, gà đông cảo, gà hồ và gà thuốc sơn la đã được nuôi và nhân giống bảo tồn. Gần đây đã nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công và chủ động sản xuất nguồn giống cá anh vũ, cá hô và cá ngựa thân trắng.


I.2.4. Các biện pháp hỗ trợ quản lý

1. Nguồn tài chính


a) Từ ngân sách nhà nước

Kinh phí trung bình chi cho bảo tồn ĐDSH hiện tại xấp xỉ 0,4% tổng ngân sách quốc gia, được thực hiện từ 2 nguồn: ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Trong những năm gần đây, ngân sách nhà nước dành cho các chương trình, dự án liên quan đến ĐDSH đã tăng lên, như: Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, các hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam.

Vốn ODA cũng là một nguồn tài chính đáng kể dành cho bảo tồn ĐDSH, thường chiếm từ 20-30% trong tổng kinh phí từ vốn ODA dành cho bảo vệ môi trường. Từ 2006 đến 2010, Việt Nam đã nhận được khoảng 64 triệu USD cho các hoạt động liên quan đến ĐDSH từ các nhà tài trợ quốc tế. Tuy nhiên, đến nay gần 90% kinh phí của Nhà nước dành cho ĐDSH là đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng và chỉ có 10% được phân bổ cho hoạt động quản lý và bảo tồn (Báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học năm 2011).

b) Xã hội hóa tài chính cho công tác bảo tồn ĐDSH



Cơ chế chi trả các dịch vụ hệ sinh thái: Năm 2008, cơ chế chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES) đã được nhà nước ban hành và thực hiện thí điểm tại Lâm Đồng và Sơn La. Theo đó, các đơn vị sử dụng tài nguyên nước, gồm các nhà máy thủy điện, công ty sản xuất nước đóng chai và các đơn vị khác phải chi trả cho dịch vụ môi trường. Khoảng 80-90% kinh phí thu được sẽ trả cho những người cung cấp dịch vụ môi trường, bao gồm chủ rừng, các hộ gia đình, các cộng đồng địa phương, các tổ chức kinh tế và các Ban quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, và một phần nộp Nhà nước. Từ tháng 9/2010, cơ chế chính sách này đã được mở rộng áp dụng trên toàn quốc, đồng thời mở rộng phạm vi, bao gồm cả dịch vụ hấp thụ các bon và các dịch vụ khác.

Tài chính Các bon: Cho đến nay, còn thiếu những dự án giảm các-bon liên quan đến ĐDSH. Trong khoảng 50 dự án về Cơ chế phát triển sạch (CDM) đăng ký trong nước còn tập trung chủ yếu vào hiệu quả năng lượng, chỉ có một dự án CDM tương đối nhỏ về lâm nghiệp và sử dụng đất, đó là dự án tái trồng rừng Cao Phong.

Chương trình giảm phát thải khí nhà kính từ nỗ lực giảm mất rừng và suy thoái rừng (REDD+): Từ năm 2008, Việt Nam đã hợp tác với Ngân hàng thế giới, chương trình UN-REDD và một số tổ chức phi chính phủ quốc tế nhằm xây dựng năng lực thực hiện REDD+, gồm hệ thống giảm phát thải khí nhà kính bằng nỗ lực giảm mất rừng và suy thoái rừng, đồng thời chi trả cho những người thực hiện các hoạt động REDD+ tại địa phương. Chương trình REDD+ quốc gia (NRP) đã được xây dựng trên cơ sở pháp lý của Luật ĐDSH 2008 nhằm lồng ghép bảo tồn ĐDSH vào mục tiêu tổng thể về bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng.

Bồi hoàn ĐDSH: Chương trình về bồi hoàn ĐDSH hiện được xây dựng với các nội dung về khung pháp lý và chính sách về bồi hoàn ĐDSH dựa trên Điều 75 của Luật ĐDSH.

Nguồn kinh phí đóng góp từ các doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng đóng góp tài chính cho bảo tồn ĐDSH. Tại Kiên Giang, một công ty xi măng quốc tế có tên là Holcim đã cam kết đóng góp xấp xỉ 1 triệu USD để bảo tồn các cảnh quan núi đá vôi và các loài có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm voọc bạc và sếu cổ trụi đầu đỏ. Cán bộ công nhân viên của Holcim và cộng đồng địa phương đã được đào tạo về bảo vệ môi trường.

Lượng giá kinh tế các hệ sinh thái: Trong những năm gần đây, ngày càng có thêm nhiều nghiên cứu và áp dụng phương pháp lượng giá kinh tế của các hệ sinh thái tại Việt Nam, gồm rừng, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển. Những kết quả nghiên cứu đều chỉ ra rằng dịch vụ của các hệ sinh thái đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, vào sinh kế và đời sống con người.

2. Giáo dục và đào tạo


Mạng lưới giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực quản lý và kỹ thuật bảo tồn ĐDSH tại Việt Nam đã được phát triển rộng rãi. Khoảng 20 trường đại học có các chuyên ngành đào tạo đại học liên quan đến ĐDSH, gồm sinh học, quản lý môi trường, lâm nghiệp, nông nghiệp và thủy sản. Nhiều trường đại học đã có chương trình sau đại học liên quan đến ĐDSH và quản lý và sử dụng bền vững đất ngập nước, như: ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội), Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Thuỷ sản Nha Trang và Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Trên 10 viện nghiên cứu có các chuyên ngành đào tạo sau đại học liên quan tới ĐDSH như Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Tài nguyên, môi trường biển Hải Phòng, Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Nghiên cứu hải sản, các Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I, II và III, Viện Chăn nuôi quốc gia, Viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam, Viện Di truyền nông nghiệp...

Hiện nay cả nước có khoảng 5.000-8.000 kỹ sư có chuyên môn liên quan đến ĐDSH thuộc các ngành nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp; hàng năm có hàng trăm sinh viên đại học ngành sinh học và công nghệ sinh học tốt nghiệp; khoảng 50 thạc sĩ và 10 tiến sĩ hoàn thành học vị hàng năm thuộc các chuyên ngành như: động vật học, thực vật học, sinh thái học, bảo tồn ĐDSH và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Một số sinh viên cũng đã được đào tạo tại nước ngoài qua các chương trình học bổng song phương hoặc các dự án hợp tác quốc tế.

ĐDSH cũng đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở bậc tiểu học và trung học thông qua các môn học như thực vật học, sinh học, kỹ thuật trồng cây, bảo tồn tài nguyên đất và nước,…

Nhiều khoá đào tạo ngắn ngày về ĐDSH cũng đã được tổ chức cho các cán bộ quản lý cấp trung ương và địa phương. Quỹ Bảo tồn Việt Nam được tài trợ bởi Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Chính phủ Hà Lan và Cộng đồng chung Châu Âu thông qua Ngân hàng Thế giới đã cung cấp một lượng tài chính cho 30 KBT (bình quân 50.000 USD cho mỗi khu) trong giai đoạn 2005-2011 nhằm xây dựng năng lực cán bộ quản lý KBT và nâng cao ý thức cộng đồng.


3. Truyền thông nâng cao nhận thức


Một số chương trình và chiến dịch truyền thông đã được triển khai như Chương trình nâng cao nhận thức về ĐDSH thời kỳ 2001- 2010; Chiến lược truyền thông quốc gia về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản dựa trên cộng đồng. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các nội dung bảo tồn ĐDSH đã tới được công chúng và các bên liên quan nhằm nâng cao nhận thức của các thành phần xã hội về vai trò của ĐDSH trong sự phát triển bền vững quốc gia và góp phần xây dựng các tiêu chuẩn về mối quan hệ giữa con người và môi trường, giữa bảo vệ và khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Một số hoạt động nâng cao nhận thức dựa trên hiện trường cũng đã được triển khai phục vụ các cộng đồng sống trong và gần các KBT. Hàng năm, Bộ TN&MT đã tổ chức những ngày thế giới, quốc tế về môi trường, về ĐDSH, về đất ngập nước, bảo tồn hổ...

4. Cơ sở dữ liệu và thông tin ĐDSH


Trong 2 thập kỷ vừa qua thông tin về ĐDSH Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Các nghiên cứu, khảo sát về ĐDSH được thực hiện tại nhiều nơi trên cả nước đã phát hiện hàng trăm loài sinh vật mới cho khoa học. Các hệ thống giám sát ĐDSH đã được triển khai tại một số KBT. Tuy vậy, cơ sở dữ liệu về ĐDSH vẫn đang rất phân tán ở nhiều cơ quan quản lý và nghiên cứu; chất lượng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu không đồng bộ; còn nhiều hạn chế trong việc chia sẻ và sử dụng thông tin.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản về ĐDSH và các hoạt động cung cấp, trao đổi và quản lý thông tin về ĐDSH. Dự án xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐDSH đang được triển khai với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của JICA. Bộ NN&PTNT hiện cũng đang xây dựng hệ thống quản lý thông tin rừng với sự hỗ trợ của FINIDA. Bộ KHCN và Bộ NN&PTNT đã xây dựng cơ sở dữ liệu về giống và nguồn gen cây trồng, vật nuôi. Viện KHCN Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu về biển Việt Nam, bao gồm cả ĐDSH biển. Vấn đề cần thiết là phải có hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu ĐDSH thống nhất với cơ chế cập nhật, chia sẻ và sử dụng thông tin hiệu quả.


5. Sự tham gia của cộng đồng và chia sẻ lợi ích


Trong hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến ĐDSH đã được ban hành ở nước ta đều có nội dung khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và sử dụng bền vững ĐDSH. Tại VQG Xuân Thuỷ, ban quản lý đã thực hiện sáng kiến thí điểm về sử dụng khôn khéo nguồn lợi thuỷ sản trên cơ sở đồng quản lý và đem lại cho cộng đồng địa phương một nguồn thu nhập khá ổn định từ nghề thuỷ sản.

Tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh, cộng đồng đã được tham gia trồng rừng ngập mặn, thực hiện mô hình kinh tế sinh thái, sử dụng hầm biogas, bảo vệ rừng ngập mặn thông qua các Tổ tự quản, đã hạn chế được việc khai thác tài nguyên rừng ngập mặn và đất rừng một cách bừa bãi. Một cách tiếp cận mới đối với công tác quản lý KBT với sự tham gia của cộng đồng đã được thực hiện thành công bước đầu tại Phú Mỹ (Kiên Giang) với sự hỗ trợ của Hội Sếu Quốc tế. Dự án không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân địa phương nhờ sử dụng bền vững ĐDSH, mà còn thành công trong việc bảo tồn các vùng đất ngập nước và bảo tồn các loài động vật quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng như Sếu đầu đỏ.

Việc tăng cường các hoạt động du lịch sinh thái trong vùng lõi và vùng đệm của KBT đã tạo ra cơ hội việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương, thí dụ tại các VQG: Phong Nha Kẻ Bàng, Cát Tiên, Cát Bà, Cúc Phương, Ba Vì, Ba Bể và Xuân Thuỷ.

Chia sẻ lợi ích từ BTTN là vấn đề đã được bàn luận từ nhiều năm nay, hầu như chưa được áp dụng. Gần đây, Chính phủ cho phép thí điểm ở hai VQG Xuân Thủy và Bạch Mã theo Quyết định 126/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


6. Hợp tác quốc tế


Việt Nam đã tăng cường hợp tác với các nước ASEAN trong việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tổ chức diễn đàn trao đổi kinh nghiệm về bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH và an toàn sinh học.Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định môi trường đa phương (MEA) liên quan đến ĐDSH, gồm Công ước ĐDSH (CBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (công ước Ramsar), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và một số Nghị định thư quốc tế liên quan khác.


tải về 0.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương