Hà nội, 2009 Mục lục Chương Tổng quan về Thương mại điện tử 7


Chương VI. Luật điều chỉnh thương mại điện tử



tải về 2.96 Mb.
trang69/77
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích2.96 Mb.
#22291
1   ...   65   66   67   68   69   70   71   72   ...   77

Chương VI. Luật điều chỉnh thương mại điện tử

1. Khái quát khung pháp lý về thương mại điện tử trên thế giới

1.1. Luật mẫu về thương mại điện tử của UNCITRAL


Luật mẫu về Thương mại điện tử của UNCITRAL (Model Law on Electronic Commerce) được UNCITRAL thông qua ngày 12/06/1996 và được chính thức công bố trong báo cáo của Hội nghị lần thứ 6 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 12/12/1996. Đạo luật này có hiệu lực áp dụng đối với những mối quan hệ phát sinh khi áp dụng phương thức kinh doanh thương mại điện tử. Mục tiêu của luật này là đưa ra một hệ thống các quy tắc được thừa nhận trên phạm vi quốc tế về việc loại bỏ các trở ngại trong việc công nhận giá trị pháp lý của thông điệp được lưu chuyển bằng phương tiện điện tử, tạo sự bình đẳng giữa những người sử dụng tài liệu trên cơ sở giấy tờ và những người sử dụng thông tin trên cơ sở các dữ liệu điện tử trên phạm vi quốc tế. Luật mẫu này là cơ sở định hướng giúp các nước thành viên của LHQ tham khảo khi xây dựng một đạo luật của mình với ý nghĩa là khung pháp lý cơ bản cho thương mại điện tử.

Kết cấu của luật mẫu được chia làm hai phần với 17 điều khoản:

- Phần I: Giới thiệu khái quát về thương mại điện tử, gồm 3 chương. Chương I đề cập đến các quy định chung bao gồm 4 điều khoản về phạm vi điều chỉnh, giải thích các từ ngữ có liên quan, giải thích luật và các trường hợp ngoại lệ theo thoả thuận giữa các bên. Chương II quy định các điều kiện luật định đối với các thông tin số hoá, gồm 6 điều khoản (Điều 5 đến điều 10) công nhận giá trị pháp lý của các thông tin số hoá, về văn bản viết, chữ ký, bản gốc, tính xác thực và khả năng được chấp nhận của thông tin số, việc lưu giữ thông tin số. Chương III nói đến thông tin liên lạc bằng thông tin số hoá, bao gồm 5 điều khoản (điều 11 đến điều 15) quy định về hình thức của hợp đồng và giá trị pháp lý của hợp đồng, các bên ký kết hợp đồng phải công nhận giá trị pháp lý của các thông tin số hoá, xuất xứ của thông tin số hoá, việc xác nhận đã nhận được thông tin, thời gian, địa điểm gửi và nhận thông tin số hoá.

- Phần II quy định các giao dịch thương mại điện tử trong một số lĩnh vực hoạt động gồm 2 điều khoản liên quan đến vận tải hàng hoá. Điều 16 quy định các hành vi liên quan đến hợp đồng vận tải hàng hoá, điều 17 quy định về hồ sơ vận tải hàng hoá.

Việc UNCITRAL thông qua đạo luật mẫu về thương mại điện tử đã tạo điều kiện giúp đỡ tất cả các quốc gia trên thế giới hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình về sử dụng các phương tiện truyền và lưu giữ thông tin mới thay thế cho các tài liệu bằng giấy và ban hành các đạo luật còn thiếu trong lĩnh vực thương mại điện tử. UNCITRAL cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn việc chuyển hoá các quy định của Đạo luật mẫu vào hệ thống nội dung luật của các quốc gia.

Tất cả các quốc gia cần xem xét chi tiết các quy định của đạo luật mẫu trước khi ban hành các đạo luật mới hoặc sửa đổi các quy định hiện hành, phải tính đến sự cần thiết phải đảm bảo sự thống nhất của các quy định pháp luật về sử dụng các phương tiện truyền và lưu giữ thông tin mới thay thế cho các tài liệu bằng giấy.


1.2. Luật mẫu về chữ ký điện tử của UNCITRAL


Luật mẫu về chữ ký điện tử chính thức được thông qua vào ngày 29/09/2000. Mục đích của luật này là hướng dẫn các quốc gia thành viên trong việc xây dựng khung pháp lý thống nhất và công bằng để giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề về chữ ký điện tử - yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong các giao dịch thương mại điện tử.

Đạo luật này nêu lên những vấn đề cơ bản của chữ ký điện tử, chữ ký số hóa và các vấn đề về người ký, bên thứ ba và chứng nhận chữ ký số. Đặc biệt, nhằm đưa ra các hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng luật này, UNCITRAL đã đưa ra một bản hướng dẫn thi hành chi tiết, trong đó có phân tích và hướng dẫn cho từng điều khoản của luật mẫu. Luật mẫu đã góp phần loại bỏ những cản trở trong việc sử dụng chữ ký điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử ở phạm vi quốc tế.


1.3. Công ước của Liên hợp quốc về sử dụng chứng từ điện tử trong hợp đồng thương mại quốc tế


Công ước Liên Hợp Quốc về Sử dụng Chứng từ điện tử trong Hợp đồng thương mại quốc tế (UN Convention on the Use of Electronic Communications in International Contracts) đã được phiên họp lần thứ 60 của Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại Nghị quyết số A/RES/60/21 ngày 9/11/2005. Về nội dung chuyên môn, Công ước này do Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) xây dựng, nhằm đưa ra một khung quy định chung cho những vấn đề cơ bản nhất của giao kết và thực hiện hợp đồng thông qua phương tiện điện tử.

Công ước khẳng định các tiêu chuẩn để đảm bảo giá trị pháp lý ngang nhau giữa văn bản giấy và văn bản điện tử trong các giao dịch quốc tế, sao cho các hợp đồng được thương lượng và ký kết thông qua thông tin điện tử đều có giá trị và hiệu lực thi hành tương đương với các hợp đồng thương lượng truyền thống. Dựa trên nền tảng đó, công ước được đánh giá là một công cụ pháp lý quan trọng nhằm tăng cường buôn bán quốc tế trên cơ sở tận dụng ưu thế mạng Internet toàn cầu.

Việc áp dụng rộng rãi và đồng nhất những quy định này giữa các quốc gia sẽ góp phần xóa bỏ trở ngại đối với việc sử dụng chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại quốc tế, nâng cao tính chắc chắn về phương diện pháp lý cũng như tính ổn định về phương diện thương mại của hợp đồng điện tử, và giúp doanh nghiệp tiếp cận được những phương thức tiến hành thương mại hiện đại, hiệu quả nhất.

Ngày 06/07/2006, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ đã diễn ra lễ ký kết chính thức Công ước này với sự tham gia của 60 quốc gia thành viên LHQ, hơn 10 nước quan sát viên, trong đó Việt Nam tham gia với tư cách quan sát viên.


2. Khung pháp lý về thương mại điện tử của một số nước và khu vực

2.1. Khung pháp lý về thương mại điện tử của Hoa Kỳ


Hoa Kỳ là nước đi đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử. Hoa Kỳ đã ấn định các nguyên tắc cơ bản cho thương mại điện tử của riêng mình, đồng thời kiến nghị cho nền thương mại điện tử toàn cầu.

Quá trình xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý cho thương mại điện tử của Hoa Kỳ dựa trên 4 nguyên tắc cơ bản:

- Các bên được tự do xác lập quan hệ hợp đồng với nhau khi thấy phù hợp

- Các quy định phải có tính chất trung lập về mặt công nghệ và phải có tính mở cho tương lai, có nghĩa là không được quy định về một loại công nghệ cụ thể nào đó và không được hạn chế việc sử dụng hay phát triển của các công nghệ tương lai.

- Các quy định hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ cho việc sử dụng công nghệ điện tử.

- Các quy định phải công bằng cho cả các doanh nghiệp đã áp dụng rộng rãi các công nghệ mới và các doanh nghiệp còn chưa áp dụng.

Trong thời gian qua, chính quyền Liên bang và chính quyền các bang tại Hoa Kỳ đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định hiện hành và ban hành một số quy định mới, đáp ứng được yêu cầu của các giao dịch thương mại điện tử, nhất là các quy định về luật hợp đồng, bảo vệ người tiêu dùng, thẩm quyền tài phán, chứng cứ pháp lý…

Năm 1996, Bộ tài chính Hoa Kỳ cho ra mắt cuốn sách “Chính sách thuế đối với thương mại điện tử toàn cầu” nhằm trung hoà về thuế giữa giao dịch điện tử và phi điện tử. Cuốn sách này đã chỉ ra rằng “đảm bảo tính thống nhất trong thương mại điện tử” phải trở thành nhận thức chung trên toàn cầu, cần làm rõ nguyên nhân đánh thuế đối với thương mại điện tử, tránh thuế trùng lên thuế.

Ngày 01/07/1997, cùng với sự hợp tác của các nhà khoa học, Hoa Kỳ đã thông báo đề án “khung kết cấu thương mại điện tử toàn cầu”, gồm 5 nguyên tắc cơ bản:

- Doanh nghiệp tư nhân giữ vai trò chủ đạo.

- Hạn chế những yêu cầu không cần thiết của Chính phủ đối với thương mại điện tử.

- Chính phủ tham gia thương mại điện tử nhằm tạo lập môi trường luật pháp thương mại điện tử hợp lý, đơn giản, ngắn gọn.

- Chính phủ phải thừa nhận tính độc đáo riêng của mạng Internet.

- Thúc đẩy thương mại điện tử trên cơ sở toàn cầu.

Đề án này đưa ra những ý kiến cụ thể về việc phát triển thương mại điện tử, đây là một bộ phận quan trọng trong chính sách thương mại và công nghệ của Hoa Kỳ.

Ngày 14/05/1998, Uỷ ban thương mại nghị viện Hoa Kỳ đã thông qua các dự luật miễn thuế Internet, tạo điều kiện phát triển tự do hoá cho các công ty, xí nghiệp trên toàn Hoa Kỳ.



Tháng 3/1999, công ước thương mại số của kỷ nguyên (HR 1320) cho phép đồng thời thúc đẩy sự mở rộng hơn nữa của thương mại điện tử dựa vào lực lượng thị trường tự do. HR1320 thừa nhận giá trị pháp lý của các thoả thuận điện tử như hợp đồng điện tử… Đây là bước trung gian trong việc thừa nhận giá trị pháp lý của các chứng cứ điện tử.

Nhằm tạo lập một khung pháp lý thống nhất cho giao dịch thương mại điện tử ở Hoa Kỳ, Hội nghị quốc gia của các viên chức về đạo luật thống nhất (NCCUSL) diễn ra năm 1999 đã thông qua Luật thống nhất về Giao dịch điện tử (Uniform Electronic Transactions Act - UETA). Ngày 30/06/2000 tổ chức thông qua Luật Chữ ký điện tử trong thương mại quốc gia và quốc tế (Electronic Signature in Global and National Commerce Act – E-Sign). Ngoài ra, Hoa Kỳ còn cho ra đời nghị định thư về an toàn thương mại điện tử (SET) nhằm bảo vệ các phương thức thanh toán…

* Luật thống nhất về Giao dịch điện tử (Uniform Electronic Transactions Act - UETA)

Luật thống nhất về Giao dịch điện tử là một văn bản ngắn gọn, quy định về sự công nhận giá trị pháp lý của các dữ liệu điện tử, chữ ký điện tử và các văn bản điện tử khác. Văn bản này không quy định bất kỳ ưu thế nào cho bất kỳ một phương thức hay công nghệ nào. Luật mẫu về các giao dịch điện tử là một văn bản có tính linh hoạt cao có thể tồn tại lâu dài và là cơ sở pháp lý phù hợp cho các giao dịch thương dịch điện tử trong suốt một giai đoạn dài.



* Về luật hợp đồng

Ở Hoa Kỳ không có một luật đơn nhất điều chỉnh hợp đồng ký kết trên mạng máy tính và nhìn chung luật hợp đồng là do pháp luật của từng bang quy định. Các quy tắc áp dụng đối với các hợp đồng ký kết trên mạng vẫn có thể rất khác nhau giữa các bang mặc dù chính quyền Liên bang đã có nhiều nỗ lực để thống nhất các luật liên quan đến hoạt động thương mại bằng việc ban hành Bộ luật thương mại thống nhất (Uniform Commercial Code – UCC)

Điều 2 Bộ luật thương mại thống nhất (UCC) điều chỉnh các giao dịch thương mại nói chung, gồm cả hai loại giao dịch hàng hoá hữu hình và giao dịch hàng hoá vô hình. Nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa biết chắc chắn rằng các toà án có cho áp dụng điều khoản này vào các giao dịch mà đối tượng của nó được giao nhận qua các phương tiện điện tử hay không.

Hiện nay, chính quyền Liên bang đã soạn thảo một điều khoản mới để bổ sung vào UCC điều 2b để điều chỉnh riêng cho các giao dịch điện tử mà không liên quan đến việc chuyển giao hàng hoá hữu hình.

Cùng với sự nỗ lực của chính quyền Liên bang trong việc sửa đổi, bổ sung Đạo luật thương mại thống nhất (UCC), các chính quyền bang cũng đang tích cực xây dựng các luật và các quy định điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử như: Luật về thương mại điện tử của bang Illinois (Illinois Electronic Commercial Act), Luật về chữ ký và bản ghi điện tử của bang Massachusetts (Massachusetts Electronic Records and Signature Act)…

Một số bang đã nhanh chóng ban hành các đạo luật quy định về ký kết hợp đồng trên mạng, còn một số bang khác lại chưa tiếp xúc giải quyết vấn đề này. Để xác định luật của bang nào sẽ điều chỉnh các giao dịch thương mại điện tử thì trước tiên phải xem xét xem liệu theo pháp luật hiện hành thì các hợp đồng ký kết trên mạng có được thừa nhận hay không.




tải về 2.96 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   65   66   67   68   69   70   71   72   ...   77




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương