GS. ts. Lê Quang Cường Đồng chủ biên ts. Nguyễn Ngô Quang gs ts. Phạm Thanh Kỳ ban biên soạN


II. HƯỚNG DẪN VỀ KHẢO SÁT ĐỘC TÍNH CỦA THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN



tải về 259.59 Kb.
trang4/5
Chuyển đổi dữ liệu01.10.2016
Kích259.59 Kb.
#32502
1   2   3   4   5

II. HƯỚNG DẪN VỀ KHẢO SÁT ĐỘC TÍNH CỦA THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN


Khảo sát độc tính của thuốc y học cổ truyền bao gồm:

- Thử nghiệm về độc tính cấp diễn và theo dõi với thời gian 72 giờ.

- Thử nghiệm về độc tính bán trường diễn với thời gian 1 - 3 tháng. Có thể tiến hành thử độc tính trường diễn nếu thấy cần thiết.

- Thử nghiệm về độc tính tại chỗ.

- Thử nghiệm về độc tính dặc biệt: trên sinh sản, biến đổi nhiễm sắc thể, gây ung thư...

1. Thử nghiệm về độc tính cấp diễn:


1.1. Mục tiêu: Thử độc tính cấp nhằm cung cấp thông tin cho việc xếp loại mức độ độc của thuốc; điều trị ngộ độc cấp; thiết lập mức liều cho những thử nghiệm độc tính tiếp theo. Do vậy, các phép thử độc tính cấp cần xác định.

a) Liều an toàn;

b) Liều dung nạp tối đa;

c) Liều gây ra độc tính có thể quan sát được;

d) Liều thấp nhất có thể gây chết động vật thí nghiệm (nếu có);

e) Liều LD50 gần đúng (nếu có thể xác định được);

f) Những triệu chứng ngộ độc điển hình có thể quan sát được trên động vật và khả năng hồi phục (nếu có).

1.2. Mô hình thử

a) Nguyên tắc lựa chọn:

- Tùy theo mục đích của mỗi nghiên cứu và loại mẫu thử và những thông tin sẵn có để lựa chọn mô hình thử thích hợp. Loài động vật gặm nhấm thường được sử dụng là chuột nhắt, chuột cống; loài không gặm nhấm có thể dùng là chó hoặc khỉ. Số nhóm và số lượng cho mỗi nhóm tùy theo mô hình áp dụng.

- Thử sơ bộ: thường được thực hiện trong hầu hết các mô hình thử. Dựa vào kết quả trong thử nghiệm sợ bộ để lựa chọn, bố tri thử nghiệm chính thức. Với những trường hợp thông tin cho thấy mẫu thử hoặc các chất liên quan có thể không độc hoặc ít độc, có thể thử trên một loài động vật (gặm nhấm). Đối với các chế phẩm có độc cao hoặc có yêu cầu đặc biệt về khoa học, cần thiết thử trên hai loài ĐVTN (gặm nhấm và không gặm nhấm).

- Khuyến cáo: Để bảo vệ động vật, các mô hình sử dụng số ít động vật thí nghiệm được ưu tiên lựa chọn.



b) Mô hình liều cố định:

Nguyên tắc: Mô hình thử liều cố định được các nước thuộc OECD áp dụng và ban hành chính thức năm 2001 (OECD 420 [5]). Thử nghiệm được thực hiện với các mức liều xác định 5,50,300,2000,5000mg/kg hay 1,0/kg ĐTVN. Lựa chọn liều thử đầu tiên liều thử trên một nhóm 5 ĐTVN. Thử nghiệm tiếp tục cho đến khi xác định mức độ độc dựa trên đáp ứng ĐTVN chết hoặc không và các triệu chứng ngộ độc, khả năng hồi phục quan sát được. Xác định giá trị LD50 gần đúng (nếu có). Phép thử phù hợp với tất cả trường hợp cần xác định độc tính cấp.



Thử nghiệm chính thức

- Mức liều khởi đầu trong thử nghiệm chính thức được xác định tử thử nghiệm sơ bộ, thường là mức liều bắt đầu quan sát được các triệu chứng ngộ độc. Không dùng các mức liều đã gây chết trong giai đoạn thử sơ bộ để khởi đầu trong thử nghiệm chính thức.

- Số lượng ĐTVN: 5con/mức liều (mỗi nhóm), bao gồm cả 1 con đã dùng thử ở thử nghiệm sơ bộ. Thử nghiệm sẽ dừng lại khi có đủ thông tin về các mức liều theo quy định chung. Trung bình cần khoảng 3-4 nhóm động vật, số nhóm mà mức liều thử có thể ít hơn nếu mẫu thử biểu hiện độc tính rõ rãng hoặc không độc.

- Khoảng thời gian nghỉ giữa các đợt thử ở mức liều khác nhau phải đủ để kết luận ĐTVN dùng nhóm liều trước đó sống sót, thường từ 3-4 ngày. Khoảng thời gian này có thể điều chỉnh cho phù hợp với các trường hợp thí nghiệm.

- Trường hợp mẫu có độc tính cao: khi có 1 ĐTVN dùng liều 5mg/kg bị chết, thử lại trên con vật thứ 2 với mức liều này.

+ Nếu con thứ chết, dừng thử nghiệm, phân loại chất này vòa nhóm 1 của GSH.

+ Nếu con thứ 2 còn sống, thử lần lượt them nhiều nhất 3 con nữa cùng mức liều 5mg/kg.

+ Nếu có thêm 1 con nữa chết, dùng thí nghiệm (không kể số lượng ĐTVN đã dùng là bao nhiêu), phân loại chất đó vào loại 1 của GSH, nếu không có thêm con nào chết, phân loại chất đó vào loại 2 của GSH.

- Trường hợp mẫu có độc tính thấp hoặc không độc: tiến hành thử với các mức liều tăng dần để xác định được các thông tin và tăng với mức liều giới hạn.

Ghi chép và báo cáo các biểu hiện quan sát được theo quy định chung. Tùy kết quả thử nghiệm và bảng phân loại GSH để xếp loại mức độ độc của mẫu thử. Tiến trình thử và cách xác định giá trị LD50 ước tính được mô tả cụ thể trong sơ đồ 1,2 (phụ lục 2).



- Thử giới hạn: Khi những thông tin từ các tài liệu, báo cáo đã có và kết quả thử sơ bộ cho phép dự đoán mẫu thử có thể không độc, có nghĩa là chỉ có thể gây độc ở mức liều cao hơn mức liều giới hạn thử thông thường, có thể thực hiện phép thử giới hạn. Tiến hành thử trên lần lượt 5 con vật dùng mẫu thử ở mức liều giới hạn 5,0kg hoặc 10,0g/kg(có thể bao gồm cả 1 con đã thử sơ bộ). Dừng thí nghiệm nếu không quan sát thấy biểu hiện ngộc độc nào ở múc liều này.

c) Mô hình Tăng- Giảm:

Nguyên tắc: Mô hình thử Tăng- Giảm được các nước thuộc OECD áp dụng và ban hành chính thức năm 2001 (OECD 425 [6]). Thử nghiệm được tiến hành trên các mức liều được tính theo hệ số bươc nhảy liều, thực hiện lần lượt trên từng ĐTVN theo tiến trình tăng hoặc giảm liều và tiếp tục cho đến khi đạt điều kiện dừng lại. Đánh giá kết quả bằng quan sát các biểu hiện và triệu chứng ngộ độc theo qui định chung và tính giá trị LD50 gần đúng (nếu có) theo qui định riêng của phương pháp.

Phương pháp này áp dụng phù hợp cho các chất có thể gây chết nhanh trong 1-2 ngày không phù hợp cho các chất gây chết từ từ trong 5 ngày hoặc hơn. Ngoài ra, có thể áp dụng phương pháp này trong trường hợp cần thử trên loài động vật không gặm nhấm.

Thử nghiệm chính thức.

- Xác định mức liều thử: các mức liều thử được chọn với hệ số bước nhảy liều là giá trị antilog của 1/độ dốc ước tính (của đường cong liều-đáp ứng). Có thể chọn các mức liều bằng cách sử dụng bảng liều đã tính sẵn theo nguyên tắc trên được ghi trong Bảng 1. Liều khởi đầu là mức liều thấp hơn gần nhất với mức liều LD50 ước tính. Tùy theo mức độ độc dư đoán mà lựa chọn mức liều khởi đầu và cấp số liều với giá trị độc dốc nhỏ; ngược lại, với chất có độc cao, chọn giá trị độ dốc lớn. Khi không có thông tin về liều gây chết của mẫu thử, mức liều khởi đầu thường chọn 175mg/kg bước nhảy liều chọn ứng với giá trị độ dốc là 2 (tức là hệ số bước nhảy liều là 3,2) ( tham khảo Bảng 3, phụ lục 2)

- Khoảng thời gian nghỉ giữa các mức liều phải đủ để kết luận ĐTVN dùng nhóm liều trước đó sống sót, thường là 48 giờ, có thể thay đổi tùy trường hợp.

- Tiến hành thử nghiệm trên từng con vật theo các mức liều đã xác định trong khoảng thời gian đủ để quan sát và xác định tình trạng sống/chết của con vật. Quan sát và ghi chép những thông tin theo qui định chung.

- Dừng thử nghiệm khi thỏa mãn một trong điều kiện sau:

+ 3 ĐTVN liên tiếp sống sót ở mức liều giới hạn trên (2,0/g; 5,0/g hoặc 10g/kg).

+ Có 5 cặp đảo ngược trong 6 ĐTVN đã thử liên tiếp.

+ Có ít nhất 4 ĐTVN được thử sau khi xuất hiện cặp đảo ngược đầu tiên và giá trị tỷ lệ li tính được vượt qua giới hạn cho phép.

- Quan sát và ghi chép tất cả những biểu hiện ngộ độc có thể quan sát được. Tính giá trị LD50 gần đúng theo kết quả quan sát được về tình trạng của các con vật tại thời điểm dừng (phụ lục 2). Việc tính toán dễ thuận lợi hơn khi sử dụng các phần mềm (SAS, BMDP). Trong một số trường hợp, giá trị LD50 tính được coi là gần đúng (ước tính).

Thử nghiệm giới hạn: Khi người làm thí nghiệm có thông tin cho thấy mẫu thử có thể không độc, tức là chỉ có thể gây độc ở mức liều cao hơn giới hạn thử thông thường thì có thể áp dụng thử nghiệm giới hạn. Thử giới hạn ở một trong các mức liều 2,0g/kg hoặc 5,0g/kg hoặc 10g/kg (với các thuốc có nguồn gốc thực vật).

Tiến hành theo các bước như sau:

- Cho con thứ nhất uống mẫu thử ở mức liều giới hạn đã chọn. Nếu con đó chết thì tiến hành thử nghiệm chính thức để xác định LD50.

- Nếu con đó sống sót, cho lần lượt 4 con nữa dùng mẫu thử.

- Nếu có 3 con chết thì dừng thử nghiệm giới hạn, tiến hành thử nghiệm chính thức theo nguyên tắc giảm liều. Trong trường hợp này, LD50 nhỏ hơn mức liều giới hạn.

- Nếu có ít nhất 3 con sống thì LD50 lớn hơn mức liều giới hạn đã thử, dừng thử nghiệm và theo dõi tiếp cho đủ thời gian quy định hoặc tiến hành thử nghiệm chính thức ở các mức liều cao hơn để tính được giá trị LD5 nếu thấy cần thiết hoặc giảm để xác định mức liều không gây triệu chứng ngộ độc gì.



d) Mô hình thử theo Behrens:

Nguyên tắc: Mô hình được Behrens đề xuất từ năm 1929 [2] với lập luận “ Những con vật đã sống ở một mức liều thử nào đó thì sẽ sống với tất cả những mức liều thấp hơn và những con vật đã chết ở một mức liều sẽ chết ở tất cả các mức liều cao hơn”.

Tiến hành: Thí nghiệm được bố trí với các nhóm động vật, mỗi nhóm được dùng một mức liều. khoảng cách giữa các liều thử nghiệm phải bằng nhau và số động vật thí nghiệm trong các nhóm bằng nhau. Số nhóm thử được bố trí sao cho thu được các số liệu đủ để tính kết quả, trong đó có ít nhất 1 nhóm không có ĐTVN nào bị chết, và một nhóm có tối thiểu 80% số ĐVTN bị chết, và có ít nhất 2 nhóm thử với 2 mức liều cho kết quả tương ứng giữa 2 mức liều trên.

Tính giá trị LD50 theo qui định của phương pháp ( phụ lục 2.3)



e) Mô hình theo Litchfield – wilcoxon:

Nguyên tắc: Mô hình được Litchfield- Wilcoxon đề xuất năm 1949 sau khi xem xét, cải tiến và cố gắng khắc phục những hạn chế của một số phương pháp trước đó. Kết quả được ghi đồ thị trên giấy log- probit và được tính theo phương pháp toán đồ có hiệu chỉnh, do vậy cho kết quả chính xác hơn. Trước đây, phương pháp thường được áp dụng trong tính giá trị LD50 cho những chất có độc tính cao.

Tiến hành:

- Động vật thường dùng là chuột nhắt trắng, cả 2 giống, trọng lượng 20 ± 2g , được chia thành từng lô, mỗi lô 10 con. Số lượng khoảng 100 con.

- Cho từng lô chuột uống thuốc thử với các liều khác nhau từ liều cao nhất không gây chết tới liều thấp nhất gây chết 100% chuột. Chuột được uống thuốc bằng kim hơi cong có đầu tù với độ dài đưa vào đến dạ dày chuột.

- Chuột được nhịn ăn 12 giờ trước khi uống thuốc, vẫn uống nước đầy đủ.

- Theo dõi số chuột chết trong 72 giờ đầu và tình trạng chung của chuột trong 7 ngày sau khi uống thuốc về sự ăn uống, hoạt động thần kinh, đi lại, leo trèo, bài tiết, ....

- Nếu chuột chết, mổ chuột để đánh giá đại thể các tổn thương của các cơ quan, nếu cần thiết có thể làm xét nghiệm vi thể một số phủ tạng.

Tính giá trị LD50 theo qui định của phương pháp (phụ lục 2.4).

1.3. Theo dõi, đánh giá.

Theo dõi ĐTVTN trong vòng 7 ngày sau khi dùng thuốc. Thời gian theo dõi có thể ngắn hơn (5 ngày) nếu thấy các biểu hiện ngộ độc đã hết, hoặc kéo dài hơn (14 ngày) nếu biểu hiện ngộ độc chưa rõ ràng hoặc cần theo dõi thêm về khả năng hồi phục. Ghi chép và mô tả bất kì triệu chứng, biểu hiện khác thường nào của ĐVTN, nếu có.

Các chỉ tiêu cần quan sát bao gồm.

- Tình trạng hoạt động, khả năng tiêu thụ thức ăn, nước uống, tình trạng phân, nước tiểu.

- Trọng lượng cơ thể: xác định trọng lượng trước khi kết thúc thí nghiệm.

- Biểu hiện độc cấp tính đặc biệt ngay sau khi dùng thuốc, những biểu hiện bất thường trên thần kinh, vận động như hành vi, cử động, đi lại, co giật,biểu hiện của các chưc năng hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa như nhịp tim, nhịp thở,nôn mửa, phản xạ của giác quan như mắt mũi, biểu hiện tình trạng chất bài tiết, long ….của ĐVTN. Chú ý phân biệt với các biểu hiện do tác dụng dược lý của thuốc (an thần, gây ngủ, hạ huyết áp…).

- Xác định số lượng ĐVTN có biểu hiện ngộ độc; thời gian bắt đầu thể hiện triệu chứng độc, thời gian kéo dài các triệu chứng, khả năng hồi phục.

- Số lượng ĐVTN bị chết (nếu có) thời gian chết ứng với mỗi mức liều đã thử.

- Chết tiên đoán. Những ĐVTN ở tình trạng suy kiệt, hấp hối kéo dài, không có khả năng sống sót (ĐVTN không thể ăn uống trong khoảng thời gian theo dõi, được tiên đoán là sẽ chết), thì được tính như là trường hợp ĐVTN bị chết.

1.4. Quan sát và phấn tích mô bệnh học

Mô để quan sát đại thể những động vật bị chết trong thời gian theo dõi. Nếu quan sát trên đại thể thấy những biểu hiện bất thường, làm tiêu bản vì thế để quan sát rõ hơn nếu có điều kiện.



1.5 Báo cáo

Báo cáo kết quả cần ghi rõ và đủ các thông tin:



Động vật thí nghiệm:

- Loài/ chủng đã dùng;

- Số lượng, tuổi, giống;

- Nguồn gốc, điều kiện chăm sóc, chế độ ăn;

- Cân nặng khi bắt đầu và khi kết thúc thí nghiệm đối với những động vật còn sống sót hay cân nặng của con vật khi chết.

Điều kiện, phương pháp mẫu thử:

Chi tiết về mẫu thử, nồng độ, độ ổn định, tính đồng nhất của mẫu thử:

- Mô tả phương pháp xử lý chuẩn bị mẫu thử. Trong trường hợp có sử dụng các chất phụ, dung môi không phải là nước cất đề hòa tan hay phân tán mẫu, cần có giải thích rõ rang;

- Nguyên tắc chọn liều thử;

- Các mức liều thử nghiệm (tính theo gam hoặc ml mẫu thử/kg thể trọng động vật/ngày);

- Mô tả về cách cho động vật dùng mẫu thử;

- Quy định về lượng thức ăn, nước uống hàng ngày của ĐVTN;

- Mô tả cách tiến hành quan sát đại thể đối với những ĐVTN bị chết;

- Mô tả các chỉ tiêu cần đánh giá khi mổ quan sát đại thể;

- Mô tả phương pháp hoặc ghi tên cơ sở làm tiêu bản vi thể, các chỉ tiêu cần đánh giá, phương pháp đánh giá (nếu có);

- Trường hợp xác định LD50, cần nêu rõ phương pháp xác định.

Kết quả:


- Trọng lượng cơ thể hoặc mức độ thay đổi;

- Tiêu thụ thức ăn, nước uống;

- Mô tả chi tiết những biểu hiện bất thường (ngộ độc) quan sát được;

- Mô tả khả năng, dấu hiệu, thời gian hồi phục (nếu có);

- Kết quả quan sát đại thể;

- Kết quả quan sát tiêu bản vi thể (nếu có);

- Xử lý thống kê kết quả thử nghiệm (nếu có);

- Bàn luận về kết quả thử nghiệm (nếu có).

Kết luận: kết luận cần nêu lên các dự liệu quan sát được trong thử nghiệm:

- Liều an toàn, liều dung nạp tối đa;

- Liều tối thiểu gây chết (nếu có);

- Liều LD50 gần đúng (nếu xác định được);

- Các mức liều gây ra triệu chứng ngộ độc điển hình quan sát được;

- Các triệu chứng ngộ độc điển hình quan sát được (nếu có);

- Khả năng hồi phục.

Chú ý: Kết luận về mức độ độc ngoại suy sang người của mẫu thử được xác định bởi một Hội đồng khoa học sau khi xem xét một cách khách quan tất cả các thông tin về kết quả thử nghiệm, tài liệu về mẫu thử và mục đích sử dụng.



1.6. Một số vấn đề cần lưu ý:

- Khi đánh giá độc tính của một thuốc y học cổ truyền trước khi thử nghiệm lâm sàng, không nên chỉ dựa vào LD50, mà phải quan tâm đến các tác dụng phụ không có lợi.

- Không nên so LD50 của thuốc y học cổ truyền được nghiên cứu với LD50 của các thuốc y học cổ truyền khác không được tiến hành trong cùng điều kiện thí nghiệm.

- Không nên so LD50 của thuốc y học cổ truyền với LD50 của thuốc hiện đại là hoạt chất của thuốc y học cổ truyền như so LD50 của phụ tử với LD50 của Aconitin, LD50 của mã tiền với LD50 của Strychnin.


2. Thử nghiệm về độc tính bán trường diễn:


2.1. Mục tiêu:

Thử độc tính dài ngày chỉ được tiến hành sau khi đã có thông tin về độc tính cấp trên động vật và mẫu thử được dự định sử dụng hoặc tiếp xúc dài ngày trên người.

Thử độc tính dài ngày nhằm xác định khả năng dung nạp của động vật thí nghiệm khi dùng mẫu thử nhiều lần. Thông tin cần xác định có những biểu hiện độc tính sau khi dùng dài ngày, bao gồm:

- Mức liều không hoặc có gây thay đổi đáng kể tới chức năng, cơ quan hoặc một số biểu hiện sống có thể quan sát được trên động vật thí nghiệm;

- Những độc tính có thể quan sát được trên động vất và khả năng hồi phục nếu có.

2.2. Lựa chọn mô hình thử:

Căn cứ vào các thông tin của mẫu thử và kết quả thử độc tính cấp để thiết kế mô hình, mức liều thử.

- Trường hợp mẫu thử không thể hiện độc tính cấp hoặc rất ít độc, có thể thử trên 1 loài động vật (gặm nhấm).

- Trường hợp mẫu thử thể hiện độc tính cấp cao, liều gây độc gần với liều có tác dụng dược lý, cần thiết thử trên 2 loài động vật (gặm nhấm và không gặm nhấm).



2.3. Thời gian thử:

Thời gian thử trên động vật được tính dựa theo thời gian dự kiến dùng trên người hoặc có thể thử với các khoảng thời gian xác định. Ngoài ra, thời gian thử còn phụ thuộc vào đích của thử nghiệm là cung cấp thông tin cho thử lâm sàng giai đoạn nào. Khi cần thông tin cho thử lâm sàng giai đoạn 1 hoặc 2, thời gian có thể ngắn hơn (14-28 ngày); khi cần cung cấp thông tin cho thử lâm sàng giai đoạn 3, thời gian thử cần dài hơn (28-90 ngày). Hiện nay, tài liệu hướng dẫn của các nước tham gia hòa hợp ICH giới thiệu tính thời gian thử độc tính theo 2 cách:

- Thời gian thử thuốc bằng 3-4 lần thời gian dự kiến dùng trên người.

- Thời gian thử theo từng khoảng xác định: 14 ngày, 28 hoặc 90 ngày. Lựa chọn từng khoảng thời gian thử tùy theo yêu cầu từng mẫu và điều kiện thử nghiệm.

Đánh giá mức độ độc sẽ được xem xét trên báo cáo kết quả tương ứng với từng khoảng thời gian đã thử.

2.4 Liều dùng:

Thuốc được dùng chủ yếu qua đường uống bằng dụng cụ chuyên biệt.

Mức liều thử phải được lựa chọn sao cho có ý nghĩa trong việc đánh giá về khả năng an toàn hay mức độ gây độc của mẫu thử khi dùng nhiều ngày trên động vật. Mức liều thử thường được tính từ các thông tin thu được từ thử độc tính cấp, và được quy đổi tương đương theo liều giữa các loài nếu thử trên loài khác nhau (phụ lục 1). Với những nghiên cứu đầy đủ, thử nghiệm được thiết kế với 3 mức liều (tương đương 3 nhóm thử):

- Liều thấp: mức liều đủ để mẫu thử có tác dụng dược lý hoặc điều trị (tức là tương đương mức liều dự kiến dùng để điều trị cho người);

- Liều trung bình: mức liều có thể không gây những độc tính quan sát được hoặc gây ảnh hưởng không đáng kể;

- Liều cao: mức liều dự kiến sẽ quan sát được biểu hiện ngộ độc trên cơ quan của ĐVTN hoặc đến mức thể tích giới hạn cao nhất mà ĐVTN có thể dùng được.

Thử nghiệm nên được tiến hành song song với 1 nhóm chứng trong cùng điều kiện với cùng số lượng động vật đã dùng trong nhóm thử. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại phần lớn các nghiên cứu có thể chấp nhận với 1 nhóm chứng và 2 nhóm thử (liều thấp và liều cao).

Cho động vật dùng thuốc hàng ngày, 7 ngày/ tuần , trừ khi có chế độ liều đặc biệt.

Số động vật trên mỗi nhóm tùy theo loài 8-10 con (gặm nhấm); hoặc 2-4 con (không gặm nhấm). Việc dùng các động vật không gặm nhấm thường rất tốn kém, đặc biệt là các loài linh trưởng. Khi cần thử nghiệm trên động vật không gặm nhấm, đề cương cần được xem xét bởi Hội đồng khoa học hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý hoặc nhà sản xuất.

2.5. Theo dõi, đánh giá

Quan sát trên tất cả các ĐVTN đã dùng trong thử nghiệm, ghi chép các thông số quan sát được của từng ĐVTN khi xem xét.

Chỉ tiêu quan sát: Theo dõi hàng ngày về tình trạng sức khỏe, khả năng tiêu thụ thức ăn, nước uống, tình trạng phân, nước tiểu của động vật thí nghiệm.

- Trọng lượng: xác định trọng lượng khi bắt đầu, hàng tuần và kết thúc thí nghiệm.

- Xét nghiệm các chỉ số huyết học và sinh hóa nên thực hiện vào cuối kỳ khi kết thúc thí nghiệm. Một số trường hợp cần thiết thì xét nghiệm để so sánh trước và sau thí nghiệm.

+ Huyết học: Số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, hematocrit, hemoglobin.

+ Sinh hóa: ALT, AST, creatinin, protein toàn phần, glucose huyết…

+ Có thể xét nghiệm thêm một số chỉ số khác nếu cần như nồng độ kali, natri trong máu, gama glutamyl transpeptidase, các enzyn gan khác, chức năng các tuyến….tùy theo khả năng gây độc của mẫu thử.

- Quan sát và mô tả các biểu hiện bất thường của ĐVTN, đặc biệt liên quan tới các chức năng hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, (nhịp thở, nhịp tim, tình trạng nôn mửa, ỉa chảy, sủi bọt mép); trên thần kinh, vận động như hành vi, cử động, đi lại, co giật; phản xạ của các giác quan như nhắm mắt, mũi của con vật. Cần có những quan sát đánh giá để phân biệt các triệu chứng ngộ độc với những biểu hiện do tác dụng dược lý của thuốc (an thần, gây ngủ, hạ huyết áp…).

- Phân tích mô bệnh học: Mổ những con vật chết trong quá trình nghiên cứu và những con còn sống khi kết thúc thí nghiệm để quan sát đại thể các tổ chức, ưu tiên các tổ chức gan, thận. Quan sát, đánh giá các biểu hiện về màu sắc, hình dạng của các tổ chức. Nếu thấy biểu hiện khác thường so với nhóm chứng, cần quan sát trên vi thể để kiểm tra các biến đổi trên mô học. Đánh giá những biến đổi trên mô học phải được thực hiện ở các phòng thí nghiệm chuyên ngành có kinh nghiệm.

- Khi cần theo dõi khả năng hồi phục, phải bổ sung số ĐVTN thí nghiệm muốn giữ lại để theo dõi (sau khi hết thời gian dùng thuốc). Với cơ quan đã thấy bị tổn thương ở nhóm thử, cần xét nghiệm mô bệnh học trên cơ quan đó ở nhóm phụ để đánh giá khả năng hồi phục được rõ hơn.

Đánh giá: Với các giá trị xác định được biểu thị bằng số, lập bảng tóm tắt các kết quả của cả nhóm và tính thống kê giá trị trung bình. So sánh kết quả của nhóm thử so với nhóm chứng theo thống kê (test 1- student), hoặc phương pháp thích hợp với các chi tiết không biểu thị bằng số.



2.6. Báo cáo: Báo cáo kết quả cần ghi rõ và đủ các thông tin:

Động vật thí nghiệm:

- Loài/ chủng đã dung;

- Số lượng, tuổi, giống;

- Nguồn gốc, điều kiện chăm sóc, chế độ ăn.

Điều kiện, phương pháp thử:

- Chi tiết về mẫu thử, nồng độ, độ ổn định, tính đồng nhất của mẫu thử;

- Dung môi pha mẫu thử, chú ý giải thích nếu dùng dung môi khác không phải là nước;

- Chuyển đổi từ nông độ chất thử/ dung dịch cho uống hoặc thức ăn ra liều thực đã dùng (mg/kg thể trọng/ngày);

- Nguyên tác chọn mức liều thử;

- Mô tả cách cho động vật dùng mẫu thử;

- Quy định lượng thức ăn, nước uống hàng ngày;

- Tình trạng, mức độ và thời gian quan sát lâm sàng (có quan sát hồi phục không);

Kết quả:

- Trọng lượng cơ thể khi bắt đầu, kết thúc/thay đổi;

- Tiêu thụ thức ăn, nước uống;

- Đánh giá về tình trạng sức khỏe , mức độ hoạt động;

- Kết quả theo dõi và xử lý thống kê về thông số huyết học, sinh hóa;

- Những dấu hiệu ngộ độc quan sát được;

- Kết quả quan sát đại thể;

- Kết quả quan sát vi thể, dấu hiệu bệnh lý trên các tổ chức, nếu có;

Kết luận.

Chỉ nên kết luận dựa trên các dữ liệu quan sát được. Kết luận về mức độ độc, ngoại suy sang người nên do Hội đồng khoa học xác định sau khi xem xét một cách khách quan tất cả các thông tin về kết quả thử nghiệm, tài liệu về mẫu tử và mực đích sử dụng.

3. Thử nghiệm về độc tính tại chỗ:


Áp dụng với các thuốc có khả năng gây mẫn cảm da

3.1. Các chế phẩm thuốc dùng trị bệnh ngoài da cần phải thử bao gồm: các chế phẩm rắn (chuẩn bị để thử nghiệm bằng cách làm ướt chế phẩm với nước hay một dung môi thích hợp để có một dạng đồng nhất khi đắp vào da), chế phẩm mềm, chế phẩm lỏng.

3.2. Động vật thí nghiệm: sử dụng các loại có tính mẫn cảm cao. Loài chuột lang được coi là động vật thích hợp nhất.

3.3. Phương pháp thử nghiệm:

Ở nước ta các phương pháp thử nghiệm thường dùng là

- Thử nghiệm bằng trợ chất và bằng gạc có tẩm thuốc.

- Thử nghiệm với trợ chất Freund toàn bộ.

- Thử nghiệm trên da mở (open epicutaneous test)

3.4. Đánh giá các kết quả thử nghiệm.

Phản ứng da của động vật thử nghiệm được đánh giá theo quy chuẩn của từng phương pháp nghiên cứu đã dùng.


4. Các thử độc tính đặc biệt.


Nghiên cứu đánh giá thuốc y học cổ truyền thường ít sử dụng các thử nghiệm độc tính đặc biệt vì trên thực tế, thuốc y học cổ truyền dùng theo đúng kinh điển đã được chứng minh qua nhiều thế hệ là an toàn, chưa thấy xuất hiện độc tính đặc biệt. Tuy vậy, trong một số trường hợp nếu cần thiết nên khảo sát độc tính đặc biệt của một số thuốc nghi có độc tính (ví dụ thạch tín, cây vòi voi…)

Trong điều kiện thực tế hiện nay, các thử nghiệm có thể tiến hành như::

- Thí nghiệm về gây đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể tế bào tủy xương và tinh hoàn.

- Thí nghiệm về khả năng gây ung thư.

- Thí nghiệm độc tính trên sinh sản: gây sẩy thai, đẻ non, chết thai … .

5. Yêu cầu về dữ liệu của tính hiệu quả, độc tính và dược lực học của các nghiên cứu phi lâm sàng


5.1. Tính hiệu quả

Tính hiệu quả được thể hiện khi phân tích các kết quả nghiên cứu trong ống nghiệm và trên động vật, nên tham khảo các tài liệu trong y văn hoặc trên các tạp chí khoa học khi khẳng định về hiệu quả của thuốc đông y.



5.2. Độc tính

Phải có đầy đủ các dữ liệu về độc tính của thuốc đông y trước khi thử nghiệm trên người.



5.3. Dược lực học

Rất khó để tìm được các thông tin về dược lực học của thuốc đông y vì thường không rõ hoạt chất và có thể có số lượng lớn chất có mặt trong thuốc thử nghiệm. Phác đồ liều cần thiết cho nghiên cứu lâm sàng có thể được lấy từ các phương pháp cổ truyền, hơn là từ các dược lực học trên động vật. Do vậy, nghiên cứu dược lực học tiền lâm sàng không bắt buộc với các thuốc đông y.


6. Hướng dẫn áp dụng:


Hướng dẫn này giới thiệu những quy định chung nhất khi tiến hành thử nghiệm. Tùy thuộc vào từng loại mẫu thử và những thông tin sẵn có, thiết kế thử nghiệm có thể khác nhau. Những thiết kế đặc biệt, những thử nghiệm giới hạn hay mở rộng, sâu hơn, cần phải được giải thích rõ và đề cương phải được thông qua bởi một Hội đồng khoa học và đạo đức. Bên cạnh đó, khi có điều kiện cần thực hiện đánh giá độc tính đặc biệt (trên sinh sản, khả năng gây ung thư), hoặc nghiên cứu động học về độc tính, độc tính trên các tổ chức, chức năng của cơ thể sống.

- Nguyên liệu (dược liệu):

+ Với những cây cỏ mới được phát hiện,nghiên cứu để dùng làm thuốc, chưa có tài liệu hay một kinh nghiệm sử dụng nào trong dân gian, cần tiến hành các nghiên cứu đầy đủ như hướng dẫn. Nếu kết quả nghiên cứu độc tính cấp cho thấy mẫu nghiên cứu không độc hoặc rất ít độc, thì thử nghiệm bán cấp có thể giảm bớt số nhóm thử.

+ Với những dược liệu chưa được nghiên cứu dùng làm thuốc, nhưng đã có tài liệu về sử dụng trên người, động vật hoặc trên thực tế đã có kinh nghiệm sử dụng trong dân gian làm thuốc, thực phẩm…thì tùy theo mức độ thông tin, có thể giảm bớt thời gian nghiên cứu hoặc số nhóm trong nghiên cứu.

- Thành phần:

+ Chế phẩm dược bào chế theo công thức, phương pháp bào chế cổ truyền, đã có tài liệu và kinh nghiệm sử dụng trong thực tế: Tùy theo mức độ an toàn của các vị thuốc thành phần có trong chế phẩm mà có thể xem xét miễn thử hoặc giảm bớt các nhóm thử, rút ngắn thời gian thử.

+ Chế phẩm có công thức tương tự một bài thuốc cổ truyền nhưng bào chế theo phương pháp hiện đại: Tùy theo tính an toàn của các vị thuốc thành phần và kỹ thuật bào chế mới mà xem xét để có thể giảm bớt các thử nghiệm.

+ Với các chế phẩm, chỉ thử trên nguyên dạng của mẫu thử hoặc theo cách chế biến, xử lý như dự kiến sẽ dùng cho người; không nên chiết xuất với các dung môi rồi cô đặc để nâng cao liều thử nhằm mục đích xác định giá trị LD50.

Việc miễn thử hoặc giảm bớt nội dung thử phải do một Hội đồng khoa học và đạo đức xem xét và được phép bởi cơ quan có thẩm quyền quyết định.



tải về 259.59 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương