GIÁo phận thành phố HỒ chí minh giáO Án lịch sử Giáo hội LỚp vàO ĐỜI 2 CẤP 2 ngành hiệp sĩ



tải về 0.76 Mb.
trang1/10
Chuyển đổi dữ liệu06.11.2017
Kích0.76 Mb.
#34171
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10
GIÁO PHẬN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
GIÁO ÁN

Lịch sử Giáo hội

LỚP VÀO ĐỜI 2

CẤP 2 - NGÀNH HIỆP SĨ

2012

Mục lục

1. Hội thánh trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa 3

2. Tin Mừng và các nền văn hóa 9

3. Hội thánh thời phôi thai ở Palestina 15

4. Hội thánh ra khơi với Thánh Phaolô 21

5. Người Kitô hữu trong một thế giới không hiểu họ 26

6. Làm Kitô hữu trong những thế kỷ đầu 31

7. Những cuộc bách hại 34

8. Hội thánh thấm nhập vào đời sống xã hội 40

9. Sự hình thành kinh tin kính 47

10. Các Giáo phụ 57

11. Hội thánh cảm hóa dân Mandi 67

12. Các dòng tu 75

13. Kitô giới (Chrétienté) 79

14. Lạc giáo - Ly giáo 84

15. Phục hưng và cải cách 104

16. Phúc âm hóa thế giới 121

17. Kitô giáo thời cận đại 126

18. Giáo hội Việt Nam thời phôi thai 132

19. Lịch sử Giáo hội Công giáo tại Việt Nam 148

20. Hiện tình Giáo hội Công giáo tại Việt Nam 159

Bài 1.


Hội thánh trong chương trình cứu độ
của Thiên Chúa

Hội thánh là cộng đoàn những người được lời Thiên Chúa quy tụ thành Dân Chúa và thành thân thể Chúa Kitô.

Hội thánh bắt nguồn từ ý muốn của Thiên Chúa. Khi sáng tạo vũ trụ, Chúa Cha đã muốn nâng con người lên hiệp thông với sự sống thần linh của Ngài.

Sau khi nguyên tổ phạm tội, niềm hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và với nhau bị phá vỡ. Vì thế, Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa hứa sẽ đến: “Không phải chỉ chết thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi về một mối”.

Thiên Chúa đã kêu gọi Abraham, Ngài quy tụ Israel thành dân riêng, ký kết giao ước và ban lề luật cho họ. Israel được gọi là Dân Thiên Chúa, và được coi là điềm báo một ngày kia Thiên Chúa sẽ quy tụ muôn dân muôn nước. Nhưng Israel bất trung nên Thiên Chúa đã chọn một dân mới gồm tất cả những người tin vào Chúa Giêsu, đó là Hội thánh. Công đồng Vaticanô II dạy rằng: “Chúa Kitô là ánh sáng muôn dân, ánh sáng trước hết chiếu soi trên Hội thánh, để dọi lại trên mọi tạo vật”. Qua đó Công đồng cho thấy Hội thánh hoàn toàn tùy thuộc Đức Giêsu. Hội thánh không có ánh sáng nào khác ngoài ánh sáng của Đức Kitô. Các Giáo phụ ví Hội thánh như mặt trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời là Chúa Kitô.

Hội thánh được hình thành qua nhiều gia đoạn, theo sự sắp đặt của Chúa Cha: được tiên báo khi nguyên tổ sa ngã, được chuẩn bị cách kỳ diệu trong lịch sử Israel thời Cựu ước, được Chúa Kitô khai sinh nhờ cuộc khổ nạn và Phục sinh, rồi được Chúa Thánh thần tỏ bày trong ngày lễ ngũ tuần và sẽ hoàn tất trong vinh quang ngày cánh chung. Hội thánh là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa, để cứu độ loài người.

Nơi trần gian này, Hội thánh là dấu hiệu và dụng cụ để con người được hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với nhau. Hội thánh vừa hữu hình vừa thiêng liêng, vừa là một xã hội có phẩm trật, vừa là nhiệm thể của Chúa Kitô. Đó là mầu nhiệm hội thánh mà chỉ với con mắt đức tin, chúng ta mới có thể nhìn ra được.

Một ý định phát xuất từ tình yêu của Chúa Cha

“Bởi ý định khôn ngoan nhân lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ Người quyết định nâng loài người lên tham dự đời sống thần linh” trong Chúa Con: “Chúa Cha muốn qui tụ những ai tin Chúa Kitô họp thành Hội Thánh”.

“Gia đình của Thiên Chúa” này được thành lập và hiện thực tuần tự qua các giai đoạn tiếp nối của lịch sử loài người, thể theo sự an bài của Chúa Cha. Thật vậy, “từ nguyên thủy Hội Thánh được tiên báo bằng hình bóng, được chuẩn bị kỳ diệu trong lịch sử dân Israel và trong Giao Ước cũ được thành lập trong thời cuối cùng; và được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống, rồi đến ngày tận thế sẽ được hoàn tất trong vinh quang” (LG 2).

Hội Thánh được tiên báo từ khi tạo dựng trời đất

Các Kitô hữu thời sơ khai cho rằng: “Vũ trụ được tạo dựng vì Hội Thánh”. Thiên Chúa đã sáng tạo để vũ trụ được hiệp thông vào đời sống thần linh của Người; sự hiệp thông này được thể hiện bằng cách “triệu tập” loài người trong Chúa Kitô; và sự “triệu tập” đó chính là Hội Thánh. Hội Thánh là cùng đích của mọi sự. Ngay cả những biến thiên đau đớn, như sự sa ngã của các thiên thần và tội lỗi của loài người, cũng là do Thiên Chúa cho phép xảy ra, như là cơ hội và phương tiện để biểu dương tất cả quyền lực, tất cả tình yêu vô biên Người muốn ban cho nhân loại. “Cũng như ý muốn của Thiên Chúa là hành động và hành động đó có tên là thế gian, thì ý định của Người là sự cứu độ loài người, và sự cứu độ ấy có tên là Hội Thánh” (Clêmentê, Giám mục Alêxanri, Giáo huấn 1, 6).



Hội Thánh được chuẩn bị trong Cựu Ước

Việc tập họp Dân Thiên Chúa bắt đầu ngay lúc tội lỗi phá hủy sự hiệp thông giữa loài người với Thiên Chúa và giữa loài người với nhau. Việc tập họp Hội Thánh có thể nói là cách Thiên Chúa phản ứng trước cảnh hỗn độn do tội lỗi gây ra. Cuộc tái thống nhất này được âm thầm thực hiện giữa lòng tất cả các dân tộc: “Trong bất cứ quốc gia nào, hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, đều được Người coi như đẹp lòng Người”

Việc qui tụ Dân Thiên Chúa được “chuẩn bị xa” với ơn gọi của Abraham. Thiên Chúa hứa là ông sẽ thành cha của một dân tộc vĩ đại. Cuộc chuẩn bị gần bắt đầu bằng việc tuyển chọn Israel làm Dân Thiên Chúa (Xh 19, 5-6). Được Thiên Chúa tuyển chọn, Israel phải là dấu chỉ cho việc qui tụ tất cả các dân tộc trong tương lai. Nhưng các ngôn sứ tố cáo Israel đã phản bội giao ước và cư xử như một gái điếm (Hs 1; Is 1, 2-4; Gr 2). Các Ngài loan báo một giao ước mới và vĩnh viễn (Gr 31, 31-34; Is 55,3). “Giao ước mới này do chính Đức Kitô đã thiết lập”.

Hội Thánh được Đức Kitô thiết lập

Việc Chúa Con phải thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha khi thời gian đến hồi viên mãn, là lý do của “sứ mạng Người” (x. LG 3; AG 3). “Chúa Giêsu đã khai sinh Hội Thánh bằng việc rao giảng Tin Mừng, loan báo Nước Thiên Chúa đã hứa trong Kinh Thánh từ ngàn xưa nay được khai sáng” (LG 5). Để thực thi ý Chúa Cha, Đức Kitô khai mạc Nước Trời trên mặt đất. Hội Thánh là “triều đại của Đức Kitô hiện diện một cách huyền nhiệm” (LG 3), chiếu sáng trước mặt mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Đức Kitô” (LG 5). “Ai đón nhận lời của Đức Giêsu là đón nhận Nước Thiên Chúa”. Mầm mống và khai nguyên của Nước Trời là “đoàn chiên bé nhỏ” (Lc 12, 32). Chúa Giêsu đã tập họp quanh Người và chính Người là mục tử (x. Mt 10, 16; 26, 31; Ga 10, 1-21). Những người đó họp thành gia đình đích thực của Chúa Giêsu (Mt 12, 49). Người đã dạy cho họ một “cách sống mới” và một kinh nguyện riêng.

Chúa Giêsu thiết lập một cộng đoàn có cơ cấu, và cộng đoàn này sẽ tồn tại cho đến lúc Nước Trời được hoàn thành. Trước hết, Người tuyển chọn nhóm Mười Hai với Phêrô làm thủ lãnh (Mc 3, 14-15). Đại diện cho 12 chi tộc Israel (Mt 19, 28; Lc 22, 30), nhóm 12 là nền tảng của Giêrusalem mới (Kh 21, 12-14). Nhóm Mười Hai (Mc 6, 7) và các môn đệ khác (Lc 10, 1-2) tham dự vào sứ mạng của Đức Kitô, vào quyền năng và cả số phận (x. Mt 10, 25; Ga 15, 20) của Người. Qua những hành động trên, Đức Kitô chuẩn bị và xây dựng Hội Thánh của Người.

Nhưng Hội Thánh phát sinh chủ yếu từ việc Đức Kitô hiến thân hoàn toàn để cứu độ chúng ta; sự hiến thân được thể hiện trước trong việc thiết lập bí tích Thánh Thể và được thực hiện trên Thập Giá. “Sự khai nguyên và phát triển của Hội Thánh được biểu thị bằng máu và nước trào ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giêsu bị đóng đinh” (x. LG 3). “Chính từ cạnh sườn của Đức Kitô chịu chết trên Thập Giá đã phát sinh bí tích kỳ diệu là toàn thể Hội Thánh” (SC 5). Cũng như Evà được tạo ra từ cạnh sườn của Ađam khi ông ngủ, thì Hội Thánh cũng đã sinh từ trái tim bị đâm thủng của Đức Giêsu chết trên Thập Giá.



Hội Thánh được Chúa Thánh Thần giới thiệu

“Khi Chúa Con hoàn tất công trình Chúa Cha trao phó cho Người ở trần gian, Chúa Thánh Thần được cử đến trong ngày lễ Ngũ Tuần, để thánh hoá Hội Thánh mãi mãi” (LG 4). “Bây giờ, Hội Thánh được công khai giới thiệu cho nhân loại, và Tin Mừng bắt đầu được rao giảng cho muôn dân” (AG 4). Bởi Hội Thánh là cuộc “triệu tập” tất cả mọi người để được cứu độ, nên Hội Thánh tự bản chất là thừa sai, được Chúa Kitô cử đến với muôn dân, để làm cho họ trở thành môn đệ của Người.

Để giúp Hội Thánh thi hành sứ mạng, Chúa Thánh Thần “trang bị và điều khiển Hội Thánh bằng nhiều ân huệ phẩm trật và các đặc sủng khác nhau” (LG 4). “Vì thế được trang bị với các hồng ân của Đấng Sáng Lập và chăm chú trung thành tuân giữ các giới răn về bác ái, khiêm nhường và từ bỏ, Hội Thánh lãnh nhận sứ mạng rao truyền và thiết lập Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa nơi mọi dân tộc; Hội Thánh là mầm mống và khai nguyên của Nước ấy trên trần gian” (LG 5).

Hội Thánh được hoàn tất trong vinh quang

“Hội Thánh chỉ được hoàn tất trong vinh quang trên trời” (x. LG 48), trong ngày Chúa Kitô quang lâm. Từ nay đến đó, “Hội Thánh vẫn tiến bước trên đường hành hương, bị thế gian bách hại và được Thiên Chúa an ủi”. Nơi trần thế, Hội Thánh biết mình đang ở chốn lưu đày, xa cách Chúa (x. 2Cr 5, 6; LG 6) và khao khát ngày Vương Quốc đăng quang trọn vẹn, “giờ mà Hội Thánh được kết hợp cùng Vua của mình trong vinh quang” (LG 5). Hội Thánh sẽ phải trải qua nhiều thử thách lớn lao trước khi đạt tới vinh quang viên mãn; và nhờ Hội Thánh, thế giới cũng được vinh quang. Chỉ khi đó “mọi người công chính từ Ađam, từ Aben người công chính, cho đến người được tuyển chọn cuối cùng, sẽ được qui tụ trong Hội Thánh hoàn vũ bên cạnh Chúa Cha”(LG 2).


câu hỏi thảo luận

1- CHÚA GIÊSU THIẾT LẬP HỘI THÁNH ĐỂ LÀM GÌ?

- Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh để lưu truyền sự hiện diện của Ngài trên trần gian và tiếp tục hai sứ mạng của Ngài là: Giảng dạy chân lý và thông ban sự sống.



2- HỘI THÁNH ĐƯỢC VÍ NHƯ “MẶT TRĂNG PHẢN CHIẾU ÁNH SÁNG MẶT TRỜI LÀ CHÚA KITÔ” NGHĨA LÀ THẾ NÀO?

- Mặt trăng không tự mình chiếu sáng nhưng sáng được là nhờ phản chiếu ánh sáng mặt trời. Hội Thánh không tự sáng tác ra Chúa Kitô không làm việc của mình nhưng Hội Thánh do Chúa Kitô sáng lập để nối tiếp sứ mạng truyền giáo và thông ban sự sống của Ngài. Hội thánh phản chiếu hình ảnh Chúa Kitô, Ngài là ánh sáng thế gian, ánh sáng ấy trước hết chiếu trên Hội Thánh rồi dọi chiếu trên chúng ta. Những hoạt động của Hội Thánh đều do ơn Chúa soi sáng, mặc khải, thúc đẩy để Giáo hội ban phát ơn cứu độ cho con người qua việc lãnh nhận các phép Bí Tích.

Bài 2.

Tin Mừng và các nền văn hóa

- Sứ điệp Tin Mừng đã được công bố lần đầu tiên dưới triều hoàng đế Tibério, trong một tỉnh xa xôi của đế quốc Roma là xứ Palestina. Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài đã tự diễn đạt qua nền văn hóa Thánh kinh. Sứ điệp đó đã vượt qua các bến bờ Địa trung hải rồi lan đến tận cùng thế giới. Phải trung tín với sứ điệp đã lãnh nhận, đồng thời phải không ngừng diễn tả sứ điệp đó trong những ngôn ngữ mới, những nền văn hóa và triết học mới.

Cộng đoàn Giêrusalem: là nhóm “anh em” luôn rộng mở mời đón mọi người. Họ nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Mêsia, là Chúa. Họ tin, hối cải đón nhận Thánh Thần và loan báo về Ngài, mặc cho mọi chống đối từ phe Đền thờ. Theo Công vụ tông đồ 2,24 họ chuyên cần với giáo huấn các Tông đồ, với việc hiệp thông, bẻ bánh và kinh nguyện... Họ góp của cải thành tài sản chung để phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu.

2. Lời gieo ngoài Giêrusalem: Tin Mừng được dần dần lan rộng nhờ các Diaspora Do Thái đã rải rác khắp đế quốc. Các phó tế và thánh Phêrô đã đi tiên phong trong việc đem Tin Mừng cho dân ngoại. Cuộc bách hại của Hêrođê và việc Giêrusalem sụp đồ, thúc đẩy Tin Mừng đi nhanh hơn. Công đồng năm 49 tại Giêrusalem như lời tuyên cáo Luật Mới đã thay thế luật Maisen. Thánh Phêrô chọn thủ đô mới cho Giáo Hội là ROMA, ngài giảng đạo và tử đạo tại đó.

3. Nhân sinh quan mới : Dưới góc nhìn lịch sử, thánh Phaolô có vai trò đặc biệt xây dựng hệ thống giáo lý, đề ra phương án thực hiện tổ chức, biến niềm tin thành một cuộc cách mạng tôn giáo : khám phá ra Đức Kitô là đỉnh cao của lịch sử, mở ra một thời đại mới, dân tộc mới (không còn Do Thái hay Hy Lạp). Niềm tin ấy của các tín hữu sơ khai đã kết tinh lại trong ngòi bút của các thánh ký qua 27 tác phẩm Tân Ước.

Vì những con người đón nhận sứ điệp là đủ mọi hạng người, mọi lứa tuổi, mọi sắc dân, mọi ngôn ngữ: nông gia, dân thành thị, dân du mục,...Phải cảnh giác để sự thích nghi, hội nhập văn hóa không làm biến chất sứ điệp của Đức Kitô.

Khi sứ điệp được diễn đạt quá lâu trong một nền văn hóa thì những sứ giả của nền văn hóa đó khi truyền giáo sẽ truyền đạt điều chi ? Tin Mừng thôi hay toàn bộ sứ điệp với cả bộ khung văn hóa của họ. Vì vậy, đôi khi sứ điệp Kitô giáo bị từ chối vì người ta sợ nó đe dọa nền tảng của một nền văn minh. (Vd : Cuộc chinh phục Mỹ châu và việc rao giảng Tin Mừng trùng hợp với sự sụp đổ nền văn hóa của người Aztèques, người Incas... Cũng vậy, sự từ chối của người Nhật Bản và Trung Hoa như là một ý chí tự vệ chống lại một tác tố gây đổ vỡ).

Hội thánh truyền bá Đức Giêsu bằng lời và bằng Bí tích của mình, nhưng không ngừng bị cám dỗ tự tổ chức thành một cơ chế chính trị xã hội theo khuôn mẫu của những xã hội xung quanh. Và các Kitô hữu tự hỏi: Chúng ta có đi quá xa Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người chăng ? Hội thánh có cần được thanh tẩy chăng ? Cứ như thế, trong nhiều thế kỷ đã nẩy sinh phong trào trở về với Tin Mừng mà đôi khi đã đi tới ly khai với hội thánh. (Vd : Luther đứng lên chống lại Roma nhân danh Tin Mừng và có nhiều người theo ông).

Ngày xưa người ta nói nhiều đến những "bài học lịch sử”. Nhưng “không ai tắm hai lần trong một dòng sông”. Đừng mong tìm trong lịch sử những công thức dọn sẵn... nhưng lịch sử là một kho tàng mà người rao giảng Nước trời không ngừng rút ra cái cũ và cái mới: Khi nhiều người có cùng một người bạn, chúng ta sẽ khám phá nơi anh ta nhiều khía cạnh khác nhau tùy tính khí chúng ta. Cũng vậy, trải qua nhiều thế kỷ, các Kitô hữu đã có một kinh nghiệm phong phú về Đức Kitô. Lịch sử Giáo hội cho ta chia sẻ kinh nghiệm ấy và nới rộng kinh nghiệm thường rất giới hạn của ta. Nó giúp ta khám phá những đóng góp nối tiếp nhau của nhiều thời đại khác biệt trong cuộc sống Kitô hữu. Toàn bộ di sản đáng được kính trọng nhưng khi tiếp nhận chúng, cần có óc nhận định phê phán.

Qua việc lược lại lịch sử này, ta sẽ đánh giá đúng giá trị di sản quá khứ và đôi khi tương đối hóa nó. Chúng ta sẽ tìm thấy những phương thế để đừng bi thảm hóa một vài khủng hoảng hiện tại. đồng thời cũng đừng quên rằng Hội thánh là một mầu nhiệm niềm tin nên chỉ có thể thấu đáo được trong niềm tin.



câu hỏi thảo luận

1- THẾ NÀO LÀ HỘI NHẬP VĂN HOÁ?

- Hội nhập Tin Mừng vào văn hoá hay gọi vắn tắt là hội nhập văn hoá.

- Hội nhập văn hoá là một kiểu nói tương đối mới mẻ trong Giáo Hội, mặc dù hiện tượng ấy đã diễn ra ngay từ thời Giáo Hội tiên khởi. Sự kiện Ngôi Hai xuống thế làm người là nền tảng cho việc hội nhập văn hoá của Kitô giáo. Có thể nói rằng hội nhập văn hoá là cuộc gặp gỡ, hội nhập giữa Tin Mừng với các nền văn hoá địa phương để làm cho những suy nghĩ, nếp sống phản ánh Tin Mừng.

- Trong những thập niên gần đây, việc hội nhập văn hoá đã được thực hiện trong rất nhiều sinh hoạt của Giáo Hội, nổi bật nhất là những cố gắng cử hành phụng vụ cho phù hợp với văn hoá địa phương như: Cử điệu, y phục hoặc màu áo, dĩ nhiên các thay đổi này cần phải được toà thánh phê chuẩn. Thí dụ: Tại An Độ và Nhật Bản. Người ta thí nghiệm phương pháp Yoga và ngồi thiền vào kinh nguyện của Kitô giáo. Tại Việt Nam: Những bản Thánh ca mang sắc thái dân tộc. Việc đốt nhang, xông hương, dâng hoa quả trong thánh lễ hoặc việc tôn kính ông bà tổ tiên, cho chúng ta thấy được sức năng động của Giáo Hội trong việc hội nhập Tin Mừng vào văn hoá các dân tộc.

- Tuy nhiên, trong thực tế việc hội nhập văn hoá gặp rất nhiều khó khăn, chẳng hạn như ở An Độ và Trung Quốc, người ta không thể dùng một mô thức hội nhập văn hoá cho cả nước, vì các nước này là những lục địa có nhiều nền văn hoá khác nhau.

- Nói chung, Các nền văn hoá luôn mang tính linh đông, nếu không để ý đến tính cách linh động của văn hoá, việc hội nhập văn hoá dễ biến thành một thứ hoài cổ. Nếu như trong thánh lễ Linh Mục mặc áo thụng, đội mũ cánh chuồn, thì đó không phải hội nhập văn hoá mà là hồi tưởng quá khứ…..

- Tóm lại: Hội nhập văn hoá không phải là trở lại với những gì cũ kỹ, lỗi thời, mà chính là bắt kịp với nền văn hoá với nhịp sống đang thành hình với những thay đổi của thời gian. Chính qua những đổi thay đó mà con người thấy được tâm thức và cách sống trên nền tảng truyền thống văn hoá. Từ đó nhận ra sự cần thiết và quan trọng của việc hội nhập văn hoá.

2– “KHÔNG AI TẮM HAI LẦN TRONG MỘT DÒNG SÔNG”. ĐIỀU NÀY MUỐN NÓI GÌ TRONG LÃNH VỰC LỊCH SỬ?

- Dòng nước đã trôi đi không bao giờ trở lại, Lịch sử Giáo Hội cũng vậy. Trải qua bao thời kỳ thăng trầm, bao biến cố đau thương Giáo Hội vẫn tồn tại và không ngừng phát triển, lịch sử Giáo Hội là một kho tàng đầy những kinh nghiệm. Người tín hữu luôn luôn phải học hỏi giáo lý, phát huy cái mới từ những bài học cũ. Để công việc truyền giáo đạt nhiều kết quả. Nối tiết sứ mạng Chúa Kitô. Đem tin mừng và ơn cứu độ đến cho mọi người.



3- BẠN HIỂU THẾ NÀO LÀ “NHỮNG ĐÓNG GÓP NỐI TIẾP NHAU CỦA NHIỀU THỜI ĐẠI” TRONG CUỘC SỐNG KITÔ HỮU?

- Trước hết chúng ta tự hỏi cuộc sống Kitô hữu là gì? Phải chăng là niềm tin của các Kitô hữu vào Đức Kitô? Chúng ta nhận biết Đức Kitô qua lời thuật của các tông đồ, do ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, các Ngài đã ghi chép lại, được Hội thánh truyền lại cho chúng ta. Đó là những chứng từ đức tin được viết sau biến cố tử nạn, phục sinh, lên trời, hiện xuống. Các biến cố này như những luồng sáng chiếu dọi vào cuộc đời Chúa Kitô, khiến các tông đồ hiểu biết hơn về cuộc đời, cùng những lời Chúa Giêsu nói, những việc Chúa Giêsu làm



Chương trình cứu độ của Ngài. Các chứng từ đó được ghi nhận rất rõ trong các sách Tin Mừng (Mt, Mc, Lc, Ga).

- Sau hai thế kỷ những chứng từ của các Tông đồ viết về Chúa Kitô và hướng dẫn niềm tin cũng như nếp sống của các tín hữu thời đầu mới được hình thành và đón nhận, đó là bộ Tân Ước.

- Suốt chiều dài lịch sử. Giáo Hội liên tiếp suy nghĩ, đào sâu sứ điệp Tin Mừng, để hiểu rõ hơn những gì Thiên Chúa đã thương mặc khải, có những lúc khó khăn, đôi khi khủng hoảng trước ly giáo, lạc giáo, khiến Giáo Hôi từng bước xác định niềm tin của mình. Do đó các tính điều được hình thành như :

+ Mầu nhiệm một Chúa Ba ngôi.

+ Mầu nhiệm nhập thể.

+ Đức Chúa Giêsu có hai bản tính.

Đức trinh nữ Maria là mẹ Thiên Chúa………

- Hơn 2.000 măm qua, Giáo Hội không ngừng canh tân, học hỏi, tìm hiểu về Chúa Kitô để lại cho chúng ta một di sản vô giá về Kinh Thánh, giáo lý, phụng vụ...

- Chúng ta được thừa hưởng kho tàng tiềm ẩn vô tận ấy cùng với niềm tin và lòng mến Chúa sâu sắc của các Thánh, các nhà truyền giáo, các Đức Giáo Hoàng, Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ là những người thay mặt Chúa Giêsu ở trần gian, giảng dạy lời Chúa chăm sóc đoàn chiên của Ngài.

- Sứ mạng ấy không dừng trên các vị chủ chăn, mà mỗi người Kitô hữu phải nỗ lực đào sâu niềm tin của mình và sống niềm tin ấy. Nhờ đó, mỗi ngày chúng ta có thể hiểu biết Chúa nhiều hơn.

Bài 3.

Hội thánh thời phôi thai
ở Palestina


I. NHỮNG ANH EM Ở GIÊRUSALEM

Lịch sử Giáo Hội bắt đầu khoảng năm 30, tại Giêrusalem vào ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái (kỷ niệm giao ước Sinai), Nhóm 12 môn đệ Đức Giêsu loan báo cho đồng bào Do Thái ở khắp nơi về mừng lễ một TIN MỪNG. Các vị nói về Đức Giêsu, sứ giả của Thiên Chúa tuy bị đóng đinh nhưng vẫn đang sống, Ngài đã phục sinh. Ngài chính là Đấng Messia, là Đấng Cứu Thế mà dân Do Thái qua bao thế hệ hằng mong đợi. “Xin toàn thể nhà Israel hãy biết cho rằng: Thiên Chúa đã đặt làm Chúa, làm Messia, Đức Giêsu mà các người đã đóng đinh kia” (Cv 2,36) Qua lời loan báo Tin Mừng đó, Nhóm 12 tự khẳng định tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu, Đấng sáng lập Giáo Hội. Đầy tràn Thánh Thần, những ngư phủ nhút nhát bỗng nói năng trôi chảy. Các vị như thấy một dân tộc mới đang nảy sinh; “Lời hứa được ban cho anh em và con cái anh em cùng mọi kẻ ở phương xa và cho hết mọi người” (Cv 2,39). Phêrô mạnh dạn lên tiếng trước đám đông đang nói ông say rượu. Ông tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu-Mêsia và kêu gọi hoán cải: “Hãy hối cải và mỗi người hãy chịu thanh tẩy nhân danh Đức Giêsu để được tha thứ và được lãnh ơn Thánh Thần”. Ngày hôm đó, 3000 người xin chịu thanh tẩy, Giáo Hội được khai sinh.



1. Sinh hoạt cộng đoàn

Như Đức Giêsu, các thành viên đầu tiên của Giáo Hội là người Do Thái, dùng ngôn ngữ Aram. Họ vẫn lui tới đền thờ và giữ luật Maisen. Họ bề ngoài giống như một trong nhiều nhóm Do Thái khác: Pharisêu, Saducêô, Zêlốt ... Thế nhưng họ không khép kín như những nhóm này. Họ gọi nhau là “anh em’ và mở rộng đón mọi người. Tài liệu quí nhất về sinh hoạt cộng đoàn tiên khởi là Công Vụ Tông Đồ của thánh Luca, cho ta thấy niềm tin của tín hữu tiên khởi, và cho thấy những hình ảnh êm ả nhất: “Ngày ngày họ đồng tâm nhất trí đến Đền thờ, bẻ bánh ở nhà, cùng nhau chia sẻ của nuôi thân, lòng hân hoan, dạ đơn thành trong lời ngợi khen Thiên Chúa và sự mến phục của toàn dân”.

Đón nhận Tin Mừng, mỗi người đều hoán cải, lãnh phép rửa nhân danh Đức Giêsu, “chuyên cần nghe giáo huấn tông đồ và trung tín với sự hiệp thông, việc bẻ bánh và cầu nguyện”(2,42). Ngoài ra “các kẻ tin hết thảy đều coi mọi sự là của chung: đất đai của cải họ bán đi, phân phát cho mọi người, ai nấy tùy theo nhu cầu” (2,44). Tình yêu liên kết họ thành một trái tim, một tâm hồn “Mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy là các con có lòng yêu thương nhau”. Chúa củng cố lời giảng của các Tông đồ bằng những phép lạ kèm theo. Họ làm vậy vì tình huynh đệ cộng đoàn, nhưng một phần cũng vì tưởng ngày Chúa quang lâm đã gần kề. Trong chuyện hai vợ chồng Anania và Saphira: nộp của cải nhưng giấu đi một phần nên bị phạt cho ta thấy việc góp tài sản này hoàn toàn tự do và tự nguyện. Thánh Phêrô nói: “Có bán đi các người vẫn tự quyền xử định. Hà tất phải bận tâm bày ra chuyện (gian dối) này” (Cv 5,4).

Ngồi lại với nhau, các tín hữu chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm sống động được gặp Đức Kitô của mình. Họ kể: “Ngày ấy ... Ngài đang nói thì ...”. Mađalêna, các môn đệ làng Emmaus vẫn còn đó. Gioan thì nói về Đấng mình đã nghe, đã chứng kiến, cung chiêm, đụng chạm đến ... “để anh em được hiệp thông và được sự sống đời đời” (1 Ga 1,1-3). Thánh Phêrô còn cho ta biết thêm bầu khí của cộng đoàn: “cùng nhau thông cảm, mặn nồng tình huynh đệ, đầy lòng xót thương và khiêm nhu” (1 Pr 3,8). Kết quả là “số kẻ được cứu rỗi mỗi ngày được ban thêm cho cộng đoàn” (Cv 2,47).



2. Cản trở từ phe Đền thờ

Dầu sao, niềm tin Đức Giêsu là Mêsia cũng gây khó chịu cho những người Do Thái khác. Niềm tin đó như lời phản đối các thượng tế và kỳ lão đã kết án Đức Giêsu, và chống lại lưu truyền về Đấng Mêsia vinh quang ... Sự đối kháng bùng nổ khi Phêrô và Gioan chữa một người què. Họ bắt hai vị nhưng lại sợ dân chúng nên thả ra. Câu trả lời của hai vị trở thành châm ngôn của nhà truyền giáo: “Chúng tôi không thể im lặng về những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe ... Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”. Sự đối kháng đó ngày càng gia tăng. Khi bị bắt lần hai, các vị bị đánh bằng roi. Nhưng Tin Mừng đã tác động cách nào đó ngay trong chính hàng ngũ các Biệt Phái, rabbi Gamalien đã can thiệp để hai vị tự do, vì: “Các ngài không phá nổi đâu, nếu đây là công trình của Thiên Chúa”.



3. Lời Chúa không bị ràng buộc ở Giêrusalem.

Cũng như dân Do Thái, các tín hữu tiên khởi có hai khuynh hướng: một bên đề cao dân được chọn, bắt tân tòng phải cắt bì khi gia nhập; bên kia đa số ở các cộng đoàn hải ngoại (Diaspora) thường được gọi là nhóm Hy-hóa, hiểu giá trị của văn hóa Hy Lạp hơn. Nhân việc các bà góa phe Hy hóa bị lãng quên, các tông đồ đã chọn bảy phó tế để hướng dẫn những người này. Các vị này hăng say truyền bá Tin Mừng ra ngoài Giêrusalem. Họ đều năng động, trẻ tuổi, thông thuộc Cựu Ước và hiểu biết văn hóa Hy Lạp.

Trưởng nhóm bảy người là Stêphanô còn lưu lại một diễn từ gãy gọn khúc chiết (Cv 7). Ông vạch rõ tính tạm bợ của Đền thờ và nói đến việc phượng tự mới của Đức Giêsu trong tinh thần và chân lý. Ông bị dân Do Thái ném đá và trở thành vị tử đạo tiên khởi trong Giáo Hội (năm 34). Cuộc bắt bớ bùng nổ, “các người bị phân tán đi qua đâu, họ rao giảng Lời Tin Mừng đến đó” (Cv 8,4). Phó tế Philíp mạnh dạn đến với dân Samari, vốn bị Do Thái khinh ghét, ông giảng và rửa tội cho viên hoạn quan đang trên đường đi Gaza, rồi lập công đoàn ở Cêsarea. Các tông đồ hưởng ứng công tác này, đã phái Phêrô và Gioan đến Samaria ban phép Thêm Sức và củng cố Đức Tin.

Thánh Phaolô, cũng có tên là Saulô, kẻ từng tham gia ném đá Stêphanô, lùng bắt các tín hữu. Chúa Giêsu đã chinh phục ngài trên đường Damas (Cv 9). Sau ba năm sống trong sa mạc Arabie, thánh nhân được Barnabê giới thiệu với các Tông đồ và đưa đi giảng Tin Mừng tại Antiokia.



4. Lời Chúa không dành riêng cho Dân Do Thái

Thánh Phêrô nhờ một thị kiến, hiểu rằng Tin Mừng được gửi đến cho muôn dân: “Thiên Chúa chẳng thiên tư tây vị, bất cứ thuộc dân tộc nào, ai kính sợ Người và làm lành thì đều được Người chiếu nhận”. Thánh nhân đã nói như vậy trước khi ban phép Thánh tẩy cho viên bách quản Cornêlio và gia đình. Ngài đã thấy Thánh Thần đồ xuống trên họ (Cv 10-11), nhưng mới chỉ coi là luật trừ cho người có hạnh kiểm tốt.

Antiokia là nơi có nhiều tín hữu đến lánh nạn nhất, cũng là nơi đầu tiên họ được gọi là Kitô hữu. Thánh Phêrô đã lập Tòa tại đây (lễ kính 22.02). Tại Antiokia, Phaolô và Barnabê giảng cho dân ngoại mà không buộc họ phải giữ luật Do Thái, không cần cắt bì. Điều này làm cho nhóm Giacôbê ở Giêrusalem quan ngại, và cho người đi kiểm tra. Hôm ấy Phêrô đang ăn với các tân tòng, e sợ nên tránh mặt, đã bị Phaolô thẳng thắn phê phán (Gl 2,11t). Vấn đề được đưa ra Công đồng Giêrusalem năm 49, và được các Tông đồ giải quyết rõ rệt. Phép cắt bì và luật Mose không phải Tin Mừng. Hội thánh phải chọn một thái độ đối với mạc khải và nghi lễ cũ. Việc hủy bỏ phép cắt bì và những kiêng kỵ Do Thái khai mào cho nhiều phân ly đau đớn kế tiếp. Nhưng Hội thánh kiên quyết giữ gìn đức tin nguyên vẹn cùng với một tinh thần cởi mở đáp ứng với hoàn cảnh mới.

Thời đại các Tông đồ không những là thời đại khởi đầu. Nhưng cũng là thời kỳ thiết lập nền tảng cho Hội Thánh Chúa. Các chứng nhân tận mắt những sự việc xảy ra vẫn còn sống trong cộng đoàn và được “Thánh Thần hướng dẫn" tới toàn thể sự thật.



Каталог: contents haiauresort -> uploads -> file

tải về 0.76 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương