GIÁO Án kỹ thuật lâm sinh (HỌc phần I)



tải về 1.16 Mb.
trang5/11
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích1.16 Mb.
#31443
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

D- CỦNG CỐ - DẶN DÒ

Kiểm tra định kỳ:

Bằng kiến thức đã học anh (chị) hãy dự trù diện tích đất vườn ươm cho Công ty giống lâm nghiệp với các dữ kiện dưới đây. Trên có sở diện tích đất vườn ươm đã tính toán được anh (chị) hãy vẽ sơ đồ mặt bằng bố trí các khu đất vườn ươm cho phù hợp

- Loài cây gieo ươm là thông, keo, bạch đàn.

- Kỹ thuật áp dụng để sản xuất cây con là từ hạt

- Dự kiến sản xuất theo phương pháp liên canh

- Số cây con đơn vị phải sản xuất hàng năm: Thông 5000 cây, Keo 10.000 cây, Bạch đàn 6000 cây.

- Số cây con có thể sản xuất trên 1m2 vườn ươm là 200 cây

- Số vụ sản xuất cây con trong 1 năm: Thông 1 vụ, Keo 2 vụ, Bạch đàn 1 vụ



Kiểm tra thường xuyên. Anh (chị) hãy trình bày nội dung các bước kỹ thuật cơ bản của quá trình giâm hom trong sản xuất cây con bằng phương pháp vô tính.

CHƯƠNG III: TRỒNG RỪNG

Số tiết:15 tiết

MỤC TIÊU

- Cung cấp cho học sinh các kiến thức cơ bản của các bước kỹ thuật trồng rừng và tầm quan trọng của từng bước kỹ thuật đó.

- Học sinh có khả năng vận dụng các bước kỹ thuật trồng rừng trong thực tế gây trồng rừng ở địa phương.

- Học sinh có thái độ tích cực trong việc tiếp thu kiến thức, vận dụng hiệu quả trong thực tế, tôn trọng thầy cô bạn bè.

NỘI DUNG

I. ĐẤT TRỒNG RỪNG.

1. Khái niệm: Đất trồng rừng là đất đã, đang và sẽ quy hoạch để trồng rừng.

GV: Đất trồng rừng được phân chia theo từng vùng và theo từng nơi trồng rừng.



2. Phân vùng và nơi trồng rừng.

2.1. Phân vùng trồng rừng

a) Khái niệm: Vùng trồng rừng là vùng có điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế cơ bản giống nhau, nhiệm vụ trồng rừng giống nhau nhưng khác nhau rõ rệt về loài cây, loại rừng và các biện pháp kỹ thuật gây trồng.

b) Mục đích: Nhằm đưa ra phương hướng quy mô phát triển và biện pháp kỹ thuật phù hợp cho từng vùng.

c) Cơ sở để phân chia vùng trồng rừng.

- Dựa vào điều kiện tự nhiên: Gồm khí hậu, địa hình, đất đai, ranh giới phân bố tự nhiên và tình hình sinh trưởng của loài cây chủ yếu.

- Dựa vào điều kiện kinh tế xã hội: Gồm điều kiện kinh tế, trình độ sản xuất, phương hướng kinh doanh lâm nghiệp và mục đích gây trồng rừng.

d) Các vùng đất trồng rừng của nước ta: Gồm 7 vùng, mỗi vùng có nhiệm vụ trọng tâm trồng rừng khác nhau:

- Vùng 1 (Vùng núi và trung du phía Bắc):

+ Gồm 15 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.

+ Nhiệm vụ: Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc sản, rừng cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp giấy sợi và cung cấp gỗ trụ mỏ cho công nghiệp khai thác than.

- Vùng 2 (Vùng Đồng bằng Bắc Bộ)

+ Gồm 10 tỉnh, thành phố: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hải Phòng. Các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.

+ Nhiệm vụ: Trồng rừng phòng hộ nông nghiệp

- Vùng 3 (Vùng Bắc Trung bộ)

+ Gồm 6 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế

+ Nhiệm vụ: Trồng rừng gỗ lớn (dọc Trường Sơn) và trồng rừng chống cát bay ven biển.

- Vùng 4 (Vùng Duyên hải nam Trung bộ)

+ Gồm 8 tỉnh, thành phố: Thành phố Đà Nẵng, Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh thuận

+ Nhiệm vụ: Trồng rừng gỗ lớn (dọc Trường Sơn) và trồng rừng chống cát bay ven biển.

- Vùng 5 (Vùng Tây Nguyên)

+ Gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng

+ Nhiệm vụ: Trồng rừng gỗ lớn.

- Vùng 6 (Vùng Đông Nam bộ)

+ Gồm 6 tỉnh, thành phố: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh

+ Nhiệm vụ: Trồng rừng gỗ lớn và rừng cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp giấy sợi.

- Vùng 7 (Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long)

+ Gồm 13 tỉnh, thành phố: An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và Thành phố Cần Thơ.

+ Nhiệm vụ: Trồng rừng Tràm và rừng ngập mặn.



2.2. Phân chia nơi trồng rừng.

a) Khái niệm: Nơi trồng rừng là những nơi đã, đang hoặc sẽ được quy hoạch để gây trồng rừng.

b) Mục đích: Nhằm sử dụng đất trồng rừng hợp lý, hiệu quả, đáp ứng mục đích kinh doanh.

c) Cơ sở phân chia nơi trồng rừng: Dựa vào 2 nhóm nhân tố.

* Điều kiện lập địa

- Đây là những nhân tố ảnh hưởng sâu sắc, lâu dài trong suốt quá trình sống của cây như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, độ phì …

- Các nhân tố lập địa tương đối ổn định và quan hệ mật thiết với nhau, một nhân tố thay đổi thì các nhân tố khác cũng thay đổi theo.



GV: Trong phạm vi một vùng các nhân tố tự nhiên thường có nhân tố chủ đạo, có thể tác động vào nhân tố chủ đạo làm chúng thay đổi theo hướng có lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây rừng.

- Theo Lơ Man (1961) trong phạm vi một vùng nhất định, coi điều kiện khí hậu là đồng nhất, điều kiện lập địa được chia theo 3 cấp sau

+ Cấp 1: Dùng cho những nơi kinh doanh với cường độ cao (trồng rừng công nghiệp tập chung, các điểm thí nghiệm).

+ Cấp 2: Dùng cho trồng rừng ngoài mục đích công nghiệp, các tiểu khu rừng tự nhiên, phân chia đất đai tổng quát.

+ Cấp 3: Dùng cho quy hoạch lâm nghiệp vùng lớn, lập phương hướng tổng quát sử dụng đất đai nông lâm nghiệp.

* Trạng thái hoàn cảnh nơi trồng rừng

- Là chỉ hiện trạng của nơi trồng rừng như tình trạng thực vật (cây bụi, cỏ, rừng …) tình hình sau khai thác (có hoặc không có tái sinh, tình hình gốc cây, tình hình vệ sinh rừng) và quá trình lợi dụng rừng.

GV: Mỗi trạng thái hoàn cảnh nơi trồng rừng khác nhau đòi hỏi biện pháp kỹ thuật khác nhau từ phương thức, phương pháp làm đất, tiêu chuẩn cây con đem trồng, biện pháp chăm sóc …

- Nguyên tắc phân chia là dựa vào tình trạng thực vật, tình hình rừng sau khai thác và quá trình lợi dụng đất. Vì vậy trong sản xuất trạng thái hoàn cảnh nơi trồng rừng được chia thành 6 loại:

+ Đất cỏ dại: Hình thành do chặt phá rừng trong nhiều năm liên tục gồm những nơi khai thác rừng không hợp lý, nương rẫy, nơi bị cháy rừng nhiều lần. Loài cỏ thường gặp là ràng ràng, lau lách, cỏ tranh ... Đất mất tính chất đất rừng, chua, tầng đất mặt mỏng, khô xấu, cứng chặt.

+ Đất cây bụi: Được hình thành do phá rừng hoặc kinh doanh nuôi thú rừng. Tổ thành thực vật phức tạp giá trị kinh tế thấp thường gặp như sim, mua, các loài cây có gai. Đất nói chung tốt hơn đất cỏ dại.

+ Đất rừng tái sinh nghèo kiệt: Hình thành do chặt chọn không hợp lý, tổ thành loài cây phức tạp, chủ yếu là cây tạp, dễ bị sâu bệnh, nhiều dây leo, tái sinh tự nhiên kém. Đất tốt còn tính chất đất rừng.

+ Đất sau khai thác trắng: Hình thành do khai thác trắng. Tổ thành thực vật còn rất ít thảm tươi, cây tái sinh thấp nhỏ. Đất tốt, tơi xốp, chưa bị nhiễm sâu bệnh hại và cỏ dại.

+ Đất dưới tán rừng: Tính chất đất và tiểu hoàn cảnh rừng còn nguyên vẹn.

+ Đất sau nương rẫy: Hình thành do nương rẫy cũ bỏ lại. Tổ thành chủ yếu là cỏ, cây bụi và một số loài cây tạp. Đất có thể còn tốt hoặc đã thoái hoá song thường có nhiều sâu bệnh.

* Quan hệ giữa điều kiện lập địa và trạng thái hoàn cảnh nơi trồng rừng.

- Là 2 nhóm nhân tố tạo thành nơi trồng rừng nhưng vai trò và ảnh hưởng của không giống nhau. Điều kiện lập địa tương đối ổn định tác dụng lâu dài, ảnh hưởng sâu sắc và quyết định sự thành bại của công tác trồng rừng còn trạng thái hoàn cảnh không ổn định nó chỉ tạm thời và ảnh hưởng đến công tác thi công của đất trồng rừng.

- Nếu thiếu một trong 2 nhóm nhân tố thì không phản ánh được hết đặc điểm của nơi trồng rừng.

- Nếu chỉ dựa vào một trong 2 nhóm nhân tố thì không đề xuất được đầy đủ chính xác các biện pháp kỹ thuật của một loại hình biện pháp kỹ thuật trồng rừng.

(Loại hình biện pháp kỹ thuật trồng rừng là tổng hợp các biện pháp kỹ thuật trồng rừng áp dụng cho một nơi đất trồng rừng gồm chọn loài cây trồng, phương thức, phương pháp trồng rừng và chăm sóc bảo vệ rừng trồng)

Sơ đồ Quan hệ giữa điều kiện lập địa, trạng thái hoàn cảnh và loại hình biện pháp kỹ thuật trồng rừng



II. CHỌN LOÀI CÂY TRỒNG.

1. Ý nghĩa và nguyên tắc chọn loài cây trồng.

1.1. Ý nghĩa: Là công việc quan trọng quyết định đến sự thành bại của công tác trồng rừng. Giữ vị trí then chốt trong loại hình biện pháp kỹ thuật trồng rừng.

GV: Rừng trồng thành công hay thất bại là do 4 yếu tố sau quyết định:

+ Mức độ thoả mãn của rừng đối với mục đích kinh doanh, theo yêu cầu của thị trường.

+ Tình hình sinh trưởng phát triển của rừng

+ Giá thành của rừng trồng

+ Ảnh hưởng của rừng đến môi trường.

-> Vì vậy sự thành bại của rừng trồng là do xác định loại hình biện pháp kỹ thuật trồng rừng có chính xác hay không quyết định, trong đó chọn loại cây trồng là một biện pháp kỹ thuật có ý nghĩa quyết định nhất.

1.2. Nguyên tắc:

- Cây trồng phải cho sản phẩm đạt chất lượng và số lượng đúng mục đích kinh doanh trong thời gian nhất định.

- Sảm phẩm phải có giá trị kinh tế cao phát huy tốt hiệu quả đầu tư, sinh trưởng tốt trên đất định trồng.

- Nguồn hạt giống phong phú, kỹ thuật trồng đơn giản, nhân dân có kinh nghiệm trồng từ lâu.



2. Căn cứ để chọn loài cây trồng.

2.1. Căn cứ vào mục đích kinh doanh.

2.1.1. Chọn loài cây trồng cho rừng sản xuất.

* Rừng kinh doanh gỗ:

- Cây sinh trưởng nhanh, sớm cho gỗ và có tác dụng nhiều mặt.

- Sản lượng, phẩm chất gỗ cao, tỷ lệ % gỗ sử dụng được nhiều.

- Kỹ thuật trồng đơn giản, dễ trồng, dễ sống, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, có khả năng chống chịu cao, có tác dụng cải tạo đất, chống xói mòn....

GV: Trong thực tế sản xuất rất ít khi có một loại cây nào có thể đáp ứng được toàn bộ các yêu cầu trên, vì vậy cần chọn ra một số loài cây, sau đó so sánh, cân nhắc, chọn ra cây nào đáp ứng yêu cầu nhất. Trong điều kiện hiện nay nhiều nước trên thế giới khi chọn loại cây trồng thường lấy sinh trưởng nhanh, sản lượng cao, đa tác dụng và không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường là những tiêu chuẩn cơ bản.

* Rừng đặc sản.

GV: Là loại rừng lấy các sản phẩm khác ngoài gỗ như hoa, quả, vỏ, lá … để cung cấp nguyên liệu cho y dược, cho công nghiệp ...

- Cây cho sản lượng cao, chất lượng tốt.

GV: Tuỳ theo sản phẩm có thể lợi dụng được của cây, mà cây có các tiêu chuẩn khác nhau:

VD: Với cây lấy vỏ (quế) vỏ phải dầy, dễ bóc, hàm lượng tinh dầu cao.

Với cây lấy hạt (Trẩu) hạt phải to và nhiều, lượng dầu cao

Với cây lấy nhựa (Cao su) nhựa phải nhiều, chất lượng tốt

- Nhân dân có kinh nghiệm, khả năng đầu tư, sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định.

- Bảo vệ đất, chống xói mòn và cho các sản phẩm khác.



2.1.2 Chọn loài cây trồng cho rừng phòng hộ.

- Rừng chống xói mòn do nước.

GV: Nhiệm vụ là làm giảm lưu lượng và tốc độ dòng chảy trên mặt đất tạo điều kiện cho nước thấm vào đất được nhiều và đất không bị xói mòn.

+ Hệ rễ ăn sâu, lan rộng, đan dầy trên mặt đất, chồi rễ phát triển mạnh.

+ Tán lá rậm, lá rụng nhiều, dễ phân giải, không độc đối với người và vật nuôi.

+ Sinh trưởng nhanh, nhanh khép tán, chịu được đất nghèo xấu, khô hạn.

+ Kết hợp cho nhiều gỗ và các sản phẩm khác.

- Rừng chắn gió bảo vệ cây nông nghiệp

GV: Nhiệm vụ là làm giảm tốc độ gió, thay đổi tính chất gió làm cho đồng ruộng có sản lượng cao và ổn định.

+ Cây phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, sinh trưởng tốt, tuổi thọ cao.

+ Thân cây có chiều cao nhất định, tán lá đều, không rụng lá nhiều về mùa có gió bão, không mang sâu bệnh hại, không gây khó khăn cho canh tác nông nghiệp.

+ Kết hợp cho gỗ củi, hoa, quả, làm tăng vẻ đẹp nông thôn

- Rừng cố định cát bay.

GV: Nhiệm vụ ngăn cản gió làm cát di động và cải tạo đất.

+ Chịu được đất xấu, khô hạn và sự biến động về nhiệt độ, độ ẩm của lớp đất mặt, chịu được vùi lấp, cát va đập và tiểu khí hậu khắc nhiệt.

+ Cây sinh trưởng nhanh, tán lá rậm, lá rụng nhiều và có thể cải tạo đất, hệ rễ phát triển mạnh có khả năng đâm chồi rễ và ra rễ ở thân.

+ Kết hợp cho gỗ củi và các lâm sản khác.

- Rừng chắn sóng, ngập mặn, bảo vệ đê.

GV: Nhiệm vụ chủ yếu của loại rừng này là cố định bùn đất, giảm sức xô của sóng, bảo vệ đê.

+ Sinh trưởng nhanh, cành lá xum xuê, chịu được ngập nước, lầy mặn.

+ Hệ rễ phát triển mạnh, bám chắc vào bùn và có tác dụng cản sóng, có khả năng tái sinh trên đất bùn lầy.

+ Kết hợp cho gỗ củi, hoa quả và nuôi thủy sản.



2.1.3. Chọn loài cây trồng cho rừng đặc dụng

GV: Rừng đặc dụng với mục đích là rừng để bảo vệ các khu di tích, lịch sử, danh lam thắng cảnh, nhằm cải tạo khí hậu, làm tăng vẻ đẹp thiên nhiên. Cây cần có những tiêu chuẩn sau:

- Cây có hình dáng đẹp, tán rộng, lá rụng ít, mặt lá bóng không bám bụi, không bắt lửa chịu được uốn, xén, rễ ăn sâu…

- Hoa có mùi thơm, màu sắc đẹp, quả không mọng nước và hấp dẫn sâu bọ.

- Kết hợp cho gỗ củi, hoa quả...

2.2. Căn cứ vào điều kiện tự nhiên.

2.2.1. Các căn cứ để chọn.

- Khí hậu: Là nhân tố sinh thái quan trọng hàng đầu quyết định sự phân bố của một loài cây. Mỗi loài cây đều có điều kiện khí hậu thích hợp và giới hạn thích ứng.



GV: Mỗi loài cây đều có một trung tâm phân bố tự nhiên ở đó cây sinh trưởng phát triển tốt nhất, càng gần biên giới khu phân bố tự nhiên thì sinh trưởng kém dần. Các cây khác nhau thì khu phân bố rộng hẹp khác nhau.

Những loài cây được gây trồng nhiều thế hệ trong 1 vùng nhất định, quá trình sống lâu dài đã thích ứng với điều kiện ở đó gọi là cây địa phương (bản địa). Vì vậy khi chọn loài cây trồng nên chọn những loài cây có đặc tính ưu việt hơn cây địa phương.

+ Nhân tố khí hậu có ảnh hưởng tổng hợp đến phân bố loài cây song nhiệt độ và lượng mưa là 2 nhân tố quyết định nhất.

+ Nhiệt độ: Cần xét đến nhiệt độ bình quân năm, tháng, nhiệt độ tối cao và nhiệt độ tối thấp.

GV: Vì nhiệt độ bình quân năm có ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển bình thường của một loài cây, nhiệt độ tối cao, tối thấp quyết định đến sinh tồn của loài cây đó.

+ Lượng mưa: Cần chú ý đến tổng lượng mưa hàng năm và phân bố lượng mưa trong năm.

- Đất: Có ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng sản phẩm thu hoạch, quyết định đến sinh tồn loài cây, trong đó 2 yếu tố quan trọng nhất là nước và độ phì.

- Địa hình: Không phải là nhân tố sinh thái song có tác dụng phân phối lại các nhân tố sinh thái do đó ảnh hưởng đến sự phân bố cây trồng

2.2.2. Các phương pháp chọn loài cây trồng.

- Đem cây đến trồng ở nơi có điều kiện tự nhiên thích hợp đặc tính sinh vật học, sinh thái học của cây tức là chọn loài cây trồng trước sau đó chọn nơi trồng sau.

- Đem cây đến nơi có điều kiện tự nhiên cơ bản thích hợp với cây trồng chỉ còn một số nhân tố là chưa thích hợp, sau đó áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cải tạo những nhân tố chưa thích hợp. Tức là từ điều kiện có sẵn chọn cây thích hợp để trồng. Phương pháp này được áp dụng rộng rãi và phổ biến nhất.

- Tiến hành lai tạo giống mới nhằm thay đổi đặc tính di truyền, làm cho cây có khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên mới

GV: Chọn loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên là biện pháp dễ thực hiện, giá thành trồng rừng hạ song không đáp ứng được yêu cầu của con người, không mở rộng được diện tích trồng rừng, vì vậy để trồng rừng hiệu quả cần tiến hành đồng thời cả 3 phương pháp vừa chọn loài cây phù hợp, vừa cải tạo tự nhiên, vừa cải tạo giống.

-> Chú ý: Để trồng rừng hiệu quả nên tiến hành đồng thời cả 3 phương pháp chọn loài cây trồng trên.



III. KẾT CẦU RỪNG TRỒNG

1. Kết cấu tổ thành

1.1. Khái niệm.

- Tổ thành rừng là chỉ thành phần và số lượng từng loài cây sống trong rừng được biểu thị bằng tỉ lệ %.



GV: Từ khái niệm tổ thành rừng trên thực tế chia ra rừng trồng thuần loài, rừng trồng hỗn loài (hỗn giao)

- Rừng trồng thuần loài là rừng chỉ có một loài cây hoặc nhiều loài cây nhưng có một loài chiếm trên 95% tổng số cây trong rừng trồng.

- Rừng trồng hỗn loài là rừng có từ hai loài cây trở lên nhưng không có loài nào chiếm trên 95% tổng số cây trong rừng.

GV: Rừng trồng hỗn loài hay thuần loài đều có ưu điểm và khuyết điểm của nó:

- Rừng hỗn loài

+ Ưu điểm:

Lợi dụng được triệt để điều kiện tự nhiên: Do phối hợp được cây ưa sáng với cây chịu bóng, cây rễ nông với cây rễ sâu, cây có yêu cầu về nước, chất dinh dưỡng khác nhau... Nên rừng hỗn loài có thể tận dụng được ánh sáng, nhiệt độ, ẩm độ, độ phì, có thể nói hỗn loài là một phương thức trồng dày hợp lý.

Cải tạo mạnh mẽ điều kiện tự nhiên: Rừng hỗn loài thường có nhiều tầng tán dầy kín, nên có ảnh hưởng rõ rệt tới điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, ẩm độ, số lượng cành khô lá rụng lớn nên trả về cho đất nhiều chất dinh dưỡng, do đó làm thay đổi điều kiện tiểu khí hậu và đất, đồng thời nhờ quan hệ có lợi giữa các loài đã kích thích cây rừng sinh trưởng phát triển tốt hơn, sản lượng thu hoạch cao và ổn định về mặt sinh học hơn rừng thuần loài.

Cho nhiều loại sản phẩm với chất lượng tốt hơn rừng thuần loại

Quá trình kinh doanh có thể lợi dụng dần và cho nhiều sản phẩm hơn rừng thuần loại: Trong rừng hỗn loài, thời kỳ thành thục công nghệ của các loài cây khác nhau có thể khai thác ở những thời điểm khác nhau.

Vì vậy hỗn loài là một biện pháp tốt để trên một diện tích có thể kết hợp các mục đích sản xuất khác nhau, lấy ngắn nuôi dài...

+ Nhược điểm:

Đòi hỏi điều kiện lập địa tốt, kỹ thuật trồng và chăm sóc phức tạp.

Đòi hỏi phải có những biện pháp lâm sinh tác động chính xác, kịp thời mới phát huy được mặt lợi và hạn chế được mặt tiêu cực.

Sản lượng gỗ của cây chủ yếu trên một đơn vị diện tích thường thấp hơn, khai thác khó hơn rừng thuần loại.

Qua phân tích trên cho thấy ưu điểm của rừng hỗn loài là nhược điểm của rừng thuần loại và ngược lại. Xu thế ngày nay muốn phát triển rừng trồng hỗn loài, song cần nhận rõ không phải rừng hỗn loài nào cũng có đầy đủ những ưu điểm trên, thực tiễn cho thấy nếu chọn loại cây, xác định tỷ lệ hỗn loài một cách thích hợp, có biện pháp chăm sóc tốt, mới hy vọng đạt được một phần hoặc hầu hết các ưu điểm của nó. Vì vậy trong thực tế sản xuất phải tuỳ điều kiện cụ thể mà chọn trồng rừng hỗn loài hay thuần loài cho thích hợp.

1.2. Các loại cây trong rừng hỗn giao.

- Cây chính (cây chủ yếu): Là loài cây đáp ứng mục đích kinh doanh chính, thích ứng nhất với điều kiện tự nhiên nơi trồng. Chúng ở tầng trên và có số lượng nhiều nhất trong rừng.

- Cây bạn: Sống chung với cây chính một thời gian hoặc lâu dài, thúc đẩy cây chính phát triển, cải tạo đất, hạn chế xói mòn và cỏ dại. Chúng ở tầng thứ 2 của rừng. Tuỳ theo tác dụng cụ thể chia cây bạn làm 3 loại:

+ Cây phù trợ. Trồng xung quanh cây chủ yếu, nhằm che bóng, thúc đẩy cây chính sinh trưởng chiều cao.

+ Cây cải tạo đất: Cành lá rụng nhiều và dễ phân giải, rễ cây có khả năng cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm, làm tăng lượng mùn và độ ẩm đất.

+ Cây che đất: Tán lá rộng, dày, phủ kín mặt đất làm giảm được lượng nước bốc hơi và xói mòn, hạn chế cỏ dại phát triển.

- Cây bụi: Thường ở tầng thứ ba của rừng, thúc đẩy cây chủ yếu và cây bạn sinh trưởng, đồng thời cải tạo đất, hấp dẫn các loài chim có ích đến làm tổ.

1.3. Tỷ lệ hỗn giao.

- Khái niệm: Là tỷ lệ các loài cây tham gia trong rừng hỗn giao được biểu hiện bằng tỉ lệ %.

- Ý nghĩa: Ảnh hưởng rất lớn đến tính ổn định sinh học của rừng, nó thay đổi theo mục đích, loài cây, giai đoạn phát triển và điều kiện hoàn cảnh.

- Dựa vào mục đích kinh doanh, đặc tính sinh vật học, sinh thái học loài cây định phối hợp, điều kiện lập địa nơi trồng và những khó khăn có thể nẩy sinh trong quá trình sống của cây để xác định tỷ lệ hỗn giao.



1.4. Nguyên tắc phối hợp các loài cây trong rừng hỗn giao.

- Phải thích ứng với hoàn cảnh nơi trồng.

- Các cây phối hợp có yêu cầu ánh sáng, dinh dưỡng, rễ ăn nông sâu khác nhau để hạn chế mâu thuẫn và tận dụng triệt để hoàn cảnh nơi trồng rừng.

- Chỉ phối hợp cây bạn, cây bụi không cùng sâu bệnh hoặc không làm trung gian truyền bệnh cho cây chính.



1.5. Phương thức và phương pháp hỗn giao.

1.5.1. Phương thức hỗn giao.

* Khái niệm: Là các phối hợp các loài cây có đặc tính sinh vật học khác nhau để gây trồng rừng hỗn giao.

* Các phương thức hỗn giao. Gồm 3 phương thức

- Hỗn giao giữa cây cao và cây bụi.

+ Cây cao là cây chủ yếu, ưa sáng. Cây bụi là cây chịu bóng, thấp, chịu được khô hạn, tán lá dầy có khả năng chống xói mòn, cải tạo đất.

+ Tuỳ điều kiện nơi trồng mà tỷ lệ cây bụi khác nhau. Nơi đất tốt, cây bụi chiếm 50%, đất xấu chiếm 75%.

+ Áp dụng cho vùng khô hạn, nơi có điều kiện lập địa tốt, rừng phòng hộ nơi đất nghèo xấu và kinh doanh rừng đặc sản.

- Hỗn giao cây cao với cây cao: Gồm 2 trường hợp.



Trường hợp 1: Cây ưa sáng với cây ưa sáng.

+ Hai loài cây đều là cây chủ yếu hoặc một là cây chủ yếu một là cây bạn đều là cây ưa sáng.

+ Nên chọn các loài cây có đặc tính ưa sáng khác nhau, tốc độ sinh trưởng và chiều cao đạt được ngang nhau để tránh hiện tượng chèn ép, đào thải lẫn nhau.

+ Áp dụng cho rừng phòng hộ nơi đất tốt, rừng đặc sản.



GV: Ở Việt Nam áp dụng rộng rãi với rừng Phi lao - Bạch đàn, Bạch đàn - Keo, để gây trồng các giải rừng chắn gió bảo vệ cây nông nghiệp

Trường hợp 2: Cây ưa sáng với cây chịu bóng.

+ Hai loài cây đều là cây chủ yếu hoặc một trong hai loài là cây bạn.

+ Cây chủ yếu là cây ưa sáng, cây bạn là cây chịu bóng.

GV: Phương thức này rừng dễ đạt trạng thái ổn định về mặt sinh học.

- Phương thức hỗn loài tổng hợp.

+ Phương thức này tạo cho rừng thành một quần thể nhiều tầng tán gồm cây chủ yếu là cây ưa sáng, cây bạn là cây chịu bóng và cây bụi.

+ Áp dụng cho rừng phòng hộ, rừng đặc sản nơi đất tốt và trung bình nhưng khó thi công.



1.5.2. Phương pháp hỗn giao.

* Khái niệm: Là cách sắp xếp vị trí các loài cây khác nhau trong rừng hỗn giao.

* Các phương pháp hỗn giao. Gồm 6 phương pháp

- Cây cách cây trong hàng: Trong một hàng cứ cách một cự li lại trồng một cây khác loài.

+ Ưu điểm: Nếu cây chủ yếu chiếm ưu thế thì có thể lợi dụng được mối quan hệ tốt giữa các loài.

+ Nhược điểm: Thi công phức tạp, loài cây yếu dễ bị đào thải.

+ Điều kiện áp dụng: Cho rừng phong cảnh, phòng hộ.

- Cách tổ trong hàng: Trong một hàng trồng các loài cây khác nhau theo từng tổ (mỗi tổ 3-4 cây) theo hoặc không theo một quy tắc nhất định.

+ Ưu điểm: Lợi dụng được quan hệ tốt giữa các loài và trong cùng một loài, dễ điều tiết mâu thuẫn giữa các loài cây nếu phát sinh.

+ Nhược điểm: Khó thi công.

+ Điều kiện áp dụng: Cho rừng phòng hộ, đặc sản.

- Phối hợp theo hàng: Mỗi hàng trồng một loài cây.

+ Ưu điểm: Phát huy được quan hệ cùng loài và khác loài, thi công đơn giản.

+ Nhược điểm: Khó điều tiết mâu thuẫn giữa các loài cây nếu phát sinh

+ Điều kiện áp dụng: Cho rừng phòng hộ chắn gió.

VD: Trồng rừng phi lao - Bạch đàn

Muồng đen – Keo lá tràm

- Phối hợp theo băng: Gồm 2 trường hợp.

+ Theo băng hẹp: Mỗi băng trồng từ 3 - 10 hàng cây cùng loài

Ưu điểm: Thi công đơn giản, đễ điều hoà được mâu thuẫn giữa các loài cây.

Nhược điểm: Không phát huy triệt để quan hệ có lợi giữa các loài.

ĐK áp dụng: Cho các đai rừng chắn gió bảo vệ cây công nghiệp.

+ Theo băng rộng: Mỗi băng trồng từ 10 hàng cây cùng loài trở lên.

Ưu điểm: Thi công đơn giản, cây trồng ít xảy ra mâu thuẫn.

Nhược điểm: Giảm ý nghĩa hỗn giao giữa các loài nếu băng càng rộng

ĐK áp dụng: Cho rừng phòng hộ hoặc rừng lục hoá.

- Phối hợp cách tổ trong băng: Trong 1 băng các loài cây khác nhau được bố trí theo từng tổ.

+ Ưu điểm: Dễ đạt được mục đích hỗn giao, các cây trong tổ sớm hình thành quần thể, dễ điều hoà mâu thuẫn giữa các loài.

+ Nhược điểm: Khó thi công, nếu diện tích tổ càng rộng thì càng giảm mối quan hệ có lợi giữa các loài.

+ Điều kiện áp dụng: Cho những nơi đất trồng rừng có chiều ngang hẹp, chiều dài đi qua nhiều địa hình khác nhau.

- Phối hợp theo ô: Chia đất trồng rừng thành nhiều ô, bố trí các ô theo quy tắc hoặc tự do. Mỗi ô trồng một loài sau đó tỉa thưa giữ lại 1 hoặc 2 cây.

+ Ưu điểm: Sớm phát huy tác dụng tương trợ chống cỏ dại và các yếu tố bất lợi của thời tiết.

+ Nhược điểm: Tốn nhiều công sức khi thi công

+ Điều kiện áp dụng: Cho những nơi đất nhiều cỏ dại hoặc khô hạn.

-> Tóm lại: Các phương thức và phương pháp trên là những phương pháp chung và cơ bản. Khi vận dụng vào thực tế cần xem xét, lựa chọn cho thích hợp. Khi phối hợp cần chú ý tốc độ sinh trưởng và đặc tính ưa sáng hay chịu bóng để trồng cùng một lúc hay ở những thời gian khác nhau.



tải về 1.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương