GIÁO Án kỹ thuật lâm sinh (HỌc phần I)


Kỹ thuật sản xuất cây con từ nhân giống vô tính (Nhân giống sinh dưỡng)



tải về 1.16 Mb.
trang4/11
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích1.16 Mb.
#31443
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

2. Kỹ thuật sản xuất cây con từ nhân giống vô tính (Nhân giống sinh dưỡng)

2.1. Khái niệm, ý nghĩa và ưu nhược điểm

2.1.1. Khái niệm

Nhân giống vô tính là phươngpháp nhân giống dựa trên cơ sở hình thức sinh sản sinh dưỡng của thực vật để tạo thành một cây con mới.

GV: Có nhiều phương pháp nhân giống vô tính: Nhân giống vô tính được tiến hành trên đoạn thân, cành, lá, rễ để sinh sản ra cá thể mới gọi là nhân giống bằng hom. Nhân giống vô tính từ một tế bào để sản sinh ra cá thể mới gọi là nuôi cấy mô tế bào (Vi nhân giống).

2.1.2. Ý nghĩa

- Giữ được các đặc tính quý hiếm của bố mẹ; Nhận được các vật liệu di truyền đồng nhất.

- Là một biện pháp không thể thiếu trong các chương trình chọn giống.

+ Trong khoa học: Dùng để đánh giá các kiểu Gen, mối tương quan kiểu Gen với môi trường, lưu giữ các kiểu gen quý hiếm.

+ Trong sản xuất: Cho phép nhân được hàng loạt các vật liệu di truyền quý hiếm với quy mô lớn, tạo các vườn cung cấp hạt có chất lượng di truyền được cải thiện phục vụ sản xuất.

2.1.3. Ưu - Nhược điểm

+ Chiết: Dễ áp dụng không yêu cầu cao về kỹ thuật, trang thiết bị và hoá chất. Nhưng hệ số nhân nhỏ.

+ Ghép: Tận dụng sự sinh trưởng mạnh của gốc ghép, ưu thế di truyền của cành ghép cao. Nhưng phải khắc phục tính bất tương hợp giữa cành và gốc ghép, hạn chế về số lượng.

+ Nuôi cấy mô: Hệ số nhân cao, nhưng yêu cầu cao về kỹ thuật, hoá chất, dụng cụ và giá thành cây con cao.

+ Giâm hom: Về cơ bản giải quyết được những nhược điểm của chiết, ghép và cấy mô. Nhưng hạn chế ở tuổi cây mẹ lấy hom.

2.2. Các phương pháp nhân giống vô tính

2.2.1. Giâm hom

a) Khái niệm: Là phương pháp dùng một đoạn thân cành, rễ, chồi để tạo thành một cây hoàn chỉnh

GV: Phương pháp này cũng đang được dùng phổ biến để sản xuất hàng loạt cây con có chất lượng cho chương trình trồng rừng. Các cây con từ hom giữ được đặc tính di truyền tốt của cây bố cây mẹ hơn là cây con có nguồn gốc từ hạt.



b) Các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ lệ ra rễ của hom

* Các nhân tố nội sinh.

- Đặc điểm di truyền:

+ Tuỳ theo đặc điểm di truyền chia thành ba loại:

.) Các loài cây dễ ra rễ là những loài cây chỉ cần kỹ thuật thông thường hom cũng ra rễ và có tỷ lệ sống cao như: Tre, Trúc, Liễu, Vông, Dâu da xoan...

.) Các loài cây tương đối khó ra rễ là những loài cây đòi hỏi kỹ thuật cao, biện pháp quản lý chu đáo mới có thể đạt được kết quả tốt như: Phi lao, Bạch đàn, Sa mu...

.) Các loài khó ra rễ là những loài cây đòi hỏi phải xử lý bằng các chất điều tiết sinh trưởng, chăm sóc tỷ mỉ chu đáo mới có thể ra rễ như: Thông, Keo, Long não...

+ Tuỳ theo loài cây, loại hom khác nhau tỷ lệ ra rễ cũng khác nhau.

.) Hom rễ khả năng ra rễ tốt hơn hom thân, hom cành như: Xoan, Hồng, Đại...

.) Hom cành khả năng ra rễ tốt hơn hom rễ như: Quế, Sở, Bạch đàn, Phi lao...

.) Một số loài có khả năng ra rễ ở hom thân, hom cành như: Tre, Luồng...

- Tuổi cây mẹ:

+ Nên lấy ở cây mẹ còn trẻ, sức sống mạnh mẽ, năng lực phân sinh mạnh.

+ Để trẻ hoá cây già người ta thường chặt thân chính hoặc khoanh vỏ để tạo chồi mới rồi lấy hom đem giâm, tỷ lệ ra rễ đạt kết quả cao hơn.

- Tuổi cành lấy hom: Nên chọn những cành bánh tẻ, mập, sinh trưởng tốt, tối thiểu mỗi hom có trên 3 mắt.

* Các nhân tố ngoại cảnh.

- Nhiệt độ không khí và nhiệt độ giá thể giâm hom: Nhiệt độ thích hợp cho nhiều loài cây từ 250C - 300C.

- Độ ẩm không khí và giá thể:

+ Tùy từng loài cây và từng giai đoạn giâm hom mà yêu cầu độ ẩm khác nhau như giai đoạn hom chuẩn bị ra rễ yêu cầu độ ẩm cao hơn giai đoạn hom đã ra rễ, cây lá rộng yêu cầu độ ẩm cao hơn cây lá kim.

+ Để duy trì độ ẩm nên sử dụng hệ thống phun sương mù.

- Ánh sáng:

+ Là nhân tố không thể thiếu được khi nhân hom. Ánh sáng tán xạ 40 - 50% ánh sáng toàn phần thích hợp cho quá trình ra rễ của hom.

+ Các loài cây khác nhau yêu cầu ánh sáng khác nhau: Những cây ưa sáng yêu cầu ánh sáng cao hơn những loài cây chịu bóng.

+ Nên sử dụng nhà kính hay màng PE trắng để duy trì ánh sáng trong giâm hom.

- Giá thể hay môi trường cắm hom:

+ Giá thể thường dùng là: Đất cát, đất cát pha, Mùn cưa, Than bùn, Tro trấu, Sơ dừa, Nước...

+ Yêu cầu chung của giá thể là: Vệ sinh, thông thoáng, thoát nước nhưng phải đủ độ ẩm cho hom

* Ảnh hưởng của các chất kích thích ra rễ:

- Các chất kích thích ra rễ:

+ Thường dùng: IAA (Indol- 3- axetic-axit); IBA (IndoI-Butiric-axit); NAA (Napthalen-axetic-axit)

+ Loại chất khác nhau tác dụng ra rễ khác nhau.

GV: Với đa số các loài cây rừng thì IAA và IBA có tác dụng ra rễ tốt hơn, riêng cây Sở thì NAA có tác dụng tốt hơn.

Ví dụ: Hom cây Mỡ 1 tuổi cùng nồng độ 50 PPm xử lý trong 3 giờ thì tỷ lệ ra rễ: IAA là 74,1%, IBA là 93,8% và NAA là 53,3%.



GV: Như vậy mỗi loại chất kích thích có tác dụng ra rễ khác nhau do đó cần phải chọn loại thuốc kích thích phù hợp với từng loài cây.

- Nồng độ chất kích thích:

+ Cùng loại chất kích thích nồng độ khác nhau tác dụng ra rễ khác nhau. Nồng độ quá thấp không kích thích ra rễ, nồng độ quá cao hom dễ bị thối.

VD: Hom Bạch đàn trắng 4 tháng tuổi kích thích bằng thuốc IAA xử lý trong 3 giờ ở nồng độ 25 ppm là 64,5%, 50 ppm là 74,4%, 75 ppm là 77,4% và 100 ppm là 45,1%.

+ Nồng độ chất kích thích còn phụ thuộc vào nhiệt độ không khí và mức độ hoá gỗ của hom.

GV: Nếu nhiệt độ không khí cao cần xử lý nồng độ thuốc thấp hơn so với bình thường và ngược lại. Hom chưa hoá gỗ hoặc mới hoá gỗ cần xử lý nồng độ thấp hơn so với hom già.

- Thời gian xử lý:

+ Cùng loại chất, cùng nồng độ nhưng thời gian xử lý khác nhau sẽ cho tỷ lệ ra rễ khác nhau.

Ví dụ: Hom Bạch đàn trắng xử lý bằng thuốc IAA nồng độ 100 ppm thì thời gian: 1 giờ là 83,6%, 3 giờ là 93,7%, 5 giờ là 62,5% và 8 giờ là 53,1%.

+ Giữa nồng độ, thời gian và nhiệt độ không khí có quan hệ chặt chẽ: Nồng độ thấp thời gian xử lý lâu và ngược lại; Nhiệt độ không khí cao xử lý nồng độ thấp, thời gian ngắn và ngược lại.

- Phương pháp xử lý: Theo 2 phương pháp

+ Ngâm phần gốc của hom vào dung dịch chất kích thích ra rễ. Nếu nồng độ cao ngâm 5 - 10 giây, nồng độ thấp ngâm 3 - 6 giờ.

Ưu điểm: Tăng tỷ lệ ra rễ của hom

Nhược điểm: Số lượng hom xử lý không nhiều, khó áp dụng trong sản xuất đại trà.

+ Chấm phần gốc của hom vào hợp chất kích thích dạng bột từ 0,5 - 1cm.

Ưu điểm: Dễ làm, thuận tiện, thích hợp cho sản xuất đại trà.

Nhược điểm: Tỷ lệ ra rễ của hom không cao



c) Các yêu cầu kỹ thuật cơ bản trong giâm hom

- Về trang thiết bị và hoá chất: Cơ sở sản xuất cần có nhà dâm hom, hệ thống tưới phun sương mù, các loại chất kích thích ra rễ, các loại thuốc sát trùng và phòng bệnh...

- Về kỹ thuật: Chọn hom, tuổi hom, thời vụ giâm hom, chọn thuốc kích thích, pha chế thuốc, xử lý hom, chăm sóc cây hom...

d) Kỹ thuật tạo bầu nuôi hom

- Vỏ bầu bằng PE, kích thước tuỳ thuộc từng loài cây, thông thường là 7 x 11 cm

- Thành phần ruột bầu theo yêu cầu của từng loài cây, đóng xếp bầu như kỹ thuật sản xuất cây con từ hạt

- Trước khi cắm hom 24 giờ bầu phải được xử lý bằng dung dịch thuốc tím (KMnO4) nồng độ 0,1 % bằng cách hoà thuốc tím vào nước và dùng ô doa tưới đều lên bề mặt luống bầu cho thấm sâu 1,5 - 2 cm. Vào mùa nguy cơ nấm bệnh cao cần sử dụng nồng độ thuốc tím cao hơn (0,2 - 0,3%).



e) Kỹ thuật tạo hom

* Yêu cầu nguồn giống để lấy hom:



GV: Nguồn giống để lấy hom có ý nghĩa rất quan trọng. Nó không những ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng cây con trong vườn ươm mà còn ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng rừng trồng sau này. Vì vậy yêu cầu nguồn giống lấy hom phải đạt các tiêu chuẩn sau:

- Cây lấy giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

- Cành lấy giống

+ Là cành cây non hoặc chồi cây già đã qua quá trình trẻ hoá

+ Cành cấp I, phần giữa tán. Cây lá rộng cành bánh tẻ 1-2 tuổi, thường là 1 tuổi, cây lá kim cành bắt đầu ra nón.

* Kỹ thuật lấy cành và cắt hom:

- Kỹ thuật lấy cành:

+ Đối với cây non hay cây già đã trẻ hoá: Lấy cành hay chồi được 45 - 60 ngày tuổi, dài 40 - 60 cm, mập, khoẻ, màu xanh đậm. Có thể cắt 4 - 5 đợt (mỗi tháng một đợt).

+ Đối với cây mô: Dùng cành mọc ra từ chồi nách, hoặc từ phần cắt đỉnh sinh trưởng của thân.

- Kỹ thuật cắt và bảo quản cành lấy hom: Dùng kéo sắc cắt cành vào buổi sáng khi trời còn mát. Sau khi cắt, để cành vào xô nước ngập 3 - 5 cm phần gốc, nếu đưa đi xa cắm gốc cành vào khay cát ẩm để trong túi nilong bịt kín.

- Kỹ thuật cắt hom:

+ Cắt bỏ phần ngọn non và các chồi non mọc ở nách lá.

+ Chiều dài hom tuỳ thuộc vào loài cây, có thể từ 5 - 10 cm hoặc 10 - 15 cm

+ Hom cắt phải có một đến hai cặp lá, nếu lá nhỏ để nguyên, nếu lá to cắt bỏ 1/2 - 1/3 chiều dài phiến lá. Đầu trên của hom nếu không mang đỉnh sinh trưởng thì nên cắt bằng, đầu dưới có thể cắt bằng hoặc cắt vát (cắt vát có ưu điểm hơn cắt bằng là tiết diện mặt cắt lớn, tiếp xúc với đất nhiều, tạo điều kiện cho hom hút nước được tốt hơn)

+ Dụng cụ cắt hom phải sắc, vết cắt nhẵn, không làm dập hoặc xây sát hom.

- Xử lý thuốc phòng chống nấm: Ngâm hom đã cắt trong dung dịch Benlat nồng độ 200 ppm (200 mg/1ít nước) trong 15 phút. Vớt ra rửa sạch bằng nước lã hai lần trước khi xử lý bằng thuốc kích thích ra rễ. Sau đó cắt bỏ phần gốc hom khoảng 2 cm sát cặp lá cuối cùng.



f) Kỹ thuật cắm hom và chăm sóc

- Thời vụ cắm hom thích hợp nhất là mùa xuân, nhưng không nên cắm quá muộn (tháng 4 - tháng 5) vì thời tiết bắt đầu có mưa to, nắng gắt hom chưa ra rễ, lá ổn định dễ bị chết.

- Kỹ thuật cắm hom: Cắm trực tiếp vào bầu sau khi đã xử lý thuốc kích thích ra rễ, cắm đứng hom với độ sâu tuỳ thuộc độ dài của hom thường cắm sâu khoảng 3 -4 cm, tối thiểu là 2 - 3 cm nếu hom ngắn.

- Kỹ thuật chăm sóc: Cần che bóng và duy trì độ ẩm cần thiết. Đặc biệt giai đoạn hom chưa ra rễ nên duy trì ẩm độ đất 60 - 80%, độ ẩm không khí 80 - 90%, ánh sáng 40 - 50%.



2.2.2. Chiết cành.

a) Thời vụ:

- Vụ xuân hè (Tháng 3 - tháng 4)

- Vụ thu đông (Tháng 9)

b) Chọn cây và cành chiết:

- Cây chiết: Đã ra hoa quả được 3-5 vụ, cây có năng suất chất lượng cao, ổn định, sinh trưởng tốt, không sâu bệnh

- Cành chiết: Sinh trưởng phát triển tốt, đã ra hoa quả 2-3 năm thường ở tầng giữa tán, đường kính 1-2cm, độ dài cành 60-80 cm tính từ chỗ sẽ cắt sau này và có 2 nhánh.

c) Phương pháp tiến hành

- Dùng dao khoanh vỏ với chiều dài bằng 1,5 - 2 lần đường kính gốc cành. Cách gốc cành 10 -15 cm. Sau đó bóc lớp vỏ ngoài, dùng dao cạo sạch phần tượng tầng đến lớp gỗ. Dùng giẻ lau sạch vết cắt.



Chú ý: Những cây nhiều nhựa mủ sau khi khoanh vỏ nên phơi nắng tối thiểu 7 ngày, còn những cây khác tối thiểu 2-3 ngày mới bó bầu.

- Đất bó bầu gồm 2/3 đất vườn hoặc đất bùn ao phơi khô, đập nhỏ + 1/3 mùn cưa, rơm rác mục, xơ dừa... tưới ẩm đến 70% (Đất có thể vê thành con giun nhưng nắm chặt nước không chảy ra tay), bọc bầu bằng giấy PE, buộc kín hai đầu bằng lạt mềm.

- Kích thước bầu chiết: Đường kính 6-8cm, dài 10-12cm, trọng lượng 150- 300g.

GV: Không nên làm bầu quá to cây không cung cấp đủ nước cho đất phía ngoài dễ bị khô cây khó ra rễ

- Sau chiết 45 - 90 ngày, khi cành chiết có rễ chuyển từ màu trắng sang màu vàng ngà hoặc hơi xanh có thể cắt cành chiết đưa vào vườn ươm. Trước khi hạ cành chiết nên cắt bỏ lá già, lá sâu bệnh và một phần lá non.

- Khi giâm cành chiết phải xé bỏ vỏ bầu. Mật độ giâm 20 x 20cm, 30 x 30cm, tưới đủ ẩm, làm giàn che bóng khoảng 50%. Sau 15- 20 ngày bỏ bớt mái che, đến ngày thứ 30 tiến hành chăm sóc như cây con. Sau giâm 45 - 60 ngày đem cây đi trồng.

2.2.3. Ghép cây.

a) Thời vụ : Ở miền Bắc đa số ghép vào vụ xuân và vụ thu

b) Chọn gốc, cành, mắt ghép

- Gốc ghép từ 1- 2 năm tuổi. Trước khi ghép 1 - 2 tuần tiến hành cắt hết cành phụ hoặc gai ở đoạn gốc cách mặt đất 20cm. Làm cỏ, bón phân, tưới nước lần cuối để tăng chuyển động nhựa của cây.

- Cành ghép Lấy cành bánh tẻ, to bằng hoặc gần bằng gốc ghép, và có từ 3 - 4 mắt.

- Mắt ghép được lấy từ những cành bánh tẻ khoảng 2-3 tháng tuổi.



c) Phương pháp ghép:

* Ghép mắt

- Ghép chữ T:

+ Bước 1: Mở miệng gốc ghép: Dùng dao sắc cắt một đường ngang ở gốc rộng 0,7-0,8cm cách mặt đất 15-20cm, sau đó rạch một đường dọc chớm tới gỗ vuông góc với đường ngang, dài khoảng 2 - 2,2cm, ở giữa đường ngang tạo thành chữ T. Dùng mũi dao tách vỏ theo chiều dọc vết mở miệng gốc ghép.

+ Bước 2: Cắt mắt ghép: Tay trái cầm cành lấy mắt ghép, gốc hướng ra ngoài, ngọn hướng vào trong. Tay phải cầm dao cắt mắt ghép. Mắt ghép dài 2-2,2cm, rộng 0.7- 0,8cm có mầm nằm giữa và có một ít gỗ mỏng ở trong.

+ Bước 3: Đưa mắt ghép đã bóc phần gỗ mỏng ở trong vào miệng gốc ghép đã được mở bằng cách di chuyển mặt ghép từ trên xuống dưới.

+ Bước 4: Dùng nilông mỏng rộng 1cm dài 30 – 40cm buộc kín vết ghép, chú ý buộc chặt vừa phải, nếu trời nắng thì buộc thêm một vật che bên ngoài vết ghép.

- Ghép kiểu cửa sổ:

+ Bước 1: Mở miệng gốc ghép: Cách mặt đất 10-20cm, rạch hai đường rọc dài 2 - 2,5, rộng 0,8 - 1cm, cắt một đường ngang ở phía dưới 2 đường dọc, rồi tách vỏ lên phía trên.

+ Bước 2: Cắt mắt ghép theo hình chữ nhật dài 2- 2,5cm, rộng 0,8 - 1cm, ở giữa có mầm, bóc lấy phần vỏ có mắt ghép.

+ Bước 3: Lắp vào miệng gốc ghép đã được mở, dùng tay ấn nhẹ phía ngoài để mắt ghép tiếp xúc chặt với gốc ghép.

+ Bước 4: Cắt bớt phần vỏ bóc ra của miệng gốc ghép chỉ để lại 1cm. Dùng dây nolông buộc mắt ghép và gốc ghép lại.

- Ghép mắt nhỏ có gỗ: Là phương pháp được áp dụng rộng rãi. Có thể ghép cho những gốc và mắt ghép còn non và những cây khó bóc vỏ. Thao tác đơn giản, nhanh, tận dụng được nhiều mắt ghép và có thể ghép được quanh năm.

+ Bước 1: Mở miệng gốc ghép: Dùng dao cắt vát ở phía dưới gốc ghép cách mặt đất 15 -20cm một góc nghiêng 300 và sâu vào gốc. Sau đó đặt dao lên phía trên cách vết cắt dưới 1,5cm, cắt vát xuống phía dưới sâu vào gỗ gặp vết cắt đầu và bóc bỏ lát cắt đi.

+ Bước 2: Cắt mắt ghép có kích thước bằng với miếng gỗ bỏ đi của gốc ghép.

+ Bước 3: Áp nhanh mắt vào gốc ghép, rồi dùng dây nilông buộc chặt và kín vết ghép.



Chú ý: Tùy theo mùa vụ và loài cây sau ghép 15-25 ngày có thể mở dây buộc, kiểm tra sức sống của mắt ghép. Nếu mắt ghép xanh thì 7-10 ngày sau khi mở dây buộc có thể cắt ngọn gốc ghép.

* Ghép cành: Áp dụng cho các loài cây khó lấy mắt hoặc những cây gốc quá tuổi ghép mắt.

- Ghép nêm:

+ Bước 1: Dùng dao sắc cắt ngang gốc ghép ở vị trí cách mặt đất 20cm, sau đó chẻ từ trên xuống dưới ở gần vỏ sâu 3cm.

+ Bước 2: Cắt vát hai phía ở đầu dưới cành ghép rồi cắm vào gốc ghép sao cho tượng tầng của gốc ghép và cành ghép áp vào nhau.

+ Bước 3: Dùng dây nilông quấn, buộc chặt gốc ghép.

- Ghép vát:

+ Bước 1: Cắt vát gốc ghép 1 góc 200

+ Bước 2: Cắt cành ghép cũng vát tương tự.

+ Bước 3: Đặt cành ghép lên gốc ghép sao cho tượng tầng của gốc và cành ghép trùng nhau rồi dùng dây nilông buộc chặt lại.

Sau ghép 30-35 ngày hoặc khi cành ghép bật lộc, có 1 - 2 đợt lộc sinh trưởng ổn định thì tiến hành cắt bỏ dây ghép.

2.2.4. Nuôi cấy mô (In vitro).

a) Khái niệm: Nuôi cấy mô và tế bào là phương pháp sản xuất hàng loạt cây con từ các bộ phận của cây bằng cách nuôi cấy chúng trong ống nghiệm ở điều kiện vô trùng, môi trường thích hợp và kiểm soát được các nhân tố trong nuôi cấy.

b) Các hình thức nuôi cấy mô và tế bào

GV: Có năm hình thức cơ bản nhân giống sinh dưỡng bằng nuôi cấy mô và tế bào.

- Nuôi cấy mô phân sinh đỉnh sinh trưởng ở ngọn thân, cành.

- Nhân chồi nách.

- Tạo chồi bất định từ các cơ quan như rễ, lá, cành...của cây

- Hình thành cơ quan từ mô nuôi cấy.



GV: Từ khối tế bào mô sẹo có thể hình thành các cơ quan như rễ và thân cây thông qua việc tạo nên các mô phân sinh trong những điều kiện nuôi cấy nhất định phù hợp cho từng loài cây, từng loại mô.

- Tạo phôi nhân tạo.



GV: Các hình thức nhân giống trên đều có thể áp dụng cho cây rừng. Tuy nhiên hình thức nhân chồi nách, tạo phôi nhân tạo có nhiều lợi thế để áp dựng cho sản xuất. Theo tính toán lý thuyết thì từ một cây con, nếu áp dụng nhân chồi bên, sau 6 tháng có thể cho một triệu cây con. Trên thực tế, một phòng thí nghiệm trực tiếp sản xuất có thể tạo ra từ 1 - 3 triệu cây con trong một năm.

c) Môi trường và thiết bị nuôi cấy

* Môi trường:

- Có rất nhiều môi trường để nuôi cấy mô và tế bào. Môi trường phổ thông nhất là Murashyge và Skoog (MS). Đây là môi trường giàu thành phần đa lượng (NO3, NH4), đường, vitamin, các chất kích thích NAA, IAA và cả Xitokinin.

- Môi trường nuôi cấy được pha chế theo trình tự pha chế dung dịch mẹ rồi mới pha chế môi trường nuôi cấy.

- Môi trường nuôi cấy có chức năng:

+ Cung cấp các chất dinh dưỡng vô cơ cho các bộ phận cây đã tách rời tiếp tục sinh trưởng.

+ Điều khiển sinh trưởng và phát triển thông qua kiểm soát hoocmon.

- Điều kiện môi trường cấy

+ Chế độ ánh sáng: Là nhân tố cần thiết cho quang hợp, giữ vai trò rất quan trọng trong nuôi cấy. Có thể sử dụng ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng nhân tạo.

GV: Dùng ánh sáng tự nhiên bằng cách thiết kế nhà nuôi cấy theo kiểu nhà kính bát giác, dùng ánh sáng nhân tạo bằng hệ thống đèn chiếu sáng với chủng loại ánh sáng phù hợp.

+ Nhiệt độ: Tùy theo đặc điểm sinh lý, sinh thái của từng loài cây mà điều chỉnh nhiệt độ cho thích hợp.

VD: Bạch đàn thời kỳ nhân chồi và thúc chồi nhiệt độ thích hợp nhất là 26 - 280C. Thời kỳ thúc rễ nhiệt độ thích hợp từ 25 - 300C.

+ Độ ẩm: Ảnh hưởng rất lớn đến khả năng nẩy chồi và ra rễ của các loài thực vật. Vì vậy độ ẩm trong bình nuôi cấy phải đạt 85 - 90% nhưng độ ẩm của phòng nuôi lại phải thấp hơn không vượt quá 60%.

+ Thời vụ lấy mẫu: Ảnh hưởng lớn đến việc đưa mẫu vào ống nghiệm. Thời vụ lấy mẫu tốt nhất là thời kỳ bắt đầu nảy chồi vì lượng Auxin nội sinh có trong chồi nhiều nhất.

VD: Bạch đàn nếu lấy mẫu vào tháng 4-5 tốc độ nảy chồi trong ống nghiệm nhanh hơn vào tháng 11-12.

* Thiết bị cần thiết trong nuôi cấy

- Nhà nuôi cấy: Là công trình trọng tâm của nuôi cấy mô tế bào. Quy mô to hay nhỏ phụ thuộc vào công suất sản xuất cây giống hàng năm của từng đơn vị. Nhưng tối thiểu phải có trang thiết bị và các phòng sau:

+ Trang thiết bị gồm: Tủ lạnh; Cân phân tích và cân kỹ thuật; Nồi hấp vô trùng; Máy đo pH, Bếp đun; Dụng cụ cất nước; Dụng cụ và Dụng cụ thuỷ tinh các loại.

+ Các phòng cần có: Phòng làm việc, Phòng pha chế môi trường, Phòng khử trùng, Phòng rửa dụng cụ, Phòng cấy vô trùng, Phòng nuôi, Phòng kho hoá chất và cân đong hoá chất, Phòng kho dụng cụ thuỷ tinh và các dụng cụ khác.

GV: Phòng làm việc: Là nơi làm việc của người quản lý dây truyền và của cán bộ kỹ thuật. Phòng cần đủ diện tích để hoạt động. Thiết bị gồm: Điều hoà, quạt trần, bàn ghế làm việc…

Phòng pha chế môi trường: Là nơi để pha chế các loại hoá chất, môi trường. Thiết bị gồm: Quạt trần, quạt thông gió, bàn thao tác, tủ đựng dụng cụ và hoá chất, tủ lạnh, bồn rửa tay và dụng cụ, hệ thống điện 220v.

Phòng khử trùng: Là nơi để khử trùng môi trường, dụng cụ. Thiết bị gồm: Quạt trần, quạt thông gió, nồi hấp vô trùng, mấy cất nước, tủ sấy. Hệ thống điện ba pha 380v cho nồi hấp vô trùng và máy cất nước. Hệ thống điện 220v cho các thiết bị khác.

Phòng rửa dụng cụ: Là nơi để vệ sinh chai lọ, ống nghiệm, bình nuôi cấy...Thiết bị gồm: Quạt trần, quạt thông gió, bồn rửa chuyên dụng, giá để dụng cụ sau khi rửa, hệ thống điện ba pha 380v cho máy rửa bình thuỷ tinh. Hệ thống điện 220v cho các thiết bị khác.

Phòng cấy vô trùng: Là nơi đế tiến hành các thao tác nuôi cấy. Thiết bị gồm: Điều hoà nhiệt độ, đèn chiếu sáng, đèn cực tím, tủ cấy vô trùng, máy hút ẩm, hệ thống điện 220v.

Phòng nuôi: Dùng để nuôi mô hoặc cây trong ống nghiệm. Thiết bị gồm: Điều hoà nhiệt độ, máy hút ẩm, dàn nuôi có hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống điện ba pha.

Phòng kho hoá chất và cân đong hoá chất: Thiết bi gồm: Bàn đặt cân, tủ đựng hoá chất, tủ lạnh, giá để dụng cụ, quạt thông gió, quạt trần, hệ thống điện 220v.

Phòng kho dụng cụ thuỷ tinh và các dụng cụ khác: Là nơi chứa các dụng cụ không dùng thường xuyên hoặc dụng cụ dự trữ. Thiết bị gồm: Quạt thông gió, giá để dụng cụ, máy hút ầm, hệ thống điện 220v.

- Phòng thí nghiệm:

+ Ở nơi cao ráo, sạch sẽ

+ Có điện thường xuyên và nước máy.

+ Gồm 3 khu: Khu chuẩn bị, khu cấy, khu nuôi,

GV: Khu chuẩn bị: khu vực này có 3 nhiệm vụ là: Rửa dụng cụ thuỷ tinh và khử trùng, chuẩn bị môi trường và để dụng cụ thuỷ tinh.

Khu cấy: Là khu vực để cấy mảnh cấy vào môi trường. Tốt nhất là cấy trong buồng cấy có bố trí đèn cực tím để khử trùng trước khi làm việc

Khu nuôi: Phải kiểm soát được nhiệt độ, độ ầm, ánh sáng và điều kiện vô trùng. Nhiệt độ cần duy trì từ 20 - 300C tuỳ theo loài cây. Ánh sáng thường dùng là ánh sáng của đèn huỳnh quang cường độ từ 1000 đến 10.000 lux. Độ ẩm từ 30 - 50%.

- Nhà huấn luyện cây mô trước khi ra ngôi.

GV: Nhà huấn luyện là nơi tạo ra môi trường để cây mầm khi còn đang trong bình nuôi cấy đã dần được tiếp xúc với nhiệt độ và ánh sáng tự nhiên

- Vườn ươm cây mô.

+ Tiêu chuẩn giống như vườn ươm cây con từ hạt, luống ươm có thể là nền cứng hoặc nền mềm.

+ Hệ thống tưới nước dạng phun sương có bộ hẹn giờ

d) Lấy mẫu nuôi cấy

* Nguyên tắc

- Mẫu phải được lấy từ cây mẹ hoặc cây đầu dòng đã được tuyển chọn

- Mẫu phải được trẻ hóa, càng trẻ càng tốt

* Cách chọn mẫu

- Kích thước mẫu càng nhỏ càng tốt nhưng nhỏ ở mức cho phép. Mẫu càng to khả năng nhiễm khuẩn càng lớn

- Mùa lấy mẫu: Tốt nhất vào cuối giai đoạn ngủ (Chuẩn bị nảy chồi) hoặc đầu mùa sinh trưởng.

* Bảo quản mẫu.



GV: Sau khi cắt rời cây mẹ, mẫu bị mất cân bằng sinh thái, chủ yếu là lượng nước bị mất. Để khắc phục hiện tượng này có mấy phương pháp bảo quản sau:

+ Bảo quản trong nước: Phương pháp này đảm bảo mẫu cấy nhưng khó khăn cho việc đi lấy mẫu xa.

+ Bảo quản trong môi trường nuôi cấy: Khi cắt mẫu song cấy luôn vào môi trường nuôi cấy sau đó về khử trùng lại. Phương pháp này thuận tiện cho việc đi lấy mẫu xa.

+ Bảo quản lạnh



GV: Mẫu vật lấy song để ngay vào bình lạnh, nhiệt độ thấp sẽ làm giảm bớt khả năng thoát hơi nước.

e) Các thao tác trong quá trình nuôi cấy mô

* Thao tác cấy vô trùng

- Vệ sinh buồng cấy, dụng cụ bằng đèn cực tím, cồn 750

- Vệ sinh tay, chân bằng xà phòng, mặc áo Blue, đội mũ, đeo khẩu trang

- Khử trùng mẫu nuôi cấy bằng một trong các hóa chất sau:

Bảng 2.4: Một số hóa chất sử dụng để khử trùng

TT

Tên hóa chất

Nồng độ (%)

T. gian khử trùng (phút)

K. quả

1

HgCl2 (Clorua thủy ngân)

0,1 - 0,2

7-15

Rất tốt

2

Ca(ClO)2 (HypocloritCanxi)

9- 10

5 -30

Tốt

3

NaOCl (HypocloritNatri)

2

5 -30

Tốt

4

H2O2 (Nước Oxy già)

10- 12

5 -15

Tốt

- Đặt các bộ phận nuôi cấy đã khử trùng vào môi trường nuôi cấy.

- Ánh sáng phòng nuôi duy trì bằng sáng lạnh của đèn huỳnh quang 1000 lux liên tục hoặc theo chu kỳ tuỳ loài cây.

- Nhiệt độ duy trì trong khoảng 20 - 250C.

- Kết quả của giai đoạn I phụ thuộc vào bộ phận nuôi cấy, nguồn bệnh và điều kiện môi trường nuôi cấy.

* Thao tác cấy nhân chồi: Làm tăng nhanh số lượng các chồi mầm cung cấp cho giai đoạn sau

- Dùng panh gắp cụm chồi ra đĩa cấy

- Dùng kéo cắt bỏ những lá già, cắt nhỏ thân chồi thành các đoạn, mỗi đoạn có 1-2 nách lá rồi thả vào môi trường.

- Dùng kim cấy dàn đều và ấn nhẹ cho các đoạn chồi có phần gốc tiếp xúc môi trường.

* Thao tác cấy ra rễ và luyện cây trong bình

- Cấy ra rễ

+ Chọn những chồi có chiều cao từ 1,5cm trở lên, khỏe mạnh, mập, xanh tốt không phân nhánh.

+ Dùng panh gắp từng cụm chồi ra đĩa, cắt bỏ bớt lá phía dưới

+ Cắm thẳng đứng chồi vào môi trường ra rễ, sâu khoảng 0,5cm

Chú ý: Khi thao tác không để tay chạm vào nút bông, miệng bình, đầu panh, kéo, kim cấy … Nếu lỡ tay phải khử trùng lại dụng cụ trên ngọn lửa đèn cồn.

- Luyện cây trong bình

+ Tiêu chuẩn cây huấn luyện:

.) Chiều dài thân 1,5cm, màu đỏ hoặc xanh (Thân màu đỏ là dùng ánh sáng tự nhiên trong nuôi cấy, thân màu xanh do dùng ánh sáng đèn)

.) Lá xòe đều, không vàng, không héo

.) Rễ đạt 1cm trở lên, màu trắng, số lượng 2-3 rễ/cây

.) Ngọn có đỉnh sinh trưởng

+ Cách huấn luyện: Đặt bình cây ở nơi có mái che, trong điều kiện ánh sáng và nhiệt độ tự nhiên với cường độ ánh sáng từ 5000 - 10.000 lux. Thời gian huấn luyện khoảng 6 - 8 ngày khi thân cây chuyển sang mầu của tự nhiên, lá xoè ra đầy đủ có thể cấy chuyển vào bầu đất.

* Thao tác ra ngôi và chăm sóc cây con

- Ra ngôi (cấy cây):

+ Bầu phải được chuẩn bị trước đã qua khử trùng bằng thuốc tím nồng độ 0,1%. trước khi cấy 12 - 24 giờ

+ Đưa cây từ bình nuôi ra ngoài thật nhẹ nhàng, rửa sạch gốc cây sau đó xử lý rễ bằng VibenC nồng độ 0,02% (200mg thuốc/lít nước) ngâm ngập cổ rễ trong 10 phút rửa sạch rễ bằng nước rồi hồ rễ bằng đất đã phơi khô đập nhỏ.

+ Cấy cây vào bầu với độ sâu lỗ cấy 2-2,5cm, không cấy quá nông hoặc quá sâu nên cấy ngập gốc cây. Cấy đến đâu tưới đến đó.

- Chăm sóc

+Che nắng: Cấy đến đâu Cấy đến đâu che râm đến đó, độ tàn che 90% trong 15 ngày đầu. Sau đó chỉ che từ 10h sáng đến 3h chiều trong những ngày nắng. sau 20 – 25 ngày dỡ bỏ toàn bộ vòm che.

+ Tước nước: Thời kỳ 10 -15 ngày đầu tưới 3-4 lần/ngày. Khi cây ổn định lượng nước tưới giảm dần.

+ Bón phân: Sau cấy 15-20 ngày tưới thúc bằng NPK nồng độ tăng dần từ 0,5 - 1 - 3% với lượng tưới 10 lít/2000 cây, sau đó tưới rửa bằng nước lã 6 lít/m2. Cứ sau 7-10 ngày tưới thúc một lần. Khi cây đạt chiều cao 15-20cm thì ngừng tưới.

+ Phòng trừ bệnh:

.) Phòng bệnh: Sau cấy 5-7 ngày phun phòng nấm lần 1, 10 ngày sau phun phòng lần 2 và cứ phun đều đặn 10 ngày 1 lần bằng thuốc Boocdo với nồng độ 0,5% cho cây dưới 2 tháng tuổi và 1% cho cây trên 2 tháng tuổi. Liều lượng phun 1lít/4-6m2

.) Trị bệnh: Bằng thuốc Viben C nồng độ 0,2% (2g/lít) với liều lượng 1 lít/4-6m2, định kỳ 10 ngày phun 1 lần.

+ Phân loại cây con: Khi cây được 45 - 50 ngày tiến hành phân loại để chăm sóc phù hợp đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất vườn

+ Hãm cây: Ngừng tưới phân trước khi xuất vườn hai tuần. Trường hợp phải lưu giữ cây ở vườn ươm lâu hơn thì hạn chế tưới phân và nước.




tải về 1.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương