Giáo Lý Căn Bản Basic Lessons for New Believers



tải về 165.88 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích165.88 Kb.
#6022



Giáo Lý Căn Bản


Giáo Lý Căn Bản

Basic Lessons for New Believers

(Dành cho các Tân Tín Hữu và Thân Hữu)
Mục Lục

Bài 1. Đức Chúa Trời - God

Bài 2. Kinh Thánh - Bible

Bài 3. Sự sáng tạo - Creation

Bài 4. Chúa Jesus và Sự cứu chuộc – Lord Jesus & Salvation

Bài 5. Đức Thánh Linh – The Holy Spirit

Bài 6. Sự cầu nguyện - Prayer

Bài 7. Mười điều răn – Ten Commandments

Bài 8. Hội Thánh – The Church

Bài 9. Các Thánh lễ và Giáo lễ - Ordinances

Bài 10. Thiên đàng và thiên sứ - Hỏa ngục và ma quỉ - Heaven & Angels – Hell & Evils

Bài 11. Sự tái lâm của Chúa Jesus – The Second Coming of Christ

Bài Cầu Nguyện Chung – The Lord’s Prayer
Bài 1 Đức Chúa Trời
1. Đức Chúa Trời là ai?

Đức Chúa Trời là Đấng tạo thành trời đất, vạn vật và loài người. (Sáng thế ký 1:1-2; Gióp 26:7; Thi thiên 24:1, 102:25; Công vụ các sứ đồ 14:15, 17:24)

Con người chúng ta gọi Ngài là Đấng Tạo Hóa, là Thượng Đế, là Ông Trời.
2. Đức Chúa Trời từ đâu mà có?

Đức Chúa Trời là Đấng Tự Hữu và Hằng Hữu, có từ buổi sáng thế, luôn luôn có mặt và còn cho đến đời đời. Ngài là Đầu Tiên và Cuối Cùng, Khởi Thủy và Chung Kết. (Phục truyền luật lệ ký 32:40, 33:27; Thi thiên 90:2, 145:13; Ca thương 5:19; Mi chê 5:1; I Timôthê 1:17; Khải huyền 1:8, 22:13)


3. Đức Chúa Trời ở đâu?

Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi trong cùng một thời gian nên Ngài được gọi là Đấng Toàn Tại. (Phục truyền luật lệ ký 4:39; Thi thiên 139:8-10; Châm ngôn 15:3; Êsai 66:1; Giê rê mi 23:24)


4. Người ta có thể thấy Đức Chúa Trời không?

Chúng ta không thể thấy Đức Chúa Trời bằng mắt thịt vì Ngài là Thần Linh còn chúng ta là con người. Con mắt hữu hạn của lòai người không thể nhìn thấy cõi vô hạn của Thần Linh. Tuy nhiên khi chúng ta tin nhận Chúa, Đức Chúa Trời sẽ mở đôi mắt tâm linh của chúng ta để chúng ta có thể nhìn thấy sự hiện diện và vinh quang của Ngài trong đời sống của chúng ta. (Êphêsô 1:18; Công vụ các sứ đồ 26:18; II Côrinhtô 4:4)

Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã mặc khải cho con người bằng chiêm bao, dị tượng, thiên sứ, không ai thấy được chính Ngài. Trong thời Tân Ước, Ngôi Hai Đức Chúa Trời là Chúa Jesus đã giáng trần làm người để loan báo Tin Lành và chết trên thập tự giá chuộc tội cho loài người nên trong thời đó có người đã thấy, đã nghe, và đã rờ được Đức Chúa Trời. (Hêbơrơ 1:1-2; Giăng 1:14, 1:18, 14:8-9)
5. Đức Chúa Trời có mấy ngôi?

Đức Chúa Trời có ba ngôi: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Linh. Không phải có ba Đức Chúa Trời nhưng chỉ có một. Ba Ngôi hiệp lại làm một, đồng một bản chất và quyền năng như nhau. (Sáng thế ký 1:26; Dân số ký 6:24-26; Êsai 6:3; Mathiơ 3:16-17, 28:19; II Côrinhtô 13:13)


6. Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?

Đức Chúa Trời là Đấng cao cả hơn hết, vô cùng kỳ diệu vượt hẳn trí tuệ hữu hạn của con người.



  • Đấng Thần Linh (vô hình): Giăng 4:2

  • Đấng Hằng Hữu: Ngài có từ trước vô cùng cho đến đời đời: Xuất Êdíptô ký 3: 14; Khải huyền 10:6

  • Đấng Toàn Năng (làm được mọi sự): Gióp 42:2; Thi thiên 115:3; Êsai 43:13; Mathiơ 19:26; Luca 1:37; Sáng thế ký 17:1

  • Đấng Toàn Tri (biết hết mọi sự): Thi thiên 139:1-4; Hêbơrơ 4:13; Thi thiên 147:5; I Giăng 3:20

  • Đấng Toàn Tại (ở khắp mọi nơi): Thi thiên 139:5-7; Châm ngôn 15:3

  • Đấng Bất Biến (không hề thay đổi): Giacơ 1:17; Hêbơrơ 13:8

  • Đấng Nhân Ái (yêu thương loài người): Giăng 3:16; Rôma 8:39; Tít 3:4; I Giăng 3:16, 4:9, 4:16

  • Đấng Thành Tín (làm trọn lời hứa): Phục truyền luật lệ ký 7:9; Thi thiên 89:37, 119:138; I Têsalônica 5:24

  • Đấng Chí Thánh (thánh khiết tuyệt đối): Lêvi ký 11:44, 19:2; Giôsuê 24:19; I Samuên 6:20; Êsai 5:16, 10:17, 40:25, 43:15, 49:7

  • Đấng Chí Công (công bình tuyệt đối): Phục truyền luật lệ ký 32:4; Thi thiên 19:8, 45:6, 119:75, 145:17

  • Đấng Chí Tôn (cao cả hơn hết): Thi thiên 47:9, 57:11

7. Nhờ đâu biết được Đức Chúa Trời?

Chúng ta biết được Đức Chúa Trời nhờ ba nguồn:


  • Lương tâm: nhờ có lương tâm là một bản năng thiên phú mà con người tự nhận biết có một Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa không cần ai dạy.

  • Vũ trụ: nhìn cả cõi vũ trụ bao la toàn hảo một cách kỳ diệu, con người phải công nhận rằng có một Đấng Tạo Hóa vĩ đại dựng nên (Thi thiên 19:1; 97:6; Công vụ các sứ đồ 14:17; Rôma 1:19-20.)

  • Kinh Thánh: Đức Chúa Trời đã mặc khải cho con người biết về Ngài qua Kinh Thánh. Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời linh cảm cho các tiên tri và sứ đồ viết lại như ngày hôm nay.

8. Chúng ta phải đối với Đức Chúa Trời như thế nào?

Chúng ta phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến và hầu việc Chúa là Đức Chúa Trời, chỉ tôn thờ và phục vụ một mình Ngài mà thôi (Mác 12:30; Mathiơ 4:10; Xuất Êdíptô ký 20:3.)
Bài 2 Kinh Thánh


1. Kinh Thánh là gì?

Kinh Thánh là một quyển sách của Đức Chúa Trời mặc khải cho con người. Con người có thể nhận biết Đức Chúa Trời qua những lời được viết ra trong Kinh Thánh.
2. Ai viết Kinh Thánh?

Kinh Thánh do Đức Chúa Trời soi dẫn một số các tiên tri và sứ đồ viết ra.


3. Kinh Thánh được sắp xếp như thế nào?

Kinh Thánh có hai phần: Cựu Ước và Tân Ước.

Cựu Ước có 39 sách.

Tân Ước có 27 sách.


4. Kinh Thánh được viết bằng ngôn ngữ gì?

Cựu Ước được chép bằng tiếng Hê-bơ-rơ (Hy Bá Lai.)

Tân Ước được chép bằng tiếng Hy Lạp.
5. Kinh Thánh được chép xong khi nào?

Cựu Ước được chép xong khoảng 400 năm trước Công nguyên.

Tân Ước được chép xong khoảng 100 năm sau Công nguyên.
6. Cựu Ước chép về điều gì?

Cựu Ước chép về việc tạo thành trời đất, muôn vật và loài người, chuyện loài người sa ngã, và lịch sử dân Y sơ ra ên (Do Thái.)

Tuy nhiên trọng tâm của Cựu Ước là dự báo Đấng Cứu Thế sẽ giáng sinh, chịu chết và sống lại để cứu loài người khỏi tội lỗi và ban cho họ một đời sống mới.
7. Tân Ước chép về điều gì?

Tân Ước chép về sự giáng sinh, sự chết, sự sống lại và về trời của Đấng Cứu Thế đúng như Cựu Ước đã dự báo. Tân Ước cũng chép về sự thành lập Hội Thánh đầu tiên, công việc truyền giảng Tin Lành, và đời sống Cơ Đốc Nhân.


8. Đặc trưng của Kinh Thánh

  • Kinh Thánh là Lời sống: vì Đức Chúa Trời là Đấng Sống nên Lời Ngài là Lời Sống (Hêbơrơ 4:12.)

  • Kinh Thánh trường tồn và bất diệt: Kinh Thánh được viết từ hai ngàn năm trước nhưng không hề lỗi thời mà vẫn thích ứng với mọi thời đại. Kinh Thánh bị con người hủy diệt nhưng vẫn tồn tại một cách kỳ diệu bằng sự bảo vệ thiên thượng của Đức Chúa Trời.

  • Kinh Thánh chứa những lời hứa và những lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời có thẩm quyền thay đổi đời sống con người.

  • Kinh Thánh chứa đựng những lời tiên tri từ hàng ngàn năm được ứng nghiệm một cách lạ lùng:

- Lời tiên tri về trận Đại Hồng Thủy thời Nôê: Sáng thế ký 7: 17-22; Mathiơ 24:37-39

- Lời tiên tri về dân Do Thái bị bắt làm nô lệ và trở về quê hương: Giêrêmi 25:11-12; Đaniên 9:2-3; I Sử ký 36:22-23; Êxơra 1:1-4

- Lời tiên tri về sự hủy diệt thành Giêrusalem, dân Do Thái bị mất nước và trở về lập quốc: Mathiơ 24:1-2; Luca 21:20-24

- Quan trọng nhất là lời tiên tri về Chúa Cứu Thế: Mathiơ 1:22, 2:15, 2:23, 4:14, 8:17, 13:35, 21:4; 25:26; Luca 21:22, 24:44; Giăng 12:38, 15:25, 17:12, 19:36; Công vụ các sứ đồ 3:18, 13:29


Bài 3 Sự sáng tạo


1. Đức Chúa Trời đã sáng tạo trời đất và muôn vật như thế nào?

Khi vũ trụ chỉ là một khối hỗn độn và mờ tối, Đức Chúa Trời đã dùng những lời phán của Ngài để dựng nên trời đất, muôn vật, và cả loài người (Sáng thế ký 1:3, 1:6, 1:9, 1:11, 1:14, 1:20, 1:24, 1: 26; Thi thiên 33:6; Hêbơrơ 11:3; II Phierơ 3:5.)
2. Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người như thế nào?

Đức Chúa Trời lấy đất nắn nên hình người rồi hà sinh khí và mũi để con người có sự sống (Sáng thế ký 2:7.)


3. Những đặc điểm của loài người

  • Không phải được dựng nên bằng lời phán như muôn vật khác nhưng được Đức Chúa Trời dùng đất nắn nên và hà hơi sự sống.

  • Chỉ có loài người được dựng nên giống như hình Ngài và tượng Ngài, tức là giống như bản tính thánh khiết và công nghĩa của Ngài (Sáng thế ký 2:26; Êphêsô 4:24.)

  • Chỉ có loài người được quyền quản trị muôn loài mà Đức Chúa Trời đã tạo nên (Sáng thế ký 1:26-28; Thi thiên 8:6.)

  • Chỉ có loài người được thông công với Đức Chúa Trời và tôn thờ Ngài (Sáng thế ký 4:3-7, 4:26; Thi thiên 95:6, 96:9.)

  • Chỉ có loài người có linh hồn vô giá và bất diệt (Êxêchiên 18:4, Mathiơ 16:26, 25:46; Truyền đạo 12:7.)

4. Tổ tiên của loài người là ai?

Tổ tiên của loài người là ông Ađam và bà Êva(Sáng thế ký 2:19-25, 3:20; Mathiơ 19:4; I Timôthê 2:13.)
5. Tại sao loài người phạm tội?

Ađam và Êva không vâng lời Đức Chúa Trời dặn bảo không được ăn trái cây sự sống, nghe theo lời xúi giục của ma qủi ăn trái cây đó nên đã phạm tội với Ngài (Sáng thế ký 2:8-9, 2:16-17, 3:1-6; II Côrinhtô 11:3.)


6. Hậu quả của sự phạm tội

  • Sau khi phạm tội, Ađam và Êva nhận biết tội lỗi. Tội lỗi bắt đầu thâm nhập vào tư tưởng và cuộc đời họ (Sáng thế ký 3:7, Êsai 64:6; Êxơra 9:6; Thi thiên 44:15; Giêrêmi 23:40.)

  • Xa cách Đức Chúa Trời (Sáng thế ký 3:8; Êsai 33:14.)

  • Bị Đức Chúa Trời phạt, Êva phải sanh đẻ đau đớn, Ađam phải làm lụng vất vả (Sáng thế ký 3:16-19.)

  • Bị Đức Chúa Trời đuổi khỏi vườn Êđen và không cho trở lại nữa (Sáng thế ký 3:22-24.)

  • Tội lỗi mang đến sự chết: sự chết thể xác, sự chết tâm linh, và sự chết đời đời (Sáng thế ký 2:17; Rôma 6:23a.)


Bài 4 Chúa Cứu Thế Jêsus và Sự cứu chuộc


1. Con người có thể tự cứu mình sau khi sa ngã không?

Không, trái lại càng ngày càng lún sâu vào tội lỗi, càng hư hỏng, và bại hoại hơn (Sáng thế ký 6:5, 8:21; Giêrêmi 4:22, 9:5, 13:23; Giăng 8:34.)


2. Đức Chúa Trời đã làm gì để cứu loài người?

Sau khi loài người sa ngã, Đức Chúa Trời đã hứa ban một Đấng cứu thế ra từ dòng dõi người nữ, sẽ dày đạp đầu con rắn là ma quỉ (Sáng thế ký 3:14-15.)


3. Đấng cứu thế là ai?

Đó là Đức Chúa Jêsus Christ, là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, là Con Một của Đức Chúa Trời, và cũng là Đức Chúa Trời (Mathiơ 1:21; Luca 2:11; Giăng 1:1, 4:42; Công vụ các sứ đồ 5:31, 13:23; I Timôthê 1:15, 2:5, 4:10.)


4. Đức Chúa Trời đã ban Chúa Jesus cách nào?

Theo kế hoạch của Đức Chúa Trời, Chúa cứu thế sẽ hóa thân làm người, từ hậu duệ của Ápraham, dòng dõi vua Đavít. Ngài sẽ được sanh ra bởi một người nữ đồng trinh tại thành Bếtlehem xứ Do Thái do một công trình siêu việt của Đức Thánh Linh (Sáng thế ký 12:3; Êsai 7:14, 9:5-6; Michê 5:1; Mathiơ 1:1.)


5. Đức Chúa Jesus giánh sinh khi nào?

Chúa Jesus giánh sinh vào năm thứ nhất của Công nguyên. Người ta đã dùng năm sinh của Ngài để bắt đầu một kỷ nguyên mới của nhân loại (Luca 1:26-38, 2:1-20; Mathiơ 1:18-25, 2:1-12.)


6. Tại sao Đức Chúa Jesus phải thành người?

Con người đã sa ngã, phạm tội, và Kinh Thánh cho biết rằng họ phải chết: chết thể xác, chết tâm linh, và chết đời đời (Êxêchiên 18:4; Rôma 6:23, 5:12.) Đức Chúa Trời yêu thương con người không muốn họ phải chết nên Chúa Jesus phải giánh sinh làm người để chết thế cho họ.

Khi một người tin nhận Chúa Jesus đã chết cho mình và nhận Ngài làm Cứu Chúa của đời sống mình, họ sẽ được tha tội, được xưng công bình, và được ban cho sự sống đời đời (Giăng 3:36.)
7. Chúa Jesus trong thân xác loài người có giống chúng ta không?

Có những điểm giống nhau và những điểm không giống nhau:



  • Những điểm giống nhau: Ngài có đầy đủ các cảm giác và cảm xúc của con người: mệt mỏi, đói khát, cảm động, xót thương, vui mừng, đau đớn, sợ hãi, buồn bục, khóc lóc, và chết (Giăng 4:6, 19:28, 19:30; Mathiơ 4:2, 27:50; Mác 15:37; Luca 23:46.)

  • Những điểm không giống nhau: Ngài hoàn toàn vô tội, không lỗi lầm, không tì vết mà thánh khiết và công bình tuyệt đối (II Côrinhtô 5:21; Hêbơrơ 4:15, 7:26; I Phierơ 1:19, 2:22-23; I Giăng 3:5.)

8. Chúa Jesus đã sống bao lâu và làm gì tại trần gian?

Chúa Jesus đã sống tại trần gian 33 năm (Luca 3:23.) Ba năm sau cùng Ngài đã đi và giảng dạy khắp các thành phố, làng mạc trong nước Do Thái kêu gọi mọi người ăn năn tin nhận Ngài. Ngài chữa lành mọi thứ tật bệnh, đuổi quỉ, kêu người chết sống lại để minh chứng quyền năng siêu việt của Đấng cứu thế. Ngài cũng lựa chọn mười hai sứ đồ để đi theo Ngài giảng đạo (Mathiơ 4:17-25, 8:14-17, 9:35, 10:1-4; Công vụ các sứ đồ 10:36-38.)
9. Sự chết của Chúa Jesus trên thập tự giá

Sau khi thực hiện những công tác kỳ diệu trên đất, cuối cùng Chúa Jesus bị Satan dùng tay loài người đóng đinh trên thập tự giá. Đây không phải là một sự thất bại, nhưng là một sự đắc thắng.



  • Chúa Jesus chịu chết để ứng nghiệm lời tiên tri về Ngài (Sáng 3:15)

  • Chúa Jesus chịu chết để thực hiện trọn vẹn kế hoạch của Đức Chúa Trời (Êsai 53:1-2; Công vụ các sứ đồ 8:26-35.)

  • Chúa Jesus đã nhiều lần nói trước rằng Ngài sẽ bị đóng đinh trên thập tự giá và sẽ sống lại (Mathiơ 20:28, 16:21, 17:9, 17:22-23, 20:17-19.)

  • Chúa Jesus cho biết rằng mục đích Ngài đến trần gian là để chết chuộc tội cho nhân loại (Mathiơ 20:28; Luca 19:10; Giăng 3:17.)

  • Ngài nói rõ điều đó trên thập tự giá (Giăng 19:30.)

  • Kinh Thánh nói về sự chết của Chúa Jesus (Êsai 53:7; Giăng 1:29; I Côrinhtô 5:7; I Phierơ 1:19; Khải huyền 13:8; Rôma 3:23-25.)

10. Sự phục sinh (sống lại) của Chúa Jesus



  • Sau khi bị đóng đinh, chết, và chôn trong mộ, đến ngày thứ ba Chúa Jesus đã sống lại như lời Ngài đã nói trước (Mathiơ 27:57-66, 28:1-15; Mác 16:1-8; Luca 24:1-12; Giăng 20:19-31; 21:1-19.)

  • Ngài đã hiện ra với các môn đồ và ở với họ trong bốn mươi ngày (Mathiơ 28:16-20; Mác 16:9-20; Luca 24:13-49; Giăng 20:19-31, 21:1-19.)

  • Các môn đồ giảng về sự sống lại của Chúa Jesus (Công vụ các sứ đồ 1:1-3, 2:22-24, 2:32, 2:36, 3:13-15, 4:10-12, 5:28-32; Êphêsô 1:20; I Têsalônica 4:14.)

  • Sau đó Chúa Jesus về trời (Mác 16:19-20; Luca 24:50-53; Công vụ các sứ đồ 1:9-11; Hêbơrơ 4:14, 9:24; I Phierơ 3:22.)

11. Con người phải làm gì để nhận sự cứu rỗi?

Phải làm 2 điều:


  • Ăn năn: ăn năn không những là biết mình có tội nhưng còn phải đau buồn, xấu hổ, ghê gớm tội, xưng ra, và lìa bỏ nó (Thi thiên 51:3, 51:17; Luca 22:61,62; Thi thiên 32:5; Châm ngôn 28:13; Công vụ các sứ đồ 2:37-38, 3:19.) Nếu ăn năn không thật lòng sẽ bị hư mất đời đời (Luca 13:3-5.)

  • Tin nhận Chúa Jesus: nhận Chúa Jesus là Cứu Chúa của đời sống mình, tin rằng Ngài đã chết vì tội lỗi mình và sống lại để ban cho mình một cuộc sống mới đời đời (Giăng 3:14-18, 3:36; Công vụ các sứ đồ 16:31; Rôma 10:8-10; I Timôthê 1:15.)

12. Sau khi ăn năn tin nhận Chúa, con người sẽ được gì?



  • Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi cho người, không còn nhớ, không còn thấy, đến nỗi như chưa hề phạm tội (Êsai 1:18, Thi thiên 103:12; Êsai 38:17, 43:25; Khải huyền 1:6.)

  • Tái sanh đổi mới để người đó trở nên con cái của Đức Chúa Trời (Êxêchiên 36:26; Giăng 1:12-13, 3:5-8; II Côrinhtô 5:17; Êphêsô 4:24.)

  • Ban Thánh Linh ngự vào lòng để làm cho người nên thánh (Giăng 7:37-39, 14:17; I Côrinhtô 6:19-20.)

13. Tại sao một mình Chúa Jesus lại có thể chết thay cho tất cả loài người?

Dẫu loài người có đông đúc chừng nào vẫn là con người hữu hạn nhưng mạng sống của Chúa cứu thế là vô hạn. Đấng vô hạn chết thay cho loài người hữu hạn, Đấng tạo hóa chết thay cho loài thọ tạo, đó không phải là điều quá đáng (Êsai 40:15-17; Rôma 3:24-26.)
14. Loài người sống trước thời Chúa Jesus có được cứu không?

Chúa Jesus là Đấng cứu thế có từ muôn đời không phải chỉ mới bắt đầu từ buổi giáng sinh (Giăng 1:1.) Trong thời Cựu Ước con người đã dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời bằng các sinh tế tượng trưng cho Đấng cứu thế hy sinh chuộc tội nên họ vẫn được cứu (Sáng thế ký 3:21, 4:4, 22:13; Xuất Êdíptô ký 2:1-13; Lêvi ký 1:1-3; Êsai 53:7; Giăng 1:29, 1:35-36.)

Con người trong thời Tân Ước không cần dâng tế lễ như vậy nữa vì chính Chúa Jesus là sinh tế đã hy sinh mạng sống mình trên thập tự giá rồi (I Phierơ 1:19; Khải huyền 1:6.)
15. Những người đã qua đời chưa nghe về Chúa cứu thế để tin Ngài thì số phận họ thế nào?


  • Với người đã nghe về Chúa cứu thế mà không tin nhận thì Đức Chúa Trời sẽ căn cứ theo điều họ nghe mà đoán xét (Mác 16:15-16; II Têsalônica 1:8-9.)

  • Với người chưa hề nghe về Chúa cứu thế, Đức Chúa Trời sẽ căn cứ theo lương tâm họ mà đoán xét (Rôma 2:14-16.)



Bài 5 Đức Thánh Linh



1. Đức Thánh Linh là ai?

Đức Thánh Linh là Ngôi Ba trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh có thân vị, thần tánh, tư cách, và công việc của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh chính là Đức Chúa Trời. Ngài là:


  • Đấng đời đời (Hêbơrơ 9:14)

  • Đấng toàn tại (Thi thiên 139:7-10)

  • Đấng toàn năng (Luca 1:35)

  • Đấng toàn tri (I Côrinhtô 2:10-11; Giăng 14:26, 16:12-13)

2. Công việc của Đức Thánh Linh



  • Công việc của Đức Thánh Linh trong vũ trụ là dự phần dựng nên trời đất với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con (Thi thiên 104:30; Sáng thế ký 1:2-3.)

  • Công việc của Đức Thánh Linh trong loài người tội lỗi là cáo trách, soi sáng, và hướng dẫn họ đến sự ăn năn tin nhận Chúa cứu thế Jesus (Giăng 15:26-27, 16:8-11; Công vụ các sứ đồ 2:36-37.)

  • Công việc của Đức Thánh Linh trong tín hữu là:

- Tái tạo họ trở nên con người mới, trở nên con cái Đức Chúa Trời (Tít 3:5; Giăng 3:3-5; II Côrinhtô 5:17)

- Giải cứu họ khỏi quyền lực của tội lỗi, để họ sống một cuộc sống thánh khiết (Rôma 7:14-24, 8:3; Êphêsô 4:20-24; II Phierơ 1:4b)

- Làm cho họ ngày càng mạnh mẽ, đắc thắng và sung mãn (Êphêsô 3:16)

- Dẫn dắt họ trong con đường thánh khiết và lẽ thật (Rôma 8:14; Giăng 16:13)

- Dạy dỗ và nhắc nhở họ nhớ Lời Chúa (Giăng 14:26)

- Giúp họ sanh những bông trái tốt lành trong cuộc sống (Galati 5:22)

- Ban cho họ quyền năng và ân tứ để giảng dạy (Công vụ các sứ đồ 1:3; I Côrinhtô 2:1-5; I Têsalônica 1:5)

- Dạy cho họ biết cầu nguyện như thế nào để đẹp lòng Đức Chúa Trời (Êphêsô 6:18)

- Kêu gọi họ vào chức vụ và sai đi (Công vụ các sứ đồ 13:2-4)

- Dẫn dắt họ từng bước trên đường chức vụ (Công vụ các sứ đồ 8:27-29, 16: 6-7)


3. Báp têm bằng nước và báp têm bằng Thánh Linh khác nhau như thế nào?

Về phương diện hình thức, báp têm bằng nước chúng ta chính thức xác nhận niềm tin của mình vào Chúa Cứu Thế Jesus và chính thức gia nhập vào một Hội Thánh hữu hình bất cứ nơi nào trên thế giới.

Về phương diện thuộc linh, chịu báp têm bằng Thánh Linh là chúng ta thực sự bước vào mối thông công mật thiết với Đức Chúa Trời, gia nhập Hội Thánh vô hình của Chúa là chính thân thể của Chúa Jesus.

Có người đã chịu báp têm bằng nước mà chưa chịu báp têm bằng Thánh Linh như thuật sĩ Simôn (Công vụ các sứ đồ 8:9-24.) Trái lại gia đình Cọtnây đã chịu báp têm bằng Thánh Linh trước khi chịu báp têm bằng nước (Công vụ các sứ đồ 10:44-48.)


Bài 6 Sự cầu nguyện
1. Cầu nguyện là gì?

Một cách đơn giản, cầu nguyện là tín hữu nói chuyện với Chúa như là đứa con nói chuyện cùng người cha của mình (Luca 5:20-21.)

Trong ý nghĩa cao hơn, cầu nguyện là đem tâm trí, ước nguyện của mình trình bày cùng Đức Chúa Trời (I Samuên 1:9-11), cầu xin những điều mình muốn (Mathiơ 7:7-11), cầu xin cho người khác (Giacơ 5:14-15), và tìm cầu ý muốn của Chúa để sống.
2. Tại sao chúng ta cần phải cầu nguyện?

Mặc dù Đức Chúa Trời là Đấng biết hết mọi sự, nhưng Ngài muốn chúng ta phải cầu nguyện để tôn vinh Ngài, để bày tỏ lòng biết ơn Ngài và trình dâng mọi sự trong đời sống chúng ta cho Ngài, và qua đó Ngài sẽ đáp ứng cho chúng ta (Mathiơ 7:7-8.)

Chúng ta cũng cần phải cầu nguyện vì chúng ta là những con người yếu đuối, dễ thất bại, luôn luôn cần sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống như người cần hơi thở vậy.
3. Con người có thể cầu nguyện với ai?

Con người chỉ có thể cầu nguyện với Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo muôn loài vạn vật, là Đấng tối cao, và là Đấng sống, đã sống và đang sống trong cuộc đời này, vì chỉ một mình Ngài có thẩm quyền ban cho hoặc cứu rỗi. Con người không thể cầu nguyện với những con người khác hoặc với những pho tượng do chính tay mình làm nên (Công vụ các sứ đồ 4:12; I Các vua 18:1-46.)

Chúng ta có thể cầu nguyện với Đức Chúa Trời vì chúng ta là con cái của Ngài (Giăng 1:12-13.)

Kinh Thánh cũng cho biết rằng hễ ai nhân danh Chúa Jesus mà cầu nguyện thì được Đức Chúa Trời nhậm lời (Giăng 14:13-14, 15:16, 16:23.)


4. Chúng ta phải cầu nguyện cho ai?

  • Cho anh em cùng đức tin, trong Hội Thánh (Giacơ 5:16; Rôma 1:9; Philíp 1:4)

  • Cho các Mục sư (Êphêsô 6:19-20; Côlôse 4:3)

  • Cho người đau yếu (Giacơ 5:14, 5:16)

  • Cho con cái mình (I Sử ký 29:19)

  • Cho kẻ thù nghịch mình (Mathiơ 5:44; Luca 6:27-28)

  • Cho những người chưa được cứu (I Timôthê 2:1-4)

  • Cho chính mình (Thi thiên 106:4-5; II Côrinhtô 12:7-8)

  • Cho những người cầm quyền và thành phố (I Timôthê 2:1-2)

5. Cầu nguyện khi nào?



  • Cầu nguyện buổi trưa, buổi sáng, buổi tối, hoặc cả đêm (Đaniên 6:10; Thi thiên 55:17-18; Công vụ các sứ đồ 10:9, 10:30; Mác 1:35)

  • Cầu nguyện trước bữa ăn (Mathiơ 14:19; Công vụ các sứ đồ 27:35; I Timôthê 4:4-5)

  • Cầu nguyện trong cơn gian truân (Thi thiên 50:15)

  • Cầu nguyện trong cảnh tuyệt vọng (II Sử ký 14:10-1; Giôna 2:1-4)

  • Cầu nguyện suốt cả cuộc đời (Thi thiên 116:1-2; I Têsalônica 5:17)

6. Cầu nguyện tại đâu?



  • Cầu nguyện trong nơi thanh vắng (Mathiơ 6:6; Mác 1:35)

  • Cầu nguyện trong khám tù (Công vụ các sứ đồ 16:35)

  • Cầu nguyện giữa công chúng (Giăng 17:1; Công vụ các sứ đồ 27:35)

  • Cầu nguyện ở tất cả mọi nơi (I Timôthê 2:8)

7. Cầu nguyện điều gì?



  • Xin cho Danh Chúa được tôn thánh (Mathiơ 6:9)

  • Xin nước Ngài được đến (Mathiơ 6:9)

  • Xin ý Ngài được nên ở đất như ở trời (Mathiơ 6:9)

  • Xin Chúa cho thêm con gặt là người giảng đạo (Mathiơ 9:38)

  • Xin Chúa mở cửa giảng đạo (Côlôse 4:3)

  • Xin Chúa tha tội (Mathiơ 6:12; Thi thiên 51:2-3; Luca 18:13)

  • Xin Chúa cho một tấm lòng thánh khiết (Thi thiên 51:12)

  • Xin Chúa cứu khỏi mọi cám dỗ (Mathiơ 6:13)

  • Xin Chúa dạy chúng ta biết dùng những ngày còn sống (Thi thiên 90:12)

  • Xin Chúa dạy chúng ta biết cầu nguyện (Luca 11:1)

  • Xin Chúa mở mắt để chúng ta hiểu lời Ngài (Thi thiên 119:18)

  • Xin Chúa dẫn dắt chúng ta (Thi thiên 27:11, 139:24)

  • Xin Chúa bảo vệ chúng ta (Thi thiên 121:5-8)

  • Xin Chúa cho đầy lòng yêu thương anh em mình (I Têsalônica 3:12)

  • Xin Chúa cho đầy dẫy Thánh Linh (Luca 11:13; Êphêsô 5:18)

  • Xin Chúa cho thức ăn đủ dùng mỗi ngày (Mathiơ 6:11)

  • Xin Chúa cho đầy đủ mọi nhu cầu (Philíp 4:6, 4:19)

8. Cầu nguyện như thế nào?



  • Cầu nguyện nhân danh Chúa Jesus (Giăng 14:13-14, 15:16)

  • Hết lòng cầu nguyện (Phục truyền luật lệ ký 4:29; Giêrêmi 29:12-13)

  • Cầu nguyện một cách sốt sắng (Giacơ 5:16)

  • Bền lòng cầu nguyện (Rôma 12:12; Côlôse 4:2)

  • Cầu nguyện trong sự hiệp một (Mathiơ 18:19-20)

  • Cầu nguyện bởi đức tin (Mathiơ 21:22; Giacơ 1:6)

  • Cầu nguyện bởi Thánh Linh (Rôma 8:26-27; Êphêsô 6:18)


Bài 7 Mười điều răn
1. Mười điều răn của Đức Chúa Trời được chép ở đâu?

Mười điều răn của Đức Chúa Trời được chép trong Kinh Thánh sách Xuất Êdíptô ký 20:1-17 và Phục truyền luật lệ ký 5:6-21.


2. Điều răn thứ nhất là gì?

Điều răn thứ nhất là: "Trước mặt Ta ngươi chớ có các thần khác."


3. Ý nghĩa của điều răn thứ nhất

Khi thờ phượng Đức Chúa Trời, chúng ta phải chỉ thờ phượng một mình Ngài mà thôi (Phục truyền luật lệ ký 6:13; Thi thiên 95:6, 96:9, 97:7; Mathiơ 4:10.)

Vì chỉ có một Đức Chúa Trời cao cả hơn hết (Phục truyền luật lệ ký 4:35; I Sử ký 17:20; Êsai 44:6; Mác 12:29; I Côrinhtô 8:4; Êphêsô 4:6.)
4. Điều răn thứ hai là gì?

Điều răn thứ hai là: "Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình. Ngươi chớ quỳ lạy trước các hình tượng đó và cũng đừng hầu việc chúng nó."


5. Ý nghĩa của điều răn thứ hai

Không được làm bất cứ một hình tượng nào, cho mình hay bất cứ ai, cũng không được tôn thờ sùng bái những hình tượng đó (Xuất Êdíptô ký 20:23, 34:17; Lêvi ký 19:4, 26:1; Phục truyền luật lệ ký 4:15-19, 27:15; Êsai 42:8; I Giăng 5:21.)

Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta không nên để bất cứ một điều gì trở nên thần tượng trong đời sống chúng ta cao hơn Chúa như tiền bạc, danh vọng, hay tình cảm...
6. Điều răn thứ ba là gì?

Điều răn thứ ba là: "Ngươi chớ lấy Danh Giêhôva Đức Chúa Trời mà làm chơi, vì Đức Giêhôva chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy Danh Ngài mà làm chơi."


7. Ý nghĩa của điều răn thứ ba

Đừng bao giờ vô lễ xúc phạm đế Danh Đức Chúa Trời mà phải tôn kính một cách xứng đáng (Lêvi ký 19:12, 22:2; Mathiơ 5:34; Giacơ 5:12; Êsai 29:23, 57:15; Đaniên 2:20; Mathiơ 6:9.)

Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải sống một cách xứng đáng để Danh Chúa không bị người khác xúc phạm.
8. Điều răn thứ tư là gì?

Điều răn thứ tư là: "Hãy lấy ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh."


9. Ý nghĩa của điều răn thứ tư

Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời bảo dân Do Thái giữ ngày thứ bảy của tuần lễ làm ngày yên nghỉ.

Thời Tân Ước, Chúa cứu thế Jesus sống lại vào ngày thứ nhất của tuần lễ nên kể từ đó Hội Thánh giữ ngày thứ nhất của tuần lễ làm ngày yên nghỉ, gọi là ngày Chúa nhật, ngày cả Chúa (Mathiơ 28:1.)
10. Điều răn thứ năm là gì?

Điều răn thứ năm là: "Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi ban cho."


11. Có nên thờ phượng và cúng tế ông bà cha mẹ không?

  • Không nên, vì như vậy là vi phạm điều răn thứ nhất và thứ nhì của Đức Chúa Trời (Xuất Êdíptô ký 20:1-6; Phục truyền luật lệ ký 5:6-10.)

  • Đó là một việc làm mê tín. Khi ông bà cha mẹ qua đời đã đi về nơi Đức Chúa Trời định sẵn, không thể trở về trần gian để hưởng những món ăn cúng tế (Công vụ các sứ đồ 15:29; I Côrinhtô 8:4-6, 10:14-22.)

  • Chính Đức Chúa Trời cũng không đòi hỏi chúng ta phải thờ phượng Ngài bằng cách ấy, nhưng bằng tâm thần và lẽ thật (Giăng 4:24.)

12. Phải hiếu kính ông bà cha mẹ như thế nào?

Khi ông bà cha mẹ còn sống phải hết lòng thương yêu phụng dưỡng. Khi ông bà cha mẹ qua đời phải an táng một cách chu đáo, trang nghiêm(Sáng thế ký 50:1-14.) Sau đó phải sống một cuộc sống tốt đẹp để không làm hổ thẹn danh ông bà cha mẹ.
13. Điều răn thứ sáu là gì?

Điều răn thứ sáu là: "Ngươi chớ giết người."


14. Ý nghĩa của điều răn thứ sáu

Không phải chỉ dùng gươm dao súng đạn huỷ diệt mạng sống người mới là giết người, nhưng bất cứ một hành động nào dẫn đến việc làm hại người cũng bị kết án là giết người, ngay cả việc ghét bỏ người khác (Sáng thế ký 9:6; Xuất Êdíptô ký 21:12; Lêvi ký 24:17; Mathiơ 5:21-22; I Giăng 3:15.)


15. Điều răn thứ bảy là gì?

Điều răn thứ bảy là: "Ngươi chớ phạm tội tà dâm."


16. Ý nghĩa của điều răn thứ bảy

Tà dâm bao gồm những vấn đề sau:



  • Chưa làm lễ thành hôn mà đã ăn ở với nhau

  • Đã có vợ, có chồng mà còn ngoại tình với người khác (Hêbơrơ 13:4)

  • Bỏ vợ, bỏ chồng một cách vô cớ để lấy vợ, lấy chồng khác (Mathiơ 5:21-22, 19:9)

  • Theo chế độ đa thê (Mathiơ 19:9; I Timôthê 3:2, 3:12; Tít 1:6)

17. Điều răn thứ tám là gì?

Điều răn thứ tám là: "Ngươi chớ trộm cướp."

18. Ý nghĩa của điều răn thứ tám

Bất cứ thủ đoạn nào để lấy của người khác một cách bất chánh, không hợp pháp, thậm chí cân non, đo thiếu cũng bị kết án là trộm cướp (Lêvi ký 19:35-36; Phục truyền luật lệ ký 25:13-15; Châm ngôn 11:1; Êphêsô 4:28; I Phierơ 4:15.)
19. Điều răn thứ chín là gì?

Điều răn thứ chín là: "Ngươi chớ làm chứng dối cho kẻ lân cận mình."


20. Ý nghĩa của điều răn thứ chín

Đừng vì bất cứ lý do gì mà hùa theo số đông, hoặc bị tiền bạc mua chuộc cám dỗ mà vu khống người vô tội (Xuất Êdíptô ký 23:1-3, 23:7; Châm ngôn 6:19, 19:9, 24:28; Mathiơ 28:11-15; Mác 14:56; Công vụ các sứ đồ 6:11, 17:6-7, 25:7; I Các vua 21:1-24.)


21. Điều răn thứ mười là gì?

Điều răn thứ mười là: "Ngươi chớ tham lam nhà của kẻ lân cận mình."


22. Ý nghĩa của điều răn thứ mười

Tham lam là ham muốn những điều không thuộc về mình, là tư tưởng và hành động một cách ích kỷ (Thi thiên 10:3; Habacúc 2:9-13; Côlôse 3:5; I Timôthê 6:6-10; Hêbơrơ 13:5.)


23. Chúa Jesus đã tóm tắt Mười điều răn như thế nào?

Chúa Jesus đã tóm tắt Mười điều răn trong Cựu Ước thành hai điều răn trong Tân Ước: "Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình." (Mathiơ 22:37-38)

Điều răn thứ nhất bao gồm từ điều răn thứ nhất đến điều răn thứ tư gồm những trách nhiệm của con người đối với Đức Chúa Trời. Điều răn thứ hai bao gồm từ điều răn thứ năm đến điều răn thứ mười gồm những trách nhiệm của con người đối với nhau.
Bài 8 Hội Thánh
1. Hội Thánh là gì?

Hội Thánh là tập thể những người tin nhận Đức Chúa Jesus làm Cứu Chúa của cuộc đời mình, được Đức Chúa Trời nhận làm con và liên kết với nhau trong mối tương giao thân mật của Đức Thánh Linh.


2. Hội Thánh bắt đầu khi nào?

Sau khi Chúa Jesus thăng thiên, vào ngày lễ Ngũ tuần, Đức Thánh Linh đã giáng lâm và thành lập Hội Thánh đầu tiên (Công vụ các sứ đồ 1:8-12, 2:1-4, 2:47.)


3. Mục đích của Hội Thánh

Mục đích của Hội Thánh là tôn vinh thờ phượng Ba Ngôi Đức Chúa Trời, chăm sóc gầy dựng đức tin cho nhau, và truyền rao ơn cứu rỗi của Chúa cho những người chưa biết để họ biết, tin nhận Chúa Jesus và được cứu.


4. Niềm tin căn bản của Hội Thánh

Nền tảng của niềm tin là Chúa Jesus (I Côrinhtô 3:11), và niềm tin căn bản được ghi lại trong Bài tín điều các sứ đồ.


5. Thành phần lãnh đạo Hội Thánh

Đấng lãnh đạo tối cao của Hội Thánh là Đức Chúa Jesus (Êphêsô 5:28)

Có hai chức vụ trong Hội Thánh được Kinh Thánh nhắc đến là Mục sư và Chấp sự:


  • Mục sư còn được gọi là Giám mục. Mục sư là người lãnh đạo Hội Thánh, là người chăn chiên, Hội Thánh là bầy chiên. Mục sư phải có đủ các điều kiện thuộc linh để lãnh đạo (I Timôthê 3:1-7.)

  • Chấp sự còn được gọi là Trưởng lão. Chấp sự là người do Hội Thánh chọn lựa để điều hành các công việc của Hội Thánh (I Timôthê 3:8-13.)

6. Chức năng của Hội Thánh

Hội Thánh gồm có những chức năng chính như sau:


  • Thờ phượng Đức Chúa Trời

  • Dạy lời Đức Chúa Trời

  • Phụng sự, nâng đỡ, và khích lệ đời sống tín đồ

  • Rao truyền Tin Lành cứu rỗi


Bài 9 Các Thánh lễ và Giáo lễ
A. Thánh lễ

Khi còn tại thế Chúa Jesus đã thiết lập hai Thánh lễ quan trọng, đó là lễ Báp têm và lễ Tiệc thánh.


I. Lễ báp têm
1. Lễ Báp têm là gì?

Trong nguyên văn Hy Lạp, chữ báp têm là baptizo, nghĩa là dìm mình hoàn toàn trong nước. Khi một người nhận lễ Báp têm, người ấy chịu nhận chìm mình trong nước (Mathiơ 3:6, 3:16; Công vụ các sứ đồ 8:36-39.)

2. Ý nghĩa lễ Báp têm


  • Lễ Báp têm của Giăng Báptít là ăn năn để tiếp nhận Chúa cứu thế Jesus (Mác 1:4; Công vụ các sứ đồ 19:3-4.)

  • Lễ Báp têm nhân danh Chúa Jesus là nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình (Mathiơ 28:19; Công vụ các sứ đồ 2:38, 10:47-48.)

  • Khi nhận chìm mình trong nước, người nhận báp têm coi như mình đã chết và chôn đời sống cũ. Khi ra khỏi nước người ấy được xem như đã sống lại với Chúa một đời sống mới. Điều này được gọi là sự đồng chết và đồng sống lại với Chúa Jesus (Rôma 6:1-11; Galati 2:20.)

3. Điều kiện để nhận lễ Báp têm



  • Điều kiện nhận lễ Báp têm là một người nhận biết tội lỗi mình, ăn năn tin nhận Chúa thật sự (Mác 16:16.)

  • Một người tin nhận Chúa chưa có cơ hội làm báp têm mà qua đời vẫn được cứu (Luca 23:43.) Nhưng đây chỉ là trường hợp ngoại lệ. Bất cứ một người nào ăn năn tin nhận Chúa một cách thành thật đều ao ước học giáo lý để lễ Báp têm nhằm bày tỏ niềm tin và làm trọn sự dạy dỗ của Chúa (Công vụ các sứ đồ 2:41, 8:12, 8:36, 9:18, 16:15, 16:33.)

II. Lễ tiệc thánh

1. Lễ Tiệc thánh là gì?

Lễ Tiệc thánh là bữa tiệc thông công giữa Chúa Jesus với các môn đồ ngày xưa và với các Cơ Đốc Nhân chúng ta ngày nay (Công vụ các sứ đồ 2:42, 2:46; I Côrinhtô 11:23-27.)


2. Ý nghĩa của lễ Tiệc thánh

- Dùng trong lễ Tiệc thánh gồm có bánh và nước nho giống như khi Chúa Jesus dự lễ với các môn đồ.

- Bánh tượng trưng cho thân thể của Chúa (I Côrinhtô 11:24.)

Nước nho tượng trưng cho huyết của Chúa (Mathiơ 26:28.)

- Chúng ta dùng bánh và nước nho để nhớ đến sự chết của Chúa là chết thay cho tội lỗi mình (I Côrinhtô 11:24b, 11:25b.)

- Khi dự Tiệc thánh, Cơ Đốc Nhân cũng nên nhớ thực hành mạng lệnh rao truyền sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến (I Côrinhtô 11:26.)


3. Thái độ khi dự Tiệc thánh

  • Tự xét mình, thành thật ăn năn và cầu xin Chúa tha tội, nghiêm trang dự lễ (I Côrinhtô 11:28-29)

  • Trung tín truyền rao sự cứu rỗi của Chúa (I Côrinhtô 11:26)

  • Hiệp một với Hội Thánh để cùng hiệp thông với Chúa (I Côrinhtô 11:17-22, 11:33-34)



B. Giáo lễ

I. Lễ hôn nhân


1. Ai lập lễ hôn nhân?

Đức Chúa Trời đã lập lễ hôn nhân sau khi dựng nên tổ tiên của loài người (Sáng thế ký 2:18-25.)


2. Mục đích của lễ hôn nhân

  • Để vợ chồng giúp đỡ lẫn nhau (Sáng thế ký 2:18-20)

  • Để sanh sản thêm nhiều trên đất, làm nhiệm vụ lưu truyền loài giống (Sáng thế ký 1:28)

3. Mạng lệnh của Chúa cho lễ hôn nhân



  • Người nam chỉ có một vợ, người nữ chỉ có một chồng mà thôi (Malachi 2:13-16; Sáng thế ký 2:22-24; Rôma 7:2; I Côrinhtô 7:10-11.)

  • Chồng làm gì phải được sự đồng ý của vợ, vợ làm gì cũng phải được sự đồng ý của chồng, vì cả hai đã trở nên một thịt (Sáng thế ký 2:24; I Côrinhtô 7:3-4.)

  • Vợ phải phục tùng chồng (Êphêsô 5:22-24; Tít 2:4-5; I Phierơ 3:1-6.)

  • Chồng phải yêu thương vợ như chính mình (Êphêsô 5:25-29; I Phierơ 3:7.)

  • Vợ chồng phải sống đời với nhau, không nên phân rẽ (I Côrinhtô 7:10-16; Mathiơ 19:6), ngoại trừ tội ngoại tình (Mathiơ 5:32, 19:9.)

4. Tại sao Cơ Đốc Nhân không nên kết hôn với người chưa tin Chúa?

Kinh Thánh dạy rằng: "Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin..." (II Côrinhtô 6:14.)

Vì Chúa biết rằng muốn có một gia đình hạnh phúc thì vợ chồng phải có đồng một tâm tình, đồng tư tưởng, và đồng một tín ngưỡng (Amốt 3:3.)

Đời sống Cơ Đốc Nhân và người ngoại đạo là vô cùng khác biệt không thể hòa hợp được, sẽ gây xáo trộn trong gia đình và đưa đến đổ vỡ (II Côrinhtô 6:14-18.)
II. Lễ dâng con
1. Tại sao phải dâng con?


  • Vì biết rằng con mình là cơ nghiệp đời đời của Chúa cho, quý hơn hết cơ nghiệp nào trên trần gian (Thi thiên 127:3)

  • Vì xưa nay những người yêu mến Chúa đều dâng con mình cho Ngài (I Samuên 1:1-28; Mác 10:13-16; Luca 2:22-24)

  • Để Chúa giữ gìn và chuẩn bị cho đời sống con cái chúng ta sau này cho sự hầu việc Ngài (Giôsuê 24:15)

2. Trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái trong Chúa



  • Nuôi nấng con cái (Êphêsô 6:4)

  • Dạy dỗ con cái (Châm ngôn 22:6, 22:15; Phục truyền luật lệ ký 11:19-20)

  • Làm gương cho con cái (Sáng thế ký 18:19; Giôsuê 24:14-15)

III. Lễ an táng


1. Ý nghĩa sự chết

Kinh Thánh sách Hêbơrơ viết rằng: "Theo như đã định loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét."

Theo như công lệ thiên định đã là người thì ai cũng phải chết cả. Người tin Chúa cũng như không tin Chúa đều ở trong công lệ đó. Chỉ có khác nhau về chỗ ở sau khi qua đời. Người tin Chúa sẽ về thiên đàng với Chúa hưởng sự sống đời đời. Người không tin Chúa sẽ đi vào địa ngục và chết đời đời.
2. Lễ an táng được làm cho ai?

Cho tất cả những ai tin nhận Chúa dù sốt sắng hay yếu đuối.

Lễ an táng trong Chúa không được dùng như một nghi thức để cứu rỗi linh hồn người khác.

Ai tin Chúa Jesus thì được cứu, ai không tin thì bị hư mất, không còn cơ hội được cứu sau khi qua đời (Giăng 3:36.)


3. Ý nghĩa lễ an táng

Lễ an táng là một số nghi thức tiễn đưa thể xác người chết vào lòng đất, và an ủi, khích lệ, khuyến cáo những người còn sống, không phải cầu nguyện cho người chết nhưng cầu nguyện cho người sống.



  • An ủi tang quyến (I Têsalônica 4:13-18)

  • Nhắc nhở mọi người chuẩn bị cho ngày mình qua đời (Amốt 4:12; Truyền đạo 12:13-14;Hêbơrơ 9:27)

  • Kêu gọi tội nhân ăn năn (Luca 16:19-31)

  • Khích lệ mọi người theo Chúa:

- Ước ao được chết như người công nghĩa (Dân số ký 23:10)

- Ước ao được chết như người thánh của Đức Chúa Trời (Thi thiên 116:15)

- Ước ao được chết cách nào để tôn vinh Chúa (Giăng 21:19)

- Ước ao trung tín với Chúa cho đến chết để được chết trong Chúa (Khải huyền 2:10, 14:13)


Bài 10 Thiên đàng và thiên sứ - Hoả ngục và ma quỷ
1. Thiên đàng là gì?

Thiên đàng là nhà của Đức Chúa Trời, là nơi ngự của Ngài (Giăng 14:2-4; Luca 23:43; Khải huyền 21:22.)


2. Thiên đàng ở đâu?

Thiên đàng ở trên trời (I Các vua 8:27, 8:39; Êsai 66:1; Mathiơ 5:34.)

Thiên đàng cũng có thể ở ngay trên đất, trong lòng những người có Chúa cứu thế Jesus là Cứu Chúa của đời sống mình (Luca 17:20-21.)
3. Thiên đàng ra sao?

Thiên đàng là nơi không có bệnh tật, chết chóc, nơi cũng không có tang chế, khổ đau. Tại đó không cần mặt trời vì không có ban đêm và vì Chúa cứu thế Jesus là ánh sáng soi sáng thiên đàng đời đời (Khải huyền 21:4, 21:22-27.) Tại thiên đàng có cuộc sống hạnh phúc vĩnh cữu (Mathiơ 25:20-23.)


4. Ai được ở thiên đàng?

  • Các thiên sứ (Êsai 6:1-3; Mác 12:25; Hêbơrơ 12:22; Khải huyền 7:11)

  • Những người tin nhận Chúa Jesus (Giăng 14:3; Luca 23:43; Mathiơ 13:43; Công vụ các sứ đồ 7:54-60)

5. Hỏa ngục là gì?

Hỏa ngục là một lò lửa đời đời (Mathiơ 25:41; Mác 9:48-49; Luca 16:22-23; Khải huyền 20:10-14, 21:8.)
6. Đức Chúa Trời dựng nên hỏa ngục để làm gì?


  • Để dành cho ma quỉ và các quỷ sứ nó (Mathiơ 25:41; Khải huyền 19:20, 20:10)

  • Để dành cho kẻ không có tên trong Sách Sự Sống: không tin Chúa và theo ma quỉ cùng các quỉ sứ nó (Mathiơ 7:23; Khải huyền 14:10, 19:20, 20:10, 20:15)

7. Hỏa ngục có thiêu huỷ những kẻ ở trong đó không?

Không. Họ bị đau đớn cả ngày lẫn đêm, nghiến răng, chắt lưỡi, khóc lóc, muốn chết mà không chết được (Mathiơ 8:12, 13:42; Khải huyền 20:10.)
8. Những kẻ ở trong hỏa ngục phải chịu khổ hình bao lâu?

Đời đời. Người ở thiên đàng được hạnh phúc đời đời, kẻ ở trong địa ngục cũng bị khổ hình đời đời không bao giờ chấm dứt. Vì tại đó không có mặt trời, nên không có giờ, ngày tháng năm gì cả.


Bài 11 Sự tái lâm của Chúa Jesus

1. Sự tái lâm là gì?

Sau khi bị đóng đinh trên thập tự giá, bị chết và chôn trong phần mộ ba ngày, Chúa Jesus đã sống lại và thăng thiên (về trời.) Ngài cho biết rằng Ngài sẽ trở lại trần gian một lần nữa (Giăng 14:3; Mathiơ 24, 28; Mác 13; Luca 17, 21.)
2. Có chắc chắn Chúa sẽ tái lâm không?

Chắc chắn như vậy vì:



  • Chúa đóng ấn lời phán của Ngài: "Trời đất sẽ qua đi song lời ta phán sẽ chăng bao giờ qua đi" (Mathiơ 24:35.)

  • Kinh Thánh đã nói tiên tri về các sự kiện liên hệ đến Chúa Jesus như giáng sinh, chịu chết, sống lại, về trời đều đã ứng nghiệm từng chi tiết. Bây giờ chỉ còn lời tiên tri về Chúa tái lâm, chắc chắn sẽ được ứng nghiệm giống như vậy.

3. Khi nào Chúa tái lâm?



  • Chúa Jesus nói rằng thời gian Chúa tái lâm không ai biết được, ngay cả Đức Chúa Con trong thân thể con người và thiên sứ ở trên trời, chỉ có Đức Chúa Cha biết. Chúng ta là con dân Chúa hãy tỉnh thức, sống một đời sống gương mẫu, phước hạnh để chờ đợi ngày Chúa tái lâm (Mathiơ 24:36, 24:42, 24:44, 25:13.)

  • Phierơ và Phaolô cũng nhắc cho các Hội Thánh lúc bây giờ biết rằng ngày Chúa đến là bất thình lình, như kẻ trộm trong ban đêm vậy (I Têsalônica 5:2; II Phierơ 3:10.)

4. Chúa sẽ tái lâm cách nào?



  • Chúa sẽ tái lâm không giống như khi Ngài giáng sinh.

  • Chúa sẽ lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống với muôn vàn thiên sứ (Mathiơ 24:30-31, 26:64; Mác 13:26-27; Luca 21:27.)

  • Chúa sẽ tái lâm giống như lúc Ngài thăng thiên (Công vụ các sứ đồ 1:11; Khải huyền 1:7.)

5. Chúa tái lâm để làm gì?



  • Chúa sẽ khiến những kẻ thuộc về ngài từ đời Ađam cho đến ngày đó được sống lại khỏi phần mộ, mặc cho họ một thân thể mới đầy vinh quang như mặt trời, như các ngôi sao (Mathiơ 13:43; Đaniên 12:3; I Côrinhtô 15:41-49; I Têsalônica 4:13-16.)

  • Chúa sẽ biến hoá thân thể của những kẻ thuộc về Ngài còn đang sống được vinh hiển tuyệt vời như Ngài, rồi cất cả hai lên không trung để gặp Ngài. Cuộc đoàn tụ vĩ đại đó được gọi là Tiệc Cưới Chiên Con (Philíp 3:20; I Côrinhtô 15:50-57; I Têsalônica 4:17-18; Khải huyền 19:5-9.)

  • Bấy giờ chúng ta sẽ hưởng trọn sự cứu rỗi trong cả 3 phần: Linh được cứu ngay khi tin Chúa, Hồn được cứu hằng ngày suốt cuộc đời theo Chúa, và Thân được cứu ngay lúc đó (Rôma 8:18-23; Hêbơrơ 9:28.)

  • Sau đó Chúa Jesus sẽ ngồi đoán xét thế gian tại Tòa án lớn và trắng (Giăng 5:28; Truyền đạo 12:14; Khải huyền 20:11-15.)

  • Vậy, sự tái lâm của Chúa Jesus là một hy vọng lớn lao nhất cho chúng ta trong cõi đời đời (I Côrinhtô 15:19.)

6. Tại sao đến nay Chúa chưa tái lâm?



  • Chúa hứa đến mau chóng (Mathiơ 24:27; Khải huyền 22:7, 22:12, 22:20.)

  • Phaolô và Giacơ quả quyết: "Ngày Chúa đến gần rồi," có thể đến trong thời đại của họ (Philíp 4:5; Giacơ 5:7-8.)

  • Ngày giờ của Chúa không giống như ngày giờ của chúng ta (II Phierơ 3:8.)

  • Ngài cho tội nhân có thì giờ để ăn năn (II Phierơ 3:9.)

  • Sẽ rất nguy hiểm nếu nghĩ rằng Chúa không đến hay chậm đến (Mathiơ 24:48-51.)



Bài Cầu Nguyện Chung


Lạy Cha chúng con ở trên trời,

Danh Cha được tôn thánh.

Nước Cha được đến.

Ý Cha được nên ở đất như trời.

Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ dùng.

Xin tha tội lỗi cho chúng con, như chúng con tha người phạm tội nghịch cùng chúng con.

Xin đừng để chúng con bị cám dỗ, song cứu chúng con khỏi điều ác.

Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời vô cùng. Amen.



Xin Quý Liên Lạc Cùng Chúng Tôi


Để Tiếp Tục Tăng Trưởng Trong Tâm Linh

Hội Thánh Tình Thương


Agape Baptist Church

13220 – 156th Ave NE, Renton 98059

Mục sư Phan Phước Lành Christian
206-240-2605 or phan1010@hotmail.com

(Freeway 405 Exit #4 hướng Mapple Valley, Quẹo trái 154th Pl, tiếp tục 156th Ave, nhà thờ bên phải bên cạnh Eastside Renton Community Church)




tải về 165.88 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương