Giới thiệu



tải về 234.17 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu01.11.2017
Kích234.17 Kb.
#33966
Giới thiệu
Thư gởi Anh Đoàn trưởng do Tr. Bùi năng Phán viết năm 1982, cho các Trưởng đang phục hoạt phong trào Hướng đạo Việt nam trong các cộng đồng Người Việt tại các nước, và được sử dụng như một tài liệu tham khảo.
Thư gởi Anh Đoàn trưởng được Hội đồng Trung ương HĐVN chính thức phát hành tại Trại Họp bạn Thẳng tiến 1 Paris (1985). Chi nhánh HĐVN tại Canada hiệu đính và tái bản nhân dịp Trại Họp bạn Thẳng tiến 2 Toronto (1988).
Thư gởi Anh Đoàn trưởng sau đó được trích lại từng phần, tóm lược, bổ túc và sửa đổi cho các khóa Huấn luyện và Hội thảo, nên các ấn bản sau này có số đề mục và chiều dầy khác nhau. Tuy nhiên, những nhận xét của tác giả dựa trên sở nghiệm cá nhân vẫn mang ý nghĩa của sự đóng góp chân thành cho mục đích chung.
Bởi thế, anh Đoàn trưởng khi đọc “lá thư” này hãy ghi nhận thiện chí của tác giả, tùy nghi rút tỉa những gì có lợi cho trách vụ, và nếu anh cảm nhận được điều gì đó trong lá thư, thì đấy chính là mục đích của tập sách nhỏ này.
Nhân đây, xin bày tỏ lòng trân trọng và qúy mến đến Tác giả của tập sách nhỏ, nhưng chứa đựng một số gợi ý chân tình, nhận xét sâu sắc và kinh nghiệm thực tiễn hữu ích cho hoạt động của phong trào.
Giúp Ích

Tái bản lần 3 (2016)

@
THAY LỜI TỰA
Được tin nhắn của Trưởng Nguyễn Thái Hùng nhờ viết LỜI TỰA cho một cuốn sách mà Khối Truyền thông của Ban Điều hành HĐVN sắp tái bản… nếu tôi đồng ý thì sẽ gửi nguyên bản của cuốn đó cho tôi xem.
Hỏi ra thì biết đó là cuốn “THƯ GỬI ANH ĐOÀN TRƯỞNG” của Cáo Lãng tử. Không một phút chần chờ, tôi trả lời ngay là sẵn sàng giới thiệu vì tôi biết rõ khả năng của Trưởng Bùi Năng Phán trong việc viết văn cũng như trình độ kỹ năng Hướng Đạo của anh ấy cách nay trên dưới nửa Thế kỷ.
Vào đầu thập niên ’70 của Thế kỷ trước, Trưởng Bùi Năng Phán đã xuất bản các sách: • Thám du • Thủ công trại • Trò chơi lớn • Trò chơi Sói • Thủ công Sói (xếp giấy thành hình các con vật rất đẹp… không thua gì nghệ thuật Origami của Nhật)
Nếu Trưởng nào ở Hải ngoại có đọc KỶ YẾU 60 NĂM HĐVN phát hành nhân dịp TRẠI HỌP BẠN THẲNG TIẾN III thì đã biết Trưởng Bùi Năng Phán qua bài TRẠI TRƯỜNG TÙNG NGUYÊN TRONG TIM TA… mà GVMD8 đã đăng lại.
Nếu Bạn nào theo dõi Nội san TRƯỞNG của Hội HĐVN xuất bản từ 1971-1975 thì không thể nào quên những bài Tự thuât KỶ NIỆM BUỒN NHƯ MÂY BAY NGANG kể lại chuyện Bùi Năng Phán tham dự THB tại Thái Lan và BÀI TỰ THUẬT CỦA CÁO LÃNG TỬ về việc tham dự Trại BR Thiếu 1971… với lời văn dí dỏm, chuyện thật mà tưởng như đùa… Chọn dịp nghỉ phép cưới vợ trùng với thời gian Trại Bằng Rừng để vừa cử hành lễ cưới ở Nhà Thờ xong, trong khi bà con hai họ ăn tiệc Tân hôn nửa chừng thì Chú rể cùng Cô dâu xách hành trang lên Đalat lấy cớ đi hưởng tuần trăng mật… nhưng khi lên đến nơi thì để Cô dâu ở khách sạn rồi mang balô vào trại trường… nhưng Khóa Trưởng Vũ Thanh Thông (Hoẵng Đa ngôn) không dám nhận vì đã trễ mấy giờ đồng hồ bởi ngại Trại Trưởng Lê Mộng Ngọ không chấp thuận… khiến tôi phải lên Minh Nghĩa Đường đề nghị Trại Trưởng châm chước vì nhà binh khó xin nghỉ phép dài ngày để tham dự trại… thành thử nhân dịp đời một lần cưới vợ mới xin được đơn vị cấp phép 10 ngày…vì thế tiệc Tân Hôn chưa xong đã vội vàng xách balô lên trại mà vẫn trễ… đó là điều “bất khả kháng”… nên Trưởng Ong Lắm mật dù giữ kỹ luật nghiêm chỉnh cũng phải xiêu lòng.
Các bạn đồng khóa dù chưa biết Trưởng Phán từ trước mà khi nghe lý do nhập trại trễ cũng phải thốt lên là “Anh chàng lãng tử” khiến tôi khỏi áy náy trong việc đổi tên cho Anh trong một dịp đặt tên Rừng tại trại Huấn luyện Dự bị Thiếu trưởng ở Đạo Hồi Nguyên trước đó mà Trưởng Phán là một thành viên của Hội Đồng Rừng nhưng khi mọi người xưng tên thì anh ta chỉ ngồi cười chứ không chịu nói, một bạn ngồi bên cho biết vì HĐR trước kia đặt tên cho “Anh ấy” không đúng ý nghĩa nên Anh không bao giờ nhắc đến… Cũng may cho tôi là tên đã đặt lại, Trưởng Phán vẫn dùng đến nay, không những ở trong HĐ mà những bài viết ở Hòa Lan cũng dùng tên rừng Cáo Lãng tử làm bút hiệu.

*

Tôi xin hân hạnh giới thiệu cùng Quý Trưởng và bạn đọc cuốn THƯ GỬI ANH ĐOÀN TRƯỞNG do Cáo Lãng tử biên soạn, dù sách xuất bản đã lâu nhưng vẫn còn giá trị vì đó là những điều căn bản mà một Trưởng đơn vị cần phải biết và thực hành.


Sư tử Đảm đương

TÔN THẤT SAM



@
Anh Đoàn trưởng thân mến,
Nếu ví Đời là một Con Đường, thì tôi đã đi được một nửa con đường ấy, nghĩa là có những đoạn đường tôi đã trải qua, và có những đoạn đường tôi chưa đi tới. Như vậy tôi cũng như anh: Đang ở trên Đường. Do đó, những dòng chữ tôi đang viết đây, không mang ý nghĩa một lời khuyên của người đi trước gởi lại cho người đi sau, mà chỉ là những trao đổi của những người đang cùng đi Một con đường.
Anh sẽ thất vọng nếu muốn tìm trong lá thư này những lời chỉ dẫn hay giải đáp, nội dung của nó hoàn toàn chỉ là những Đề nghị, những góp ý của một người trẻ, đã được may mắn ở trong Phong trào Hướng đạo từ khi còn tấm bé. Dĩ nhiên, những đề nghị này sẽ được Bổ túc bởi chính anh, theo khả năng và kinh nghiệm của mình, cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện chung quanh.
Chính Bi Pi cũng đã viết: “Tất cả Nguyên lý Hướng đạo đều nhắm đúng hướng, sự thành công trong việc áp dụng những nguyên lý này tùy thuộc ở Trưởng, tôi không thể đưa ra một phương pháp cứng ngắc, bởi vì những gì thích hợp cho một đoàn, một loại trẻ trong khu vực này, sẽ có thể không phù hợp với một loại trẻ khác, sống xa đó chừng vài cây số. Nó lại càng không thích hợp hơn nữa cho các đoàn rải rác trên thế giới và sống trong những điều kiện hoàn toàn khác biệt”.
Thân ái BTT anh


@
HƯỚNG ĐẠO LÀ GÌ

 

Trước khi bắt tay vào một công việc gì, tôi nghĩ rằng: Anh cũng như tôi, mỗi người chúng ta nên và phải biết trước mục đích cũng như lý do khiến mình dám hy sinh cho công cuộc. Điều này chắc anh đã biết, nhưng tôi vẫn viết ra đây cho anh và cho chính tôi.


Giả sử có một đoàn sinh của anh bất ngờ hỏi anh rằng: Hướng đạo là gì? chắc hẳn chúng ta không khỏi lúng túng, cho dù anh cũng như tôi đều đã đọc hết các tác phẩm căn bản của Phong trào, và cũng đã từng tham dự vào cuộc chơi Hướng đạo. Bởi vì Hướng đạo là một lối sống, một lý tưởng, do đó chỉ có thể giải thích một cách đầy đủ bằng chính cuộc sống.
Khi ở Phi luật tân, tôi có dịp đọc một bài báo của đơn vị Palawan, bài báo mang tựa đề Hướng đạo là gì? với nội dung đăng ý kiến của từng người, tôi còn nhớ một số ý kiến đăng tải như sau:
-       Hướng đạo ư? Hát hay không bằng hay hát.

-       Hướng đạo là ba phần tư ngoài trời.

-       Hướng đạo hôm nay, Công dân ngày mai.

-       Hướng đạo hát vang ở lúc khó khăn nhất.

-       Hướng đạo là ai cũng có thể tin được.

-       Hướng đạo là bạn của mọi người.

-       Hướng đạo là Công dân của Thế giới.

-       Hướng đạo là… Hướng đạo.


Với những ý kiến và cách nhìn khác nhau cho chúng ta một định nghĩa khá chính xác về Hướng đạo, có thể nói mỗi ý kiến trên đều là một định nghĩa, mà gom tất cả những ý kiến ấy lại, cũng là một định nghĩa.
Baden Powell, người Anh Cả của chúng ta đã viết: “Hoạt động Hướng đạo không phải là một môn học trừu tượng hay khó khăn gì, nó là một cuộc chơi nếu anh biết nhìn theo đúng hướng. Đồng thời hoạt động Hướng đạo lại có tính cách giáo dục và có khuynh hướng đem lại lợi ích cho cả người nhận lẫn người cho”.
Danh từ Hướng đạo tự nó đã là lời giải thích cho một phương pháp giáo dục công dân bằng trò chơi.
Tôi xin phép ghi lại dưới đây Bản quyết nghị quan trọng của Hội nghị Hướng đạo Thế giới, đã thông qua vào tháng 8 năm 1929 tại Đan mạch. Trong đó chứa đựng những lời giải thích về Tôn chỉ và Mục đích của Phong trào Hướng đạo. Bản quyết nghị này là nền tảng cho tất cả các hoạt động của đơn vị ở bất cứ đâu và bất cứ thời gian nào, đây chính là Bản Tuyên Ngôn của Phong trào, mà mỗi đơn vị ở bất cứ cấp nào cũng phải tôn trọng và thực hiện.
***

 

QUYẾT NGHỊ CỦA HỘI NGHỊ HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI



 

Hội nghị Thế giới Hướng đạo đồng thanh chấp nhận Bản Quyết nghị tuyên bố rằng:


Phong trào Hướng đạo có tính cách Quốc gia, Quốc tế và Hoàn vũ. Mục đích là xây dựng riêng biệt cho mỗi quốc gia và cho toàn thể thế giới một thế hệ thanh niên Mạnh về phương diện: Thể dục, Đạo đức Tinh thần.
Là một phong trào có tính cách Quốc gia vì do các hội Hướng đạo Quốc gia trực tiếp điều khiển; nó nhằm gây cho xứ sở một tầng lớp công dân hữu ích và lành mạnh. 

          

Là một phong trào có tính cách Quốc tế vì nó công nhận rằng không có một hàng rào nào ngăn nổi tình thân hữu Hướng đạo.
Là một phong trào có tính cách Hoàn vũ vì nó nhấn mạnh trên tình Huynh đệ thế giới giữa các Hướng đạo sinh thuộc mọi quốc gia, mọi tầng lớp và mọi tín ngưỡng.
Luật Hướng đạo đòi hỏi mỗi Hướng đạo sinh phải chân thành thực hành Đạo giáo của mình và điều lệ của Phong trào, cấm bất cứ loại hoạt động tuyên truyền bè phái nào ở những buổi họp có tính cách hỗn hợp.
Phong trào không có khuynh hướng làm giảm lòng Tin tưởng về Tôn giáo của từng cá nhân, mà trái lại còn làm tăng thêm hơn nữa.

@
HƯỚNG ĐẠO LÀ MỘT CUỘC CHƠI


Hướng đạo là một cuộc chơi. Anh là người Hướng dẫn và tham dự cuộc chơi ấy với các em trong tinh thần của người anh cả, làm sao cho các em có được một nếp sống thực tiễn, biết làm việc, chơi đùa và giúp ích. Để các em trở thành những công dân xứng đáng và có Tín ngưỡng tâm linh vững vàng.

Lẽ dĩ nhiên, khi anh dẫn dắt các em theo phương pháp Hướng đạo thì mặc nhiên anh mang theo mình một phần cái hạnh phúc của sự giúp ích ấy, anh sẽ thấy rằng: Anh đang làm một công việc to tát hơn anh tưởng khi đảm nhận chức vụ Trưởng, bởi vì anh đang giúp cho Nhân loại và cho Thượng đế một việc rất giá trị.

 

Đối với người ngoài cuộc, thì Hướng đạo có vẻ là một vấn đề hết sức phức tạp, do đó ngại ngùng không muốn làm Trưởng. Nhưng thật ra không phải thế, mục đích của Hướng đạo rất cao cả, nhưng hoàn toàn giản dị. Nhiệm vụ của Trưởng là đào tạo cho các em một cao vọng, để các em tự phát triển tính khí của mình. Dựa vào phương pháp Hướng đạo, Trưởng điều khiển đoàn sinh qua Đội trưởng.



 

Để trở thành một Trưởng Hướng đạo (như Bi Pi đã nhấn mạnh) Anh không cần phải là một nhà giáo, mục sư, sĩ quan hay huấn luyện viên. Anh chỉ cần có một tâm hồn trẻ trung, biết hòa mình với các em, hiểu rõ những ước vọng của chúng và hướng dẫn chúng tham dự cuộc chơi như một người anh trong gia đình. Phong trào Hướng đạo là một đoàn thể Huynh đệ tươi đẹp.

 

Về các điểm này, anh có thể tìm thấy lời giải đáp vô cùng lý thú trong cuốn sách Hướng dẫn vào nghề Trưởng Hướng đạo của Bi Pi và về những điều khác nữa, anh cũng sẽ tìm thấy trong những tác phẩm khác của Người. Những tác phẩm căn bản mà anh phải đọc là cuốn Hướng đạo cho trẻ em và cuốn Đường Thành công. Nền tảng căn bản của Nguyên lý Hướng đạo đều chứa trong mấy cuốn sách tôi vừa trình bày. Anh hãy đọc kỹ rồi ngẫm nghĩ, tính toán hơn thiệt, lợi hại, xem anh có dám hy sinh cho đám trẻ dăm ba tiếng đồng hồ mỗi tuần? Tôi ước mong rằng anh sẽ không bỏ lỡ cuộc chơi và sẽ thành công.



@
TƯ TƯỞNG CĂN BẢN

 

Như đã trình bày ở trên, mục đích của lá thư này là muốn đề nghị với anh một số vấn đề chưa có trong sách vở, nhưng trước khi đề cập đến những vấn đề này, tôi xin phép ghi lại một số Tư tưởng căn bản của Bi Pi để dựa vào nền tảng ấy chúng ta đi rộng ra:



 

  1. Về Mục đích: Hướng đạo đào tạo cho các em trở thành những con người có bản lãnh và thể lực mạnh mẽ để giúp ích đồng loại. Nghĩa là trở thành những công dân xứng đáng trong tương lai.




  1. Về Phương pháp: Để rèn luyện Chí khí và phát triển các khả năng của trẻ phải triệt để áp dụng Phương pháp Hàng đội, giao trách nhiệm cho từng cá nhân. Hướng đạo là một cuộc chơi cho Trẻ và do Trẻ hướng dẫn.




  1. Về nhiệm vụ: Trưởng Hướng đạo mang hai nhiệm vụ chính: Giáo dục các em bằng Gương sáng và Trung thành với phong trào.

 

***
Trích dẫn:

.....

Hướng đạo là một cuộc chơi, và như tất cả các cuộc chơi khác, nó có một số luật lệ để tránh lộn xộn. Trẻ sẵn sàng chấp nhận và tuân theo những luật lệ đó, không phải cho có hình thức, mà là với một thái độ hào hiệp, khiến cho chúng không lấy tay đập vào trái banh khi chơi túc cầu.



.....

Mục đích của phong trào giúp phát triển tinh thần công dân tốt cho thanh thiếu niên, bằng cách rèn luyện tính khí, huấn luyện trẻ có óc quan sát, tính vâng lời và lòng tự tin, gây trung tín và vị tha, dạy trẻ phục vụ cộng đồng và các thủ công hữu ích cho bản thân; làm nẩy nở thể xác, tâm hồn và đời sống thiêng liêng của đứa trẻ. Đó là mục đích, nó có nghĩa đơn giản là anh và tôi, và tất cả những ai tự gọi mình là Trưởng Hướng đạo, đều có nhiệm vụ bắt tay vào mà thực hiện cái lý trưởng trên, vì nó thật là một lý tưởng.

.....

Hãy hết sức đơn giản. Hoạt động Hướng đạo được phát động bởi lòng nhiệt thành và phải được tiếp tục bằng cùng một phương tiện. Lòng khao khát thật sự quan trọng hơn cả, kế đó mới đến huấn luyện và tổ chức. Đừng tìm cách gây rắc rối cho Hướng đạo của mình, bằng không Trưởng sẻ bị tràn ngập vì chi tiết. Luật lệ được thiết lập để hỗ trợ chứ không phải để ngăn cản.



 

Trích: Cầm Đoàn



Soạn giả Đỗ Văn Ninh

Tủ Sách Mối Dây

@
NHIỆM VỤ CỦA TRƯỞNG

 

Hướng đạo là Tổ chức đầu tiên được vinh dự nhận giải thưởng: Giáo dục cho Hòa bình của cơ quan Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), căn bản giáo dục Hướng đạo đặt trên nền tảng Thân hữu, Hoà bình, Hòa đồng và Cảm thông. Hướng đạo Việt nam được thành lập năm 1930 và được thừa nhận Tư cách Hội viên của Phong trào Hướng đao Thế giới năm 1957. HĐVN là hội đầu tiên được công nhận là Có ích lợi chung tại Việt nam.

 

Ngoài nhiệm vụ đối với đoàn sinh của anh, anh còn có bổn phận Trung thành với Phong trào, vì khi chúng ta giáo dục đoàn sinh trở thành những công dân tốt, biết hy sinh và phục tùng kỷ luật, thì tự chúng ta cũng có bổn phận nêu gương thực hành. Chỉ khi nào chúng ta thực hiện đầy đủ bổn phận của mình, thì các em mới đáp lại những đòi hỏi của chúng ta. Hãy xếp bỏ những cảm nghĩ nhỏ nhen của cá nhân mình để nhắm vào cái đích cao cả của phong trào và luôn luôn trung thành với mục đích ấy.



 

Việc giáo dục các em thành công tùy thuộc vào phần lớn gương sáng của Trưởng. Nếu muốn cho Đoàn sinh thực hành Luật Hướng đạo hay những điều nào khác thì không gì bằng Trưởng làm gương thực hành trước. Như vậy chẳng cần nhiều lời dậy bảo, đoàn sinh cũng sẽ noi gương anh. Trong mỗi đứa trẻ luôn luôn có sẵn lòng sùng bái thần tưọng, khi anh chơi với các em cuộc chơi lớn trong tinh thần của người anh cả, anh nghiễm nhiên trở thành thần tượng của chúng, các em sẽ quan sát và bắt chước anh một cách nhanh chóng tất cả những đặc điểm dù nhỏ nhặt nhất của anh, tác phong của anh sẽ trở thành tác phong của đoàn sinh.

 

Khi hướng dẫn cuộc chơi cho các em, anh phải luôn nhớ rằng: Anh là người anh cả đang giáo dục các em, chứ không phải ông thầy dậy học, anh không cần nhiều lời rao giảng Luật Hướng đạo hay ra lệnh cho các em, mà hãy tìm cách gợi ý, tạo cho các em lòng ham muốn tự tìm hiểu, có như thế các em mới cố gắng hết sức thực hiện những điều tốt đẹp.



 

Các em khi tham gia Hướng đạo là muốn hoạt động: do đó anh đừng làm nản lòng chúng với quá nhiều lời giải thích. Hãy thỏa mãn lòng ao ước của trẻ bằng những trò chơi và các hoạt động Hướng đạo qua trò chơi, các em sẽ ngấm dần tinh thần Hướng đạo, như những ngón nghề thấm vào tay người Thợ, tính ngay thẳng và tinh thần kỷ luật trong cuộc chơi sẽ biến thành bản tính của trẻ: từ đó các em có thói quen ngay thẳng và kỷ luật trong cuộc sống. Nhờ các hoạt động Hướng đạo, các em trở nên khỏe mạnh, vui vẻ, tháo vát, ưa giúp ích kẻ khác. Tất cả các hoạt động Hướng đạo đều nhắm đến mục đích: Đào tạo các em thành công dân hữu ích với một tín ngưỡng tâm linh vững vàng. 


Căn bản các hoạt động này được tóm gọn trong ba lời hứa:
“Tôi xin lấy Danh dự hứa cố gắng hết sức:
- Làm bổn phận đối với Tín ngưỡng và Tổ quốc.

- Giúp ích mọi người.

- Tuân theo Luật Hướng đạo”.
Nhiệm vụ của anh là Hướng dẫn cho các em thực hành Lời hứa và chính anh thực hành trước hết.

@
TÍN NGƯỠNG


Tín ngưỡng hay Niềm tin là một đặc ân do Tạo hóa ban cho con người, nó là sức mạnh giúp chúng ta sống trong mọi hoàn cảnh. Con người Hướng đạo cần đến Niềm tin để có thái độ sống thích hợp với Lý tưởng Hướng đạo, đánh mất niềm tin ấy con người chẳng còn gì đáng sống, chứ đừng nói đến lý tưởng. Bi Pi đã viết rằng: “Nếu anh muốn thành công thực sự, nghĩa là đạt được Hạnh phúc, thì trước hết anh đừng để cho bọn Vô thần lừa phỉnh, sau đó anh cần có một căn bản vững chắc về Tôn giáo để sống ở đời”.
Phong trào Hướng đạo không phải là một tôn giáo, mà cũng không thay thế hay đại diện cho một tôn giáo nào, phong trào khuyến khích mỗi cá nhân đào sâu, tìm hiểu tôn giáo của mình và biết tôn trọng tín ngưỡng của kẻ khác. Hướng đạo không chú trọng về vấn đề phổ biến hay quảng bá tôn giáo, nhưng luôn luôn nhắc nhở và tạo cơ hội cho mỗi Hướng đạo sinh thực hành bổn phận đối với tôn giáo của mình. Hướng đạo là một phong trào giáo dục đặt trên nền tảng tôn giáo, do đó, các hoạt động Hướng đạo nhằm vào việc làm nảy nở và phát triển ý thức về tôn giáo trong mỗi cá nhân.
Về điểm này, Bi Pi đã định nghĩa một cách giản lược về tôn giáo như sau:
1. Hiểu biết Thượng đế là ai và như thế nào.
2. Sử dụng một cách xứng đáng đời sống mà Thượng đế đã ban cho và làm điều người mong đợi.
Để làm được điều trên đây:
1. Đọc Kinh thánh, quyển sách ấy ngoài tính cách thiêng liêng, nó còn là một tuyệt tác về lịch sử, cũng như về luân lý.
2. Đọc quyển sách Thiên nhiên, xem và tìm hiểu kỳ quan cùng vẻ đẹp của nó. Hiểu biết thiên nhiên đưa đến hiểu biết sự hiện diện của Thượng đế.
Sau đây là thái độ của phong trào Hướng đạo đối với tôn giáo. Thái độ này đã được các thủ lãnh nhiều giáo phái hiện diện trong phong trào chấp nhận:
- Chúng tôi ước mong rằng mỗi Hướng đạo sinh đều theo một tôn giáo và làm trọn bổn phận đối với tôn giáo mình.
- Đoàn nào có các đoàn sinh theo cùng một tôn giáo, chúng tôi ước mong đoàn trưởng mời vị Tuyên úy cho đoàn và có chương trình để các em thực hiện việc học giáo lý và thi hành bổn phận đối với tôn giáo.
- Đoàn nào có các đoàn sinh theo nhiều tôn giáo khác nhau, hãy khuyến khích các em tham dự lễ nghi tôn giáo và tạo điều kiện cho các em học hỏi thêm về tôn giáo của chúng.
***
Ghi chú: về hai chữ Kinh Thánh
Cho đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng: Kinh Thánh là sách tôn giáo, chỉ dùng cho các tín đồ Ki tô giáo mà thôi. Đây là một sự hiểu lầm đáng tiếc cho những người muốn tìm hiểu văn hóa nhân loại nói chung và văn hóa phương Tây nói riêng.
Sự hiểu lầm này bắt nguồn từ cái tên “Kinh Thánh” đem lại ấn tượng “thần thánh”. Đây là cái tên không chính xác, như chữ Scout khởi đầu chúng ta dịch là “Đồng tử quân” thay vì Hướng đạo.
Chữ Biblia, tiếng Hy lạp có nghĩa là “sách”. Scriptura, tiếng La tinh có nghĩa là “trước tác”, “bản thảo”. The Bible, tiếng Anh nghĩa là “sách kinh điển”. Không hề mang ý nghĩa thần thánh hay thần linh.
Tên sai là do ta dùng từ theo Trung quốc. Khi dịch Cựu ước toàn thư họ gán cho cái tên “Thần thánh điển phạm” (Mẫu mực thiêng liêng) và Tân ước toàn thư là “Thiên kinh địa nghĩa” (Đạo nghĩa muôn thủa); về sau, khi in gộp Cựu ước và Tân ước thành một bộ sách, người Trung quốc ghép hai chữ thứ hai lại thành “Thánh Kinh”.
Kinh Thánh gồm 73 cuốn, do hơn 40 tác giả viết trong suốt 1.600 năm, chia ra hai phần: Cựu ước (Old Testament) và Tân ước (New Testament) là một bộ sách tổng hợp, một bách khoa toàn thư rất hữu ích trong việc nghiên cứu nhân loại cổ đại về các mặt lịch sử, chính trị, quân sự, pháp luật, luân lý, đạo đức, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, y học, văn hoá….
Tân ước là bản Giao ước mới của các tín đồ Ki tô giáo với Thượng Đế, ra đời một thế kỷ sau khi xuất hiện Ki tô giáo, tức hai thế kỷ sau Cựu ước, và mới hoàn tất vào khoảng năm 382 sau công nguyên. Tân ước mang màu sắc tôn giáo, gồm 27 cuốn, chia ra 3 phần: Phúc âm (5 cuốn); Giáo lý (21 cuốn); và Khải huyền (1 cuốn). Số trang của Tân ước chỉ bằng 1/3 của Cựu ước.
Cựu ước gồm 46 cuốn chia ra 4 phần: Luật pháp (5 cuốn); Lịch sử (16 cuốn); Ngôn sứ (18 cuốn); Văn thơ (7 cuốn) đã lưu truyền hàng nghìn năm, được dịch ra 1.800 ngôn ngữ, và có ảnh hưởng tới hàng tỉ người kể cả người không theo tôn giáo nào. Ngoài ra, nó còn là nguồn cảm hứng và trích dẫn của nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, lịch sử, triết học v.v… trên toàn thế giới.
Cựu ước rất ít màu sắc tôn giáo, nó chứa đựng vũ trụ quan, nhân sinh quan cổ xưa nhất của nhân loại, là tài liệu vô cùng quý giá rất đáng nghiên cứu. Có lẽ vì thế BiPi mới khuyên chúng ta nên đọc Kinh Thánh, vì “quyển sách ấy ngoài tính cách thiêng liêng, nó còn là một tuyệt tác về lịch sử, cũng như về luân lý”.

@
TỔ QUỐC


Ngoài việc tôn sùng Thượng đế và kính trọng tha nhân, trung thành với Tổ quốc là mục tiêu quan trọng của Hướng đạo. Về điểm này, tôi nghĩ rằng cần phải trình bày với anh một khía cạnh mới của vấn đề:
Trước hết chúng ta phải phân biệt thế nào là Tổ quốc, thế nào là Quốc gia, để cho việc thực hành Lời hứa Trung thành với Tổ quốc được thể hiện một cách đúng đắn.
Quốc gia theo Công pháp quốc tế gồm ba yếu tố:
- Lãnh thổ là phần đất đai phải có.

- Công dân là những người sống trên phần đất ấy.

- Chính quyền là những người cai trị dân.
Tổ quốc bao gồm những yếu tố tinh thần mà chúng ta thừa hưởng của tiền nhân:
- Văn hóa, phong tục, tập quán.

- Tiếng nói, màu da, tính chất đặc thù của dân tộc.

- Lịch sử và quá trình phát triển.
Như vậy, Quốc gia là một thực thể vật chất, người ta có thể thay đổi nhiều quốc tịch khác nhau. Nhưng Tổ quốc thì chỉ có một, không bao giờ thay đổi. Lời hứa thứ nhất của Hướng đạo là: “Trung thành với Tín ngưỡng và Tổ quốc”.

@
HIỂU BIẾT VIỆT NAM

 

Để thực hiện được lời hứa trung thành với Tổ quốc, các em của anh cần có một số hiểu biết về Việt nam. Hướng đạo là một phong trào giáo dục “bổ túc” cho giáo dục Gia đình và Học đường, vậy nhất thiết chương trình sinh hoạt của anh phải có phần này, lý do dể hiểu là phần này chỉ được giảng dậy như một “môn phụ” ở học đường, trong khi Hướng đạo là phong trào đào tạo công dân thì đó lại là “môn chính” then chốt và không thể thiếu.



 

Anh phải luôn luôn nhớ rằng: “Trước khi là một Hướng đạo sinh, các em đã là một Người Việt nam”, vậy muốn các em phát triển tình yêu quê hương và nảy nở lòng trung thành với Tổ quốc, anh phải tạo điều kiện để các em tìm hiểu về Truyền thống, Phong tục, Tập quán, Đất nước và Con người Việt nam, qua những câu Ca dao, Tục ngữ, Cổ tích và Ngụ ngôn …

 

Ca dao, Tục ngữ, Cổ tích và Ngụ ngôn là kho tàng quý giá của một dân tộc, nó phản ánh trung thực đời sống xã hội và hình ảnh con người của mỗi thời đại, nó tiêu biểu cho tính chất đặc thù dân tộc, chứa đựng một quan niệm, một triết lý, một lối sống riêng. Không những có tác dụng cho các em hiểu biết về Dân tộc mà còn là những bài học về luân lý đạo đức.



 

Khi anh kể câu chuyện để gợi ý cho các em tìm hiểu về Tổ quốc, anh nên đưa ra những hình ảnh cụ thể, và nếu cần,  anh hãy để cho các em tự kể cho nhau nghe, bởi vì “Trăm lần nghe không bằng một lần thấy - Trăm lần thấy không bằng một lần làm”. Tôi nhớ mãi câu chuyện “Ba điều ước” bởi lúc còn là Sói con, chị Bầy trưởng khi kể câu chuyện này đã lấy cái khăn cuộn lại làm khúc dồi buộc vào mũi. Tôi cũng không bao giờ quên được tấm gương anh dũng của Trần Bình Trọng, vì lúc nhỏ đội tôi đã đóng kịch này trong một đêm lửa trại.

 

Khi anh hướng dẫn cho các em tìm hiểu về Việt nam cũng vậy, anh sẽ vất vả nếu buộc các em học thuộc lòng một bài địa lý do anh soạn ra, và dù các em có chịu khó học thuộc như anh muốn, chúng cũng sẽ quên như chúng ta đã từng quên bao nhiêu bài học ở trường.



 

Tôi xin đưa ra một thí dụ nhỏ, “Nước Việt nam hình cong chữ S, ở giữa hẹp, hai đầu phình ra. Bắc giáp Trung hoa, Tây giáp Cao mên, Đông và Nam giáp biển Thái bình”. Nếu anh dạy các em như vậy thì chúng cũng khó hình dung ra nước Việt nam như thế nào, và rồi bài học của anh sẽ bị quên lãng. Nhưng nếu anh cho các em vẽ bản đồ Việt nam và tự điền tên các nước láng giềng, thì tôi tin chắc là các em sẽ nhớ mãi.

 

Tôi ghi lại đây bài Địa lý mà tôi đã được học ở Bầy để gợi ý. Dĩ nhiên anh sẽ có nhiều sáng kiến hay hơn, đơn giản và dễ nhớ hơn: “Kẻ 12 ô dọc và 5 ô ngang. Đánh dấu những điểm chính, rồi để các em tự kẻ nối các điểm lại…”  (anh hãy thử vẽ bản đồ theo gợi ý trên đây, trước khi hướng dẫn cho các em - đó cũng là cách thực hành rất Hướng đạo).



           

Anh phải tạo cho các em một tinh thần tự tin và hãnh diện là người Việt nam, có như thế các em mới hứng khởi và chăm chỉ học hỏi về phong tục, tập quán, đất nước và con người. Đây là điểm then chốt, vì không có tinh thần Việt nam thì khó lòng mà các em có thể lãnh hội được, chứ đừng nói đến những cố gắng.

@
HỌC VIỆT SỬ

 

Ngoài phần hiểu biết Việt nam, Việt sử là phần quan trọng giúp cho các em hiểu biết được nguồn gốc của Dân tộc, tự hào với Tổ tiên và noi gương các vị Anh hùng. Từ đó các em sẽ tự hướng về Tổ quốc và nảy nở tinh thần trách nhiệm đối với Dân tộc. Khi trưởng thành các em sẽ tự ý thức và đứng lên lãnh nhận bổn phận của mình. Phần này, tôi xin ghi lại ý kiến của Trưởng Nghiêm văn Thạch nói về phương pháp học sử của Hướng đạo:

 

“Lịch sử không phải là những con số niên hiệu cứng ngắc và khô khan. Lịch sử chính là cuộc sống của Tổ tiên, từ ngày khai sáng cho đến khi có tiếng nói, phong tục, tập quán đã khiến cho Việt nam trở nên một Quốc gia riêng, và người Việt thành một dân tộc có bản sắc riêng. Cho dù các em có mang Quốc tịch nào đi nữa thì đó cũng chỉ là một điều kiện pháp lý, hành chánh, không xóa nổi được các đặc tính di truyền hay những cảm nghĩ  và phản ứng xuất phát từ một cội nguồn văn hóa sống động và lâu dài”.



 

Chúng ta học Việt sử, để ý thức mối liên hệ với đất nước và dân tộc, để loại bỏ được những mặc cảm tự ti hay tự tôn, các quan niệm hay thành kiến hẹp hòi về quốc gia hay về chủng tộc. Chúng ta học Sử để tự tìm hiểu về những thói hư tật xấu và nét hay tính tốt, nguyên nhân những cuộc thành bại, chính là tài sản của ông cha lưu truyền lại. Đến lượt chúng ta biết dùng tài sản đó, khai thác cái hay, loại trừ cái dở, thì mới có hy vọng bảo tồn được một nước Việt nam tự chủ và tự lập, với những người dân xứng đáng góp phần vào các nỗ lực chung của nhân loại.

 

Do đó, chương trình Đẳng thứ của Hướng đạo nhấn mạnh đến sự hiểu biết Việt nam: từ tiếng nói, chữ viết, đến nền tảng văn hóa và Sử Việt chính là chuỗi dây liên kết.



 

Học thuộc lòng không phải là lối học Sử của Hướng đạo. Các em Sói sẽ thích các tiểu sử Anh hùng và Anh thư, các chuyện dã sử, cổ tích hay thần thoại. Các em Thiếu và Thanh có thể sưu tầm sách báo, tài liệu, hình ảnh… Đoạn Sử đang đề cập tới có thể dùng làm đề tài săn lớn, chơi lớn, văn nghệ trình diễn hay tại lửa trại. Trong chương trình đẳng thứ, có mục giới thiệu lịch sử Việt nam: Dịp tốt để trình bày và bình luận các hình ảnh, tài liệu theo một đề tài lựa chọn một cách mạch lạc.


Tráng sinh đọc Sử theo một tầm hiểu biết cao hơn: khảo cứu, so sánh và phân tích các Sử liệu, tìm hiểu mức độ chính xác, nghiên cứu lối ghi chép và lời bàn của Sử gia, để lâm thời đi tới nhận xét riêng hay lời giải thích khác biệt.
Các Trưởng Hướng đạo sẽ không hướng dẫn học sử theo một chiều hướng ấn định để chúng ta trở nên người “quốc gia” hay “quốc tế”. Khi trưởng thành, qua sự tìm hiểu riêng, các em sẽ tự định đoạt các mối liên hệ với Dân tộc, từ sinh hoạt cộng đồng, đến hình thức phục vụ ngoài các tình cảm gia đình và bạn bè.

 

Cần học Sử với một tinh thần cởi mở và vô tư. Ít nhất cũng nên cố tránh nhiệt cảm khiến chúng ta dễ lệch lạc trong các vấn đề cận kim và thời sự mà chúng ta đã là vai trò hay nạn nhân. Lịch sử tức là cuộc sống, rất phức tạp, nhiều nguyên nhân, nhiều trào lưu lôi cuốn tới các chiều hướng khác nhau. Nếu chúng ta không phải sử gia, nhà xã hội học, thì phải biết tự hạn chế và khiêm tốn về những lời phê phán ngợi khen hay trách móc.



 

Điều chót, nhớ là chúng ta không học Sử để bắt buộc trở thành những anh hùng cứu quốc hay tuẫn quốc. Vỗ ngực tự xưng là con cháu Hai bà, của Lê Lợi, Trần Quốc Tuấn… không khiến ai tin phục, nếu khả năng và hành động của chúng ta không xứng đáng.

 

Có những nhân vật sáng chói, tiêu biểu cho một biến đổi, một thời đại. Nhưng Sử thường là nỗ lực của một đám đông vô danh. Nếu chúng ta cố gắng đến mức tối đa, như lời đã hứa, thì biết đâu phần góp không làm xoay chuyển thời cuộc, ít nhất cũng không uổng công học Sử.


***

Làm dân dốt Sử nước nhà

Làm con lạ mặt ông bà khác chi

(Tr. Nguyễn Đức Lập)

@
NGHI THỨC VÀ TẬP TỤC
Như bất cứ một tổ chức nào, Hướng đạo cũng có những Nghi thức và Tập tục dành cho các đơn vị, đoàn, đội và cá nhân. Những nghi thức này anh có thể tìm thấy trong các sách của phong trào, cũng như qua các khóa Huấn luyện. Ngoài những nghi thức và tập tục chung này, mỗi nước, mỗi đoàn, thậm chí mỗi đội lại có những nghi thức và tập tục riêng: chẳng hạn như huy hiệu, đồng phục, cách chào, tập họp, tuyên hứa...
Những nghi thức và tập tục riêng không có nghĩa là các nước, các đơn vị tìm cách làm khác biệt những tập tục chung, mà luôn cố gắng để các tập tục chung được tôn trọng. Những nghi thức và tập tục riêng chỉ là những thêm bớt cho phù hợp với hoàn cảnh đơn vị, để công tác giáo dục Hướng đạo đạt được nhiếu kết quả trong một mục đích chung.
Chúng ta phải xem xét những tập tục nào tốt đẹp, phù hợp với tâm lý dân tộc và đoàn sinh, có tác dụng giáo dục và còn có thể sử dụng được, thì cố gắng duy trì trên căn bản tôn trọng những tập tục chung của phong trào. Do đó, tôi ghi lại dưới đây những tập tục chính, tốt đẹp và cần thiết, để đề nghị anh tiếp tục sử dụng.

@
Hội Đồng Rừng


Hầu hết các Trưởng Hướng đạo Việt nam đều có một Tên Rừng, có thể anh không thấy các Trưởng Hướng đạo tại một số nước sử dụng tên rừng này, vì đây là một tập tục chỉ có ở một số quốc gia hội viên, nó là một tập tục tốt đẹp, có tính chất giáo dục đối với những người đã trưởng thành, nếu biết sử dụng đúng cách và đúng mục tiêu.
Hội đồng Rừng bắt nguồn từ ý niệm: Hướng đạo không chỉ là Phong trào giáo dục cho trẻ em, mà còn cho cả người lớn nữa. Do đó, Hội đồng này được tổ chức phỏng theo tục lệ của các Bộ lạc và Giáo phái thời xưa tại Ấn độ và Phi châu... khi thừa nhận sự trưởng thành hay tư cách thành viên thực thụ của Bộ lạc hay Giáo phái. Các Trưởng HĐVN, hoặc những người đã trưởng thành trong Hướng đạo, thường được mời tham dự “trò chơi” mang ý nghĩa giáo dục này.
Chi tiết cuộc chơi không được phổ biến, vì tất cả những ai tham dự Lễ Nhập Rừng đều cam kết giữ bí mật của Rừng, tôi ghi lại ở đây để nhắc nhở anh duy trì tập tục tốt đẹp này, và chỉ góp ý vào những phần có thể nói ra, đồng thời cũng nhấn mạnh đến một số nguyên tắc căn bản để anh áp dụng cho đúng:
Hội đồng Rừng: Hội đồng này chỉ được triệu tập khi có ít nhất 3 thú đã nhập rừng, và tại một nơi không ai biết, trong một dịp thuận tiện lúc nửa đêm.
Chúa Sơn lâm: Là thú có thâm niên nhất trong các thú tham dự Hội đồng, nghĩa là đã tham dự Lễ nhập rừng lâu nhất.
Thú Dẫn đường: Là thú có nhiều kinh nghiệm, định đoạt những thử thách và nhất là am hiểu tính tình, gia cảnh, sở trường, sở đoản của thú mới muốn nhập rừng.
Đặt tên Rừng: Sau khi đã trải qua những thử thách quy định, Hội đồng Rừng sẽ lựa chọn và quyết định một tên phù hợp, để đặt cho thú mới.
Mật nghị: Buổi lễ chấm dứt sau khi các thú đặt tay trên lửa, hứa trước mặt Chúa Sơn Lâm sẽ giữ tất cả những bí mật của Rừng.
Cuộc chơi nào cũng phải có luật lệ, luật lệ càng phức tạp, nghiêm túc thì cuộc chơi càng giá trị và lý thú. Nhiều thú đã nhập rừng nhưng không bao giờ sử dụng tên rừng, do không thích tham dự cuộc chơi hoặc do yếu tố bí mật bị phá vỡ. Việc đào bới, truy tìm với bất cứ lý do gì, theo tôi, cũng vi phạm nguyên tắc mật nghị.

@
HƯỚNG ĐẠO PHI CHÍNH TRỊ VÀ ĐỘC LẬP 


    Hướng đạo (1) đóng góp vào nền giáo dục giới trẻ (2) qua một hệ thống tự giáo dục tuần tự (3) căn cứ trên một hệ thống giá trị (4) là một phong trào (5) cho người trẻ (6) mở rộng cho tất cả (7) không chính trị (8) độc lập …

 

    Theo định nghĩa trên, thì Phong trào Hướng đạo có tám (8) đặc điểm. Dưới đây là hai đặc điểm quan trọng nhất: Không chính trị (7) và Độc lập (8). Bản dịch do Trưởng Nghiêm Văn Thạch (Voi già) căn cứ trên tài liệu The Essential Characteristics of Scouting của Hướng đạo Thế giới (WOSM).



 

Không Chính Trị (7)

 

     Là một phong trào giáo dục, Hướng đạo không chính trị trong ý nghĩa không tham gia vào cuộc đấu tranh dành chính quyền là mục tiêu của chính trị.



 

    Trong khi đề cập tính không chính trị của Hướng Đạo, phải phân biệt giữa:

* Phong trào và hệ thống tổ chức, như là một lực lượng xã hội và

* Những cá nhân là thành viên của phong trào.

       

    Trong tư cách một lực lượng xã hội, Phong Trào và Tổ chức Hướng đạo không thể đồng hóa với một chính đảng, thường là phản ánh của chính trị trong xã hội dân chủ.



 

    Cả tổ chức Hướng đạo, trong các lời tuyên bố hay các ấn phẩm… cũng như một cá nhân nào giới thiệu mình là đại diện Hướng đạo, không thể được nhận diện như thuộc một chính đảng hoặc một nhóm chính trị có cấu trúc minh bạch trong nền dân chủ, vì điều này vi phạm tính độc lập của Phong trào.

     

    Hướng đạo phải giữ tính độc lập và không chính trị vì một lý do đơn giản. Baden Powell đã viết: Sẽ rất nguy hiểm khi người ta quen thói để người khác suy nghĩ thay mình mà không sử dụng khả năng suy xét với lương tâm của chính mình”.  Bi Pi, do đó kết luận rằng: “Khả năng suy xét cá nhân là điều chủ yếu”.



 

   Đó là nguyên nhân vì sao Hướng đạo là phong trào giáo dục có mục tiêu giúp đỡ người trẻ tự phát triển khả năng và óc tự chủ tiềm tàng trong mỗi em. Cách tiếp cận này đòi hỏi tư thế hoàn toàn vô tư suốt quá trình giáo dục, cưỡng chế duy nhất là những nguyên lý tức là những giá trị nền tảng Hướng đạo. Nếu Hướng đạo có thể nhận diện là thành phần của một đảng chính trị nào, điều này chắc chắn phương hại đến tính khách quan và vô tư cần thiết cho phương thức tiếp cận giáo dục lấy con người làm trung tâm.

 

    Đương nhiên điều này không có nghĩa là Hướng đạo hoàn toàn cách ly với những hiện thực chính trị - xã hội.  Chính Phong trào Hướng đạo là một thực thể xã hội, và mục đích của Phong trào là giúp người trẻ phát triển trở  thành những phần tử có tinh thần trách nhiệm, những thành viên toàn phần của xã hội. Giáo dục công dân không thể thể hiện trong thinh không; và Phong trào phải có năng lực bảo vệ những giá trị mình chủ trương, cùng tạo ra những điều kiện tốt đẹp nhất để áp dụng loại phương án giáo dục đã cổ xúy. Do đó, không có gì cấm Phong trào Hướng đạo chọn lựa một chủ trương trong một số vấn đề - tỉ dụ,  Thiếu Nhi quyền - miễn là sự chọn lựa chủ trương ấy liên hệ rõ ràng đến sứ mệnh giáo dục, nằm trong khuôn khổ Điều lệ và qui tắc của tổ chức; nếu sự lựa chọn được trình bày như trên mà không phải là một thành tố của cuộc tranh chấp vì quyền bính hay chính trị phe đảng - Phong trào Hướng đạo phải tự đặt ở ngoài vòng tranh chấp chính trị.



 

    Về phần cá nhân, thành viên của Phong trào, tình trạng có phần khác biệt. Vị sáng lập Phong trào không bao giờ làm nản lòng những thành viên của Phong trào muốn tham gia một đảng phái, với điều kiện hành động có tính cách cá nhân và không nhân danh đại diện Phong trào.

 

    Bởi thế, ngoài sự chu toàn bổn phận công dân, không gì cấm cản một thành viên của Phong trào cũng là một thành viên tích cực của một chính đảng; miễn là hành động với tư cách cá nhân chứ không phải với tư cách đại diện Hướng đạo.



  

    Dù sao, sự gia nhập một chính đảng không thể nào vô điều kiện. Lý do là Phong trào Hướng đạo đặt nền tảng trên một số giá trị hay nguyên lý sẽ điều kiện hóa sự chọn lựa chính trị của thành viên; họ không thể có những hệ thống giá trị xung đột với nhau, một cho đời sống Hướng đạo, và một cho đời sống ngoài Phong trào. Tỉ dụ, nếu ta chấp nhận sự hiện hữu của một lực tâm linh vượt khỏi nhân loại, hay là nhìn nhận và tôn trọng người khác, và tính bình đẳng của tất cả không phân biệt gốc tích, chủng tộc hay tín ngưỡng; hoặc một lần nữa nếu ta coi là quan trọng sự vẹn toàn của thế giới thiên nhiên; thì sẽ không thể gia nhập, dù với tư cách cá nhân, một số chính đảng trên bảng màu sắc chính trị.

 

    Nam hay nữ Hướng đạo chọn lựa với tư cách cá nhân gia nhập một chính đảng sẽ có thể dấn thân nếu các giá trị nền tảng của chính đảng đó phù hợp với các giá trị nền tảng mình bảo lưu với tư cách Hướng đạo. Nếu có sự nghi hoặc, nên tham khảo với những HĐS khác để xem xét ngõ hầu khẳng định được không có các giá  trị  xung đột. Khi gia nhập một chính đảng với tư cách cá nhân, người Hướng đạo không thể sử dụng Phong trào như một cơ sở để cổ võ cho chính đảng của mình.



 

    Nên ghi chú rằng những nhận định ở trên áp dụng cho những xã hội dân chủ, là khung thích hợp để chơi Hướng đạo và trong đó Phong trào Hướng đạo cũng như mỗi thành viên xã hội có tự do chọn lựa. Trong xã hội không dân chủ, mỗi cá nhân cũng như Phong trào Hướng đạo có nhu cầu sống với hiện thực chính trị, nhưng phải cố gắng hết sức để duy trì ở mức tối đa tính độc lập của Phong trào.

 

Độc Lập (8)

 

    Ở các cấp - địa phương, quốc gia và quốc tế - Phong trào Hướng đạo có một bản sắc đặc thù nảy sinh từ mục đích, những nguyên lý và phương pháp Hướng đạo:


- Đó là một phong trào hiện hữu để cống hiến phần góp giáo dục đặc thù cho giới trẻ….

- Căn cứ trên những nguyên lý Hướng đạo nền tảng…

- Được ấn định trong một khuôn khổ quốc tế….

- Những nguyên lý này bảo đảm tính đồng nhất của Phong trào.

 

    Để Phong trào Hướng đạo đạt tới mục đích giáo dục, bản sắc đặc thù ấy phải được gìn giữ. Mọi mất mát hay suy giảm bản sắc - tỉ dụ khi có liên hệ quá khắng khít hay chịu ảnh hưởng quá lớn của một tổ chức hay một chức quyền - sẽ không tránh khỏi có hậu quả tiêu cực đối với Phong trào.



 

    Bởi vậy Phong trào phải giữ tính độc lập và phải có một cơ cấu quyết định tự chủ của mình ở mỗi cấp bộ.

 

    Điều này không có nghĩa là Phong trào Hướng đạo phải hoạt động cách ly và phải bác bỏ mọi hợp tác với tổ chức hay chức quyền khác. Thực thế, Hướng đạo không bao giờ trở thành Phong trào Thế giới như hiện nay nếu suốt chiều dài lịch sử không được công chúng và nhiều định chế chấp nhận và hỗ trợ. Điều muốn chỉ rõ là Phong trào Hướng đạo không thể đề nghị hay chấp nhận sự ủng hộ, hoặc mọi hình thức hợp tác với tổ chức hay chức quyền khác, ngoại trừ có minh chứng là hành động đó khiến Phong trào tiến xa hơn trên lộ trình để đạt tới mục tiêu giáo dục.



 

    Ở mọi cấp của Phong trào phải có sự cảnh giác cao độ trong lãnh vực liên hệ với bên ngoài - các định chế đỡ đầu, những hợp tác viên, tổ chức cùng loại, chính quyền hay mọi đối tác khác - để cho bản sắc đặc thù và tính độc lập của Phong trào không bị hệ lụy bởi những sự liên hệ như vậy.


*** 
Tỉ dụ:
 ·  Hợp tác với những tổ chức giáo dục trẻ khác không được đưa tới sự mất mát hoặc tổn thất về tính độc lập và vai trò đặc biệt của Hướng đạo trong sự cung cấp giáo dục cho giới trẻ.
 ·  Chấp nhận sự đỡ đầu bởi một tổ chức tôn giáo hay cộng đồng không thể có kết quả là tổ chức Hướng đạo bị tổ chức đó kiềm chế, hoặc bị coi như thành phần lệ thuộc.
 ·   Liên hệ với nhà chức trách địa phương hay trung ương không thể đưa tới tình trạng xét lại tính tự nguyện, vai trò giáo dục không chính thức trong xã hội của Phong trào.
 ·   Sự ủng hộ một cơ quan phát triển không thể khiến cho Phong trào bị lầm tưởng là một cơ quan phát triển, thay vì là một phong trào có phần đóng góp đặc biệt về giáo dục trẻ.

 

Lẽ đương nhiên, có ý tưởng - chỉ là tự nhiên - muốn tham khảo và hợp tác với những tổ chức khác phục vụ nhu cầu của giới trẻ. Có những lợi ích khi xây dựng hay duy trì liên lạc định chế chặt chẽ với chức quyền có trách nhiệm về giới trẻ hay về giáo dục.


Cũng không tránh khỏi có sự tìm kiếm thường xuyên những cơ hội để làm nổi hơn “hình tượng” của Phong trào Hướng đạo trong cộng đồng, hoặc sự tìm kiếm những nguồn tài trợ và nhân lực mới. Tuy nhiên, phải có sự thận trọng ở tất cả mọi cấp bộ Hướng đạo để cho trong những tình trạng như thế, Phong trào không bị mất tính độc lập và bản sắc đặc thù.

 

Điều quan trọng khi cần bảo vệ Phong trào bị thế lực bên ngoài đe dọa, phải ghi nhớ là bản chất và bản sắc đặc thù của Phong trào đã được ấn định trong khung quốc tế và được tất cả những hiệp hội Hướng đạo tán đồng. Tỉ dụ, sự thách đố những nguyên lý nền tảng của Phong trào trong một nước nào đó có thể được chống đỡ trên căn bản là thành viên của Phong trào Thế giới.



@
Anh Đoàn trưởng thân mến,
Trên đây tôi đã trình bày với anh tất cả những gì mà tôi cho là cần thiết, dĩ nhiền còn nhiều điều khác nữa, anh sẽ bổ túc hoặc sửa đổi cho phù hợp với hòan cảnh địa phương. Tôi xin nhắc lại, Lá thư này chỉ là những gợi ý theo cách nhìn của tôi, mong rằng sẽ giúp ích cho công cuộc giáo dục các em mà anh đang hoặc sẽ đảm trách, đạt được nhiều kết quả.
Để kết thúc lá thư này, tôi xin trích một đoạn trong bản Di chúc của Bi Pi, người anh cả của chúng ta:
“Hãy mãn nguyện với nhưng gì anh có và làm cho nó tốt đẹp thêm lên.
“Hãy nhìn vào khía cạnh tươi sáng, tốt đẹp của sự vật, thay vì nhìn vào mặt trái tối tăm.
“Phương thế đích thực để tạo hạnh phúc, là anh hãy chia xẻ nó cho nhiều người khác.
“Hãy cố gắng lưu lại thế giới này một chút gì tốt đẹp hơn ngày anh vào đời, để khi xuôi tay nhắm mắt, anh có thể chết hạnh phúc trong một cảm giác rằng: ở bất cứ một sự đánh giá nào, anh đã không lãng phí thời giờ, nhưng biết sử dụng nó một cách có ích”.
Thân ái BTT anh,

@
PHỤ LỤC


Câu chuyện bên đống lửa tàn
Thương hiệu
Thân gởi qúy Trưởng và ace HĐS

 

Bên Mỹ có một làng trồng nho truyền thống từ lâu đời, mỗi dòng họ hay mỗi gia đình đều có những bí quyết làm rượu nho khác nhau, và đều cho ra những loại rượu ngon nhất.



 

Đã lâu, người ta không còn nhớ từ khi nào, Hội đồng làng quyết định cho ra một thương hiệu chung, bằng cách xây dựng 10 kho bồn chứa rượu, hàng năm mỗi gia đình tự sản xuất rượu của mình và đem đổ chung vào một kho bồn. Chờ mười năm sau, bồn rượu mới được khui ra trong một ngày hội làng, toàn dân làng vui chơi ca hát trong Lễ hội Thử rượu và đóng nhãn rượu nho của làng.

 

Được pha trộn từ những loại rượu ngon nhất, nên thương hiệu Rượu nho của làng mau chóng trở thành nổi tiếng và dẫn đầu thế giới. Hàng năm, các hãng rượu lớn đều cử đại diện đến dự Lễ hội thử rượu của làng và tham gia “đấu giá” cố dành khối lượng càng lớn càng tốt cho hãng mình.



 

Vào một năm cả làng mất mùa nho, giá rượu tăng… Có một gia đình sinh lòng tham, giữ lại số rượu của mình đế bán giá cao, thay vào đó đem đổ “nước lã” vào kho bồn chứa rượu của làng. Gia đình đó nghĩ rằng: với hàng triệu lít rượu của làng, chỉ có vài trăm lít nước của mình sẽ không ảnh hưởng đến phẩm chất của rượu, nhất là nó được ủ giữ thêm 10 năm.

 

Các năm kế tiếp, rượu nho của làng không có vấn đề… nhưng sau 10 năm, bồn rượu của năm mất mùa được khui ra trong Lễ hội, trước sự chứng kiến của các hãng Truyền thông, các nhà sản xuất rượu lớn trên thế giới và toàn thể dân làng. Nhưng thay vì những ly rượu thơm nồng óng ánh sắc hồng, thì lại toàn là nước lạnh không hương sắc, không mùi vị…



 

Thì ra, không riêng gì gia đình kia đem nộp nước thay rượu, mà tất cả các gia đình khác trong làng cũng nghĩ như gia đình kia và cũng thay rượu bằng nước.

 

Toàn thể dân làng xấu hổ trước sự thất vọng và giận dữ của các đại biểu, quan khách và các cơ quan truyền thông. Từ đó, rượu nho của làng không còn là thương hiệu nổi tiếng, mà trở thành danh hiệu của gian dối và tủi nhục. Ngay cả những loại rượu của các gia đình trong làng sản xuất cũng không một ai chịu phân phối.



 

Ngôi làng ấy nay đã đổi tên, bỏ nghề trồng nho ủ rượu truyền thống do cha ông để lại từ hơn trăm năm. Nhiều người đã bỏ làng đi nơi khác, không muốn nhắc đến tên làng và không bao giờ trở về làng xưa.

 

Thưa các Trưởng và ace HĐS



 

Tất cả các Trưởng và các đơn vị mà tôi có dịp gặp gỡ tiếp xúc trong những năm qua, đã cho tôi một ấn tượng tốt, tuy có khác biệt nhưng đều nhắm tới một đích chung: Hướng đạo cho Trẻ em.

 

Nhưng để tạo lên một “Thương hiệu” chung, chúng ta cần góp phần tốt nhất của mình bằng tinh thần Hướng đạo với tất cả chân tình, trái tim, khối óc và bàn tay… chứ không bằng nước lã.



 

Nếu chúng ta không tạo nên được một thương hiệu lớn, thì tất cả những thương hiệu nhỏ sẽ mai một và tàn lụi trước sự “cạnh tranh khốc liệt” của các thương hiệu khác (cả tốt lẫn xấu).

 

Là HĐ chúng ta có thể chơi Sai chứ không chơi Xấu: Sai có thể Sửa, chứ Xấu thì chỉ có thể Xoá bỏ. Điều này có “hiệu lực” cho tất cả những ai tự nhận là HĐ (kể cả các vị tiền bối).

 

Tôi tin rằng: Với thiện chí, chúng ta có thể đá văng chữ “bất” trong chữ “bất khả”, như lời Bi Pi đã nói.


TABTTA

Cáo lãng tử

@

Tác giả

Tr. Bùi năng Phán

Các khóa Huấn luyện đã tham dự:
Phù Đổng 23 Bình Định (1968)

Dự bị Thiếu Hồi Nguyên (1970)

Bằng Rừng Tùng Nguyên 14 (1971)

Bằng Rừng Quảng Tế 1 (1974)

Bằng Rừng Gilwell Overasselt (1982)

Trưởng Huấn luyện Hòa Lan (1985)


Các Trách vụ đã đảm nhận:
Sói con Trần Lục (1959)

Thiếu phó Cánh Bằng (1967)

Thiếu trưởng Ngô Đình Bảo (1970)

Bầy trưởng Cờ Lau (1972)

Thư ký Đạo Khánh Hòa (1973)

Liên đoàn trưởng Giữ Vững (1974)

Chủ tịch Chi nhánh HĐVN Hòa Lan (1982)
***
THƯ GỞI ANH ĐOÀN TRƯỞNG

- Tác giả: Trưởng Bùi Nằng Phán (Cáo lãng tử)

- Ban Điều hành HĐVN/ Khối sinh hoạt/ Bộ phận truyền thông

- Ấn hành 1.000 bản (năm 2016)

- Lưu hành nội bộ

- Hỗ trợ in ấn: Trưởng Hồ Hoa Vàng – KonTum


***
Каталог: sites -> default -> files
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> Mẫu tkn1 CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc ĐĂng ký thất nghiệP
files -> BỘ TÀi chính —— Số: 25/2015/tt-btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc TỜ khai của ngưỜi hưỞng trợ CẤP
files -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO –––– Số: 40
files -> BỘ y tế CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
files -> Mẫu số 1: Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2003/tt-blđtbxh ngày 22 tháng 9 năm 2003 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Tên đơn vị Số V/v Đăng ký nội quy lao động CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỦa bộ XÂy dựng số 04/2008/QĐ-bxd ngàY 03 tháng 4 NĂM 2008 VỀ việc ban hành “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựNG”

tải về 234.17 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương