Giới thiệu Nguồn gốc Tarot



tải về 0.84 Mb.
trang2/2
Chuyển đổi dữ liệu29.04.2018
Kích0.84 Mb.
#37580
1   2

High Priestess

Bill Butler, trong cuốn The Definitive Tarot đã nêu ý kiến về các nguồn gốc huyền thoại-lịch sử của nguyên mẫu nữ này. Suốt thời Trung cổ tương truyền rằng chắc chắn có một người phụ nữ từng được bầu làm Giáo Hoàng. Sau nhiều năm cải trang làm nam giới, người được xem là “Giáo hoàng Joan” này đã vượt qua hệ thống cấp bậc Nhà thờ để lên đến vị trí cao nhất, và chỉ qua đời khi sinh một đứa trẻ trong lễ Phục Sinh.

Giáo Hoàng Joan gần như là một huyền thoại nhưng các nữ Giáo Hoàng Visconti thì là thật. Vào cuối thế kỷ mười ba một nhóm người Ý được gọi là Guglielmite tin rằng người sáng lập của họ, Guglielma của Bohemia, người đã chết năm 1281, sẽ sống lại vào năm 1300 và mở ra một kỷ nguyên mới với phái nữ làm giáo hoàng. Họ đi tiên phong bằng cách bầu một người phụ nữ tên Manfreda Visconti làm nữ giáo hoàng đầu tiên. Nhà thờ đã kiên quyết chấm dứt dị giáo này bằng cách hỏa thiêu Sơ Manfreda vào năm 1300, năm được cho là bắt đầu kỷ nguyên mới. Vài trăm năm sau cũng nhà Visconti ấy đã đặt làm bộ bài Tarot đầu tiên như ta biết. Trong những lá chính không số và không tên đó xuất hiện một bức vẽ một người phụ nữ mà những bộ bài sau đã đặt tên là “Nữ Giáo Hoàng”.

Cái tên giữ nguyên như vậy cho đến thế kỷ mười tám khi Bá tước Gebelin, người tin rằng Tarot bắt nguồn từ tôn giáo thờ thần Isis của Ai Cập cổ, đã đổi nó thành High Priestess (Nữ Tư Tế). Ngày nay cả hai cái tên đều tồn tại (cũng như “Isis Che Mạng”), và hình ảnh Waite của lá này bắt nguồn trực tiếp từ trang phục tượng trưng của nữ tư tế Isis, đặc biệt là chiếc vương miện đại diện cho ba giai đoạn của mặt trăng.

Huyền thoại Giáo Hoàng JoanManfreda Visconti không đơn giản là những chuyện lạ mang tính lịch sử. Chúng minh họa cho một sự phát triển xã hội lớn trong thời Trung cổ, sự tái khởi đầu cho phái nữ và các nguyên tắc nữ giới trong tôn giáo và vũ trụ học. Những hình ảnh và ý niệm đi kèm với vai trò của nam giới đã thống trị cả Nhà thờ lẫn Do Thái giáo hàng thế kỷ. Kết quả là người bình thường nhìn nhận tôn giáo của các linh mục và các giáo sĩ là những gì xa cách, khó khăn và không thể tiếp cận được, với sự nhấn mạnh của họ đối với tội lỗi, sự phán xét và trừng phạt. Người bình thường muốn các phẩm chất về lòng trắc ẩn và tình yêu. Và họ đồng nhất những phẩm chất này với phụ nữ. Như một người mẹ che chở con của bà khỏi những thứ như sự nghiêm khắc lãnh đạm của người cha, một thánh nữ giả sử sẽ xâm nhập để những kẻ tội lỗi đã cảm hóa có thể chống chọi được trước những phán xét không khoan nhượng từ Đức Cha.

Thật thú vị khi nhận ra rằng theo nhiều phương diện Nhà thờ đã xem Christ, Đức Chúa Con, chính xác với vai trò mang đến tình yêu và lòng từ bi này. Tuy nhiên, người ta đòi hỏi một người phụ nữ thực sự. Thậm chí quan niệm về Nhà thờ như một “Nhà thờ Mẫu” (Mother Church) cũng không đủ đáp ứng. Cuối cùng, Nhà thờ cũng đầu hàng bằng cách nâng Đức Mẹ Đồng Trinh Mary lên một cấp gần như là ngang với chính bản thân Christ.

Nhiều tác giả và học giả tin rằng sự nâng cấp của Mary – cũng như trang phục váy dài của các linh mục - bắt nguồn từ mong muốn đồng hóa tôn giáo thờ nữ thần đã bám rễ từ thời tiền Thiên chúa của Nhà thờ. Nếu thật như vậy thì điều này sẽ cho thấy chủ nghĩa bảo tồn văn hóa không quyền lực bằng nguyên mẫu nữ để có thể duy trì một sự vững vàng và một chiến thắng thiên vị trước những cấm đoán.

Trong Do Thái giáo, tôn giáo chính thống của các giáo sĩ xoay sở để chống lại bất kỳ một phong trào nữ quyền nào trỗi dậy. Nhu cầu của người dân, tuy nhiên, lại vững bền ở một lĩnh vực khác: truyền thống lâu dài của Qabalah. Những người theo Qabalah lấy một cụm từ từ bộ luật của người Do Thái (Talmud), “Shekinah”, có nghĩa là tuyên ngôn vinh quang của Chúa ở thế giới vật chất, và sửa nó thành bản ngã của Chúa, hay là phần nữ tính. Những người theo Qabalah cũng sửa quan niệm về Adam, biến anh ta thành nguyên gốc là người lưỡng tính. Sự phân tách Eve khỏi Adam, và cả sự phân tách Shekinah khỏi Chúa, trở thành nguyên nhân của Sa Ngã (Fall); việc thiếu vắng tính nữ trong các tôn giáo chính thống gần như trở thành vấn đề tội lỗi chứ không phải là trong trắng.

Xa hơn ta đã thấy phẩm chất người mẹ nhân từ của những hình tượng nữ giới thần thoại. Tuy nhiên, về mặt lịch sử, các nữ thần cũng luôn thể hiện mặt tăm tối, bị che giấu. Giới thiệu đến toàn bộ tính nữ là giới thiệu đến cả nguyên mẫu. Tarot chia nguyên mẫu nữ thành hai lá chính và thực sự là đã ấn định các phẩm chất nhân hậu cho lá thứ hai (tức lá chính số 3), lá Empress. Tự thân lá High Priestess đại diện cho một mặt sâu hơn, huyền ảo hơn của nữ giới, là mặt thuộc về bóng tối, mặt huyền bí và mặt bị ẩn giấu. Bởi vậy, nàng kết nối với mặt trinh trắng của Mary Đồng Trinh, mặt con gái trong trắng của Shekinah (người đồng thời được mô tả là mẹ, vợ và con gái).

Chúng ta nên nhận ra rằng sự ấn định phẩm chất này cho phụ nữ phần lớn là từ phái nam và các quan niệm nam giới. Những người theo Qabalah, những nhà huyền bí, và những nhà thiết kế Tarot, tất cả đều thương hại cho sự phân loại đàn ông và đàn bà và họ truyền dạy sự thống nhất như một thành tựu cuối cùng. Điều này thể hiện trong lá World Dancer của bài Tarot. Họ đã vượt trội hơn các tôn giáo có hệ thống vốn còn đang tranh cãi liệu rốt cuộc phụ nữ có linh hồn hay không. Tuy vậy, đàn ông vẫn thực hiện các phân loại. Đối với đàn ông, phụ nữ luôn luôn xuất hiện một cách bí ẩn, kỳ lạ và, khi an toàn trong vai trò người mẹ thì đầy tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Phụ nữ dường như rất lạ lùng đối với đàn ông, huyền ảo hơn trong suy nghĩ của họ và phi lý trí. Trong thời đại của chúng ta, các tiểu thuyết và phim ảnh nối tiếp nhau mô tả những người đàn ông đơn giản bị những người phụ nữ gian xảo thao túng.

Việc chu kỳ kinh nguyệt kéo dài theo kỳ trăng kết nối phụ nữ với vật thể màu bạc xa xôi ấy. Tự bản thân kinh nguyệt, tức sự chảy máu liên tục từ cơ quan sinh dục, không gây thiệt hại về mạng sống, đơn giản đã dọa đàn ông sợ khiếp hàng thế kỷ. Thậm chí ngày nay những người Do Thái mê tín còn tin rằng một giọt máu kinh có thể làm chết một cái cây. Xa hơn, sự bí ẩn đáng sợ của việc sinh nở đã nối phụ nữ với quan niệm về bóng tối. Bào thai lớn lên và linh hồn nhập vào nó trong bóng tối ấm áp ẩm ướt của tử cung. Tính mẫu nối phụ nữ với đất đai, và ở đó bóng tối cũng thống trị. Hạt giống nằm trong đất qua mùa đông tối tăm chết chóc, để vươn thành thực phẩm dưới những tia nắng ấm áp đầy an ủi của mặt trời, vốn, trong nhiều nền văn hóa, được xem như nam giới.

Cũng như ánh mặt trời thâm nhập vào lòng đất, nam giới cũng thâm nhập vào nữ giới và để lại một hạt giống trong tử cung thần bí của nàng. Chúng ta có thể dễ dàng thấy cách đàn ông tự xem mình là chủ động và xem phụ nữ vừa là bị động vừa là bí ẩn. Người ta thường nối bị động với “tiêu cực” hoặc bị động là hướng nội và yếu ớt. Nhưng bị động mang sức mạnh riêng của nó. Nó cho tâm trí cơ hội để hoạt động. Những người chỉ biết đến hành động không bao giờ có cơ hội để xem xem những hành động đó đã dạy họ những gì. Trong một nghĩa sâu xa hơn, bị động cho phép tiềm thức phát triển. Chỉ bằng cách rút khỏi những ảnh hưởng từ bên ngoài thì chúng ta mới có thể cho phép tiếng nói từ bên trong của sức tưởng tượng và các sức mạnh tinh thần nói với mình. Chính xác là để tránh đi tiếng nói bên trong này mà nhiều người đã không bao giờ ngừng hành động và vận động. Xã hội của chúng ta, hoàn toàn lấy các thành tựu bên ngoài làm nền tảng, nuôi dưỡng một nỗi khiếp sợ đối với tiềm thức, tuy nhiên nếu không có sự thông tuệ của tiềm thức ta sẽ không bao giờ hoàn toàn hiểu bản thân hay thế giới.

High Priestess đại diện cho tất cả những phẩm chất này: bóng tối, sự bí ẩn, các sức mạnh tinh thần, quyền năng của mặt trăng khuấy động tiềm thức, sự thụ động và những tri thức nhận được từ nó. Tri thức này không thể diễn tả bằng lời lẽ lý trí; cố gắng làm thế sẽ ngay lập tức giới hạn, thu hẹp và làm nó méo mó đi. Hầu hết mọi người đôi lúc sẽ thấy như họ đã hiểu ra một điều gì đó theo một cách thức sâu xa mà họ không thể nào giải thích được. Thần thoại giống như các phép ẩn dụ của các cảm giác tinh thần sâu sắc. Tuy nhiên bản thân thần thoại, giống như những giải nghĩa do các nhà thần học và các nhà nhân loại học đưa ra, chỉ là các biểu tượng. High Priestess biểu thị cho tri thức bên trong ở mức độ sâu nhất của nó.

Nàng ngồi giữa hai cây cột, đại diện cho cả đền thờ Isis lẫn đền thờ Hebrew cổ ở Jerusalem, nơi trú ngụ của Chúa ở nhân gian, hay nói cách khác, là nhà của Shekinah. Một tấm màn treo giữa hai cây cột, cho thấy ta bị ngăn không cho đi vào địa phận của tri thức. Hình ảnh đền thờ được phủ màn hoặc hình ảnh chốn tôn nghiêm đã xuất hiện trong nhiều tôn giáo. Người ta bảo chắc chắn Shenikah ngụ trong rương chứa pháp điển được phủ màn của đền thờ.

Ngày nay, hầu hết mọi người đều vờ rằng chúng ta bị cấm đi qua các cây cột của lá High Priestess. Thực tế đơn giản là ta không biết cách thôi. Bước vào sau tấm màn tức là sẽ biết được một cách ý thức những tri thức phi lý tính của vô thức. Đây là mục đích của cả bộ Ẩn Chính. Hãy quan sát cẩn thận bức vẽ của Smith. Bạn có thể thấy những gì nằm sau tấm màn bằng cách nhìn vào khoảng giữa tấm màn và những cây cột. Và thứ nằm phía sau đó là nước. Không phải là đền đài hùng vĩ hay những biểu tượng phức tạp mà chỉ đơn giản là một hồ nước, một dãy những ngọn đồi và bầu trời. Hồ nước biểu trưng cho vô thức và sự thật bị che dấu ở đó. Nước tĩnh lặng, những bí mật nằm trong lòng sâu thẳm tối tăm nhất của nó, ẩn dưới bề mặt phẳng lặng. Đối với hầu hết chúng ta, vào hầu hết thời gian, tiềm thức hỗn loạn vẫn nằm ẩn dưới lớp ý thức điềm tĩnh. Chúng ta không thể bước vào đền thờ bởi vì chúng ta không biết cách làm sao để tự đi vào; do đó ta phải du hành qua các lá chính cho tới khi ta chạm đến lá Star và lá Moon, đến nơi mà ta cuối cùng cũng có thể khuấy động nước và quay về ánh sáng ý thức của lá Sun cùng với tri thức (mà ta đã nhận được).

Đền thờ bắt đầu cho hình ảnh của hai cây cột, và chủ đề lưỡng phân và đối lập. Hình ảnh này xuất hiện vài lần nữa suốt các lá chính ở những nơi rõ ràng như cột nhà thờ của lá Hierophant hay hai tòa tháp của lá Moon (hai cây cột của lá High Priestess nhìn từ phía bên kia), nhưng cũng theo những cách mơ hồ hơn như hai con nhân sư của lá Chariot, hay người đàn ông và người phụ nữ của lá Lovers. Cuối cùng, lá Judgement, với đứa trẻ đứng giữa người đàn ông và người phụ nữ, và lá World, cầm hai cây gậy, giải quyết sự lưỡng phân bằng cách thống nhất những bí ẩn bên trong với sự nhận thức bên ngoài.

Các chữ cái “B” và “J” tượng trưng cho BoazJakin, những cái tên được đặt cho hai cây cột chính của đền thờ ở Jerusalem. Rõ ràng là cột Boaz đen tượng trưng cho sự thụ động và những điều bí ẩn trong khi cột Jakin biểu trưng cho chủ động và sự ý thức. Mặc dù vậy, hãy chú ý rằng các chữ cái mang dấu hiệu ngược lại, chữ B trắng và chữ J đen. Giống như các chấm tròn trong biểu tượng âm-dương, các chữ cái biểu thị rằng sự phân cực là một ảo ảnh, và cực này thì chứa cực kia ẩn bên trong nó.

Trong lòng nàng, nàng giữ một cuộn giấy có chữ “Tora”. Cái tên này quy chiếu đến bộ luật Do Thái, bộ Ngũ Thư của Moses (the Five Books of Moses), vốn thường được đánh vần là “Torah” trong tiếng Anh. Cách đánh vần đặc thù cho phép từ này thực hiện đảo chữ thành từ “Taro”. Như vấn đề cơ bản của cả phái thiền Qabalah (giống như sự đóng đinh Chúa Jesus đối với những bí ẩn của Thiên Chúa giáo) kinh Torah liên quan lớn đến những ý nghĩa mang tính bí truyền. Những người theo Qabalah tin rằng kinh Torah được đọc vào các sáng thứ Bảy ở các giáo đường chỉ là một bản đại diện, một kiểu phần bóng của bản Torah thật, của những lời sống động của Chúa tồn tại trước cả vũ trụ và chứa đựng bên trong nó tất cả những tồn tại thực sự. Kinh Tora được High Priestess giữ, cuộn lại và ẩn một phần bên trong áo choàng của nàng, do vậy cho thấy một kiến thức cao hơn gần gũi với chúng ta cùng sự hiểu biết thấp hơn của chúng ta. Ta cũng có thể mô tả nó như những sự thật tâm linh hiển hiện cho chúng ta nhưng chỉ là dưới dạng đã bị méo mó đi của những câu chuyện thần thoại và những giấc mơ.

Phần trước ta đã nói về việc lá Fool đến vào những thời khắc quyết yếu của sự thay đổi để thúc đẩy ta. Khoảng cách giữa lá High Priestess và lá Empress là một dạng thời khắc như vậy. Chúng ta cũng dễ dàng bị sự trầm tĩnh tối tăm của lá chính thứ hai quyến rũ, thậm chí là khi ta không bao giờ thực sự xâm nhập vào những bí mật của nó. Một người bắt đầu sự kỷ luật về tâm linh thường thích ở một mức độ vô thực hơn là trải qua việc tập luyện chậm chạp khó nhọc nhưng cần thiết để tiến bộ. Nhiều người ở những tình huống bình thường hơn sẽ thấy cuộc sống quá nặng nề, quá rộng lớn và nhiều đòi hỏi, quá khó để họ có thể tham gia vào. Ta có thể tốt nhất là dùng sự thụ động của High Priestess như một sự cân bằng với thái độ trưng ra cho thiên hạ thấy của lá Magician, nhưng nhiều người lại thấy phần thụ động cực kỳ thu hút. Nó đại diện cho một câu trả lời để cố gắng đạt tới, một sự rút lui yên lặng thay vì ánh sáng gay gắt của việc tự phát giác bản thân khi ta chủ động cởi mở hòa mình cùng những người khác.

Nhưng tinh thần con người không hoạt động như thế. Nó yêu cầu những đam mê và nó cần phải nối kết chính nó với thế giới. Ovid bèn kể câu chuyện về Actaeon, một thợ săn, và do đó là một hình tượng của những kẻ chắc hẳn đã thuộc về thế giới của hành động. Một ngày nọ anh ta bỗng thấy một dòng suối và quyết định men theo nó đến tận nguồn (một lần nữa, nước là biểu tượng của vô thức). Bởi vậy anh ta bị tách khỏi bầy chó của mình và những thợ săn khác, và khi anh đến được nguồn suối, cách xa khỏi thế giới náo nhiệt, anh thấy một bầy những nàng trinh nữ. Giữa bọn họ, trần truồng đứng đó một vị nữ thần trinh trắng, Diana. Lúc bấy giờ, nếu Actaeon lập tức quay lại thế giới bên ngoài anh sẽ thấy cuộc đời mình thật phong phú. Thay vì vậy, anh lại để sắc đẹp của Diana mê hoặc; anh đã đứng đó quá lâu và vị nữ thần, nhận thấy người đàn ông đã thấy sự trần trụi của nàng (hãy so sánh những lớp áo của High Priestess với sự khỏa thân của người con gái của lá Star) liền biến Actaeon thành một con hươu đực. Khi anh chạy trốn, khiếp hãi, bầy chó của anh đã xé anh thành từng mảnh.

Ở đây lá Fool tiến vào (và hãy nhớ lại chú chó của Fool, nhảy nhót bên cạnh anh), nhắc chúng ta hãy nhảy múa khỏi cả hai ảo tượng này, lá Magician cũng như lá High Priestess, cho đến khi ta thực sự sẵn sàng đồng hóa chúng.

Những ý nghĩa tiên đoán của High Priestess liên quan đầu tiên đến cảm nhận về những bí ẩn của cuộc sống, cả những thứ ta không biết và những thứ ta không thể biết. Nó cho thấy một cảm nhận về bóng tối, đôi lúc giống như phần sợ hãi trong cuộc sống của chúng ta, nhưng đôi lúc lại là phần xinh đẹp. Giai đoạn rút lui bị động có thể làm cuộc sống chúng ta thêm giàu đẹp bằng cách cho phép những thứ bên trong thức tỉnh.

Như một tượng trưng cho những kiến thức bí mật, lá chính này biểu hiện cảm giác về một sự thấu hiểu câu trả lời của một vấn đề vĩ đại nào đó bằng trực giác, chỉ khi ta diễn đạt câu trả lời đó một cách có ý thức. Đặc biệt hơn, lá bài có thể quy chiếu đến những ảo ảnh và đến những sức mạnh huyền bí hay tâm lý, như là sự tiên tri.

Trong khía cạnh động nhất của nó, lá High Priestess biểu thị những tiềm năng trong cuộc sống của chúng ta – những khả năng rất mạnh mẽ mà ta đã không nhận thấy, dù ta có thể cảm nhận được chúng. Bước tiếp theo phải là hành động hoặc tiềm năng sẽ không bao giờ được nhận ra.

Ngược với sự thông tuệ sâu sắc của mình, lá bài đôi lúc có thể mang nghĩa tiêu cực. Giống như hầu hết các lá chính, giá trị của lá High Priestess tùy thuộc vào nội dung của những lá bài khác. Xét theo mặt tiêu cực, lá chính này cho thấy sự thụ động vào sai thời điểm hoặc đã kéo dài quá lâu, dẫn đến sự yếu đuối, sợ hãi cuộc đời và những người khác. Nó thể hiện một người có trực giác mạnh nhưng không thể biến cảm giác thành hành động, hay một người sợ mở lòng với người khác. Dù là khía cạnh tốt hay xấu của lá bài xuất hiện trong một thế bài đặc thù thì nó cũng tùy thuộc vào những lá xung quanh và tất nhiên là vào trực giác của người đọc bài (chúng ta là một phần của lá High Priestess mỗi khi ta đọc các lá bài). Việc viện đến cả hai nghĩa thì rất thường thấy. Con người có nhiều hơn một mặt mà.

High Priestess là một nguyên mẫu, một bức tranh đơn lẻ mang nghĩa của một khía cạnh của sự tồn tại. Khi lật ngược nó tức là ta đã mang đến những phẩm chất bị mất. Lá bài ngược biểu thị một sự xoay chuyển hướng đến đam mê, hướng đến một sự tham gia sâu rộng vào cuộc sống và với những người khác, trong tất cả mọi lĩnh vực từ cảm xúc, tình dục đến cạnh tranh. Tuy nhiên, quả lắc có thể lắc quá xa, và rồi lá bài ngược có thể biểu trưng cho sự mất mát hầu hết những kiến thức quý báu đó: sự cảm nhận bản ngã bên trong của chúng ta.

Chương 4

Bộ Ẩn Chính và sự phát triển cá nhân

Dòng đầu tiên của bộ Ẩn Chính đưa ta qua tiến trình trưởng thành. Nó cho thấy các giai đoạn lớn lên của một người từ lúc là một đứa trẻ luôn được mẹ yêu thương và được cha thể hiện quyền lực thông qua giáo dục đến khi trở thành một cá thể độc lập. Cùng lúc những lá bài cũng liên quan đến một sự phát triển rộng hơn mà so với nó sự phát triển cá nhân chỉ là vi mô. Chúng mô tả sự tạo lập xã hội loài người, bên ngoài cả những nguyên mẫu của tồn tại và năng lượng hỗn độn của tự nhiên.

Khi chúng làm hình mẫu cho cả bộ bài, lá Magician và lá High Priestess tham gia một cách rất đặc biệt vào dòng đầu tiên. Sự vận động giữa các mặt đối lập là nhịp điệu cơ bản của thế giới vật chất. Không gì tồn tại độc lập một cách tự nhiên. Ursula Le Guin có nói, “Ánh sáng là tay trái của bóng tối và bóng tối là tay phải của ánh sáng”. Khi chúng ta chuyển từ hai mẫu này sang lá Empress, ta thấy các mặt đối lập hòa quyện với nhau một cách tự nhiên để tạo ra thực thể của vũ trụ vật chất.

Ba lá bài ở giữa dòng là một nhóm. Chúng cho ta thấy một bộ ba gồm tự nhiên, xã hội và Nhà thờ. Chúng cũng biểu thị cho người mẹ, người cha và giáo dục. Ở Ai Cập cổ thánh thần thường được xem như một bộ ba. Bộ ba này thay đổi qua không gian và thời gian, nhưng chúng thường là một nữ và hai nam, với người nữ được xem là quan trọng nhất. Trong Tarot, tự nhiên, được biểu trưng bởi lá Empress, là thực tế mang tính nền tảng, trong khi những đồng hành của bà, biểu trưng bởi lá Emperor và lá Hierophant, là những thiết chế con người.

Hai lá bài cuối của dòng này đại diện cho những vấn đề của một cá nhân, tình yêu và nỗi đau buồn, đầu hàng và ý chí. Tại một vài thời điểm mỗi người chúng ta phải học cách ngụy trang bản thân với thế giới bên ngoài. Trước thời điểm ấy, nhân cách vẫn là một tạo tác mơ hồ chưa thành hình của cha mẹ và xã hội. Những người không bao giờ tách khỏi cha mẹ sẽ trở nên xa rời cuộc sống. Đối với hầu hết mọi người mức trung bình mà nhờ nó họ tách khỏi cha mẹ họ là những phát triển (những người theo học thuyết Freud [Freudian] và có lẽ cả những nhà huyền học sẽ gọi là “tái phát triển” [re-emergence]) của xu hướng tình dục ở tuổi dậy thì. Không hề tình cờ khi những đứa trẻ nổi loạn với cha mẹ trong suy nghĩ, thói quen và cách ăn mặc cùng lúc với khi cơ thể chúng trưởng thành.

Sự phát triển nhân cách chỉ là một phần của việc lớn lên. Mỗi người phải tìm cho mình mục đích và thành tựu riêng. Cùng lúc sớm hoặc muộn người đó sẽ đối mặt với những muộn phiền, đau ốm và những yếu đuối chung chung của cuộc sống bị tuổi già và cái chết chi phối. Chỉ khi ta thấu hiểu hoàn toàn cuộc sống bên ngoài của nhân loại thì ta mới có thể hi vọng chạm được những phần bên trong để đến với một thực tế sâu xa hơn.



Lá Empress

Như đã nói ở chương trước, lá Empress đại diện cho những khía cạch dễ tiếp cận hơn, nhân hậu hơn của nguyên mẫu nữ. Bà là tình mẫu tử, tình yêu, sự dịu dàng. Cùng lúc, bà biểu thị cho tính dục, cảm xúc và tính làm chủ của nữ giới. Cả tính mẫu và tình dục đều bắt nguồn từ những cảm giác phi lý tính và là điều cơ bản của cuộc sống. Là những đam mê hơn là lý trí. Lá High Priestess đại diện cho mặt tinh thần của nguyên mẫu nữ; sự thấu hiểu bằng trực giác sâu thẳm của nàng. Lá Empress thì thuần cảm xúc.

Giống như Người Đàn Bà Xảo Trá (Cunning Woman), chúng ta thấy hình ảnh nàng phản ánh trong điện ảnh và tiểu thuyết như một người nữ luôn gây chuyện, một người vừa hay thất vọng vừa nhiều ham thích, bởi vì suy nghĩ của nàng không theo phát triển lý tính. Nhiều người phụ nữ thấy hình ảnh này là một sự xúc phạm, một phần bởi vì nó đại diện cho những giá trị và cách tiếp cận bị xã hội gia trưởng của chúng ta đánh giá là tiêu cực, và một phần vì người ta thường phạm lỗi khi cho rằng đàn ông và đàn bà nên thể hiện những quan niệm nguyên mẫu này theo cá nhân. Nhưng những hình ảnh xã hội cũng đang lụn bại đi theo một cách khác. Chúng thật tầm thường. Lá Empress, cùng với những hình ảnh thần thoại tương ứng như Aphrodite, Ishtar hoặc Erzulie, đại diện cho một cái gì đó cao quý hơn nhiều. Họ biểu thị cho sự đam mê hướng tới cuộc sống. Họ cho đi và tiếp nhận trải nghiệm với những cảm xúc không hề kiểm soát.

Cho đến khi ta học được cách trải nghiệm hoàn toàn cuộc sống bên ngoài thì ta mới có thể hi vọng vượt qua được nó. Do đó bước đầu tiên đến sự khai sáng là cảm xúc khoái lạc. Chỉ thông qua nỗi đam mê, ta mới có thể cảm nhận, từ tận sâu bên trong chứ không phải từ những tranh luận trí óc, cái tinh thần lấp đầy mọi sự tồn tại.

Nhiều người xem tôn giáo như một sự thay thế cho thế giới tự nhiên, thế giới mà họ theo cách nào đó lại thấy không trong sạch hoặc dơ bẩn. Dù những truyền thống văn hóa của chúng ta vay mượn tính hai mặt này, đó thực sự là một ảo ảnh vô thực, và người hướng đến sự duy linh bằng cách này để trốn chạy sẽ gần như không bao giờ đạt được một sự giác ngộ. Cơ thể, và thế giới tự nhiên, là những thực thể phải được kết hợp với nhau hơn là bị chối từ.

Trong thần thoại Phật giáo ta thấy rằng các vị thần đã thao túng cha của thái tử Siddhartha để ông cho con trai mình, Gautama, mọi thỏa mãn xác thịt. Người cha tin rằng những khoái lạc sẽ ngăn con trai ông từ bỏ thế giới và trở thành một vị Phật. Ý đồ này đã phản tác dụng, vì ngay sau khi trải nghiệm hết những lạc thú thái tử đã có thể đặt chúng lại phía sau. Sau khi từ bỏ thế giới, Gautama đã tu khổ hạnh, một thái cực khác (đối lập với những hoan lạc - ND). Nhưng ngài chạm tới sự khai sáng chỉ khi ngài từ bỏ hai điều thái quá để đến với Trung Đạo (Middle Way). Vì thế, ta có thể thấy Phật trong người vũ công của lá World, người nhẹ nhàng nắm giữ cả Magician lẫn High Priestess trong tay nàng.

Như một sự kết hợp số 1 và 2, số 3 biểu thị sự tổng hợp và dung hòa. Thế giới tự nhiên kết hợp MagicianHigh Priestess trong một thống nhất không thể chia tách của sự sống và cái chết, của bóng tối và ánh sáng. Quan niệm về cảm xúc cũng mang nguyên mẫu Magician chủ động đến với nguyên mẫu High Priestess bản năng.

Hãy đánh giá tiến trình sáng tạo mà xem. Lá Magician biểu trưng cho năng lượng của cuộc sống, lá High Priestess là những khả năng phát triển tương lai. Cái thực tế của lá Empress là kết quả từ kết hợp của hai lá này. Gần đây, Carl Sagan chứng minh rằng sự sống trên trái đất bắt đầu khi một tia sét đánh xuống biển nguyên thủy. Một lần nữa ta thấy, từ tia sét của Magician đánh xuống nước của High Priestess đã xuất hiện thế giới tự nhiên.

Hệ thống biểu tượng của lá Empress của Waite-Smith phản ánh quan niệm về tự nhiên với tất cả những mạnh mẽ và vinh quang của nó. Tự thân lá Empress, gợi cảm và đầy khoái lạc, cho thấy những đam mê. Tấm khiên của nàng là một trái tim với dấu hiệu của Venus, phiên bản La Mã của Nữ Thần Vĩ Đại (Great Goddess). Những nữ thần, như Demeter, Astarte, Nut đã cai quản khắp thế giới cổ đại cho đến những kẻ xâm chiếm gia trưởng giáng họ xuống làm vợ (và cuối cùng trục xuất họ hoàn toàn bằng một nam thượng đế). Ở chân Empress mọc một đồng lúa mì; nữ thần cai quản nông nghiệp, và ở Tây Bắc châu Âu thì được gọi là “Nữ thần Bắp” (Corn Goddess). Bà đeo một chuỗi vòng có chín hạt trai, đại diện chín hành tinh, vương miện của bà có mười hai ngôi sao cho mười hai cung hoàng đạo. Nói ngắn gọn, bà dùng vũ trụ làm trang sức của mình. Người Mẹ Vĩ Đại (Great Mother) không phải là các dạng thức của tự nhiên, mà là quy luật cơ bản của cuộc sống. Những ngôi sao mang sáu cánh là một biểu tượng cổ xưa nhiều so với hơn vai trò tượng trưng cho Do thái của nó như hiện nay. Ngôi sao sáu cánh kết hợp hai hình tam giác; một hướng lên tượng tương cho lửa, một hướng xuống tượng trưng cho nước. Một lần nữa, lá Empress kết hợp lá số 1 và 2 trong một thực thể mới.

Dòng sông biểu trưng cho sự thống nhất của thay đổi và ổn định. Nước trong dòng chảy không bao giờ là một, nhưng nó vẫn luôn luôn là dòng sông đó, với những tính chất đặc trưng của nó, Loài người thay đổi từng ngày, những tế bào của cơ thể chúng ta chết đi và những tế bào mới lại thế chỗ nhưng ta vẫn là chính ta đấy thôi.

Việc số 3 được sinh ra từ sự kết hợp của số 1 và 2 cũng mang đến một ý khác. Cũng như số 1 và 2 đặc biệt đại diện cho nam giới và nữ giới, nên số 3 thể hiện một đứa trẻ được sinh ra khi họ kết hợp với nhau. Đứa trẻ sinh ra như một sinh vật của tự nhiên, không mang gánh nặng của cái tôi và nhân cách, trải nghiệm vũ trụ một cách trực tiếp với không một kiểm soát hay định kiến nào. Chỉ khi ta lớn hơn thì ta mới học cách đặt ra những hàng rào ngăn giữa ta và cuộc đời. Đó là một trong những mục tiêu của Tarot để mang lại cho chúng ta trạng thái tự nhiên của việc trải nghiệm trực tiếp thế giới quanh ta đó.

Nhưng nếu lá Empress biểu trưng cho đứa trẻ thì bà cũng đại diện cho người mẹ. Tình mẫu tử là cái nền cơ bản từ đó cuộc sống tiếp diễn khắp tự nhiên. Và bởi mối liên kết thể chất của người mẹ và đứa trẻ thì rất trực tiếp, tình yêu của mẹ, trong dạng thức mạnh mẽ nhất của nó, là một cảm giác thuần khiết, được trao đi mà không có một cân nhắc lý tính hay đạo đức nào. (Đây, tất nhiên, là một lý tưởng, và trong thực tế thì tình yêu như vậy có thể được trao đi từ người bố nhiều hơn người mẹ, hoặc đáng buồn hơn là, không có chút tình nào cả). Xuyên suốt lịch sử, người ta đã nhận dạng tình mẹ với tự nhiên, thế nên cụm từ “Người Mẹ Vĩ Đại” dùng chỉ chính trái đất xuất hiện trên khắp thế giới, và ngay cả ngày nay chúng ta cũng nói tự động nói về Mẹ Tự Nhiên (Mother Nature).

Trong quẻ bài, lá Empress đại diện cho khoảng thời gian đầy đam mê, một giai đoạn khi ta hướng đến cuộc sống qua những cảm giác và niềm vui hơn là những nghĩ suy. Đam mê này là tình dục hoặc tính mẫu; nói cách khác đó là trải nghiệm sâu sắc và trong bối cảnh thích hợp thì lá bài có thể mang đế một sự thỏa mãn lớn. Khi sai bối cảnh, lúc phải cần đến những phân tích, lá Empress có thể mang nghĩa một cách tiếp cận thuần cảm xúc ngoan cố, một lời từ chối cân nhắc sự tình. Bà cũng có thể thể hiện một vấn đề khác: niềm đam mê lạc thú khi cần phải giữ chừng mực. Tuy nhiên, thường thì bà biểu hiện cho những những thỏa mãn và thậm chí là giác ngộ đạt được qua cảm xúc. Nghĩa ngược của những lá bài cũng có bối cảnh tích cực và tiêu cực. Mặt khác nó cũng thể hiện một sự thoái lui khỏi cảm giác, cũng là sự từ bỏ cảm xúc và cố gắng kiềm chế khao khát của bạn. đặc biệt là những ham muốn tình dục. Tuy nhiên, cũng như lá High Priestess, lá bài ngược thêm vào những yếu tố bị thiếu của tình huống, nên lá Empress ngược có thể mang nghĩa một sự nhận thức mới đầy tri thức, đặc biệt là cách giải quyết một vài vấn đề phức tạp mang tính cảm xúc bằng cách bình tĩnh suy xét nó.

Trong dạng nghĩa xuôi và ngược, hai lá chính 2 và 3 soi vào nhau. Đôi khi điều này xảy ra khi một người bộc lộ cả những khía cạnh cảm xúc và khía cạnh tinh thần mang tính trực giác, nhưng theo một cách tiêu cực. Tính hợp lý đến như một phản ứng với những tình huống cảm xúc thừa thãi, trong khi một cảm giác cô lập hay lạnh lùng sẽ dẫn đến những đam mê. Nếu hai khía cạnh của những nữ thần này có thể được trải nghiệm theo chiều xuôi thì người đó sẽ đạt được sự một cân bằng vững vàng hơn và thỏa mãn hơn.



Lá Emperor

Đối với mỗi đứa trẻ thì cha mẹ chúng chính là nguyên mẫu. Không chỉ người mẹ hay người cha, mà là Mẹ và Cha. Bởi mẹ cho chúng ta cuộc sống, nuôi ta ăn và chở che ta, ta sẽ có xu hướng xem bà như một hình tượng của tình yêu và lòng trắc ẩn (và rất buồn khổ nếu bà xử sự cay nghiệt hay lạnh lùng). Song Người Cha, đặc biệt là vào thời xưa khi các vai trò về giới chặt chẽ hơn thời nay, luôn xa cách hơn, và do đó là một hình tượng của sự nghiêm khắc. Đó là người cha mang quyền lực và bởi vậy, trở thành người phán xét, là người cha trừng phạt (còn người mẹ thì can thiệp), là người cha dạy chúng ta những quy tắc xã hội và đòi hỏi sự phục tùng. Đối với đứa trẻ, người cha theo nhiều cách không thể tách biệt khỏi toàn xã hội, cũng như bản thân người mẹ chính là tự nhiên. Một trong những khoảnh khắc đau đớn nhất trên bước đường trưởng thành của nhiều người là khi họ khám phá ra những hạn chế rất con người của cha mẹ mình.

Trong sơ đồ phát triển tinh thần của những cặp tương đồng của Freud, người cha và các quy tắc xã hội trở nên liên kết trực tiếp với nhau. Tinh thần trẻ sơ sinh đòi hỏi sự thỏa mãn không ngừng, đặc biệt là những ham muốn được ăn và những cưng nựng của mẹ. (Những người theo học thuyết của Freud có thể cho rằng đứa trẻ mong mỏi sự giao tiếp thực sự với người mẹ, nhưng tình huống vẫn thế thôi dù đứa trẻ chỉ tìm kiếm niềm vui thích được ôm trong lòng mẹ.) Bằng cách quấy rầy mối quan hệ của đứa trẻ với mẹ của nó, người cha khuấy động sự thù địch của đứa trẻ, và vì đứa bé sơ sinh không bị kiềm hãm điều gì, sự thù địch này có nghĩa là mong muốn loại bỏ đi kẻ quấy rầy đó. Thôi thúc hủy đi người cha, tuy nhiên, lại không thể trọn vẹn hay thậm chí không được nhận thấy, thế nên tinh thần, để làm dịu đi tình trạng tiến thoái lưỡng nan này, đồng nhất chính nó với hình ảnh Người Cha, tạo ra một thứ “siêu kỷ” (super-ego) như một hướng dẫn mới cho bản thân [thay thế cho “xung động bản năng” (id) – những thôi thúc và ham muốn dẫn đến khủng hoảng]. Nhưng cái siêu kỷ này có dạng thức ra sao? Đó chính là dạng thức của những quy tắc xã hội, học được từ những chỉ dẫn của người cha theo truyền thống.

Hai lá chính 3 và 4 của Tarot đại diện cho cha mẹ trong những vai trò nguyên mẫu của họ. Nhưng cũng như lá Empress biểu thị cho thế giới tự nhiên, lá Emperor mang một ý nghĩa rộng hơn về việc thế giới xã hội “kết hôn” với tự nhiên. Ông biểu trưng cho những luật lệ của xã hội, cả điều tốt lẫn điều xấu, và quyền lực thi hành chúng.

Ở thời cổ đại, nơi vị nữ thần ngự trị, nhà vua có một chức năng đặc biệt. Cuộc sống mới chỉ có thể đến từ cái chết; do đó, mỗi mùa đông, những đại diện của nữ thần lại hiến tế cựu hoàng, họ thường xẻ ông ta ra và chôn các phần thân thể xuống đất, bằng cách đó làm đất đai màu mỡ một cách kỳ diệu. Về sau, khi những tôn giáo do phái nam thống trị đến thay thế, nhà vua đã trở thành biểu trưng cho sự cai trị của pháp luật kiểm soát những gì được cho là khởi thủy của bóng tối man rợ và hỗn loại thuộc trật tự cũ. Chúng ta thấy kịch bản này (rất giống phép thế xung độ bản năng bằng siêu kỷ của Freud) ở nhiều thần thoại; như chuyện Marduk, một anh hùng dân tộc của Babylon, đã giết Tiamat, người mẹ nguyên thủy của sự sáng tạo bởi vì bà đã sinh ra quái vật. Bất kể chúng ta có xem các cách thức cũ xưa là tàn ác hay cách thức mới là văn minh hay không thì lá Emperor cũng biểu trưng rằng tính trừu tượng của xã hội đã thay thế sự trải nghiệm trực tiếp giới tự nhiên.

Ở La Mã, ý niệm luật pháp chống lại hỗn loạn được đưa đến nơi mà sự ổn định, hay “luật pháp và trật tự” theo cách gọi hiện đại, trở thành bản thân những đức hạnh, tách rời khỏi đạo đức vốn có của những luật lệ đó. Không một quy trình nào có thể thực hiện trong tình trạng vô chính phủ (tạo nên những tranh cãi); những luật lệ tồi cần phải được thay đổi, nhưng đầu tiên luật pháp phải được tuân thủ bằng bất cứ giá nào. Những cách tiếp cận khác có thể phá hủy xã hội. Ngày nay, chúng ta xem xét góc nhìn này khi nó đã được gộp trong một khái niệm trừu tượng mà ta gọi là “hệ thống”. Người La Mã nhìn nó một cách cụ thể hơn bằng hình tượng Emperor, người được mô tả là cha của tất cả con dân.

Trong khía cạnh tích cực nhất của ông, Emperor cho thấy sự ổn định của một xã hội đúng nghĩa cho phép thành viên của nó theo đuổi những nhu cầu cá nhân và sự phát triển. Thế giới tự nhiên thì hỗn độn, nếu không có các kiểu cấu trúc xã hội, mỗi người chúng ta có thể sẽ dành cả đời đấu tranh để sống sót. Xã hội cho phép ta vừa làm việc với nhau vừa hưởng lợi từ những trải nghiệm của những người đi trước.

Sự ổn định cũng cho phép tinh thần phát triển. Ở nhiều quốc gia xã hội ủng hộ những nhà thờ (mặc dù sự sắp xếp này có đẩy mạnh tinh thần hay không thì vẫn còn tranh cãi); ở một vài quốc gia phương Đông các tu sĩ được tự do theo đuổi việc học hành nghiên cứu vì những người thế tục sẽ cúng dường cho họ. Không có lề thói xã hội này họ sẽ phải dành thời gian làm việc để có cái ăn.

Ở những khía cạnh tiêu cực hơn của Emperor, ông biểu thị cho những luật lệ phi lý trong một xã hội nơi sự ổn định tiên quyết hơn so với đạo đức. Một khi chúng ta lập luật pháp và trật tự thành cái tối cao thì một kẻ cai trị thối nát sẽ là một thảm họa. Nhưng nếu cả hệ thống đều thối nát thì chỉ sản sinh ra những kẻ cai trị tồi tệ, thì sự ổn định trở thành kẻ thù của đạo đức. Giá trị biểu tượng của Emperor phụ thuộc rất lớn vào thời gian và nơi chốn. Ở một xã hội bất công, quyền lực của Emperor sẽ gây cản trở hơn là giúp đỡ sự phát triển cá nhân. Rất nhiều người bị tống giam vì công kích những luật lệ phi lý.

Tuy nhiên, thậm chí ở những mặt tích cực nhất của ông, Emperor cũng còn những hạn chế. Trên sự tự phát của Empress, ông đặt một mạng lưới những áp đặt. Nếu chúng ta không còn chạm vào những đam mê nữa thì cuộc sống sẽ trở nên lạnh lẽo và khô cằn. Lá Emperor của bộ Rider (xem ảnh 5a) được vẽ vừa già vừa nghiêm nghị, mặc giáp sắt, biểu thị cho sự cằn cỗi của cuộc sống bị cai trị hà khắc bởi các quy tắc. Dòng sông chảy mạnh mẽ qua khu vườn của Empress đã trở thành một dòng suối nhỏ, chỉ vừa đủ thâm nhập vào sa mạc không sự sống.

Những biểu tượng khác của lá bài phản ánh những khía cạnh kép của nó. Ông cầm một cái ankh, một biểu tượng sự sống của Ai Cập, để ra hiệu rằng bên dưới pháp luật ông có mang sức mạnh của sự sống và cái chết, và hi vọng sẽ dùng nó một cách đúng đắn. Bốn con cừu đực, biểu tượng của cung Dương Cưu, trang trí trên ngai của ông trong khi ở đỉnh vương miện ông cũng mang dấu hiệu của cung Dương Cưu (không may thay tương đồng với một người thúc đẩy). Giờ thì, Dương Cưu biểu thị cho sức mạnh, xâm lược và chiến tranh, nhưng vì là dấu hiệu hoàng đạo đầu tiên, nó cũng biểu thị sự sống mới của mùa xuân, sự sống có thể xuất hiện từ tính ổn dịnh của một xã hội công bằng.

Là lá bài giữa của dòng Ẩn chính đầu tiên, lá Emperor biểu thị cho một bài kiểm tra cốt yếu. Trong tiến trình lớn lên, nó chắc chắn là nhũng quy tắc xã hội mà nhiều người thấy thật khó để vượt qua. Ta phải hấp thu những quy tắc này, cũng như những truyền thống và đức tin của xã hội chúng ta, rồi vượt ra ngoài chúng để tìm một tập hợp đạo đức riêng. Đây không có nghĩa là thái độ “quy tắc làm ra là để phá vỡ”. Những người cảm thấy bắt buộc phải phá hủy mọi luật lệ sẽ bị buộc vào những luật lệ đó giống như những người tuân theo chúng một cách mù quáng .

Bởi vai trò của người cha là dạy chúng ta cách cư xử được xã hội chấp nhận, những người bị mắc kẹt trong tầm mức của Emperor thường là những người chưa bao giờ chấp nhận tính người tầm thường của cha họ. Họ có lẽ nhận ra nó một cách lý trí nhưng nó vẫn quấy rầy và ám ảnh họ. Vấn đề tương tự cũng quấy phá những ai vẫn xem Empress là những đam mê và nhục dục của mẹ họ chứ không phải của họ.

Ý tưởng về lá Emperor cũng nhưng ý tưởng và những giá trị hạn chế của cấu trúc xã hội nổi lên chính từ Waite và những môn đệ của ông. Bức tranh bên phải ở đầu phần này, lấy từ bộ Builders of the Adytum (BOTA) của Paul Fostr Case do Jessie Burns Parke vẽ, minh họa một truyền thống khác. Ở đây Emperor biểu trưng cho tổng toàn bộ những tri thức tinh thần. Ông được vẽ nhìn nghiêng (thường thấy hơn so với hình vẽ mặt đầy đủ của bộ Rider), liên kết với hình ảnh Qabala về Chúa như là “Ancient of Days”*, một vị vua ngồi nhìn từ góc nghiêng. (Khuôn mặt của Ancient bao giờ cũng bị khuất, chỉ có vương miện của ông với hào quang bên dưới là lộ ra.)

Tay và chân Emperor hợp thành một tam giác đều trên một chữ thập, một dấu hiệu giả kim của lửa. Hình tượng này về sau đảo ngược (trong cả của Waite lẫn của Case) trong lá Hanged Man. Như đã đề cập ở trên, đôi chân bắt chéo vuông góc nhau là một dấu hiệu bí truyền, được tìm thấy cả ở lá World. Emperor của BOTA ngồi trên một khối lập phương chứ không phải là một ngai vàng. Cũng là một dấu hiệu bí truyền, khối lập phương biểu trưng cho cả thế giới lẫn bản thân Tarot, cũng như bảng chữ cái Hebrew và những con đường của Cây Sự Sống. Những biểu tượng xuất hiện từ việc một khối lập phương có mười hai cạnh, sáu mặt, ba trục đối xứng và tất nhiên là một trung tâm, đủ hai mươi hai, con số của các lá chính, của các ký tự Hebrew và của những con đường. Và bởi vì Cây Sự Sống được giữ để biểu thị tất cả mọi sáng tạo nên khối lập phương biểu trưng cho vũ trụ.

Trong quẻ bài lá Emperor cho thấy (theo hình ảnh của bộ Waite) sức mạnh của xã hội, những luật lệ của nó và đặc biệt là quyền lực để thực hiện các luật đó. Sự có mặt của lá chính này cho thấy một sự dính dáng tới pháp luật. Một lần nữa, các giá trị tốt và xấu lại phụ thuộc vào hoàn cảnh.

Một cách cá nhân hơn thì lá Emperor có thể biểu thị một thời gian ổn định và trật tự trong cuộc sống của một người, mở ra một năng lượng sáng tạo đầy hi vọng. Ông cũng có thể biểu thị một người đặc biệt nắm giữ một quyền lực lớn, về cả vật chất lẫn cảm xúc, đối với vấn đề gặp phải. Điều này rất thường chỉ người cha, cũng có thể là người chồng hoặc người yêu, đặc biệt đối với những người đối xử với người yêu như một người cha thay thế để họ giao việc kiểm soát cuộc sống của mình vào tay người đó. Tôi từng thấy những quẻ bài bị Emperor chế ngự đến mức tất cả những tiềm năng của cuộc sống đều trở nên bị kìm hãm và không được thỏa mãn.

Cũng giống như lá Empress ngược, lá Emperor, khi đảo chiều lại, sẽ nhận những yếu tố bổ sung cho những phẩm chất của ông khi ông ở chiều xuôi. Ông sẽ, theo cách nói của Waite, “đầy nhân từ và trắc ẩn”; một cuộc sống mới trong sa mạc đầy sỏi đá. Nhưng con lắc có thể lắc quá xa. Lá Emperor ngược có thể biểu thị cho sự non nớt, sự bất lực để cho ra những quyết định nhanh chóng và thực hiện chúng.



Lá Hierophant

Trong phần lớn các bộ Tarot lá chính 5 được gọi là Pope lẫn High Priest, cụm từ kết nối nó với lá chính 2, nguyên mẫu của chân lý nội tại, qua tên gọi cũng như qua hình ảnh. Waite đã viết rằng ông bài xích “Pope” vì danh hiệu này gợi lên một ví dụ rất đặc thù về ý niệm chung của lá bài chính này. Cái tên “Hierophant” thuộc về đại tư tế của những nghi lễ vùng Elefsina thuộc Hi Lạp (Greek Eleusinian mysteries). Ở đây, Waite mô tả lá bài của ông như một biểu tượng cho “ngoại đạo” của các nhà thờ và giáo lý. Nhưng cách ông dùng một cụm từ bí ẩn lại gợi lên một diễn nghĩa khác, một diễn nghĩa được những người xem Tarot là một giáo lý bí mật của những cách tu tập huyền ảo hơn là một hiện thân tổng quát của những hình mẫu về nhân loại yêu thích. Diễn nghĩa này được miêu tả cực kỳ sinh động trong bức tranh vẽ Hierophant lấy từ Cuốn sách của Thoth (Book of Thoth) của Aleister Crowley, do Frieda Harris vẽ. Ở đây lá chính này mang ý nghĩa khởi đầu một giáo lý bí mật, như những hội nhóm khác nhau và những điểm hội họp sinh sôi nảy nở trong khoảng giai đoạn chuyển giao thế kỷ và những điểm hội họp đã kinh qua cuộc khôi phục đức tin ở Anh và Mỹ. Hội Bình Minh Vàng (The Order of the Golden Dawn), một hội mà cả WaiteCrowley đã từng là thành viên cùng lúc, có lẽ đã tạo ra cái tên “Hierophant” cho lá chính 5.

Cả hai nghĩa này, “ngoại đạo” và “giáo lý bí mật”, làm xuất hiện mâu thuẫn ở cấp bậc cơ bản nhất. Trên thực tế chúng rất giống nhau. Cho dù hai tín đồ được kết nạp vào Nhà thờ hay vào một nhóm huyền bí thì họ cũng sẽ tham gia vào một giáo lý, với một bộ các đức tin mà họ phải học và chấp nhận trước khi họ được nhận vào. Tất nhiên là có một sự khác biệt cơ bản giữa, xem nào, giáo lý trong sách và những nghi thức của Bình Minh Vàng. Tuy nhiên, đối với cả hai thì lá chính này cho thấy một sự giáo dục và một truyền thống. Do đó, nếu ta xem dòng đầu tiên mô tả sự phát triển cá nhân thì lá Hierophant, đến sau thế giới tự nhiên và xã hội, cho thấy truyền thống lý tính của xã hội đặc trưng của một người, và sự giáo dục của anh ta hay cô ta trong truyền thống đó.

Theo diễn nghĩa của Waite (và đặc biệt suy ngẫm về vị giáo hoàng phương Tây) chúng ta có thể thấy Hierophant như một bạn đồng hành của Emperor. Từ “giáo hoàng” (pope) có nghĩa là “cha” (father), và cũng giống Hoàng đế La Mã, Giáo Hoàng được xem là một người cha thông thái dẫn dắt những đứa con của ngài. Cùng với nhau, họ chia sẻ trách nhiệm đối với con người, một người cung cấp những nhu cầu vật chất, người kia dẫn dắt sự phát triển tinh thần. Ở một trong những luận thuyết sớm nhất thúc đẩy sự chia tách Nhà thờ và Nhà nước, Dante đã tranh cãi rằng hai chức năng này không nên kết hợp lại vì sợ phạm sai lầm. Tuy nhiên, ông không bao giờ nghi ngờ quan niệm rằng Nhà thờ chịu trách nhiệm về linh hồn chúng ta.

Ngày nay, nhiều người không hiểu khái niệm căn bản của một tu sĩ. Thời đại dân chủ của chúng ta đã loại bỏ những quan điểm về sự kết nối trung gian giữa một cá thể và Chúa. Tuy nhiên, hãy chú ý rằng Hierophant cũng có thể là biểu tượng của “nền chuyên chính vô sản” hoặc bất cứ một thành phần ưu tú lãnh đạo quần chúng nào ở những nơi họ không thể tự thân đến được. Ban đầu thì chức năng đặc biệt của những tu sĩ là rất rõ ràng; họ trò chuyện với các vị thần thông qua các lời sấm, một các tu tập thường đáng sợ, và hầu hết mọi người đều khá vui vẻ để ai đó làm việc này cho họ. Khi đạo Cơ-đốc loại bỏ hình ảnh này và sự kết nối tức thì với Chúa thì khái niệm về tu sĩ trở nên, cũng như Emperor, trừu tượng hơn. Về cơ bản nó dựa trên quan điểm rằng hầu hết mọi người không thực sự quan tâm lắm đến Chúa. Một người bình thường thấy hạnh phúc nhất khi theo đuổi những nhu cầu vật chất, tiền bạc, gia đình và chính trị. Tuy nhiên, cũng có những người, do khí chất của họ nên cảm giác thấy trực tiếp sức mạnh tinh thần chảy qua khắp cuộc sống chúng ta. Được thụ phong bởi chính nhận thức nội tại của họ, những người này có thế nói chuyện với Chúa giúp chúng ta. Quan trọng hơn, họ có thể nói chuyện với chúng ta, đại diện cho luật lệ của Chúa để ta có thể sống một đời đứng đắn, và đôi khi, sau khi chết, nhận phần thường là được quay trở về bên Chúa. Sau phục sinh chính chúng ta sẽ ngụ dưới mắt của Chúa. Tuy nhiên, trong cuộc sống, chúng ta cần các tu sĩ hướng dẫn mình.

Vậy hãy tranh luận. Thậm chí nếu ta đồng tình với quy tắc thì trong thực tế nó có xu hướng sụp đổ. Người ta trở thành tu sĩ vì vô vàn lý do – tham vọng, áp lực gia đình, vân vân – những người như vậy trong khi cảm thấy một tiếng gọi chân thật để giao tiếp với Chúa Trời thì có thể thể hiện rất ít khả năng trong việc giao tiếp với nhân loại. Hơn nữa, cũng như những thể chế xã hội của Emperor, các thể chế tôn giáo của Hierophant có thể dễ dàng bị sụp đổ bởi quyền hành được trao đến họ, thế nên những tu sĩ xem quyền năng của mình như một cái kết chính bên trong nó, coi trọng sự phục tùng hơn là sự khai sáng. Rõ ràng rằng, vị trí bảo vệ một giáo lý sẽ thu hút những kẻ giáo điều.

Tuy nhiên, có lẽ chúng ta đã loại bỏ quan niệm về một giáo đoàn dẫn dắt vì một lý do tế nhị hơn.Tuy từ phong trào Cải cách ở châu Âu (the Reformation) có một quan niệm đã được ủng hộ ngày càng nhiều ở phương Tây, đó là quan niệm về trách nhiệm cơ bản của một cá nhân đối với anh ta hay cô ta. Toàn bộ quan niệm của một giáo lý bên ngoài, một bộ những nguyên tắc và niềm tin được chấp nhận theo tín ngưỡng, phụ thuộc vào giả định rằng hầu hết mọi người đều thích có ai đó bảo họ làm gì và nghĩ gì hơn. Điều này có thể sẽ rất đúng. Để thực sự khám phá ra Chúa bên trong chính con người anh, anh phải trải qua những thử thách không mấy dễ chịu với tinh thần của anh. Tương tự, để quyết định cho bản thân cái gì là điều đúng đắn phải làm trong tất cả mọi tình huống có thể đòi hỏi một sự thống khổ dai dẳng những chọn lựa. Thế nhưng, ngày ngay nhiều người đơn giản là không thể chấp nhận việc xã hội hay Nhà thờ chịu trách nhiệm cơ bản đối với cuộc đời họ.

Có lẽ diễn giải lá Hierophant như đại diện cho những giáo lý bí mật thì thích hợp với thời đại chúng ta hơn. Như thế giáo lý sẽ không bảo chúng ta phải làm gì mà thay vào đó đưa ra một phương hướng để chúng ta bắt đầu tự hành động. Và Tarot, như ta thấy trong lá Magician, bản thân nó đối chọi với tất cả những Nhà thờ bằng cách dẫn dắt ta đến với sự cứu rỗi cá nhân trong cuộc đời này. Đối với Crowley, Hierophant biểu trưng cho sự khai tâm như những phương tiện qua đó một cá thể trở nên đồng nhất với vũ trụ. Hình thái và giáo lý của sự khai tâm này thay đổi theo từng thời đại thế giới; đã kéo dài gần hai ngàn năm, Kỷ nguyên Song Ngư hiện tại đang đi đến hồi kết, do đó Hierophant phải thay đổi, cũng như tất cả những mối quan hệ nghiêm ngặt của loài người. Crowley nhận xét rằng chỉ có tương lai mới có thể nói cho chúng ta biết cái “dòng chảy của sự khai tâm” mới sẽ là gì. Nhưng tính chất cơ bản của sự khai tâm là hòa hợp với vũ trụ thì luôn luôn giữ nguyên như vậy.

Trong lá Hierophant của bộ BOTA (cũng như trong bộ Rider) đôi chìa khóa bắt chéo nhau dưới chân Hierophant làm bằng vàng và bạc, đại diện cho những cách thức bên ngoài và bên trong, mặt trời và mặt trăng, MagicianHigh Priestess, những thứ mà giáo lý dạy chúng ta kết hợp. Trong bộ Rider cả hai chiếc chìa khóa đều bằng vàng, cho thấy mặt tăm tối bị che dấu khỏi những người theo giáo lý bên ngoài.

Trong hình ảnh của Waite-Smith, không có tấm màn nào ngăn trở đường vào Nhà thờ như trong đền thờ của High Priestess. Nhưng những chiếc cột lại mang màu xám xịt. Những ai đi vào đây có thể nhận được sự bảo vệ từ lựa chọn cá nhân, nhưng họ sẽ không xuyên qua bí mật của tính nhị nguyên. Tiềm thức vẫn đóng cửa. Trong nhiều bộ Tarot, High Priestess không cầm một cuộn giấy mà là một cuốn sách nhỏ, bị khóa. Và chìa khóa của Hierophant không vừa với cái ổ khóa trêu ngươi đó.

Vẫn vậy, ta không nên nghĩ rằng giáo lý bên ngoài một tôn giáo không phục vụ một mục đích nào cho kẻ kiếm tìm. Giống như nền giáo dục chung, đây là một ví dụ đặc trưng, nó cho một cá thể một truyền thống vững chắc để sự phát triển cá nhân của anh ta hay cô ta bắt rễ. Hiện tượng phương Tây hiện đại về một loại thuyết thần bí chiết trung, một thứ lấy cảm hứng từ tất cả mọi tôn giáo, là một sự phát triển cực kỳ khác thường. Điều này dựa trên, có lẽ là, nhận thứ toàn cầu cộng thêm cái nhìn tôn giáo như một giai đoạn tâm lý tách biệt khỏi khoa học và lịch sử. Do đó chúng ta thấy tôn giáo như là một trải nghiệm hơn là một sự giải thích về vũ trụ và chấp nhận rằng tất cả các trải nghiệm tôn giáo đều đáng giá, mặc cho những mâu thuẫn chúng thể hiện trên bề mặt. Trong khi quan niemj này mở ra những khả năng to lớn, nhiều người đã lưu ý đến tính nông cạn tiềm tàng của nó. Sự thật là, qua nhiều thế kỷ, những điều huyền bí lớn vẫn luôn được kể từ tận sâu bên trong một truyền thống. Những người theo Qabalah là người Do Thái chính cống, Thomas à Kempis hoàn toàn là người theo đạo Thiên Chúa, còn những người theo đạo Xufi (Sufis – Hồi giáo mật tông) thì cúi chào Mecca cùng với những người Hồi giáo chính thống khác. Trong những khía cạnh tốt nhất, Hierophant (như một giáo lý bên ngoài) có thể cho chúng ta một nơi để tạo ra một sự nhận thức cá nhân về Chúa Trời.

Một khía cạnh xa hơn của những biểu tượng trên lá bài cũng đáng được chú ý. Vị trí của ba nhân vật (đó là, một hình người lớn chủ trì cho hai hình người nhỏ hơn ở mỗi bên) giới thiệu một mô-típ tự lặp lại, giống như hai cây cột của High Priestess, xuyên suốt bộ Ẩn Chính, và được giải quyết trong lá Judgement và lá World. Hai lá ngay sau lá chính số 5 cũng lặp lại mô-típ này, với thiên thần trên Lovers và người đánh xe của lá Chariot trên hai con nhân sư đen và trắng.

Chúng ta có thể thấy nhóm ba nhân vật này biểu trưng cho quan niệm về bộ ba, như là Chúa ba ngôi, hay ba hiện thân của tâm trí: bản năng/cái tôi/siêu kỷ (id/ego/super-ego) của Freud, hay vô thức/ý thức/siêu thức (unconsciuos/conscious/superconscious) theo ba dòng của bộ Ẩn chính. Để hiểu ý nghĩa của hình ảnh này ta phải quay lại với High Priestess. Nàng ngồi giữa hai cây cột biểu hiện cho tính nhị nguyên của cuộc sống. Chính nàng cũng tượng trưng cho một phía, Magician là phía bên kia. Hierophant kết nạp hai thầy tăng vào nhà thờ của ông. Do đó, chúng ta thấy rằng HierophantLoversChariot đều đại diện cho những nỗ lực trung hòa giữa các cực đối lập của cuộc sống và tìm một cách nào đó, không phải để giải quyết chúng, mà đơn giản là để giữ chúng cân bằng. Một học thuyết tôn giáo, với những giá trị đạo đức và giải thích của nó cho những câu hỏi cơ bản nhất của cuộc sống, chỉ làm thế thôi. Nếu chúng ta giao phó bản thân cho một Nhà thờ thì những mâu thuẫn của cuộc sống tất cả sẽ được trả lời, nhưng không được giải quyết.

Trong quẻ bài, lá bài này biểu thị cho Nhà thờ, các giáo lý và giáo dục nói chung. Về mặt tâm lý nó có thể cho thấy tính chính thống, sự tuân theo những quan niệm của xã hội về những giá trị hành vi, cũng như, ẩn sâu hơn, là một sự giao phó trách nhiệm. Emperor biểu trưng cho bản thân những quy tắc và quyền thực thi chính thức của chúng; Hierophant biểu thị trực giác bên trong của chính chúng ta về sự phục tùng. Đảo lại, lá bài mang nghĩa bất chính thống, đặc biệt là về tâm lý – hình thành những quan niệm riêng. Tuy nhiên, nó cũng có thể mang nghĩa sự cả tin và ý tưởng này làm gợi lên một phẩm chất khác của lá bài khi nó ở chiều xuôi. Một xã hội xây dựng truyền thống lý tính của nó qua hàng trăm năm. Những người chấp nhận truyền thống đó nhận từ nó một chuẩn mực để dựa vào đó mà đánh giá những ý tưởng mới và thông tin nhận được. Những người bài xích truyền thống phải tìm cho mình những hướng đi riêng và dễ bị lạc trong những quan niệm nông cạn. Có nhiều người đã từ bỏ những giáo điều áp đặt lên họ từ lúc ấu thơ và rơi vào một giáo điều mới, một giáo phái hay một nhóm chính trị cực đoan, cũng cứng nhắc như thế hay có lẽ còn nông cạn hơn. Khi từ bỏ truyền thống thì họ không thực sự từ bỏ Hierophant. Họ đã không chấp nhận trách nhiệm của việc thực sự tìm kiếm con đường cho riêng mình.



Lá Lovers

Trong số rất nhiều những thay đổi mà Arthur WaitePamela Smith thực hiện so với bản thảo Tarot truyền thống thì lá bài Lovers là lá ấn tượng nhất. Ở nơi mà bộ Tarot de Marseilles (ở trên bên phải) vẽ một chàng thanh niên bị mũi tên của Cupid nhắm phải và bị bắt phải chọn lựa giữa hai người phụ nữ, bộ Rider vẽ một người đàn ông trưởng thành và chỉ một người phụ nữ với một thiên thần chủ trì phía trên. Sâu xa hơn, trong khi hầu hết các bộ bài chỉ biểu thị một tình huống xã hội; hình ảnh bộ Rider rõ ràng là đề xuất ý tưởng về Vườn Địa Đàng, hay đúng hơn, một Vườn Địa Đàng Mới, với những cái cây mang đến sự khai sáng hơn là sự Sa Ngã.

Phiên bản trước của lá chính 6 đôi khi mang tên “Sự Chọn Lựa” (The Choice), và trong quẻ bài tiên tri nó có nghĩa là một lựa chọn quan trọng giữa hai niềm khao khát. Bởi vì một người phụ nữ tóc vàng còn người kia tóc đen, một biểu tượng truyền thống ở châu Âu nơi mà màu đen luôn luôn biểu thị cho những điều xấu xa và phụ nữ nói chung biểu thị cho sự cám dỗ, đây được xem là lựa chọn giữa một thứ đáng tôn trọng nhưng có vẻ tẻ nhạt và một thứ được khát khao tha thiết nhưng lại không đứng đắn về đạo đức. Lá bài cũng có thể quy cho một lựa chọn nhỏ hơn hay thậm chí là một cuộc khủng hoảng lớn trong đời một người. Ngày nay ta thấy biểu tượng cổ này trong nhiều tiểu thuyết và phim ảnh nói về những người đàn ông trung niên, trung lưu cố gắng từ bỏ người vợ yêu quý nhưng chán ngắt của mình để đến với những người phụ nữ trẻ hơn “cuồng nhiệt hơn”.

Thực sự thì lựa chọn này có thể mở rộng đến cả đời người. Ngay cả những người chưa bao giờ nghi hoặc về những ranh giới đạo đức của địa vị trung lưu của họ cũng phải lựa chọn như một tên tội phạm chung thân. Và có nhiều người bên ngoài sống một cuộc đời được xã hội chấp nhận nhưng bên trong thì đấu tranh chống lại những dằn vặt khôn nguôi của những ước ao, đấu tranh với những thôi thúc muốn ngoại tình, hay bạo lực, hay đơn giản là một mong muốn rời nhà và trở thành một lữ khách lang thang vô định.

Ở cấp độ huyền bí, sự lựa chọn giữa hai người phụ nữ tóc vàng và tóc đen biểu thị cho sự lựa chọn giữa con đường bên ngoài (biểu trưng trong bộ Rider bằng Hierophant), nơi cuộc sống nằm ngoài tầm của bạn, và con đường bên trong của những nhà huyền bí, con đường có thể dẫn đến một cuộc chạm trán với những khao khát thầm kín của bạn. Nhà thờ cho những pháp sư là những kẻ thờ phụng quỷ, và trong những phúng dụ Thiên Chúa giáo thì người phụ nữ tóc đen thường đại diện cho Satan.

Những nghĩa này đều xem xét sự lựa chọn giữa ánh sáng và bóng tối trong những những giới hạn rộng nhất có thể. Trong bối cảnh của dòng đầu tiên của các lá chính ta có thể thấy điều này trong một cách thức đặc biệt hơn, đó là sự lựa chọn thực sự đầu tiên mà một người thực hiện một cách độc lập với cha mẹ anh ta hay cô ta. Đến khi những thôi thúc tình dục tự khuấy động thì hầu hết mọi người đều hài lòng với việc hành động khác với những gì cha mẹ trông mong ở họ. Thôi thúc tình dục, tuy nhiên, lại chỉ cho ta thấy nơi mà muốn đi. Kết quả là ta cũng bắt đầu phá vỡ cả những lĩnh vực khác. Rất hiếm khi người bạn đời mà cha mẹ chọn cho ta là người mà ta sẽ tự chọn cho mình. Nếu sự khác biệt quá lớn, hoặc cha mẹ quản lý quá gắt gao, thì người ta có thể phải đối mặt với một lựa chọn đau đớn.



Paul Douglas từng nhận xét rằng người phụ nữ tóc đen, người có vẻ già hơn nhiều, là mẹ của cậu bé, và sự lựa chọn là núp dưới sự che chở của bà hay tự xoay sở một mình. Những người tin rằng, gồm cả Freud, khao khát đầu tiên của một cậu bé là hướng thẳng về phía mẹ của cậu sẽ thấy ở đây một tình thế lưỡng nan dạng phức cảm Ơ-đíp cổ điển (a classic Oedipal dilemma). Một phần con người ao ước duy trì cuộc sống kỳ ảo ẩn giấu của sự thống nhất với người mẹ, trong khi phần kia ao ước tìm thấy một tình yêu đích thực trong thực tế cùng thế hệ với mình. Nhưng chúng ta không phải chấp nhận thuyết của Freud để thấy được một ngụ ý rộng hơn của lựa chọn này. Cho dù cậu bé có thầm khao khát mẹ mình hay không, cuộc sống dưới sự bảo vệ của cha mẹ cũng an toàn và thoải mái. Nhưng cậu ấy (hoặc cô ấy, vì những cô bé cơ bản đối mặt với cùng nhữn câu hỏi, dù đôi lúc trong những dạng thức khác) có thể không bao giờ trở thành một cá nhân độc lập thực sự nếu không tách ra. Và không có gì biểu thị điều này mạnh mẽ hơn là tình dục.

Do đó, phiên bản truyền thống của lá chính 6 đại diện cho thời thanh niên. Không chỉ vấn đề tình dục nổi lên trong thời này mà còn là sự độc lập lý tính và đạo đức. Lá bài 3, 4 và 5 đại diện cho chúng ta khi được định hình bởi những sức mạnh lớn lao của tự nhiên, xã hội và cha mẹ. Trong lá 6 tính cá nhân trỗi dậy, một cá thể thực sự với những quan niệm và mục đích riêng, có khả năng đưa ra những lựa chọn quan trọng dựa trên, không chỉ những sắp đặt của cha mẹ, mà còn những thẩm định riêng của khao khát và trách nhiệm.

Những ý nghĩa này thuộc về cấu trúc truyền thống của lá bài. Trong phác thảo của phiên bản riêng của mình cho lá Lovers, Waite nhắm đến một vấn đề khác. Rốt cuộc thì tình dục và tình yêu có chức năng gì trong cuộc đời một con người? Và những ý nghĩa sâu xa nào ta có thể tìm thấy trong tình huống hai người hòa chung con tim và cơ thể họ? Waite gọi bức hình của ông là “lá bài tình yêu của nhân loại, ở đây được bày ra như một phần của con đường, của chân lý, của cuộc sống”.

Xu hướng tình dục đưa ta thoát khỏi sự cô lập. Nó buộc ta lập những mối quan hệ sinh động với người khác, rồi cuối cùng mở đường cho tình yêu. Thông qua tình yêu ta không chỉ đạt được một sự thống nhất với ai đó khác mà ta còn được cho một gợi ý về những ý nghĩa vĩ đại hơn và tầm quan trọng sâu xa hơn của cuộc sống. Trong tình yêu ta từ bỏ phần cái tôi điều khiển đã cô lập ta không chỉ với người khác mà còn với bản thân cuộc sống. Do đó thiên thần xuất hiện bên trên đầu người đàn ông và người phụ nữ, một hình ảnh không thể đạt được của cá nhân mỗi người, nhưng được cả hai thoáng nhìn qua.

Tôn giáo, triết học và nghệ thuật đã luôn chộp lấy biểu tượng nam giới và nữ giới như những biểu trưng cho tính nhị nguyên. Chúng ta đã thấy quan niệm này phản ánh trong lá Magician và lá High Priestess, cũng như lá Empress và lá Emperor. Tính biểu tượng ở đây được củng cố bởi sự thật rằng Cây Sự Sống, thứ với nó Magician giống như những ngọn lửa, đứng phía sau người nam, trong khi Cây Trí Tuệ (Tree of Knowledge), được rắn (biểu tượng không phải của sự xấu xa mà là của sự thông thái tiềm ẩn) quấn quanh đứng sau người nữ. Thiên thần thống nhất hai nguyên lý này. Trong những chủ trương truyền thống thì nam và nữ được giữ để chứa, bên trong cơ thể họ, những nguyên lý sống tách biệt. Thông qua tình yêu của cơ thể những nguyên lý này nhập lại với nhau.

Tuy nhiên, những nhà huyền học luôn nhận thấy những yếu tố này ngay bên trong bản thân mỗi người. Ngày nay ta nghe nhiều người nói rằng tất cả mọi người chứa đựng cả những phẩm chất nam và nữ; tuy nhiên, thường thì họ quy đến những quan niệm mập mờ của hành vi xã hội, như tính nóng nảy và tính dịu dàng. Khi nam giới và nữ giới được xem như đối lập tại những tính chất sâu thẳm nhất của họ thì quan điểm của những nhà huyền học triệt để hơn nhiều. Một cách để mô tả mục tiêu của bộ Ẩn Chính là nói rằng nó gợi ra và thống nhất các nguyên lý nam và nữ. Do đó, trong nhiều bộ bài, người nhảy múa trong lá World là một người lưỡng tính.

Theo những người theo Qabalah và các nhà triết học kỳ bí (Hermetic philosopher) tất cả nhân loại (và tất nhiên, cả Thượng Đế) gốc đều là lưỡng tính; nam giới và nữ giới bị tách biệt chỉ là một hậu quả của sự Sa Ngã. Bởi vậy, ở mức xa hơn, mỗi người chúng ta đều chỉ có một nửa con người và chỉ qua tình yêu ta mới cá thể tìm thấy cảm giác thống nhất.

Ta thấy quan niệm tương tự ở Plato, nhưng với một biến tấu thú vị. Một trong những thần thoại Platon (Platonic myth) phát biểu rằng nhân loại gốc là những sinh vật đôi, nhưng có ba loại: nam-nữ, nam-nam và nữ-nữ. Tin rằng nhân loại ấy chiếm quá nhiều quyền năng nên Zeus liền tách họ ra với một lưỡi tầm sét, và nay mỗi người chúng ta đang tìm kiếm nửa kia của mình. Đối lập với thần thoại của Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo câu chuyện của Plato đưa ra một thực tế công bằng cho người đồng tính. Điều này nhắc nhở chúng ta sự nguy hiểm trong những diễn giải biểu tượng quá dễ dãi xem nam và nữ như những mặt đối lập cơ bản. MagicianHigh Priestess được hòa vào nhau một cách tinh tế trong mỗi chúng ta. Và thiên thần có thể được bất cứ hai kẻ yêu nhau nào triệu gọi. Vấn đề không phải là vai trò mà là thực tế của sự thống nhất.

Trong những diễn giải thông thường của Thiên Chúa giáo thì Eve Sáng thế (Genesis Eve) chịu một tội lỗi nặng nề hơn, không chỉ vì bà là người đầu tiên mà còn vì khoái lạc của bà đã quyến rũ Adam sa ngã. Đàn ông được cho là bị chế ngự bởi lý trí và phụ nữ là bởi những khát khao. Sự phân chia này dẫn đến việc một vài người theo Thiên Chúa giáo tuyên bố rằng phụ nữ không có linh hồn. Tuy nhiên, cả câu chuyện thần thoại về sự Sa Ngã, với những nhấn mạnh lên sự bất tuân và trừng phạt, thực sự có ý phục vụ cho một giá trị đạo đức có tính trấn áp. Những khoái cảm nhục dục được xem là nguy hiểm cho xã hội và do đó phải kiểm soát chúng. Như Joseph Campbell đã chỉ ra trong Những tấm mặt nạ của Thượng Đế (The Masks of God) rằng những tín ngưỡng sùng bái nữ thần cổ xưa của người Palestine chứa một kịch bản tương tự về một chú rắn, một Cây Sự Sống và một quả táo. Nhưng trong câu chuyện cổ này, người được khai tâm được một nữ thần ban cho một quả táo cho phép anh ta đi vào thiên đàng, chứ không phải là nguyên nhân khiến anh ta bị trục xuất. Người Hebrew cổ đã đảo ngược thần thoại, một phần như một cách quy kết các tôn giáo cũ là xấu xa, nhưng cũng vì họ, như những người Babylon, xem những cách thức cũ là “gớm ghiếc”.

Tarot, tuy nhiên, là con đường giải phóng. Nỗi sợ mà Jahweh biểu lộ, rằng nhân loại “sẽ trở nên giống chúng ta”, chính là mục đích của Tarot – hoàn toàn làm bật ra tia sáng thần thánh trong chúng ta và thống nhất nó với cái tôi nhận thức của ta, để chấm dứt tính hai mặt của Thượng Đế và loài người và gộp chúng làm một. Do đó, dù nó chứa nhiều biểu tượng giống như sách Sáng Thế, lá Lovers của bộ Rider đảo ý nghĩa lại một cách triệt để.

Hãy chú ý rằng trong khi người đàn ông nhìn vào người phụ nữ, người phụ nữ lại nhìn về phía thiên thần. Nếu nam giới chắc chắn là lý trí, thì sự hợp lý chỉ có thể vươn ra ngoài những giới hạn của nó qua trung gian là những đam mê. Bởi những tính chất của nó, lý trí điều khiển và chứa đựng trong khi đam mê có xu hướng phá vỡ mọi giới hạn. Truyền thống của chúng ta đã khiến cơ thể và tư duy trở nên xa lạ với nhau. Tarot dạy chúng ta rằng ta phải thống nhất chúng (một ngọn núi đơn độc mọc lên giữa hai kẻ yêu nhau) và rằng đó không phải quyền lực kiểm soát của lý trí là thứ đẩy các giác quan lên một tầm mức cao hơn, mà là thứ đối lập với nó.

Ta có thể thấy điều này trực tiếp trong các thuật ngữ tâm lý học. Hầu hết mọi người bị trói buộc bên trong cái tôi của họ hoặc những tấm mặt nạ mà họ trưng ra cho thế giới thấy. Nhưng nếu họ có thể giao phó cho đam mê tình dục, họ có thể, ít nhất trong một lúc, vượt qua được sự cô lập của bản thân. Nhưng ai không thể thả lỏng cái tôi, thậm chí chỉ trong một chốc lát, sẽ lạm dụng tình dục và bị nó lạm dụng. Tình dục trở thành một công cụ để chiếm lấy quyền lực đối với ai đó, nhưng không bao giờ thỏa mãn. Khi một người từ bỏ ham muốn thể xác để buông thả chính nó với một ai khác thì kết quả sẽ là những muộn phiền. Thiên thần đã bị chối bỏ.

Cùng lúc, chỉ riêng những đam mê thì không thể mang ta đến với thiên thần. Chúng cần được dẫn đường bởi lý trí cũng như lý trí cần đam mê để giải phóng. Những ai đơn giản là đi đến bất cứ nơi nào những khao khát của họ đưa họ đến thì thường bị ném từ trải nghiệm này đến trải nghiệm khác.



Paul Foster Case đặt tên cho thiên thần là Raphael, người làm chủ siêu thức. Điều này đưa ta quay lại với tư duy ba ngôi một thể; ở đây ta học được rằng ba cấp độ của tâm trí không bị chia tách hay cô lập như ba tầng của một ngôi nhà, mà rằng siêu thức thực ra là một sản phẩm của ý thức và tiềm thức kết hợp với nhau. Con đường nhỏ nằm dọc theo tiềm thức vì đó là nơi chúng ta tìm thấy nguồn sống thực sự. Một phần của sự chuyển hóa này nằm trong ý thức, thứ cho nguồn năng lượng kia hình hài, phương hướng và ý nghĩa.

Nếu trong mô-típ ba bên hai hình ảnh bên dưới đại diện cho những mặt đối lập của cuộc sống, trong khi hình ảnh lớn ở trên biểu trưng cho một sức mạnh trung hòa giữa chúng, thì trong lá chính 6 nhân tố trung hòa chính là tình yêu nhục dục. Khi ta giao phó cho nó ta sẽ trải nghiệm một gợi ý về thứ còn vĩ đại hơn bản thân ta. Chỉ là một gợi ý lờ mờ, và chỉ trong một khoảnh khắc; sự giải phóng thực sự đòi hỏi đến cuối cùng một giao kết to lớn hơn là niềm đam mê. Nhưng tình yêu có thể giúp ta nhìn thấy con đường, và biết chút ít về niềm vui sướng chờ ta ở cuối con đường đó. Một số những người thần bí, điển hình là Thánh Teresa, đã mô tả sự thống nhất với Chúa trong những khoảnh khắc ngất ngây thể xác.

Những ý nghĩa tiên trí của hình ảnh của Waite-Smith là hãy cởi mở. Chúng quy đến tầm quan trọng của tình yêu trong đời người và đến một tình yêu đặc biệt; rất thường thấy là hôn nhân hay một mối quan hệ dài lâu. Lá bài hàm ý rằng một mối quan hệ đặc biệt đã hoặc sẽ chứng minh nó rất giá trị với một người, dẫn dắt anh ta hoặc cô ta đến một thấu hiểu mới về cuộc đời. Nếu một vài vấn đề đặc biệt hiện lên trong quẻ bài thì lá Lovers biểu thị sự giúp đỡ theo một cách nào đó, cả kiểu đặc biệt thông qua trợ giúp của người yêu lẫn qua những ủng hộ về mặt cảm xúc. Nhưng điều này không phải bao giờ cũng đúng. Lovers, trong vị trí của quá khứ, đặc biệt là trong quan hệ với những lá bài biểu thị một sự từ chối nhìn vào tình thế thực tại, có thể biểu thị niềm luyến tiếc bất ổn đối với cuộc tình đã mất.

Những lá bài trước đều đại diện cho những nguyên mẫu. Khi ta đảo ngược chúng ta sẽ thêm những yếu tố còn thiếu vào. Nhưng ở đây tính cá nhân đã trội hơn và giờ thì nghĩa ngược thể hiện sự yếu đuối và trì trệ. Đầu tiên nó là một tình yêu tiêu cực, đặc biệt là trong một cuộc hôn nhân tồi tệ. Nó có thể quy đến những vấn đề lãng mạn hay tình dục đã chi phối cuộc đời một người, cả từ những khó khăn gặp phải với một người cụ thể lẫn bởi một người thấy chuyện yêu đương đơn giản chỉ là một vấn đề lớn. Bởi vì bức tranh của Waite-Smith biểu thị một tình yêu trưởng thành, và hình ảnh truyền thống thể hiện quá trình của một chọn lựa thời son trẻ, nên cả hai phiên bản đảo ngược đều biểu thị một sự non nớt về tình cảm; thời thanh niên kéo dài khiến vài người rơi vào những ảo tưởng ngây ngô một thời gian dài sau khi cơ thể họ đã trưởng thành trọn vẹn.



Lá Chariot

Những phiên bản cũ của lá này vẽ Chariot được kéo bởi hai con ngựa chứ không phải hai con nhân sư bắt nguồn từ một số những nguồn lịch sử và thần thoại. Căn bản nó ra đời từ đám rước những người anh hùng chinh chiến tổ chức ở Rome và những nơi khác, khi cỗ xe ngựa chở anh ta qua những con phố chật đầy dân chúng đang hò reo chào đón. Phong tục này rõ ràng là câu trả lời cho nhu cầu tâm lý sâu xa của đám đông tham gia. Chúng ta vẫn tổ chức hoạt động này ngày nay, như hai ngàn năm trước, trong những cuộc diễu hành cho tổng thống, tướng tá và phi hành gia với xe hòm mui trần thay cho xe ngựa.

Chariot mang nhiều ý nghĩa hơn là một chiến thắng vĩ đại. Để lái được xe hai ngựa với tốc độ cao đòi hỏi một sự kiểm soát hoàn toàn đối với hai con thú; hoạt động được dùng như một phương tiện hoàn hảo cho ý chí mạnh mẽ. Plato, trong cuốn Phaedrus, cho rằng tinh thần là một cỗ xe được khéo bởi hai con ngựa đen và trắng, một hình ảnh chính xác của Tarot.

Một thần thoại Ấn Độ giáo kể chuyện thần Shiva phá hủy một thành phố ba phần của lũ quỷ. Để làm vậy ngài đòi hỏi tất cả mọi sinh vật đều tuân phục ý chí của ngài. Những vị thần đã chế tạo một cỗ xe cho Shiva, không chỉ dùng bản thân họ mà cả thiên giới và địa giới làm vật liệu. Mặt trời và mặt trăng trở thành bánh xe và những ngọn gió trở thành ngựa. (Biểu tượng ở trước cỗ xe Tarot, trông giống một cái đai ốc và bu-lông, hoặc một bánh xe và trục xe, được gọi là lingamyoni, tượng trưng cho Shiva, nguyên tố nam tính, và Parvati, nguyên tố nữ tính, thống nhất thành một thể). Thông qua các hình ảnh thần thoại chúng ta học được rằng chiến thắng tinh thần trước những xấu xa sẽ đến khi ta có thể tập trung được toàn bộ của tự nhiên, cũng như sức mạnh vô thức biểu hiện trong chính Shiva, qua ý chí chủ động.

Hai câu chuyện này thể hiện hai khía cạnh khác nhau trong quan niệm về ý chí. Câu chuyện về Shiva nói về chiến thắng thực sự, ở đó tinh thần đã tìm được một điểm tụ để giải phóng tất cả sức mạnh của nó. Nhưng cuốn Phaedrus cho chúng ta một hình ảnh về cái tôi chiến thắng, thứ kiểm soát chứ không giải quyết những xung đột cơ bản của cuộc sống. Những nhà diễn giải Tarot nào xem những lá bài là tập hợp những hình ảnh riêng biệt, mỗi lá góp vài bài học quan trọng cho sự thấu hiểu tinh thần của chúng ta, có xu hướng xem lá Chariot với nghĩa rộng hơn của nó. Họ chỉ ra rằng tên gọi Qabalah dành cho số 7, với tất cả những ý nghĩa huyền bí của nó, là “Chiến thắng” (Victory).

Ở nhiều nơi, đặc biệt là Ấn Độ, ngựa được gán với với cái chết và đám tang. Khi chế độ phụ hệ bãi bỏ nghi thức hiến tế nhà vua, họ giết một con ngựa thay vào. Hiến tế ngựa trở thành sự hiến tế linh thiêng nhất, được gán cho sự bất tử. Ngay cả ngày nay, ngựa vẫn dùng để kéo quan tài của những lãnh đạo vĩ đại. (Người ta thấy có một điểm tiếp nối kỳ lạ giữa hai khía cạnh của lá Chariot trong cái chết của John Kennedy. Ông bị giết trên chiếc limousine trong một cuộc diễu hành, và sau đó thì một con ngựa – đã chống lại lệnh người huấn luyện – đã kéo chiếc quan tài của ông trong tang lễ). Những kết nối này cho thấy quan niệm về sự chiến thắng của linh hồn vượt lên trên cái chết.

Khi ta nhìn vào những lá bài theo chuỗi, ta thấy rằng 7 chỉ là chiến thắng ở dòng đầu tiên của bộ Ẩn chính. Nó là phần thưởng cho quá trình trưởng thành của dòng đó, nhưng chỉ bằng những tất yếu thì nó không thể nhắm đến những lĩnh vực vĩ đại của vô thức và siêu thức. Thấy được con đường này, lá Chariot chỉ cho chúng ta thấy cái tôi đã phát triển; những bài học của các lá bài đầu tiên đã được tiếp thu, giai đoạn thời trẻ của những tìm kiếm và kiến tạo bản thân đã qua, và giờ đây chúng ta thấy một người lớn trưởng thành, thành công trong cuộc sống, được người khác ngưỡng mộ, tự tin và hài lòng với chính mình, có thể điều khiển tình cảm, và trên hết, có thể định hướng ý chí.

Giống như Magician, Người Đánh Xe cũng cầm một cây gậy phép. Không như Magician, anh ta không nâng nó lên trên đầu chỉ tới thiên đường. Sức mạnh của anh tuân phục ý chí của anh. Hai tay anh không cầm sợ dây cương nào. Riêng tính cách mạnh mẽ của anh đã kiểm soát những sức mạnh đối lập trong cuộc sống.



Lingamyoni biểu thị cho tính dục trưởng thành nằm dưới sự kiểm soát của anh. Do đó anh không phải là nạn nhân của những cảm xúc của mình và bản năng tình dục của anh góp phần vào một cuộc sống đầy thỏa mãn. Hình vuông phát sáng trên ngực anh, một biểu tượng của tự nhiên sôi động, nối anh với thế giới khoái lạc của Empress, nhưng ngôi sao tám cánh trên vương miện anh cho thấy năng lượng tinh thần của anh định hướng cho những đam mê (những nhà biểu tượng học xem ngôi sao tám cánh là lưng chừng giữa hình vuông của thế giới vật chất và vòng tròn của tinh thần. Hình khối cỗ xe lớn hơn thị trấn phía sau biểu thị rằng ý chí của anh còn mạnh mẽ hơn cả những nguyên tắc của xã hội. Tuy nhiên, việc chiếc xe của anh đang không chuyển động cho thấy rằng anh ta không phải là một kẻ nổi loạn. Những chiếc bánh xe nằm trên nước, thể hiện rằng anh rút năng lượng từ vô thức, dù bản thân cỗ xe lại nằm trên đất, tách anh ta khỏi sự tiếp xúc trực tiếp với sức mạnh vĩ đại.

Chúng ta đã đề cập đến biểu tượng tính dục lingamyoni. Trong lúc thần thoại Ấn giáo kết nối ngựa với cái chết, mộng tượng của Freud kết nối chúng với năng lượng tính dục của dục tình. Bằng cách điều khiển những con ngựa (hoặc nhân sư) Người Đánh Xe điều khiển những ham muốn bản năng của mình.

Nhiều dấu hiệu phép thuật tô điểm cho cơ thể anh ta. Váy anh mang những biểu tượng của phép thuật nghi lễ, thắt lưng thể hiện các dấu hiệu và các hành tinh. Hai khuôn mặt hình mặt trăng trên vai anh được đặt tên là “UrinThummim”, hai cầu vai được cho là của những Tư Tế ở Jerusalem và do đó gợi hình ảnh Hierophant. Cùng lúc mảnh trăng cũng quy đến High Priestess. Cũng chú ý rằng tấm vải phía sau cỗ xe gợi đến tấm màn của High Priestess; anh đã đặt bí ẩn của tiềm thức phía sau mình.

Do đó, ta thấy trong biểu tượng của lá Chariot tất cả những lá bài trước đó của dòng đầu tiên. Gậy phép và những biểu tượng biểu thị Magician, nước, nhân sư và tấm màn biểu thị High Priestess, hình vuông và đất xanh biểu trưng cho Empress, thành phố biểu tượng cho Emperor, cầu vai biểu trưng cho Hierophant, và lingamyoni biểu tưng cho Lovers. Tất cả những thế lực đó góp phần cho nhân cách bên ngoài.

Tuy nhiên – hãy quan sát lá Chariot với những phẩm chất giống như đá của nó. Hãy quan sát bản thân người đánh xe hòa nhập vào cỗ xe đá của anh ta. Tinh thần dâng hiến mọi thứ cho nhận thức sẽ phát sinh nguy cơ trở nên cứng nhắc, cắt đứt đi những thế lực nó đã học cách kiểm soát. Cũng hãy quan sát rằng hai con nhân sư đen và trắng không hòa thuận với nhau. Chúng nhìn theo hai hướng đối lập. Ý chí của người đánh xe giữ chúng trong thế cân bằng căng thẳng. Nếu ý chí này sụp đổ, Chariot và người lái nó sẽ bị xé ra.

Paul Douglas đã so sánh Chariot với quan niệm của Jung về “diện mạo cá nhân”. Khi ta lớn lên ta tạo ra một loại mặt nạ để đối phó với thế giới bên ngoài. Nếu ta đối phó thành công với vô vàn những thử thách của cuộc sống, thì những khía cạnh khác nhau biểu trưng bởi những lá bài khác sẽ trở nên hòa hợp với cái mặt nạ-cái tôi này. Nhưng ta cũng có thể dễ dàng nhập nhằng phần thành công này với bản ngã thực sự, thậm chí đến mức nếu ta cố loại bỏ chiếc mặt nạ này ta sẽ sợ hãi sự mất đi nó như một kiểu tử vong. Đây là lý do tại sao dòng thứ hai của bộ Ẩn chính, dòng làm việc chủ yếu với sự giải phóng bản thân khỏi những chiếc mặt nạ bên ngoài của nó, đặt lá Death ngay cạnh lá cuối cùng.

Cho đến nay chúng ta đã xem Chariot như một tượng trưng cho sự trưởng thành cá nhân. Nhưng quan niệm về ý chí con người còn mở rộng ra bên ngoài cá nhân. Với những hình ảnh tinh thần chinh phục và tận dụng những thế lực của cuộc sống lá Chariot là một biểu tượng hoàn hảo cho nền văn minh, thứ tạo nên trật tự từ hỗn mang của tự nhiên bằng cách sử dụng thế giới tự nhiên như một thứ nguyên liệu thô cho nền nông nghiệp và những thành thị của nó. Một trong những ý nghĩa theo Qabalah trọng yếu dành cho lá bài này đã mở rộng quan niệm ấy. Bằng sự kết nối của nó với ký tự Hebrew “Ian”Chariot mang phẩm chất của “nói” (speech). Khả năng nói luôn có ý nghĩa với loài người để thể hiện lý trí và sự thống trị của nó đối với tự nhiên. Cho đến khi ta biết chỉ riêng loài người có ngôn từ (dù tinh tinh cho thấy chúng có khả năng học ngôn ngữ dấu hiệu của loài người, và cá voi cùng cá heo có thể có những ngôn ngữ đã phát triển của riêng giống loài chúng), ta có thể nói rằng khả năng nói tách chúng ta khỏi động vật. Adam chiếm được quyền kiểm soát đối với các quái thú ở vườn địa đàng bằng cách nói lên tên chúng. Quan trọng nhất, loài người dùng ngôn ngữ để truyền thông tin cho phép nền văn minh tiếp tục.

Tuy nhiên, cũng như cái tôi có giới hạn, khả năng nói cũng vậy. Trước nhất, khả năng nói giới hạn trải nghiệm thực tế của chúng ta. Bằng cách lập một miêu tả về thế giới, bằng cách dán nhãn mọi thứ, chúng ta dựng nên một rào chắn giữa chúng ta và trải nghiệm. Khi chúng ta nhìn một cái cây, chúng ta không thể cảm thấy tác động của các cơ quan sống; đúng hơn, ta chỉ nghĩ “cây” và đi tiếp. Cái nhãn đã thay thế bản thân vật thể. Cũng bởi phụ thuộc quá nhiều lên tính chất lý tính này của ngôn ngữ chúng ta đã phớt lờ những trải nghiệm không thể diễn tả bằng lời. Chúng ta đã thấy High Priestess biểu thị sự minh triết thuộc về trực giác bên ngoài ngôn ngữ như thế nào. Những trải nghiệm cụ thể, đặc biệt là sự thống nhất kỳ diệu với tinh thần, không thể mô tả được. Ngôn ngữ chỉ có thể gợi ý về chúng với những ẩn dụ và những câu chuyện kể. Những người dựa hoàn toàn vào ngôn từ thậm chí đã đi quá xa khi khăng khăng ràng những trải nghiệm không nói nên lời, hoặc những trải nghiệm không thể cân đo đong đếm bằng những kiểm tra tâm lý, thì không tồn tại. Đây đơn giản là vì chúng không thể được miêu tả một cách khoa học. Những võ đoán như vậy nhận biểu tượng hoàn hảo của nó trong sự gắn liền của người đánh xe với cỗ xe đá của anh ta.

Cho đên nay chúng ta đã xem xét mọi biểu tượng trong bức tranh ngoại trừ, có lẽ là, biểu tượng rõ ràng nhất: hai con nhân sư. Waite mượn cách tân này từ Eliphas Lévi, người tiên phong vĩ đại của Tarot theo Qabalah (Qabalistic Tarot). Giống nhưng hai cây cột của High Priestess, hoặc hai con ngựa đen và trắng mà chúng thay thế, các nhân sư biểu thị tính nhị nguyên và những mặt đối lập của cuộc sống. Một lần nữa, ta thấy mô-típ ba bên. Ở đây thế lực trung hòa là sức mạnh ý chí.

Việc dùng nhân sư thay vì ngựa cho thấy một vài ý nghĩa sâu xa hơn. Nhân sư trong huyền thoại Hy Lạp là một người ra câu đố, đại diện điều bí ẩn của cuộc sống đối với con người ở Thebes. Thần thoại kể với ta rằng con nhân sư bắt những thanh niên trong thành phố và hỏi họ câu hỏi sau: “Sinh vật nào buổi sáng đi bốn chân, buổi trưa đi hai chân và buổi tối đi ba chân?” Nhưng ai không thể trả lời sẽ bị xé xác. Lúc bấy giờ, câu trả lời là “con người” kẻ bò khi còn còn thơ bé, đi thẳng khi là người lớn và dùng một cây gậy chống khi tuổi già. Ngụ ý rất rõ ràng. Nếu anh không hiểu tính người cơ bản của anh, với những điểm mạnh và điểm yếu của nó thì cuộc sống sẽ phá hủy anh. Lá Chariot biểu trưng cho sự trưởng thành, chấp nhận những giới hạn của cuộc sống, cộng thêm khả năng nói, đó là sự thấu hiểu lý tính, thứ được dùng để định nghĩa sự tồn tại và do đó để kiểm soát nó.

Nhưng một ý nghĩa sâu xa hơn ẩn náu ở đây. Người đã trả lời câu đố của nhân sư là Oedius, người đã đến Thebes sau khi giết cha mình. Sự nhấn mạnh của Freud lên sự loạn luân làm tập trung chệch khỏi thông điệp sâu xa trong câu chuyện về Oedipus. Oedius là hình ảnh hoàn hảo của một người thành công. Anh ta không chỉ cứu Thebes khỏi một mối họa và trở thành vua của thành phố mà còn làm được vậy là nhờ thấu hiểu của anh về cuộc sống. Anh biết con người là gì. Tuy nhiên anh không tự biết chính mình. Thực thể bên trong của chính anh ta vẫn đóng cho đến khi những vị thần buộc anh ta đối mặt với nó. Và các thần thực sự đã ép buộc anh. Nếu ban đầu lời sấm không được nói với cha anh và rồi với anh thì Oedius có lẽ sẽ không bao giờ những việc anh đã làm. Do đó, dù anh có hiểu ý nghĩa bên ngoài về cuộc đời một người nhưng anh không hiểu anh thực sự là ai lẫn mối liên hệ của anh với những vị thần đã kiểm soát đời anh. Và hai vấn đề này chính xác là những mối quan tâm của dòng thứ hai và dòng thứ ba của bộ Ẩn chính. Ở dòng thứ hai chúng ta vượt ra ngoài cái tôi để tìm thấy bản chất thật. Ở dòng thứ ba chúng ta công khai giải quyết những thế lực nguyên bản của sự tồn tại và cuối cùng chạm đến sự hòa nhập hoàn toàn của những mặt lưỡng lập mà người đánh xe có thể thống trị nhưng không bao giờ có thể hòa hợp.

Ý nghĩa tiên tri của lá Chariot bắt nguồn từ ý chí mạnh mẽ của nó. Trong quẻ bài lá bài này biểu thị một người kiểm soát thành công một vài tình huống qua sức mạnh tính cách của anh ấy hay cô ấy. Lá bài ngụ ý rằng một tình huống chứa đựng những mặt đối lập và rằng những mặt này không được mang đến với nhau mà chỉ đơn giản là được giữ dưới tầm kiểm soát. Khi ở chiều thuận lá Chariot cơ bản mang nghĩa thành công; tính cá nhân đảm nhiệm thế giới quanh nó. Nếu nó xuất hiện ở kết quả của quẻ bài giải quyết những vấn đề thì nó cho thấy chiến thắng.

Xoay ngược lại, những đối lập vốn có của lá bài nhận được một sức mạnh to lớn hơn. Chariot lộn ngược ngụ ý rằng sự tiếp cận đến sức mạnh ý chí chứng tỏ là không thành, và một tình huống đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Nếu người này không tìm được một cách tiếp cận khác đến những khó khăn thì anh ta hoặc cô ta sẽ đối mặt với thảm kịch. Chỉ riêng sức mạnh ý chí không thể lúc nào cũng chống đỡ chúng ta. Giống như Oedius chúng ta đôi lúc phải học cách giao phó cho thần linh vậy.



Chương 5

Quay vào bên trong

Tìm kiếm tự ngã nhận/tri ngã tự thân/tự tri (Self-knowledge)

Ở dòng thứ hai của bộ Ẩn chính chúng ta đi từ thế giới bên ngoài và những thử thách của nó vào nội ngã. Những đối lập ẩn trong hình ảnh mạnh mẽ của lá Chariot giờ đây phải được đối mặt một cách công khai. Chiếc mặt nạ của cái tôi phải chết.

Nghe thì có vẻ kịch tính chứ tình huống này thực ra rất bình thường, nếu như không phải trong thực tiễn thì cũng ít nhất là trong nhu cầu. Việc tự vấn và tìm kiếm bản thân lâu nay được xem là những đặc trưng của tuổi trung niên. Khi người ta còn trẻ, họ quan tâm chủ yếu đến chiến thắng đối với những thế lực của cuộc sống, tìm lấy một người bạn đồng hành và đạt được thành công. Tuy nhiên, khi đã tìm được thành công, người ta có thể thắc mắc về giá trị của nó. Câu hỏi “Tôi là ai bên dưới tất cả những gì tôi có, bên dưới tất cả những hình ảnh mà tôi thể hiện cho người khác thấy?” ngày một trở nên quan trọng hơn. Ngày nay, nhiều người trẻ không chờ đến tuổi trung niên thành đạt để hỏi những điều này. Một đặc điểm của thời đại chúng ta là niềm khao khát một cuộc sống có ý nghĩa, có cốt lõi bên trong. Và ngày càng nhiều người quyết định rằng nơi đầu tiên để tìm kiếm ý nghĩa này là bên trong chính họ.

Quan niệm này, thực tế chỉ là một nửa chân lý. Magician dạy chúng ta rằng, cũng như các sinh vật sống khác, chúng ta chỉ tìm thấy thực tiễn trong mối liên kết với thế giới bên ngoài; chân lý nội tại của High Priestess là một tiềm năng và phải được biểu lộ thông qua ý thức của Magician. Nhưng chỉ cần chiếc mặt nạ, những thói quen và thành lũy ngăn ta khỏi sự tự tri thì chúng ta sẽ không bao giờ biết tại sao mình hành động, rồi tất cả mọi thứ ta làm vẫn là vô nghĩa. Dòng nước giữa MagicianHigh Priestess phải được khơi thông để cuộc sống có giá trị.

Bởi vì dòng bài này về cơ bản đảo ngược lại trọng tâm của bảy lá bài đầu tiên nên nhiều lá xuất hiện như những hình ảnh thứ yếu cho những lá của dòng trên chúng. Hai cực giới tính của lá chính 1 và 2 quay trở lại trong StrengthHermit, trong khi các nguyên tố ánh sáng và bóng tối, bên ngoài và bên trong, vẫn giữ vị trí cũ. Lá Wheel of Fortune chuyển hướng khỏi thế giới tự nhiên phi lý tính của Empress để đến với tầm nhìn của những bí ẩn nội tại. Ở cuối dòng lá Temperance cho ta thấy một loại chiến thắng mới. Sức mạnh của lá Chariot đã được thay thế bằng sự cân bằng và điềm tĩnh. Ở nơi cỗ xe đá của người đánh xe tách anh ta ra khỏi sự tiếp xúc trực tiếp với mặt đất và dòng sông, thiên thần của lá Temperance đứng đó với một chân đặt trên đất, một chân nhúng trong nước, cho thấy tính cá nhân trong sự hài hòa giữa bản thân nó và cuộc sống.

Một chủ đề khác cũng xuất hiện ở dòng thứ hai. Cho đến nay các lá bài đã thể hiện một loạt bài học cho chúng ta , những thứ ta phải học về cuộc sống để trở nên trưởng thành và thành công trong thế giới bên ngoài. Đó không phải là những thứ có thể nghiên cứu hay suy ngẫm mà phải sống mới hiểu được. Loạt những bài học bên ngoài này đạt đến đỉnh cao trong lá Wheel of Fortune, lá cho ta thấy một cái nhìn về thế giới và về bản thân chúng ta, những thứ cần phải được trả lời. Tuy nhiên, lá Hanged Man cho thấy một thứ gì đó hoàn toàn khác. Ở đây ta thấy, không phải một bài học mà là hình ảnh của chính sự khai sáng, nhân cách bên ngoài lộn ngược lại bởi một trải nghiệm hết sức thật và đầy tính cá nhân.

Giữa hai lá bài này, và tại ngay trung tâm của toàn bộ bộ Ẩn chính, lá Justice nằm đó, cẩn thận cân bằng cán cân giữa bên trong và bên ngoài, quá khứ và tương lai, lý trí và trực giác, kiến thức và kinh nghiệm.

Lá Strength

Thay đổi của Waite trong lá Lovers là rõ ràng nhất trong số những sửa đổi Tarot của ông; còn việc ông đổi chỗ lá Strength và lá Justice vẫn là điều gây tranh cãi nhất. Bản thân ông không đưa ra một lý do thật sự cho sự thay đổi này. “Vì những lý do nhằm thỏa mãn bản thân tôi, lá bài này đổi chỗ cho lá Justice vốn thường được đánh số tám. Vì sự biến đổi này không mang những dấu hiệu gợi ý nào cho người đọc nên không có lý do gì để giải thích hơn”. Các lý do chắc chắn nằm ngoài phạm vi cá nhân. Không chỉ Waite mà cả Paul Foster CaseAleister Crowley cũng đặt Strength là lá 8 và Justice là lá 11. Chắc hẳn tất cả họ đều theo Hội Bình Minh Vàng, hội mà các bộ Tarot của họ cũng đổi chỗ hai lá bài này.

Sự kết nối đến một hội kín này cho thấy quan niệm về sự khai tâm. Ở đây, hội Bình Minh Vàng chắc chắn không khởi xướng ra việc tu tập để khai tâm, mặc dù việc này yêu cầu phải nhận những nghi lễ đặc biệt của nó một cách trực tiếp từ những người hướng dẫn thần thánh. Sự khai tâm lui lại hàng ngàn năm và được thấy trên khắp thế giới, từ các đền thờ Ai Cập cho đến hoang mạc ở Úc. Nó thể hiện một cách thức đặc biệt của sự biến đổi tâm lý – chủ đề chính của dòng giữa của bài Tarot. Bằng cách quy chiếu Justice và những lá bài xung quanh nó đến quan niệm cổ xưa này, chúng ta đạt được một sự thấu hiểu rộng hơn về Tarot dưới dạng trải nghiệm.

Xem xét những ẩn ý trong cách sắp xếp cũ của các lá chính cũng đáng giá. Hình ảnh của lá Justice khuyên rằng hãy cân đo cuộc sống của bạn trong sự cân bằng. Dòng thứ hai mang ta ra xa khỏi những thành tựu bên ngoài của dòng đầu tiên và đi vào bản ngã. Do đó, Justice ở vị trí ban đầu có nghĩa là một sự đánh giá ý nghĩa của cuộc sống đối với bạn, được nối tiếp bởi một quyết định tìm kiếm bên trong một ý nghĩa vĩ đại hơn. Rõ ràng, ngụ ý này rất hợp. Nhưng nếu Justice đến đầu tiên thì tất cả những thứ này sẽ xảy ra một cách lý tính; sự đánh giá nổi lên như một phản ứng đầy ý thức đối với những bất mãn. Đánh giá này sẽ còn xuất hiện mạnh mẽ đến thế nào khi nó nổi lên từ bên trong, thúc đẩy chúng ta qua cái nhìn đầy mạnh mẽ của Wheel of Fortune. Thanh gươm hai lưỡi của Justice ngụ ý hành động, một đáp trả với kiến thức đạt được trong sự đánh giá này. Ý niệm về sự đáp trả trực tiếp dẫn ta đến với Hanged Man. Nếu Justice đến trước thì tiếp theo đó sẽ là Hermit. Vì là một kẻ tìm kiếm tri thức Hermit cũng sẽ thể hiện một phản ứng hợp lý với Justice. Nhưng một lần nữa, nếu chúng ta chấp nhận rằng tri thức đến trước Justice, thì Hanged Man sẽ thể hiện một câu trả lời từ sâu thẳm bên trong.

Giờ hãy xem xét lá Strength ở cả hai nơi. Bức tranh vẽ một người phụ nữ đang thuần hóa một con sư tử. Nói ngắn gọn thì hình ảnh cho thấy năng lượng của vô thức đã được giải phóng và bình ổn, “được thuần hóa” bởi đường hướng của sự thấu hiểu ý thức. Một quan niệm như thế sẽ dễ thuộc về vị trí giữa. Chúng ta sẽ miêu tả lá bài như một bài kiểm tra chủ yếu của cả dòng. Và chắc chắn rằng sự thanh thản và đảo ngược to lớn của Hanged Man sẽ theo sau Strength một cách hoàn hảo.

Nhưng chúng ta cũng có thể thấy Strength có những tính chất quan trọng cho vị trí đầu của dòng. Sự tìm kiếm bên trong không thể được hoàn thành bởi cái tôi. Chúng ta cần chạm trán với những cảm giác và những khát khao lâu nay đã giấu mình khỏi những suy nghĩ mang tính ý thức của chúng ta. Nếu ta cố gắng biến đổi bản thân bằng một quá trình lý trí hoàn toàn thì ta sẽ tạo nên một dạng cá tính khác. Sự thực là những thứ giống như vậy xảy ra khá thường xuyên. Nhiều người cảm thấy cuộc đời họ thiếu tính tự phát. Họ nhìn xung quanh mình hoặc đọc các sách tâm lý, và quan sát, với một chút ít ghen tị, hay thậm chí là xấu hổ vì những ức chế của riêng mình, với những tính cách của những người có tính tự phát cao. Và rồi, thay vì đi theo quá trình đầy đáng sợ của việc giải phóng những nỗi sợ và khát khao thầm kín của mình, họ cẩn thận bắt chước tính tự phát. Họ đã mở rộng Chariot đến một phạm vi mới.

Bằng cách đặt lá Strength làm số 8 chúng ta đã để nó đối đầu với Chariot, như một dạng sức mạnh khác biệt, không phải là ý chí của cái tôi, mà là Sức Mạnh bên trong để đương đầu với chính bản thân bạn một cách điềm tĩnh và không sợ hãi. Những bí ẩn có thể được bóc trần bởi chúng ta đã tìm ra Sức Mạnh để đối mặt với chúng. Con sư tử hàm ý tất cả những cảm nhận, sợ hãi, khát khao và bối rối bị cái tôi kiềm lại trong nỗ lực kiểm soát cuộc sống của nó. Người đánh xe dùng những cảm nhận bên trong của anh như một nguồn năng lượng, nhưng luôn cẩn thận định hướng năng lượng đó đến nơi mà anh ta quyết định một cách ý thức rằng nó nên đến. Strength cho phép những đam mê bên trong nổi dậy, như một bước tiến đầu tiên trong hành trình vượt ra khỏi cái tôi.

Ở một cấp độ hết sức đơn giản chúng ta có thể thấy sự nổi dậy của những cảm giác bị đè nén này trong một người cho phép anh ta hay cô ta hành động “như trẻ con”, gào khóc hay la hét; nói ngắn gọn là làm tất cả những gì có vẻ ngốc nghếch hay đáng xấu hổ. Ở một cấp độ sâu hơn con sư tử biểu trưng cho toàn bộ sức mạnh của tính cá nhân, thường được mài nhẵn bằng những đòi hỏi của cuộc sống văn minh. Strength giải phóng năng lượng này để sử dụng nó như một loại nhiên liệu, thúc đẩy chúng ta trên con đường nội tại của Hermit. Mục tiêu này chỉ có thể hoàn thành bởi vì con sư tử được “thuần hóa” cùng lúc với khi nó được thả ra. Strength mở ra tính cá nhân giống như Pandora mở ra chiếc hộ của nàng vậy. Tuy nhiên, nó mở ra như vậy với một cảm giác bình lặng, một tình yêu bản thân cuộc sống, và một sự tự tin to lớn vào kết quả cuối cùng. Nếu chúng ta không thực tâm tin tưởng rằng quá trình khám phá bản thân là một quá trình đầy niềm vui thì chúng ta sẽ không bao giờ theo nó đến tận cùng.

Tính biểu tượng của các bức tranh và chữ số củng cố thêm sự so sánh giữa StrengthChariot. Chariot thể hiện một người đàn ông và Strength thể hiện một người phụ nữ. Theo truyền thống, tất nhiên, điều này đại diện cho lý trý và cảm xúc, tấn công và từ bỏ. Cũng theo truyền thống, số 7 của lá Chariot thuộc về phép thuật “nam giới”, số 8 thuộc về “nữ giới”. Tính biểu tượng này nổi bật từ giải phẫu. Cơ thể nam mang bảy khiếu (mũi được tính là một khiếu), cơ thể nữ mang tám. Cũng tương tự, cơ thể nam giới có bảy điểm, hai cánh tay và hai chân, đầu, trung tâm và dương vật. Nữ giới có tám, với hai ngực thay cho dương vật.

Chúng ta có ý gì khi nói đến phép thuật nam và nữ? Thuyết bí truyền cho rằng năng lượng giới tính là là một biểu hiện của các nguyên tố năng lượng nằm dưới toàn vũ trụ; nam giới và nữ giới giống như hai cực dương và âm của điện từ học. Thông qua sự vận động của năng lượng lưỡng cực này, “phép thuật” xảy ra. Các nhà huyền học cho rằng những nguyên tố này là một môn khoa học, không hơn không kém, huyền bí hơn sự vận động năng lượng nguyên tử của các nhà khoa học hiện đại. Chúng ta có thể mô tả lá Lovers của bộ Rider như một sơ đồ năng lượng giản lược. Do đó, ChariotStrength thuộc về nhau một cách sâu sắc như sự vận động thực tiễn của các nguyên tố được biểu trưng trong MagicianHigh Priestess.

Theo tâm lý thì chúng cũng bao gồm hai loại sức mạnh. Xã hội chúng ta nhấn mạnh đến sức mạnh “nam tính” của kiểm soát; chinh phục, thống trị thế giới thông qua lý trí và ý chí. Nhưng những phẩm chất “nữ tính” của trực giác và cảm xúc tự phát không hề yếu đuối chút nào. Để giải phóng những xúc cảm sâu thẳm nhất của bạn với tình yêu và niềm tin phải đòi hỏi một dũng khí cũng như một sức mạnh to lớn.

Ở đây lá Fool bước đến. Chỉ bằng một cú nhảy tinh thần thì ta mới có thể di chuyển từ ý thức sang vô thức. Và chỉ một kẻ khờ mới có thể thực hiện một cú nhảy như vậy, vì tại sao phải từ bỏ thành công, kiểm soát? Các vị thần đã ép buộc Oedipus, vậy nhu cầu bên trong nào sẽ ép buộc phần còn lại của chúng ta?

Vị trí của lá Strength, ở đầu dòng, kết nối lá này với Magician, và cả dấu vô cực trên đầu nàng, một ám chỉ đến số 8 cũng vậy. Việc đổi giới tính biểu hiện sự tham gia các các khía cạnh của hai nguyên mẫu nam và nữ. Sự tham gia chủ động của Magician vào cuộc sống được sự tĩnh lặng nội tại ngụ trong High Priestess giảm nhẹ đi.

Thân hình nở nang của người phụ nữ, mái tóc vàng của nàng cùng chiếc thắt lưng hoa nối nàng với con sư tử cũng kết nối lá bài này với Empress. Empess đại diện cho những bản năng và ham muốn tự nhiên; một lần nữa ta lại thấy hình ảnh của năng lượng cảm xúc, “những khao khát thú tính” như một vài nhà diễn giải Tarot gọi nó, được giải phóng và thuần hóa. Waite mô tả chiếc thắt lưng hoa như một dấu hiệu vô cực thứ hai, với một vòng quanh eo người phụ nữ và một vòng quanh cổ con sư tử. Chúng ta có thể mô tả StrengthMagician hợp nhất với Empress; tức là sức mạnh ý thức và định hướng của Magician hòa trộn với nhục cảm của Empress, cho lá bài này một tính quả quyết và dẫn đường tới Hermit. Hãy chú ý rằng với dòng đầu tiên thì 1 cộng 3 bằng 4, lá Emperor. Đối với dòng thứ hai 1 cộng ba thành gấp đôi của 2, chân lý nội tại của High Priestess.

Một khía cạnh khác mang sự hợp nhất của 1 và 3 của lá chính này vẫn còn tiếp diễn. Ký tự Hebrew được Case và những người khác gán cho StrengthTeth. Teth theo Qabalah quy đến “rắn”; nhưng từ Hebrew để gọi rắn cũng mang nghĩa “phép thuật”. Trên toàn thế giới người ta tạo nên mối liên kết này, từ những con rắn trên gậy thần của Hermes đến sức mạnh kundalini của phép tu Đát-đặc-la (Tantra) ở Ấn Độ và Tây Tạng. Và rắn, trong kundalini và những nơi khác, đại diện cho tình dục. Bài Tarot, như ta biết từ chú rắn quấn quanh Cây Sự Sống phía sau người phụ nữa trong Lovers, xem tình dục là một sức mạnh hướng đến sự khai sáng. Nếu, theo mặt bí truyền, Strength đại diện cho việc thực hành thực sự phép thuật giới tính, thì theo tâm lý nó lại lần nữa quy đến việc giải phóng năng lượng nằm trong những cảm giác mạnh mẽ nhất của chúng ta. Khi ta so sánh Strength với Devil ta sẽ thấy rằng sự giải phóng ở đây là một sự giải phóng không triệt để. Con sư tử bị kiểm soát và định hướng chứ không phải là được phép đưa bản thân nó đến nơi nó muốn.

Trong giả kim thuật sư tử tượng trưng cho vàng, mặt trời, và lưu huỳnh. Lưu huỳnh là một nguyên tố bậc thấp và vàng (trong giả kim) là một nguyên tố ở bậc cao nhất. Quá trình biến lưu huỳnh thành vàng chính xác là quá trình biến đổi bản ngã thấp hơn. Và bản vẽ của Tenperance, lá bài cuối cùng của dòng này, với chất lỏng đổ từ cốc này sang cốc khác, diễn tả mục tiêu giả kim của việc điều phối những mặt đối lập vào một phương thức tồn tại mới mang nhiều ý nghĩa hơn.

Những ai thấy cuộc sống này kiểm soát quá chặt chẽ, những ai thấy vô thức giống như một “cái rãnh đạo đức” của những kiềm nén (như Jung mô tả đặc điểm cái nhìn hạn hẹp của những người theo Freud), và thấy rằng đam mê là những dày vò, sẽ thấy con sư tử là những thế lực tự nhiên mà lý trí phải vượt qua. Một vài bản Tarot cũ, bao gồm cả bộ Visconti, vẽ cảnh Heracles giết con sư tử vùng Nemea. Những đam mê đã bị lý trí chinh phục. Nhưng sư tử cũng đại diện cho Chúa Giê-su, sức mạnh lý trí của Thượng Đế. Những ai cho phép năng lượng vô thức bên trong họ trỗi lên, chỉ dẫn nó bằng tình yêu và niềm tin trong cuộc sống, thì sẽ khám phá ra rằng năng lượng ấy không phải là một con quái thú phá hoại mà là cùng một loại sức mạnh tinh thần được rút từ cột thu lôi của Magician.

Trong quẻ bài lá Strength cho thấy khả năng đối mặt với cuộc sống, và đặc biệt là vài vấn đề khó khăn hay đến lúc thay đổi, với hi vọng và háo hức. Nó thể hiện một người mạnh mẽ từ bên trong, trải nghiệm cuộc sống một cách đầy đam mê nhưng bình tĩnh, không bị kiểm soát hay cuốn đi bởi những đam mê đó. Lá bài đại diện cho sự tìm thấy sức mạnh để bắt đầu hoặc tiếp tục một dự án khó khăn nào đó, cho dù có sợ hãi hay căng thẳng.

Nếu Strength xuất hiện trong thế kết nối với Chariot nó có thể biểu thị một thay thế cho sự thúc đẩy và sức mạnh ý chí, đặc biệt là, tất nhiên, nếu Chariot đảo ngược. Hai lá bài này cũng có thể biểu trưng cho các mặt bổ sung, thế bài tốt nhất là có Strength trong vị trí của cái tôi bên trong, và có Chariot trong vị trí của cái tôi bên ngoài (các đường ngang và dọc của một chữ thập). Và ta sẽ thấy một người hành động mạnh mẽ nhưng luôn điềm tĩnh.

Strength đảo ngược trước hết cho thấy một sự yếu đuối. Dũng khí để đối mặt cuộc sống không còn nên người này cảm thấy bị áp đảo và bi quan. Nó cũng biểu thị một sự dày vò từ bên trong. Phần “con” của con sư tử vùng thoát khỏi sự thống nhất của tinh thần và nhục cảm. Những đam mê trở thành kẻ thù, đe dọa sẽ phá hủy tính ý thức và cuộc sống ý thức đã xây dựng cho bản thân.



The Hermit

Giống như ngôi sao sáu cánh trong chiếc đèn của Hermit, quan niệm về Hermit đi theo hai hướng; một hướng vào trong, một hướng ra ngoài. Về cơ bản lá bài này có nghĩa là một sự rút lui khỏi thế giới bên ngoài vì mục tiêu kích hoạt tinh thần vô thức. Chúng ta thấy quá trình này được biểu trưng trong tam giác ngược chỉ “nước”, như những nhà giả kim đã gọi. Nhưng Hermit cũng biểu thị cho một người thầy, người sẽ chỉ cho ta cách làm thế nào để bắt đầu quá trình này, và sẽ giúp ta tìm ra con đường của mình. Tam giác xuôi chỉ “lửa” biểu trưng cho sự dẫn dắt đặc biệt này, đó có thể là một người thầy huyền bí, một nhà trị liệu, những giấc mơ của chính chúng ta, hay thậm chí là một dẫn dắt tinh thần gợi lên từ bên trong bản ngã.

Hình tượng lá Hermit ngụ trong một nơi đặc biệt của những hư cấu thời Trung cổ. Sống trong rừng hoặc trên hoang mạc, hoàn toàn rút mình khỏi những vấn đề thông thường của con người, người ẩn sĩ thể hiện một thay thế cho Nhà thờ. Đây là một phiên bản châu Âu của một nhà yoga khổ hạnh, người tượng trưng cho khả nặng tiếp cận Thượng Đế thông qua trải nghiệm cá nhân của ông. Người ta thường kính trọng những ẩn sĩ như những vị thánh sống, và quy những quyền năng mầu nhiệm cho họ, theo cách mà những người luyện tập yoga kể những câu chuyện kỳ diệu về những người thầy của mình.

Dù ẩn sĩ rút mình khỏi thế gian nhưng ông ấy hay bà ấy1 không rút mình khỏi nhân loại. Bên cạnh những chức năng khác, họ còn là người cho nơi trú ẩn và đôi khi ban phúc cho những người lữ hành. Vô vàn những câu chuyện, đặc biệt là những truyền thuyết về Chén Thánh, mô tả ẩn sĩ là một người trao sự thông thái cho người hiệp sĩ thực hiện một nhiệm vụ thiêng liêng. Một lần nữa, ta thấy hình tượng kép của Hermit: làm gương và hướng dẫn.

Hình tượng Hermit vẫn bền vững một thời gian dài sau khi một các tu tập đặc biệt đã mất đi. Nhà triết học tiên nghiệm Ralph Waldo Emerson đã vượt nhiều ngày qua vùng Scotland xa xôi để tìm căn nhà gỗ nhỏ của Thomas Carlyle. Bạn của Emerson, Henry David Thoreau, đã tự mình sống trong một căn nhà gỗ ở hồ Walden để tìm kiếm cảm giác về bản thân và về tự nhiên. Sau đó ông viết về điều này như một tấm gương cho người khác. Cuốn Dus Sprach Zarathustra của Nietzsche ẩn chứa hình tượng của Hermit; cuốn sách bắt đầu với sự quay lại của Zarathustra sau khi đạt được những biến đổi cá nhân. Và ngày nay, vô số người đã trao bản thân mình cho những vị ở phương Đông với hi vọng những người thầy giống như ẩn sĩ này có thể biến đổi cuộc đời họ.

Đối với những người không thể tìm thấy một dẫn dắt thực sự thì tinh thần thường sẽ mang chỉ dẫn đến cho họ. Jung và những môn đệ của ông đã miêu tả nhiều giấc mơ của những bệnh nhân của mình về một ông lão thông thái hướng dẫn họ trên những cuộc hành trình huyền ảo đến với tinh thần. Trong nhiều trường hợp nhà phân tích mộng khám phá ra rằng giấc mơ hướng dẫn thực sự giống một nhà trị liệu. Vô thức có thể nhận ra một người thầy Hermit trước cả ý thức.

Nhà Quabalah vĩ đại vào thế kỷ mười ba, Abraham Abulafia đã mô tả ba mức độ của Quabalah. Mức đầu tiên là giáo thuyết; là thứ có thể học từ các văn bản. Mức thứ hai đến từ dẫn dắt trực tiếp của một người thầy riêng, trong khi mức độ thứ ba; mức phát triển nhất, là trải nghiệm trực tiếp của sự thống nhất đầy thăng hoa với Thượng Đế. Ba mức độ này kết nối rất trực tiếp với Tarot, không chỉ trong ba dòng bài, mà còn trong ba lá chính đặc biệt cùng nhau tạo nên một tam giác cân. Mức đầu tiên chúng ta thấy ở lá Hierophant; mức thứ ba ngay bên dưới Hierophant, một mức đã được bỏ ra, xuất hiện trong đứa trẻ vui tươi của lá 19, lá Sun. Mức thứ hai, tuy nhiên, lại không ở lá bài giữa chúng là lá Hanged Man, mà ở trong đỉnh khác của hình đồ, lá Hermit.

Giáo thuyết và huyền thoại đều là đoạn kết của quá trình; giáo thuyết bởi vì bạn đầu tiên phải sắp xếp đời bạn trước khi tiếp cận việc học tập một cách thức đặc biệt (các nhà Quabalah thường giới hạn những văn bản đặc biệt quan trọng chỉ cho những người trên ba lăm tuổi), và bí thuật bởi vì bạn đầu tiên phải vượt qua sự đương đầu mang tính nguyên mẫu với bóng tối và bí ẩn. Tuy nhiên, một người hướng dẫn lại xuất hiện ở ngay đầu cuộc hành trình, sau khi người lữ khách đã tìm thấy Sức Mạnh để bắt đầu.

Như một tượng trưng của sự phát triển cá nhân hơn là một người hướng dẫn, Hermit biểu thị quan niệm rằng chỉ bằng cách rút khỏi thế giới bên ngoài thì ta mới có thể đánh thức nội ngã. Những ai xem Tarot là hai nửa. Với Wheel of Fortune ở điểm giữa, thì sẽ nhìn Hermit như một quá trình chuẩn bị trước khi Bánh xe Cuộc đời xoay đến nửa thứ hai. Khi ta xem Tarot theo các dòng bảy lá, ta thấy rằng sự rút lui này, và bản thân góc nhìn của lá Wheel, là những bước tiến tới một mục tiêu lớn hơn.

Chúng ta thấy Hermit đứng trên một đỉnh núi cô độc lạnh lẽo. Ông đã rời thế giới các giác quan để đi vào tâm thức. Quan niệm tâm thức như một núi đá cao giá lạnh chỉ truyền tải một phần sự thật, hay đúng hơn, là một ảo ảnh. Tâm thức phong phú vì những biểu tượng, vì niềm vui, vì ánh sáng và tình yêu của tinh thần. Nhưng trước khi ta có thể nắm bắt những điều này thì ta đầu tiên phải trải nghiệm tâm thức là một sự thay thế âm thầm đối với thế giới ồn ã của các giác quan. Đối với những saman, đỉnh núi khô cằn thường là thực tế trực tiếp. Ở những nơi xa xôi như Siberia và Tây Nam Mỹ những ứng viên saman một mình đi vào những vùng hoang vu để tìm kiếm những chỉ dẫn tinh thần sẽ dạy họ cách thế nào để chữa lành.



Hermit biểu thị sự truyền tải. Thông qua thiền định, hoặc những tu tập tinh thần, hoặc phân tích, chúng ta cho phép những phần còn ẩn dấu của tâm lý cất tiếng nói với mình. Về sau ta sẽ trải nghiệm một cảm giác tái sinh, đầu tiên là giống như một thiên thần (phần bất tử của bản ngã, vượt ra khỏi bên ngoài cái tôi), rồi sau đó, khi đã cảm nhận sâu hơn, là một đứa trẻ tự do cưỡi ngựa phóng ra khỏi khu vườn của những trải nghiệm đã qua. Giờ đây, con đường thuộc về hình tượng của một ông lão thông thái, cô độc, được sưởi ấm và động viên bởi tấm áo choàng xám thô ráp của sự trầm tĩnh.

Biểu tượng đèn lồng đưa ta quay lại với hình tượng hướng dẫn và dạy dỗ của Hermit. Ông chỉ cho ta thấy ánh sáng, cho thấy ông sẵn lòng dẫn dắt chúng ta và khả năng của chúng ta tìm một con đường nếu ta biết cách sử dụng Strength mà ta phải đi theo. Ở một vài bộ bài, Hermit giấu chiếc đèn của mình dưới tấm áo, và như thế nó biểu trưng cho ánh sáng của vô thức bị dấu đi dưới chiếc áo choàng ý thức. Bằng cách để ánh sáng lộ ra nhưng vẫn ở bên trong chiếc đèn, bộ Rider cho thấy rằng chúng ta giải phóng ánh sáng thông qua một quá trình tự nhận thức xác định, và rằng ai cũng có thể thực hiện quá trình này.

Chúng ta đã thấy ngôi sao là biểu tượng người thầy của Hermit cũng như là ánh sáng của vô thức, ra hiệu cho ta khám phá những bí mật của nó. Nó còn biểu thị mục tiêu giải quyết những mặt đối lập của cuộc sống. Hai tam giác nước và lửa đại diện không chỉ hai yếu tố thường đối nghịch theo truyền thống mà còn là nam và nữ thống nhất thành một thể.

Cây gậy của Hermit gợi lên cây gậy một pháp sư, và do đó gợi lên cây đũa phép của Magician. Không như Fool dùng cây gậy đó theo bản năng, Hermit xem nó như một nguồn hỗ trợ mang tính ý thức. Do đó nó biểu trưng cho sự dạy bảo giúp mở ra nhận thức bên trong.

Nằm trực tiếp bên dưới High Priestess, Hermit liên quan đến nguyên tắc rút lui của nàng, một lần nữa cho thấy rằng ta phải rời thế giới bên ngoài nếu ta muốn nghiên cứu bản thân mình. Giống như với lá Strength, dòng thứ hai đã đảo nguyên mẫu giới tính. Vai trò của tính biểu tượng ở đây dạy chúng ta rằng một nỗ lực tinh thần được tính toán, dựa trên những kỹ thuật và bài học đặc biệt, đưa ta vượt qua trực giác bị khóa của ngôi đền kín của High Priestess. Những nguồn nước của ngôi đền đó không được giải phóng hết; tấm màn vẫn ở nguyên chỗ cũ cho đến khi tia sét của Tower, bên dưới Hermit, xé mở nó. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của lá chính số 9, vô thức nói với ta từ sau tấm màn, thông qua các biểu tượng, mộng và ảo cảnh.

Sự phân biệt giữa biểu tượng nam-nữ và thực tế của một cá nhân dẫn ta đến một vài nhận thức quan trọng về các nguyên mẫu. Chúng ta có xu hướng xem những ẩn sĩ và những người thầy là những người đàn ông lớn tuổi thông thái, thậm chí trong cả giấc mơ của chúng ta vì chế độ phụ hệ hai nghìn năm đã làm hằn sâu hình ảnh này vào tâm thức chúng ta. Những thời xưa, người hướng dẫn thường là phụ nữ, như một đại diện của Nữ thần Vĩ đại, và ngay cả trong thời đại của chúng ta những người phụ nữ như bà Blavatsky cũng đảm nhiệm chức năng cổ xưa này. Việc những giấc mơ của chúng ta thường chọn những ông lão thông thái chứng tỏ một thực tế rất quan trọng, đó là vô thức cũng lấy nguyên liệu từ cái nền văn hóa của cá nhân người nằm mộng. Nhiều người xem các nguyên mẫu là những hình tượng đóng đinh cứng nhắc được mọi người chia sẻ qua thời gian. Đúng hơn, các nguyên mẫu là các xu hướng để tâm thức lập nên một loại hình tượng cụ thể, chẳng hạn như hình tượng của một người dẫn dắt, và dạng đặc biệt mà một hình tượng nhận lấy sẽ tùy thuộc rất nhiều vào nền tảng văn hóa và trải nghiệm của một người. Những nghi lễ Chén Thánh thời Trung cổ và các nghi thức ở hoang mạc châu Úc cùng theo cùng một mô hình nguyên mẫu; nó nằm dưới chúng như một mạng lưới. Tuy nhiên, dạng thức bên ngoài của mô hình này rất phong phú.

Ý nghĩa tiên tri của Hermit bắt nguồn từ cả hai khía cạnh của lá bài. Một mặt nó biểu trưng có một sự rút lui khỏi những mối quan tâm bên ngoài. Một người có thể loại bỏ chính mình về thể chất, nhưng điều này không thật cần thiết. Điều quan trọng là sự chuyển đổi chú ý bên trong từ “nhận và dùng”, như Wordsworth đã gọi những hoạt động của chúng ta, đến những nhu cầu bên trong của một con người. Do đó nó đòi hỏi một sự rút lui cảm xúc khỏi những người khác và khỏi những hoạt động đã từng được xem là tối quan trọng. Lá bài này mang trong nó một cảm giác thận trọng về mục đích, một cảm giác rút lui để thực hiện việc phát triển bản thân. Trong liên kết với cảm giác về mục đích và với bức tranh vẽ một ông lão, lá bài biểu trưng cho sự trưởng thành, và một hiểu biết về những thứ thực sự quan trọng trong một đời người.

Lá bài cũng biểu thị một sự trợ giúp từ một người hướng dẫn xác định, đôi khi, như đã chỉ ra ở trên, là một sự dẫn dắt tinh thần từ bên trong, nhưng thường thấy hơn là một người thật, người sẽ giúp bạn trong việc tự khám phá bản thân. Đôi khi tự thân chúng ta không nhận ra rằng những hướng dẫn như vậy tồn tại là vì chúng ta. Nếu Hermit xuất hiện trong quẻ bài Tarot thì quan sát cẩn thận những người quanh bạn là một việc làm khôn ngoan. Nếu bạn tham gia giúp người khác tìm sự thấu hiểu thì lá Hermit có thể biểu trưng chính bạn trong vai trò một người hướng dẫn và một người thầy.

Khi ta lật ngược lá bài, ta phá vỡ quan niệm về sự rút lui. Cũng giống như cách High Priestess đảo ngược có thể có nghĩa sợ hãi cuộc sống, Hermit đảo ngược có thể cho thấy một sự sợ hãi người khác. Nếu chúng ta rút mình khỏi xã hội như một cách trốn tránh thì việc rút lui càng trở nên chi phối, dẫn đến những ám ảnh hoặc hoang tưởng. Đi cùng những lá chính khác, các mặt tiêu cực và tích cực của Hermit tùy thuộc vào hoàn cảnh. Hermit ngược đôi khi có thể chỉ đơn giản là lúc này đây người này cần phải hòa hợp với người khác

Bởi vì lá bài, khi đặt xuôi chiều, tượng trưng cho sự trưởng thành, Hermit ngược đôi khi có thể biểu thị một thái độ rất Peter Pan đối với cuộc đời. Một người cứ bám lấy những hoạt động vô nghĩa về cơ bản, hoặc bắt chước tính nhiệt tình trẻ con (giống như bắt chước tính tự phát) theo cách để tránh trách nhiệm phải làm gì đó với cuộc đời mình. Lần đầu tiên tôi gặp giải nghĩa này cho lá Hermit ngược là ở một quẻ bài của một người đàn ông ở New York đọc cho một người bạn của tôi; từ đó tôi nhận thấy nó rất hữu ích trong nhiều trường hợp. Thú vị thay, tôi gặp anh đó qua một người bạn khác đang tìm một người đọc bài để hướng dẫn riêng cho cô ấy phát triển về tinh thần.



1) Phụ nữ thường trở thành ẩn sĩ và sự ghét bỏ phụ nữ thời Trung cổ đôi khi trở thành một sự tôn kính dành cho một người phụ nữ đặc biệt được cho là đã chinh phục được sự xấu xa trong giới tính của mình.

Lá Wheel of Fortune

Giống như một vài lá chính khác (đáng kể nhất là lá Death), lá Wheel of Fortune bắt nguồn từ một thuyết thời Trung cổ. Nhà thờ xem sự tự phụ là tội lỗi lớn nhất, vì khi tự phụ bạn đã đặt bản thân mình trên Chúa Giê-su. Có một bài học cảnh cáo tính tự cao mang quan niệm về một vị vua vĩ đại mất đi quyền lực. Trong nhiều phiên bản của huyền thoại về vua Arthur, nhà vua mơ hoặc nhìn thấy đứng trước ngài trong đêm trước trận chiến cuối cùng, hình ảnh một vị vua giàu có và hùng mạnh ngồi trên đỉnh một bánh xe. Bất thần nữ thần May Mắn (Fortuna) quay vòng bánh xe và nhà vua bị nghiến nát bên dưới. Tỉnh lại, Arthur nhận ra rằng quyền lực thế tục này dẫu có tích được bao nhiêu đi nữa thì số phận của chúng ta luôn luôn nằm trong tay Chúa Trời. Những lá bài Visconti, ở phía trên bên phải, chứa giáo lý thiết thực này.

Nay, ta có thể xem câu chuyện đạo đức súc tích này đã bị đặt xa khỏi những biểu tượng quyền lực và bí ẩn đang nhìn vào mình trong lá bài của Waite-Smith, ở góc trên bên trái, và trong phiên bản Oswald Wirth ở góc dưới bên trái. Nhưng Fortuna và vòng quay tỏa sáng của bà có một lịch sử kỳ lạ. Đầu tiên, hình ảnh thời Trung Cổ có nguồn gốc từ một thời đại trước đó, khi Fortuna đại diện cho Nữ thần Vĩ đại, và vị vua bị nghiến nát là một sự kiện có thực. Mỗi năm, vào giữa mùa đông, những nữ tư tế hiến tế nhà vua, bằng cách mô phỏng cái chết của năm cũ họ hạ mình trước quyền năng của Nữ thần, và bằng cách chọn một nhà vua mới họ tinh tế gợi ý rằng bà có thể một lần nữa tạo nên mùa xuân từ mùa đông lạnh giá – một sự kiện hiển nhiên tất yếu đối với những người không tin vào “quy luật tự nhiên” như trọng lực chẳng hạn. Do đó, lá Wheel gốc biểu trưng cho cả bí ẩn của tự nhiên lẫn khả năng con người tham gia vào những bí ẩn đó thông qua các nghi lễ hiến tế. Hãy chú ý rằng lá này đến ngay bên dưới lá Empress, chính là tượng trưng cho Người mẹ Vĩ đại.

Đến thời Trung Cổ lá Wheel đã mất đi ý nghĩa gốc của nó; điều này không có nghĩa là nó đã mất đi sức mạnh gợi đến những bí ẩn của cuộc sống. Trong phiên bản của Thomas Malory về câu chuyện của vua Arthur chúng ta thấy gợi ý rằng lá Wheel biểu trưng cho những xoay chuyển ngẫu nhiên của “vận”. Tại sao người này thì giàu còn người kia thì nghèo? Tại sao một ông vua hùng mạnh lại mất đi vương vị và một ông vua vốn yếu ớt lại vươn lên đạt đến quyền lực? Ai, hay cái gì, đã điều khiển bánh xe cuộc sống? Malory gợi ý rằng vận, những hồi lên và xuống có vẻ như vô nghĩa, nằm trong số phận thực tại; nghĩa là vận mệnh Chúa đã chọn cho mỗi cá nhân, dựa trên những lý do mà chỉ Ngài mới hiểu. Vì chúng ta không thể hiểu những lý do kia, ta nói rằng những sự kiện trong đời một người phát sinh là nhờ may mắn, nhưng tất cả đều nằm trong kế hoạch của Chúa.

Do đó, với lá Wheel, chúng ta đến với câu hỏi lớn rằng như thế nào và tại sao mọi việc lại xảy ra trong vũ trụ này. Cái gì khiến mặt trời mọc? Những nguyên tố cháy lên, phải, nhưng cái gì khiến chúng cháy? Làm cách nào năng lượng tự động lại tồn tại? Rốt cuộc thì tại sao mùa xuân lại theo sau mùa đông? Tại sao trọng lực hoạt động và hoạt động như thế nào? Đi xa hơn, ta nhận ra rằng số phận cũng là một ảo ảnh, một mánh khóe trùm lên sự thật rằng chúng ta, với tầm nhìn hạn hẹp của mình, không thể thấy sự kết nối bên trong giữa tất cả mọi thứ. “Ờ thì,” chúng ta nói, “số nó thế”, một phát biểu vô nghĩa bởi vì chúng ta không thể nào hiểu ra ý nghĩa. Mọi thứ không chỉ xảy ra, mà chúng được khiến cho phải xảy ra. Thứ quyền năng để tạo nên sự kiện, để cho vũ trụ một cuộc sống, một hình dáng và một mục đích, Malory nói với chúng ta rằng, thuộc về Chúa Thánh Linh (Holy Ghost), trú ngụ tại nhân gian như một hiện thân bên trong Chén Thánh (lá Ace of Cups) giống như cách Shekinah ngụ bên trong vùng thánh địa phủ màn của những điện thờ tại Jerusalem.

Sau đây, chúng ta đến với sự thật rằng cả những sự kiện ngẫu nhiên của cuộc sống lẫn cái gọi là “quy luật” của vũ trụ vật chất và những điều bí ẩn đểu dẫn dắt chúng ta đến với một nhận thức về thế lực tinh thần được cánh tay nâng lên của Magician truyền xuống và hiển thị trong thế giới tự nhiên của Empress. Rất nhiều nhà thần bí và pháp sư đã nói rằng những ảo giác của họ cho họ thấy cách mọi vật kết nối với nhau, cách mọi thứ ăn khớp với nhau như thế nào, bởi tinh thần thống nhất cả vũ trụ này. Có lẽ tất cả chúng ta cũng có thể thấy và hiểu sự sắp xếp vĩ đại này của cuộc sống, nếu không vì chúng ta sống không đủ lâu. Cuộc đời ngắn ngủi làm tầm nhìn của chúng ta hạn hẹp đi thành một phần rất nhỏ của thế giới mà cuộc sống đối với nó có vẻ như là vô nghĩa.

Giờ đây, quan niệm xem lá Wheel là một điều bí ẩn của số mệnh này, với những nghĩa ẩn của nó, rất khớp với phiên bản Waite-Smith hiện đại của lá bài, đặc biệt là khi chúng ta xem nó đã là một nửa đường đến lá chính cuối cùng. Nếu chúng ta đặt lá Wheel của bộ Rider bên cạnh lá World, chúng ta sẽ thấy ngay mối liên quan giữa chúng. Ở một lá ta có một bánh xe đầy những biểu tượng, ở một lá khác ta thấy một vòng chiến thắng, và bên trong là một người đâng nhảy múa hiện thân cho toàn chân lý đằng sau những biểu tượng. Thậm chí ấn tượng hơn, ta thấy cũng bốn con thú ấy trong mỗi lá ở các góc, trừ việc các sinh vật thần thoại của lá 10 đã chuyển thành cái gì đó có thực và sống động hơn trong lá World. Do đó, ở điểm giữa con đường, chúng ta nhận được một cái nhìn về ý nghĩa nội tại của cuộc sống; ở cuối con đường cái nhìn đó trở nên thực, hiện thân trong chính bản thể chúng ta.

Ở Ấn Độ, nhà vua cũng mất mạng mỗi năm cho Nữ thần. Khi những người Arya theo chế độ phụ hệ chấm dứt tập tục này thì hình ảnh bánh xe thời gian đã trở thành một biểu tượng mạnh mẽ hơn của một tôn giáo mới. Bánh xe luân hồi đã trở thành biểu tượng của luật nhân quả, dẫn bạn đầu thai vào hết thân xác này đến thân xác khác. Giờ đây, nghiệp, theo một cách nào đó, đơn giản là một giải thích khác cho những bí ẩn của số phận. Bằng những hành động bạn đã làm ở kiếp này, bạn dựng nên một định mệnh cho chính mình ở kiếp sau, thế nên nếu bạn phạm phải nhiều việc xấu xa thì bạn sẽ tạo nên trong bản ngã bất tử của mình một loại nhu cầu tâm linh về sự trừng phạt. Khi đến lúc đầu thai bạn không tránh được việc phải chọn một cơ thể ở đẳng cấp thấp hoặc bị tàn tật. (Cách giải thích đơn giản mang tính tâm lý cho nghiệp này có lẽ dựa trên Phật giáo nhiều hơn là Hindu giáo.)

Một lần nữa, những hiểu biết hạn chế của chúng ta ngăn ta trải nghiệm trực tiếp sự thật đằng sau Bánh xe Định Mệnh, hoặc nghiệp. Khi Phật Tổ đạt được giác ngộ, ngài nhớ lại từng khoảnh khắc của mỗi kiếp trước của mình. Chắc chắn, ký ức đó là sự giác ngộ. Bằng cách đạt được toàn bộ hiểu biết ngài có thể lĩnh hội được rằng tất cả những kiếp đó đều là những hình dáng tạo nên bởi những ham muốn của ngài. Khi ngài xả bỏ ham muốn là lúc ngài “thoát khỏi luân hồi”. Ta có thể nói rằng giác ngộ nghĩa là (hoặc bao gồm, theo một mức nào đó) xuyên qua những sự kiện bên ngoài để đến với tinh thần trú ngụ bên trong chúng, tức là, tìm ra Chúa Thánh Linh bên trong Bánh xe Định mệnh.

Nó là dấu hiệu cho thấy vua Arthur đã trải nghiệm Wheel of Fortune qua hình ảnh trong mơ. Vì dù ta có xem nó là điểm giữa của bộ Ẩn chính hay đơn giản là những bước hoàn tất dòng thứ hai thì lá Wheel chắc hắn là một cái nhìn do vô thức mang đến cho chúng ta. Hermit đã quay lưng với thế giới bên ngoài. Kết quả là vô thức cho ông thấy một cái nhìn về cuộc sống giống như một bánh xe quay đầy những biểu tượng.

Bánh xe Cuộc sống sẽ không thẻ nào thấy được cho đến khi ta bước ra khỏi nó. Khi ta ở trong nó ta chỉ thấy những sự kiện ngay trước và sau chúng ta, những lo toan thường ngày mà cái tôi của chúng ta cho là rất quan trọng. Khi ta rút mình đi ta có thể thấy toàn bộ mô hình. Về mặt tâm lý chúng ta có thể thấy cái nhìn này như một người đang đánh giá xem cuộc đời anh ta hoặc cô ta đã đi đến đâu và nó còn đi về đâu sau đó. Ở một mức độ sâu hơn, cái nhìn vẫn bí ẩn và mang tính hình tượng. Chúng ta có thể thấy những gì chúng ta đã làm với một kiếp đặc thù nào đó, nhưng số phận vẫn là một bí ẩn.

Tất cả những biểu tượng trên Wheel đều có nghĩa; chúng giúp ta hiểu sự thật bên trong những nhìn nhận. Tuy nhiên, chúng ta không trải nghiệm toàn bộ thế lực sống. Ánh sáng vô thức vẫn còn bị che khuất đi.

Đó là dấu hiệu cho thấy Malory kết nối Wheel of Fortune với Chén Thánh. Về các biểu tượng Chén Thánh, vốn cũng là những biểu tượng của bộ Ẩn phụ, có lẽ cũng đã lùi xa như những hiến tế vua chúa hằng năm. Khi một ứng viên gia nhập vào các hội kín châu Âu cổ được ban cho “tầm nhìn” về những bí mật nội tại của giáo phái, thì đó hầu hết đều giống với bốn biểu tượng tách, kiếm, giáo và đồng xu, những biểu tượng được cho anh ta thấy cùng với một nghi lễ thần bí. Và những công cụ cơ bản của nghi thức làm phép, đặt trên bàn của Magician, cũng là bốn biểu tượng đó và là các bộ của bộ Ẩn phụ.

Mặc dù chúng ta không thấy trực tiếp bốn biểu tượng trên lá chính 10, nhưng lại thấy hai trong số rất nhiều những biểu tượng tương đương với chúng. Bốn sinh vật trên các góc lá bài phát xuất từ một cảnh trong Ezekiel 1:10. Chúng cũng xuất hiện trong Khải Huyền 4:7. Giờ đây, trải qua hàng thế kỷ bốn hình ảnh này, đôi lúc được gọi là “các hộ vệ của thiên đường”, đã trở thành biểu tượng cho bốn nguyên tố cơ bản của khoa học cổ đại và Trung cổ. Từ góc bên tay phải ngược chiều kim đồng hồ là lửa, nước, khí và đất, và những nguyên tố này lần lượt thuộc về Wands, Cups, SwordsPentacles. Bên cạnh việc đại diện cho các nguyên tố, bốn con thú cũng tượng trưng cho bốn dấu hiệu được ấn định của hoàng đạo – Sư Tử, Bò Cạp, Bảo Bình và Kim Ngưu. Tất nhiên, hoàng đạo là Bánh Xe Vĩ Đại của vũ trụ hữu hình. Do đó cả các nguyên tố lẫn các dấu hiệu đều biểu thị thế giới trần tục, một lần nữa được xem là một điều bí ẩn, và là thế giới chỉ có thể được thấu hiểu thực sự bằng cách học những sự thật bí mật.

Một liên hệ khác với bốn nguyên tố đến từ bốn ký tự tên của Chúa trên vành của Wheel. Bắt đầu từ góc trên bên tay phải, và một lần nữa lại được đọc ngược chiều kim đồng hồ, các ký tự đó là Yoh, Heh, Vav, Heh. Bởi vì cái tên này xuất hiện trong kinh Torah dưới dạng không có nguyên âm (tất cả bốn ký tự đều là phụ âm) nên không thể phát âm được; do đó tên “thật” của Chúa vẫn còn là bí mật. Ít nhất là hai nghìn năm, người Do Thái và người Cơ Đốc đã xem cái tên này có mang phép màu. Những nhà thần bí thiền bằng nó (Abulafia chạm tới sự xuất thần tầng Quabalah thứ ba bằng cách thiền với tên của Chúa) và những pháp sư sử dụng nó. Đối với những nhà Quabalah thì bốn ký tự này là biểu tượng cơ bản nhất của những điều bí ẩn của thế giới. Quá trình tạo nên vũ trụ được giữ để xảy ra ở bốn giai đoạn, tương ứng với bốn ký tự. Và tất nhiên, các ký tự cũng kết nối với bốn nguyên tố, với các biểu tượng Chén Thánh và bộ Ẩn phụ.

Các ký tự La Mã đặt rải rác giữa các ký tự Hebrew là một phép đảo chữ. Đọc theo chiều kim đồng hồ từ bên trên, chúng thành từ “TARO”; đọc ngược chiều kim đồng hồ chúng tạo thành “TORA” (hãy nhớ cuộn giấy của High Priestess). Chúng ta cũng thấy các từ “ROTA”, tiếng Latin của từ “bánh xe”, “ORAT”, tiếng Latin của “nói” (speaks) và “ATOR”, một nữ thần Ai Cập (cũng đánh vần là “Hathor”). Paul Foster Case, học theo MacGregor Mathers, người sáng lập nên hội Bình Minh Vàng, đã lập nên câu “ROTA TARO ORAT TORA ATOR”. Câu này được dịch là, “Bánh xe Taro nói lên Luật của Ator” (The Wheel of Taro speaks the Law of Ator). Case gọi đây là “luật của ký tự”; khi Ator trở nên nổi tiếng nhất ở Ai Cập với tư cách là một nữ thần của cái chết, đó thực ra là “luật” của cuộc sống bất diệt, được giấu trong thế giới tự nhiên. Cho dù cơ thể có chết đi, linh hồn vẫn còn sống mãi. Case cũng chỉ ra rằng giá trị số Hebrew của các ký tự của từ “TARO” cộng lại bằng 691, và rằng tổng này, thêm vào 26, tức giá trị số của bốn ký tự tên Chúa [gọi là “Tứ tự” (Tetragrammaton)], sẽ thành 697. Những con số này có tổng là 22, con số các ký tự bảng chữ cái Hebrew và của các lá bài chính trong bộ Ẩn chính. Và tất nhiên 22 đưa chúng ta quay lại với 4.

Bốn biểu tượng trên nan hoa là của giả kim thuật. Từ bên trên đọc theo chiều kim đồng hồ, chúng là thủy ngân, lưu huỳnh, nước và muối, và dựa theo mục tiêu giả kim ở dòng hai, thì chúng tức là sự chuyển hóa. Nước là biểu tượng của hòa tan, tức là làm tan rã cái tôi để giải phóng bản ngã thực vốn bị chôn vùi trong những thói quen, nỗi sợ và phòng vệ. Chúng ta sẽ thấy điều này có nghĩa là gì khi xem xét lá DeathTemperance.

Quan niệm về cái chết và sự tái sinh cũng được biểu trưng trong những sinh vật trang trí cho Wheel. Con rắn thể hiện Set, một vị thần Ai Cập của những điều xấu xa, và là người mang đến cách chết cho vũ trụ theo truyền thuyết. Thần là người đã giết Orisis, vị thần sự sống. Có vẻ rằng truyền thuyết này, cũng như bản thân Wheel, nảy sinh từ tập quán giết thần-vua thời sơ sử, đặc biệt là khi chúng ta xét rằng Set từng là một vị thần anh hùng, và rằng rắn linh thiêng đối với Nữ thần nhận hiến tế này. Con rắn theo Wheel đi xuống; người đầu chó rừng đang đi lên là Anubis, người hướng dẫn những linh hồn người chết, và do đó là người ban sự sống mới. Nay, theo một vài truyền thuyết Anubis là con trai của Set, và vì thế chúng ta thấy chỉ có cái chết mới mang lại sự sống mới, và khi chúng ta sợ hãi cái chết, chúng ta chỉ thấy một phần chân lý. Về mặt tâm lý, chỉ có cái chết của bản ngã bên ngoài mới giải phóng được năng lượng sự sống bên trong.

Con nhân sư trên đỉnh của Wheel đại diện cho Horus, con trai của Orisis, và là vị thần hồi sinh (vài thế kỷ sau thường được thay bằng Ator). Sự sống đã chiến thắng cái chết. Nhưng con nhân sư, như chúng ta đã thấy trong lá Chariot, cũng biểu thị cho bí ẩn của cuộc sống. Chariot kiểm soát cuộc sống với một cái tôi mạnh mẽ. Gờ đây con nhân sư đã ở trên Wheel. Nếu chúng ta cho phép vô thức nói với mình thì sẽ cảm nhận một vài bí mật lớn của cuộc sống, quan trọng hơn cả vòng quay bất tận của những sự kiện vẻ như là vô nghĩa.

Set, con rắn, cũng được gọi là vị thần bóng tối. Một lần nữa, việc xem bóng tối là “xấu xa” chỉ là một ảo giác, và chắc chắn, nỗi sợ bóng tối, cũng như nỗi sợ cái chết, thuộc về cái tôi. Cái tôi yêu ánh sáng cũng như vô thức yêu bóng tối. Dưới ánh sáng mọi thức đều đơn giản và minh bạch; cái tôi có thể chiếm lấy chính nó với những ấn tượng cảm giác đến từ thế giới bên ngoài. Khi bóng tôi đến, vô thức sẽ bắt đầu khuấy động. Đó là lý do vì sao trẻ em thấy quái vật khi đêm xuống. Một lý do để chúng ta khiến bản ngã bên ngoài thật mạnh mẽ là như vậy chúng ta sẽ không phải đối mặt với những thứ yêu ma mỗi khi ánh sáng tắt đi.

Tuy nhiên, những người ước có thể đi xa hơn Chariot phải đối mặt với những thứ đáng sợ đó. Rắn và nước, bóng tối và sự tan ra đều là những biểu tượng của cái chết, tức là, cái chết của thể xác và cái chết của cái tôi. Nhưng sự sống tồn tại trước và sau tính cách cá nhân, thứ, tất nhiên, chỉ là một bong bóng trên mặt nước của bản ngã chúng ta. Cuộc sống rất mạnh mẽ, hỗn độn, trào dâng những luồng năng lượng. Giao phó cho cuộc sống và Horus, thần hồi sinh, thì sẽ mang đến một sự sống mới từ hỗn loạn. Wheel xoay lên rồi lại xuống.

Phiên bản Wirth của lá Wheel of Fortune thậm chí còn lộ quan điểm này một cách mạnh mẽ hơn. Wheel nằm trên một con thuyền trên nước. Tan rã, hỗn độn, nổi lên như thực tại thiết yếu nằm bên dưới vũ trụ vật chất. Tất cả những dạng thức tồn tại, tính đa dạng vĩ đại của sự vật và sự kiện, đều đơn giản là những tạo tác ngắn ngủi từ năng lượng hùng mạnh lấp đầy vũ trụ kia. Trong thần thoại Hindu, Shiva cứ đến kỳ lại phá hủy toàn bộ vũ trụ, khi các dạng thức bên ngoài, như là cái tôi, đã trở nên kiệt quệ và cằn cỗi, bằng cách giải phóng năng lượng cơ bản mà từ đó vũ trụ khởi sinh.

Con số 10 gợi ý đến 0. Fool không là gì và không có tính cách. Nhưng Fool, giống như số 0, cũng là vạn vật, bởi vì anh ta trực tiếp cảm thấy năng lượng sống, rằng biển cả đang cuộn dâng dưới lòng thuyền. Trên lá Wheel of Fortune của bộ Rider, ở trung tâm của Wheel không có biểu tượng nào. Khi chúng ta đén với trung tâm tĩnh tại của sự tồn tại, không có cái tôi hay sợ hãi, thì tất cả những dạng thức bên ngoài đều biến mất. Chúng ta có thể hiểu điều này bằng trực giác, nhưng để thực sự trải nghiệm nó, ta phải cho phép bản thân chìm vào lòng biển tối tăm, để cho cá tính chết đi, tan ra, và cho một sự sống mới sinh ra từ bóng tối.

Trong quẻ bài, lá Wheel of Fortune biểu thị một vài thay đổi trong hoàn cảnh của một đời người. Người này có vẻ như không hiểu cái gì đã gây nên thay đổi này; có thể cũng không có lý do trực tiếp mà ai cũng có thể thấy, và thực tế là người này có vẻ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ tình huống nào xảy đến. Một tập đoàn lớn mua công ty mà người này đang làm việc, thế là anh ta bị sa thải. Một chuyện tình chết yểu, không phải vì người ta đã phạm phải “lỗi” nào đó trong cách đối xử với nhau, mà đơn giản vì đời là thế. Wheel vẫn xoay vòng.

Điều quan trọng về những đổi thay này là cách phản ứng. Chúng ta có chấp nhận hoàn cảnh mới và thích nghi với nó không? Chúng ta có dùng nó như một cơ hội và tìm thấy ý nghĩa và giá trị nào đó trong nó hay không? Nếu lá Wheel xuất hiện theo chiều xuôi, nó có nghĩa là thích nghi. Trong cảm nhận mạnh nhất của nó, lá bài có thể cho thấy khả năng xuyên qua sự bí ẩn của các sự kiện để tìm thấy một sự thấu hiểu cuộc đời to lớn. Kết cuộc của một chuyện tình, cho dù có đau đớn đi nữa, cũng có thể mang đến một sự tự tri lớn hơn.

Đảo ngược lại, lá bài biểu thị một sự đấu tranh chống lại sự kiện, thường thất bại bởi thay đổi đã xảy ra và cuộc đời sẽ luôn luôn thắng những tính cách cố chống lại nó. Tuy nhiên, nếu người liên quan luôn phản ứng thụ động với bất cứ những gì cuộc đời làm với anh ta hoặc cô ta, thì lá Wheel ngược có thể biểu thị một thay đổi quan trọng hơn nhiều so với chỉ đơn giản là một loạt tình huống mới. Nó có thể mở đường cho một nhận thức mới về trách nhiệm với chính cuộc đời của bạn.



Lá Justice

Hình ảnh của lá chính này bắt nguồn từ một Titan Hi Lạp là Themis, người xuất hiện với đôi mắt che kín và chiếc cân trên những bức bích họa ở các tòa án trải khắp phương Tây. Vị thần pháp luật Justitia, tên Latin của bà, che mắt lại mang nghĩa luật pháp không phân biệt và áp dụng như nhau cho kẻ yếu cũng như kẻ mạnh. Tuy nhiên, nguyên tắc của công bằng xã hội có lẽ thuộc về Emperor ngay ở phía trên Justice. Lá 11 biểu thị rằng các luật lệ tinh thần của Justice, qua các luật đó ta tiến bộ theo khả năng của mình để hiểu quá khứ, là phụ thuộc vào cách nhìn nhận sự thật về bản thân và về cuộc sống. Do đó, Justitia của Tarot không mang bịt mắt.

Cho đến nay, chúng ta đã nói về dòng thứ hai như một quá trình rút lui khỏi những lo toan bên ngoài để đánh thức tầm nhìn nội tại của chúng ta và của cuộc sống. Nhưng một cái nhìn nằm bên dưới tính chất của sự vật sẽ là vô nghĩa nếu nó không cho ra một phản hồi tích cực. Chúng ta phải luôn hoạt động (nguyên tắc của Magician) với những tri thức nhận được từ bản ngã bên trong (nguyên tắc của High Priestess). Không chỉ chiếc cân cân bằng hoàn hảo mà tất cả những hình ảnh trên lá bài chỉ ra một sự cân bằng giữa hiểu biết và hành động. Hình ảnh người phụ nữ mang vẻ lưỡng lập; tuy bà ngồi vững trên chiếc ghế đá nhưng trông bà như sắp sửa đứng lên; một bàn chân lộ ra khỏi áo choàng, bàn chân kia vẫn bị che khuất. Thanh kiếm, biểu tượng của hành động, chỉ thẳng lên trên, biểu thị cả sự quyết tâm lẫn quan niệm rằng sự thông thái cũng giống như một thanh kiếm đâm xuyên qua ảo ảnh của những sự kiện để thấy được ý nghĩa nội tại. Được mài sắc hai lưỡi, thanh kiếm biểu thị sự lựa chọn. Cuộc sống yêu cầu chúng ta ra quyết định; một khi ta đã ra một quyết định thì không thể hồi lại được nữa. Nó trở thành một phần của chúng ta. Chúng ta được tạo thành bằng những hành động ta thực hiện trong quá khứ; chúng ta tạo ra bản thể tương lai của chúng ta bằng những hành động chúng ta thực hiện ngày hôm nay.

Cán cân cũng thể hiện sự cân bằng hoàn hảo của quá khứ và tương lai. Quá khứ và tương lai cân bằng, không phải trong thời gian, mà là trong ánh mắt tinh tường của Justice đang nhìn vào bạn từ ngay tại tâm của bộ Ẩn Chính.

Qua nửa đầu của bộ Ẩn chính, khi một người dấn thân vào thế giới bên ngoài, anh ta chịu một ảo ảnh rằng anh ta đang sống một cuộc đời sôi động theo các nguyên tắc chủ động. Đây là vì chúng ta đã nhầm lẫn giữa việc làm việc này việc kia với hành động. Khi chúng ta quay vào bên trong, ta cho rằng mình đã quay lưng với hành động; và chắc hẳn tiến trình của dòng thứ hai không thể thực hiện được nếu không có một khoảng khắc ngưng lại trong cuộc sống bên ngoài của chúng ta; hay ít nhất là trong sự chú tâm. Nhưng hành động thực sự, trái với những chuyển động vô mục đích, luôn luôn mang lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc đời chúng ta; những hành động như vậy đến từ sự thấu hiểu. Nếu không, chúng ta sẽ thụ động một cách tẻ nhạt, là những cái máy bị đẩy từ sự kiện này sang sự kiện khác mà không hiểu cái gì khiến ta làm những điều như vậy. Mục đích thực sự của dòng thứ hai không phải là vứt bỏ nguyên tắc chủ động mà là đánh thức nó.

Hình ảnh của lá 11 kết hợp MagicianHigh Priestess còn trọn vẹn hơn cả trước đó. Đầu tiên, các con số của chữ số 11 cộng lại bằng 2, nhưng chữ số này cũng biểu thị một phiên bản cao cấp hơn của 1 (cũng như một phiên bản cấp thấp hơn của 21). Người phụ nữ ngồi trước hai cây cột với một tấm màn giăng giữa chúng gợi đến High Priestess, nhưng chiếc áo choàng đỏ và tư thế của bà, một tay chỉ lên, một tay chỉ xuống, ám chỉ Magician. Hành động thực sự phát xuất từ sự tự tri; sự minh triết phát xuất từ hành động. Trong cuộc sống, cũng như trong bức hình này, MagicianHigh Priestess kết hợp với nhau chặt chẽ, như đôi rắn đực và cái quấn lấy nhau (biểu tượng của kundalini cũng như y hiệu của Hermes), hay hai đường xoắn của DNA. Màu của tấm màn là màu tím, tượng trưng cho sự thông thái nội tại; nền, vương miện, tóc và chiếc cân tất cả đều màu vàng, biểu thị sức mạnh tinh thần. Minh triết không phát triển một cách tự phát. Chúng ta phải suy nghĩ về cuộc đời mình nếu mong muốn hiểu được nó. Nhưng mọi thứ sẽ chẳng đi đến đâu nếu không phát xuất từ một cái nhìn rõ ràng của sự thật.

Ở tầm vi mô của tâm lý một cá nhân, lá Wheel of Fortune đại diện cho tầm nhìn của một đời người; những sự kiện, bạn là ai, bạn biến bản thân thành cái gì. Justice biểu thị một sự thấu hiểu tầm nhìn đó. Con đường để hiểu nằm trong trách nhiệm. Chỉ cần chúng ta tin rằng cuộc sống quá khứ của ta vừa mới diễn ra, rằng ta không mang bản ngã của chính mình vào trong sự tồn tại thông qua mọi thứ ta làm, thì quá khứ vẫn còn là một điều bí ẩn, và tương lai là một bánh xe xoay chuyển không ngừng, vô nghĩa. Nhưng khi ta chấp nhận rằng mọi sự kiện trong cuộc đời chúng ta giúp tạo nên tính cách của mình, và rằng trong tương lai ta sẽ tiếp tục tạo nên bản thân thông qua hành động, thì thanh kiếm thông thái sẽ cắt xuyên màn bí ẩn.

Hơn nữa, bằng cách chấp nhận trách nhiệm với chính bản thân mình, chúng ta ngược lại sẽ giải phóng bản thân khỏi quá khứ. Như Phật Tổ nhớ lại tất cả các kiếp của người, chúng ta chỉ có thể thả lỏng quá khứ bằng cách ý thức nó đầy đủ. Nếu không ta sẽ mãi lặp lại cách xử sự cũ. Đây là lý do tại sao Justice thuộc về trung tâm cuộc đời chúng ta. Cái tôi có thể chỉ là một nét tính cách, một loại mặt nạ, nhưng chiếc mặt nạ đó có thể điều khiển chúng ta chỉ cần ta không thừa nhận là đã mạo nó làm bản thân mình.

Quan niệm chịu trách nhiệm đời mình không bao hàm bất kỳ thể loại kiểm soát vô hình nào đối với thế giới bên ngoài. Nó không có nghĩa là, ví dụ nhé, nếu có một cơn động đất phá hủy nhà bạn, bạn không hiểu sao đã muốn việc đó xảy ra, vì bất cứ lý do ẩn giấu nào đó của riêng bạn. Sự thấu hiểu bao gồm cả chấp nhận những giới hạn của tồn tại trần tục của bạn. Vũ trụ mênh mông và lạ lẫm, và không một cá nhân nào có thể kiểm soát được những gì xảy ra bên trong nó.

Trách nhiệm cũng không bao hàm giá trị đạo đức nào. Nó đơn giản nghĩa là, dù có thích hay không, bất cứ những gì bạn làm, bất cứ những gì bạn trải nghiệm, đều góp phần vào sự phát triển tính cách của bạn. Cuộc sống đòi hỏi bạn phản ứng với tất cả mọi sự kiện. Không phải là một yêu cầu mang tính đạo đức, mà là một thực tế của tồn tại.

Và tuy tất cả những trực giác, tâm lý và tôn giáo của chúng ta, cũng như bằng chứng của những điều bí ẩn, nói với ta rằng cuộc sống chứa đựng nhiều hơn thế nữa, một tính độc lập cốt lõi nội tại của cái bản ngã bên ngoài vẫn bị ném từ trải nghiệm này sang trải nghiệm khác. Dòng thứ hai cho thấy tính cách bên ngoài đang dần chết đi và cái cốt lõi bên trong, thiên thần của Temperance, được phép trỗi dậy. Trước khi một cuộc giải phóng như thế có thể diễn ra, chúng ta phải chấp nhận “công lý” của cuộc đời chúng ta; của con người mà ta đã trở thành.

Thời đại chúng ta xem qua trình nhận thức này là vấn đề tâm lý cơ bản, được minh họa rõ ràng nhất trong quá trình khó khăn của phân tâm học. Những thời đại khác ngoại hiện quá trình chuyển đổi trong các nghi thức khai tâm kịch tính. Tất cả những lễ khai tâm đều theo một mẫu giống nhau. Tập hợp hết mọi dũng khí để trở thành một người mới nhập đạo, đầu tiên ứng viên nhận hướng dẫn trong giáo huấn của giáo phái hoặc hội kín; trong suốt thời gian đó phải tiến hành các bước, thông qua thiền, nghi lễ và ma túy, để mở các đường dẫn đến sự vô thức và khiến người này có thể lĩnh hội được. Mức đầu tiên được biểu trưng trong StrengthHermit. Sau đó, trong một không khí tuyệt vời đầy bí ẩn và kịch tính, ứng viên được thấy một cảnh tượng về những bí ẩn bí mật của giáo phái. (Chúng được giữ bí mật một phần để bảo vệ chúng khỏi những kẻ hoài nghi, nhưng hơn thế là để gây ấn tượng khi được tiết lộ). Trong những giáo phái Chén Thánh cảnh này là một cuộc đám rước Chén Thánh và những biểu tượng kèm theo hoành tráng; được những người phụ nữ khóc cho vị vua bị thương mang. Ta thấy một hình ảnh tương tự của cảnh này trong Wheel of Fortune.

Và rồi đến khoảnh khắc quan trọng. Ứng viên phải có phản ứng. Nếu anh ta hay cô ta chỉ thụ động đứng đó chờ những sự kiện tiếp theo, thì buổi lễ không thể tiếp tục. Trong các giáo phái Chén Thánh, phản ứng cần thiết gần giống như một câu hỏi, như “Những thứ này có ý nghĩa gì?” hay tinh tế hơn, “Chén Thánh phục vụ cho ai?”. Bằng cách hỏi câu này, ứng viên cho giáo phái một cơ hội để trả lời, tức là, để tiếp tục buổi lễ khai tâm thông qua nghi lễ cái chết và sự tái sinh. Quan trọng là anh ta hoặc cô ta nhận ra mình là một phần của quá trình, chịu trách nhiệm cho kết quả của nó. Điều này nghe thì có vẻ dễ dàng. Nghi lễ này biểu thị cho sự sống, cái chết và sự tái sinh của tự nhiên, cũng như cơ thể chết đi để giải phóng linh hồn bất diệt. Để lên tiếng tại một sự kiện tuyệt vời như vậy (và hãy nhớ rằng người được kết nạp tin vào những vị thần và nữ thần của anh ta hay cô ta theo một cách rất khó hiểu cho đa số chúng ta ngày nay) yêu cầu một dũng khí ít nhất ngang ngửa với dũng khí người này cần để chấp nhận những sự thật được tiết lộ thông qua phân tích tâm lý và sự thức tỉnh.

Ở thời đại của chúng ta, sự nhấn mạnh đến chủ nghĩa cá nhân dẫn dắt ta chỉ nghĩ đến cái chết và tái sinh của một cá nhân. Những nghi lễ khai tâm, trái lại, không chỉ dùng để biến đổi một con người cụ thể, mà còn kết nối anh ta hoặc cô ta với những điều bí ẩn rộng lớn hơn của vũ trụ. Theo sự dẫn dắt này chúng ta có thể thấy một lý do khác giải thích vì sao Justice thuộc về chính giữa bộ Ẩn chính. Chúng ta từng nói về thế giới như một mối tương hỗ vĩ đại của những mặt đối lập, một bánh xe quay mãi không ngừng giữa sáng và tối, sống và chết. Chúng ta cũng đã nói rằng ở trung tâm của bánh xe là điểm tĩnh tại mà quanh điểm đó những mặt đối lập xoay vòng bất tận. Khi chúng ta tìm thấy trung tâm cuộc đời mình, mọi thứ trở nên cân xứng. Khi tất cả các mặt đối lập, bao gồm cả quá khứ và tương lai, trở nên cân bằng, chúng ta sẽ có thể được giải phóng khỏi bản thân mình.

Nhiều người tự hỏi Tarot, hoặc Dịch, hoặc chiêm tinh nói gì với mình về ý chí tự do. Nếu những lá bài có thể dự đoán những gì ta sẽ làm, liệu điều đó có nghĩa rằng ý chí tự do không hề tồn tại không? Câu hỏi này xuất phát từ sự hiểu nhầm chính bản thân ý chí tự do; chúng ta nghĩ về nó như một cái gì đó giản đơn và độc lập với quá khứ. Nhưng những lựa chọn được xem là tự do của chúng ta bị những hành động trong quá khứ khống chế. Nếu chúng ta không hiểu bản thân mình, làm sao chúng ta có thể mong thực hiện một lựa chọn tự do? Chỉ bằng cách nhìn thấy và chấp nhận quá khứ thì ta mới có thể giải phóng bản thân khỏi nó.

Một người có thể hỏi những lá bài về một vài tình huống nào đó. Những lá bài vạch lên rất trực tiếp những kết quả của một vài quyết định, ví dụ như liệu có nên tiến tới chuyện tình này hay không, hay có nên bắt đầu một dự án mới hay không. Chúng ta hãy nói rằng các lá bài toàn chỉ ra những điều bất hạnh, và rằng một người thực sự có thể thấy những khả năng của những điều mà lá bài tiên đoán. Lúc đó người này có thể nói, “Chà, có vẻ thế thật, nhưng ý chí tự do của tôi cho phép tôi thay đổi tình thế”. Rồi anh ta hoặc cô ta cứ tiếp tục làm như vậy và tình thế xảy ra chính xác như những gì lá bài đã đoán. Con người này đã không thực sự sử dụng ý chí tự do; chính xác hơn, quan niệm về ý chí tự do đã bị dùng như một chống chế để lờ đi dự đoán mà anh ta hoặc cô ta đã nhận ra là có khả năng xảy ra. Đây không phải là một tình huống giả định; nó xảy ra liên tục trong các quẻ bài. Nó không đủ để tiên đoán một kết quả có khả năng để chúng ta thay đổi hay ngăn chặn sự kiện đó. Chúng ta phải hiểu tại sao sự kiện đó lại xảy đến, và chúng ta phải làm việc với những nguyên nhân bên trong chính chúng ta của những gì ta làm và cách ta phản ứng. Ý chí tự do chắc chắn có tồn tại. Chúng ta chỉ là không biết cách dùng nó. Điều quan trọng nhất chúng ta có thể học từ các quẻ bài Tarot là chúng ta dùng tự do của mình ít ỏi đến thế nào.

Trong quẻ bài một người nên luôn luôn chú ý cẩn thận tới lá Justice. Lá này xuất hiện trước nhất sẽ ngụ ý rằng tất cả các sự kiện đã diễn ra theo cách chúng “phải” diễn ra; tức là, những gì đang xảy ra với bạn là do những tình huống và quyết định trong quá khứ. Bạn nhận được những thứ bạn đáng được nhận. Thứ hai, nó ngụ ý một nhu cầu và một khả năng thấy được sự thật của kết quả này. Lá bài biểu thị một sự thành thật thuần túy. Cùng lúc nó cho thấy khả năng rằng những hành động của bạn trong tương lai có thể thay đổi nhờ một bài học học được từ tình huống hiện tại.

Chúng ta không thể trở nên thành thật với chính mình mà không mở rộng sự thành thật đó tới cách cư xử của ta với người khác. Theo hướng này, lá bài mang ý nghĩa rõ ràng của Công Lý; thành thật, công bằng, những hành động đúng đắn, và tất nhiên, trong luật pháp cũng như các vấn đề khác; một quyết định công bằng – dù không nhất thiết phải là quyết định mà người này thích thú hơn.

Đảo ngược lại, lá bài biểu thị sự không thành thật với bản thân và với người khác. Nó cho thấy một miễn cưỡng phải thấy ý nghĩa của các sự kiện và đặc biệt cho thấy bạn đang mất cơ hội để thấu hiểu hơn nữa bản thân và cuộc sống của bạn. Ở mức độ bên ngoài nó ngụ ý những dối trá và những hành động hay quyết định bất công. Đôi lúc là những người khác bất công với bạn. Nghĩa ngược cũng có thể mang ý chỉ những quyết định không công bằng theo luật pháp hoặc ai đó đang cư xử tồi tệ.

Mặt khác chúng ta không được chấp nhận những gợi ý không công bằng như một chống chế để chối bỏ trách nhiệm của chính chúng ta về những gì xảy ra với mình. Justice ngược đôi khi phản ánh cả thái độ, “Việc này không công bằng. Nhìn cách mọi người đối xử với tôi mà xem”. Và còn nhiều nữa. Cho dù là hướng ngược hay xuôi, đôi mắt tinh tường của Justice cũng gửi đến ta một thông điệp mang tính áp đảo. Theo những lời của Emerson thì đó là “Không gì có thể cứu anh ngoài chính anh”.



Lá Hanged Man

Sau hồi khủng hoảng thấy những gì bạn đã làm với đời mình, sự bình thản chấp nhận sẽ đến; sau Justice là Hanged Man. Các họa sĩ, nhà văn và các nhà tâm lý đều bị lá bài này cuốn hút rất nhiều với những gợi ý của nó về một sự thật vĩ đại trong một phác thảo giản đơn. Chúng ta đã có ý nhắc đến truyền thống huyền bí đằng sau tư thế lộn ngược và đôi dân bắt chéo. Trong phần bàn về Strength chúng ta nói rằng các nhà huyền học tìm kiếm giải phóng năng lượng của những ham mê và biển đổi nó thành năng lượng tinh thần. Nhiều nhà huyền học, đặc biệt là những nhà giả kim, tin rằng một cách rất trực tiếp để làm điều này là đứng bằng đầu đúng theo nghĩa đen, như vậy trọng lực sẽ keosnawng lượng từ cơ quan sinh dục xuống não. Tất nhiên, chỉ những nhà giả kim ngây thơ và lạc quan nhất mới mong chuyện đó thực sự xảy ra. Họ có thể tin rằng các nguồn nguyên tố tìm thấy trong dòng sinh dục sẽ ngấm xuống và gây ảnh hưởng lên não; nói rõ hơn, tư thế lộn ngược cơ thể giống như một biểu tượng rất trực tiếp của việc đảo lại những thái độ và trải nghiệm đến qua sự thức tỉnh tinh thần. Ở nơi những kẻ khác phát điên phát cuồng, bạn sẽ thấy bình yên. Ở nơi những người khác tin họ tự do, nhưng thực ra là bị đẩy từ việc này sang việc khác bởi những thế lực mà họ không hiểu được, bạn sẽ đạt được tự do đích thực bằng cách hiểu và ôm lấy những thế lực đó.

Hanged Man treo người trên cái cây có dáng dấp giống như chữ T. Ở đây, nó là nửa dưới của ankh, một biểu tượng của Ai Cập về sự sống và đôi khi được gọi là chữ thập Tau. Theo Case, ankh ở Ai Cập đại diện cho chữ Tau của Hebrew, là chữ cái thuộc về World. Do đó, Hanged Man nằm giữa con đường dẫn đến World. Chúng ta cũng thấy điểm này ở chỗ 12 là 21 đọc ngược, và neus bạn xoay ngược Hanged Man lại (làm cho người đàn ông xoay lại đúng chiều) bạn sẽ có một hình người gần giống với World Dancer. Do đó, khi chúng ta hỏi lá bài nào hợp với điểm giữa của bộ Ẩn chính, câu trả lời không phải một mà là ba – lá Wheel, lá Justice và lá Hanged Man, biểu trưng cho một quá trình hơn là một khoảnh khắc.

Hãy chú ý rằng khi Dancer mở rộng vòng tay cầm hai gậy phép thì Hanged Man lại đặt chéo tay sau lưng. Cũng hãy nhớ rằng anh ta đang lộn ngược. Ở cấp độ này một sự thức tỉnh tinh thần sâu sắc chỉ có thể duy trì bằng cách rút mình khỏi xã hội. Trong lá World chúng ta thấy sự thức tỉnh tương tự duy trì giữa tất cả những hoạt động bên ngoài của sự sống.

Anh ta treo người trên một ankh, khiến cái cây của anh ta là Cây Sự Sống. Nếu nhớ đén việc Ordin đã hiến dâng mình ở Yggdrasil chúng ta cũng có thể gọi những… là Cây Thế Giới. Cái cây này bắt rẽ trong thế giới ngầm (trong vô thức), và vươn lên qua thế giới vật chất (ý thức) đến thiên đường (siêu thức). Những quan niệm đầu tiên biểu hiện qua biểu đồ của lá Lovers bắt đầu thực sự xảy ra. Những gì trước đây chúng ta xem là ý tưởng nay trở thành, sau lá Justice, một trải nghiệm chân thực. Con số của lá Hanged Man, 12 là 2 lần 6, tức là High Priestess đang nâng Lovers lên một tầm cao mới.

Vượt qua tất cả những biểu tượng của nó, Hangd Man ảnh hưởng lên chúng ta bởi nó thể hiện một hình ảnh trực tiếp của bình yên và thấu hiểu. Sự bình tĩnh thể hiện rất mạnh trong lá bải bởi Hanged Man đã phó mặc mà tham gia vào các nghi lễ thay vì chỉ quan sát chúng. Đối với nhiều người hiện đại sự tham gia này giải phóng những cảm xúc họ đã khóa kín nhiều năm liền. Dã chú ý rằng cả hai việc đó đều là hành động; phó mặc cho Cây Thế Giới thực sự là một bước tiến, không phải là một sự đợi chờ thụ động.

Bài thơ The Wasteland của T.S Eliot nối với ý tưởng một cá nhân phó mặc cho cảm xúc với sự cằn cỗi của cuộc sống ở châu Âu sau Thế Chiến thứ nhất lẫn những bí ẩn cổ xưa về Chén thánh. Vết thương của Fisher King có thể được chữa lành bằng “một khắc phó mặc mà cả đời khôn ngoan không bao giờ rút lại được”. Cái tôi xem phó mặc là cái chết – tan ra trong bể sống. Người đưa ra lời cảnh báo này là một Tarot reader. Bài thơ của Eliot đã giúp phổ biến bài Tarot vào những năm 1920. Đặc biệt, nó khiến Hanged Man trở nên nổi tiếng. Sự thật là Hanged Man không xuất hiện trong bài thơ mà quan trọng bởi anh ta vắng mặt.

Eliot tuyên bố thực ra ông không biết gì về Tarot, mà chỉ dùng vài hình ảnh từ bộ bài. Tuy nhiên, rõ ràng là ông biết ít nhất một điều bí truyền mà không nhiều nhà diễn giải Tarot biết – rằng, theo một vài tác giả bí mật lá Hanged Man “gốc” mang tên là “Chàng thủy thủ xứ Phoenicy chết đuôi” (The Drowned Phoecinian Sailor”). Bà Sosostris phong danh hiệu này cho người anh hùng. “Đấy là lá bài của bà”. Phó mặc là định mệnh của chàng, nhưng chàng đã khước từ nó: “Tôi không tìm lá Hanged Man”.

Đôi chân bắt chéo thể hiện con số 4 lộn ngược. 4 thể hiện trái đất với bốn phương. Bằng cách đảo ngược cảm nhận giá trị của riêng mình, Hanged Man đã đảo thế giới lên đầu nó. Hai tay cùng với đầu tạo thành một tam giác nước chỉ xuống. Con đường đến với sieu thức là thông qua vô thức. Lá bài của hội Bình Minh Vàng ở bên phải phiên bản Rider thể hiện Hanged Man treo lơ lửng trên nước. Hầu hết các nhà Tarot theo Qabalah gán chữ “Mem” cho lá này. Mem đại diện cho “biển” hoặc nguyên tố nước.

Chúng ta do đó thấy 4, thế giới, ý thức, và 3, ở đây thể hiện nước, hoặc vô thức, trong cơ thể của Hanged Man. Những con số này nhân lên thành 12. Trong phép nhân, những con số gốc tan rã đi và tạo thành cái gì đó to lớn hơn của tổng của chúng.

Con số 12, cũng như 21, cho thấy cả 1 và 2. Lá bài phản ánh Magician với cảm giác rằng sức mạnh được gậy phép kéo xuống nay nhập vào Hanged Man; chúng ta thấy nó giống như vòng sáng trên đầu anh. Trải nghiệm của việc thực sự cảm nhận được sức mạnh tinh thần trong cuộc sống là một trong những sức mạnh và sự phấn kích vĩ đại ở giữa bình yên tuyệt đối. Số 2 ngụ ý chỉ High Priestess; hình ảnh của nước cũng vậy. Cả hai lá bài biểu thị một sự rút lui, nhưng ở nơi lá chính 2 biểu thị nguyên mẫu của tính tiếp thu, thì lá chính 12 cho thấy một trải nghiệm về nó.

1 cộng 2 bằng 3. Empress trực tiếp cảm nhận cuộc sống thông qua những bao hàm cảm xúc, Hanges Man cảm thấy nó thông qua nhận thức bên trong.

Trong quẻ bài Hanged Man mang thông điệp về tính độc lập. Như Fool, lá bài hàm ý làm những gì bạn cho là tốt nhất, ngay cả khi những người khác xem đó là dở hơi, Hanged Man biểu thị hãy là chính bạn, ngay ả khi những người khác nghĩ bạn có toàn những thứ lạc hâu. Nó biểu trưng cho cảm giác kết nối sâu sắc với cuộc sống và có thể mang nghĩa một sự bình yên đến sau những gian nan.

Lá chính này nếu đảo ngược biểu thị một sự bất lực để có thể thoát khỏi áp lực xã hội. Thay vì lắng nghe bản ngã bên trong của chúng ta, chúng ta lại làm những gì người khác mong chờ hoặc đòi hỏi. Sự nhận thức cuộc sống của chúng ta luôn đến sau, không bao giờ là một trải nghiệm trực tiếp mà chỉ là một loạt những rập khuôn, giống như một người đúc nên hành vi của anh ta hay cô ta dựa trên những mệnh lệnh của cha mẹ và những hành động của các ngôi sao điện ảnh.



Lá bài đảo ngược cũng có nghĩa đấu tranh với bản ngã bên trong theo vài cách nào đó. Nó có thể mang nghĩa một người cố gắng chối bỏ những phần cơ bản của chính anh ta hay đơn giản là một người không thể chấp nhận thực tại và một người theo cách này hay cách khác đấu tranh không ngừng với cuộc sống. Bằng cách để cái tôi của anh ta hay cô ta chống lại thế giới, con người này cũng không bao giờ trải nghiệm hết cuộc sống. Không ai trong chúng ta có thể biết đầy đủ ý nghĩa của việc sống cho đến khi, giống như Ordin, chúng ta treo mình trên Cây Thế Giới, rễ của nó ăn sâu vượt khỏi những kiến thức trong biển trải nghiệm, cành của nó biến mất giữa bất tận những vì sao.
Каталог: uploads -> portfolio
uploads -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
uploads -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
uploads -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
uploads -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
uploads -> Tác giả phạm hồng thái bài giảng ngôn ngữ LẬp trình c/C++
uploads -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1

tải về 0.84 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương