Giới thiệu chung Kết quả Kinh tế của Việt Nam


Các thước đo kết quả kinh tế trung gian



tải về 1.02 Mb.
trang2/9
Chuyển đổi dữ liệu06.07.2016
Kích1.02 Mb.
#50
1   2   3   4   5   6   7   8   9

Các thước đo kết quả kinh tế trung gian

Các chỉ số như đầu tư, thương mại, năng lực sáng tạo là những chỉ số dẫn báo về sự thịnh vượng trong tương lai. Đầu tư làm tăng tổng tài sản vốn và thường là dấu hiệu cho thấy sự cải thiện năng lực sản xuất của nền kinh tế. Cạnh tranh trong thương mại sẽ thúc đẩy tính hiệu quả, buộc các doanh nghiệp nội địa phải cạnh tranh với bên ngoài và tiếp thu ý tưởng mới, qua đó nâng cao NSLĐ. Năng lực sáng tạo dẫn tới sự ra đời các sản phẩm, dịch vụ mới và phương thức sản xuất và marketing mới.


Trong phân tích NLCT, các chỉ số này đóng vai trò kép. Chúng vừa là dấu hiệu phản ánh NLCT của một nền kinh tế vừa là nhân tố đóng góp làm tăng NLCT. Sự tăng lên của đầu tư, thương mại, hay năng lực sáng tạo thường kéo theo sự cải thiện NLCT theo thời gian.
Tuy nhiên, các chỉ số trung gian thường bị hiểu nhầm thành mục tiêu chính sách thay vì bản chất chỉ là các công cụ chẩn đoán. Đầu tư là một ví dụ điển hình: khi các hoạt động đầu tư diễn ra tự nhiên theo quy luật thị trường, thì đây là dấu hiệu và cũng là yếu tố đóng góp làm tăng NLCT. Nhưng nếu các hoạt động này là kết quả của sự can thiệp của chính phủ, ví dụ như thông qua trợ cấp đầu tư, thì sự gia tăng đầu tư có thể làm suy giảm mức độ thịnh vượng. Vì lí do này, trong đánh giá NLCT, các chỉ số trung gian chỉ được coi là phương tiện chẩn đoán thay vì là mục tiêu cuối cùng. Cách tiếp cận này cũng giúp nhấn mạnh vai trò của các chỉ số khác, ví dụ như tính chất của nhà đầu tư hay hiệu quả đầu tư, để từ đó xác định được rõ hơn liệu các chỉ số trung gian có phản ánh hay đóng góp vào NLCT không.

2.2.1. Đầu tư

Đầu tư, bao gồm đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, là dấu hiệu cho thấy niềm tin vào sức hấp dẫn của một nền kinh tế trong tương lai. Đầu tư có tác dụng trực tiếp tới gia tăng tài sản vốn. Thông thường, các máy móc thiết bị mới sẽ đi kèm với sự cải thiện trong cơ cấu tổ chức và hoạt động. Và đầu tư thường có xu hướng giúp tăng mức độ thu lợi từ kỹ năng lao động, tạo động lực để nâng cấp các yếu tố khác của NLCT. Đầu tư nước ngoài còn mang tới các lợi ích khác như vốn, công nghệ và các mối liên kết với thị trường nước ngoài.


2.2.1.1 Tình hình đầu tư chung:

2.2.1.1.1 Tỷ lệ đầu tư

- Tỷ lệ đầu tư so với GDP cao và ngày càng tăng


Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đi kèm với sự gia tăng đầu tư. Tỷ lệ đầu tư trên GDP tăng liên tục, từ 18,1% năm 1990 lên 46,5% năm 2007. Trong năm 2008, do các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ góp phần làm giảm tỷ lệ này xuống còn 41,3%.
Tỷ lệ đầu tư so với GDP của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước công nghiệp mới trong khoảng thời gian 1960-1980, cao hơn cả Trung Quốc và nhiều quốc gia phát triển nhanh trong vòng vài thập kỷ gần đây. Ví dụ như trong khoảng thời gian 1961-1980, tỷ lệ đầu tư trên GDP trung bình của Hàn Quốc chỉ là 23,3%, Đài Loan 26,2%, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP của các quốc gia này vẫn đạt tương ứng là 7,9% và 9,7%. Trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, từ 1981 tới 1995, GDP của Thái Lan tăng trung bình 8,1%, và tỷ lệ đầu tư trên GDP trung bình năm đạt 33,3%. Trong giai đoạn 2001-2006, tỷ lệ này của Việt Nam là 37,2%, gần bằng với tỷ lệ 38,8% của Trung Quốc; mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc là 9,7%, cao hơn nhiều so với con số 7,6% của Việt Nam (Riedel, 2009).


  1. Tỷ lệ đầu tư trên GDP của Việt Nam so với một số quốc gia, 1990 - 2008


2.2.1.1.2. Hiệu quả đầu tư

- Hiệu quả đầu tư thấp và ngày càng giảm


Hệ số gia tăng vốn - đầu ra (ICOR) tuy không phải là công cụ phân tích chắc chắn, nhưng phần nào phản ánh tỷ lệ đầu tư cao của Việt Nam so với tốc độ tăng trưởng. Và hệ số này ngày càng có xu hướng tăng lên. Tính trung bình, ICOR của Việt Nam là khoảng 4,8 trong giai đoạn 2000-2008 và 5,4 trong giai đoạn 2006-2008. Với mức này, ICOR của Việt Nam cao hơn nhiều của các nước công nghiệp mới trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế (từ 1961 tới 1980) như Đài Loan (2,7), Hàn Quốc (3,0), và cũng cao hơn ICOR của một số nước trong khu vực như Thái Lan (4,1 trong giai đoạn 1981-1995) và Trung Quốc (4,0 trong giai đoạn 2001-2006).


  1. Hệ số ICOR của Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác


2.2.1.1.3 Đầu tư của khu vực công


- Khu vực nhà nước có tỷ trọng đầu tư cao nhưng hiệu quả đầu tư thấp
Mặc dù vốn đầu tư của khu vực tư nhân trong nước và FDI tăng rất nhanh, trung bình là 18% và 44% tương ứng trong vòng 20 năm qua, nhưng vốn đầu tư của khu vực công vẫn đóng vai trò quan trọng nhất trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vì vậy hiệu quả sử dụng vốn của khu vực công có ý nghĩa quan trọng đối với cả tăng trưởng và ổn định vĩ mô của Việt Nam.


  1. Cơ cấu đầu tư theo thành phần sở hữu, 1995 - 2009


Vốn đầu tư của khu vực công có thể đến từ bốn nguồn: từ ngân ngân sách, từ các DNNN, từ tín dụng nhà nước, và từ các nguồn khác, trong đó hai nguồn đầu tiên thường chiếm tới ba phần tư tổng đầu tư của khu vực công.7 Đầu tư của khu vực công giảm đi8 kể từ năm 1996 do quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN), mặc dù vậy vẫn chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng đầu tư xã hội – trung bình là 49,3% trong thời kỳ 1995 – 2008.


  1. Lượng vốn đầu tư của các thành phần kinh tế theo giá cố định 1994 (1986 – 2009)


Đầu tư của khu vực nhà nước có hiệu quả thấp hơn đáng kể so với đầu tư của khu vực tư nhân trong nước và FDI. Chẳng hạn như theo tác giả Bùi Trinh (2010), dù tính theo vốn đầu tư thực hiện hay theo tích lũy tài sản thì hệ số ICOR của khu vực kinh tế nhà nước cũng cao gấp rưỡi hệ số ICOR chung của toàn nền kinh tế. Với tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư xã hội như vậy, hiệu quả đầu tư thấp của khu vực công, đặc biệt là của các DNNN, đã ảnh hưởng tới kết quả hoạt động chung của toàn nền kinh tế và làm giảm sút NLCT của Việt Nam.

2.2.1.2 Đầu tư trực tiếp nước ngoài

2.2.1.2.1 Tình hình chung về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)




  • Lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam khá lớn và tỷ lệ FDI so với GDP cao

Ở Việt Nam, FDI là một nguồn vốn quan trọng. Theo số liệu của UNCTAD, tỷ trọng FDI trong tổng đầu tư vốn của Việt Nam tăng từ 12% năm 2006 lên 25,5% năm 2007 và 24,1% năm 2008. Tổng vốn FDI tích luỹ so với GDP tăng từ 25,5% năm 1990 lên 66,1% năm 2000. Tính tới 2008, tổng vốn FDI đăng kí đạt 164 tỉ USD với gần 11.000 dự án, nhưng tổng vốn FDI tích luỹ giảm nhẹ còn 53,8% GDP.




  1. Độ mở về đầu tư nước ngoài


Tiết kiệm nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư. Chính vì vậy, nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào các nguồn vốn nước ngoài, và FDI ngày càng trở thành một nguồn vốn quan trọng để bù đắp sự chênh lệch có xu hướng gia tăng giữa tiết kiệm và đầu tư trong vòng 3 năm trở lại đây

.


  1. Sự chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư trong giai đoạn 2002-2009


2.2.1.2.2 Tỷ lệ thực hiện vốn FDI


- Khoảng cách lớn và ngày càng tăng giữa FDI công bố và FDI thực hiện
Mặc dù lượng vốn FDI đăng ký được công bố là lớn, thực tế cho thấy sự chênh lệch giữa con số đăng ký và con số thực hiện ngày càng gia tăng. Tỷ lệ giải ngân đạt mức cao nhất trong giai đoạn 1997 – 2004 (73,5%), nhưng đã giảm mạnh xuống còn 40,1% trong giai đoạn 2006-2008. Một phần của sự chênh lệch này là do xu hướng đua nhau thu hút FDI và có tình trạng khai quá lượng FDI thu hút được tại các địa phương. Phần khác là do việc thực hiện các dự án FDI gặp khó khăn so với dự kiến ban đầu, hay do động thái đăng ký dự án của nhiều nhà đầu tư chỉ để giữ chỗ hoặc lấy đất và sau đó là bán lại dự án để thu lời.


  1. Vốn FDI đăng ký so với vốn thực hiện, 2000 - 2008


2.2.1.2.4 Cơ cấu FDI theo lĩnh vực đầu tư


- FDI đang chuyển dịch mạnh sang lĩnh vực bất động sản và các ngành thâm dụng lao động
Trong những năm đầu, dòng vốn FDI tập trung vào các ngành sản xuất thay thế nhập khẩu (dầu mỏ, xây dựng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc,…) để phục vụ thị trường nội địa đang được bảo hộ (STAR 2003). Trong vòng năm năm trở lại đây, FDI có xu hướng chuyển dần sang các ngành thâm dụng lao động và ngành bất động sản. Hình 2.22 cho thấy số lao động trong khu vực FDI đang tăng nhanh hơn số lượng doanh nghiệp và vốn cố định, phản ánh sự chuyển dịch của dòng vốn này sang các ngành thâm dụng lao động. Đây là kết quả của việc loại bỏ các biện pháp bảo hộ và cũng phản ánh lợi thế nhân công rẻ của Việt Nam. Năm 2009, số dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản và kinh doanh cho thuê chiếm tới 21% tổng số dự án FDI với tổng vốn đầu tư tương đương 33% tổng vốn đăng ký (Tổng cục Thống kê 2009).


  1. Hoạt động của khu vực đầu tư nước ngoài


Mặc dù khu vực chế biến, chế tạo vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng vốn đăng ký, mức độ giải ngân thực tế còn thấp, chỉ chiếm 30% tổng vốn thực hiện trong giai đoạn 1988-2007. Điều này có thể cho thấy đầu tư vào khu vực này gặp nhiều khó khăn và đem lại nguồn lợi ít hơn so với đầu tư vào dịch vụ và bất động sản. Do đó, cần phải xem lại chính sách và các biện pháp ưu đãi để khuyến khích luồng vốn FDI đổ vào khu vực chế biến chế tạo, qua đó nâng cao năng suất và mang lại tác động lan toả cho cả nền kinh tế.


  1. Tỷ lệ giải ngân FDI theo ngành trong giai đoạn 1988-2007


Quyết định chính sách của chính phủ Việt Nam cũng có thể có tác động lên cơ cấu FDI theo ngành. Đã có nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem xét lại các dòng vốn FDI được ưu tiên hiện nay. Đầu tư vào dự án bất động sản bị chỉ trích vì nhiều lý do, từ việc làm mất đất nông nghiệp tới việc gây ra bong bóng giá đất. Một vấn đề đang được thảo luận hiện nay là việc tập trung vào các dự án tạo ra giá trị gia tăng trong nước cao hoặc có hàm lượng công nghệ cao. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã hạn chế việc cấp phép cho các dự án FDI thâm dụng lao động trình độ thấp. Tuy vậy, việc dịch chuyển các dự án FDI trong ngành chế biến chế tạo từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục. Ví dụ như tại thời điểm hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang tìm kiếm những địa điểm có tính cạnh tranh cao hơn để thay thế cho một số địa điểm tại Trung Quốc, và các nước ASEAN tỏ ra có ưu thế nhờ vào vị trí địa lý và văn hóa; trong số đó, Việt Nam hoàn toàn có khả năng là một trong những nước được lợi nhiều nhất từ xu thế này.
2.2.1.2.5 Phân bổ về mặt địa lý của vốn FDI


- FDI tập trung nhiều ở một vài trung tâm kinh tế lớn và đang dịch chuyển dần sang nhóm các tỉnh kế tiếp
Năm 2009, các tỉnh dẫn đầu trong thu hút FDI vào Việt Nam là Bà Rịa – Vũng Tàu (6,73 tỉ USD trong tổng số 21,48 tỉ), Quảng Nam (4,174 tỉ), và Bình Dương (2,502 tỉ). Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội xếp tương ứng thứ 7 và 8. Tổng số dự án được cấp phép tại ba trung tâm kinh tế chính của Việt Nam là 537, chiếm 64% tổng số giấy phép trên toàn quốc. Nếu theo tổng vốn đăng ký tích luỹ cho tới cuối năm 2008, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu và Hà Nội vẫn là ba điểm đến hấp dẫn nhất của FDI.


  1. Vốn FDI đăng ký theo địa phương tính luỹ kế đến ngày 31/12/2008





2.2.1.2.6 Tác động của FDI


- Có ít dấu hiệu cho thấy tác động lan toả tích cực của FDI và mối liên kết giữa khu vực FDI với nền kinh tế trong nước
Tổng lượng vốn FDI đăng ký tuy tăng lên theo thời gian, nhưng vẫn có hàm lượng công nghệ thấp. Để cải thiện điều này, chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao từ FDI đã được cải thiện từ năm 2005 với sự ra đời của Luật Đầu tư và sau đó là Luật Chuyển giao Công nghệ năm 2006.
Chính phủ cũng chú ý tới việc thu hút FDI có hàm lượng công nghệ thông qua việc thành lập các khu công nghệ cao, như Khu Công nghệ cao Hòa Lạc9. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại mới chỉ có 28 dự án đầu tư được cấp phép, không ít trong số đó là các dự án FDI với tổng số vốn đăng ký chưa đến 1 tỉ USD và vẫn đang trong giai đoạn khởi động. Trình độ lao động thấp, năng lực công nghệ yếu kém của doanh nghiệp trong nước, và sự thiếu liên kết (cả xuôi và ngược) giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước được xem là những rào cản cho quá trình chuyển giao công nghệ thông qua FDI ở Việt Nam (Tuệ Anh N.T., 2009).
Theo Điều tra về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2009, trong số gần 10.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước được điều tra, chỉ có 6,9% số doanh nghiệp có khách hàng chính là các doanh nghiệp FDI; 15% có khách hàng chính là DNNN; và 58% có khách hàng chính là các doanh nghiệp tư nhân trong nước khác.
Cuộc khảo sát gần đây của CIEM đối với các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực may mặc và điện tử tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai cho thấy tất cả các doanh nghiệp được điều tra chỉ thực hiện những khâu đơn giản nhất trong dây chuyền sản xuất tại Việt Nam, còn việc thiết kế, xác định dung lượng và các khâu tinh vi khác đều được quyết định bởi công ty mẹ ở nước ngoài. Công ty mẹ cũng lo luôn việc cung cấp nguyên liệu đầu vào, phân phối và bán sản phẩm cuối cùng. Đây là mô hình gia công giản đơn điển hình, dựa vào nguồn lao động rẻ, tiêu tốn năng lượng, đòi hỏi giao thông và hạ tầng logistic tốt và cạnh tranh dựa trên giá. Với mô hình này thì sẽ rất khó có thể tạo ra tác động tràn tích cực từ khu vực FDI. Chính vì vậy, các biện pháp chính sách và nỗ lực hiện tại nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi, chi phí thấp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, tuy cần thiết nhưng vẫn không đủ để thúc đẩy tác động lan toả từ FDI và nâng cao năng suất lao động.



Hộp 2.2: Trình độ công nghệ của doanh nghiệp FDI tại thành phố Hồ Chí Minh
Tính đến 31/12/2008, thành phố Hồ Chí Minh có 3 khu chế xuất và 12 khu công nghiệp với tổng cộng 1.143 dự án đang hoạt động; tổng vốn đăng ký của các dự án này đạt 4,36 tỉ Đô-la Mỹ và tổng số lao động ước đạt 250 nghìn người. Tuy nhiên, chỉ có 3 doanh nghiệp công nghệ cao đáp ứng yêu cầu là Nidec Tosok, Mtex, và Renesas. Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao của 3 DN này chiếm gần 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các khu công nghiệp đang hoạt động (khoảng 300 triệu USD). Nhìn chung, hàm lượng công nghệ cao, hàm lượng sản xuất, và hàm lượng chất xám trong các sản phẩm công nghiệp vẫn còn thấp.
Theo điều tra năm 2008 của Sở Khoa học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh tại 429 doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, chỉ có 1% đạt trình độ công nghệ cao, 4% khá, 8% trung bình khá, 36% trung bình và tới 51% có trình độ công nghệ dưới trung bình. Khu chế xuất Tân Thuận tuy được lấp đầy (chủ yếu là các DN ĐTNN) nhưng 61% số DN ở đây có trình độ công nghệ thấp.
Nguồn: CIEM




2.2.1.2.7. Điều gì thu hút FDI đến Việt Nam?

Theo điều tra hàng năm của JETRO đối với các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại châu Á, những yếu tố hấp dẫn nhất khi đầu tư vào Việt Nam bao gồm: ổn định chính trị (61,1% số trả lời), nhân công rẻ (38,9%), và quy mô thị trường (38%).


Tóm lại, mặc dù FDI tăng lên về số lượng nhưng việc thiếu các động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và NLCT của các ngành nói riêng và của nền kinh tế nói chung đã hạn chế sự đóng góp của khu vực FDI vào nâng cao NLCT. Cần có các động lực và biện pháp chính sách để khuyến khích hơn nữa các dự án FDI sử dụng công nghệ tiên tiến, tăng cường chuyển giao công nghệ, phổ biến công nghệ thân thiện môi trường và chuyển giao kỹ năng.


tải về 1.02 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương