Giải thích thuật ngữ: Chứng khoán? Môi giới? Đầu tư?


Bài XVI: Ra lệnh mua bán chứng khoán



tải về 2.23 Mb.
trang5/32
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích2.23 Mb.
#22418
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   32

Bài XVI: Ra lệnh mua bán chứng khoán

Các lệnh mua hay bán

Phối hợp năm yếu tố là cách trả tiền, cách mua bán, có chứng khoán trong tay hay không, sự lên xuống của giá cả theo thời gian, và thời gian hiệu lực của lệnh mua bán; bạn có thể chọn các lệnh mua bán khác nhau khi thấy giá sẽ lên xuống như thế nào đó. Vậy là bạn có thể chọn cách mua bán dễ hay khó.

Thí dụ, là dân mới tham gia TTCK chưa có kinh nghiệm, bạn sẽ nghe lời khuyên của Công ty môi giới CTMG để bán hay mua, cách này là dễ nhất, bạn sẽ mua hay bán theo cách "mua bán theo thời giá" market order, nghĩa là giá ở thị trường có sao thì mua hay bán như vậy. Lệnh bạn ra cho CTMG sẽ là : "Bán hay mua cho tôi 100 cổ phần của công ty ABC, với giá hời nhất mà ông có thể mặc cả".

Về sau, có kinh nghiệm hơn, đoán được giá lên hay xuống, bắt đầu muốn kiếm lời khi mua bán, bạn sẽ chọn một trong những cách mua bán khó hơn nằm trong bốn loại "lệnh có định giá" limit order là :

1. Mua có ra giá buy limit order

2. Bán có ra giá sell limit order

3. Bán khi giá tụt xuống đến mức ấn định sell stop order

4.  Mua khi giá lên đến mức ấn định buy stop order

Mục đích của bốn lệnh này là giúp bạn kiếm lời và giảm lỗ khi mua bán. Lệnh 1 và 4 dành cho người chưa có chứng khoán trong tay. Hai lệnh kia dành cho người có chứng khoán. 

Mua có ra giá

Bạn dùng lệnh này khi không có chứng khoán trong tay mà nghĩ là giá sẽ xuống rồi lên. Thí dụ, chứng khoán của công ty ABC hiện đang là 35 USD một cổ phần. Bạn chưa có cái nào, nhưng đoán là giá sẽ xuống 32 USD trong vòng một, hai tuần nữa, rồi sau đó lên lại. Muốn thủ lợi, bạn bèn điện thoại cho CTMG rằng : "Mua cho tôi 1.000 cổ phần của ABC khi nào nó ở giá 32 USD ; cứ chờ cho đến giá đó, bao giờ tôi bảo ngưng thì thôi". Phần sau của câu nói là hiệu lực thời gian của lệnh bạn ra. Vậy, khi giá cổ phần của ABC xuống 32 USD thì người môi giới sẽ mua cho bạn. Cái rủi của lệnh này là nếu giá không xuống đến mức đó thì bạn sẽ không mua được. Không ai ra lệnh "mua có ra giá" mà lại cho giá cao hơn thời giá, vì chứng khoán sẽ được mua ngay.  

Bán có ra giá

Trái với trường hợp trên, bạn có chứng khoán trong tay và muốn bán nó đi khi nghĩ nó sẽ lên giá. Thí dụ, đang có 100 cổ phần của công ty XYZ, giá hiện nay của nó là 37 USD mỗi cổ phần ; đoán là trong vài ngày nữa nó có thể lên đến 40 USD ; muốn có cơ hội kiếm lời, bạn gọi CTMG và bảo : "Bán cho tôi 100 cổ phần của XYZ khi giá lên 39 USD ; cứ chờ bán cho đến khi tôi bảo thôi". Khi giá lên đến 39 USD người môi giới sẽ bán. Nếu không tới giá đó thì bạn sẽ không bán được. Cái khó của việc mua bán có ra giá là định được cái giá nào mà không cách xa giá thị trường quá.  

Bán khi giá tụt xuống đến mức ấn định

Bạn đang cầm chứng khoán của công ty ABC, nó đang lên giá vùn vụt. Tuần trước, lúc mua 200 cổ phần, mỗi cái giá có 35 USD. Tuần này nó lên 50 USD. Tự nhiên bạn lời 15 USD x 200 =  3.000 USD. Hết sẩy ! Ôm món tiền to kiểu đó, bạn sẽ lo giá nó xuống. Vậy bạn sẽ đề phòng bằng cách gọi cho CTMG : "Lúc nào giá của ABC xuống 49 USD thì bán đi cho tôi". Nếu giá xuống 49 USD thì chứng khoán của bạn sẽ được bán. Bạn giới hạn sự mất mát của mình trong 200 USD, mỗi cổ phần mất một đồng.  

Mua khi giá lên đến mức ấn định

Lệnh này chỉ được dùng khi bạn đã mượn hàng để giao sell short. Như đã biết, khi đã mượn hàng để bán thì bạn cầu cho giá cứ xuống mãi. Chẳng hạn, khi giá cổ phần của XYZ là 50 USD, bạn đã mượn 100 cái để bán. Bây giờ giá kia đã tụt còn 34 USD. Vậy bạn đang có lời 1.600 USD. Lời to nên bạn sợ lỗ nếu giá sẽ lên lại. Bạn sẽ che chắn cho mình bằng cách gọi CTMG : "Lúc nào giá nó lên lại là 35 USD thì mua cho tôi 100 phần". Khi giá lên đến mức đó người môi giới sẽ mua. Lúc ấy so với mức lời hiện nay, bạn chỉ lỗ 100 USD ; tức là còn lời 1.500 USD. Tất nhiên nếu giá không lên lại 35 USD thì lệnh sẽ không được thực hiện. Nếu thế lại càng hay, vì các lệnh có định giá nhằm bảo đảm số lời bạn đang có khi giá cả lên xuống trái ngược với sự mong đợi của bạn.

Mua theo cách này cũng có cái nguy là khi mà có nhiều người cùng ấn định cái giá bạn định, thì vào lúc có giá đó, nhiều người cùng mua khiến giá vọt lên ; lệnh vẫn được thực hiện nhưng không chắc là bạn mua được với cái giá kia mà phải cao hơn.  

Ưu tiên thi hành lệnh

Lệnh có cái đến trước cái đến sau, lúc đó không có vấn đề ; nhưng nếu chúng đến cùng một lúc thì người môi giới phải có cách giải quyết. Cách đó là :

- Khi hai lệnh có giá trị mua hay bán bằng nhau, thì cái nào đến trước sẽ được thi hành trước.

- Khi hai cái đến cùng một lúc mà ngang giá nhau, thì cái nào có số lượng mua bán lớn hơn sẽ được làm.

- Nếu cả hai giống nhau về mọi mặt, lúc đó người môi giới sẽ chọn bằng cách tung đồng xu sấp ngửa.

Thường thường số lượng đặt mua phải theo từng lố 100 cổ phần một lần, gọi là mua bán theo lố chẵn round numbers. Nếu mua ít hơn, từ 1-99 là mua theo lố lẻ odd lot. Khi mua bán theo lố lẻ, bạn phải trả thêm phí sai biệt ngoài tiền hoa hồng cho người môi giới phụ trách mua bán lẻ.  

Hiệu lực thời gian của lệnh

Khi nhận lệnh, người môi giới sẽ ngưng thi hành theo hạn kỳ sau :

- Có hiệu lực cho đến cuối tuần good through the week

- Có hiệu lực cho đến cuối tháng good through the month

- Có hiệu lực cho đến khi báo thôi good ’til canceled

Nếu bạn không định một trong các thời gian trên, lệnh sẽ hết hiệu lực vào cuối phiên mua bán mỗi ngày.

Khi mua bán xong, người đầu tư sẽ thanh toán giao hàng và thu tiền nếu bán, trả tiền nếu mua với các CTMG. Thời gian thanh toán là năm ngày sau khi giao dịch. Các CTMG có bảy ngày để thanh toán với nhau.



Mua bán nội gián và "Bức tường Trung Hoa"

Trong thị trường chứng khoán TTCK sự công khai thông tin về tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp phát hành và các giao dịch mua bán chứng khoán đã trở thành một tập quán bắt buộc. Điều này chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nào nó được thực hiện kèm theo một lẽ công bình.

Sự công bình và trung thực thể hiện ở khả năng các mua bán diễn ra trong bối cảnh sao cho công chúng tham gia đều có cơ hội như nhau về thông tin. Những thông tin cần công khai phải được phổ biến đầy đủ và trung thực, theo cách để mọi người đầu tư sẽ có cùng một điều kiện tiếp cận. Trong khi đó, sự rò rỉ các thông tin chưa công bố hoặc bị giới hạn sẽ tạo các bất công đáng ngại nhất trong TTCK : đó là hoạt động mua bán nội gián insider trading.

Mua bán nội gián

Những thông tin “phe ta” phục vụ cho mua bán nội gián được gọi bằng nhiều cách khác nhau như: thông tin bên trong inside information, thông tin hạn chế non-public hoặc thông tin kín confidential. Dù ở bất cứ dạng nào, những thông tin như thế được khoanh lại trong một phạm vi hẹp và gổm các tin tức không được, chưa được hoặc chưa sẵn sàng để công bố đồng loạt ra công chúng. Những người làm việc trong đó phải quán triệt và tuân thủ những nguyên tắc luật lệ nghiêm minh.

Người ta có thể đo được các tin tức ẩn lậu được dùng trong một giao dịch nội gián bằng cách xem xét phương pháp được dùng để công bố thông tin, xác định thời điểm mua bán được thực hiện... rổi so sánh với thời điểm mà mọi người cũng cùng có thông tin đó. Về nguyên tắc, bất cứ ai có trong tay hoặc biết một thông tin chưa được phép công khai mà vẫn quan hệ giao dịch đều bị xem là vi phạm pháp luật về sự làm ăn ngay thẳng.

Hoạt động mua bán dựa vào các thông tin bên trong thường đi kèm các giao dịch không bình thường hoặc có quy mô lớn nhằm để thu lợi bất chính hoặc để tránh một sự thua lỗ nặng.

Năm 1986, TTCK Mỹ đã đưa ra ánh sáng một vụ mua bán nội gián lớn. Dennis Levine, một chuyên viên phụ trách về sáp-nhập-và-sở-hữu merger-and-acquisitions thuộc Công ty Drexel Burnham Lambert, đã sử dụng thông tin nội bộ để thực hiện các giao dịch thu gần 13 triệu USD lợi nhuận, liên tục trong vòng sáu năm. Ủy ban Chứng khoán Mỹ có đầy đủ chứng cứ về các vụ mua bán mà Levine thực hiện từ năm 1980. Hoạt động này thông qua các tài khoản bí mật của một chi nhánh ngân hàng Thụy Sĩ đặt tại quần đảo Bahamas một thuộc địa tự trị của Anh, gần bang Florida, Mỹ. Một nhân viên của chi nhánh được xác định là đã đảm nhận thực hiện các giao dịch cho Levine bằng các tài khoản mua bán chứng khoán của ngân hàng này đặt tại Mỹ. Levine dính líu vào các mua bán tiêu cực như vậy với cả thảy 54 công ty, gồm cả cổ phiếu lẫn các hợp đồng về quyền chọn options. Tuy nhiên, đối tượng vi phạm không chỉ là người bên trong mà có khi là người bên ngoài tiết lộ một thông tin họ nghe được rất tình cờ.

Bức tường Trung Hoa

Mua bán nội gián là một hoạt động phi pháp, sự lũng đoạn, thao túng, móc ngoặc, bất công... làm ô nhiễm thị trường. Nguyên nhân chính vẫn là các nhân sự bên trong, mà Điều 70, Chương 8 của Nghị định 48 về chứng khoán và TTCK của Việt Nam gọi chung đó là những “người có liên quan”. Trong TTCK, việc ngăn chặn rò rỉ thông tin không đơn giản dừng lại ở các điều cấm mà còn thể hiện bởi hàng loạt các biện pháp triển khai khác, như công bố các thủ tục giám sát nội bộ một cách cụ thể và bắt buộc, thẩm quyền thanh tra và điều tra của Ủy ban Chứng khoán quốc gia... Đặc biệt, công tác tổ chức các kỹ thuật quản lý, xử lý thông tin nội bộ được giới chức trách của TTCK và các công ty chứng khoán chú trọng hàng đầu. Khái niệm về “Bức tường Trung Hoa” được phổ biến rộng rãi và áp dụng tích cực trong TTCK là vậy.

Ý tưởng “Bức tường Trung Hoa” được phát triển từ bức rèm ngăn tạm của người Trung Hoa. Ngày nay, có tài liệu còn gọi đó là học thuyết về Bức tường Trung Hoa Chinese Wall Doctrine. Hãy khảo sát bức rèm tre có thể ngay của người Việt Nam sử dụng. Bức rèm này được treo ở nơi trang trọng và để phân biệt một không gian cần bảo vệ, phân lập những ranh giới có tính chức năng. Nó tôn một không gian lên thành khu vực “dành riêng”, đồng thời lại có tác dụng giới hạn các mảng “đậm lợt” khác nhau, ẩn hiện ý nghĩa tôn ti, nề nếp. Tuy nhiên, sự bài trí như vậy lại không chia cắt quá đáng phạm vi một không gian, dễ làm ngột ngạt, mà nó vẫn tạo được cảm giác đó là một thực thể thống nhất và gắn bó.

Trong TTCK, khái niệm Bức tường Trung Hoa nói lên các biện pháp có tính công cụ nhằm ngăn chặn sự lan truyền thông tin kín giữa các bộ phận trong cùng một công ty. Những bộ phận hoặc chi nhánh của một công ty môi giới và kinh doanh chứng khoán có điều kiện giao tiếp với các thông tin nội bộ quan trọng - như bộ phận pháp lý, phân bộ trung gian huy động vốn đầu tư và các nhà phân tích chứng khoán khác nhau - không được phổ biến thông tin mà mình có thuộc loại này cho bất cứ ai có thể lấy đó suy diễn để khai thác mua bán kiếm lời hoặc né lỗ. Bức tường tưởng tượng này được thiết lập bắt buộc giữa bộ phận phụ trách trung gian huy động vốn đầu tư - investment banking - và các bộ phận kinh doanh và bán lẻ chứng khoán.

Bức tường Trung Hoa do vậy là một bức tường ước lệ, được dựng lên bằng các biện pháp quản lý, các quy chế, thủ tục có hiệu lực đủ mạnh như một công cụ nhằm cách ly hướng thông tin theo ý đồ và bảo vệ nguổn thông tin cần giữ kín. Nó luôn được “tuần tra để duy tu” theo một chế độ “chăm sóc đặc biệt”.

Trong những TTCK phát triển, các luật lệ chế định và các phân tích về hành vi mua bán nội gián được đưa ra một cách chi tiết đến độ các hành vi mách nước hoặc các mối quan hệ, liên hệ công việc,... cũng được mô tả rõ ràng. Tuy nhiên, để phơi sáng đều khắp các “vùng mờ” là công việc hết sức khó khăn và cao cả của sự nghiệp xây dựng một TTCK lành mạnh.


Nhà đầu tư, anh là ai...?

Cần đắn đo một chút trước khi là cổ đông

Có lẽ cần phải nói thật sớm rằng khi mua cổ phần công ty hoặc tại thị trường chứng khoán TTCK là ta đã bỏ vốn ra làm ăn chứ không phải bỏ ống hay gửi tiết kiệm. Chuyện tưởng đơn giản như thế mà hiện nay - và biết đâu sẽ còn lâu nữa - nhiều công ty đã cổ phần hóa đang phải nhức đầu... Bối cảnh có thể là những người lao động, tay làm hàm nhai, ki cóp những đồng bạc dành dụm khó khăn đi mua cổ phần công ty. Cũng có thể đó là những người khá hơn, chỉ vì suy nghĩ quá đơn giản nên đã đinh ninh rằng sở hữu công ty rồi là bảnh lắm, cứ “tới kỳ là có bánh mì”... Nhưng có trường hợp đã tới mấy kỳ mà chẳng thấy “bánh mì” ! Công ty vừa cổ phần hóa xong thì khủng hoảng khu vực ập đến. Kết quả cân đối âm, đành phải cắn vào đuôi mà tồn tại, lấy lời đâu để mà chia ? Bức bách quá quý vị ấy bán cổ phần đi. Lại gặp ê chề, chấp nhận bán lỗ cũng không phải dễ tìm được người mua. Thế là tàn một giấc mơ ?... Chưa chắc. Hãy đợi đấy...

Tự biết mình

Nếu ta tạm quên TTCK - hoặc giả sử cơ chế thị trường này còn lâu mới thành hiện thực - thì hành động mua cổ phần chẳng khác nào một quyết định hùn hạp kinh doanh. Do đó phải tính tới yếu tố lời ăn lỗ chịu. Liệu cơm gắp mắm hoặc lượng sức mình là điều cần thiết. Mua cổ phần là tham gia vào loại hình hoạt động kinh tế thứ ba của thị trường - loại thứ nhất là tư doanh sole proprietorship; loại thứ hai là hợp danh partnership và loại thứ ba là công ty hợp vốn corporation. Đó là một loại hình làm ăn dài hơi và đầy biến động, có khi bất trắc không chừng. Quyền định đoạt của người tham gia sau khi bỏ đồng vốn vào đó có khi chỉ còn một phần triệu hay nhỏ hơn. Điều này gần đồng nghĩa với khả năng bị lệ thuộc hay mất quyền tự chủ - cho đến khi nào chưa có một TTCK hữu hiệu.

Sẽ chẳng quá đáng nếu nói mua cổ phần công ty là để mong khấm khá hơn chứ không phải để kiếm sống. Vậy thì phải biết mình là ai ? Làm buổi sáng đong gạo buổi chiều, nuôi con nhỏ mẹ già, chuẩn bị cho một chương trình đại học, sắp lập gia đình, xây nhà, về hưu... nay mai sẽ cần một khoản tiền nhất định, thì hãy cân nhắc trước khi mua cổ phần. Ngoại trừ trường hợp ưu đãi cấp không, việc giảm giá vài chục phần trăm cũng đừng nên vội, đừng vội... Đôi khi hỏng chuyện ngay ở chỗ tiếc của rẻ này. Việc mua hàng giảm giá đó có thể chẳng có ý nghĩa gì nếu chỉ vì do ta bị cuốn vào chứ không phải do một quá trình tính toán và quyết định.

Nhu cầu nào mua loại đó

Tiền đầu tư vào cổ phần phải là tiền dư của để. Đó là món tiền cần thiết phải được quản lý một cách hiệu quả để kiếm cửa sinh lời. Lượng tiền này không dùng cho các nhu cầu sinh sống cơ bản và cũng không nằm trong kế hoạch sử dụng ngắn hạn. Thể trạng tâm lý vững vàng và một khả năng nhận thức tối thiểu về kinh tế là những yêu cầu cần thiết. Bởi vì không thể có chuyện “bắt đền” khi có một sự trì trệ hoặc thậm chí mất trắng xảy ra. Nếu ta không được như vậy thì tốt nhất nên chọn một cách đầu tư khác dựa vào thế thủ - từ vừa vừa cho tới gần như chắc cú - đó là mua cổ phần ưu đãi, mua trái phiếu nhà nước, trái phiếu đô thị, trái phiếu công ty hoặc gửi tiết kiệm. Cách đầu tư sau an toàn hơn, bảo đảm tới kỳ là có lãi để chi dùng và định được thời gian lấy vốn ra. Ngoại trừ cổ phần ưu đãi thì không được vì đây là dạng đã dấn thân vào sân chơi nhưng còn “thủ cẳng” không chịu thắng thua mà chỉ muốn “lấy xâu”. Ở đây quy luật thị trường thể hiện rất rõ, rủi ro ít nhận được lợi ít và ngược lại. Rủi ro trong đầu tư không nên được hiểu theo nghĩa “liều” thông thường, mà phải được quan niệm là sự suy tính xa hoặc, dễ hiểu hơn, đó chính là sự mạo hiểm.

Riêng trong TTCK, một nguyên tắc hành xử bắt buộc, mà các thành viên chuyên nghiệp phải tuân thủ, đó là phải điều tra thật kỹ lưỡng tình trạng nhân thân, tình hình tài chính, nhu cầu của người đầu tư trước khi mở tài khoản cho họ mua chứng khoán. Nhà môi giới và kinh doanh chứng khoán nào không trưng ra được bằng chứng là mình đã thực hành tận tụy thủ tục này sẽ bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.

Thuộc bài rủi ro

Gọi là đầu tư nghĩa là đã chơi trò chơi trí tuệ. Nhưng thói thường, khi say sưa nghĩ đến chiến thắng người ta dễ rơi vào trạng thái mất cảnh giác. Họ quên rằng tài thao lược của họ, hoặc ngay cả của các chuyên gia cố vấn cho họ, có thể bị “vô hiệu” bất cứ lúc nào tại hàng chục cửa ải, và nếu rủi ro xuất hiện thì chí nguy. Tốt hơn người đầu tư cần nằm lòng càng nhiều rủi ro sau đây càng tốt.

Những rủi ro đã được “điểm mặt” gổm: rủi ro lạm phát làm giảm giá một chứng khoán. Rủi ro bị cụt vốn do tai họa ập đến cho doanh nghiệp phát hành. Rủi ro vì  chọn sai do hời hợt chủ quan hoặc thông tin sai lệch. Rủi ro sai thời điểm bán hoặc mua bất lợi ở các ngưỡng biến động. Rủi ro về lãi suất xảy ra khi lãi suất thị trường tăng làm giá trái phiếu giảm. Rủi ro thị trường biến động có thể xảy đến với người đầu tư ngắn hạn. Rủi ro về tài chính do bản thân doanh nghiệp phát hành làm ăn thất bại. Rủi ro về khả năng thanh khoản do không bán được chứng khoán tại thời điểm theo ý mình. Rủi ro pháp chế là sự bất lợi tác động lên giá chứng khoán khi có sự thay đỗi về luật lệ. Nếu có dịp chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn. Ngoài ra còn có loại rủi ro do ảnh hưởng dây chuyền và lây lan như khủng hoảng, sự kém hiệu quả cố hữu của thị trường... cũng cần biết đến.

Một thực tế có tính đúc kết là mua cổ phiếu của công ty vào thời điểm TTCK chuẩn bị ra đời - ví dụ thời điểm hiện nay tại Việt Nam - thường rất dễ thắng. Bởi vì trong giai đoạn này chứng khoán ít, trong khi lượng cầu chứng khoán sẽ gia tăng liên tục trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên người mua phải đủ sức cầm cự trong một thời gian có thể dài. Những biến động bất lợi đoản kỳ chưa phải là chiều hướng xác quyết của một loại cổ phiếu nào đó. Như đã phân tích loại rủi ro do chọn sai thời điểm - ví dụ cần tiền bán quá sớm - có thể gây thiệt hại đáng kể. Vậy ta tạm mượn “niệm khúc” của dân “xòe” để ví von minh họa : “cờ bạc ăn về sáng” là vậy.

Mua cổ phần là một hoạt động đầu tư trực tiếp. Đó là kết quả của một chuỗi tìm hiểu, cân nhắc và suy tính, gồm cả động tác sờ lại túi mình. Không nên quyết định như đi mua trứng cút. Ai muốn “cho khỏe” thì đi gửi tiết kiệm. Hoặc có máu đầu tư mà ghét suy nghĩ “rắc rối quá” thì nên nhờ đến các nhà phân tích và cố vấn đầu tư. Và hãy thử, ngay trong đợt cổ phần hóa này, quý vị tham khảo xem sẽ quyết định thế nào để có dịp sử dụng những đồng tiền còn ướt mồ hôi của mình một cách hiệu quả nhất. 


Thế nào là người "đầu cơ" chứng khoán?

“Speculator” ở TTCK không mua gom chứng khoán, tạo khan hiếm giả tạo, để làm cho nó lên giá như ở thị trường hàng hóa. Giá chứng khoán lên hay xuống là do có ít hay nhiều người mua.

Khác biệt về ý niệm

Nhiều sách vở và bài báo ở ta đã cảnh báo về người đầu cơ speculator trong thị trường chứng khoán TTCK. Gần đây, có ý kiến đề nghị rằng trong các cuộc hội thảo có tính cách quốc tế cần thuyết phục các nước sửa luật chứng khoán theo hướng cấm bán khống và hạn chế mạnh mẽ đầu cơ. Chúng ta trân trọng những ý kiến này về sự quan tâm đối với nền kinh tế, tuy nhiên về mặt khoa học, cần tìm xem quan niệm về người đầu cơ ở TTCK của các nước phát triển là thế nào để hiểu cho đúng về họ khi ta lập TTCK.

Thường chúng ta nghĩ về người đầu cơ như là một người tạo ra sự khan hiếm giả tạo mua vét hàng hóa nhằm bán lại, thu lợi bất chính. Ta cũng thường giải thích sự tăng giá hàng là do đầu cơ. Đó là quan niệm về người đầu cơ ở thị trường hàng hóa mà nơi đó có những khi cung không đủ cầu. Trái lại, ở các nước phát triển, hàng hóa không hề khan hiếm, cung vượt xa cầu, nên nếu hiểu “speculator” của họ như trong bối cảnh kinh tế của ta thì rõ ràng là sai. Hơn nữa, nếu lấy điển hình George Soros trong thị trường ngoại tệ để hô hào chống “speculator” trong TTCK là nguy hiểm cho tiền đổ của TTCK. Tại sao vậy ?

Gốc gác của người “đầu cơ”

Người “đầu cơ” ở các nước phát triển xuất hiện đầu tiên tại thị trường hàng hóa lúa, bắp, cà-phê nơi có sử dụng hợp đồng “forward contract” bán bây giờ - sau này giao ; hợp đồng cho hàng sẽ đến. Bán như thế không phải là bán non, vì bán non bắt nguồn từ việc nhà sản xuất thiếu vốn. Ở “forward contract”, để cầm tin, người ta chỉ trả cho nhau từ 5-10% trị giá món hàng. Cách mua bán này chỉ xuất hiện khi sản xuất phát triển, nông sản và nguyên liệu thừa mứa ; nhà sản xuất phải tìm cách đem bán sang những khu vực xa xôi khác. Khi ấy rủi ro kinh doanh thu không đủ chi sẽ xảy ra ; vì không kiểm soát được giá cả do thời gian bán dài, cung cầu có thể thay đổi; và nơi giao hàng rất xa mà giá cả ở đó có khi khác. Khi bên bán bị rủi ro thì bên mua cũng bị lây ; người này sợ phải trả giá nguyên liệu cao trong khi giá bán sản phẩm phải thấp. Do mối lo chung này, cả hai cùng tìm cách khắc phục và họ nghĩ ra “hợp đồng hàng sẽ đến”. Loại hợp đồng này thịnh hành ở Mỹ từ những năm 1830 trở đi. Hai bên cam kết sẽ giao và nhận một mặt hàng nào đó vào hai, ba tháng nữa, với một giá có xê xích với thời giá. Tuy nhiên, vào lúc giao hàng, do thời gian ký đã lâu, chưa chắc món hàng có chất lượng như đã thỏa thuận, hoặc người mua có thể không còn đồng ý với cái giá trước do mức cung hiện có. Vẫn có rủi ro dù đã có hợp đồng ! Cả hai cần phải “hắt rủi ro” đi hedge. Họ sợ rủi ro, nên được gọi là “hedger” người hắt rủi ro. Nhưng ai sẽ nhận rủi ro cho họ đây?

May mắn thay ! Khi số lượng “forward contract” gia tăng sẽ có nhiều thời gian giao hàng khác nhau. Hơn nữa vì việc chuyên chở và tồn trữ hàng hóa tự nhiên sẽ được tập trung về một nơi trung chuyển ở Mỹ là Chicago và nơi đó trở thành chợ. Ở đó có nhiều người muốn “hắt hủi ro”, nên do bá nhân bá tánh, có người lại thích chơi với rủi ro để kiếm tiền. Loại người “thích may rủi” này xuất hiện và được gọi là “speculator”. Vì chỉ phải trả một phần nhỏ của giá mua, nên những người “speculator” mua bán với nhau các “forward contract” để kiếm lời trước khi hợp đồng kia đến hạn giao hàng. Ai mà nắm hợp đồng đến hạn thì sẽ lời hay lỗ khi giá nguyên thủy giữa người sản xuất và tiêu thụ thực sự cao hơn hay thấp hơn giá họ đã mua từ đồng nghiệp. Số lượng hợp đồng ấy lớn, vì - theo tính toán - chỉ có 5% của số “forward contract” là có giao hàng thật sự, số còn lại được thanh lý, bù trừ giữa các “speculator” trên thị trường nên rủi ro của người sản xuất và tiêu thụ thực không còn nữa. Do đó, phải có người “thích may rủi” thì người “muốn hắt rủi ro” mới hắt đi được. Cho mục đích này, dần dần các nhà buôn họp nhau lại, chấn chỉnh “forward contract”, tiêu chuẩn hóa hàng hóa, và biến nó thành hợp đồng giao hàng trong tương lai future contract.

Nhờ có “future contract”, người “hedger” đã chuyển rủi ro kinh doanh sang người “speculator”. Rủi ro đã có người gánh, chi phí kinh doanh của “hedger” nhờ đó tính toán được ; giá hàng trở nên rẻ hơn so với khi chưa tính toán được thí dụ trước kia phải để số phần trăm cho việc gì đó cao ; vậy là người tiêu dùng được hưởng lợi. Đó là cách mà nền kinh tế thị trường bình ổn giá cả cho người tiêu thụ ; giống như trong thời bao cấp ta có ủy ban vật giá thực hiện cùng mục đích. Tuy nhiên, cách làm có khác ; họ sử dụng các “người thích may rủi” cho tranh nhau ôm cái họ thích. Trong ngữ nghĩa của nó “speculate” là tính toán, quyết định và chịu rủi ro. Người nông dân quyết định năm nay trồng lúa Nàng Hương mà chưa biết sẽ lời lỗ thế nào thì cũng là “speculate”. Người “speculator” khác người đánh bạc ; vì sau khi con xúc xắc đã được xóc rồi, người đánh bạc có quyền chọn bỏ tiền hay không, vào quả bầu hay con cọp ; và họ có thể tránh cái thua nếu muốn. Trái lại, “speculator” không tránh được, phải nhận cái gì họ đã quyết.

Các “hedger” về sau này là các công ty và các ngân hàng, họ cũng đều muốn tránh rủi ro ; và họ không phải chính phủ lập ra những thị trường “future” khác từ những năm sau 1970. Thị trường cho ngoại tệ sẽ giao foreign currencies futures dành cho những ai sẽ phải trả tiền bằng ngoại tệ trong vài tháng nữa mà sợ đồng tiền lên hay xuống ; thị trường lãi suất sẽ trả interest rates futures cho những ai đang vay nợ mà sợ lãi suất thay đổi ; thậm chí thị trường “stock index futures” dành cho ai quản lý quỹ đầu tư mà sợ chứng khoán xuống giá theo cả khối. “Hedger” cần “speculator”. Nhờ có “speculator” mà công ty các loại mới tính được chuyện điều phối rủi ro risk management qua các thị trường “future” hoạt động 24/24 giờ mỗi ngày trên thế giới.

“Người đầu cơ” trong TTCK

Trong TTCK giá mua bán được định bằng cách đấu giá ở sàn giao dịch và bằng cách mặc cả ở bàn giao dịch. Ở nơi sau, người làm giá là người môi giới loại “market maker” tạo mua bán hay tạo thị trường. “Speculator” ở TTCK không mua gom chứng khoán, tạo khan hiếm giả tạo, để làm cho nó lên giá như ở thị trường hàng hóa. Giá chứng khoán lên hay xuống là do có ít hay nhiều người mua. Tại sao họ mua lại là một yếu tố tâm lý. Thường khi thấy giá xuống người ta mua vào, khi giá lên thì bán ra. Đó là cách ăn lời thường tình của những người đầu tư bình thường. Từ người đầu tư bình thường trở thành “speculator” rất dễ. Nó tùy vào cách ra lệnh mua bán, và vào việc trả tiền được công ty hay người môi giới đồng ý. Sự khác biệt chính giữa hai loại người này là tâm lý dám chơi với may rủi nằm trong giá cả của chứng khoán hay không. Bởi vậy, trong diễn tiến bình thường đã nêu, người “speculator” làm ngược lại. Họ có hàng trong tay đã mua trước kia với giá thấp nay bán ra khi thấy giá lên để kiếm lời; như thế là làm cho số cung chứng khoán tăng khiến giá tụt xuống. Khi nghĩ giá sẽ còn xuống, đang 5 USD chẳng hạn, họ sẽ vay hàng của công ty môi giới để bán. Lúc giá xuống đến 3 USD, họ mua vào để trả nợ. Vậy là khi giá xuống họ mua vào, làm cho mức cầu tăng, giúp giá lên lại. Trong cả hai trường hợp họ góp phần bình thường hóa giá cả. Rủi ro của họ là khi mua vào để trả nợ mà giá lên là lỗ. Cho nên, cơ chế của TTCK đã công nhận họ là người làm giảm biến động giá cả của chứng khoán ; đỡ cái rủi ro cho người đầu tư nhỏ khi vì sợ mà bán đi thì có người mua ; và do tính thích may rủi nên họ mua chứng khoán của các công ty nhỏ mới ra, hay mới phục hổi giúp các công ty này có vốn khi khởi đầu.

Người “thích may rủi” theo dõi diễn tiến của giá cả để hành động chứ không tạo ra giá cả. Họ không làm giá. Giả sử họ mua vét chứng khoán, tạo khan hiếm giả tạo, đẩy cho giá lên và bán đi thu lợi bất chính, nhưng nếu không bán được thì sao ? Chứng khoán có hàng ngàn loại, nó đâu có hiếm, lại không phải là thóc gạo mà bảo rằng lên đến giá nào người ta cũng phải mua. Vì thế, luật pháp các nước phát triển cấm làm giá manipulate chứ không cấm “speculate”

Đến đây ta thấy, dịch “speculator” là “người đầu cơ” gây hiểu lầm một cách tai hại.

Có thể do hiểu “người đầu cơ” theo Luật Hình sự của ta, nên Luật Chứng khoán cấm bán khống ; và được nhận xét như là “may mắn đi sau và nhận ra cái ảo của đầu cơ”. Chúng ta chờ luật sẽ định nghĩa chi tiết hơn về việc bán khống. Nhưng nếu hiểu bán khống là không sở hữu chứng khoán vào lúc giao dịch mà bán như quy định hiện nay thì việc ấy không bao giờ có trên thực tế. Bởi lẽ một người mua chứng khoán đã trả tiền đủ thì bao giờ họ cũng đòi hàng ngay. Nếu không, ngày hôm sau chứng khoán đó lên giá mà họ không có hàng trong tay để bán thì mất dịp kiếm lời ư ? Thành ra tùy cách giao dịch với công ty hay người môi giới chứ không phải với người mua bán chứng khoán là đối tác của mình ; người đầu tư sẽ nhận được tiền đủ từ người môi giới khi bán, nếu khi mua họ trả đủ tiền. Đây là luật của thị trường. Người môi giới phải luôn luôn trả đủ cho người môi giới bên kia. Nếu người đầu tư không trả đủ hàng hay tiền, tức là được cho trả tiền theo định mức margin account thì họ nợ người môi giới của họ, và người sau này phải ứng tiền hay hàng để trả đủ cho bên kia. Như vậy là không có chuyện nhà đầu tư bán khống mà chỉ có việc họ mượn hàng để bán. Từ khi mượn hàng đến khi trả hàng cho người môi giới là một khoảng cách, và nó tạo ra một thời gian “sẽ giao” hay “sẽ đến” giống như ở trong hợp đổng “forward” hay hợp đồng “future” trong chợ hàng hóa. Nếu ở hai hợp đồng kia người bán chỉ trả cho người mua 5-10% giá bán, thì “speculator” phải trả lãi cho người môi giới trong thời gian vay ; khi đến hạn phải mua hàng trả nợ. Khi vay chứng khoán 5 USD, thời gian vay là ba tuần, trong những ngày đó “speculator” hy vọng giá xuống còn 3 USD để mua vào trả nợ ; nhưng nếu hàng lên 6 USD thì cũng phải mua để trả. Rủi hay may của họ nằm ở chỗ chứng khoán xuống 3 USD hay lên 6 USD. Như thế thì  có phải là bán khống không, luật của ta chưa quy định nếu giải thích chặt chẽ. TTCK của người ta chấp nhận cách này là để lúc nào chợ cũng có nhiều vụ mua bán, nhờ đó khả năng thanh toán tiền bạc cao tính thanh khoản cao, và thu hút được nhiều người, đông người thì chi phí giảm thời gian, tiền bạc, sự mong đợi và lại có thêm người nữa. Hơn nữa quy định về mua chịu hàng của môi giới để bán cũng có giới hạn, tiền nằm trong tài khoản sụt quá 25% trị giá tổng số chứng khoán sở hữu thì người vay phải châm thêm tiền vào. Ngoài ra, để được mượn hàng như thế thì, theo nguyên tắc chọn mặt gửi vàng, chỉ những người có uy tín đã được thử thách mới được công ty môi giới cho vay.

Tóm lại, nếu quả thực luật của ta sẽ coi “vay mượn chứng khoán để bán” là bán khống thì chúng ta xóa bỏ “người thích rủi may”. Không có họ thì không ai - nhất là các nhà đầu tư nhỏ - sẽ hắt rủi ro đi được. Nào sẽ có ai mua ? TTCK của ta khi ấy có nguy cơ chỉ có toàn người bán. 




Каталог: books -> ke-toan-tai-chinh-thue
ke-toan-tai-chinh-thue -> Bài tập Kiểm toán căn bản  gv : ncs. ThS phan Thanh Hải LỜi ngõ
ke-toan-tai-chinh-thue -> Bài tập kế toán hành chính sự nghiệP
ke-toan-tai-chinh-thue -> GIẢI ĐỀ kiểm tra: KẾ toán thưƠng mạI ĐỀ SỐ 1: (đvt: 000đ) ok
ke-toan-tai-chinh-thue -> TÀi liệU 138 câu trắc nghiệm môn Thanh toán quốc tế (Kèm lời giải) MỤc lụC
ke-toan-tai-chinh-thue -> SƠ ĐỒ ĐỊnh khoản kế toán sơ ĐỒ KẾ toán sản xuất-giá thành sản phẩM
ke-toan-tai-chinh-thue -> A, b, c, d và đánh dấu X vào bảng trả lời Câu 1
ke-toan-tai-chinh-thue -> TRƯỜng đẠi học kinh tế luật tphcm bộ MÔn kinh tế ĐỐi ngoại môn quản trị TÀi chính công ty đa quốc gia
ke-toan-tai-chinh-thue -> Câu hỏi lý thuyết và vấn đáp môn tín dụng ngân hàng

tải về 2.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   32




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương