Earnest L. Tan SỐng hết mìNH



tải về 0.59 Mb.
trang4/5
Chuyển đổi dữ liệu13.03.2018
Kích0.59 Mb.
#36470
1   2   3   4   5

LỚP LỚP CÁC MẶT NẠ

Có nhiều loại mặt nạ. Một số có tính tích cực và dễ chịu. Một số khác thì gây nhiều phiền toái, khó chịu.

Một bà mệnh phụ giàu có nọ đeo chiếc mặt nạ xinh đẹp và thùy mị. Mái tóc của bà rất kiểu cách; khuôn mặt được trang điểm kỹ lưỡng; y phục rất ‘điệu’. Bà cho thấy một vẻ trần lặng, thanh thoát. Suốt cả ngày không ai có thể phát hiện ra một dấu hiệu bấn loạn nào nơi người phụ nữ này. Khi tất cả chúng tôi thoải mái cười ‘ha hả’, thì bà chỉ cười ‘hi hi’ khe khẽ. Và khi chúng tôi xuýt xoa vì xúc động mạnh thì bà chỉ hơi nhếch miệng để hưởng ứng. Sở dĩ thế chỉ vì bà không muốn làm hỏng những nét trang điểm công phu trên khuôn mặt mình.

Thế là, bà nhận cái biệt danh “Nụ Cười Đông Lạnh” vâng, bà trông có vẻ rất dễ thương. Nhưng bà không thật là bà. Bà thành công trong việc kiểm soát chính mình để toát ra vẻ trầm lặng thanh thoát, nhưng đồng thời bà cũng không sống thực sự. Bà tước mất khỏi chính mình cái khả năng được cười thoải mái và khóc tự nhiên khi xúc động – mà đó là một phần của kinh nghiệm con người.

Bà sợ người khác nhìn thấy đúng sự thật về bà. Bà là một mệnh phụ và, vì thế, không thể tỏ ra hớ hênh trước mặt người ta. Cuối cùng, chỉ đến khi bà cho phép mình được thoải mái, bớt bận tâm đến chuyện người ta có thể nghĩ gì và nói gì, bà mới có thể biết cười và khóc thật sự. Bấy giờ, bà mới sống thực sự.

Cũng may là mặt nạ của bà không gây dị ứng lắm cho người xung quanh. Chúng tôi thậm chí không nhận thấy rằng bà đeo một mặt nạ. Bà dễ dàng gây ấn tượng cho chúng tôi bằng bộ dạng bên ngoàu của bà. Tuy nhiên, bây giờ chúng tôi đã nhận ra cái nhìn thấy không hẳn là cái có thật.

Một loại mặt nạ khác là loại mặt nạ của những “người tử tế”. Họ tỏ ra nồng nhiệt và quảng đại mọi nơi mọi lúc. Họ luôn luôn hy sinh và chúng ta thấy mình nhận thấy quá nhiều từ họ. Chỉ đến khi mà họ ngừng lại, mỉm cười, nói “Không”, và bắt đầu đòi hỏi thì mới té ra là đàng sau cái mặt nạ của họ, họ cũng tìm kiếm sự quan tâm săn sóc và tranh thủ cảm tình.

Trước đây tôi có một cậu sinh viên được mọi người yêu mến. Cậu xồng xộc đi vào văn phòng hướng dẫn, mỉm cười và ôm hôn mọi người có mặt ở đó. Cậu luôn luôn làm cho mỗi người cảm thấy vui vẻ .Nhưng một hôm, tôi bị một cú sốc khủng khiếp khi nghe thấy rằng cậu ta đã chém đứt cổ tay mình và nốc nguyên một chai winter-green. Thì ra, thật đáng sợ khi đeo một mặt nạ tích cực, bởi vì chúng ta không thấy được rằng người đeo mặt nạ ấy đang bị tổn thương bên trong. Cũng vậy, có những “anh hề lì lợm”. họ pha trò cho mọi người được vui. Đôi khi họ thậm chí nhận làm cái đích để người ta cười. Nhưng khi họ nghiêm trang thì họ cũng trở thành khó chịu. Điều mà chúng ta có thể không nhận ra, đó là rất có thể họ “đang cười bên ngoài mà đang khóc trong lòng”.

Trên đây chỉ là một số ví dụ về những mặt nạ có tính khó chịu. Chúng ta sẵn sàng trân trọng những phẩm cách tốt đẹp của họ và nể phục sự tốt lành nơi họ. Chúng ta có thể xem đó như chuyện bình thường. Chúng ta có thể dễ dàng bị các mặt nạ của họ che mắt và không nhận ra bản tính con người nơi họ - họ cũng có những nỗi sợ, họ cũng có nhu cầu cần được yêu thương và được quan tâm săn sóc, họ cũng quay quắt với những nỗi cô đơn…

Mặt khác, có những mặt nạ gây rất nhiều khó chịu. Tôi biết một phụ nữ hầu như lúc nào cũng vồ vập khoe khoang. Chị thuộc loại người “giành giựt cự chú ý” và “biết hết mọi sự”.

Số là tôi đang triển khai một đề tài với nhóm của chị ta. Tôi hỏi mọi người xem họ nhớ gì về đề tài của buổi hôm trước đó. Mỗi người đứng lên tại chỗ của mình, phát biểu một hay hai câu. Thình lình, chị ta giơ tay lên nói lớn: “Tôi xin phát biểu”.

Khi tôi ra hiệu cho chị ta nói, chị đứng dậy, bước tới trước lớp và giật lấy micrô từ tay tôi. Rồi chị bắt đầu làm một thuyết trình dài đúng nửa tiếng đồng hồ. Chị dõng dạc nói với mọi người trong lớp: “Đây là nội dung CHÚNG TA học hôm qua…” chị ăn nói với cung cấp đầy uy quyền, thỉnh thoảng chen vào những giải thích như: “Tôi nắm rõ điều này vì tôi đã lấy bằng tiến sĩ trong ngành X…” “Tôi biết rõ điều này vì tôi đã từng có một công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài này hồi tôi học cao học ở Y…” “Tôi biết điều này vì tôi là trưởng ban Z…”.

Đầu tiên, tôi nhìn chị với sự đồng cảm. Có những người không được người khác chú ý đủ, do đó họ phải cố kiếm tìm – và chị là một trong số những người như vậy. Giống như nhiều người chúng ta, chị đang lôi kéo người ta chú ý đến chị. Vì thế, sau bài nói chuyện của chị, tôi khen ngợi: “Ồ, chị có khả năng tổng hợp rất tốt (chưa kể cái tài khoe khoang, dĩ nhiên)” tôi rất thành thật khi nêu nhận xét như vậy. Mắt chị sáng lên ánh sung sướng và mãn nguyện. Có điều, về sau tôi mới thấy rằng lời khen ngợi ấy của mình xem ra có phần tai hại. Nó thúc đẩy chị tiếp tục phát huy thêm cái cốt cách ấy. Cứ hễ có dịp, chị lại giật lấy micro từ tay tôi và thuyết một bài ra trò. Ngày hôm ấy chị đã làm được ba hay bốn bài như vậy.

Điều làm tôi lo lắng là cả nhóm đang công khai tỏ ra khó chịu đối với chị. Họ dị ứng trước cung cách của chị. Tôi lâm vào thế kẹt, không biết phải làm sao để vừa đáp ứng nhu cầu đựơc khoe khoang của chị vừa đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu của lớp là không cho chị phát biểu. Tôi cố kiểm soát chị một cách sít sao. Đến cuối ngày thì tôi mệt rã rượi. Khi tôi ngồi xuống nghỉ, một bạn đồng sự của chị khều tôi và nói: “Bây giờ thì ông bắt đầu thực sự biết chị ấy rồi đấy. Chị ấy là chủ tịch ‘HỘI TỰ TIN’ của chúng tôi ở đây”.

Tôi hỏi sao gọi là HỘI TỰ TIN. Cô ấy nói vì đó là hội những người quá tin vào chính mình. Tôi phá lên cười. Rõ ràng là nơi người phụ nữ kia có rất nhiều tính cách hoàn toàn phù hợp với cái danh hiệu ấy. Nhưng tôi vẫn băn khoăn suy nghĩ. Cuối cùng tôi quay lại với người đang nói chuyện với tôi và phản đối: “Này cô, tôi nghĩ là chị ấy không tự tin chút nào cả. Đúng ra,chị ấy nghi ngờ các khả năng của chính chị ấy. Hãy xem chị ấy phải vất cả biết bao để thuyết phục mọi người tin rằng chị ấy giỏi giang. Tôi cho rằng chính trong lòng chị ấy, chị ấy cũng không tin rằng mình giỏi mấy”.

Tôi sực nhớ lại, một nhà trị liệu tâm lý bạn tôi từng nói với tôi: “Nếu trong đáy lòng mình, bạn xác tín rằng bạn tốt, thì bạn sẽ chẳng thấy cần phải chứng minh điều đó cho bất cứ ai. Bạn cứ thoải mái là chính bạn”.

Người phụ nữ của câu chuyện trên là một trường hợp bệnh hoạn. Sau nhiều tháng năm, chị đã đi đến kết luận rằng cách duy nhất để chị tin chắc vào các khả năng của mình, đó làkể đi kể lại với người khác về những bằng cấp và những thành đạt của chị - và chị không thể ngờ rằng bằng cách ấy chị chỉ có thể gây ác cảm nơi người ta. Mọi người đều xa tránh chị. Ngay cả khi chị nhận ra được vấn đề, thì chị cũng đã mắc vào một cái bẫy tâm lý. Fitzhugh Dodson, một chuyên gia về tâm lý trẻ em, đã nhận điều này và đã gọi đó là “qui luật của những miếng khoai tây chiên ướt sũng ”. Ướt cũng không sao, miễn có khoai tây chiên là được rồi! Có còn hơn không mà! Ở đây người phụ nữ ấy chỉ cần được thiên hạ chú ý, chị không cần bận tâm về chuyện người ta đang chú ý để yêu hay ghét mình.

Điều mà người phụ nữ nói trên và nhiều người trong chúng ta thiếu, đó là tính thành thực tâm lý (psychological honesty). Chúng ta không có được cái “khả năng đối diện với sự thật về chính mình, cả những sự thật tích cực lẫn tiêu cực, cả những điểm mạnh và điểm yếu”. Vì nếu chúng ta có được khả năng ấy, chúng ta sẽ không thấy có lý do gì để mình nấp sau một mặt nạ. Chúng ta sẽ thấy việc xây dựng cho mình một hệ thống phòng thủ là vô nghĩa. Mình ra sao, mình cứ thể hiện ra như vậy. Thế thôi.



MỘT CUỘC HÒA GIẢI BÊN TRONG

Tuy nhiên, tính thành thực tâm lý không thể tồn tại trong một môi trường mà sự dối trá – chứ không phải sự thật – chiếm nhiều ưu thế hơn. Rất nhiều người trong chúng ta không nhận ra được sự thật về những điều tốt lành nơi mình, vì chúng ta ở trong một xã hội bị qué quặt bởi quan niệm lệch lạc rằng hễ ai nhìn nhận các phẩm chất tích cực nơi mình thì rõ ràng đó là kẻ kiêu ngạo. Rốt cục, nỗi sợ phạm tội kiêu ngạo đã ngăn cản không cho chúng ta ý thức các khả năng được ban cho mình. Rồi, sự bất lực không hòa giải được trong chúng mình ấy, đến lượt nó, sẽ làm chúng ta khổ sở và không thể phát huy tối đa năng lực của mình.

Tôi đồng ý rằng một số trong chúng ta có thể rơi vào cám dỗ kiêu ngạo khi chúng ta quá loay hoay với những phẩm chất tốt đẹp của mình. Song một số người có thể cảm nghiệm một cách khác hẳn, và chúng ta không được phép phủ nhận kinh nghiệm tâm linh này của họ. Thay vì tự mãn về các khả năng của mình, họ trở nên khiêm tốn. Các khả năng của họ trở thành một dấu chỉ rõ ràng cho họ thấy tình yêu của Thiên Chúa. Họ khám phá rằng họ được ban cho những khả năng mà họ vốn không đáng được. Phủ nhận những khả năng ấy, đấy sẽ chẳng khác nào phủ nhận chình tình yêu của Thiên Chúa. Và việc phủ nhận như vậy sẽ là một hình thức kiêu ngạo còn khủng khiếp hơn.

Cũng vậy, chúng ta không được dạy để chấp nhận những điểm yếu như một phần của thân phận con người chúng ta. Hãy xem sự hoản hảo được đề cao biết bao, và sự sai sót bị tẩy chay biết bao. Chúng ta có khuynh hướng che giấu không cho người khác thấy các sai lầm và bất toàn của mình; thế nhưng, cách duy nhất đẹ vượt qua chúng là tiên vàn phải nhận biết chúng. Chỉ khi ấy chúng ta mới có được khả năng để điều chỉnh chúng.

Chính Chúa Giêsu đã kiến tạo một bầu khí phù hợp cho sự thành thực tâm lý. Ngài kéo các tội nhân đến với Ngài. Ngài nói: “Ta đến không phải để xét xử nhưng là để cứu các tội nhân”. Khi chúng ta phơi trần các tội lỗi của mình trước mặt Ngài và kinh nghiệm được sự đón nhận và tha thứ của Ngài, thì chúng ta sẽ có được sự tự do và sức mạnh lớn lao hơn để vượt qua những yếu hèn và bất toàn nơi mình. Bằng cách này hay cách khác, những điểm tiêu cực của chúng ta sẽ trở thành những cơ hội và những kinh nghiệm ân sủng, từ đó chúng ta có thể trưởng thành hơn lên về tâm lý và tâm linh.

Đối diện với sự thật về chính mình – tức sự thành thực tâm lý – là đảm nhận lấy nhân tính của chúng ta. Bồi dưỡng các khả năng của mình và giải phóng những yếu hèn nơi mình, đó chính là chúng ta đang hiện lộ dần ra với thần tính nơi mình.

Khi chúng ta gặp một người trên đường, chúng ta phải nhận ra nhân tính và thần tính tiềm tàng nơi người ấy. Mọi con người, dưới lớp vỏ của họ, dưới những mặt nạ và những hệ thống tự vệ của họ, đều có sự thành thực trong các ý hướng. Trong sâu thẳm, họ có một tình yêu căn bản đối với những người khác. Mặc dù trong một số trường hợp, tình yêu này không tự nó bộc lộ ra ngoài cách rõ rệt.

Khi điều hành một cuộc Hội Thảo Phòng Chống HIV dành cho nam giới mại dâm, tất cả chúng tôi bị khó chịu bởi một thành viên xuất hiện như một tay lưu manh. Chỉ tướng mạo anh ta cũng đủ thấy “dữ dằn”. Anh ta có tính cách trịch thượng, khoe khoang,, kẻ cả. Nhưng khi chúng tôi giới thiệu cho các tham dự viên một bài thực hành vén mở câu chuyện cuộc đời mình, tôi mới nhận ra bên trong anh chàng này là một cậu bé bị bỏ rơi và bị tổn thương.

Thì ra, cha anh đã bỏ gia đình lúc anh còn rất nhỏ. Mẹ anh, sau đó, bỏ đi theo một người nước ngoài. Anh và các em mình phải sống với bà ngoại – một tay máu mê cờ bạc. Nghĩa là, mấy đứa nhỏ phải bắt đầu tự lo nuôi thân. Là anh cả, anh phải đùm bọc các em. Anh bắt đầu bán hàng rong ngoài đường phố và dần dần ‘dạn dày sương gió’. Trường đời trui anh trở thành một con người cứng rắn.

Nhưng khi chia sẻ cậu chuyện của mình, anh đã khóc nức nở như một đứa trẻ. Anh nói trong nước mắt ràn rụa: “Tôi đã săn sóc các em trai, em gái mình từ đó đến nay. Nhưng còn bản thân tôi? Những người đáng ra phải săn sóc chúng tôi đang ở đâu rồi?”

Chúng ta có thể dễ dàng đoán xét anh qua loại công việc anh làm và qua các hành động của anh. Thế nhưng, trong nhận thức về anh như một nhân vị, chúng ta phải thấy rằng thực ra anh là một nạn nhân. Quả chúng tôi đã được một mạc khải lớn khi chứng kiến đứa trẻ dễ xúc động bên trong anh.

LỜI TRỞ THÀNH XÁC THỊT

Một thách đố đặt ra cho chúng ta, đó là chúng ta phải là những “lời trở thành xác thịt”. Kiểu nói này mượn ở Thánh Kinh, qui chiếu đến ngôi vị Đức Kitô. Đức Kitô là “Lời Trở Thành Xác Thịt” bởi vì nơi ngôi vị của Ngài, tình yêu của Chúa Cha được tỏ lộ và trở nên cụ thể. Không giống như thứ triết lý nào đó nói: “Tôi yêu nhân loại, chỉ có điều tôi không chịu nỗi lũ người xung quanh tôi”, Cha chúng ta không trao cho chúng ta những lời hứa và những thiện chí suông. Ngài đã hoàn thành các lời hứa của Ngài qua việc trao ban cho chúng ta chính Con của Ngài, Đấng làm cho tình yêu của Ngài hiện diện thực sự với chúng ta.

Chúng ta phải theo cách của Ngài. Biết bao lần chúng ta nghe lời phân trần: “Ồ, xin lỗi! Tôi không có ý như vậy. Tôi không hề có ý muốn gây thương tổn cho bạn”. Hoặc biết bao lần chúng ta làm tổn thương người khác bởi chỉ vì chúng ta bị thương tổn. Thường có một khoảng cách giữa một bên là hành vi thái độ và bên kia là các ý hướng của chúng ta.

Tôi xin minh họa điều này bằng mẩu chuyện sau đây. Một cậu bé, lần nọ, tập trung hết can đảm để hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao mẹ đánh đòn con hoài thế hở mẹ?”

“Con à ” người mẹ trả lời “Mẹ đánh đòn con vì mẹ thương con. Nếu mẹ không quan tâm đến con, thì mẹ chẳng cần mất công sửa trị con”.

Nghe vậy, thằng bé nhíu mày. Nó đưa tay gãi gãi đầu và nói: “Mẹ à, vậy thì xin mẹ vui lòng bớt thương con đi một chút…Mẹ thấy đó, tình thương của mẹ làm con đau khủng khiếp”.

Dù các ý hướng của người mẹ tốt đến mấy đi nữa, thì điều mà đứa con của bà cảm thấy vẫn là những ngọn roi quất vào mông đít nó. Thế đó, thường các ý hướng của chúng ta không ăn khớp với cách mà chúng ta hành động.

Cậu chuyện cuối cùng của tôi trong chương này là cậu chuyện liên quan đến một người đàn ông 63 tuổi mà chúng ta sẽ gọi là Phil. Phil thuộc về tầng lớp những ông chủ lớn, vì thế tôi nghĩ rằng ông ta sẽ rất đứng đắn chỉnh tề. Thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Ông khạc nhổ bừa bãi bất cứ chỗ nào. Lúc đó chúng tôi đang ở trong một nhà tĩnh tâm xinh đẹp, và ông đã làm mọi người khó chịu bằng cách liên tục nói chuyện ồn ào với người ngồi bên cạnh trong khi diễn giả đang thuyết trình. Ông không bao giờ lắng nghe, nhưng ông thích xỏ lá bằng cách hỏi diễn giả những câu hỏi vớ vẩn. Gai mắt nhất là ông luôn luôn ve vãn các phụ nữ trong nhóm – “Tôi không thể hiểu tại sao vợ tôi không chịu nổi việc tôi quan hệ lung tung với phụ nữ. Tôi là một người đàn ông kia mà!” (cực kỳ sô vanh đàn ông) nói tắt, ông là một con người rất khó ưa.

Thái độ và hành vi của Phil gây phiền toái rất nhiều cho tôi trong tư cách là người điều hành nhóm. Vài lần, tôi thầm nghĩ giá chi ông ta nhận được một cú điện thoại khẩn cấo và cút xéo đi thì hay biết bao hoặc giả, tôi cảm thấy muốn túm cổ ông ta và liệng phứt qua cửa số cho rảnh nở. Thật vậy, tôi tự hỏi tại sao ông ta phải mất công ở lại dự khóa hội thảo này khi mà rõ ràng ông chẳng cho thấy một chút quan tâm.

Trong một buổi nói chuyện, tôi thảo luận về đề tài “Cháy máy” (Burn-out). Ông ta bắt đầu tấn công tôi, tố cáo rằng tôi theo thực dân, rằng “Cháy máy” không phải là một kinh nghiệm của người Philippines, rằng tôi vay mượn ý niệm ấy từ sách vở của Mỹ. Tôi kiên nhẫn giải thích rằng đúng là tôi đang thảo luận những ý niệm từ các tài liệu Mỹ, nhưng “Cháy máy” là một kinh nghiệm phổ quát của con người. Theo như định nghĩa, “Cháy máy” là tình trạng “bị rút sạch năng lực do cho đi quá nhiều hay do kỳ vọng quá nhiều vào chính mình”. Vì thế, kinh nghiệm này cũng gần gũi với người Philipppines khnôg kém chi so với người Mỹ. Nhưng, theo cốt cách cổ hữu của ông, ông vẫn khư khư bào chữa cho quan điểm của mình.

Thế là tôi bị trôi vào cuộc tranh luận với ông ta. Không ai trong chúng tôi chịu lắng nghe cả. Ông ta một mực bướng bỉnh cố chấp. Còn tôi thì quyết tự vệ. Cả nhóm bị đặt trong tình trạng bối rối. Buổi làm việc xem như hỏng hoàn toàn. Cuối cùng, tôi nói: “Nếu ông không đồng ý, thì đó là quyền của ông” – và cuộc thảo luận tạm dừng.

Tôi vốn có tính nhẫn nại và ôn hòa với người ta. Vì thế tôi rất áy náy, vì trong trường hợp này mình đã thiếu nhẫn nại với Phil. Nghĩ kỹ, tôi nhận thấy rằng mình đã phản ứng lại người đàn ông ấy dựa theo những tâm cảnh tiêu cực trước đó của mình về ông ta. Tôi viết cho ông một thư ngắn, xin lỗi vì cuộc cãi vã đã xảy ra và vì mình đã không lắng nghe ông ta. Nhưng tôi cũng vạch cho ông thấy những cung cách của ông đã đẩy tôi tới chỗ phản ứng như thế.

Sau khi đọc mảnh giấy của tôi, Phil thỉnh lặng suốt thời gian còn lại của ngày hôm ấy. Sáng hôm sau, chúng tôi lại giáp mặt nhau trong giờ giải lao. Thay vì tránh mặt, Phil đã làm tôi ngạc nhiên qua việc tự nguyện cởi bỏ mặt nạ của ông ra và bộc bạch câu chuyện cuộc đời mình cho tôi nghe. Lắng nghe ông nói, các cảm nghĩ của tôi vềông bắt đầu thay đổi. Tôi không kinh tởm ông nữa, thay vào đó, tôi bắt đầu cảm thấy tội nghiệp cho ông, tôi đồng cảm với ông.

Thì ra, ở tuổi sáu mươi ba của mình, Phil đã xây dựng cho mình một tiêu chuẩn giá trị dựa trên hai điều. Thứ nhất, ông cảm thấy mình có thế giá bởi vì ông có sự nghiệp ổn định và đường đường là một giám đốc. Tuy nhiên, ông sợ rằng trong hai năm nữa, ông sẽ bị yêu cầu nghỉ hưu. Ông thường tự hỏi liệu mai mốt khi không còn địa vị này nữa thì mình sẽ thế nào. Ông không thể tưởng tượng được việc ông đánh mất cái mà ông đang bám vào như một “phao an toàn”.

Thứ hai, ông luôn luôn tin rằng giá trị của ông trong tư cách là một đàn ông được đo lường bằng con số những người đàn bà mà ông chinh phục được. Vợ ông càng ghen, thì có nghĩa là tính cách đàn ông nơi ông càng được khẳng định – và như vậy cũng có nghĩa rằng ông là một con người có giá trị. Nhưng, càng tiến tới tuổi già, ông càng bị ám ảnh bởi nỗi sợ đánh mất tính đàn ông nơi mình. Và một lần nữa, ông băn khoăn không biết số phận và giá trị của mình sẽ ra sao khi mình không còn nhiều “tính đàn ông” nữa.

Mối đe dọa về việc mất địa vị và mất tính đàn ông là một mối đe dọa rất thực và rất mãnh liệt đối với Phil. Điều này giải thích tại sao nơi ông có những kích động trái khuấy. Hiểu được điều này, tôi chủ động cởi mở và trao đổi quan điểm với ông về tầm quan trọng của việc tìm ra giá trị bên trong con người mình.

Điều thú vị trong câu chuyện này là sau đó Phil đã cố nài chúng tôi tổ chức một khóa hội thảo tương tự cho các nhân viên của ông vào tuần tiếp sau đó. Tôi không thể hiểu được tại sao ông yêu cầu bức thiết như vậy. Tôi tiếp tục tìm hiểu, và ông thú nhận: “Nếu tôi trở về sở của mình, với một tính cách đã thay đổi như bây giờ, các nhân viên của tôi sẽ không tin tôi. Bởi vậy, nếu anh chia sẻ kinh nghiệm này cho tất cả chúng tôi, thì họ sẽ dễ nhận hiểu và sẵn sàng nâng đỡ những thay đổi nơi tôi hơn”.

Đành rằng yêu cầu của Phil có dấu vết ích kỷ, nhưng đó cũng là một yêu cầu có cơ sở vững chắc. Đôi khi chúng ta thay đổi nhưng lại bị bối rối về sự thay đổi của mình. Bao lâu những người khác không ủng hộ sự thay đổi nơi chúng ta, thì chúng ta không thể tạo ra được và giữ được sự thay đổi ấy.

Câu chuyện của Phil dạy chúng ta rằng dù bề ngoài của một người nào đó có vẻ tiêu cực đến mấy, nếu người ấy được trao cho cơ hội, chúng ta sẽ thấy hiện lộ tính cách tốt lành nơi người ấy. Tất cả những gì người ấy cần là sự can đảm để cởi bỏ các mặt nạ và hệ thống tự vệ của mình, để bộc bạch chính con người của mình ra.

Chương này muốn nhấn mạnh rằng chúng ta phải đứng về phía sự thật để chống lại những sự dối trá, ta phải có sự thành thật tâm lý để chống lại những mặt nạ và những hệ thống tự vệ. Đó là những bước quyết định để lớn lên. Ở đây chúng ta được dạy đừng sợ đảm nhận lấy tính người của mình, vì chính tính người sẽ lát đường cho chúng ta tiến lên và hiện lộ trong thần tính. Chúng ta được đảm bảo rằng trong sâu thẳm mỗi con người đều có tồn tại tính bản thiện – hiểu là ai cũng có những ý hướng thành thực. Tất cả những câu chuyện minh họa trên đây của chúng ta đều nêu bật điều đó.

Bạn hãy nhìn lại cuộc sống của bạn và kiểm tra các mặt nạ và các hệ thống tự vệ. Bạn đã bám chặt vào chúng đến mức nào? Bạn đã sử dụng loại mặt nạ nào? Một con người tử tế? Một anh hề? Một ‘ông biết hết’? Và đâu là những sự thực về chính bạn, cả tích cực lẫn tiêu cực? Bạn có gặp khó khăn trong việc hòa giải với những sự thật nơi mình không – đến nỗi bạn phải tránh né dưới một mặt nạ? Bạn có thể làm những gì để hòa giải với những sự thật này?

Chúng ta thường nghe câu châm ngôn: Thành thực là thượng sách. Trong tiến trình trưởng thành, chúng ta cũng sẽ áp dụng câu châm ngôn tương tự: Thành thật (tâm lý) là thướng sách.



Chương Năm

MỘT GIẤC MƠ

CHO CUỘC ĐỜI

(Điều kiện 5: lột bỏ nhãn hiệu)



Chúng ta cần trau dồi một khả năng

Phân biệt nhạy bén giữa nhãn hiệu và

con người.

Tôi có một giấc mơ. Tôi mơ đến một thời mà trong thế giới này người ta sẽ liên hệ với nhau như những con người, không phải như những nhãn hiệu. Tôi ước mơ cuối cùng chúng ta sẽ thanh toán được nơi mình những ấn tượng, những đánh giá, những thành kiến gắn liền với các nhãn hiệu mà chúng ta dán cho người ta. Tôi ước mơ chúng ta biết khôn ngoan hơn để khi nhìn một con người, chúng ta có thể nhìn quá những nhãn hiệu như đàn ông hay đàn bà, kết hôn hay độc thân, đồng tính ái hay ‘dị tính ái’, giàu hay nghèo, tu sĩ hay giáo dân, người kinh hay người thượng, người bản xứ hay người nước ngoài, Công giáo hay Phật giáo…Thay vào đó, chúng ta sẽ gặp gỡ mỗi người trong chính tính độc đáo của con người ấy.

BỊ LUNG LẠC BỞI NHỮNG NHÃN HIỆU

Thực tế chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những nhãn hiệu. Hãy cho phép tôi minh họa điều này bằng một kinh nghiệm mà tôi mới gặp cách đây khoảng hai năm. Tôi và ba người phụ nữ bạn tôi lần ấy mới từ xa về, vừa đặt chân đến Minila. Vì lúc đó khó tìm thấy taxi, chúng tôi quyết định chỉ gọi một chiếc và cùng đi chung. Tôi đưa ba người bạn ấy lần lượt về đến nhà của họ. Cuối cùng, trên đường về nhà tôi, người tài xế taxi chợt lên tiếng mở chuyện bằng một câu nhận định: “Ba người bạn ấy của anh, chắc hẳn họ là những cô giáo, phải không?”

Tôi ngạc nhiên không biết tại sao anh ta đoán được như thế. Vì vậy tôi hỏi: “Làm sao anh biết?”

Anh ta đáp gọn lỏn: “Vì họ nói chuyện bằng tiếng Anh”.

Ồ! Một suy luận rất thú vị. Tôi thầm nghĩ. Nhưng ngay lập tức anh ta nói thêm: “Chắc hẳn họ chưa có chồng, phải không?”

Lần này, anh ta đã suy luận rằng vì các bạn tôi là những cô giáo, nên chắc hẳn họ đang còn độc thân. Thật tình cờ, quả là cả ba người bạn ấy của tôi đều độc thân. Vì thế, tôi chỉ đơn giản nói “Vâng, đúng thế”. Rồi, anh ta tiếp tục: “Chắc họ hay cáu kỉnh lắm phải không?”

Tới đây thì tôi phản ứng. và điều tôi muốn rút ra cũng nằm ở đây. Người tài xế, dù chỉ biết các bạn tôi qua vài nhãn hiệu - cô giáo, độc thân – song anh ta đã có những qui gán về họ. Tôi đã phải giải thích: “Này anh bạn, cáu kỉnh không phải là đặc tính chỉ dành riêng cho những người phụ nữ độc thân. Xem ra một trong ba người bạn ấy của tôi thường tỏ ra cáu kỉnh hơn hai người kia. Nhưng tôi biết có nhiều cô giáo khác tuy có gia đình nhưng thậm chí còn cáu kỉnh hơn nhiều (nhất là khi họ không thích chồng họ) ngoài ra, không phải mọi cô giáo đều nói tiếng Anh và đều độc thân cả đâu”.

Té ra, anh tài xế đã có những suy đoán như vậy bởi vì dựa trên một kinh nghiệm của bản thân anh. Anh có một bà cô là cô giáo, độc thân, và rất cáu kỉnh. Đồng thời, chúng tôi bị chìm ngập trong một xã hội có não trạng xem các phụ nữ không chồng như đối tượng của những lời nói vào nói ra. Tôi không thể không thương hại cho những phụ nữ phải chịu đựng điều đó. Cũng như anh tài xế taxi này, người ta chụp mũ các phụ nữ ấy ngay cả trước khi người ta biết (và hiểu)họ.

Tôi đang nhắc bạn về mối nguy của việc dán nhãn hiệu cho người ta qua câu chuyện về anh tài xế taxi nói trên. Nhưng tôi sực nhớ cũng có lần chính tôi đã mắc cái tội dán nhãn hiệu như vậy. Lần đó, cũng trên một chuyến taxi, tôi nhận thấy anh tài xế là một con người có tính cách rất vui tươi cởi mở. Thật tuyệt vời khi đi của anh ta, nhất là đi vào giờ kẹt xe buổi sáng sớm như hôm ấy. Tôi ít khi gặp được một tài xế dễ thương như vậy. Vì thế tôi muốn chia sẻ ý nghĩ ấy với anh.

Khi chúng tôi gần đến nơi, anh ta tự giới thiệu anh ta là người gốc ở tỉnh Iloilo. Tôi vốn có nhiều ấn tượng tốt đẹp về những người đến từ Iloilo, nên ngay lập tức tôi nói với anh: “Anh là người ở Iloilo. Thảo nào anh thật dễ mến”.

Câu trả lời của anh tài xế đã làm tôi mắc cỡ vô cùng. Anh chỉ đáp rất rõ ràng và đơn giản: “Không, thưa ông. Chuyện đó còn tùy ở mỗi người”.

Ở đây tôi đang dạy về việc giải trừ các nhãn hiệu và câu chuyện trên cho thấy tôi đã vướng vào cái sai lầm của việc khái quát hóa một nhãn hiệu. Người tài xế này đã đúng. Không phải mọi người dân Iloilo đều dễ mến. Điều đó còn tùy ở mỗi người. Có lẽ sẽ thích đáng hơn nếu tôi nói: “Các kinh nghiệm của tôi về người địa phương Iloilo rất là tích cực. Bây giờ, với anh, kinh nghiệm ấy của tôi lại được xác nhận một lần nữa – vì anh là một người rất dễ mến”. Thay vì khái quát hóa, đáng ra tôi nên tuyên bố một sự kiện (rằng tôi có những kinh nghiệm rất về người địa phưong Iloilo) và diễn tả một cảm nghĩ của mình (rằng tôi thích anh ta vì anh ta rất dễ mến). Nếu vậy thì rất có thể tôi đã vửa phục vụ được cho mục đích ban đầu của mình là bày tỏ các cảm nghĩ tích cực của mình về anh, vừa không sa vào cái tội khái quát hóa một nhãn hiệu.



ĐỪNG KHÁI QUÁT HÓA

Bởi vì các nhãn hiệu là thông tin trực tiếp nhất mà chúng ta có được về một người, nên chúng ta thật dễ sa vào cái bẫy khái quát hóa nhãn hiệu và qui chụp này nọ cho người ấy. Đó là lý do tại sao chúng ta cần trau dồi một khả năng nhạy bén để phân biệt giữa nhãn hiệu và con người. Đành rằng các nhãn hiệu là cái rất cần thiết, vì chúng phục vụ cho mục đích làm sáng tỏ các chức năng và các mối quan hệ, nhưng không được đánh đồng chúng với con người.

Vì thế, việc giải trừ nhãn hiệu được định nghĩa là “khả năng chúng ta không cho phép các nhãn hiệu hạn định kinh nghiệm của chúng ta về nhân vị tính của mình và của người khác”. Tôi có thể là một giáo viên, nhưng nhân vị tính của tôi không bị hạn định ở đó. Tôi KHÔNG CHỈ LÀ một giáo viên. Đó là lý do tôi cảm thấy ngán ngẩm khi nghe câu chuyện rằng các giáo viên của trường nọ, khi xem các pha bóng hấp dẫn trong giải bóng đá nhà trường, đã rất muốn nhảy chồm lên và la hét thỏa thích. Nhưng các vị lãnh đạo nghiêm khắc nhắc nhở: “Đừng quên rằng các anh là giáo viên. Các anh phải có tư cách mô phạm của một giáo viên chứ!”. Thế đấy, cái nhãn “giáo viên” nơi họ đã tước mất của họ cái quyền được vui tươi thoải mái.

Cũng vậy, một linh mục Ấn Độ lần nọ đến gặp tôi, chia sẻ: “Ở giáo xứ của tôi bên Ấn Độ, các giáo dân kỳ vọng tôi giải quyết tất cả các vấn đề của họ vì tôi là linh mục. Nhưng khi chính tôi có những vấn đề và tôi cần có ai đó lắng nghe mình, thì chẳng tìm ra ai cả! Họ không thể chấp nhận ý tưởng rằng linh mục cũng có những vấn đề khó khăn, họ không thể hình dung linh mục mà lại cần giáo dân giúp đỡ. Vì thế, làm linh mục ở đó là đảm nhận một vai trò rất cô đơn. Người ta đặt tôi lên một cái bệ và bỏ mặc tôi một mình ở đó”.

Chúng ta nghe vố số câu chuyện trong đó người ta khái quát hóa các nhãn hiệu. Một số trường hợp, sự khái quát hóa ấy có tính bất công và kỳ thị. Juan là một người đàn ông nghèo sống ở khu ổ chuột. Thế là khối người sẽ kết luận rằng đấy bởi vì anh ta lười biếng và thiếu trách nhiệm, và rằng chẳng bao lâu nữa anh ta sẽ trở thành một tay ma cô hay đạo chích.

Celia làm việc trong bộ máy chính phủ. Thế là chúng ta dễ lập tức dán cho cô ta nhãn hiệu bất tài và ăn hối lộ.

Soeur Marie Kim là một tu sĩ. Chúng ta lập tức dành cho Soeur sự đối xử đặc biệt ân cần. Ở đây tôi không có ý nói rằng không nên đặt biệt ân cần với các tu sĩ. Tôi chỉ muốn nhắc rằng chúng ta nên dành cho cả những người không phải nữ tu sự cư xử bỉnh đẳng như vậy.

Mike là một người Hồi giáo. Chúng ta có khuynh hướng tẩy chay anh ta như một kẻ nguy hiểm và chúng ta không có khả năng nào để có thể làm bạn với anh ta.

Juan, Celia, Soeur Marie Kim, và Mike là những con người. Tất cả họ phải được cư xử như những con người. Chỉ khi chúng ta gặp gỡ họ như những con người thì chúng ta mới có thể khẳng định hay phủ định những điều chi đó về họ.

BA CÂU CHUYỆN

Ba trường hợp buồn cười sau đây đã xảy ra với tôi và liên quan tới việc dán nhãn hiệu. Câu chuyện đầu tiên là khi tôi làm một chuyến đi lên phía bắc để có một bài thuyết trình tại một hội nghị của miền đó. Tôi được hướng dẫn đón chuyến xe buýt công cộng sẽ dừng ngay trước khu vực tổ chức hội nghị. Vì đây là lần đầu tiên đặt chân tới đó nên tôi rất bồn chồn. Tới noi, tôi nghe nhẹ nhõm khi trông thấy một nhóm các chị đang nâng một vòng hoa và một ruy-băng. Tôi nghĩ rằng vòng hoa và ruy-băng ấy là dành để đón chào mình. Vì thế tôi bắt đầu tiến về phía họ. Trông thấy tôi, họ cũng tiến về phía tôi. Tới khi tôi mở miệng sắp bật ra lời chào thì họ đi qua khỏi tôi và gắn dải ruy-băng đồng thời trao hoa cho một người đàn ông cao niên đằng sau lưng tôi. Và càc chị đồng thanh hô to: “Welcome, Mr. Tan” (Chào mừng Ông Tân).

Tôi phải cố nín cười. Họ tưởng lầm người đàn ông ấy là tôi bởi vì ông ta đang diện một kiểu tóc rất bóng láng và bận y phục rất lịch lãm. Nói tắt, ông ta trông có vẻ một diễn giả hơn tôi nhiều. Còn tôi chỉ đang mặc quần tây với áo sơ mi dài tay và trông quá trẻ so với ông ấy. Dĩ nhiên là các chị vô cùng bối rối khi nhận ra rằng người đàn ông lịch lãm ấy là một tham dự viên của hội nghị. Họ lập tức xin lỗi tôi. Tôi chỉ cười và ghi nhận câu chuyện ấy như một bài học thú vị về việc giải trừ nhãn hiệu.

Câu chuyện thứ hai là khi tôi đang đợi một chuyến xe buýt để đí Cotabato City vào sáng sớm. Tôi đang ngồi bên ghế băng bên cạnh ba người – hai phụ nữ và một đàn ông – tại một trạm xe buýt ở Davao City. Lúc đó tôi cảm thấy buồn ngủ, vì thế, để xua đuổi cơn buồn ngủ của mình, tôi nhìn quanh và tập trung chú ý hành vi thái độ của người ta.

Nhìn xuôi theo con đường, tôi chú ý đến một chú bé bán báo. Khi cậu bé phát hiện ra bốn người chúng tôi đang ngồi chờ xe buýt, cậu lập tức tiến về phía chúng tôi. Đầu tiên cậu nhìn người phụ nữ ở phía cuối ghế. Tôi chú ý thấy cậu không đưa ngay tờ tạp chí nào ra để mời cả. Cậu nhìn người phụ nữ từ đầu đến chân và có vẻ nghiên cứu chị ta. Rồi, cậu lựa một tờ, rút ra, trao cho chị để mời chào. Không may, tờ tạp chí mà cậu rút ra là một tờ ‘lá cải’. Người phụ nữ lắc đầu ra dấu không thích.

Cậu bé thử thời vận với người phụ nữ thứa hai. Cậu không mời chào tớ lá cải nào nữa. Cậu cất tờ báo vào trong xấp, rồi nghiên cứu người phụ nữ này từ đầu tới chân. Lần này, cậu rút ra một tờ tạp chí phụ nữ. Nhưng một lần nữa, cậu bị từ chối.

Tới đây, tôi đã theo dõi được sách lược của cậu bé bán báo này. Cậu bé đang cố ráp loại tạp chí cho hợp với ấn tượng mà cậu có về con người. Nói tắt, cậu đang dán nhãn hiệu cho người ta. Tôi bắt đầu toát mồ hôi vì hồi hộp không biết đến phiên mình thì cậu bé này sẽ rút ra tờ tạp chí nào.

Cậu bé tiếp tục lấy một tờ, lần này là một tờ thể thao để mời người đàn ông ngồi kế bên tôi. Lại một lần nữa, cậu bị từ chối. Cuối cùng, đến phiên tôi! Tôi nhìn lảng đi chỗ khác, giả bộ không chú ý đến cậu bé. Kỳ thực, tôi rất căng thẳng. Cậu bé nhìn tôi, thăm dò một hồi, rồi lục lạo trong xấp báo, rút ra một tờ. Kìa! Cậu bé rút ta tờ Free Press. Tôi bất giác thở phào nhẹ nhõm. Free Press! Một tờ báo có tính chính luận, trí thức. Tôi cảm thấy biết ơn cậu bé.

Nhưng khi ngẫm lại, tôi nhận ra rằng vì mình đã quá quan tâm đến loại nhãn hiệu mà cậu có thể gán cho mình đến nỗi tôi thậm chí đã không xét xem mình thực sự đang muốn xem loại tạp chí nào. Xem chừng lúc ấy tôi lại thích xem một tờ lá cải hơn. Nói cho cùng, ai lại thích đọc các bài chính luận vào buổi sáng sớm. Đọc những chuyện tào lao vớ vẩn nghe đỡ mệt óc hơn chứ.

Qua đó tôi cảm nghiệm rằng thiên hạ dán nhãn hiệu cho chúng ta dựa theo cách mà chúng ta gặp họ. Vì thế, chúng ta có bổn phận phải bộc lộ về mình, cho biết mình muốn được hiểu và được đối xử như thế nào.

Câu chuyện thứ ba xảy ra khi tôi ghé thăm một người bạn tại văn phòng cô ta ở Makati. Bầu khí ở đó thật trịnh trọng. Tôi thấy người ta dường như rất chú ý đến địa vị và cấp bậc. Vì thế, chiếc quần jeans và áo T-shirt của tôi xem ra không phù hợp với chỗ này.

Dù sao, cô bạn của tôi quá bận rộn, không thể tiếp tôi một cách thoải mái được. Thay vào đó, tôi tình nguyện giúp cô ta một tay. Tôi bắt đầu ngồi vào phụ giúp cô ta vài công việc đánh máy. Sau một chốc, vị phó chủ tịch bước tới và nhìn tôi với ánh mắt trừng trừng dò xét. Tôi ngước lên, tự giới thiệu bằng cách nói vui vui: “Chào ngài! Tôi là Earnest. Tôi là thư ký của Mel”.

Nghe thế, ông ta hứ một tiếng rồi bước đi, tiếp tục công việc thường lệ của ông. Khi Mel, bạn tôi, trở lại và nhìn thấy vị phó chủ tịch, cô lật đật đưa ông ta lại chỗ tôi. Lần này, cô giới thiệu tôi như sau: “Thưa ngài phó chủ tịch, không biết ngài đã gặp Earnest chưa nhỉ? Anh ấy là người mà tôi đã nói tới khi bàn về việc tổ chức các khóa hội thảo. Chắc ngài nhớ tôi đã nói gì với ngài. Anh ấy rất tốt và chúng ta đang cố gắng mời anh ấy cho một dự án của chúng ta”.

Với thông tin mới này, thái độ của ông phó chủ tịch đối với tôi hoàn toàn thay đổi. Ông ta bắt đầu kéo ghế ngồi và nói chuyện với tôi. Điều thú vị là khi cô bạn tôi mang tới một khay kem (ngày hôm trước là sinh nhật của cô), vị phó chủ tịch đã giật lấy chiếc khay từ tay Mel và tuyên bố: “Bây giờ, tới phiên tôi là tiếp viên của Mel”.

Câu chuyện này có điểm độc đáo mở chỗ nó cho biết rằng chúng ta luôn luôn có thể cố gắng đền bù sai sót của mình. Không bao giờ quá muộn. Trong trường hợp của ngài phó chủ tịch ở đây, ông mắc cái lỗi dán nhãn hiệu. Nhưng ông đã cứu vãn bằng cách giành lấy chiếc khay và phục vụ chúng tôi. Đó là cách gián tiếp để ông nhận lỗi và làm một điều chi đó để bù đắp.

Từ tất cả những minh họa đó, tôi hy vọng rằng điểm nhấn mạnh ở đây đã hiện lộ rõ ràng. Chúng ta phải ngừng lẫn lộn nhãn hiệu với con người. Chúng ta không chỉ là các nhãn hiệu của chúng ta. Chúng ta cần phải được nhận biết sâu xa hơn thế. Và chúng ta thiếu nợ điều này với nhau.

Tôi hy vọng bạn cùng hưởng ứng giấc mơ nhỏ bé của tôi về cuộc sống. Chúng ta sẽ học những nghệ thuật và kỹ năng giải trừ nhãn hiệu. Chúng ta phải cảnh giác mình hằng ngày cho khỏi bị làm mù quáng bởi các nhãn hiệu. Chúng ta phải trao cho nhau lòng kính trọng mà tất cả chúng ta đều đáng nhận được.

Khi người ta hỏi tôi muốn được giới thiệu như thế nào với các cử tọa của mình, tôi luôn luôn trả lời đơn giản: “Hãy giới thiệu: Đây là Earnest” không cần kèm theo một chức danh nào, một học vị nào. Không cần những từ hoa mỹ. Tôi muốn người ta biết tôi như sự thật của tôi. Và tôi ước mơ rằng mọi người chúng ta sẽ gặp nhau như sự thật của nhau, không cần nấp dưới những nhãn hiệu này nọ nữa.



Chương Sáu

KHẢO SÁT LÒNG MÌNH


(Điều kiện 6: một thái độ biện phân)

Chúng ta phải đều đặn dành thời giờ

để xem xét lại từng kinh nghiệm của

mình và suy ngẫm về cách mà các kinh

nghiệm ấy đang kiến tạo nên con người



hiện tại của chúng ta.

Tôi có một ghi nhận chung chung mội khi các sinh viên được đề nghị làm một bản lược sử cá nhân cho mình. Đó là rất nhiều người có khả năng viết – thậm chí viết rất hay – về các biến cố đã xảy ra trong cuộc sống của họ. Họ có thể tường thuật mạch lạc các chi tiết. Nhưng rất tiếc là họ dừng lại ở đó. Chỉ một ít người đi sâu hơn và bắt đầu suy tư về ảnh hưởng của mỗi biến cố ấy trên đời sống của mình – những ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực. Chỉ một số ít người dám đào sâu công việc phân tích bản thân. Điều này dẫn tôi tới kết luận rằng chúng ta thiếu sự thực hành biện phân biết bao.

Người ta thường bào chữa – chẳn hạn, “nhưng tôi không có giờ để suy tư, tôi ít khi có thời giờ cho chuyện riêng của mình”. Đời sống của họ bị che kín bởi những hoạt động khiến họ không còn chút nào để thở. Rồi, khi có dịp nào đó để dừng lại và suy nghĩ, họ thường nhận ra rằng đã có nhiều thứ mình đã không đánh giá đúng tầm mức. Trong một số trường hợp, họ phải mất hàng chục năm để khám phá ra quá trễ rằng lẽ ra mình đã có thể làm những điều gì đó để tháo gỡ những gánh khốn khổ không cần thiết do chính mình tạo ra. Những khốn khổ này xuất phát từ một biến cố nào đó, nếu được đương đầu và giải quyết các thích đáng, thì đã không đẻ ra biết bao hệ lụy lôi thôi. Thế là, họ thấm thía một nỗi ân hận: “Giá chi mình đã nhận ra điều này sớm hơn”.


Каталог: uploads
uploads -> -
uploads -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
uploads -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
uploads -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
uploads -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
uploads -> Tác giả phạm hồng thái bài giảng ngôn ngữ LẬp trình c/C++
uploads -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1

tải về 0.59 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương