Dọn đường cho Chúa đến


CN II VỌNG -ĐƯỜNG VÀO CÕI LÒNG



tải về 330.51 Kb.
trang7/7
Chuyển đổi dữ liệu07.01.2018
Kích330.51 Kb.
#35807
1   2   3   4   5   6   7

CN II VỌNG -ĐƯỜNG VÀO CÕI LÒNG

Thư HĐGMVN 2006 đã khẳng định: “ Đời sống đạo vừa cần găn bó với Thiên Chúa, vừa phải đi đến với anh em”.

Chúa nhật II Mùa vọng, Giáo hội giới thiệu cho chúng ta khuôn mặt Gioan Tiền hô, một ngôn sứ luôn gắn bó với Thiên Chúa, rất gần gũi với con người. Lời Chúa Gioan chiêm niệm trong hoang địa qua nhiều năm tháng đã giúp ông tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều hạng người qua những vùng ven sông Giođan. Lời Chúa Gioan nghe đã trở thành lời Chúa ông công bố. Tiếng Chúa gọi Gioan đã trở thành tiếng ông mời gọi mọi người.Gioan trở nên trung gian làm người dọn con đường tâm hồn cho anh chị em mình đến với Chúa Cứu Thế.

Gioan là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước. Sau 5 thế kỷ vắng bóng ngôn sứ, nay Gioan xuất hiện với sứ mạng Tiền hô. Ông đáp lại tiếng Chúa gọi, ra đi rao giảng về Nước Trời, dọn đường cho Chúa Giêsu, Đấng Cứu Tinh nhân loại đến trần gian. Ông đã chu toàn ơn gọi cách nhiệt thành và đã chết anh hùng cho sứ vụ. (x. Mt 14,3012; Mc 6,17-19). Cuộc đời Gioan là một thiên anh hùng ca, bất khuất trước cường quyền, bao dung với tội nhân.

Gioan có một cuộc sinh ra kỳ lạ, một lối sống khác thường. Gioan chọn con đường tu khổ chế : ăn châu chấu và mật ong rừng, uống nước lã và mặc áo da thú. Sống trong hoang địa trơ trụi, vắng người, thiếu sự sống. Nhưng chính ở đó mà Gioan đã lớn lên và trưởng thành trong sự gặp gỡ thâm trầm với thiên Chúa.

Gioan nhắc lại lời tiên tri Isaia: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3,5). Gioan mời dân chúng sám hối. Không thể tiếp tục sống như xưa nữa. Đã đến lúc phải đổi đời, đổi lối nhìn, đổi lối nghĩ. Như thế, Gioan kêu gọi hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi. Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, những tính toán lệch lạc. Phải san cho phẳng những đồi núi kiêu căng tự mãn. Phải bạt cho thấp những gồ ghề của bất công bất chính.

Đạo là con đường dẫn đến Thiên Chúa. Đạo là ngón tay chỉ mặt trăng. Nếu không có đường thì không đi đến đâu cả. Một đất nước có văn minh hay không là do hệ thống đường sá.

Đạo từ nguyên thuỷ luôn mang ý nghĩa trong sáng, ngay thẳng, công minh. Đạo dẫn đưa con người đến chân thiện mỹ.

Đạo là đường nên có thể nói sống đạo là sống ngoài đường, sống với người khác, sống với cuộc đời. Abraham khởi đầu cuộc sống thật bằng việc lên đường từ giã thành Ur để sang đất hứa. Và lịch sử Do thái là những chuyến xuất hành di cư, lang thang trong sa mạc, lưu đầy và mất quê hương trong một thời gian dài. Gioan rao giảng và làm phép rửa khắp mọi nẻo đường. Chúa Giêsu sống ở thế gian bằng những cuộc lên đường sang Ai cập, về Nazareth, lên sa mạc, vào đền thánh và trở lại Galilêa. Cuộc sống công khai của Chúa ít là có ba cuộc hành trình lên Giêrusalem. Và sau cùng Ngài lên đường về nhà cha.

Vì là đường nên nên đạo luôn mở ra nối kết và đón nhận cuộc sống, đón nhận mọi người, không phân biệt ai với tinh thần yêu thương của Thiên Chúa. Tin mừng chính là đạo, là con đường mà Chúa Giêsu vạch ra cho chúng ta đi theo ngài.

Đường quan trọng nhất là đường vào cõi lòng. Gioan đã chỉ cho thấy rằng, mỗi con người đều có ít nhiều đồi núi kiêu ngạo, thung lũng ích kỷ, ghồ ghề khúc khuỷu trong các mối quan hệ. Có bao lối nghĩ quanh co, có bao tính toán lệch lạc, có những lũng sâu tăm tối thiếu vằng ánh sáng tình yêu. Sửa đường theo Gioan là sám hối. Nhìn lại con đường mình đã đi qua, sửa lại những sai lệch nếu có. Những gì cong queo san cho thẳng. Những gì cao cần bạt xuống. Lúc đó mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp. Đó là sứ điệp Gioan gởi tới chúng ta  trong Mùa Vọng này, để chúng ta dọn lòng mình thành đại lộ thênh thang mở ra với Chúa Cứu Thế.

Con đường mà Gioan nói tới đây chinh là đường vào cõi lòng. Con đường nội tâm của mọi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Chúa Cứu Thế. Sửa đường cho Chúa đến là cần thiết và hợp lý. Khi đón tiếp một vị khách quý, người ta thường sửa sang đường sá, làm sạch đẹp nơi vị khách sẽ đến. Như thế là biểu lộ lòng kính trọng đối với vị khách. Thiên Chúa là vị khách cao trọng nhất. Người hạ mình đến thăm và ở lại cùng sống với thân dân của Người. Đó là hạnh phúc tuyệt vời nên cần phải dọn tâm hồn xứng đáng. Như con đường cho Chúa đi qua. Như căn nhà cho Chúa ngự tới. Chúa đứng ngoài cửa lòng và gõ cửa, ai mở thì Ngài đi vào. Con đường có thể có chông gai tội lỗi, có nổi đam mê tiền lợi danh, có những tính hư nết xấu. Cho nên trong cõi lòng đó phải có im lặng như cõi lòng Mẹ Maria ghi nhớ, suy niệm và không nói gì. Chỉ nói những lời để giúp đỡ người khác. Và tâm hồn ấy bình an nên nghe rõ tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi. Như thế dọn đường chính là tạo im lặng cho tâm hồn để nghe được tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi.

Dọn đường còn là tỉnh thức đợi chờ Chúa đi xa trở về. Như năm cô khôn ngoan có sẵn dầu đèn. Như những đầy tớ làm lợi những nén vàng cho chủ. Như tên lính canh thành luôn chú ý những biến chuyển chung quanh. Mỗi cá nhân, ai cũng có những tật xấu, những khuyết điểm, vị kỷ kiêu căng tham lam đố kỵ ghen ghét lười biếng hèn nhát… Xã hội nào cũng có bất công, những lạm dụng quyền bính, những hủ tục, những tệ đoan, những điều ấy làm cho con người đau khổ, trì trệ, không phát triển.  

Dọn đường căn bản là ở trong nội tâm, sám hối để canh tân, sửa đổi để trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Những con đường thường được làm bằng đất đá nhựa bê tông. Những con đường trên mặt đất, trên sông trên biển trên bầu trời là những con đường vật lý. Những con đường tâm lý, con đường tinh thần, con đuờng lòng người mới quan trọng hơn. Nguyễn Bá Học đã nói: đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ vì lòng người ngại núi e sông.

Sống đạo luôn là một thách đố đầy quyết liệt và phong phú. Hiểu đạo, tin đạo, giữ đạo xem ra khá dễ dàng vì thuộc lãnh vực cá nhân. Còn sống đạo thường khó khăn hơn vì liên quan đến tha nhân, đòi hỏi một sự quên mình, vượt thắng bản thân. Cũng như thực hiện việc dọn đường qua nghi thức sám hối bên ngoài như rửa tội, xưng tội khá dễ dàng, nhưng nếu mà trong lòng không thật tâm sám hối đưa đến canh tân bản thân, thì hành vi sám hối chỉ là việc làm lấy lệ hình thức mà thôi.

Sống đạo bao giờ cũng đòi hỏi nhiều cố gắng và tỉnh thức. Mùa Vọng , Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của Gioan. Sống gắn bó với Thiên Chúa và gần gũi với con người. Như thế mỗi người sẽ sống đạo hôm nay với tất cả niềm vui hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.

 Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Chúa nhật 2 mùa vọng C (Lc 3, 1-6)

Để đón ơn Chúa cứu độ…

Tin mừng Chúa nhật thứ 2 mùa vọng được đặt trong bối cảnh thật rộng lớn, bao gồm bối cảnh lịch sử thế giới cũng như bối cảnh lịch sử của dân Thiên Chúa. Cũng chính từ trong bối cảnh rộng lớn này, Gioan Tẩy giả xuất hiện để thực thi sứ mệnh mà Thiên Chúa trao phó: Tiền hô cho Đấng Cứu Thế.

Thật ngắn gọn và xúc tích, thánh Luca cho chúng ta thấy rõ bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Đặc biệt, nếu để ý, chúng ta thấy thánh Luca đã tỉ mỉ liệt kê sáu nhân vật cốt cán vừa đạo lẫn đời có ảnh hưởng ít nhiều đến Gioan Tẩy giả cũng như Chúa Giêsu sau này.

Đứng đầu là hoàng đế của đế quốc Rôma. Sau khi hoàng đế Augustô băng hà vào năm 14 sau công nguyên, Tibêriô lên nối ngôi và tại vị từ đó cho đến năm 37. Như vậy, năm thứ 15 của triều đại Tibêriô vào khoảng năm 29.

Ponxiô Philatô làm tổng trấn xứ Giuđê lẫn miền Iđumê và Samari từ năm 26-36. Đây là vị quan toà xét xử và kết án Chúa Giêsu mặc dù ông biết rõ Chúa vô tội.

Vua Hêrôđê Antipa con của vua Hêrôđê Cả- người đã ra lệnh giết các hài nhi từ hai tuổi trở xuống ở Bêlem cũng như vùng lân cận vì cho rằng mình đã bị các nhà chiêm tinh đánh lừa (x. Mt 2, 16-18)- trị vì miền Galilê và Pêrê từ năm 4 trước công nguyên cho đến năm 39. Đây là ông vua loạn luân, lấy chị dâu mình. Chính ông đã ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy giả trong ngục. Đồng thời ông còn tham gia vụ án của Chúa, cho Chúa mặc chiếc áo “cẩm bào giấy” để làm trò cười cho thiên hạ nhằm trả thù cho việc không được Chúa làm phép lạ cho ông xem chơi (x. Lc 23, 8-11).

Vua của miền đất dân ngoại là Philipphê – anh em cùng cha khác mẹ với Hêrôđê Antipa- coi sóc một số vùng như Gaulanít, Batanê, Trakhonít và Auranít thuộc miền đông bắc hồ Tibêria từ năm 4 tcn cho đến năm 34.

Vị vua cuối cùng được Luca nhắc đến là Lyxania, coi sóc miền Abilên. Ông được nhắc đến có lẽ do vì miền đất nơi ông coi sóc là miền dân ngoại và thuộc quyền vua Hêrôđê Ácríppa II.  Sở dĩ Luca lưu ý đến vùng đất dân ngoại là bởi vì theo thánh sử, Tin mừng không chỉ được rao giảng cho dân tộc Israel mà thôi, nhưng còn được rao giảng cho cả dân ngoại.

Đó là phía chính quyền, về phía tôn giáo chúng ta thấy có vị thượng tế Dothái lúc bấy giờ là Caipha, giữ chức thượng tế từ năm 18 cho đến năm 36 sau công nguyên. Chính ông cùng với thượng hội đồng Dothái đã “biến tội” của Chúa từ tội danh phạm thượng chỉ thuần túy mang tính tôn giáo, chuyển sang tòa án Rôma và chụp mũ Chúa Giêsu với ba tội danh “chết người” liên quan đến chính trị để chính quyền Rôma kết án tử hình.

Chính từ trong bối cảnh lịch sử ấy, Gioan xuất hiện để đi khắp miền ven sông Giođan để rao giảng và kêu gọi dân chúng lãnh nhận phép rửa, ăn năn sám hối để được ơn tha thứ.

Thánh Luca cũng như các tác giả Tin mừng Nhất lãm đã trích dẫn Ngôn sứ Isai (trong bản LXX) để nói đến sứ mạng Tiền hô của Gioan Tẩy giả; đồng thời cũng cho thấy chính Đấng Thiên sai mà ông đang loan báo sẽ là nguồn ơn cứu rỗi cho hết mọi dân tộc.

Lời kêu gọi dân chúng trở về với Thiên Chúa để được hưởng ơn cứu độ mà Gioan Tẩy giả rao giảng thật quyết liệt, rõ ràng, không úp mở. Theo đó việc chuẩn bị đón Đấng Cứu thế không chỉ dành riêng cho mỗi một cá nhân nào, nó còn là việc của toàn thể nhân loại. Chính vì thế, những gì là “quanh co, uốn khúc, gồ ghề, hố sâu,…” nơi tâm hồn, nơi hành vi của mỗi cá nhân cũng như trong mối tương quan giữa đồng loại với nhau, với vạn vật vũ trụ, tất cả đều phải “uốn cho thẳng, bạt cho thấp, lấp cho đầy,…”. Như thế, sám hối không là hành vi có tính ước lệ, làm cho có cho xong, nhưng phải là một biểu hiện của sự trở về, một cuộc bức phá ra khỏi trận cuồng phong tội lỗi nơi tâm hồn để trở nên một con người hoàn toàn đổi mới trong ân sủng của Chúa.

Mùa vọng là thời gian thuận tiện nhất để con người đổi mới tâm hồn, chỉnh sửa lại lối sống. Chúa cần chúng ta cộng tác nhiều hơn nữa hầu có thể lãnh nhận muôn ơn lành từ nơi Thiên Chúa.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng, 2006.

PHẢI CHUẨN BỊ TÂM  HỒN THẾ NÀO TRONG MÙA VỌNG NÀY

ĐỂ MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH ?

Phúc Âm Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng, 2006.

Trong chu kỳ phụng vụ của Giáo Hội, Mùa Vọng  là thời điểm đặc biệt  gợi lại cho chúng ta thời gian dân Do Thái xưa kia mong đợi Đấng Thiên Sai ( Messiah) đến để cứu họ như các ngôn sứ trong thời Cựu Ước đã loan báo.Nhưng khi Người đến thì họ lại không nhận biết và đón chào vì điều họ trông đợi không phải là điều Chúa muốn thực hiện. Ngày nay,  đối  với người tín hữu chúng ta  trong Giáo Hội , thì thời gian 4 tuần lễ này là thời điểm nhắc chúng tatrước hết nhớ lại biến cố Ngôi Lời Nhập Thể và đồng thời cũng thúc dục ta lưu tâm chuẩn bị cho ngày Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Nhớ lại biến cố Ngôi Lời Nhập Thể cũng là lý do để  hân hoan đón mừng một lần nữa Ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu xuống trần gian  cách nay đã  trên 2000 năm.

Thật vậy, hàng năm cứ đến thời gian  này thì khắp nơi trên thế giới,  người ta lại rộn rịp đón mừng Lễ Chúa Giáng Sinh kể cả những người không  chung niềm tin với Giáo Hội Công Giáo.Các tư gia và nhất là những nơi buôn bán,  người ta lại trưng bầy, trang hoàng rực rỡ về Giáng Sinh cả tháng trước ngày đại Lễ. Đặc biệt,  những bản thánh ca về Chúa Giáng Sinh lại vang lên trên mọi hệ thống truyền thanh, truyền hình làm rung động tâm hồn  của mọi người nghe.

Trong không khí tưng bừng này, là người tín hữu,  chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn cách nào cho xứng hợp để đón mừng ngày vui trọng đại của niềm tin Kitô ?

Trước hết, chúng ta không nên  đón mừng Lễ Chúa Giáng Sinh như một thói quen hàng năm khi chu kỳ phụng vụ này trở lại với Giáo Hội. Nói khác đi, chúng ta không mừng lễ như xem lại một cuốn băng Video cũ đã xem nhiều lần đến nỗi  thuộc lòng mọi chi tiết trong đó.Ngược lại, chúng ta phải coi đây như một biến cố mới,  một dịp nữa để khám phá thêm về tình yêu quá lạ lùng của Thiên Chúa đối với loài người  thể hiện nơi Đức Kitô, Đấng đã quên mình là Chúa để đến với nhân loại trong thân hình một “ trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ”(x. Lc 2:12). Như thế, một lần nữa chúng ta lại có dịp đào sâu thêm niềm tin, tăng cường thêm lòng mến yêu đối với Đấng đã chia sẻ và đồng hành thân phận con người với chúng ta trong mọi sự trừ tội lỗi.Nghĩa là phải mừng Chúa Giáng Sinh như một biến cố mới đang sẩy ra với tất cả ý nghĩa sâu xa của nó, hơn là chỉ mừng một kỷ niệm của quá khứ,  tương tự như  mừng lễ Độc Lập, lễ Tạ Ơn hàng năm ở Mỹ. Trong tinh thần ấy, lời ngôn sứ Isaia trong bài Phúc Âm  Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng hôm nay giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn cách xứng hợp để mừng  kỷ niệm ngày Chúa sinh ra:

Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa

sửa lối cho thẳéng để Người đi

mọi thung lũng phải lấp cho đầy

mọi núi đồi phải bạt cho thấp

khúc quanh co phải uốn cho ngay

đường lồi lõm  phải san cho phẳng…” (Is. 40 :3-4; Lc 3:4-5)

Chắc chắn Isaia không nói đến những con đường quanh co, những  núi  đồi cao ngất  và thung lũng sâu thẳm có thực trong thiên nhiên. Đích thực, Ngôn sứ  chỉ muốn mượn những hình dung từ này để nói  đến những trở ngại lớn lao cần được san phẳng để cho  Chúa đến trong tâm hồn của con người mà thôi. Nghiã là, đồi núi cao nói ở đây, chính là lòng kiêu căng, hợm hĩnh,  tự phụ về tài sức  của mình đến nỗi không còn chỗ cho lòng kính sợ và tôn thờ một Thiên Chúa toàn năng thượng trí, nhưng rất gần gũi với con người trong tình thân và thương xót.Cũng vậy, thung lũng sâu thẳm cần lấp cho đầy nói trên,  phải chăng là lòng mê say tiền bạc,  của cải vật chất và vui thú vô luân  khiến  quá nhiều  người không thể nâng lòng lên được tới Chúa là chính cội nguồn của mọi vinh quang và lạc thú vĩnh cửu ? Và những con đường quanh co khúc khuỷu cần uốn cho ngay, phải chăng  là những tâm địa gian tà, độc ác, lừa đảo,  ích kỷ và dửng dưng trước những đau khổ của người khác, trước mọi bất công xã hội  cần phải loại trừ  để Thiên Chúa của tình thương, công  lý và bình an có thể đến viếng thăm khi chúng  ta mừng ngày sinh của Con  Người ?

Tóm lại, Chúa không thể giáng sinh một lần nữa trong những tâm hồn đang chất chứa ít nhiều  những trở ngại nói trên.

Vậy, muốn  chuẩn bị  mừng ngày Giáng Sinh lần thứ 2006 của Chúa Cứu Thế Giêsu một cách xứng hợp và được nhiều ơn ích thiêng liêng , phải chăng mỗi người chúng ta cần nhìn lại chính mình xem  có  trở ngại nào ngăn cản Chúa đến hay không ?



Đây mới thực sự là cách chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh cần thiết và có ý nghĩa hơn là chỉ trang hoang nhà cửa , đường phố, mua sắm, gửi thiệp và mở quà Giáng Sinh.

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.
Каталог: home -> dulieu -> ngaychuanhat
dulieu -> TỰ do nội tâm jacques Philippe Người dịch, Lm. Minh Anh (Gp. Huế) TỰ do nội tâM
dulieu -> Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua
dulieu -> LƯỢc sử giáo phận huế khai sinh và phát triểN 50 NĂm qua (1960-2010) I. LỊch sử KHAI SINH giáo phận huế
dulieu -> Phụng tự tại Việt Nam trong 50 năm qua (1960-2010)
dulieu -> HÀn mạc tử, ngưỜi kitô HỮu trẻ trên lối vào nội tâM
dulieu -> +++ MỤc lụC Đức Thánh Cha gặp các Giám mục Argentina đi ad limina
dulieu -> Rao giảng Lời Chúa tại Việt Nam trong 50 năm qua (1960-2010)
ngaychuanhat -> Dọn đường cho Chúa đến
dulieu -> MƯỜi lăm sự thưƠng khó ĐỨc chúa giêsu thứ nhất thì gẫm

tải về 330.51 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương