DỊch phần dạy pháp của ngài pa-auk tại florida tháng 4/ 2006, buổi dạy thứ 4



tải về 121.21 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích121.21 Kb.
#29924
  1   2   3
DỊCH PHẦN DẠY PHÁP CỦA NGÀI PA-AUK TẠI FLORIDA THÁNG 4/ 2006, BUỔI DẠY THỨ 4

(có kèm bản nghe và đánh máy tiếng Anh bên dưới)
Xin hãy đãnh lễ đến Đức Phật bằng cách tụng NamoTassa 3 lần:

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa (3lần)
Tôi sẽ dạy về Niệm Hơi Thở. Tôi phải lặp đi lặp lại. Có nhiều vấn đề, tiếng Anh của tôi tệ quá, họ không hiểu tiếng Anh của tôi, đây là một vấn đề. Tôi muốn trích dẫn phần dạy về Niệm Hơi Thở do Đức Phật dạy trong bài kinh Đại Niệm Xứ:
“Dīghaṁ vā assasanto ‘dīghaṁ assasāmī’ti pajānāti,

dīghaṁ vā passasanto ‘dīghaṁ passasāmī’ti pajānāti.”

Đây là giai đọan 1.

Nghĩa của nó là gì?

Hít vào một hơi thở dài, vị ấy biết tôi đang hít vào một hơi thở dài,



Thở ra một hơi thở dài, vị ấy biết tôi đang thở ra một hơi thở dài”.

Đây là giai đọan 1.

Giai đọan 2 là:

Rassaṁ vā assasanto ‘rassaṁ assasāmī’ti pajānāti,



rassaṁ vā passasanto ‘rassaṁ passasāmī’ti pajānāti.”

Hít vào một hơi thở ngắn, vị ấy biết tôi đang hít vào một hơi thở ngắn,



Thở ra một hơi thở ngắn, vị ấy biết tôi đang thở ra một hơi thở ngắn”. Đây là giai đọan 2.

Giai đọan 3 là:

Sabbakāyapaṭisaṁvedī assasissāmī’ti sikkhati,

‘Sabbakāyapaṭisaṁvedī passasissāmī’ti sikkhati

Kinh nghiệm trọn vẹn thân hơi thở, tôi sẽ hít vào, như thế vị ấy luyện tập.



Kinh nghiệm trọn vẹn thân hơi thở, tôi sẽ thở ra, như thế vị ấy luyện tập”. Đây là giai đọan 3.

Giai đọan 4 là:

“ ‘Passambhayaṁ kāyasaṅkhāraṁ assasissāmī’ti sikkhati,

Passambhayaṁ kāyasaṅkhāraṁ passasissāmī’ti sikkhati”

An tịnh thân hơi thở, tôi sẽ hít vào, như thế vị ấy luyện tập,



An tịnh thân hơi thở, tôi sẽ thở ra, như thế vị ấy luyện tập”

Đây là giai đọan 4.


Bốn giai đọan này dẫn đến đạt tới Tứ thiền. Phần giải thích này để thực hành thiền Chỉ, Samatha. Vậy là trong việc thực hành thiền Chỉ này, có 4 giai đọan:

  1. Hơi thở dài

  2. Hơi thở ngắn

  3. Trọn vẹn thân hơi thở

  4. An tịnh hơi thở

Khi đang thực hành Ānāpāna theo 4 giai đọan này, với một số hành giả khi đang thực hành để hiểu rõ hơi thở dài và hơi thở ngắn, lúc ấy nimitta có thể xuất hiện; đối với một số hành giả khác, khi đang thực hành hiểu rõ hơi thở dài, hơi thở ngắn và trọn vẹn thân hơi thở, lúc đó nimitta cũng có thể xuất hiện. Với một số hành giả nữa, khi đang thực hành thấy trọn vẹn hơi thở dù nó là dài hay ngắn, lúc đó nimitta mới có thể xuất hiện. Nhưng cũng có số hành giả khi thực hành đến giai đọan an tịnh thân hơi thở chỉ lúc ấy nimitta mới xuất hiện.



Sự khác nhau của các giai đọan này là gì? Khi thực tế thực hành, chỉ có 2 lọai hơi thở: hơi thở dài và hơi thở ngắn. Dù là hơi thở dài hay hơi thở ngắn, hành giả phải cố gắng hiểu rõ trọn vẹn thân hơi thở: khi nó dài, vị ấy nên gắng biết rõ trọn vẹn thân hơi thở; khi nó ngắn, vị ấy nên gắng biết rõ trọn vẹn thân hơi thở. Khi thực hành theo cách này lúc định phát triển sâu hơn thì hơi thở sẽ trở nên vi tế, điều này là tự nhiên. Khi hơi thở trở nên vi tế, lúc này, vị ấy nên gắng hiểu rõ 4 giai đọan kết hợp cùng nhau; 4 giai đọan có nghĩa hơi thở dài, hơi thở ngắn, trọn vẹn thân hơi thở và an tịnh thân hơi thở. Bằng cách nào? Khi hơi thở trở nên vi tế, lúc này vị ấy chỉ nên gắng hiểu rõ trọn vẹn thân hởi thở dài và vi tế dài ấy hay trọn ven thân hơi thở ngắn và vi tế ngắn ấy mà thôi. Khi hơi thở trở nên vi tế, lúc này nếu vị ấy có thể định trên hơi thở vi tế, không bao lâu nimitta sẽ xuất hiện. Khi nimitta xuất hiện, nimitta và hơi thở sẽ hòa quyện và xáp nhập thành một. Lúc này tâm tự động dính chặt vào nimitta, vị ấy chỉ nên tập trung vào nimitta mà thôi. Khi nimitta trở thành Paṭibhāga nimitta, tợ tướng và nếu vị ấy có thể tập trung trên tợ tướng ấy, rồi định an chỉ sẽ xuất hiện, an chỉ định ấy được gọi là định bậc thiền, định Sơ thiền mà thôi. Tối qua, tôi đã giải thích về Sơ thiền này rồi. Nếu qúy vị đã xong phần 5 Pháp thuần thục trong Sơ thiền, nếu quý vị muốn tiến lên Nhị thiền, quý vị nên thực hành như thế nào? Qúy vị nên gắng hiểu rõ 2 khuyết điểm của Sơ thiền và 1 ưu điểm của Nhị thiền. 2 khuyết điểm của Sơ thiền là gì?

  1. Sơ thiền này rất gần với các triền cái. Có 5 triền cái:

    1. Tham dục

    2. Sân

    3. Trạo cữ

    4. Hôn trầm, thụy miên

    5. Nghi

Tổng cộng có 5 triền cái. Khi một hay hai hay nhiều triền cái viếng thăm tâm qúy vị, lúc ấy định của qúy vị sẽ thóai giảm. Khi các triền cái này không viếng thăm, định của qúy vị có thể phát triển. Khi định của qúy vị trở nên dần dần sâu hơn, nimitta sẽ xuất hiện, lúc ấy nếu qúy vị có thể tập trung vào nimitta, Định sẽ phát triển, rồi dần dần qúy vị sẽ thấy nimitta chuyển sang Paṭibhāga nimitta, tợ tướng hay quang tướng. Nếu qúy vị có thể tập trung trên tợ tướng thì định của qúy vị sẽ dần sâu hơn nữa. Và không lâu sau, an chỉ định sẽ xuất hiện. Trước giai đọan an chị định, định của qúy vị được gọi là cận định, upacàra samàdhi. Vào lúc cận định, 5 triền cái sẽ không khởi sinh trong tâm quý vị. Cận định và an chỉ định rất gần với nhau. Bởi lý do này khi cận định sinh khởi, các triền cái sẽ biến mất. Cận định và an chỉ định rất gần với nhau. Tương tự, Sơ thiền này cũng rất gần với 5 triền cái. Đây là một trong những khuyết điểm của Sơ thiền. Một khuyết điểm khác nữa: xin hãy suy xét về các thiền chi trở lại: trong số 5 thiền chi, Tầm và Tứ, sự áp tâm (hay hướng tâm) vào đối tượng và sự trụ tâm trên đối tượng, Tầm và Tứ là thô tháo. Qúy vị phải áp tâm mình vào tợ tướng hơi thở lặp đi lặp lại vì nếu không thể áp tâm vào đối tượng tợ tướng lặp đi lặp lại, định của qúy vị sẽ thóai giảm. Vì vậy mà sự áp tâm vào đối tượng này là còn thô tháo, vì qúy vị còn muốn định của mình sâu hơn nữa. Không cần áp tâm vào đối tượng tợ tướng mà nếu qúy vị vẫn có thể định trên đối tượng tợ tướng, sẽ rất tốt. Qúy vị nên suy xét sự khuyết điểm của Tầm và Tứ như thế. Rồi đến suy xét một ưu điểm, một ưu điểm là tính an tịnh của 3 thiền chi, 3 thiền chi là Hỷ, Lạc và Nhất tâm, 3 thiền chi này an tịnh hơn, chúng là các thiền chi của Nhị thiền. Nhị thiền chỉ có 3 thiền chi, nên chúng an tịnh hơn. Sau khi suy xét như vậy, qúy vị nên tập trung trở lại vào đối tượng tợ tướng, nhưng thời gian suy sét chỉ nên kéo dài khỏang 2 hay 3 giây thôi, nếu lâu, tợ tướng sẽ mất, vậy thời gian suy sét chỉ nên mất vài giây mà thôi. Sau khi suy xét nếu qúy vị tập trung trở lại vào đối tượng tợ tướng của hơi thở, an chỉ định có thể sinh khởi trở lại. Đối với một số thiền sinh mới bắt đầu, an chỉ định này chỉ là định Sơ thiền. Qúy vị nên trú trong định này cho được 5 hay 10 phút. Xuất khỏi định ấy, khi đang trực tri các thiền chi, lúc ấy qúy vị sẽ thấy Tầm và Tứ là thô tháo; Hỷ, Lạc, Nhất tâm là an tịnh hơn. Lúc ấy với ý định muốn lọai bỏ các thiền chi còn thô tháo và chỉ giữ lại các thiền chi an tịnh hơn, là các thiền chi của Nhị thiền, qúy vị tập trung trở lại vào đối tượng Tợ tướng của hơi thở. Lúc tập trung trở lại vào tợ tướng của hơi thở, không lâu sau, an chỉ định sẽ sinh khởi, lúc ấy qúy vị sẽ hiểu Tầm, sự áp tâm lên đối tượng và Tứ, sự trụ tâm trên đối tượng tợ tướng của hơi thở biến mất, chỉ còn lại 3 thiền chi : Hỷ, Lạc và Nhất tâm. Lúc ấy, qúy vị có thể nói qúy vị đã đạt đến Nhị thiền. Nếu đạt đến Nhị thiền, qúy vị cũng nên duy trì Nhị thiền trong một thời gian dài. Với người mới bắt đầu, nếu muốn lên Nhị thiền, họ nên thiết lập lại Sơ thiền cho được 1 giờ. Xuất khỏi Sơ thiền, họ nên suy xét 2 khuyết điểm và 1 ưu điểm , sau đó mới nên cố gắng đạt đến Nhị thiền. Nếu quý vị đã đạt được Nhị thiền, thời thiền tọa kế tiếp, nếu muốn lên Nhị thiền, qúy vị nên thực hành có hệ thống: trước tiên, qúy vị phải tái thiết lập Sơ thiền, lúc ấy trú trong Sơ thiền cho được 4 hay 5 phút. Xuất khỏi Sơ thiền, qúy vị nên đi lên Nhị thiền, trú trong Nhị thiền cho được hơn 1 giờ hay 2 giờ... Rồi quý vị cũng nên cố gắng thực hành 5 Pháp thuần thục của Nhị thiền theo cách tương tự đã đề cập với Sơ thiền. Rồi nếu muốn lên Tam thiền, qúy vị nên gắng hành sao? Qúy vị nên vào Sơ thiền trong vài phút, 2 hay 3 phút, rồi vào Nhị thiền cho được gần 1 tiếng. Xuất khỏi Nhị thiền, qúy vị nên suy xét 2 khuyết điểm và 1 ưu điểm . 2 khuyết điểm đó là:

  1. Qúy vị nên suy xét: “Nhị thiền này gần với kẻ địch của Sơ thiền, đặc biệt là Tầm và Tứ. Vì Tầm và Tứ còn thô tháo. Do bởi tính thô tháo này, Sơ thiền rất dễ thất thối. Tương tự vậy, Nhị thiền này cũng gần với kẻ địch Tầm và Tứ. Đây là một bất lợi.

  2. Thêm nữa, xin hãy suy xét về Hỷ, Hỷ còn thô tháo, khi Hỷ mạnh lúc ấy tâm không thể vững trụ. Do bở Hỷ này mà cảm xúc sinh khởi, do còn cảm xúc, định không thể đủ sâu. Thế là Hỷ còn thô tháo. Do tính thô tháo này, Nhị thiền cũng có thể dễ dàng thối thất. Đây là một khuyết điểm khác nữa.

Về một ưu điểm : xin hãy suy xét Lạc và Nhất Tâm: Lạc và Nhất tâm tĩnh lặng hơn, hai thiền chi này là hai thiền chi của Tam thiền. Sau khi suy xét như thế, qúy vị liền tập trung trở lại vào tợ tướng của hơi thở, không lâu sau an chỉ định sẽ sinh khởi. An chỉ định này với người mới bắt đầu chỉ có thể là định Nhị thiền thôi. Qúy vị nên trú trong Nhị thiền này khỏang 5 hay 10 phút. Xuất khỏi Nhị thiền, qúy vị nên ôn tầm các thiền chi của Nhị thiền, sẽ thấy Hỷ còn thô tháo và Lạc và Nhất tâm tĩnh lặng hơn. Lúc ấy để lọai bỏ thiền chi thô tháo Hỷ và giữ lại các tịnh thiền chi Lạc và Nhất tâm, qúy vị nên tập trung trở lại vào Tợ tướng của hơi thở. Khi qúy vị tập trung vào Tợ tướng trở lại, không bao lâu an chỉ định sẽ xuất hiện, an chỉ định này có thể là Tam thiền. Nếu đó là Tam thiền, quý vị sẽ dễ dàng hiểu được là Hỷ biến mất và chỉ còn lại Lạc và Nhất tâm, lúc ấy qúy vị có thể nói rằng đã đạt đến Tam thiền. Nếu qúy vị đã đạt đến Tam thiền, thời thiền tọa kế tiếp qúy vị nên thực hành một cách có hệ thống: trước tiên qúy vị nên thiết lập lại Sơ thiền trong vài phút, 2 hay 3 phút và nhị thiền 2 hay 3 phút thôi, rồi qúy vị nên đạt đến Tam thiền theo cách tương tự. Qúy vị nên thiết lập Tam thiền cho được 2 hay 3 giờ và thực hành lại 5 Pháp thuần thục. Nếu đã thỏa mãn, nếu muốn lên Tam thiền, qúy vị nên nổ lực như thế nào? Qúy vị nên thiết lập lại Sơ thiền trong vài phút, 2 hay 3 phút gì đấy, Nhị thiền trong 2 hay 3 phút gì đấy, Tam thiền trong gần 1 giờ. Xuất khỏi Tam thiền, qúy vị nên suy xét 2 khuyết điểm và 1 ưu điểm . Hai khuyết điểm là:

  1. Qúy vị nên suy xét về Tam thiền: Tam thiền này gần với kẻ địch Hỷ hay Nhị thiền vì qúy vị rất dễ thối thất xuống Nhị thiền.

  2. Còn một khuyết điểm nữa, xin hãy suy xét các thiền chi: Lạc và Nhất tâm, hãy suy xét Lạc là còn thô hơn, tại sao? Khi đang ghi nhận một đối tượng, nếu tâm còn cảm thấy an lạc (Lạc), thì tâm này còn chưa tịch tịnh. Bởi Lạc này mà bậc thiền của qúy vị có thể dễ dàng bị thối lui xuống Nhị thiền. Nếu một người có sự an lạc mạnh, tâm không thể tịnh tĩnh được, Lạc còn thô là vì vậy. Vì tính thô này mà qúy vị có thể dễ dàng rớt khỏi bậc thiền. Đây là một bất lợi.

Tiếp theo qúy vị nên suy xét về một ưu điểm : một ưu điểm là khi suy xét Xả và Nhất tâm. Xả là tâm trung dung hay cảm thọ xả và Nhất tâm là sự hợp nhất, hai thiền chi này rất an tĩnh. Hai thiền chi này là hai thiền chi của Tứ thiền.

Sau khi suy xét như thế, qúy vị nên tập trung trở lại vào Tợ tướng của hơi thở. Không lâu sau, an chỉ định sẽ khởi sinh trở lại. Qúy vị nên trú trong an chỉ định đó cho được 5 hay 10 phút. An chỉ định này chỉ có thể là định Tam thiền. Xuất khỏi Tam thiền, qúy vị nên ôn tầm các thiền chi, lúc ấy qúy vị sẽ thấy Lạc còn thô, Xả và Nhất tâm, hai thiền chi này tịnh tĩnh hơn. Lúc ấy với ý định lọai bỏ thiền chi thô và giữ lại hai thiền chi tịnh tĩnh hơn; Xả và Nhất tâm là hai thiền chi của Tứ thiền. Qúy vị nên tập trung trở lại vào tợ tướng của hơi thở. Khi tập trung vào Tợ tướng trở lại, không lâu sau an chỉ định sẽ xuất hiện, an chỉ định này có thể là định Tứ thiền. Lúc ấy qúy vị sẽ hiểu cảm giác an lạc đã biến mất, chỉ còn lại Xả và Nhất tâm, hai thiền chi có mặt trong Tứ thiền. Nếu Tứ thiền của qúy vị là chắc thật như vậy, lúc ấy hơi thở của qúy vị sẽ dừng lại hòan tòan, không còn việc thở nữa.

Vậy tổng cộng có 4 bậc thiền : Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Tứ thiền này có thể sản sinh ra ánh sáng rất mạnh, Sơ thiền cũng có thể sản sinh ra ánh sáng, nhưng không sáng bằng. Tứ thiền, ánh sáng rất sáng và rực rỡ, ví dụ như với Đại Đức Anuruddha, Tứ thiền có thể sản sinh ra ánh sáng rực rỡ chiếu đến 10 ngàn thế giới hay 1 ngàn thế giới, rất mạnh đúng không... Vì vậy ánh sáng Tứ thiền là rất mạnh. Với một số hành giả, ánh sáng trí tuệ này có thể soi đến 2 hoặc 3 dặm, 4 hoặc 5 dặm hay 10 dặm, v.v.. Với Tứ thiền, ánh sáng này rất sáng và mạnh. Với sự trợ giúp của ánh sáng này, nếu qúy vị trực tri sắc pháp, danh pháp và các nhân của chúng, qúy vị có thể dễ dàng liễu tri đựơc chúng. Sắc pháp và danh pháp là Sự thật tối thương về Khổ, hay Khổ đế Pháp; nhân của chúng là Khổ tập Pháp, Sự Thật tối thượng về nguyên nhân của Khổ. Hai Sự thật tối thượng này được gọi là các Hành, Saṅkhāra. Các Hành này là đối tượng của Thiền Minh Sát, qúy vị phải quán sát chúng là vô thường, khổ và vô ngã một cách có hệ thống, lúc ấy qúy vị có thể nói, qúy vị đang thực hành Vipassanā một cách hòan hảo. Để liễu tri được sắc pháp, danh pháp và các nhân của chúng là vô thường, khổ và vô ngã, ánh sáng trí tuệ mạnh là cần thiết. Tứ thiền có thể sản sinh ra ánh sáng trí tuệ rất sáng và mạnh. Nhưng có một số hành giả còn muốn thực hành các Biến xứ (Kasiṇa) và Bát thiền. Nếu muốn thực hành các biến xứ và Bát thiền, lúc đó, qúy vị nên trực tri 32 thân phần như là: tóc, lông, móng, răng,v.v.. một cách rõ ràng. Lúc này nếu muốn thực hành các biến xứ, họ có thể hành 4 biến xứ màu, ví dụ như họ có thể lấy “tóc” làm đối tượng đề hành biến xứ “đen” Nīla. Biến xứ Nīla họ dịch có nhiều cách: vài người dịch là biến xứ nâu, số khác thì dịch là biến xứ đen, có số nữa dịch là biến xứ xanh đen. Cái nào đúng tôi không rõ nhưng màu tóc, có lọai màu tóc gì ở đây? (cười). Màu tóc của người Á châu, đặc biệt là màu tóc của người Ấn độ. Lấy màu tóc làm đối tượng, qúy vị có thể thực hành biến xứ Đen, lấy màu nước tiểu làm đối tượng, có thể thực hành biến xứ Vàng, lấu màu máu làm đối tượng, có thể thực hành biến xứ Đỏ, lấy khung xương làm đối tượng, có thể thực hành biến xứ Trắng. Nếu qúy vị có thể trực tri 32 thân phần cả về bên trong lẫn bên ngòai, màu tóc bên ngòai cũng có thể làm đối tượng để qúy vị có thể thực hành biến xứ màu, v.v.. Vậy qúy vị có thể thực hành biến xứ màu từ thân phần bên trong hay bên ngòai. Nếu có thể thực hành các biến xứ màu, qúy vị cũng có thể thực hành các biến xứ còn lại.

Nếu có thể thực hành 10 biến xứ đạt đến Tứ thiền, qúy vị có thể đi lên các thiền vô sắc. Nếu qúy vị thực hành Bát thiền, Tám lọai thiền, thiền này rất mạnh và thâm hậu, chúng có thể sinh ra ánh sáng cực sáng và cực mạnh. Vì thế, nếu qúy vị thực hành Tứ Vô Lượng Tâm, Từ, Bi, Hỷ, Xả, rất dễ dàng cho qúy vị.



Hôm nay tôi sẽ dừng bài Pháp tại đây, qúy vị có thể thảo luận với các câu hỏi.
Hỏi: Con nên nhắm mắt hay mở mắt một chút, cách nào tốt hơn. Dù các gì, thì mắt nên hướng về đâu, hướng lên hay xuống dưới, gần hay xa?

Đáp: Nếu có thể quên con mắt đi như thế này, thì tốt hơn (cười), vì mắt khép lại là tốt hơn. Còn lúc quý vị nhắm mắt, đây là mặt đất, mắt lúc này nên hướng lên hay xuống? Có lẽ nếu qúy vị không thể quên đôi mắt đi thì nó là một vấn đề đấy. Còn vấn đề nữa khi nimitta xuất hiện nếu qúy vị có thể tập trung trên nimitta, nimitta sẽ trở nên sáng hơn và ánh sáng trí tuệ bao bọc khắp thân sẽ tỏa sáng đặc biệt chỉ khi qúy vị có thể tập trung vào nimitta tợ tướng này với mắt nhắm. Lúc nimitta sáng bừng lên, ánh sáng này có thể đập vào mắt làm nước mắt chảy ra, lúc ấy định của qúy vị sẽ giảm. Đây là vấn đề. Lại nữa, khi tập trung vào nimitta bằng mắt mở, nếu qúy vị thực hành nhiều ngày, nhiều tháng ở đây sẽ xuất hiện nhiều căng thẳng, mắt của qúy vị sẽ bị đau, đây lại thêm một vấn đề nữa. Bởi cớ ấy, nếu qúy vị có thể quên đi đôi mắt thì tốt hơn, mở một tí hay nhắm thì tốt hơn? Nhắm mắt thì tốt hơn, mở một tí cũng không tốt đâu. Còn khi nhắm mắt, qúy vị nên hướng mắt lên hay xuống? (cười). Ví dụ đây là mắt, đây cũng không tốt. Qúy vị nên quên hết mọi thứ về con mắt, nếu không, qúy vị sẽ gặp trở ngại đấy.

Hỏi: Trong khi tập trung vào đối tượng hơi thở, các cảm giác mạnh như bực dọc, có lỗi, ân hận, phấn khích hay vui sướng liên tục khởi lên. Những cảm giác này quá chi phối tâm con hơn cả các tư duy khái niệm và còn mạnh hơn hẳn. Con nên làm sao trong trường hợp này ạ?

Đáp: Tất cả các bất thiện pháp, nhân gần của chúng là Phi lý tác ý, tức là sự chú ý khuyết điểm(Ayoniso Manasikāra) và tất cả các thiện pháp có nhân gần là như lý tác ý, tức là sự chú ý khôn khéo (Yoniso Manasikāra). Trong khi đang tập trung vào đối tượng hơi thở, nếu có các cảm giác mạnh như nóng giận, có lỗi, nuối tiếc hay phấn khích, v.v..xuất hiện, chúng là các pháp bất thiện. Nóng giận là pháp bất thiện; hối hận, hối tiếc cũng là sự bất hạnh, là bất thiện pháp, phấn khích cũng là một bất thiện pháp, gần như là tâm trạo cử. Vậy đấy là bất thiện pháp, nhân gần của chúng là phi lý tác ý. Đây, lúc nào mà qúy vị chẳng luôn thở, có phải lúc nào qúy vị cũng nổi giận? Qúy vị nên xem xét điều này thật kỹ lưỡng: trong khi đang thực hành niệm hơi thở, khi đang tập trung trên đối tượng hơi thở của bạn, lúc ấy sân giận lại khởi lên, điều này là chỉ do phi lý tác ý, chúng ta gọi là chú ý bất lợi, Ayoniso Manasikāra. Phi lý tác ý là gì? Tất cả các hành là vô thường, nhưng qúy vị có lẽ chú ý tới chúng như là thường hằng, bất biến; tất cả các hành là khổ, nhưng qúy vị có lẽ chú ý tới chúng như là lạc; tất cả các hành là vô ngã, nhưng qúy vị có lẽ chú ý đến chúng như là tự ngã. Đặc biệt, tự ngã, có 2 lọai tự ngã, có thể qúy vị chấp nhận có linh hồn hay tự ngã. Hay qúy vị có thể cho rằng “đây là tôi”, “đây là anh ta”, “đây là bà ta” hay “đây là cha”, “đây là mẹ”, v.v.. Nếu qúy vị chú ý theo cách này, đây được gọi là phi lý tác ý, tức chú ý bất lợi. Do phi lý tác ý nên qúy vị giận dữ. Còn đây do hơi thở (cười), khi quý vị tập trung vào đối tượng hơi thở, sân giận không thể tự động khởi sinh, chỉ là do phi lý tác ý này mà thôi. Tương tự vậy, với lạc, hạnh phúc, khi qúy vị đang tập trung vào đối tượng hơi thở, thông thường khi định phát triển, lúc ấy Lạc sẽ sinh khởi, nhưng không phải tự động; nếu lạc tự động sinh khởi ấy chỉ là do sự chú ý của qúy vị mà thôi.Vậy hãy lọai bỏ phi lý tác ý và thay thế nó bằng như lý tác ý. Như lý tác ý là gì? Chú ý có lợi ở đây là qúy vị nên tập trung vào đối tượng hơi thở của mình như là hơi thở mà thôi, rồi thì vấn đề này sẽ biến mất.

Hỏi: Có những ngày việc thực hành Niệm hơi thở rất tốt, tâm tập trung được trên đối tượng hơi thở và vài dấu hiệu định xuất hiện, nhưng có những ngày chẳng có diễn tiến gì tốt cả có lẽ là do thời tiết xấu, có ngày còn do vấn đề nào đó, v.v.. Chúng ta có thể làm sao vào những ngày việc hành thiền dường như chán chường và tâm rất yếu? Chúng ta phải làm sao để duy trì động lực tiếp tục thực hành? Những điều chỉnh nào cần thực hiện để cải thiện việc hành thiền ạ?

Đáp: Thực hành liên tục là rất cần thiết (cười). Xin hãy đừng nói chuyện, đừng nghĩ ngợi. Chúng là những hiện tượng rất nguy hiểm. Nếu nói chuyện nhiều, định của qúy vị sẽ thối giảm. Còn nếu nghĩ ngợi nhiều, đặc biệt là nếu qúy vị nghiên cứu, trạch pháp quá nhiều, định không thể phát triển. Nếu qúy vị muốn chứng thiền, xin không nói chuyện, không suy nghĩ, không nghiên cứu hay trạch pháp. Khi đang thực hành thiền Qúan, Vipassanā, trạch pháp là rất hữu ích, rất tốt. Nhưng khi hành thiền Chỉ, Samatha, trạch pháp nhiều là không tốt, vì sẽ làm định không thể phát triển. Có 7 giác chi (là các yếu tố hổ trợ giác ngộ):

  1. Niệm giác chi

  2. Trạch pháp giác chi

  3. Tinh tấn giác chi

  4. Hỷ giác chi

  5. Tịnh giác chi

  6. Định giác chi

  7. Xả giác chi

Tổng cộng có 7 Giác chi. Trong số Thất giác chi này, Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ là một nhóm; Tịnh, Định, Xả là một nhóm. Niệm ở giữa, tham dự vào cả 2 nhóm. Nếu Trạch pháp, Tấn, Hỷ là mạnh, nhóm Định sẽ yếu đi. Nhóm Định là Tịnh, Định, Xả, 3 giác chi này đuợc gọi là nhóm Định. Trạch pháp, Tấn, Hỷ được gọi là nhóm Trạch pháp, có 2 nhóm. Khi một nhóm trở nên mạnh và rất trội, thì nhóm kia sẽ yếu đi. Vậy nên khi qúy vị đang thực hành thiền Chỉ, Samatha, qúy vị nên cố gắng quân bình 2 nhóm này. Khi nhóm Trạch pháp mạnh, lúc ấy nhóm Định không thể phát triển. Khi thực hành thiền Chỉ Samatha, nếu nhóm Định của qúy vị trở nên vượt trội, điều này cũng tốt. Nhưng nếu đang hành thiền Chỉ, nếu qúy vị có thể quân bình 2 nhóm, thì tốt hơn, không có vấn đề gì. Vậy nên khi thực hành niệm hơi thở, qúy vị nên làm cho 2 nhóm quân bình, nhưng qúy vị có lẽ chưa nhớ 7 Giác chi này. Nếu qúy vị muốn nhớ, vậy qúy vị nên học chúng thì hơn.



Hỏi: Đối với người có kinh nghiệm chứng thiền, trong lúc trú thiền, cô ấy có thể nghe được mình hỏi Đức Phật hay Đức Bồ Tát về 10 lời giải và điều răn. Nếu một người có thiền trú vững chắc, liệu người ấy nhờ lực thiền ấy có khả năng sống thọ hơn và mạnh khỏe hơn không ạ?

Đáp: (Cười) Theo truyền thống Theravàda của chúng tôi, điều này là không thể. Bậc thiền có nghĩa là định trên đề mục thiền của qúy vị mà thôi, ví dụ như khi qúy vị đang tập trung vào tợ tướng của hơi thở, nếu quý vị có thể tập trung vào tợ tướng, lúc ấy quý vị có thể chứng thiền, đạt đến bậc thiền. Nhưng khi nếu qúy vị đang hỏi Đức Phật (cười), lúc này không phải là bậc thiền, đây chỉ là sự tưởng tượng của qúy vị thôi. Qúy vị thấy Đức Phật ở đâu? Qúy vị thấy Đức Phật ở đâu nào? Đức Phật, theo truyền thống Theravàda của chúng tôi, đã nhập Đại Niết Bàn rồi. Đại Niết Bàn nghĩa là tịch diệt. Tịch diệt là gì? Theo như một bài Kinh, Đức Phật giải thích sự tịch diệt bằng một ví dụ: có một ngọn đèn, vẫn còn dầu và tim. Nếu tim cạn và dầu cũng cạn, lửa sẽ tắt. Khi lửa tắt, Lửa này đã đi đâu? Lửa này đã có thể đi đâu kia chứ? Chúng ta không thể nói lửa này đã đi đâu. Chúng ta có thể nói: lửa đã tắt hòan tòan do sự cạn kiệt của tim và dầu ngọn đèn. Tương tự vậy, Đức Phật đã Đại Bát Niết bàn là do sự chấm dứt hòan tòan của các nhân, ngủ uẩn cũng chấm dứt hòan tòan không còn dư sót. A-la-hán đạo của Đức Phật diệt sạch mọi phiền não không còn dư sót. Đặc biệt, trong số các phiền não, Vô minh, Ái (tham đắm đời sống mới) và Thủ (dính mắc vào đời sống mới) là những phiền não nổi bật hơn cả. Đạo lộ A-la-hán này diệt sạch mọi phiền lụy. Do diệt sạch mọi phiền lụy, nghiệp nào mà họ đã tích lũy trước khi trở thành A-la-hán, những nghiệp này không có hiệu lực để tạo tác đời sống mới. Do vậy, chúng ta có thể nói rằng vị A-la-hán này diệt sạch Vô minh, Ái, Thủ, Hành và Nghiệp. Do đã tận diệt hòan tòan các nhân này, Ngủ uẩn sau khi tịch diệt Niết Bàn, không còn tái sinh, sẽ không còn một đời sống mới, các uẩn mới. Vào giai đoạn sau khi Đại bát niết bàn, sau Đại Bát Niết bàn, sẽ không còn uẩn mới nào nữa, không còn một đời sống mới nào nữa. Nghĩa là sau khi Đại Bát niết bàn, Đức Phật sẽ không còn, Ngài tịch diệt còn đâu. Do vậy, làm sao qúy vị có thể thưa chuyện với Đức Phật được? Điều này là không thể có. Đây chỉ là sự tưởng tượng, sự tưởng tượng vô nghĩa.

Câu hỏi thứ hai là nếu một người có thiền chứng thâm sâu, liệu họ có sống lâu hơn được chăng?

Đời sống này phụ thuộc vào nghiệp của vị ấy mà thôi, ví dụ như vào thời Đức Phật, có những vị A-la-hán, sau khi chứng ngộ A-la-hán, họ qua đời, họ tịch diệt, Niết Bàn, như Ngài Bahidda Daruciriya . Ngài là một người nhanh chóng chứng ngộ A-la-hán trong thời Đức Phật của chúng ta. Nhưng ngay khi chứng ngộ A-la-hán, Ngài nhập diệt Niết bàn ngay. Vậy làm sao chúng ta có thể nói được rằng một người có thiền chứng có thể sống lâu? Điều này là không thể, nhưng có thể nếu vị ấy có thể duy trì định bậc thiền cho đến lúc chết, sau đó vị ấy có thể tái sanh lên một trong các cõi Phạm thiên tùy vào bậc thiền của mình. Lúc ở cõi Phạm thiên, vị ấy có thể sống lâu, điều này là có thể. Vậy nếu qúy vị muốn có tuổi thọ lâu dài, qúy vị nên duy trì định bậc thiền của qúy vị cho đến lúc chết không để thối thất.


Каталог: wp-content -> uploads -> 2013
2013 -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
2013 -> ĐỀ CƯƠng ôn tập bài kiểm tra 15 phút môn hóA 9 LẦN 1 vq1: Nêu
2013 -> Mãng cäc thiÕt diÖn nhá Tiªu chuÈn thi c ng vµ nghiÖm thu Minipile foundation Standard for constrution, check and acceptance
2013 -> Thiết kế nghiên cứU & thống kê y họC
2013 -> BỘ XÂy dựng số : 14/ 2003/ QĐ-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
2013 -> Chương dao đỘng cơ
2013 -> Số Hồ sơ: 101/ /thu cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc phiếu giao nhận hồ SƠ Loại hồ sơ: Đăng ký bhxh, bhyt bắt buộc
2013 -> Số Hồ sơ: 103/ /thu cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam số Hồ sơ: 103/ /thu-đC Độc lập Tự do Hạnh phúc
2013 -> Số Hồ sơ: 107/ /thu cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
2013 -> Niên Lịch Phụ Huynh/Học Sinh

tải về 121.21 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương