DỰ thảo lầN 4 (Ngày 28/5/2013)


Thực trạng về thể chế chính sách đối với hệ thống KBT



tải về 1.07 Mb.
trang4/10
Chuyển đổi dữ liệu02.06.2018
Kích1.07 Mb.
#39299
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

1.3. Thực trạng về thể chế chính sách đối với hệ thống KBT


1.3.1. Khung thể chế và pháp lý hiện hành

a) Đến nay đã có 04 luật được ban hành liên quan tới các khu bảo tồn, nhưng các khái niệm và cơ chế quản lý khu bảo tồn thiên nhiên trong các luật này còn có điểm chưa thống nhất. Do đó đã gây ra không ít khó khăn trong việc quản lý và phát triển hệ thống các khu bảo tồn hiện tại.

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004) quy định: Nhà nước quản lý các khu RĐD là loại rừng được sử dụng cho những mục đích đặc biệt, chủ yếu là bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên và nghiên cứu khoa học (Điều 4). Quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chức năng và nhiệm vụ quản lý nhà nước về rừng trên phạm vi cả nước (Điều 8).

Luật Thủy sản (2003) quy định quản lý nhà nước về quy hoạch và quản lý các KBT VNNĐ và KBTB (Điều 9). Luật này quy định Bộ Thủy sản nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy sản trên phạm vi cả nước (Điều 52).

Luật Đất đai (2003) quy định quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai được phân loại đất theo mục đích sử dụng, trong đó “Đất rừng đặc dụng” thuộc Nhóm đất nông nghiệp; còn “Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng” thuộc Nhóm đất phi nông nghiệp (Điều 13).

Luật Đa dạng sinh học (2008) quy định quản lý nhà nước về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học. Trong đó quy định việc thành lập, quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Mục 1, Chương III). Luật này quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đa dạng sinh học trên phạm vi cả nước (Điều 6). Bộ Tài nguyên và Môi trường còn được giao quản lý nhà nước về đất ngập nước.

Mục c), Khoản 1, Điều 8, Nghị định số 65/NĐ-CP của Chính phú quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan lập dự án thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia vùng đất ngập nước, núi đá vôi, đất chưa sử dụng và các vùng sinh thái hỗn hợp có diện tích nằm trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, không thuộc đối tượng khu bảo tồn cấp quốc gia thuộc khu rừng đặc dụng, vùng biển có diện tích nằm trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thuộc Bộ NN&PTNT quản lý. Nội dung quy định này của Nghị định 65 không phù hợp với thực tế, Hiện tại trên đất nước Việt Nam không còn vùng đất ngập nước, vùng núi đá vôi, …là đất chưa quy hoạch sử dụng; đối với những vùng đất ngập nước, núi đã vôi có các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học tiêu biểu đã được Bộ NN và PTNT quy hoạch đưa vào hệ thống các KBT để quản lý theo 8 vùng địa lý tự nhiên - sinh thái . Do đó, Luật Đa dạng sinh học, Nghị định 65 /2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đã 3 đến 5 năm nhưng hệ thống KBT đất ngập nước vẫn không thể thành lập được trên thực tế.



b) Các văn bản luật pháp nêu trên chưa quy định rõ chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước tổng hợp về bảo tồn đa dạng sinh học với chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành về bảo tồn đa dạng sinh học; vì vậy, đã gây ra sự chồng chéo, bất cập và lãng phí nguồn lực quốc gia trong tổ chức thực hiện giữa các cấp, các ngành: Theo Luật Đa dạng sinh học và các Nghị định số 109/2003/NĐ-CP Ngày 23 tháng 9 năm 2003 về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có chức năng nhiệm vụ:

Lập quy hoạch tổng thể đa dạng sinh học, Đây là nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm của chức năng quản lý Nhà nước tổng hợp về bảo tồn đa dạng sinh học, làm cơ sở cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành về bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, đến nay Chương trình này chưa thể triển khai vì chưa có nguồn lực (Nhân lưc, Vật tư, khoa học kỹ thuật, tài chính…). Trong khi đó Bộ NN&PTNT và các Bộ ngành liên quan vẫn phải triển khai thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật cho chuyên ngành của mình, đây là cách làm ngược, bất cập, tồn tại nhiều năm nay chưa được khắc phục.

Về nhiệm vụ Tổng hợp và quản lý cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia; Để thực hiện nhiệm vụ này, cần phải xác định rõ vai trò của cơ quan đầu mối quản lý tổng hợp, và cơ chế phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để tổng hợp các dữ liệu quản lý chuyên ngành về bảo tồn đa dạng sinh học (của các Bộ, ngành, các cấp); sắp xếp lại theo trình tự, hệ thống, khoa học …., phục vụ cho công tác theo dõi, giám sát quản lý tổng hợp và quản lý chuyên ngành; nhưng hiện tại chưa rõ cách tổ chức triển khai, phân công trách nhiệm giữa các Bô, ngành và cơ chế phối hợp thực hiện đến đâu, các bước kế hoạch triển khai như thế nào, vì vậy tiến độ công việc cũng không khả quan.

Nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hệ thống khu bảo tồn đất ngập nước… Cho đến nay trên địa bàn cả nước, các khu vực có hệ sinh thái đất ngập nước có tính đa dạng sinh học cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch, thành lập các KBT và quản lý trong hệ thống các KBT rừng đặc dụng; vì vậy, việc khảo sát quy hoạch hệ thống KBT đất ngập nước ngoài hệ thống các KBT do Bộ Nông nghiệp và PTNT đang quản lý là khó có thể thực hiện được trên thực tế; cho nên đến nay chưa thể triển khai thực hiện quy hoạch xây dưng KBT đất ngập nước .

Triển khai quy hoạch làm thủ tục trình Quốc tế công nhận danh hiệu cho các KBT là khu Ramsa.

Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, các KBT được quốc tế công nhận danh hiệu là khu Ramsar đều đã được Nhà nước giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư điều tra, quy hoạch đầy đủ chi tiết từ khi xây dựng dự án thành lập KBT để có căn cứ quản lý. Như vậy, việc quy hoạch làm thủ tục trình Quốc tế công nhận danh hiệu Ramsar cho các KBT này, nếu theo đúng chức năng thì là trách nhiệm của cơ quan chủ quản KBT tức là Bộ NN & PTNT; Nhưng do sự phân cấp không rõ ràng trong các văn bản pháp luật nên Bộ TN&MT đang thực hiện chức năng này, làm phát sinh sự chồng lấn về công việc; làm thay, làm lại về quy hoạch đối với KBT đã được Bộ NN&PTNT làm rồi, gây ra lãng phí thời gian và tiền của. Ví dụ: (VQG Tràm Chim, VQG Xuân Thủy, VQG Mũi Cà Mau thuộc hệ thống KBT RĐD do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, Nhưng Bộ TN&MT lại làm thủ tục trình quốc tế công nhân danh hiệu là các Khu Ramsar).

Nghị định số 27/2005/NĐ-CP đã quy định về phân cấp tổ chức và quản lý KBTB, theo đó: “Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống KBTB; ra quyết định thành lập các VQG, các KBT có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế hoặc liên quan đến nhiều ngành, nằm trên địa bàn nhiều tỉnh. Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch các KBTB; tổ chức quản lý các KBTB do Thủ tướng Chính phủ thành lập. UBND tỉnh quyết định thành lập và tổ chức quản lý các khu bảo tồn biển thuộc phạm vi tỉnh.

Trên cơ sở pháp lý nêu trên, UBND các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Trị, Kiên Giang và Bình Thuận đã ra quyết định thành lập và tổ chức quản lý các KBTB Vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Phú Quốc và Hòn Cau thuộc phạm vi tỉnh. Ở cấp quốc gia, theo đúng thẩm quyền, Chính phủ đã ban hành Quy chế quản lý các KBTB có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế (Nghị định số 57/2008/NĐ-CP) và Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống các KBTB biển Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/05/2010). Mục tiêu đến năm 2020 là quy hoạch phát triển và mở rộng hệ thống KBTB hiện tại; nỗ lực để tới năm 2020 sẽ có hơn 20 KBTB được thành lập và đưa vào hoạt động; từng bước đa dạng hóa các loại hình đầu tư để khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, đồng thời đẩy mạnh sự tham gia quản lý của các cộng đồng tại những vùng ven bờ và quần đảo nhằm quản lý hiệu quả và bền vững các KBTB.

Từ năm 2009 đến năm 2011, để thực hiện Quyết định số 1479, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng những kế hoạch chi tiết đối với 5 KBT VNNĐ nhưng chưa kế hoạch nào được đưa vào thực hiện. Như vậy, đã thấy có sự sai khác khi chuyển trọng tâm bảo vệ từ các HST đặc thù (thuộc các vùng ĐNN) có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế, có giá trị ĐDSH cao sang trọng tâm bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học cao (tại các vùng nước nội địa). Mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học bị mờ nhạt, khó đáp ứng các tiêu chí của một KBT nếu sau này đưa vào một hệ thống KBT thống nhất của quốc gia. Đặc biệt, vẫn còn bất cập trong nhận thức về bản chất của KBT VNNĐ và KBT ĐNN, từ đó khiến cho công tác quản lý hai hệ thống KBT này gặp khó khăn, thiếu thống nhất giữa hai Bộ NN&PTNT và TNMT, trong khi áp lực đối với việc xâm hại và làm mất các vùng ĐNN quan trọng của quốc gia ngày càng nghiêm trọng.

Những bất cập nêu trên cần sớm được điều chỉnh cả về nội dung quản lý, cả về thống nhất quản lý nhà nước đối với các hệ thống KBTTN hiện tại.


1.3.2. Thực hiện các cam kết quốc tế liên quan


Việt Nam đã tích cực tham gia và cam kết thực hiện các công ước và hiệp ước quốc tế liên quan tới bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, mặc dù vậy việc phân công thực hiện cũng như năng lực thực hiện các cam kết quốc tế này còn nhiều hạn chế, thiếu phối hợp hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì thực hiện Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) (1979) được Chính phủ Việt Nam phê duyệt ngày 20/1/1994, Công ước Chống sa mạc hóa của Liên hiệp quốc (1992), các Cam kết Thiên niên kỷ về tham gia mạng lưới KBTB toàn cầu được quản lý hiệu quả, về nghề cá có trách nhiệm,...

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì thực hiện 04 cam kết quốc tế là: Công ước đa dạng sinh học (1992), được Chính phủ Việt Nam thông qua vào ngày 16/01/1994; Chương trình làm việc về các khu bảo tồn theo Công ước về đa dạng sinh học và được các bên áp dụng vào năm 2004; Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar, 1971) được Chính phủ Việt Nam phê duyệt ngày 20/1/1989; Dự thảo Cartagena về An toàn sinh học (2003), Chính phủ Việt Nam phê duyệt ngày 21/1/2004.

Ủy ban UNESCO Việt Nam chủ trì thực hiện 01 cam kết là Công ước về Di sản thế giới (1972) được Chính phủ Việt Nam phê duyệt ngày 19/10/1987.

1.3.3. Phân khu chức năng và xác định vùng đệm của KBT

a) Để bảo đảm cho công tác quản lý KBT có hiệu quả, phù hợp với các hệ sinh thái tự nhiên kinh tế xã hội trên địa bàn, các KBT phải thực hiện điều tra quy hoạch, xác định thành các phân khu chức năng; mỗi hệ thống KBT áp dụng một sơ đồ phân khu khác nhau về số lượng và tên gọi.

Đối với khu RĐD thường phân ra 3 phân khu chức năng: phân khu hành chính, dịch vụ; phân khu phục hồi sinh thái; phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Việc phân khu chức năng trong KBTB dựa trên các hướng dẫn tại Nghị định số 57/2008/NĐ-CP và được chia ra 04 phân khu: Khu bảo vệ nghiêm ngặt, Khu phục hồi sinh thái, Khu phát triển và Vành đai bảo vệ. Năm 2011, trong một số KBT VNNĐ cấp quốc gia (Khu vực ngã ba sông Hồng-Lô-Thao; Cửa sông Hồng; hồ Lắc; Sông Hậu; Vùng ven biển Cà Mau; Cửa sông Tiên Yên) đã chia ra 03 phân khu chức năng chính: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi), Vùng phục hồi sinh thái và Vùng phát triển (hành lang sinh thái).

Các phân khu chức năng đã được xác định trên thực tế và đưa vào quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, các hoạt động quản lý hiện vẫn tập trung nhiều vào phân khu hành chính, dịch vụ hoặc phân khu phát triển và chủ yếu là xây dựng các công trình phục vụ quản lý và các hoạt động dịch vụ khác. Đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chủ yếu là hoạt động bảo vệ. Việc phân chia các phân khu chưa có các tiêu chí cụ thể và còn sai khác về tiêu chí phân khu giữa các hệ thống KBT. Các phân khu chức năng của KBTB chỉ được xác định cho phần thủy sinh, không bao gồm các phần trên cạn, nên không có bộ phận dịch vụ-hành chính như các khu RĐD. Việc dùng phao đóng cột mốc đối với vùng lõi KBTB là cahcs phổ biến trên thế giới, nhưng ở ta chưa phát huy hiệu quả do ngư dân ngoài khu vực chưa nhận thức đầy đủ về các quy định đối với việc thả neo và đánh cá ở mỗi phân khu chức năng. Những nguyên nhân trên đã phần nào ảnh hưởng đến công tác quản lý chung của không ít KBTTN (xem chi tiết ở phụ lục 01, Bảng 09).

b) Xác định vùng đệm của KBT

Các KBT RĐD khi đưa vào hoạt động đều đã xác định vùng đệm ngoài bao quanh, chủ yếu là các xã có dân cư sinh sống tiếp giáp với KBT, và xác định các Vùng đệm trong có các điểm cư dân bản địa sinh sống lâu đời trong vùng lõi. Đối với KBTB, vùng đệm được xác định bao gồm các khu dân cư bao quanh hoặc trên đảo trong KBT, thậm chí chỉ là vùng biển bao quanh. Tuy nhiên, mối liên kết giữa vùng đệm và vùng lõi của một KBT thường không chặt chẽ. Theo phân cấp hiện tại thì vùng đệm của một KBT thường do chính quyền địa phương quản lý; Ban quản lý KBT chỉ có một số hoạt động như tuyên truyền, vận động người dân trong vùng đệm tham gia thực hiện công tác bảo tồn ĐDSH. Người dân cũng chưa được tham vấn đầy đủ về các hoạt động trong KBT. Mặt khác, ranh giới của nhiều KBT chưa được xác định, cắm mốc rõ ràng trên thực địa, do vậy, sự phối hợp cùng bảo vệ tài nguyên ĐDSH tại KBT thường hạn chế. Đối với các VQG do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập thì có quy định xây dựng dự án đầu tư phát triển vùng đệm, còn thì phần lớn vùng đệm của KBTB chưa được pháp luật chính thức ban hành, chỉ dưới dạng vành đai bảo vệ. Trên thực tế, vùng đệm trong của các KBT là những tụ điểm dân cư và nơi canh tác của họ bên trong KBT (trường hợp RĐD) bắt đầu được công nhận từ khi Nghị định số 117 /2010/NĐ-CP Ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ , và các đảo có hoạt động của con người nằm trong KBT (trường hợp KBTB). Các đặc trưng nói trên cần tiếp tục làm rõ về mặt pháp lý (dưới dạng nghị định / thông tư ) để xác định và quản lý vùng đệm hiệu quả hơn trong thời gian tới.



1.3.4. Quản lý dịch vụ hệ sinh thái (dịch vụ môi trường rừng) tại các khu bảo tồn

  1. Dịch vụ hệ sinh thái thuộc các KBT là những hoạt động cung ứng các giá trị sử dụng của hệ sinh thái thuộc KBT (nói chung) cho người hưởng lợi, trong đó có dịch vụ du lịch; Đối với KBT RĐD gọi là dịch vụ môi trường rừng (PFES) được Chính phủ ban hành tại Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 về chinh sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, chính sách này được ghi nhận như là cột mốc trong quá trình đổi mới, nhằm xã hội hóa việc bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, tạo ra nguồn lực tài chính bền vững từ sự đóng góp của mọi thành viên trong xã hội để đầu tư bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, sự đa dạng sinh học tại các KBT, tạo việc làm cải thiện đời sống cho người dân sống trên địa bàn rừng núi; đồng thời Chính sách này góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng về Kinh tế, xã hội và môi trường ở Việt Nam.

Hiện nay, đã có hơn 20 tỉnh thành lập Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng để quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trên. Một số tỉnh thực hiện tốt thu phí DVMT và chi trả đến người lao động bảo vệ rừng. Trong năm 2012, cả nước đã thu được 1.200 tỷ đồng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, số tiền này đã được chi trả cho người dân bảo vệ rừng ở các địa phương như: tỉnh Lâm Đồng là 95,4 tỷ đồng, Lai Châu khoảng 140 tỷ đồng, Nghệ An khoảng 30 tỷ đồng....

Hệ thống KBT RĐD cũng đã chú ý đẩy mạnh các hoạt động triển khai thực hiện chính sách (PFES), phát triển dịch vụ du lịch sinh thái; những khu bảo tồn thiên nhiên có các điều kiện thuận lợi về giao thông, về cơ sở hạ tầng .... như: VQG Phong Nha-Kẻ Bàng đạt mức doanh thu trung bình khoảng 17-tỷ đồng năm 2012, VQG Cúc Phương 3 tỷ đồng/ năm, VQG Ba Vì đạt 3 tỷ đồng/năm, các VQG như: Tam Đảo, Ba Bể, Bạch Mã, Cát Tiên....khi triển khai chính sách chi trả DVMT Rừng (PFES) đã thu được kết quả rất đáng kích lệ, tạo được nguồn thu tài chính bền vững cho các hoạt động bảo tồn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những cố gắng rất lớn để tổ chức triển khai thực hiện Đề án nhằm thực hiện chính sách chi trả DVMTR; đã xây dựng các thông tư hướng dẫn thi hành chính sách, phối hợp với tổ chức GIZ viết sổ tay hỏi đáp về chính sách chi trả DVMTR để hướng dẫn thực hiện chính sách; tổ chức các kênh thông tin, tuyên truyền (Báo, Truyền hình ...) để tuyên truyền phố biến rộng rãi chính sách .... Từ Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, sẽ tạo ra những tiền đề để nghiên cứu áp dụng chính sách chi trả dịch vụ các hệ sinh thái khác như: hệ sinh thái đất ngập nước, Hệ sinh thái Biển, Hệ sinh thái vùng nước nội địa trong thời gian tới.



  1. Do Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách mới, những thành công bước đầu là rất khích lệ, nhưng những tồn tại khó khăn vẫn còn nhiều: Các KBT RĐD khi triển khai chính sách CTDVMTR mới chỉ tập trung vào dịch vụ du lịch sinh thái, dịch vụ điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội, còn các dịch vụ khác chưa được xem xét triển khai đầy đủ; cho đến nay, việc tổ chức triển khai Đề án để thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng vẫn còn chậm; Việc giao khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn (để xác định đối tượng cung ứng DVMTR, làm căn cứ để chi trả tiền DVMTR) vẫn còn vướng mắc chậm trễ nên có nhiều địa phương tiền chi trả DVMTR đã đưa về Quỹ bảo vệ phát triển rừng cấp tỉnh, nhưng không thể chi trả đến hộ gia đình và người lao động nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài được kịp thời; Một số các dịch vụ môi trường rừng quy định tại Nghị định số 99/2010-NĐ-CP như: dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng, giảm diện tích rừng và phát triển rừng bền vững; dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thuỷ sản.. chưa được tổ chức nghiên cứu triển khai kịp thời, đã làm giảm đi những nguồn thu rất lớn từ các nguồn dịch vụ này...

Vì vậy, thu nhập từ du lịch sinh thái gắn với KBT vẫn còn thấp trong tổng số ngân sách đầu tư cho các khu RĐD. Ví dụ, thu nhập từ hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái chỉ chiếm khoảng 1,66% tại VQG Tam Đảo, 1,38% tại VQG Cúc Phương và 0,62% tại VQG Yok Đôn. Một số VQG coi hoạt động du lịch sinh thái chỉ là hòa vốn, những tính toán trên đây có thể không được quan tâm trong dòng lợi ích đem về từ cộng đồng và kinh doanh, chưa xác định được giá trị vô hình từ việc thông qua hoạt động dịch vụ du lịch đã giáo dục nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học

Mặt khác cũng phát sinh mâu thuẫn trong việc chia sẻ lợi ích đạt được từ hoạt động dịch vụ du lịch của KBT, giữa người dân địa phương và người bên ngoài phạm vi KBT. Ví dụ, người dân địa phương (bản địa) ở KBTB Cù Lao Chàm chỉ nhận được 1/3 những lợi ích thu được từ hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái, vấn đề bảo hiểm cho du khách khi từ bờ ra đảo và trong thời gian lưu trú trên đảo còn chưa được quy định; (2) Mâu thuẫn về nhu cầu cho các sản phẩm du lịch từ các nguồn khác nhau trong KBT. Hiện tại, hơn 70% các sản phẩm du lịch ở KBTB Cù Lao Chàm đều có nguồn gốc từ tài nguyên thiên nhiên của biển và rừng, trong khi các sản phẩm thủ công và dịch vụ chỉ chiếm 30%, nên chưa thu hút nguồn nhân lực địa phương tham gia để cải thiện sinh kế cho họ;



1.3.5. Nguồn nhân lực trong KBT

Theo ước tính, số cán bộ nhân viên của các KBT cả nước hiện nay gần 5.000 người, trong đó: riêng 27 Vườn quốc gia có đội ngũ cán bộ nhân viên khoảng 2.880 người khoảng 1.840 người ở các khu RĐD, số còn lại thuộc các KBTB đang có hoạt động quản lý. Các KBT VNNĐ chưa được thành lập và đưa vào hoạt động nên hiện chưa có cán bộ làm việc, ngoại trừ những khu nằm trong các khu RĐD.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện công tác bảo tồn còn thấp. Cán bộ của các KBT có trình độ và năng lực phù hợp chủ yếu nhờ vào các dự án quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực tốt hơn, như các VQG: Cúc Phương, Ba Vì, Bạch Mã, Cát Tiên,...KBTB Cát Bà, Côn Đảo, vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm, Phú Quốc,…So với công tác bảo tồn trên cạn, bảo tồn biển cần nhiều kỹ năng chuyên biệt hơn và chi phí cao hơn (ví dụ như kỹ năng lặn, nổi và giữ phao, tuần tra bằng tàu, thuyền cao tốc,...). Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của công tác bảo tồn thiên nhiên (rừng, biển, ĐNN) cần phải có đầu tư thích ứng trong công tác xây dựng năng lực cho cán bộ KBT. Yêu cầu này đã và đang được giải quyết một phần thông qua một dự án do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, nhằm mục tiêu phát triển năng lực quản lý và xây dựng hệ thống KBTB ở Việt Nam.

Bên cạnh những thành công bước đầu, nhìn chung đội ngũ cán bộ KBT còn thiếu và yếu về các mặt sau:

- Thiếu kiến thức chuyên sâu về động vật, thực vật, sinh thái học bảo tồn,… để thực hiện công tác bảo tồn tại các KBT cụ thể.

- Thiếu phương pháp/kỹ năng làm việc, nhất là những công việc liên quan đến cộng đồng, đến các bên liên quan, tổ chức và thực hiện bảo tồn.

- Thiếu cán bộ quản lý làm công tác bảo tồn, chủ yếu hiện nay vẫn là công tác quản lý hành chính chuyển sang. Hoạt động quản lý tại các KBT RĐD chủ yếu là hoạt động bảo vệ rừng, công tác bảo tồn chưa được quan tâm đầu tư cả về nhân lực, về khoa học, vật tư kỹ thuật và tài chính

- Cán bộ bảo tồn chủ yếu vẫn là lực lượng kiểm lâm hoặc quân đội chuyển sang làm công tác bảo vệ, thiếu kiến thức về các hoạt động bảo tồn. Đặc biệt thiếu các cán bọ có kỹ năng bảo tồn Biển và ĐNN.



1.3.6. Tài chính đầu tư cho các KBT

a) Nguồn tài chính cho các KBT

Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành một một số chính sách đầu tư quan trọng cho công tác quản lý, bảo vệ RĐD, cho thuê rừng, chính sách chi trả DVMTR, khuyến khích phát triển du lịch sinh thái (DLST) nhằm tạo thêm nguồn thu, bù đắp chi phí, tăng thu nhập cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, các chính sách đầu tư hiện nay vẫn còn bất cập và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phức tạp của công tác quản lý và bảo tồn của RĐD, đồng thời, chưa tạo nguồn tài chính ổn định và bền vững cho việc thực hiện chức năng bảo tồn của các hệ thống KBT ở Việt Nam.

Các nguồn đầu tư cho hệ thống KBT RÐD gồm: (1) Ngân sách nhà nước, (2) Tài trợ quốc tế, (3) Đầu tư từ cộng đồng và khối tư nhân.Trong đó, các nguồn (1) và (2) được coi là các nguồn đầu tư chủ yếu cho các KBTB; nguồn (3) là nguồn thu nhập từ hoạt động cung ứng dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ hệ sinh thái (trong đó có hoạt động dịch vụ du lịch. Nguồn đầu tư tài trợ từ cộng đồng, khối tư nhân còn ở mức thấp, chưa có số liệu thống kê đánh giá hiệu quả tác động của nguồn đầu tư này.

- Nguồn ngân sách tài trợ thường xuyên từ Nhà nước thông qua phê duyệt của Bộ NN&PTNT và các địa phương. Ước tính ngân sách cho các KBT năm 2003 khoảng 18 tỷ đồng, năm 2010 khoảng 77,9 tỷ đồng, tổng chi phí thường xuyên trong giai đoạn 2003-2010 là 410,6 tỷ đồng, tăng bình quân 13%/năm. Trong đó mức chi cho các KBT thuộc trung ương quản lý cáo gấp đôi so với các KBTTN do tỉnh quản lý. Vì ngân sách được tính dựa trên số lượng nhân viên của từng KBT chứ không phải trên mục tiêu của các KBT dẫn tới việc quản lý và bảo vệ chưa hiệu quả.

- Chi phí đầu tư do Nhà nước cấp cho các KBT gồm chi phí đầu tư thường xuyên và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn 2003-2010, tổng đầu tư của nhà nước là 616 tỷ đồng, bình quân 77 tỷ đồng/năm. Tổng chi đầu tư thường xuyên cho các KBT ước tính là 352 tỷ đồng, bình quân là 20.000 đ/ha/năm, chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bình quân là 35.000đ/ha/năm. Nhu cầu đầu tư được xác định trong kế hoạch đầu tư của KBT không được đảm bảo, nhiều chương trình đầu tư thường kéo dài và không trọng điểm. Việc phân bổ đầu tư không dựa trên các tiêu chuẩn chung hay ưu tiên mà được phân bổ bởi nhiều cấp khác nhau với nhiều tiêu chí khác nhau, dẫn tới sự không thống nhất và không hiệu quả.

- Tài trợ từ các chương trình của Nhà nước: Các KBT nhận được nguồn tài trợ từ các chương trình của Chính phủ, như: chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, phòng chống cháy rừng, nghiên cứu khoa học, đề án điều tra tổng hợp biển,...Ước tính số tiền các KBT nhận được khoảng 40-60 tỷ đồng/năm. Các nguồn tài trợ này đã hỗ trợ đáng kể công tác bảo tồn, nhưng thường thiếu các chỉ số đánh giá mức độ ưu tiên dẫn tới thiếu đồng nhất trong quá trình phân bổ nguồn vốn. Thí dụ, với mức chi phí 50.000 đ/ha/năm cho bảo vệ rừng thì tổng số tiền bảo vệ rừng từ Chương trình 661 cho các KBT khá cao, nhưng mức chi thực tế chỉ bằng 40-70%.

Việc thành lập và hoạt động của các KBTB chủ yếu từ các nguồn tài trợ thông qua hợp tác quốc tế với kỳ vọng rằng các khu này sẽ tiếp tục hoạt động với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và nguồn thu từ chính hoạt động của KBTB, đặc biệt là du lịch sinh thái (khoảng 8 triệu USD). Thí dụ, Ban Quản lý KBTB Phú Quốc đã được tỉnh cho phép sử dụng phần lớn khoản thu từ du lịch sinh thái (90% số kinh phí) xem như nguồn tài chính bền vững và ổn định để sử dụng vào mục đích quản lý, bảo vệ tài nguyên biển. Mặt khác, chính các cộng đồng dân cư trong KBTB cũng được hưởng lợi từ hiệu quả tăng lên trông thấy của việc bảo tồn biển.

Quỹ bảo tồn RĐD Việt Nam (VCF), một cơ chế tài chính ủy thác từ các nguồn viện trợ nước ngoài, đã cung cấp cho khoảng 70 VQG/KBT các khoản tài trợ đáng kể nhằm hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để củng cố công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên tại địa bàn các KBT này.

Các Nghị định gần đây của Chính phủ như: Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Nghị định 117/2010/NĐ-CP ban hành ngày 24/12/2010 về tổ chức quản lý hệ thống RĐD được xem là những chính sách quan trọng, có tính đột phá, mở đường cho việc huy động, xã hội hóa các nguồn đầu tư, từng bước tạo lập tài chính bền vững cho hoạt động của các VQG/KBT.

Ngoài các nội dung đầu tư tập trung vào tăng cường cơ sở hạ tầng, phương tiện và thiết bị quản lý bảo vệ rừng cho Ban quản lý RĐD, Nhà nước cũng cam kết cấp kinh phí bảo vệ rừng ổn định hàng năm, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các cộng đồng thôn, bản vùng đệm để khuyến khích họ tham gia phối hợp quản lý RĐD.



  1. Tồn tại về đầu tư và sử dụng nguồn vốn cho các hệ thống KBT

Nguồn ngân sách đầu tư cho các VQG/KBT thường được cân đối và phân bổ trực tiếp hàng năm từ Trung ương hoặc tỉnh, các khoản đầu tư này phần lớn được tập trung vào xây dựng cơ bản. Riêng nguồn kinh phí đầu tư thường xuyên được xác định trên cơ sở số lượng nhân viên của KBT, cho nên các KBT thường sử dụng tới 90% nguồn kinh phí này để duy trì hoạt động của bộ máy quản lý; vì vậy, phần kinh phí cần thiết cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, hoặc hoạt động hỗ trợ bảo tồn như giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức của các bên liên quan còn rất hạn chế.

Nguồn vốn tài trợ nước ngoài “(bao gồm cả Quỹ bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam (VCF)”: chủ yếu được tài trợ cho các vườn quốc gia do trung ương quản lý và thường chú trọng nhiều hơn đến các hoạt động về nghiên cứu khoa học, phát triển cộng đồng, giáo dục và nâng cao nhận thức…. ; đối với các khu bảo tồn do địa phương quản lý gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận nguồn vốn của VCF, do năng lực hạn chế, cơ sở hạ tầng của KBT và của xã hội thiếu và yếu nên bị khó khăn trong việc tiếp cận cơ hội đầu tư và tài trợ từ nguồn vốn này, đặc biệt đối với các Khu rừng đặc dụng nhỏ hơn (diện tích dưới 15.000 ha).

- Đầu tư từ cộng đồng và khối tư nhân, gần đây được Chính phủ ban hành các chính sách mới như: Nghị đị số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Nghị định 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng, Quyết định 24/2012/QĐ-TTg, ngày 01/06/2012 về đầu tư phát triển rừng đặc dụng được ...nhằm mở rộng cơ chế thu hút nguồn đầu tư từ các nguồn này cho KBT thông qua các hoạt động liên doanh liên kết, tạo lập tài chính bền vững cho hoạt động của các VQG/KBT.

1.3.7. Hợp tác quốc tế về KBT ở Việt Nam

Thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả và có sự chuyển biến về chất; nhiều tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn có văn phòng hoạt động tại Việt Nam, như: GTZ (GIZ), Winrock, IUCN, WWF, FFI, Carier, EU SIDA... Hoạt động của các tổ chức quốc tế đã bám sát được các thay đổi về hoạt động bảo tồn tại các vùng trọng điểm của Việt Nam như vùng sinh thái Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, dải ven biển và một số đảo ven bờ, một số lưu vực sông gắn với ĐNN.

Hỗ trợ từ những dự án quốc tế trong giai đoạn 2003-2010, tổng số vốn nước ngoài đầu tư cho các KBT là 100-120 tỷ đồng, bình quân 12-14 tỷ đồng/năm và có khoảng trên 20 KBT được dự án nước ngoài đầu tư tập trung ở các mức độ khác nhau. Mức đầu tư ước tính là 6,34 triệu đồng/km2/năm đối với 5 KBT trực thuộc Bộ NN&PTNT và 0,79 tr đ/km2/năm cho các KBT trực thuộc tỉnh.

Quỹ Bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam (VCF) đã được thành lập năm 2005, có tổng số tiền lên đến 15 triệu đôla, là nguồn viện trợ không hoàn lại từ Ngân hàng Thế giới, Quỹ Môi trường toàn cầu và Chính phủ Hà Lan. VCF đã hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các dự án tăng cường công tác quản lý các rừng đặc dụng của Việt Nam. Quỹ đã hỗ trợ cho khoảng 70 Khu rừng đặc dụng thực hiện các hoạt động liên quan đến bảo tồn. Đây là hình thức hỗ trợ có hiệu quả tốt, đặc biệt là đối với các KBT nhỏ, nguồn vốn của địa phương có nhiều khó khăn. Tuy vậy, nguồn tài chính này sẽ bị kết thúc ( ngừng tài trợ ) trong năm 2013, do đó những thành quả của VCF đã đầu tư xây dựng tại các KBT trong nhiều năm qua bị ảnh hưởng rất lớn, Nguy cơ là các KBT sẽ khó có thể tiếp tục duy trì và phát huy, những thành quả đã đạt được vì thiếu nguồn tài chính cho hoạt động tại các KBT.

Nhiều dự án lớn liên quan đến bảo tồn đã được triển khai thực hiện tại các KBT, nhiều chương trình phối hợp điều tra, nghiên cứu giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước đã được thực hiện. Việt Nam đã phối hợp với các nước láng giềng như Lào, Cămpuchia, Trung Quốc trong công tác kiểm soát buôn bán động, thực vật hoang dã qua biên giới. Cùng với các nước khác, Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các công ước quốc tế mà Chính phủ đã cam kết thực hiện.

Các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo tồn biển hướng chủ yếu vào các nội dung: ĐDSH biển và các HST RSH, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, đầm phá; đánh giá tiềm năng bảo tồn biển ở 20 điểm đại diện cho HST RSH; thành lập và quản lý thí điểm KBTB vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Côn Đảo; xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn Rùa biển; kiểm soát RSH (ReefCheck); chống suy thoái HST biển Đông; quản lý tổng hợp vùng bờ; quản lý tài nguyên ven biển và quy hoạch sử dụng không gian biển và vùng bờ biển. Các nhà tài trợ và đối tác chính thực hiện các nội dung trên là: WB, ADB, GEF, UNEP, Danida, Sida, CIDA, UNDP, IUCN, WWF, FFI, FAO, NOAA, Hà Lan, Pháp, PEMSEA, COBSEA, UNESCO,...




tải về 1.07 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương