DỰ thảo lầN 4 (Ngày 28/5/2013)


PHẦN 1 TỔNG QUAN VỀ HỆ THỐNG KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN Ở VIỆT NAM



tải về 1.07 Mb.
trang3/10
Chuyển đổi dữ liệu02.06.2018
Kích1.07 Mb.
#39299
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

PHẦN 1

TỔNG QUAN VỀ HỆ THỐNG KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN Ở VIỆT NAM


1.1. Thực trạng hệ thống KBT tại Việt Nam


1.1.1. Thành lập và phát triển của hệ thống KBT tại Việt Nam.

Nhận thức được vai trò và ý nghĩa to lớn của hệ thống KBT là khu vực có chức năng bảo tồn nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú của đất nước; đã và đang mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người, đóng góp to lớn cho nền kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực quốc gia (duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng, cung cấp nguyên- nhiên vật liệu cho sản xuất và tiêu dùng của xã hội), đồng thời giúp cho con người hạn chế, khắc phục những hậu quả của thiên tai do biến đổi khí hậu trái đất gây ra ..v.v.. Do đó, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến việc thành lập, phát triển và quản lý hệ thống KBT, tạo ra những điều kiện cho hệ thống KBT phát huy có hiệu quả chức năng bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trên cơ sở Luật bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, Luật Đa dạng sinh học (2008), và các văn bản pháp luật liên quan, đã hình thành khái niệm về khu bảo tồn “là một khu vực địa lý, có các hệ sinh thái đặc trưng tiêu biểu cho vùng sinh thái tự nhiên, được quy hoạch, xác định ranh giới, có các phân khu chức năng dành cho bảo tồn đa dạng sinh học”; đồng thời, đã hình thành một hệ thống tiêu chí phân hạng các KBT, đã được phân thành 04 hạng KBT, gồm: Vườn Quốc gia, Khu Dự trữ thiên nhiên, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh và Khu bảo vệ cảnh quan. (Phụ lục 01, bảng 01).

Đến nay, ở Việt Nam đã hình thành 03 hệ thống KBT được thành lập ở cấp quốc gia trước khi ra đời Luật Đa dạng sinh học (2008) là: hệ thống các KBT rừng đặc dụng (theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004), hệ thống các KBT biển (theo Nghị định số 27/2005/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản 2003), hệ thống KBT vùng nước nội địa (theo Luật Thủy sản, 2003).

Hệ thống các khu bảo tồn đất ngập nước (theo Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23/09/2003 và Nghị định 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 ) đến nay chưa được quy hoạch và thành lập trên thực tế.

Đối với những KBT có ý nghĩa đặc biệt về đa dạng sinh học, về bảo tồn loài, về môi trường - sinh quyển đã và đang được lựa chọn đề nghị Quốc tế công nhận, ghi danh. Đến nay, Quốc tế đã ghi nhận các danh hiệu cho một số KBT là: 02 KBT được ghi nhận “danh hiệu là Khu di sản thiên nhiên thế giới”; 10 KBT RĐD được ghi nhận danh hiệu là Khu dự trữ sinh quyển” (UNESCO công nhận); 05 KBT RĐD được ghi nhân danh hiệu là Khu Ramsar”; 04 KBT được ghi nhận danh hiệu là Khu di sản ASEAN”.

Mỗi hệ thống khu bảo tồn nói trên đều có định nghĩa, cách phân hạng và được quản lý riêng rẽ.

Vườn quốc gia Cúc Phương được xác định là KBT rừng đầu tiên và được thành lập theo Quyết định 72/TTg ngày 7 tháng 7 năm 1962 của Thủ tướng Chính phủ, đánh dấu sự ra đời khu rừng đặc dụng (RĐD) đầu tiên, và sau này được nâng cấp trở thành Khu rừng cấm đầu tiên của Việt Nam. Ngày 9 tháng 8 năm 1986, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Chỉ thị số 194/CT về việc thiết lập hệ thống RĐD của Việt Nam – là nền tảng hình thành hệ thống KBT RĐD hiện nay. Đến nay, hệ thống này đã thành lập 164 khu RĐD với tổng diện tích 2.198.744 hecta (ha), trong đó có 30 Vườn Quốc gia (1.077.236 ha), 58 khu dự trữ thiên nhiên (1.060.959 ha), 11 khu bảo tồn loài-sinh cảnh (38.777 ha), 45 khu bảo vệ cảnh quan (78.129 ha), 20 khu rừng dành cho mục đích khoa học và thí nghiệm (10.653 ha) (RTNNCKH có phải là KBT không).

Việc thiết lập hệ thống KBTB được tiến hành chậm hơn: Từ Năm 2001, KBTB Hòn Mun được thiết lập trong khuôn khổ dự án thí điểm toàn cầu về KBTB. Ngày ... tháng 5 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hình Quyết định số 742/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống 16 KBTB Việt Nam đến năm 2020. Hệ thống 16 KBTB nói trên chiếm diện tích khoảng 270.271 hecta, bằng khoảng 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam, phân bố đại diện cho toàn vùng biển. Trong hệ thống KBTB đã có 08 khu bước sang giai đoạn quản lý, còn 08 khu đang dừng ở mức quy hoạch; có 10 khu không liên quan đến hệ thống RĐD, chỉ có 06 khu liên quan đến rừng đặc dụng (Phụ lục 01, bảng 02). Quy hoạch cũng phân chia tạm thời thành 02 hạng KBTB: Vườn quốc gia biển (6), Khu bảo tồn loài và nơi cư trú (5) và Khu dự trữ tài nguyên thủy sinh (5). KBTB Hòn Mun được mở rộng và đổi tên thành KBTB vịnh Nha Trang với phân hạng là Vườn quốc gia biển đầu tiên ở Việt Nam.

Ngày 23 tháng 9 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2003/NĐ-CP về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, kèm theo một danh sách 69 vùng đất ngập nước có tầm quan trọng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có vùng ĐNN nào được Bộ TN&MT quy hoạch xác lập thành Khu bảo tồn trên thực tế.

Tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2008, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020 với 45 khu (Phụ lục 03), gồm các loại hình thuỷ vực nội địa tiêu biểu như sông, sông ngầm trong núi các tơ, hồ chứa, hồ tự nhiên, đầm phá, đầm lầy, cửa sông và ven biển hiện đang lưu giữ các giá trị về đa dạng thuỷ sinh học và tài nguyên thuỷ sản quý, hiếm có giá trị khoa học và ý nghĩa kinh tế



1.1.2. Phân bố các khu bảo tồn thiên nhiên theo vùng sinh thái.

Lãnh thổ trên đất liền của Việt Nam có ¾ diện tích là đồi núi, phần còn lại thuộc về diện tích các đồng bằng lớn (đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long), và vùng đồng bằng sa cát ven biển. Diện tích biển của Việt Nam rộng gấp 3 lần diện tích đất liền và hơn 3000 đảo lớn nhỏ phân bố tập trung ở vùng biển ven bờ và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa. Trên lãnh thổ đất liền do sự phân hóa tự nhiên từ sự thừa hưởng các yếu tố khí hậu nhiệt đới gió mùa, đã tạo cho Việt Nam tính đa dạng về cảnh quan, sinh thái và sinh giới, từ đó hình thành nên các vùng tự nhiên - sinh thái khác nhau trên lãnh thổ đất liền và trên biển. Về mặt hành chính, Việt Nam có 63 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có 28 tỉnh, thành ven biển với 12 huyện đảo và 242 ngàn dân cư trú trên 66 đảo.

Phần lãnh thổ đất liền nước ta được chia ra làm 08 vùng tự nhiên – sinh thái với những đặc điểm khác nhau: vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Trên 08 vùng tự nhiên sinh thái đã được quy hoạch xác định 164 KBT RĐD; 45 khu bảo tồn đất ngập nước nội địa (KBT ĐNN NĐ). Sự phân bố các KBT RĐD trong 08 vùng tự nhiên-sinh thái có những khác biệt đáng kể về số lượng và tổng diện tích được khoanh bảo tồn, và về tỷ lệ giữa các vùng sinh thái, nơi có tỷ lệ thấp nhất chủ yếu là những vùng đất thấp và ven biển (chi tiết xem phụ lục 01, bảng 03). Đối với các KBT Vùng ĐNN NĐ đang còn có những vướng mắc trong việc xác định ranh giới chồng lấn với các KBT RĐD, Tuy có khác nhau về số lượng nhưng vì hệ thống này chưa tính toán được diện tích, nên chưa thể nói đến sự khác nhau về tổng diện tích và quy mô theo vùng....

Khác với trên đất liền, phần diện tích biển được chia ra 06 vùng đa dạng sinh học biển phù hợp với mục đích của hoạt động bảo tồn biển gắn với các HST biển, ven biển tiêu biểu. Đó là: Vùng 1: vịnh Bắc bộ (đến phía nam đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị), Vùng 2: biển ven bờ Trung Trung bộ (đến mũi Varella), Vùng 3: biển ven bờ Nam Trung bộ (đến mũi Vũng Tàu ), Vùng 4: biển ven bờ Đông Nam bộ (đến mũi Cà Mau), Vùng 5: biển ven bờ Tây Nam bộ (thuộc vịnh Thái Lan), và Vùng 6: biển khơi (Trường Sa - Hoàng Sa).

Các KBTB trong quy hoạch hệ thống quốc gia hiện nay phân bố chủ yếu ở vùng 1 (06 khu), vùng 2 (03 khu), vùng 3 (04 khu), vùng 4 (01 khu), vùng 5 (01 khu) và vùng 6 (01 khu). Có thể thấy, ở những khu vực biển có tiềm năng bảo tồn cao ở miền Trung và miền Nam lại có số lượng KBTB ít nhất (1-2 khu). Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành điều tra nguồn lợi thủy sản và đánh giá đa dạng sinh học biển phục vụ phát triển nghề cá bền vững và quy hoạch mở rộng hệ thống KBTB quốc gia (chi tiết xem phụ lục 01, bảng 04).

1.2. Thực trạng tổ chức bộ máy quản lý hệ thống KBT.


1.2.1. Về tổ chức Bộ máy quản lý hệ thống KBT.

Theo quy định của Pháp luật hiện hành thì Việt Nam đã thành lập được 03 hệ thống KBT ở cấp quốc gia: KBT rừng đặc dụng, Khu bảo tồn biển và KBT vùng nước nội địa; Mỗi hệ thống KBT được hình thành bộ máy tổ chức để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hệ thống KBT. Tuy nhiên, trên thực tế tổ chức bộ máy hệ thống KBT được hình thành theo các định chế phân cấp quản lý; vì vậy, một hệ thống KBT có thể được tổ chức bộ máy quản lý ở các cấp và các ngành, khác nhau. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan của Chính phủ được giao nhiệm vụ tổ chức, quản lý Nhà nước các hệ thống KBT hiện có ở Việt Nam; Bộ đã phân cấp cho Tổng cục Lâm nghiệp là cơ quan giúp Bộ NN&PTNT quản lý nhà nước đối với hệ thống KBT RĐD. Và phân cấp cho Tổng cục Thủy sản là cơ quan giúp Bộ NN&PTNT quản lý hệ thống KBT biển và KBT Vùng nước nội địa. Ngoài chức năng quản lý nhà nước đối với các hệ thống KBT ( giúp nhà nước ban hành cơ chế chính sách pháp luật, giám sát chỉ đạo công tác chuyên môn về bảo tồn ...); Bộ NN&PTNT còn được giao quản lý trực tiếp các Vườn quốc gia, các KBT có phạm vi ranh giới nằm trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên. Đối với các KBT được quy hoạch ranh giới nằm trên địa bàn của một tỉnh thì đều được phân cấp cho các tỉnh thành phố quản lý; vì vậy, ở cấp tỉnh thành phố cũng đều tổ chức bộ máy quản lý hệ thống KBT thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Theo quy định tại Nghị định số 109/2003/NĐ-CP Ngày 23 tháng 9 năm 2003 về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước và Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh thì Bộ TN&MT được Chính phủ giao thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia vùng đất ngập nước...Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có KBT ĐNN được thành lập, do đó chưa có tổ chức bộ máy hệ thống KBT ĐNN.

1.2.2. Sự bất cập về tổ chức bộ máy quản lý hệ thống KBT

Do chưa có được bộ máy tổ chức quản lý hệ thống KBT thống nhất nên đã phát sinh nhiều bất cập, thiếu tính hệ thống trong các văn bản pháp luật của Nhà nước, chồng chéo trong hoạt động quản lý nhà nước về đa dạng sinh học đối với hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên; Hiện nay đang có hai cơ quan quản lý nhà nước là: Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng được giao thực hiện một nhiện vụ giống nhau: Cùng thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên và các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; Cùng thực hiện các hoạt động quản lý trong lĩnh vực quy hoạch, thẩm định và xác lập hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên và hoạt động quản lý khai thác thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Các thủ tục, trình tự phê duyệt các hoạt động quản lý trong lĩnh vực quy hoạch, thẩm định và xác lập hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên và hoạt động quản lý khai thác thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm … được hướng dẫn và thực hiện theo hai bộ luật khác nhau nên cũng khác nhau; nhưng do bị trùng lặp về chức năng nhiệm vụ nên gây ra những khó khăn cho các cấp chỉ đạo điều hành và lực lượng thi hành pháp luật, làm cho các đơn vị cơ sở lúng túng không biết phải thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên như thế nào. Đồng thời, gây ra lãng phí rất lớn về nguồn lực quốc gia (nhân lực, khoa học kỹ thuật, vật tư - tài chính); Đặc biệt là lãng phí về nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn viện trợ đầu tư không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, thậm trí cả nguồn vốn (ODA) cũng đang được giải ngân và đầu tư vào nhiều hoạt động trùng lắp như hoạt động rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; hoạt động tăng cường năng lực quản lý cho các khu bảo tồn …v.v..

1.2.3. Thực hiện chức năng nhiệm vụ của hệ thống KBT.)




  1. Bảo tồn loài và các giá trị hệ sinh thái tự nhiên tại các KBT

Chức năng nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống KBT là thực hiện việc quản lý, bảo tồn loài và các giá trị hệ sinh thái tự nhiên tại các KBT; theo thông tin từ Sách Đỏ Việt Nam (năm 2007) về các loài quý, hiếm và nguy cấp cho thấy ở Việt Nam có hơn 882 loài bị đe dọa, gồm 418 loài động vật và 464 loài thực vật. Trong đó, có 669 loài trên cạn (250 loài động vật và 419 loài thực vật), 54 loài động vật nước ngọt, 125 loài sinh vật biển (119 loài động vật, 6 loài thực vật). Nghị định số 32/2006/CP-NĐ về quản lý các loài động thực vật rừng quý hiếm và nguy cấp liệt kê 151 loài động vật và 52 loài thực vật. (Có thể tham khảo chi tiết trong Danh lục đỏ toàn cầu của IUCN (www.redlist.org) ).

HST rừng trên núi đá vôi ở các khu RĐD (Ba Bể, Hữu Liên, Cát Bà, Tây Côn Lĩnh, Du Già, Pù Luông, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cúc Phương, Vân Long); Rừng ngập mặn (RNM) ở các VQG Xuân Thủy (Nam Định), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Đất Mũi (Cà Mau) và ở khu RĐD ven biển (Tiền Hải tỉnh Thái Bình, Thạnh Phú tỉnh Bến Tre); Rừng chàm ở Tràm Chim (Đồng Tháp), VQG U Minh Thượng (Kiên Giang), U Minh Hạ (Cà Mau), và ở những KBT như Lung Ngọc Hoàng (Cần Thơ); Rừng cận nhiệt đới trên núi có độ cao thấp và trung bình ở Hoàng Liên Sơn, Chu Jang Sin, Kon Ka Kinh, và VQG Bidoup-Núi Bà và các KBT như Ngọc Linh, Sông Thanh, Kon Cha Răng; Rừng rụng lá được bảo vệ ở VQG Yok Don và KBT K’Rong Trai. Là những KBT tiêu biểu cho các HST khác nhau thực hiện chức năng bảo tồn các loài đặc hữu, quý hiếm đại diện của vùng

Hiện chưa có nghiên cứu hay đánh giá toàn diện nào được thực hiện về các loài quý hiếm và nguy cấp trên cạn tại các khu bảo tồn của Việt Nam. Tuy nhiên, một số lượng đáng kể các loài này được tìm thấy tại các khu bảo tồn, như: Voi, Bò rừng, Tê giác một sừng, Bò tót, Sao La, Voọc quần đùi trắng, Voọc mũi hếch, Voọc đầu vàng, Bách xanh núi đá, Thông nước, Thông hai lá dẹt, Hoàng đàn, Nghiến, Đinh, Cẩm lai, Sâm Ngọc Linh,... (xem chi tiết ở phụ lục 01, bảng 06). Theo báo cáo của Wege et al (1999) cho rằng: hiện tại ở Việt Nam, nhiều loài bị đe dọa mức toàn cầu có phân bố cả ở những khu vực rộng lớn bên ngoài hệ thống các KBT (xem chi tiết ở phụ lục 01, bảng 07).

Phần lớn các KBT đều thiếu thông tin về ĐDSH, cũng như sự phân bố và trạng thái quần thể của các loài quý hiếm, nguy cấp. Vì vậy, chưa có đủ cơ sở cho việc thực hiện các hoạt động bảo tồn các loài một cách hợp lý. Mặt khác, ngân sách cho hoạt động này thường không đủ. Tuy vây, Một số khu RĐD đã thực hiện được những hoạt động quan trọng như tiến hành nghiên cứu và giám sát các loài quý hiếm, như: giám sát linh trưởng ở VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình; giám sát vọoc đầu trắng ở VQG Cát Bà, Hải Phòng, vọoc mũi hếch ở KBT Na Hang, Chạm Chu (tỉnh Tuyên Quang) và Khau Cả (tỉnh Hà Giang); giám sát Cò thìa ở VQG Xuân thủy, tỉnh Nam Định; Trồng các loài thực vật đang bị tuyệt chủng trong tự nhiên như Lát hoa (Chukrasia tabularis), Trầm hương (Aquilaria crassna).

Mặc dù đạt được những thành công trong công tác bảo tồn loài nêu trên, nhưng trong thực tế các loài quý, hiếm và nguy cấp tiếp tục bị suy giảm; Thí dụ, con Tê giác được phát hiện bị chết ở VQG Cát Tiên năm 2010 có thể là những cá thể cuối cùng ở Việt Nam. Tình trạng săn bắn, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã, quý, hiếm vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả, Năm 2010, theo thống kê của Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), số lượng động vật hoang dã tịch thu được là 34.721 Kg (12.936 cá thể), trong đó 508 cá thể là các loài quý hiếm. Chỉ riêng trong 8 tháng đầu năm 2011 đã ghi nhận được 660 vụ vi phạm liên quan tới quản lý và bảo vệ các loài hoang dã và 10.130 vụ về buôn bán và vận chuyển trái phép lâm sản..

Do đó, trong những năm qua, đồng thời với việc chú trọng bảo tồn loài tại các KBT, Việt Nam đã quan tâm đến công tác bảo tồn ngoại vi và nhân nuôi bảo tồn đối với một số loài động - thực vật quý hiếm và hoang dã được nêu trong Danh lục đỏ và Sách đỏ Việt Nam (2007), hoạt động bảo tồn ngoại vi được đánh giá là có hiệu quả, thông quan các chương trình sinh sản bảo tồn, bảo tồn nguồn gen và các hoạt động như trồng rừng, trồng cây giống..., đã mang lại cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội ở một số khu vực, góp phần vào công tác bảo tồn các nguồn gen và giảm áp lực khai thác từ thiên nhiên thuộc các KBT (xem phụ lục 01, bảng 08), Tuy vậy, mặt hạn chế là nhiều động vật bị giữ trong thời gian dài và ít được tiếp xúc với môi trường tự nhiên rộng lớn hơn để kiếm ăn và hòa nhập nên chưa có những thành công trong việc tái thả các loài nguy cấp, quý, hiếm..



- Trong 05 KBTB đang triển khai các hoạt động quản lý, bảo tồn chưa có nhiều các hoạt động ưu tiên vào việc quản lý bảo tồn các loài quý hiếm và nguy cấp. Rùa biển là nhóm loài dành được quan tâm nhất, vì trong số 7 loài rùa biển có vai trò chỉ thị cho môi trường biển và ven biển trên thế giới, thì ở Việt Nam đã có 05 loài và đều nằm trong danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Một số hoạt động bảo tồn loài tại các KBT Biển được đánh giá là có kết quả tốt như: Hành động quốc gia bảo tồn loài rùa biển tại: các KBT Côn Đảo, Núi Chúa, vịnh Nha Trang, Bái Tử Long, Phú Quốc, Cù Lao Chàm và Cồn Cỏ; phục hồi một số loài động - thực vật biển quý hiếm và nguy cấp như Bào ngư (Haliotis sp.), Tu hài (Lutarria rhynchaena),; Các chương trình nuôi trồng thủy sản; Bảo tồn và giám sát đàn cá Heo tại Bái Tử Long; bảo vệ và phục hồi loài Bò biển ở Phú Quốc. ..; Công tác bảo tồn loài đối với các KBT Biển không chỉ tăng số lượng cá thể và quần thể mà còn hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản, đem lại những lợi ích kinh tế quan trọng đối với cộng đồng địa phương và cho nền kinh tế quốc dân.

- Nghị định số 57/2008/NĐ-CP đã xác định các HST điển hình của vùng biển cần được bảo tồn là rạn san hô (RSH), thảm cỏ biển, rừng ngập mặn (RNM), HST đầm phá và cửa sông. Trên thực tế, hệ thống 16 KBTB trong quy hoạch được duyệt, nếu quản lý tốt sẽ bảo tồn được khoảng 70.000 ha HST rạn san hô, 20.000 ha HST thảm cỏ biển và một phần HST RNM trong các khu RĐD nói trên, cùng với phần lớn các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú (habitat) của các loài thủy sản kinh tế.

Việc quản lý các HST biển được tiến hành thông qua nhiều hình thức khác nhau, từ những hoạt động trực tiếp giảm các mối đe dọa đến các hoạt động có tính lâu dài, gián tiếp góp phần bảo tồn và phục hồi các HST, như: thu nhặt sao biển gai (loài thiên địch nguy hiểm nhất của san hô); lắp đặt phao neo quanh đảo để các tàu du lịch sử dụng, tránh tình trạng thả neo ảnh hưởng trực tiếp đến RSH; xử lý nghiêm các vụ khai thác san hô, thủy sản bằng thuốc nổ; trồng RNM và phục hồi thử nghiệm RSH và thảm cỏ biển; phân vùng quản lý trong KBT; phát triển và áp dụng các mô hình sinh kế cho người dân sống trong và lân cận KBTB, tạo nguồn thu nhập thay thế bền vững; quan trắc định kỳ đa dạng sinh học với sự tham gia của cộng đồng; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các bên liên quan (stakeholder).

Các nỗ lực trên đã cho các kết quả khả quan, nhất là tại KBTB vịnh Nha Trang, nơi đã trải qua hơn 10 năm hoạt động tích cực. Tại đây độ phủ của RSH đã tăng lên kéo theo các loài thủy sản cũng sinh sôi nảy nở nhiều hơn; đời sống người dân ở trong khu vực cũng được cải thiện, nhận thức về môi trường biển được nâng cao; RNM không ngừng được trồng mới và mở rộng; nhiều thảm cỏ biển đã có dấu hiệu phục hồi.

Đến nay, chưa có được các nghiên cứu toàn diện sự phân bố của các loài quý hiếm và nguy cấp tại các KBTB Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống 16 KBTB quy hoạch hiện tại để quản lý bảo vệ gần 100 loài đặc hữu và nguy cấp, quý, hiếm đến năm 2020; nhưng trên thực tế số lượng loài được bảo vệ còn quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu. Công tác quản lý sinh vật biển ngọai lai xâm hại đã có sự quan tâm bước đầu của quốc tế, nhưng đến nay danh mục và đường du nhập các loài nhóm này vẫn chưa được xác định rõ. Đặc biệt, chưa có đánh giá chính xác tác hại và phạm vi tác động của nó để có căn cứ ban hành chính sách và các giải pháp kỹ thuật quản lý hiệu quả. Việt Nam, gần như chưa có chuyên gia về lĩnh vực sinh vật biển ngoại lai xâm hại, trong khi việc phối hợp hoạt động giữa các bộ, ngành còn gặp nhiều khó khăn đã hạn chế cơ bản đến kết quả bảo tồn và quản lý các loài quý hiếm, nguy cấp và loài ngoại lai xâm hại.

- Đối với các KBT VNNĐ việc quản lý, bảo tồn các loài thủy sinh nước ngọt quý hiếm và nguy cấp có giá trị kinh tế cao đã đạt được thành công bước đầu:
- Khoảng 50 giống và 60 loài thủy sinh đã được bảo vệ; gần đây nghiên cứu về chăn nuôi nhân tạo đã được thực hiện trên các loài quý hiếm và nguy cấp như loài cá Anh Vũ (Semilabeo obscurus), Cá Hô (Catlocarpio siamensis), Cá Lăng chấm (Hemibagrus guttatus), Cá mòi cờ (Clupanodon thrissa); Chương trình phục hồi Loài cá Sấu xiêm (Crocodylus siamensis) đưa tái thả về tự nhiên tại VQG Cát Tiên. Hiện tại, có 5 trại nuôi cá Sấu xiêm đã đăng ký với Cơ quan CITES và hàng năm có trên 50.000 cá thể cá sấu ở các trại này.
Mặc dù đã cố gắng, nhưng công tác quản lý các loài thủy sinh nước ngọt quý hiếm và nguy cấp có giá trị kinh tế cao ở nước ta vẫn còn không ít hạn chế:

- Việc thành lập các KBT VNNĐ có xu hướng ưu tiên các loài trên cạn hơn các loài thủy sinh. Tuy nhiên trong số 9 loài được coi là tuyệt chủng ngoài tự nhiên (Sách đỏ Việt Nam năm 2007) thì 4 loài là thủy sinh nước ngọt, gồm: cá Chép gốc (Procypris merus), cá Chình nhật (Anguilla japonica), cá Lợ thân thấp (Cyprinus multitaeniata), và cầy Rái cá (Cynogale lowei).

Hơn 4.000 loài thủy sinh nước ngọt nội địa được ghi nhận trong danh lục các loài thủy sinh nước ngọt nội địa trên cả nước, trong đó có 54 loài được công nhận là quý hiếm và được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1996, 1998, 2000, 2007). Đến nay chưa có nghiên cứu đầy đủ về sự xuất hiện của những loài này ở các KBT VNNĐ ở Việt Nam, nhưng yêu cầu bảo vệ các loài nước ngọt được xác định trong 02 Nghị định mới ban hành gần đây về các loài có tầm quan trọng đối với bảo tồn.

Ngày 17/07/2008, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quyết định số 82/2008/QĐ-BNN ban hành Danh lục các loài thủy sinh quý hiếm và nguy cấp cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển. Danh lục này gồm 71 loài thủy sinh nước ngọt nội địa và nhìn chung các loài quý hiếm đưa ra trong Quyết định trên đều nằm trong các danh lục các loài được liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam xuất bản các năm 1996, 1998, 2000 và 2007. Tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 13/10/2008, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn vùng nước nội địa tới năm 2020 với danh sách gồm 40 loài thủy sinh được bảo vệ tại các KBT VNNĐ như vậy.

Các khu bảo tồn chiếm 7% diện tích đất liền và 0,24% diện tích biển quốc gia; trên quy mô diện tích được xác định, các khu bảo tồn có chức năng bảo vệ các giá trị tự nhiên, các HST quan trọng cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, bảo tồn quần thể các loài quý hiếm, nguy cấp và các nguồn gen, phần lớn bãi giống, bãi đẻ của các loài có giá trị kinh tế. Các khu bảo tồn là những vùng an toàn cho rất nhiều loài quan trọng sinh sống, kiếm ăn và phục hồi, đảm bảo quần thể chính để tạo ra hiệu ứng “tràn” có thể sinh sôi ở vùng đất, vùng nước và biển rộng lớn hơn, đem lại các lợi ích kinh tế quan trọng thông qua hoạt động khai thác bền vững. Đồng thời các khu bảo tồn hỗ trợ tính đa dạng về nguồn gen quan trọng của các loài động thực vật có giá trị kinh tế, giúp cho việc nuôi trồng và phục hồi các nguồn dược liệu quan trọng; tạo các điều kiện và môi trường “phòng thí nghiệm tự nhiên” cho các chuyên gia trong và ngoài nước để thực hiện việc nghiên cứu và học hỏi cũng như đem lại các “mẫu sinh thái” quan trọng hỗ trợ việc giám sát những thay đổi trong dài hạn của các HST do ảnh hưởng của con người.


  1. Bảo tồn các giá trị văn hóa và tinh thần

Nền văn hóa đa dạng của Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Nhiều giá trị văn hóa và tinh thần được lưu giữ và duy trì thông qua gìn giữ được các HST ưa thích, những thắng cảnh nổi tiếng và những khu tâm linh hay các BKT có tầm quan trọng về lịch sử trong trong quá trình dựng nước và giữ nước. Một số khu rừng ở Việt Nam vẫn lưu giữ được những nét văn hóa địa phương độc đáo với truyền thống riêng, ngôn ngữ bản địa, kiến thức về bảo tồn dân gian đối với các hệ sinh thái tự nhiên và quản lý nguồn lực bền vững.

Do đó, các KBT là các điểm đến để thư giản, nghỉ ngơi, giải trí của du khách trong và ngoài nước, để trải nghiệm, hưởng ngoạn, nghiên cứu và học hỏi về những HST và phong cảnh độc đáo, kỳ thú. Đồng thời du khách cũng có cơ hội thăm quan, tham gia các hoạt động giải trí ngoài trời dưới nhiều hình thức, tham gia các khóa đào tạo chính thức và không chính thức, và thăm quan dưới hình thức nghiên cứu chuyên sâu về tự nhiên và văn hóa của những vùng cụ thể.


  1. Bảo tồn các giá trị kinh tế, cung cấp các dịch vụ HST

Các KBT đang cung cấp các dịch vụ HST, hỗ trợ sinh kế cho hàng chục triệu người dân sinh sống phụ thuộc chính vào khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ KBT. Do đó, các KBT ngày càng có đóng góp rất lớn vào nền kinh tế quốc dân. Theo dự tính của ADB (1999), một số HST vùng bờ biển (RNM, RSH, ĐNN và thảm cỏ biển) ở Việt Nam cho tổng lợi nhuận ròng khoảng 60 triệu USD/ha/năm; mang lại cơ hội cho cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, giúp cho việc tuyên truyền, giáo dục, tăng hiểu biết của cộng đồng dân cư bản địa và cho mọi thành viên trong xã hội về các giá trị của môi trường tự nhiên, về đa dạng sinh học và tăng cường các mối liên kết giữa sinh kế người dân địa phương với công tác bảo tồn.

Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú từ các KBT cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ HST quan trọng, được xác định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là:

- Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối;

- Điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội;

- Hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng, giảm diện tích rừng và phát triển rừng bền vững;

- Bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch;

- Dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thuỷ sản.

Các loại dịch vụ nêu trên ngoài việc đáp ứng các các nhu cầu sản xuất và tiêu dung cho xã hội, còn là yếu tố chủ yếu giúp cho con người hạn chế, khắc phục những hậu quả của thiên tai (lũ lụt, lũ quét, xói lở đất và bở biển, sa mạc hóa, nước biển dâng, .....) do biến đổi khí hậu trái đất gây ra -




tải về 1.07 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương