DỰ thảo báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế XÃ HỘI, quốc phòng an ninh 5 NĂM 2016 2020 thành phố ĐÀ NẴng phần thứ nhất



tải về 435.77 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu15.01.2018
Kích435.77 Kb.
#36075
  1   2   3   4

ỦY BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Số: /UBND-TH

Đà Nẵng, ngày … tháng 01 năm 2015



DỰ THẢO

BÁO CÁO

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH
5 NĂM 2016 - 2020 THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG


Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN

KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015
Thành phố Đà Nẵng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình thiên tai, thời tiết tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và tăng trưởng của một số ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân. Song Thành phố đã nỗ lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt 5 đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX và triển khai nhiều giải pháp như: hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính; kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư phát triển đồng bộ, thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; các công trình trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ; Chương trình “nông thôn mới” được quan tâm đầu tư và sớm đạt kế hoạch đề ra; công tác đền bù, giải toả, tái định cư tiếp tục được thực hiện hiệu quả, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân, tạo điều kiện triển khai nhanh chóng hàng loạt các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được chú trọng đầu tư và phát triển; Chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, thành phố đã triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn, được nhân dân tin tưởng và ủng hộ.

I. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hôi Đảng bộ thành phố lần thứ XX



Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ thành phố và Chương trình hành động (CTHĐ) thực hiện Nghị quyết giai đoạn 2011-2015:

(1) Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 9,7%/năm (NQ: 13,5-14,5%/năm)1;

(2) GRDP bình quân đầu người đến năm 2015 ước đạt 2.671 USD (NQ: 3.200 USD);

(3) Cơ cấu kinh tế đến năm 2015 ước đạt: Dịch vụ, thuế nhập khẩu: 61,6% (NQ: 54,2%); Công nghiệp - xây dựng: 35,9% (NQ: 43,8%); Nông nghiệp: 2,4% (NQ: 2,0%);

(4) Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước tăng 11,9%/năm (NQ: 17-18%/năm);

(5) Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước tăng 7,8%/năm (NQ: 12-13%/năm), trong đó: công nghiệp tăng 10%/năm (NQ: 11,5-12,5%/năm);

(6) Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước tăng 4,5%/năm (NQ: 3-4%/năm);

(7) Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 15,4% (NQ:14-15%/năm);

(8) Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 64,878 ngàn tỷ đồng, tăng 0,1%/năm (NQ: tăng 11,5-12,5%/năm), trong đó: thu nội địa là 44,73 ngàn tỷ đồng, tăng 0,2%/năm, thu thuế xuất nhập khẩu 11,88 ngàn tỷ đồng, tăng 3,5%/năm. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 67,44 ngàn tỷ đồng, tăng 5,9%/năm (NQ: tăng 10-11%/năm);

(9) Tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 159,17 ngàn tỷ đồng, tăng 9,4%/năm (NQ: tăng 15-16%/năm);

(10) Giảm tỷ suất sinh ước đạt 0,18%o/năm (NQ: 0,3%o/năm);

(11) Giải quyết việc làm cho 3,1 vạn lao động/năm (NQ: 3,2-3,4 vạn lao động/năm);



(12) Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2015 ước đạt 45% (NQ: 55%);

(13) Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn thành phố theo Đề án giảm nghèo 2013-2017) ước 0% (NQ đến 2015: 0% theo chuẩn nghèo Đề án 2009-2015, đã đạt được kế hoạch NQ cuối năm 2012)2;

(14) Đến năm 2015, ước 100% dân số nội thành và 99% dân số nông thôn được cấp nước sạch (NQ: 100%; 95%)3;

(15) Đến năm 2015, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn ước đạt 95% (NQ đến 2015: 100%);

(16) Gọi công dân nhập ngũ đạt 100% (NQ: 100%/năm).

Như vậy, trong 16 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết, đến năm 2015 01 chỉ tiêu vượt, 05 chỉ tiêu đạt và 10 chỉ tiêu không đạt.

II. Tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015



1. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao và khá bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng; các nguồn lực xã hội được phát huy, các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển khá

1.1. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao và khá bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng

Giai đoạn 2011-2015, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 9,7%/năm và năm 2015 ước đạt 45.886 tỷ đồng, bằng 1,42 lần năm 2011. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) được nâng lên rõ rệt, năm sau cao hơn năm trước; năm 2015 ước đạt 56,1 triệu đồng, tương đương 2.671 USD, bằng 1,5 lần năm 2011. Trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, trên địa bàn thành phố các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, sức mua thị trường giảm, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp (nhất là những năm đầu nhiệm kỳ), thiên tai, bão lũ, tình hình căng thẳng trên biển Đông.v.v.. song Thành phố đã năng động và kịp thời thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm hàng tồn kho, tập trung khai thác nguồn thu, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường khai thác các nguồn lực trong và ngoài nước.v.v.. nên mức tăng trưởng được cải thiện đáng kể, cao hơn mức bình quân của cả nước.



Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, năm 2015 tỷ trọng dịch vụ, thuế nhập khẩu ước đạt 61,6%, công nghiệp - xây dựng 35,9% và nông nghiệp 2,4% góp phần từng bước thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở chú trọng nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ và tỷ trọng hàm lượng kỹ thuật, công nghệ trong các ngành sản xuất.

Cơ cấu các thành phần kinh tế chuyển dịch theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) về tái cơ cấu doanh nghiệp, với tỷ trọng kinh tế nhà nước giảm từ 28,3% năm 2011 xuống còn 23,5% ước năm 2015, kinh tế dân doanh tăng từ 60,1% lên 63,2% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 11% lên 12,7%4. Đến nay, thành phố còn 05 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trong đó 03 doanh nghiệp thuộc đối tượng giữ nguyên 100% vốn nhà nước; 02 doanh nghiệp đang cổ phần hóa5. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong tăng trưởng và phát triển thành phố.

Cơ cấu đầu tư thể hiện sự quan tâm đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội… trên cơ sở thu hút, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, đảm bảo sự tương đồng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Mặc dù mức tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 dự kiến không đạt mục tiêu đề ra; song kết quả đạt được thể hiện sự quan tâm và nỗ lực lớn của Thành phố trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn.

1.2. Các nguồn lực xã hội được phát huy, các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển khá

1.2.1. Phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và thương mại, từng bước đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ lớn của khu vực và cả nước. Các dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng, bưu chính - viễn thông, vận tải… tiếp tục phát triển hiện đại, đa dạng, mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, đời sống và hội nhập quốc tế. Giai đoạn 2011-2015, tỷ trọng đóng góp của các ngành dịch vụ trong GDP luôn chiếm trên 50%, GDP dịch vụ ước tăng 11,5%/năm, giá trị sản xuất dịch vụ ước tăng 11,9%/năm và đến năm 2015 ước đạt 43.970 tỷ đồng, gấp1,5 lần năm 2011.

Hoạt động du lịch phát triển khởi sắc, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đến nay, trên địa bàn thành phố 71 dự án du lịch đã và đang triển khai đầu tư, vốn đầu tư 8,2 tỷ USD, trong đó 15 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư 1,7 tỷ USD; các dự án du lịch cao cấp được đầu tư và đưa vào hoạt động góp phần tạo sức hấp dẫn, thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách6. Đến năm 2015 dự kiến ngày lưu trú bình quân là 2,2 ngày (năm 2011: 02 ngày), một số khách sạn 3-5 sao có lượng khách lưu trú 03 ngày trở lên, đặc biệt các resort cao cấp ven biển có khách quốc tế và nội địa lưu trú từ 5-15 ngày. Giai đoạn 2011-2015, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch ước đạt 16,4 triệu lượt người, tăng 20,1%/năm, trong đó: khách quốc tế 4 triệu lượt, tăng 25,5%/năm; tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 39,9 tỷ đồng, tăng 30,6%/năm7.

Hệ thống các sản phẩm sản phẩm du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí bước đầu đáp ứng nhu cầu du khách8. Cuộc thi trình diễn pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng (DIFC) được tổ chức từ năm 2008 đã thu hút được hơn 1 triệu lượt du khách9 và trở thành sự kiện văn hoá, du lịch quốc tế đặc sắc. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của thành phố10; đã xúc tiến mở và khai thác các đường bay trực tiếp đến và đi từ Đà Nẵng11; liên kết xúc tiến và quảng bá du lịch với một số địa phương nhằm tăng cường thu hút du khách12. An ninh trật tự, vệ sinh môi trường du lịch được đảm bảo, đã giải quyết triệt để tình trạng xin ăn biến tướng, bán hàng rong tại các khách sạn, khu điểm du lịch và khu vực ven biển. Tuy nhiên, hoạt động du lịch còn một số hạn chế như: quy mô doanh nghiệp lữ hành còn nhỏ, thiếu nhân lực chất lượng cao; hoạt động liên kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn v.v.. chưa chặt chẽ; sản phẩm du lịch đa dạng nhưng chưa có điểm nhấn, chưa hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tế; thiếu các trung tâm vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm, chưa hình thành các khu ẩm thực quốc tế, các trung tâm giải trí cao cấp, khu siêu thị miễn thuế để thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.



Dịch vụ thương mại phát triển nhanh, hạ tầng thương mại tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại, hình thành nhiều trung tâm thương mại, siêu thị chuyên doanh lớn, hệ thống chợ được quy hoạch lại13. Giai đoạn 2011-2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 284,95 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8%/năm (KH: 20-21%/năm). Tình hình thị trường ổn định, một số thời điểm giá cả hàng hóa dao động tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng hoặc do nguồn cung tạm thời gián đoạn như: Lễ, Tết, mùa mưa, bão v.v.. Thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội và các hoạt động xúc tiến thương mại - du lịch - đầu tư, thu hút lượng lớn khách du lịch và kích cầu tiêu dùng. Hoạt động xúc tiến thương mại được tăng cường, phát huy vai trò đầu mối trung chuyển, giao lưu hàng hoá, dịch vụ14. Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các Chương trình kích cầu tiêu dùng, thành phố đã tổ chức các “Phiên chợ Hàng Việt”, “Tuần lễ hàng Việt”, “Tháng bán hàng khuyến mại” định kỳ và lồng ghép thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Công tác bình ổn giá, kiểm tra, kiểm soát thị trường được quan tâm15, đảm bảo dự trữ hàng hóa và kịp thời triển khai các biện pháp bình ổn thị trường, nhất là các dịp lễ, Tết, bão lũ... Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, hàng nhái và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được triển khai quyết liệt, trong 4 năm qua đã kiểm tra và xử lý hơn 15.000 vụ vi phạm với tổng số tiền thu phạt hơn 40 tỷ đồng.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 15,4%/năm (NQ: 14-15%/năm), thị trường xuất khẩu được mở rộng trên 120 nước và vùng lãnh thổ, tăng 10 nước và vùng lãnh thổ so với năm 201116. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng giá trị hàng công nghiệp chế biến, hàm lượng công nghệ cao (điện, điện tử), giảm xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng khá như: thiết bị điện và sản phẩm điện tử 28,1%; thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ 22,4%; hải sản đông lạnh 13,7 %; cao su thành phẩm 13,7%; dăm gỗ 8,4%; dệt may 9%; đồ chơi trẻ em 8,4%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 5 tỷ USD, tăng 10,7%/năm, trong đó trên 90% là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu giao thương và đi lại của nhân dân, giai đoạn 2011-2015 khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 13.614,8 Tr.tấn.Km, tăng 1,1%/năm; khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 5.832,6 Tr.người.Km, giảm 0,1%/năm và doanh thu vận tải ước đạt 30.028,1 tỷ đồng, tăng 22,6%/năm. Thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát các phương tiện vận tải công cộng; triển khai chiến dịch kiểm soát tải trọng xe, kiên quyết xử lý các xe quá tải trọng qua địa bàn thành phố; thực hiện đề án xử lý quá tải phương tiện và kế hoạch xử lý các điểm “xe dù, bến cóc”.v.v.. Thành phố đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt đến năm 2020, định hướng đến 2030; triển khai Đề án phát triển dịch vụ Logistics, Đề án xã hội hóa vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt17 và hợp phần xe buýt nhanh (dự án phát triển bền vững). Nhà ga hàng không quốc tế được xây dựng mới và đưa vào sử dụng cuối năm 2011 đã đạt công suất thiết kế 4 triệu hành khách/năm. Cảng Đà Nẵng tiếp tục được đầu tư hiện đại, tổ chức tốt các dịch vụ cảng, hàng hải, vận tải và hậu cần logistics góp phần nâng cao năng lực bốc xếp, khai thác nguồn hàng18. Giai đoạn 2011-2015, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực Cảng Đà Nẵng ước đạt 25 triệu tấn, tăng 12,3%/năm.

Dịch vụ bưu chính - viễn thông phát triển mạnh19. Thành phố có đường cáp quang quốc tế cập bờ, thuận lợi để phát triển mạng viễn thông, các dịch vụ đa phương tiện, băng thông rộng và nâng cấp xa lộ thông tin ngang tầm với các thành phố phát triển ở khu vực. Sắp xếp, ngầm hóa 300 km cáp thông tin đảm bảo tính hiện đại và thông thoáng cảnh quan đô thị20. Đầu tư xây dựng Mạng kết nối không dây công cộng với 329 điểm phát sóng các khu vực trung tâm thành phố, các điểm du lịch, khu vực công cộng và Trung tâm hành chính thành phố và UBND các quận, huyện, xã, phường. Giai đoạn 2009-2014 thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (ICT Index). Giai đoạn 2011-2015, kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 126,1 triệu USD, tăng 26%/năm, với các thị trường chính Hoa Kỳ, Nhật Bản và Châu Âu. Tuy nhiên, một số dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin tập trung chậm triển khai đã ảnh hưởng đến mục tiêu đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành phố.

Dịch vụ tài chính - ngân hàng phát triển đa dạng về loại hình hoạt động, trên địa bàn thành phố có 57 chi nhánh, tổ chức tín dụng và 236 phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng21. Giai đoạn 2011-2015, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt 279,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2%/năm22; tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế ước đạt 287,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1%/năm23. Đến cuối quý III/2014 dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn đạt 284 tỷ đồng, chiếm 0,47% tổng dư nợ24. Đến tháng 11/2014 đã có 207 khách hàng được vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN, dư nợ đạt 41,1 tỷ đồng. Phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong hoạt động thu đổi ngoại tệ, góp phần ổn định hoạt động ngoại hối trên địa bàn. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Đà Nẵng đã triển khai thực hiện hướng dẫn và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho gần 30 doanh nghiệp25. Đến nay, có hơn 97 điểm giao dịch (bao gồm TCTD và doanh nghiệp) trên địa bàn được NHTW cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao dịch mua bán, vàng trên địa bàn. Thực hiện chủ trương “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng đã xây dựng và thực hiện Chương trình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng26 và giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản vay cũ về mức dưới 13%/năm27.

1.2.2. Sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, tập trung thu hút công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin

Giai đoạn 2011-2015, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế, thị trường trong nước còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường bất động sản suy giảm đã kéo theo ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sắt thép tiêu thụ chậm; xuất khẩu ngoài chịu những rào cản phi thuế quan; bên cạnh đó lãi suất cao, giá nguyên vật liệu đầu vào biến động tăng liên tục, nguồn lao động biến động và trình độ tay nghề thấp cũng là những vấn đề tác động xấu đến kết quả thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, dự kiến đến 2015 tình hình sản xuất có chuyển biến và phục hồi tăng trưởng nhờ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn dần phát huy tác dụng, nhiều doanh nghiệp tìm kiếm hướng đi riêng cho mình nhằm phù hợp với điều kiện mới như: định hướng lại chiến lược kinh doanh, giảm thiểu các chi phí kinh doanh, định hướng thị trường cho sản phẩm...



Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2015 ước tăng 10%/năm (KH: 11,5-12,5%). Cơ cấu các thành phần kinh tế trong công nghiệp chuyển dịch tích cực, kinh tế nhà nước giảm từ 29,9% năm 2010 xuống còn 21,4% ước năm 2015; kinh tế ngoài nhà nước giảm từ 49,2% xuống còn 45,3%; kinh tế có vốn ĐTNN tăng từ 26,8% lên 33,2%. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò chủ đạo. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chuyển biến với tỷ trọng lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và ngành sản xuất kim loại có xu hướng tăng, ngược lại ngành chế biến thực phẩm, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác hay sản xuất thiết bị điện lại đang giảm sút.

Bên cạnh những sản phẩm chủ lực truyền thống như thủy sản đông lạnh, quần áo may sẵn, săm lốp ô tô, xi măng, thép, cấu kiện kim loại, bia… công nghiệp thành phố đã hình thành các sản phẩm mới góp phần làm phong phú, đa dạng các sản phẩm công nghiệp của thành phố như: ô tô; linh kiện, thiết bị điện-điện tử; nước giải khát; sữa; thực phẩm chế biến để xuất khẩu; tàu thủy và một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành sản xuất khác. Nhiều dự án mới có quy mô khá lớn đã đi vào hoạt động28, góp phần tạo giá trị gia tăng cao, cải thiện tăng trưởng công nghiệp trong cả nhiệm kỳ. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn đã hình thành thương hiệu và tạo uy tín như: DRC, Vicem Hải Vân, Cosevco, DNY, Pacific, Seaprodex, Larue, Hòa Thọ, Danatex, Hachiba, Danapha… Việc đầu tư đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ ở các doanh nghiệp chuyển biến rõ nét, phần lớn máy móc thiết bị được sản xuất sau năm 2000.



Công nghiệp hỗ trợ bước đầu phát triển với giá trị sản xuất chiếm hơn ¼ giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp với khoảng 80 doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, các sản phẩm đáp ứng cho ngành công nghiệp mới chỉ dừng lại ở một số ít sản phẩm linh kiện chất lượng cao của các doanh nghiệp FDI, đa số các sản phẩm đơn giản với chất lượng trung bình và kém phong phú về chủng loại đã phần nào ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư sản xuất, lắp ráp các sản phẩm kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại, cũng như ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của sản phẩm do phải nhập khẩu chi tiết, linh kiện, nguyên phụ liệu với chi phí cao.

Công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) phát triển khá, dần trở thành ngành công nghiệp quan trọng. Hiện thành phố có gần 700 doanh nghiệp, cơ quan, viện nghiên cứu, trường học hoạt động trong lĩnh vực CNTT với các hoạt động chính là tích hợp giải pháp, sản xuất gia công phần mềm, dịch vụ và đào tạo nhân lực CNTT. Hạ tầng CNTT được tập trung đầu tư phát triển; Khu công nghệ thông tin tập trung đang được tiến hành xây dựng nhưng tiến độ chậm29; đang xúc tiến xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung số 2 (55,6 ha), Khu Công viên phần mềm số 2 (10 ha); nâng cấp hệ thống hạ tầng CNTT toàn thành phố, đảm bảo 100% đơn vị, đặc biệt là cấp xã, phường có mạng LAN và kết nối Internet sử dụng đường truyền tốc độ cao..., góp phần hỗ trợ tích cực các dịch vụ công và xây dựng chính quyền điện tử.

1.2.3. Phát triển kinh tế biển, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, bền vững

Nông nghiệp phát triển theo hướng phục vụ cho đô thị, du lịch; quy hoạch và từng bước hình thành nông nghiệp đô thị sinh thái, với các vùng chuyên canh trồng hoa, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, sản xuất nấm ăn và các vùng sản xuất rau an toàn30; phát triển chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại; đồng thời tăng cường công tác tiêm phòng, quản lý, kiểm soát các hoạt động giết mổ, kiểm dịch động vật và vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, không để xảy ra dịch bệnh. Chương trình nông thôn mới được đẩy mạnh thực hiện tại 11 xã thuộc huyện Hòa Vang, đến cuối năm 2014 có 05/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phước) và phấn đấu đến cuối năm 2015 có 11/11 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (Giá ss2010) ước đạt 4,5%/năm (KH: 3-3,5%/năm).

Tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển được chú trọng khai thác theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW về chiến lược biển. Hoạt động khai thác thủy sản tuy gặp khó khăn song Chính phủ và thành phố đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển như: trong 3 năm 2011-2014, đã thực hiện hỗ trợ ngư theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ cho 477 lượt tàu, kinh phí 80,4 tỷ đồng31; bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng đã ban hành chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ32 và đã hỗ trợ đóng mới 10 tàu (400 CV trở lên) với kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng và đang hoàn thành hồ sơ, thủ tục hỗ trợ đóng mới cho 10 tàu của ngư dân thành phố... góp phần nâng cao năng lực khai thác xa bờ, gắn khai thác với bảo vệ an ninh quốc phòng trên biển. Đến nay, thành phố có 1.281 chiếc tàu, với tổng công suất: 126.244 Cv, riêng tàu công suất 90 Cv trở lên là 269 chiếc. Sản lượng khai thác hải sản giai đoạn 2011-2015 ước đạt 173.200 tấn, bình quân đạt 34.640 tấn/năm.

1.2.4. Môi trường đầu tư được cải thiện, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước

Thành phố đã tích cực triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp như: tăng cường cho vay đầu tư từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố, thành lập và đưa vào sử dụng Quỹ bão lãnh tính dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, ưu đãi đầu tư vào khu công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm, đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch, đầu tư và phát triển tàu du lịch trên sông Hàn, đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển dịch vụ; tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, kêu gọi các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước về giảm lãi suất, đơn giản thủ tục cho vay, cơ cấu lại các khoản nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất kịp thời cho các dự án đầu tư, rút gọn và cải cách các thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp… Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được thực hiện tốt, cơ chế một cửa, một cửa liên thông phát huy hiệu quả, đặc biệt 100% cơ quan chuyên môn, quận, huyện, phường, xã thực hiện đồng bộ cơ chế một cửa, góp phần giảm thủ tục hành chính, loại bỏ thủ tục không cần thiết, tiết kiệm thời gian và chi phí cho công dân, tổ chức.

Thu hút đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục được đẩy mạnh, song do ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế nên nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn có tăng nhưng chưa đáp ứng mục tiêu đề ra, đầu tư công, đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 159,2 ngàn tỷ đồng, tăng 9,4%/năm.

Trong 5 năm, thành phố dự kiến cấp phép đầu tư cho 70 dự án đầu tư lớn trong nước, tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 30.000 tỷ đồng. Hầu hết các dự án tập trung đầu tư phát triển các ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội…33; dự kiến cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho khoảng 11.742 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký dự kiến đạt trên 34.080 tỷ đồng; dự kiến đến cuối năm 2015, thành phố có khoảng 18.000 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, tăng 72,2% so với cuối năm 2011. Từ tháng 4/2013, thành phố đã triển khai đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Năm 2014 được xác định là “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng”, thành phố đã tích cực đề ra Chương trình hoạt động trong đó tập trung đẩy mạnh thực hiện 6 giải pháp34 cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp kp thi giải quyết nhng khó khăn, vướng mc, thúc đẩy hot động sn xut, kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố. Tuy nhiên, với 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa, hầu hết có nguồn vốn đầu tư thấp, năng lực quản trị và cạnh tranh thấp, chưa có chiến lược kinh doanh dài hạn và đầu tư, mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ.v.v.. nên hầu hết các doanh nghiệp chỉ hướng đến mục tiêu tồn tại và chưa tranh thủ các chính sách hỗ trợ, khai thác nguồn vốn vay ưu đãi trung và dài hạn để tái cấu trúc và phát triển.

Giai đoạn 2011-2015 thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của thành phố tập trung lĩnh vực dịch vụ, thương mại. Nhiều dự án kinh doanh bất động sản có quy mô lớn tiếp tục được cấp Giấy chứng nhận đầu tư35. Ngoài ra, thành phố cũng đã thu hút các dự án trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp36 và công nghệ cao37 đầu tư tại các Khu công nghiệp và Khu Công nghệ cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới, quy mô thu hút đầu tư giai đoạn 2011-2015 đạt thấp, chưa có các nhà đầu tư thực sự lớn đầu tư vào thành phố, các dự án FDI được cấp phép đang có xu hướng chuyển dịch từ các dự án dịch vụ, thương mại, du lịch và các khu nghỉ dưỡng cao cấp sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ, dịch vụ tư vấn có quy mô vừa và nhỏ. Giai đoạn 2011-2015, thành phố dự kiến thu hút được 186 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 748 triệu USD. Lũy kế đến nay, thành phố đã thu hút 307 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 3,379 tỷ USD, bình quân thu hút 61 dự án/năm, chất lượng dự án đầu tư được nâng lên, vốn thực hiện đạt 1,269 tỷ USD, đạt 37,6% vốn đăng ký. Các doanh nghiệp FDI bình quân đóng góp ngân sách ước 40.000 USD/năm, giải quyết việc làm cho 44.000 lao động và góp phần tạo sự đa dạng về hàng hóa, sản phẩm của thành phố như: dệt may xuất khẩu, đồ chơi trẻ em, dăm gỗ xuất khẩu, hàng hải sản xuất khẩu, đèn cầy, găng tay và sản phẩm bảo hộ lao động, bia, nước giải khát, hàng dệt kim, hàng điện tử, thiết bị điện, máy biến thế, quần áo veston.

Hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đạt kết quả khá. Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã xúc tiến đầu tư 15 dự án sử dụng nguồn vốn ODA với tổng vốn đầu tư khoảng 701,52 triệu USD, trong đó vốn ODA là 539,61 triệu USD, chiếm 77% tổng vốn, vốn đối ứng là 161,91 triệu USD, chiếm 23% tổng vốn. Hiện nay, đã có 07 dự án hoàn thành với tổng vốn đầu tư 297,33 triệu USD, có 08 dự án đang được triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư trên khoảng 404,19 triệu USD, trong đó vốn ODA là 319,94 triệu USD. Các dự án ODA đã và đang triển khai mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho thành phố trong các lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải, giao thông và y tế38. Công tác xúc tiến các dự án ODA đạt kết quả tốt, thành phố đang tập trung xúc tiến 07 dự án, trong đó có 03 dự án đầu tư và 04 dự án hỗ trợ kỹ thuật chủ yếu thuộc lĩnh vực giao thông, hạ tầng thoát nước và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nổi bật là dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 272,7 triệu USD tài trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB); dự án Xây dựng Hành lang Kinh tế Đông Tây 2 (EWEC2), vốn đầu tư 320 triệu USD tài trợ từ Ngân hàng Phát triển Châu Á. Thành phố cũng thường xuyên xúc tiến, tiếp cận các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư quốc tế, vận động hỗ trợ nghiên cứu cơ chế Hợp tác công tư (PPP) để huy động các nhà đầu tư tư nhân hợp tác trong xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng. Bước đầu đã kêu gọi được một số tổ chức tài chính quốc tế quan tâm như: Tổ chức Tài chính quốc tế của WB, các nhà đầu tư Nhật Bản v.v.. Giai đoạn 2011-2015, thành phố dự kiến phê duyệt 373 khoản viện trợ phi chính phủ (NGO), tổng giá trị cam kết 604,5 tỷ đồng. Các chương trình, dự án viện trợ chăm sóc người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, xoá đói giảm nghèo v.v… đã góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của thành phố.



1.2.5. Hoạt động đối ngoại

Các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế được chú trọng, đẩy mạnh trên cả 03 lĩnh vực ngoại giao chính trị, kinh tế và văn hóa. Thành phố đã đón tiếp mỗi năm từ 80-100 đoàn khách quốc tế, ước 5 năm đạt gần 450 đoàn39. Thông qua các buổi làm việc đã tạo mối quan hệ và mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế. Hình ảnh của thành phố được quảng bá hiệu quả qua các sự kiện văn hóa quốc tế hàng năm như: Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế (DIFC) các năm 2011, 2012, 2013 và 2015; Cuộc thi marathon quốc tế, Cuộc thi dù bay quốc tế, Lễ hội giao lưu văn hóa ẩm thực Việt Nam và Nhật Bản, các buổi tọa đàm giao lưu, liên hoan phim, biểu diễn nghệ thuật.v.v... Các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế về đầu tư, thương mại, kiến trúc, các hội nghị cấp cao của ASEAN.v.v..



1.2.6. Công tác điều hành thu chi ngân sách nhà nước

Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, Thành phố đã tích cực triển khai các biện pháp đẩy mạnh các nguồn thu từ thuế và phí, thu chuyển quyền sử dụng đất, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thật sự cần thiết, kiểm soát chặt chẽ việc bố trí vốn và chi đầu tư xây dựng cơ bản… để đảm bảo cân đối ngân sách, duy trì hoạt động ổn định bộ máy, chi cho các nhiệm vụ thiết yếu, các công trình trọng điểm, cấp bách. Giai đoạn 2011-2015 tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 64,88 ngàn tỷ đồng, tăng 0,1%/năm, trong đó: thu nội địa ước đạt 44,7 ngàn tỷ đồng, tăng 0,2%/năm; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 11,88 ngàn tỷ đồng, tăng 3,5%/năm. Nguồn thu ngân sách giảm do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, song cơ cấu nguồn thu chuyển biến tích cực, bền vững với nguồn thu nội địa từ thuế và phí tỷ trọng đóng góp cho ngân sách ngày càng tăng. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 67,44 ngàn tỷ đồng, tăng 5,9%/năm, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 32,8 ngàn tỷ đồng, giảm 3%/năm, chi thường xuyên ước đạt 20,7 ngàn tỷ đồng, tăng 15,9%/năm.
2. Tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại gắn với tăng cường công tác quản lý xây dựng cơ bản, quản lý quy hoạch đô thị, xây dựng thành phố môi trường

Việc tập trung nguồn lực đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng thành phố trong các năm gần đây đã góp phần quyết định đẩy nhanh sự thay đổi đáng kể và rõ nét bộ mặt và tiện ích đô thị của thành phố, làm cho thành phố trở nên khang trang sạch đẹp, hấp dẫn và đáng sống.



Thành phố tiếp tục tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhằm xây dựng diện mạo đô thị văn minh, hiện đại. Đến nay, đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình lớn như: Cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Hòa Xuân, cầu Khuê Đông; các tuyến đường Nguyễn Văn Linh nối dài, Trần Hưng Đạo nối dài, đường Võ Chí Công, đường Võ Văn Kiệt, đường ĐT 601, ĐT 604, đường nối từ cầu Hòa Xuân và Khu đô thị sinh thái Hòa Quý, đường vành đai phía Nam (gđ1); các Khu tái định cư phục vụ giải tỏa Sân vận động Chi Lăng; quần thể du lịch sinh thái Sơn Trà, Bà Nà - Suối Mơ; xây dựng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thành trường THPT chuyên chất lượng cao; Bệnh viện Ung thư (500 giường), Bệnh viện Phụ sản-Nhi (600 giường), nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng quy mô 1.100 giường; Cung Thể thao Tiên Sơn; Trung tâm hành chính thành phố, Nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng (gđ1, TW đầu tư); một số công trình lớn đang triển khai như: Nút giao thông khác mức ngã ba Huế, Khu công nghệ cao, công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn (gđ1), Sân vận động Hòa Xuân 20.000 chỗ ngồi (khu liên hợp thể thao), đường vành đai phía Nam (gđ2), khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (TW đầu tư), ngoài ra thành phố đang tích cực chủ động làm việc với các Bộ, ngành Trung ương, đôn đốc các chủ đầu tư và huy động các nguồn vốn để thực hiện một số dự án lớn có chủ trương nhưng chưa triển khai40.

Thành phố đã tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các giải pháp liên quan đến cắt giảm và tái cơ cấu đầu tư công; Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; thực hiện điều chuyển, giảm, giãn tiến độ một số công trình, dự án trong điều kiện nguồn thu ngân sách gặp nhiều khó khăn nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu đầu tư có trọng điểm, quy mô hợp lý, ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho các công trình trọng điểm, bức thiết về an sinh xã hội, bố trí tái định cư, phòng chống thiên tai, quốc phòng - an ninh v.v... Tổng chi xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện 5 năm 2011-2015 ước đạt 32.801,9 tỷ đồng, giảm 3%/năm và bằng 45,7% tổng chi ngân sách địa phương. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và địa phương còn khó khăn, thành phố đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và có nhiều cách làm mới, sáng tạo phù hợp với thực tiễn để phát huy tối đa nội lực, nổi bật là chủ trương “Khai thác quỹ đất”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển..., đã tạo nguồn lực to lớn cho đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố. Ngoài ra, thành phố cũng đang nghiên cứu để triển khai một số dự án đầu tư theo hình thức BOT, PPP.

Thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị và môi trường. Thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 theo Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04/12/2013; giai đoạn 2011-2014 đã phê duyệt 1.638 đồ án kiến trúc quy hoạch. Thường xuyên xử lý, cập nhật và tổ chức khớp nối các đồ án quy hoạch được duyệt trên địa bàn thành phố, phát hiện kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình khớp nối để xử lý; thực hiện các biện pháp kiên quyết đối với các dự án treo, không và chậm triển khai gắn với việc giải quyết thỏa đáng các quyền lợi của nhân dân. Thành phố đã tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước, điện chiếu sáng, thu gom và xử lý rác thải, nước thải, xử lý các điểm ngập úng, phát triển cây xanh41 cùng với việc cải tạo chỉnh trang các khu đô thị cũ, xây dựng các khu đô thị mới, các khu tái định cư, đặc biệt thành phố đang thực hiện Đề án “Có nhà ở” và Đề án “7.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp”; đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 176 khối nhà chung cư nhà ở xã hội với 8.952 căn hộ, đang triển khai xây dựng 128 khối nhà chung cư với 17.465 căn hộ; các Khu ký túc xá đã đưa vào sử dụng và đang triển khai cùng với các dự án nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp sẽ góp phần tạo quỹ nhà ở lớn để bố trí cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, tái định cư, công nhân các khu công nghiệp và sinh viên các trường trên địa bàn.



Công tác đền bù giải toả, bố trí tái định cư được thực hiện quyết liệt, không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người, hạn chế số trường hợp cưỡng chế. Thành phố đã phân công lãnh đạo UBND phụ trách từng địa bàn cụ thể, trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo các chủ đầu tư, điều hành dự án và các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời những vướng mắc trong đền bù giải tỏa, đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng kỹ thuật các khu TĐC để kịp thời có đất thực tế phục vụ bố trí tái định cư, đồng thời bàn giao mặt bằng để thực hiện các dự án. Tập trung tổng rà soát, kiểm tra quỹ đất tái định cư của các dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, chỉ đạo xử lý triệt để từng trường hợp, đảm bảo công bằng, công khai, đúng quy định.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”, thực hiện Đề án “Thu gom rác thải theo giờ”, đặt thùng rác theo giờ tại 41/41 tuyến đường và các khu dân cư nội thành42. Ô nhiễm môi trường do nước thải công nghiệp cơ bản được kiểm soát nhờ thúc đẩy đầu tư xây dựng hạ tầng xử lý nước thải tập trung; 05/06 khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ đấu nối nước thải đạt 98%43; 100% chất thải nguy hại được thu gom và xử lý bằng biện pháp đốt tại bãi rác Khánh Sơn; 100% chất thải nguy hại y tế được thu gom và xử lý đạt yêu cầu; tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt 93% tăng 7% so với giai đoạn 2006-2010, trong đó khu vực thành thị 98%. Thành phố đã tập trung xử lý các điểm nóng và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững44. Hoàn thành xây dựng kế hoạch khắc phục sự cố môi trường sau bão lũ theo Quyết định số 7123/QĐ-UBND ngày 08/10/2014 UBND thành phố.

3. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực thi các chính sách xã hội giàu tính nhân văn, quan tâm đầu tư và phát triển các lĩnh vực xã hội

Hoạt động giáo dục góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mạng lưới trường lớp được quy hoạch, mở rộng ở các ngành học, bậc học45; cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị trường học được đảm bảo đáp ứng giai đoạn 1 học 02 buổi/ngày cho học sinh tiểu học, giải quyết tình trạng vượt quá quy định về sĩ số trẻ/nhóm, lớp mầm non và học sinh/lớp phổ thông. Thành tích các kỳ thi quốc gia và quốc tế được duy trì và cải thiện, nhất là các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, kỳ thi toán trên máy tính cầm tay, các kỳ thi Olympic quốc tế46 v.v.. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đúng độ tuổi, thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học vào năm 2013. Triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Hai không” và khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Thường xuyên thanh, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm, hoạt động của các cơ sở, nhóm, lớp nhà trẻ, mầm non; thực hiện nghiêm túc việc không tuyển sinh trái tuyến tại các trường khu vực trung tâm, ban hành quy định tuyển sinh đầu vào các cấp. Triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo47.

Thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực và đào tạo theo nhu cầu phát triển xã hội giai đoạn 2011-2020, thành phố đã chú trọng thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến năm 2015, lực lượng lao động thành phố ước đạt 538.730 lao động, chiếm 48% dân số, trong đó khu vực thành thị chiếm 86%. Công tác đào tạo, thu hút và bồi dưỡng nguồn nhân lực tiếp tục được chú trọng, đến nay, thành phố đã cử 61848 lượt học viên đi học theo Đề án 922, trong đó 394 học viên bậc đại học (163 học trong nước, 231 học ở nước ngoài), 105 lượt học viên sau đại học ở nước ngoài (85 bậc thạc sĩ và 20 bậc tiến sĩ),119 học viên tham gia Đề án theo Kế hoạch đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú), có 296/319 lượt học viên tốt nghiệp đã được bố trí công tác; thu hút 333 người, trong đó có 05 tiến sĩ, 75 thạc sĩ và 253 tốt nghiệp đại học được bố trí công tác tại các sở, ban, ngành và các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; hàng năm có từ 4.000-4.500 cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ; đã tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, qua đó có 45 người được bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị...

Hoạt động khoa học công nghệ được chú trọng, hoạt động nghiên cứu ứng dụng được nâng cao, triển khai thực hiện các đề tài, dự án bám sát theo mục tiêu và nội dung 06 chương trình khoa học công nghệ trọng điểm của thành phố49, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới50. Tích cực thực hiện Chương trình tiết kiệm năng lượng, triển khai Đề án Sử dụng năng lượng tiết kiệm và ứng dụng năng lượng tái tạo giai đoạn 2011-201551. Từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng khoa học và công nghệ, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất của các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ52. Giai đoạn 2011-2015, đã triển khai hiệu quả chương trình hợp tác phát triển khoa học công nghệ với các đơn vị trong và ngoài thành phố nhằm tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ, tranh thủ hỗ trợ về chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, thu hút đầu tư nguồn lực phát triển khoa học công nghệ.

Tăng cường quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, đo lường chất lượng, nhất là các cơ sở kinh doanh xăng dầu; thanh tra đo lường, ghi nhãn và chất lượng sắt thép, mũ bảo hiểm, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, các chợ, siêu thị53 v.v...



Hoạt động y tế tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tăng cường phòng chống, giám sát dịch tễ, không để bùng phát dịch bệnh. Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng, kiểm soát, không để bùng phát và tử vong do dịch bệnh, kịp thời tập trung hướng dẫn xây dựng phương án chủ động, sẵn sàng đối phó và kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch cúm A (H1N1), Tay chân miệng, Sốt xuất huyết, Sởi, Ebola v.v.. Tích cực triển khai chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ, tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi tiêm chủng đầy đủ đều đạt 99% qua các năm. Tiếp tục duy trì tỷ lệ tham gia BHYT toàn dân, đến nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT hàng năm đạt trên 90%. Công tác dân số kế hoạch hoá gia đình được đầu tư hợp lý, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đặc biệt là vùng đông dân, vùng có mức sinh cao. Đến năm 2015, mức giảm tỷ lệ sinh ước đạt 0,15%o, dân số trung bình ước đạt 1.032 nghìn người, tăng 2,2%/năm.

Trang thiết bị y tế luôn được chú ý đầu tư theo xu hướng phát triển hiện đại tạo điều kiện tăng cường các hoạt động y tế chuyên sâu. Một số cơ sở y tế công lập được thành lập mới như: Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang; Khu hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện đa khoa quận Hải Châu; đầu tư mới Trung tâm Tim mạch, trang thiết bị bệnh viện sản nhi, bệnh viện Đa Khoa, các trạm xử lý nước thải bệnh viện các quận, huyện và bệnh viện Sản - Nhi, chuẩn bị đầu tư cho bệnh viện Sản - Nhi giai đoạn 2 v.v.. Thực hiện xã hội hóa hoạt động y tế, tạo điều kiện phát triển hệ thống y tế tư nhân 54.



Hoạt động văn hóa góp phần xây dựng đô thị văn minh hiện đại. Thành phố đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền cổ động trực quan các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ và các sự kiện lớn của thành phố. Công tác trùng tu, bảo tồn, tôn tạo các bảo tàng, di tích được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, ý thức trong việc bảo vệ, giữ gìn di tích lịch sử văn hoá được nâng cao, đến nay, thành phố có 17 di tích cấp quốc gia và 47 di tích cấp thành phố. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm, tiến hành khảo sát, đánh giá lại hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn các quận, huyện 55; tập trung triển khai các công trình văn hóa trọng điểm như: Thư viện Khoa học tổng hợp, Bảo tàng Mỹ thuật, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Bảo tàng Điêu khắc Chăm; rà soát, lập dự án 37 khu vui chơi giải trí, đầu tư một số hạng mục Công viên 29/3, Công viên Thanh niên và đề xuất các chính sách ưu đãi Khu công viên Asia Park. Tăng cường quản lý, kiểm tra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, quảng cáo; kiểm tra và xử lý các biển hiệu quảng cáo ven biển sai quy định.

Hoạt động thể dục thể thao phát triển, thể thao thành tích cao và phong trào thể dục thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi theo hướng đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực của các tổ chức xã hội. Thể thao thành tích cao phát triển, xây dựng đội ngũ Huấn luyện viên, Vận động viên chuyên nghiệp; phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đạt nhiều thành tích cao ở các giải quốc gia, khu vực và thế giới; đến nay, 90% lực lượng huấn luyện viên của ngành có khả năng đào tạo VĐV đạt trình độ VĐV cấp I và cấp kiện tướng quốc gia. Thành phố đã tập trung đầu tư một số công trình thể thao trọng điểm, đảm bảo tiềm lực đăng cai, tổ chức các giải đấu quốc gia, khu vực56.

Công tác đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng. Thành phố đã tập trung chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội, hộ nghèo và đồng bào dân tộc57; 100% gia đình chính sách có nhà ở ổn định, có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Đặc biệt, chương trình thành phố “5 không, 3 có” tiếp tục được duy trì, mang đậm tính nhân văn và dần định hình nét văn hoá của thành phố. Đề án giảm nghèo giai đoạn 2009-2015 (chuẩn thành phố) cơ bản đã hoàn thành, về đích trước 3 năm, với tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2012 còn dưới 1% (NQ đến năm 2015: 0%)58. Từ năm 2013, thành phố thực hiện chuẩn nghèo mới59, ước đến năm 2015 không còn hộ nghèo theo chuẩn mới thành phố theo mục tiêu đề ra trong giai đoan 2013 - 2017. Thực hiện mục tiêu “Không có học sinh bỏ học”, đến cuối năm học 2012-2013, số học sinh bỏ học thực tế là 95 em, chiếm 0,02% so với tổng số học sinh toàn thành phố. Mục tiêu “Không có người lang thang xin ăn” được tăng cường với nhiều biện pháp xử lý tình trạng xin ăn biến tướng, bán hàng rong, lang thang đánh giày. Thành phố kiên trì thực hiện mục tiêu “Không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng”, chú trọng công tác quản lý cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai, đến nay không còn các tụ điểm, điểm nóng về ma tuý. Phong trào quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm được triển khai sâu rộng, cùng với các đợt tấn công, trấn áp các băng nhóm tội phạm đã góp phần kìm chế các vụ trọng án và duy trì mục tiêu “Không có giết người để cướp của.

Mục tiêu “Có nhà ở” được triển khai đồng bộ và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực60. Công tác quản lý, bố trí và sử dụng chung cư được chú trọng, quyết liệt xử lý các trường hợp tiêu cực và vi phạm61. Thực hiện mục tiêu “Có việc làm”, thành phố đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Có việc làm, tăng cường các hoạt động kết nối giải quyết việc làm và thực hiện nhiều cơ chế về vốn, thông tin thị trường v.v.. cho doanh nghiệp, góp phần giúp các thành phần kinh tế ổn định sản xuất kinh doanh, tạo được việc làm mới cho xã hội; từ 2011-2013 đã tổ chức được 70 phiên giao dịch, ước thực hiện 2014-2015 tổ chức được 67 phiên, nâng tổng số lao động giải quyết được việc làm trong 5 năm thông qua sàn lên 42.970 lao động. Giai đoạn 2011-2015, các thành phần kinh tế trên địa bàn ước tạo việc làm cho 154.880 lao động, dự kiến tỷ lệ thất nghiệp thành thị năm 2015 giảm còn 4,15%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 39% năm 2011 lên 45% năm 2015 (NQ: 55% năm 2015). Ngoài ra, các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm cũng được duy trì và phát triển có hiệu quả62. Đề án “Xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” được đẩy mạnh thực hiện gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cùng với các mô hình điểm “Tuyến đường văn minh đô thị”, “Chợ văn minh thương mại”, “Tổ dân phố không rác”, “Gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc”63.



Thực hiện tốt chính sách thương binh - liệt sĩ, người có công và các chính sách hỗ trợ. Thành phố cũng đã tổ chức thăm, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán và ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm và tặng quà đối tượng chính sách với kinh phí thực hiện bình quân trên dưới 20 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, toàn thành phố ước có 23.200 đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên theo mức quy định mới và trên 10.000 đối tượng hưởng thờ cúng; tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt nam anh hùng cho 1.500 Bà mẹ; duy trì phụng dưỡng chăm sóc các mẹ với mức 1 triệu đồng trở lên/tháng; quỹ “đền ơn đáp nghĩa” ước trong 5 năm hơn 70 tỷ đồng và được sử dụng vào việc hỗ trợ cải thiện nhà ở, trợ cấp khó khăn cho đối tượng chính sách, tôn tạo, nâng cấp NTLS… Xây dựng 203 nhà tình nghĩa; sửa chữa, nâng cấp cho hơn 3.300 nhà đối tượng chính sách. Việc nâng cấp sữa chữa nghĩa trang liệt sĩ đến nay cơ bản đã hoàn thành kiên cố hóa nghĩa trang giai đoạn 1.

Thành phố đã duy trì tốt các chính sách hỗ trợ, chăm sóc trẻ em, giai đoạn 2011- 2015 có trên 80.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, trẻ em thuộc diện hộ nghèo được hưởng các chính sách hỗ trợ khó khăn, học bổng, học nghề, xây nhà tình thương, trợ cấp thường xuyên... kinh phí trên 30 tỷ đồng; Thành phố đã phê duyệt dự án trợ giúp người khuyết tật do USAID tài trợ giai đoạn 2013-2015, kinh phí 3 triệu USD.


tải về 435.77 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương