DỰ thảO 4 chiến lưỢc quốc gia phòng chống và loại trừ BỆnh sốt rét giai đOẠN 2011-2020 VÀ ĐỊnh hưỚng đẾn năM 2030



tải về 403.52 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích403.52 Kb.
#21795
1   2   3   4

Kết quả phân vùng dịch tễ SR năm 2009 cho thấy cả nước đã có 62,7% quận, huyện, thị xã (437/697 huyện) (nếu tính theo đơn vị huyện) thuộc 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không còn bệnh SR lưu hành (tính theo đơn vị tỉnh). 16 tỉnh này thuộc giai đoạn phòng chống SR quay trở lại (theo chỉ số các giai đoạn loại trừ bệnh SR của WHO), sau 3 năm giám sát nếu vẫn không có ký sinh trùng nội địa thì mời WHO kiểm tra công nhận đã loại trừ SR. Toàn quốc hiện có 190 huyện SR lưu hành nhẹ thuộc 34 tỉnh (nếu tính theo đơn vị tỉnh) và 70 huyện có SR lưu hành nặng, vừa.

Phạm vi bệnh SR đã thu hẹp, tập trung chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, các tỉnh khu vực biên giới giáp với các nước Trung Quốc (tỉnh Vân Nam), Lào và Cam pu chia.


Để hướng đến loại trừ SR theo các giai đoạn do WHO khuyến cáo, phấn đấu đến năm 2020 ít nhất 40 tỉnh, thành phố đạt các chỉ tiêu loại trừ SR và đến năm 2030 loại trừ bệnh SR trên toàn quốc. Việc xây dựng Chiến lược phòng chống và loại trừ bệnh SR là rất cần thiết, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt cho người dân nghèo sống ở miền núi, vùng sâu vùng xa, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

PHẦN II


KẾT QUẢ PHÒNG CHỐNG SỐT RÉT ĐẾN NĂM 2010


  1. TÌNH HÌNH SỐT RÉT TRÊN THẾ GIỚI VÀ KHU VỰC

Đến năm 2008, bệnh SR vẫn lưu hành ở 108 quốc gia: Khoảng 208 triệu người mắc và 767 nghìn người chết do SR ở Châu Phi; Châu Mỹ có khoảng 1 triệu người mắc và khoảng 1 nghìn người chết; Khu vực Đông Địa Trung Hải có khoảng 9 triệu người mắc và 52 nghìn người chết do SR. Khu vực Đông Nam Á có khoảng 24 triệu người mắc và khoảng 40 nghìn người chết. Khu vực Tây Thái Bình Dương ước tính 2 triệu người mắc và khoảng 3 nghìn người chết do SR (WHO, năm 2008).

Tình hình SR ở khu vực Tây Thái Bình Dương trong những năm đầu thế kỷ 21 đã giảm so với những năm cuối thế kỷ 20, nhưng vẫn còn khá nặng nề ở một số nước: Papua New Guinea, Campuchia, Quần đảo Solomon.

Số mắc và chết do SR ở các nước khu vực Đông Nam Á năm 2008: Campuchia có 46.637 người mắc và 209 người chết; Trung Quốc có 16.650 người mắc và 23 người chết; Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào có 19.676 người mắc và 13 người chết; Malaysia có 9.215 người mắc và 29 người chết; Papua New Guinea có 1.474.117 người mắc và 628 người chết; Philippines có 23.998 người mắc; Quần đảo Solomon có 612.811 người mắc và 21 người chết; Vanuatu có 237.343 người mắc và 1 người chết do SR (WHO, năm 2008).

Hai quốc gia có biên giới với Việt Nam là Lào và Campuchia đều có tỷ lệ mắc sốt rét cao (trên 3 người/1.000 dân) (năm 2008). Đặc biệt, tại Campuchia đã xác định có ký sinh trùng SR Plasmodium falciparum kháng thuốc Artesunat ở vùng biên giới với Thái Lan.




  1. KẾT QUẢ PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT RÉT TẠI VIỆT NAM

1. Tình hình bệnh SR trước năm 1991

Chương trình tiêu diệt SR được áp dụng ở miền Bắc từ năm 1961-1975: Sau 3 năm tấn công tiêu diệt bệnh SR ở miền Bắc, tỷ lệ ký sinh trùng SR/lam phát hiện năm 1964 giảm 20 lần so với năm 1958 (5.6%). Đến năm 1975, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng SR là 5/10.000 dân số.

Chương trình thanh toán bệnh SR được triển khai trên toàn quốc từ năm 1976-1990: Từ năm 1976 do hậu quả của chiến tranh và nhiều nguyên nhân khác như khó khăn về nguồn lực, về kinh tế xã hội, mạng lưới y tế cơ sở xuống cấp, di biến động dân rất lớn giữa các vùng miền, bên cạnh là các khó khăn kỹ thuật (ký sinh trùng SR kháng thuốc, muỗi truyền bệnh sống ngoài nhà...), bệnh SR đã tăng cao ở nhiều nơi. Năm 1980, bệnh SR đã gia tăng ở nhiều tỉnh vùng rừng núi và ven biển, có 1.138 người chết do SR và 511.557 người mắc SR trên toàn quốc.

Trong những năm 1980-1990, nước ta vẫn tiếp tục thực hiện chương trình thanh toán SR không hạn định thời gian trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế xã hội, mạng lưới y tế cơ sở ngày càng xuống cấp. Bệnh SR đã dần dần quay trở lại ở hầu hết các tỉnh vùng rừng núi, trung du và đồng bằng ven biển. Năm 1991 cả nước đã xảy ra 144 vụ dịch SR, trên 1 triệu người mắc SR và gần 5 nghìn người chết do SR.

2.Tình hình thực hiện các mục tiêu trong phòng chống bệnh SR ở Việt Nam từ năm 1991 đến năm 2010


  1. Kết quả phòng chống SR đã đạt được

Từ năm 1991 nước ta thực hiện chiến lược phòng chống SR và Dự án phòng chống SR là một dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia ưu tiên cho đến nay. Được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Nhà nước cùng với sự nỗ lực quyết tâm của cán bộ ngành Y tế, công tác phòng chống SR ở nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể. Bệnh SR đã bị đẩy lùi qua từng năm:

Sau 10 năm thực hiện phòng chống SR: Số người mắc SR giảm 73,1% so với năm 1991 (1.091.251 người); số người chết do SR giảm 98,5% so với năm 1991 (4.646 người), 2 vụ dịch SR (phạm vi thôn, bản), giảm 98,6% so với năm 1991 (144 vụ dịch).

Sau 20 năm thực hiện phòng chống SR đã đạt và vượt mục tiêu của Chính phủ theo Quyết định số 108/2007/QĐ-TTg ngày 17/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ: Đến năm 2010, không có dịch xảy ra, cả nước ghi nhận 20 người chết do SR, 53.876 trường hợp mắc SR. Tỷ lệ chết do SR /100.000 dân là 0,02, giảm 89,5% so với năm 2000 (148 người). Tỷ lệ mắc SR/1.000 dân là 0,61, giảm 84,1% so với năm 2000 (293.016 người). Tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng SR/1.000 dân là 0,19. Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm có từ 10 triệu đến 12 triệu người trong vùng SR lưu hành được bảo vệ bằng hóa chất diệt muỗi miễn phí, trong đó 1,2 triệu - 2 triệu người được bảo vệ bằng hoá chất phun tồn lưu và 9,5 triệu - 10 triệu người được bảo vệ bằng màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Thuốc SR được cấp miễn phí từ 1 triệu -2 triệu liều/năm.

Các số liệu trên đã khẳng định sự tăng cường chỉ đạo và đầu tư của Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và chiến lược phòng chống SR trong những năm qua có mục tiêu, chỉ tiêu và các giải pháp phòng chống SR phù hợp, đúng đắn, có hiệu quả cao và đã đạt được các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, để hướng tới loại trừ SR trong cả nước đến năm 2030, cần phải có sự tăng cường đầu tư hơn nữa của Chính phủ về nhân lực và nguồn lực, sự tham gia phối hợp hoạt động của các Bộ, ngành liên quan và của cộng đồng trong công tác phòng chống, loại trừ SR, đặc biệt người dân tại các vùng SR lưu hành.



  1. Nguồn tài chính phòng chống SR

Ngân sách cho công tác phòng chống SR gồm hai nguồn: nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn hợp tác quốc tế (vốn vay của Ngân hàng thế giới và viện trợ không hoàn lại).

- Nguồn ngân sách Nhà nước: thông qua Chương trình mục tiêu phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS hàng năm là trên 65 tỷ đồng (Từ năm 2001- 2009 là 664 tỷ đồng).

- Nguồn hợp tác quốc tế: Trong giai đoạn từ 2001 đến nay chương trình PCSR đã nhận được sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế với tổng kinh phí khoảng 50 triệu USD, chủ yếu cho các hoạt động: cung cấp màn, hóa chất diệt muỗi; cung cấp kính hiển vi, trang thiết bị xét nghiệm chẩn đoán sốt rét; phương tiện đi lại và trang thiết bị văn phòng; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế các tuyến, đặc biệt y tế tuyến xã, thôn bản; hỗ trợ công tác giám sát, truyền thông giáo dục sức khỏe.

3. Bài học kinh nghiệm trong công tác PCSR



  • Quan tâm, chỉ đạo của chính quyền các cấp: Dự án phòng chống SR là một dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, được Nhà nước, Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành, phố quan tâm chỉ đạo và đầu tư kinh phí. Dự án có hệ thống điều hành hoạt động từ trung ương đến địa phương (hệ thống ngành dọc từ trung ương đến cấp tỉnh và lồng ghép chung trong hệ thống y tế từ huyện đến thôn bản). Việc xây dựng và phát triển hệ thống y tế thôn bản hoạt động tốt là một giải pháp có tính chiến lược rất quan trọng để đưa các dịch vụ phòng chống SR đến từng người dân.

  • Xác định khu vực trọng điểm và tập trung nguồn lực: Khu vực miền Trung-Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa, các công trình trọng điểm kinh tế của Nhà nước. Kết hợp đẩy lùi bệnh SR với xây dựng và phát triển các yếu tố bền vững ngăn ngừa SR quay trở lại.

  • Nhà nước đã có chính sách thuốc SR thích hợp, đã nghiên cứu và sản xuất được các thuốc SR có hiệu lực cao; cung cấp đủ và miễn phí các loại thuốc SR tới tận thôn bản để điều trị cho người bệnh. Đảm bảo đủ hoá chất phòng chống muỗi truyền bệnh (phun và tẩm màn) cho các vùng SR lưu hành, đặc biệt vùng SR nặng và vừa. Tăng cường giám sát, quản lý ca bệnh, phát hiện dịch sớm và dập dịch kịp thời. Nghiên cứu và sản xuất các vật liệu, biện pháp truyền thông phù hợp với các nhóm dân có nguy cơ mắc SR cao. Kết hợp quân dân y trong phòng chống SR là hoạt động truyền thống và có hiệu quả cao, đặc biệt kết hợp với bộ đội biên phòng trong giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống SR ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.

  • Xã hội hóa công tác phòng chống SR để các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo; các ban ngành, đoàn thể tham gia triển khai các hoạt động phòng chống SR; cộng đồng dân cư nơi có bệnh SR lưu hành tích cực ủng hộ, thực hiện các biện pháp phòng chống SR (phun, tẩm màn, ngủ màn, tự mua màn chống muỗi cho bản thân và gia đình).




  1. THÁCH THỨC CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG CHỐNG SR HIỆN NAY

1. Thách thức về kinh tế xã hội:

  • Dân sống trong vùng bệnh SR lưu hành còn cao: trên 15 triệu người sống trong vùng SR lưu hành (Phân vùng dịch tễ SR năm 2009). Dân số vùng SR lưu hành chủ yếu là dân nghèo, sống ở các vùng rừng núi, vùng ven biển nước lợ, vùng các dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.

  • Giao lưu dân qua lại biên giới là các vùng SR nặng, đặc biệt qua Lào, Campuchia nơi còn có SR lưu hành cao và có ký sinh trùng SR kháng thuốc.

  • Di biến động dân giữa các địa phương theo mùa vụ từ vùng không còn bệnh SR vào vùng SR lưu hành nặng để làm kinh tế hàng năm rất lớn, ngoài tầm kiểm soát của Y tế làm cho tình hình SR không ổn định và có nguy cơ bùng phát dịch SR tại cả nơi có dân đi và nơi có dân đến.

  • Tập quán của người dân đi làm rừng, làm nương rẫy và ngủ lại qua đêm tại nơi làm việc. Những đối tượng này có tỷ lệ sử dụng màn và các biện pháp bảo vệ cá nhân khác rất thấp dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao.

2. Thách thức về nguồn lực

  • Thiếu bác sỹ làm công tác phòng chống SR so với nhu cầu. Y tế xã và nhân viên y tế thôn ở các xã và thôn bản vùng rừng núi, vùng sâu vùng xa còn thiếu biên chế, không ổn định, yếu về chuyên môn và thiếu kinh phí hoạt động.

  • Đã xuất hiện tư tưởng chủ quan ở một số cán bộ chính quyền địa phương và cán bộ chuyên môn ở một số vùng có bệnh SR giảm thấp nhiều năm cho là đã hết bệnh SR nên lơ là công tác chỉ đạo, giám sát và phát hiện bệnh SR tại địa bàn quản lý.

3. Thách thức về chuyên môn kỹ thuật

  • Y tế cơ sở chẩn đoán bệnh SR vẫn dựa vào triệu chứng lâm sàng là chính, chưa coi trọng lấy lam máu xét nghiệm ký sinh trùng cho người có sốt dẫn đến phát hiện và điều trị muộn.

  • Ký sinh trùng SR kháng thuốc có mặt ở nhiều tỉnh với mức độ kháng khác nhau nhưng phổ biến nhất ở khu vực miền Trung - Tây nguyên và miền Đông Nam bộ. Đã phát hiện ký sinh trùng SR kháng thuốc Artesunat (thuốc SR có hiệu quả cao trong điều trị SR hiện nay) tại tỉnh Bình Phước năm 2009 với tỷ lệ 14,6%.

  • Các tỉnh miền Bắc, số người chết và mắc SR đã giảm trong nhiều năm nhưng lại đối mặt với SR do P.vivax tái phát và dai dẳng. Điều trị tiệt căn chống tái phát đối với P.vivax đòi hỏi thời gian dùng thuốc dài ngày (14 ngày) nên người bệnh thường không uống thuốc đủ liều và đủ ngày, bệnh dễ tái phát.

  • Muỗi truyền bệnh SR An.minimusAn.dirus đốt người ngoài nhà và trú đậu ngoài nhà làm hoạt động phun và ngủ màn ít hiệu quả. Muỗi An.epiroticus truyền bệnh vùng ven biển Nam Bộ đã kháng hoặc có thể kháng hầu hết hoá chất diệt muỗi nhóm Pyrethroid.

PHẦN III

CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG VÀ LOẠI TRỪ

BỆNH SỐT RÉT Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

  1. CĂN CỨ XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC

1. Các căn cứ pháp lý: Luật và văn bản pháp qui của Nhà nước về phát triển ngành Y tế Việt Nam

    1. Năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 46-NQTW về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

    2. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007 đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua và có hiệu lực từ tháng 7/2008.

    3. Qui hoạch tổng thể phát triển ngành Y tế Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30/6/2006.

    4. Chiến lược quốc gia Y tế dự phòng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 255/2006/QĐ-TTg ngày 9/11/2006.

2. Các căn cứ khoa học và thực tiễn

  1. WHO đã khuyến cáo các nước có bệnh SR lưu hành triển khai chiến lược toàn cầu phòng chống và loại trừ SR:

Năm 2008, WHO đã tổ chức hội thảo tại Geneva thống nhất chiến lược toàn cầu phòng chống và loại trừ SR: Loại trừ bệnh SR là áp dụng các biện pháp phòng chống SR mạnh để cắt đứt lan truyền SR của muỗi truyền bệnh tại một vùng địa lý xác định; có nghĩa là tỷ lệ mắc bệnh tại địa phương là 0, chỉ còn bệnh nhân SR ngoại lai.

Chương trình loại trừ bệnh SR gồm 4 giai đoạn, không giới hạn thời gian cho từng giai đoạn mà căn cứ vào tỷ lệ bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng SR trên dân số vùng SR lưu hành.



  • Giai đoạn phòng chống SR tích cực đến khi đạt tỷ lệ ký sinh trùng/lam có sốt < 5% thì chuyển sang giai đoạn tiền loại trừ SR. Đơn vị để công nhận tiền loại trừ tối thiểu là đơn vị huyện với dân số khoảng 100.000 dân.

  • Giai đoạn tiền loại trừ bệnh SR: tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống SR tích cực làm giảm tỷ lệ chết do SR, giảm tỷ lệ ký sinh trùng/lam có sốt < 5% (tương đương với dưới 5 ký sinh trùng/1.000 dân số vùng SR lưu hành). Nguồn thu thập số liệu từ các cơ sở y tế và điều tra tại đỉnh cao của mùa truyền bệnh. Giai đoạn tiền loại trừ SR thực hiện đến khi nào đạt tỷ lệ ký sinh trùng SR dưới 1/1.000 dân số vùng SR lưu hành thì chuyển sang giai đoạn loại trừ SR.

  • Giai đoạn loại trừ SR: Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống SR tích cực để làm giảm tỷ lệ chết do SR, giảm tỷ ký sinh trùng SR nội địa xuống <1/1.000 dân số vùng SR lưu hành. Nguồn thu thập số liệu từ các cơ sở y tế và các báo cáo. Số liệu trên được khẳng định bằng điều tra tại đỉnh cao của mùa truyền bệnh. Giai đoạn loại trừ SR thực hiện đến khi tỷ lệ ký sinh trùng SR bằng không, không phát hiện được ca SR mới nào lan truyền tại địa phương thì chuyển sang giai đoạn đề phòng SR quay trở lại.

  • Giai đoạn đề phòng SR quay trở lại: Tăng cường các biện pháp để củng cố và duy trì tỷ lệ ký sinh trùng SR nội địa bằng không. Nguồn thu thập số liệu từ các cơ sở y tế và các báo cáo, điều tra ca bệnh. Sau 3 năm duy trì được tỷ lệ này thì Tổ chức Y tê Thế giới sẽ kiểm tra công nhận đã loại trừ sốt rét.

Đến năm 2009, có 82 quốc gia đang triển khai chương trình phòng chống SR; 27 quốc gia đang thực hiện chương trình loại trừ bệnh SR (8 quốc gia triển khai giai đoạn tiền loại trừ SR, 10 quốc gia triển khai giai đoạn loại trừ SR, 9 quốc gia triển khai giai đoạn đề phòng SR quay trở lại); 95 quốc gia và lãnh thổ đã được WHO kiểm tra công nhận không còn bệnh SR.

  1. Kế hoạch phòng chống và loại trừ bệnh SR khu vực Tây Thái Bình Dương giai đoạn 2010-2015.

Cuối năm 2009, WHO đã thông qua kế hoạch phòng chống và loại trừ bệnh SR của khu vực Tây Thái Bình Dương giai đoạn 2010-2015 với các mục đích: Củng cố và xây dựng thành quả phòng chống SR ở khu vực, từng bước loại trừ bệnh SR ở những nơi có thể. Đến năm 2015 các chỉ số phải đạt so với năm 2007 là: (1) Chết do SR giảm ít nhất 50%; (2) Ký sinh trùng SR giảm ít nhất 50%; (3) Tỷ lệ ký sinh trùng SR P. falciparum giảm; (4) Các trường hợp SR nhập viện giảm ít nhất 50%; (5) Tỷ lệ ký sinh trùng SR giảm dưới 5% ở ít nhất 6 nước; (6) Ít nhất 7 nước đạt mức cắt đứt lan truyền bệnh SR tại các vùng lựa chọn.

Với các mục tiêu: (1) Nâng cao việc quản lý chương trình SR dựa trên cam kết chính trị.(2) Đảm bảo diện bao phủ các biện pháp phòng chống muỗi truyền bệnh thích hợp cho toàn bộ dân có nguy cơ mắc SR. (3) Nâng cao tối đa việc sử dụng các dịch vụ phòng chống SR và tăng cường huy động cộng đồng cùng tham gia phòng chống SR. (4) Đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời bằng phối hợp thuốc SR, hiệu quả, an toàn và có thể chấp nhận được (về tài chính) thông qua các cơ sở y tế nhà nước và y tế tư nhân. (5) Đảm bảo diện bao phủ toàn bộ dân nghèo, dân có nguy cơ mắc SR cao, được bảo vệ bằng các biện pháp phòng chống SR thích hợp. (6) Xây dựng và củng cố hệ thống giám sát dịch tễ SR và đảm bảo đầy đủ khả năng đáp ứng phòng chống dịch SR. (7) Thúc đẩy các hoạt động loại trừ bệnh SR ở các nước.

Đến năm 2010, các nước Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Phi-lip-pin, Indonesia đã xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia loại trừ bệnh SR.




  1. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG, LOẠI TRỪ BỆNH SR

    1. Bệnh SR là bệnh dịch nguy hiểm, là gánh nặng bệnh tật đối với sức khỏe, tính mạng của con người. Bệnh SR lưu hành tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, văn hóa của người dân và của quốc gia. Do vậy, phòng chống và loại trừ bệnh SR phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài không chỉ riêng của ngành Y tế mà còn là nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cần phải tăng cường huy động cộng đồng tham gia phòng chống và loại trừ bệnh SR.

    2. Đầu tư cho công tác phòng, chống và loại trừ bệnh SR góp phần làm giảm gánh nặng bệnh tật cho nhân dân, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, đặc biệt đối với vùng miền núi, vùng vùng kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn.

    3. Xã hội hóa công tác phòng chống SR: Huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, phối hợp các ban ngành vào công tác phòng chống SR, trong đó y tế đóng vai trò chỉ đạo.

    4. Phòng chống SR tích cực, đạt hiệu quả cao tiến tới loại trừ bệnh SR theo hướng dẫn và các chỉ tiêu công nhận loại trừ bệnh SR của WHO.

    5. Tăng cường hợp tác song phương, đa phương, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới trong phòng chống và loại trừ bệnh SR.

III. CÁC NỘI DUNG CHÍNH CỦA CHIẾN LƯỢC



1. Mục tiêu chiến lược

1.1. Mục tiêu chung:

Phòng chống SR chủ động tích cực tại các vùng SR lưu hành nặng và vừa. Triển khai loại trừ bệnh SR ở các vùng SR đã giảm thấp trong nhiều năm. Đến năm 2020 tỷ lệ mắc SR đạt dưới 0,15/1.000 dân, tỷ lệ chết do SR dưới 0,02/100.000 dân, loại trừ bệnh SR tại ít nhất 40 tỉnh, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.



1.2. Mục tiêu cụ thể

  1. Đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán sớm bệnh SR, điều trị kịp thời hiệu quả, an toàn thông qua các cơ sở y tế nhà nước và y tế tư nhân.

  2. Đảm bảo diện bao phủ cho toàn bộ dân có nguy cơ mắc SR bằng các biện pháp phòng chống SR thích hợp.

  3. Nâng cao tối đa việc sử dụng các dịch vụ phòng chống SR và tăng cường huy động cộng đồng cùng tham gia phòng chống SR thông qua truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống và loại trừ SR.

  4. Nâng cao năng lực hệ thống giám sát dịch tễ SR và đảm bảo đầy đủ khả năng đáp ứng phòng chống dịch SR.

  5. Loại trừ bệnh SR tại các huyện, tỉnh có SR lưu hành nhẹ.

2. Các chỉ tiêu chiến lược

2.1. Đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán sớm bệnh SR, điều trị kịp thời, hiệu quả, an toàn thông qua các cơ sở y tế nhà nước và y tế tư nhân.

- Đạt 90% người có sốt ở vùng SR lưu hành đến khám bệnh được xét nghiệm tìm ký sinh trùng SR vào năm 2015 và trên 95% năm 2020.

- Đạt 95% người nhiễm ký sinh trùng P.falciparum được điều trị bằng phối hợp thuốc sốt rét, hiệu quả cao vào năm 2015 và trên 98% năm 2020.

- Đạt 95% bệnh nhân sốt rét được điều trị đúng phác đồ, đủ liều, đủ ngày theo qui định của Bộ Y tế vào năm 2015 và trên 98% năm 2020.

2.2. Đảm bảo diện bao phủ cho toàn bộ dân có nguy cơ mắc SR bằng các biện pháp phòng chống SR thích hợp.



      • Hộ gia đình ở vùng SR lưu hành nặng và vừa có đủ màn phòng chống muỗi (trung bình 2 người/1 màn đôi) vào năm 2015.

      • Tỷ lệ màn hiện có của dân vùng sốt rét lưu hành được tẩm lại hóa chất diệt muỗi hàng năm đạt trên 90% năm 2015 và trên 95% năm 2020 (năm 2009 là 82,8%).

      • Tỷ lệ hộ gia đình trong vùng chỉ định phun tồn lưu hóa chất diệt muỗi được phun hóa chất đạt trên 90% năm 2015 và trên 95% năm 2010.

      • Số xã vùng SR lưu hành nặng giảm 30% vào năm 2015 và 60% năm 2020 (năm 2009 có 325 xã) so với phân vùng SR năm 2009.

      • Số xã vùng SR lưu hành vừa và vùng SR lưu hành nhẹ giảm 30% vào năm 2015 và 60% năm 2020 so với phân vùng SR năm 2009 (năm 2009 có 734 xã SR lưu hành vừa, 1.598 xã SR lưu hành nhẹ).

      • Đạt trên 95% hộ nghèo ở vùng sốt rét lưu hành nhẹ đủ màn phòng chống muỗi (2 người/1 màn đôi) vào năm 2015.

      • Đến năm 2015 đạt trên 85% và năm 2020 là trên 95% người có nguy cơ mắc SR cao (đi rừng, ngủ rẫy...) sử dụng biện pháp phòng chống sốt rét (nằm màn tẩm hóa chất và các biện pháp bảo vệ cá nhân khác).

2.3. Nâng cao tối đa việc sử dụng các dịch vụ phòng chống SR và tăng cường huy động cộng đồng tham gia phòng chống SR thông qua truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống và loại trừ SR.

      • Trên 95% dân số vùng SR lưu hành biết ít nhất 4 thông điệp chủ yếu về SR, phòng chống và loại trừ SR vào năm 2015 và trên 98% vào năm 2020 (năm 2009 là 89,4%).

      • Tỷ lệ dân vùng SR lưu hành có ngủ màn đêm hôm trước ngày điều tra đạt trên 85% năm 2015 và trên 90% năm 2020 (năm 2009 là 80,6%).

2.4. Xây dựng và củng cố hệ thống giám sát dịch tễ SR, đảm bảo đầy đủ khả năng đáp ứng phòng chống dịch SR.

      • Đến năm 2015 đảm bảo trên 95% số thôn (bản, ấp) có cán bộ y tế thôn hoạt động phòng chống SR (năm 2009 là 92%).

      • Phát hiện được ổ dịch SR trong vòng 2 tuần từ khi khởi phát và triển khai biện pháp can thiệp, khống chế trong vòng 1 tuần kể từ khi nhận báo cáo.

      • Không để dịch SR lớn xảy ra.

2.5. Loại trừ bệnh SR tại các huyện, tỉnh có SR lưu hành nhẹ.

      • Đến năm 2015 có ít nhất 16 tỉnh loại trừ bệnh SR, có ít nhất 24 tỉnh đạt chỉ tiêu của giai đoạn loại trừ SR và ít nhất 10 tỉnh đạt chỉ tiêu của giai đoạn tiền loại trừ SR (Phụ lục 10)

      • Đến năm 2020 có ít nhất 40 tỉnh loại trừ bệnh SR và 15 tỉnh đạt chỉ tiêu loại trừ SR và thực hiện giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại. 8 tỉnh còn lại ở giai đoạn tiền loại trừ và giai đoạn loại trừ SR.




  1. Giải pháp thực hiện

3.1. Các giải pháp về quản lý

a) Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện phòng chống và loại trừ bệnh SR.

  • Chính phủ chỉ đạo và coi công tác phòng chống và loại trừ bệnh SR là một trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp tích cực triển khai các biện pháp phòng chống và loại trừ bệnh SR.

  • Ủy ban nhân dân các cấp thường xuyên chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống và loại trừ bệnh SR, coi công tác phòng chống và loại trừ bệnh SR là một trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Lồng ghép các chương trình phòng chống và loại trừ bệnh SR vào các chương trình xoá đói, giảm nghèo; ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

  • Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp bảo đảm đầu tư thích hợp về kinh phí, nhân lực, vật lực và tăng cường về tổ chức bộ máy cho công tác phòng chống và loại trừ bệnh SR.

  • Triển khai và thực hiện tốt Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

b) Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành mạng lưới chuyên ngành thực hiện phòng chống và loại trừ bệnh SR.

  • Củng cố hệ thống chỉ đạo, tổ chức triển khai phòng chống và loại trừ SR hiện có từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở xã và thôn bản. Gắn kết công tác phòng chống và loại trừ SR với chức năng chỉ đạo, quản lý, điều hành của từng cấp chính quyền. Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng quyết định thành công của chiến lược phòng chống và loại trừ SR.

  • Ưu tiên nguồn lực, nâng cao hiệu quả phòng chống SR tại các vùng trọng điểm, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nơi có ký sinh trùng SR kháng thuốc Artemisinin.

  • Đào tạo và đào tạo lại để nâng cao kỹ năng chuyên môn, quản lý chương trình, giám sát và đánh giá công tác phòng chống SR cho các tuyến.

  • Ban hành các hướng dẫn, quy trình, tập huấn về chương trình loại trừ bệnh SR và cập nhật, bổ sung các hướng dẫn triển khai phòng chống SR cho các tuyến từ trung ương tới cơ sở.

  • Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát và đánh giá chương trình.

3.2. Các giải pháp về nhân lực

- Tập trung phát triển, củng cố và duy trì màng lưới y tế cơ sở, đặc biệt y tế thôn bản, y tế tuyến xã ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng chuyên môn cao, thành thạo các kỹ năng phòng chống SR, khả năng quản lý và kiểm soát được diễn biến bệnh SR trên địa bàn quản lý.

- Tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ làm công tác phòng chống và loại trừ bệnh SR ở các tuyến từ trung ương đến địa phương, chú trọng đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ phòng chống SR ở cơ sở xã, thôn bản và cán bộ mới thay thế tại các tuyến.


  • Tăng cường đầu tư nguồn lực, nhân lực làm công tác phòng chống và loại trừ SR, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách hoặc chịu trách nhiệm quản lý và triển khai thực hiện chương trình, chú trọng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở xã, thôn.

  • Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị cho các Trung tâm phòng chống SR tỉnh hoặc Khoa SR thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh; các viện chuyên ngành.

3.3. Các giải pháp về đầu tư

    1. Ngân sách nhà nước tiếp tục đầu tư cho công tác phòng, chống và loại trừ bệnh SR theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước, phù hợp với khả năng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn

    2. Tích cực huy động nguồn viện trợ quốc tế cho công tác phòng chống và loại trừ bệnh SR thông qua xây dựng các chương trình hành động, dự án phòng chống và loại trừ bệnh SR từng giai đoạn Chiến lược, các chương trình hợp tác nghiên cứu, đào tạo với các nước và WHO. Sử dụng các nguồn kinh phí đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.

c) Ưu tiên đầu tư ngân sách cho các vùng trọng điểm SR: các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, các tỉnh biên giới, trọng điểm phát triển kinh tế, quốc phòng của Nhà nước triển khai tại các vùng SR lưu hành.
3.4. Các giải pháp về truyền thông giáo dục sức khỏe

- Đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống và loại trừ SR tới cộng đồng bằng các phương tiện thông tin thích hợp, đặc biệt truyền thông giáo dục sức khỏe trực tiếp tới đối tượng đích. Chống tư tưởng chủ quan coi nhẹ công tác phòng chống SR ở vùng SR đã giảm thấp.

- Tổ chức tốt việc phối kết hợp, huy động các ban ngành, đoàn thể (Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội chữ thập đỏ, Già làng trưởng bản...) tích cực tham gia các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống và loại trừ bệnh SR và các hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh SR, đặc biệt là các vùng SR lưu hành nặng và vừa.

- Vận động nhân dân tích cực tham gia phòng chống và loại trừ SR, vận động người dân tự mua màn, ngủ màn thường xuyên tại nhà và cả khi ngủ tại rừng, tại nương rẫy để tự phòng chống SR cho bản thân và gia đình.

- Truyền thông giáo dục sức khỏe thay đổi hành vi trong phòng chống và loại trừ bệnh SR ở trường học, đặc biệt ở các trường tiểu học và trung học cơ sở bằng các chương trình chính khóa và ngoại khóa.

- Tại các vùng tiến hành loại trừ SR: Tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi từ phòng chống bệnh SR sang loại trừ bệnh SR của cán bộ chính quyền địa phương, cán bộ y tế, các thành viên trong trường học và cộng đồng và các giai đoạn, các biện pháp của chương trình loại trừ bệnh SR và ngăn ngừa SR quay trở lại.



3.5. Các giải pháp về chuyên môn kỹ thuật

a) Các giải pháp về phòng chống muỗi truyền bệnh làm giảm mắc SR

- Tổ chức phân vùng dịch tễ SR can thiệp sau mỗi 5 năm nhằm tập trung nguồn lực cho các vùng trọng điểm và để áp dụng các biện pháp phòng chống SR phù hợp cho mỗi vùng.

- Tăng cường giám sát mật độ và sự phân bố của muỗi truyền bệnh SR. Giám sát muỗi truyền bệnh SR kháng các hóa chất diệt đang sử dụng và sự phục hồi mật độ của muỗi truyền bệnh SR.

- Duy trì áp lực hoá chất diệt muỗi truyền bệnh SR bằng sử dụng các hóa chất có hiệu lực cao (phun tồn lưu và tẩm màn, sử dụng màn tẩm hóa chất tồn lưu dài), áp dụng biện pháp đặc biệt để diệt muỗi (2 lần/năm) tại các vùng SR nặng có tỷ lệ mắc giảm chậm và không ổn định.

- Cung cấp màn, võng tẩm hóa chất diệt muỗi tồn lưu dài miễn phí cho dân vùng SR kháng Artemisinin, vùng nguy cơ cao lan truyền SR kháng Artemisinin; người nghèo ở các vùng SR lưu hành nhẹ, người sống trong vùng SR lưu hành nặng và vừa. Vận động dân tự mua màn và xây dựng thói quen ngủ màn thường xuyên.

- Tại các điểm có SR kháng Artemisinin và vùng có nguy cơ cao lan truyền SR kháng Artemisinin sẽ áp dụng biện pháp diệt muỗi truyền bệnh đặc biệt: phun tồn lưu 1 lần/năm cộng tẩm màn hoá chất 2 lần/năm (khi chưa có màn tẩm hoá chất tồn lưu dài).

- Nghiên cứu áp dụng các biện pháp sử dụng hóa chất phòng chống muỗi truyền bệnh SR thích hợp và hiệu quả cao, đặc biệt là ở các vùng SR lưu hành nặng, vùng SR giảm chậm, vùng SR kháng Artemisinin, vùng nguy cơ cao lan truyền SR kháng Artemisinin.

- Lồng ghép biện pháp phòng chống muỗi truyền bệnh SR với phòng chống muỗi truyền các bệnh khác như sốt xuất huyết...

- Tại các vùng tiến hành loại trừ bệnh SR: Biện pháp phòng chống muỗi truyền bệnh chính là phun tồn lưu hóa chất ở các ổ bệnh để đảm bảo cắt đứt lan truyền bệnh, không còn lan truyền SR tại chỗ (không có bệnh nhân SR nội địa).

b) Giải pháp về phát hiện chẩn đoán và điều trị.

- Phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, đúng phác đồ quy định (theo từng loài ký sinh trùng, đủ liều, đủ ngày).

- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh SR thống nhất trên toàn quốc được cập nhật thường xuyên theo hướng dẫn của WHO hoặc thực tế điều trị SR tại Việt Nam.

- Nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị SR tại các tuyến bệnh viện và các cơ sở y tế: Đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ y tế cơ sở, cung cấp đủ các phương tiện chẩn đoán như kính hiển vi, tét chẩn đoán nhanh, tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị SR do Bộ Y tế ban hành...

- Ngăn ngừa hạn chế SR ác tính, phát hiện sớm và điều trị sớm SR ác tính để làm giảm tử vong do SR.

- Phát triển và duy trì hoạt động có hiệu quả các điểm kính hiển vi tại xã, liên xã nhằm phát hiện bệnh sớm và phục vụ điều trị sớm, đúng phác đồ theo chủng loại ký sinh trùng tại cơ sở. Phát triển phát hiện bệnh bằng tét chẩn đoán nhanh đặc biệt tại các xã trọng điểm SR, vùng sâu vùng xa, vùng chưa có điểm kính hiển vi xã, các thôn bản miền núi ở xa trạm y tế xã.

- Đảm bảo cung cấp đủ thuốc SR có hiệu lực cao, thuốc phối hợp có dẫn xuất của Artemisinin và các thuốc SR khác cho các tuyến, không để thiếu thuốc ở tuyến thôn bản và tuyến xã và các bệnh viện.

- Tại các điểm có SR kháng Artemisinin và vùng có nguy cơ cao lan truyền SR kháng Artemisinin:

Phát triển và duy trì các điểm giám sát SR kháng thuốc. Ưu tiên cấp đủ thuốc chống kháng và tét chẩn đoán nhanh cho y tế thôn bản, y tế xã, bệnh viện huyện, tỉnh.

Đảm bảo điều trị sạch ký sinh trùng và điều trị chống lây lan cho người bệnh bằng thuốc chống kháng và bằng phương pháp người bệnh uống thuốc dưới sự kiểm soát của nhân viên y tế (DOT: Direct Observation Treatment). Theo dõi hiệu quả điều trị bằng xét nghiệm ký sinh trùng SR.

- Triển khai các nghiên cứu về thuốc SR mới, các phác đồ điều trị SR có hiệu quả cao. Nghiên cứu và giám sát đánh giá thường xuyên ký sinh trùng SR kháng thuốc tại thực địa và tại phòng thí nghiệm.

- Tại các vùng tiến hành loại trừ bệnh SR: Quản lý dân di biến động, quản lý và giám sát chặt chẽ bệnh nhân SR, điều tra chủ động khi mới có ca bệnh ngoại lai xuất hiện. Phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời cho tất cả các bệnh nhân nghi ngờ mắc SR. Tăng cường giám sát và quản lý ca bệnh tại bệnh viện và tại cộng đồng, giám sát hiệu quả điều trị bao gồm cả điều trị chống lây lan và điều trị chống tái phát, không để có ca bệnh SR mới lan truyền tại địa phương.



Каталог: file-remote-v2 -> DownloadServlet?filePath=duthaovanban
DownloadServlet?filePath=duthaovanban -> CHÍnh phủ  CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file-remote-v2 -> BỘ y tế Số: 19/2011/tt – byt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file-remote-v2 -> THỦ TƯỚng chính phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file-remote-v2 -> THÔng tư Ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia
file-remote-v2 -> THỦ TƯỚng chính phủ
file-remote-v2 -> Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2010/NĐ-cp ngày 08 tháng 6 năm 2010 về Kiểm soát thủ tục hành chính, Nghị định
DownloadServlet?filePath=duthaovanban -> CHÍnh phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
DownloadServlet?filePath=duthaovanban -> CHÍnh phủ Số
DownloadServlet?filePath=duthaovanban -> Số: /2008/NĐ-cp cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 403.52 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương