DỰ Án tăng cưỜng năng lực quốc gia ứng phó VỚi biếN ĐỔi khí HẬU Ở việt nam nhằm giảm nhẹ TÁC ĐỘng và kiểm soát phát thải khí nhà KÍNH


Thực trạng và xu hướng biến đổi khí hậu ở Việt Nam



tải về 0.61 Mb.
trang6/15
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2017
Kích0.61 Mb.
#32805
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15

3.2. Thực trạng và xu hướng biến đổi khí hậu ở Việt Nam


Nghiên cứu về BĐKH ở Việt Nam chủ yếu được thực hiện bởi Viện Khí tượng và Thủy văn và được bắt đầu từ năm 1990. Theo báo cáo của Bộ tài nguyên và môi trường năm 2009, từ các số liệu quan trắc về khí hậu trong nhiều năm cho thấy biến đổi của các yếu tố khí hậu ở Việt Nam có những điểm đáng lưu ý sau:

    • Về nhiệt độ: Trong khoảng 50 năm qua (1951 - 2000), nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam đã tăng lên 0,7OC. Nhiệt độ trung bình năm của 4 thập kỷ gần đây (1961 - 2000) cao hơn trung bình năm của 3 thập kỷ trước đó (1931- 1960). Nhiệt độ trung bình năm của thập kỷ 1991 - 2000 ở Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh đều cao hơn trung bình của thập kỷ 1931 - 1940 lần lượt là 0,8; 0,4 và 0,6OC. Năm 2007, nhiệt độ trung bình năm ở cả 3 nơi trên đều cao hơn trung bình của thập kỷ 1931 - 1940 là 0,8 - 1,3OC và cao hơn thập kỷ 1991 – 2000 (là từ 0,4 - 0,5OC).

    • Về lượng mưa: Trên từng địa điểm, xu thế biến đổi của lượng mưa trung bình năm trong 9 thập kỷ vừa qua (1911- 2000) không rõ rệt theo các thời kỳ và trên các vùng khác nhau; có giai đoạn tăng lên và có giai đoạn giảm xuống.

    • Về mực nước biển: Theo số liệu quan trắc trong khoảng 50 năm qua ở các trạm Cửa Ông và Hòn Dấu, mực nước biển trung bình đã tăng lên khoảng 20 cm, phù hợp với xu thế chung của toàn cầu.

    • Về số đợt không khí lạnh: Số đợt không khí lạnh ảnh hưởng tới Việt Nam giảm đi rõ rệt trong hai thập kỷ gần đây (cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI). Năm 1994 và năm 2007 chỉ có 15-16 đợt không khí lạnh bằng 56% trung bình nhiều năm. 6/7 trường hợp có số đợt không khí lạnh trong mỗi tháng mùa đông (XI - III) thấp dị thường (0-1 đợt) cũng rơi vào 2 thập kỷ gần đây (3/1990, 1/1993, 2/1994, 12/1994, 2/1997, 11/1997). Một biểu hiện dị thường gần đây nhất về khí hậu trong bối cảnh BĐKH toàn cầu là đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày trong tháng 1 và tháng 2 năm 2008 gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp.

    • Về bão: Vào những năm gần đây, số cơn bão có cường độ mạnh nhiều hơn, quỹ đạo bão dịch chuyển dần về các vĩ độ phía nam và mùa bão kết thúc muộn hơn, nhiều cơn bão có quỹ đạo di chuyển dị thường hơn.

    • Về số ngày mưa phùn: Trung bình năm ở Hà Nội giảm dần trong thập kỷ 1981 - 1990 và chỉ còn gần một nửa (15 ngày/năm) trong 10 năm gần đây.

Xu hướng khí hậu ở Việt Nam cũng đã được nghiên cứu. Trên cơ sở này các kịch bản BĐKH cho Việt Nam và các khu vực của Việt Nam đã được xây dựng (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2009). Các dự báo về BĐKH ở Việt Nam trong thế kỷ 21 được tóm tắt như sau:

      • Nhiệt độ sẽ tăng khoảng 0,3 - 0,5OC vào năm 2020; 1,0 - 2,0OC vào năm 2050 và 1,6 - 2,6OC vào năm 2100. Những khu vực có mức độ tăng nhiệt độ cao nhất là Tây Bắc và Bắc Trung Bộ;

      • Lượng mưa mùa mưa biến động vào khoảng 0 - 10% vào các năm nói trên. Nơi có mức độ biến động lớn nhất về lượng mưa là Trung Bộ (Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và phần phía Bắc của Nam Trung Bộ);

      • Nước biển dâng cao thêm khoảng 5 cm cho mỗi thập kỷ và sẽ dâng 28 - 33 cm vào năm 2050 và từ 65 – 100 cm vào năm 2100;

      • Gần đây, một số kịch bản BĐKH cho các vùng khí hậu ở Việt Nam đưa ra nhận định là: Đến năm 2100, nhiệt độ trung bình năm tăng trên toàn bộ các vùng khí hậu, với mức trung bình từ 2,3 đến 2,8OC. Các tháng mùa lạnh có mức độ biến đổi và tăng dần theo hướng Đông Bắc - Tây Nam.

3.3. Tác động của tiềm tàng của BĐKH


IPCC (2007) cho rằng đã có đầy đủ chứng cứ về tác động của BĐKH trên toàn bộ các lục địa và hầu hết các đại dương, đối với các hệ sinh thái tự nhiên và lục địa. Trong những thập kỷ tới, với diễn biến của các yếu tố khí hậu như đã đề cập ở trên, các tác động tiềm tàng chủ yếu của biến đổi khí hậu có thể được khái quát như sau:

  • Vào giữa thế kỷ 21, dòng chảy của các dòng sông tăng lên 10 – 40% ở các vĩ độ cao và vùng nhiệt đới ẩm ướt và giảm đi 10 – 30% ở các vĩ độ trung bình và vùng nhiệt đới khô;

  • Khoảng 20 – 30% loài cây và vật nuôi chịu nhiều rủi ro hơn do nhiệt độ tăng lên;

  • Sản lượng cây trồng tăng lên chút ít ở các vùng vĩ độ cao và vĩ độ trung bình nhưng lại giảm đi ở những vùng vĩ độ thấp;

  • Ngập lụt, xói lở tăng lên rõ rệt ở các vùng ven biển;

  • Cán cân giữa lợi nhuận và chi phí của các ngành công nghiệp càng thiên về giá trị âm;

  • Tỷ lệ tử vong do bão lũ, hạn hán tăng lên, tỷ lệ người bệnh tật, ốm đau nhiều lên;

  • Các vùng Trung Á, Nam và Đông Nam Á tài nguyên nước mặt của các con sông lớn sẽ giảm;

  • Lũ lụt sẽ đe dọa nghiêm trọng các vùng châu thổ lớn ở Nam Á, Đông Nam Á;

  • Biến đổi khí hậu kết hợp với đô thị hóa, công nghiệp hóa và phát triển kinh tế sẽ gây áp lực lớn đến các hệ sinh thái tự nhiên và môi trường khu vực này;

  • Biến đổi khí hậu sẽ làm tăng các loại bệnh mới và số người tử vong do các bệnh lạ xuất hiện kết hợp với thiếu lương thực và thiếu nước và khả năng phòng bệnh kém của các cơ sở y tế, đặc biệt là trẻ em và người già.

Như vậy, có thể thấy BĐKH sẽ tác động lên một số hệ sinh thái tự nhiên và một số ngành gồm tài nguyên nước, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, năng lượng, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, y tế và sức khỏe con người. Tác động và ảnh hưởng gây ra bởi BĐKH tới yếu tố tự nhiên và kinh tế - xã hội được khái quát hóa như sau (xem hình 1):



Hình 1. Tác động tiềm tàng của BĐKH đối với các lĩnh vực (IPCC, 2007)

Hệ sinh thái rừng tự nhiên chiếm khoảng 30% diện tích bề mặt trái đất, khoảng 3,9 tỷ ha (FAO, 2000). Trong một vài thập niên tới, BĐKH sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh thái rừng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Á, nơi mà diện tích rừng, nhất là rừng nhiệt đới bị thu hẹp ở mức báo động. Thảm thực vật rừng là sản phẩm của sự tương tác và tiến hóa qua hàng triệu năm giữa các yếu tố của tự nhiên, trong đó khí hậu đóng vai trò chủ đạo. BĐKH với sự tăng nhiệt độ không khí, thay đổi lượng mưa và mực nước biển dâng cao sẽ làm cho thảm thực vật rừng và hệ sinh thái rừng theo nhiều chiều hướng khác nhau. Những biến đổi này có thể là: ranh giới giữa các loại rừng thay đổi. Ở khu vực bắc Châu á, rừng có thể dịch chuyển mở rộng lên phía Bắc; một số loài cây sẽ không thích nghi kịp sẽ bị tuyệt chủng dẫn đến sự suy giảm các hệ sinh thái động thực vật; một số loài có thể phải tự thích nghi với môi trường khắc nghiệt, mực nước biển dâng sẽ làm thu hẹp ranh giới một số loại rừng ngập mặn; và các nguy cơ về cháy rừng và phán tán sâu bệnh hại có xu hướng gia tăng.

Việt nam nằm ở khu vực Đông Nam Á và là một trong 5 quốc gia chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra (Ngân hàng Thế giới, 2008). Theo dõi diễn biến của hiện tượng El Nino cho thấy, năm 1997 – 1998 hiện tượng này đã làm cho nền kinh tế thế giới thiệt hại khoảng 34 tỷ USD, làm chết 24.000 người. Tại khu vực Đông Nam Á, El Nino đã gây hạn hán gay gắt; riêng tại Việt Nam El Nino gây hạn hán nghiêm trọng cho các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ với thiệt hại trên 312 triệu USD. Ở Trung Bộ, những năm có La Nina, số lượng các trận lũ tăng 1,4 lần so với trung bình. Trong các đợt El Nino mạnh, hạn hán đông xuân thường xảy ra nghiêm trọng trên diện rộng cả 3 miền.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT về “Tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp, nông thôn và định hướng hành động của ngành NN&PTNT” tại hội thảo “Hướng tới Chương trình hành động của ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhằm giảm thiểu và thích ứng với Biến đổi khí hậu” cho thấy, trong 10 năm gần đây, hạn hán đã hoành hành gây hậu quả nặng nề đối với sản xuất nông lâm nghiệp của nhiều địa phương, đặc biệt là miền Trung và Tây Nguyên, theo số liệu thống kê các tỉnh, đợt hạn từ cuối năm 1997 đến tháng 4/1998, thiêt hại của các tỉnh miền Trung tính riêng lĩnh vực lâm nghiệp đã lên tới 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra, các chi phí cho phòng chống hạn cuối năm 1997 và năm 1998 là gần 1.000 tỷ đồng. Trong 5 năm gần đây, các tỉnh đồng bằng sông Hồng liên tục phải đối phó với tình trạng hạn hán gay gắt trong vụ đông xuân do mực nước sông Hồng liên tục xuống thấp dưới mức lịch sử trong vòng 100 năm qua.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thiệt hại do thiên tai, chủ yếu là do sạt lở đất, mưa to và bão lũ gây ra ở 50 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2007 ước tính lên tới trên 11.600 tỷ đồng, bằng khoảng 1% GDP. Thiên tai đã làm 435 người chết, mất tích; làm ngập và hư hại 113.000 héc ta lúa; phá hủy trên 1.300 công trình đập, cống, làm sạt lở và cuốn trôi hơn 1.500 km đê và kênh mương; làm hơn 7.800 ngôi nhà và phòng họp bị sập đổ. Do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai nên tình trạng thiếu đói vẫn xảy ra ở những vùng thiên tai. Năm 2007, cả nước có 723.900 lượt hộ với 3.034.500 lượt nhân khẩu bị thiếu đói. Để khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống người dân vùng bão lũ. Chính phủ phải huy động quỹ dự phòng cứu trợ cho các địa phương bị thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng và 37.400 tấn gạo. Ngoài ra, các địa phương này còn nhận được sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước với tổng số tiền hơn 880 tỷ đồng, 11.100 tấn gạo cùng một khối lượng lớn các nhu yếu phẩm khác. Các con số thống kê trên là một minh chứng rất rõ nét về những ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây nên cho cộng đồng quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng.

Bộ Tài nguyên môi trường (2003) đã đưa ra Thông báo Quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về BĐKH. Báo cáo chỉ ra rằng việc gia tăng nhiệt độ toàn cầu, sự thay đổi lượng mưa và mực nước biển dâng có thể sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều mặt của các hệ sinh thái rừng như:



  • Mực nước biển dâng có thể làm cho các diện tích rừng ngập mặn suy giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới rừng tràm và các diện tích đất phèn tại các tỉnh miền Nam Việt Nam;

  • Có thể có những thay đổi về ranh giới của rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh. Ví dụ, các diện tích rừng cây họ Dầu (rừng Khộp) có thể được mở rộng ra phía Bắc và lên các vĩ độ cao hơn. Rừng cây lá kim với các loài chịu hạn có thể tiếp tục phát triển do các điều kiện như thiếu độ ẩm đất, bốc hơi bề mặt lá ở mức cao do sự gia tăng nhiệt độ;

  • Sự gia tăng nhiệt độ kết hợp với bức xạ mặt trời phong phú có thể làm cho quá trình quang hợp của cây xanh mạnh lên, sự gia tăng quá trình này làm cho qua trình đồng hoá của cây xanh cũng tăng theo. Tuy nhiên, do sự tăng lên của quá trình bốc hơi nước, độ ẩm đất bị giảm, chỉ số sinh trưởng sinh khối của cây rừng vì thế cũng giảm theo;

  • Nguy cơ tuyệt chủng của động thực vật cũng gia tăng, một số loài thực vật quý hiếm và quan trọng dường như có thể biến mất;

  • Sự gia tăng nhiệt độ và hạn hán có thể dẫn tới việc gia tăng nguy cơ cháy rừng, gia tăng dịch bệnh và sâu bệnh hại rừng.

Dựa vào các số liệu hiện có, Nguyễn Hữu Ninh (2007) đã tổng quan về biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long trong báo cáo “Flooding in Mekong river Delta”. Tác giả đã khái quát được các vấn đề như biến đổi khí hậu và lũ lụt, hiện trạng quản lý thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Một trong những nhận xét quan trọng của báo cáo là về lâu dài biến đổi khí hậu sẽ tác động đến chế độ thủy văn và sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long giàu về tài nguyên và tiềm năng phát triển nhưng vấn đề nghèo đói ở khu vực là rào cản lớn nhất trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Các ngành dễ bị tổn thương nhất do BĐKH được nêu trong báo cáo là nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp.

Trong nghiên cứu “Đánh giá tổn thương vùng ven bờ Việt Nam” (1994 – 1996), Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn đã phối hợp với các chuyên gia Ba Lan và Hà Lan đánh giá những tổn thương do BĐKH tại các vùng bờ Việt Nam, một số kết quả đáng chú ý như sau:



  • Sự ảnh hưởng sẽ không giới hạn cho một vùng hoặc một khu vực nào cả, và những ảnh hưởng vùng ven bờ do biến đổi khí hậu gây ra sẽ nghiêm trọng hơn các vùng nội địa;

  • Các vùng đất thấp sẽ phải chịu nhiều ảnh hưởng của lũ lụt hơn, nếu mực nước biển dâng lên thêm 1 m và không có những phương pháp bảo vệ nào thêm được thực hiện thì sẽ có khoảng 40.000 km2 sẽ bị ngập lụt hàng năm;

  • Các vùng đất ngập nước bị đe doạ và ảnh hưởng bởi nước biển dâng sẽ vào khoảng 17.000 km2, diện tích này chiếm khoảng 60% tổng diện tích đất ngập nước của Việt Nam. Những vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ bao gồm các khu rừng ngập mặn ở Minh Hải, Vũng Tàu và TP. Hô Chí Minh. Khu RAMSAR Xuân Thuỷ và cửa sông Hồng ….

Liên quan đến cháy rừng, số liệu thống kê của Cục Kiểm lâm cho thấy ngoài những nguyên nhân chủ quan của con người thì BĐKH, đặc biệt là nhiệt độ không khí, hạn hán gia tăng cũng đã làm tăng các nguy cơ cháy cháy. Số liệu thống kê từ trong giai đoạn 1963 – 2008 cho thấy hàng năm diện tích rừng bị cháy là khoảng 14.653 ha, trong đó rừng tự nhiên bị cháy chiếm tới 57%.



Hình 2. Diễn biến diện tích rừng bị cháy ở Việt Nam giai đoạn 1963 - 2008

Qua các nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, các lĩnh vực kinh tế - xã hội… đặc biệt sự thay đổi nhiệt độ, lượng mưa và nước biển dâng sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới các thảm thực vật rừng và hệ sinh thái rừng theo nhiều chiều hướng khác nhau. Việt Nam là quốc gia có khoảng hơn 3.200 km bờ biển và sự đa dạng sinh học rất điển hình cho vùng nhiệt đới, đây là những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của một quốc gia nhưng trong điều kiện biến đổi khí hậu xảy ra thì các lợi thế này sẽ có những tác động ngược lại đối với nền kinh tế. Như vậy, một nghiên cứu để đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến thảm thực vật và hệ sinh thái rừng là hết sức cần thiết. Chúng ta cần dự đoán được sự dịch chuyển của phân bố các loại rừng nguyên sinh cũng như thứ sinh; mực nước biển dâng sẽ làm thu hẹp và ảnh hưởng tới bao nhiêu diện tích rừng ngập mặn và rừng Tràm; biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng nguy cơ diệt chủng của động vật và thực vật như thế nào; nhiệt độ và mức khô hạn gia tăng làm tăng nguy cơ cháy rừng, phát triển sâu bệnh và dịch bệnh phá hoại cây rừng ra sao. Những đánh giá và dự đoán này là rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường nói chung và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng nói riêng ở Việt nam.




tải về 0.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương