DỰ Án tăng cưỜng năng lực quốc gia ứng phó VỚi biếN ĐỔi khí HẬU Ở việt nam nhằm giảm nhẹ TÁC ĐỘng và kiểm soát phát thải khí nhà KÍNH


Đặc điểm cơ bản của các hệ sinh thái rừng Việt Nam



tải về 0.61 Mb.
trang4/15
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2017
Kích0.61 Mb.
#32805
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15

2.2. Đặc điểm cơ bản của các hệ sinh thái rừng Việt Nam


Theo phân loại của UNESCO (1973), thảm thực vật nước ta có 4 quần hệ, trong đó có 2 lớp quần hệ liên quan đến rừng là: rừng rậm và rừng thưa. Mỗi lớp quần hệ lại chia thành các nhóm quần hệ và sau đó mới đến các quần hệ. Mỗi quần hệ lại được chia thành các phân quần hệ và dưới đó là quần hợp. Căn cứ vào nguyên tắc phân loại như trên, thảm thực vật rừng Việt Nam được phân thành 2 loại là rừng rậm và rừng thưa.

Căn cứ theo các bậc phân loại kiểu thảm thực vật theo quan điểm sinh thái phát sinh, Thái Văn Trừng (1998) đã phân loại thảm thực vật Việt Nam thành 14 kiểu, trong đó có 10 kiểu liên quan đến quần thể rừng. Những đơn vị phân loại này chưa phải là đơn vị phân loại cơ bản. Trong mỗi kiểu thảm thực vật lại có nhiều kiểu phụ với nhiều phức hợp, ưu hợp, quần hợp khác nhau. Do vậy sẽ có nhiều hệ sinh thái cụ thể khác nhau. Dưới đây chỉ giới thiệu những hệ sinh thái rừng tự nhiên chủ yếu quan trọng đối với sản xuất lâm nghiệp, đa dạng sinh học và khá nhạy cảm với các điều kiện môi trường thay đổi, nhất là trong bối cảnh BĐKH.



2.2.1. Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới

Kiểu rừng này phân bố ở các tỉnh vùng trung du và miền núi Việt Nam, đó là: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Ninh Bình (Cúc Phương), Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Tây Nguyên v.v. Ở miền Bắc, kiểu rừng này này phân bố ở độ cao dưới 700 m và ở miền Nam phân bố ở độ cao dưới 1000 m so với mực nước biển. Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới phân bố và thích hợp với những khu vực có nhiệt độ không khí trung bình hàng năm từ 20 – 25OC, nhiệt độ không khí trung bình tháng lạnh nhất dao động trong khoảng 15 – 20OC, nhiệt độ không khí trung bình tháng nóng nhất từ 30 – 35OC. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 2000 – 2500 mm, nhiều vùng có lượng mưa rất cao từ 3000 – 4000 mm, hàng năm không có tháng hạn, tháng kiệt mà chỉ có 3 tháng khô, chỉ số khô hạn chung là 3 – 0 – 0. Đất trong kiểu rừng này là đất địa đới của vành đai nhiệt đới ẩm vùng thấp, đất đỏ vàng Feralit hoàn toàn thành thục, sâu, dày, không có tầng đá ong; đất đỏ hung (terra rossa) nhiệt đới phong hóa trên đá vôi và trên đất bồi tụ trong thung lũng dưới chân các núi đá vôi. Các loại đất này thường được phát triển trên đá mẹ nai (gneiss), phiến thạch mica (micaschiste), phiến sa thạch (gres schisteux), vi hoa cương (microgranit), lưu vân (rioolit), hoa cương (granit), huyền vũ (bazan), v.v. Kiểu rừng nhiệt đới này có tính đa dạng sinh học cao cả về đa dạng nguồn gen, đa dạng loài và đa dạng hệ sinh thái. Trong kiểu rừng này có nhiều loài động thực vật rừng quý hiếm, có loài đang bị đe dọa tuyệt chủng cần được bảo tồn nghiêm ngặt.



2.2.2. Kiểu rừng kín nửa rụng lá ẩm nhiệt đới

Rừng kín nửa rụng lá ẩm nhiệt đới này phân bố tương đối rộng trên lãnh thổ Việt Nam, tại các tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ v.v. Ở miền Bắc phân bố ở độ cao dưới 700 m và ở miền Nam là dưới 1000 m so với mực nước biển. Trữ lượng rừng nguyên sinh có thể đạt đến 300 – 400 m3/ha. Tổ thành rừng có nhiều loài cây rừng nhiệt đới có giá trị trong đó có nhiều loài cây bản địa đặc hữu của Việt Nam, có nhiều loại thực vật, động vật rừng quý hiếm và lâm sản nhiệt đới ngoài gỗ lớn như dược liệu quý, nhiều loài cây cho tinh dầu, nhựa, chất béo, ta nanh v.v…Kiểu rừng này xuất hiện tại những vùng khí hậu có nhiệt độ không khí trung bình hàng năm từ 20 – 25OC, nhiệt độ không khí trung bình tháng lạnh nhất là 15 – 20O C, nhiệt động không khí trung bình tháng nóng nhất khoảng 30 – 35OC; lượng mưa trung bình hàng năm dao động từ 1200 – 2500 mm và độ ẩm trung bình thấp nhất lớn hơn 85%. Mùa hạn kéo dài từ 1 – 3 tháng với lượng mưa dưới 50 mm và một tháng có lượng mưa dưới 25 mm, chỉ số khô hạn chung là (1-3)-(0-1)-(0). Đất trong kiểu rừng này là đất đỏ vàng Feralits, tầng đất dầy phát triển trên đá mẹ phiến thạch, sa thạch, sa diệp thạch, badan, phù sa cổ, kể cả đất đá vôi hung đỏ, đất nâu đen v.v.

Kiểu rừng này cũng có tính đa dạng sinh học cao. Có nhiều thực vật và động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều vấn đề khoa học như quy luật tái sinh, diễn thế rừng, quy luật sinh trưởng của cây rừng và rừng nhiệt đới v.v… vẫn cần được phát hiện và khám phá.

2.2.3. Kiểu rừng lá rộng thường xanh trên núi đá vôi

Diện tích rừng núi đá (chủ yếu là núi đá vôi), ở Việt Nam có khoảng 1.152.200 ha, trong đó diện tích rừng che phủ 396.200 ha (34,45%), (theo Viện Điều tra Quy hoạch rừng, 1999). Núi đá vôi phân bố trong 24 tỉnh và thành phố nhưng chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Các tỉnh có núi đá vôi là: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Nguyễn Huy Phồn và cộng sự (1999) đã phân vùng núi đá vôi thành 5 vùng như sau: Vùng Cao Bằng – Lạng Sơn, vùng Tuyên Quang – Hà Giang, vùng Tây Bắc – Tây Hòa Bình – Thanh Hóa, vùng Trường Sơn Bắc và vùng quần đảo; phân bố theo đai độ cao từ vài chục mét lên đến 1200 m so với mực nước biển.

Các vùng núi đá vôi có điều kiện sinh thái khá phức tạp, ngoài chế độ khí hậu chung cho toàn khu vực, do địa hình vùng núi đá vôi phức tạp nên có những đặc điểm khác biệt và tạo nên những tiểu vùng vi khí hậu. Đây là một qui luật phi địa đới, đặc trưng cho hệ sinh thái nhạy cảm trên núi đá vôi ở Việt Nam. Nhiệt độ không khí trung bình năm khoảng 20OC, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất của vùng núi đá vôi là tháng 6 và tháng 7, trong khi đó tháng lạnh nhất là tháng 12 và tháng 1. Theo đai độ cao, vùng núi đá vôi ở Việt nam có những chế độ mưa, ẩm khác nhau. Ở đai thấp có chế độ mưa ẩm với lượng mưa trung bình năm từ 1200 – 2500 mm, độ ẩm không khí trung bình 85%. Hiện nay chưa có số liệu khí hậu ở vành đai núi cao.

Các khu vực núi đá vôi hình thành trên nền đá mẹ là đá vôi mà thành phần cơ giới nặng là đất đỏ hung nhiệt đới. Địa chất đai cao của khu vực núi đá vôi cũng giống như ở đai thấp đó là đá đỏ hung nhiệt đới nhưng phong hóa trên đá vôi và đôlômit. Ở những nơi có hiện tượng xói mòn xảy ra, thành phần thổ nhưỡng là đất đen xương xẩu trên núi đá vôi (renđzina).Thảm thực vật trên núi đá vôi là một hệ sinh thái đặc biệt và rất nhạy cảm, do đó mọi tác động tới rừng núi đá vôi sẽ gây ra những biến đổi không thể lường trước được, đặc biệt đây còn là nơi có tiềm năng đa dạng sinh học rất cao, nhiều loài mới cả động và thực vật trong thời gian gần đây được công bố là thành phần của kiểu rừng núi đá vôi.



2.2.4. Kiểu rừng lá kim tự nhiên

Rừng lá kim tự nhiên chiếm diện tích khoảng 148.024 ha (chiếm 0,45% diện tích toàn quốc) và có hai loại: Kiểu rừng lá kim á nhiệt đới núi thấp phân bố chủ yếu ở vùng núi như Yên Châu, Mộc Châu (Sơn La), Nghệ An, Hà Giang, Đà Lạt (Lâm Đồng) v.v….và kiểu rừng lá kim ôn đới núi cao trung bình phân bố chủ yếu ở Sa Pa (Lào Cai), Tuần Giáo (Lai Châu), Hà Giang, Tây Côn Lĩnh (Cao Bằng), Chư Yang Sinh (Nam Trung Bộ), Lâm Đồng v.v…Đối với rừng lá kim á nhiệt đới thì phân bố ở độ cao từ 600 – 1000 m (Thông nhựa), ở độ cao trên 1000 m đối với thông ba lá ở khu vực miền Bắc. Ở miền Bắc, thông nhựa phân bố xuống vùng thấp gần biển như Nghệ An, Quảng Ninh; ngoài ra thông ba lá còn xuất hiện ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) ở độ cao khoảng trên 1000 m. Rừng lá kim ôn đới phân bố ở độ cao trên 1600 m (miền Bắc) và trên 1800 m so với mực nước biển (ở miền Nam).

Vành đai khí hậu á nhiệt đới núi thấp còn chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa. Vành đai khí hậu này ở miền Bắc trên độ cao từ 700 – 1600 m và ở miền Nam từ 1000 – 1800 m so với mực nước biển. Trong các vành đai này, nhiệt độ không khí trung bình hàng năm dao động trong khoảng 15 – 20O C, nhiệt độ không khí trung bình tháng lạnh nhất thấp hơn 15O C ở miền Bắc và dưới 20O C ở miền Nam. Lượng mưa trung bình hàng năm phổ biến dao động trong khoảng 600 – 1200 mm; có từ 4 -6 tháng mùa khô, mùa hạn từ 1 – 2 tháng và có một tháng kiệt, chỉ số khô hạn chung là (4 – 6) (1 – 2) (1). Đối với vành đai khí hậu ôn đới, ở độ cao trên 1600 – 2400 m ở miền Bắc và 1800 – 2600 m ở miền Nam, các số liệu khí hậu về vành đai này hiện nay chưa được tổng hợp.

Do các kiểu rừng lá kim tự nhiên phân bố ở vành đai cao, địa hình phức tạp, dốc cao hiểm trở nên rất có ý nghĩa trong việc phòng hộ môi trường cho vùng núi thấp và đồng bằng. Về ý nghĩa khoa học, rừng lá kim tự nhiên á nhiệt đới và ôn đới vùng núi đã làm tăng tính đa dạng sinh học cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới Việt Nam.



2.2.5. Kiểu rừng thưa cây họ Dầu (rừng Khộp)

Rừng khộp phân bố tập trung ở tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai. Ngoài ra còn có ở Di Linh (Lâm Đồng) và những đám rừng khộp nhỏ phân bố ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Sông Bé, Tây Ninh v.v…, tổng diện tích khoảng 375.317 ha chiếm 1,14% diện tích toàn quốc Theo vĩ độ, rừng khộp phân bố từ vĩ độ 14O B (Gia Lai) đến vĩ độ 11O B (Tây Ninh). Theo độ cao so với mực nước biển, rừng khộp phân bố tập trung ở độ cao từ 400 – 800 m.

Rừng khộp thích hợp với những vùng sinh thái có khí hậu nhiệt đới gió mùa không có mùa đông lạnh nhưng có một mùa khô điển hình. Tổng tích nhiệt hàng năm từ 7.500 – 9.000OC. Nhiệt độ không khí trung bình hàng năm từ 21 – 27OC. Nhiệt độ không khí tối cao dưới 40OC và nhiệt độ không khí tối thấp không dưới 10OC. Lượng mưa trung bình hàng năm phổ biến từ 1.200 – 1.800 mm. Chế độ mưa ẩm rất khắc nghiệt. Khí hậu có hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa chiếm đến 90% tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô khắc nghiệt kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Hàng năm có 4 -6 tháng khô, 1 – 2 tháng hạn và 1 tháng kiệt.

Đất rừng khộp thuộc loại xấu, chủ yếu là các loại đất xám đỏ phát triển trên đá bazan, granit có tầng đất mỏng, kết von mạnh, có nơi đang xuất hiện đá ong. Do xói mòn tầng đất mặt, nhiều nơi có đá lộ trên mặt đất.

Với diện tích khoảng hơn nửa triệu hécta, nhưng rừng khộp được coi là một nguồn tài nguyên rừng đặc biệt của Tây Nguyên nói riêng và của cả nước nói chung. Rừng khộp có những loài cây gỗ lớn có giá trị, tài nguyên lâm sản ngoài gỗ như dầu nhựa, tanin, dược liệu v.v…và tài nguyên động vật khác. Các loài cây rừng khộp có tính thích nghi cao với khô hạn và lửa rừng, khó có thể tìm ra loài cây nào khác thay thế. Đây là sản phẩm của tự nhiên đã được chọn lọc qua một quá trình lịch sử lâu dài.

2.2.6. Rừng ngập mặn

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước về rừng ngập mặn đã chỉ rõ về sự phong phú và đa dạng của hệ sinh thái rừng ngập mặn với nhiều quần xã khác nhau và khoảng 109 loài cây ngập mặn phân bố dọc theo các tỉnh ven biển Việt Nam. Trong số đó số cây ngập mặn thực thụ là 37 loài và hơn 70 loài cây tham gia. Giá trị trực tiếp các loài cây ngập mặn đã được thống kê như sau: 30 loài cây cho gỗ, củi; 14 loài cho tanin; 21 loài cây làm dược liệu; 21 loài cho mật nuôi ong, vv… (Đỗ Đình Sâm và cs, 2005)



Rừng ngập mặn phân bố dọc bờ biển Việt Nam thuộc 28 tỉnh và thành phố. Phan Nguyên Hồng (1999) đã chia vùng phân bố rừng ngập mặn Việt Nam thành 4 khu vực với 12 tiểu khu và xác định điều kiện sinh thái cho từng tiểu khu, có diện tích khoảng 84.321 ha chiếm 0,26% diện tích toàn quốc. Khu vực I là các vùng rừng ngập mặn ven biển Đông Bắc, khu vực này được phân chia thành 3 tiểu khu nhỏ khác nhau; khu vực II là khu vực ven biển đồng bằng Bắc Bộ bao gồm 2 tiểu khu nhỏ; khu vực III là hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Trung Bộ từ mũi Lạch Trường đến mũi Vũng Tầu bao gồm 3 tiểu khu nhỏ; khu vực IV được tính từ mũi Vũng Tầu đến cửa sông Soài Rạp (ven biển Đông Nam Bộ). Hệ sinh thái rừng ngập mặn phân bố sát ngay ven biển và chịu ảnh hưởng nhiều bởi các nhân tố sinh thái như khí hậu, thủy văn (dòng nước, độ mặn…), địa hình, sản phẩm bồi tụ v.v…

Khu vực I: Là vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh. Nhiệt độ không khí trung bình các tháng trong năm biến động lớn (15 – 300C). Nhiệt độ trung bình thấp nhất vào khoảng 1605, nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối xuống đến 1OC. Nhiệt độ là nhân tố chủ đạo không chỉ ảnh hưởng đến sinh trưởng mà còn ảnh hưởng đến tổ thành loài cây rừng ngập mặn. Một số loài cây rừng ngập mặn ở miền Nam không thấy xuất hiện ở đây. Mùa mưa ở khu vực này từ tháng 4 – 5 đến tháng 10 – 11. Tháng khô nhất trong năm là tháng 1 nhưng vẫn có lượng mưa tới 34 mm (Móng Cái) và 20 mm (Hòn Gai). Nhờ vậy mà có lượng nước ngọt phong phú hơn so với miền Nam, thuận lợi cho các loài ngập mặn sinh trưởng và phát triển.

Khu vực II: Tuy là vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa có 1 mùa đông lạnh nhưng nền nhiệt độ ở đây cao hơn hẳn khu vực I, ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc yếu hơn khu vực I. Hàng năm có khoảng 2 tháng nhiệt độ không khí trung bình dưới 20OC. Nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất trong năm thường trên 15OC, lượng mưa trung bình hàng năm từ 1300 – 1900 mm. Đây là khu vực bồi tụ của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình thuộc vùng bờ biển đồng bằng Bắc Bộ. Vùng ven biển này có cả quá trình bồi tụ và xói lở (Đồng Châu, Thái Bình). Tuy nhiên, do không có hệ thống đảo che chắn như khu vực I và nằm trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nên gió gây ra tác động lớn trong khu vực này.

Khu vực III: Là vùng ven biển Trung Bộ tiếp giáp liền với dãy núi Trường Sơn. Trừ hai con sông lớn là sông Mã và sông Lam, còn các con sông khác đều ngắn, lượng phù sa ít không đủ để hình thành nên những bãi lầy ven biển, thậm chí có nơi núi tiếp cận ngay với bờ biển. Dốc Trường Sơn phía đông có độ dốc cao và ngắn nên dòng nước chảy mạnh lôi cuốn phù sa theo sóng trôi ra biển, bờ biển không được bồi tụ mở rộng, thậm chí có nơi đất liền còn bị lấn như ở tỉnh Bình Thuận.

Khu vực IV : Có khí hậu đặc trưng là nhiệt đới ẩm không có mùa đông. Chế độ nhiệt đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của khí hậu cận xích đạo. Tổng tích nhiệt hàng năm cao, lượng mưa hàng năm trong khu vực phân bố không đều qua các địa phương. Tuy nhiên, lượng mưa phân bố tương đối đều qua các tháng trong năm. Khu vực này tiếp cận ngay với hệ thống sông lớn là sông Cửu Long và sông Đồng Nai với nhiều phụ lưu tạo ra nhiều cửa sông bồi đắp một lượng phù sa rất lớn và một lượng lớn nước ngọt từ đất liền ra biển cả. Chính nhờ lượng phù sa bồi tụ này mà hàng năm lấn biển mở rộng thêm đất liền và thềm lục địa. Đây là môi trường tốt cho rừng ngập mặn phát sinh phát triển.

Diện tích rừng ngập mặn được công bố vào các năm 1943 (400.000 ha, tương ứng 100%), 1962 (290.000 ha, tương ứng 72,5%), 1982 (252.000 ha, tương ứng 63%) và năm 2000. Trong vòng 57 năm qua diện tích rừng ngập mặn ở Việt nam đã giảm mất 253.210 ha, chiếm khoảng 62% tổng diện tích rừng ngập mặn của năm 1943. Theo số liệu năm 2000, diện tích rừng ngập mặn chỉ bằng 38% so với năm 1943. Điều này cho thấy tốc độ mất rừng ngập mặn ở Việt Nam là rất cao, khoảng 4.400 ha/năm (Đỗ Đình Sâm và cs, 2005).



2.2.7. Rừng Tràm

Rừng Tràm phân bố tập trung ở 7 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hình thành nên ba vùng là: vùng Đồng Tháp Mười thuộc ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp; vùng Tứ Giác Long Xuyên thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang; vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau và Hậu Giang. Trong 30 năm từ 1972 – 2001 diện tích rừng Tràm ở đồng bằng sông Cửu Long giảm mất 82.000 ha, còn lại 92.000 ha vào năm 2001.

Kiểu rừng này phân bố ở độ cao so với mực nước biển dưới 2 m. Nơi đất trũng, độ cao phân bố so với mực nước biển là 0,46 m. Đây là vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa không có mùa đông, cận xích đạo. Tổng tích nhiệt cả năm từ 9.000 – 10.000OC. Nhiệt độ không khí trung bình năm là 27OC, ngay cả tháng giêng, nhiệt độ không khí trung bình thấp nhất cũng đạt đến 22OC. Biên độ nhiệt độ trung bình tháng trong năm chỉ từ 3 – 5OC, nhiệt độ tối cao tuyệt đối là 38OC (tháng 4 năm 1991) và nhiệt độ tối thấp tuyệt đối là 15OC. Lượng mưa trung bình năm từ1.500 - 2.400 mm. Số ngày mưa trong năm từ 110 - 165 ngày. Lượng mưa phân bố theo mùa, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, với lượng mưa chiếm đến 90% lượng mưa cả năm. Lượng mưa ở Đồng Tháp Mười thấp hơn (khoảng 1.500 mm), còn lượng mưa ở vùng Tứ Giác Long Xuyên và U Minh Cà Mau cao hơn (trên 2.000 mm) gây ngập úng phèn ở nhiều địa phương. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, trong đó ba tháng 1,2 và 3 là những tháng hạn. Lượng bốc hơi cả năm từ 1.000 - 1.200 mm, đặc biệt trong mùa khô lượng bốc hơi gần gấp ba lần lượng mưa. Tháng 3 và tháng 4 có độ ẩm không khí thấp nhất từ 75 - 77%. Mùa này tiềm ẩn nhiều khả năng cháy rừng.

Rừng tràm mang lại lợi ích kinh tế nhiều mặt. Rừng tràm cung cấp gỗ xây dựng, đặc biệt là dùng làm cừ để đóng nền móng vùng đầm lầy, xây đập đắp đê, cung cấp củi, than, than bùn dùng làm phân bón và nhiều lâm sản ngoài gỗ lớn như tinh dầu tràm, mật ong, thú rừng, khỉ, trăn, rắn v.v… nhiều sân chim với nhiều loài sếu, cò, vạc, diệc, quắm, bồ nông v.v… và đặc biệt là nguồn tài nguyên hải sản, thuỷ sản vô cùng phong phú. Đây là một mô hình tự nhiên kết hợp hữu cơ giữa lâm - ngư - nông có tính ổn định nếu không bị tác động phá hoại của con người. Tràm là loài cây rừng bảo đảm tốt yêu cầu "chung sống với lũ" ở đồng bằng sông Cửu Long. Với diện tích hàng trăm ngàn hécta, rừng tràm giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, duy trì cân bằng sinh thái, phòng hộ nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long.



2.2.8. Rừng tre nứa

Rừng tre nứa phân bố rộng từ vùng nhiệt đới, á nhiệt đới đến ôn đới, từ 51O vĩ độ Bắc đến 47O vĩ độ Nam. Hầu hết các loài tre nứa đều yêu cầu nhiệt độ ấm và ẩm độ cao nên chúng thường phân bố ở vùng thấp, vùng cao trung bình và tập trung chủ yếu ở 2 bên xích đạo. Trên thế giới có khoảng 1.300 loài thuộc hơn 70 chi, phân bố ở 3 vùng chính: Châu á Thái Bình Dương, Châu Mỹ và Châu Phi, trong đó vùng Châu Á Thái Bình Dương là trung tâm phân bố tre nứa chiếm khoảng 80% tổng số loài và diện tích toàn thế giới (Lin, 2000). Việt Nam là một trong những vùng trung tâm phân bố tre nứa trên thế giới do có điều kiện tự nhiên thuận lợi, như chế độ nhiệt, ẩm và thổ nhưỡng. Các kiểu rừng tre nứa Việt nam rất phong phú và đa dạng, chiếm vị trí quan trọng trong tài nguyên rừng cả về mặt kinh tế, môi trường và khoa học.

Tre nứa ở Việt Nam có 133 loài thuộc 24 chi, tuy nhiên đây chắc chưa phải là con số đầy đủ. Trong số đã thống kê được, Việt nam có 10 loài trong số 19 loài tre ưu tiên cao để quốc tế có hành động và 6 loài trong 18 loài tre khác được quốc tế ghi nhận là quan trọng (Nguyễn Hoàng Nghĩa, 2004). Rừng tre nứa bao gồm năm kiểu rừng đặc trưng đó là rừng luồng, rừng vầu, rừng nứa và rừng lồ ô.

Theo kết quả kiểm kê tài nguyên rừng năm 1999, rừng tre nứa có diện tích 1,5 triệu ha, chiếm 4,5% diện tích toàn quốc, trữ lượng 8,4 tỷ cây. Rừng tre nứa tự nhiên là 1,4 triệu ha, chiếm 15% diện tích rừng tự nhiên, trữ lượng 8,3 tỷ cây; trong đó rừng tre nứa thuần loại 0,789 triệu ha, chiếm 8,36% diện tích rừng tự nhiên, trữ lượng 5.863 tỷ cây; rừng hỗn giao 0,626 triệu ha, chiếm 6,63% diện tích, trữ lượng 2.441 tỷ cây (Viện Điều tra quy hoạch rừng, 1999).




tải về 0.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương