CÂu lạc bộ SÁng tác thơ – VĂn công giáO



tải về 0.77 Mb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu17.11.2017
Kích0.77 Mb.
#34395
1   2   3   4

SẮC HỒNG TÌNH YÊU
Mùa Chay mùa của Tình Yêu, thời gian như ngừng trôi, con người cũng thường lui vào trong tĩnh lặng để lắng nghe, để đón nhận những cung điệu của tình yêu đang réo rắt mời gọi con người làm một cuộc hành trình về với chính nguồn của tình yêu. Tình yêu đưa tâm hồn con người vào một không gian huyền nhiệm. Trong không gian đó, chỉ có con người đang đối diện với một Tình Yêu Vô Biên, lắng nghe, sám hối, ăn năn và đáp trả.
Bầu khí của mùa chay không u sầu ảm đạm, nhưng ngập tràn sắc hồng tươi thắm của tình yêu, những cung bậc ngôn ngữ của Tình Yêu trong suốt mùa chay thánh này vẫn vang vọng, vang vọng mãi không ngơi.
Cảm tạ Chúa đã yêu thương ban cho nhân loại những khoảng khắc đặc biệt này. Cảm tạ Chúa đã chiếu soi và ban thần khí của Chúa xuống cho tâm hồn chúng con, những tâm hồn đang thao thức lắng nghe tiếng nói của Tình Yêu. Nhờ đó, chúng con mới có khả năng dệt lên những cung bậc cảm nghiệm và tri ân Tình Yêu Chúa qua những tác phẩm trong TRANG VĂN – 02 này.
Nguyện xin Chúa, Mẹ Maria, và Thánh cả Giuse chúc lành và tuôn đổ muôn Hồng Ân xuống cho TRANG VĂN nhỏ bé của chúng con.
Câu Lạc Bộ Sáng Tác Thơ – Văn Công Giáo

Đồng Xanh Thơ Sài – Gòn
Kính dâng lên Chúa, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse. Cùng kính gởi đến qui linh mục, tu sĩ nam nữ, anh chị em Vườn Ô Liu và quí độc giả một số tác phẩm văn xuôi của các tác giả:



Tác phẩm

Tác giả

Cảm Nhận Ngày Ra Mắt CLB Sáng Tác

K.H

Có Một Đồng Xanh Giữa Phố Thị

Gioan Lê Quang Vinh

Lạnh

Trầm Thiên Thu

Một Giấc Mơ

Lê Nguyễn

Có Những Niềm Riêng

Ái Miên

Tâm Tình Của Một Chiếc Đinh Trên Khổ Giá

Đặng Xuân Hường

Nhủ Lòng

Lê Miên Ca

Bụi Gai

An Thiện Minh

Xin Hãy Tha Thứ Cho Nhau

Sông La

Con Đã Vâng Lời Chúa Chưa?

Vũ Thủy

Trái Tim Chúa Giêsu Là Lò Lửa Yêu Mến ...........

A.P Mặc Trầm Cung

Thiên Chúa Và Chủ Thuyết Vô Thần Mới

Trần Hữu Thuần

Kính thưa quí Linh mục, tu sĩ nam nữ, anh chị em VOL và quí độc giả kính mến.



Đồng Xanh Thơ Sài Gòn mỗi tháng phát hành 2 kỳ vào ngày 1 và 15 hằng tháng. Rất mong nhận được sự ưu ái quan tâm của quí vị, đóng góp ý kiến xây dựng cho Câu Lạc Bộ Sáng Tác Thơ – Văn Công Giáo mỗi ngày được phát triển tốt đẹp theo đường hướng của Giáo Hội, cùng đóng góp bài vở cho TRANG VĂN của chúng ta ngày càng thêm phong phú, các bài văn xuôi của quí vị mang tâm tình ngợi khen Thiên Chúa, diễn tả Tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống, sáng Tình Chúa, đậm tình người đều được Câu Lạc Bộ trân trọng đón nhận.
Bài vở xin quí vị gởi về trước ngày 12 để phát hành số ngày 15 và trước ngày 28 để phát hành số ngày 1 tháng tới. Các bài được chọn sẽ đăng trên trang Đồng Xanh Thơ của website www.dunglac.orgwww.tamlinhvaodoi.net và được gởi đến trên 10.000 địa chỉ mail của các độc giả trong nước và hải ngoại.
Bài vở xin quí vị gởi về:
Hoàng Thi Ca.
Email: dxtsaigon@gmail.com
Chân thành cám ơn quí vị
*********************

CẢM NHẬN NGÀY RA MẮT

CLB SÁNG TÁC THƠ – VĂN CÔNG GIÁO

ĐỒNG XANH THƠ SÀI GÒN

K.H

Sáng Chủ Nhật ngày 28-02-2010 là ngày ra mắt của Câu Lạc Bộ Đồng Xanh Thơ Sài Gòn .

Theo tinh thần của ngày họp mặt “Đồng Xanh Thơ&Vườn Oliu” tại Tòa Giám Mục Phan Thiết ngày 20-01-2010 . Nhóm Thơ – Văn Công Giáo thuộc GP Sài Gòn tuyên bố sẽ thành lập Nhóm Thơ – Văn Công Giáo tại Sài Gòn với tên gọi “Đồng Xanh Thơ Sài Gòn”.

Mọi người cứ ngỡ rằng, lời hứa ấy rồi sẽ đi theo mây theo gió, hay nhiệt tình lắm thì cũng một thời gian sau họ mới hình thành được những ý nguyện mà ban Tổ chức xem ra rất lấy làm hài lòng .

Nhưng không, nhóm trưởng là anh Mặc Trầm Cung cùng các thành viên Thơ – Văn Sài Gòn thật sự quyết tâm muốn thành lập Nhóm hoặc Câu Lạc Bộ Đồng Xanh Thơ như dự kiến tại Phan Thiết càng sớm càng tốt, vì họ biết chắc GP Sài Gòn có rất nhiều nhân tài về Văn - Thơ.

Sự kêu gọi suông không thu hút bằng có sẵn một Câu Lạc Bộ cho họ mạnh dạn bước vào … Và nhờ vào Ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, anh chị em Sài Gòn cùng đồng lòng , đồng trí với nhau chọn ngày 28 – 02 – 2010 là Ngày ra Mắt Câu Lạc Bộ Đồng Xanh Thơ Sài Gòn, vô tình nhằm vào ngày rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, đúng là ngày mà xưa nay những nhà Thơ Văn thường ưa thích chọn làm ngày thành lập các nhóm Thi Văn đàn .
Tôi được phân công làm thư ký , và là thuộc thành phần Ban Phụ Trách Câu Lạc Bộ , tôi ráng tranh thủ đến sớm hơn để phụ với các anh chị cho buổi ra mắt được thành công tốt đẹp . Anh Mặc Trầm Cung nhóm trưởng nhà ở tận Hốc Môn đã đến rất sớm cùng với các Phó ban là Bác Hương Quê , Bác Xuân Phúc, Bác Giang Tịnh và chị thủ quỹ Maria Xuyến đã có mặt trước tôi .
Chúng tôi thật hồ hởi và không ít phần hồi hộp. Theo như dự định ban đầu chúng tôi phỏng đoán số thành viên và số khách mời sẽ chừng khoảng 30 người, Nhưng gần đến ngày ra mắt tôi lo ngại số người tham dự tăng hơn, nên email cho anh em xin đặt thêm một bàn ăn nữa là 4 bàn, anh Trầm Cung trả lời:

- Không phải 4 mà đã đặt 5 bàn rồi KH ạ , càng đông càng vui .

Tôi thật sự thấy vui khi nhận được thư trả lời như thế của anh .
Người khách ở xa đến đầu tiên là “Người Làm Vườn Ô Liu” Lê Hồng Bảo. Rồi đến 2 nhà thơ Hương Cảnh và Nguyễn thị Lam của GP Xuân Lộc . Tiếp đến là Nhạc sĩ Cao Huy Hoàng . Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn TTMV Sài Gòn, người đầu tiên nhận lời tham dự và hứa ủng hộ Đồng Xanh Thơ Sài Gòn hết mình.
Đặc biệt nhất là Cha sở GX Nam Hòa cùng Cha phó nhiệt tình giúp đỡ cho bước đầu khó khăn chọn địa điểm tổ chức, Cha cho sử dụng nhà Sinh hoạt của GX và tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho Ngày Ra Mắt Đồng Xanh Thơ Sài Gòn tại GX Nam Hòa .

Khách lần lượt đến :



  • Sr Mai Thành

  • Cha Inhaxiô Nguyễn Quốc Bảo Phó xứ An Lạc

  • Sr Dominic Dòng Đức Bà truyền Giáo

  • Cha Guise Trần Trung Hiếu , Phó xứ Nam Hòa

  • Anh Khổng Nhuận chủ biên Mạng www.tamlinhvaodoi.net

  • TS Trần Mỹ Duyệt cùng vợ là Têrêsa Kim Hà chủ nhiệm website honviet.org .

  • Anh Dương Phú Cường, cộng tác viên tamlinhvaodoi.net

  • Jos Nguyễn Hữu Đạt , ĐXT Xuân Lộc

  • Cha Nhạc sĩ Kim Long

  • Nhà thơ Lê Đình Bảng đến kịp giờ khai mạc

  • Cha Giuse Trần Văn Lưu Chánh xứ Nam Hòa bận một tý việc đến sau

  • Cha Tiến Lộc , có mặt giờ phút cuối để động viên tinh thần Văn Thơ Công Giáo Việt Nam .

  • Và các nhà Văn – Thơ thuộc Đồng Xanh Thơ Sài Gòn như nhà thơ Thế Kiên, nghệ sĩ kiêm Thi sĩ Kim Lệ, An Thiện Minh, Quân Tuấn Anh, Lê Miên Ca, Gioan Lê Quang Vinh, Duy Sơn Tuyền, Trầm Thiên Thu. Danube Bleu, Tĩnh Nguyện, Thiên Tâm, Đỗ Khắc Minh Khoa, Vũ Thủy, Thiên Tâm, Phạm Gia Khuê, Vương Lâm Sơn …

9g30’ Anh Mặc Trầm Cung, Trưởng Ban Phụ Trách Câu Lạc Bộ Đồng Xanh Thơ Sài Gòn nói vài lời Tuyên bố khai mạc .


Tiếp sau đó đại diện ĐXT Sài Gòn là anh Giang Tịnh Phó ban phụ trách, giới thiệu Ý Nghĩa và Mục Đích của việc thành lập Câu Lạc Bộ ĐXT Sài Gòn .

Tiếp theo:


+ Giới thiệu thành phần tham dự
+ Mời Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn phát biểu cảm tưởng
+ Giới thiệu ban Phụ Trách Đồng Xanh Thơ Sài Gòn và các thành viên .
+ Mời quan Khách đóng góp ý kiến , xây dựng. (Nhất là chờ mong sự dẫn dắt của cây cổ thụ trong làng thi ca Công Giáo là thầy Lê Đình Bảng …)
+ Bác Hương Quê Phó Ban, đại diện Câu Lạc Bộ, nói lời cảm ơn quý Quan khách và mời Quan khách cùng toàn Câu Lạc Bộ Đồng Xanh Thơ Sài Gòn dùng bữa cơm thân mật đánh dấu ngày Ra Mắt thật sự thành công.
Tôi chưa hội ý được với anh em, xem anh em đánh giá Ngày Ra Mắt như thế nào? Vì sau khi quan khách về tôi phải tiếp tục một công việc cũng không kém phần quan trọng như Ngày Ra Mắt Đồng Xanh Thơ, với tập thể khác .
Công tác của tôi năm nay có phần bận rộn hơn so mọi năm, nhưng trên đường đi, lòng cảm thấy lâng lâng một sự thích thú khi nhớ lại lời anh Cao Huy Hoàng nói : “Mọi sự Thiên Chúa sắp đặt tất cả, vô cùng tốt đẹp” .
Cha Trần Cao Tường Mạng lưới Dũng Lạc đã email về :
Xin chúc mừng anh em nhóm ĐXT Saigon rất mau mắn và đầy nhiệt huyết. Cứ đà này thì Thơ Văn Công giáo có cơ may phát triển mạnh lên được.
Cách đây  hơn một năm ở Mỹ chúng tôi cũng đã tổ chức buổi gặp gỡ có chủ đề Chuyển đạt Tin Mừng bằng Văn học..., ở đại học Boston

  

Cầu mong Thiên Chúa luôn giúp đỡ cho Văn Thơ Công Giáo Việt Nam mỗi ngày mỗi phát triển như anh Mặc Trầm Cung đã tâm sự:


“Con luôn chỉ muốn là một cung trầm lặng lẽ (Mặc Trầm Cung). Nhưng nếu Chúa muốn con nổi thì con nổi, khi nào Chúa muốn con chìm thì con chìm, chìm hay nổi mọi sự ‘Xin Vâng’ theo Thánh Ý Chúa”.
Điều thích thú bất ngờ là các nhà Thơ trẻ luôn thủ trong mình những tác phẩm đã in ấn thành sách , hoặc các tập Thơ nhỏ để tặng nhau làm lưu niệm :

Lê Miên Ca rất vui vẻ tặng cho Cô KH những bài thơ chưa kịp lên sách của mình .


Đặt biệt tác giả Đổ Khắc Minh Khoa, GX Tân Việt , đã dành cho cô KH một tập thơ đã in thành sách với dòng chữ ghi sẵn ở nhà, tuy là chưa một lần gặp mặt :

“Kính tặng cô KH với lòng quý mến .

Kỷ niệm buổi ra mắt ĐXT Sài Gòn

CN II Mùa Chay 28-02-2010



Tác giả ký tên: Phêrô Đỗ Khắc Minh Khoa .
Nhà Thơ Lê Đình Bảng cũng tặng KH một tập “Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo VN”.

Có phải đây là cách mà Sr Mai Thành vừa nhắn nhủ lại cho ĐXT Sài gòn trong bài phát biểu : “Ngoài Tình Yêu thì không có Ơn Cứu Độ . Nếu chúng ta là người làm thi ca xuất phát từ con tim, thì thi ca của chúng ta tràn đầy Tình yêu, Nếu đi sâu vào Mầu nhiệm tình yêu, tia sáng của Tình yêu đó sẽ xóa bỏ đi được mọi ranh giới …”

Thật sự tôi vô cùng cảm động vì các em vừa giỏi, lại vừa giàu tình cảm .

Có em mới học lớp 6 đã biết làm Thơ “lâu lắm rồi”, do anh Gioan Lê Quang Vinh đưa đến Dự Lễ Ra Mắt để học hỏi thêm, và được trang tamlinhvaodoi hứa sẽ dành cho một góc nhỏ để các em tập sáng tác .
Chưa buổi họp mặt nào có thi vị như buổi họp mặt sáng nay, như một chị quen đang phụ cơm nước cho Cha Sở Nam Hòa nói :

“Thấy cuộc họp hôm nay của chị KH như toàn những người trí thức không hả ?:

Tôi mỉm cười, và ao ước tất cả chúng tôi lúc nào cũng như những người trí thức, biết làm Thơ, làm Văn trí thức, để đưa lời Chúa một cách nghiêm túc, trân trọng vào Văn -Thơ của mình .
Xin Chúa chuyển tải Văn – Thơ của chúng con đến với tất cả mọi người, như những nhà truyền giáo mà Chúa đã mời gọi Họ lên đường .

Sài Gòn Đêm Nguyên Tiêu Canh Dần


K.H
CÓ MỘT ĐỒNG XANH GIỮA PHỐ THỊ

Gioan Lê Quang Vinh

Đẹp như một tấm thiệp xuân và “thơ” như cánh đồng xanh giữa một phố thị rất lộn xộn dù đang tiết Xuân, tập thơ “Xuân Nguyện Cầu” được gửi đến từng người trong ngày hội ngộ ra mắt Đồng Xanh Thơ Sàigòn, câu lạc bộ sáng tác thơ văn Công giáo giáo phận Sàigòn. Sau buổi họp mặt lần thứ II Những Người Sáng Tác Thơ Văn Công Giáo tại Toà Giám Mục Phan Thiết ngày 20/1/20110 do linh mục Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh và nhạc sĩ Cao Huy Hoàng tổ chức tại Phan Thiết, nhóm anh chị em viết văn làm thơ giáo phận Sàigòn đã quyết định thành lập Câu Lạc Bộ thơ văn ngay tại giáo phận nhà.


Buổi sáng ngày 28/2/2010, hơn 20 anh chị em viết văn, làm thơ thuộc Câu Lạc Bộ đã họp mặt cùng với sự hiện diện rất đáng quí của linh mục nhạc sĩ Kim Long, linh mục nhạc sĩ Tiến Lộc và một số linh mục tu sĩ quan tâm đến hoạt động văn chương như cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, trưởng ban Mục Vụ Hôn Nhân Gia Đình của giáo phận, các cha giáo xứ Nam Hoà và An Lạc.
Một vị khách mời đã chú ý đến ngày âm lịch và cho rằng vô tình anh chị em đã chọn đúng ngày Nguyên Tiêu để tổ chức lễ ra mắt Câu Lạc Bộ Thơ. Đối với thế hệ trẻ hơn, có lẽ ngày Nguyên tiêu cũng chẳng phải là mốc chính yếu cho lắm, điều quan trọng hơn chính là ở chỗ buổi họp mặt là kết quả của một chuẩn bị xa, từ ngày họp mặt Phan thiết. Và nhất là ngay từ tối 30 Tết, anh Mặc Trầm Cung, chủ nhiệm Câu Lạc Bộ đã ngược xuôi và bỏ hết việc riêng để hết mình vun xới cho cánh đồng thơ này.
Sẽ là không cần thiết nếu trình bày buổi họp mặt với những chi tiết và diễn biến. Nhưng nếu nhìn sâu vào bên trong Câu Lạc Bộ Thơ Văn Sàigòn, người ta có thể cảm nhận được nhiều điều đáng nhớ. Không ai phủ nhận rằng vai trò của văn chương, nhất là thơ, ngày một mờ nhạt đi giữa xã hội vốn còn vô số điều để quan tâm. Một nhà thơ ở Hội Nhà Văn thành phố này có lần nói vui khi anh tặng tôi tập thơ mới: “Thơ của mình biếu chạy lắm”. Nghĩ cũng hay, biếu chạy chứ bán không chạy!
Nhưng thơ văn Công giáo mà anh chị em qui tụ lại để viết, để quảng bá không nhằm để phô trương tài năng hay để bán hay biếu. Mục đích chính của những người làm thơ viết văn Công giáo, như anh Mặc Trầm Cung nêu lên, là tìm “cơ hội gặp gỡ, chia sẻ và giúp đỡ nhau hầu làm phong phú hơn kinh nghiệm sáng tác cũng như đời sống đạo, kiến thức về giáo lý Công giáo và đường hướng của Giáo Hội”.
Quả đúng như thế, nếu ai đã từng nghiền ngẫm Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, sẽ nhận ra ngay đường lối của “trung tâm văn bút” nhỏ bé này hoàn toàn đi đúng giáo huấn của Hội Thánh khi đọc trong “hiến chương” Câu Lạc Bộ rằng “…nhờ Con Một Chúa xuống thế làm người, khai mở kỷ nguyên mới. Nhờ đó con người được chạm đến chính Ngôi Lời Thiên Chúa và được sống với Thiên Chúa là nguồn suối trào tuôn niềm hạnh phúc” (lời phát biểu của chủ nhiệm Câu Lạc Bộ).
Đến đây, người đọc đã nhận ra tại sao Câu Lạc Bộ Sáng Tác Thơ Văn Công Giáo Sàigòn là Đồng Xanh Thơ Sàigòn. “Lời Chúa chính là hơi thở, là suối mát, là cánh đồng thơ thơm mát mênh mông đủ mọi loài hoa đầy hương sắc”. Linh mục nhạc sĩ Kim Long chia sẻ rằng ngài đến với thơ trước khi đến với nhạc, và chính nhờ Đọc – Suy – Cầu với Lời Chúa mà ngài sáng tác hơn nửa thế kỷ nay.

Mục tiêu tối hậu của những người viết Công giáo là dùng câu chữ của mình để quảng bá Lời Chúa, để đem giáo lý đến cho các em dễ dàng và như cụ Thế Kiên Dominic nói “thơ văn phục vụ sống đạo”.


Thơ ca Công Giáo Việt nam đã có những người làm rạng danh, trong đó có Hàn mặc Tử. Gần đây tập trường ca Tin Mừng “Sứ Điệp Tình Thương” với 9,764 câu thơ đẹp và tài hoa của linh mục nhà thơ Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn đã gây tiếng vang và đi sâu vào lòng người. Những người làm thơ khác hẳn là không nổi tiếng như hai vị ấy, nhưng mục đích chung vẫn là “đem Lời Chúa ghép thành vần (…) như dòng sữa ngọt” để nuôi các tâm hồn lớn lên. (x. Lời Phi Lộ, Sứ Điệp Tình Thương, F.X. Nguyễn Xuân Văn).
Giữa phố thị có một Đồng Xanh Thơ, cũng như giữa dòng đời có suối mát đồng xanh, nơi Chúa là mục tử nhân dũng chăn nuôi đoàn chiên nhỏ bé. Hy vọng rồi đây cánh đồng xanh này ngày càng được nâng đỡ, đáp lại băn khoăn của anh chủ nhiệm Mặc Trầm Cung: “liệu công việc của chúng con hôm nay có được một linh mục nào mạnh dạn ôm ấp?” Thực tế, các websites dunglac.org, đã từng là những mảnh đất màu mỡ cho Đồng Xanh Thơ được chăm sóc.
Lời ca Đồng Xanh Thơ của nhạc sĩ Cao Huy Hoàng vang lên kết thúc buổi họp mặt. Nhưng kết thúc cũng chính là khởi đầu, bởi vì Chúa vẫn tiếp tục dẫn dắt đoàn chiên nhỏ bước đi, tìm thấy nguồn suối và khi đã uống no say, đến lượt mình, đoàn chiên lại chuyển nguồn nước đi xa hơn đến thật nhiều tâm hồn. Và như thế, thơ văn Công giáo không chỉ diễn đạt tâm tình, mà còn là chuyển tải Lời Cứu độ, chuyển tải Công Lý, Sự Thật và Bình An.
Gioan Lê Quang Vinh


LẠNH

Trầm Thiên Thu



 

   Thằng bé đứng xuyên cái nhìn vào trong nhà. Người đàn ông và người đàn bà đang khua múa, lớn tiếng với nhau. Đứa bé trạc tuổi nó cách đây 5 năm đang đầm đìa nước mắt ở một góc nhà.


   Sáng hôm ấy, ba mẹ nó đã lớn tiếng làm nó thức giấc. Tưởng ba mẹ bàn chuyện làm ăn, nó lại ngủ thiếp đi. Cảnh êm ấm của gia đình những ngày qua đã đưa nó vào giấc mơ thật đẹp, đẹp như cổ tích.
   Bừng tỉnh, cảm giác lành lạnh vây quanh nó. Căn nhà không rộng lắm mà bỗng trở nên rộng rãi khác thường. Hoang vắng. Nó đi khắp nhà. Ba mẹ đi làm sao không đánh thức nó dậy? Nó chợt nghĩ.
   Tiếng động trong buồng làm nó nổi da gà. Nhớ lại những chuyện liêu trai đã nghe mẹ kể, nó đè nén tiếng khóc và úp mặt vào tường, tấm tức…
   Có cái gì chạm nhẹ vai nó. Nó khóc thét.

   - Sao vậy con?

   Nó quay lại, rồi ôm choàng lấy ba nó.
   Một tuần. Một tháng. Rồi một năm. Nỗi mong chờ, cô đơn.  Mẹ vẫn không về. Gà trống nuôi con. Không được tiếp tục đến lớp, nó phải đi bán vé số. Và ba nó…! Phải chăng qui luật “chả-nem”?
   Người đàn ông rồ máy xe qua mặt nó. Trời mưa từ bao giờ mà ướt cả xấp vé số trên tay nó! Cảm giác lạnh toát chạy dọc cột sống. Cái lạnh về cuộc sống thiếu tình thương của nó còn lạnh hơn…
   Gió mạnh. Bão cấp 13. Nó rùng mình khi nghĩ đến trận mưa roi mà tối nay cô nó sẽ đổ trút lên nó…!
Trầm Thiên Thu




MỘT GIẤC MƠ

Lê Nguyễn

(Thân gửi các anh chị dxtsaigon@gmail.com)

 

Tôi không phải là một nhân chứng của Chúa nhưng lại được sinh ra trong lòng bàn tay của Ngài. Vì cả một đời tôi phải luôn luôn sống trong khắc khoải đầy lo âu : Ngày mai đây khi chết đi tôi sẽ trả lời với Ngài như thế nào về cuộc sống ở thế gian ,vì hành trang rao giảng mà Ngài trao cho tôi khi còn ở thế gian quá ít hoặc giả như là không có gì ngoài một tấm thân của vật chất đầy tội lỗi Còn linh hồn tôi ư ? Tôi tìm thấy được nó chăng ? Nó không ở trong thân xác tôi nhưng lại ở trong thân xác tôi vì những sự dữ



Rồi đây ai sẽ cứu tôi thoát khỏi cuộc sống tội lỗi này ? Có Chúa trên đầu tôi ! Dù tôi cố tình và hết sức cố tình ca tụng ,tán dương , ca tụng Ngài bằng những lời kinh tri ân ,bằng những câu ca tuyệt vời,bằng những lời tri ân chân thành ! Cảm tạ Ngài bằng những giọt nước mắt rưng rưng nhưng tôi vẫn mãi không cảm nhận được Ngài ở trong tôi . Vì sao thế nhỉ ? Nếu Chúa đến thế gian là để đến với những người tội lỗi thì tại sao Ngài không đến với tôi ?

Có một lần nọ,tôi mơ một giấc mơ kinh hoàng ,đêm đó tôi thật khó ngủ rồi sao đó tôi lại ngủ Trong cơn mê nửa vời ấy tôi thấy cả một vùng tối đen bao trùm nơi thành phố tôi ,trên trời có những vật lạ như những hình người bay qua bay lại trong những tiếng gì nghe rất rợn người Lúc ấy tôi chỉ có một ý tưởng duy nhất là phải trốn chạy thôi . Tôi vượt qua những cảnh ghê rợn vì những xác người và chạy nhanh ra đường quốc lộ nơi tôi ở Trên con đường quen thuộc ấy không một chiếc xe nào và vẫn tối đen một cách kì lạ Nỗi lo vì các cái đang ở với tôi ! Tôi sợ phải bị chết ! Tôi chạy nhanh dưới những hình ảnh và âm thanh rợn người mà không biết phải chạy vào chỗ nào để trốn . Chợt tôi nghe có tiếng người .Nhìn lên trên không tôi thấy một vầng tròn như mặt trăng xuất hiện nhưng trong đó có một như là một vị thần tay cầm gươm , nhìn vào tôi ,mĩm cười và bảo tôi : “qua đi !”Rồi tôi giật mình tỉnh dậy trong nổi sợ hãi kinh hoàng .

Sau cơn mơ ấy tôi không hiểu tại sao tôi lại mơ như thế  Đó chỉ là một giấc mộng nhưng tôi có một cảm nhận hình như Chúa đã trả lời cho tôi câu hỏi đời thường là : “Ta vẫn ở bên con mỗi ngày đó chứ !”  

Tôi không khẳng điều điều cảm nhận trên là đúng vì đó là do tôi nghĩ nhưng từ đó tôi bắt đầu phải nghĩ một điều mà tôi không dám nghĩ Đó là Lạy Chúa ! Con phải đến sao?....



Lê Nguyễn

CÓ NHỮNG NIỀM RIÊNG

Ái Miên
Dưới ánh đèn nhiều mầu của sân khấu, Á hậu trẻ Vivian tươi cười nhận hoa và giải thưởng. Các ký giả lăng xăng chụp hình, phỏng vấn, nhất là giới Truyền thông Việt Nam. Đây là lần đầu tiên giải Á Hậu của Miss Teen Canada lọt vào tay một cô gái Việt gốc Canada. Vivian là sự hài hòa của nét đẹp Tây phương và Á Đông. Cô đàn hát thật hay, bên cạnh ba mẹ cũng thật đẹp đôi. Ba cô là người Canada, cao ráo đẹp trai, cũng khá nổi tiếng trong giới Thương mại. Mẹ cô là một người Việt khoảng trên 40, nhưng trẻ đẹp hơn số tuổi rất nhiều. Bà là Quản đốc Kế toán cho một hãng buôn bán. Họ trả lời các câu hỏi phỏng vấn thật khéo léo, thông minh. Mọi người đều vui mừng và ngưỡng mộ thành công của gia đình họ. Hằng, mẹ của Vivian - thật chững chạc, khôn ngoan, ăn mặc thanh lịch. Họ ở trong một biệt thự rộng thênh thang, có người làm vườn, giúp dọn dẹp nhà cửa. Họ lái xe sang trọng đắt tiền. Họ có tất cả. Sự thành công của mẹ con Hằng là niềm vui nói riêng cho cộng đồng Việt Nam. Ngày mai các báo chí địa phương sẽ đăng tải hình ảnh, các tin tức liên quan đến cuộc thi Hoa Hậu hôm nay và tâm tình của gia đình Hằng. Ánh đèn sân khấu được tắt, mọi người ra về với lòng hân hoan vui vẻ, chúng ta hãy nghe Hằng kể về cuộc đời của bà.
Tôi rời gia đình và vượt biên năm 18 tuổi - cái tuổi non nớt mới bước vào đời, xa quê hương, xa cha mẹ, phải học hỏi và cố gắng thật nhiều. Cũng may, tôi gặp Minh và có một mối tình đầu đời thật đẹp. Minh chăm học, thành thật. Anh đàn guitar và hát khá hay, với tất cả tâm hồn. Nhưng tôi yêu Minh không phải vì anh đàn hay hát giỏi, tôi yêu sự chân thành dễ thương của anh. Tôi yêu ý chí tự lập, sự cố gắng trong bổn phận. Tôi yêu tính tình thoải mái, dễ tin người, và tôi biết anh yêu tôi thật nhiều. Hơn nữa, chúng tôi đều ra đi một mình, thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần, việc đến với nhau để xoa dịu những mất mát, khó khăn trên con đường tị nạn là chuyện dễ hiểu. Minh thích nhạc nhưng không quá ủy mị, tính tình đứng đắn không thích bông đùa. Tôi và Minh hợp nhau, giống nhau ở rất nhiều điểm, chỉ khác ở chỗ tôi thực tế hơn, tính toán hơn, không có tâm hồn nghệ sĩ mơ mộng như anh.
Ngày ở trại tị nạn, chúng tôi hay dắt nhau ra biển chơi. Biển Thái Lan thật đẹp, dù nó đã cuốn trôi bao nhiêu mạng người trên đường tìm tự do, cũng như có nhiều hải tặc khét tiếng. Chúng tôi hay ngồi yên lặng thật lâu trên biển vắng, thỉnh thoảng trao đổi những tâm tình trong cuộc sống, xây dựng tương lai. Minh hay vuốt tóc tôi, thì thầm:

-Anh ghen với gió, với tóc.

-Tại sao?

-Vì gió biển luôn thổi ve vuốt má em, vì tóc em luôn bay, hôn lên mặt em, anh chỉ được ở bên em một lúc nào đó, rồi lại phải ra về. Biết bao giờ anh mới được luôn ở bên cạnh em, che chở yêu thương em.

Tôi cảm động mỉm cười, chọc quê anh:

-Cải lương quá! Thì em cắt tóc ngắn, cho anh khỏi ghen!

-Đừng bao giờ cắt tóc ngắn nhé, tóc em đẹp lắm, em không hợp với tóc ngắn đâu! Em có hay ghen không?

-Có chứ, ghen nhiều nữa là khác, nếu anh hôn em má bên trái, mà quên hôn bên phải, bên phải sẽ giận đó!

Minh vuốt mũi tôi:

-Anh không dám quên đâu, em bé lì lợm bướng bỉnh của anh ơi! Sau khi định cư ở Canada, anh sẽ tìm em, mình sẽ đi học và sẽ cưới nhau, em có chịu làm vợ anh không?

Tôi gật đầu thật nhẹ, lòng thênh thang. Biển chứng giám lòng tôi. Biển lắng nghe lời hứa chúng tôi trao nhau, biển vỗ về cho tình yêu chắp cánh.
Chúng tôi đến Montreal, đi học, đi làm, để dành tiền, cưới nhau. Đời đẹp như bài thơ dù tôi không biết làm thơ. Tình đẹp như bài ca dù tôi không biết hát. Nhưng có Minh đàn hát, đọc thơ cho tôi nghe là được rồi. Anh tài lắm, dù tôi lười biếng nằm trên sofa gối đầu lên đùi anh, anh vẫn có thể ôm đàn và hát cho tôi nghe được. Tôi thích nhõng nhẻo nằm trùm mền trên đùi anh xem TV, để anh đút trái cây cho ăn. Tôi kén ăn lắm, nho thì phải lột vỏ, dù vỏ mỏng tới đâu. Tôi chỉ thích thức ăn mềm, ngọt, lười biếng nhai, lười biếng...nuốt, anh phải luôn vỗ về:

-Ăn giỏi, anh thương!

Cuộc sống êm đềm chỉ được hơn 1 năm thì sóng gió nổi lên. Biển không yên lặng lắng nghe chúng tôi thì thầm yêu thương, vẽ vời tương lai nữa. Biển gào thét trong giông tố bão bùng, từng đợt sóng cao ngất cuốn xô đời chúng tôi vào một ngã rẽ không bao giờ định trước. Tối hôm đó Minh băn khoăn, bồi hồi, thái độ thật lạ. Ngày hôm trước anh nhìn tôi lạ lùng, khó hiểu. Tôi ngạc nhiên hỏi:

-Minh sao vậy, anh có điều gì muốn nói?

Minh hốc hác, tiều tụy, khác hẳn bình thường, anh đột nhiên quỳ xuống trước mặt tôi:

-Hằng, em có thể tha thứ cho anh không?

Tim đập mạnh, tôi hơi mất tự chủ:

-Chuyện gì vậy Minh, đừng làm em sợ!

Minh ngập ngừng:

-Em có nhớ cách đây 2 tháng, anh đi hát cho cộng đồng người Việt ở Ottawa không?

-Dạ nhớ!

-Đêm đó anh ở lại nhà bạn và ngủ tại đó, phải không?

Tôi tròn xoe mắt, xác nhận:

-Dạ phải, anh ở nhà anh Bằng.

Minh đau khổ:

-Đêm đó có thêm một ca sĩ khác cũng ngủ tại đó, cô Phương Thi. Em biết Thi mà.

-Dạ biết, Thi là bạn của anh, hay hát nhạc new wave, nhảy rất hay, em có gặp vài lần.

-Đêm hôm đó anh bị ép uống, say rượu, bây giờ anh chỉ nhớ láng máng chuyện xảy ra, nhưng Thi vừa cho biết cô ta đã mang thai, và cha của đứa bé là ... anh!

Tôi ước gì mặt biển có thể mở ra để cuốn tôi vào tận lòng đại dương, để thực tế phũ phàng không làm nhức nhối trái tim nữa. Nước mắt tôi rơi như mưa, tôi trả lời trong đau đớn:

-Chuyện như vậy mà anh làm được sao? Tôi ghê tởm anh!

Minh đau khổ:

-Anh không biết, anh hoàn toàn có lỗi. Anh có thể xin em tha thứ cho anh không, anh yêu em và không hề có chút cảm tình nào với Phương Thi.

Tôi chua chát:

-Không có cảm tình mà làm chuyện đó được! Đàn ông các anh mà! Ngày xưa ba khuyên mấy chị em tránh lấy chồng nghệ sĩ, em không tin, vì cho rằng có nhiều loại nghệ sĩ, nhưng bây giờ em mới thấm thía!


Tôi vẫn yêu nụ cười trẻ thơ của Minh, vì nó thật hồn nhiên, thật thà. Nhưng bây giờ trước mặt tôi là một người đàn ông xa lạ, hàm râu chưa cạo làm tôi càng thấy rõ sự đểu giả được che dấu lâu nay.
Tôi là người thực tế, rõ ràng. Mặc cho Minh nói gì, đề nghị gì, tôi đều lạnh lùng gạt bỏ. Cũng may chúng tôi chưa có con, cũng may tôi còn trẻ đẹp, tôi giải quyết bài toán cuộc đời thật nhanh chóng. Phương trình có 2 ẩn số, một là Hằng, hai là Thi, đáp số sẽ là Thi, vì còn một đứa con tương lai đang cần cha.
Tôi tìm luật sư lo giấy tờ ly dị, giá cả phải chăng, thủ tục đơn giản vì chúng tôi chưa có nhà cửa, tài sản rắc rối gì. Có lúc tôi cũng mềm lòng và thấy thương Minh vô cùng, như có lần tôi bắt gặp Minh một mình cặm cụi tự may lấy nút áo cho mình. Nhìn Minh vụng về, chịu đựng cầm kim không dám nhờ tôi (Vì sau đêm thú tội trở đi, tôi có nói với Minh tiếng nào đâu!) Tôi xót xa lắm, nhưng tôi mím tôi, ra lệnh cho mình không được ngu dại mà mềm lòng. Không bao giờ tôi có thể tha thứ cho sự phản bội của Minh. Tình yêu không lý tưởng, không hoàn hảo, nhưng cũng không thể tồi tệ như vậy. Tôi rất buồn nôn nếu phải gần gũi chung đụng với Minh. Tôi phải ngẩng cao đầu bước tới cuộc đời, thách đố với định mệnh, tìm cho ra giải đáp khác của phương trình.
Tôi dọn ra riêng và bắt đầu tìm lẽ sống, tìm chỗ dựa cho cuộc đời mình. Tôi không u sầu, nghĩ rằng mình bị chồng bỏ nữa, tôi tiếp tục tập thể dục thẫm mỹ, chăm sóc vóc dáng bên ngoài, học thêm về Kế toán.
Tôi giỏi toán từ bé, làm việc cho công ty tài chánh Montreal, được bạn bè trong hãng thương mến. Người thương mến đặc biệt là Vince, giám đốc của tôi. Vince hay nhìn tôi say đắm, khi biết tôi đã có chồng, anh cười méo xẹo che dấu đau khổ. Tuy không mơ mộng nghệ sĩ nhưng tôi cũng có trực giác của người đàn bà, biết ai thích mình, biết tình cảm nghĩa là gì, biết làm sao để được lòng người khác. Tôi xin gặp Vince tại văn phòng, vừa khóc vừa trình bày chuyện riêng, xin phép nghỉ 2 tuần để lo việc nhà và bớt căng thẳng. Công việc hãng đang thời kỳ cao điểm, nhưng Vince chấp thuận không nài ép. Dĩ nhiên anh tới lui thăm viếng thường xuyên, và tôi đã bằng lòng lấy anh.
Đám cưới chúng tôi khá lớn, vì Vince có tiền và thích được nhiều người biết anh đã lấy vợ. Anh bảo anh luôn ước mơ có được cô vợ Á Đông dịu dàng, khéo léo như tôi. Anh sắp xếp tất cả chu đáo, trước ngày đám cưới, anh chỉ yêu cầu tôi ký tên vào tờ giấy xác nhận không đụng tới tiền bạc, tài sản của anh kiếm được trước đây, nếu có ly dị. Biết là người Canada luôn thực tế như vậy, biết là Vince rất thẳng thắn với những con số, nhưng tôi vẫn thất vọng và đau lòng lắm, dù tôi không cần tiền của Vince. Tới non nước này tôi làm gì được nữa, tôi ký tên mà lòng mặn đắng. Chữ ký vào văn kiện này không ảnh hưởng cuộc đời tôi bằng chữ ký vào tờ hôn thú với Vince, mà sau này tôi mới nhận ra.
Chúng tôi sống tương đối hạnh phúc, Vince rất lịch sự chiều chuộng tôi, nhưng tôi phải vượt qua tập tục của 2 nền văn hóa, của sở thích khác nhau, phải tập nấu và ăn thức ăn Tây với Vince (Tôi vẫn vốn kén ăn). Tôi ép lòng ăn mặc thật đẹp đi với Vince tới những dạ hội sang trọng, ồn ào. Nếu được chọn lựa, tôi chỉ thích ngồi yên ngắm biển cả. Tôi làm việc thật hăng say trong hãng, lên chức thật nhanh không vì sự bảo bọc của Vince, vì tôi đã thuyên chuyển qua chi nhánh khác.
Rồi bé Vivian ra đời. Tôi yêu cháu, sống vì cháu, vui vì cháu. Cháu đẹp, khôn ngoan trước tuổi, nhậy cảm và lãng mạn. Cháu học dương cầm rồi chuyển qua đàn tranh, đàn vĩ cầm, nhạc khí nào cũng giỏi. Cháu biết hát tiếng Việt chỉ nhờ xem phim video, vì tôi không dạy cháu hát được ngoài những bài ca thiếu nhi bập bẹ thuở còn bé. Vince cũng khuyến khích tôi học dương cầm, mướn thầy thật giỏi về dạy riêng cho tôi. Tự nhiên lúc sau này tôi cũng mềm lòng, thích nghe nhạc, thích đàn và hay khóc. Nhưng tôi không học nhạc lâu với Chris được, vì ông không đứng đắn. Ông không nể sợ Vince dù Vince là bạn thân, đã thẳng thắn tán tỉnh, có hành động sỗ sàng với tôi. Tôi nghỉ học đàn với Chris ngay, từ từ sẽ kiếm một bà giáo già cho chắc ăn.
Điều đáng nói là chỉ sau khi lấy Vince chừng vài tháng, Minh đã xin hẹn và gặp riêng tôi tại một quán cafe. Minh cho biết Phương Thi đã tìm được cha ruột của đứa bé, và không bắt tội Minh nữa. Thử nghiệm DNA cũng đã xác nhận chuyện này. Minh xin tôi hãy tha thứ và trở về với anh, anh cần tôi hơn bao giờ. Bài toán rắc rối hơn, đáp số không đơn giản. Tôi suy nghĩ thật nhiều. Bây giờ tôi đã hiểu và thông cảm cho Minh, biết anh chỉ là nạn nhân. Nhưng tôi không thể kiếm chuyện ly dị với Vince được. Tôi hối tiếc cho sự nông nổi, nóng nảy của mình. Tại sao tôi không cho Minh cơ hội, thời gian. Tại sao tôi không nghĩ tới chuyện thử nghiệm DNA. Tại sao không có ai giúp tôi khi tôi phải làm thật nhanh bài toán hôn nhân. Tôi bỗng nhớ ra, vì tự ái, vì hờn ghen, tôi có mở miệng nói cho bất cứ ai biết chuyện của mình để có người giúp đỡ, cho ý kiến đâu. Tôi luôn tin mình thông minh, lanh lẹ và có quyết định đúng. Sự ghen tuông, tự cao, không chấp nhận sai sót đã làm hại tôi thật nhiều. Nếu tôi không biết mình đẹp, nếu tôi có lần vấp ngã và thông cảm với sự thất bại, yếu đuối, chắc tôi đã hiểu biết và dễ dàng tha thứ, chấp nhận hơn - Như thế chắc cuộc đời tôi không đến nỗi khó xử như thế này.
Lúc sau này Vince hay đi vắng, anh say sưa trong công việc, thích đi diễn thuyết về thị trường chứng khoán, về kinh nghiệm tài chánh. Anh rất nhạy bén với thời cuộc, một biến cố xảy ra ở Trung Đông, một chuyện tình lăng nhăng của giới dầu hỏa cũng đủ để làm anh suy luận và đoán biết được giá cả lên xuống của đồng đô-la, của stock. Anh mua, bán stock mê mải và rất may mắn, thành công. Anh đã có tiền, có vợ đẹp, có con khôn, anh cần danh tiếng, thích những tràng pháo tay khen ngợi, cần những bài báo nhắc tới tên anh.
Anh đi vắng ngày thật nhiều, những đêm cô đơn trong phòng rộng, tôi chỉ biết xem phim ca nhạc và âm thầm rơi nước mắt. Có những bài hát trước đây tôi cười, chê là cải lương, là nhạc sến, nhưng bây giờ tôi lắng nghe và thương cảm thật nhiều. Tôi ngạc nhiên thấy mình thích hát, thích thơ, dù ít khi nào ca hát xưa nay. Minh cũng đã trở thành ca sĩ có tiếng, không phải chỉ đi hát thiện nguyện cho cộng đồng như trước đây. Tôi đã khóc thật nhiều khi bắt gặp Minh trên màn ảnh với sáng tác của chính anh:
Một lần lầm lỗi

Mất em suốt đời

Làm sao đủ lời

Để tôi trách tôi...
Tôi bắt đầu khó ngủ, mệt mỏi, không say mê với công việc trong hãng nữa. Vài người bạn khuyên tôi nên bỏ việc công ty, lắng đọng nghỉ ngơi và làm việc thiện nguyện cho cộng đồng người Việt, nhưng tôi còn ngại ngùng lắm. Tôi sợ người ta biết chuyện, tôi sợ người ta cười mình. Tôi ghi danh giúp Red Cross, Daily Food Bank, lòng vẫn còn trống vắng, sợ thì giờ thừa thãi, cô đơn.
Có lần tôi ngủ khó, lăn lộn nên bị té xuống khỏi giường. Vince ôm tôi lên giường, tôi trêu anh:

-Tại anh không ôm em, nên em mới té như vậy!

Vince trả lời rất thành thật:

-Anh muốn ôm em lắm chứ, nhưng em bảo em ngộp không thở được mà.

Tôi giật mình, Vince nói đúng. Trong tiềm thức, tôi đã từ chối sự ôm ấp, ân ái của Vince, tôi chỉ chấp nhận như bổn phận, và tránh né nếu có thể. Tôi vẫn nhớ vòng tay ôm của Minh và thương tiếc cho tình vợ chồng tuy ngắn ngủi nhưng nồng nàn và tràn đầy yêu thương. Trong trái tim tôi, Minh vẫn hoàn toàn chiếm hữu. Tôi hoảng sợ khi nhìn ra vấn đề, và tránh né chính mình thật nhiều. Tôi tiếp tục vùi đầu vào công việc, tôi biết mình có lỗi với Vince, và cố gắng hết sức để tránh xa những cơ hội có thể gặp lại chồng cũ.
Thỉnh thoảng tình cờ gặp Minh, tôi xót xa vì thấy anh gầy còm, đơn độc. Tôi thấy mình quan tâm đến Minh, đến các câu bình phẩm, các bài báo, chi tiết có liên hệ tới Minh. Tôi nửa thích người ta khen anh hát hay, sáng tác giỏi, nửa bực bội vì chắc chắn có nhiều cô, nhiều bà ái mộ anh. Có lần anh hát bài “Say”, MC phỏng vấn anh, anh trả lời từ lâu và có lẽ đến hết cuộc đời, anh sẽ không bao giờ đụng tới 1 giọt rượu nữa. Tôi tin Minh rất thật lòng trong việc này, và tôi lại khóc. Tôi chiến đấu khổ sở với chính mình, tôi ra lệnh cho tôi không thể gây thêm rắc rối, khó xử. Bài toán cuộc đời phải chính xác hơn, tôi phải chịu trách nhiệm về việc làm, quyết định của mình, dù niềm đau có về vô tận.
Vivian đã lớn, có xe riêng (quà sinh nhật của Vince cho con), có cuộc sống riêng, không cần tôi đưa đón nữa. Dù gần gũi cháu nhưng tôi vẫn thấy mình mất mát, xa cách cháu dần. Vi thích ca hát, thích sinh hoạt với hội học sinh Việt Nam trong trường. Một ngày Vi hỏi tôi về sự tích Trọng Thủy & Mỵ Châu. Tôi say sưa kể cháu nghe thiên bi hùng sử này, về tình yêu trong hoàn cảnh chiến chinh, về chữ Tình và chữ Hiếu, về sự trăn trở của Trọng Thủy khi nhảy xuống giếng tự tử. Tôi vô cùng sửng sốt khi Vivian nói với tôi:

-Mẹ ơi, nếu có cái giếng ở đây, con cũng muốn nhảy xuống mà chết!


Thì ra Vi đã thầm yêu một bạn trai VN trong trường - Chấn lại chính là cháu ruột của Minh. Thế giới đông người, nhưng sao lại quá nhỏ bé. Chấn không yêu Vi, Chấn chỉ thích 1 cô gái VN khác trong lớp, và cô gái này đã được chọn đóng vai Mỵ Châu với Chấn là Trọng Thủy. Vi đẹp, khôn ngoan, giỏi tiếng Việt, nhưng Vi không thể đóng vai Mỵ Châu được vì Vi là một đứa con lai. Tôi khóc với Vi, tôi đau khổ với Vi, tôi hiểu yêu thương là gì, tôi biết thất vọng có thể dẫn tới những hậu quả nào. Tôi khuyên can, an ủi cháu thật nhiều. Hy vọng thời gian và sự trưởng thành sẽ giúp Vi.
Cuộc sống sao quá nhiều phức tạp, đau khổ. Vi có tất cả, nhưng Vi lại thua thiệt trong tình yêu đầu đời. Nhìn bên ngoài, ai không thấy Vi là một cô gái tràn đầy may mắn, hạnh phúc? Một đứa bé xấu hơn, nghèo hơn, kém thông minh hơn chưa chắc đã phải nghĩ tới cái chết. Tình yêu nghĩa là gì, đau khổ bắt đầu từ đâu? Vật chất đem lại được gì cho hạnh phúc? Thử thách dẫy đầy, chuyện rắc rối sẽ không biết từ đâu đưa tới, biển có bao giờ ngưng tuôn sóng vỗ, mênh mông? Con thuyền đời có bao giờ luôn mãi dừng ở bến bờ bình an, hạnh phúc. Làm sao để sống tốt, cho nhau niềm vui trong hoàn cảnh hiện tại, giúp nhau sống còn qua những khó khăn, thử thách...
Tôi và Vi bắt đầu tìm hiểu về Chúa, học về sự thứ tha, hy sinh, chăm chỉ đi nhà thờ, tìm sự an ủi nơi Đấng Toàn Năng. Tôi cũng đọc sách Thiền, tập hạn chế lòng sân si, thích câu hát “yêu người độ lượng”.
Tôi đã trưởng thành và chấp nhận cuộc sống hiện tại. Tôi không thể làm Vince đau lòng, tôi không thể làm Vi chấn động, Vi cần một người cha, cần một mái ấm gia đình. Tôi không còn chọn lựa nào khác. Tôi có đi tìm, bài toán cũng không thể có đáp số thứ hai. Vi sẽ quên đi tình cảm đầu tiên kém may mắn. Cuộc đời còn lâu còn dài, còn biết bao điều phải suy nghĩ, phải chấp nhận, và sẽ còn nhiều cơ hội. Tôi sẽ dạy để cháu hiểu nhiều về sự tha thứ, lòng thông cảm, và ước mong cháu có được cuộc sống thật đẹp, thật tốt, dù cháu có lãng mạn và yêu người nghệ sĩ.
Mỗi khi rảnh rỗi, tôi hay ngồi một mình bên dòng sông vắng gần nhà để nhớ về biển, về Minh, về tình yêu một đời không bao giờ tàn phai trong trái tim chúng tôi. Tôi thật sự mong Minh tìm được một người vợ, một người yêu khác để Minh sống vui quãng đời còn lại. Tôi mỉm cười và tin mình không còn ghen tương, nông nổi nữa. Hãy học lấy tình bao dung, thứ tha của Chúa. Hãy thả lòng mênh mang như biển, để nước cuốn trôi đi những tị hiềm, ghen tức. Nếu tôi có khóc, cũng chỉ là những dòng nước mắt thương yêu, để thương cảm cho cuộc đời, để hiểu rằng con người còn đầy yếu đuối, cần được đỡ nâng. Tôi cố gắng làm việc thiện nguyện, vui trong bổn phận, giúp đỡ mọi người, góp phần bé nhỏ làm cuộc đời đẹp và có ý nghĩa hơn, dù trong hoàn cảnh nào.
Hơn 20 năm sống trên xứ người, trước những câu phỏng vấn về sự thành công trong tiền bạc, sự nghiệp, cách làm việc, tôi đã trả lời rất trôi chảy, sáng suốt. Chỉ đôi khi tôi tự hỏi lòng mình, mình đã thật sự thành công hay thất bại, nếu có thể làm lại, undo một việc trong đời, tôi sẽ làm việc gì. Câu trả lời chỉ riêng tôi biết....
Ái Miên

TÂM TÌNH CỦA MỘT CHIẾC ĐINH

TRÊN KHỔ GIÁ.

Đặng Xuân Hường
Đã hơn hai ngàn năm qua, thế giới loài người sau khi đã đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá, hầu như phần lớn họ đã quên mất nỗi đau của Chúa Giêsu. Còn riêng tôi, chính là một trong những cái đinh đóng vào chân tay của Đấng Cứu Thế, tôi không bao giờ quên được sự đau đớn Ngài phải chịu.
Tôi luôn áy náy, lo âu trong lòng vì biết mình đã “dự phần” vào việc giết Đấng Cứu Thế. Sự thực, thì anh em nhà tôi không tự mình can dự vào việc đóng đinh được. Con người đã làm việc đó!
Tôi và hai người em thì hơi khác với trăm ngàn cái đinh được con người làm ra để xây dựng nhà cửa, công xưởng, cầu đường…Con người xử dụng chúng tôi vào chỗ nào, thì chúng tôi dầu muốn dầu không cũng đành phải chấp nhận.
Tôi nói anh em tôi hơi khác, vì ba anh em tôi ra đời chỉ có mục đích đóng tay chân nạn nhân vào thập giá, và thật đau khổ cho tôi, lại ra đời đúng vào lúc con người đem Chúa Giêsu đi để giết Ngài.
Tôi biết rõ chuyện này, vì cái ngày mấy người thợ rèn nói chuyện với nhau về việc làm ra những chiếc đinh, họ cũng có tâm trạng như tôi. Họ là những người dân lao động, sống nhờ vào công việc, nhưng chính họ cũng mong là những chiếc đinh họ làm ra, sẽ không được dùng vào việc đóng đinh Chúa Giêsu. Chính nhờ câu chuyện của họ, tôi mới biết là có một Đấng Cứu Thế đã ra đời, và oái oăm thay, người ta lại sắp sửa đem Ngài đi giết!
Tôi nghe họ nói, mà trong lòng lo lắng, chẳng biết thân phận mình sẽ trôi dạt nơi nào, và sẽ chứng kiến ai chết đây? Thầm mong mình sẽ không được dùng đến trong dịp này.
Những ngày chờ đợi đối với tôi thật là ngắn ngủi. Nằm yên trên kệ nghe mấy người dân nghèo khổ nói chuyện về Chúa Giêsu.
Thành phố Giêrusalem và các vùng phụ cận rất sôi động trong dịp này. Cả Hêrôđê của dân Do-Thái, lẫn Philatô của Rôma, chẳng ai muốn ra tay giết Chúa Giêsu cả, ấy vậy mà chính dân chúng lên tiếng đòi phải giết Chúa Giêsu cho bằng đuợc.
Dân chúng, nhiều người đã từng được ơn lạ của Chúa Giêsu chữa bệnh, từng được nghe lời giảng dạy giản dị nhưng đầy ý tưởng cao siêu của Ngài, mà rồi đành lép vế trước sức ép của đông đảo quần chúng bị xách động bởi đám Kỳ mục, Trưởng lão! Và nhất là mấy ông Thượng Tế! Họ như điên tiết lên khi nghe Chúa Giêsu xác nhận: chính Ngài là Đấng Cứu Thế! Chẳng hiểu họ biết về Kinh Thánh như thế nào, mà Đấng Cứu Thế hiển hiện trước mắt họ, họ lại đòi đem đi giết!
Cái ngày mà tôi biết rõ câu chuyện nhất, đó là ngày người thợ rèn, xếp chung ba anh em tôi lại một chỗ. Ông ta mân mê từng cái đinh trong tay và nói với người nhà:
-Tụi nó là đồ điên! Cái thằng đầu trộm đuôi cướp Baraba phố này ai chẳng biết. Vậy mà khi nghe quan Tổng trấn hỏi tha ai, Baraba hay Giêsu, thì cả đám hả họng la to : “Tha Barara! Giết Giêsu!”
Một người đáp lại:
-Thực là khó hiểu, nghe đâu như một môn đệ của Ngài đã dẫn mấy tên tay chân của các vị Kỳ lão, Thượng tế đi bắt Ngài. Rồi sau đó hắn lại tự treo cổ lên!
Người khác góp ý:
-Dân đen như mình thì đành chịu ! Những người có quyền họ nắm trong tay mạng sống người khác, vậy mà họ cũng không hết lòng can thiệp thì nói gì đến chúng ta.
Tôi biết là chuyện không ổn rồi! Ông thợ rèn xếp đến ba bộ đinh nằm một chỗ, có lẽ theo lời đặt hàng của một viên chức trong đám Kỳ lão. Vậy là có đến ba người sẽ ra pháp trường hôm đó.
Chuyện gì phải đến là nó sẽ đến. Tôi và mấy anh em được một viên chức đến nhận, bỏ vào túi xách mang đi. Từ lúc ấy, tôi biết ngày giờ cuối cùng của tôi cũng sẽ đến. Tôi nói ngày giờ cuối, là vì thường thường sau khi dùng tôi xong, họ sẽ vất đi, chẳng ai lại đem cất một chiếc đinh đã được dùng để đóng vào thập giá, giết chết một con người!
Nằm trong túi xách đi theo đoàn người ra pháp trường. Tôi được biết là ngoài Chúa Giêsu, còn có hai tên trộm cướp nữa. Tôi thầm mong là sẽ được đóng vào tay chân một trong hai tên đó. Tụi đó mới đáng đóng đinh, còn như Chúa Giêsu, từ lúc tôi được hình thành, các câu chuyện tôi nghe biết về Ngài, đều là những điều tốt lành Ngài làm cho dân chúng quanh vùng này cả. Bao nhiêu người ghé qua nhà người thợ lò rèn, đều tỏ ý buồn, thương tiếc Ngài!
Trên đường đi, tôi nghe những lời nhục mạ Chúa Giêsu mà cảm thấy buồn. Đây là những lời của những kẻ có cuộc sống hiểu biết. họ có kiến thức học vấn hơn những người nghèo khổ. Đối với tôi, tôi tin lời những người dân nghèo khổ như người thợ rèn làm ra tôi, hay là những người hàng xóm đến sửa cái dao, đập lại cái lưỡi cày, vá lại tấm lưới… Họ là những người dân hiền lành, chất phác. Họ nhận biết được cái hay cái tốt, người lành kẻ dữ qua trái tim của họ! Nhưng có lẽ họ cũng như tôi, biết thì biết vậy, nhưng làm gì được!
Tôi nghe những tiếng chửi rủa xen lẫn lời nói giục giã Chúa Giêsu, hình như Ngài đuối sức lắm không đi vững nữa, vấp ngã mấy lần. Bọn lính thật tàn nhẫn, làm sao một người chịu đòn vọt đến bầm dập cả thân mình lại có thể vác một cây thập giá đi hết khoảng đường lên núi Sọ. Cũng may cho Ngài, sau đó có một người khác giúp Ngài vác thập giá đi đến hết quãng đường còn lại.
Dọc đường có biết bao người dân quê nghèo khổ khóc thương Ngài. Có một bà còn cả gan đưa khăn cho Ngài lau vì máu chảy đầy mặt, chẳng biết lính có làm khó dễ gì bà không?
Lên được đỉnh đồi, bọn lính để mấy cây thập giá nằm ra, rồi đặt mỗi người lên một cây, sau đó một người xách cái túi đinh lên. Tôi thầm ước mong mình sẽ không phải đau đớn nhìn một người hiền lành vô tội chết oan ức! Người đó lại là Đấng Thánh!
Nhưng than ôi! Cả mấy ngày lo âu, cả mấy ngày hồi hộp đợi chờ, lại trở thành sự thật. Tên lính cầm túi xách thảy tôi và hai đứa em vào chỗ thập giá của Chúa Giêsu. Đây là lần đầu tiên tôi “cảm thấy Ngài”. Tôi nói “cảm và thấy”, bởi vì từ trước tôi chỉ nghe loáng thoáng về Ngài, hiểu chút ít về Ngài, nhưng khi tôi bị ném tới gần một người đang nằm trên thập giá, thì tôi biết chắc đây là Chúa Giêsu. Khuôn mặt hiền từ, khắc khổ, và có vẻ rất chiụ đựng của Ngài khiến tôi dễ nhận ra, nhất là cái mão gai quái ác mà tôi đã được nghe nói. Khắp cả thân hình Ngài đầy những máu!
Tôi thì thầm với Ngài, xin đừng buồn tôi, vì chính tôi sẽ gây đau đớn cho Ngài. Tôi sẽ cố thu nhỏ mình lại, tôi rán cầm trí mình để chân tôi đâm thâu tay ngài một cách nhẹ nhàng. Tôi ước mong sự nhẹ nhàng của tôi sẽ bù đắp chút nào cho những lời nhục mạ, những lời chửi rủa nặng nề từ những kẻ vô lương tâm. Nhưng khi tên lính cầm chiếc búa giáng vào đầu tôi, thì trời đất quay cuồng, tôi nhắm mắt định thần để chân tôi “xuyên qua” bàn tay Ngài. Tôi biết Ngài đau lắm!
Mấy người thợ đóng cây thập giá chẳng ý tứ gì cả, họ chỉ biết làm ra cây thập giá, mà chẳng màng người bị đóng đinh giăng cánh tay ra có vừa vào cái lỗ họ khoan sẵn không! Họ chỉ độ chừng mà thôi, cũng như chính họ cũng đã độ chừng Chúa Giêsu không phải là Đấng Cứu Thế, cả hai đều trật lất. Họ đã phải kéo hết sức bàn tay còn lại của Ngài mới tới được lỗ khoan. Cái trật lất này gây thêm đau đớn cho Ngài rất nhiều!
Nhưng họ có biết đâu rằng: cái trật lất độ chừng Ngài không phải là Đấng Cứu Thế, rồi đem đi giết lại gây đau đớn cho cả trời đất, cho cả loài ngưòi, cho cả những vật vô tri vô giác như tôi nữa!
Đau đớn thêm cho Ngài, một trong hai thằng ăn trộm chẳng biết hối lỗi lại còn nói với Ngài:
-Tôi nghe nói Ngài làm nhiều phép lạ, tự xưng là Đấng Cứu Thế, vậy sao không xuống khỏi thập giá, rồi đem tôi xuống với!
Câu trả lời của thằng bên kia có lẽ làm cho Ngài vui lòng, mà chính tôi cũng thấy an ủi cho Ngài lắm, đến nỗi Ngài hứa với hắn là sẽ mang hắn lên Thiên đàng cùng với Ngài.

Giờ phút làm tôi cảm động nhất, là lúc có một môn đệ của Ngài dẫn một người đàn bà tới nói chuyện với Ngài, dù chỉ nói mấy câu, nhưng sau đó tôi biết đó chính là Bà Maria, Mẹ ruột của Ngài. Tôi cảm thấy Bà Maria cũng đã kiệt sức, tôi nghĩ chắc Bà cũng đau đớn như Ngài, Mẹ nào mà chẳng đau lòng nhìn con chết tức tửi như thế!


Tôi nghe Ngài cầu nguyện xin tha thứ cho những kẻ giết Ngài. Thật là chuyện không thể tưởng tượng, ngoài trí hiểu biết của con người. Có lẽ chân lý là ở đó, Ngài đã theo Thiên ý đến cùng, đúng với danh hiệu “Đấng Cứu Thế!”

Suốt cả ngày hôm đó, thân tôi ghim trong hai bàn tay, hai bàn chân của Ngài, tôi cảm nhận được từng hơi thở, từng cơn đau đớn, từng nỗi thất vọng của Ngài. Có lúc tôi nghe Ngài rên-rỉ:

-Cha ơi! Sao Cha bỏ con một mình!
Tôi biết Ngài quá đau đớn, vì như tôi mà còn cảm thấy rúng động, thì huống gì Ngài, cũng thân xác như mọi người. Tôi đã nghiệm ra rằng: Ngài là con Thiên Chúa, Đấng tạo dựng muôn loài, vậy mà Ngài chấp nhận cái chết hết sức thương đau! Chết để cứu linh hồn đám ngưòi mang Ngài ra đây, trên ngọn đồi này rồi dùng tôi đóng Ngài vào thập giá!

Tôi cũng chứng kiến giờ phút cuối của cuộc đời Ngài. Có lẽ từ xưa tới nay và sau này không ai còn thấy một hiện tượng xảy ra như ngày hôm ấy nữa. Tôi cứ tưởng là trời đất sụp đổ trong giây phút đó!


Những người lính gác hốt hoảng la nhau:

-Ông này đúng là Con Thiên Chúa rồi!

-Giết lầm người vô tội rồi!
Bây giờ họ mới nhận biết, nhưng đã muộn, Ngài tắt thở ra đi!

Tôi rán sức nâng Ngài, vì lúc này tôi mới cảm thấy nặng. Có lẽ lúc chưa tắt thở, Ngài đã gượng đứng để tôi khỏi mỏi mệt cũng nên.


Ôi! Tấm lòng của một Đấng Cứu Thế! Ngay cả như tôi, Ngài cũng đã để lòng quan tâm!
Cho đến khi các môn đệ Ngài tới, có cả Bà Maria nữa. Các môn đệ Ngài cẩn thận, tháo tôi ra khỏi tay ngài, đỡ Ngài xuống khỏi cây thập giá. Họ vất tôi ra đất rồi lo việc tẩm liệm chôn cất Ngài.
Tôi nằm im lìm nơi bãi đất hoang từ đó, nơi pháp trường này và chứng kiến rất nhiều cái chết của nhiều người khác. Nhưng chẳng bao giờ tôi sống lại được giây phút cùng với Ngài trên thập giá nữa.
Người ta đã gọi cây thập giá là Thánh giá, gọi hầm mộ chôn cất Ngài là Mộ thánh, nhưng còn tôi, cái đinh đâm thâu qua bàn tay và chân Ngài, cái đinh làm cho Ngài đau đớn thêm, cái đinh góp phần gây ra cái chết của Ngài, cái đinh có vấy máu của Ngài, chưa có ai lại gọi tôi là Thánh cả!
Tôi vẫn âm thầm đau khổ, tôi chỉ mong Ngài, Chúa Giêsu, là Đấng Cứu Thế thông cảm, tha thứ cho tôi.
Đặng Xuân Hường
NHỦ LÒNG

Lê Miên ca
Mùa chay đã về rồi sao? Chúa muốn nhắn ta điều gì?
Để đón Ngài!

Bằng cách nào...?

Ta và lòng ta đối thoại trong ngút ngàn nỗi băn khoăn, ngu ngơ và khờ dại....
Tiếng chuông nhà thờ ngân vang, thúc vào mây trời, cuộn cùng gió, luồn vào tứng con phố nhỏ, rồi len khẽ vào căn gác trọ ta đang nằm... Làm lòng ta se thắt lại... im lìm cuộc giằng co giữa ta và chính mình.

Bỗng dưng lúc này ta cần sự yêu tĩnh hơn bao giờ hết. Một khoảng không gian yên tĩnh hẳn hoi chứ không phải chớp nhoáng chụp giựt, giỡn đùa ... bỗng dưng ta thèm khát điều đó.

Cần yên tĩnh để thấy cuộc đời mình lăn tròn trên gai nhọn của số phận mà Ngài đã sắp đặt từ rát lâu trong bụng mẹ. Cần yên tĩnh để nhìn những gì đã qua. Rồ ta thấy trái tim mình đầy những đắng cay và những nỗi đau còn trầy trụa.
Tình yêu, cuộc sống, những va chạm đời thường... đủ thứ! Làm ta bao lần quỵ ngã giữa những sự giễu cợt khinh khi của số phận...
Giờ đây ngẫm lại, ta thấy Ngài sắp đặt tất cả.

Ta lướt mình luồn khẽ qua những nỗi đau mà ta bắt gặp lại lúc này.

Nhẹ nhàng thôi, nỗi đau nhé!

Ta không dừng chân lại, nước mắt trào tuôn, miệng mỉm cười!

Mỉm cười! Phải! Ta vẫn mỉm cười. Cho dù bất cứ điều gì xảy đến, ta vẫn mỉm cười, vì Ngài đã an bài cho ta mọi thứ trên con đường đầy chông gai, cám dỗ....
Ta luôn nhắc mình như thế, viết đi viết lại nhiều lần trong trí để tự nhủ ta phải luôn mỉm cười, phải che giấu nước mắt, để ta thấy đời vẫn vui tươi và mọi người quanh ta cũng cảm thấy vui tươi.
Ta luôn ngẩng mặt lên mỗi khi sắp khóc, ta mỉm cười để nước mắt đừng trào theo dòng chảy đau đớn. Và đến hôm nay, tâm hồn ta chợt tím, ở nơi này một mình, tâm hồn ta quằn quại... gục đầu ... ăn năn!
Mùa chay Ngài thả vào hồn ta biết bao nhiêu ân tình.

Ta nhỏ lệ ăn năn, mảnh linh hồn ta dường như cũng rũ tím...


Ngài mỉm cười... Hồng ân tuôn đổ trên ta...
Lê Miên ca

BỤI GAI

An Thiện Minh

Có một bụi gai mọc trên vùng đất cằn cỗi. Nơi chỉ có cát nóng và sỏi đá. Cây xanh và hoa cỏ hình như không thích sống tại đây nên đã rủ nhau đi hết, chỉ còn lại bụi gai kiên cường với hoàn cảnh.

Ban ngày, ánh mặt trời rọi chiếu như thiêu đốt và ban đêm, khí lạnh tràn về buốt xương tuỷ. Sự thay đổi và chênh lệch nhiệt độ rất lớn mỗi ngày khiến đá tảng cũng phải nứt vỡ tan thành bụi cát, huống chi là bụi gai bé nhỏ. Thế nhưng, bụi gai vẫn tồn tại và chứng minh sự hiện hữu của mình theo năm tháng.

Đối diện với sức nóng và cái lạnh khủng khiếp, bụi gai lặng lẽ buông rơi hết lá cành hào nhoáng, không giữ lại những gì không cần thiết cho một đời cây. Bụi gai trở về với chính mình, không còn dáng vẻ hùng vĩ của cây đại thụ, chẳng còn hương thơm toả ngát đêm sương của loài hoa. Tất cả chỉ còn lại một sự mảnh khảnh nhưng bền bỉ của gai và xương gai. Ngay đến cái tên của nó – Cây Gai - cũng biến mất để cuộc đời chỉ gọi nó là bụi gai của lãng quên. Dù hình dạng bên ngoài đã đánh mất niềm hãnh tiến, nhưng bên trong mọi tinh tuý đã cô đọng lại trong trái tim vẫn còn mạch sống.

Bụi gai không bao giờ đặt câu hỏi sao nó phải ở nơi vùng hiu quạnh này, cũng như chẳng buồn lòng khi bạn bè cây cối để nó lại trong đơn chiếc. Bởi vì bụi gai biết được ý nghĩa cuộc sống và giá trị của nó mang lại cho đời. Chính điều này làm bụi gai mĩm cười trước mọi biến cố hà khắc để thực hiện trọn vẹn giá trị có một không hai của mình.

Chẳng ai yêu một bụi gai như yêu một đoá hoa, nhưng giá trị tình yêu bụi gai vẫn là một - làm đẹp cho đời. Người ta đập nát thân gai, tước lấy từng sợi tơ trong trái tim của nó để đan dệt thành những chiếc áo che chở trái tim trần trụi của con người trước sức nóng và cái lạnh cuộc đời. Người ta chặt gai và thiêu huỷ cuộc sống nó để mang lại ánh lửa nồng ấm cho những cõi lòng đêm lạnh trăn trở. Bụi gai dâng hiến tất cả sinh lực và sức sống cho đời để mong con người đừng dùng nó gây thương tổn cho đồng loại, đừng đâm vào tim nhau để vết thương rỉ máu và mang lấy vết sẹo tình yêu.

Thế nhưng điều bụi gai sợ nhất đã xảy ra. Một đêm khuya lạnh giá trong ánh đuốc mờ ảo. Người ta chặt và cuộn bụi gai lại thành từng vòng như một cái thúng và úp chụp lên đầu một Con Người trần trụi với đầy vết thương đang hở miệng. Bụi gai giật mình kinh hoảng. Từng thớ sợi trong tim co rút lại để những gai nhọn của nó không làm đau Con Người đã chịu quá nhiều thống khổ. Không ! người ta không cho nó làm điều đó, một nghĩa cử của trái tim bị ngăn chặn bởi những toan tính mù quáng và đen tối. Những nhát gậy đập liên tục lên thân nó làm bụi gai oằn mình rung lên và tất cả gai nhọn đâm thẳng thật sâu vào Con Người đáng thương. Bụi gai như dính chặt cuộc đời nó vào Con Người im lặng trước mặt. Những dòng máu nóng hổi của Người ấy tuôn chảy khắp thân thể nó và lần đầu tiên trong đời bụi gai cảm nhận một sức sống kỳ lạ lan dần vào từng ngõ ngách cuộc sống. Một tình yêu ấm áp tha thứ và bao dung phủ trọn trái tim bụi gai để mọi ưu phiền, đớn đau và nghịch cảnh trở thành những đoá hoa đầy ánh sáng.

Bụi gai, một loài thảo mộc đơn hèn, bị người đời khinh chê và lãng quên đã được Con Người khổ đau ấy nâng lên thành một vương miện đỏ thắm gắn chặt vào lòng mình, để trái tim của nó cảm thấu được tất cả những nhịp ru khắc khoải nhưng an hoà của Tình Yêu muôn trùng vô biên.



Mùa Chay Thánh

04/03/2010

An Thiện Minh

XIN HÃY THA THỨ CHO NHAU

Sông La
Trơi vẫn cứ mưa, mưa hoài.Mưa làm cho đất như nẫu ra,mưa dai dăng kéo dài .Mưa gợi cho con nhìn vào thực tại trong kiếp nhân sinh.
Mưa đời đã làm xói mòn biết bao mảnh đời nghiệt ngã. Mưa buồn của người xa xứ,sau cái xa xứ là biết bao bát hạnh của kiếp người tìm kiếm cớ sinh nhai. Mưa buồn của tình người đổi trăng thay đen.Mưa sỷ nhục ,mưa hiểu lầm,mưa vu khống ,dối trá,tham lam, ích kỷ.
Thật sư,trời có tuôn mưa xuống ,đất có nẫu ra thì vẫn có lúc ngừng,và ánh nắng lại bừng lên cho nhân gian ấm lại . Nhưng cái mưa đời trong kiếp con người bao giờ mới được bước vào công lý và hoà bính, vào trong tự do và sự thật . Nếu như mưa đời trong cõi nhân sinh không có chân lý tin mừng lời Chúa, không có tình yêu Agapê sống la cho thì mãi mãi vẫn còn bất công, mưa đời vẫn làm khổ đau,cơ cựccho bao mảnh đời nghèo khổ.
Mưa đời trong kiếp nhân sinh ,nếu ai đó trong chúng ta có trong mình đức ái Kitô giáo, tránh sao khỏi nỗi đau nao lòng, lòng ta day dứt vì những bất công ,tàn nhẫn của con người đối với con người, vì cái ranh giới giữa đời và đạo ,vì cái đối nghịch giữa thánh thiêng và ô trọc.
Thât sự,cái ô trọc,sự dữ,sự ác có bao giờ mà tiếp nhận được tình yêu ; làm sao mà cảm nhận được lòng từ bi nhân hậu xót thương nơi Thiên Chúa là Cha.
Để xoá đi cái mưa đời nghiệt ngã, Đức Giê Su Ki Tô con Thiên Chúa đã xuông thế làm người.

Thiên Chúa thât cũng là con người thật hoà quyện trong nhau,để đi vào thế trần, để mà hiểu,mà thấy cái thấp hèn,yếu đuối,mỏng manh của con người để rồi mà tha thứ, để mà xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm


Con tự hỏi lòng con? Sao Chúa Giê Su đau khổ bước đi trên con đường thập giá là Thiên Chúa thật,con Thiên Chúa lại làm người để đi vào cung lòng người nữ,để sinh ra trong một đêm mưa gió, ở một nơi hèn hạ hang bò lưa. Rồi lớn lên như bao trẻ đói nghèo của người dân lao động. Để bước đi trong mọt đời sống bị sỷ nhục ,bị tẩy chay,bị xét đoán,bị chỉ trích , rồi bị giết chết bởi những người mà chính Thiên Chúa Cha tuyển chọn,đã mặc khải trước tiên trong nhân loại loài người.Vâng, bởi chính Ngài là Thiên Chúa tình yêu, đức ái từ muôn thủa,trong ngài không có hận thù,không có căm ghét ,không có đố kỵ . Nơi Ngài chỉ có tha thứ, chỉ cólà yêu ,yêu cho đến tân cùng , yêu cả cái tội lỗi muôn thủa của con người. Nhờ Người ,trong Người mà tìnhyêu Thiên Chúa ở trong con người Ki Tô Hữu , dù ta có bị mưa đời xói mòn, dù có thế nào đi chăng nữa ta vẫn không đơn độc kiệt ngã. Chúa ở trong ta, Chúa mời gọi ta: “hãy tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Và “Hãy tha đến bảy mươi lần bảy, tha mãi mãi.” Thiên Chúa cũng xót thương họ nhưng họ chẳng muốn nhận ra điều đó. Cái đức ái của người Kitô hữu, của những người được Thiên Chúa ban ơn là như vậy đó. Chúa là Emanuel luôn hiện hữu, hằng hữu, và thánh ý nhiệm màu của Người con người dò sao thấu. Những khuấy động hôm nay trong một xã hội bất công, trong những cái bất toàn Chúa vẫn thấy đó, Chúa vẫn hiện hữu và chính Ngài đang nói với chúng ta rằng chưa đến thời đến buổi, mà hãy chạy đua trong cuộc đua về nước Đức KiTô bằng sự kiên tâm, kiên định, trung tín, bằng tất cả tình yêu mà Ngài ban cho ta. Chúa mời gọi sống tha thứ, sống làm việc trong đức tin, đức cậy, đức mến bằng cái khôn ngoan của con rắn, bằng cái hiền lành của con chim bồ câu.
Hôm nay đây trong cái thực tại nhưng với niềm tin vào Thiên Chúa tình yêu, ta tin rằng Chúa đang liên kết chúng ta lại như chính Ngài đã liên kết, triền nở cộng đồng dân Chúa qua mấy ngàn năm bị bách hại. Từ một dân Do Thái tuyển chọn nay đã lan rộng ra toàn thế giới. Như Việt Nam ta hơn 300 năm đã có biết bao Hồng Y, Linh Mục, Giám mục tăng lên vững mạnh. Dù hoàn cảnh bất lợi, dù khó khăn ngập tràn nhưng khải huyền sẽ đến trong sự hiện diện của niềm tin. Dù có thế nào đi chăng nữa ta cũng sẽ cộ gắng sống như chính Đức Giêsu Kitô đã sống. Dù hôm nay. Các giám mục, các linh mục có có phải đối di65n với bao gian nguy thử thách trong một xã ho65ia2 công lý chưa được suy tôn thì ta vẫn tin đó là thánh ý nhiệm màu để giúp cho các Ngài và giáo dân Việt Nam thêm can đảm, dũng cảm để tuyên xưng đức tin giữa đời. Hôm nay đây Giáo Hội luôn mời gọi đối thoại liên tôn, trong Thánh Ý Chúa, chúng ta mong muốn hiệp nhất nên một để đi đến một nhân loại yêu thương, hoà bình, công lý, bước đi trong sự thật. Nhưng nếu dòng đời cố tình không muốn hoà bình, không muốn xem bốn phương trời là anh em. Phải chăng họ muốn ta đi ngược lại với lịch sử của dân tộc là dựng và giữ. Không muốn sự thật, không thực thi công lý và tình yêu, điều tất yếu là hậu hoạ họ tự chuốc lấy, Chúa sẽ phẫn nộ cùng họ “Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của ta”.
Còn chúng ta, chúng ta có Chúa, ta cố gắng sống trong cuộc đời công chính để xây dựng hoà bình bằng tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu Agape, thanh khiết bằng tất cả tấm lòng khoan dung, từ bi nhân hậu, mềm dẻo nhưng phân dịnh rạch ròi đúng, sai, xấu, tốt. Không tranh chấp, xô xát, đố kỵ, ghen tuông.
Tình yêu của Thiên Chúa mời gọi con dù trăn trở khổ đau nhưng hãy lấy sự tha thứ làm đầu. Con nguyện xin Chúa giúp con cố gắng sống sử xự mọi việc xuất phát từ tình yêu của Chúa, từ sự hiền hậu và đức khôn ngoan thật, để trong Chúa chúng con cũng cầu nugyện cho họ, xin Chúa giúp họ nhận ra rằng họ cũng được Thiên Chúa xót Thương.
Sông La


CON ĐÃ VÂNG LỜI CHÚA CHƯA?
Vũ Thủy
Đọc bài Phúc âm “Chúa hiển dung trên núi Ta-bo” con hiểu như thế này này Chúa ạ:

Chúa đã đóng vai một người con của thợ mộc ở làng Na-za-reth nhỏ bé, dĩ nhiên là Chúa cũng có hình dạng bình thường như chúng con. Trong một lần lên núi cầu nguyện cùng với ba môn đệ, Chúa Cha đã cho ba môn đệ người trần mắt thịt của Chúa nhìn thấy Chúa hiển dung. Dung nhan Chúa tỏa sáng, y phục Chúa cũng tỏa sáng tuyệt vời. Đồng thời với sự biến hình của Chúa là lời khẳng định của Đức Chúa Cha: “Đây là con Ta hằng yêu dấu, Ta rất hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Trong lúc Chúa hiển dung, Chúa đã cùng ông Mô-sê và ông Ê-li-a nói về chuyện Chúa sẽ phải đi Giê-ru-sa-lem để chịu đau khổ và chịu chết. Tiếp theo đó sẽ là một sự hiển dung nữa, sự phục sinh đầy vinh hiển của Chúa.

Con đã nghe lời Chúa chưa? Chúa biết rõ lắm mà! Con đã cố gắng hết sức để vâng nghe lời Chúa. Thế nhưng với bản tính mỏng dòn, đôi khi trong quá trình chịu đau khổ kết hợp với đau khổ của Chúa để được cùng biến đổi với Chúa đã làm con mòn mỏi, hoặc làm con trở nên kiêu căng nữa không biết chừng. Xin Chúa hãy luôn cảnh giác con nhé!

Chúa vừa mới xuất hiện trong vẻ chói ngời như mặt trời, khi trở xuống núi Chúa đã phải suy nghĩ về việc đi Giê-ru-sa-lem để chịu chết. Một chuỗi những sự kiện như: bữa tiệc ly, cầu nguyện với Chúa Cha trong vườn Giệt-si-ma-ni, bị bắt, chịu thẩm vấn, chịu phỉ nhổ, chịu đánh đập, chịu đóng đinh, rồi chết trần truồng trên thập giá. Chúa cũng đã sợ hãi và buồn rầu đến toát mồ hôi máu, Chúa cũng đã từng tần ngần trước chén đắng mà Chúa Cha trao cho. . .

Chúa biết rõ con chỉ là một cô gái yếu đuối, bệnh hoạn mà sao Chúa lại còn cho con tính nhạy cảm nữa? Lạy Chúa, cuộc đời con đã trải qua bao nhiêu chu kỳ của sự biến đổi cùng với Chúa? Thoạt khi con vừa bước vào tuổi 17, con đã gặp một biến cố với biết bao suy nghĩ về tương lai của mình. Con đã chờ đón những gì con biết là rồi sẽ xảy ra cho mình. Lúc ấy con đã cầu xin: Lạy Chúa, con không xin cho khỏi bệnh, nhưng con xin cho con đủ sức chịu đựng! Vậy mà đã có lúc con tự hào cho mình là người mạnh mẽ, đã phấn đấu để đứng vững trước những thử thách của cuộc đời. Con vội phủ nhận những ơn mà Chúa đã ban cho con, đã đáp lại lời con, nói gì đến lòng biết ơn Chúa nữa. Chỉ đến khi con trở thành người mù hoàn toàn, con mới nhận ra mình vốn là một con số không vô nghĩa trong thế giới này, tất cả những gì con có là của Chúa ban cho. Và rồi chuỗi đời con dần dần biến đổi qua những đau khổ của bệnh tật và đớn đau của thể xác.

Con lần đi theo dấu vết của Chúa trên đường lên núi Sọ, và dừng lại dưới chân thập giá. Ở đó, con cùng được biến đổi với Chúa, con thấy chung quanh mình bừng lên đầy ánh sáng. Qua luồng ánh sáng đó, qua ý nghĩa của cây thập giá, con đã nhìn thấy nhiều điều mới mẻ. Những khi vì mù lòa mà phải chịu đựng, nhịn nhục để được sự giúp đỡ của người khác, con nghĩ đến vẻ nhẫn nhục của Chúa trên thập giá. Chúa trần truồng và bất lực như con. Những khi đau đớn mà bệnh không có thuốc chữa, con nghĩ đến sự đau đớn của Chúa khi bị đóng đinh. Chúa còn đau gấp trăm, gấp ngàn lần con ấy Chúa nhỉ? Và con lại dâng sự đau đớn ấy cho Chúa, nhưng còn cố làm cuộc trao đổi khá buồn cười: “Lạy Chúa, con xin dâng sự đau khổ của con cho Chúa để cho những người bệnh đang đau đớn gấp trăm, gấp ngàn lần con được bớt đau đi một chút!”. Khi con nhận được những niềm vui, những sự giúp đỡ nhiệt tình con lại nghĩ đến những người không được may mắn như mình. Con muốn đem những niềm vui, những gì con có để chia sẻ cho người không được may mắn như con. Khi nằm lẻ loi trên giường bệnh, con nghĩ đến Chúa lẻ loi nếm chút giấm trên thập giá, nghĩ đến những người không nhà cửa, không tiền bạc chữa bệnh và cầu xin cho họ. . .

Tất cả những điều ấy con muốn làm vì Chúa. Nhưng con không nói Chúa cũng biết đôi khi con giống như ông Phê-rô sốt sắng muốn dựng lều cho Chúa trên núi Ta-bo. Đôi khi con làm việc thiện vì muốn chứng tỏ cho người khác biết mình là người tốt nữa. Có những lúc con cảm thấy muốn nổi đóa và không muốn đeo thêm lên mình một gánh nặng nào nữa cả. Những lúc ấy, con nhìn thấy ánh mắt lặng câm của Chúa trên thập giá thẳng thắn bảo con rằng: “Ngươi đã không vâng nghe lời Ta!”.

Lạy Chúa, con xin cố gắng vâng nghe lời Chúa! Xin Chúa luôn giúp con biết chấp nhận đau khổ để được biến đổi trong Chúa. Nhưng lạy Chúa, Chúa phải thường xuyên nhắc nhở con mỗi khi con bướng bỉnh không vâng nghe lời

Chúa nhé, Chúa nhớ đấy!

Chúa nhật II mùa chay năm 2010



Viết cho nhóm Đồng Hành mùa chay năm 2010
Vũ Thủy



tải về 0.77 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương