Cập nhật đến ngày 01/10/2006 kodekc mátxcơVA, 2006 BỘ luật tố TỤng hình sự liên bang nga


Mục 3 TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ



tải về 2.43 Mb.
trang4/27
Chuyển đổi dữ liệu07.06.2018
Kích2.43 Mb.
#39612
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   27

Mục 3

TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Điều 20. Các loại truy cứu trách nhiệm hình sự


1. Căn cứ vào tính chất mức độ nguy hiểm của tội phạm được thực hiện, việc truy cứu trách nhiệm hình sự, bao gồm cả việc buộc tội trước Toà án được thực hiện theo thủ tục công tố, công - tư tố và tư tố.

2. Các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các điều 115, 116, khoản 1 Điều 129 và Điều 130 Bộ luật hình sự Liên bang Nga được coi là các vụ án tư tố. Các vụ án này chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ. Trong trường hợp người bị hại và bị can thoả thuận được với nhau thì vụ án phải bị đình chỉ. Việc thoả thuận chỉ được thực hiện trước khi Toà án tiến hành nghị án để tuyên án.

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002)

3. Các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 131, 132, 136, 137, 138, 139, 146, 147 và Điều 145 Bộ luật hình sự Liên bang Nga được coi là các vụ án công - tư tố. Các vụ án này chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại nhưng không thể bị đình chỉ khi có thoả thuận giữa người bị hại và bị can, trừ những trường hợp quy định tại Điều 25 Bộ luật này.



(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

4. Kiểm sát viên, cũng như Dự thẩm viên hoặc Điều tra viên sau khi được sự đồng ý của Viện kiểm sát có quyền khởi tố vụ án hình sự về bất kỳ tội phạm nào được nêu tại các khoản 2 và 3 Điều này mặc dù không có yêu cầu của người bị hại, nếu như tội phạm đó xâm hại đến người đang ở trong tình trạng bị lệ thuộc hoặc do những nguyên nhân khác mà người đó không có khả năng tự mình sử dụng các quyền của mình.1

5. Những vụ án hình sự, trừ những vụ án về những tội quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này được coi là những vụ án công tố.


Điều 21. Nghĩa vụ thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự nhân dânh Nhà nước đối với các vụ án công tố và các vụ án công - tư tố do Kiểm sát viên cũng như do Dự thẩm viên và Điều tra viên thực hiện.


2. Trong mọi trường hợp phát hiện được dấu hiệu của tội phạm, Kiểm sát viên, Dự thẩm viên, Cơ quan điều tra ban đầu và Điều tra viên áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định sự kiện phạm tội và chứng minh người hoặc những người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm.

3. Trong những trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 20 Bộ luật này, Kiểm sát viên có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những vụ án hình sự mà không phụ thuộc vào ý chí của người bị hại.

4. Những yêu cầu, uỷ quyền, chất vấn của Kiểm sát viên, Dự thẩm viên, Cơ quan điều tra ban đầu và Điều tra viên được ban hành trong phạm vi thẩm quyền của những người này và được Bộ luật này quy định có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với mọi cơ quan, xí nghiệp, tổ chức, người có chức vụ, quyền hạn và mọi công dân.

Điều 22. Quyền hạn của người bị hại trong việc tham gia truy cứu trách nhiệm hình sự


Người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ và (hoặc) người đại diện có quyền tham gia vào việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can. Đối với những vụ án tư tố thì họ có quyền buộc tội và thực hiện sự buộc tội theo thủ tục quy định tại Bộ luật này.

Điều 23. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo yêu cầu của tổ chức kinh tế và tổ chức khác


Nếu hành vi quy định tại Chương 23 Bộ luật hình sự Liên bang Nga gây thiệt hại cho lợi ích của tổ chức kinh tế và tổ chức khác, nếu tổ chức đó không phải là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp đô thị, hoặc nếu không gây thiệt hại cho lợi ích của các tổ chức khác, của công dân, của xã hội và của Nhà nước thì vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của Lãnh đạo các tổ chức này hoặc nếu được sự đồng ý của họ.
Mục 4

NHỮNG CĂN CỨ KHÔNG KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ

HOẶC ĐÌNH CHỈ VỤ ÁN HÌNH SƯ

Điều 24. Những căn cứ không khởi tố vụ án hình sự hoặc đình chỉ vụ án hình sự


1. Không được khởi tố vụ án hình sự và đối với vụ án hình sự đã được khởi tố thì phải đình chỉ theo những căn cứ sau đây:

1) Không có sự việc phạm tội;

2) Hành vi không cấu thành tội phạm;

3) Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

4) Người bị tình nghi hoặc bị can đã chết, trừ những trường hợp việc tiến hành tố tụng đối với vụ án là cần thiết để minh oan cho người đã chết;

5) Không có yêu cầu của người bị hại, nếu vụ án đó chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, trừ những trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 20 Bộ luật này;

6) Không có kết luận của Toà án về dấu hiệu tội phạm đối với hành vi của một trong những người quy định tại các điểm 1 - 5, 9 và 10 khoản 1 Điều 448 Bộ luật này hoặc không có sự đồng ý của Quốc hội, Đuma Quốc gia, Toà án Hiến pháp Liên Bang Nga, Hội đồng thẩm định chức danh Thẩm phán về việc khởi tố vụ án hình sự hay khởi tố bị can đối với một trong những người quy định tại các điểm từ 1 đến 5 khoản 1 Điều 448 Bộ luật này.

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002)

2. Vụ án hình sự phải bị đình chỉ theo căn cứ quy định tại điểm 2 khoản 1 Điều này trong trường hợp, nếu trước khi bản án có hiệu lực pháp luật việc quy định tội phạm và hình phạt đối với hành vi đã được thực hiện bị luật hình sự mới huỷ bỏ.

3. Việc đình chỉ vụ án hình sự đồng thời dẫn đến đình chỉ việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 25. Đình chỉ vụ án hình sự do các bên tự hoà giải


Toà án, Kiếm sát viên cũng như Dự thẩm viên và Điều tra viên nếu được Viện kiểm sát đồng ý, căn cứ vào yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền đình chỉ vụ án hình sự đối với người bị nghi ngờ hoặc bị buộc tội là đã thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng trong các trường hợp quy định tại Điều 76 Bộ luật hình sự Liên bang Nga, nếu người đó tự hoà giải được với người bị hại và bồi thường thiệt hại cho người bị hại.

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002)

Điều 26. Đình chỉ vụ án do sự chuyển biến của tình hình


(Điều luật này đã đình chỉ hiệu lực thi hành bởi Luật liên bang số 161/LLB ngày 8 tháng 12 năm 2003)

Điều 27. Những căn cứ đình chỉ việc truy cứu trách nhiệm hình sự


1. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị tình nghi hoặc bị can phải bị đình chỉ theo những căn cứ sau đây:

1) Người bị tình nghi hoặc bị can không liên quan đến việc thực hiện tội phạm;

2) Đình chỉ vụ án hình sự theo những căn cứ quy định tại các điểm từ 1 đến 6 khoản 1 Điều 24 Bộ luật này;

3) Đã có quyết định đặc xá;

4) Đối với người bị tình nghi hoặc bị can đã có bản án của Toà án về vụ án đó đã có hiệu lực pháp lật hoặc đã có quyết định của Toà án hoặc quyết định của Thẩm phán về việc đình chỉ vụ án đó;

5) Đối với người bị tình nghi hoặc bị can đã có quyết định của Cơ quan điều tra ban đầu, Dự thẩm viên hoặc Kiểm sát viên về việc đình chỉ vụ án hoặc đã có quyết định không khởi tố vụ án đó;

6) Quốc hội và (hoặc) Đuma quốc gia Liên bang Nga không đồng ý việc tước bỏ quyền bất khả xâm phạm của Tổng thống Liên bang Nga sau khi đã từ nhiệm;

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002, Luật liên bang số 98/LLB ngày 24 tháng 7 năm 2002 và Luật liên bang số 161/LLB ngày 8 tháng 12 năm 2003)

2. Không được đình chỉ việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo những căn cứ quy định tại các điểm 3 và 6 khoản 1 Điều 24, các Điều 25 và 28 Bộ luật này cũng như tại các điểm 3 và 6 khoản 1 Điều này, nếu người bị tình nghi, bị can phản đối việc đình chỉ. Trong trường hợp này hoạt động tố tụng hình sự đối với vụ án được tiếp tục theo thủ tục chung.



(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002 và Luật liên bang số 98/LLB ngày 24 tháng 7 năm 2002)

3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vào thời điểm thực hiện hành vi chưa đủ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật hình sự phải bị đình chỉ theo quy định tại điểm 2 khoản 1 Điều 24 Bộ luật này. Cũng theo căn cứ này, phải đình chỉ việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên mà vào thời điểm thực hiện hành vi họ đã đủ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng do có hạn chế trong sự phát triển tâm lý, nhưng không liên quan đến rối loạn tâm thần, mà không thể nhận thức được một cách đầy đủ về tính chất và mức độ nguy hiểm của hành động (không hành động) của mình đã thực hiện và không điều khiển được hành vi của mình vào thời điểm thực hiện hành vi theo quy định của luật hình sự.

4. Trong những trường hợp quy định tại Điều này, cho phép đình chỉ việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị tình nghi, bị can mặc dù vụ án chưa bị đình chỉ.

Điều 28. Đình chỉ việc truy cứu trách nhiệm hình sự do ăn năn hối cải


1. Toà án, Kiểm sát viên cũng như Dự thẩm viên và Điều tra viên, nếu được Viện kiểm sát đồng ý có quyền đình chỉ việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị tình nghi, bị can phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 75 Bộ luật hình sự Liên bang Nga.

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002 và Luật liên bang số 153/LLB ngày 27 tháng 7 năm 2006)

2. Toà án, Kiểm sát viên cũng như Dự thẩm viên và Điều tra viên, nếu được Viện kiểm sát đồng ý chỉ có thể đình chỉ việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội khác khi tỏ ra thành khẩn, ăn năn hối cải và phải có quy định cụ thể tại điều luật tương ứng ở Phần riêng của Bộ luật hình sự

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 153/LLB ngày 27 tháng 7 năm 2006)

3. Trước khi đình chỉ việc truy cứu trách nhiệm hình sự cho người nào, thì cần phải giải thích cho người đó các căn đình chỉ theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này và quyền kháng cáo đối với quyết định đình chỉ.

4. Không được đình chỉ việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, nếu người được đình chỉ phản đối việc đó. Trong trường hợp này việc tiến hành tố tụng đối với vụ án được tiếp tục theo thủ tục chung.


Chương II

CÁC CHỦ THỂ TIẾN HÀNH TỐ TỤNG

Mục 5

TOÀ ÁN

Điều 29. Thẩm quyền của Toà án


Chỉ có Toà án mới có thẩm quyền:

1) Coi một người là có tội và áp dụng hình phạt đối với người đó;

2) Áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc theo quy định tại Mục 51 Bộ luật này;

3) Áp dụng biện pháp cưỡng chế giáo dục theo quy định tại Mục 50 Bộ luật này;

4) Huỷ bỏ hoặc sửa quyết định của Toà án cấp dưới;

2. Chỉ có Toà án mới có thẩm quyền ra các quyết định sau đây, bao gồm cả các quyết định ban hành trước khi xét xử:

1) Quyết định áp dụng biện pháp tạm giam, giam giữ tại nhà;

2) Quyết định gia hạn thời hạn tạm giam;

3) Quyết định đưa người bị tình nghi, bị can không bị tạm giam đến cơ sở y tế hay tâm thần để giám định pháp y hay giám định pháp y tâm thần;

4) Quyết định khám nhà khi những người sinh sống ở đó không đồng ý;

5) Quyết định khám xét và (hoặc) lục xoát nơi ở;

6) Quyết định khám người, trừ các trường hợp quy định tại Điều 93 Bộ luật này;

7) Quyết định thu giữ đồ vật và tài liệu có chứa đựng thông tin về tiền gửi và tài khoản ở ngân hàng và tại các tổ chức tín dụng khác;

8) Quyết định thu giữ thư tín, cho phép khám xét và thu giữ chúng tại các cơ quan thông tin liên lạc;

(Điểm này được sửa đổi theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

9) Quyết định thu giữ tài sản, bao gồm cả tiền gửi, tiền trong tài khoản của cá nhân và pháp nhân hoặc được bảo quản tại ngân hàng hoặc tại các tổ chức tín dụng khác;

10) Quyết định tạm đình chỉ chức vụ của người bị tình nghi hay bị can theo quy định tại Điều 114 Bộ luật này;

(Điểm này được sửa đổi theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

11) Quyết định việc giám sát và ghi âm lại các cuộc trao đổi bằng điện thoại hay bằng các hình thức khác.

3. Ở giai đoạn trước khi xét xử, Toà án có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại đối với hành vi và quyết định của Kiểm sát viên, Dự thẩm viên, Cơ quan điều tra ban đầu, và Điều tra viên trong những trường hợp và theo thủ tục quy định tại Điều 125 Bộ luật này.

4. Nếu trong quá trình xét xử vụ án hình sự mà phát hiện được những tình tiết là điều kiện của tội phạm, vi phạm quyền và tự do của công dân, cũng như những vi phạm pháp luật khác trong quá trình điều tra ban đầu, điều tra dự thẩm hoặc trong quá trình xét xử của Toà án cấp dưới, thì Toà án có quyền ra quyết định hay công văn kiến nghị, yêu cầu cơ quan và người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm.Toà án cũng có quyền ra quyết định hay công văn kiến nghị trong các trường hợp khác, nếu thấy cần thiết.

Điều 30. Thành phần Hội đồng xét xử

1. Việc xét xử vụ án hình sự do Hội đồng hoặc do một Thẩm phán tiến hành xét xử.

2. Toà án cấp sơ thẩm tiến hành xét xử với thành phần sau:

1) Thẩm phán Toà án liên bang thẩm quyền chung xét xử tất cả các vụ án hình sự, trừ các vụ án quy định tại các điểm 2-4 Điều này;



(Điểm này được sửa đổi theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002)

2) Thẩm phán Toà án liên bang thẩm quyền chung và Đoàn bồi thẩm gồm 12 thành viên xét xử vụ án theo yêu cầu của bị can về những tội phạm quy định tại khoản 3 Điều 31 Bộ luật này;

3) Hội đồng xét xử gồm 3 Thẩm phán Toà án liên bang thẩm quyền chung xét xử các tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng nếu có yêu cầu của bị cáo được gửi đến trước khi mở phiên toà và phải tuân thủ quy định tại Điều 231 Bộ luật này;

(Điểm này được sửa đổi theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002)

4) Thẩm phán hoà giải xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Bộ luật này.

3. Việc xét xử các vụ án hình sự theo thủ tục chống án do một Thẩm án Toà án cấp quận tiến hành.

4. Việc xét xử phúc thẩm do Hội đồng gồm 3 thẩm phán Toà án liên bang thẩm quyền chung tiến hành, còn trường hợp giám đốc thẩm do không dưới 3 thẩm phán Toà án liên bang thẩm quyền chung tiến hành.

5. Trong trường hợp việc xét xử do Hội đồng gồm 3 thẩm phán Toà án liên bang thẩm quyền chung tiến hành, thì một Thẩm phán làm chủ toạ phiên toà.

6. Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Thẩm phán hoà giải do những người quy định tại khoản 5 Điều 31 Bộ luật này thực hiện do một Thẩm phán Toà án quân sự khu vực xét xử theo trình tự quy định ở Mục 41 Bộ luật này. Trong trường hợp đó bản án và quyết định có thể bị kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.



(Khoản này được bổ sung theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002)

Điều 31. Thẩm quyền xét xử

1. Thẩm phán hoà giải có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự về những tội phạm có mức hình phạt tối đa đối với tội đó là không quá 3 năm tù, trừ các vụ án về các tội phạm quy định tại các Điều 107 (khoản 1), 108, 109 (khoản 1 và 2), 134, 135, 136 (khoản 1), 146 (khoản 1), 147 (khoản 1), 170, 171 (khoản 1), 1711 (khoản 1), 174 (khoản 1), 1741 (khoản 1), 177, 178 (khoản 1), 183 (khoản 1), 184 (khoản 1, 3 và 4), 185, 191 (khoản 1), 193, 194 (khoản 1), 195, 198, 199 (khoản 1), 1991 (khoản 1), 201 (khoản 1, 202 (khoản 1), 204 (khoản 1 và 3), 207, 212 (khoản 3), 215 (khoản 1), 2151 (khoản 1), 216 (khoản1), 217 (khoản 1), 219 (khoản 1), 220 (khoản 1), 225 (khoản 1), 228 (khoản 1), 2282, 234 (khoản 1 và 4), 235 (khoản 1), 236 (khoản 1), 237 (khoản 1), 238 (khoản 1), 239, 244 (khoản 2), 247 (khoản 1), 248 (khoản 1), 249, 250 (khoản 1 và 2), 251 (khoản 1 và 2), 252 (khoản 1 và 2), 253, 254 (khoản 1 và 2), 255, 256 (khoản 3), 257, 258 (khoản 2), 259, 262, 263 (khoản 1), 264 (khoản 1), 266 (khoản 1), 269 (khoản 1), 270, 271, 272 (khoản 1), 273 (khoản 1), 274 (khoản 1), 282 (khoản 1), 2851 (khoản 1), 2852 (khoản 1), 287 (khoản 1), 288, , 289, 291 (khoản 1), 292, 293 (khoản 1), 294 (khoản 1 và 2), 296 (khoản 1 và 2), 297, 298 (khoản 1 và 2), 301 (khoản 1), 302 (khoản 1), 303 (khoản 1 và 2), 306 (khoản 1), 307 (khoản 1), 309 (khoản 1 và 2), 311 (khoản 1), 316, 322 (khoản 1), 323 (khoản 1), 327 (khoản 1), 3271 (khoản 1) và 328 Bộ luật hình sự Liên bang Nga



(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003, Luật liên bang số 161/LLB ngày 8 tháng 12 năm 2003 và Luật liên bang số 54/LLB ngày 1 tháng 6 năm 2005)

2. Toà án cấp quận có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự về tất cả các tội phạm, trừ những vụ án về các tội phạm được nêu tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này (bao gồm cả các vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Thẩm phán hoà giải).



(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002)

3. Toà án Tối cao của các nước nước cộng hoà thuộc Nga, Toà án vùng hoặc khu vực, Toà án thành phố trực thuộc liên bang, Toà án vùng tự trị và Toà án khu vực tự trị có thẩm quyền đối với:

1) Các vụ án hình sự về những tội phạm quy định tại cáccĐiều 105 (khoản 2), 126 (khoản 3), 131( khoản 3), Điều 205, 206 (khoản 2 và 3), 208 (khoản), các Điều 209 - 211, 212 (khoản 1), 227, 263 (khoản 3), 267 (khoản 3), 269 (khoản 3); các Điều 275 - 279, 281, 290 (khoản 3 và 4); các Điều 294 - 302, 303 (khoản 2 và 3), 304, 305, 317, 321 (khoản 3), 322 (khoản 2), các Điều từ 353 - 358, 359 (khoản 1 và 2) và Điều 360 Bộ luật hình sự Liên bang Nga;

(Điểm này được sửa đổi theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002, Luật liên bang số 98/LLB ngày 24 tháng 7 năm 2002 và Luật liên bang số 161/LLB ngày 8 tháng 12 năm 2003)

2) Việc chuyển các vụ án hình sự đến các Toà án nêu trên được thực hiện theo quy định tại các Điều 34 và 35 Bộ luật này.



(Điểm này được sửa đổi theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

3) Các vụ án hình sự mà trong hồ sơ có các thông tin thuộc bí mật quốc gia. (Điểm này được bổ sung theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

4. Toà án tối cao Liên bang Nga có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự quy định tại Điều 452 Bộ luật này cũng như các vụ án hình sự khác theo quy định của Hiến pháp và Luật liên bang.

5. Toà án quân sự cấp khu vực (Đồn chú, Quân đoàn, Binh đoàn ...) xét xử các vụ án hình sự về tất cả các tội phạm mà người thực hiện là quân nhân và công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội, trừ các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự cấp trên.



6. Toà án quân sự cấp quân khu (Mặt trận, Miền, Bộ đội Tên lửa chiến lược, Hạm đội ...) xét xử các vụ án hình sự quy định tại khoản 3 Điều này mà người thực hiện là quân nhân và công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội.

7. Nếu vụ án hình sự về tội phạm do một nhóm người thực hiện, mặc dù trong số đó chỉ có một người thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự thì toàn bộ vụ án đó có thể do Toà án quân sự xét xử, nếu những người khác không phải là quân nhân hoặc công dân được trưng tập không phản đối. Trong trường hợp những người này phản đối thì vụ án đối với họ được tách ra để giải quyết riêng và được xét xử ở Toà án tương ứng thẩm quyền chung. Trong trường hợp không thể tách vụ án ra để giải quyết riêng thì toàn bộ vụ án liên quan đến tất cả những người này sẽ xét xử ở Toà án tương ứng thẩm quyền chung.

8. Toà án quân sự đóng ở ngoài lãnh thổ Liên bang Nga có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự về những tội phạm do quân nhân phục vụ trong lực lượng vũ trang Liên bang Nga, những thành viên trong gia đình họ và cả những công dân khác của Liên bang Nga thực hiện nếu:

1) Hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định trong Bộ luật hình sự được thực hiện trên lãnh thổ thuộc thẩm quyền xét xử của Liên bang Nga, hoặc được thực hiện trong khi thi hành công vụ hoặc xâm phạm đến lợi ích của Liên bang Nga;

2) Hiệp định quốc tế của Liên bang Nga không có quy định khác.

9. Toà án cấp quận và Toà án quân sự cùng cấp ra các quyết định ở giai đoạn tố tụng trước khi xét xử theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 29 Bộ luật này.



10. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự trong vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Toà án giải quyết vụ án hình sự.

Điều 32. Thâm quyền xét xử vụ án hình sự theo lãnh thổ


1. Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án, nơi tội phạm xảy ra, trừ những trường hợp quy định tại Điều 35 Bộ luật này.

2. Nếu tội phạm được bắt đầu tại địa điểm thuộc thẩm quyền xét xử của một Toà án và kết thúc tại điạ điểm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án khác thì vụ án đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nơi tội phạm kết thúc.

3. Nếu các tội phạm được thực hiện ở nhiều địa điểm khác nhau thì Toà án có thẩm quyền xét xử vụ án là Toà án, nơi mà đa số các tội phạm được thực hiện hoặc nơi mà tội phạm nguy hiểm nhất trong số các tội phạm đó được thực hiện.

Điều 33. Thẩm quyền xét xử trong trường hợp nhập vụ án


1. Trong trường hợp một người hoặc một nhóm người thực hiện nhiều tội phạm mà những tội phạm này thuộc thẩm quyền xét xử của các Toà án khác cấp thì vụ án hình sự đối với tất cả các tội phạm thuộc thẩm quyết xét xử của Toà án cấp trên.

2. Không được phép xét xử tại Toà án quân sự các vụ án hình sự về những tội phạm mà người thực hiện không phải là quân nhân, trừ những trường hợp quy định tại các khoản từ 5 đến 8 Điều 31 Bộ luật này.


Điều 34. Chuyển vụ án để xét xử theo thẩm quyền


1. Trong quá trình xem xét đưa vụ án ra xét xử, nếu Thẩm phán xác định rằng vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp mình thì ra quyết định chuyển vụ án đến Toà án có thẩm quyền để xét xử.

2. Nếu Toà án xác định thấy vụ án hình sự đang được thụ lý thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án khác cùng cấp thì có quyền được tiếp tục thụ lý đối với vụ án đó nếu bị cáo đồng ý, nhưung chỉ trong trường hợp Toà án đã quyết định đưa vụ án đó ra xét xử.

3. Nếu vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp trên hoặc của Toà án quân sự thì trong mọi trường hợp phải chuyển vụ án đó đến Toà án có thẩm quyền xét xử.

Điều 35. Thay đổi thẩm quyền xét xử vụ án hình sự theo lãnh thổ


1. Thẩm quyền xét xử vụ án hình sự theo lãnh thổ có thể bị thay đổi:

1) Theo khiếu nại của một trong các bên trong trường hợp chấp nhận khiếu nại theo quy định tại Điều 65 Bộ luật này về việc thay đổi toàn bộ thành phần xét xử của Toà án này;

2) Theo khiếu nại của một trong các bên hoặc theo ý kiến của Chánh án Toà án, nơi đang thụ lý vụ án trong các trường hợp:

a) Nếu tất cả Thẩm phán của Toà án này trước đó đã tham gia xét xử vụ án này và là căn cứ để thay đổi họ theo quy định tại Điều 63 Bộ luật này;

b) Nếu không phải tất cả các chủ thểm tham gia vào quá trình tố tụng đối với vụ án đều đang sống trên lãnh thổ thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án này và tất cả bị can đều đồng ý thay đổi thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ đối với vụ án đó.

2. Chỉ được thay đổi thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ đối với vụ án trước khi đưa vụ án đó ra xét xử.

3. Việc thay đổi thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ theo quy định tại khoản 1 Điều này do Chánh án hoặc phó chánh án Toà án cấp trên quyết định theo thủ tục quy định tại các khoản 3, 4 và 6 Điều 125 Bộ luật này.

(Khoản này được bổ sung theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

Điều 36. Không được tranh chấp về thẩm quyền xét xử


Mọi tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa các Toà án là không được phép. Mọi vụ án hình sự được chuyển từ Toà án này sang Toà án khác theo thủ tục quy định tại Điều 34 và 35 Bộ luật này phải được Toà án nhận nơi nhận tiến hành giải quyết.
Mục 6

CÁC CHỦ THỂ THAM GIA TỐ TỤNG HÌNH SỰ THUỘC BÊN BUỘC TỘI

Điều 37. Kiểm sát viên


1. Kiểm sát viên là người có chức vụ, quyền hạn, có quyền nhân danh Nhà nước thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong quá trình tố tụng hình sự và kiểm sát hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra ban đầu và Cơ quan điều tra dự thẩm trong phạm vi thẩm quyền được quy định trong Bộ luật này.

2. Trong quá trình tố tụng đối với vụ án ở giai đoạn trước khi xét xử Kiểm sát viên có thẩm quyền :

1) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật liên bang trong việc tiếp nhận, đăng ký và giải quyết tin báo tố giác tội phạm;

2) Khởi tố vụ án hình sự và chuyển vụ án cho Điều tra viên, Dự thẩm viên, Kiểm sát viên cấp dưới để tiến hành điều tra hoặc trực tiếp thụ lý vụ án theo thủ tục quy định tại Bộ luật này;

3) Tham gia vào quá trình điều tra ban đầu và trong những trường hợp cần thiết đề ra yêu cầu điều tra, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra và các hoạt động tố tụng khác;

(Điểm này được bổ sung theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003).

4) Đồng ý cho Điều tra viên, Dự thẩm viên khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 146 Bộ luật này;

5) Đồng cho Điều tra viên, Dự thẩm viên được đệ trình trước Toà án việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn hoặc tiến hành hoạt động tố tụng khác, nếu hoạt động này chỉ được tiến hành trên cơ sở quyết định của Toà án;

6) Quyết định thay đổi Kiểm sát viên cấp dưới, Dự thẩm viên, Điều tra viên khi có khiếu nại, cũng như những người này tự đề nghị thay đổi;

7) Không cho phép Điều tra viên, Dự thẩm viên được tiếp tục tiến hành điều tra nếu họ vi phạm các quy định của Bộ luật này trong quá trình điều tra vụ án;

8) Lấy bất kỳ vụ án nào từ Cơ quan điều tra ban đầu để chuyển cho Dự thẩm viên, chuyển vụ án hình sự từ Dự thẩm viên này cho Dự thẩm viên khác của Viện kiểm sát và bắt buộc phải nêu rõ căn cứ của việc chuyển này;



(Điểm này được bổ sung theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

9) Chuyển vụ án hình sự từ Cơ quan điều tra dự thẩm này đến Cơ quan điều tra dự thẩm khác theo quy định tại Điều 151 Bộ luật này, lấy bất kỳ vụ án nào từ Cơ quan điều tra ban đầu để chuyển cho Dự thẩm viên của Viện kiểm sát và bắt buộc phải nêu rõ căn cứ của việc chuyển này;



(Điểm này được bổ sung theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

10) Huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ hoặc trái pháp luật của Kiểm sát viên cấp dưới, Dự thẩm viên, Điều tra viên theo thủ tục quy định tại Bộ luật này;

11) Uỷ quyền cho Cơ quan điều tra ban đầu tiến hành các hoạt động điều tra, cũng như đề ra yêu cầu Cơ quan điều tra ban đầu tiến hành các biện pháp truy tìm nghiệp vụ;

12) Gia hạn thời hạn điều tra;

13) Phê chuẩn quyết định của Điều tra viên, Dự thẩm viên về việc đình chỉ hoạt động tố tụng đối với vụ án;

14) Phê chuẩn bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố và chuyển vụ án cho Toà án;

15) Trả lại vụ án cho Điều tra viên, Dự thẩm viên và nêu rõ yêu cầu điều tra bổ sung;

16) Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án;

17) Thực hiện những thẩm quyền khác theo quy định của Bộ luật này.

3. Yêu cầu bằng văn bản của Kiểm sát viên đối với Cơ quan điều tra ban đầu, Điều tra viên, Dự thẩm viên được ban hành theo thủ tục quy định tại Bộ luật này có giá trị bắt buộc thi hành, mặc dù có thể bị khiếu nại lên Viện kiểm sát cấp trên, trừ những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 38 Bộ luật này.

4. Trong quá trình xét xử vụ án, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố Nhà nước, bảo đảm việc buộc tội có căn cứ và đúng pháp luật. Trong trường hợp hoạt động điều tra ban đầu được thực hiện dưới hình thức điều tra, Kiểm sát viên có quyền giao cho Điều tra viên, Dự thẩm viên đã tiến hành điều tra vụ án đó thực hiện việc buộc tội bị cáo trước Toà án.



(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002)

5. Kiểm sát viên có quyền từ chối tiến hành việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo thủ tục và các căn cứ quy định tại Bộ luật này.

6. Thẩm quyền của Kiểm sát viên quy định tại Điều này được áp dụng đối với Viện trưởng Viện kiểm sát quận, thành phố, cấp phó của họ, các chức vụ tương đương và Kiểm sát viên cấp trên.

Điều 38. Dự thẩm viên


1. Dự thẩm viên là người có chức vụ, quyền hạn, có quyền tiến hành điều tra dự thẩm đối với vụ án trong phạm vi thẩm quyền do Bộ luật này quy định.

2. Dự thẩm viên có thẩm quyền:


(Nội dung được sửa theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002)


1) Khởi tố vụ án hình sự theo thủ tục quy định tại Bộ luật này;

2) Tiếp nhận vụ án hình sự để tiến hành điều tra hoặc chuyển cho Viện kiểm sát để chuyển đến nơi có thẩm quyền điều tra;



(Điểm này được bổ sung theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

3) Tự mình tiến hành các bước điều tra, quyết định tiến hành các hoạt động điều tra và các hoạt động tố tụng khác, trừ những trường hợp phải có quyết định của Toà án và (hoặc) phê chuẩn của Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật này;

4) Uỷ quyền bằng văn bản cho Cơ quan điều tra ban đầu yêu cầu bắt buộc phải thực hiện các biện pháp truy tìm nghiệp vụ, tiến hành một số hoạt động điều tra. Thi hành quyết định bắt giữ, triệu tập, khám xét và thực hiện những hoạt động tố tụng khác cũng như nhận được sự phối hợp của Cơ quan điều tra ban đầu trong những trường hợp và theo thủ tục do Bộ luật này quy định.

5) Thực hiện những thẩm quyền khác theo quy định của Bộ luật này.

3. Dự thẩm viên có quyền đệ trình vụ án lên Viện kiểm sát cấp trên cùng với ý kiến phản đối của mình bằng văn bản trong trường hợp không đồng ý với các hành vi, quyết định của Viện kiểm sát. Trong thời gian đệ trình, Dự thẩm viên vẫn phải thực hiện các yêu cầu của Viện kiểm sát mà mình không đồng ý. Trừ các trường hợp Dự thẩm viên không đồng ý với các quyết định, yêu cầu sau đây của Viện kiểm sát:

1) Quyết định khởi tố bị can;

2) Việc định tội danh;

3) Về phạm vi buộc tội;

4) Về việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn đối với người bị tình nghi, bị can;

5) Từ trối việc đề nghị Toà án áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc thực hiện các biện pháp tố tụng khác theo quy định tại các điểm 2 - 11 khoản 2 Điều 29 Bộ luật này.

6) Chuyển vụ án cho Toà hoặc đình chỉ vụ án;

7) Về việc thay đổi hoặc không cho phép Dự thẩm viên được tiếp tục tiến hành điều tra vụ án;

8) Chuyển vụ án cho Dự thẩm viên khác.

(Khoản này được bổ sung theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

4. Trong những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Viện kiểm sát huỷ bỏ quyết định của Viện kiểm sát cấp dưới hoặc giao cho Dự thẩm viên khác tiến hành điều tra đối với vụ án đó.


Điều 39. Thủ trưởng Cơ quan điều tra dự thẩm


1. Thủ trưởng Cơ quan điều tra dự thẩm có thẩm quyền:

1) Giao việc điều tra vụ án cho một hoặc một số Dự thẩm viên, chuyển vụ án từ Dự thẩm viên này cho Dự thẩm viên khác nhưng phải nêu rõ căn cứ; thành lập, thay đổi thành phần đội điều tra;



(Điểm này được bổ sung theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

2) Huỷ bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra không có căn cứ của Dự thẩm viên;

3) Đề nghị Viện kiểm sát huỷ bỏ những quyết định khác không có căn cứ hoặc trái pháp luật của Dự thẩm viên.

2. Thủ trưởng Cơ quan điều tra dự thẩm có quyền khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật này, tiếp nhận vụ án để điều tra và tiến hành điều tra toàn bộ vụ án với tư cách và thẩm quyền của Dự thẩm viên và (hoặc) lãnh đạo nhóm điều tra theo quy định tại Điều 38 và Điều 163 Bộ luật này.



(Điểm này được bổ sung theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

3. Khi thực hiện các thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này Thủ trưởng Cơ quan điều tra dự thẩm có quyền:



(Nội dung này được bổ sung theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

1) Kiểm tra hồ sơ vụ án;

2) Chỉ đạo cho Dự thẩm viên thực hiện kế hoạch điều tra, về việc tiến hành các hoạt động điều tra cụ thể, khởi tố bị can, về việc lựa chọn biện pháp ngăn chặn đối với người bị tình nghi, bị can, về việc định tội và về phạm vi buộc tội.

4. Chỉ thị của Thủ trưởng Cơ quan điều tra dự thẩm phải được thể hiện bằng văn bản và có giá trị bắt buộc thi hành đối với Dự thẩm viên nhưng có thể bị khiếu nại đến Viện kiểm sát. Mặc dù chỉ thị của Thủ trưởng Cơ quan điều tra dự thẩm bị khiếu nại nhưng vẫn phải thi hành; trừ những trường hợp nếu chỉ thị liên quan đến việc chuyển vụ án từ Dự thẩm viên này cho Dự thẩm viên khác, khởi tố bị can, định tội danh, phạm vi buộc tội, áp dụng biện pháp ngăn chặn, cũng như những hoạt động tố tụng khác cần phải được Toà án cho phép trước khi tiến hành. Trong trường hợp này Dự thẩm viên có quyền phản đối bằng văn bản đối với chỉ thị của Thủ trưởng Cơ quan điều tra dự thẩm và đệ trình lên Viện kiểm sát.



(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002 và Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

Điều 40. Cơ quan điều tra ban đầu


1. Các Cơ quan điều tra ban đầu gồm có:

1) Các cơ quan nội vụ của Liên bang Nga, cũng như những cơ quan chính quyền khác được giao thẩm quyền tiến hành hoạt động truy tìm nghiệp vụ theo quy định của Luật liên bang;

2) Thủ trưởng cơ quan Thừa phát lại của Liên bang Nga, Toà án quân sự, các chủ thể thuộc Liên bang Nga, cấp phó của họ, nhân viên thừa phát lại cấp cao của Toà án, Toà án quân sự, cũng như của Toà án Hiến pháp Liên bang Nga, Toà án tối cao Liên bang Nga và Toà án trọng tài cấp cao Liên bang Nga;

3) Chỉ huy quân đoàn, binh đoàn, học viện, nhà trường hoặc đơn vị đồn trú;

4) Cơ quan giám sát quốc gia về phòng cháy, chữa cháy.

(Điểm này được sửa đổi theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002 và Luật liên bang số 97/LLB ngày 3 tháng 7 năm 2006)

2. Cơ quan điều tra ban đầu có quyền:

1) Tiến hành điều tra ban đầu đối với những vụ án mà việc điều tra dự thẩm là không bắt buộc theo thủ tục quy định tại mục 32 Bộ luật này;

2) Thực hiện một số hoạt động điều tra không thể trì hoãn đối với những vụ án mà việc điều tra dự thẩm là bắt buộc theo thủ tục quy định tại Điều 157 Bộ luật này.

3. Những người có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự theo thủ tục quy định tại Điều 146 Bộ luật này và thực hiện một số hoạt động đièu tra không thể trì hoãn bao gồm:

1) Thuyền trưởng tàu biển và tàu thuỷ đang ở ngoài khơi - đối với những vụ án về các tội phạm xảy ra trên tàu;

2) Thủ truởng đơn vị thăm dò địa chất đang ở xa trụ sở Cơ quan điều tra ban đầu quy định tại khoản 1 Điều này - đối với những vụ án về các tội phạm xảy ra nơi đơn vị đang hoạt động;

3) Thủ trưởng cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của Liên bang Nga - đối với những vụ án về các tội phạm xảy ra trong phạm vi lãnh thổ của các cơ quan này.


Điều 41. Điều tra viên


1. Thẩm quyền của Cơ quan điều tra ban đầu quy định tại điểm 1 khoản 2 Điều 40 Bộ luật này được Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra ban đầu giao cho Điều tra viên.

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

2. Không được giao thẩm quyền tiến hành điều tra ban đầu cho người đã hoặc đang tiến hành các biện pháp truy tìm nghiệp vụ đối với vụ án này.

3. Điều tra viên có thẩm quyền:

1) Tự tiến hành các hoạt động điều tra và các hoạt động tố tụng khác và ra các quyết định tố tụng, trừ những trường hợp theo quy định của Bộ luật này cần phải có được sự đồng ý của Thủ trưởng Cơ quan điều tra ban đầu, phê chuẩn của Viện kiểm sát và (hoặc) quyết định của Toà án;

2) Thực hiện những thẩm quyền khác theo quy định của Bộ luật này.

4. Chỉ thị của Viện kiểm sát và Thủ trưởng Cơ quan điều tra ban đầu được ban hành theo quy định của Bộ luật này có hiệu lực bắt buộc đối vớiĐiều tra viên. Điều tra viên có quyền khiếu nại chỉ thị của Thủ trưởng Cơ quan điều tra ban đầu tới Viện kiểm sát, đối với chỉ thị của Viện kiểm sát thì khiếu nại tới Viện kiểm sát cấp trên. Việc khiếu nại không dẫn đến việc đình chỉ thi hành các chỉ thị này.


Điều 42. Người bị hại


1. Người bị hại là thể nhân, bị thiệt hại về thể chất, tài sản, tinh thần do tội phạm gây ra, cũng như pháp nhân trong trường hợp bị thiệt hại về tài sản và uy tín do tội phạm gây ra. Quyết định công nhận người bị hại được thể hiện bằng quyết định của Kiểm sát viên, Dự thẩm viên hoặc Toà án.

2 Người bị hại có quyền:

1) Được biết về nội dung buộc tội bị can;

2) Trình bày lời khai;

3) Từ chối làm chứng để chống lại bản thân, vợ hoặc chồng và họ hàng thân thích được liệt kê tại khoản 4 điều 5 Bộ luật này. Trong trường hợp người bị hại đồng ý khai báo thì phải báo trước cho họ biết rằng những khai báo của họ có thể được sử dụng làm chứng cứ trong vụ án, kể cả trong trường hợp sau đó họ từ chối những lời khai của mình;

4) Đưa ra các chứng cứ;

5) Đưa ra các yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng;

6) Trình bày lời khai bằng tiếng mẹ đẻ hoặc bằng ngôn ngữ mà người đó sử dụng thành thạo;

7) Được sự giúp đỡ miễn phí của người phiên dịch;

8) Có người đại diện;

9) Tham gia vào các hoạt động điều tra được tiến hành theo yêu cầu của họ hoặc của người đại diện cho họ, nếu được Dự thẩm viên hoặc Điều tra viên đồng ý;

10) Được xem các biên bản hoạt động điều tra khi có sự tham gia của họ và đưa ra những nhận xét;

11) Được xem quyết định trưng cầu giám định tư pháp và kết luận giám định trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 198 Bộ luật này;

12) Được xem toàn bộ hồ sơ vụ án sau khi đã kết thúc điều tra, ghi chép bất kỳ tài liệu nào có trong hồ sơ vụ án và với bất kỳ số lượng nào, sao chụp hồ sơ tài liệu của vụ án, kể cả với sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật. Trong trường hợp có nhiều người bị hại trong vụ án, thì mỗi người trong số họ có quyền xem những hồ sơ vụ án liên quan đến thiệt hại gây ra cho người đó;

13) Nhận các bản sao quyết định khởi tố vụ án hình sự, công nhận hoặc từ chối công nhận là người bị hại, đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ vụ án và cả bản sao bản án của Toà án cấp sơ thẩm, quyết định của Toà án cấp chống án và Toà án cấp phúc thẩm;

14) Tham gia phiên toà xét xử vụ án tại các Toà án cấp sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm;

15) Phát biểu ý kiến tranh luận tại phiên toà;

16) Thực hiện việc buộc tội;

17) Xem biên bản phiên toà và đưa ra những nhận xét;

18) Khiếu nại đối với hoạt động và quyết định của Điều tra viên, Dự thẩm viên, Kiểm sát viên và Toà án;

19) Kháng cáo đối với bản án, quyết định của Toà;

20) Được biết về những khiếu nại và đề nghị đối với vụ án và đưa ra ý kiến phản đối của mình;

21) Đề nghị áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Bộ luật này;

22) Thực hiện những quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này.

3. Phải bảo đảm cho người bị hại quyền được bồi thường thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra và cả những chi phí trong việc họ tham gia vào quá trình điều tra và xét xử vụ án, bao gồm cả chi phí cho người đại diện theo quy định tại Điều 131 Bộ luật này.

4. Theo yêu cầu của người bị hại về việc bồi thường bằng tiền đối với thiệt hại về tinh thần đã gây ra cho họ, mức bồi thường do Toà án xét xử vụ án hình sự quyết định hoặc được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

5. Người bị hại không có quyền:

1) Từ chối có mặt theo giấy triệu tập của Điều tra viên, Dự thẩm viên, Kiểm sát viên và Toà án;

2) Khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo;

3) Tiết lộ bí mật điều tra, nếu trước đó họ đã được thông báo về việc này theo thủ tục quy định tại Điều 161 Bộ luật này.

6. Nếu người bị hại không có mặt theo giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng thì có thể bị dẫn giải.

7. Nếu người bị hại từ chối khai báo hoặc khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 307 và Điều 308 Bộ luật hình sự Liên bang Nga. Nếu người bị hại tiết lộ bí mật điều tra thì phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 310 Bộ luật hình sự Liêng bang Nga.

8. Đối với các vụ án hình sự về những tội phạm mà hậu quả dẫn đến chết người thì các quyền của người bị hại quy định tại Điều này được chuyển cho một trong số họ hàng thân thích của người đó.

9. Trong trường hợp người bị hại được công nhận là pháp nhân thì người đại diện của pháp nhân đó thực hiện các quyền của người bị hại.

10. Sự tham gia của người đại diện hợp pháp và người đại diện của người bị hại trong vụ án không tước đi các quyền của người bị hại quy định tại Điều này.

Điều 43. Tư tố viên


1. Tư tố viên là người đệ đơn yêu cầu Toà án giải quyết vụ án tư tố theo thủ tục quy định tại Điều 318 Bộ luật này và thực hiện việc buộc tội trước Toà án.

2. Tư tố viên có những quyền hạn quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 246 Bộ luật này.


Điều 44. Nguyên đơn dân sự


1. Nguyên đơn dân sự là thể nhân hoặc pháp nhân có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản khi có căn cứ cho rằng thiệt hại đối với họ và lo tội phạm trực tiếp gây ra. Quyết định công nhận nguyên đơn dân sự được thể hiện trong quyết định của Toà án hoặc quyết định của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Dự thẩm viên, Điều tra viên. Nguyên đơn dân sự có thể đệ đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản đối với thiệt hại về tinh thần.

2. Đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại được đệ trình sau khi khởi tố vụ án hình sự nhưng trước khi tiến hành việc điều tra tại phiên toà sơ thẩm. Đối với đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, nguyên đơn dân sự được miễn nộp lệ phí.



(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

3. Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại để bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên, người được công nhận là không có năng lực hành vi hoặc năng lực hành vi hạn chế theo thủ tục quy định của pháp luật tố tụng dân sự, người mà do những nguyên nhân khác không thể tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì có thể do người đại diện hợp pháp của những người này khởi kiện hoặc Kiểm sát viên khởi tố, nếu để bảo vệ lợi ích Nhà nước thì do Kiểm sát viên khởi tố.

4. Nguyên đơn dân sự có quyền:

1) Bảo vệ đơn kiện;

2) Đưa ra các chứng cứ

3) Giải thích nội dung đơn kiện;

4) Đưa các yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng;

5) Đưa ra các lời khai và giải thích bằng tiếng mẹ đẻ hoặc bằng ngôn ngữ mà họ thông thạo;

6) Được sự giúp đỡ miễn phí của người phiên dịch;

7) Từ chối làm chứng để chống lại bản thân, vợ hoặc chồng và họ hàng thân thích được quy định tại điểm 4 Điều 5 Bộ luật này. Trong trường hợp nguyên đơn dân sự đồng ý khai báo thì phải báo trước cho họ biết rằng những khai báo của họ có thể được sử dụng làm chứng cứ trong vụ án, kể cả những trường hợp sau đó họ phản đối lại lời khai của mình;

8) Có người đại diện;

9) Xem các biên bản hoạt động điều tra khi có sự tham gia của họ;

10) Tham gia vào các hoạt động điều tra được tiến hành theo yêu cầu của họ hoặc người đại diện cho họ, nếu được Dự thẩm viên hoặc Điều tra viên đồng ý;

11) Rút lại đơn kiện mà họ đã khởi kiện. Trước khi tiếp nhận việc rút lại đơn kiện, Điều tra viên, Dự thẩm viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán giải thích cho nguyên đơn dân sự về hậu quả của việc rút lại đơn kiện quy định tại khoản 5 Điều này;

12) Xem các hồ sơ vụ án liên quan đến đơn kiện sau khi đã kết thúc điều tra và ghi chép bất kỳ tài liệu nào và với bất kỳ số lượng nào từ hồ sơ vụ án;

13) Được biết về các quyết định liên quan đến lợi ích của họ và được nhận bản sao các quyết định tố tụng liên quan đến đơn kiện của họ;

14) Tham gia phiên toà xét xử vụ án ở Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm;

(Điểm này được sửa đổi theo Luật liên bang số 13/LLB ngày 9 tháng 1 năm 2006)

15) Phát biểu ý kiến tranh luận tại phiên toà để bảo vệ đơn kiện;

16) Xem biên bản phiên toà và đưa ra những nhận xét;

17) Khiếu nại đối với hoạt động và quyết định của Điều tra viên, Dự thẩm viên, Kiểm sát viên và Toà án;

18) Kháng cáo đối với bản án, quyết định của Toà án về phần liên quan đến bồi thường dân sự;

19) Được biết về những khiếu nại và yêu cầu đối với vụ án và đưa ra ý kiến phản đối của mình;

20) Tham gia vào quá trình xét xử của Toà án do có các kháng cáo và kháng nghị theo thủ tục quy định tại Bộ luật này.

5. Nguyên đơn dân sự có thể rút khỏi đơn kiện vào bất kỳ thời điểm nào của quá trình tố tụng đối với vụ án, nhưng phải trước khi Toà án nghị án đề ra bản án. Việc rút đơn kiện sẽ dẫn đến việc đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường dân sự.

6. Nguyên đơn dân sự không được tiết lộ bí mật điều tra, nếu trước đó họ đã được thông báo theo thủ tục quy định tại Điều 161 Bộ luật này. Nếu nguyên đơn dân sự tiết lộ bí mật điều tra thì phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 310 Bộ luật hình sự Liên bang Nga.

Điều 45. Người đại diện của người bị hại, nguyên đơn dân sự và tư tố viên


1. Người đại diện của người bị hại, nguyên đơn dân sự và tư tố viên có thể là luật sư, còn người đại diện của nguyên đơn dân sự là pháp nhân có thể là những người khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự Liên bang Nga. Theo quyết định của Thẩm phán hoà giải, đại diện của người bị hại, nguyên đơn dân sự cũng có thể là một trong số những người họ hàng thân thích của người bị hại hoặc của nguyên đơn dân sự hoặc người khác do nguời bị hại hoặc nguyên đơn dân sự yêu cầu.

2. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần mà không có khả năng tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì việc cử người đại diện hợp pháp hoặc người đại diện cho họ trong vụ án hình sự là bắt buộc.

3. Người đại diện hợp pháp và người đại diện của người bị hại, nguyên đơn dân sự và tư tố viên có những quyền hạn tố tụng như quyền hạn của những người mà họ đại diện.

4. Việc người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc tư tố viên trực tiếp tham gia vào vụ án không tước đi quyền của họ có người đại diện trong vụ án đó.






tải về 2.43 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   27




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương