Cập nhật đến ngày 01/10/2006 kodekc mátxcơVA, 2006 BỘ luật tố TỤng hình sự liên bang nga


Chương XV XÉT LẠI BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT



tải về 2.43 Mb.
trang21/27
Chuyển đổi dữ liệu07.06.2018
Kích2.43 Mb.
#39612
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   27

Chương XV

XÉT LẠI BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT

Mục 48

THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM




Điều 402. Quyền kháng cáo, kháng nghị bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật


1. Người bị tình nghi, bị can, bị cáo, người được Toà án tuyên vô tội, người bào chữa của họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ; người bị hại, người đại diện của họ cũng như Viện kiểm sát có quyền kháng cáo, kháng nghị về việc xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục quy định tại Mục này. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự hoặc người đại diện của họ có quyền kháng cáo đề nghị xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật đối với những vấn đề có liên quan tới phần dân sự.

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 161/LLB ngày 8 tháng 12 năm 2003 và Luật liên bang số 13/LLB ngày 9 tháng 1 năm 2006)

2. Yêu cầu của Kiểm sát viên được gọi là kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu của những người còn lại được gọi là kháng cáo giám đốc thẩm.


Điều 403. Toà án có thẩm quyền giải quyết , kháng cáo hoặc kháng nghị giám đốc thẩm


Có thể kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:

1) Đối với bản án hoặc quyết định của Thẩm phán hoà giải, quyết định của Toà án cấp quận, quyết định phúc thẩm của Toà án Tối cao nước cộng hoá, Toà án vùng hoặc khu vực, Toà án thành phố trực thuộc Liên bang, Toà án vũng hoặc khu vực tự trị- được kháng cáo, kháng nghị đến Hội đồng Thẩm phán Toà án tối cao nước cộng hoà, Toà án vùng hoặc khu vực, Toà án thành phố trực thuộc Liên bang, Toà án vùng hoặc khu vực tự trị;

2) Đối với các quyết định của Toà án quy định tại điểm 1 Điều này nếu chúng được kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đến Hội đồng Thẩm phán Toà án tối cao nước cộng hoà, Toà án vùng hoặc khu vực, Toà án thành phố trực thuộc Liên bang, Toà án vùng hoặc khu vực tự trị; bản án, quyết định của Toà án tối cao nước cộng hoà, Toà án vùng hoặc khu vực, Toà án thành phố trực thuộc liên bang, Toà án vùng hoặc khu vực tự trị, nếu những quyết định này không phải là đối tượng giải quyết của Toà án tối cao Liên bang Nga theo thủ tục phúc thẩm; quyết định của Hội đồng Thẩm phán toà án tối cao nước cộng hoá, Toà án vùng hoặc khu vực, Toà án thành phố trực thuộc Liên bang, Toà án vùng hoặc khu tự trị- được kháng cáo, kháng nghị đến Uỷ ban Thẩm phán về các vụ án hình sự- Toà án tối cao Liên bang Nga;

3) Đối với các bản án, quyết định của Toà án quân sự khu vực, quyết định phúc thẩm của Toà án quân sự vùng ( hạm đội)- được kháng cáo, kháng nghị đến Hội đồng Thẩm phán Toà án quân sự vùng ( hạm đội);

4) Đối với các quyết định của Toà án quy định tại điểm 3 Điều này, nếu chúng ta được kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đến Hội đồng Thẩm phán Toà án quân sự vùng (hạm đội); bản án, quyết định của Toà án quân sự vùng (hạm đội) nếu chúng không phải là đối tượng của việc giải quyết của Toà án tối cao Liên bang Nga theo thủ tục phúc thẩm, quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án quân sự vùng (hạm đội) - được kháng cáo, kháng nghị đến Uỷ ban Thẩm phán quân sự của Toà án tối cao Liên bang Nga;

5) Quyết định của Uỷ ban Thẩm phán phúc thẩm - Toà án tối cao Liên bang Nga, bản án và quyết định của Uỷ ban Thẩm phán về các vụ án hình sự Toà án tối cao Liên bang Nga hoặc Toà án tối cao Liên bang Nga, quyết định của Thẩm phán toà án tối cao Liên Bang Nga về việc mở phiên toà được kháng cáo, kháng nghị đến Hội đồng Thẩm phán Toà án tối cao Liên bang Nga.


Điều 404. Thủ tục đưa ra kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm


1. Kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm được lập theo quy định tại Điều 375 Bộ luật này được gửi trực tiếp cho Toà án cấp giám đốc thẩm có quyền xem xét quyết định của Toà án bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Điều 403 Bộ luật này.

2. Kèm theo kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm là:

1) bản sao bản án hoặc quyết định của Toà án cấp chống án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm, quyết định của Toà án cấp giám đốc thẩm, nếu chúng được ban hành đối với vụ án đó;

2) Bản sao bản án hoặc quyết định của Toà án chống án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm, quyết định của Toà án cấp giám đốc thẩm, nếu chúng được ban hành trong vụ án này;

3) Trong những trường hợp cần thiết là bản sao những tài liệu tố tụng khác mà theo quan điểm của người kháng cáo, kháng nghị khẳng định những lý lẽ được thể hiện trong kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm.

Điều 405. Không được phép làm xấu hơn tình trạng ban đầu khi xét lại quyết định của Toà án theo thủ tục giám đốc thẩm


Việc xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm bản án kết tội cũng như quyết định của Toà án liên quan đến sự cần thiết phải áp dụng luật hình sự về tội nặng hơn do hình phạt quá nhẹ hoặc do những căn cứ khác dẫn đến làm xấu hơn tình trạng của người bị kết án cũng như việc xét lại bản án vô tội hoặc quyết định của Toà án về việc đình chỉ vụ án là không được phép.

Điều 406. Thủ tục giải quyết kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm


1. Kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm được Toà án cấp giám đốc thẩm giải quyết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kháng cáo, kháng nghị.

2. Trong những trường hợp cần thiết Thẩm phán giải quyết kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm trong phạm vi thẩm quyền quy định tại Điều 403 Bộ luật này có quyền lấy bất kỳ vụ án nào để giải quyết kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm.

3. Sau khi nghiên cứu kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm, Thẩm phán ra một trong những quyết định sau:

1) Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm;

2) Chấp nhận giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm và chuyển kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm để giải quyết tại Toà án cấp giám đốc thẩm cùng với hồ sơ vụ án nếu thấy cần thiết.

4. Chánh án Toà án tối cao nước cộng hoà, Toà án vùng hoặc khu vực, Toà án thành phố trực thuộc Liên bang, Toà án vùng hoặc khu vực tự trị, Chánh án Toà án tối cao Liên bang Nga hoặc cấp phó của họ có quyền không đồng ý với quyết định của Thẩm phán về việc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm.

Trong trường hợp này những người nói trên huỷ bỏ quyết định đó và ra quyết định theo quy định tại điểm 2 khoản 3 Điều này.

Điều 407. Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp giám đốc thẩm


1. Kháng cáo và kháng nghị giám đốc thẩm được Toà án cấp giám đốc thẩm giải quyết tại phiên toà trong thời hạn không quá 15 ngày đối với Toà án tối cao Liên bang Nga- không quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định sơ bộ, Toà án thông báo về thời gian và địa điểm mở phiên toà cho những người quy định tại Điều 402 Bộ luật này.

2. Kiểm sát viên cũng như người bị kết án, người được tuyên vô tội, những người bào chữa của họ và người đại diện hợp pháp, những người khác mà lợi ích của họ trực tiếp liên quan đến kháng cáo, kháng nghị với điều kiện là họ có khiếu nại về việc tham gia phiên toà. Những người nói trên được xem nội dung kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm.

3. Thành viên Hội đồng Thẩm phán Toà án tối cao nước cộng hoà, Toà án vùng hoặc khu vực, Toà án thành phố trực thuộc liên bang, Toà án vùng hoặc khu vực tự trị, thành viên Hội đồng Thẩm phán Toà án tối cao Liên bang hoặc Thẩm phán khác chưa tham vào việc xét xử vụ án này trước đó báo cáo về vụ án.

4. Người báo cáo nêu lên những tình tiết của vụ án, nội dung bản án, quyết định những lý do của kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm và việc ra quyết định chấp nhận việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm. Có thể đặt ra các câu hỏi đối với người báo cáo.

5. Sau đó Kiểm sát viên phát biểu ý kiến bảo vệ nội dung kháng nghị giám đốc thẩm.

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

6. Nếu người bị kết án, người được tuyên vô tội, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người bị hại và người đại diện của họ tham gia phiên toà thì sau khi Kiểm sát viên phát biểu những người này có quyền đưa ra những lời giải thích của mình.

7. Sau đó các bên rời khỏi phòng xử án.

8. Hội đồng Thẩm phán Toà án tối cao nước cộng hoà, Toà án vùng hoặc khu vực, Toà án thành phố trực thuộc liên bang, Toà án vùng hoặc khu vực tự trị, Hội đồng Thẩm phán Toà án tối cao Liên bang Nga ra quyết định , đối với Uỷ ban Thẩm phán về các vụ án hình sự ra quyết định riêng.

9. Quyết định huỷ bỏ hoặc sửa bản án, quyết định của Toà án được thông qua theo đa số phiếu của các Thẩm phán. Nếu số phiếu của các Thẩm phán ngang nhau thì kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm được coi là không được chấp nhận trừ những trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.

10. Trong trường hợp Hội đồng Thẩm phán Toà án tối cao Liên bang Nga giải quyết kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án tuyên phạt tử hình đối với người bị kết án thì kháng cáo hoặc kháng nghị giám đốc thẩm về việc huỷ bỏ hình phạt tử hình hoặc thay thế bằng hình phạt khác nhẹ hơn được coi là được chấp nhận nếu có dưới 2/3 tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán Toà án tối cao Liên bang Nga có mặt tại phiên toà biểu quyết duy trì hình phạt tử hình.


Điều 408. Quyết định Toà án cấp giám đốc thẩm


1. Căn cứ kết quả giải quyết vụ án Toà án cấp giám đốc thẩm có quyền:

1) Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm và gigữ nguyên quyết định của Toà án kháng cáo, kháng nghị;

2) Huỷ bản án, quyết định của Toà án và tất cả các quyết định tiếp theo của Toà án và đình chỉ tố tụng đối với vụ án đó;

3) Huỷ bản án, quyết định của Toà án và tất cả các quyết định tiếp theo của Toà án và trả lại vụ án để xét xử lại;

4) Huỷ bản án của Toà án cấp chống án và trả lại vụ án để xét xử lại theo thủ tục chống án;

5) Huỷ quyết định của Toà án cấp phúc thẩm và tất cả các quyết định tiếp theo và trả lại vụ án để xét xử phúc thẩm lại;

6) Sửa bản án, quyết định của Toà án.

2. Trong trường hợp quy định tại các mục 2 - 6 khoản 1 Điều này Toà án cấp giám đốc thẩm cần nêu rõ căn cứ cụ thể của việc huỷ hoặc sửa quyết định của Toà án theo quy định tại Điều 409 Bộ luật này.

3. Quyết dịnh của Toà án cấp giám đốc thẩm phải phù hợp với những quy định tại Điều 388 Bộ luật này.

4. Quyết định riêng của Toà án cấp giám đốc thẩm do toàn thể các thành viên Hội đồng xét xử ký, còn quyết định của Toà án cấp giám đốc thẩm do Chủ toạ phiên toà của Hội đồng Thẩm phán ký.

5. Quyết định của Toà án được đưa vào hồ sơ vụ án cùng với kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm được dùng làm căn cứ để tiến hành thủ tục giám đốc thẩm , quyết định của Thẩm phán Toà án cấp giám đốc thẩm nơi thụ lý kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm đó cũng như quyết định của Chánh án Toà án cấp giám đốc thẩm được ban hành trong những trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 406 Bộ luật này.

Điều 409. Căn cứ huỷ bỏ hoặc sửa đổi quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật


1. Những căn cứ huỷ bỏ hoặc sửa đổi bản án, quyết định của Toà án khi giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm là những căn cứ được quy định tại các Điều 379 Bộ luật này.

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002)

2. Quyết định của Toà án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm, cấp giám đốc thẩm bị huỷ bỏ hoặc sửa đổi nếu Toà án cấp giám đốc thẩm nhận thấy rằng:

1) Quyết định của Toà án cấp sơ thẩm là trái pháp luật hoặc không có căn cứ;

2) Quyết định của Toà án cấp trên về việc không sửa đổi, huỷ bỏ hoặc sửa đổi những bản án, quyết định được ban hành trước đó là không có căn cứ;

3) Quyết định được ban hành vi phạm những quy định của Bộ luật này dẫn đến hoặc có thể dẫn đến việc Toà án ra quyết định không đúng đắn.

3. Thiếu các tình tiết quy định tại khoản 5 Điều 247 Bộ luật này là căn cứ để huỷ bỏ bản án, quyết định của Toà án theo thủ tục giám đốc thẩm.



(Khoản này được bổ sung theo Luật liên bang số 153/LLB ngày 27 tháng 7 năm 2006)

Điều 410. Phạm vi quyền hạn của Toà án cấp giám đốc thẩm


1. Khi giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm Toà án bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm mà có quyền kiểm tra toàn bộ quá trình tố tụng đối với vụ án.

2. Nếu trong vụ án đã kết án một số người mà kháng cáo hoặc kháng nghị giám đốc thẩm chỉ liên quan đến một hoặc một số người trong số họ thì Toà án cấp giám đốc thẩm có quyền xét lại bản án đối với tất cả những người bị kết án.

3. Khi giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm Toà án cấp giám đốc thẩm có thể giảm hình phạt cho người bị kết án hoặc áp dụng luật hình sự về tội nhẹ hơn.

4. Khi trả lại vụ án để xét xử lại Toà án cấp giám đốc thẩm cần phải chỉ rõ vụ án đó được trả lại cho Toà án cấp nào.

5. Trong trường hợp vụ án đã kết tội hoặc tuyên vô tội đối với một số người thì Toà án có quyền huỷ bản án, quyết định đối với những người được tuyên vô tội hoặc bị kết án không được nêu trong kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm nếu việc huỷ bỏ bản án, quyết định không làm xấu hơn tình trạng của họ.

6. Chỉ dẫn của Toà án cấp giám đốc thẩm có giá trị bắt buộc đối với các Toà án cấp dưới khi xét xử lại vụ án đó.

7. Khi giải quyết vụ án Toà án cấp giám đốc thẩm không có quyền:

1) Xác định hoặc công nhận là đã được chứng minh những sự kiến chưa được nêu trong bản án hoặc bị bản án phủ nhận;

2) Quyết định trước những vấn đề về việc nội dung buộc tội có được chứng minh hoặc không được chứng minh, về tính xác thực hoặc không xác thực của chứng cứ này hay chứng cứ khác và ưu thế của những chứng cứ này so với những chứng khác;

3) Quyết định Toà án cấp sơ thẩm hoặc Toà án cấp chống án phải áp dụng luật hình sự này hay luật hình sự khác và mức hình phạt.

8. Tương tự như vậy khi huỷ quyết định của Toà án cấp phúc thẩm Toà án cấp giám đốc thẩm không có quyền quyết định trước những kết luận mà Toà án cấp phúc thẩm có thể đưa ra khi xét xử lại vụ án đó.

Điều 411. Giải quyết vụ án sau khi huỷ bản án sơ thẩm của Toà án hoặc quyết định của Toà án cấp phúc thẩm


1. Sau khi huỷ bản án sơ thẩm của Toà án hoặc quyết định của Toà án cấp phúc thẩm vụ án được giải quyết theo thủ tục quy định tại các mục 33- 40, 42 Bộ luật này.

2. Bản án của Toà án cấp sơ thẩm được ban hành khi xét xử lại vụ án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ quy định tại các mục 43- 45 Bộ luật này.


Điều 412. Việc kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm


1. Việc kháng cáo, kháng nghị lại đến Toà án cấp giám đốc thẩm đã bác kháng cáo, kháng nghị là không được phép.

2. kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án được ban hành sau khi đã huỷ các quyết định trước đó theo thủ tục phúc thẩm có thể được đưa ra theo quy định tại Mục này mà không phụ thuộc vào những lý do của việc huỷ bản án sơ thẩm, các quyết định ban đầu của Toà án.



Mục 49

THỦ TỤC TÁI THẨM




Điều 413. Căn cứ tiến hành tố tụng theo thủ tục tái thẩm


1. Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật có thể bị huỷ bỏ và tiến hành tái thẩm đối với vụ án do có những tình tiết mới hoặc những tình tiết mới được phát hiện.

2. Những căn cứ tiến hành tái thẩm đối với vụ án theo thủ tục quy định tại Mục này là:

1) Những tình tiết mới được phát hiện là những tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này đã tồn tại ở thời điểm bản án hoặc quyết định khác của Toà án có hiệu lực pháp luật mà Toà án không biết được;

2) Những tình tiết mới là những tình tiết loại trừ tội phạm và tính phải chịu hình phạt của hành vi quy định tại khoản 4 Điều này mà Toà án không biết được ở thời điểm ra quyết định .

3. Những tình tiết mới được phát hiện là:

1) Sau khi bản án của Toà án có hiệu lực pháp lậut mới xác định được rằng việc khai báo gian dối của người bị hại hoặc người làm chứng, kết luận giám dịnh gian dối, những vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt dộng xét xử và những tài liệu khác là giả mạo hoặc việc dịch gian dối dẫn đến việc ra bản án trái pháp luật, không có căn cứ hoặc không công bằng, ra quyết định trái pháp luật hoặc không có căn cứ;

2) Sau khi bản án của Toà án có hiệu lực pháp luật mới xác định được hành vi phạm tội của Điều tra viên, Dự thẩm viên hoặc Kiểm sát viên dẫn đến việc ra bản án trái pháp luật, không có căn cứ hoặc không công bằng, ra quyết định trái pháp luật hoặc không có căn cứ;

3) Sau khi bản án của Toà án có hiệu lực pháp luật mới phát hiện được hành vi phạm tội của Thẩm phán được thực hiện khi xét xử vụ án đó.

4. Những tình tiết mới là:

1) Toà án Hiến pháp Liên bang Nga xác định rằng luật được áp dụng trong vụ án dó không phù hợp với Hiến pháp Liên bang Nga;

2) Toà án châu Âu về quyền con người xác định rằng có vi phạm những quy định của Công ước bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản khi Toà án Liên bang Nga xét xử vụ án hình sự liên quan tới:

a) Việc áp dụng Luật liên bang không phù hợp với các quy định của công ước bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản;

b) Những vi phạm khác vi phạm các quy định của Công ước bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản.

3) Những tình tiết mới khác.

5. Những tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này có thể được xác định ngoài bản án còn là qua quyết định của Toà án , quyết định của Kiểm sát viên , Dự thẩm viên, Điều tra viên về việc đình chỉ vụ án do đã hết thời hiệu, do có văn bản đại xá hoặc đặc xá, do bị can chết hoặc do người chưa đủ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 414. Thời hạn tái thẩm


1. Việc xét lại bản án theo thủ tục tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không bị hạn chế về thời gian.

2. Việc người bị kết án chết không cản trở việc xét lại bản án theo thủ tục tái thẩm nhằm minh oan cho họ.

3. Việc xét lại bản án tuyên bị cáo vô tội hoặc quyết định đình chỉ vụ án hoặc bản án kết tội có hình phạt quá nhẹ hoặc cần áp dụng luật hình sự đối với người bị kết án về tội nặng hơn chỉ được tiến hành trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy đinh tại Điều 78 Bộ luật hình sự Liên bang Nga và trong thời hạn không quá 1 năm kể từ ngày phát hiện được những tình tiết mới.

4. Ngày phát hiện ra tình tiết mới hoặc tình tiết được phát hiện được coi là:

1) Ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật đối với người có lỗi trong việc khai báo gian dối, đưa ra những chứng cứ gian dối, dịch không trung thực hoặc trong việc thực hiện các hành vi phạm tội trong quá trình tố tụng - trong những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 413 Bộ luật này;

2) Việc quyết định của Toà án Hiến pháp Liên bang Nga về sự không phù hợp của pháp lậut được áp dụng đối với vụ án với Hiến pháp Liên bang Nga có hiệu lực pháp luật - trong trường hợp quy định tại điểm 1 khoản 4 Điều 413 Bộ luật này;

3) Ngày quyết định của Toà án châu Âu về quyền con người về việc có vi phạm các quy định của Công ước bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản có hiệu lực pháp luật - trong trường hợp quy định tại điểm 2 khoản 4 Điều 413 Bộ luật này;

4) Ngày Kiểm sát viên ký kết luận về sự cần thiết phải tiến hành tái thẩm do phát hiện được những tình tiết mới- trong trường hợp quy định tại điểm 3 khoản 4 Điều 413 Bộ luật này.


Điều 415. Tiến hành tái thẩm


1. Quyền tiến hành tái thẩm thuộc về Kiểm sát viên , trừ những trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.

2. Những căn cứ để tiến hành tái thẩm có thể là thông báo của công dân, người có chức vụ cũng như những thông tin thu thập được trong quá trình tiến hành điều tra và xét xử những vụ án khác.

3. Nếu trong thông báo có căn cứ cho thấy có những tình tiết quy định tại các mục 1 - 3 khoản 3 Điều 413 Bộ luật này thì Kiểm sát viên ra quyết định tiến hành tái thẩm, tiến hành kiểm tra, thu thập bản sao bản án và chứng thực của Toà án về việc bản án đã có hiệu lực pháp luật.

4. Nếu trong thông báo có căn cứ cho thấy có những tình tiết quy định tại điểm 3 khoản 4 Điều 413 Bộ luật nàythì Kiểm sát viên ra quyết định tái thẩm và tiến hành điều tra những tình tiết đó hoặc uỷ quyền việc điều tra cho Dự thẩm viên. Khi tiến hành điều tra những tình tiết mới có thể tiến hành các hoạt động điều tra tố tụng khác theo thủ tục quy định tại Bộ luật này.

5.Việc xét xử lại bản án, quyết định của Toà án theo những tình tiết quy định tại các điểm 1 và 2 khoản 4 Điều 413 Bộ luật này do Hội đồng Thẩm phán Toà án tối cao Liên bang Nga tiến hành theo đề nghị của Chánh án Toà án tối cao Liên bang Nga thời hạn không quá 1 tháng kể từ ngày nhận được đề nghị. Căn cứ kết quả xem xét đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án tối cao Liên bang Nga huỷ bỏ hoặc sửa quyết định về vụ án cho phù hợp với phán quyết của Toà án hiến pháp Liên bang Nga hoặc phán quýet của Toà án châu Âu về quyền con người. Trong thời hạn 3 ngày bản sao quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án tối cao Liên bang Nga được chuyển cho Toà án Hiến pháp Liên bang Nga, cho người phải thi hành quyết định , Kiểm sát viên và người đại diện toàn quyền của Liên bang Nga tại Toà án châu Âu về quyền con người .

Điều 416. Hoạt động của Kiểm sát viên sau khi kết thúc việc kiểm tra hoặc điều tra


1. Sau khi kết thúc việc kiểm tra hoặc điều tra và có căn cứ để tiến hành tái thẩm đối với vụ án Kiểm sát viên chuyển hồ sơ vụ án cùng với bản án kết luịân của mình, bản sao bản án và các tài liệu kiểm tra hoặc điều tra đến Toà án theo quy định tại Điều 417 Bộ luật này.

2. Nếu không có căn cứ để tiến hành tái thẩm vụ án thì Kiểm sát viên ra quyết định đình chỉ việc tiến hành tái thẩm.

3. Quyết định này được thông báo cho những người có liên quan. Trong trường hợp này họ được giải thích quyền kháng cáo quyết định này đến Toà án mà theo quy định tại Điều 417 Bộ luật này có thẩm quyền giải quyết vụ án đó theo thủ tục tái thẩm.

Điều 417. Thủ tục giải quyết của Toà án đối với việc tiến hành tái thẩm đối với vụ án


1. Kết luận của Kiểm sát viên về sự cần thiết tiến hành tái thẩm đối với vụ án được xem xét đối với:

1) Đối với bản án, quyết định của Thẩm phán hoà giải - do Toà án quận giải quyết ;

2) Đối với bản án, quyết định của Toà án quận - do Hội động Thẩm phán Toà án tối cao nước cộng hoà, Toà án vùng hoặc khu vực, Toà án thành phố trực thuộc Liên bang Nga, Toà án vùng hoặc khu vực tự trị giải quyết;

3) Đối với bản án, quyết định của Toà án tối cao nước cộng hoà, Toà án vùng hoặc khu vực, Toà án thành phố trực thuộc Liên bang, Toà án vùng hoặc khu vực tự trị- do Uỷ ban Thẩm phán về các vụ án hình sự Toà án tối cao Liên bang Nga giải quyết.

4) Đối với bản án, quyết định của Uỷ ban Thẩm phán về các vụ án hình sự hoặc của Uỷ ban Thẩm phán quân sự Toà án tối cao Liên bang Nga được tiến hành trong quá trình giải quyết vụ án với tư cách là Toà án cấp sơ thẩm- do Uỷ ban Thẩm phán phúc thẩm Toà án tối cao Liên bang Nga giải quyết;

5) Đối với quyết định của Uỷ ban Thẩm phán phúc thẩm Toà án tối cao Liên bang Nga cũng như quyết định của Uỷ ban Thẩm phán về các vụ án hình sự hoặc của Uỷ ban Thẩm phán quân sự Toà án tối cao Liên bang Nga được ban hành trong quá trình giải quyết vụ án với tư cách là Toà án cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm - do Hội đồng Thẩm phán Toà án tối cao Liên bang Nga giải quyết;

6) Đối với bản án, quyết định của Toà án quân sự khu vực - do Toà án quân sự vùng (hạm đội) giải quyết;

7) Đối với bản án, quyết định của Toà án quân sự cấp vùng (hạm đội) - do Uỷ ban Thẩm phán quân sự Toà án tối cao Liên bang Nga giải quyết .

2. Việc Toà án đã giải quyết trước đó theo thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm không cản trở việc Toà án cấp đó giải quyết vụ án đó theo thủ tục tái thẩm.

3. Kết luận của Kiểm sát viên về việc tái thẩm vụ án được giải quyết tại phiên toà theo quy định tại Điều 407 Bộ luật này.


Điều 418. Quyết định của Toà án đối với kết luận của Kiểm sát viên


Sau khi xem xét kết lậun của Kiểm sát viên về việc tiến hành tái thẩm đối với vụ án Toà án ra một trong những quyết định sau:

1) Huỷ bản án, quyết định của Toà án và trả lại vụ án để tiến hành xét xử lại;

2) Huỷ bản án, quyết định của Toà án và đình chỉ vụ án;

3) Bác kết luận của Kiểm sát viên.


Điều 419. Hoạt động tố tụng đối với vụ án sau khi huỷ các quyết định của Toà án


Việc tiến hành xét xử vụ án sau khi huỷ các quyết định của Toà án đối với vụ án đó do phát hiện những tình tiết mới hoặc những tình tiết mới được phát hiện cũng như việc kháng cáo, kháng nghị những quyết định mới của Toà án được tiến hành theo thủ tục chung.



tải về 2.43 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   27




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương