Cập nhật đến ngày 01/10/2006 kodekc mátxcơVA, 2006 BỘ luật tố TỤng hình sự liên bang nga


Chương XII NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA VIỆC XÉT XỬ TẠI TOÀ ÁN CÓ SỰ THAM GIA CỦA BỒI THẨM ĐOÀN



tải về 2.43 Mb.
trang18/27
Chuyển đổi dữ liệu07.06.2018
Kích2.43 Mb.
#39612
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   ...   27

Chương XII

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA VIỆC XÉT XỬ TẠI TOÀ ÁN CÓ SỰ THAM GIA CỦA BỒI THẨM ĐOÀN

Mục 42

HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG ĐỐI VỚI NHỮNG VỤ ÁN ĐƯỢC XÉT XỬ TẠI TOÀ ÁN CÓ SỰ THAM GIA CỦA BỒI THẨM ĐOÀN




Điều 324. Thủ tục tố tụng tại Toà án có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn


Hoạt động tố tụng tại Toà án có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn được tiến hành theo thủ tục chung, có tính đến những đặc điểm quy định tại Mục này.

Điều 235. Những đặc điểm của việc tiến hành thẩm tra sơ bộ


1. Việc thẩm tra sơ bộ tại Toà án có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn được tiến hành theo thủ tục quy định tại Mục 34 Bộ luật này, có tính đến những yêu cầu quy định tại Điều này.

2. Đối với vụ án có nhiều bị cáo thì Toà án có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn xét xử tất cả các bị cáo mặc dù trong số họ chỉ có một bị cáo yêu cầu được xét xử vụ án ở loại Toà án này.

3. Nếu bị cáo không yêu cầu được xét xử vụ án ở Toà án có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn thì vụ án đó sẽ do Hội đồng xét xử khác tiến hành xét xử theo thủ tục quy định tại Điều 30 Bộ luật này.

4. Trong quyết định đưa vụ án ra thẩm tra Toà án có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn cần quyết định số lượng các ứng cử viên của Đoàn Bồi thẩm được triệu tập đến phiến toà và số lượng đó phải không được dưới 20 người, đồng thời cũng nêu rõ là phiên toà được mở là phiên toà công khai, phiên toà kín hay phiên toà kín một phần. Nếu là phiên toà kín một phần thì Toà án cần quy định phần nào của phiên toà là xét xử kín.

5. Quyết định của Thẩm phán về việc giải quyết vụ án có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn là quyết định cuối cùng. Nếu sau đó bị cáo từ chối việc xét xử tại Toà án có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn thì sẽ không được chấp nhận.

6. Bản sao quyết định được giao cho các bên theo yêu cầu của họ.


Điều 326. Lập danh sách sơ bộ những thành viên Bồi thẩm đoàn


1. Sau khi quyết định mở phiên toà, theo sự phân công của chủ toạ, Thư ký phiên toà hoặc trợ lý của Thẩm phán tiến hành lựa chọn những ứng cử viên Bồi thẩm đoàn trong danh sách những thành viên chính thức và thành viên dự bị hàng năm của Toà án bằng cách lựa chọn ngẫu nhiên.

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 154/LLB ngày 2 tháng 12 năm 2004)

2. Thư ký phiên toà hoặc trợ lý của Thẩm phán tiến hành kiểm tra những tình tiết mà Luật liên bang quy định gây cản trở sự tham gia của thành viên Bồi thẩm đoàn trong việc xét xử vụ án.



(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 154/LLB ngày 2 tháng 12 năm 2004)

3. Mỗi người không thể tham gia phiên toà với tư cách thành viên Bồi thẩm đoàn quá 1 lần trong 1 năm.

4. Sau khi hoàn thành việc lựa chọn những ứng cử viên tham gia xét xử với tư cách thành viên Bồi thẩm đoàn cần lập danh sách sơ bộ và chỉ rõ họ tên, địa chỉ nhà riêng của từng người và thư ký phiên toà hoặc trợ lý của Thẩm phán ký tên vào danh sách này. Trong danh sách sơ bộ không được có tên thành viên Bồi thẩm đoàn không tham gia xét xử vì có lý do chính đáng.

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 154/LLB ngày 2 tháng 12 năm 2004)

5. Họ tên các ứng cử viên thành viên Bồi thẩm đoàn được ghi vào danh sáchtheo thứ tự đã được lựa chọn một cách ngẫu nhiên.

6. Chậm nhất là 7 ngày trước khi bắt đầu xét xử phải gửi thông báo cho các ứng cử viên viên Bồi thẩm đoàn có tên trong danh sách sơ bộ về ngày, tháng và thời gian có mặt tài Toà án.

7. Theo đề nghị bằng lời hay bằng văn bản của thành viên Bồi thẩm đoàn, chủ toạ phiên toà có thể quyết định những người sau đây không phải tham gia xét xử: Người trên 60 tuổi, phụ nữ có con dưới 3 tuổi, người theo đạo, người mà sự tham gia của họ có thể gây bất lợi cho Nhà nước hoặc xã hội, những người khác có lý do chính đáng.



(Khoản này được bổ sung theo Luật liên bang số 154/LLB ngày 2 tháng 12 năm 2004)

Điều 327. Phần chuẩn bị của phiên toà


1. Phần chuẩn bị của phiên toà có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn được tiến hành theo thủ tục quy định tại Mục 36 Bộ luật này và những quy định tại Điều này.

2. Sau khi kiểm danh sự có mặt của các bên và những người khác tham gia xét xử thư ký phiên toà hoặc trợ lý Thẩm phán điểm danh sự có mặt của các ứng cử viên thành viên Bồi thẩm đoàn.

3. Nếu số ứng cử cử viên Bồi thẩm đoàn có mặt tại phiên toà dưới 20 người thì chủ toạ phiên toà ra quyết định triệu tập bổ sung thành viên Bồi thẩm đoàn đến phiên toà.

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

4. Danh sách những viên thành viên Bồi thẩm đoàn có mặt tại phiên toà không kèm theo địa chỉ nhà riêng của họ được gửi cho các bên.

5. Khi giải thích quyền của các bên, bêncạnh các quyền quy định tại các điều luịât tương ứng của phần thứ nhất Bộ luật này, chủ toạ phiên toà cần phải giải thích cho họ.

1) Quyền đề nghị thay đổi thành viên Bồi thẩm đoàn và nêu lý do của đề nghị thay đổi;

2) Quyền của bị cáo hoặc người bào chữa của họ, công tố viên được đề nghị thay đổi thành viên Bồi thẩm đoàn mà không cần nêu lý do và mỗi người trong số họ được quyền đề nghị 2 lần;

3) Những quyền khác quy định tại Mục này cũng như những hậu quả pháp lý của việc không thực hiện những quyền này.


Điều 328. Thành lập Bồi thẩm đoàn


1. Sau khi chủ toạ phiên toà hoàn thành những yêu cầu quy định tại Điều 327, các thành viên Bồi thẩm đoàn có mặt tại Toà án được mời đến phòng xử án.

2. Chủ toạ phiên toà phát biểu khai mạc ngắn trước các thành viên Bồi thẩm đoàn, trong đó chủ toạ phiên toà:

1) Tự giới thiệu;

2) Giới thiệu các bên;

3) Thông báo về vụ án hình sự được đưa ra xét xử;

4) Thông báo dự kiến thời gian xét xử;

5) Giải thích những nhiệm vụ của các thành viên Bồi thẩm đoàn và những điều kiện của việc họ tham gia vào việc xét xử vụ án đó theo quy định của Bộ luật này.

3. Chủ toạ phiên toà giải thích cho các thành viên Bồi thẩm đoàn về nghĩa vụ của họ phải trả lời trung thực những câu hỏi đặt ra cho họ cũng như giới thiệu những thông tin cần thiết về bản thẩn và về quan hệ với những người tham gia tố tụng khác. Sau đó chủ toạ phiên toà hỏi những ứng cử viên xem xó những tình tiết nào cản trở sự tham gia của họ vào việc xét xử vụ án với tư cách thành viên Bồi thẩm đoàn hay không.

4. Từng thành viên Bồi thẩm đoàn có mặt tại phiên toà có quyền đưa ra những nguyên nhân cản trở việc họ thực hiện nghĩa vụ của thành viên Bồi thẩm đoàn và đưa ra yêu cầu tự từ chối tham gia xét xử.

5. Theo yêu cầu của các thành viên Bồi thẩm đoàn về việc họ không có khả năng tham gia xét xử, Thẩm phán nghe ý kiến của các bên, sau đó ra quyết định.

6. Những thành viên Bồi thẩm đoàn được chấp nhận không tham gia xét xử theo yêu cầu của họ được gạch tên khỏi danh sách sơ bộ và rời khỏi phòng xử án.

7. Sau khi chấp nhận yêu cầu từ chối tham gia xét xử của các thành viên Bồi thẩm đoàn, chủ toạ phiên toà đề nghị các bên sử dụng quyền của mình đưa ra yêu cầu loại bỏ ứng cử viên có nêu rõ lý do.

8. Chủ toạ phiên toà tạo điều kiện cho các bên đưa ra những câu hỏi đối với từng thành viên Bồi thẩm đoàn còn lại mà theo quan điểm của họ có liên quan đến việc xác định những tình tiết cản trở sự tham gia của những người này với tư cách là thành viên Bồi thẩm đoàn. Đầu tiên là lấy ý kiến của thành viên Bồi thẩm đoàn bên bào chữa. Nếu có nhiều người cùng tham gia thì thứ tự lấy ý kiến do họ tự thoả thuận.

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

9. Sau khi hoàn thành việc hỏi ý kiến các thành viên Bồi thẩm đoàn, tiến hành thảo luận đối với từng ứng cử viên theo thứ tự được nêu trong danh sách các ứng cử viên, chủ toạ phiên toà hỏi ý kiến các bên xem họ có yêu cầu loại bỏ ứng cử viên do có những tình tiết cản trở sự tham gia của ứng cử viên vào quá trình xét xử vụ án không.

10. Các bên chuyển cho chủ toạ phiên toà yêu cầu loại bỏ ứng cử viên có nêu lý do bằng văn bản và được giữ kín. Thẩm phán giải quyết những yêu cầu này tại phòng xử án ứng cử viên Bồi thẩm đoàn bị loại bỏ thì gạch tên khỏi danh sách sơ bộ.

11. Chủ toạ phiên toà thông báo quyết định của mình về việc loại bỏ ứng cử viên có nêu lý do cho các bên. Chủ toạ phiên toà cũng có thể thông báo quyết định của mình cho các ứng cử viên Bồi thẩm đoàn.

12. Nếu do chấp nhận yêu cầu tự từ chối tham gia xét xử hoặc yêu cầu phải loại bỏ mà số ứng cử viên Bồi thẩm đoàn còn lại dưới 18 người thì chủ toạ phiên toà áp dụng những biện pháp quy định tại khoản 3 Điều 327 Bộ luật này. Nếu số lượng ứng cử viên thành viên Bồi thẩm đoàn còn lại là từ 18 người trở lên thì chủ toạ phiên toà đề nghị các bên có yêu cầu hạn chế số ứng cử viên mà không cần nêu lý do.

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

13. Việc loại bỏ các thành viên Bồi thẩm đoàn không nêu lý do do những người quy định tại điểm 2 khoản 5 Điều 327 Bộ luật này yêu cầu bằng cách gạch tên họ ra khỏi danh sách sơ bộ mà họ nhận được, sau đó danh sách này được chuyển cho chủ toạ


phiên toà và không tiết lộ tên ứng cử viên thành viên Bồi thẩm đoàn bị loại bỏ. Những danh sách này cũng như yêu cầu loại bỏ ứng cử viên thành viên Bồi thẩm đoàn có nêu lý do được đưa vào hồ sơ vụ án.

14. Trước tiên công tố viên đưa ra yêu cầu loại bỏ ứng cử viên thành viên Bồi thẩm đoàn không nêu lý do và thống nhất quan điểm của mình về việc loại bỏ với những người khác tham gia tố tụng thuộc bên buộc tội.

15. Nếu vụ án có nhiều bị cáo thì việc loại bỏ không nêu lý do được tiến hành bằng cách phân chia số lượng thành viên Bồi thẩm đoàn bị loại bỏ giữa những bị cáo thực hiện quyền của mình về việc loại bỏ không nêu lý do theo đa số phiếu hoặc bằng cách bốc thăm.

16. Nếu được phép tiếp tục loại bỏ số lượng thành viên Bồi thẩm đoàn không bị loại bỏ thì chủ toạ phiên toà có thể do các bên được quyền loại bỏ bổ sung không nêu lý do với số lượng ngang nhau.

17. Sau khi giải quyết tất cả những vấn đề về việc từ chối tham gia xét xử và loại bỏ các ứng cử viên thành viên Bồi thẩm đoàn, thư ký phiên toà hoặc trợ lý của Thẩm phán theo sự chỉ đạo của chủ toạ phiên toà lập danh sách những ứng cử viên thành viên Bồi thẩm đoàn còn lại theo thứ tự đã được lập trong danh sách ban đầu.

18. Nếu số lượng ứng cử viên thành viên Bồi thẩm đoàn không bị loại bỏ trên 14 người thì trong biên bản phiên toà theo chỉ dẫn của chủ toạ phiên toà ghi 14 ứng cử viên đầu tiên theo danh sách. Do tính chất phức tạp của vụ án thì theo quyết định của chủ toạ phiên toà có thể lựa chọn số lượng viên thành viên dự bị Bồi thẩm đoàn nhiều hơn và cũng phải được ghi vào biên bản phiên toà.

19. Sau đó chủ toạ phiên toà thông báo kết quả lựa chọn và không nêu căn cứ loại bỏ các ứng cử viên thành viên Bồi thẩm đoàn khỏi danh sách, cám ơn những ứng cử viên thành viên Bồi thẩm đoàn còn lại.

20. Nếu số ứng cử viên thành viên Bồi thẩm đoàn còn lại ít hơn 14 người thì số lượng những người cần được triệu tập đến phiên toà được bổ sung từ danh sách dự bị. Đối với những ứng cử viên thành viên Bồi thẩm đoàn được triệu tập bổ sung đến Toà án thì vấn đề từ chối tham gia xét xử hoặc loại bỏ ứng cử viên được giải quyết theo thủ tục quy định tại Điều này.

21. Chủ toạ phiên toà công bố họ tên những thành viên Bồi thẩm đoàn được nêu trong biên bản phiên toà. Trong số này 12 người đứng đầu danh sách là thành viên chính thức của Bồi thẩm đoàn, còn lại 2 người cuối danh sách tham gia quá trình xét xử vụ án với tư cách là thành viên dự bị của Bồi thẩm đoàn.

22. Sau khi hoàn thành việc thành lập Bồi thẩm đoàn chủ toạ phiên toà đề nghị 12 thành viên Bồi thẩm đoàn vào vị trí trên băng ghế của Bồi thẩm đoàn, hàng ghế này phía cách biệt với những hàng ghế khác của phòng xử án và theo quy định phải được đặt đối diện với ghế dánh cho bị cáo. Những thành viên dự bị của bồi thẩm đoàn cũng ngồi trên hàng ghế của Bồi thẩm đoàn nhưng ở vị trí đặc biệt cách ly với các thành viên chính thức do chủ toạ phiên toà ấn định.

23. Việc hình thành Bồi thẩm đoàn được tiến hành tại phiên toà kín.

24. Nếu trong hồ sơ vụ án có những tài liệu thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mặt khác do Liên bang Nga quy định thì những thành viên Bồi thẩm đoàn phải ký cam đoan về việc không được tiết lộ bí mật. Nếu thành viên bồi thẩm đoàn từ chối ký cam đoan thì sẽ bị chủ toạ phiên toà thay thế bằng thành viên dự bị.


Điều 329. Thay thế thành viên Bồi thẩm đoàn bằng thành viên dự bị


1. Nếu trong quá trình xét xử nhưng trước khi các thành viên Bồi thẩm đoàn vào phòng nghị án để ra phán quyết mà xác định được trong số thành viên Bồi thẩm đoàn có người không thể tiếp tục tham gia phiên toà hoặc Thẩm phán đình chỉ việc tham gia phiên toà thì họ bị thay thế bằng thành viên dự bị theo thứ tự được nêu trong danh sách khi hình thành Bồi thẩm đoàn để xét xử vụ án.

2. Nếu trong quá trình xét xử trưởng đoàn bồi thẩm đoàn bị thay thế thì việc thay thế họ được tiến hành bằng cách bầu lại theo thủ tục quy định tại Điều 331 Bộ luật này.

3. Nếu số lượng những thành viên Bồi thẩm đoàn bị thay thế nhiều hơn số lượng thành viên dự bị thì hoạt động xét xử được tiến hành bị coi là vô hiệu. Trong trường hợp này thì theo quy định tại Điều 328 Bộ luật này chủ toạ phiên toà tiến hành lựa chọn những thành viên Bồi thẩm đoàn trong đó những thành viên Bồi thẩm đoàn bị giải tán có thể tham gia vào quá trình lựa chọn.

4. Nếu có ai đó trong số thành viên Bồi thẩm đoàn không thể tham gia phiên toà trong thời gian ra phán quyết thì những thành viên Bồi thẩm đoàn cần phải trở lại phòng xử án để tiến hành bổ sung thành viên dự bị và trở lại phòng nghị án để tiếp tục thảo luận nội dung phán quyết.


Điều 330. Giải tán Bồi thẩm đoàn do không vô tư


1. Trước khi các thành viên Bồi thẩm đoàn tuyên thệ các bên có quyền khiếu nại rằng do những đặc điểm của vụ án mà Bồi thẩm đoàn được thành lập có thể không có khả năng ra phán quyết một cách khách quan.

2. Sau khi nghe ý kiến của các bên, chủ toạ phiên toà giải quyết yêu cầu trên ở phòng nghị án và ra quyết định.

3. Nếu yêu cầu được công nhận là có căn cứ thì chủ toạ phiên toà giải tán Bồi thẩm đoàn và lại tiến hành công tác chuẩn bị xét xử vụ án tại Toà án có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn theo quy định tại Điều 324 Bộ luật này.

Điều 331. Trưởng đoàn bồi thẩm


1. Các thành viên Bồi thẩm đoàn biểu quyết công khai theo nguyên tắc đa số tại phòng nghị án để bầu ra Trưởng đoàn Bồi thẩm đoàn và thông báo cho chủ toạ phiên toà.

2. Trưởng đoàn bồi thẩm lãnh đạo quá trình thảo luận của các thành viên Bồi thẩm đoàn, thay mặt họ trao đổi với chủ toạ phiên toà về những vấn đề và những yêu cầu, công bố những câu hỏi mà Toà ánđặt ra, viết những câu hỏi trả lời, tổng kết kết quả biểu quyết, chứng thực phán quyết của Bồi thẩm đoàn và theo chỉ dẫn của chủ toạ phiên toà công bố phán quyết đó tại phiên toà.


Điều 332. Tuyên thệ của các thành viên Bồi thẩm đoàn


1. Sau khi lựa chọn Trưởng đoàn bồi thẩm chủ toạ phiên toà đề nghị các thành viên tuyên thệ và đọc lời tuyên thệ như sau: "Khi thực hiện nghĩa vụ đầy trọng trách của thành viên Bồi thẩm đoàn tôi long trọng xin thề sẽ thực hiện nghĩa vụ một cách trung thực và công bằng, coi trọng tất cả những chứng cứ được xem xét trước toà kể cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội cho bị cáo, giải quyết vụ án theo niềm tin nội tâm và lương tâm của mình, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, xứng đáng là một công dân tự do và một người công minh".

2. Sau khi đọc lời tuyên thệ chủ tọa phiên toà gọi lần lượt theo danh sách tên của từng thành viên Bồi thẩm đoàn, mỗi người trong số họ khi nghe chủ tọa phiên toà hỏi thì trả lời:" Tôi xin thề ".

3. Các thành viên dự bị của Đoàn bồi thẩm cũng tuyên thệ.

4. Việc tuyên thệ được ghi vào biên bản phiên toà.

5. Khi nghe đọc lời tuyên thệ và tiến hành tuyên thệ tất cả những người có mặt tại phòng xử án đều phải đứng dậy.

6. Sau khi tuyên thệ chủ tọa phiên toà giải thích cho các thành viên Bồi thẩm đoàn quyền và nghĩa vụ của họ.


Điều 333. Quyền hạn của thành viên Bồi thẩm đoàn


1. Thành viên Bồi thẩm đoàn, kể cả thành viên dự bị có quyền;

1) Tham gia vào việc xem xét tất cả các tình tiết của vụ án, đưa ra các câu hỏi cho những người bị thẩm vấn thông qua chủ toạ phiên toà, tham gia vào việc xem xét vật chứng, tài liệu và trong các hoạt động điều tra khác;

2) Yêu cầu chủ tọa phiên toà giải thích những điều luật liên quan đến vụ án, nội dung những tài liệu được công bố tại Toà án và những vấn đề và những khái niệm mà họ không hiểu rõ;

3) Tiến hành ghi chép và sử dụng chúng để chuẩn bị những câu trả lời tại phòng nghị án đối với những câu hỏi mà chủ tọa phiên toà đặt ra cho họ.

2. Thành viên Bồi thẩm đoàn không có quyền:

1) Vắng mặt ở phòng xử án trong khi xét xử vụ án;

2) Nêu quan điểm của mình về vụ án đang được xét xử trước khi thảo luận những vấn đề khi ra phán quyết;

3) Tiếp xúc với những người không thuộc Hội đồng xét xử để nắm bắt những tình tiết của vụ án;

4) Thu thập những thông tin về vụ án ngoài phiên toà;

5) Tiết lộ bí mật phiên họp và việc biểu quyết của các thành viên Bồi thẩm đoàn về những vấn đề đặt ra đối với họ.

3. Nếu thành viên Bồi thẩm đoàn vắng mặt tại phiên toà mà không có lí do chính đáng thì có thể bị phạt tiền theo thủ tục quy định tại Điều 118 Bộ luật này.

4. Chủ tọa phiên toà thông báo trước cho các thành viên Bồi thẩm đoàn biết rằng trong trường hợp họ vi phạm những yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều này thì họ có thể không được tiếp tục tham gia xét xử vụ án theo quyết định của Toà án hoặc theo yêu cầu của các bên. Trong trường hợp này thì thành viên dự bị của Bồi thẩm đoàn sẽ thay thế họ.


Điều 334. Thẩm quyền của Thẩm phán và thành viên Bồi thẩm đoàn


1. Trong quá trình giải quyết vụ án mà các thanh viên Bồi thẩm đoàn chỉ giải quyết những vấn đề quy định tại các điểm 1, 2 và 4 khoản 1 Điều 229 Bộ luật này và thể hiện những vấn đề đó trong phiếu ghi câu hỏi. Trong trường hợp bị cáo nhận tội thì theo quy định tại Điều 339 Bộ luật này thì các thành viên Bồi thẩm đoàn còn phải chỉ rõ liệu bị cáo có đáng được khoan hồng hay không.

2. Những vấn đề không được nêu tại khoản 1 Điều này do chủ toạ phiên toà tự quyết định mà không có sự tham gia của các thành viên Bồi thẩm đoàn


Điều 335. Những đặc điẻm của việc điều tra tại toà ở Toà án có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn


1. Việc điều tra tại Toà án có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn được bắt đầu bằng bài phát biểu của công tố viên và người bào chữa.

2. Trong bài phát biểu của mình công tố viên trình bày bản chất của lời buộc tội và đề nghị thủ tục xem xét những chứng cứ mà họ đưa ra.

3. Người bào chữa trình bày quan điểm đã được thống nhất với bị cáo về nội dung buộc tội và ý kiến về thủ tục xem xét những chứng cứ mà họ đưa ra.

4. Sau khi các bên thẩm vấn bị cáo, người bị hại, người làm chứng, người giám định, các thành viên Bồi thẩm đoàn có quyền đưa ra các câu hỏi đối với họ thông qua chủ tọa phiên toà. Các câu hỏi được các thành viên Bồi thẩm đoàn thể hiện bằng văn bản và được chuyển cho chủ tọa phiên toà thông qua Trưởng đoàn bồi thẩm. Những câu hỏi này được chủ tọa phiên toà trình bày và họ có thể bị khước từ nếu không liên quan đến nội dung buộc tội.

5. Thẩm phán tự mình hoặc theo yêu cầu của các bên loại trừ ra khỏi vụ án những chứng cứ mà việc không chấp nhận những chứng cứ này được làm sáng tỏ trong quá trình xét xử vụ án.

6. Nếu trong quá trình xét xử vụ án phát sinh vấn đề không chấp nhận những chứng cứ thì vấn đề này được giải quyết mà không có mặt của Bồi thẩm đoàn. Sau khi nghe ý kiến của các bên Thẩm phán ra quyết định loại trừ chứng cứ được coi là không được chấp nhận.

7. Trong quá trình điều tra tại Toà án với sự có mặt của Bồi thẩm đoàn chỉ xem xét những tình tiết thực tế của vụ án mà việc chứng minh chúng do các thành viên Bồi thẩm đoàn xác định phù hợp với thẩm quyền của họ được quy định tại Điều 334 Bộ luật này.

8. Những thông tin về nhân thân bị cáo được xem xét với sự tham gia của Bồi thẩm đoàn chỉ trong trường hợp cần thiết để xác định những dấu hiệu riêng của cấu thành tội phạm mà bị cáo buộc tội. Nghiêm cấm xem xét những sự kiện về tiền án, về tình trạng nghiện rượu hoặc nghiện ma tuý của bị cáo cũng như những số liệu khác có khả năng dẫn đến định kiến của Bồi thẩm đoàn đối với bị cáo.


Điều 336. Tranh luận của các bên


1. Sau khi kết thúc việc điều tra tại toà, Toà án chuyển sang nghe tranh luận của các bên, việc tranh luận được tiến hành theo quy định tại Điều 292 Bộ luật này.

2. Việc tranh luận của các bên chỉ được tiến hành trong phạm vi những vấn đề mà Bồi thẩm đoàn phải giải quyết. Các bên không có quyền đề cập đến những tình tiết được xem xét sau khi có phán quyết của Bồi thẩm đoàn và không có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn. Nếu người tham gia tranh luận đề cập đến những tình tiết này thì chủ tọa phiên toà ngắt lời họ và giải thích cho các thành viên Bồi thẩm đoàn rằng họ không cần quan tâm đến những tình tiết đó khi ra phán quyết.

3. Các bên không có quyền dựa trên quan điểm của mình để viện dẫn những chứng cứ mà theo thủ tục được quy định bị coi là không chấp nhận hoặc không được xem xét tại phiên toà. Thẩm phán ngắt lời những ý kiến phát biểu này và giải thích cho các thành viên Bồi thẩm đoàn rằng họ không cần lưu ý đến những tình tiết đó khi ra phán quyết.

Điều 337. Đối đáp và lời sau cùng của bị cáo


1. Sau khi tranh luận tất cả những người tham gia tranh luận có quyền đối đáp. Người bào chữa và bị cáo có quyền đối đáp cuối cùng.

2. Bị cáo nói lời sau cùng theo quy định tại Điều 293 Bộ luật này.


Điều 338. Đặt những câu hỏi mà Bồi thẩm đoàn giải quyết


1. Thẩm phán trên cơ sở kết quả điều tra tại Toà, tranh luận của các bên thiết lập dưới hình thức văn bản những câu hỏi mà Bồi thẩm đoàn giải quyết, lập danh mục câu hỏi này và chuyển cho các bên.

2. Các bên có quyền đưa ra nhận xét về nội dung và hình thức của các câu hỏi và đưa ra đề nghị đặt những câu hỏi mới. Thẩm phán không có quyền từ chối bị cáo hoặc người bào chữa của họ trong việc đặt những câu hỏi về việc có những tình tiết thực tế loại trừ trách nhiệm của bị cáo đối với hành vi phạm tội hoặc quy định trách nhiệm của họ về tội nhẹ hơn.

3. Các thành viên Bồi thẩm đoàn rời khỏi phòng xử án trong thời gian thảo luận và đặt các câu hỏi.

4. Sau khi cân nhắc nhận xét và đề nghị của các bên, Thẩm phán tại phòng nghị án chính thức đặt các câu hỏi mà các thành viên Bồi thẩm đoàn giải quyết và đưa vào phiếu ghi câu hỏi do Thẩm phán ký.

5. Phiếu ghi câu hỏi được công bố với sự có mặt của Bồi thẩm đoàn và được chuyển cho Trưởng đoàn bồi thẩm. Trước khi vào phòng nghị án các thành viên Bồi thẩm đoàn có quyền được chủ toạ phiên toà giải thích về những vấn đề mà họ chưa hiểu rõ liên quan đến những câu hỏi đặt ra cho họ mà không đề cập đến nội dung cơ bản dự kiến những câu trả lời đối với các câu hỏi đó.

Điều 339. Nội dung những câu hỏi đối với Bồi thẩm đoàn


1. Đối với mỗi hành vi mà bị cáo bị buộc tội là đã thực hiện cần đặt ra 3 câu hỏi chính:

1) Có chứng minh được rằng hành vi đó đã xảy ra;

2) Có chứng minh được rằng hành vi đó do bị cáo thực hiện;

3) Bị cáo có lỗi hay không trong việc thực hiện hành vi đó.

2. Trong phiếu ghi câu hỏi cũng có thể đặt một câu hỏi chính về lỗi của bị cáo là sự liên kết các câu hỏi được nêu tại khoản 1 Điều này.

3. Sau câu hỏi chính về lỗi của bị cáo có thể đặt những câu hỏi riêng về những tình tiết làm tăng hoặc giảm mức độ lỗi hoặc thay đổi tính chất lỗi, dẫn đến miễn trách nhiệm cho bị cáo. Trong những trường hợp cần thiết cũng đặt riêng những câu hỏi về tính chất hành vi phạm tội, về những nguyên nhân dẫn đến hành vi không được thực hiện đến cùng, vị trí, vai trò của từng bị cáo trong vụ án đồng phạm. Được phép đặt những câu hỏi cho phép xác định lỗi của bị cáo trong việc thực hiện tội phạm nhẹ hơn nếu những câu hỏi này không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo và không xâm phạm đến quyền bào chữa của bị cáo.



(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002)

4. Trong trường hợp công nhận bị cáo có lỗi thì đặt câu hỏi có đáng được khoan hồng hay không.

5. Không thể đặt riêng rẽ hoặc đặt cùng với những câu hỏi khác những câu hỏi đòi hỏi Bồi thẩm đoàn phải trả lời về nhân thân bị cáo (về tiền án) cũng như những câu hỏi khác đòi hỏi phải tự đánh giá về mặt pháp lý khi Bồi thẩm đoàn ra phán quyết của mình.

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002)

6. Không được phép đưa ra những câu hỏi mà câu trả lời đối với câu hỏi đó có thể là công nhận bị cáo có lỗi trong việc thực hiện hành vi mà công tố viên không buộc tội họ hoặc không truy tố ở thời điểm đặt các câu hỏi.

7. Những câu hỏi mà Bồi thẩm đoàn cần giải quyết được đặt riêng đối với từng bị cáo.

8. Những câu hỏi đặt ra phải được diễn đạt dễ hiểu đối với Bồi thẩm đoàn.


Điều 340. Phát biểu của chủ tọa phiên toà


1. Trước khi Bồi thẩm đoàn vào phòng nghị án để ra phán quyết, chủ toạ phiên toà nói lời phát biểu với các thành viên Bồi thẩm đoàn.

2. Khi nói lời phát biểu chủ toạ phiên toà không được phép bằng bất kỳ hình thức nào thể hiện quan điểm của mình về những câu hỏi đặt ra cho Bồi thẩm đoàn.

3. Trong lời phát biểu của mình, chủ toạ phiên toà:

1) Đưa ra nội dung buộc tội;

2) Thông báo nội dung luật hình sự quy định về trách nhiệm đối với các hành vi mà bị cáo buộc tội là đã thực hiện;

3) Nhắc lại những tình tiết được xem xét tại Toà án, cả những tình tiết buộc tội và tình tiết gỡ tội cho bị cáo, không thể hiện mối quan hệ của mình với những chứng cứ này và không đưa ra những kết luận những chứng cứ đó;

4) Nêu quan điểm của công tố viên va bên bào chữa;

5) Giải thích cho các thành viên Bồi thẩm đoàn về các chứng cứ; bản chất của nguyên tắc suy đoán vô tội, quy định về việc giải thích những nghi ngờ không được khắc phục theo hướng có lợi cho bị cáo; quy định về việc phán quyết của họ chỉ được dựa trên những chứng cứ được xem xét trực tiếp tại phiên toà, không có chứng cứ nào hiệu lực đựoc xác định trước đó, kết luận của họ không thể dựa trên sự suy diễn cũng như dựa những chứng cứ không được Toà án chấp nhận;

6) Lưu ý với Đoàn bồi thẩm rằng việc bị cáo từ chối khai báo hoặc giữ im lặng tại Toà án là không có ý nghĩa pháp lý và không thể lý giải rằng những điều đó chứng tỏ bị cáo vô tội;

7) Giải thích thủ tục thảo luận của các thành viên Bồi thẩm đoàn, chuẩn bị các câu trả lời đối với các câu hỏi được đặt ra, biểu quyết về các câu trả lời và ra phán quyết.

4. Chủ toạ phiên toà kết thúc lời phát biểu của mình bằng việc nhắc lại cho các thành viên Bồi thẩm đoàn về nội dung những điều họ đã tuyên thệ và lưu ý với họ rằng trong trường hợp ra phán quyết buộc tội họ có thể công nhận bị cáo xứng đáng được khoan hồng.

5. Sau khi nghe chủ tọa phiên toà nói lời phát biểu và xem những câu hỏi đặt ra đối với các thành viên Bồi thẩm đoàn, các thành viên Bồi thẩm đoàn có quyền yêu cầu chủ tọa phiên toà giải thích thêm.

6. Các bên có quyền phản đối tại phiên toà về nội dung lời phát biểu của chủ tọa phiên toà với lý do là họ vi phạm nguyên tắc khách quan và công bằng.

Điều 341. Giữ bí mật việc thảo luận của các thành viên Bồi thẩm đoàn


1. Sau lời phát biểu của chủ tọa phiên toà, Bồi thẩm đoàn vào phòng nghị án để ra phán quyết.

2. Những người khác không phải là thành viên Bồi thẩm đoàn không được phép có mặt tại phòng nghị án.

3. Khi vào thời gian ban đêm hoặc nếu được phép của chủ tọa phiên toà thì khi hết giờ làm việc các thành viên Bồi thẩm đoàn có quyền tạm dừng thảo luận để nghỉ.

4. Các thành viên Bồi thẩm đoàn không được phép tiết lộ những ý kiến được nêu ra trong thời gian thảo luận.

5. Những ghi chép của các thành viên Bồi thẩm đoàn mà họ thực hiện tại phiên toà có thể sử dụng tại phòng nghị án để chuẩn bị các câu trả lời đối với các câu hỏi đặt ra đối với họ.

Điều 342. Thủ tục tiến hành thảo luận và biểu quyết tại phòng nghị án


1. Trưởng đoàn bồi thẩm chỉ đạo việc thảo luận của các thành viên Bồi thẩm đoàn, đưa ra thảo luận các câu hỏi theo thứ tự được nêu trong phiếu ghi câu hỏi, tiến hành biểu quyết về những câu trả lời đối với các câu hỏi và tiến hành kiểm phiếu.

2. Việc biểu quyết được tiến hành công khai.

3. Các thành viên Bồi thẩm đoàn không có quyền từ chối biểu quyết. Các thành viên Bồi thẩm đoàn biểu quyết theo danh sách.

4. Trưởng đoàn bồi thẩm biểu quyết sau cùng.


Điều 343. Ra phán quyết


1. Sau khi thảo luận các câu hỏi được đặt ra các thành viên Bồi thẩm đoàn cần cố gắng đưa ra những quyết định thống nhất. Nếu trong 3 giờ thảo luận mà các thành viên Bồi thẩm đoàn không đạt được sự thống nhất thì việc quyết định được tiến hành bằng biểu quyết.

2. Phán quyết có tội được coi là thông qua nếu đối với các câu trả lời khẳng định đối với từng câu hỏi trong số 3 câu hỏi được nêu tại khoản 3 Điểu 339 Bộ luật này được đa số thành viên Bồi thẩm đoàn biểu quyết.

3. Phán quyết không có tội được coi là thông qua nếu đối với các câu trả lời phủ định đối với một trong bất kỳ câu hỏi chính nào được nêu trong phiếu ghi câu hỏi được ít nhất 6 thành viên Bồi thẩm đoàn biểu quyết.

4. Các câu trả lời đối với các câu hỏi khác được thông qua bằng biểu quyết của các thành viên Bồi thẩm đoàn theo đa số thường.

5. Nếu kết quả biểu quyết ngang nhau thì chấp chấp nhận câu trả lời có lợi hơn cho bị cáo.

6. Khi ra phán quyết "có tội" các thành viên Bồi thẩm đoàn có quyền thay đổi việc buộc tội theo hướng có lợi cho bị cáo.

7. Các câu trả lời đối với các câu hỏi đặt ra cho thành viên Bồi thẩm đoàn cần phải thể hiện rõ việc khẳng định hoặc phủ định với những cụm từ bắt buộc để thuyết minh hoặc làm rõ nghĩa của câu trả lời ("có, có tội, không, không có tội "...).

8. Các câu trả lời đối với các câu hỏi được Trưởng đoàn bồi thẩm đưa ngay vào phiếu ghi câu hỏi ngay sau khi thông qua từng câu trả lời. Trong trường hợp nếu câu trả lời đối với câu hỏi trước phủ định khả năng trả lời đối với câu hỏi sau thì Trưởng đoàn bồi thẩm sau khi được đa số thành viên Bồi thẩm đoàn đồng ý ghi vào sau câu hỏi đó từ " Không có câu trả lời ".

9. Trong trường hợp nếu câu trả lời được thông qua bằng biểu quyết thì Trưởng đoàn bồi thẩm ghi sau câu trả lời kết quả kiểm phiếu.

10. Phiếu ghi câu hỏi được ghi các câu trả lời trong đó do Trưởng đoàn bồi thẩm ký.


Điều 344. Giải thích bổ sung của chủ tọa phiên toà. Giải thích thêm về những câu hỏi đặt ra. Phục hồi việc điều tra tại Toà án


1. Nếu trong quá trình thảo luận các thành viên Bồi thẩm đoàn đi đến kết luận rằng cần thiết phải được chủ tọa phiên toà giải thích bổ sung về những câu hỏi đặt ra thì họ trở lại phòng xử án và Trưởng đoàn bồi thẩm đưa ra yêu cầu tương ứng đối với chủ tọa phiên toà.

2. Chủ tọa phiên toà với sự có mặt của các bên đưa ra những giải thích cần thiết hoặc sau khi nghe ý kiến của các bên đưa ra những giải thích làm rõ thêm nội dung các câu hỏi đặt ra hoặc bổ sung vào phiếu ghi câu hỏi những câu hỏi mới.

3. Vì lý do có những thay đổi được đưa vào phiếu ghi câu hỏi nên chủ tọa phiên toà nói lời phát biểu ngắn và nội dung lời phát biểu được thể hiện trong biên bản.

4. Sau đó các thành viên Bồi thẩm đoàn trở vào phòng nghị án để ra phán quyết.

5. Nếu trong quá trình thảo luận các thành viên Bồi thẩm đoàn có nghi ngờ về những tình tiết nào đó của vụ án có ý nghĩa quan trọng đối với các câu trả lời đối với các câu hỏi đặt ra mà đòi hỏi phải điều tra bổ sung thì họ trở lại phòng xử án và Trưởng đoàn Bồi thẩm đưa ra yêu cầu tương ứng đối với chủ tọa phiên toà.

6. Chủ tọa phiên toà sau khi nghe ý kiến của các bên quyết định phục hồi điều tra tại Toà. Sau khi kết thúc điều tra tại Tòa, trên cơ sở ý kiến của các bên có thể đưa ra những giải thích làm rõ hơn những câu hỏi đặt ra cho các thành viên Bồi thẩm đoàn hoặc đưa ra những câu hỏi mới. Sau khi nghe tranh luận và đối chất của các bên về những tình tiết được điều tra tiếp, lời sau cùng của bị cáo và lời phát biểu của chủ tọa phiên toà, các thành viên Bồi thẩm đoàn trở lại phòng nghị án để ra phán quyết.



Điều 345. Công bố phán quyết của Bồi thẩm đoàn


1. Sau khi ký vào phiếu ghi câu hỏi đã điền những câu trả lời đối với các câu hỏi đặt ra, các thành viên Bồi thẩm đoàn trở lại phòng xử án.

2. Trưởng đoàn bồi thẩm chuyển cho chủ toạ phiên toà phiếu ghi câu hỏi đã điền những câu trả lời. Trường hợp, trong phiếu trả lời câu hỏi không có phần nhận xét thì chủ toạ trả lại cho Trưởng đoàn bồi thẩm để bổ sung. Khi phát hiện thấy phán quyết của Bồi thẩm đoàn chưa rõ ràng hay còn có mâu thuẫn thì chủ toạ nêu rõ và yêu cầu Bồi thẩm đoàn trở lại phòng nghị án. Sau khi nghe ý kiến của các bên có trong phiếu trả lời câu hỏi, chủ toạ phiên toà có quyền đặt ra các câu hỏi bổ sung. Sau khi nghe ý kiến của chủ toạ về những thay đổi trong phiếu trả lời câu hội, Bồi thẩm đoàn vào phòng nghị án để ra phán quyết.

(Khoản này được thay đổi theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002)

3. Trưởng đoàn bồi thẩm công bố phán quyết căn cứ vào các câu hỏi của chủ toạ và kết quả trả lời của Bồi thẩm đoàn.


4. Tất cả những người có mặt trong phòng xử án phải đứng dậy để nghe phán quyết.

5. Phán quyết sau khi công bố được chuyển cho chủ tọa phiên toà để lưu vào hồ sơ vụ án.



( Các khoản trên đây được sửa đổi, bổ sung theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002)

Điều 346. Hoạt động của chủ tọa phiên toà sau khi công bố phán quyết


1. Trong trường hợp Bồi thẩm đoàn phán quyết bị cáo vô tội thì chủ tọa phiên toà thông báo bị cáo vô tội. Trong trường hợp này bị cáo đang bị tạm giam được trả tự do ngay tại phòng xử án.

2. Sau khi phán quyết được công bố chủ tọa phiên toà cảm ơn các thanh viên Bồi thẩm đoàn và thông báo kết thúc sự tham gia của họ trong việc xét xử vụ án.

3. Hậu quả của phán quyết được thảo luận mà không có sự tham gia của các thành viên Bồi thẩm đoàn. Các thành viên Bồi thẩm đoàn có quyền được ở lại phòng xử án cho đến khi kết thúc xét xử vụ án và ở vị trí cách ly với công chúng.

Điều 347. Thảo luận hậu quả của phán quyết


1. Sau khi công bố phán quyết của Bồi thẩm đoàn việc xét xử được tiếp tục với sự tham gia của các bên.

2. Trong trường hợp Bồi thẩm đoàn ra phán quyết vô tội thì chỉ xem xét và thảo luận những vấn đề liên quan đến việc giải quyết về dân sự, phân chia các chi phí tố tụng và vật chứng.

3. Trong trường hợp ra phán quyết có tội thì tiến hành xem xét những tình tiết liên quan đến xác định tội phạm đối với hành vi của bị cáo, quyết định hình phạt, giải quyết vấn đề dân sự và những vấn đề khác do Toà án quyết định khi ra bản án kết tội. Sau khi kết thúc việc xem xét những tình tiết nêu trên sẽ nghe tranh luận của các bên, người bào chữa và bị cáo sẽ phát biểu sau cùng trong qua trình tranh luận.

(Khoản này được thay đổi theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7năm 2003)

4. Các bên có thể trong lời phát biểu của mình đưa ra bất kỳ câu hỏi nào về pháp luật được áp dụng khi Toà án ra bản án kết tội. Các bên không được phép nghi ngờ về tính đúng đắn của phán quyết do Bồi thẩm đoàn đưa ra.

5. Sau khi kết thúc tranh luận của các bên trong trường hợp ra phán quyết buộc tội thì bị cáo được nói lời sau cùng, sau đó Thẩm phán rời khỏi phòng xử án để ra quyết định về vụ án.

Điều 348. Tính chất bắt buộc của phán quyết


1. Phán quyết vô tội của Bồi thẩm đoàn là bắt buộc đối với chủ tọa phiên toà và dẫn đến việc chủ tọa phiên toà ra bản án vô tội.

2. Phán quyết có tội là bắt buộc đối với chủ tọa phiên toà, trừ những trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này.

3. Chủ tọa phiên toà xác định tội phạm mà bị cáo thực hiện theo phán quyết có tội của Bồi thẩm đoàn cũng như theo những tình tiết mà Toà án xác định không thuộc thẩm quyền của Bồi thẩm đoàn và đòi hỏi phải tự đánh giá về mặt pháp lý.

4. Phán quyết có tội của Bồi thẩm đoàn không cản trở việc ra bản án vô tội nếu chủ toạ phiên toà xác định rằng hành vi của bị cáo không cấu thành các dấu hiệu tội phạm.

5. Nếu chủ tọa phiên toà xác định rằng phán quyết có tội được đưa ra đối với người vô tội và có đủ căn cứ để ra bản án vô tội do không xác định được sự kiện phạm tội hoặc không chứng minh được sự tham gia của bị cáo trong việc thực hiện tội phạm thì ra quyết định giải tán Bồi thẩm đoàn và chuyển vụ án để giải quyết với thành phần Hội đồng xét xử mới từ giai đoạn thẩm tra sơ bộ. Quyết định này không bị kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.

Điều 349. Hậu quả pháp lý của việc công nhận bị cáo đáng được khoan hồng


1. Việc nêu trong phán quyết của Bồi thẩm đoàn rằng bị cáo có tội nhưng đáng được hưởng khoan hồng là bắt buộc với chủ tọa phiên toà khi quyết định hình phạt.

2. Nếu bị cáo được công nhận đáng được khoan hồng thì chủ tọa phiên toà quyết định hình phạt đối với họ và áp dụng các quy định tại Điều 64 và khoản 1 Điều 65 Bộ luật hình sự Liên bang Nga. Nếu Bồi thẩm đoàn không công nhận bị cáo đáng được hưởng khoan hồng thì chủ tọa phiên toà sau khi cân nhắc lại các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng, nhân thân người phạm tội có quyền quyết định hình phạt đối với họ không chỉ trong phạm vi được quy định trong điều luật tương ứng của Bộ luật hình sự Liên bang Nga mà còn có thể áp dụng các quy định tại Điều 64 Bộ luật hình sự Liên bang Nga.


Điều 350. Các loại quyết định do chủ tọa phiên toà ban hành


Việc xét xử vụ án ở Toà án có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn kết thúc bằng việc chủ tọa phiên toà ra một trong những quyết định sau:

1) Quyết định đình chỉ vụ án trong những trường hợp quy định tại Điều 254 Bộ luật này;

2) Ra bản án vô tội trong những trường hợp khi mà các thành viên Bồi thẩm đoàn đưa ra các câu trả lời phủ định dù chỉ là một trong số 3 câu hỏi chính được nêu tại khoản 2 Điều 339 Bộ luật này hoặc chủ tọa phiên toà thấy rằng hành vi của bị cáo không có các dấu hiệu của tội pham;

3) Ra bản án kết tội và tuyên hình phạt, không tuyên hình phạt, tuyên hình phạt nhưng cho miễn chấp nhận hành hình phạt theo quy định tại các Điều 302, 307 và 308 Bộ luậy này;

4) Quyết định giải tán Đoàn Bồi thẩm và chuyển vụ án để xét xử lại với các thành phần Hội đồng xét xử mới trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 348 Bộ luật này.

Điều 351. Việc ra bản án


Chủ tọa phiên toà ra bản án theo thủ tục quy định tại mục 39 Bộ luật này với những ngoại lệ sau:

1) Trong phần mở đầu của bản án không nêu tên các thành viên Bồi thẩm đoàn;

2) Trong phần nhận định của bản án vô tội nêu bản chất nội dung buộc tội mà các thành viên Bồi thẩm đoàn dùng làm căn cứ để ra phán quyết vô tội, và viện dẫn phán quyết của Bồi thẩm đoàn hoặc việc từ chối truy tố của công tố viên. Chỉ yêu cầu đưa ra những chứng cứ về phần không bắt nguồn từ phán quyết do Bồi thẩm đoàn đưa ra;

3) Trong phần nhận định của bản án kết tội cần chứa đựng nội dung mô tả hành vi phạm tội mà bị cáo bị buộc tội là đã thực hiện, việc định tội, căn cứ quyết định hình phạt và căn cứ quyết định của Toà án về vấn đề dân sự;

4) Trong phần quyết định của bản án cần có nội dung giải thích về thủ tục phúc thẩm đối với bản án bị kháng cáo, kháng nghị.

Điều 352. Đình chỉ xét xử vụ án do xác định bị cáo không có năng lực hành vi


1. Nếu trong quá trình xét xử vụ án tại Toà án có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn xác định được những tình tiết chứng minh bị cáo không có năng lực hành vi ở thời điểm thực hiện hành vi mà người đó bị buộc tội hoặc chứng minh rằng sau khi thực hiện tội phạm bị cáo bị rối loạn tâm thần dẫn đến việc tuyên hình phạt và chấp hành hình phạt không thể thực hiện được và được khẳng định trong kết quả giám định tư pháp tâm thần thì chủ tọa phiên toà ra quyết định đình chỉ xét xử vụ án có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn và chuyển vụ án để xét xử ở Toà án theo thủ tục quy định tại Mục 51 Bộ luật này.

2. Những quyết định được ban hành theo quy định tại Điều này không bị kháng cáo, kháng nghị.


Điều 353. Những đặc điểm của việc ghi biên bản phiên toà


1. Biên bản phiên toà được lập theo quy định tại Điều 259 Bộ luật này và những ngoại lệ quy định tại Điều này.

2. Trong biên bản bắt buộc phải nêu rõ thành phần những ứng cử viên thành viên Bồi thẩm đoàn được triệu tập đến phiên toà và trình tự hình thành Bồi thẩm đoàn.

3. Lời phát biểu của chủ tọa phiên toà được ghi vào biên bản phiên toà hoặc bài viết lời phát biểu được đưa vào hồ sơ vụ án và nêu trong biên bản.

4. Biên bản phiên toà phải thể hiện toàn bộ quá trình tố tụng trong giai đoạn xét xử làm sao để có thể xác định được tính đúng đắn của việc tiến hành các hoạt động tố tụng.





tải về 2.43 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   ...   27




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương