Copyright 2012 by Susan Cain


Liệu Thiên Chúa có thích người hướng nội không? Nan đề của một tín đồ đạo Tin Lành



tải về 2.68 Mb.
trang6/24
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích2.68 Mb.
#33076
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24

Liệu Thiên Chúa có thích người hướng nội không? Nan đề của một tín đồ đạo Tin Lành

Nếu như Trường Đại Học Kinh Tế Harvard là vùng đất riêng ở Bờ Đông cho những kẻ xuất sắc đến từ khắp nơi trên thế giới, thì điểm dừng tiếp theo của tôi lại là một tổ chức gần như trái ngược với nó hoàn toàn. Nó nằm trên một mảnh đất trải rộng trên hơn 120 mẫu, trên nền của một vùng sa mạc cũ mà nay là ngoại ô của thành phố Lake Forest, Mỹ. Không giống như Trường Đại Học Kinh Tế Harvard, nơi đây sẵn sàng nhận bất cứ ai muốn tham gia. Các gia đình thong thả dạo bước trên những lối đi dạo dọc các khu mua sắm dưới những tán cọ. Trẻ em vui vẻ chơi đùa bên những dòng suối và thác nước nhân tạo. Các nhân viên vẫy tay chào thân thiện khi họ lướt qua bạn trên những chiếc xe điện đánh golf. Cứ mặc bất cứ thứ gì mà bạn muốn: giày thường hoặc thậm chí dép lê cũng hoàn toàn OK. Ngôi trường này không phải được lãnh đạo bởi các giáo sư ăn vận đẹp đẽ, thích dùng những từ ngữ như “nhân vật chính” hay “tình huống giả định”; mà là bởi một người đàn ông hiền lành, vóc dáng như một ông già Nôen, mang một chiếc áo sơ mi kiểu Hawaii chim cò và để một kiểu râu goatee phớt phớt nâu.

Với số người tham gia trung bình hàng tuần là 22.000, và vẫn đang tăng lên, Nhà thờ Saddleback là một trong những nhà thờ đạo Tin Lành lớn nhất và có tầm ảnh hưởng mạnh nhất trên khắp nước Mỹ. Lãnh đạo nó là Rick Warren, tác giả của “The Purpose Driven Life”, một trong những cuốn sách bán chạy hàng đầu mọi thời đại, và ông cũng là người đã làm lễ cho buổi nhậm chức của tổng thống Obama. Saddleback không tạo ra những nhà lãnh đạo nổi tiếng khắp thế giới như Trường Đại Học Kinh Tế Harvard, nhưng vai trò mà nó đóng trong xã hội cũng không hề kém đáng nể hơn dù chỉ một chút nào. Những thủ lĩnh Tin Lành ở đây có sức ảnh hưởng lên cả các Tổng Thống; chiếm lĩnh hàng nghìn giờ chiếu trên tivi; và điều hành những công vụ kinh doanh trị giá hàng nhiều triệu đô-la—trong đó, những người nổi bật nhất sở hữu các công ty sản xuất của riêng mình, các hãng ghi âm, và cả những thỏa thuận phát hành với những gã khổng lồ của giới truyền thông như Time Warner nữa.

Saddleback cũng đồng thời có chung một đặc điểm với Trường Đại Học Kinh Tế Harvard: đó là món nợ mà nó mang với, cũng như sự truyền bá của nó từ Nền Văn Hóa Của Tính Cách.

Đó là một buổi sáng Chủ Nhật tháng Tám năm 2006, và tôi đang đứng giữa một giao lộ của vô số các lối đi dạo đông đúc trong khuôn viên Saddleback. Tôi tìm kiếm sự trợ giúp từ một bảng chỉ đường—loại mà các bạn vẫn thấy trong Walt Disney World—với cả đống mũi tên vui vẻ chỉ đi khắp mọi hướng: Nhà Nguyện Trung Tâm, Phòng Plaza, Khu café ngoài trời, Khu café trên bãi biển. Một tấm poster gần đó in hình một chàng trai trẻ cười lớn rạng rỡ, trong chiếc áo sơ mi chui đầu và giày đế bệt đỏ rực, với dòng chữ: “Bạn muốn tìm đường? Sao không thử đến với Phòng thường trực Giao thông của chúng tôi?”

Tôi đang tìm đến hiệu sách ngoài trời, nơi tôi sẽ gặp Adam McHugh, một mục sư dòng Tin Lành tại địa phương, người tôi đã có trao đổi thư từ liên lạc từ trước đó. McHugh công khai thừa nhận mình là một người hướng nội, và chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện xuyên-quốc gia về việc cảm giác thế nào khi làm một người ít nói, thích suy nghĩ và trí óc trong thế giới của đạo Tin Lành—đặc biệt là ở cương vị một người lãnh đạo. Cũng giống như ở Trường Đại Học Kinh Tế Harvard, các nhà thờ dòng Tin Lành thường coi tính hướng ngoại là một yêu cầu tiên quyết cho vị trí lãnh đạo, đôi lúc họ còn nói thẳng. “Các giáo sĩ phải [v..v...] là một người hướng ngoại, luôn nhiệt tình chiếm được thiện cảm của các thành viên và những người mới tham gia, là một người có tinh thần đồng đội”, một yêu cầu tuyển dụng cho vị trí phó mục sư của một giáo xứ với hơn 1400 thành viên đã đăng như vậy. Một giáo sĩ trưởng tại một nhà thờ khác đã thừa nhận trên mạng rằng, ông luôn khuyên các giáo xứ khi tuyển chọn mục sư mới thì nên đặt câu hỏi về kết quả trắc nghiệm tâm lý Myers-Briggs của anh ta. “Nếu chữ cái đầu tiên không phải là “E” (viết tắt của “extrovert”, tức “hướng ngoại”)”, ông nói với họ, “thì hãy cân nhắc lại thật cẩn thận việc tuyển dụng anh ta đi... Tôi chắc chắn rằng Thượng Đế của chúng ta là một người hướng ngoại”.

McHugh không hề phù hợp với những lời miêu tả này. Anh đã khám phá ra tính hướng nội của mình từ khi còn là một sinh viên năm nhất tại Đại Học Claremont McKenna, lúc anh nhận ra rằng mình luôn dậy sớm hơn mỗi buổi sáng chỉ để nhấm nháp tận hưởng một chút thời gian yên tĩnh bên tách cà phê. Anh hoàn toàn cảm thấy thoải mái ở các bữa tiệc, nhưng luôn thấy mình bỏ về sớm hơn những người khác. “Người ta thì càng lúc càng nói lớn hơn, tôi thì lại càng về cuối càng ít nói dần”, anh bảo với tôi. Anh đã làm bài trắc nghiệm tâm lý tính cách Myers-Briggs và phát hiện ra rằng có một từ ngữ—“hướng nội”—miêu tả đúng dạng người hay thích dành thời gian một mình như anh hay làm vậy.

Lúc đầu McHugh cảm thấy việc dành nhiều thời gian hơn cho riêng mình chẳng có gì là xấu. Nhưng rồi, anh bắt đầu hoạt động tích cực hơn trong các hoạt động của dòng Tin Lành, và dần cảm thấy tội lỗi về tất cả những sự ham thích được ở một mình đó của mình. Anh thậm chí còn đã tin rằng Thượng Đế không tán thành những lựa chọn của anh, và mở rộng ra, là không tán thành cả chính con người anh.

“Nền văn hóa của dòng Tin Lành gắn lòng mộ đạo với tính hướng ngoại”, McHugh giải thích. “Sự chú trọng được đặt vào tính cộng đồng, vào việc tham gia vào nhiều hơn và nhiều hơn nữa các chương trình và sự kiện, vào việc gặp gỡ được với nhiều và nhiều người hơn nữa. Với những người hướng nội, luôn có một nỗi lo sợ liên tục bất biến rằng mình chưa làm những điều này đủ tốt. Và trong một thế giới tôn giáo, có nhiều thứ để lo ngại hơn nhiều khi bạn gặp phải nỗi lo sợ này. Nó không chỉ là ‘Mình chưa làm được đủ tốt như mình muốn’. Nó còn như là ‘Chúa đang không hài lòng với mình’”.

Từ bên ngoài cộng đồng Tin Lành mà nhìn vào, đây quả thực là một lời thú nhận đáng kinh ngạc. Từ khi nào mà việc ưa thích sự tĩnh lặng đơn độc lại là một trong Bảy Trọng Tội? Nhưng với một người đồng đạo Tin Lành, sự thất bại trong phương diện tâm linh của McHugh lại là điều hoàn toàn hợp lý. Tư tưởng Tin Lành hiện đại nói rằng: cứ mỗi người mà bạn không gặp được và không thuyết phục nhập đạo được, thì đấy là một linh hồn mà đúng ra bạn đã có thể cứu vớt. Tư tưởng này cũng đồng thời đặt ưu tiên vào việc xây dựng tính cộng đồng giữa các tín đồ ngoan đạo, với nhiều nhà thờ luôn khuyến khích (thậm chí là còn yêu cầu) các tín đồ phải tham gia thành những nhóm trong mọi hoạt động có thể—nấu ăn, đầu tư địa ốc, hay thậm chí là chơi trượt ván. Vậy nên mỗi sự kiện xã hội mà McHugh bỏ về sớm, mỗi buổi sáng mà anh ở nhà một mình, mỗi nhóm tổ chức mà anh không tham gia là đồng nghĩa với hàng vô số cơ hội kết nối với người khác mà anh đã bỏ lỡ.

Nhưng, mỉa mai thay, nếu có một điều mà McHugh biết chắc, thì đấy là anh không phải là kẻ duy nhất. Anh nhìn xung quanh và thấy một số lượng không hề nhỏ những người khác trong cộng đồng đạo Tin Lành cũng có cùng cảm giác mâu thuẫn như mình. Anh đã được phong làm chức mục sư Giáo Hội Trưởng Lão, được làm việc với một đội gồm các thủ lĩnh sinh viên từ Đại học Claremont, và rất nhiều trong số họ là những người hướng nội. Đội này trở thành như kiểu một phòng thí nghiệm để thử nghiệm nhiều phong cách lãnh đạo hướng nội khác nhau. Họ tập trung vào những tương tác một-đối-một hoặc trong những nhóm nhỏ thay vì các nhóm lớn, và McHugh đã giúp các sinh viên tìm thấy được nhịp điệu trong cuộc sống, cho phép họ có được sự đơn độc tĩnh lặng mà họ cần và ưa thích, trong khi vẫn còn đủ năng lượng giao tiếp xã hội để lãnh đạo những người khác. Anh khuyến khích họ tìm thấy lòng can đảm để cất tiếng nói, và chấp nhận mạo hiểm để gặp mặt những người mới.

Một vài năm sau, khi các phương tiện truyền thông xã hội bùng nổ và các blogger theo đạo Tin Lành bắt đầu đăng tải lên mạng về những trải nghiệm của họ; các bằng chứng về sự khác biệt sâu sắc giữa người hướng nội và hướng ngoại trong giáo hội đạo Tin Lành cuối cùng cũng xuất hiện. Một blogger đã viết về “tiếng khóc từ tận trong tim của mình, tự hỏi không biết làm sao để hòa nhập khi là một người hướng nội trong một giáo hội luôn kiêu hãnh về sự mộ đạo hướng ngoại của mình. Chắc hẳn vẫn có vài người (trong số các bạn) ngoài kia luôn phải thấy tội lỗi mỗi lần các bạn bị thúc ép bởi giáo hội. Chắc chắn phải có một chỗ trong vương quốc của Chúa cho những người nhạy cảm, thích suy tư chứ. Điều này không dễ để khẳng định, nhưng chắc chắn là phải có”. Một người khác thì viết về mong ước đơn giản của anh là “được phục vụ Thiên Chúa, nhưng không phải phục vụ trong một hội đồng giáo xứ. Trong một nhà thờ chung cho tất cả, nên có cả chỗ cho những người ngại giao du”.

McHugh góp thêm tiếng nói của chính mình vào bản đồng ca này, đầu tiên với một blog kêu gọi các hoạt động tôn giáo nên chú trọng hơn nữa vào sự tĩnh lặng đơn độc và hoạt động nghiền ngẫm, rồi sau đó là qua một cuốn sách có tên: “Người Hướng Nội trong Giáo xứ: Tìm lấy chỗ của chúng ta trong một Nền Văn Hóa Hướng ngoại” (“Introverts in the Church: Finding Our Place in an Extroverted Culture”). Anh tranh luận rằng ý nghĩa của đạo Tin Lành là ở cả việc lắng nghe chứ không chỉ có nói, rằng các nhà thờ Tin Lành nên bao gồm cả những sự im lặng và bí ẩn vào trong hoạt động thờ phụng của mình, và rằng họ nên dành chỗ cho cả những lãnh đạo hướng nội—những người có thể thể hiện một con đường tĩnh lặng hơn để đến với Thiên Chúa. Dầu sao đi nữa, cuối cùng thì, chẳng phải mọi lời cầu nguyện đều là về cả sự tư duy nghiền ngẫm cũng như tính cộng đồng hay sao? Những đấng lãnh tụ tôn giáo, từ Chúa Jesus tới Đức Phật Tổ, cũng như mọi vị thánh, vị đại tăng, pháp sư và các nhà tiên tri ít được biết đến hơn khác—tất cả đều đã luôn tìm đến một nơi xa xôi tĩnh lặng nào đó, để một mình trải nghiệm những sự thiên khải, mà sau đó họ mới chia sẻ nó lại với chúng ta.

Khi tôi cuối cùng cũng tìm đến được hiệu sách, McHugh đã đang đợi tôi ở đó từ trước rồi, với một vẻ ngoài điềm tĩnh. Anh chỉ vào khoảng trên 30 một chút, cao và có bờ vai rộng, bận quần jeans, áo sơ mi chui đầu màu đen, đi một đôi dép xỏ ngón cũng màu đen nốt. Với mái tóc ngắn màu nâu của mình, để một bộ râu goatee phớt phớt đỏ, hai bên tóc mai dài, McHugh trông không khác chi một người trẻ Thế hệ X điển hình; nhưng giọng nói của anh thì đầy êm dịu, ân cần quan tâm như của một vị giáo sư đại học. McHugh không giảng đạo hay làm lễ tại Nhà thờ Saddleback, nhưng chúng tôi đã chọn gặp nhau tại đây bởi nơi này là một biểu tượng quan trọng của nền văn hóa Tin Lành.

Vì các hoạt động của nhà thờ đã sắp bắt đầu, nên chúng tôi gần như không có mấy thời gian để kịp trò chuyện. Nhà thờ Saddleback cung cấp sáu dạng “worship venue” (nhà nguyện lớn) khác nhau, mỗi cái lại có tòa nhà hoặc lều rạp riêng của mình, và mỗi nơi đều được thiết kế theo một chủ đề riêng: Nhà nguyện Trung tâm, Truyền Thống, OverDrive Rock, Gospel, Gia Đình, và cả một thứ gì đó có tên Phong cách Nguyện đảo Ohana (Ohana Island Style Worship). Chúng tôi thẳng tiến tới Nhà nguyện Trung Tâm, nơi Linh mục Warren đang sắp bắt đầu buổi giảng đạo. Với trần nhà cao ngút tầm mắt, đan chằng chéo vô số ánh đèn sân khấu, trông tòa hội trường này không khác chi sân khấu một đại hội nhạc Rock, trừ việc có thêm một cây thánh giá bằng gỗ đứng khiêm tốn nép mình ở một bên của căn phòng.

Một người đàn ông tên Skip đứng lên làm nóng các tín đồ bằng một bài hát. Lời của ca khúc được hiển thị trên năm màn hình Jumbotron khổng lồ, trên nền các bức ảnh phong cảnh những hồ nước lấp lánh, hay cảnh hoàng hôn trên biển Caribbean. Các nhân viên kỹ thuật đeo gắn đầy microphone và ngồi ngất ngưởng trên những chiếc cần trục, chĩa máy quay về phía khán giả. Hình ảnh của máy quay dừng lại ở một cô bé tuổi vị thành niên—tóc vàng, dài và óng ả, nụ cười đầy hứng khởi, đôi mắt xanh rực sáng—đang hát theo rất nhiệt tình. Tôi không thể không nghĩ đến buổi seminar “Giải Phóng Sức Mạnh Bên Trong” của Tony Robbins. Tôi tự hỏi không biết có phải Tony đã xây dựng chương trình của ông ấy dựa trên những siêu nhà thờ như Saddleback này không, hay là ngược lại?

“Chào buổi sáng, tất cả mọi người!” Skip cười tươi rạng rỡ, và rồi thúc giục chúng tôi chào những người ngồi xung quanh mình. Hầu hết mọi người đều làm theo với những nụ cười nở rộng và những cái bắt tay vui mừng, kể cả McHugh, nhưng vẫn có một chút gì như là cố gắng gượng ép ẩn sau nụ cười của anh.

Rồi Linh mục Warren bắt đầu tiếp quản sân khấu. Ông mặc một chiếc áo sơ mi ngắn tay và để bộ râu goatee nổi tiếng của mình. Bài giảng hôm nay sẽ dựa trên sách Jeremiah, ông nói với chúng tôi. “Sẽ thật là xuẩn ngốc nếu đi làm kinh doanh mà không hề có một kế hoạch kinh doanh”, Warren nói, “nhưng hầu hết mọi người lại đều sống mà không hề có một kế hoạch cho cuộc sống của mình. Nếu bạn là một lãnh đạo doanh nghiệp, bạn sẽ cần phải đọc đi đọc lại sách Jeremiah thật nhiều lần, bởi vì Ngài là một CEO thiên tài”. Ở ghế ngồi của chúng tôi không hề có một cuốn Kinh Thánh nào, chỉ có bút chì và những thẻ giấy để ghi chép, với những nội dung quan trọng trong bài giảng đã được in sẵn, và các khoảng trống để chúng tôi tự điền vào trong quá trình lắng nghe bài nói của Warren.

Cũng giống như Tony Robbins, Linh mục Warren có vẻ hoàn toàn chỉ có thiện ý; ông đã tạo ra cả hệ sinh thái Saddleback khổng lồ này từ trang giấy trắng, và ông đã làm rất nhiều việc thiện ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng cũng ngay lúc đó, tôi có thể thấy bên trong thế giới với những buổi nguyện theo phong cách đại tiệc và những lời cầu đi kèm với màn hình Jumbotron khổng lồ này, những người hướng nội ở Saddleback sẽ phải khó khăn đến đâu để không thấy mặc cảm về bản thân. Càng về cuối buổi giảng đạo, tôi càng cảm thấy rõ hơn cái cảm giác lạc lõng mà McHugh đã miêu tả. Những sự kiện như thế này không cho tôi cảm giác được hòa làm một với mọi người mà những người khác có vẻ đang rất thích thú tận hưởng; luôn luôn, chỉ có những cuộc gặp gỡ kín đáo, riêng tư mới có thể giúp tôi kết nối được với những niềm vui và nỗi buồn của thế giới, thường là qua những dạng liên hệ với các nhà văn hoặc nhạc sĩ mà tôi sẽ không bao giờ được gặp trực tiếp ngoài đời thật. Proust đã gọi những khoảnh khắc khi người đọc và tác giả trở nên đồng nhất như một này là “một sự giao tiếp nhiệm màu và tuyệt vời, ngay trong lòng chính sự tĩnh lặng cô đơn”. Việc ông lựa chọn những từ ngữ mang màu sắc tôn giáo này hẳn không phải là một sự tình cờ.

McHugh, như thể có thể đọc thấu ý nghĩ của tôi, quay sang tôi khi buổi giảng đạo kết thúc. “Tất cả mọi thứ trong buổi giảng này đều có dính đến giao tiếp”, anh nói với một vẻ gì như hơi có một chút gì bất mãn. “Chào hỏi mọi người, rồi một buổi giảng đạo dài dằng dặc, rồi hát hò nữa. Không hề có sự chú trọng nào vào sự tĩnh lặng, vào những lễ tế, những nghi thức, những thứ có thể cho bạn không gian để suy ngẫm và tư duy”.

Sự khó chịu của McHugh càng trở nên buốt nhói hơn nữa, bởi anh thực sự ngưỡng mộ Nhà thờ Saddleback và tất cả những gì mà nó ủng hộ. “Saddleback đang làm những điều tuyệt vời ở khắp nơi trên thế giới, và cả trong cộng đồng của riêng nó”, anh nói. “Nó là một nơi hữu ái, thân thiện, luôn chân thành tìm kiếm cách để kết nối với những thành viên mới. Đó là một công việc đáng nể phục, khi cân nhắc đến việc nhà thờ này lớn kinh khủng đến thế nào, và mọi người có thể mất kết nối với những người khác dễ đến đâu. Những lời chào thân thiện, những bầu không khí thoải mái không câu nệ hình thức, việc có thể thoải mái gặp gỡ những người xung quanh bạn—tất cả những điều này đều được thôi thúc bởi lòng thiện ý chân thành”.

Ấy vậy nhưng, McHugh vẫn cảm thấy những hoạt động luyện tập kiểu này, như việc bắt buộc phải nở-nụ-cười-và-chào-buổi-sáng vào đầu mỗi buổi giảng đạo, thực sự rất vất vả—và mặc dù bản thân anh có thể sẵn sàng chịu đựng nó, thậm chí là thấy được giá trị của nó, anh tỏ ra lo ngại rằng không biết có bao nhiêu người hướng nội khác không thể làm vậy.

“Nơi đây thiết lập ra một không gian hướng ngoại, một thứ có thể rất khó khăn cho những người hướng nội như tôi”, anh giải thích. “Đôi lúc tôi cảm thấy mình như đang nói và làm chỉ vì nghĩa vụ chứ không phải vì thực lòng. Tất cả những sự nhiệt tình và đam mê thể hiện ra bên ngoài, thứ đã trở thành thành phần cốt lõi trong văn hóa của Saddleback, đều hoàn toàn không tự nhiên đối với tôi. Không phải rằng những người hướng nội thì không thể thấy háo hức hay nhiệt huyết như những người khác, chỉ là chúng tôi không công khai thể hiện nó ra ngoài như những người hướng ngoại. Nhưng ở một nơi như Saddleback, bạn có thể sẽ thấy nghi ngờ chính cảm giác của mình về Thiên Chúa. Liệu niềm tin của bạn có mạnh như của những người khác không, khi họ đang hiện lên như là những tín đồ trung thành nhất?”

Đạo Tin Lành đã đưa Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng tới mức độ cao nhất của nó, McHugh như muốn nói với chúng ta như vậy. Nếu bạn không thể hét lên rằng bạn yêu Chúa Jesus, vậy thì đó chắc chắn không phải là tình yêu thực sự. Chỉ những nỗ lực thầm lặng để cố gắng tạo mối liên kết tâm linh với các đấng thiêng liêng là không đủ; cần phải công khai thể hiện nó ra ngoài nữa. Thế nên có gì đáng ngạc nhiên khi những người hướng nội như Linh mục McHugh bắt đầu nghi ngờ chính lòng tin của mình?

McHugh đã hành động thật dũng cảm, khi với tư cách là một người mà cả đức tin tâm linh lẫn sự nghiệp đều phụ thuộc vào sự kết nối của anh với Chúa, lại dám thú nhận sự tự ngờ vực vào niềm tin của chính mình. Anh làm vậy bởi anh muốn giúp những người khác không phải trải qua sự giằng xé nội tâm mà anh đã phải trải qua; và bởi anh yêu đạo phái Tin Lành, và muốn nó phát triển hơn nữa bằng cách học tập từ chính những người hướng nội trong lòng nó.

Nhưng anh cũng biết rằng, những thay đổi quan trọng sẽ từ từ đến với một nền văn hóa tôn giáo nhìn nhận sự hướng ngoại không chỉ như một đặc điểm tính cách, mà còn như một dấu hiệu của đức hạnh. Những hành vi đức hạnh không phải là về những việc tốt mà ta làm sau cánh cửa đóng kín, khi không có ai ở đó để mà khen ngợi ta; mà là ở những thứ chúng ta “put out into the world” (đưa ra ngoài vào thế giới này).

Cũng giống hệt như việc những chiến thuật “dụ khị” mua thêm hàng của Tony Robbins là hoàn toàn bình thường với các fan của ông, bởi làm lan truyền những ý tưởng có ích là một phần của việc là một người tốt; và cũng như việc Trường Đại Học Kinh Tế Harvard trông đợi các học sinh của mình phải trở thành những người nói giỏi, bởi vì đây được coi là một yêu cầu tiên quyết để làm lãnh đạo; rất nhiều đạo hữu Tin Lành cũng đã đi đến việc liên hệ mức độ ngoan đạo của một tín đồ với sự hướng ngoại của anh ta.



tải về 2.68 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương