Copyright 2012 by Susan Cain



tải về 2.68 Mb.
trang17/24
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích2.68 Mb.
#33076
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   24

Lời đề tặng


Ông tôi là một người đàn ông với giọng nói nhỏ nhẹ và một cặp mắt hiền từ; cùng một niềm đam mê mãnh liệt với sách và những ý tưởng. Ông luôn xuất hiện trong bộ đồ comple đen, và có một cách khéo léo đến tuyệt vời để tìm thấy và khen ngợi bất cứ thứ gì đáng khen ngợi ở mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ở khu Brooklyn nơi ông phụng sự với tư cách thầy tu rabbi (một thầy đạo Do Thái), trên hè phố luôn có một hàng dài những người đàn ông với những chiếc mũ đen, những phụ nữ với váy dài chấm gối, và cả những đứa trẻ ngoan ngoãn và lễ phép—mặc dù có thể không phải lúc nào chúng cũng như vậy. Trên đường đến nhà thờ để giảng đạo, ông tôi sẽ luôn chào những người đi qua, từ tốn khen ngợi trí thông minh của một đứa trẻ này, chiều cao của đứa kia, hay hiểu biết của một đứa khác về những tình hình thời sự. Trẻ em yêu quý ông, người kinh doanh kính trọng ông, và những kẻ lạc lối tìm đến ông.

Nhưng thứ mà ông thích làm nhất là đọc sách. Trong căn hộ nhỏ của mình, nơi kể từ sau khi góa vợ ông đã sống một mình suốt hàng chục năm, tất cả mọi đồ đạc đều phải rời bỏ công dụng ban đầu của chúng để phục vụ như những chỗ đễ chứa đựng hàng chồng sách. Ông tôi sẽ ngồi đó, dưới hàng ánh đèn huỳnh quang sáng rực rỡ bên chiếc bàn bếp, nhấp một ngụm trà Lipton và nhấm nháp một miếng bánh ngọt, với một cuốn sách để mở rộng trước mặt trên tấm khăn trải bàn trắng muốt. Trong những bài giảng đạo của mình, ông sẽ chia sẻ với các đạo hữu thành quả từ những cuốn sách mới mình đã nghiền ngẫm nghiên cứu suốt một tuần trước đó. Ông là một người nhút nhát, luôn gặp khó khăn khi phải nhìn thẳng vào mắt khán giả, nhưng luôn rất tự tin và không ngần ngại trong hành trình khai phá tôn giáo và tri thức của mình. Khi ông nói, người kéo đến đông tới độ người ta chỉ có thể đứng chen chúc trong phòng giảng đạo chật chội để được nghe ông.

Những thành viên còn lại trong gia đình tôi đều chịu ảnh hưởng từ ông. Trong nhà chúng tôi, đọc sách là hoạt động gia đình thường xuyên nhất. Cứ mỗi chiều thứ Bảy chúng tôi sẽ túm tụm với nhau lại bên những cuốn sách, trong căn phòng nghỉ của gia đình. Đó là điều tuyệt vời nhất của cả hai thế giới: Bạn có được cảm giác ấm áp an toàn khi có gia đình ở bên, nhưng bạn cũng được tung hoành khắp nơi trong mảnh đất phiêu lưu rộng lớn ngay trong chính tâm trí mình.

Vậy nhưng đến những năm sắp bước vào tuổi thành niên, tôi đã bắt đầu phải tự hỏi liệu tất cả những việc ham thích đọc sách này có đánh dấu tôi là “quá khác biệt” trong mắt mọi người khác không, một nghi ngờ có vẻ đã được xác thực trong một chuyến đi cắm trại với lớp năm tôi mười tuổi, khi tôi thấy một cô bé với cặp mắt kính dày, trán cao, kiên quyết từ chối buông quyển sách mình đang đọc xuống để tham gia cùng mọi người vào ngày đầu tiên (cũng là quan trọng nhất) của kỳ cắm trại, và ngay lập tức đã bị tẩy chay, những ngày cắm trại còn lại với cô bé ấy phải nói là một địa ngục bởi sự cách ly của xã hội. Tôi cũng cực kỳ muốn được đọc sách lúc đó, nhưng đã quyết định sẽ không chạm đến những cuốn sách mình mang theo trong balô (một việc khiến tôi cảm thấy rất tội lỗi, như thể những cuốn sách ấy cần đến tôi, và tôi đã lại bỏ rơi chúng). Tôi đã thấy cô bé cứ tiếp tục đọc đó bị coi là “mọt sách” và “nhút nhát”; những đặc điểm mà chính tôi cũng có, và biết rằng mình phải tìm cách để che giấu.

Sau kỳ nghỉ hè đó, tôi bắt đầu thấy có chút kém thoải mái hơn với sở thích đọc sách của mình. Đến cấp III, rồi đến đại học, và rồi đến khi làm một luật sư trẻ, tôi đã luôn cố gắng hết sức để khiến mình trông có vẻ hướng ngoại hơn và ít “mọt sách” hơn mình thực sự là.

Nhưng rồi khi lớn dần lên, tôi học tập từ chính tấm gương của ông mình. Ông tôi là một người trầm tính, và là một người vĩ đại. Khi ông mất ở tuổi 94, sau sáu mươi hai năm đứng sau bục giảng kinh, sở cảnh sát thành phố New York đã phải cấm tất cả mọi phương tiện lưu thông trên các con đường xung quanh khu Brooklyn nơi ông sống, để có thể có chỗ đứng cho hàng đoàn dài những người đến tiễn đưa ông lần cuối cùng. Ông hẳn sẽ phải rất ngạc nhiên nếu được biết điều này. Đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ, một trong những điều vĩ đại nhất ở ông chính là sự khiêm tốn của mình.

Cuốn sách này được dành tặng, bằng tất cả tình yêu, đến gia đình tuổi ấu thơ của tôi. Tới mẹ của con, với lòng nhiệt thành vô bờ bến của mình về những cuộc nói chuyện nhẹ nhàng bên bàn ăn; mẹ đã tặng cho chúng con tình thân gia đình ấm áp. Con thật may mắn khi đã có một người mẹ tận tâm với gia đình mình đến nhường vậy. Tới bố của con, một bác sĩ tận tụy, người đã bằng hành động của chính mình dạy cho con niềm vui khi ngồi hàng giờ bên bàn học, săn đuổi kiến thức; nhưng cũng là người sẵn sàng ngừng tay khỏi công việc, để giới thiệu với con một bài thơ yêu thích, hay một thí nghiệm khoa học hấp dẫn. Tới anh và chị của em, người tới ngày hôm này vẫn chia sẻ với em sự nồng ấm yêu thương khi được lớn lên trong gia đình nhỏ và trong căn nhà đầy không khí văn chương của chúng ta. Tới bà của con, vì sự quả quyết, dũng cảm, và tình yêu thương bà đã dạy cho chúng con.

Và để tưởng nhớ tới người ông đã khuất của con, người đã nói bằng cách thật tuyệt vời của mình, ngôn ngữ của sự lặng im.



Vài ghi chú về các từ ngữ ‘Introvert và ‘Extrovert’


Cuốn sách này là về sự hướng nội (introversion) từ một góc nhìn văn hóa. Mối quan tâm chủ yếu của nó là về sự phân cực đã có từ rất lâu giữa “con người của hành động” (man of action) và “con người của suy nghĩ” (man of contemplation), và về việc chúng ta có thể giúp thế giới này trở nên tốt hơn đến thế nào nếu có một sự cân bằng hơn về quyền lực giữa hai loại người này. Nó chú tâm vào những người tự nhận ra mình đang nằm đâu đó trong tập hợp những phẩm chất sau: thích suy nghĩ sâu sắc, vận dụng trí óc, ham đọc sách, khiêm tốn, nhạy cảm, thận trọng, nghiêm túc, hay trầm ngâm, tinh tế khôn khéo, sống nội tâm, hướng vào bên trong, hiền lành, điềm tĩnh, thích tìm sự đơn độc, nhút nhát rụt rè, ngại mạo hiểm, dễ bị tổn thương bởi lời lên án hoặc xúc phạm (thin-skinned). “Im lặng” cũng còn là về tập hợp những người đối lập hoàn toàn với những con người kể trên nữa: những “con người của hành động”, những người sôi nổi tự tin, quảng giao, thân thiện và dễ gần, thích giao tiếp, dễ phấn khích, thích áp đảo và chi phối, mạnh mẽ quả quyết, chủ động, thích mạo hiểm, không ngại bị lên án hay xúc phạm (thick-skinned), hướng ra bên ngoài, vui vẻ nhẹ nhàng không quá nghiêm túc, gan dạ, và thoải mái khi ở vị trí trung tâm của mọi sự chú ý.

Đây là những phạm trù rất rộng lớn, tất nhiên. Rất ít cá nhân nào lại nhận diện mình hoàn toàn chỉ thuộc về một nhóm này hoặc một nhóm kia. Nhưng hầu hết chúng ta đều nhận ra những dạng người này ngay lập tức, bởi họ đóng những vai trò rất có ý nghĩa trong nền văn hóa của chúng ta.

Các nhà tâm lý học tính cách hiện nay có thể có khái niệm về sự hướng nội và hướng ngoại khác với cách tôi dùng trong cuốn sách này. Những người ủng hộ cách phân loại Ngũ Đại (Big Five) thường coi những nét tính cách như xu hướng thiên về tư duy, có một thế giới nội tâm phong phú, một lương tâm mạnh mẽ, có một vài mức độ lo lắng (đặc biệt là sự nhút nhát), và một bản chất ngại-mạo-hiểm như là những thứ thuộc về các lĩnh vực tâm lý khá tách biệt với tính hướng nội. Với họ, những đặc điểm tính cách này có thể rơi vào nhóm “mức độ cởi mở với trải nghiệm” (openness to experience), “mức độ tận tụy” (conscientiousness), và “mức độ dễ hoảng loạn lo lắng” (neuroticism).

Cách dùng từ ngữ “hướng nội” (introvert) của tôi là cố ý dùng theo một nghĩa rộng hơn, lấy từ những kiến thức trong tâm lý học Ngũ Đại, nhưng đồng thời cũng bao gồm cả những suy nghĩ của tâm lý học Jung (Jungian psycology) về thế giới nội tâm “hấp dẫn đến vô tận” và những trải nghiệm độc lập của người hướng nội; các nghiên cứu của Jerome Kagan về mức độ phản ứng và lo lắng cao (xin xem chương 45); các công trình của Elaine Aron về sự nhạy cảm trong xử lý thông tin từ thụ cảm (sensory processing sensitivity), và mối quan hệ của nó với sự tận tụy, những cảm xúc mạnh mẽ, sự hướng vào bên trong, và mức độ sâu sắc trong việc xử lý thông tin/cảm giác (xin xem chương 6); cũng như rất nhiều các nghiên cứu khác về sự kiên trì và mức độ tập trung của người hướng nội trong việc giải quyết vấn đề, rất nhiều trong số chúng đã được tóm tắt một cách tuyệt vời trong các công trình của Gerald Matthews (xin xem chương 7).

Quả thực vậy, trong hơn ba nghìn năm, nền văn minh phương Tây đã liên kết những phẩm chất trên đây với hàng loạt các tính từ. Như nhà nhân chủng học C. A. Valentine đã viết:

Các truyền thống văn hóa phương Tây bao gồm cả sự đa dạng trong con người cá nhân, thứ có vẻ đã tồn tại rất lâu, đã lan truyền và bám rễ sâu sắc trong văn hóa. Dạng thức phổ biến nhất của nó là khái niệm về “con người của hành động”, một con người thực dụng, thực tế, hoặc quảng giao, trong thế trái ngược với “con người của suy nghĩ”, kẻ tư duy, người mơ mộng, kẻ lý tưởng hóa, hoặc những cá nhân nhút nhát rụt rè. Những danh tính được dùng rộng rãi nhất gắn với truyền thống này là “người hướng ngoại” và “người hướng nội”.

Cách định nghĩa của Valentine về sự hướng nội bao gồm cả những dấu hiệu mà các nhà tâm lý hiện nay sẽ phân loại vào “mức độ cởi mở với trải nghiệm” (“kẻ tư duy”, “kẻ mơ mộng”), “mức độ tận tụy” (“lý tưởng hóa”), và “mức độ dễ hoảng loạn lo lắng” (“những cá nhân nhút nhát rụt rè”).

Một loạt các nhà thơ, nhà khoa học, và các triết gia cũng đồng thời có xu hướng gộp các đặc điểm tính cách này lại với nhau. Suốt từ sách “Chúa sáng thế” (Genesis), cuốn sách đầu tiên trong Kinh Thánh, chúng ta đã có Jacob thích tư duy (một “người đàn ông lặng lẽ ở trong lều”, người sau này trở thành “Israel”, nghĩa là “kẻ vật lộn với Chúa”) trong cuộc đấu anh em với người anh trai của ông, Esau hung hăng (một “thợ săn tài năng” và “con người của nơi đất rộng”). Trong quá khứ xa xưa điển hình, những người thầy thuốc Hippocrates và Galen đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng là tính cách chúng ta—và cả định mệnh của chúng ta—là một hệ quả đặc biệt của những loại dịch cơ thể của chúng ta, rằng việc có thừa máu và “mật vàng” giúp chúng ta lạc quan hoặc nóng tính (tức hướng ngoại ổn định hoặc hướng ngoại lo lắng); và việc có nhiều đờm dãi cùng “mật đen” khiến chúng ta bình tĩnh hoặc u sầu (tức hướng nội ổn định hoặc hướng nội lo lắng). Aristotle đã ghi lại rằng một tính cách hay u sầu thường đi cùng với sự nổi tiếng trong những lĩnh vực như triết học, thơ ca hay các môn nghệ thuật (ngày nay chúng ta có thể phân loại điều này vào nhóm “mức độ cởi mở với trải nghiệm”). Nhà thơ thế kỷ mười bảy John Milton khi viết Il Penseroso (“Kẻ Tư duy”) và L’Allegro (“Người Vui vẻ”) đã so sánh “con người hạnh phúc” vui vẻ ở thôn quê và hào hứng khi ở thành thị với “con người suy nghĩ” thường rảo bước trầm ngâm qua những khu rừng đêm và nghiên cứu trong những “tòa tháp cô độc”. (Lại một lần nữa, ngày nay, những lời miêu tả của Il Penseroso sẽ đúng không chỉ với tính hướng nội mà còn cả với “mức độ cởi mở với trải nghiệm” và “mức độ dễ hoảng loạn lo lắng” nữa). Triết gia người Đức thế kỷ mười chín Schopenhauer đã đối chiếu giữa những “người tinh thần tốt” (đầy sinh lực, chủ động, và dễ cảm thấy chán) với loại người ưa thích của ông, “người thông minh” (nhạy cảm, giàu trí tưởng tượng, và u sầu). “Hãy nhớ kỹ lấy điều này, tất cả những con người của hành động kiêu hãnh kia!”, người đồng hương của ông, Heinrich Heine, tuyên bố. “Tất cả các người rốt cuộc thì cũng chẳng là gì ngoại trừ là những công cụ vô thức cho những con người của tư duy!”.

Bởi vì sự phức tạp trong các cách định nghĩa này, lúc đầu tôi đã định sáng tạo ra cách gọi tên của riêng mình cho tập hợp những nét tính cách này. Sau cùng thì tôi lại quyết định không làm thế, một lần nữa cũng lại bởi vì những lý do văn hóa: các từ ngữ introvert (hướng nội) và extrovert (hướng ngoại) có lợi thế là được biết đến rộng rãi và có tính khơi gợi cao. Mỗi lẫn tôi thốt ra chúng tại một bữa tiệc tối, hoặc với một người ngồi cùng hàng ghế trên máy bay, lập tức có ngay một cơn lũ ào ạt những lời tâm sự và chiêm nghiệm đến từ họ. Cũng vì những lý do tương tự, tôi đã chọn dùng cách viết phổ thông “extrovert” thay vì “extravert”như bạn vẫn hay thấy xuất hiện nhiều trong những văn bản nghiên cứu khoa học.



tải về 2.68 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương