Copyright 2012 by Susan Cain


KHOẢNG CÁCH TRONG GIAO TIẾP (THE COMMUNICATION GAP)



tải về 2.68 Mb.
trang14/24
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích2.68 Mb.
#33076
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   24

10
KHOẢNG CÁCH TRONG GIAO TIẾP (THE COMMUNICATION GAP)


Làm Thế Nào Để Nói Chuyện Với Người Có Dạng Tính Cách Đối Ngược Với Bạn

Sự gặp gỡ giữa hai dạng tính cách cũng giống như sự tiếp xúc giữa hai chất hóa học vậy; nếu có bất cứ phản ứng nào xảy ra, cả hai đều sẽ bị biến đổi.

—CARL JUNG

Nếu người hướng nội và người hướng ngoại là hai phương Bắc-Nam của tính cách—hai cực của cùng một phổ—vậy thì làm thế nào họ có thể hòa thuận với nhau được? Ấy vậy nhưng hai dạng người này lại rất hay thường bị thu hút tới với nhau—trong tình bạn, trong công việc, và đặc biệt là trong tình yêu. Những cặp đôi này có thể tận hưởng niềm thích thú lớn và sự ngưỡng mộ cao dành cho nhau, theo đúng nghĩa là người này giúp hoàn thiện người kia. Một bên thường lắng nghe, một bên thì hay nói; một người nhạy cảm với vẻ đẹp, nhưng cũng nhạy cảm với đầu rơi máu chảy, người còn lại thì vui vẻ lao cho hết ngày của mình; một người trả các hóa đơn, còn người kia thì sắp xếp lịch đi chơi của bọn trẻ. Nhưng nó cũng có thể tạo ra rắc rối, khi thành viên của các cặp khác dấu này đi theo những hướng đối nhau.

Greg và Emily là một ví dụ về một cặp hướng nội-hướng ngoại, rất yêu thương nhau và cũng rất hay làm cho nhau phải phát điên. Greg, người mới vừa tròn ba mươi, có cách đi nhún nhảy, một mái tóc đen dày liên tục rủ xuống trước mắt, và một nụ cười lớn luôn chỉ chực xuất hiện. Hầu hết mọi người đều miêu tả anh là một người quảng giao. Emily, một cô gái già dặn ở độ tuổi hai mươi bảy, thì lại khác; Greg hướng ra ngoài nhiều đến đâu thì cô độc lập, tách mình ra nhiều đến đấy. Lễ độ và ăn nói nhỏ nhẹ, cô thường cuốn mái tóc màu nâu đỏ của mình gọn ghẽ vào một búi tóc phía sau, và thường ngước lên nhìn mọi người từ dưới một ánh mắt thu mình.

Greg và Emily bù trừ cho nhau một cách tuyệt đẹp. Không có Greg, Emily có thể sẽ quên việc phải ra khỏi nhà, chỉ trừ để đến chỗ làm. Nhưng không có Emily, Greg có thể sẽ thấy—một cách khá là nghịch lý với một con người giao tiếp nhiều như anh—cô độc.

Trước khi họ gặp nhau, hầu hết các bạn gái của Greg đều là những người hướng ngoại. Anh nói anh thích thú các mối quan hệ kiểu đó, nhưng anh chưa bao giờ có cơ hội hiểu rõ được những người bạn gái của mình, bởi vì họ luôn bận rộn “lên kế hoạch gặp gỡ với vô số nhóm người”. Anh nói về Emily với một cảm giác kính phục, như thể cô có thể tồn tại một cách sâu sắc hơn nhiều vậy. Anh đồng thời cũng miêu tả cô như là một chiếc mỏ neo để cả thế giới của anh chuyển động theo xung quanh đó.

Emily, đến phần mình, thì vô cùng quý trọng bản tính sôi nổi tự nhiên của Greg; anh khiến cô cảm thấy hạnh phúc và yêu cuộc sống này hơn. Cô đã luôn luôn bị người hướng ngoại thu hút, những người mà cô nói “đảm nhiệm hết mọi khó khăn của công việc bắt đầu một cuộc đối thoại. Với họ, nó hoàn toàn không phải là một việc khó khăn gì hết”.

Vấn đề nằm ở chỗ trong gần như suốt năm năm của cuộc hôn nhân của họ, Greg và Emily đã có không phiên bản này thì phiên bản khác của cùng một cuộc cãi vã. Greg, một nhà tổ chức sự kiện âm nhạc (music promoter) với rất nhiều bạn bè, muốn tổ chức những bữa tiệc tối tại nhà mỗi thứ Sáu—những buổi tụ tập tự nhiên, không trịnh trọng, đầy hào hứng với hàng đống đĩa pasta và vô số những chai rượu vang. Anh đã quen với việc tổ chức những buổi tiệc-tối-ngày-thứ-Sáu thế này từ khi còn là sinh viên năm cuối đại học, với anh nó đã trở thành điểm nhấn quan trọng nhất trong một tuần, và là một phần quan trọng trong danh tiếng của anh.

Emily đã đi đến chỗ căm ghét những sự kiện hàng tuần như thế này. Là một luật sư đại diện chăm chỉ cho một bảo tàng nghệ thuật, và là một người rất ưa sự kín đáo, riêng tư, điều cuối cùng trên đời cô muốn làm khi trở về nhà là tham gia vào những sự kiện giải trí. Ý tưởng của cô về một khởi đầu hoàn hảo cho một kỳ nghỉ cuối tuần là một buổi tối yên tĩnh tại rạp chiếu phim, chỉ mình cô và Greg.

Đây dường như là một mâu thuẫn không thể nào giải quyết được: Greg muốn năm mươi hai bữa tiệc tối mỗi năm, Emily thì không muốn một bữa tiệc nào cả.

Greg nói rằng Emily nên nỗ lực cố gắng hơn nữa. Anh buộc tội cô là đang trở thành một kẻ khó gần, phản xã hội (anti-social). “Em không hề trốn tránh giao tiếp, hay phản xã hội”, cô nói. “Em yêu anh, em yêu gia đình mình, và em có những người bạn thân của em. Em chỉ không yêu những bữa tiệc tối mà thôi. Người ta không liên kết được với nhau tại những bữa tiệc đó—họ chỉ giao thiệp mà thôi. Anh là người may mắn vì em dành trọn tất cả năng lượng của em cho anh. Còn anh, anh vung vãi năng lượng của mình ra khắp xung quanh cho tất cả mọi người”.

Nhưng Emily sẽ sớm rút lui, một phần vì cô ghét cãi vã, nhưng cũng vì cô không thực sự chắc chắn vào bản thân. “Có lẽ mình đúng là trốn tránh giao tiếp, phản xã hội thật”, cô nghĩ. “Có lẽ có gì đó không ổn ở mình”. Mỗi lần cô và Greg tranh cãi về chuyện này, trong tâm trí cô lại tràn ngập trở lại những ký ức về những ngày còn nhỏ: về việc tới trường với cô đã khó khăn hơn rất nhiều so với cô em gái vững vàng hơn về mặt cảm xúc của cô như thế nào; về việc cô đã lo lắng hơn những người khác đến đâu về những vấn đề giao tiếp, như làm thế nào để có thể từ chối khi một ai đó mời cô đi chơi với tập thể sau giờ học trong khi cô chỉ muốn về nhà. Emily có rất nhiều bạn—cô luôn luôn có tài năng trong việc kết bạn—nhưng cô chưa bao giờ tụ tập đi lại cùng cả nhóm như nhiều người.

Emily đã thử đề xuất một sự thỏa hiệp: Sẽ thế nào nếu Greg có thể tổ chức những buổi tiệc tối của anh ấy thoải mái bất kể khi nào cô có việc phải đi vắng, hay trở về thăm em gái mình? Nhưng Greg không muốn tổ chức các bữa tiệc tối đó một mình. Anh yêu Emily và muốn ở bên cô, và tất cả mọi người khác cũng vậy, một khi họ đã có cơ hội hiểu cô. Vậy thì tại sao Emily lại phải rút lui?

Câu hỏi này, với Greg, không chỉ là về vấn đề về tình cảm. Việc phải ở một mình với anh như một loại Kryptonite vậy; nó khiến anh cảm thấy yếu đuối. Anh đã mong đợi đến một cuộc sống hôn nhân của những cuộc phiêu lưu được chia sẻ bởi cả hai vợ chồng. Anh đã tưởng tượng đến một cặp đôi luôn ở trung tâm của mọi thứ. Và dù anh sẽ không bao giờ thừa nhận điều này với chính mình, nhưng với anh, hôn nhân có nghĩa là không bao giờ phải ở một mình nữa. Nhưng giờ Emily giờ lại đang nói với anh rằng anh nên giao thiệp mà không có cô. Anh cảm thấy như thể cô đang rút lui khỏi một phần căn bản của cuộc hôn nhân vậy. Và anh tin rằng quả thật có điều gì đó không ổn với vợ mình.



Liệu có gì đó không ổn với mình không?”. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Emily tự hỏi mình câu hỏi này, hay khi Greg nhắm lời buộc tội này vào cô. Có lẽ sự hiểu lầm phổ biến nhất—và gây thương tổn nhiều nhất—về các dạng tính cách, đấy là: người người nội là những kẻ anti-social (phản xã hội); còn người hướng ngoại là những người pro-social—có nghĩa là quan tâm đến người khác. Nhưng như chúng ta đã thấy, cả hai công thức này đều sai cả; cả người hướng ngoại và người hướng nội đều social (giao tiếp, tương tác), theo những cách khác nhau. Thứ các nhà tâm lý gọi là “nhu cầu gần gũi” (“the need for intimacy”) có mặt ở cả người hướng nội và người hướng ngoại, như nhau. Trên thực tế, những người mà đề cao nhất sự gần gũi lại thường không phải là, như cách nhà tâm lý David Buss đã nói, “những người hướng ngoại ồn ào, quảng giao, sức-sống-của-bữa-tiệc”. Họ thường sẽ có xu hướng cao hơn ở bên một nhóm nhỏ những người bạn thân nhất định, ưa thích “những cuộc nói chuyện chân thành và có ý nghĩa hơn là những bữa tiệc hoạt náo”. Họ có xu hướng cao hơn là những người như Emily.

Ngược lại, những người hướng ngoại cũng không hẳn kiếm tìm sự gần gũi từ những hoạt động giao du của họ. “Những người hướng ngoại cần đến người khác như một diễn đàn để đáp ứng nhu cầu về ảnh hưởng xã hội (social impact) của họ, hệt như việc một vị tướng cần những binh lính để đáp ứng nhu cầu lãnh đạo của ông ấy vậy”, nhà tâm lý học William Graziano nói với tôi. “Khi những người hướng ngoại xuất hiện tại một bữa tiệc, tất cả mọi người ở đó đều sẽ biết là anh ấy hoặc cô ấy đã tới”.

Nói một cách khác, mức độ hướng ngoại của bạn có vẻ sẽ ảnh hưởng đến việc bạn có bao nhiêu bạn, nhưng nó không quyết định được việc bạn sẽ là một người bạn tốt đến đâu. Trong một nghiên cứu trên 132 sinh viên tại Đại học Humboldt ở Berlin, các nhà tâm lý học Jens AspendorfSusanne Wilpers đã quyết định tìm hiểu về tác động của những nét tính cách khác nhau lên mối quan hệ của các sinh viên với gia đình và bè bạn của họ. Họ tập trung vào cái gọi là các nét tính cách Ngũ Đại (Big Five): Mức Độ Hướng Nội-Hướng Ngoại (Introversion-Extroversion); Mức Độ Dễ Chịu (Agreeableness); Mức Độ Cởi Mở với các Trải Nghiệm (Openness to Experience); Mức Độ Tận Tụy (Conscientiousness); và Mức Độ Ổn Định về mặt Cảm Xúc (Emotional Stability). (Rất nhiều các nhà tâm lý học tin rằng tính cách con người có thể được chia thành năm nhóm dấu hiệu tính cách lớn này).



Aspendorf Wilpers dự đoán rằng những sinh viên hướng ngoại sẽ có khả năng kết bạn mới dễ dàng hơn những người hướng nội, và đó chính xác là điều đã xảy ra. Nhưng nếu những người hướng nội quả thực là antisocial và những người hướng ngoại pro-social, vậy thì chắc bạn sẽ thấy những sinh viên với các mối quan hệ hòa thuận, ổn định nhất cũng đồng thời sẽ là những người hướng ngoại nhất. Nhưng đây hoàn toàn không phải điều đã xảy ra. Thay vào đó, các sinh viên với những mối quan hệ ít mâu thuẫn nhất lại là những người có điểm cao cho Mức Độ Dễ Chịu (agreeableness). Những người dễ chịu là những người nồng ấm về mặt tình cảm, ủng hộ người khác, và yêu thương người khác; các nhà tâm lý học tính cách đã phát hiện ra rằng nếu bạn đặt những người này trước một màn hình toàn chữ là chữ, họ sẽ chú tâm lâu hơn những người khác vào các chữ như quan tâm, an ủi, và giúp đỡ; và dừng lại nhanh hơn nhiều những người khác ở các từ như bắt cóc, tấn công hay quấy rối. Cả người hướng nội lẫn người hướng ngoại đều có khả năng đạt được Mức Độ Dễ Chịu cao như nhau; không có mối liên hệ nào giữa tính hướng ngoại và mức độ dễ chịu cả. Điều này giải thích tại sao một số người hướng ngoại rất thích những sự kích thích từ việc giao tiếp, nhưng lại không hòa thuận lắm với những người gần gũi nhất với mình.

Điều này cũng giúp giải thích tại sao một số người hướng nội—như Emily, người mà tài năng trong tình bạn của cô đã gợi ý rằng cô là một người đặc biệt dễ chịu—hào phóng chia sẻ sự quan tâm của mình tới với gia đình và những người bạn thân, nhưng ghét nói chuyện phiếm. Vậy nên khi Greg dán nhãn Emily là “antisocial”, anh đã sai lầm. Emily đã nuôi dưỡng cuộc hôn nhân của cô theo đúng cách bạn sẽ mong chờ một người hướng nội dễ chịu sẽ làm, đó là biến Greg trở thành trung tâm trong vũ trụ giao tiếp của cô.

Chỉ trừ những lúc cô không làm thế. Emily có một công việc đòi hỏi cao, và có những lúc khi về nhà buổi tối cô chỉ còn lại rất ít năng lượng. Cô luôn hạnh phúc khi được nhìn thấy Greg, nhưng đôi lúc cô chỉ muốn được ngồi cạnh anh và đọc sách hơn là ra ngoài ăn tối và có những cuộc chuyện trò huyên náo. Chỉ đơn giản được ở bên anh là quá đủ rồi. Với Emily, đây là điều hoàn toàn tự nhiên, nhưng Greg lại cảm thấy tổn thương khi thấy rằng Emily có thể nỗ lực cố gắng hướng ngoại vì các đồng nghiệp của cô, nhưng không thể làm tương tự vì anh.

Đây là một cách hành xử phổ biến đến đau đớn trong các cặp đôi hướng ngoại-hướng nội mà tôi phỏng vấn: những người hướng nội thì tuyệt vọng mong muốn những khoảng thời gian thư giãn và sự thấu hiểu từ người bạn đời của mình; những người hướng ngoại thì khát khao sự bầu bạn, và giận dỗi khi những người khác có vẻ đang hưởng lợi từ “bản thế tốt đẹp nhất” của người bạn đời của họ.

Có thể rất khó khăn cho những người hướng ngoại để hiểu được rằng người hướng nội cần nạp lại năng lượng nhiều đến thế nào sao một ngày bận rộn. Chúng ta đều dễ dàng cảm thông được với người bạn đời thiếu ngủ khi họ trở về nhà, quá mệt để thậm chí có thể nói; nhưng lại khó khăn hơn nhiều trong việc chấp nhận được rằng việc bị quá kích thích từ môi trường cũng có thể làm cạn kiệt sức lực họ nhiều ngang mức như vậy.

Cũng có thể rất khó khăn cho người hướng nội để hiểu được rằng im lặng có thể gây tổn thương nhiều đến thế nào. Tôi đã từng phỏng vấn một người phụ nữ tên Sarah, một giáo viên tiếng Anh sôi nổi và rất năng động. Chồng cô là Bob, một người hướng nội là trưởng khoa một trường luật, luôn bận rộn dành hầu hết thời gian của mình tổ chức các hoạt động gây quỹ, và luôn đổ gục mỗi khi về nhà. Sarah đã bật khóc bởi nỗi ức chế và sự cô độc khi cô kể cho tôi về cuộc hôn nhân của mình.

“Khi làm việc, anh ấy năng động đến đáng kinh ngạc”, cô kể. “Tất cả mọi người đều nói với tôi rằng anh ấy vui tính đến đâu, và rằng tôi thật may mắn khi cưới được anh ấy. Còn tôi thì chỉ muốn bóp cổ ngay họ. Mỗi tối, ngay sau khi chúng tôi đã dùng bữa xong, anh ấy sẽ đứng bật dậy và lau dọn nhà bếp. Sau đó anh ấy sẽ đọc báo một mình và làm việc với các bức ảnh của anh ấy, một mình. Tới khoảng chín giờ, anh ấy sẽ vào phòng ngủ và muốn xem tivi, và muốn ở bên cạnh tôi. Nhưng kể cả vào lúc đó anh ấy cũng không thực sự ở bên tôi. Anh ấy muốn tôi ngả đầu vào vai anh ấy khi chúng tôi cùng dán mắt vào màn hình tivi. Nó chỉ là một phiên bản người lớn của hai đứa trẻ ngồi chơi cạnh nhau, nhưng đứa nào lo chuyện của đứa nấy”. Sarah đang cố thuyết phục Bob thay đổi sự nghiệp. “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có một cuộc sống tuyệt vời nếu anh ấy có một công việc mà anh ấy có thể ngồi bên chiếc máy tính cả ngày, nhưng anh ấy cứ kiên quyết làm các hoạt động gây quỹ”, cô nói.

Ở những cặp đôi nơi người con trai là người hướng nội và người con gái là người hướng ngoại, như với Sarah và Bob, chúng ta thường nhầm lẫn giữa xung đột tính cách với sự khác biệt về giới tính, và buông ra lời khuyên thông thái quen thuộc là “Sao Hỏa” cần phải rút lui về hang động của mình khi “Sao Kim” muốn tương tác32. Nhưng bất kể lý do cho những sự khác biệt về nhu cầu giao tiếp này có là gì—bất kể là giới tính hay tính cách—điều quan trọng cần nhớ là ta có thể giải quyết chúng. Trong cuốn sách của mình, “The Audacity of Hope” chẳng hạn, Tổng thống Obama đã tâm sự rằng ở giai đoạn đầu của cuộc hôn nhân giữa ông và Michelle, ông đang làm việc với bản thảo cuốn sách đầu tiên của mình, và “thường sẽ dành cả buổi tối trong văn phòng làm việc; thứ tôi coi là mộtchuyện rất bình thường, nhưng lại khiến Michelle cảm thấy cô đơn”. Ông gán phong cách này của mình với yêu cầu đòi hỏi cao của việc viết sách, cũng như việc đã được nuôi dưỡng như một người con một; và rồi nói rằng ông và Michelle đã dần học, qua nhiều năm tháng chung sống, cách để đáp ứng nhu cầu của nhau, và học nhìn chúng như những yêu cầu chính đáng.



Người hướng nội và người hướng ngoại cũng có thể gặp rất nhiều khó khăn trong việc hiểu cách giải quyết vấn đề của nhau. Một trong các khách hàng của tôi là một luật sư ăn mặc rất gọn gàng có tên Celia. Celia muốn ly hôn, nhưng sợ phải nói cho chồng cô biết. Cô có các lý do xác đáng cho quyết định của mình, nhưng cô biết anh sẽ cầu xin cô ở lại, và cô sẽ suy sụp với đầy cảm giác tội lỗi. Hơn tất cả, Celia muốn thông báo tin này của mình một cách nhẹ nhàng, cảm thông nhất hết mức có thể.

Chúng tôi quyết định sẽ chia vai tập dượt cuộc hội thoại này của họ, với tôi đóng vai chồng của cô:

“Em muốn kết thúc cuộc hôn nhân này”, Celia nói. “Lần này em thực sự nghiêm túc về chuyện đó”.

“Anh đã làm tất cả mọi thứ anh có thể để giữ mọi thứ lại với nhau”, tôi cầu xin. “Sao em có thể làm thế này với anh chứ?”

Celia suy nghĩ một lúc.

“Em đã dành rất nhiều thời gian suy nghĩ kỹ về chuyện này, và em tin rằng đây là quyết định đúng”, cô trả lời bằng một giọng chắc chắn.

“Anh có thể làm gì không để khiến em đổi ý định?” tôi hỏi.

“Không gì cả”, Celia nói thẳng thừng.

Dừng lại một chút để cảm nhận những gì chồng cô ấy sẽ phải cảm nhận, tôi đã bị sốc. Cô ấy quá máy móc, quá thiếu nhẹ nhàng. Cô ấy đang sắp sửa ly dị với tôi cơ mà—tôi, người chồng của cô ấy trong suốt mười một năm qua! Chẳng lẽ cô ấy không có một chút quan tâm nào hay sao?

Tôi yêu cầu Celia thử lại một lần nữa, lần này hãy thể hiện ra một chút cảm xúc nữa.

“Tôi không thể”, cô nó. “Tôi không thể làm được”.

Nhưng cô ấy đã làm. “Em muốn chấm dứt cuộc hôn nhân này”, cô nhắc lại. Giọng cô như nấc nghẹn bởi nỗi buồn. Cô bắt đầu òa lên khóc không thể kiềm chế được.

Vấn đề của Celia không phải là sự thiếu cảm xúc, mà ở chỗ làm thế nào để thể hiện ra được cảm xúc mà không trở nên mất kiềm chế. Với tay lấy một tờ khăn giấy, cô nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, và quay trở lại với tác phong lạnh lùng, bình-thản-kiểu-luật-sư của mình. Đây là hai chế độ mà cô có thể truy cập dễ dàng nhất—áp đảo cảm xúc hoặc lạnh lùng vô cảm.

Tôi kể với các bạn câu chuyện về Celia vì, theo rất nhiều cách, cô giống với Emily cũng như nhiều người hướng nội khác tôi từng phỏng vấn. Emily đang nói với Greg về những bữa tiệc tối, không phải về chuyện ly hôn, nhưng phong cách đối thoại của cô phảng phất giống với của phong cách của Celia. Khi cô và Greg bất đồng, giọng nói của cô trở nên chậm, đều hơn và bình thản, thái độ cũng trở nên một chút xa cách hơn. Điều Emily đang muốn làm là giảm thiểu tối đa sự gây hấn—cô rất không thoải mái với những cơn giận dữ—nhưng cô lại hiện ra như là đang rút lui về mặt cảm xúc. Trong lúc đó, Greg lại đang làm chính xác điều ngược lại, càng tập trung vào việc giải quyết vấn đề giữa họ, anh càng lúc càng lên giọng và nghe có vẻ hung hăng hơn khi nói. Emily càng có vẻ như đang rút lui, Greg càng cảm thấy cô độc, rồi tổn thương, rồi giận dữ. Greg càng trở nên giận dữ, Emily lại càng thấy tổn thương và chán nản hơn, và thế lại cô lại càng thu mình vào sâu hơn. Chẳng mấy chốc họ đã bị khóa chặt trong một vòng lặp hủy diệt không thể thoát ra được, một phần là bởi cả hai người đều tin rằng mình đang tranh cãi theo một phong cách hợp lý.

Cách ứng xử này có lẽ sẽ không gây bất ngờ cho những ai đã quen thuộc với mối quan hệ giữa tính cách và những phương pháp giải quyết vấn đề trái ngược nhau. Cũng như đàn ông và phụ nữ thường có những cách khác nhau để giải quyết mâu thuẫn, giữa những người hướng nội và hướng ngoại cũng vậy. Các nghiên cứu đã gợi ý rằng loại đầu tiên thường có xu hướng tránh mâu thuẫn, trong khi loại thứ hai lại thiên về giải quyết vấn đề bằng cách đối diện trực tiếp với nó—họ thường rất thoải mái với những kiểu bất đồng trực diện, thậm chí cả những tình huống dễ dẫn đến cãi nhau.

Đây là hai cách tiếp cận tuyệt đối trái ngược nhau, vậy nên chúng hẳn nhiên sẽ tạo ra va chạm và xích mích. Nếu Emily không ghét xung đột nhiều đến thế, cô đã không phản ứng mạnh tới vậy trước cách tiếp cận kiểu đối-đầu-trực-diện của Greg; và nếu Greg có tác phong hòa nhã hơn một chút, biết đâu anh đã có thể thấy trân trọng hơn nỗ lực của Emily trong việc cố giữ cho mọi thứ bình ổn. Khi hai người đã có phong cách giải quyết xung đột phù hợp với nhau, một trận cãi vã có thể là dịp để mỗi bên hiểu hơn cách nhìn của người kia. Nhưng Greg và Emily có vẻ lại hiểu nhau ít hơn đi mỗi lần họ xảy ra tranh cãi, khi mỗi người lại cãi nhau theo những cách mà người kia không tán thành.

Liệu họ thậm chí có còn ít thích nhau hơn một chút mỗi lần như thế không, ít nhất là trong lúc cãi nhau? Một nghiên cứu tuyệt vời tiến hành bởi nhà tâm lý học William Graziano gợi ý rằng câu trả lời cho câu hỏi này có thể là: Có. Graziano đã chia một nhóm sáu mươi mốt học sinh nam thành các đội để chơi một trò chơi bóng bầu dục giả lập. Một nửa số ứng viên được được giao cho chơi theo một cách đề cao sự cộng tác, trong đó họ được bảo: “Bóng bầu dục có ích lợi cho chúng ta, bởi vì để chiến thắng được trong bóng bầu dục, các thành viên trong đội phải phối hợp với nhau thật tốt”. Nửa còn lại được cho chơi theo một cách nhấn mạnh vào sự cạnh tranh, ganh đua giữa các đội. Mỗi học sinh sau đó được cho xem những thông tin giả lập về các đồng đội và các đối thủ của họ ở các đội khác, sau đó họ được yêu cầu đánh giá xem họ cảm thấy thế nào về các cầu thủ kia.

Sự khác biệt giữa những người hướng nội và những người hướng ngoại là không thể tin được. Những người hướng nội được yêu cầu chơi theo cách cộng tác đánh giá tất cả các cầu thủ khác—không chỉ các đồng đội, mà cả các đối thủ của họ nữa—tích cực hơn so với những người hướng nội chơi theo cách cạnh tranh. Những người hướng ngoại thì làm chính xác điều ngược lại: họ đánh giá tất cả các người chơi khác tích cực hơn khi họ được chơi theo cách cạnh tranh. Khám phá này có vẻ tiết lộ một điều rất quan trọng: người hướng nội thích những người họ gặp trong các bối cảnh thân thiện; người hướng ngoại thì lại ưa những ai cạnh tranh với họ.

Một thí nghiệm khác, trong đó robot được cho tương tác với những bệnh nhân đột quỵ trong những bài tập phục hồi chuyển động, cũng cho những kết quả tương tự đến đáng ngạc nhiên. Các bệnh nhân là người hướng nội phản hồi lại tốt hơn, và tương tác lâu hơn với những con robot được thiết kế để nói với một cung cách nhẹ nhàng, vỗ về khích lệ: “Tôi biết là nó rất khó khăn, nhưng nhớ rằng nó là để tốt cho chính ông”, và “Tuyệt lắm, cứ tiếp tục làm tốt như thế nhé!”. Những người hướng ngoại, ngược lại, lại luyện tập một cách chăm chỉ hơn khi con robot dùng những ngôn ngữ có tính cổ vũ, tiếp sức, hùng hổ hơn: “Anh có thể làm tốt hơn thế, tôi biết chắc mà!”, và “Tập trung vào việc luyện tập đi!”.

Những khám phá này gợi ý rằng có thể Greg và Emily đang phải đối mặt với một thử thách khá thú vị. Nếu Greg thích người khác hơn khi họ hành xử mạnh bạo hay cạnh tranh quyết liệt, và nếu Emily cảm thấy tương tự với những người hay khuyến khích, cộng tác hơn, vậy làm thế nào để họ có thể đi đến một thỏa hiệp cho thế bế tắc về các bữa tiệc tối của họ—và đi đến đó bằng một cách hòa bình?

Một câu trả lời thú vị đến từ một nghiên cứu về kinh tế tại Đại học Michigan, không phải về các cặp đôi với tính cách trái ngược nhau, mà là về các nhà đàm phán (negotiators) đến từ những nền văn hóa khác nhau—trong trường hợp này là người Châu Á và người Israel. Sáu mươi sáu sinh viên Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh Doanh (MBA) đến từ Hồng Kông hoặc Israel được yêu cầu hãy tưởng tượng họ đang sắp sửa làm lễ cưới trong một vài tháng tới, và muốn kết thúc việc sắp xếp với nơi đặt thức ăn cho buổi tiệc cưới. Buổi “họp” này được thực hiện thông qua video.

Một vài trong số các sinh viên được cho xem một đoạn video mà trong đó viên giám đốc công ty đồ ăn rất thân thiện và hay cười; trong khi những người khác được xem một đoạn video nơi viên giám đốc liên tục thể hiện thái độ khó chịu và đối đầu với người sinh viên. Nhưng thông điệp của bên sản xuất đồ ăn trong cả hai phiên bản đều giống hệt nhau: Có một cặp vợ chồng sắp cưới khác cũng đang rất hứng thú với cùng ngày cưới đó, nên giá phải bị đẩy lên. Hoặc là bên anh chấp nhận, hoặc là không gì cả.

Các sinh viên đến từ Hồng Kông phản ứng rất khác với những sinh viên đến từ Israel. Những sinh viên châu Á này dễ đồng ý với yêu cầu của các viên giám đốc thân thiện hơn rất nhiều so với yêu cầu từ các đối tác hung hăng; chỉ có 14 phần trăm là sẵn sàng làm việc với các viên giám đốc tỏ ra khó chịu, trong khi 71 phần trăm chấp nhận thỏa thuận từ người đối tác hay cười. Nhưng những người Israel thì có xu hướng chấp nhận thỏa thuận từ cả hai loại đối tác như nhau. Nói một cách khác, với những nhà thương thuyết người châu Á, phong cách cũng quan trọng không kém gì nội dung, trong khi những người Israel thì chú tâm nhiều hơn vào thông tin đang được truyền tải. Họ không bị tác động bởi cả sự thương cảm lẫn sự hung hăng trong cách thể hiện.

Lời giải thích cho sự khác biệt quá rõ rệt này có lẽ có liên quan đến việc hai nền văn hóa định nghĩa sự tôn trọng như thế nào. Như chúng ta đã thấy từ chương 8, rất nhiều người châu Á thể hiện sự tôn trọng bằng cách giảm thiểu tối đa mâu thuẫn. Nhưng những người Israel, theo các nhà nghiên cứu, “thường không nhìn nhận [sự bất đồng] như là một dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng, mà là một tín hiệu cho thấy phía bên kia đã lo lắng và hết lòng quan tâm tới công việc đang được bàn thảo”.

Chúng ta cũng có thể nói điều tương tự về Greg và Emily. Khi Emily hạ giọng và tiết chế cảm xúc của mình trong lúc tranh cãi với Greg, cô ấy nghĩ mình đang thể hiện sự tôn trọng bằng cách không thể hiện cảm xúc tiêu cực ra ngoài. Nhưng Greg thì lại nghĩ cô ấy đang rút lui, hoặc tệ hơn, là cô ấy chẳng thèm quan tâm. Tương tự, khi Greg để cho cơn giận của mình bùng nổ, anh phỏng đoán rằng Emily sẽ cảm thấy, cũng như anh cảm thấy, rằng đây là một cách thể hiện chân thành và lành mạnh trong cuộc hôn nhân hết mực gắn bó của họ. Nhưng với Emily, cứ như thể Greg bỗng đột nhiên quay sang cáu giận với cô vậy.



Trong cuốn sách của mình: “Giận Dữ: Thứ Cảm Xúc Bị Hiểu Nhầm” (Anger: The Misunderstood Emotion), tác giả Carol Tavris đã thuật lại câu chuyện về một con rắn hổ mang rất thích cắn người dân làng nọ. Một ngày, một vị swami—một người đã đạt được sự tự chủ—thuyết phục con rắn rằng cắn người là sai trái. Con rắn thề sẽ thôi không làm thế nữa, và thực hiện đúng như lời thề. Chẳng mấy chốc, những đứa trẻ trong làng trở nên dạn dần với con rắn, và bắt đầu bày những trò đánh đập hành hạ nó. Bị đau đớn và cả người đẫm đầy máu, con rắn kêu than với vị swami về việc phải giữ lời hứa đã dẫn nó đến kết quả như thế nào.

“Ta nói ngươi không được cắn”, vị swami đáp, “nhưng ta chưa bao giờ nói ngươi không được rít”

“Rất nhiều người, cũng giống như con rắn của vị swami, không phân biệt được giữa tiếng rít và cú cắn”, Tavris nói.

Rất nhiều người—như Greg và Emily. Cả hai đều có thể học được rất nhiều từ câu chuyện của vị swami: với Greg là hãy thôi cắn, với Emily là hãy biết được rằng cũng sẽ không sao nếu anh ấy—và cả chính cô nữa—rít.

Greg có thể bắt đầu bằng việc thay đổi những nhận định của anh về sự giận dữ. Anh vẫn tin, như phần lớn chúng ta đều tin, rằng trút bỏ cơn giận sẽ giúp chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Thứ “lý thuyết trút bỏ” này—rằng cơn giận cứ tích tụ lớn dần trong chúng ta và đến một lúc nào đấy chúng có thể được xả ra ngoài một cách lành mạnh—đã xuất hiện từ tận thời Hy Lạp cổ đại, được làm sống dậy trở lại bởi nhà tâm lý học Freud, và bắt đầu trở nên nổi tiếng từ giai đoạn “let it all hang out” (hãy thoải mái thể hiện cảm xúc thật của bạn) của những năm 1960, với những liệu pháp như đấm bao cát và “primal scream”. Nhưng “lý thuyết trút bỏ” chỉ đơn giản là một myth—một điều được rộng rãi tin tưởng, một điều nghe có vẻ rất có lý, nhưng rốt cục vẫn hoàn toàn không hề có thật. Hàng rất rất nhiều các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: trút giận không hề làm dịu cơn giận dữ; nó trái lại còn khơi thêm cho nó.

Chúng ta sẽ đều được tốt hơn nếu chúng ta không để cho bản thân mình rơi vào trạng thái giận dữ. Đáng kinh ngạc là, các nhà khoa học thần kinh (neuroscientists) thậm chí đã thấy rằng những người sử dụng chất Botox33, thứ ngăn cản họ thể hiện nét mặt giận dữ, có vẻ ít có xu hướng giận dữ hơn những người không sử dụng nó, bởi vì chỉ hành động cau mày thôi cũng đã đủ kích hoạt thùy hạnh nhân sản sinh ra những cảm xúc tiêu cực rồi. Và sự giận dữ không chỉ có tác hại tàn phá trong chỉ một khoảnh khắc lúc đó; mà hàng nhiều ngày sau đó, người tỏ ra giận dữ vẫn còn phải sửa chữa những tổn thương trong quan hệ mà mình đã gây ra với những người khác. Bất chấp ảo tưởng rất nổi tiếng về những cuộc ân ái nồng cháy ngay sau khi cãi nhau nảy lửa, rất nhiều cặp đôi lại nói rằng họ cần khá lâu thời gian mới có thể có lại cảm giác yêu thương với đối tác của mình.

Greg có thể làm gì để lấy lại bình tĩnh khi anh thấy cơn giận của mình đang bắt đầu tích tụ? Anh có thể thử hít một hơi thật sâu. Anh ấy có thể tạm nghỉ mười phút. Và anh ấy có thể tự hỏi mình rằng thứ đang làm cho anh bực tức đến vậy có thực sự quan trọng hay không. Nếu là không, vậy thì anh ấy có thể để nó qua một bên. Nhưng nếu nó thực sự quan trọng, vậy thì anh ấy sẽ muốn diễn đạt nhu cầu của mình không phải dưới dạng những công kích cá nhân, mà là những lời bàn luận trung tính. “Em thật là phản xã hội!” có thể được chuyển thành “Liệu chúng ta có thể tìm ra cách nào sắp xếp các ngày nghỉ cuối tuần mà vừa ý cả hai đứa mình không?”.

Lời khuyên này vẫn đúng kể cả khi Emily không phải là một người hướng nội nhạy cảm (không ai, hướng nội hay hướng ngoại, lại thích bị áp đảo hoặc bị thiếu tôn trọng), vậy nhưng tình cờ vợ Greg lại là một người phụ nữ đặc biệt nhạy cảm với sự giận dữ. Vậy nên anh cần phải đáp lại người vợ tránh-xung-đột mà anh có, không phải một người vợ thích-đối-đầu-trực-diện mà có thể anh đã muốn, dù chỉ trong khoảnh khắc tức giận của cuộc cãi vã, là vợ mình.

Giờ hãy xem đến phần của Emily. Cô ấy có thể làm những gì khác đi? Cô ấy đã đúng khi phản đối khi Greg cắn—khi anh tấn công một cách không công bằng—thế nhưng còn những lúc anh rít thì sao? Emily có thể đối diện với phản ứng phản tác dụng của chính mình với sự giận dữ, trong đó có xu hướng rơi vào một vòng lặp của cảm giác tội lỗi và quay về trạng thái phòng thủ. Chúng ta đã biết từ chương 6 rằng rất nhiều người hướng nội đã quen từ bé với những cảm giác tội lỗi rất mạnh mẽ; chúng ta cũng biết rằng chúng ta thường có xu hướng ước đoán phản ứng của những người khác bằng những phản ứng của riêng chúng ta. Bởi vì một người tránh-xung-đột như Emily sẽ không bao giờ “cắn” hay thậm chí là rít trừ khi Greg thực sự đã làm gì đó vô cùng kinh khủng; tới một mức độ nào đó, cô sẽ cảm nhận việc “cắn” của anh ấy có nghĩa là mình đang cực kỳ có tội lỗi—một tội lỗi gì đó, bất cứ thứ gì, ai biết được. Cảm giác tội lỗi của Emily sẽ khó chịu tới mức không thể chịu đựng nổi, tới mức cô sẽ có xu hướng chối bỏ sự xác đáng trong tất cả mọi lời khẳng định từ Greg—cả những cái thực sự xác đáng lẫn những cái bị phóng đại lên bởi sự giận dữ. Điều này, tất nhiên, lại dẫn đến một vòng lặp đau đớn khác là cô ấy thì đóng chặt sự đồng cảm tự nhiên của mình lại, còn Greg thì bị tổn thương vì cảm thấy mình đang không được lắng nghe.

Vậy Emily cần phải chấp nhận rằng mọi thứ đều ổn khi có những lúc cô là người sai. Lúc đầu cô có thể sẽ lúng túng khi không biết lúc nào mình sai thật và lúc nào thì mình không sai; việc Greg thể hiện sự phàn nàn của anh với cảm xúc mãnh liệt như vậy có thể khiến cho việc phân biệt này trở nên khá khó khăn. Nhưng Emily phải cố gắng không được để mình bị kéo vào bãi lầy này. Khi Greg đưa ra một luận điểm xác đáng, cô nên công nhận nó, không phải chỉ để làm một đối tác tốt của chồng cô, mà còn là để tự dạy bản thân cô rằng mọi thứ đều ổn kể cả khi mình sai. Điều này có nghĩa là cô sẽ ít bị tổn thương hơn, và cô dễ có thể chống trả lại nữa—khi những lời buộc tội của Greg là thực sự không công bằng.

Chống trả lại? Nhưng Emily ghét mâu thuẫn và cãi vã.

Không sao. Cô chỉ cần trở nên thoải mái hơn với âm thanh tiếng rít của chính mình mà thôi. Những người hướng nội có thể sẽ do dự khi phải phá vỡ sự hài hòa yên bình, nhưng, như con rắn trở nên bị động, họ cũng nên lo lắng với cùng một mức độ như thế về những lời nói cay độc từ phía người bạn đời của họ. Và chống trả lại cũng không nhất thiết sẽ dẫn đến sự trả thù, như Emily vẫn lo sợ; thay vào đó nó có thể khuyến khích Greg rút lui lại nữa. Cô không cần phải thể hiện mọi thứ một cách quá hoành tráng. Thông thường, chỉ một câu “Cái đó không ổn với em” chắc nịch là được.

Thỉnh thoảng, Emily cũng có thể sẽ muốn bước ra ngoài vùng an toàn của mình một chút, và thể hiện sự giận dữ của riêng mình. Hãy nhớ rằng, với Greg, có tranh cãi tức là có sự liên hệ. Cũng hệt như cách các vận động viên hướng ngoại trong trò chơi bóng bầu dục cảm thấy có thiện cảm cao hơn với những đối thủ của mình, Greg có thể sẽ cảm thấy gần gũi hơn với Emily nếu cô có thể khoác lên mình dù chỉ một chút vẻ ngoài của một người chơi nhiệt thành, sẵn sàng để chiếm lĩnh cả sân đấu.

Emily cũng có thể vượt qua sự khó chịu của bản thân cô trước cách hành xử của Greg, bằng cách tự nhắc mình rằng anh ấy thực sự không hung hăng như những gì anh ấy thể hiện ra. John, một người hướng nội tôi phỏng vấn, có một mối quan hệ rất đẹp với người vợ nóng tính của mình, đã kể với tôi với việc anh ấy đã học để làm điều này như thế nào sau hai mươi lăm năm kết hôn:

Khi Jennifer bắt đầu truy đuổi tôi về việc gì đó, cô ấy thực sự sẽ truy đuổi tôi. Nếu tôi đi ngủ mà chưa dọn bếp, buổi sáng hôm sau cô ấy sẽ hét lên với tôi: “Cái bếp này quá bẩn thỉu!”. Tôi bước vào và nhìn xung quanh cái bếp. Có khoảng ba hay bốn cái cốc bỏ ngoài chưa rửa, chỉ có thế, chẳng có gì mà bẩn thỉu cả. Nhưng những tấn bi kịch khi cô ấy phát điên lên như thế này là rất tự nhiên với cô ấy. Đó chỉ là cách cô ấy nói, “Trời ơi, khi nào có cơ hội, em sẽ rất cảm kích nếu anh có thể dọn dẹp lại cái bếp kỹ hơn một chút xíu nữa”. Nếu cô ấy đã nói như thế với tôi, tôi sẽ đáp lại là “Anh rất sẵn lòng, và anh rất xin lỗi là mình đã không làm thế sớm hơn”. Nhưng bởi vì cô ấy tấn công tôi như vũ bão với thứ năng lượng kiểu đoàn-tàu-hỏa-đang-lao-hai-trăm-dặm-một-giờ đó, tôi lại muốn thể hiện ra là mình cũng khó chịu, muốn nói, “Thế à, tệ nhỉ”. Nhưng lý do tôi không làm thế là gì chúng tôi đã cưới nhau được hai mươi lăm năm rồi, và tôi đã đi đến mức hiểu được rằng Jennifer không đẩy tôi vào một tình thế đe-dọa-đến-mạng-sống khi cô ấy nói theo cách như vậy.

Vậy bí quyết để liên hệ với người vợ mạnh mẽ của anh là gì? Anh cho cô ấy biết rằng những lời nói của cô là không thể chấp nhận được, nhưng anh đồng thời cũng cố gắng lắng nghe ý nghĩa của chúng. “Tôi cố gắng sử dụng sự đồng cảm của tôi”, anh nói. “Tôi loại bỏ giọng điệu của cô ấy ra khỏi lời nói. Tôi loại bỏ những sự tấn công ra khỏi cảm giác của tôi, và tôi cố gắng để hiểu điều cô ấy muốn nói với mình”.

Và điều Jennifer muốn nói, ẩn dưới những từ ngữ dồn-dập-như-đoàn-tàu-hỏa-đang-lao của cô, thường chỉ là rất đơn giản: Hãy tôn trọng em. Hãy chú tâm đến em. Hãy yêu em.

Greg và Emily giờ đã có những hiểu biết quý giá về việc làm thế nào để dàn xếp được sự khác biệt giữa hai người họ. Nhưng vẫn còn một câu hỏi nữa họ cần trả lời: Chính xác thì tại sao họ lại cảm nhận về những bữa tiệc tối ngày thứ Sáu đó khác nhau đến thế? Chúng ta biết rằng hệ thần kinh của Emily rất dễ rơi vào trạng thái quá tải khi cô bước vào một căn phòng chật kín toàn người là người. Và chúng ta cũng biết rằng Greg cảm thấy hoàn toàn ngược lại: được thôi thúc phải tới với những người khác, với những cuộc trò chuyện, những sự kiện, bất cứ thứ gì giúp anh có cái cảm giác được-nạp-lại-dopamine, tiến-lên-và-đoạt-lấy-nó mà những người hướng ngoại luôn khao khát. Nhưng ta hãy đào sâu một chút nữa về bản chất của những cuộc tán gẫu trong tiệc rượu cocktail. Chìa khóa để bắc cầu cho sự khác biệt giữa Greg và Emily nằm ở những chi tiết nhỏ hơn.

Vài năm trước, ba mươi hai cặp người hướng nội và người hướng ngoại, tất cả đều chưa từng gặp nhau bao giờ, được yêu cầu tiến hành nói chuyện qua điện thoại trong một vài phút. Đây là một phần trong loạt thí nghiệm được tiến hành bởi nhà khoa học thần kinh (neuroscientist) có tên tiến sĩ Matthew Lieberman, khi đó vẫn còn là một học viên cao học tại Harvard. Khi họ cúp máy, họ được yêu cầu thực hiện một bảng câu hỏi chi tiết, đánh giá việc họ cảm thấy và cư xử như thế nào trong lúc đối thoại. Bạn thích đối tác trò chuyện của mình tới mức độ nào? Bạn đã tỏ ra thân thiện đến đâu? Bạn muốn tương tác thêm với người đó đến mức nào? Họ cũng đồng thời được yêu cầu đặt mình vào tình huống của người đối thoại cùng họ: Đối tác trò chuyện của bạn có vẻ thích bạn tới mức độ nào? Cô ấy nhạy cảm với bạn tới đâu? Hoặc cô ấy khích lệ, cổ vũ cuộc nói chuyện tới mức độ nào?



Lieberman và các đồng sự của ông so sánh các câu trả lời, và đồng thời cũng lắng nghe lại băng ghi âm những cuộc trò chuyện qua điện thoại đó, và đưa ra đánh giá riêng của họ về việc mỗi bên thích bên kia tới mức độ nào. Họ phát hiện thấy rằng những người hướng ngoại thường chính xác hơn nhiều những người nội trong việc phán đoán xem người bên kia có thích nói chuyện với mình hay không. Những khám phá này gợi ý rằng người hướng ngoại giỏi hơn trong việc giải mã những tín hiệu giao tiếp so với người hướng nội. Thoạt tiên, điều này có vẻ không có gì đáng ngạc nhiên, Lieberman viết; nó chỉ nhắc lại những suy đoán thông thường của xã hội về việc người hướng ngoại đọc các tình huống giao tiếp giỏi hơn. Vấn đề duy nhất, như Lieberman đã chỉ ra thông qua một biến tấu khác của thí nghiệm của mình, rằng những suy đoán này chưa hẳn đã luôn chính xác.

Lieberman và các đồng sự của ông yêu cầu một nhóm nhỏ các ứng viên nghe lại đoạn băng ghi âm chính cuộc đối thoại mà họ vừa thực hiện—trước khi điền vào bảng câu hỏi đánh giá. Ở nhóm này, ông nhận thấy rằng không có sự khác biệt nào giữa người hướng ngoại và người hướng nội trong khả năng phán đoán liệu người bên kia có thích nói chuyện với mình hay không. Câu hỏi là: Tại sao?

Câu trả lời: đó là vì các ứng viên đã nghe lại băng ghi âm cuộc đối thoại được phép giải mã các tín hiệu giao tiếp trong khi không phải làm gì khác cùng lúc. Và những người hướng nội cũng là những giải mã viên rất tốt, dựa theo một vài nghiên cứu được tiến hành trước thí nghiệm của Lieberman. Một trong các nghiên cứu đó thậm chí còn khám phá ra được rằng người hướng nội còn có thể giải mã tình huống tốt hơn người hướng ngoại nữa.

Nhưng các nghiên cứu này chỉ đo đạc việc những người hướng nội giỏi quan sát các tình huống giao tiếp thế nào, chúng không đo đạc việc họ tham gia vào các tình huống giao tiếp đó tốt đến đâu. Việc tham gia yêu cầu những yêu cầu những thứ từ não rất khác so với việc chỉ quan sát. Nó yêu cầu một dạng multitask trong não bộ: khả năng xử lý những thông tin ở bộ nhớ ngắn hạn ngay lập tức mà không bị mất tập trung bởi những thứ khác, cũng như không bị quá căng thẳng. Đây lại chính là dạng chức năng của não mà người hướng ngoại làm cực kỳ giỏi. Nói một cách khác, người hướng ngoại thường quảng giao hơn, bởi vì não của họ giỏi hơn trong việc giải quyết những vụ tranh giành giữa các nhân tố khác nhau để giành lấy sự tập trung của họ—đây cũng chính xác là thứ mà các cuộc trò chuyện trong-bữa-tiệc-tối cần đến. Ngược lại, người hướng nội thường cảm thấy bị đẩy lùi bởi những sự kiện xã hội, bởi chúng bắt họ phải chú tâm đến quá nhiều người cùng một lúc.

Hãy cân nhắc đến chuyện chỉ một tương tác xã hội đơn giản nhất—giao tiếp giữa chỉ hai người với nhau—cũng cần đến hàng loạt thao tác khác nhau rồi: giải nghĩa những gì người kia đang nói; đọc ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm trên nét mặt của họ; mượt mà đổi vai giữa nói và nghe; đáp lại lời người kia nói; đánh giá xem liệu người kia có đang hiểu điều mình nói không; quyết định xem người kia có đang thích nói chuyện với mình hay không, và, nếu không, tìm xem làm thế nào có thể cải thiện tình hình hoặc rút lui khỏi cuộc nói chuyện. Cứ nghĩ đến việc phải cần đến bao nhiêu nơ-ron não để tung hứng chừng đấy công việc cùng một lúc xem! Và đây mới chỉ là trong một cuộc nói chuyện một-đối-một thôi đấy. Giờ hãy tưởng tượng loại thao tác multitask cần đến trong một bối cảnh nhóm, như ở một bữa tiệc tối chẳng hạn, thì sẽ còn đến thế nào.

Vậy nên khi những người hướng nội đảm nhận vai trò người quan sát, như khi họ viết tiểu thuyết, hoặc suy ngẫm về lý thuyết trường thống nhất (unified field theory)—hoặc trở nên đặc biệt ít nói tại những bữa tiệc tối—họ không phải đang thể hiện một sự thiếu nỗ lực hay thiếu năng lượng. Họ chỉ đơn giản đang làm điều phù hợp nhất với bản chất sinh học của họ mà thôi.

Thí nghiệm của Lieberman giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều gì khiến những người hướng nội gặp khó khăn trong giao tiếp. Tuy vậy, nó không chỉ cho chúng ta thấy bằng những cách nào, người hướng nội cũng có thể tỏa sáng.

Hãy cân nhắc đến câu chuyện về một anh chàng với vẻ ngoài thiếu quyết đoán tên Jon Berghoff. Jon là một người hướng nội điển hình, hướng nội ngay từ vẻ ngoài của anh trở đi: gầy gò, thanh mảnh; mũi và gò má cao; luôn trong tâm trạng suy nghĩ nghiêm túc gì đó, trên khuôn mặt là một cặp kính dày. Anh không phải là kẻ hay nói gì cho lắm, và những lúc anh nói thì anh đều đã cân nhắc trước cực kỳ kỹ lưỡng, đặc biệt là khi anh ở trong một nhóm: “Nếu tôi ở trong cùng một căn phòng với mười người khác, và tôi có thể lựa chọn giữa việc nói chuyện hay không nói chuyện”, anh nói, “tôi sẽ là người không nói chuyện. Khi mọi người hỏi, ‘Sao anh ấy không nói gì cả thế?’, tôi sẽ là người họ đang nói tới”.

Jon đồng thời cũng là một người bán hàng cực kỳ xuất sắc, và đã là như thế kể từ khi anh còn ở tuổi thiếu niên. Vào mùa hè năm 1999, khi vẫn còn là học sinh năm nhất trung học, anh đã bắt đầu làm công việc của một nhà phân phối cấp thấp, bán các sản phẩm nhà bếp của hãng Cutco. Công việc này yêu cầu anh đến tận từng nhà khách hàng, chào bán dao làm bếp. Đó là một trong những tình huống bán hàng thân mật nhất có thể có, không phải trong những phòng họp lớn, mà là trong căn bếp của một khách hàng tiềm năng, chào bán cho họ những sản phẩm họ sẽ dùng hàng ngày để giúp đưa thực phẩm lên bàn ăn.

Trong vòng tám tuần đầu tiên của công việc, anh đã bán được lượng dao tương đương với 50.000 đô la Mỹ. Anh một bước bước lên trở thành một trong những đại diện bán hàng xuất sắc nhất của cả công ty, vượt qua hơn 40.000 nhân viên mới được tuyển dụng cùng năm đó. Đến năm 2000, Jon đã kiếm về cho công ty hơn 135.000 đô la Mỹ, và đến lúc đó đã phá vỡ hơn hai mươi lăm kỷ lục bán hàng ở cấp khu vực cũng như trên toàn quốc. Trong khi đó, ở trường học, anh vẫn là một cậu chàng ngại giao tiếp, thích ẩn mình trong thư viện vào giờ ăn trưa. Nhưng cho đến năm 2002 anh đã tìm kiếm, tuyển dụng, và huấn luyện cho hơn chín mươi người đại diện bán hàng khác, và gia tăng địa phận bán hàng của công ty lên đến hơn 500% so với một năm trước đó. Kể từ đó, Jon đã khởi động chương trình “Global Empowerment Coaching”, dịch vụ huấn luyện kỹ năng cá nhân và kỹ năng bán hàng của riêng anh. Tới ngày hôm nay, anh đã thực hiện hàng trăm bài phát biểu, seminar đào tạo, và tư vấn cá nhân cho hơn 30.000 người bán hàng và các giám đốc khắp nơi.

Đâu là bí mật thành công của Jon? Một gợi ý quan trọng đến từ một thí nghiệm bởi nhà tâm lý học phát triển (developmental psychologist) Avril Thorne, giờ là một giáo sư tại Đại học California, Santa Cruz. Thorne tập hợp năm mươi hai phụ nữ trẻ tuổi—hai mươi sáu trong số đó là người hướng nội, hai mươi sáu người còn lại hướng ngoại—và giao cho mỗi người họ vào hai cặp nói chuyện khác nhau. Mỗi người sẽ có mười phút để đối thoại với một đối tác có cùng loại tính cách với với mình, sau đó thực hiện một cuộc trò chuyện với độ dài tương đương với dạng tính cách trái ngược với mình. Các cộng sự của Thorne ghi âm lại các cuộc đối thoại, và sau đó yêu cầu những người tham gia nghe lại băng ghi âm cuộc trò chuyện của mình.

Quá trình này tiết lộ một vài khám phá khá ngạc nhiên. Những người hướng nội và người hướng ngoại đều tham gia vào cuộc trò chuyện nhiều như nhau, cho thấy rằng ý tưởng “người hướng nội luôn nói ít hơn” là không đúng. Nhưng những cặp hướng nội thường có xu hướng tập trung vào chỉ một hoặc hai chủ đề nói chuyện rất nghiêm túc, trong khi những cặp hướng ngoại chọn những chủ đề nhẹ nhàng và đa dạng hơn nhiều. Thông thường, những người hướng nội bàn luận về các vấn đề, hoặc các xung đột họ gặp phải trong cuộc sống của họ: trường học, công việc, tình bạn, vân vân. Có lẽ bởi sự ưa thích về những cuộc trò chuyện về rắc rối này, họ thường có xu hướng nhận lấy vai người khuyên bảo, lần lượt tư vấn cho nhau về vấn đề đang được nhắc đến. Những người hướng ngoại, ngược lại, lại thường có xu hướng cao hơn trong việc đưa ra những thông tin thông thường về bản thân họ, để nhanh chóng thiết lập điểm chung với người kia: “Ồ, chị mới nuôi một chú cún à? Một người bạn của em cũng có một bể cá biển cực kỳ hoành tráng luôn!”.

Nhưng điểm đặc biệt thú vị nhất trong thí nghiệm của Thorne là việc hai dạng quý trọng lẫn nhau nhiều đến thế nào. Những người hướng nội khi nói chuyện với người hướng ngoại đã chọn những chủ đề vui tươi hơn, họ cũng báo cáo lại là họ bắt đầu cuộc nói chuyện dễ dàng hơn, và miêu tả việc trò chuyện với những người hướng ngoại như “một hít khí thở trong lành” (“a breath of fresh air”). Ngược lại, người hướng ngoại cảm thấy rằng họ có thể thư giãn nhiều hơn với những đối tác là người hướng nội, và cảm thấy thoải mái hơn trong việc tâm sự những rắc rối của họ. Họ không cảm thấy áp lực phải cố tỏ ra vui vẻ một cách giả tạo.

Đây là những kiến thức về giao tiếp rất bổ ích. Người hướng nội và người hướng ngoại thấy khá khó chịu về nhau, nhưng nghiên cứu của Thorne đem lại gợi ý về việc mỗi bên có thể đem lại cho bên kia nhiều thế nào. Người hướng ngoại cần biết rằng người hướng nội—những người thường có vẻ khinh khỉnh coi thường hoặc cao ngạo—có thể lại quá là hạnh phúc khi được dẫn theo tới những nơi vui-vẻ-nhẹ-nhàng, không quá nghiêm túc; và người hướng nội, những người đôi lúc cảm thấy sự ưa thích nói về những vấn đề và rắc rối của mình có thể khiến họ trở nên đáng chán, nên biết rằng họ đang khiến cho những người khác cảm thấy an toàn để cũng nói chuyện nghiêm túc hơn.

Nghiên cứu của Thorne cũng đồng thời giúp chúng ta hiểu hơn về thành công đáng kinh ngạc của Jon Berghoff. Anh đã biến niềm ham thích với những chủ đề trò chuyện nghiêm túc của mình, cộng với việc nhận lấy vai trò “người khuyên bảo” thay vì “người thuyết phục” trong cuộc nói chuyện, thành một dạng liệu pháp trị liệu tâm lý cho những khách hàng tương lai của anh. “Tôi từ lâu đã sớm khám phá ra rằng người ta mua hàng từ tôi không phải bởi họ hiểu tôi đang bán gì”, Jon giải thích. “Họ mua vì họ cảm thấy tôi đang hiểu họ”.

Jon đồng thời cũng thu được lợi ích từ xu hướng tự nhiên của anh trong việc đặt rất nhiều câu hỏi và lắng nghe kỹ càng từng câu trả lời. “Tôi đi đến được mức có thể bước vào nhà một ai đó, và thay vì cố thuyết phục chào bán họ mua dao, tôi hỏi họ cả trăm câu hỏi một lúc. Tôi có thể duy trì cả một cuộc đối thoại chỉ bằng cách hỏi đúng các câu hỏi”. Ngày nay, trong những lớp huấn luyện kỹ năng của mình, Jon cũng làm điều tương tự. “Tôi cố truy cập vào bước sóng của người tôi đang làm việc với. Tôi chú tâm vào những năng lượng họ đang phát ra. Tôi có thể làm thế rất dễ bởi ngay từ đầu tôi đã luôn ở trong đầu mình rất nhiều rồi”.

Nhưng không phải kỹ năng bán hàng cần rất nhiều khả năng làm mọi người phấn khích, khiến họ hào hứng hay sao? Theo Jon thì không. “Rất nhiều người tin rằng để bán được hàng thì cần phải là một người nói nhanh, hoặc là một người biết cách dùng tác phong hấp dẫn để thu hút khách hàng. Những thứ đó cần đến một kiểu giao tiếp hướng ngoại. Trong công việc bán hàng, có một sự thật mà ai cũng biết rằng “chúng ta có đến hai tai và chỉ có một miệng mà thôi, bởi vậy nên hãy dùng chúng theo đúng tỷ lệ hợp lý”. Tôi tin rằng trong những thứ khiến một ai đó thật sự giỏi trong việc bán hàng hay tư vấn—thứ số một, quan trọng nhất đấy là họ phải thực sự giỏi trong việc lắng nghe. Khi tôi nhìn vào những người bán hàng đứng đầu trong công ty của tôi, không một cái nào trong số những phẩm chất hướng ngoại đó lại là chìa khóa dẫn đến thành công của họ cả”.



Và giờ hãy quay trở lại với tình huống bế tắc giữa Greg và Emily. Chúng ta cho đến giờ đã thu thập được hai mảnh thông tin quan trọng: thứ nhất, sự chán ghét của Emily dành cho việc multitask giữa các cuộc đối thoại là thật, và có thể lý giải được; và thứ hai, khi những người hướng nội được thoải mái trò chuyện theo cách riêng của họ, họ sẽ tạo những kết nối sâu sắc và thú vị với những người khác.

Chỉ khi họ đã chấp nhận hai thực tế trên thì Greg và Emily với có thể tìm ra một cách để phá vỡ thế bế tắc này của họ. Thay vì chỉ chú tâm vào vấn đề số lượng các bữa tiệc tối họ nên có, họ nên bắt đầu bàn luận cả về hình thức của các bữa tiệc này nữa. Thay vì xếp mọi người ngồi tất cả quanh một bàn tròn lớn, thứ sẽ yêu cầu đến việc multitask qua lại giữa đủ các cuộc chuyện trò giữa tất cả mọi người mà Emily cực kỳ ghét, tại sao lại không phục vụ bữa tối theo phong cách tiệc đứng (buffet), với mọi người ăn và chuyện trò tán gẫu theo những nhóm nhỏ trên ghế sofa hoặc nệm trải trên sàn? Điều này sẽ giúp Greg được mặc sức tung hoành ở vị trí trung tâm căn phòng quen thuộc của anh ấy, và giúp Emily được ở vị trí quen thuộc của cô bên rìa căn phòng, nơi cô có thể có những cuộc chuyện trò gần gũi, thân mật, một-đối-một mà cô thực sự ưa thích.

Khi vấn đề này đã được giải quyết, cặp đôi này giờ đã được tự do để bàn luận về câu hỏi lớn hơn, gai góc hơn, đó là: họ nên tổ chức bao nhiêu bữa tiệc là vừa? Sau một hồi bàn qua luận lại, họ đồng ý với nhau về mức hai buổi tối mỗi tháng—tức hai mươi tư bữa tiệc tối mỗi năm—thay vì năm mươi hai. Emily thực sự vẫn không hào hứng gì với những sự kiện kiểu này. Nhưng cô thỉnh thoảng vẫn thích thú với nó bất chấp bản tính của mình. Và Greg thì được tổ chức những buổi tiệc tối mà anh vẫn luôn vô cùng thích thú, được sống đúng với danh tiếng của mình, và được ở bên người anh yêu thương nhất—tất cả trong cùng một lúc.




tải về 2.68 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương