CÔng tác phòng cháy và chữa cháy trưỜng họC Đặc điểm tình hình liên quan đến công tác pccc trường học Vai trò công tác pccc trong trường học



tải về 125.77 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích125.77 Kb.
#20589
CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TRƯỜNG HỌC
1. Đặc điểm tình hình liên quan đến công tác PCCC trường học

1.1. Vai trò công tác PCCC trong trường học

Trường học là nơi nuôi dưỡng, đào tạo các thế hệ dựng xây đất nước. Nơi đây, mỗi cá nhân có thể tích tụ được kiến thức cơ bản nhất để bước những bước xa hơn trong cuộc sống sau này. Kỹ năng mà mỗi cá nhân tích tụ có thể thông qua kiến thức giảng dạy nhưng cũng có thể có được qua những hình ảnh trực quan của nhà trường. Do vậy, tổ chức công tác PCCC có vị trí vô cùng quan trọng, vừa góp phần đảm bảo an toàn PCCC cho nhà trường song đồng thời cải tạo nhân sinh quan trong mỗi cá nhân về công tác đảm bảo an toàn PCCC. Nếu như ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mỗi em đã thấy được các phương tiện PCCC, tổ chức công tác PCCC, tiếp cận kiến thức PCCC, chắc chắn sau này các em sẽ trưởng thành hơn, có ý thức đảm bảo an toàn PCCC cao hơn, có cuộc sống trách nhiệm hơn với xã hội.

Xác định rõ tầm quan trọng công tác PCCC trong trường học, hàng năm, lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố đều tổ chức chuyên đề công tác kiểm tra an toàn PCCC đối với đối tượng này. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện những tồn tại trong công tác PCCC và đề ra các giải pháp khắc phục cũng như xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định về PCCC trong trường học.

1.2. Đặc điểm các trường học trên địa bàn Hà Nội có liên quan đến công tác PCCC

Trên cả nước hiện có hàng vạn trường học nói riêng, cơ sở giáo dục nói chung bao gồm nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, trường trung cấp, cao đẳng, đại học, học viện… Riêng trên địa bàn Hà Nội, theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục & Đào tạo, hiện có tổng số 2.307 cơ sở giáo dục & đào tạo (trong đó trường Mầm non 827 trường; trường tiểu học 678 trường; trường trung học cơ sở 589 trường; trường THPT 189 trường; trung tâm kỹ thuật tổng hợp 15 trường; Giáo dục thường xuyên 39; Trung cấp chuyên nghiệp 36; Cao đẳng chuyên nghiệp 1; Giáo dục có yếu tố nước ngoài 104). Tương ứng với số trường học, hiện có 27.552 lớp học, hơn một triệu học sinh. Là một trong hai trung tâm giáo dục đại học lớn nhất quốc gia, trên địa bàn Hà Nội có trên 50 trường đại học cùng nhiều trường cao đẳng, trung học, đào tạo hầu hết các ngành nghề quan trọng với gần một triệu sinh viên theo học.

- Số lượng trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội là rất lớn song manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều trường học của Hà Nội được cải tạo từ các hộ gia đình, được thuê lại từ các văn phòng mà không phải công năng xây dựng dùng làm trường học. Loại hình công trình trường học này thường gặp đối với trường mầm non.

- Một số trường học xây dựng từ trước đây và một số trường xây dựng trong khu vực nội thành do địa bàn chật hẹp, thiếu diện tích nên việc bố trí các lớp học, thư viện và khu vực bếp không đạt được theo tiêu chuẩn về PCCC. Khi có cháy xảy ra xe chữa cháy không thể tiếp cận do không có đường vào cho xe chữa cháy; không có nguồn nước phục vụ chữa cháy.

- Nhiều trường do quá tải nên bố trí trông trẻ ở tầng IV, thậm chí tầng 6, tầng trên của trung tâm thương mại. Vị trí để chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng của bếp ăn tập thể trong tầng hầm, tầng một kýn… Vấn đề này liên quan trực tiếp tới công tác thoát nạn khi có cháy xảy ra, đặc biệt với trường mầm non, tiểu học do ở trong khối trường này chủ yếu giáo viên nữ.

- Các khối trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học cơ sở, trung học cơ sở hoạt động bằng nguồn ngân sách nhà nước do các quận, huyện, thị xã quản lý do vậy việc đầu tư cho công tác PCCC của các cơ sở này phụ thuộc vào sự quan tâm, chỉ đạo của từng lãnh đạo quận, huyện, thị xã và nguồn ngân sách có được của từng địa phương. Có những trường học nhiều năm liền chưa được quan tâm đến công tác PCCC như trang bị phương tiện, xây dựng cơ sở vật chất…

- Nhiều khu đô thị chưa quan tâm tới việc xây dựng các trường học để phục vụ cho các cháu sinh sống tại đây do vậy dẫn đến quá tải cho các trường học ở khu vực lân cận, dẫn đến việc thực hiện công tác PCCC khó đạt được các tiêu chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó trong chính khu đô thị phát sinh các lớp học tự phát như một số hộ gia đình tập hợp lại thuê người ở nhà trông con trẻ.

- Trong quy định về điều kiện cho phép thành lập và cho phép hoạt động giáo dục nhà trường, nhà trẻ tư thục của Thông tư số 28/2011/TT-BGDĐT ngày 15/7/2011 “Về việc sửa đổi, bổ xung một số điều của quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo Quyết định số 41/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo” không đề cập gì tới điều kiện an toàn PCCC do vậy qua kiểm tra phát hiện một số trường mầm non tư thục không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC nhưng vẫn được UBND và Phòng GD&ĐT các quận huyện, thị xã cho phép thành lập và cho phép hoạt động.



2. Đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ trong trường học

Hiện nay, trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội, ở các cấp chính quyền đều có trường học ở các cấp khác nhau như: nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường học các cấp, trung tâm giáo dục, học viện, đại học... Trong xây dựng và phát triển các trường học đã được đầu tư cơ sở vật chất mới hoặc được cải tạo lại với quy mô, các trang thiết bị và tiện nghi học tập, sinh hoạt tương đối đầy đủ, hoàn thiện. Các trường học được chia thành nhiều khu riêng biệt như: khu vui chơi giải trí, khu học tập (phòng học); khu phục vụ sinh hoạt (phòng ngủ, phòng ăn, phòng vệ sinh…), khu vực chế biến thức ăn (bếp ăn, phòng ăn), khu vực kho chứa (thư viện, kho chăn màn,…), khu vực để xe. Tại một số trường học còn có khu vực ký túc xá dành cho học sinh nội trú. Trong các khu vực của trường đều có nguy hiểm cháy nổ khác nhau, để đánh giá nguy hiểm cháy, nổ trong trường học dựa vào những thông tin cơ bản:

- Chất cháy: Trường học là nơi tập trung số lượng lớn học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên phục vụ và để duy trì công việc học tập, đào tạo, nghiên cứu khoa học một khối lượng lớn cơ sở vật chất kỹ thuật đã được huy động, trong đó hầu hết là chất dễ cháy.

+ Trong khu vực hội trường, giảng đường, phòng học, chất cháy chủ yếu ở đây là bàn, ghế, bục, bảng bằng gỗ, phông màn vải bạt, nhựa và các vật tư thiết bị đồ vật khác. Chất cháy trong khu vực này chủ yếu là chất dễ cháy như nhiệt độ bắt cháy của vải dùng làm phông rèm, giấy tờ phục vụ quá trình học tập… có nhiệt độ khoảng 400 – 500 độ.

+ Trong phòng thí nghiệm, thực nghiệm, chất cháy ở đây là các loại hoá chất, nhiên liệu, vật liệu dễ cháy nổ trong bảo quản cũng như trong sử dụng, làm thí nghiệm cũng như thực nghiệm. Trong số các hóa chất thường sử dụng làm thí nghiệm có nhiều loại có tính nguy hiểm cháy nổ cao như các loại axit đậm đặc, xăng, dầu, mỡ…

+ Phòng máy vi tính là nơi tập trung tài sản có giá trị lớn về kinh tế và khoa học kỹ thuật với hệ thống máy vi tính, máy điều hoà nhiệt độ, máy hút ẩm cùng hệ thống thiết bị điện, phục vụ cho giảng dạy học tập và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, thông thường phòng máy vi tính được trang bị hệ thống rèm cửa tránh chói sáng và hệ thống bàn gỗ, giá kệ kê máy, do vậy tải trọng chất cháy tăng lên rất nhiều.

+ Thư viện. Trong các trường học, thư viện có kết cấu gồm kho lưu trữ sách, tài liệu tư liệu và phòng đọc. Với nhiều trường học, thư viện đồng thời là phòng hội đồng, là nơi giáo viên để tập trung các loại hồ sơ, giáo án, học bạ… Thư viện là nơi lưu trữ các tài liệu, tư liệu quan trọng có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật... song đã xảy ra rất nhiều vụ cháy do ở đây tập trung một khối lượng lớn chất cháy là giấy, sách báo, phim, ảnh tư liệu... là những chất rất dễ bắt cháy.

+ Khu vực ký túc xá của sinh viên. Khu ký túc xá là nơi ở, ăn uống, sinh hoạt, tự học của học sinh, sinh viên. Hầu hết các ký túc xá hiện nay đều trong tình trạng quá tải, nhiều ký túc xá được xây dựng từ trước đây chỉ đáp ứng lưu lượng của một phần nhỏ so với hiện tại. Do có đông sinh viên ở trong khu ký túc xá nên tính nguy hiểm cháy xảy ra ở đây ở mức cao do tập trung chất cháy chủ yếu là giường, chiếu, chăn, màn, quần áo, sách vở, xăng dầu... và đều là chất dễ cháy. Chất cháy phần bố đều khắp trên toàn bộ diện tích phòng ở ký túc xá, bởi vậy khi cháy xảy ra tốc độ cháy lan lớn, sinh nhiều khói.

+ Khu vực bếp ăn, căng tin. Hầu hết các trường đều có bếp ăn dùng để nấu ăn tập thể cho cán bộ giáo viên nhà trường, nấu ăn cho học sinh bán trú, căng tin, nhà ăn phục vụ học sinh, sinh viên. Ở khu vực này thường xuyên tồn chứa lượng chất cháy lớn như khí dấu mỏ hóa lỏng, nguyên liệu, hàng hóa phục vụ sinh hoạt và hầu hết đều là chất dễ cháy. Khí dầu mỏ - Gas là hỗn hợp của các chất hydro cacbon, trong đó thành phần chủ yếu là khí propan và butan, có tỷ trọng nặng hơn không khí (butan 2,07 lần, prôpan 1,55 lần), do đó khi gas thoát ra ngoài sẽ bay là là trên mặt đất và tích tụ ở những chỗ trũng gặp ngọn lửa có thể gây cháy, nổ. Khi bị đốt cháy, gas sinh ra nhiệt độ rất cao (từ 1.900 – 1.9500C) rất dễ gây cháy lan và gây bỏng cho người và gia súc. Gas được nén vào bình thì hóa lỏng, khi thoát ra ngoài lại chuyển thành thể khí nên rất khó bảo quản, đòi hỏi thiết bị chứa, hệ thống dây dẫn và van xả khí phải kýn tuyệt đối song đường ống cấp gas không được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên

+ Khu vực ga ra xe. Khu ga ra xe thường có ở các trường phục vụ việc để các loại phương tiện đi lại của giáo viên, học sinh, sinh viên. Khu vực này là một trong những khu vực tồn chứa nhiều chất cháy trong trường học và chủ yếu là chất dễ bắt cháy.

- Nguồn nhiệt: Nguồn nhiệt được tạo ra trong trường học bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như do sơ xuất trong việc dùng lửa để nấu thức ăn, để thực hành thí nghiệm, do vi phạm quy định về PCCC như hút thuốc, đốt cỏ rác... Đối với các trường mẫu giáo, tiểu học… học sinh chưa có khái niệm nhiều về mức độ nguy hiểm của lửa vì vậy thường hay dùng lửa để nghịch như lấy diêm đốt giấy để sưởi ấm vào mùa đông, dùng lửa để đùa nghịch... Ngoài ngọn lửa trực tiếp gây ra cháy thì việc sử dụng các thiết bị điện cũng có thể làm phát sinh nguồn nhiệt. Ở các trường học luôn có nhu cầu lớn về việc dùng điện chẳng hạn dùng điện để đun nấu, dùng điện để sưởi ấm, dùng điện để là quần áo, chăn màn cho các cháu, dùng điện để tiến hành các thí nghiệm, dùng điện để chiếu sáng... Quá trình sử dụng thiết bị điện quá công suất chịu tải của dây dẫn và các thiết bảo vệ, sử dụng sai quy định gây ra các hiện tượng quá tải, lâu ngày không kiểm tra đường dây dẫn điện nên bị chạm chập, quá tải, điện trở chuyển tiếp...

+ Khu vực hội trường, giảng đường, phòng học: Nguồn nhiệt gây cháy được hình thành từ sự cố hệ thống điện (ngắn mạch, quá tải) từ các thiết bị tiêu thụ điện như thiết bị chiếu sáng trên trần nhà, hệ thống điều hòa, ngọn lửa trần do hút thuốc. Đặc biệt lưu ý nguồn nhiệt hình thành do hút thuốc và do thiết bị điện sinh nhiệt hội trường có sân khấu do ở những vị trí này có nhiều chất dễ cháy như phông, rèm.

+ Phòng thí nghiệm, thực nghiệm: Trong thí nghiệm có sử dụng nhiệt độ, áp suất cao, sử dụng thiết bị sinh nhiệt, nén áp lực có vòng quay lớn tạo ra ma sát va đập sinh nhiệt... Trong thí nghiệm, thực nghiệm còn sử dụng lửa trần, dòng điện có cường độ cao... Như vậy các phòng thí nghiệm, thực nghiệm luôn tồn tại các chất nguy hiểm cháy và cả các loại nguồn nhiệt có khả năng gây cháy nổ nên nguy hiểm xác suất xảy ra cháy nổ rất cao.

+ Phòng máy vi tính: Tại các phòng máy tính là nơi có nguy hiểm cháy cao bởi sự xuất hiện nguồn nhiệt do ngắn mạch, quá tải trên hệ thống dây dẫn điện. Đặc điểm nguy hiểm cháy xảy ra trong phòng máy vi tính khi học sinh thực hành dễ dẫn đến hoảng loạn do sợ bị điện giật, do có nhiều khói khí độc tỏa ra khi cháy nhựa, bàn ghế trong điều kiện thiếu khí.

+ Thư viện: Nguồn nhiệt trong thư viện có thể gây cháy là do phát sinh từ hệ thống điện và thiết bị điện tạo ra, do ngọn lửa trần. Về nguồn nhiệt trong thư viện cần chú ý đối với các thư viện có phòng đọc riêng, bố trí các giắc cắm điện phục vụ học sinh sinh viên có thể các em sử dụng thiết bị điện như máy tính, nạp điện thoại quá tải. Bên cạnh đó, trong kho sách cần chú ý việc bố trí các dãy giá sách phía dưới đường dây thiết bị điện chiều sáng bởi sự cố trên đường dây làm phát sinh nguồn nhiệt rơi xuống có thể trở thành nguồn nhiệt gây cháy. Ở nơi chứa nhiều chất dễ cháy như thư viện song cũng lại là nơi nguy hiểm bởi nhiều người có thói quen vừa đọc sách, vừa hút thuốc.

+ Khu vực ký túc xá của học sinh, sinh viên: Nguồn nhiệt từ các thiết bị điện tạo ra như bàn là, bếp điện, ấm điện, bóng điện, bếp dầu, đèn dầu, nến, thuốc lá, thắp hương thờ cúng... Các loại nguồn nhiệt trong ký túc xá thường rất sẵn, đặc biệt với nhiều ký túc xá đại học xảy ra tình trạng nấu ăn, là quần áo, thắp hương… Nguy hiểm cháy trong ký túc xá tăng lên khi ở đây mất điện, các học sinh, sinh viên nội trú phải sử dụng nến, đèn dầu.

+ Khu vực bếp ăn, căng tin: Trong quá trình sử dụng ngọn lửa trần do đun nấu, sự cố thiết bị điện đều có thể làm phát sinh nguồn nhiệt gây cháy. Bên cạnh đó, ở vị trí bếp đun, do dầu, mỡ bám dính lên tường, hút mùi trở thành con đường lan truyền của ngọn lửa gây cháy lan nhanh chóng. Do hoạt động chính của căng tin là kinh doanh nên ở đây có thể có thắp hương thờ cúng, hóa vàng mã, đốt vía… và ngọn lửa trần từ các hoạt động này có thể trở thành nguồn nhiệt gây cháy.

+ Khu vực ga ra xe: Nguồn nhiệt hình thành trong ga ra xe có thể do hút thuốc, do sự cố điện trên các xe hoặc sự cố hệ thống điện chiếu sáng, nguồn nhiệt ngọn lửa trần gây cháy.

- Khả năng cháy lan: Trong trường học, nguy cơ cháy lan tất yếu xảy ra, đặc biệt là các trường xây dựng không đúng tiêu chuẩn quy định, các trường cải tạo, sửa chữa từ những công trình công năng ban đầu không phải thiết kế dành cho trường học. Khả năng cháy lan trong trường học được đánh giá trên các phương diện:

+ Phân bố chất cháy: Do chất cháy trong các trường học là bàn ghế, đồ dùng, thiết bị học tập, đồ dùng sinh hoạt, xe… trải dài trên toàn bộ diện tích cơ sở nên khi có cháy xảy ra dễ dàng cháy lan trên toàn bộ diện tích cơ sở. Tại khu ga ra xe thường có ở các trường phục vụ việc để các loại phương tiện đi lại của giáo viên, học sinh, sinh viên, trong đó chú ý với các trường đại học do nhiều sinh viên sử dụng, có những trường hàng ngày có hàng vạn xe để trong trường như Đại học quốc gia, Đại học kinh tế quốc dân… Lượng xe nhiều đồng nghĩa với nguy hiểm cháy lan cao bởi trong xe chứa lượng nhiên liệu là chất dễ cháy và bên cạnh đó phần nhựa trên xe cũng là chất dễ cháy. Khi cháy xảy ra hầu hết các xe trong ga ra đều bị bắt cháy, tốc độ cháy lan lớn do đường ống dẫn nhiên liệu của xe bằng nhựa bắt cháy.

+ Nổ vỡ của hóa chất trong phòng thí nghiệm, bếp ăn: Các phòng thí nghiệm tồn chứa lượng hóa chất nhất định trong đó có hóa chất có nguy hiểm nổ. Khu vực nhà bếp có nguy hiểm nổ nếu khi gas thoát ra ngoài, khi nổ xảy ra dễ gây cháy lan toàn bộ trường học.

+ Hệ thống đường ống kỹ thuật: Hệ thống cáp tín hiệu, hệ thống điện, hệ thống đường ống hơi… trong nhà trường cũng là một trong những con đường lan truyền của ngọn lửa khi có cháy xảy ra. Trong căng tin, bếp đun, do dầu, mỡ bám dính lên tường, hút mùi trở thành con đường lan truyền của ngọn lửa gây cháy lan nhanh chóng.

- Thoát nạn cho người trong điều kiện cháy: Vấn đề thoát nạn cho người trong điều kiện cháy ở trường học cần đặc biệt quan tâm là trường mầm non. Nhiều trường mầm non được bố trí cải tạo chuyển đổi công năng từ nhà ở hộ gia đình, từ văn phòng, bố trí xen lẫn nhà ở trong chung cư… Trong các trường mầm non thông thường một giáo viên phải trông giữ từ 5 đến 10 cháu, khi cháy xảy ra vấn đề thoát nạn gặp những khó khăn nhất định.

Học sinh, sinh viên trong trường học là đối tượng ít có hiểu biết về nguy hiểm cháy, khi có cháy lại thường bị hoảng loạn do vậy nếu cháy xảy ra trong giờ học sẽ rất dễ dẫn đến sự dẫm đạp lên nhau trong quá trình chạy thoát nạn. Bên cạnh đó, do ít hiểu biết về cháy nổ, các em còn chơi đùa, nghịch lửa trong giờ ra chơi, sinh hoạt và đó có thể trở thành nguồn nhiệt gây cháy.

Đối với các trường bậc phổ thông, đặc biệt là các trường học bán trú, do nơi nghỉ của học viên bố trí liền với nơi học hoặc chính là phòng học nên vấn đề thoát nạn gặp khó khăn nhất định. Các cháu học sinh chưa có ý thức tự vệ, điều gì sẽ xảy ra khi lửa, khói bao trùm cầu thang, lối và đường thoát nạn. Việc thoát nạn cho cán bộ, giáo viên nhà trường đã khó, chưa nói đến hướng dẫn thoát nạn cho các cháu.

Đối với các trường Đại học có khu ký túc xá là nơi có nguy hiểm cháy, nổ cao do đây là nơi sinh hoạt, học tập của các em sinh viên. Mật độ sinh hoạt đông, cuộc sống sinh hoạt phong phú, tâm lý lứa tuổi chưa ổn định là những nguy hiểm trong công tác PCCC song bên cạnh đó hệ thống phương tiện chữa cháy ban đầu hạn chế, không được đào tạo kiến thức PCCC cũng là những tồn tại dẫn đến hậu quả xấu khi có cháy xảy ra.



3. Thực trạng công tác PCCC trường học hiện nay

Qua kiểm tra an toàn PCCC đối với 1.134 trường học các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy thực trạng công tác PCCC trong các trường còn rất nhiều bất cập.

- Về công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Các trường học thuộc các cấp đều là đối tượng thuộc diện quản lý về PCCC. Tùy quy mô, cấp độ của trường mà công tác thẩm duyệt trước khi đi vào xây dựng, hoạt động được quy định: Căn cứ Mục 4, Phụ lục 3, ban hành kèm theo Nghị định số 46/2012/NĐ-CP, danh mục các dự án, công trình do cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế về PCCC: Trường học, cơ sở giáo dục có khối tích từ 10.000 m3 trở lên; nhà trẻ, mẫu giáo có từ 200 cháu trở lên. Căn cứ Mục 4, Phụ lục 3a, ban hành kèm theo Nghị định số 46/2012/NĐ-CP, danh mục các dự án, công trình do cơ quan quản lý xây dựng và chủ đầu tư thẩm định thiết kế vè PCCC và trước khi đưa vào sử dụng, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cam kết với cơ quan Cảnh sát PCCC: Trường học, cơ sở giáo dục có khối lớp học có khối tích từ 5.000 m3 đến dưới 10.000 m3; nhà trẻ, mẫu giáo có từ 100 đến dưới 200 cháu trở lên.

Tuy nhiên, việc thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu PCCC của các trường rất hạn chế, đặc biệt đối với trường mần non có “nhiều” điểm lẻ. Những điểm lẻ bố trí lớp mầm non đa số có diện tích nhỏ, phòng học ẩm thấp, không đủ sân chơi, không có bếp ăn, không đủ điều kiện để mở các lớp bán trú, chủ yếu là thuê mướn nhà ở của các hộ gia đình. Quy định nhà trẻ, mẫu giáo chỉ bố trí 3 tầng trở xuống… song đa phần các trường mầm non, mẫu giáo, cơ sở nuôi dạy trẻ tư thục sử dụng những căn nhà chật chội cao từ 3 đến 6 tầng và chỉ có một cầu thang thoát nạn. Thống kê kết quả kiểm tra an toàn PCCC cho thấy chỉ có 246/1.134 (21,6%) cơ sở giáo dục & đào tạo có đủ 02 lối thoát nạn.

- Việc tổ chức thực hiện Luật PCCC của lãnh đạo nhà trường trong quá trình hoạt động. Căn cứ Điều 5, Luật PCCC; Điều 3, Nghị định số 35/NĐ-CP quy định trách nhiệm PCCC của người đứng đầu cơ quan, tổ chức toàn diện, đầy đủ song thực tế công tác tại các trường cho thấy:

+ Trong trách nhiệm ban hành nội quy, quy định về PCCC: Hầu hết các trường học không tự ban hành nội quy PCCC mà sử dụng nội quy nền đỏ chữ và bán sẵn ngoài thị trường; không phổ biến mà treo dán lên tường và cũng chỉ treo dán ở một số vị trí công cộng, dễ thấy. Hầu hết trong các phòng học không có nội quy PCCC nói riêng, nội quy phòng học nói chung, kể cả các phòng học chuyên ngành, chuyên đề, phòng học có hệ thống điều hòa, kỹ thuật… Do không ban hành nội quy, không có nội quy dẫn đến không phổ biến nội quy. Do vậy, mặc nhiên cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên không được nghe phổ biến nên khi sử dụng các phòng học không thực hiện công tác PCCC.

+ Việc tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho cán bộ giáo viên nhà trường và học sinh, sinh viên. Thống kê kết quả kiểm tra an toàn PCCC cho thấy chỉ có 245/1.134 (21,6%) cơ sở giáo dục & đào tạo tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC và huấn luyện bổ xung hàng năm cho lực lượng PCCC cơ sở. Các trường hạn chế tập huấn, huấn luyện an toàn PCCC cho giáo viên, đặc biệt đối với khối trường mầm non, và ở bậc học phổ thông. Đặc biệt trong những năm gần đay nhiều trường coi những buổi tiếp thị phương tiện PCCC của các doanh nghiệp là một buổi tuyên truyền PCCC. Do không được tập huấn, huấn luyện, lại không được đào tạo kiến thức đảm bảo an toàn PCCC từ trước đó nên trong quá trình thực hiện đào tạo không quan tâm công tác PCCC và nguy hiểm hơn đó là khi có cháy, nổ xảy ra không biết sử dụng phương tiện PCCC, ngọn lửa phát sinh hình thành đám cháy lớn.

+ Việc lắp đặt trang thiết bị PCCC và công tác bảo dưỡng cho trường học chưa được quan tâm đúng mức. Thống kê cho thấy chỉ có 411/1.134 (36,24%) cơ sở giáo dục & đào tạo trang bị và lắp đặt hệ thống chữa cháy vách tường; 15/1.134 cơ sở giáo dục & đào tạo lắp đặt hệ thống báo cháy tự động. Trong các trường còn thiếu trang thiết bị PCCC, đặc biệt là hệ thống cấp nước chữa cháy vách tường. Đối với bình chữa cháy, ở hầu hết các trường tập trung toàn bộ bình chữa cháy trong kho hoặc tại phòng bảo vệ do lo sợ việc học sinh, sinh viên rút chốt an toàn hoặc mất trộm. Thậm chí nhiều trường, trong các phòng máy tính, thư viện không trang bị bình chữa cháy xách tay hoặc có những hư hỏng, không sử dụng được.

+ Hầu hết các trường đều không thành lập đội PCCC cơ sở, trừ các trường đã được Cảnh sát PCCC hướng dẫn. Đặc thù của trường học chỉ có 1 đến 2 đồng chí làm bảo vệ ban đêm và với nhiều trường trong giờ hành chính không có bảo vệ mà toàn là cô giáo. Vấn đề này đáng báo động với trường mầm non, các trường tư thục khi ở những điểm lẻ, giáo viên nhà trường không nắm bắt được nhiệm vụ khi có cháy xảy ra.

+ 100% các trường không thực hiện nhiệm vụ kiểm tra an toàn PCCC theo chế độ thường xuyên. Công tác tự kiểm tra an toàn PCCC của các trường không được thực hiện là do không phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng người và bên cạnh đó ngoài giờ hành chính các trường cũng chỉ có một hoặc hai đồng chí làm công tác bảo vệ, nghỉ theo ca nên việc quán xuyến công tác PCCC có những hạn chế nhất định.

+ Trong các trường không lập bộ hồ sơ PCCC, không có thống kê phương tiện, không có kế hoạch thực hiện công tác PCCC, dự trù trang bị phương tiện PCCC, không có phương án chữa cháy tại chỗ.

- 100% các trường không thực hiện chế độ kiểm định phương tiện PCCC cũng như việc kiểm tra bảo dưỡng định kì đối với phương tiện, kể cả một số trường đã trang bị phương tiện báo cháy và chữa cháy tự động. Đây là tồn tại trong công tác PCCC mà hậu quả của nó rất nghiệm trọng, dẫn tới các phương tiện PCCC không sử dụng được.

- Thống kê kết quả kiểm tra an toàn PCCC cho thấy chỉ có 149/1.134 (13,1%) cơ sở giáo dục & đào tạo có nguồn nước xe chữa cháy có thể hút được nước chữa cháy. Tuy nhiên, nguồn nước tại các cơ sở chủ yếu là nguồn tự nhiên sẵn có như ao, hồ…, không phải là nguồn nước từ bể nước chữa cháy trừ một số trường đã thống kê trong phần lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động.

- Chỉ có 255/1.134 (22,48%) cơ sở giáo dục & đào tạo đảm bảo giao thông cho xe chữa cháy của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tiếp cận. Các trường không đảm bảo giao thông cho xe chữa cháy như nằm sâu trong khu dân cư, nằm trong các xóm, thôn mà đầu làng được trồng cột hoặc barie. Khi có cháy xảy ra, đây là vấn đề nghiêm trọng do không thể triển khai lực lượng, phương tiện để dập tắt được đám cháy.

- Chỉ có 297/1.134 (26,19%) cơ sở giáo dục & đào tạo xây dựng phương án chữa cháy và được cơ quan Cảnh sát PCCC phê duyệt theo quy định. Do không có phương án chữa cháy, không được nghe phổ biến nên cán bộ, giáo viên trong các cơ sở này không nắm được những việc mình phải làm khi có cháy xảy ra.

4. Nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ trường học

Mỗi trường học, mỗi cơ sở giáo dục đều có nguy hiểm cháy nổ xảy ra, vì vậy mà trên địa bàn cả nước trung bình mỗi năm để xảy ra khoảng 1.800 vụ cháy, trong đó có khoảng 20 vụ xảy ra ở trường học. Trên địa bàn Hà Nội, mỗi năm có khoảng 2 đến 5 vụ cháy xảy ra trong các cơ sở này bởi những nguyên nhân khác nhau như do cháy lan từ nơi khác đến, do đốt trả thù mâu thuẫn cá nhân; do vi phạm quy định về PCCC; do sơ xuất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt… Thống kê các vụ cháy xảy ra trong trường học ở Hà Nội và Việt Nam cho thấy cháy xảy ra đa dạng, ở nhiều vị trí khác nhau như nhà bếp, giảng đường, hội trường với những nguyên nhân khác nhau.

- Nguyên nhân vụ cháy do đốt trả thù mâu thuẫn cá nhân

Nguyên nhân này xảy ra do mâu thuẫn giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh… Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 07/6/2006, tại trường Trung học cơ sở Thanh Mai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ) đã xảy ra cháy, thiêu rụi 12 gian nhà gồm dãy phòng học và phòng giám hiệu nhà trường cùng toàn bộ nội thất gồm 8 máy vi tính, 1 máy in cùng bàn ghế, thiết bị dạy học, thiệt hại ước tính trên 1 tỉ đồng, không có thiệt hại về người. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do mâu thuẫn giữa học sinh nhà trường với bảo vệ do ngăn cấm không cho các em vào trường chơi.


- Nguyên nhân vụ cháy do thiếu trách nhiệm

Nguyên nhân này được xác định do cán bộ nhân viên nhà trường thiếu trách nhiệm thực hiện công tác đảm bảo an toàn PCCC. Vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 22/5/2013, xảy ra cháy tại trường Mầm non tư thục Hoa Hồng Nhỏ (246 Bacu, phường 3, TP.Vũng Tàu). Vụ cháy xảy ra trong lúc hơn 300 em học sinh của trường đang học tập, chơi đùa ở sân trường và được sơ tán kịp thời sang số nhà 221 Bacu, phường 4, TP.Vũng Tàu (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cũ). Nhận được tin báo cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn-cứu hộ, Công an tỉnh đã huy động hàng chục cán bộ và chiến sĩ cùng hai xe chữa cháy đến hiện trường phối hợp với lực lượng chữa cháy tại chỗ dập tắt đám cháy sau đó khoảng 10 phút. Vụ cháy không gây thương vong về người nhưng đã làm hư hỏng một máy phát điện, trị giá 85 triệu đồng. Nguyên nhân ban đầu được xác định do sự cố cắt điện trên diện rộng, nhà trường đưa máy phát điện vào hoạt động, trong lúc vận hành do quá tải và rò rỉ xăng dầu gây cháy. Trong trường hợp này, người có trách nhiệm trông coi, vận hành máy phát điện đã không thực hiện nhiệm vụ của mình, không phát hiện có cháy xảy ra.


- Nguyên nhân vụ cháy do vi phạm quy định về PCCC

Nguyên nhân này được xác định trong trường hợp yêu cầu phải thực hiện các hoạt động có liên quan đến công tác đảm bảo an toàn PCCC nhưng không thực hiện. Chiều 15/7/2013, xảy ra cháy tại công trường thi công xây dựng trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Ngọn lửa bùng lên khi một công nhân đang thực hiện việc hàn tại vị trí cầu thang tầng 3. Do không có phương tiện chữa cháy ban đầu trong công trường nên chỉ đến khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt tại hiện trường đám cháy mới được dập tắt. Trong trường hợp này, người công nhân đã vi phạm quy trình hàn, không thực hiện che chắn, đảm bảo an toàn PCCC.


- Nguyên nhân vụ cháy do sơ xuất bất cẩn

+ Đêm 7/8/2013, tại trường Tiểu học xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang xảy ra cháy khiến 5 phòng ở lưu trú của hàng chục cán bộ giáo viên và nhiều đồ dùng bị thiêu rụi. Do ảnh hưởng của bão số 6 nên khu vực trường tiểu học gặp sự cố mất điện, một cô giáo trong trường đã thắp nến trong phòng rồi sang phòng của các thầy cô khác chơi. Một lúc sau mọi người thấy có mùi khét và khói đen bốc lên. Nghe tiếng hô có hỏa hoạn nhiều người chạy ra thì thấy có cháy. Tuy nhiên, do trước đó nấu cơm, cô giáo quên không khóa bình ga nên khi cháy ngọn lửa bùng phát lớn, không ai dám vào dập lửa. Ngọn lửa nhanh chóng lan ra các phòng bên cạnh khiến toàn bộ đồ dùng, xe máy trong phòng bị cháy rụi. Phải đến khi các đồ dùng gần như bị cháy rụi thì ngọn lửa mới được dập tắt do lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp không thể tiếp cận được hiện trường.

- Nguyên nhân vụ cháy do sự cố kỹ thuật của thiết bị

Là những vụ cháy xảy ra do sự cố của hệ thống điện, của máy móc thiết bị trong trường gây cháy trường, ví dụ:

+ Hồi 8g15 ngày 18/10/2011, xảy ra cháy tại trường mầm non tư thục Hoa Mai và trường THPT dân lập Thăng Long, đường Hải Thượng Lãn Ông, Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Tòa nhà kết cấu xây dựng 6 tầng, tầng 1 và 2 là Trường Hoa Mai, tầng 3, 4, 5 và 6 là Trường Thăng Long. Thời điểm xảy ra cháy có hơn 200 em bé trường Hoa Mai và khoảng 350 học sinh trường Thăng Long đang học. Điểm xuất phát cháy xảy ra tại tầng 3 của tòa nhà, khói phát ra từ tầng 3,4,5 và 6 cùng tầng 2 trường Hoa Mai. Lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố có mặt kịp thời hướng dẫn các nạn nhân thoát nạn, song trước đó có bốn nạn nhân gồm bảo mẫu là Trần Thị Thùy Trang, nhân viên văn thư trường THPT Dân Lập Thăng Long là Hoàng Thị Kim Cương cùng hai học sinh của trường là Lâm Ngọc Châu (15 tuổi, học sinh lớp 10) và Nguyễn Lê Hà Trang (16 tuổi, học sinh lớp 11).

+ Tối 19/4/2009 xảy ra cháy tại nơi đặt máy ATM gần khu vực cổng bảo vệ trường Đại học Trà Vinh, thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Đám chảy xảy ra ban đêm song rất đông sinh viên đến trường và tập trung tại khu vực xảy ra đám cháy, dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Lực lượng chữa cháy đã huy động 2 xe chữa cháy tới hiện trường và khống chế được ngọn lửa sau khoảng 30 phút. Tuy không gây thiệt hại về người, nhưng vụ cháy đã làm cho toàn bộ khu vực trường bị cắt điện, sinh viên phải nghỉ học.

+ Hồi 14h ngày 11/02/2004, xảy ra cháy tại khoa Dược (Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) số 41 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Ngọn lửa phát ra từ phòng thí nghiệm ở lầu 1 của dãy nhà 2 tầng lầu, sau đó nhanh chóng cháy lan sang các phòng kế cận. Có 6 người bị thương trong đám cháy do hít phải hơi khói, người bị gãy chân do nhảy lầu...; chưa thống kê được thiệt hại và số người mất tích. Nguyên nhân cháy được xác định là do chập điện làm phát sinh nguồn nhiệt gây cháy. Lực lượng công an, dân phòng của địa phương đã phá rào sắt, hướng dẫn hàng trăm sinh viên bị kẹt trong trường thoát ra từ cổng.

+ Vụ cháy xảy ra khoảng 0h ngày 24/12/2012, ngọn lửa bốc cháy tại dãy phòng hành chính của Trường THPT Lấp Vò 1, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp gồm 3 phòng học và nhiều phòng khác bị thiêu rụi. Phải đến 2 giờ sáng ngày 24/12, ngọn lửa mới được khống chế. Đám cháy đã thiêu rụi hầu hết hồ sơ của hơn 100 cán bộ, giáo viên; hơn 1.200 sổ học bạ học sinh. Một số thiết bị máy móc khác cũng bị thiệt hại như: 27 máy vi tính, 3 máy photocopy và nhiều tài sản khác. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng gần 1 tỷ đồng.

+ Khoảng 22h đêm 6/10/2013, sau tiếng nổ nhỏ trong phòng chứa đồ góc hành lang tầng 3 của nhà ký túc xá D4 (khu dành cho sinh viên nước ngoài), trường Đại học Hà Nội trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ngọn lửa đã bùng cháy dữ dội và nhanh chóng thiêu rụi nhiều đồ đạc trong phòng và rơi tàn lửa xuống tầng 2. Vụ việc xảy ra đã khiến hàng trăm sinh viên tại các phòng vội vã tháo chạy xuống sân, nhiều người chỉ kịp cầm chiếc máy tính xách tay và một số vật dụng cá nhân. Hai xe chữa cháy có mặt tại hiện trường và khoảng 20 phút sau ngọn lửa được khống chế, tuy nhiên nhiều đồ đạc trong căn phòng rộng hơn chục m2 bị thiêu rụi. Nguyên nhân của vụ cháy được xác định là do chập điện.

+ Hồi 10 giờ 50 phút ngày 29/7/2013, xảy ra cháy tại tầng 3, trường mầm non An Dương, số 75, Đường An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Giáo viên kịp thời sơ tán hơn 100 em học sinh có mặt trong trường đến nơi an toàn bên ngoài khu vực trường học. Mặc dù lực lượng bảo vệ nhà trường đã dùng phương tiện chữa cháy ban đầu dập lửa nhưng không thể khống chế được đám cháy lan nhanh. Chỉ đến khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt, tiếp cận hiện trường, đám cháy mới được dập tắt.



5. Các biện pháp PCCC trường học

Trường học là nơi thường xuyên tập trung đông người, đặc biệt các trường học thuộc các cấp bậc đào tạo mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở là nơi các em nhỏ rất dễ bị hoảng loạn nếu như có cháy xảy ra. Do vậy, tổ chức công tác PCCC, đảm bảo an toàn PCCC cho người và tài sản tránh mọi khả năng gây ra cháy là một vấn đề rất cần thiết. Để đảm bảo an toàn PCCC công tác PCCC phải được coi trọng, cụ thể:

- Thực hiện đầy đủ thẩm duyệt thiết kế PCCC, kiểm tra trong quá trình thi công tác hạng mục PCCC, nghiệm thu, đến quá trình sử dụng. Trong quá trình sự dụng phải tuân thủ đúng thiết kế như lưu lượng xe để trong trường, lưu lượng học sinh, sinh viên, phương thức bộ trí học sinh, sinh viên các lớp…

- Trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy ban đầu đảm bảo về chất lượng và số lượng, luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

- Tổ chức tốt lực lượng PCCC cơ sở cơ động, thường trực sẵn sàng chiến đấu. Đối với các trường từ bậc phổ thông cơ sở trở lên đã có thể bố trí học sinh tham gia vào đối PCCC cơ sở và yêu cầu này là bắt buộc đối với các trường đại học, đặc biệt với khu ký túc xá..

- Tất cả các trường học phải có nội quy PCCC, phương án chữa cháy, phương án thoát nạn cho trẻ em và học sinh khi có cháy xảy ra. Phương án phải được tổ chức học tập, diễn tập, tổ chức rút kinh nghiệm. Hàng năm khi có sự thay đổi, hoăc sau mỗi lần thay đổi phải được bổ xung ngay vào phương án cho phù hợp.

- Các trường học có nhà nhiều tầng, nên bố trí học sinh lớn ở tầng trên, học sinh nhỏ ở tầng dưới, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh thoát nạn khi có sự cố về cháy. Có bảng chỉ dẫn trên đường thoát nạn trên lối và đường thoát nạn.

- Các phòng thí nghiệm, các phòng để là quần áo cho học sinh phải được bố trí riêng biệt, ngăn cách với các phòng học, phòng ngủ, phòng ăn, phòng sinh hoạt của học sinh bằng tường không cháy.

- Cấm sử dụng điện tùy tiện. Các thiết bị tiêu thụ điện như bếp điện, lò sưởi, bàn là, bóng điện…chỉ được sử dụng trong phạm vi cho phép đã được tính toán khi thiết kế.

- Ở những nhà trẻ, nhà mẫu giáo, cần dùng đèn dầu để thắp sáng, đèn phải treo cao hơn tầm với của trẻ em. Bếp đun nấu bằng củi hoặc bếp dầu phải đặt cách biệt với phòng ngủ, phòng sinh hoạt của học sinh. Khi sử dụng khí cháy để đun nấu phải có các thiết bị an toàn (van an toàn).

- Không được để các em nghịch lửa, diêm, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt trong trường. Đối với các em học sinh từ bậc học phổ thông cơ sở trở lên phải tổ học tập, tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức, nhận thức về sự nguy hiểm cháy nổ, hậu quả tác hại khi có cháy xảy ra…

- Tăng cường kiểm tra, phúc tra an toàn PCCC: Trong quá trình kiểm tra an toàn PCCC phải bám sát hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC các cơ sở Giáo dục & đào tạo và các quy định, tiêu chuẩn an toàn PCCC như:

+ Nghị định số 35/2003/NĐ- CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ; Thông tư số 04/2004/TTBCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an.

+ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCQG 06/2010 - BXD về an tòan cháy cho nhà và công trình.

+ TCVN 2622: 1995 Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình

+ Tiêu chuẩn ngành 20 TCN 25: 1991 Đặt đường dây dẫn điện trong nhà ở và công trình công cộng.

+ TCVN 3890: 2009 Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng.

+ TCVN 7441: 2004 Hệ thống cung cấp khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại nơi tiêu thụ - yêu cầu thiết kế, lắp đặt và vận hành.



- Đối với khu vực hội trường, giảng đường, phòng học

+ Hệ thống điện trong khu vực hội trường, phòng học, giảng đường phải được tính toán lắp đặt hợp lý, có các thiết bị bảo vệ. Cần lưu ý tính toán đến việc sử dụng thiết bị điện của học sinh, sinh viên như máy tính, điện thoại bởi tập hợp những phụ tải này không phải là nhỏ, có thể gây hiện tượng quá tải.

+ Trong mỗi hội trường, giảng đường, phòng học phải có nội quy PCCC và nội quy này phải được quá triệt tới các đối tượng sử dụng.

+ Yêu cầu đối tượng sử dụng phải kiểm tra ngắt hết điện trước khi đóng cửa. Lực lượng bảo vệ nhà trường có trách nhiệm kiểm tra lại.

+ Trang bị các bình khí CO2, bình bột chữa cháy tại khu vực sân khấu, hội trường, giảng đường, phòng học, khu vực có các bảng phân phối điện, có hệ thống chữa cháy vách tường, hệ thống màn ngăn cháy.

+ Giả định tình huống cháy và tổ chức luyện tập, đảm bảo các em nhỏ không bị hoảng loạn khi có cháy xảy ra.

+ Xây dựng hệ thống nội quy chuyên biệt cho hội trường, giảng đường, phòng học.

- Đối với phòng thí nghiệm, thực nghiệm

+ Tại các phòng thì nghiệm phải có các quy trình thí nghiệm, trong quy trình nêu rõ những công đoạn thí nghiệm có nguy hiểm cháy, nổ.

+ Các thiết bị thí nghiệm, các loại hóa chất phải được kê lên giá, kệ. Trên mỗi thiết bị đựng hóa chất phải có các ký hiệu cụ thể, trong đó có các ký hiệu quy định tính nguy hiểm cháy, nổ.

+ Hệ thống điện chiếu sáng và sử dụng làm thí nghiệm, thực nghiệm phải an toàn phải được tính toán, có thiết bị bảo vệ trên mỗi hệ thống.

+ Cần trang bị các loại bình khí CO2 và bột chữa cháy phù hợp cho từng bộ thí nghiệm, thực nghiệm.

+ Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động cho các phòng thí nghiệm, thực nghiệm.

+ Cán bộ hướng dẫn thí nghiệm, cán bộ trông coi phòng thí nghiệm phải có kiến thức về PCCC; nắm, hiểu rõ quy trình về PCCC. Sinh viên trước khi làm thí nghiệm phải được phổ biến về quy định an toàn PCCC.

+ Tại mỗi phòng thí nghiệm, thực nghiệm phải có nội quy quy định PCCC



- Đối với phòng máy vi tính

+ Tại các phòng máy tính phải có nội quy quy định việc sử dụng máy tính trong học tập, nghiên cứu.

+ Có chế độ kiểm tra định kỳ phát hiện những khuyết tật có thể dẫn đến sự cố phát sinh nguồn nhiệt gây cháy của hệ thống thiết bị máy tính và hệ thống thiết bị điện.

+ Khi lắp đặt thêm các thiết bị điện như máy tính, điều hòa, máy hút ẩm… phải tính toán đến khả năng chịu tải của dây dẫn.

+ Cần trang bị các loại bình khí CO2 và bột chữa cháy.

+ Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động cho phòng máy tính.

+ Cán bộ quản lý phòng máy tính phải có kiến thức về PCCC; nắm, hiểu rõ quy trình về PCCC. Sinh viên trước khi sử dụng phải được phổ biến về quy định an toàn PCCC.

+ Tại mỗi phòng máy tính phải có quy định an toàn PCCC.



- Đối với thư viện

Đối với thư viện, hiện có nhiều văn bản quy định về công tác PCCC, trong đó có một số nội dung cụ thể như sau:

+ Tài liệu trong thư viện phải được sắp xếp lên giá, kệ. Các giá sách phải sắp xếp cách xa các bóng điện ít nhất là 0,6m.

+ Nghiêm cấm việc đun nấu, thắp hương thờ cúng, hút thuốc hoặc sử dụng ngọn lửa trần trong thư viện.

+ Hệ thống điện trong thư viện phải an toàn. Hệ thống điện của phòng đọc phải được tính toán đến các thiết bị phụ tải như máy tính, máy chiếu…

+ Trong thư viện cần lắp đặt hệ thống báo cháy tự động.

+ Trang bị các bình chữa cháy, hệ thống chữa cháy vách tường trong thư viện, đặc biệt trang bị hệ thống chữa cháy tự động chất chữa cháy khí cho khu vực kho tài liệu.

+ Phải có nội quy PCCC. Nội quy này phải được phổ biến cụ thể đến cán bộ trông coi quản lý thư viện cũng như người đọc trong thư viện.



- Đối với khu vực ký túc xá của sinh viên

+ Tất cả các sinh viên khi đến ở ký túc xá phải được học tập quy chế của ký túc xá, nội quy PCCC. Khi vào ở phải ký cam kết thực hiện PCCC.

+ Hệ thống điện trong ký túc xá phải an toàn, có tính toán đến các thiết bị phụ tải như máy tính, đèn chiếu sáng phục vụ học tập của sinh viên. Phải có cán bộ có chuyên môn thường xuyên kiểm tra việc sử dụng điện trong khu vực ký túc xá.

+ Nghiêm cấm việc đun, nấu phục vụ sinh hoạt trong ký túc xá.

+ Tổ chức sinh viên thành lập các đơn vị PCCC cơ sở của ký túc xá. Yêu cầu tối thiểu mỗi phòng phải có một người biết sử dụng phương tiện PCCC, kiến thức PCCC.

+ Trang bị các bình chữa cháy, hệ thống chữa cháy vách tường cho khu vực ký túc xá.

+ Phải có nội quy PCCC. Nội quy PCCC bao gồm nội quy PCCC chung và nội quy PCCC cho từng phòng ở trong ký túc xá.

- Đối với khu vực bếp ăn, căng tin

+ Tại các bếp ăn, căng tin phải có các nội quy, quy định về PCCC, quy trình vận hành đường ống khí dầu mỏ hóa lỏng.

+ Khu vực để bình chứa khi dầu mỏ hóa lỏng phải thông thoáng, cao hon khu vực xung quanh, có tường bảo vệ. Thường xuyên kiểm tra khả năng chịu áp, hệ thống van khóa của đường ống cấp khí.

+ Hệ thống điện chiếu sáng và sử dụng đun nấu phải được tính toán, có thiết bị bảo vệ trên mỗi hệ thống.

+ Cần trang bị các loại bình khí CO2 và bột chữa cháy phù hợp cho từng khu vực trong bếp ăn, căng tin.

+ Người làm việc ở khu vực bếp ăn phải có kiến thức PCCC, sử dụng thành thạo các phương tiện PCCC.

+ Tại mỗi bếp ăn, căng tin phải có quy định an toàn PCCC.

- Đối với khu vực ga ra xe

+ Lực lượng bảo vệ phải thường xuyên canh gác, giám sát các xe trong khu vực ga ra. Kiểm tra tình trạng chủ xe quên chìa khóa trên xe. Chủ động xử lý tình huống phát sinh cháy nổ trong ga ra xe.

+ Hệ thống điện phải an toàn phải được tính toán, có thiết bị bảo vệ trên mỗi hệ thống.

+ Cần trang bị các loại bình bột chữa cháy trong ga ra xe, treo ở vị trí dễ thấy, dễ lấy.

+ Kẻ vạch, phân ô xe trong ga ra đảm bảo lối đi lại thuận lợi.

+ Khi cho xe vào ga ra, bảo vệ cần quan sát, đánh giá nguy hiểm cháy của từng xe. Sau .

+ Tại mỗi ga ra xe phải có quy định an toàn PCCC.

Ngoài các khu vực cơ bản trên trong các trường còn có khu vực làm việc của cán bộ, giáo viên, khu vực lao động sản xuất thực nghiệm và câu lạc bộ văn hoá sinh viên… Ở các khu vực này cũng có những nguy hiểm về cháy cần có những biện pháp PCCC phù hợp cho từng khu vực. Lực lượng nòng cốt tổ chức thực hiện công tác PCCC trong các trường là lực lượng bảo vệ của trường và trưởng các cụm bộ phận. Lực lượng bảo vệ làm tham mưu, giúp ban lãnh đạo nhà trường thực hiện công tác PCCC trong toàn trường, cụ thể là:

- Căn cứ vào các quy định chung về PCCC của Nhà nước, địa phương, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ý kiến chỉ đạo của Hiệu trưởng, xây dựng kế hoạch, phương án PCCC chung cho toàn trường.

- Hướng dẫn cho các đơn vị trong trường, các phòng, khoa, bộ môn xây dựng các quy định PCCC cụ thể, áp dụng cho bộ phận công tác của mình.

- Tổ chức huấn luyện lực lượng PCCC nghĩa vụ ở từng khoá, từng khoa, từng bộ môn, phòng.

- Đề xuất mua sắm trang bị các phương tiện, dụng cụ PCCC cần thiết để trang bị có các khu vực trong trường.

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn PCCC của cán bộ giáo viên, công nhân viên và sinh viên trong toàn trường. Có kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm.

- Lập các phương án PCCC tại chỗ, tổ chức, tập luyện sẵn sàng chữa cháy. Khi có cháy phải nhanh chóng phát lệnh báo động, huy động lực lượng PCCC phục vụ dập lửa, báo ngay cho đội chữa cháy chuyên nghiệp đến chi viện, triển khai việc bảo vệ khu vực cháy và bảo vệ toàn trường.

- Lực lượng bảo vệ các trường cần được tập huấn về nghiệp vụ PCCC thường xuyên, có sự phối hợp công tác chặt chẽ với lực lượng PCCC chuyên nghiệp và có sự chỉ đạo của ban lãnh đạo trường.

- Khi có cháy xảy ra phải chủ đông thực hiện nhiệm vụ chữa cháy. Triển khai toàn bộ lực lượng, phương tiện chữa cháy hiện có để chủ động khống chế dập tắt đám cháy.






Каталог: Resources -> Documents -> 2014
2014 -> NỘi dung tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy nhà cao tầNG
2014 -> DỰ thảo tuyên truyền về CÔng tác phòng cháy và chữa cháY ĐỐi với các vũ trưỜNG, TỤ ĐIỂm biểu diễn nghệ thuậT
Documents -> Của Bộ Xây dựng số 13/2006/QĐ-bxd ngày 19 tháng 04 năm 2006 Về việc ban hành tcxdvn 361 : 2006 " Chợ Tiêu chuẩn thiết kế " BỘ trưỞng bộ XÂy dựNG
Documents -> 20 tcn 33 1985 CẤp nưỚc mạng lưỚi bên ngoài và CÔng trình tiêu chuẩn thiết kế
2014 -> BẢn dự thảo chuyêN ĐỀ tuyên truyền về CÔng tác pccc
2014 -> NỘi dung tuyên truyền công tác pccc các vũ trưỜNG, TỤ ĐIỂm biểu diễn nghệ thuậT
Documents -> NHÀ MÁy sản xuất bình xịt thuốc diệt côn trùng aerosol

tải về 125.77 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương