CÔng đOÀn ngân hàng việt nam



tải về 143.26 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích143.26 Kb.
#13302

TỔNG LIÊN ĐOÀN LĐVN

CÔNG ĐOÀN NGÂN HÀNG VIỆT NAM

Số: 68 / CĐNH

V/v cung cấp Đề cương gợi ý trả lời câu hỏi

cuộc thi tìm hiểu NHVN - 60 năm XD & PT



CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2011


Kính gửi: - Ban Thường vụ các Công đoàn chuyên ngành

- Ban Chấp hành các CĐCS trực thuộc Công đoàn NHVN
Để giúp cho đoàn viên, lao động trong Ngành có tư liệu tham khảo để tham gia cuộc thi tìm hiểu "Ngân hàng Việt Nam - 60 năm xây dựng và phát triển", Thường trực Ban Tổ chức cuộc thi tìm hiểu - Công đoàn NHVN cung cấp Đề cương gợi ý trả lời câu hỏi cho các đơn vị (có Đề cương kèm theo).

Các đơn vị và cá nhân có thể tìm hiểu trên Chuyên mục Công đoàn NHVN (thuộc Website Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Đề nghị các đơn vị thành lập Ban Tổ chức đồng cấp, triển khai cuộc thi đến đoàn viên, lao động; căn cứ vào Đề cương gợi ý, xây dựng đáp án chấm thi và gửi bài về Công đoàn NHVN theo số lượng và thời hạn đã qui định.

Các ý kiến liên quan, liên hệ về Ban Tuyên giáo Công đoàn NHVN, tel. 043 8517038, máy lẻ 32; đ/c Nguyễn Thị Kiên Định - Trưởng Ban Tuyên giáo, mobile: 0947 278688; đ/c Phạm Liên - Chuyên viên Ban Tuyên giáo, mobile: 0989 114141.




Nơi nhận:

- Như trên;

- Các đơn vị thuộc NHNNVN;

- Các tổ chức tín dụng, BHTGVN

và các hiệp hội trong Ngành;

- Đ/c Nguyễn Đồng Tiến, PTĐ NHNN,

Chủ tịch CĐNHVN (để báo cáo);

- Các đ/c PCT CĐNHVN (để chỉ đạo);

- Đ/c Nguyễn Đăng Luân - Trưởng Ban

liên lạc hưu trí ngành Ngân hàng;

- Đ/c Nguyễn Hữu Mẫn - Trưởng Ban

liên lạc hưu trí Công đoàn NHVN;

- Các Ban CĐNHVN;

- Lưu TG, VT.



TM. BAN THƯỜNG VỤ

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Đã ký
Nguyễn Văn Tân


ĐỀ CƯƠNG GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI

Cuộc thi tìm hiểu "Ngân hàng Việt Nam - 60 năm xây dựng và phát triển"
Câu hỏi 1: Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh nào? Thành lập ngày, tháng, năm nào? Theo văn bản nào? Do ai ký? Vì sao Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước VN. Việc đổi tên được căn cứ vào văn bản nào?

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, Việt Nam là nước thuộc địa nửa phong kiến dưới sự thống trị của thực dân Pháp. Hệ thống tiền tệ, tín dụng ngân hàng được thiết lập và hoạt động  chủ yếu phục vụ chính sách thuộc địa của Nhà nước Pháp ở Việt Nam. Trong suốt thời kỳ thuộc địa, sự hình thành và phát triển của hệ thống tiền tệ, tín dụng đều do Chính phủ Pháp xếp đặt, bảo hộ thông qua Ngân hàng Đông Dương. Thực chất, Ngân hàng Đông Dương hoạt động với tư cách là một Ngân hàng phát hành Trung ương, đồng thời là một ngân hàng kinh doanh đa năng bao gồm các nghiệp vụ ngân hàng thương mại và nghiệp vụ đầu tư.

Sau Cách mạng tháng 8, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền cách mạng là phải từng bước xây dựng nền tiền tệ độc lập, tự chủ, công cụ quan trọng của chính quyền để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiệm vụ này dần trở thành hiện thực khi bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam ngày một tiến triển mạnh mẽ với những chiến thắng vang dội trên khắp các chiến trường và vùng giải phóng không ngừng được mở rộng. Sự chuyển biến của cục diện cách mạng đòi hỏi công tác kinh tế, tài chính phải được củng cố và phát triển theo yêu cầu mới.

Đại hội Đảng lần thứ II (tháng 2/1951) đã đề ra những chủ trương, chính sách mới về tài chính - kinh tế, trong đó chính sách tài chính có nội dung cơ bản là: chính sách tài chính phải kết hợp chặt chẽ với chính sách kinh tế, tăng thu trên cơ sở đẩy mạnh tăng gia sản xuất; giảm chi bằng cách tiết kiệm, thực hiện dân chủ hóa chế độ thuế, qui định rõ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; thành lập Ngân hàng Quốc gia, phát hành đồng bạc mới để ổn định tiền tệ, cải tiến chế độ tín dụng.

Trên cơ sở đó, ngày 6 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam với các nhiệm vụ chủ yếu là: Quản lý việc phát hành giấy bạc và tổ chức lưu thông tiền tệ, quản lý Kho bạc nhà nước, thực hiện chính sách tín dụng để phát triển sản xuất, phối hợp với mậu dịch để quản lý tiền tệ và đấu tranh tiền tệ với địch.

Sau khi hoàn thành căn bản công cuộc cải tạo, quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa được thiết lập và chiếm địa vị chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, miền Bắc bước vào thời kì công nghiệp hóa đất nước.

Nhằm phát huy tốt hơn vai trò của ngân hàng, ngày 26/10/1961, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 171/CP đổi tên Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời qui định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Câu hỏi 2: Nêu rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?

* Vị trí, chức năng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và chức năng Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

* Nhiệm vụ, quyền hạn.

1. Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội ; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Ngân hàng Nhà nước đã được phê duyệt và các dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, năm năm, hàng năm; chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động và các dự án, công trình quan trọng thuộc lĩnh vực ngân hàng; dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.

3. Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị thuộc lĩnh vực quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

4. Chỉ thị, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án, công trình quan trọng thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước đã được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.

5. Xây dựng dự án chính sách tiền tệ quốc gia, trình Chính phủ để trình Quốc hội; sử dụng lãi suất, tỷ giá, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; trình Chính phủ đề án phát triển hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

6. Cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định; cấp, thu hồi giấy phép hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác; quyết định giải thể, đổi tên và chấp thuận việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tín dụng; hướng dẫn về các điều kiện thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

7. Kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng; kiểm soát tín dụng; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật.

8. Về quản lý ngoại hối:

a) Quản lý các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật;

b) Xác định Dự trữ ngoại hối Nhà nước; kiểm soát Dự trữ quốc tế;

c) Xác định tỷ giá giữa Việt Nam đồng và ngoại tệ; tổ chức và phát triển thị trường ngoại tệ; xây dựng cơ chế tỷ giá trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

9. Về xây dựng cán cân thanh toán quốc tế:

a) Thu nhập, tổng hợp, lập, dự báo và theo dõi việc thực hiện cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam; báo cáo tình hình thực hiện cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam theo quy định của pháp luật.

b) Làm đầu mối cung cấp số liệu cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam cho các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

10. Về quản lý việc vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng và cá nhân theo quy định của pháp luật:

a) Thực hiện quản lý nhà nước đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức khác thuộc khu vực công; giám sát, theo dõi việc vay, trả nợ nước ngoài của khu vực tư nhân; hướng dẫn và kiểm tra việc bảo lãnh vay nước ngoài của các ngân hàng thương mại và của các tổ chức khác được phép cấp bảo lãnh vay nước ngoài theo quy định của pháp luật;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hạn mức vay thương mại nước ngoài hàng năm của các doanh nghiệp, tổ chức khác thuộc khu vực công và dự báo mức vay nước ngoài hàng năm của khu vực tư nhân trong cả nước gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành hạn mức vay thương mại nước ngoài hàng năm của doanh nghiệp, tổ chức khác đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

d) Tổng hợp tình hình vay, trả nợ nước ngoài hàng năm của các doanh nghiệp, tổ chức khác thuộc khu vực công và khu vực tư nhân; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính để tổng hợp chung tình hình về vay, trả nợ nước ngoài hàng năm của cả nước;

đ) Hướng dẫn và tổ chức việc đăng ký các khoản vay nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức khác thuộc khu vực công và khu vực tư nhân (kể cả các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh);

e) Giám sát các luồng tiền tệ liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài phục vụ cho việc tổng hợp cán cân thanh toán quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ và quản lý ngoại hối;

g) Thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về rủi ro từ nợ của khu vực doanh nghiệp;

h) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác về quản lý vay, trả nợ nước ngoài theo quy định của pháp luật.

11. Về quản lý cho vay và thu hồi nợ nước ngoài của Chính phủ, tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng:

a) Phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức, nguồn vốn, hình thức, đối tượng, cơ chế quản lý cho vay và thu hồi nợ nước ngoài của Chính phủ;

b) Quy định điều kiện, đối tượng, hình thức và cơ chế quản lý cho vay, thu hồi nợ nước ngoài đối với người cư trú là tổ chức tín dụng;

c) Quy định điều kiện, thủ tục, quy trình cấp phép và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép người cư trú là tổ chức kinh tế cho vay, thu hồi nợ nước ngoài;

d) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác về cho vay và thu hồi nợ nước ngoài theo quy định của pháp luật.

12. Về đàm phán, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế về tiền tệ và hoạt động ngân hàng:

a) Phối hợp với các cơ quan có liên quan chuẩn bị nội dung, tiến hành đàm phán, ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế theo ủy quyền của Chính phủ về ODA với Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (Asian Develoment Bank – ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund – IMF);

b) Tổng hợp theo định kỳ và thông báo cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan về tình hình rút vốn và thanh toán thông qua hệ thống tài khoản của các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA mở tại các ngân hàng.

13. Đại diện cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các ngân hàng và tổ chức tiền tệ quốc tế theo ủy quyền của Chủ tịch nước, Chính phủ:

a) Thực hiện chức năng thành viên tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư quốc tế (International Investment Bank – IIB), Ngân hàng Hợp tác kinh tế quốc tế (International Bank For Economic Cooperation – IBEC);

b) Làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện điều lệ, chính sách của IMF, WB, ADB, IIB, IBEC và các chương trình ổn định kinh tế vĩ mô do IMF, WB, ADB thực hiện tại Việt Nam; cung cấp thông tin, số liệu định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của các tổ chức nêu trên; đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chính sách và biện pháp để phát triển và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức nêu trên.

14. Về việc thực hiện các nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương:

a) Tổ chức in, đúc, bảo quản, vận chuyển tiền; thực hiện nghiệp vụ phát hành, thu hồi, thay thế và tiêu hủy tiền;

b) Thực hiện tái cấp vốn để cung ứng tín dụng ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho nền kinh tế;

c) Điều hành thị trường tiền tệ; thực hiện nghiệp vụ thị trường mở;

d) Tổ chức hệ thống thanh toán qua ngân hàng; quản lý nhà nước đối với hoạt động thanh toán; cung ứng dịch vụ thanh toán; tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích, mở rộng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Làm đại lý và thực hiện các dịch vụ ngân hàng cho Kho bạc Nhà nước;

e) Tổ chức hệ thống thông tin và cung ứng dịch vụ thông tin ngân hàng; quản lý các tổ chức hoạt động thông tin tín dụng; phân tích xếp hạng tín dụng doanh nghiệp Việt Nam;

g) Thực hiện các nghiệp vụ khác của Ngân hàng Trung ương.

15. Quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền; thẩm định và kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng theo quy định của pháp luật.

16. Quản lý tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật; được sử dụng các khoản trích từ nguồn thu hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ về ngoại hối, tiền tệ và hoạt động ngân hàng để phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

17. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật.

18. Tổ chức và chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực ngân hàng theo quy định của pháp luật.

19. Quyết định các chủ trương, biện pháp cụ thể và chỉ đạo thực hiện cơ chế hoạt động của các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; quản lý và chỉ đạo hoạt động đối với các tổ chức sự nghiệp thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

20. Thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước:

a) Xây dựng đề án thành lập, sắp xếp, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo thực hiện sau khi đề án được phê duyệt;

b) Phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng;

c) Trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm theo thẩm quyền các chức danh thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng nhà nước, doanh nghiệp nhà nước khác thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

21. Hướng dẫn và kiểm tra hoạt động của hội, tổ chức phi chính phủ trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước; xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của hội, tổ chức phi Chính phủ theo quy định của pháp luật.

22. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thuộc thẩm quyền; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật.

23. Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của Ngân hàng Nhà nước theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; quyết định và chỉ đạo đổi mới phương thức làm việc, hiện đại hóa công sở và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.

24. Quản lý ngạch công chức, viên chức chuyên ngành thuộc lĩnh vực ngân hàng;

a) Tổ chức thi nâng ngạch viên chức; ban hành tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch viên chức được phân công, phân cấp quản lý theo quy định của pháp luật;

b) Xây dựng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức thuộc lĩnh vực ngân hàng để Bộ Nội vụ ban hành.

25. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, chế độ nghỉ hưu, khen thưởng, kỷ luật, tiền lương và các chế độ chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

26. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế về tiền lương, tuyển dụng và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với đặc thù của Ngân hàng Nhà nước.

27. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.



Câu hỏi 3: Bác Hồ đã có thư gửi cán bộ Ngân hàng ngày, tháng, năm nào? Theo đồng chí, đoạn nào trong nội dung bức thư thể hiện là lời dạy quan trong nhất của Bác đối với cán bộ làm công tác kinh tế tài chính?

Bác Hồ đã gửi thư cho cán bộ ngân hàng nhân dịp Hội nghị cán bộ ngân hàng ngày 23 tháng 2 năm 1952.



Trong bức thư, đoạn thể hiện lời dạy quan trọng nhất của Bác đối với cán bộ làm công tác kinh tế tài chính là:

"Một điểm nữa, cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lí tiền của ấy. Cho nên, chúng ra phải ra sức học tập quản lí tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mạng: chí công vô tư, cần kiệm liêm chính, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà phê bình và tự phê bình để tẩy trừ những thói tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu để cùng nhau tiến bộ".

Câu hỏi 4: Kể từ khi thành lập đến nay, có bao nhiêu đồng chí được giữ chức vụ cao nhất của Ngành. Hãy nêu rõ họ, tên và thời gian giữ chức vụ của từng đồng chí?

STT

Tên

Thời gian giữ chức vụ

Chức vụ

Từ

Đến

  1. 1

Đ/c Nguyễn Lương Bằng

tháng 5/1951

tháng 4/1952

Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam

  1. 2

Đ/c Lê Viết Lượng

tháng 5/1952

tháng 7/1964

Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam

  1. 3

Đ/c Tạ Hoàng Cơ

tháng 8/1964

1974

Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN)

  1. 4

Đ/c Đặng Việt Châu

1974

1976

Phó Thủ tướng, kiêm Tổng Giám đốc NHNNVN

  1. 5

Đ/c Hoàng Anh

1976

tháng 3/1977

Tổng Giám đốc NHNNVN

  1. 6

Đ/c Trần Dương

tháng 4/1977

tháng 2/1981

Tổng Giám đốc NHNNVN

  1. 7

Đ/c Nguyễn Duy Gia

tháng 3/1981

tháng 6/1986

Tổng Giám đốc NHNNVN

  1. 8

Đ/c Lữ Minh Châu

tháng 7/1986

tháng 5/1989

Tổng Giám đốc NHNNVN

  1. 9

Đ/c Cao Sỹ Kiêm

tháng 6/1989

tháng 10/1997

Thống đốc NHNNVN

  1. 10

Đ/c Đỗ Quế Lượng

1997

1998

Quyền Thống đốc NHNNVN

  1. 11

Đ/c Nguyễn Tấn Dũng

tháng 5/1998

tháng 12/1999

Phó Thủ tướng, kiêm Thống đốc NHNNVN

  1. 12

Đ/c Lê Đức Thuý

tháng 12/1999

tháng 8/2007

Thống đốc NHNNVN

  1. 12

Đ/c Nguyễn Văn Giàu

tháng 8/2007

nay

Thống đốc NHNNVN đương nhiệm

Câu hỏi 5: Năm Mậu Thân 1968, có bao nhiêu cán bộ ngành Ngân hàng được cử vào miền Nam làm nhiệm vụ Ngân tín? Đồng chí lãnh đạo cao nhất của Ngành được cử vào đó là ai?

Tết Mậu Thân năm 1968, chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt toàn miền Nam, đoàn cán bộ Ngân hàng do đồng chí Trần Dương, lúc đó là Phó Tổng giám đốc, cùng với 268 cán bộ ngân hàng, đã lên đường vượt Trường Sơn vào các chiến trường miền Nam, vừa chiến đấu vừa làm nhiệm vụ ngân tín.



Câu hỏi 6: Hãy cho biết những thành tựu quan trọng, nổi bật của Ngân hàng Việt Nam qua từng thời kì? Mục tiêu, định hướng quan trọng nhất của ngành Ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo là gì?

(Câu hỏi được chỉnh sửa, bỏ phần định hướng đổi mới hoạt động qua từng thời kì).



1. Thời kì 1951- 1954.  Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập và hoạt động độc lập tương đối trong hệ thống tài chính. Trong thời kì này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những thành tựu quan trọng, nổi bật:

- Phát hành giấy bạc Ngân hàng, thu hồi giấy bạc Tài chính và củng cố hệ thống tiền tệ độc lập, tự chủ của nước nhà. Tổ chức phát hành tiền và quản lí lưu thông tiền tệ, đấu tranh đẩy lùi lạm phát nhằm củng cố sức mua của đồng tiền.

- Thực hiện quản lý Kho bạc Nhà nước góp phần tăng thu, tiết kiệm chi, thống nhất quản lý thu chi ngân sách.

- Phát triển tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, tăng cường lực lượng kinh tế quốc doanh.

- Quản lí ngoại hối và đấu tranh tiền tệ với địch.

2. Thời kì 1955-1975. Đây là thời kì cả nước kháng chiến chống Mỹ, miền Bắc vừa xây dựng, chiến đấu, vừa chi viện cho cách mạng giải phóng miền Nam. Hoạt động của Ngân hàng Quốc gia chuyển sang một giai đoạn mới.

- Giai đoạn tiếp quản vùng giải phóng và khôi phục kinh tế sau chiến tranh: Phát hành tiền ta, thu đổi tiền địch trong vùng mới giải phóng, thiết lập thị trường tiền tệ duy nhất trên miền Bắc, thu hồi tiền ta ở miền Nam.

Phát hành và điều hòa lưu thông tiền tệ, ổn định giá trị đồng tiền; phát triển tín dụng ngân hàng, phục vụ khôi phục kinh tế và tăng cường kinh tế quốc doanh; mở rộng huy động tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi tư nhân và tăng nguồn vốn quản lí để phát triển cho vay, giảm bớt nguồn vốn phát hành.

- Giai đoạn cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa (1958 - 1960): Thu đổi tiền tệ cũ, phát hành tiền mới và quản lí, điều hòa lưu thông tiền tệ phục vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Phát triển và mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, xác định vai trò trung tâm thanh toán của ngân hàng.

Tín dụng ngân hàng phục vụ công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và tăng cường phát triển kinh tế quốc doanh.

Tăng cường nguồn vốn quản lí, huy động, thay đổi cơ cấu nguồn vốn theo hướng giảm vốn phát hành trong hoạt động tín dụng.

Đẩy mạnh quản lí, kinh doanh ngoại hối, mở rộng thanh toán và tín dụng quốc tế, thực hiện chính sách nhà nước thống nhất quản lí, kinh doanh vàng bạc.

Phát triển hệ thống tổ chức, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ.

- Giai đoạn từ năm 1961 - 1975: Quản lí tiền tệ, phấn đấu củng cố sức mua của đồng tiền; tín dụng ngân hàng phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ cứu nước; quản lí và huy động vốn để đáp ứng yêu cầu mở rộng cho vay; thanh toán không dùng tiền mặt; công tác quản lí ngoại hối, thanh toán và tín dụng quốc tế cũng phục vụ tích cực công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế.



3. Thời kì 1975-1985: Là giai đoạn khôi phục kinh tế sau chiến tranh giải phóng và thống nhất nước nhà.

- Xây dựng hệ thống ngân hàng mới của chính quyền cách mạng và thanh lí hệ thống ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam. Xây dựng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống nhất trong cả nước.

- Cải tiến và mở rộng tín dụng; chú trọng công tác quản lí và huy động vốn; thu hồi tiền cũ, phát hành tiền mới, quản lí lưu thông tiền tệ thống nhất trong cả nước; thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường quản lí ngoại hối và mở rộng quan hệ thanh toán, tín dụng quốc tế trong giai đoạn mới (cả trong thời kì kế hoạch 5 năm lần thứ hai 1976 - 1980 và kế hoạch 5 năm lần thứ ba 1981 - 1985).

4. Thời kì 1986 đến nay: Là quá trình đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống Ngân hàng Việt Nam:

- Giai đoạn bước đầu đổi mới, 1986 - 1989: Thực hiện thí điểm cơ chế hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa; thành lập các ngân hàng chuyên doanh, chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh (Ngân hàng Công thương TP Hồ Chí Minh).

Ngân hàng Nhà nước ban hành các thể lệ chung về tín dụng, tiền mặt, thanh toán… áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống ngân hàng.

- Giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống ngân hàng, từ 1990 đến nay:

Đổi mới mô hình tổ chức hệ thống ngân hàng thành hệ thống ngân hàng 2 cấp. Ra đời 2 pháp lệnh: Pháp lệnh về Ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh về Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính (5/1990 Hội đồng Nhà nước thông qua và có hiệu lực từ 10/1990). Hai Pháp lệnh đã tách bạch chức năng Ngân hàng Nhà nước là Ngân hàng Trung ương, có chức năng quản lí nhà nước đối với hệ thống ngân hàng; chức năng kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng thuộc về các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Tạo lập một hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh tiền tệ và cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật.

Bước đầu hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường (về chính sách tín dụng, chính sách đối với ngân sách nhà nước, chính sách quản lí ngoại hối); lựa chọn các công cụ vĩ mô điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với khả năng và điều kiện của Việt Nam; xây dựng hệ thống quản lí, giám sát các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng; từng bước hiện đại hóa công nghệ ngân hàng; tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp đổi mới ngân hàng.

Quan hệ hợp tác giữa Việt nam và cộng đồng tài chính quốc tế (Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á) được tái lập và khơi thông (tháng 10/1993).

Ngày 2/12/1997, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa X chính thức thông qua và có hiệu lực thi hành từ  ngày 1/10/1998.

Ngày 16/6/2010 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa XII chính thức thông qua và có hiệu lực thi hành từ  ngày 01/01/2011. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là Ngân hàng trung ương của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng Ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ. Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm sự an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.



Mục tiêu, định hướng quan trọng nhất của ngành Ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo:

- Mục tiêu phát triển Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Đổi mới tổ chức và hoạt động của NHNN để hình thành bộ máy tổ chức tinh gọn, chuyên nghiệp, có đủ nguồn lực, năng lực xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường dựa trên cơ sở công nghệ tiên tiến, thực hiện các thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng trung ương, hội nhập với cộng đồng tài chính quốc tế, thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đồng thời tạo nền tảng đến sau năm 2010 phát triển NHNN trở thành ngân hàng trung ương hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của các ngân hàng trung ương trong khu vực châu Á.

Xây dựng và thực thi có hiệu quả CSTT nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Điều hành tiền tệ, lãi suất và tỷ giá hối đoái theo cơ chế thị trường thông qua sử dụng linh hoạt, có hiệu quả các công cụ CSTT gián tiếp. Ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng nhanh các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán qua ngân hàng. Nâng dần và tiến tới thực hiện đầy đủ tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam. CSTT tạo điều kiện huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực tài chính. Kết hợp chặt chẽ CSTT với chính sách tài khoá để định hướng và khuyến khích công chúng tiết kiệm, đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh.



- Mục tiêu phát triển các tổ chức tín dụng:

Cải cách triệt để và phát triển hệ thống các TCTD theo hướng đa năng, hiện đại, đa dạng về sở hữu và loại hình tổ chức, có quy mô lớn và hoạt động theo nguyên tắc thị trường với mục tiêu chủ yếu là lợi nhuận, áp dụng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế vào hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Cơ cấu lại hệ thống NHTM, tách bạch tín dụng chính sách và tín dụng thương mại, bảo đảm quyền kinh doanh của các tổ chức tài chính nước ngoài theo các cam kết song phương và đa phương đã ký kết với các nước và các tổ chức quốc tế, gắn cải cách ngân hàng với cải cách doanh nghiệp.

- Định hướng phát triển Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Nâng cao vị thế của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; cơ cấu lại tổ chức bộ máy của hệ thống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đổi mới điều hành chính sách tiền tệ, chính sách quản lý ngoại hối, phát triển hệ thống giám sát ngân hàng, đổi mới quản lý và phát triển nhân lực

- Định hướng phát triển các tổ chức tín dụng: có chiến lược phát triển các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần, các quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; có chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng.

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; phát triển công nghệ và hệ thống thanh toán ngân hàng.



Câu hỏi 7: Từ khi ra đời đến nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Đảng và Nhà nước phong tặng những danh hiệu cao quý nào? (nêu những phần thưởng Huân, Huy chương bậc cao).

Có bao nhiêu tập thể, cá nhân Ngành ngân hàng được phong tăng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang? Anh hùng lao động? kể tên những tập thể, cá nhân ấy.

I. HUÂN CHƯƠNG SAO VÀNG

Ngành Ngân hàng Việt Nam

II. HUÂN CHƯƠNG HỒ CHÍ MINH



Tập thể:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

2. Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam

3. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam



Cá nhân:

1. Ông Trần Dương, Nguyên Tổng Giám đốc NHNN Việt Nam

III. DANH HIỆU ANH HÙNG LAO ĐỘNG

1. Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam

2. Chi nhánh Ngân hàng No &PTNN tỉnh Đồng Nai

3. Chi nhánh Ngân hàng No &PTNN tỉnh Hà Tây

4. Chi nhánh Ngân hàng No &PTNN tỉnh An Giang

5. Chi nhánh Ngân hàng No &PTNN Việt Nam

6. Chi nhánh Ngân hàng Công thương khu vực Đống Đa

7. Chi nhánh Ngân hàng Công thương KCN Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

8.Chi nhánh Ngân hàng Công thương tỉnh Đồng Nai

9. Chi nhánh Ngân hàng No&PTNN huyện Quảng Xương, Thanh Hóa

10. Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Đồng Nai

11. Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Cần Thơ

12. Sở Giao dịch Ngân hàng ĐT &PT Việt Nam

IV. ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

1. Ban Tài chính Đặc biệt thuộc Trung ương Cục miền Nam (Bí số N2683) thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

2. Phòng B29 (Quỹ Đặc biệt) thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

V. HUÂN CHƯƠNG ĐỘC LẬP HẠNG NHẤT

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam

VI. HUÂN CHƯƠNG ĐỘC LẬP HẠNG NHÌ

Tập thể:

1. Học viện Ngân hàng

2. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam

3. Ngân hàng No&PTNN Việt Nam



Cá nhân:

1. Ông Nguyễn Sỹ Đông, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

2. Ông Trần Linh Sơn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

3. Ông Lê Đức, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

4. Ông Lê Hoàng (tức Huỳnh), nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

5. Ông Nguyễn Văn Chuẩn, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

6. Ông Lê Hồ, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

7. Bà Lê Thị Ngọt, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

8. Ông Lữ Minh Châu, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

9. Ông Phạm Học Lâm, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

VII. HUÂN CHƯƠNG ĐỘC LẬP HẠNG BA

Tập thể:

1. Học viện Ngân hàng

2. Ngân hàng Công thương Việt Nam

3. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam

4. Ngân hàng No&PTNN Việt Nam

5. Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh

6. Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT Hải Phòng

7. Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT Quảng Bình

8. Cục Công nghệ tin học Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

9. Chi nhánh Ngân hàng No&PTNN Hà Tây

10. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hà Nội.

Cá nhân:

1. Ông Chu Văn Nguyễn, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

2. Ông Nguyễn Ngọc Oánh, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

3. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

4. Ông Vũ Trung Nhung (tức Nguyễn Văn Bẩy) nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

5. Ông Nguyễn Cán (Hồng Tiến), nguyên Vụ trưởng, nguyên Phó Ban Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

6. Ông Huỳnh Kỳ Thanh (tức Ghi), Vụ trưởng, Ủy viên Ban cải tạo Ngân hàng và Kim khí, Đá quý, Ngọc trai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

7. Ông Lê Thanh Liêm, (tức Hoàng Tân), Vụ trưởng Vụ Kế toán và Quản lý Quỹ Ngân sách, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

8. Ông Lê Quang Nhường, Ngân hàng TMCP Sài Gòn.

VIII. HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG

Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho 311 tập thể, 520 cá nhân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO



1. 45 năm mùa sen nở.

2. Ngân hàng Việt Nam - quá trình xây dựng và phát triển.

3. Website Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

4. Quyết định 112/2006/QĐ-TTg ngày 24/5/2006 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.



5. Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26/8/2008 qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.




Каталог: Data -> Sites
Sites -> 06-1/tncn (Ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/tt-btc ngày 14/06/2007 của Bộ Tài chính) CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Sites -> 01/htbt (Ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/tt-btc ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính) ẫu số: 10/gtgt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Sites -> Mẫu I. 7 Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư
Sites -> Mẫu I. 8 Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh
Sites -> MẪu số 02 (ban hành kèm theo Thông tư số 06/2009/tt-bca-c11 ngày 11/3/2009 của Bộ Công an) CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Sites -> QUỐc hội cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Sites -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn bộ TÀi chính
Sites -> VĂn phòng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Sites -> ĐƠn xin đĂng ký biếN ĐỘng về SỬ DỤng đẤt kính gửi
Sites -> PHỤ LỤC 13 Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

tải về 143.26 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương