CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập-Tự do-Hạnh phúc



tải về 155.12 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích155.12 Kb.
#11092


ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH QUẢNG BÌNH


Số: 1763/QĐ-UBND



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập-Tự do-Hạnh phúc




Quảng Bình, ngày 26 tháng 7 năm 2011


QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2015



UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2010 -2015;

Căn cứ Nghị quyết số 160/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015 của tỉnh Quảng Bình;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 984/KHĐT-KT ngày 12 tháng 7 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.



Nơi nhận:

- Như điều 3;

- Ban T. vụ Tỉnh uỷ; (Báo cáo)

- Thường trực HĐND tỉnh;

- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;

- Ban T. vụ các huyện, thành phố;

- TT HĐND các huyện, thành phố;

- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;

- Lưu: VT, XDCB, CV VPUBND tỉnh.




TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

(Đã ký)


Nguyễn Hữu Hoài




ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH QUẢNG BÌNH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập-Tự do-Hạnh phúc


CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH QUẢNG BÌNH

GIAI ĐOẠN 2011-2015

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1763/QĐ-UBND ngày 26/7/2011 của UBND tỉnh Quảng Bình)

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, UBND tỉnh xây dựng Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 tỉnh Quảng Bình để chỉ đạo và điều hành thực hiện các hoạt động đầu tư và quản lý phát triển, làm căn cứ để các cấp, các ngành định hướng các hoạt động đầu tư của mình theo hướng đồng bộ, hiện đại.



Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ HẠ TẦNG KINH TẾ-XÃ HỘI

GIAI ĐOẠN 2006-2010

I. Kết quả đạt được

Trong những năm qua tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng ngày càng đồng bộ, đã huy động các nguồn lực và đa dạng nguồn vốn đầu tư từ nguồn vốn của Trung ương, nguồn vốn ODA, từ ngân sách địa phương; huy động sự đóng góp của người dân và các doanh nghiệp. Tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội thời kỳ 2006-2010 gần 10.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho hạ tầng kinh tế chiếm trên 70%, hạ tầng xã hội chiếm gần 30%. Tập trung ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực quan trọng như giao thông, thủy lợi, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Trong đó đã đặc biệt quan tâm đến các dự án cơ sở hạ tầng lớn tạo bước đột phá để phát triển kinh tế xã hội như sân bay, cảng biển Hòn La, hạ tầng Khu kinh tế, các dự án giao thông chiến lược, cấp nước, cấp điện, bưu chính viễn thông... tạo điều kiện thúc đẩy và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cụ thể như sau:



1.1. Hạ tầng kinh tế

a. Giao thông

Hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh từng bước được hình thành đồng bộ bao gồm đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Mạng lưới giao thông liên thôn, liên xã được quan tâm đầu tư, năm 2005 có 154/159 xã, đến năm 2010 có 100% số xã, phường, thị trấn có đường ôtô đến tận trung tâm xã. Hầu hết các tuyến đường quan trọng được đầu tư cải tạo, nâng cấp như: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 12A, Tỉnh lộ 570B (Tỉnh lộ 4 cũ), Tỉnh lộ 564 (Tỉnh lộ 10 cũ), Tỉnh lộ 563 (Tỉnh lộ 11 cũ), cầu Kiến Giang, cầu Nhật Lệ, cầu Quảng Hải, đường từ xã Quảng Sơn - Cao Quảng, đường về các xã Quảng Hải, Thuận Hóa, Liên Trạch, Ngư Hóa, Châu Hóa, các tuyến đường du lịch, đường nội thị. Nhiều công trình quan trọng khác của tỉnh được xây dựng và đưa vào sử dụng như: Sân bay Đồng Hới với năng lực 500.000 hành khách/năm, cảng Hòn La giai đoạn 1 cho tàu 10.000 - 20.000 tấn cập cảng; đã khôi phục, nâng cấp cảng Gianh cho tàu 1.000 tấn cập cảng với năng lực bốc xếp 100.000 tấn/năm... góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh trong giai đoạn 2006-2010. Nhiều công trình, dự án đang được triển khai xây dựng nhằm tạo tiền đề cho phát triển KT-XH nhanh hơn trong thời gian tới như: Tỉnh lộ 565 (Tỉnh lộ 16 cũ), đường và cầu về xã Văn Hoá, đường từ Khu kinh tế Hòn La đến khu xi măng tập trung Văn Hóa, Châu Hóa, Tiến Hóa, đường tỉnh lộ 562 (Tỉnh lộ 20 cũ), cầu Trung Quán, đường tránh nhà máy xi măng Sông Gianh, đường Mai Thủy-An Thủy,....



b. Nông nghiệp

- Trong 5 năm qua bằng nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách tập trung, vốn ODA, vốn dân đóng góp, hệ thống công trình thủy lợi, an toàn hồ đập trên địa bàn đã được nâng cấp, cải tạo. Nhiều công trình đã đưa vào sử dụng như: hồ Rào Đá, Sông Thai, Tiên Lang, Vực Sanh, cụm hồ chứa nước huyện Tuyên Hóa, Hệ thống thủy lợi tiểu vùng II Tả Kiến Giang. Một số công trình đang triển khai xây dựng như hồ Thác Chuối, Hệ thống thủy lợi Thượng Mỹ Trung, Hồ Tróoc Trâu, Vân Tiền, cụm công trình thủy lợi huyện Quảng Trạch,... Công suất tưới tiêu ngày càng tăng, tỷ lệ diện tích lúa được tưới chủ động năm 2006 chỉ đạt 80%, năm 2010 tăng lên 90,6%, trong đó diện tích lúa Đông Xuân tưới đạt gần 100% diện tích. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 123 hồ chứa, 65 đập dâng lớn nhỏ, 164 trạm bơm điện với tổng dung tích hồ đập gần 343 triệu m3 nước.

- Chương trình kiên cố hóa hệ thống kênh mương đã được quan tâm đầu tư bằng các nguồn vốn, trong 5 năm qua đã kiên cố hóa được trên 300km kênh mương, ngày càng đáp ứng tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp.

- Chương trình MTQG về nước sạch và VSMT nông thôn giai đoạn 2006-2010 toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều công trình ở miền núi, vùng sâu, phát huy tác dụng, đảm bảo phục vụ nước cho sinh hoạt cho dân cư, trên 540.000 người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, chiếm 73,2% dân số nông thôn toàn tỉnh.

- Trong 5 năm toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 10,183 km đê, trong đó đê biển 5,32km, đê, kè sông 4,86km, nâng tổng chiều dài các tuyến đê đã được xây dựng kiên cố lên 197 km.

- Đã xây dựng hoàn thành khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Gianh, quy mô 450 tàu, đảm bảo cho tàu cá trong vùng tránh trú bão an toàn.



c. Cấp, thoát nước

Hệ thống cấp nước tại thành phố Đồng Hới và một số huyện tiếp tục được đầu tư nâng cấp, công suất cấp nước ngày càng tăng. Đến nay hệ thống cấp nước ở các huyện, thành phố đang hoạt động và phát huy hiệu quả. Đang đầu tư hệ thống cấp nước khu vực Hòn La, Hệ thống cấp nước các xã Hiền, Xuân, Tân, An, Vạn Ninh huyện Quảng Ninh, Hệ thống cấp nước thị trấn Nông trường Việt Trung, Hệ thống cấp nước các xã vùng Nam huyện Quảng Trạch, cấp nước sinh hoạt xã Thanh Trạch; đồng thời chuẩn bị đầu tư hệ thống cấp nước thị trấn Hoàn Lão, cấp nước cho các xã miền núi khó khăn. Việc đầu tư hệ thống thoát nước và giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ nhiều nơi trong tỉnh đặc biệt là thành phố Đồng Hới cơ bản đáp ứng yêu cầu.



d. Điện lực

Điện lưới phát triển khá đồng bộ giữa nguồn và mạng. Mạng lưới truyền tải phát triển xuống tất cả các huyện thị, đến năm 2010 đã có 100% số xã có điện, trong đó 98,7% số xã có điện lưới quốc gia. Sản lượng điện cung ứng ngày càng tăng, năm 2005 đạt 202 triệu kWh, đến năm 2010 đạt trên 500 triệu kWh. Lưới điện khu vực đô thị tiếp tục được mở rộng, cải tạo, ngày càng đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị, nhất là ở thành phố Đồng Hới. Bên cạnh việc đầu tư mới, còn quan tâm đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống lưới cao thế, các trạm phân phối để mở rộng phạm vi cấp điện, đáp ứng nhu cầu cấp điện đến nơi sử dụng điện. Bằng các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA và các nguồn vốn khác đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo lưới điện hạ thế đến tận thôn bản, hộ gia đình ở vùng nông thôn, miền núi, đến năm 2010 có trên 97% hộ dân cư đã sử dụng điện lưới, mạng lưới điện ngày càng đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.



e. Thông tin và truyền thông

Mạng lưới bưu chính, viễn thông được phát triển nhanh, hiện đại và rộng khắp. Hạ tầng cung cấp dịch vụ ngày càng được mở rộng, dung lượng phục vụ ngày càng tăng và chất lượng thông tin liên lạc ngày càng được đảm bảo. Đến hết năm 2010, toàn tỉnh có 44 bưu cục, 91 điểm bưu điện văn hóa xã, 150 đại lý bưu chính chuyển phát, 870 trạm thu phát sóng thông tin di động, 124 trạm chuyển mạch PSTN và truy nhập DSLAM, 159/159 xã phường thị trấn có máy điện thoại cố định. Sóng điện thoại di động đã phủ hầu hết các địa bàn dân cư tập trung trong toàn tỉnh.

Hạ tầng công nghệ thông tin có những chuyển biến tích cực. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đến nay đã hoàn thành giai đoạn II; đã thiết lập, kết nối 65 sở, ngành, địa phương, bước đầu triển khai ứng dụng có hiệu quả.

1.2. Hạ tầng xã hội

a. Giáo dục đào tạo

Giáo dục - Đào tạo tiếp tục được tập trung đầu tư để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được mở rộng, cơ sở vật chất trường học được nâng lên đáng kể. Đặc biệt, trong 3 năm 2008-2010 thực hiện Chương trình KCH trường lớp học và nhà công vụ giáo viên đã kiên cố hóa được 792 phòng học và 501 phòng nhà công vụ giáo viên, góp phần đưa tỷ lệ phòng học được kiên cố trong toàn tỉnh đến năm 2010 lên 65%, có 205 trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay 100% số xã có trường Tiểu học, 95% số xã có trường THCS, mỗi huyện có từ 3 - 4 trường THPT, 1 trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, 1 trường Đại học, 2 trường Trung cấp chuyên nghiệp, 3 trường Trung cấp nghề, 4 Trung tâm dạy nghề các huyện.



b. Khoa học, công nghệ

Đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ quan khoa học và công nghệ, hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin trong đó ưu tiên đầu tư cho các phòng thí nghiệm của các ngành, các đơn vị.

Đến nay toàn tỉnh có 31 đơn vị nghiên cứu triển khai và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, có 18 phòng thí nghiệm đang hoạt động.

c. Y tế

Cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân được đầu tư đáng kể. Đã đầu tư xây dựng bệnh viện Y học cổ truyền tuyến tỉnh, đầu tư nâng cấp các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám khu vực; đầu tư xây dựng, nâng cấp các trạm y tế xã; đến năm 2010 có 114/159 xã (71,7%) trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Các bệnh viện tuyến huyện đã được nâng cấp và trang bị thiết bị khá hiện đại, phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trong vùng. Đến nay đã có 100% xã có trạm y tế, mỗi huyện có 01 bệnh viện và 1-2 phòng khám khu vực.



d. Văn hoá, thể thao

Các công trình phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao đã được quan tâm đầu tư, và từng bước thực hiện xã hội hóa trong đầu tư, nên thời gian quan đã đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ thể thao như: Sân vận động, bể bơi, sân quần vợt, nhà đa năng phục vụ nhu cầu luyện tập và thi đấu thể thao của tỉnh, huyện. Bên cạnh đó đã quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình phục vụ văn hóa như Trung tâm văn hóa tỉnh, Hồ thành Đồng Hới, Nhà Bảo tàng, Thư viện tỉnh… Phong trào xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao... ở các khu dân cư, thôn, xóm... phát triển mạnh, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động văn hóa, thể dục thể thao trên toàn tỉnh.



2. Phát triển hạ tầng đô thị và khu dân cư

Hệ thống hạ tầng đô thị được mở rộng, chỉnh trang theo quy hoạch được phê duyệt, bộ mặt đô thị ngày càng khởi sắc. Các công trình hạ tầng đã được quan tâm đầu tư mới cũng như nâng cấp, nhất là hệ thống giao thông, điện chiếu sáng, cấp nước, thông tin liên lạc đã từng bước hiện đại hóa và đầu tư đồng bộ, tỷ lệ đô thị hóa ngày càng được nâng lên: năm 2005 đạt 14% đến năm 2010 đạt 16%. Một số khu đô thị mới đang được quy hoạch và chuẩn bị đầu tư theo hướng hiện đại như: Nam đường Trần Hưng Đạo, khu Trung tâm văn hóa thể thao Đồng Hới, Bảo Ninh.



3. Phát triển hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp

Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, thời gian qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới và Khu công nghiệp cảng biển Hòn La, các dự án hạ tầng chủ yếu như đường giao thông, cấp điện, cấp nước đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng việc kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư.

- Hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới giai đoạn I đang được triển khai xây dựng. Hạ tầng Khu kinh tế Hòn La bước đầu đã được đầu tư, trong đó đã ưu tiên đầu tư hệ thống đường giao thông nội vùng, làm cơ sở xây dựng các công trình hạ tầng khác.

II. Tồn tại

- Chất lượng quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch đô thị chưa cao, điều chỉnh bổ sung nhiều lần làm ảnh hưởng đến việc bố trí vốn đầu tư phát triển hạ tầng và hoạt động đầu tư, gây lãng phí trong đầu tư.

- Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng một số công trình thấp, mới chỉ ưu tiên đầu tư các tuyến đường lớn, vùng trung tâm, các vùng khác còn lạc hậu. Hệ thống giao thông qua các đô thị, trong nội thị và qua các vùng trọng điểm chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế. Giao thông liên vùng chưa đảm bảo thông suốt trong mùa mưa nhất là ở các khu vực thường xuyên bị ngập lụt và khu vực miền núi.

- Các hồ chứa nước chưa được đầu tư hoàn chỉnh; chưa đồng bộ giữa công trình đầu mối và kênh dẫn. Các công trình thủy lợi tập trung chủ yếu cho việc tưới tiêu phục vụ cây lúa, chưa phục vụ tưới cho cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Hệ thống đê biển xuống cấp chưa đủ để chống đỡ các trận lụt và những cơn bão lớn.

- Hạ tầng cấp điện chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, chưa đồng bộ; Cấp nước sinh hoạt còn thiếu nhất là khu vực nông thôn, miền núi. Thiết bị xử lý nước cũ kỹ, lạc hậu, chất lượng nước một số nơi còn chưa đảm bảo. Cấp nước phục vụ cho sản xuất còn nhiều khó khăn nhất là cấp nước cho sản xuất công nghiệp; công tác quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả công trình sau đầu tư còn yếu.

- Hạ tầng bưu chính viễn thông phát triển tốc độ chưa cao, chưa có sự đồng đều giữa các loại hình và giữa các vùng miền trên địa bàn. Hạ tầng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước còn ở mức thấp, chưa đồng bộ.

- Cơ sở hạ tầng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá thể dục thể thao còn thiếu, xuống cấp và chưa đồng bộ nhất là các tuyến cơ sở.

III. Nguyên nhân

- Quảng Bình nằm trong vùng chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; địa hình phức tạp, bị chia cắt nhiều nên đã ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.

- Là tỉnh nghèo, khó khăn, thu ngân sách thấp, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, mặc dù hạ tầng kinh tế xã hội đã được quan tâm đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ, nhất là các công trình quan trọng vì vậy điều kiện để kêu gọi đầu tư trong nước và FDI gặp nhiều khó khăn.

- Năng lực các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn còn yếu nên công tác xây dựng quy hoạch cũng như việc lập các dự án đầu tư chậm, chất lượng còn thấp nên phải điều chỉnh nhiều lần làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng các công trình hạ tầng.

- Công tác GPMB còn nhiều vướng mắc, khó khăn, gây chậm trễ, ách tắc làm ảnh hưởng lớn đến thời cơ thu hút vốn, tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án xây dựng hạ tầng trọng điểm.

Phần thứ hai

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG

KINH TẾ - XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2011-2015

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại đạt cấp, bậc kỹ thuật làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển; tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, phấn đấu đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.



2. Mục tiêu cụ thể

- Tập trung đầu tư và hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống giao thông: đường quốc lộ, đường ven biển, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã; đến năm 2015 cơ bản hoàn thành chương trình cứng hoá giao thông nông thôn và đường về trung tâm cụm xã; đưa hệ thống các công trình giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, sân bay, cảng biển vào đúng cấp bậc kỹ thuật quy định.

- Phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hoá hệ thống thủy lợi, đảm bảo cung cấp đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt và tưới chủ động cho 95% diện tích lúa.

- Đầu tư đồng bộ hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị Đồng Hới và các đô thị khác trong toàn tỉnh.

- Đầu tư đồng bộ hệ thống cung cấp nước sạch và nước hợp vệ sinh cho khu đô thị, khu công nghiệp và dân cư nông thôn. Đến năm 2015 có 95% dân cư đô thị dùng nước sạch và 75-80% dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh.

- Đến năm 2015 có 100% thôn bản và trên 98% số hộ được dùng điện lưới; mật độ thuê bao viễn thông đạt 75%; ổn định 100% diện phủ sóng truyền hình; 45% trường mầm non, 85% trường tiểu học, 50% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 80-85% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% xã, thị trấn có thiết chế văn hoá, thể dục thể thao đồng bộ; 90% xã có bưu điện văn hoá xã.



II. Nội dung cụ thể

Phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015 đã được thể hiện ở quy hoạch tổng thể phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2011-2015. Trong chương trình này tập trung vào các nội dung và giải pháp chủ yếu để phát triển các hạ tầng kinh tế -xã hội trọng yếu tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội.



1. Phát triển hạ tầng kinh tế

a. Giao thông

Xây dựng hoàn thiện 1 bước cơ bản mạng lưới giao thông, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách trong và ngoài tỉnh, phục vụ có hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện phân bố lại dân cư và điều tiết mật độ giao thông.



- Về đường bộ:

+ Trước hết ưu tiên đầu tư hoàn thành các dự án đang triển khai như: Cầu và đường về xã Văn Hoá, đường từ Khu kinh tế Hòn La đến khu xi măng tập trung Tiến-Châu-Văn Hóa, đường tránh nhà máy xi măng Sông Gianh; Cải tạo nâng cấp đường 565 (TL16) và đường 562 (TL20), tiến hành đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển, xây dựng và hoàn thành Cầu Nhật lệ 2 để tạo bước đột phá trong phát triển đô thị và các tuyến đường phục vụ dân sinh ở các vùng.

+ Tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường như: tỉnh lộ 570 (TL3B), đường Trần Hưng Đạo (từ cầu vượt) đến đường Hồ Chí Minh, trong đó 1 số tuyến đường quan trọng được xây dựng đảm bảo hiện đại. Triển khai xây dựng các trục đường trong các đô thị, ưu tiên các trục đường chính của thành phố Đồng Hới, thảm nhựa các tuyến đường nội thành.

+ Từng bước đầu tư các tuyến đường như: Tỉnh lộ 561 (TL2), 558; 559, F325, các đường ngang khác nối Quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh. Xây dựng, nâng cấp các cầu, cống có hoạt tải dưới 30 tấn để đảm bảo khai thác đồng bộ mạng lưới giao thông đường bộ trong toàn tỉnh.

+ Kiên cố hoá hệ thống cầu, đường về trung tâm các xã; xây dựng hệ thống cầu, đường về thôn, bản, phấn đấu 100% thôn có đường ôtô về đến trung tâm; tiếp tục thực hiện chương trình cứng hoá đường GTNT.

+ Xây dựng đường vành đai biên giới, đường vào các bản biên giới, vào các đồn biên phòng, xây dựng một số tuyến đường kết hợp kinh tế với quốc phòng. Quan tâm đầu tư các tuyến đường để phát triển du lịch.



- Cảng Hòn La: Ưu tiên triển khai đầu tư giai đoạn 2 để nâng công suất cảng và đảm bảo tàu có trọng tải 30.000 - 50.000 tấn ra vào cảng làm hàng và trở thành cảng tổng hợp trong quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam.

- Đường thuỷ: Đầu tư nâng cấp, nạo vét khơi thông luồng lạch các tuyến đường sông quan trọng như: sông Son, sông Gianh, cửa Nhật Lệ và một số tuyến sông khác để đảm bảo vận tải, an toàn cho tàu thuyền đi lại. Nâng cấp cảng Gianh và xây dựng các cảng trên sông Gianh phục vụ vận tải cho các nhà máy xi măng.

- Cảng Hàng không Đồng Hới: Đầu tư hệ thống dẫn đường cất hạ cánh tự động và các thiết bị hiện đại, đồng bộ để có thể đảm bảo cho các máy bay cất cánh, hạ cánh an toàn.

b. Nông nghiệp

Phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hoá hệ thống thủy lợi, chú trọng xây dựng và nâng cấp, đảm bảo an toàn hồ chứa, các công trình ngăn mặn, hệ thống đê bao và xả lũ, đảm bảo cung cấp đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt, nhằm nâng cao hệ số sử dụng và hiệu quả đầu tư các công trình như:

- Trước hết ưu tiên đầu tư nâng cấp hoàn thành các công trình hồ chứa trong thời kỳ như: Hồ Thác Chuối, Troóc Trâu...theo chương trình an toàn hồ đập. Tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương để ưu tiên đầu tư cho Hồ Vực Nồi, Rào Nan, Nước Nóng, Cây Sến, Cây Khế và các cụm hồ chứa khác. Huy động các nguồn vốn đầu tư để sửa chữa, nâng cấp hồ Vực Tròn nhằm cung cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt. Tăng cường đầu tư gia cố, xây dựng hệ thống đê, kè chống xói lở bờ sông, bờ biển, để chủ động ứng phó với sự biến đổi khí hậu như: đê, kè tả hữu Sông Gianh, Nhật Lệ, Roòn, Lý Hòa, sông Dinh. Đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở cửa sông Roòn và Nhật Lệ.

- Chú trọng đầu tư các công trình thuỷ lợi có quy mô nhỏ để phục vụ kịp thời cho sản xuất nông nghiệp ở miền núi, vùng khó khăn, đầu tư hệ thống đê bao chống lũ, chống úng cho vùng trũng. Xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, ưu tiên xây dựng các công trình nước sạch vùng sâu, vùng xa, các xã bãi ngang cồn bãi.



c. Cấp, thoát nước

- Trước hết ưu tiên đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình cấp nước bằng các nguồn vốn để đưa vào sử dụng như: Cấp nước Hoàn Lão, cấp nước các xã vùng Nam Quảng Trạch, các xã vùng trũng huyện Quảng Ninh, Khu kinh tế Hòn La, Khu trung tâm Phong Nha. Kêu gọi các nguồn vốn để xây dựng công trình cấp nước cho Thị trấn Nông trường Lệ Ninh, các thị tứ. Tập trung đẩy nhanh tiến độ Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới; Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường thị trấn Ba Đồn. Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp nước sinh hoạt phục vụ nhân dân, phục vụ sản xuất, kinh doanh trong Khu kinh tế và cấp nước phục vụ sản xuất cho Trung tâm điện lực Quảng Trạch.

- Thực hiện tốt chương trình nước sạch cho dân cư miền núi, ven biển, vùng khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Nâng cấp các công trình cấp nước hiện có như Ba Đồn, Kiến Giang, Quán Hàu, Đồng Lê, Quy Đạt; mở rộng cấp nước đến các vùng dân cư để phát huy hiệu quả công trình. Chú trọng đầu tư hệ thống các thiết bị lọc nước hiện đại, tiên tiến tại các nhà máy nước để đảm bảo nước sạch cho dân cư. Chú trọng xây dựng các công trình thoát nước ở Đồng Hới và các huyện, lỵ, các khu du lịch trọng điểm, khu cụm công nghiệp làng nghề. Quan tâm đầu tư thoát nước các đô thị, xoá bỏ dần tình trạng ngập úng thường xuyên trong mùa mưa lũ.

d. Điện lực

Phát triển nguồn điện theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2025 và Quy hoạch phát triển Điện lực Quảng Bình thời kỳ 2011-2015 có xét đến năm 2020 đã được phê duyệt để đáp ứng nhu cầu phụ tải và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như:

- Ưu tiên đầu tư xây dựng mới trạm biến áp 220 KV Ba Đồn, các trạm biến áp 110KV ở: Quảng Phú, Khu kinh tế Hòn La, nhà máy xi măng Văn Hóa, nhà máy xi măng Trường Thịnh, Bố Trạch. Cải tạo, nâng công suất các trạm biến áp 110KV ở: Ba Đồn, xi măng Sông Gianh, Lệ Thủy. Tập trung đầu tư phát triển hoàn thiện mạng lưới điện bao gồm: xây dựng mới đường dây đến các trạm biến áp 110kV; đường dây và các trạm biến áp 35kV; đường dây và các trạm biến áp 22kV; cải tạo các trạm biến áp và đường dây sang điện áp 22kV ở các vùng trọng điểm, các huyện. Xây dựng lưới hạ thế để đưa điện lưới quốc gia đến các thôn bản của các xã miền núi, ven biển. Ưu tiên đầu tư lưới điện cho các khu công nghiệp, các khu du lịch, các khu dân cư mới, địa bàn khó khăn.

- Thực hiện dự án thủy điện La Trọng; nghiên cứu đầu tư điện gió ở các xã ven biển.

Triển khai dự án ODA cấp điện pin mặt trời cho các xã điện lưới không đến được, xây dựng thuỷ điện nhỏ để cấp điện cho các thôn bản chưa có điện lưới. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án năng lượng nông thôn (REII) giai đoạn 2, dự án cải tạo lưới điện 7 xã huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa (JICA). Coi trọng cải tạo nâng cấp, bảo vệ an toàn lưới điện, đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại hoá lưới điện chuyển tải và phân phối.

e. Thông tin và truyền thông

Phát triển hạ tầng và dịch vụ viễn thông, internet với tốc độ cao, hiện đại nhằm phục vụ kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc:

- Trước hết ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước từ tỉnh xuống xã. Ứng dụng rộng rãi và phát triển công nghệ thông tin trong các tổ chức, đơn vị kinh tế trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, công nghệ thông tin của tỉnh, đặc biệt công nghệ phần mềm và công nghiệp nội dung số của tỉnh đạt mức trung bình khá so với cả nước. Xây dựng hệ thống thông tin, quản lý sản xuất trên biển nhằm phục vụ phát triển kinh tế và công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.

- Tiếp tục đa dạng hóa các loại hình dịch vụ viễn thông, nâng cao chất lượng thông tin liên lạc, mở rộng vùng phục vụ bưu chính, diện phủ sóng điện thoại, internet đến vùng sâu, vùng xa. Chú trọng phát triển mạng lưới truyền thanh huyện và xã phường. Tiếp tục đầu tư xây dựng các trạm phát lại truyền hình ở các địa bàn chưa có sóng truyền hình để ổn định diện phủ sóng, phát triển thêm các đài phát thanh FM kỹ thuật số, trạm truyền thanh cho các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa.



2. Phát triển hạ tầng xã hội

a. Giáo dục, đào tạo

- Trước hết ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất các trường học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, đảm bảo đủ phòng học kiên cố; xây dựng phòng thí nghiệm, nhà đa chức năng, thư viện đồng bộ để thực hiện chương trình giáo dục chất lượng cao. Từng bước hoàn thiện chương trình kiên cố hoá trường lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên; phấn đấu đến năm 2015 tất cả các trường mầm non và phổ thông trong tỉnh được kiên cố hoá. Khuyến khích xã hội hóa các loại hình trường lớp theo hình thức tư thục, nhà nhóm trẻ gia đình gắn với địa bàn dân cư.

Đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất hiện đại cho trường Trường Đại học Quảng Bình.

- Thu hút nguồn vốn của các thành phần kinh tế để xây dựng Trường cao đẳng Kinh tế, Trường trung cấp chuyên nghiệp, Trường trung cấp nghề và các Trung tâm dạy nghề. Chú trọng đầu tư chiều sâu, nâng cấp và tăng cường cơ sở vật chất của các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề hiện có. Đẩy mạnh khả năng hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo, ưu tiên dành nguồn vốn ODA để hiện đại hoá một số trường và ngành nghề đào tạo trọng điểm, xây dựng một số phòng thí nghiệm hiện đại cho các trường trọng điểm.



b. Khoa học, công nghệ

Huy động các nguồn vốn để đầu tư cho công tác tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, công tác kiểm định nguyên vật liệu và chất lượng xây dựng công trình, quan tâm xây dựng các phòng thí nghiệm khoa học ở trường Đại học, các bệnh viện tỉnh, huyện, ở một số ngành. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, cho các trại sản xuất giống nông lâm ngư. Tập trung đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến cho các phòng thí nghiệm.

- Chú trọng đầu tư trang thiết bị thu thập, xử lý, khai thác và truyền bá thông tin nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ. Bố trí một phần vốn hợp lý đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu triển khai của các ngành sản xuất, dịch vụ chủ yếu để tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

c. Y tế

Đầu tư để nâng cấp và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đầu tư xây dựng, nâng cấp các trạm y tế xã phường để đến năm 2015 có 85% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

- Hoàn thành Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao, từng bước hiện đại hoá trang thiết bị khám và chữa bệnh tại Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. Mặt khác, từng bước hiện đại hoá trang thiết bị khám và chữa bệnh tại Bệnh viện Y học Cổ truyền, các bệnh viện Đa khoa các huyện, thành phố và các phòng khám khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản về công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

- Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm y tế dự phòng các huyện, thành phố. Hoàn thành sớm các thủ tục để đầu tư Bệnh viện lao và phổi. Từng bước thành lập một số bệnh viện chuyên khoa cần thiết như: bệnh viện nhi, bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng. Khuyến khích đầu tư bệnh viện và trung tâm khám chữa bệnh tư nhân có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh ngày càng cao cho cán bộ, nhân dân.



d. Văn hoá, thể thao

- Tranh thủ các nguồn vốn Trung ương, địa phương để đầu tư xây dựng Quảng trường Trung tâm Đồng Hới, Nhà Văn hóa Trung tâm, nhà thiếu nhi tỉnh, nhà thi đấu đa chức năng tỉnh; huy động nguồn vốn để xây dựng các cơ sở tập luyện và thi đấu thể thao cho các lứa tuổi ở các huyện. Đẩy mạnh xã hội hoá trong đầu tư cho thể dục thể thao, phấn đấu đến năm 2015 các xã đều có sân đá bóng kết hợp với các bộ môn khác nhằm tạo điều kiện cho mọi người rèn luyện thể thao.

- Huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình văn hoá phục vụ cộng đồng như: Trung tâm văn hoá thể thao làng xã, nhà văn hoá trung tâm, thư viện, tượng đài nghệ thuật, công viên, khu vui chơi, giải trí của các huyện, xã.

- Bảo tồn, giữ gìn và phát huy Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ bàng, các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng.



3. Phát triển hạ tầng đô thị và khu dân cư

Xây dựng hệ thống đô thị để các đô thị trở thành các trung tâm phát triển về kinh tế, văn hoá, xã hội, là hạt nhân thúc đẩy các vùng ven đô và nông thôn, đầu tư theo các bước đi thích hợp làm cho mỗi đô thị thực sự phát huy được sức mạnh của mình:

- Trước hết ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng các đô thị theo hướng đồng bộ, chú trọng cải tạo và nâng cấp hệ thống giao thông nội thị hiện đại, hợp lý. Đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước, giải quyết cơ bản vấn đề thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn ở các đô thị, Phủ sóng phát thanh truyền hình các đô thị theo hướng chất lượng cao, số hoá hoàn toàn; phát triển mạnh mạng truyền hình cáp ở Đồng Hới, Ba Đồn và phát triển rộng rãi hệ thống phát thanh FM kỹ thuật số, xây dựng khu trung tâm hành chính của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015 Đồng Hới đạt đô thị loại 2, xây dựng nâng cấp thị trấn Ba Đồn đạt đô thị loại 4 và thành thị xã. Đẩy mạnh việc quy hoạch và sớm đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông, điện, cấp nước sinh hoạt, các công trình hành chính và văn hóa xã hội đồng bộ ở các trung tâm xã, phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

- Từng bước hình thành và phát triển các trung tâm thương mại, trung tâm du lịch, dịch vụ tổng hợp, trung tâm thông tin tư vấn khoa học kỹ thuật, dịch vụ khách sạn; hình thành các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học làm nền tảng cho việc nâng cấp các đô thị. Chú trọng đầu tư trước 1 bước hạ tầng huyện lỵ mới của Quảng Trạch, làm cơ sở cho việc chia tách huyện.

Xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại, bao gồm: các siêu thị tại Đồng Hới, Hoàn Lão, Ba Đồn; xây dựng các chợ đầu mối nông sản ở thị trấn các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh; chợ tổng hợp bán buôn, bán lẻ loại 1 ở các phường thành phố Đồng Hới, ở trung tâm các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch; nâng cấp chợ các trung tâm cụm xã.

Đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng, các cơ sở kinh tế, dịch vụ, các chợ và các công trình văn hóa ở các trung tâm cụm xã để trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá và dịch vụ của vùng.



4. Phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp

a. Đối với khu kinh tế Hòn La

- Trước hết ưu tiên đầu tư xây dựng cảng Hòn La giai đoạn 2; Hoàn thành xây dựng các trục giao thông liên vùng, nội vùng, xây dựng hệ thống điện, cấp nước, xử lý nước thải đồng bộ. Hoàn thành xây dựng các khu chức năng được quy hoạch chi tiết, để thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển tại trung tâm của Khu kinh tế Hòn La.

- Phát triển các điểm dân cư đô thị, từng bước hình thành 1 khu đô thị mới hiện đại, văn minh phù hợp với Khu kinh tế mang tính động lực.

b. Đối với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo

- Ưu tiên đầu tư phát triển theo quy hoạch, trước hết đầu tư hạ tầng khu vực Bãi Dinh, Hoá Tiến và ngã ba Hồng Hoá để hình thành các trung tâm với chức năng dịch vụ, kho bãi, sản xuất công nghiệp và khu trung chuyển chính của toàn tuyến.

- Các khu vực còn lại là Hóa Thanh, Y Leeng, Hoá Phúc, La Trọng đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng dần từng bước để hình thành các cụm kinh tế, cụm dân cư tập trung, hệ thống kho bãi cho toàn tuyến cũng như phát triển các cơ sở kinh tế khác.

c. Phát triển các khu công nghiệp

- Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng khu xã hội tại Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới và Khu công nghiệp cảng biển Hòn La. Hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết và từng bước ưu tiên vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Bắc Đồng Hới và Khu Công nghiệp Hòn La II.

- Đối với Khu Công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu và Khu Công nghiệp Cam Liên: Tiến hành lập quy hoạch chi tiết, từng bước đầu tư hệ thống giao thông, điện, nước.

5. Nhu cầu vốn đầu tư và danh mục các dự án hạ tầng kinh tế-xã hội ưu tiên đầu tư giai đoạn 2011-2015

a. Nhu cầu vốn đầu tư

Để đạt được mục tiêu và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2011 - 2015 và tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12-13% ước tính nhu cầu đầu tư cho hạ tầng kinh tế xã hội thời kỳ 2011-2015 khoảng 12.000 tỷ đồng.

Trong đó

- Ngân sách nhà nước: 8.700 tỷ đồng.

- Vốn các thành phần kinh tế khác: 3.300 tỷ đồng.

Theo các lĩnh vực:

- Giao thông chiếm 35%.

- Nông nghiệp: 24%.

- Điện lực, nước, thông tin truyền thông: 15%.



- Hạ tầng văn hóa, xã hội: 26%.

b. Danh mục các dự án hạ tầng kinh tế xã hội ưu tiên đầu tư giai đoạn 2011-2015

STT

Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư



Xây dựng cầu Nhật Lệ 2 và tuyến đường 2 đầu cầu



Cải tạo, nâng cấp, xây dựng các đường tỉnh lộ



Đường nối Khu Kinh tế Hòn La với Khu Công nghiệp xi măng tập trung Tiến -Châu- Văn Hoá



Cảng Hòn La (GĐ 2)



Nâng cấp tỉnh lộ 565 (TL16), tỉnh lộ 562 (TL20), đường Mai Thủy- An Thủy



Xây dựng đường nối Trần Hưng Đạo (cầu vượt) đi đường Hồ Chí Minh



Xây dựng đường chống ngập lụt, cứu hộ cứu nạn của các huyện.



Xây dựng, cải tạo, nâng cấp hồ Vực Tròn, Vực Nồi, Rào Nan, Nước Nóng và các cụm hồ chứa khác



Xây dựng hệ thống đê, kè chống xói lở cửa, 2 bờ sông Gianh, Nhật Lệ, Kiến Giang, Dinh và các tuyến sông khác



Xây dựng khu neo đậu, tránh bão cửa sông Roòn, Nhật Lệ



Xây dựng hệ thống cấp nước thị trấn Hoàn Lão, Nông trường Lệ Ninh, các xã của huyện Quảng Trạch, Khu kinh tế Hòn La



Xây dựng cơ sở vật chất Trường Đại học Quảng Bình



Dự án kiên cố hoá trư­ờng học xuống cấp



Dự án Cải tạo nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện



Bệnh viện chuyên khoa Lao và phổi



Dự án thiết bị Bệnh viện Việt Nam Cu Ba Đồng Hới



HTKT nâng cấp đô thị Đồng Hới, Ba Đồn



Hạ tầng Khu kinh tế Hòn La



Hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới



Hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo



Hạ tầng Khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu



Hạ tầng Khu công nghiệp Cam Liên

III. Các giải pháp thực hiện chương trình

1. Đẩy mạnh công tác quy hoạch

- Tiến hành rà soát, củng cố các cơ quan, đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch.

- Đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch. Đầu tư nguồn lực để đẩy mạnh công tác lập quy hoạch cũng như điều chỉnh quy hoạch xây dựng, đảm bảo quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước làm cơ sở cho công tác đầu tư hạ tầng. Chú trọng quy hoạch chi tiết các trung tâm cụm xã, các xã theo tiêu chí nông thôn mới, quy hoạch đô thị, Khu kinh tế, Khu công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất, bổ sung điều chỉnh quy hoạch chi tiết các huyện lỵ nhất là quy hoạch hạ tầng cho phù hợp với xu thế mới. Sớm hoàn thành quy hoạch chung thành phố Đồng Hới, quy hoạch tổng thể Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

- Công bố công khai các quy hoạch chi tiết xây dựng sau khi phê duyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại các vùng dự án để nhân dân và nhà đầu tư biết, thực hiện giám sát xây dựng hạ tầng theo đúng quy hoạch.



2. Huy động mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước

- Tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương để tăng vốn hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình mục tiêu quốc gia và hỗ trợ đầu tư khác để đầu tư cho các công trình trọng điểm, công trình hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội. Tích cực làm việc với các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ để thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, NGO cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế -xã hội.

- Tăng cường lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu vực có tiềm năng để đẩy mạnh phát triển quỹ đất, nhất là ở khu vực nội thành Đồng Hới, các thị trấn huyện lỵ, tăng nguồn thu từ quỹ đất cho đầu tư kết cấu hạ tầng.

- Áp dụng các biện pháp phát huy nội lực, huy động tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế, mở rộng huy động vốn trong dân để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tranh thủ vốn huy động tín dụng nhà nước, phát triển các hình thức huy động vốn bằng cổ phần, cổ phiếu.

- Huy động nguồn vốn trong dân, các doanh nghiệp để thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, bê tông hoá đường giao thông nông thôn. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa thông tin và TDTT. Thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn để vừa tạo sức mạnh tổng hợp, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

- Chú trọng phổ biến thông tin về đầu tư các dự án có hiệu quả cao để thu hút mọi nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong tỉnh, trong vùng và cả nước tham gia. Tập trung quảng bá, cung cấp thông tin, những tiềm năng thế mạnh, những định hướng phát triển, những cơ hội, tiềm năng đầu tư của tỉnh cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước biết.

- Hàng năm ưu tiên bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cho các công trình, đặc biệt các công trình hạ tầng KT-XH, huy động nguồn vốn của các địa phương, các ngành, các đơn vị để triển khai trước một bước công tác chuẩn bị đầu tư, làm cơ sở cho việc bố trí vốn năm sau và chủ động có dự án để thu hút các công trình thuộc nguồn vốn đầu tư ở các Bộ, ngành Trung ương.

3. Tăng cường công tác quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cộng đồng đối với công tác quy hoạch, công khai các dự án quy hoạch. Đề cao tinh thần trách nhiệm, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền cấp huyện, thành phố, cấp xã, phường, thị trấn đối với công tác quản lý quy hoạch chung cũng như quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đầu tư và thực hiện chương trình tại địa phương.

- Tiếp tục tăng cường phân cấp trong quản lý đầu tư cho các cấp, các ngành phù hợp với yêu cầu về cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư. Đi đôi với việc phân cấp quản lý đầu tư, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; gắn cơ chế thưởng phạt khi hợp đồng theo quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư và nhà thầu tham gia vào quá trình hoạt động đầu tư.

- Tạo môi trường thông thoáng, đơn giản hoá các thủ tục trong đầu tư, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở các khâu sau đầu tư.

- Củng cố, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho cán bộ quản lý các cấp cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là các kiến thức liên quan đến công tác đầu tư, xây dựng. Nâng cao nhận thức, ý thức nghề nghiệp, tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ quản lý để đủ sức quản lý và chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình có hiệu quả.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và quản lý xây dựng các khâu trong quá trình đầu tư, giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; tăng cường kiểm tra, thanh tra kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương.



4. Về khoa học và công nghệ

- Đầu tư kinh phí cho việc chuyển giao ứng dụng các công nghệ mới trong thiết kế xây dựng và vật liệu xây dựng để đáp ứng với từng bước hiện đại hóa, đồng bộ hóa trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng.

- Khuyến khích các doanh nghiệp thường xuyên đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ, đầu tư chiều sâu đổi mới thiết bị thi công, hình thành đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao trong sử dụng thiết bị và điều hành thi công nhằm nâng cao năng suất và chất lượng các công trình hạ tầng KTXH.

5. Về cơ chế chính sách

- Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các hình thức đầu tư công trình kết cấu hạ tầng trên các địa bàn, theo các lĩnh vực quy định và theo các phương thức BOT, BTO, BT, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện, ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng theo các phương thức trên và đúng các quy định hiện hành của nhà nước.

- Tạo điều kiện cho các đơn vị, địa phương thu hút vốn đầu tư từ TW, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ về đầu tư hạ tầng KTXH trong tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện chính sách đầu tư vỉa hè đô thị, đường giao thông nông thôn theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Điều chỉnh tỷ lệ đóng góp hợp lý trong từng giai đoạn nhằm khuyến khích người dân bỏ vốn đầu tư hạ tầng trong nông thôn.

- Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế phân cấp, phân quyền trong đầu tư; có cơ chế, vận hành, bảo dưỡng các dự án đầu tư hoàn thành nói chung và các dự án đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội nói riêng để đảm bảo tính bền vững công trình trong quá trình sử dụng.

- Phổ biến kịp thời các thông tin kinh tế, nhất là về cơ chế, chính sách của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.

- Có chính sách để khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài đưa vốn, trí tuệ về nước tham gia đầu tư phát triển, nhất là các công trình VHXH.

6. Giải pháp về bảo vệ môi trường

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ môi trường. Quan tâm công tác bảo vệ môi trường ngay từ khi thẩm định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, các dự án đầu tư và giám sát chặt chẽ việc thực hiện để ngăn chặn ô nhiễm môi trường.

- Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước, đi đôi với đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư cho công tác tài nguyên môi trường. Mở rộng mô hình doanh nghiệp dân doanh và tổ chức cộng đồng cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải cho các khu dân cư. Huy động các nguồn lực để đầu tư xử lý chất thải rắn, chất thải y tế, đặc biệt là ở khu vực đô thị, các khu công nghiệp - TTCN và làng nghề.

- Khuyến khích và tăng cường hợp tác với nước ngoài về kỹ thuật điều tra cơ bản, quản lý và sử dụng có hiệu quả cao các nguồn vốn ODA, NGO cho quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.



Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

- Triển khai cụ thể hóa Chương trình, đưa vào kế hoạch hàng năm của tỉnh đảm bảo tính khả thi của Chương trình trong quá trình phát triển.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thành phố căn cứ nội dung chương trình để cụ thể hóa phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch ngân sách của tỉnh, các nguồn hỗ trợ của Chính phủ và xúc tiến đầu tư các nguồn vốn khác để thực hiện tốt Chương trình; tham mưu cho UBND tỉnh có các giải pháp cụ thể thu hút các nguồn vốn phục vụ cho đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội.

- Kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình, kịp thời đề xuất với UBND tỉnh bổ sung điều chỉnh các giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế địa phương và các nội dung đã nêu trong Chương trình, đồng thời tại các phiên họp 6 tháng đầu năm và hàng năm báo cáo với UBND tỉnh; giữa kỳ và 5 năm tổ chức sơ kết, tổng kết báo cáo UBND tỉnh, đồng thời tham mưu để UBND tỉnh báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả thực hiện chương trình.

2. Sở Tài chính có trách nhiệm: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành tham mưu, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư hạ tầng cho tỉnh, phân bổ ngân sách đảm bảo hoạt động của Chương trình có hiệu quả.

3. Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để lồng ghép các chương trình, dự án một cách hiệu quả. Chủ động thu hút các dự án đầu tư vào từng ngành, đơn vị bằng các nguồn vốn để thực hiện tốt Chương trình.

4. UBND các huyện, thành phố căn cứ nội dung Chương trình để cụ thể hóa phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương (Xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình) phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ban, ngành liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn có hiệu quả.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

(Đã ký)


Nguyễn Hữu Hoài



Каталог: vbpq -> vbpq qb.nsf -> 4b438b320dbf1cda4725719a0012432c
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Số: 49/2003/QĐ-ub đồng Hới, ngày 16 tháng 09 năm 2003
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> UỶ ban nhân dân tỉnh quang bìNH
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân tỉnh quảng bình số: 1021/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân tỉnh quảng bìNH
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân tỉnh quảng bìNH
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> UỶ ban nhân dân tỉnh quảng bình số: 1051 /QĐ-ub
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> QuyếT ĐỊnh của uỷ ban nhân dân tỉnh v/v quy định điều chỉnh giá tính lệ phí trước bạ đối với
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân tỉnh quảng bìNH
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân tỉnh quảng bìNH
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> UỶ ban nhân dân tỉnh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 155.12 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương