CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập -tự do Hạnh phúc



tải về 89.75 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích89.75 Kb.
#21581

UBND TỈNH BẮC NINH

SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ


Số: 473/KH-THQH





CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập -Tự do - Hạnh phúc

Bắc Ninh, ngày 22 tháng 9 năm 2015


BÁO CÁO

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 9 VÀ 9 THÁNG NĂM 2015
I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng theo giá so sánh 2010 ước đạt 73.121 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,6%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,7% (công nghiệp tăng 6,6%); riêng khu vực dịch vụ tăng 9,5%, là mức cao so cùng kỳ các năm trước. Khả năng, trong những tháng cuối năm sẽ có thêm một số doanh nghiệp Nhà nước và FDI sẽ đạt công suất tối đa sau một thời gian chạy thử, đồng thời thị trường thế giới ổn định hơn, thị phần sản phẩm điện tử của các doanh nghiệp FDI được mở rộng nên tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 trên địa bàn tỉnh sẽ đạt trên 8%.



II. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

1. Sản xuất nông nghiệp

* Kết quả trồng trọt:

Sản xuất vụ mùa diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, nhiều chính sách mới hỗ trợ cho nông nghiệp được thông qua. Tuy nhiên, do diện tích đất nông nghiệp tiếp tục giảm, hiệu quả thu được từ nông nghiệp thấp hơn các ngành công nghiệp và dịch vụ nên nông dân hạn chế đầu tư, thậm trí ở một số nơi còn bỏ trống ruộng. Tính chung, tổng diện tích gieo trồng vụ mùa ước đạt 38.556 ha, giảm 1,5% so cùng vụ năm trước; trong đó lúa mùa là 35.898, giảm 1,5%. Tính đến ngày 15/9, toàn tỉnh đã chăm sóc lúa mùa lần 2 đạt 99,8% diện tích gieo cấy; đã có 28.949 ha lúa trỗ, đạt 75,1% diện tích gieo cấy và 98,4% so với cùng kỳ; năng suất lúa mùa ước đạt 56,8 tạ/ha, là vụ có năng suất cao thứ hai kể từ năm 2010 đến nay, nhưng vẫn giảm 1 tạ/ha so với vụ mùa năm trước; sản lượng thóc ước đạt 203,9 nghìn tấn, giảm 6,6 nghìn tấn.

Diện tích gieo trông cây rau màu các loại tính đến hết tháng 9 ước đạt 2.489 ha, giảm 48 ha so cùng vụ năm trước; trong đó, diện tích rau các loại là 1.373 ha, tăng 21 ha so cùng vụ năm trước, năng suất ước đạt 248,7 tạ/ha (tăng 4,3 tạ/ha), sản lượng đạt 34,2 nghìn tấn, tăng 1,2 nghìn tấn.

* Kết quả chăn nuôi:

Ước tính tại thời điểm 15/9, đàn trâu còn 2.390 con, giảm 33 con so với cùng kỳ; đàn bò có 34.685 con, tăng 118 con; đàn lợn có 409.250 con, tăng 2.087 con; đàn gia cầm có 4.690 nghìn con, tăng 70 nghìn con so cùng thời điểm năm trước. Tổng sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng 9 tháng ước đạt 70.268 tấn, tăng 1,6% so cùng kỳ 2014; trong đó thịt lợn hơi đạt 55.132 tấn, tăng 1,7%.



* Tình hình dịch bệnh và công tác thú y:

Công tác giám sát dịch bệnh được phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng và các địa phương; việc tiêm phòng, vệ sinh khử trùng tiêu độc được thực hiện ngay tại trang trại, gia trại và được tổ chức nhiều đợt nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trong 9 tháng, không có dịch bệnh lớn phát sinh trên địa bàn tỉnh. Công tác tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm được triển khai chủ động, đạt kết quả tích cực; toàn tỉnh đã tiêm được 810 nghìn liều vắc-xin các loại cho đàn lợn, trâu và bò; tiêm 6,1 triệu liều vắc-xin các loại cho đàn gia cầm.



2. Lâm nghiệp

Trong 9 tháng, toàn tỉnh đã trồng rừng tập trung bước 1 được 3,5 ha, đạt 43,8% KH năm và bằng 76,1% so với cùng kỳ năm trước; trồng 350 nghìn cây phân tán, đạt 80,3% KH năm và tăng 4,8% so với cùng kỳ; chăm sóc 91,9 ha, vượt 15,4% KH năm và bằng 85% so cùng kỳ. Công tác chăm sóc và bảo vệ rừng được quan tâm, chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp; tuy nhiên còn gặp không ít khó khăn do diện tích rừng trên địa bản tỉnh hầu hết đều gần khu dân cư, khu công nghiệp, trường học nên khó kiểm soát được nguồn lửa mang vào rừng. Trong 9 tháng, toàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ cháy rừng, với 16,4 ha, thiệt hại ước tính 3,1 tỷ đồng.



3. Sản xuất thủy sản

Ước tính diện tích nuôi trồng thủy sản 9 tháng là 5.425 ha, giảm 7 ha so cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng đạt 25.062 tấn, tăng 2% so cùng kỳ, đạt 70,3% KH năm; sản xuất 1.038 triệu con giống các loại, tăng 3,1%; sản lượng đánh bắt trong 9 tháng đạt 1.098 tấn, tăng 2,6%. Giá trị sản xuất thủy sản theo giá so sánh 2010 đạt 799,8 tỷ đồng, tăng 2,2% so cùng kỳ, đạt 82,5% KH năm.



III. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP, HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP, GIAO THÔNG VẬN TẢI

1. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn sau tiếp tục hồi phục nhanh trong quý III, xu hướng tăng tốc cũng rõ nét hơn trong những tháng cuối năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 tăng 6,9% so cùng tháng năm trước; tính chung 9 tháng, IIP tăng 5,7% so cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành sản xuất sản phẩm điện tử với tỷ trọng lớn nhất (chiếm hơn 80%) đã tăng hai con số (+11,5%) so cùng tháng năm trước và tăng 6,5% so cùng kỳ, đã kéo chỉ số IIP của 9 tháng tăng trưởng khá so cùng kỳ. Theo giá so sánh 2010, GTSX tháng 9 ước đạt 51.924,5 tỷ đồng, giảm 12,4% so tháng trước, tăng 20,2% so cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng, GTSX theo giá so sánh 2010 ước đạt 447.437 tỷ đồng, tăng 7,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực FDI tuy chỉ tăng 6,7% nhưng lại chiếm tỷ trọng tới 91,3% GTSX toàn ngành nên vẫn chi phối sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.



2. Đầu tư xây dựng cơ bản

Tổng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước do địa phương quản lý tháng 9 ước đạt 201,2 tỷ đồng, tăng 10,8% so tháng trước và tăng 28,2% so cùng tháng năm trước; trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh đạt 138,3 tỷ đồng, tăng 6,7% và tăng 14,0%. Sau 9 tháng, tổng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước ước đạt 1.566,6 tỷ đồng, đạt 56,2% KH năm và tăng 25,2% so cùng kỳ. Trong đó, nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 1.175,7 tỷ đồng, chiếm 75% và tăng 11,0% so cùng kỳ; ngân sách cấp huyện đạt 266,6 tỷ đồng, chiếm 17% và gấp 2,4 lần.



3. Hoạt động xúc tiến đầu tư

Đầu tư trong nước: Trong tháng 9 năm 2015, toàn tỉnh cấp 02 Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 268,389 tỷ đồng, cấp 02 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh. Sau 9 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh cấp mới 64 giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 3.559 tỷ đồng. Lũy kế đến tháng 9 năm 2015, tỉnh Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư mới cho 917 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 90.867 tỷ đồng.

Đầu tư nước ngoài: Trong tháng 9 năm 2015, tỉnh Bắc Ninh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới cho 10 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,77 triệu USD, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh vốn cho 09 dự án với tổng vốn điều chỉnh là 108,7 triệu USD. Sau 9 tháng đầu năm 2015, đã cấp mới 125 dự án với tổng vốn đầu tư là 176,11 triệu USD. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 766 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký là 11.312,54 triệu USD.

4. Phát triển doanh nghiệp

Từ 21/08/2015 đến 20/09/2015, số doanh nghiệp thành lập mới là 102 doanh nghiệp; 19 chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh; tổng số vốn đăng ký là 1.026,243 tỷ đồng. Từ đầu năm 2015 đến nay, số doanh nghiệp thành lập mới là 827 doanh nghiệp; 180 chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh; tổng số vốn đăng ký là 4.355,51 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6.879 doanh nghiệp đang hoạt động, 1.083 chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh; tổng số vốn là 79.998,023 tỷ đồng; số doanh nghiệp đã giải thể lũy kế đến hết 20/9/2015 là 849 doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động 88 chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh.



5. Giao thông vận tải

Vận tải hàng hóa: Trong tháng, toàn tỉnh toàn tỉnh vận chuyển được 2.621 nghìn tấn hàng hóa, tăng 4,4% so tháng trước và tăng 11,5% so cùng tháng năm trước; luân chuyển 111,0 triệu tấn.km, bằng 93,2% so tháng trước và tăng 0,3%. Sau 9 tháng, toàn tỉnh đã vận chuyển được 22,657 triệu tấn hàng hóa, tăng 4,3% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển hàng hoá đạt 1.090,8 triệu tấn.km, giảm 0,3%; doanh thu vận chuyển hàng hoá 9 tháng ước đạt 1.591,6 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ.

Vận tải hành khách: Trong tháng, toàn tỉnh vận chuyển 1.257 nghìn người, tăng 3,5% so tháng trước và tăng 16,8% so cùng tháng năm trước; Luân chuyển 56,0 triệu người.km, bằng 97,4% so tháng trước và tăng 21,6%. Sau 9 tháng, toàn tỉnh đã vận chuyển được 10,857 triệu người, tăng 3,5% so cùng kỳ năm trước; Luân chuyển 505,7 triệu người.km, tăng 18,8%; doanh thu 9 tháng đạt 672 tỷ đồng, tăng 23,1% so cùng kỳ.

An toàn giao thông: Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát giữ gìn trật tự an toàn giao thông tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện. Cùng với việc tích cực tuyên truyền, lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, tập trung ở những địa bàn trọng điểm, tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm luật lệ an toàn giao thông, trong đó tập trung vào đối tượng học sinh và người dân sử dụng xe đạp điện. Tính từ ngày 16/12/2014-15/9/2015, trên các tuyến đường bộ đã xảy ra 86 vụ tai nạn giao thông, làm chết 75 người, bị thương 35 người, so cùng kỳ năm trước, tăng 1 vụ, tăng 1 người chết và giảm 2 người bị thương. Các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 33,7 nghìn lượt phương tiện vi phạm Luật Giao thông và đã xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 21,5 tỷ đồng; so cùng kỳ năm trước, tăng 0,8 nghìn lượt vụ và tăng 2,6 tỷ đồng.

IV. THƯƠNG MẠI – DỊCH VỤ, TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG

1. Thương mại – Dịch vụ

Lưu chuyển hàng hóa - dịch vụ: Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 9 ước đạt 2.211,7 tỷ đồng, tăng 0,2% so tháng trước và tăng 14,4% so cùng tháng năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 9 ước đạt 263,5 tỷ đồng, tăng 1,0% so tháng trước và tăng 26,0% so cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 19.536,5 tỷ đồng, tăng 13,9% so cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.404,8 tỷ đồng tăng 19,9% so cùng kỳ; trong đó, dịch vụ ăn uống đạt 2.262,0 tỷ đồng tăng 19,3%; dịch vụ lưu trú đạt 142,9 tỷ đồng, tăng 30,8%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): CPI tháng 9/2015 giảm 0,26% so tháng trước, tăng 0,07% so cùng tháng năm trước và tăng 0,42% so tháng 12/2014. Tính chung 9 tháng, CPI bình quân tăng 0,98% so cùng kỳ năm trước.

Xuất, nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 9 ước đạt 1.829,98 triệu USD, giảm 13,3% so tháng trước và tăng 17,2% so cùng tháng năm trước; Nhập khẩu ước đạt 1.512,28 triệu USD, giảm 3,6% và tăng 32,4%. Sau 9 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16.753,83 triệu USD, tăng 3,3% so cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 13.537,26 triệu USD, tăng 12,3%.

Hoạt động du lịch: Năm 2015, ngoài các lễ hội truyền thống được tổ chức trên địa bàn tỉnh, lễ hội Chọi Trâu Phú Sơn - Báo Nông thôn ngày nay lần thứ nhất được tổ chức đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách thập phương về tham dự. Vì thế, lượng du khách trong và ngoài nước đến Bắc Ninh trong 9 tháng tăng cao. Tuy nhiên, qui mô hoạt động du lịch của Bắc Ninh vẫn nhỏ bé và hiệu quả còn thấp.

Bưu chính viễn thông: Trong 9 tháng, toàn tỉnh phát triển thêm được 58,7 nghìn thuê bao điện thoại di động, nhưng điện thoại cố định lại giảm gần 25 nghìn thuê bao. Tính chung, đến cuối tháng 9 toàn tỉnh có 1.325,5 nghìn thuê bao điện thoại các loại, tăng 8,2% so cùng thời điểm năm 2014. Trong khi đó, thuê bao Internet tiếp tục được mở rộng về quy mô. Trong 9 tháng, đã phát triển mới được 223,6 nghìn thuê bao, tuy chỉ tăng 0,6% so cùng kỳ năm 2014, luỹ kế đến cuối tháng 9 đã có hơn 500 nghìn thuê bao Internet đang hoạt động, tăng 80,8% so cùng thời điểm năm trước. Tổng doanh thu viễn thông 9 tháng ước đạt 535 tỷ đồng, tăng 15,9% so cùng kỳ năm 2014.

2. Tài chính

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước đạt 11.133,6 tỷ đồng, đạt 79,5% dự toán năm và tăng 7,9% so cùng kỳ năm 2014; trong đó, thu nội địa chiếm 72,4%, đạt 94,7% dự toán và tăng 18,5%. Tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng ước đạt 6.605,6 tỷ đồng, đạt 72,0% dự toán và tăng 29,6% so cùng kỳ năm 2014; trong đó, chi cho đầu tư phát triển chiếm 47,9% (cùng kỳ năm 2014 chiếm 32,7%) và tăng 61%.



3. Ngân hàng - Tín dụng

Tổng thu tiền mặt qua ngân hàng tháng 9 đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 1,8% so tháng trước và tăng 21,5% so cùng tháng năm trước; chi tiền mặt là 23.700 tỷ đồng, tăng 1,6% và tăng 21,3%; bội thu 300 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9, tổng nguồn vốn huy động tín dụng đạt 46 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước; tổng dư nợ tín dụng đạt 43 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6% so cùng thời điểm năm trước và tăng 8,7% so với cuối năm 2014.



V. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA XÃ HỘI

1. Hoạt động y tế

Trong 9 tháng, ngành Y tế đã khánh thành và đưa vào sử dụng thêm nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, như: Bệnh viên Sản - Nhi; Trung tâm Kỹ thuật chuyên sâu đưa quy mô từ 600 giường lên 1.000 giường và Bệnh viện Đa khoa đã được nâng cấp lên hạng I, tạo điều kiện chăm sóc sức khoẻ với dịch vụ y tế chất lượng cao cho nhân dân, góp phần giảm tải cho các bệnh viện Trung ương. Tính chung trong 9 tháng, đã khám chữa bệnh cho 986,3 nghìn lượt người, tăng 2,6% so cùng kỳ; trong đó điều trị nội trú cho 111 nghìn lượt người, tăng 7,3%; phẫu thuật hơn 12,5 nghìn ca.

Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản tiếp tục được duy trì, thực hiện chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại các xã có mức sinh cao và không ổn định. Đến 30/8, toàn tỉnh có 51.360 người mới sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tăng 4,1% so cùng kỳ. Qua xét nghiệm HIV (từ 01/01-15/9), đã phát hiện thêm 17 người nhiễm HIV nâng tổng số người nhiễm HIV từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh lên 2.334 người, trong đó số bệnh nhân AIDS là 977 người, tử vong do AIDS là 909 người.

2. Văn hoá, thể dục thể thao

Trong 9 tháng, hoạt động văn hoá thông tin diễn ra sôi nổi, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân và tuyên truyền có hiệu quả kỷ niệm các ngày lễ lớn, những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và địa phương. Nhiều sự kiện, chương trình nghệ thuật có quy mô lớn được tổ chức thành công, như: Chương trình "Về miền Quan họ" năm 2015 gắn với đón Bằng công nhận 02 di tích Quốc gia đặc biệt: chùa Phật tích; khu Lăng mộ và đền thờ các vị Vua triều Lý; Lễ dâng hương kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt (28/5/1905 - 28/5/2015); chương trình nghệ thuật “Chào năm mới - Bắc Ninh hướng về Biển đảo quê hương”; Liên hoan Dân ca Việt Nam năm 2015, khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ. Các ngành chức năng đã phối hợp và chỉ đạo các địa phương đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền với các hoạt động nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; chào mừng 70 năm ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9,... UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổng kết phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức lễ hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch.

Trong 9 tháng, Đài phát thanh truyền hình tỉnh thực hiện sản xuất 1.638 chương trình truyền hình thời sự, với 13,1 nghìn tin, 586 chương trình tạp chí, chuyên mục, chuyên đề, 653 chương trình văn nghệ - thể thao; truyền hình trực tiếp 13 chương trình,... với tổng thời lượng 6.480 giờ. Phát thanh 815 chương trình thời sự tổng hợp, với 13 nghìn tin, bài; 1.390 chương trình chuyên đề, chuyên mục với 1.260 giờ.

Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được nhân rộng, nhiều thiết chế thể thao được đầu tư xây dựng bổ sung. Tỷ lệ hộ gia đình luyện tập thể thao thường xuyên đạt 18,6%, tăng 0,8% so cuối tháng 9 năm trước. Ngành Văn hoá, thể thao và Du lịch đã tham mưu cho các ngành, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao có ý nghĩa, như: “Ngày chạy Olympic” vì sức khỏe toàn dân và hưởng ứng ngày quốc tế hạnh phúc 20/3; Giải Cầu lông, Quần vợt truyền thống năm 2015, giải Chạy "Khỏe để lập nghiệp và giữ nước", Cúp Báo Bắc Ninh lần thứ XIX-2015, Giải Vật tự do, Vật Dân tộc, Bóng bàn, Cờ tướng. Phong trào thể thao thành tích cao được quan tâm đầu tư hơn, bước đầu phát triển. Trong 9 tháng, các vận động viên đã giành được 45 huy chương các loại tại các giải đấu cấp quốc gia trở lên; trong đó có 19 huy chương tại các giải quốc tế.



3. Giáo dục và đào tạo

Kết thúc năm học 2014-2015, giáo dục của Bắc Ninh đạt được kết quả cao, vững chắc và là tỉnh có nhiều chỉ tiêu được xếp trong top đầu cả nước. Quy mô giáo dục được giữ vững, chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao. Đến nay, Bắc Ninh đã đứng đầu cả nước về công tác phổ cập giáo dục; trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2015, Bắc Ninh đứng thứ 4 toàn quốc về chất lượng giải cao (4 giải Nhất, 16 giải Nhì, 15 giải Ba và 8 giải khuyến khích); 11 học sinh được dự thi chọn đổi tuyển đi thi quốc tế và đã có 1 học sinh được Huy chương Bạc quốc tế môn Hóa học. Bắc Ninh đã đăng cai và tổ chức thành công cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm 2015, khu vực phía Bắc và đạt 11 giải lĩnh vực.

Đã tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia đạt hiệu quả cao, toàn tỉnh có 6.628/14.609 học sinh dự tốt nghiệp THPT tại địa phương (chiếm 49,3%); tỷ lệ tốt nghiệp chung của khối THPT đạt 97,77%; khối bổ túc THPT đạt 95,88%. Theo số liệu sơ bộ, trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, toàn tỉnh có 184 học sinh đạt từ 26 điểm trở lên, trong đó có 57 học sinh đạt trên 27 điểm và 10 học sinh đạt trên 28 điểm.

Năm học 2015-2016, kế thừa những thành tích đã đạt được, ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và đẩy mạnh cải cách hành chính trong toàn ngành để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; chú trọng công tác dạy và học Tiếng Anh, Tin học cho học sinh. Năm học mới học sinh các khối mầm non, tiểu học, THCS và THPT của tỉnh sẽ đồng loạt tổ chức tựu trường vào ngày 17/8; thực học ngày 7/9 với khối mầm non, ngày 24/8 với các khối tiểu học, THCS, THPT. Riêng khối giáo dục thường xuyên tựu trường vào 24/8 và thực học ngày 7/9. Cùng với học sinh cả nước, các trường đã đồng loạt khai giảng vào ngày 5/9 với nội dung ngắn gọn, thời gian từ 1-1,5 giờ. Chương trình sữa học đường được thực hiện ở 100% cơ sở giáo dục mầm non trong toàn tỉnh với 74.545 trẻ được uống sữa tại trường; đặc biệt, từ năm học này sẽ mở rộng đối tượng thụ hưởng chương trình “Sữa học đường” cho các cơ sở giáo dục mầm non có từ 50 trẻ trở lên với mức hỗ trợ: Ngân sách tỉnh 50%; nhà sản xuất 25%; gia đình và nguồn xã hội hoá 25%.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20 trường, trong đó có 4 trường đại học; 7 trường cao đẳng; 9 trường trung học chuyên nghiệp, trung cấp kỹ thuật và dạy nghề. Năm học 2015-2016, các trường đã dự kiến tuyển mới 39,3 nghìn sinh viên/học sinh, tăng 3% so với năm học trước; trong đó chủ yếu do tăng ở khối dạy nghề kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, các trường sẽ sử dụng kết quả từ kỳ thi quốc gia để tuyển sinh theo nhu cầu.

4. Lao động và việc làm

Do có thêm nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp FDI lớn nên kết quả giải quyết việc làm mới cho lao động đạt khá. Tính chung, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới được 20.264 lao động, tăng 2,9% so cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu 1.725 lao động. Số lao động ở khu vực nông thôn được giải quyết việc làm mới là 12.314 người, tăng 3,6% so cùng kỳ và khu vực thành thị là 7.950 người, tăng 1,8%. Theo giới tính, trong 9 tháng có 10.684 lao động nữ tìm được việc làm mới, tăng 4% so cùng kỳ, trong khi lao động nam là 9.580 người, chỉ tăng 1,6%. Tính đến cuối tháng 9, toàn tỉnh có 649,9 nghìn lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, tăng 2,3% so cùng thời điểm năm trước. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng có 320,3 nghìn lao động, chiếm 49,3%, tăng 5,4% so cùng kỳ; dịch vụ có 152,1 nghìn lao động, chiếm 23,4% và tăng 7,3%.



5. An sinh xã hội

Chính sách an sinh xã hội tiếp tục được các ngành, các cấp và các địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, chi trả, hỗ trợ đúng đối tượng và kịp thời. Đặc biệt, từ tháng 9, đã mở rộng đối tượng trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 75 tuổi không có lương hưu và chưa được khoản trợ cấp nào của Nhà nước. Tính chung 9 tháng, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách xã hội, trợ cấp cho các hộ gia đình nghèo, hộ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số 89.492 suất quà, tổng trị giá đạt 21,4 tỷ đồng. Trong đó, có 56.604 suất cho đối tượng chính sách, người có công với tổng kinh phí 15,4 tỷ đồng; 7.614 hộ nghèo với 26.890 suất quà, tổng trị giá 4,6 tỷ đồng; tặng quà cho 3.603 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng trị giá 752 triệu đồng; tổ chức mừng thọ cho 1.221 người cao tuổi (thọ 90 và 100 tuổi) với kinh phí 492 triệu đồng. Toàn tỉnh đã cấp miễn phí 20.789 thẻ bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo và 29.509 người thuộc diện hộ cận nghèo được hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế.

Công tác bảo hiểm được ngành chức năng và các địa phương chủ động triển khai, đôn đốc nhằm đảm bảo an sinh cho người lao động. Tiếp tục thông báo công khai các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm; tổ chức phạt và thu lãi chậm nộp. Ước tính trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 882,3 nghìn người tham gia đóng bảo hiểm các loại, chiếm 76,5%/tổng dân số; so cùng kỳ năm trước tăng 5,7% về tỷ lệ so với dân số và tăng 10,1% về số người tham gia bảo hiểm. Trong đó, có 239 nghìn người đóng bảo hiểm thất nghiệp (bảo hiểm thất nghiệp), tăng 21,4%. Tổng số tiền thu bảo hiểm các loại đạt 2.705 tỷ đồng, tăng 20,5% so cùng kỳ. Công tác chi bảo hiểm, nhất là trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ qua hệ thống bưu điện nên luôn kịp thời, đầy đủ, an toàn và chính xác; chi bảo hiểm thất nghiệp đúng đối tượng và thời gian qui định đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế của địa phương. Trong 9 tháng, toàn tỉnh đã chi trả tiền bảo hiểm các loại với tổng số 1.983 tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó chi từ quỹ bảo hiểm xã hội là 1.590 tỷ đồng, tăng 7,4%.

6. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ cháy, nổ các loại làm 1 người chết, 1 người bị thương và gây thiệt hại về kinh tế 364 tỷ đồng; so cùng kỳ năm trước, giảm 16 vụ, giảm 1 người chết, giảm 3 người bị thương, nhưng lại tăng 157 tỷ đồng về giá trị thiệt hại. Các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 14 vụ vi phạm môi trường, tổng số tiền phạt vi phạm 696 triệu đồng. So cùng kỳ năm 2014, giảm 21 vụ nhưng số tiền bị phạt tăng 375 triệu đồng. Điều này cho thấy mức độ vi phạm của các cơ sơ ngày càng nghiêm trọng và tinh vi hơn. Nếu các ngành chức năng không kiên quyết và xử lý nghiêm minh thì tình trạng vi phạm sẽ còn gia tăng.



VI. AN NINH CHÍNH TRỊ VÀ TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI

An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị và hoạt động văn hoá lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh, nhất là thời gian diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, yêu cầu, các chỉ tiêu và nhiệm vụ trọng tâm đề ra; đã tập trung giải quyết các điểm phức tạp về an ninh nông thôn, an ninh đô thị. Tập trung chỉ đạo các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội thu được nhiều kết quả



VII. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Trong 9 tháng đầu năm, các giải pháp của Chính phủ được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; UBND tỉnh và các cấp chính quyền địa phương luôn quan tâm sát sao, chỉ đạo quyết liệt, điều hành nhất quán với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời đã giúp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nên kinh tế trên địa bàn tỉnh đã phục hồi nhanh và rõ nét hơn vào những tháng cuối năm. Nhiều chỉ tiêu đã đạt tăng trưởng khá, như: GRDP tăng 7%; GTSX công nghiệp tăng 7,2% so cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng 13,9% nhờ sức mua trên thị trường gia tăng và do thu nhập của người lao động được cải thiện; tổng vốn đầu tư tăng cao (tăng 50%), chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, lạm phát được kiểm soát góp phần đảm bảo an sinh xã hội và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, cũng còn không ít khó khăn có thể sẽ tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm, đó là: hoạt động ngoại thương tăng thấp và chưa ổn định do bị chi phối bởi thị trường thế giới về giá nhiên liệu, nguyên liệu... Sản xuất của khối doanh nghiệp dân doanh phục hồi chưa vững chắc, nhất là các sản phẩm truyền thống khó tiêu thụ; cơ chế, chính sách cho công nghiệp hỗ trợ chậm được triển khai,... Vì thế, để hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần chỉ đạo kiên quyết hơn nữa, điều hành linh hoạt và nhất là cần tạo được sự đồng thuận, nỗ lực hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân trong 3 tháng cuối năm với một số giải pháp cụ thể sau:



1. Tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững với các sản phẩm sạch, xanh; thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sử dụng các giống có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào nông nghiệp hình thành một số vùng sản xuất tập trung với công nghệ cao; đưa các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vào cuộc sống. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập trung, quyết liệt hơn.

2. Phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ; chú trọng công nghiệp chế tạo, gắn kết doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI; gắn phát triển công nghiệp với đô thị và dịch vụ, nâng cấp lợi thế cạnh tranh. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành nghề phi nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; các chương trình tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn. Tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, các làng nghề truyền thống có lợi thế tạo sự phát triển bền vững và gắn kết, tận dụng sự lan tỏa của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, các chương trình phúc lợi, nhà ở góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển.

3. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch tổng thể phát triển khu vực dịch vụ tỉnh; 6 Đề án dịch vụ khu công nghiệp; phát triển các khu dịch vụ tập trung; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; phát triển các loại thị trường, khuyến khích đầu tư phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao, kết hợp với tăng cường đầu tư một số dự án trọng điểm di tích lịch sử văn hóa phục vụ các tua du lịch.

4. Thực hiện tốt các giải pháp tăng thu ngân sách, tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, triệt để tiết kiệm chi ngân sách theo chỉ đạo của Chính phủ, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển kinh tế, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực ngoài Nhà nước cho đầu tư.

5. Nâng cao chất lượng quản lý về xây dựng cơ bản từ quy hoạch, kiến trúc, quản lý vốn, chất lượng công trình; hoàn thành Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2016 - 2020; xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện các Luật mới như Luật đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng... Tiếp tục xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư các công trình trọng điểm. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ đầu tư hạ tầng nông thôn theo quy định để thực hiện mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới.

6. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, đất đai; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; tập trung tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đất dân cư dịch vụ; Thực hiện nghiêm Quy hoạch khu vực khai thác, tập kết cát, sỏi lòng sông và vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; Nâng cao năng lực, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt.



7. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá - xã hội, thông tin, thể thao; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh, trọng tâm là Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng… Nâng cao hiệu quả và thực hiện tốt công tác y tế dự phòng; phối hợp thu hút đầu tư và tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương, xã hội hóa để tăng cường đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện. Tiếp tục đổi mới giáo dục, đào tạo toàn diện, vững chắc; đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục việc thiếu hụt lao động; các chương trình an sinh, phúc lợi xã hội.

8. Tiếp tục triển khai thực hiện đề án đổi mới công tác kế hoạch, rà soát, hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Xây dựng, ban hành một số các cơ chế chính sách phát triển trong giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai thực hiện các quan điểm mới về phát triển kinh tế - xã hội…

9. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình tổng thể, kế hoạch cải cách hành chính; tích cực triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư; cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung cải cách hành chính ở cấp huyện, cấp xã để nâng cao các chỉ số đo lường tổng thể về cải cách hành chính (như chỉ số PAPI, chỉ số PAR INDEX). Đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng nhanh công nghệ thông tin trong các lĩnh vực thuế, hải quan...

10. Thực hiện tốt chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo lực lượng cơ động trong mọi tình huống. Nâng cao chất lượng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới; Chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, nắm chắc tình hình an ninh cơ sở; đấu tranh, phòng chống tội phạm và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện lớn diễn ra trong những tháng cuối năm 2015.

Trên đây là báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2015; Sở Kế hoạch và Đầu tư trân trọng báo cáo./.




Nơi nhận:

- Bộ KHĐT (Vụ KTĐP<, Vụ TH, TTTTTL);

- Đ/c Bí thư Tỉnh ủy, TT Tỉnh ủy;

- Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, TT UBND tỉnh, TTHĐND tỉnh;

- Ban Tuyên giáo TU, Văn phòng TU, Văn phòng UBND tỉnh;

- Viện Nghiên cứu PTKTXH tỉnh;

- Lãnh đạo Sở;

- Lưu: THQH (2), VT.



KT.GIÁM ĐỐC

PHÓ GIÁM ĐỐC

Nguyễn Quang Thành







tải về 89.75 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương