CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh đỒng tháP


II. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu



tải về 260.66 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích260.66 Kb.
#5588
1   2   3   4

II. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu

1. Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy nhanh năng lực, hiệu quả đã đạt được cho kinh tế vượt qua giai đoạn sụt giảm, đạt tốc độ tăng trường ngày càng cao lên, tăng dần quy mô kinh tế và khả năng thu hút các nguồn lực vào Tỉnh, góp phần thực hiện đạt kết quả cao nhất mục tiêu kế hoạch 5 năm đã đề ra. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trọng tâm là thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển mối quan hệ, hợp tác với các tỉnh, thành và khu vực; tăng cường cải cách hành chính, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.



2. Các chỉ tiêu chủ yếu

a. Chỉ tiêu kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 13% trở lên; trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 5,0%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 25,2%, khu vực thương mại - dịch vụ tăng 14,7%. GDP bình quân đầu người đạt 762 USD.

- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông - lâm - thủy sản 41,1%, khu vực công nghiệp - xây dựng 27,1%, khu vực thương mại - dịch vụ 31,8%.

- Sản lượng lúa trên 2,6 triệu tấn; sản lượng thủy sản nuôi 323 ngàn tấn.

- Kim ngạch xuất khẩu đạt 445 triệu USD (trong đó, giá trị thủy sản xuất khẩu 275 triệu USD).

- Kim ngạch nhập khẩu đạt 400 triệu USD (trong đó, giá trị nhập khẩu xăng dầu 340 triệu USD).

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 2.143 tỷ đồng.

- Tổng chi cân đối ngân sách địa phương 2.796 tỷ đồng.

- Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 6.886 tỷ đồng.

- Tỷ lệ đô thị hóa đạt 28,3%.

- Mật độ điện thoại 80 máy/100 dân; mật độ internet 13,97 thuê bao/100 dân.

b. Chỉ tiêu xã hội

- Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi: TH 95%, THCS 85%, THPT 50%.

- Số trường học đạt chuẩn quốc gia 67 trường.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40% (đào tạo nghề đạt 26,6%).

- Tạo việc làm mới và việc làm thêm 40.000 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,5%.

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,0%.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 18%.

- Tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã 90%.

- Bình quân 1 vạn dân có 4,69 bác sĩ.

- Tỷ lệ hộ dân sử dụng lưới điện 99%.



c. Chỉ tiêu môi trường

- Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch (kể cả lắng lọc) đạt 85%.

- Tỷ lệ hộ dân thành thị sử dụng nước sạch đạt 96%.

- Tỷ lệ rác thải đô thị được thu gom và xử lý 90%

- Tỷ lệ rác công nghiệp được thu gom và xử lý 100%.

- Tỷ lệ rác thải y tế được thu gom và xử lý 100%.

- Tỷ lệ che phủ rừng 3,26%.

3. Khả năng hoàn thành các chỉ tiêu Kế hoạch 5 năm 2006-2010

Dự kiến kết quả đạt được năm 2009 và kế hoạch năm 2010, khả năng hoàn thành một số chỉ tiêu chủ yếu Kế hoạch 5 năm 2006-2010 như sau:



a. Về kinh tế

- Giá trị GDP năm 2010 dự kiến bằng 3,11 lần năm 2000, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2006-2010 dự kiến đạt 14,1%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2010 dự kiến đạt 762 USD. Cả 3 chỉ tiêu này gần đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, kế hoạch theo thứ tự là 3,16 lần, 14,5%/năm và 768 USD, nguyên nhân chưa đạt, chủ yếu do tác động của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới.

- Trong 3 khu vực, chỉ riêng khu vực công nghiệp-xây dựng không đạt chỉ tiêu tăng trưởng bình quân năm (dự kiến tăng 28%/năm so với KH là 30%/năm), còn lại khu vực - lâm - thủy sản khu vực thương mại - dịch vụ đều đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng bình quân năm (dự kiến khu vực I tăng 6,6%/năm so với KH là 6,6%/năm và khu vực III tăng 17,9%/năm so với KH là 17,5%/năm).

- Đến năm 2010, dự kiến sản lượng lúa đạt 2,6 triệu tấn, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 323 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 445 triệu USD. So chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006-2010, các chỉ tiêu này đều đạt và vượt kế hoạch (Kế hoạch theo thứ tự trên là trên 2 triệu tấn, 280 ngàn tấn, 400 triệu USD).



b. Về xã hội và môi trường

Tính đến năm 2010, nhiều chỉ tiêu có thể đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006-2010 là tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, lao động qua đào tạo, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tạo việc làm, tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, sử dụng điện lưới quốc gia, số máy điện thoại/100 dân, tỷ lệ đô thị hóa…



III. Định hướng phát triển ngành và lĩnh vực năm 2010

A. Về kinh tế

1. Về nông nghiệp và phát triển nông thôn

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn theo định hướng, mục tiêu của Nghị quyết Tỉnh uỷ về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giống cây, con, tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng nhanh tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản trong cơ cấu ngành theo hướng an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Phấn đấu thực hiện trong năm 2010 như sau:

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 490.073 ha. Trong đó, diện tích lúa 440.000 ha (lúa Ðông xuân 205.000 ha, lúa Hè thu 190.000 ha); diện tích hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày 43.610 ha (trồng các loại cây chủ yếu như: đậu nành, đậu xanh, bắp, mè, đậu phộng, sen, rau các loại...); diện tích vườn cây ăn trái 25.000 ha (xoài, nhãn, cây có múi...); diện tích trồng hoa kiểng 330 ha. Sản lượng lúa đạt trên 2,6 triệu tấn (lúa chất lượng cao chiếm trên 70%), đậu nành 31.200 tấn, trái cây các loại 174.150 tấn, rau đậu các loại 256.000 tấn.

Phát triển đàn bò đạt 50.200 con; đàn trâu 2.000 con; đàn heo 450.000 con (có trên 70% nạc hóa); đàn gia cầm 7,0 triệu con. Sản lượng thịt hơi các loại 62.000 tấn (trong đó, thịt heo hơi 42.750 tấn).

Diện tích nuôi trồng thuỷ sản 8.872 ha (cá tra 1.872 ha); số lồng bè nuôi thủy sản 2.000 cái. Sản lượng thuỷ sản 336.000 tấn, trong đó, sản lượng nuôi 323.000 tấn (cá tra 285.000 tấn, tôm 3.000 tấn), khai thác 13.000 tấn.

Diện tích rừng trồng mới trên diện tích đã khai thác 650 ha và trồng mới 6 triệu cây phân tán phòng hộ lũ lụt, phục vụ quốc phòng. Diện tích rừng tập trung giữ mức ổn định trên 8.700 ha.

Nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 84,5%, dạy sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên cho trên 3.000 lao động nông thôn; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 85% (kể cả lắng lọc); di dời 2.000 hộ dân vào cụm, tuyến dân cư (trong đó, có 1.500 hộ dân vùng sạt lở, 500 hộ dân biên giới); tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng các xã nông thôn mới.

Tăng cường thực hiện Kế hoạch về củng cố phát triển hợp tác xã nông nghiệp Tỉnh giai đoạn 2006-2010. Trong năm thành lập mới 03 hợp tác xã nông nghiệp, hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp hiện có, nhất là các hợp tác xã chuyên ngành theo hướng hoạt động khép kín từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm.



Một số giải pháp thực hiện:

Thực hiện tốt công tác hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình tiên tiến, chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo như sử dụng các loại giống lúa chất lượng cao, giống xác nhận, kháng rầy, áp dụng lịch thời vụ an toàn, các quy trình sản xuất tiên tiến theo tiêu chuẩn GAP, tăng cường thực hiện công tác cơ giới hóa trong các khâu trước trong và sau thu hoạch cho cây lúa và một số loại hoa màu. Tập trung sản xuất 5.162 tấn giống lúa nguyên chủng, siêu nguyên chủng và giống xác nhận, khuyến cáo nông dân không gieo trồng giống lúa IR 50404. Nhân rộng các mô hình sản xuất có thu nhập cao trong vụ Đông Xuân, chuyển đổi sang sản xuất hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, xây dựng, phát triển vùng sản xuất rau an toàn, vùng chuyên canh cây ăn trái gắn kết với tiêu thụ sản phẩm ở các địa bàn có điều kiện. Tiếp tục thực hiện các dự án trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán, nâng cao tỷ lệ cây xanh lấy bóng mát. Chủ động phòng chống thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.

Tăng cường năng lực hệ thống thú y, nhất là thú y tại cơ sở. Thường xuyên kiểm tra các lò ấp, cơ sở giết mổ, chợ, siêu thị và chợ buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm; thực hiện kế hoạch tiêm phòng bệnh LMLM trên gia súc và bệnh cúm gia cầm đạt 100%/tổng đàn; thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng theo quy định; thực hiện tốt các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, hạn chế đến mức tối đa ô nhiễm môi trường. Khuyến cáo, hướng dẫn người chăn nuôi phát triển mô hình nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp, hạn chế dần tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ và vịt chạy đồng. Hướng dẫn cho người chăn nuôi chọn mua những con giống đạt chất lượng tốt ở các cơ sở sản xuất giống có uy tín. Từng bước nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh thông qua việc gieo tinh nhân tạo cho gia súc, nhập giống gia cầm có chất lượng cao siêu thịt, siêu trứng. Tạo thuận lợi cho công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam và công ty Huỳnh gia Huynh Đệ trong việc sản xuất và tiêu thụ gia súc, gia cầm trên địa bàn Tỉnh.

Đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng thủy lợi phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản gắn với phục vụ đa mục tiêu, nhất là ở vùng nuôi bãi bồi trọng điểm tập trung. Tăng cường kiểm tra, cấp phép và quản lý chặt quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản, đảm bảo kiểm soát ô nhiễm nguồn nước. Tăng cường hướng dẫn xây dựng vùng nuôi kết hợp với tập huấn kỹ thuật, quy trình nuôi thuỷ sản an toàn, cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn, vùng nuôi an toàn theo tiêu chuẩn SQF. Hướng dẫn phân kỳ hợp lý mùa vụ thu hoạch để chủ động ở khâu tiêu thụ, hạn chế việc thừa thiếu sản lượng cục bộ trong từng thời điểm, tạo thuận lợi cho các nhà máy chế biến hoạt động ổn định liên tục suốt năm.

Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hoá. Tạo điều kiện phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Sơ kết liên kết “bốn nhà”, mô hình sản xuất giỏi để rút kinh nghiệm. Xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó mỗi huyện, thị xã, thành phố chọn 2 xã khó khăn nhất để thực hiện. Kết hợp nhiều nguồn vốn tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn như: giao thông, điện, thủy lợi, trường, trạm, chợ, bến bãi, kho chứa hàng hoá...củng cố, phát triển HTX, THT, trang trại.

2. Về công nghiệp

Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng năng lực sản xuất, mở thêm ngành nghề mới ngoài ngành công nghiệp chế biến nông - thuỷ sản, nhằm đảm bảo cho ngành công nghiệp vượt qua giai đoạn sụt giảm, đạt tốc độ tăng trưởng ngày càng cao lên và bền vững. Phấn đấu thực hiện trong năm 2010 như sau:

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá 1994) đạt 10.421 tỷ đồng, tăng 26,0% so ước thực hiện năm 2009. Sản lượng một số sản phẩm chính: gạo xay xát, lau bóng 2,1 triệu tấn, thuỷ sản đông lạnh 156.000 tấn, bánh phồng tôm 7.800 tấn, thức ăn thủy sản 730.000 tấn, thuốc viên các loại 2 tỷ viên, sản phẩm may mặc 4 triệu sản phẩm, cát khai thác 11,6 triệu m3, trang in offset 2,8 tỷ trang, điện thương phẩm 1.098 triệu kwh, nước máy tiêu thụ 13,5 triệu m3.

Một số giải pháp thực hiện:

Thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh, đặc biệt là những khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, thuế, vốn tín dụng, mặt bằng sản xuất, lao động... Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh. Thực hiện tốt sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các doanh nghiệp chế biến thủy sản, thức ăn thủy sản, người nuôi cá và ngân hàng, trên nguyên tắc tự nguyện, cùng tạo uy tín sản phẩm, cùng hưởng lợi nhuận và cùng chia sẻ rủi ro. Thực hiện nghiêm ngặt công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp đúng theo quy định.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, chú trọng kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất hàng tiêu dùng, ngành nghề khác ngoài lĩnh vực chế biến nông, thuỷ sản, có xét đến yếu tố về công nghệ, tính hiệu quả của dự án, khả năng đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường, nhu cầu sử dụng lao động. Phấn đấu thu hút từ 8-10 dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các bộ tiêu chuẩn quốc tế như: ISO, HACCP, GMP... Củng cố, phát triển các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng kết nối đến các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật trong nội bộ từng khu, cụm; hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp hiện hữu, mở rộng khu A1 Sa Đéc 90 ha, khu công nghiệp Trần Quốc Toản 105 ha, cụm công nghiệp Vàm Cống 24 ha; triển khai quy hoạch chí tiết 17 cụm công nghiệp điện tích 1.474 ha. Giải quyết nhanh các trường hợp tồn đọng về bồi thường, giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu triển khai dự án của các nhà đầu tư đúng tiến độ, sớm đưa vào hoạt động, tăng thêm năng lực sản xuất, phấn đấu có thêm 10-15 dự án mới đi vào hoạt động.

Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công. Củng cố các làng nghề hiện có, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động, nâng dần chất lượng sản phẩm làng nghề truyền thống, phát triển thêm nhiều ngành nghề mới. Triển khai tốt kế hoạch đào tạo trung, dài hạn lực lượng công nhân kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu lao động công nghiệp. Khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lực lượng công nhân; đầu tư xây dựng nhà ở, các công trình phúc lợi, góp phần phục vụ tốt hơn về nhu cầu nhà ở, sinh hoạt của lực lượng công nhân ở các khu, cụm công nghiệp.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về điện, phát triển mạng lưới điện theo quy hoạch, đảm bảo an toàn, chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, nhất là nhu cầu điện năng ở các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.



3. Về thương mại, dịch vụ

Về thương mại: đẩy mạnh hoạt động thương mại theo hướng đa dạng hóa thị trường; tạo điều kiện thiết lập các kênh phân phối đa dạng, hiện đại. Nâng cấp, mở rộng 05 chợ loại II lên chợ loại I, xây mới 04 siêu thị, 01 trung tâm thương mại, chợ đầu mối lúa gạo Lấp Vò, kho ngoại quan, siêu thị tại cửa khẩu Dinh Bà (do Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đầu tư). Phấn đấu thực hiện tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 26.328 tỷ đồng, tăng 21,7% so với ước thực hiện năm 2009.

Về xuất, nhập khẩu: giữ vững thị trường xuất khẩu hiện có, tiếp tục mở rộng thêm thị trường mới. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 445 triệu USD (trong đó, xuất khẩu thuỷ sản 275 triệu USD); mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: gạo 250.000 tấn, thủy sản đông lạnh 110.000 tấn, bánh phồng tôm 4.000 tấn, sản phẩm may mặc 4 triệu sản phẩm. Ưu tiên nhập khẩu những mặt hàng phục vụ trực tiếp cho sản xuất và đời sống; phấn đấu kim ngạch nhập khẩu khoảng 400 triệu USD; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: xăng dầu 600.000 tấn, nguyên liệu may 8,4 triệu USD, tân dược, dược liệu, thiết bị y tế 40 triệu USD.

Về kinh tế biên giới: tạo mọi thuận lợi cho kinh tế biên giới phát triển đạt hiệu quả tốt. Trọng tâm là khu cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, cửa khẩu quốc tế Thường Phước sớm phát huy tác dụng, tăng thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Hồng Ngự và toàn Tỉnh.

Về du lịch: tiếp tục đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; tổ chức khai thác có hiệu quả các khu du lịch trọng điểm của Tỉnh, du lịch biên giới, nối tuyến sang Campuchia... Phấn đấu đón 1,261 triệu lượt khách du lịch (trong đó có 24.000 lượt khách quốc tế, 946.000 khách tham quan trong ngày); tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 75 tỷ đồng.

Về dịch vụ bưu chính, viễn thông: phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính viễn thông. Phấn đấu năm 2010, số thuê bao điện thoại trên toàn mạng đạt 1.408.775 máy, bình quân 100 dân có 80 máy, mật độ internet 13,97 thuê bao/100 dân, có 108 bưu điện văn hóa xã, đưa vào vận hành Báo Đồng Tháp điện tử.

Các dịch vụ khác: nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hóa thông qua cảng, phát triển dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, tư vấn, kinh doanh bất động sản...

Một số giải pháp thực hiện:

Huy động các nguồn vốn ngân sách và các thành phần kinh tế để đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trao đổi mua bán hàng hóa. Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chuyên doanh theo quy hoạch. Có cơ chế khai thác hiệu quả chợ đầu mối trái cây Mỹ Hiệp, đồng thời đẩy nhanh phương án mở rộng giai đoạn 2.

Khuyến khích xây dựng hệ thống đại lý, phát triển mạng lưới phân phối đa dạng, tiện lợi phù hợp với điều kiện của địa phương đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống; tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá ra ngoài tỉnh. Củng cố và giữ vững thị trường xuất khẩu hiện có, tiếp tục mở rộng thêm nhiều thị trường mới, nhất là xuất khẩu gạo sang Trung Đông, Châu Phi, hàng thủy sản vào thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc.

Đưa vào vận hành thông thương hàng hoá qua các cửa khẩu theo Hiệp định và Nghị định thư về vận tải đường bộ với Campuchia; tập trung đầu tư hoàn thành cơ bản hạ tầng thiết yếu ở hai cửa khẩu quốc tế, các chợ đường biên, tạo thuận lợi cho giao lưu hàng hoá. Thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư phát triển đa dạng sản phẩm, hấp dẫn du khách, nâng cao chất lượng phục vụ và các dịch vụ kèm theo. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp các khu, điểm du lịch theo quy hoạch, các hạng mục hạ tầng thiết yếu tại những địa điểm này và công trình hạ tầng kết nối đến các khu, điểm du lịch, trong đó ưu tiên bố trí vốn ngân sách đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường vào Khu du lịch Xẻo Quýt và Gáo Giồng.

Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đầu tư hạ tầng mạng phục vụ vùng nông thôn, vùng biên giới; mở rộng các loại hình dịch vụ ở bưu cục và điểm bưu điện văn hoá xã; mở rộng vùng phủ sống thông tin di động, Internet băng thông rộng, mạng lưới đại lý đa dịch vụ phục vụ các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại và Internet. Quản lý chặt chẽ dịch vụ trò chơi trực tuyến, hạn chế thấp nhất tác hại do trò chơi trực tuyến gây ra.

Phát triển dịch vụ công nghệ thông tin, gắn với việc đẩy mạnh công tác phổ cập kiến thức tin học, Internet trong cộng đồng, cho các đối tượng là nông dân, phụ nữ, thanh niên nông thôn, biên giới; thực hiện tốt Đề án hỗ trợ Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hội nhập và phát triển; xây dựng Website “Bạn nhà nông” để cung cấp thông tin, cầu nối cho bà con nông dân.

Khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của thị trường, nhất là các dịch vụ có giá trị cao. Sớm hình thành mới bến phà Sa Đéc, phà Hồng Ngự - Tân Châu; khuyến khích mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, taxi.



4. Về tài chính, tín dụng và phát triển doanh nghiệp

Về tài chính: tiếp tục thực hiện tốt việc phân cấp ngân sách và phân cấp chi đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2007-2010. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức về thực hiện nghĩa vụ thuế; thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp kê khai, nộp thuế theo quy định và chống thất thu thuế; tổ chức quản lý chặt chẽ các nguồn thu, chi ngân sách, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. Phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 2.143 tỷ đồng. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương 2.796 tỷ đồng (trong đó chi đầu tư phát triển 591 tỷ đồng).

Về tín dụng: tăng cường công tác huy động vốn, phấn đấu tổng nguồn vốn huy động tại chỗ đạt 8.707 tỷ đồng, tăng 15,3%; tổng dư nợ cho vay 19.613 tỷ đồng, tăng 25% so với ước thực hiện năm 2009, trong đó dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm khoảng 25% tổng dư nợ. Tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách tiền tệ của Chính phủ, góp phần thúc đẩy kinh tế vượt nhanh giai đoạn sụt giảm ưu tiên cho vay đối với các dự án sản xuất, chế biến, xuất khẩu hàng nông, thủy sản, cho vay tổng hợp (sản xuất và tiêu dùng) đối với khách hàng và các dự án kinh doanh có hiệu quả.

Về phát triển doanh nghiệp: tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân có điều kiện về vốn thành lập cơ sở, doanh nghiệp; từng bước mở rộng tiếp nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp “một đầu mối” tại huyện, thị xã, thành phố. Phấn đấu trong năm 2010 có thêm 280 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

5. Về phát triển đô thị và vùng kinh tế

Về phát triển đô thị: huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch, nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 28,3%. Đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng vốn từ quỹ đất có tính khả thi cao sẽ ưu tiên kêu gọi các thành phần kinh tế thực hiện; đối với các dự án ít thuận lợi sẽ có những hình thức linh hoạt và điều kiện thông thoáng để các thành phần kinh tế tham gia. Vốn ngân sách nhà nước ưu tiên bố trí đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu ở thành phố Cao Lãnh, thị xã Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự, trung tâm xã Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự), thị trấn Mỹ An và thị trấn Lấp Vò theo dự án được duyệt và phù hợp với khả năng ngân sách.

Về phát triển vùng kinh tế: tiếp tục phát huy thế mạnh về thương mại, dịch vụ, du lịch vùng Cao Lãnh; sản xuất công nghiệp vùng Sa Đéc; sản xuất nông nghiệp, kinh tế biên giới vùng Hồng Ngự trên cơ sở triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển các vùng đến năm 2010 theo các nghị quyết, quyết định đã ban hành, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của Tỉnh phát triển. Các địa phương trong từng vùng phải chủ động có biện pháp khai thác thế mạnh riêng có của mình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành Tỉnh trong triển khai đầu tư các công trình hạ tầng trên địa bàn, đặc biệt là làm tốt công tác quản lý quy hoạch, giải phóng mặt bằng, ổn định đời sống nhân dân có đất bị thu hồi.

6. Về đầu tư phát triển

Để thực hiện đạt mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, theo tính toán nhu cầu vốn đầu tư phát triển cần khoảng 6.886 tỷ đồng, chiếm 26,0% GDP; trong đó, vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước khoảng 3.499 tỷ đồng, chiếm 50% tổng vốn đầu tư, gồm: vốn cân đối ngân sách điạ phương 981 tỷ đồng, hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương 1.058 tỷ đồng, vốn tráí phiếu Chính phủ 1.300 tỷ đồng, vốn ODA 160 tỷ đồng. Được tập trung đầu tư theo mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của kế hoạch đề ra với nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho từng khu vực như sau: nông-lâm-thủy sản 11,0%, công nghiệp-xây dựng 48,2%, thương mại-dịch vụ 40,8% tổng vốn đầu tư.



B. Về giáo dục-đào tạo, môi trường và các lĩnh vực xã hội khác

1. Về giáo dục và đào tạo

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo, chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mầm non, chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho học tập, sinh hoạt của học sinh, thầy, cô giáo theo hướng trường chuẩn quốc gia; trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Phấn đấu tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến lớp: mầm non 70%, tiểu học 95% (trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%), trung học cơ sở 85%, trung học phổ thông 50%; tỷ lệ học lực học sinh khá, giỏi các cấp đạt: 75% ở tiểu học, 53% ở trung học cơ sở, 33% ở trung học phổ thông; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học ở tiểu học xuống 0,7%, trung học cơ sở 3%, trung học phổ thông 4%; giáo viên đạt chuẩn mầm non đạt 87%, tiểu học đạt 99%, trung học cơ sở đạt 99%, trung học phổ thông đạt 92%; có thêm 16 trường học đạt chuẩn quốc gia; thành lập thêm 02 trường trung học phổ thông (Long Khánh A-huyện Hồng Ngự, Hòa Bình-huyện Tam Nông), 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên thị xã Hồng Ngự. Duy trì vững chắc kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

Một số giải pháp thực hiện:

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án về đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo của Chính phủ và Tỉnh đã ban hành. Không ngừng nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đảm bảo đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc huy động học sinh ra lớp. Tạo điều kiện cho các em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Tổ chức tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành nội dung, chương trình và biên chế năm học, giám sát chặt chẽ việc thi cử đảm bảo tính nghiêm túc, phản ánh đúng thực chất.

Tăng cường đầu tư, phát triển mạng lưới trường lớp, phòng chức năng, thiết bị giảng dạy, thực hành. Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch, phấn đấu năm 2010 xây dựng thêm 16 trường đạt chuẩn quốc gia (04 trường mầm non, 06 trường tiểu học, 04 trường trung học cơ sở, 02 trường trung học phổ thông). Triển khai có hiệu quả chương trình kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2. Trong đó, xây dựng mới 883 phòng học, phòng chức năng cho các bậc học, cấp học và các trung tâm giáo dục thường xuyên; xây dựng 50% các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có phòng chức năng, bộ môn; đầu tư thêm 300 điểm trường có nhà vệ sinh đúng theo định mức quy định. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, khuyến khích phát triển các loại hình giáo dục, đào tạo ngoài công lập; huy động các nguồn lực xã hội cùng chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

Tiếp tục thực hiện Chương trình Mêkông 1.000 đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nước ngoài, đảm bảo hoàn thành tốt 50 chỉ tiêu được giao. Liên kết với các trường Sư phạm Huế, Vinh, Cần Thơ mở các lớp đào tạo sau đại học cho 120 chỉ tiêu; mở các ngành học có nhu cầu như, kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật nông nghiệp, tin học…




tải về 260.66 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương