Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-cp ngày 27 tháng 12 năm 2007 và Nghị định số 22/2010/NĐ-cp ngày 09/3/2010 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ y tế


SOI THANH KHÍ PHẾ QUẢN, CHẨN ĐOÁN VÀ LẤY DỊ VẬT



tải về 1.77 Mb.
trang8/18
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích1.77 Mb.
#30046
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   18

SOI THANH KHÍ PHẾ QUẢN, CHẨN ĐOÁN VÀ LẤY DỊ VẬT

I. ĐẠI CƯƠNG

Soi thanh khí phế quản là đưa ống soi cứng hoặc mềm vào thanh khí và phế quản để thăm khám chẩn đoán và làm các thủ thuật.



II. CHỈ ĐỊNH

- Dị vật đường thở.

- Ho ra máu.

- Dãn phế quản.

- Cắt hạt xơ, polyp dây thanh âm.

- Bấm sinh thiết khối u ở thanh quản để chẩn đoán.

- Nấm phế quản.

- Viêm phế quản mủ.

- U phế quản, khí quản.

- Khó thở sau phẫu thuật.

- Chấn thương thanh khí quản (soi bằng ống mềm).

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

- Người bệnh từ chối soi.

- Suy tim nặng.

- Lao phổi đang tiến triển.

- Dãn quai động mạch chủ thì chống chỉ định với ống soi cứng.

- Khối u ở thanh quản che lấp thanh quản gây khó thở thanh quản từ độ II trở lên.



IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa cấp I Tai Mũi Họng có kinh nghiệm nội hô hấp.



2. Phương tiện

Máy soi phế quản cứng, máy soi phế quản mềm, máy hút, oxy, thuốc gây tê tại chỗ, kẹp sinh thiết, kẹp gắp dị vật.



3. Người bệnh

- Khám toàn thân.

- Làm các xét nghiệm cơ bản máu, nước tiểu, chụp phổi trừ trường hợp cấp cứu khó thở do dị vật có thể làm sau.

- Cho người bệnh uống thuốc an thần tối hôm trước soi, sáng hôm soi nhịn ăn uống, lấy mạch, nhiệt độ.

- Giải thích trước soi và ký giấy cam đoan thực hiện kỹ thuật.

4. Hồ sơ bệnh án

Theo quy định của Bộ Y tế.



V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

- Có thể gây mê hoặc gây tê.

- Đưa ống soi vào thanh quản.

- Đưa ống soi vào khí quản.

- Vào phế quản phải hoặc trái, lần lượt tìm các nhánh phế quản thùy.

- Nếu thấy dị vật dùng kẹp gắp ra (chọn loại kẹp phù hợp với tính chất dị vật).

- Nếu thấy u dùng kẹp sinh thiết, sinh thiết 1 mảnh u.

VI. THEO DÕI

- Trong khi soi: mạch, huyết áp, nhịp thở, theo dõi sắc da và niêm mạc.

- Sau khi soi: khó thở, mạch, nhiệt độ, huyết áp.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

1. Trong khi soi

- Dị ứng các thuốc gây tê tại chỗ: xử trí theo quy trình chống dị ứng và sốc phản vệ.

- Phản xạ co thắt thanh quản: dự phòng bằng gây tê thật tốt thanh khí quản. Khi bắt đầu dấu hiệu co thắt ngừng ngay các thủ thuật, cho người bệnh thở oxy, khi có co thắt tiêm thuốc dãn cơ, đặt nội khí quản, hô hấp hỗ trợ.

- Phản xạ ngừng tim đột ngột.

- Chảy máu: cầm máu tại chỗ

- Suy hô hấp cấp do dị vật bít tắc phế quản: nhanh chóng lấy dị vật và hô hấp hỗ trợ.



2. Sau khi soi

- Khó thở thanh quản do sang chấn phù nề thanh quản: cho thuốc chống phù nề, thở oxy, nếu cần mở khí quản.

- Sốt cao, da xanh tái: đề phòng sau soi nhỏ mũi bằng adrenalin 0,1%, theo dõi nhiệt độ 30 phút 1 lần, cho hạ nhiệt độ, thở oxy, an thần, hồi sức, nếu cần đặt nội khí quản và thở máy.
SOI THỰC QUẢN LẤY DỊ VẬT

I. ĐẠI CƯƠNG

Soi thực quản là phương pháp khám bằng ống soi cứng hoặc mềm đưa vào thực quản để chẩn đoán các bệnh thực quản và làm các thủ thuật lấy dị vật, nong thực quản, sinh thiết.v.v



II. CHỈ ĐỊNH

- Nghi ngờ có bệnh thực quản.

- Dị vật thực quản.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

- Người bệnh từ chối soi.

- Lao cột sống cổ.

- Bị nhiễm trùng cấp, viêm thực quản cấp, áp xe thực quản cổ, áp xe trung thất (do dị vật).

- Cao huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim.

- Phồng quai động mạch chủ.

- Bỏng thực quản ở giai đoạn choáng.

- Khít hàm.

Đối với ống soi mềm vẫn có chỉ định soi rộng rãi, trừ: nhiễm trùng lan rộng (áp xe quanh thực quản).

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng có kinh nghiệm soi thực quản.



2. Phương tiện

- Bộ ống soi thực quản cứng hoặc mềm (gồm nguồn sáng, dây dẫn và ống soi).

- Máy hút, ống hút.

- Kẹp sinh thiết hoặc gắp dị vật.

- Ô xy.

3. Người bệnh

- Khám toàn thân.

- Làm xét nghiệm cơ bản, chụp thực quản cản quang hoặc cổ nghiêng.

- Cho người bệnh uống thuốc an thần tối hôm trước soi.

- Nhịn ăn, uống trước soi 2 giờ.

- Giải thích trước soi và ký giấy cam đoan làm kỹ thuật.



4. Hồ sơ bệnh án

Theo quy định của Bộ Y tế.



V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

- Gây tê niêm mạc hoặc gây mê nội khí quản.

- Tìm sụn nắp thanh quản, vén nắp thanh thật đi sau 2 sụn phễu.

- Đưa ống soi qua miệng thực quản, soi thực quản cổ tìm dị vật hoặc đánh giá tổn thương.

- Soi thực quản ngực tìm dị vật hoặc đánh giá tổn thương.

- Vượt qua eo cơ hoành.

- Rút ống soi ra từ từ, kiểm tra lại.

VI. THEO DÕI

- Trong khi soi: mạch, nhịp thở, huyết áp, màu sắc da và niêm mạc.

- Theo dõi sau soi: khó thở, mạch, nhiệt độ, huyết áp.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

1. Trong khi soi

- Phản xạ co thắt thanh quản đối với trường hợp gây tê:

+ Dự phòng bằng gây tê thật tốt thanh quản, họng, hạ họng.

+ Khi bắt đầu xuất hiện dấu hiệu co thắt ngừng ngay các thủ thuật, cho người bệnh thở oxy; khi còn có co thắt thực sự tiêm ngay thuốc dãn cơ, đặt nội khí quản, hô hấp hỗ trợ.

- Khó thở do dị vật to hay ở trẻ gây chèn ép: ngừng soi, cho gây mê dãn cơ, đặt nội khí quản sau đó soi thực quản.

- Phản xạ ngừng tim: khi phát hiện biểu hiện ngừng tim phải ngừng soi, cho thở oxy kích thích thật mạnh để lập lại phản xạ. Nếu cần tiêm adrenalin vào tim, xoa bóp ngoài lồng ngực.

- Chảy máu: do rách, thủng thực quản, cầm máu tại chỗ, theo dõi mạch, huyết áp. Nếu cần truyền máu hồi sức, gửi ngoại khoa.

2. Sau khi soi

- Hội chứng sốt cao xanh tái trẻ nhỏ: đề phòng bằng cách sau soi nhỏ mũi adrenalin 0,1%, theo dõi nhiệt độ 30 phút 1 lần, cho hạ nhiệt độ, thở oxy an thần, gây mê nội khí quản thở mask.

- Thủng thực quản: hồi sức, kháng sinh liều cao, đặt ống thông dạ dày, chuyển khoa ngoại điều trị.

- Khó thở do sang chấn: cho kháng sinh, thuốc chống phù nề, thở oxy.


CHÍCH ÁP XE QUANH AMIDAN

I. ĐẠI CƯƠNG

Chích rạch dẫn lưu mủ khoảng quanh amidan qua đường miệng.



II. CHỈ ĐỊNH

Các áp xe quanh amidan (viêm tấy quanh amidan giai đoạn hình thành mủ).



III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Viêm tấy quanh amidan chưa hóa mủ.



IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.



2. Phương tiện

- Đèn Clar, gương trán...

- Đè lưỡi khuỷu.

- Bơm tiêm 5 - 10 ml và kim chọc dò to.

- Dao chích nhọn mũi.

- Kìm Lube - Bacbông.

- Máy hút.

- Thuốc: tê niêm mạc, oxy già 12 đơn vị.



3. Người bệnh

- Được giải thích kỹ về thủ thuật.



4. Hồ sơ bệnh án

- Bệnh án chuyên khoa Tai Mũi Họng.

- Xét nghiệm cơ bản: công thức máu, máu chảy, máu đông.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Vô cảm

Gây tê niêm mạc họng bằng phun dung dịch tê niêm mạc.



2. Tư thế

Người bệnh ngồi, tựa lưng, đầu hơi ngửa, há miệng rộng.



3. Kỹ thuật

- Chọc thăm dò bằng bơm tiêm và kim to: chọc nơi phồng nhất ở trụ trước, sâu khoảng 1 cm.

- Nếu có mủ, dùng dao nhọn chích 1 đường song song với trụ trước, đi qua điểm chọc, dài khoảng 1 cm, sâu 1 cm vào ổ mủ.

- Dùng kìm Lube - Bacbông banh rộng mép vết rạch, hút sạch mủ.

- Bơm rửa ổ áp xe bằng dung dịch NaCl 0,9%, oxy già 12 đơn vị hoặc dung dịch sát trùng.

VI. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

1. Theo dõi

- Kháng sinh toàn thân.

- Chống viêm, giảm đau, chống phù nề.

- Làm thuốc hàng ngày: dùng kèm Lube-Bacbông banh rộng vết rạch, rửa ổ áp xe.

- Chỉ định cắt amidan sau 3 - 4 tuần để đề phòng tái phát.

2. Xử trí

- Choáng do đau và quá sợ hãi: giải thích kỹ càng cho người bệnh về thủ thuật, dùng thuốc trợ tim, trợ lực, an thần...

- Chảy máu ít: dùng bông tẩm dung dịch oxy già 12 đơn vị đặt vào vết rạch.
CHÍCH ÁP XE THÀNH SAU HỌNG

I. ĐỊNH NGHĨA

Chích áp xe thành sau họng là chích rạch dẫn lưu ổ mủ thành sau họng, khoảng 1 của Henle. Thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi do viêm nhiễm hạch Gilet.



II. CHỈ ĐỊNH

Các áp xe thành sau họng.



III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có.



IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa I Tai Mũi Họng.



2. Phương tiện

- Nguồn sáng (đèn Clar...).

- Bơm tiêm 10-20 ml và kim to.

- Máy hút.

- Đè lưỡi khuỷu.

- Dao chích nhọn mũi.



3. Người bệnh

Được quấn chặt bằng khăn mổ.



4. Hồ sơ bệnh án

- Bệnh án chuyên khoa Tai - Mũi - Họng.

- Xét nghiệm cơ bản: công thức máu, máu chảy, máu đông.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Vô cảm

Tùy theo tình trạng người bệnh có thể gây tê hoặc mê.



2. Tư thế

- Người bệnh nằm ngửa trên bàn, đầu thấp, thò ra đầu bàn do một người phụ giữ.

- Phẫu thuật viên đứng bên phải người bệnh (nếu thuận tay phải).

3. Kỹ thuật

- Tay trái đè lưỡi nhẹ nhàng bộc lộ thành sau họng.

- Dùng bơm tiêm chọc dò vào nơi phồng nhất sâu độ 5 mm, hút bớt mủ cho áp xe xẹp lại, người bệnh sẽ dễ thở hơn.

- Dùng dao nhọn chích theo chỗ chọc dò theo chiều trên dưới dài 5 mm.

- Hút sạch mủ.

VI. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

1. Theo dõi

- Ngạt thở, choáng.

- Kháng sinh toàn thân chống viêm, chống phù nề.

- Khám lại họng hàng ngày, nếu cần thiết phải banh rộng vết chích và hút mủ.

- Sau 1 tháng, nên chỉ định nạo V.A.

2. Xử trí

- Đè lưỡi quá thô bạo gây nên ngừng thở đột ngột: bỏ đè lưỡi, hỗ trợ hô hấp cho người bệnh thở lại, sau đó đè lưỡi nhẹ nhàng và chọc hút bớt mủ.

- Khi chích, mủ trào ra nhiều tràn vào đường thở: hút mủ thật nhanh, cầm chân dốc ngược đầu xuống.
NẮN CHỈNH HÌNH THÁP MŨI SAU CHẤN THƯƠNG

I. ĐẠI CƯƠNG

Thủ thuật nhằm đưa xương chính mũi về vị trí cũ, dựng lại vách ngăn cho thẳng.



II. CHỈ ĐỊNH

Xương chính và vách ngăn bị vỡ sau chấn thương.



III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Gẫy xương chính mũi đi kèm chấn thương sọ não phải tạm thời ngừng xử trí để giải quyết sọ não và chấn thương trước, sau đó mới chỉnh lại xương chính mũi bị gẫy.



IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

- Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.

- Phẫu thuật viên đeo đèn Clar, người phụ thứ nhất đứng đối diện với phẫu thuật viên, người phụ thứ hai giữ đầu.

2. Phương tiện

- 01 cặp khuỷu.

- 01 bay to và đủ cứng, kìm nâng sống mũi cuốn (Asch - Walsham).

- 01 soi mũi.

- 02 chén đựng thuốc sát trùng và thuốc tê.

- Khăn, bấc nhét mũi có tẩm dầu.

- Gạc có tẩm bột thạch cao hoặc nhựa bột (nhựa nhanh cứng).

- Ống hút và máy hút.



3. Người bệnh

- Chụp phim Blondeau, Hirtz, mũi nghiêng (tia mềm hơn).

- Người bệnh có choáng: chống choáng cho người bệnh trước.

- Thông thường xử trí chấn thương gẫy xương chính mũi là gây tê tại chỗ. Tẩm một đoạn bấc có thấm dung dịch thuốc tê niêm mạc và co mạch và đặt vào mũi. Tiêm thuốc tê tại chỗ vào vách hõm mũi hai bên.



4. Hồ sơ bệnh án

Theo quy định của Bộ Y tế.



V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Có thể gây tê tại chỗ hoặc gây mê

2. Đối với gẫy kín

- Đặt bấc có thấm thuốc tê tại chỗ và co mạch ở ngách trên, sau 10 phút rút ra. Tiêm thuốc tê tại chỗ vào vách ngăn mũi hai bên.

- Rút bấc ra, tay trái giữ banh mũi, tay phải dùng bay đưa lên sát ngách trên rồi từ từ đưa xương bị gẫy về vị trí cũ.

- Nhét một bấc có thấm dầu parafin lên sát ngách trên để đỡ cho xương khỏi sập lại.

- Nếu bên kia cũng gẫy thì tiếp tục làm như trên. Trong khi nhét bấc phải chỉnh lại vách ngăn cho cân đối.

- Làm một máng bằng bột thạch cao và gạc ra phía ngoài (hoặc nhựa) theo khuôn của mũi để đỡ khung cho mũi. Nẹp bột này được giữ 1 tuần rồi bỏ ra, rút bấc mũi sau 2 ngày.



3. Đối với xương chính gẫy hở

- Phải xếp lại xương gẫy về vị trí cũ.

- Độn gạc giữ phía bên trong mũi.

- Khâu phục hồi các bình diện rách: niêm mạc, cơ, da.

- Đặt bột khung (hoặc nhựa nhanh cứng).

VI. THEO DÕI

- Dùng kháng sinh toàn thân, nhỏ mũi bằng Argyrol 3%.

- Nếu gẫy hở, bẩn, cần tiêm S.A.T.

- Làm thuốc mũi: hút dịch, khí dung mũi, luôn không để dính.



VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

- Chảy máu: nhét lại bấc cho chặt.

- Xương không liền tốt, can xấu: đập can, nắn lại.

- Ngạt do dính trong hốc mũi: chăm sóc tốt, tách dính.

- Viêm xoang do ứ đọng.
PHẪU THUẬT CHẤN THƯƠNG XƯƠNG GÒ MÁ

I. ĐẠI CƯƠNG

- Xương gò má là một phần của khối xương mắt, là một xương dầy, khoẻ, hình 4 cạnh tiếp khớp với 4 xương gồm xương trán, cánh lớn, xương bướm, xương thái dương, xương hàm trên.

- Chấn thương xương gò má là chấn thương khá thường gặp, tùy vào loại chấn thương và vị trí chấn thương có thể ảnh hưởng tới mắt và khớp thái dương hàm.

- Người ta phân chấn thương xương gò má thành 6 nhóm dựa vào sự di lệch của đường gẫy:

+ Gẫy xương không di lệch.

+ Gẫy cung tiếp.

+ Gẫy thân xương gò má không bị xoay.

+ Gẫy thân xương gò má xoay vào trong.

+ Gẫy thân xương gò má xoay ra ngoài.

+ Gẫy nhiều đường.



II. CHỈ ĐỊNH

Gẫy xương gò má có di lệch.



III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Khi gẫy xương gò má không di lệch.



IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

- Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng hoặc Răng Hàm Mặt.

- Điều dưỡng phụ giúp.

2. Phương tiện

- Thường là gây mê toàn thân.

- Dao mổ, kéo, bay, lóc xương.

3. Người bệnh

- Được bác sĩ giải thích kỹ về phẫu thuật trước mổ.

- Kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp.

4. Hồ sơ bệnh án

Đầy đủ với xét nghiệm cơ bản, phim chụp cắt lớp vi tính (CT scanner) chấn thương.



V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

- Gẫy cung tiếp có di lệch nhiều hoặc ảnh hưởng tới khớp thái dương hàm phải nắn chỉnh lại theo phương pháp của Gillies: Đường rạch da dài 2 cm ở chân tóc mái. Bóc tách bộc lộ cân cơ thái dương. Rạch qua cân thái dương để đưa bẩy vào phía trong cung tiếp bẩy nắn chỉnh cung tiếp về vị trí bình thường.

- Gẫy xương gò má mức độ vừa có di lệch: có thể dùng phương pháp nắn chỉnh của Gillies vá đơn thuần hoặc phẫu thuật nắn chỉnh xương và kết hợp bằng nẹp vít ở 2 hoặc 3 vị trí như ở bờ dưới ổ mắt, mẫu ngoài ổ mắt, phần gò má cung tiếp.

- Gẫy xương gò má mức độ nặng: là một phẫu thuật phức tạp bởi thể gẫy này di lệch nhiều và gẫy vỡ làm nhiều mảnh vụn, thường gặp các tổn thương phối hợp ở mắt. Đường vào kết hợp xương là những đường rạch ở da hay niêm mạc tuỳ từng vị trí cần kết hợp. Sau khi bộc lộ vùng xương gẫy nắn chỉnh kết hợp xương bằng chỉ thép hoặc nẹp vít.

- Gẫy sàn ổ mắt: trong thể gẫy xương gò má có tổn thương sàn ổ mắt nên tổ chức quanh ổ mắt thoát vị xuống xoang hàm gây hạn chế vận động của nhãn cầu, nhìn đôi, cần phẫu thuật tái tạo sàn ổ mắt. Nếu tổn thương mất xương nhiều có thể phải dùng vật liệu tự thân như sụn vách ngăn, sụn sườn hoặc nhân tạo như lưới ti tan, mảnh xốp polycthylen để sửa chữa khe hở sàn ổ mắt sau khi đã giải phóng phần thoát vị của tổ chức ổ mắt ra.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

- Nhiễm trùng: dùng kháng sinh tiêm.

- Phù nề: dùng chống viêm, giảm phù nề.

- Theo dõi vận động nhãn cầu, há miệng xem có loét không.


PHẪU THUẬT CHẤN THƯƠNG KHỐI MŨI SÀNG

I. ĐẠI CƯƠNG

- Chấn thương khối mũi sàng là một chấn thương tai mũi họng khá thường gặp, khá phức tạp.

- Việc xử trí phức tạp và khó khăn.

- Thực chất chấn thương khối mũi sàng gồm 2 loại hình là:

+ Chấn thương tầng giữa sọ mặt.

+ Chấn thương tầng trên sọ mặt.



II. CHỈ ĐỊNH

Khi có chấn thương khối mũi sàng có di lệch với tình trạng toàn thân ổn định, chấn thương sọ não đã được loại trừ.



III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Khi có tình trạng cấp cứu khác cần giải quyết như chấn thương sọ não, chấn thương ngực, bụng.



IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

- Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng từ chuyên khoa cấp I trở lên, nắm chắc giải phẫu vùng mũi xoang.

- Bác sĩ phụ mổ, điều dưỡng, dụng cụ viên.

2. Phương tiện

- Bộ dụng cụ phẫu thuật mũi xoang.

- Nẹp vít hoặc chỉ thép.

3. Người bệnh

Được giải thích kỹ về bệnh và cách xử trí trước khi phẫu thuật.



4. Hồ sơ bệnh án

Đầy đủ với các xét nghiệm cơ bản để gây mê.

Có đầy đủ phim chụp CT scan vùng chấn thương và vùng lân cận.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

- Gây mê toàn thân với ống nội khí quản.

- Cách thức rạch da và nắn chỉnh xương gẫy khác nhau tuỳ loại tổn thương. Nếu vỡ đơn giản di lệch ít có thể nắn chỉnh bằng móc, bay để mảnh xương trung gian về vị trí bình thường sau đó có thể cố định xương với nẹp vít hoặc chỉ thép.

Nếu vỡ phức tạp của khối mũi sàng rời ra nhiều mảnh lan rộng đến hố lệ, loại vỡ phức tạp này đôi khi làm chảy dịch não tủy vào hốc mũi, bắt buộc phải sử dụng kỹ thuật kết xương để tạo hình lại sống mũi thành trong ổ mắt. Nếu mặt xương lớn đôi khi phải dùng mảnh ghép xương để tái tạo lại tổn thương.



VI. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ

- Chảy máu: cầm máu.

- Chống nhiễm trùng: dùng kháng sinh.

- Chống phù nề: thuốc chống phù nề.

- Viêm màng não ở những trường hợp có rò dịch não tủy: kháng sinh thường là dùng cephalosporin thế hệ II, chống phù não.

- Theo dõi chức năng vận động của mắt, thị lực.


PHẪU THUẬT CHẤN THƯƠNG THANH KHÍ QUẢN

I. ĐẠI CƯƠNG

Chấn thương thanh khí quản là bệnh lý nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người bệnh. Vấn đề điều trị bao gồm xử trí cấp cứu để bảo đảm thông khí tại đường thở nhằm cứu sống người bệnh ngay sau khi chấn thương. Vấn đề điều trị chuyên khoa cần phải làm sớm bao gồm điều trị nội khoa đơn thuần hoặc phẫu thuật.



II. CHỈ ĐỊNH

- Bằng chứng rõ ràng qua nội soi hay chụp cắt lớp vi tính có tổn thương rách niêm mạc, hở sụn, bất động dây thanh hay vỡ phức tạp.

- Những tổn thương nặng nề như rách rộng niêm mạc lan đến mép trước, vỡ sụn vụn nát, trật khớp sụn phễu.

- Vết thương thanh khí quản hở.



III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Trong các chống chỉ định vì lý do gây mê hồi sức, tuy nhiên, không có chống chỉ định tuyệt đối. Nếu tổn thương đe dọa tính mạng người bệnh thì vẫn phải thực hiện phẫu thuật cấp cứu.



IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

- Phẫu thuật viên đứng bên phải người bệnh.

- Người phụ đứng bên đối diện.

2. Phương tiện

- Bộ nội soi thanh khí quản ống cứng và optic.

- Bộ nội soi thực quản ống cứng.

- Dao mổ lưỡi 15 và 20.

- Kéo thẳng, kéo sim.

- Kẹp phẫu tích cầm máu các loại.

- Faraboeuf nhỏ 2 chiếc.

- Faraboeuf lớn 2 chiếc.

- Bay bóc tách cỡ to và nhỏ.

- Kẹp phẫu tích có mấu và không mấu.

- Bờ cào 2 răng đầu tròn.

- Chỉ khâu vicryl từ 1.0 đến 6.0.

- Chỉ thép hoặc chỉ không tiêu từ 1.0 đến 2.0 hoặc nẹp vít đường kính từ 1 mm đến 2 mm.

- Ống nong thanh quản.



3. Người bệnh

Tư thế nằm ngửa, kê gối dưới vai.



V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Thì 1: Mở khí quản (nếu chưa được xử trí mở khí quản cấp cứu)

Thì 2: Soi thanh khí phế quản và thực quản trực tiếp bằng ống cứng và optic có gắn camera để đánh giá tổn thương một cách chính xác.

Thì 3: Phẫu thuật mở chỉnh hình thanh khí phế quản:

- Gây tê tại chỗ (bằng lidocain).

- Rạch da theo đường nếp lằn cổ ở mức ngang giáp nhẫn hoặc thấp hơn tùy tổn thương.

- Bóc tách vạt da kéo lên ngang mức xương móng, phía dưới ngang mức sụn nhẫn hoặc thấp hơn xuống dưới lỗ mở khí quản.

- Tách nhóm cơ dưới móng bộc lộ trục thanh khí quản và các đường vỡ.

- Rạch sụn giáp ở giữa xuyên qua màng giáp nhẫn hoặc sụn khí quản để bộc lộ lòng thanh khí quản.

- Đánh giá tổn thương trong lòng thanh khí quản.

- Khâu phục hồi các phần cơ dây thanh bị đứt, niêm mạc bị rách.

- Nối lại các mảnh tổn thương của thanh quản và khí quản bị đứt bằng vicryl 2.0 đến 4.0.

- Cố định đường vỡ bằng chỉ thép, chỉ không tiêu hay kết hợp bằng nẹp vít.

- Ghép tổ chức niêm mạc hoặc da trong trường hợp có tổn thương mất chất.

- Đóng lại đường mở sụn giáp bằng chỉ thép, chỉ không tiêu hay kết hợp bằng nẹp vít.

- Đóng lại màng sụn, cân, cơ và da.

- Đặt nong khi cần thiết.



VI. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

1. Theo dõi

- Đặt sonde dạ dày để tránh hiện tượng ăn sặc vào đường thở sau phẫu thuật.

- Nghe phổi, chụp phổi theo định kỳ.

- Thuốc kháng sinh, chống viêm, chống trào ngược.

- Thay băng hàng ngày.

- Rút ống nong sau 7 ngày, 2 tuần, hoặc 6 đến 8 tuần tùy theo từng loại ống nong hoặc tình trạng tổn thương của người bệnh.

- Nội soi kiểm tra cắt tổ chức hạt sau khi rút ống nong.

- Rút ống thở sau khi sau khi người bệnh đã được nút ống thở mà thở tốt qua đường tự nhiên hoặc soi thanh khí quản kiểm tra, đánh giá lòng đường thở đã đủ rộng.



2. Xử trí

- Chảy máu vào đường thở hoặc vết mổ: tiến hành mở lại hốc mổ cầm máu.

- Tắc ống thở: thay ống thở hoặc hoặc hút rửa ống thở.

- Nhiễm trùng: dùng loại kháng sinh phù hợp.

- Tổ chức hạt che lấp lòng đường thở: tiến hành nội soi cắt tổ chức hạt.

- Sẹo hẹp thanh khí quản: mổ chỉnh hình thanh khí quản.


PHẪU THUẬT MỞ CẠNH CỔ

I. ĐỊNH NGHĨA

Là phẫu thuật mở vào vùng tổ chức liên kết quanh thực quản cổ, ngay cạnh bó mạch cảnh để dẫn lưu mủ hoặc lấy dị vật, hoặc mở vào thực quản, cạnh thực quản để lấy dị vật hoặc khâu thực quản.



II. CHỈ ĐỊNH

- Áp xe vùng quanh thực quản do dị vật đường ăn đâm thủng thực quản ra ngoài, mở để dẫn lưu mủ của áp xe.

- Viêm tấy tổ chức liên kết vùng cổ.

- Chấn thương gây thủng thực quản.

- Dị vật thực quản cổ to quá, không lấy được bằng đường tự nhiên.

- Mở cạnh cổ để cắt bỏ túi thừa thực quản.



III. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

- Bác sĩ chuyên khoa cấp I Tai Mũi Họng và người phụ.

- Phẫu thuật viên đứng ở bên cần mổ.

- Người phụ thứ nhất đứng đối diện với phẫu thuật viên.

- Người phụ thứ hai đứng ở phía đầu người bệnh.

2. Phương tiện

02 Dao mổ; 01 bóc tách lòng máng; 01 kéo thẳng; 01 kéo cong dài; 01 kìm phẫu tích có răng và không răng; 04 kìm Kocher; 10 kìm Halsted; 02 banh Farabeup; kìm cặp kim và kim khâu; 04 kìm cặp khăn mổ, 01 kìm Kocher 20 cm; khăn, gạc, chỉ (lanh và catgút), thông Nelaton; ống hút và dây hút.



3. Người bệnh

- Người bệnh và người nhà được chuẩn bị kỹ về tư tưởng, cách ăn uống sau này bằng thông và những nguy hiểm có thể xảy ra khi mổ.

- Hồi sức chu đáo cho người bệnh vì bị mệt quá lâu ngày do không ăn uống được, do nhiễm khuẩn và nhiễm độc.

- Nếu có khó thở phải mở khí quản trước.



Каталог: quy-trinh
quy-trinh -> Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-cp ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ y tế
quy-trinh -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam trưỜng đẠi học kinh tế tp. Hcm độc lập Tự do Hạnh phúc
quy-trinh -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam trưỜng đẠi học kinh tế tp. Hcm độc lập Tự do Hạnh phúc
quy-trinh -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam trưỜng đẠi học kinh tế tp. Hcm độc lập Tự do Hạnh phúc
quy-trinh -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam trưỜng đẠi học kinh tế tp. Hcm độc lập Tự do Hạnh phúc
quy-trinh -> Khoa công nghệ thực phẩm bài tiểu luậN

tải về 1.77 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương