Căn cứ Luật Thống kê ngày 26 tháng 6 năm 2003 và Nghị định số 40/2004/NĐ-cp ngày 13 tháng 02 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê



tải về 77.83 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích77.83 Kb.
#18475

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ  
-------


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------


Số: 312/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 03 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI ĐỒNG BỘ CÁC HỆ THỐNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ



THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thống kê ngày 26 tháng 6 năm 2003 và Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,


QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê với những nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU

Đổi mới và áp dụng đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê, hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia thống nhất, thông suốt và hiệu quả phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế nhằm cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các thông tin thống kê đáp ứng nhu cầu phân tích, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước; công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các Bộ, ngành và địa phương và của các tổ chức, cá nhân.



II. PHƯƠNG HƯỚNG ĐỔI MỚI

1. Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê phải bảo đảm thực hiện đúng 6 nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê đã được quy định trong Luật Thống kê là: (i) Bảo đảm tính trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời trong hoạt động thống kê; (ii) Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê; (iii) Thống nhất về chỉ tiêu, biểu mẫu, phương pháp tính, bảng phân loại, đơn vị đo lường, niên độ thống kê và bảo đảm tính so sánh quốc tế; (iv) Không trùng lặp, chồng chéo giữa các cuộc điều tra thống kê, các chế độ báo cáo thống kê; (v) Công khai về phương pháp thống kê, công bố thông tin thống kê; (vi) Bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin thống kê Nhà nước đã công bố công khai; những thông tin thống kê về từng tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng cho mục đích tổng hợp thống kê.

2. Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê, bao gồm: Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; Hệ thống chỉ tiêu thống kê của các Bộ, ngành và Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã, hình thành tổng thể các hệ thống chỉ tiêu thống kê thống nhất. Việc đổi mới các hệ thống chỉ tiêu thống kê phải được thực hiện cùng với việc đổi mới toàn diện các hoạt động thống kê. Kết quả của việc đổi mới này phải trở thành một trong các căn cứ quan trọng để xây dựng Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2015.

3. Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê phải tiến hành trên cơ sở tiếp tục phát huy vai trò của Hệ thống thống kê tập trung; tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ chức thống kê Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao (sau đây gọi chung là thống kê Bộ, ngành); nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn thông tin thống kê do các tổ chức thống kê cơ sở thu thập, tổng hợp, nhằm hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia thống nhất, thông suốt và hiệu quả.

4. Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê phải đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, đồng thời tạo ra sự chủ động hội nhập ngày càng sâu, rộng của thống kê Việt Nam với thống kê quốc tế. Trên cơ sở lộ trình triển khai phù hợp, bảo đảm tính khả thi cao của các hệ thống chỉ tiêu thống kê mới.

5. Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê phải gắn liền với đổi mới các hoạt động thống kê; đồng thời phải hoàn thiện bộ máy tổ chức, bảo đảm nguồn nhân lực, môi trường pháp lý, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật và các điều kiện khác để triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả các nội dung đổi mới.



III. NỘI DUNG ĐỔI MỚI

1. Đổi mới, bổ sung, hoàn thiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 305/2005/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2005 với 274 chỉ tiêu thống kê thuộc 24 nhóm ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội đã phát huy vai trò chủ đạo trong tổng thể các hệ thống chỉ tiêu thống kê của nước ta trong thời gian qua, tuy nhiên cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, so với yêu cầu của quá trình xây dựng và phát triển của đất nước nên cần phải được đổi mới, hoàn thiện với các nội dung sau:

a) Xác định, bổ sung thêm các chỉ tiêu thống kê phản ánh chất lượng, hiệu quả của sự phát triển, sức cạnh tranh của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; các chỉ tiêu bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

b) Tiêu thức phân tổ của các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phải bảo đảm yêu cầu thông tin chi tiết phân theo ngành kinh tế, thành phần kinh tế (trong thời gian trước mắt tạm thời phân theo loại hình kinh tế như: kinh tế nhà nước; kinh tế ngoài nhà nước; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài), vùng và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với các chỉ tiêu xã hội phải đổi mới để tăng thêm phân tổ theo giới tính, dân tộc, thành thị, nông thôn với các tiêu thức chất lượng cụ thể, rõ hơn.

c) Phân công trách nhiệm thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quản lý của bộ, ngành và chức năng, nhiệm vụ của Hệ thống thống kê tập trung, tránh trùng lặp, chồng chéo, nhằm phản ánh đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước.

2. Xây dựng và ban hành đầy đủ Hệ thống chỉ tiêu thống kê của các Bộ, ngành

Căn cứ vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương ban hành các hệ thống chỉ tiêu thống kê phục vụ yêu cầu quản lý, sử dụng thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Hệ thống chỉ tiêu thống kê của mỗi Bộ, ngành phải bảo đảm tính đồng bộ cao với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và các hệ thống chỉ tiêu thống kê khác; đồng thời phải là một trong những nguồn cung cấp thông tin đầu vào quan trọng của Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và đáp ứng nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân khác.

3. Xây dựng và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương xây dựng và ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã đồng bộ với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê của Bộ, ngành. Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã phải là một trong những nguồn cung cấp thông tin đầu vào quan trọng của Hệ thống, chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê của Bộ, ngành; đáp ứng yêu cầu thông tin thống kê phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp ở địa phương; đồng thời phục vụ nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân khác.

4. Xây dựng hệ thống khái niệm, phương pháp tính các chỉ tiêu thống kê

Căn cứ các Hệ thống chỉ tiêu thống kê được cấp có thẩm quyền ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và các Bộ, ngành tiến hành chuẩn hóa khái niệm, phương pháp tính các chỉ tiêu thống kê theo đúng chuẩn mực thống kê và phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế để thống nhất áp dụng, bảo đảm tính so sánh của số liệu thống kê theo thời gian và không gian.

5. Hoàn thiện các hình thức thu thập thông tin đầu vào của các hệ thống chỉ tiêu thống kê

Hoàn thiện các hình thức thu thập thông tin, kết hợp hài hòa và có hiệu quả báo cáo thống kê, điều tra thống kê với khai thác nguồn thông tin đa dạng và phong phú của các hồ sơ đăng ký hành chính. Theo đó, rà soát và xây dựng hoàn chỉnh Chế độ báo cáo thống kê cơ sở; Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với bộ, ngành; Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chương trình điều tra thống kê quốc gia; Chế độ báo cáo thống kê của các bộ, ngành; tổ chức hệ thống các cơ sở dữ liệu thống kê khai thác từ hồ sơ đăng ký hành chính.

6. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện những vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ thống kê khác có liên quan.

Tập trung đổi mới và hoàn chỉnh những vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ thống kê khác có liên quan chặt chẽ đến các hệ thống chỉ tiêu thống kê mới, trong đó chú trọng việc xây dựng và áp dụng các bảng phân loại thống kê; tăng cường công tác phân tích và dự báo; tăng cường ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông; tổ chức các cơ sở dữ liệu thống kê tổng hợp, cơ sở dữ liệu thống kê ban đầu, siêu dữ liệu và kho dữ liệu; xây dựng hệ thống sản phẩm thông tin thống kê; xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi và chia sẻ thông tin; xây dựng chính sách phổ biến thông tin thống kê.

7. Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thống kê

Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thống kê. Tiếp thu, vận dụng nghiệp vụ thống kê tiên tiến và kinh nghiệm thành công của các nước để hoàn thiện phương pháp nghiệp vụ chuyên môn thống kê, đổi mới và hoàn chỉnh các hệ thống chỉ tiêu thống kê đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, phù hợp tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Thực hiện đầy đủ các cam kết về thống kê với các nước và các tổ chức quốc tế.



IV. GIẢI PHÁP

1. Đánh giá hiện trạng các Hệ thống chỉ tiêu thống kê

Rà soát và đánh giá hiện trạng các Hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện có, cụ thể là Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành theo Quyết định số 305/2005/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ; Hệ thống chỉ tiêu thống kê của các Bộ, ngành và Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã đang áp dụng. Phải làm rõ tính toàn diện, tính phù hợp, tính thống nhất và mức độ thực hiện của từng chỉ tiêu trong mỗi hệ thống, xác định cụ thể mặt được và chưa được, để có căn cứ đổi mới và xây dựng hoàn thiện, đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.

2. Củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức thống kê

a) Hệ thống tổ chức thống kê tập trung được tổ chức theo ngành dọc gồm Cơ quan thống kê Trung ương (Tổng cục Thống kê) và các cơ quan thống kê địa phương (Cục Thống kê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Thống kê các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) theo quy định của Luật Thống kê cần phải được củng cố và phát huy.

b) Tổ chức thống kê Bộ, ngành là bộ phận cấu thành trong hệ thống tổ chức thống kê nhà nước, thuộc bộ máy tổ chức của Bộ, ngành có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan tổ chức, quản lý công tác thống kê trong ngành, lĩnh vực phụ trách; tiến hành các hoạt động thống kê đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, yêu cầu tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và nhu cầu về thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật. Mỗi Bộ, ngành phải xây dựng bộ máy tổ chức thống kê tương xứng với yêu cầu và khối lượng công tác thống kê của Bộ, ngành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức công tác thống kê của ngành Tòa án và ngành Kiểm sát theo quy định của Luật Thống kê.

c) Thống kê Sở, ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là bộ phận cấu thành của hệ thống thống kê quốc gia, cần phải có lực lượng chuyên trách đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của địa phương.

d) Hiện nay, các xã, phường, thị trấn đều có công chức kiêm nhiệm công tác thống kê. Ngay sau khi Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã được ban hành và triển khai áp dụng, chính quyền các xã, phường, thị trấn phải bố trí cán bộ đủ năng lực chuyên trách công tác thống kê tại xã, phường, thị trấn bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng thống kê cấp cơ sở.

đ) Cùng với việc hoàn thiện các tổ chức thống kê phải xây dựng được đội ngũ cộng tác viên thống kê có năng lực để phục vụ ngành Thống kê triển khai các hoạt động kịp thời và hiệu quả.

3. Đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực

a) Bảo đảm đủ số lượng biên chế ổn định và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của toàn ngành Thống kê, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho những người làm công tác thống kê của các Bộ, ngành; thống kê của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống kê huyện, quận, thị xã và thành phố thuộc tỉnh, thống kê xã, phường, thị trấn và lực lượng cộng tác viên thống kê.

b) Từng bước áp dụng mô hình công chức của Hệ thống thống kê tập trung biệt phái chuyên trách thống kê Bộ, ngành. Trước mắt, áp dụng đối với những Bộ, ngành có khối lượng công tác thống kê lớn, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức thống kê chưa đáp ứng yêu cầu và cần được hỗ trợ của công chức thống kê từ hệ thống thống kê tập trung.

c) Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học thống kê và đẩy mạnh việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Phải đào tạo và phát triển được cán bộ, công chức, viên chức có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu để đảm nhận và thực hiện có hiệu quả các hoạt động nghiên cứu và tổ chức thực hiện nghiệp vụ thống kê.

d) Nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành Thống kê tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành khác quản lý. Chú trọng và tăng cường đào tạo cấp chứng chỉ theo các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao và cập nhật kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ phục vụ công tác thống kê.

4. Hoàn thiện môi trường pháp lý cho công tác thống kê

a) Đánh giá tình hình và kết quả triển khai thực hiện Luật Thống kê, các Nghị định và các văn bản pháp lý khác có liên quan đến hoạt động thống kê, đề xuất và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết để đáp ứng các yêu cầu đối với công tác thống kê trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

b) Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Cộng tác viên thống kê để tổ chức thực hiện thống nhất trong cả nước.

c) Xây dựng Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

5. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông

a) Công nghệ thông tin và truyền thông là công cụ quan trọng phục vụ công tác thống kê, là phương tiện tập trung các luồng thông tin thống kê hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia thống nhất và hiệu quả. Do vậy, phải quan tâm phát triển công nghệ thông tin và truyền thông đồng bộ về: hạ tầng kỹ thuật; đào tạo nguồn nhân lực; phần mềm ứng dụng; cơ sở dữ liệu; kết nối, chia sẻ và phổ biến thông tin thống kê.

b) Nghiên cứu, hiện đại hóa công nghệ thông tin và truyền thông để ứng dụng trong tất cả các khâu của quy trình thống kê; tin học hóa việc thu thập, tổng hợp, phân tích, phổ biến và lưu giữ thông tin thống kê của hệ thống thống kê tập trung; thống kê bộ, ngành và địa phương. Trong đó, chú trọng nghiên cứu, ứng dụng các hình thức điều tra thống kê điện tử; sử dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến trong xử lý số liệu điều tra, tổng điều tra thống kê; xây dựng các cơ sở dữ liệu vĩ mô, vi mô, siêu dữ liệu, kho dữ liệu; phát triển các công cụ khai thác dữ liệu, phân tích và dự báo thống kê; tăng cường sử dụng các trang thông tin điện tử và phát hành các sản phẩm thống kê điện tử để công bố, chia sẻ thông tin thống kê, phổ biến kiến thức và đào tạo chuyên môn nghiệp vụ thống kê.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và ban hành Đề án về “Chương trình ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của Hệ thống thống kê Nhà nước đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”.

6. Tăng cường hợp tác quốc tế và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài

Tăng cường hợp tác quốc tế là một trong những yêu cầu và nội dung đổi mới công tác thống kê, phải xác định rõ nội dung hợp tác về chuyên môn nghiệp vụ, về trao đổi và phổ biến thông tin thống kê kinh tế - xã hội; xây dựng kế hoạch cụ thể để tranh thủ và sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp kỹ thuật và tài chính của thống kê các nước và các tổ chức quốc tế để tăng cường năng lực công tác thống kê; triển khai các hoạt động đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê; chú ý hợp tác về cung cấp chuyên gia, đào tạo nguồn nhân lực; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông cho toàn ngành Thống kê. Xác định lộ trình hợp lý để tiến tới thực hiện đầy đủ các cam kết về thống kê với các nước và tổ chức quốc tế.

7. Kinh phí xây dựng, thực hiện Đề án

Nguồn kinh phí xây dựng và thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) căn cứ Đề án được phê duyệt, xác định, công bố các nội dung công việc sẽ triển khai của Bộ, ngành, địa phương để làm căn cứ xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Giao Bộ Tài chính căn cứ Đề án được phê duyệt, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự toán kinh phí triển khai Đề án ở Trung ương (Hệ thống thống kê tập trung và Thống kê các Bộ, ngành); đồng thời hướng dẫn các địa phương bố trí từ nguồn ngân sách địa phương để triển khai các nội dung công việc của Đề án thuộc phạm vi địa phương phụ trách.

Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ nội dung, khối lượng công việc được giao và quy định của Luật Ngân sách nhà nước, xây dựng dự toán và bố trí kinh phí theo quy định hiện hành, trong đó cần tập trung và ưu tiên đối với hai nhóm công việc quan trọng sau đây:

- Kinh phí xây dựng Đề án và phổ biến, tập huấn, hướng dẫn triển khai Đề án trong 2 năm (2009 – 2010);

- Kinh phí thực hiện Đề án trong 5 năm (2011 – 2015) cho các hoạt động chủ yếu như: thực hiện các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê; ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng trụ sở, mua sắm phương tiện đi lại, trang thiết bị làm việc của hệ thống thống kê tập trung.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Lộ trình thực hiện

a) Năm 2010: xây dựng hoàn chỉnh và ban hành đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê chủ yếu, bao gồm: Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; Hệ thống chỉ tiêu thống kê của từng Bộ, ngành và Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã.

b) Triển khai thực hiện các chỉ tiêu thống kê của các hệ thống chỉ tiêu thống kê theo hai nhóm: Nhóm thứ nhất (nhóm A) gồm những chỉ tiêu bắt đầu áp dụng ngay từ năm 2011; Nhóm thứ hai (nhóm B) gồm những chỉ tiêu triển khai trong các năm 2012 – 2014. Từ năm 2015 sẽ áp dụng toàn bộ các chỉ tiêu trong danh mục của các hệ thống chỉ tiêu thống kê mới.

2. Trách nhiệm của các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương và kế hoạch triển khai

a) Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án

Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Công văn số 548/TTg-KHTH ngày 10 tháng 4 năm 2009 và Quyết định số 668/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài nhiệm vụ chung, thành viên Ban Chỉ đạo còn có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các công việc của Bộ, ngành, địa phương được phân công trong Đề án.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các công việc chủ yếu sau:

- Đánh giá hoạt động của Hệ thống thống kê tập trung và công tác thống kê ở các Bộ, ngành, địa phương; đánh giá tổng quan thực trạng công tác thống kê nói chung và thực trạng các hệ thống chỉ tiêu thống kê nói riêng ở nước ta để làm căn cứ xây dựng và áp dụng các hệ thống chỉ tiêu thống kê của các nước theo yêu cầu đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê của Đề án này.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trong quý I năm 2010 hoàn thành việc xác định, công bố các nội dung công việc các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện theo nội dung và yêu cầu của Đề án; hướng dẫn, phổ biến, tập huấn, triển khai Đề án trong năm 2010; xác định nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án trong 5 năm (2011 – 2015) của hệ thống thống kê tập trung.

- Xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý I năm 2010.

- Trong quý II năm 2010, xây dựng và ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã để thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước.

- Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê và quy chế Cộng tác viên thống kê.

- Kiện toàn tổ chức của cơ quan Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Thống kê huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoàn thiện hệ thống tổ chức thống kê của hai ngành này; phối hợp với các địa phương và bộ, ngành có liên quan kiện toàn tổ chức thống kê Sở, ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thống kê xã, phường, thị trấn trong năm 2010.

- Trong Quý II năm 2010, công bố nội dung giải thích khái niệm, phương pháp tính, nguồn số liệu của các chỉ tiêu thống kê thuộc nhóm A.

- Trong Quý II năm 2011, công bố nội dung giải thích khái niệm, phương pháp tính, nguồn số liệu các chỉ tiêu thống kê thuộc nhóm B.

- Trong năm 2010, bổ sung, hoàn chỉnh và công bố Chương trình điều tra thống kê quốc gia; Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với các Bộ, ngành; Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chế độ báo cáo thống kê cơ sở và xây dựng kế hoạch tổ chức các cơ sở dữ liệu thống kê khai thác từ hồ sơ đăng ký hành chính; xây dựng hoàn thiện hệ thống các bảng phân loại thống kê chủ yếu, bảo đảm phù hợp với các hệ thống chỉ tiêu thống kê mới và tiêu chuẩn quốc tế.

- Trong năm 2010, xây dựng và ban hành Chương trình ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của hệ thống thống kê Nhà nước; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kêu gọi và bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông trong ngành Thống kê

- Trong năm 2010, đánh giá việc thực hiện Luật Thống kê và các văn bản pháp quy có liên quan, trên cơ sở đó đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản pháp lý về thống kê; đồng thời xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản này.

- Xây dựng “Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2025” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2010.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và hướng dẫn các nội dung liên quan đến Đề án và triển khai thực hiện Đề án trong Hệ thống thống kê tập trung; theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương triển khai các nội dung liên quan đến Đề án trong năm 2010.

- Từ năm 2010 đến năm 2015, hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình và kết quả triển khai Đề án của toàn ngành Thống kê.

- Năm 2015 tổng kết toàn bộ quá trình thực hiện Đề án.

c) Các Bộ, ngành khác

- Trong quý I năm 2010, công bố kết quả đánh giá hiện trạng công tác thống kê của Bộ, Ngành và đúc kết kinh nghiệm các nước về thống kê chuyên ngành, lĩnh vực tương ứng với ngành, lĩnh vực Bộ, ngành đang quản lý.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thành viện xây dựng, thẩm định, phê duyệt dự toán, bố trí và hướng dẫn chỉ tiêu kinh phí thực hiện Đề án trong quý I năm 2010.

- Hoàn thành các công việc liên quan đến đổi mới và áp dụng đồng bộ hệ thống chỉ tiêu thống kê của Bộ, ngành phụ trách, bao gồm: Xây dựng hoàn chỉnh Hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành; chuẩn hóa khái niệm, phương pháp tính các chỉ tiêu thống kê nhóm A, giải thích các chỉ tiêu thống kê nhóm B (nếu có) của hệ thống chỉ tiêu thống kê này; hoàn thiện phương pháp và các hình thức thu thập thông tin đầu vào (Các chế độ báo cáo thống kê, kế hoạch điều tra thống kê, đặc biệt là tổ chức các cơ sở dữ liệu thống kê khai thác từ hồ sơ đăng ký hành chính); xây dựng các bảng phân loại thống kê chuyên ngành; xây dựng hệ thống các sản phẩm thống kê; xây dựng cơ chế cung cấp và trao đổi thông tin thống kê trong nội bộ Bộ, ngành cũng như các địa phương, với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và với các Bộ, ngành khác trong năm 2010.

- Triển khai các hoạt động ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, thực hiện tin học hóa các khâu thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích, dự báo, lưu giữ, chia sẻ và công bố thông tin thống kê của Bộ, ngành. Xây dựng các cơ sở dữ liệu thống kê vi mô, vĩ mô và mạng tin học; kết nối và chia sẻ thông tin thống kê trong nội bộ Bộ, ngành cũng như với Sở, ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và với các Bộ, ngành khác trong năm 2010.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn, triển khai và theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị của Bộ, ngành thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm của Bộ, ngành trong Đề án theo đúng lộ trình đề ra trong năm 2010.

- Hoàn thành việc củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức thống kê và hệ thống thông tin thống kê Bộ, ngành theo Nghị định số 03/2010/NĐ-CP ngày 13 tháng 01 năm 2010 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức thống kê Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tăng cường môi trường pháp lý, cơ sở vật chất, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho thống kê Bộ, ngành trong năm 2011.

- Từ năm 2010 đến năm 2015, hàng năm tiến hành báo cáo đánh giá tình hình và kết quả triển khai Đề án của Bộ, ngành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) tổng hợp chung báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Ngoài nhiệm vụ chung của các Bộ, ngành nêu trên, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ còn có nhiệm vụ sau đây:

+ Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê), các Bộ, ngành khác và các địa phương thẩm định, trình phê duyệt và bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo các nội dung nêu tại khoản 7 Mục IV trong năm 2010.

+ Bộ Nội vụ trong năm 2010: (i) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai các nội dung về tổ chức, biên chế của Hệ thống thống kê tập trung; thống kê Bộ, ngành; thống kê Sở, ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thống kê xã, phường, thị trấn; (ii) Bố trí kinh phí đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức thống kê để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của ngành Thống kê.

d) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Trong quý II năm 2010, công bố kết quả đánh giá thực trạng công tác thống kê trên địa bàn, làm cơ sở cho việc đổi mới công tác thống kê của địa phương nói riêng và công tác thống kê của toàn ngành Thống kê nói chung.

- Trong năm 2010, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định, trình phê duyệt và bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo các nội dung nêu tại khoản 7 Mục IV.

- Tham gia với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã và triển khai các nội dung đổi mới chuyên môn nghiệp vụ thống kê liên quan tới đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê trên địa bàn trong năm 2010.

- Trong năm 2010, hoàn thành việc xây dựng và kiện toàn tổ chức thống kê Sở, Ban, ngành của địa phương; thống kê xã, phường, thị trấn; hoàn thiện môi trường pháp lý; xây dựng Chương trình ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông; triển khai các biện pháp phù hợp và hiệu quả tăng cường nhân lực và cơ sở vật chất cho các tổ chức thống kê cơ sở trên địa bàn.

- Chỉ đạo, tổ chức tập huấn, hướng dẫn và theo dõi, đôn đốc các Sở, ngành, các đơn vị cơ sở trên địa bàn thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm của địa phương trong Đề án theo đúng lộ trình đề ra. Từ năm 2010 đến năm 2015, hàng năm có báo cáo đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Đề án của địa phương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) tổng hợp chung báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Sinh Hùng


Каталог: Upload -> file
file -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
file -> SỰ tham gia của cộng đỒng lưu vực sông hưƠNG, SÔng bồ trong xây dựng và VẬn hành hồ ĐẬp thủY ĐIỆN Ở thừa thiêN – huế Nguyễn Đình Hòe 1, Nguyễn Bắc Giang 2
file -> Tạo Photo Album trong PowerPoint với Add In Album
file -> Thủ tục: Đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trình tự thực hiện: Bước 1
file -> CỦa chính phủ SỐ 01/2003/NĐ-cp ngàY 09 tháng 01 NĂM 2003
file -> CHÍnh phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Độc lập Tự do Hạnh phúc
file -> BỘ TÀi chính số: 2114/QĐ-btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> Nghị ĐỊnh của chính phủ SỐ 33/2003/NĐ-cp ngàY 02 tháng 4 NĂM 2003 SỬA ĐỔI, BỔ sung một số ĐIỀu củA nghị ĐỊnh số 41/cp ngàY 06 tháng 7 NĂM 1995 CỦa chính phủ
file -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 77.83 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương