Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993



tải về 1.33 Mb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu18.05.2018
Kích1.33 Mb.
#38554
  1   2   3   4   5


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 
******


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*********


Số: 115/1999/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 1999


QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy chế quản lý chất thải nguy hại
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý chất thải nguy hại.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 60 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này đều bãi bỏ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.






KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Phạm Gia Khiêm

QUY CHẾ QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI

(Ban hành kèm theo Quyết định số 155/1999/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ)

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Quy chế này quy định việc quản lý chất thải nguy hại (sau đây viết tắt là CTNH) nhằm ngăn ngừa và giảm tối đa việc phát sinh các tác động nguy hại đối với môi trường và sức khoẻ con người.

Điều 2.

Quy chế này được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có các hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam liên quan tới việc phát sinh, thu gom, vận chuyển, quá cảnh, lưu giữ, xử lý và tiêu hủy CTNH.

Quy chế này cũng được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài có các hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam liên quan tới việc phát sinh, thu gom, vận chuyển, quá cảnh, lưu giữ, xử lý và tiêu hủy CTNH, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Điều 3.

Trong Quy chế này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chất thải được hiểu như quy định tại Khoản 2, Điều 2 của Luật Bảo vệ Môi trường năm 1993;

2. Chất thải nguy hại là chất thải có chứa các chất hoặc hợp chất có một trong các đặc tính gây nguy hại trực tiếp (dễ cháy, dễ nổ, làm ngộ độc, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm và các đặc tính gây nguy hại khác), hoặc tương tác với các chất khác gây nguy hại tới môi trường và sức khoẻ con người. Danh mục các CTNH được ghi trong Phụ lục 1 kèm theo Quy chế này. Danh mục này do cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trung ương quy định;

3. Quản lý CTNH là các hoạt động kiểm soát CTNH trong suốt quá trình từ phát sinh đến thu gom, vận chuyển, quá cảnh, lưu giữ, xử lý và tiêu hủy CTNH;

4. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (sau đây viết tắt là CQQLNNMT) ở trung ương là Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ở địa phương là ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

5. Chủ nguồn thải CTNH là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở có phát sinh CTNH;

6. Chủ thu gom và vận chuyển CTNH là tổ chức, cá nhân có đăng ký thực hiện việc thu gom, vận chuyển CTNH;

7. Chủ lưu giữ CTNH là tổ chức, cá nhân được phép thực hiện việc lưu giữ CTNH;

8. Chủ xử lý, tiêu hủy CTNH là tổ chức, cá nhân được phép thực hiện việc xử lý, tiêu hủy CTNH;

9. Thu gom CTNH là việc thu gom, phân loại, đóng gói và lưu giữ tạm thời CTNH tại các địa điểm hoặc cơ sở được chấp thuận;

10. Lưu giữ CTNH là việc lưu và bảo quản CTNH trong một khoảng thời gian nhất định với điều kiện cần thiết bảo đảm không rò rỉ, phát tán, thất thoát ra môi trường cho đến khi CTNH được vận chuyển đến các địa điểm hoặc cơ sở xử lý, tiêu hủy được chấp thuận;

11. Vận chuyển CTNH là quá trình chuyên chở CTNH từ nơi phát sinh tới nơi lưu giữ, xử lý, tiêu hủy;

12. Xử lý CTNH là quá trình sử dụng công nghệ hoặc biện pháp kỹ thuật (kể cả việc thu hồi, tái chế, tái sử dụng, thiêu đốt chất thải) làm thay đổi các tính chất và thành phần của chất thải nguy hại, nhằm làm mất hoặc giảm mức độ gây nguy hại đối với môi trường và sức khoẻ con người;

13. Tiêu hủy CTNH là qúa trình sử dụng công nghệ nhằm cô lập (bao gồm cả chôn lấp) CTNH, làm mất khả năng gây nguy hại đối với môi trường và sức khoẻ con người;

14. Sổ đăng ký quản lý CTNH do CQQLNNMT cấp cho các chủ nguồn thải CTNH.

15. Giấy phép hoạt động thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy CTNH (sau đây gọi là giấy phép môi trường) do CQQLNNMT cấp, trong đó quy định cụ thể các yêu cầu, trách nhiệm và điều kiện về môi trường đối với việc thực hiện các hoạt động thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy CTNH;

16. Địa điểm, cơ sở được chấp thuận là nơi dùng để lưu giữ, xử lý, tiêu hủy CTNH được CQQLNNMT phê duyệt;

17. Chứng từ CTNH là hồ sơ đi kèm CTNH từ nguồn thải được thu gom, vận chuyển tới các địa điểm, cơ sở lưu giữ, xử lý, tiêu hủy.

Điều 4.

Việc quản lý CTNH phát sinh từ các hoạt động có liên quan tới lĩnh vực dầu khí, y tế, sử dụng chất phóng xạ, bức xạ, chất cháy - nổ, ngoài việc phải tuân thủ các quy định của Quy chế này, còn phải tuân thủ các quy định riêng về hoạt động thuộc các lĩnh vực đó.

Điều 5.

Tranh chấp giữa các bên mà một bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc áp dụng các quy định của Quy chế này được giải quyết theo pháp luật Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với các quy định của Quy chế này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 6.

1. Chủ nguồn thải CTNH phải đăng ký hoạt động với CQQLNNMT để được cấp sổ đăng ký quản lý CTNH;

2. Chủ thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy CTNH phải xin cấp giấy phép hoạt động. Địa điểm, phương tiện thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy CTNH do CQQLNNMT quy định.

Điều 7.

Các chủ nguồn thải, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý và tiêu hủy CTNH phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về quản lý CTNH cho CQQLNNMT (Phụ lục 4 kèm theo Quy chế này), lưu giữ nhật ký quản lý hồ sơ CTNH tại cơ sở (Phụ lục 5 kèm theo Quy chế này) và chịu sự thanh tra của thanh tra chuyên ngành về môi trường và sự kiểm tra của CQQLNNMT.

Điều 8.

Thủ tục cấp sổ đăng ký quản lý CTNH và giấy phép thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy CTNH:

1. Các chủ nguồn thải CTNH phải xin cấp sổ đăng ký quản lý CTNH tại CQQLNNMT trung ương hoặc tại CQQLNNMT địa phương (Phụ lục 2A kèm theo Quy chế này);

2. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ xin đăng ký, CQQLNNMT phải tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp sổ đăng ký quản lý CTNH; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

3. Các chủ thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy CTNH phải xin cấp giấy phép tại CQQLNNMT trung ương hoặc CQQLNNMT địa phương (Phụ lục 2B kèm theo Quy chế này);

4. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp giấy phép, CQQLNNMT phải tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

CHƯƠNG II

TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ NGUỒN THẢI CHẤT THẢI NGUY HẠI

Điều 9.

Trách nhiệm của chủ nguồn thải CTNH tại cơ sở sản xuất, kinh doanh:

1. Giảm thiểu và phân loại CTNH ngay từ nguồn thải;

2. Đóng gói CTNH theo chủng loại trong các bao bì thích hợp, đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật, ký hiệu phải rõ ràng theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

3. Lưu giữ an toàn các CTNH trong khu vực sản xuất, kinh doanh trước khi chuyển giao CTNH cho các chủ thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy; việc lưu giữ CTNH phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a. Đáp ứng các yêu cầu về quản lý CTNH do CQQLNNMT quy định (rào ngăn, biển báo và các biện pháp bảo đảm khác) tại các khu vực lưu giữ;

b. Không để lẫn với chất thải không nguy hại (kể cả chất thải rắn, lỏng) và cách ly với các CTNH khác;

c. Có phương án phòng chống sự cố, bảo đảm an toàn trong khu vực lưu giữ.

Điều 10.

Chủ nguồn thải CTNH phải tuân thủ các điểm sau đây:

1. Khi không có đủ năng lực tự thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy CTNH phát sinh tại cơ sở của mình thì phải ký hợp đồng với các chủ thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy CTNH;

2. Chỉ chuyển giao CTNH cho các chủ thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy được cấp giấy phép hoạt động;

3. Điền và ký tên vào phần I chứng từ CTNH và yêu cầu các chủ thu gom, vận chuyển điền và ký tên vào phần II của chứng từ CTNH (Phụ lục 3 kèm theo Quy chế này). Chứng từ CTNH được làm thành 05 bản. Chủ nguồn thải CTNH lưu giữ 01 bản, 04 bản còn lại giao cho các chủ thu gom, vận chuyển;

4. Kiểm tra, xác nhận CTNH trong quá trình thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy đến đúng địa điểm, cơ sở theo quy định của hợp đồng;

5. Giải trình và cung cấp các tài liệu liên quan cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được kiểm tra;

6. Trong trường hợp chủ nguồn thải CTNH tự thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy CTNH cũng phải xin phép và tuân thủ đầy đủ các quy định tại chương III và chương IV của Quy chế này.

CHƯƠNG III

TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ THU GOM, VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI NGUY HẠI

Điều 11.

Các chủ thu gom, vận chuyển CTNH phải có các phương tiện chuyên dụng bảo đảm các yêu cầu an toàn kỹ thuật sau đây:

1. Bền vững cơ học và hoá học khi vận hành;

2. Không gây rò rỉ, phát tán, thất thoát CTNH vào môi trường, không làm lẫn các loại CTNH với nhau, không chế tạo từ các vật liệu có khả năng tương tác với CTNH;

3. Có thiết bị báo động và các phương tiện xử lý sự cố khi vận hành;

4. Có biển báo theo quy định.

Điều 12.

Trách nhiệm của chủ thu gom, vận chuyển CTNH:

1. Thu gom, vận chuyển đúng số lượng và chủng loại CTNH ghi trong chứng từ CTNH kèm theo;

2. Hoàn tất các thủ tục liên quan về chứng từ CTNH: điền và ký tên vào phần II chứng từ CTNH, yêu cầu các chủ lưu giữ, xử lý, tiêu hủy ký tên vào phần III của chứng từ CTNH; chủ thu gom, vận chuyển CTNH giữ 01 bản và gửi 03 bản cho chủ lưu giữ, xử lý, tiêu hủy;

3. Chuyển giao CTNH cho các chủ lưu giữ và chủ xử lý, tiêu hủy ghi trong chứng từ CTNH;

4. Báo cáo cho CQQLNNMT theo đúng thời hạn và mẫu quy định (Phụ lục 4 kèm theo Quy chế này).

Điều 13.

Trong trường hợp xảy ra sự cố, các chủ thu gom, vận chuyển có nghĩa vụ:

1. Tiến hành các biện pháp khẩn cấp nhằm hạn chế thiệt hại đối với môi trường và sức khoẻ con người;

2. Thông báo ngay cho CQQLNNMT và ủy ban nhân dân địa phương nơi xảy ra sự cố để chỉ đạo và phối hợp xử lý; đồng thời cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời những thông tin cần thiết về sự cố cho CQQLNNMT và ủy ban nhân dân địa phương nơi xảy ra sự cố và thực hiện các hướng dẫn của họ để khắc phục sự cố;

3. Khẩn trương tiến hành khắc phục sự cố do CTNH gây ra, nếu gây thiệt hại về sức khỏe con người, tài sản và môi trường thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;

4. Trường hợp phải vận chuyển CTNH ra khỏi khu vực sự cố thì phải được CQQLNNMT tại địa phương cho phép.

Điều 14.

Việc vận chuyển CTNH qua biên giới phải tuân thủ các quy định của Công ước về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng (Công ước Basel 1989) cụ thể sau đây:

1. Việc vận chuyển quá cảnh CTNH qua lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả nội thủy và lãnh hải phải có sự đồng ý bằng văn bản của CQQLNNMT trung ương và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan hữu quan theo đúng pháp luật Việt Nam về hàng hoá quá cảnh. Việc vận chuyển CTNH qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam phải được thông báo trước cho CQQLNNMT trung ương Việt Nam;

2. Tổ chức, cá nhân muốn vận chuyển quá cảnh CTNH qua lãnh thổ Việt Nam phải nộp đơn xin phép CQQLNNMT trung ương. Đơn xin phép phải gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a. Nơi xuất phát và nơi chuyển đến cuối cùng của CTNH;

b. Ngày, giờ, số lượng và chủng loại CTNH hoặc các chất thải khác dự kiến vận chuyển quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam;

c. Chứng nhận của quốc gia nhập khẩu về việc nhập khẩu số lượng và chủng loại CTNH đó không vi phạm luật pháp quốc gia hoặc các Công ước quốc tế mà quốc gia đó ký kết hoặc tham gia;

d. Thông tin liên quan đến các bên xuất khẩu, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy cũng như các phương tiện hoạt động đã được cấp phép của họ;

đ. Thông tin liên quan đến các thủ tục xử lý sự cố khẩn cấp khi vận chuyển quá cảnh;

e. Thông tin về bảo hiểm và các thông tin khác có liên quan;

g. Trong vòng 60 ngày kể từ khi nhận đơn, CQQLNNMT trung ương phải cấp giấy phép, trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

3. Trong trường hợp được phép quá cảnh, tổ chức, cá nhân vận chuyển CTNH phải tuân thủ theo các quy định sau đây:

a. Đóng gói CTNH trong các thùng chứa thích hợp và dán ký hiệu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế;

b. Bảo đảm CTNH không bị thất thoát tại cửa khẩu và trong quá trình vận chuyển;

4. Mọi hành vi vận chuyển quá cảnh CTNH không tuân thủ các quy định trong giấy phép hoặc không có giấy phép đều bị coi là hành vi vận chuyển bất hợp pháp CTNH và sẽ bị xử lý theo pháp luật;

5. Trong trường hợp vận chuyển quá cảnh mà xảy ra sự cố gây rò rỉ, phát tán, thất thoát CTNH thì tổ chức, cá nhân vận chuyển quá cảnh phải lập tức báo cáo CQQLNNMT trung ương, địa phương và phải thực hiện các quy định tại Điều 13 của Quy chế này.

CHƯƠNG IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ LƯU GIỮ, XỬ LÝ, TIÊU HỦY CHẤT THẢI NGUY HẠI

Điều 15.

Trách nhiệm của chủ lưu giữ, xử lý, tiêu hủy CTNH:

1. Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và trình CQQLNNMT có thẩm quyền. Sử dụng các phương tiện, thiết bị lưu giữ, công nghệ xử lý, tiêu hủy CTNH theo đúng quy định trong giấy phép hoạt động do CQQLNNMT cấp;

2. Tiếp nhận CTNH từ các chủ nguồn thải, thu gom, vận chuyển trên cơ sở hợp đồng ký giữa hai bên, kèm theo đầy đủ chứng từ CTNH;

3. Có phương án và thiết bị phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa và ứng cứu sự cố;

4. Hoàn thiện chứng từ CTNH: lưu 01 bản và gửi 01 bản cho chủ nguồn thải, 01 bản cho chủ thu gom, vận chuyển CTNH;

5. Báo cáo cho CQQLNNMT có thẩm quyền các thông tin có liên quan đến quản lý CTNH (Phụ lục 4 kèm theo Quy chế này);

6. Đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu lưu giữ, xử lý, tiêu hủy CTNH.

Điều 16.

Chủ xử lý, tiêu hủy CTNH phải tuân thủ các quy định sau đây:

1. Không được chôn lẫn CTNH với chất thải không nguy hại;

2. Chỉ được phép chôn CTNH tại các khu vực đã được quy định;

3. Bãi chôn lấp CTNH phải đáp ứng các chỉ tiêu môi trường và các yêu cầu kỹ thuật do CQQLNNMT hướng dẫn và thẩm định;

4. Không được chôn CTNH quá công suất của bãi chôn lấp CTNH đã được quy định trong giấy phép;

5. Cấm thải CTNH vào các thành phần của môi trường như: không khí, đất, nước.

Điều 17.

Trong quá trình xử lý, tiêu hủy CTNH, các chủ xử lý, tiêu hủy phải tuân thủ đầy đủ các quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các loại khí thải, nước thải, bùn, tro, xỉ phải được quan trắc, phân tích thành phần và có sổ nhật ký ghi chép, theo dõi và xử lý đạt Tiêu chuẩn Việt Nam (sau đây viết tắt là TCVN). Trường hợp không đạt TCVN, chủ xử lý phải:

1. Có biện pháp nâng cấp hệ thống xử lý khí, nước thải, bùn, tro và xỉ trong thời hạn CQQLNNMT cho phép;

2. Chôn lấp các chất thải không xử lý đạt TCVN theo đúng quy trình chôn lấp CTNH tại bãi chôn lấp được quy định;

3. Chủ thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy CTNH không được pha loãng CTNH hoặc trộn lẫn CTNH với chất thải không nguy hại.

Điều 18.

Trường hợp xảy ra sự cố, chủ lưu giữ, xử lý, tiêu hủy có nghĩa vụ:

1. Tiến hành các biện pháp khẩn cấp nhằm hạn chế thiệt hại đối với môi trường và sức khoẻ con người;

2. Thông báo ngay cho CQQLNNMT và ủy ban nhân dân địa phương để chỉ đạo và phối hợp xử lý; đồng thời cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời những thông tin cần thiết về sự cố cho CQQLNNMT và ủy ban nhân dân địa phương nơi xảy ra sự cố và thực hiện các hướng dẫn của họ để khắc phục sự cố;

3. Khẩn trương tiến hành khắc phục sự cố do CTNH gây ra, nếu gây thiệt hại về sức khoẻ con người, tài sản và môi trường thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;

4. Trường hợp phải vận chuyển CTNH ra khỏi khu vực sự cố thì phải được CQQLNNMT tại địa phương cho phép.

Điều 19.

Trong trường hợp ngừng hoạt động, chủ lưu giữ, xử lý, tiêu hủy CTNH có nghĩa vụ:

1. Thông báo ngay cho CQQLNNMT trung ương, địa phương và ủy ban nhân dân các cấp về lý do và thời gian ngừng hoạt động;

2. Nộp đề án bảo vệ môi trường sau khi cơ sở lưu giữ, xử lý, tiêu hủy ngừng hoạt động cho CQQLNNMT và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đề án bảo vệ môi trường gồm các nội dung sau đây:

a. Các giải pháp công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường;

b. Các giải pháp cải tạo và sử dụng đất sau khi ngừng hoạt động;

c. Các yêu cầu và giải pháp quan trắc sau khi ngừng hoạt động;

3. Giải quyết các hậu quả phát sinh khác;

4. CQQLNNMT ở trung ương hoặc địa phương trong phạm vi thẩm quyền được giao phải thẩm định và tư vấn cho ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quyết định ngừng hoạt động của các cơ sở lưu giữ, xử lý, tiêu hủy CTNH.

Điều 20.

Các vị trí ô nhiễm tồn lưu được phát hiện tại địa phương nào thì địa phương đó có trách nhiệm xử lý, tiêu hủy theo thẩm quyền của mình; nếu vượt quá khả năng giải quyết của địa phương thì báo cáo với CQQLNNMT trung ương và các cơ quan chức năng có liên quan để phối hợp giải quyết.

Các vị trí ô nhiễm tồn lưu có liên quan đến an ninh, quốc phòng do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền; nếu vượt quá khả năng giải quyết của Bộ thì báo cáo với CQQLNNMT trung ương và các cơ quan chức năng có liên quan để phối hợp giải quyết.

CHƯƠNG V

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT THẢI NGUY HẠI

Điều 21.

Trách nhiệm của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường:

1. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện việc thống nhất quản lý nhà nước về chất thải nguy hại trong phạm vi toàn quốc; chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các hoạt động quản lý CTNH;

2. Xây dựng trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CTNH;

3. Cấp sổ đăng ký quản lý CTNH hoặc giấy phép môi trường theo thẩm quyền được giao cho các chủ nguồn thải, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy CTNH (theo Phụ lục 2A, 2B của Quy chế này);

4. Ban hành các chỉ tiêu môi trường cho việc lựa chọn bãi chôn lấp CTNH, các chỉ tiêu kỹ thuật cho việc thiết kế, xây dựng và vận hành các khu lưu giữ, các bãi chôn lấp CTNH bảo đảm vệ sinh môi trường; lựa chọn và tư vấn các công nghệ xử lý CTNH; phối hợp với Bộ Tài chính ban hành mức thu phí, lệ phí quản lý CTNH;

5. Hướng dẫn nội dung và thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ sở thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy và các bãi chôn lấp CTNH;

6. Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực quản lý CTNH;

7. Tổ chức điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các khu lưu giữ, cơ sở xử lý, tiêu hủy, các bãi chôn lấp CTNH; thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các các hoạt động quản lý CTNH theo Quy chế này;

8. Tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về quản lý CTNH:

a. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức phổ biến Quy chế Quản lý CTNH trên phạm vi cả nước;

b. Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng làm công tác quản lý CTNH;

c. Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo và nhân dân về quản lý CTNH;

9. Hàng năm phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương tiến hành thống kê CTNH, tổng hợp tình hình quản lý CTNH trong phạm vi cả nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 22.

Trách nhiệm của Bộ Xây dựng:

1. Hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quy hoạch xây dựng các khu xử lý CTNH hợp vệ sinh, các bãi chôn lấp CTNH phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

2. Phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc chỉ đạo các Sở Xây dựng lập quy hoạch và kế hoạch xây dựng các khu lưu giữ, các cơ sở xử lý, tiêu hủy, các bãi chôn lấp CTNH hợp vệ sinh trình ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt;

3. Phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc chỉ đạo các Sở Giao thông Công chính lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất thải (bao gồm cả chất thải nguy hại) của địa phương;

4. Phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc giám sát quản lý đô thị, đặc biệt chú ý tới vấn đề thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy, chôn lấp CTNH của các đô thị và khu công nghiệp;

5. Ban hành các quy trình, quy phạm hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy CTNH của các công trình xây dựng đặc biệt tại các đô thị và khu công nghiệp;

6. Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiên cứu, sản xuất, hướng dẫn sử dụng thống nhất trên toàn quốc các loại kiểu dáng công nghiệp của các trang thiết bị chuyên dụng phục vụ cho công tác quản lý CTNH.

Điều 23.

Trách nhiệm của Bộ Công nghiệp:

1. Giám sát, kiểm tra và triển khai các biện pháp hữu hiệu buộc các chủ nguồn thải phải tuân thủ các quy định của Quy chế này. Trường hợp các chủ nguồn thải không có khả năng tự thực hiện được việc thu gom, xử lý, tiêu hủy CTNH, thì yêu cầu các chủ nguồn thải phải ký hợp đồng với các chủ thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy CTNH;

2. Huy động các nguồn vốn để đầu tư cho các công trình xử lý CTNH và thay thế, đổi mới công nghệ, thiết bị lạc hậu bằng công nghệ và thiết bị tiên tiến; tổ chức thống kê, đáng giá các loại CTNH của ngành công nghiệp;

3. Phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do CTNH gây ra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc Bộ Công nghiệp quản lý.

Điều 24.

Trách nhiệm của Bộ Y tế:

1. Giám sát, kiểm tra và có các biện pháp hữu hiệu buộc các bệnh viện, trạm y tế, cơ sở dịch vụ y tế tuân thủ các quy định của Quy chế này;

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng trong việc quy hoạch, lựa chọn công nghệ, thiết bị, đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống lò thiêu đốt chất thải y tế đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam;

3. Ban hành quy chế quản lý chất thải y tế.

Điều 25.

Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an:

1. Giám sát, kiểm tra và triển khai thực hiện các biện pháp hữu hiệu buộc các chủ nguồn thải thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tuân thủ các quy định của Quy chế này;

2. Cấp các loại giấy phép môi trường liên quan đến Quy chế Quản lý chất thải nguy hại cho các chủ nguồn thải, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy CTNH thuộc lĩnh vực bí mật an ninh, quốc phòng;

3. Phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan có liên quan trong việc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý CTNH và tuyên truyền nâng cao nhận thức về CTNH trong phạm vi ngành mình;

4. Phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành có liên quan trong việc khắc phục sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng do CTNH gây ra;

5. Các chủ nguồn thải CTNH được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xác nhận là các chủ nguồn thải hoạt động thuần túy trong lĩnh vực kinh tế phải chấp hành đầy đủ các quy định của Quy chế này.

Điều 26.

Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại:

1. Căn cứ vào kế hoạch hàng năm, kế hoạch dài hạn của các Bộ, ngành và địa phương về quản lý CTNH, cân đối các nguồn vốn, kể cả các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài để bảo đảm điều kiện cần thiết cho các Bộ, ngành và địa phương thực hiện kế hoạch quản lý CTNH;

2. Phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách, biện pháp tạo điều kiện thuận lợi về vốn, thuế nhập khẩu vật tư, thiết bị, công nghệ đối với các công trình xử lý CTNH;

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành các quy định về mức thu phí CTNH, lệ phí cấp các loại giấy phép môi trường.

Điều 27.

Trách nhiệm của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

1. Chỉ đạo Sở Xây dựng lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng các khu lưu giữ, các cơ sở xử lý, tiêu hủy và các bãi chôn lấp CTNH hợp vệ sinh thuộc địa bàn quản lý của địa phương;

2. Chỉ đạo Sở Giao thông Công chính lập kế hoạch khả thi (phương án tổ chức, phương tiện, thiết bị, công nghệ, vốn...) và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch quản lý chất thải bao gồm cả thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý và tiêu hủy CTNH trên địa bàn quản lý của địa phương.

3. Chỉ đạo Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong việc:

a. Cấp sổ đăng ký quản lý CTNH hoặc các loại giấy phép môi trường cho các chủ nguồn thải, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy CTNH (theo Phụ lục 2A, 2B của Quy chế này);

b. Hướng dẫn nội dung, yêu cầu xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các chủ cơ sở lưu giữ, xử lý, tiêu hủy, các bãi chôn lấp CTNH để trình CQQLNNMT có thẩm quyền phê duyệt;

c. Tổ chức điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các khu lưu giữ, các cơ sở xử lý, tiêu hủy, các bãi chôn lấp CTNH trong phạm vi địa phương;

d. Tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức về quản lý CTNH trong phạm vi địa phương;

đ. Hàng năm tiến hành thống kê CTNH, tổng hợp tình hình quản lý CTNH trong phạm vi địa phương để báo cáo Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ;

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng quyết định những vấn đề về quy hoạch đất đai cho các khu xử lý CTNH và các bãi chôn lấp chất thải. Tổ chức theo thẩm quyền các loại hình tổ chức dịch vụ quản lý CTNH ở địa phương; chủ động cân đối và khai thác các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác nhau trong tỉnh, thành phố, các loại phí CTNH, lệ phí cấp các loại giấy phép môi trường, các nguồn hỗ trợ từ Trung ương và nước ngoài (viện trợ không hoàn lại, vốn vay với lãi suất ưu đãi hoặc liên doanh với nước ngoài) nhằm thực hiện tốt kế hoạch quản lý chất thải nguy hại tại địa phương;

5. Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động quản lý CTNH;

6. Tiếp nhận, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và các yêu cầu, kiến nghị về quản lý CTNH trong phạm vi quyền hạn của mình hoặc chuyển đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết.

CHƯƠNG VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28.

Các Bộ, ngành và địa phương có các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh chất thải nguy hại phải chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc quyền quản lý của Bộ, ngành và địa phương mình thực hiện nghiêm chỉnh các quy định có liên quan trong Quy chế này. Tiếp nhận, xem xét và giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và các kiến nghị về quản lý CTNH trong phạm vi thẩm quyền của Bộ, ngành và địa phương theo quy định của pháp luật.

Điều 29.

Thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về quản lý CTNH.

Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc tổ chức và chỉ đạo thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về quản lý CTNH.

Điều 30.

Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý CTNH thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cá nhân có hành vi phạm tội, vi phạm nghiêm trọng các quy định quản lý CTNH thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 31.

Trong quá trình thực hiện Quy chế Quản lý chất thải nguy hại, nếu có vướng mắc, các Bộ, ngành và địa phương cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời giải quyết.



tải về 1.33 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương