Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002



tải về 1.99 Mb.
trang1/18
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.99 Mb.
#10883
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

BỘ TÀI CHÍNH
-------


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------


Số: 174/2015/TT-BTC

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2015


THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN NGHIỆP VỤ THUẾ VÀ THU KHÁC ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU



Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002;

Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/06/2003;

Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014;

Căn cứ các Luật, Pháp lệnh, Nghị định về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005;

Căn cứ Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 06 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 128/2004/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật kế toán;

Căn cứ Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính, báo cáo quản trị và các công việc có liên quan đến kế toán nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư này.



Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng cho các đơn vị hải quan gồm Tổng cục Hải quan; Cục hải quan và các đơn vị tương đương, Chi cục hải quan và các đơn vị tương đương trong việc thực hiện công tác kế toán nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.



Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Kế toán thuế tạm thu” là phương pháp kế toán các khoản tiền thuế của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được tạm nộp vào tài khoản tiền gửi (tạm thu, tạm giữ) của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước trước khi nộp vào ngân sách nhà nước, theo quy định của pháp luật thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. “Kế toán thuế chuyên thu” là phương pháp kế toán các khoản tiền thuế của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

3. “Cơ sở dữ liệu kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu” là tập hợp các thông tin, dữ liệu về kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu (bao gồm: chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo kế toán liên quan đến thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu) được lưu giữ, sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử trên hệ thống quản lý thuế xuất khẩu, nhập khẩu tập trung của Tổng cục Hải quan.

4. “Đơn vị kế toán thuế xuất khẩu, khẩu nhập” là các đơn vị hải quan có tổ chức bộ máy kế toán thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và lập báo cáo tài chính (sau đây gọi tắt là đơn vị kế toán).

5. “Kế toán hoàn nộp thừa” là phương pháp kế toán đối với trường hợp hoàn khoản tiền người nộp thuế đã nộp lớn hơn số tiền phải nộp của từng loại thuế trong cùng một đơn vị kế toán. Không bao gồm các trường hợp hoàn khoản tiền do nộp nhầm cơ quan thu, nhầm đơn vị kế toán và các trường hợp được hoàn thuế đã nộp đối với hàng hóa đã nhập khẩu nhưng tái xuất trả lại chủ hàng nước ngoài hoặc tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan, hàng hóa đã xuất khẩu nhưng nhập khẩu trở lại Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu đã nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định, sau đó đã thực tế xuất khẩu sản phẩm.

6. “Kế toán hoàn do tái xuất hoặc tái nhập” là phương pháp kế toán đối với trường hợp hoàn khoản tiền người nộp thuế đã nộp theo nghĩa vụ thuế của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nhưng sau đó do tái xuất hàng đã nhập khẩu hoặc tái nhập hàng đã xuất khẩu người nộp thuế được hoàn trả lại khoản tiền đã nộp theo quy định của pháp luật về thuế. Bao gồm cả trường hợp được hoàn thuế đối với hàng hóa đã nhập khẩu nhưng tái xuất trả lại chủ hàng nước ngoài hoặc tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan; hàng hóa đã xuất khẩu nhưng nhập khẩu trở lại Việt Nam; hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu đã nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định, sau đó đã thực tế xuất khẩu sản phẩm.



Điều 4. Nội dung của kế toán nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

1. Kế toán nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu) là việc tổ chức hệ thống thông tin quản lý nội bộ của hệ thống Hải quan về thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế bảo vệ môi trường (BVMT), thuế phòng vệ thương mại (thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ, thuế chống phân biệt đối xử), thu lệ phí, thu phạt, thu bán hàng tịch thu và các khoản thu khác theo quy định của Nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Phí thu hộ các hiệp hội, phí một cửa quốc gia.

2. Kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu có nhiệm vụ ghi chép, phản ánh tình hình thu nộp ngân sách nhà nước về thuế và các khoản thu khác của người nộp thuế hoặc đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, bao gồm: Số thuế của hàng hóa đã thông quan hoặc giải phóng hàng, số tiền phạt, số tiền chậm nộp, lệ phí phải thu; số thuế, số tiền phạt, số tiền chậm nộp, lệ phí đã thu, đã nộp ngân sách nhà nước hoặc tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan tại Kho bạc Nhà nước; số thuế của hàng hóa đã thông quan hoặc giải phóng hàng, số tiền phạt, số tiền chậm nộp, lệ phí còn phải thu; số hàng hóa tạm giữ; số tiền bán hàng hóa, tang vật đã có quyết định tạm giữ chờ xử lý; số tiền bán hàng hóa, tang vật bị tịch thu đã có kết quả xử lý của cơ quan có thẩm quyền; số thuế, số tiền chậm nộp, số tiền phạt phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn cho người nộp; số thuế, số tiền phạt, tiền chậm nộp không thu, được giảm theo quyết định của cấp thẩm quyền.

3. Kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu được ghi chép, phản ánh theo phương pháp ghi kép, đảm bảo tổng hợp kết quả hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do cơ quan hải quan các cấp đã thực hiện theo quy định của pháp luật kế toán, luật ngân sách và pháp luật khác có liên quan. Kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu phải đáp ứng nguyên tắc sau đây:

a) Hạch toán theo kỳ kế toán;

b) Theo năm ngân sách;

c) Phù hợp với hệ thống kế toán thu ngân sách của Kho bạc Nhà nước;

d) Tổng hợp, phản ánh thông tin tài chính của hoạt động nghiệp vụ đã hoàn thành;

e) Cung cấp báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật kế toán.

Điều 5. Yêu cầu đối với kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu

1. Phản ánh đầy đủ các nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phát sinh trong kỳ vào sổ kế toán và báo cáo kế toán.

2. Phản ánh thông tin, số liệu kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu rõ ràng, dễ hiểu, chính xác và đúng thời gian quy định.

3. Phản ánh trung thực hiện trạng, bản chất, nội dung và giá trị của nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

4. Thông tin, số liệu kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu phải được phản ánh liên tục; số liệu kế toán phản ánh kỳ này phải kế tiếp theo số liệu kế toán của kỳ trước.

5. Thông tin, số liệu kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu phải được phân loại, sắp xếp theo trình tự, có hệ thống, thống nhất với các chỉ tiêu quản lý thuế.



Điều 6. Đơn vị tính, chữ viết, chữ số và phương pháp làm tròn số trong kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu

1. Đơn vị tính, chữ viết và chữ số trong kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện theo quy định của pháp luật kế toán.

2. Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng ngoại tệ phải theo dõi theo nguyên tệ và được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá quy định của pháp luật thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để ghi sổ kế toán.

Trường hợp người nộp thuế nộp bằng ngoại tệ thì tỷ giá hạch toán số ngoại tệ đã nộp theo tỷ giá hạch toán ngoại tệ do Bộ Tài chính công bố hàng tháng tại thời điểm Kho bạc Nhà nước hạch toán thu ngân sách.

3. Khi lập báo cáo tài chính hoặc công khai báo cáo tài chính sử dụng đơn vị tiền tệ rút gọn, đơn vị kế toán được làm tròn số bằng cách:

a) Đối với đồng Việt Nam: Chữ số sau chữ số hàng đơn vị tiền tệ rút gọn nếu bằng năm (5) trở lên thì được tăng thêm một (1) đơn vị; nếu nhỏ hơn năm (5) thì không tính.

b) Đối với ngoại tệ: Chữ số thập phân phần nghìn (chữ số thứ 3 sau dấu phẩy thập phân), nếu bằng năm (5) trở lên thì được tăng thêm một phần trăm (1%) đơn vị; nếu nhỏ hơn năm (5) thì không tính.

4. Trường hợp quy đổi tỷ giá ngoại tệ, đối với số tiền bằng đồng Việt Nam đã được quy đổi, phương pháp làm tròn số cũng được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.



Điều 7. Kỳ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu

1. Kỳ kế toán thuế gồm kỳ kế toán tháng, kỳ kế toán năm và kỳ chỉnh lý quyết toán.

2. Kỳ kế toán tháng là khoảng thời gian được tính từ ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng. Kỳ kế toán năm là khoảng thời gian được tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.

3. Kỳ chỉnh lý quyết toán là khoảng thời gian bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 01 năm kế tiếp, để hạch toán và điều chỉnh các nghiệp vụ được phép hạch toán vào sổ kế toán năm trước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, chứng từ điều chỉnh liên quan đến năm trước được cập nhật số liệu vào tháng 12 năm trước.

Trường hợp các chứng từ điều chỉnh ngân sách nhà nước năm trước phát sinh sau khi cơ quan hải quan đã đóng kỳ kế toán năm trước thì hạch toán vào kỳ kế toán năm hiện hành.

4. Nghiệp vụ quản lý thuế phát sinh ở kỳ nào phải được ghi chép, hạch toán vào sổ kế toán của kỳ đó. Các trường hợp phát sinh yêu cầu điều chỉnh số liệu phát hiện trong năm liên quan đến năm hiện hành thì được hạch toán điều chỉnh vào kỳ (tháng) phát hiện.



Điều 8. Mở, đóng kỳ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu

1. Mở kỳ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu là việc thiết lập trên hệ thống kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với một kỳ kế toán xác định trong năm để cho phép cập nhật dữ liệu vào hệ thống kế toán theo phân quyền.

2. Đóng kỳ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu là việc thiết lập trên hệ thống kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với một kỳ kế toán được xác định trong năm để không cho phép người sử dụng có thể cập nhật dữ liệu vào hệ thống kế toán.

Thời điểm đóng kỳ kế toán tháng là ngày 12 tháng tiếp theo, đóng kỳ kế toán năm là 24h ngày 10 tháng 02 năm tiếp theo. Trường hợp phải lập báo cáo nhanh trong hệ thống thì phải thực hiện theo đúng quy trình xử lý cuối ngày. Ngoài ra phải thực hiện đóng kỳ kế toán thuế trong các trường hợp kiểm kê hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Cơ quan hải quan phải đảm bảo mọi chứng từ kế toán thuế phát sinh được hạch toán đầy đủ, chính xác trong kỳ kế toán.

3. Sau thời điểm đóng kỳ kế toán, trường hợp cần điều chỉnh số liệu kế toán thuế thì thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Điều 9. Kiểm tra kế toán

1. Đơn vị kế toán phải chịu sự kiểm tra kế toán của cơ quan có thẩm quyền. Việc kiểm tra chỉ được thực hiện khi có Quyết định kiểm tra theo quy định của pháp luật.

2. Nội dung kiểm tra kế toán gồm: Kiểm tra việc thực hiện các nội dung công tác kế toán; kiểm tra việc tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán; kiểm tra việc chấp hành các quy định khác liên quan đến kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 10. Kiểm soát nội bộ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu

1. Kiểm soát nội bộ kế toán là việc thực hiện kiểm tra, xem xét thường xuyên, liên tục trong phạm vi của đơn vị kế toán để đảm bảo tính hợp pháp, chính xác, đầy đủ, kịp thời cả về hình thức, nội dung, số liệu của chứng từ, sổ, báo cáo kế toán; quy trình thực hiện xử lý, hạch toán và phê duyệt theo đúng trình tự, nội dung, thẩm quyền đã được quy định trong cùng đơn vị kế toán.

2. Nội dung của công tác kiểm soát nội bộ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu

a) Kiểm soát chứng từ gốc, chứng từ ghi sổ kế toán thuế: mẫu chứng từ; tính hợp pháp của chứng từ; tính đầy đủ, rõ ràng, trung thực, chính xác của thông tin trên chứng từ; sắp xếp và lưu trữ chứng từ kế toán;

b) Kiểm soát hạch toán, định khoản tài khoản kế toán: các giao dịch kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu được định khoản đúng tính chất nghiệp vụ phát sinh, đúng tài khoản kế toán;

c) Kiểm soát ghi chép sổ kế toán: thời điểm ghi sổ kế toán, đối chiếu sổ chi tiết, bảng kê chứng từ và sổ cái; định kỳ thực hiện cân đối sổ kế toán theo kỳ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu;

d) Kiểm soát báo cáo kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu: tính đầy đủ, chính xác, kịp thời của báo cáo kế toán; lưu báo cáo kế toán; lập, gửi và thuyết minh báo cáo kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu với cơ quan quản lý cấp trên và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Kiểm soát công tác tổ chức bộ máy kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu: phân công cán bộ trong đơn vị kế toán; tình hình thực thi trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ được giao thực hiện công việc kế toán.

3. Trách nhiệm thực hiện kiểm soát nội bộ

a) Cán bộ được phân công thực hiện các nhiệm vụ kế toán có trách nhiệm tự kiểm tra, soát xét trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao;

b) Phụ trách kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu có trách nhiệm kiểm soát nội bộ đầy đủ các nội dung kế toán thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của bộ phận kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu;

c) Thủ trưởng đơn vị kế toán có trách nhiệm kiểm soát các nội dung kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu thuộc thẩm quyền trước khi phê duyệt, quyết định.

4. Trong quá trình kiểm soát nội bộ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu nếu phát hiện có sai sót, phải báo cáo người có thẩm quyền để kịp thời có biện pháp xử lý theo quy định hiện hành.

Điều 11. Kiểm kê tài sản

1. Kiểm kê tài sản là việc xác định tại chỗ về số tiền tồn quỹ, sao kê xác định số thuế và các khoản còn nợ đọng của người nộp thuế, số hàng hóa còn tạm giữ trong kho, số hàng có quyết định tịch thu nhưng chưa xử lý còn lưu giữ ở đơn vị tại thời điểm kiểm kê để đối chiếu với số liệu trên sổ kế toán. Việc kiểm kê tài sản phải lập biên bản theo quy định của pháp luật kế toán.

2. Đơn vị kế toán phải kiểm kê tài sản vào cuối kỳ kế toán năm trước khi lập báo cáo tài chính hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Trách nhiệm quản lý, sử dụng, cung cấp thông tin, tài liệu kế toán

1. Thủ trưởng đơn vị kế toán có trách nhiệm lưu trữ, quản lý, sử dụng thông tin, số liệu, tài liệu kế toán; phải xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, bảo quản tài liệu kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn đối với từng bộ phận và từng người làm kế toán tại đơn vị mình; phải bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện quản lý, bảo quản tài liệu kế toán theo đúng quy định.

2. Đơn vị kế toán phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện chức năng theo quy định của pháp luật. Các cơ quan được cung cấp tài liệu kế toán phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tài liệu kế toán trong thời gian sử dụng và phải hoàn trả đầy đủ, đúng hạn tài liệu kế toán đã sử dụng.

3. Việc cung cấp thông tin, tài liệu cho các đối tượng do Thủ trưởng đơn vị kế toán quyết định theo quy định của pháp luật. Việc khai thác, sử dụng tài liệu kế toán phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ trưởng đơn vị kế toán hoặc người được ủy quyền.



Điều 13. Tài liệu kế toán thuế và lưu trữ tài liệu kế toán thuế

1. Tài liệu kế toán là chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị, báo cáo kiểm tra kế toán và các tài liệu khác có liên quan đến kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu được thể hiện dưới dạng tài liệu giấy hoặc điện tử theo quy định.

2. Tài liệu kế toán điện tử được lưu trữ dưới dạng thông điệp dữ liệu điện tử phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Nội dung của thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết;

b) Nội dung của thông điệp dữ liệu đó được lưu trong chính khuôn dạng mà nó được khởi tạo, gửi, nhận hoặc trong khuôn dạng cho phép để thể hiện chính xác nội dung dữ liệu đó;

c) Thông điệp dữ liệu đó được lưu theo một cách thức nhất định cho phép xác định nguồn gốc khởi tạo, nơi đến, ngày giờ gửi hoặc nhận thông điệp dữ liệu;

d) Nội dung, thời hạn lưu trữ đối với thông điệp dữ liệu được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

3. Đơn vị kế toán phải bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế, Luật Kế toán, Luật Giao dịch điện tử và các văn bản khác có liên quan. Trường hợp đơn vị thực hiện kế toán trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin thì tài liệu kế toán điện tử sẽ được lưu trữ dưới dạng dữ liệu điện tử phù hợp với quy định Luật giao dịch điện tử.



Điều 14. Ứng dụng công nghệ thông tin trong kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu

1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu của cơ quan hải quan các cấp phải đảm bảo chấp hành nghiêm chỉnh, đầy đủ các nguyên tắc và yêu cầu của pháp luật kế toán.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể quy trình sử dụng, quản lý, cập nhật, khai thác thông tin dữ liệu của hệ thống công nghệ thông tin ứng dụng trong kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu (gọi tắt là hệ thống kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu) phù hợp với quy định của Thông tư này và các quy định pháp luật hiện hành.

Điều 15. Tổ chức bộ máy kế toán

1. Kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu tại Tổng cục Hải quan được thực hiện theo nguyên tắc tổng hợp toàn ngành thông qua việc tổng hợp báo cáo từ các bộ phận kế toán tại các đơn vị cơ sở.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và thủ trưởng cơ quan hải quan (cấp Cục, Chi cục hoặc tương đương) chịu trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu trong đơn vị mình, cần bố trí bộ phận chịu trách nhiệm kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với điều kiện của đơn vị, bảo đảm thực hiện đầy đủ công việc kế toán và tổng hợp báo cáo theo quy định. Việc bố trí người làm kế toán phải thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật về kế toán.

Điều 16. Nhiệm vụ thực hiện kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu

1. Tại Tổng cục Hải quan:

a) Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc chấp hành quy định về kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu ở các bộ phận kế toán trong toàn ngành Hải quan;

b) Tổng hợp báo cáo kế toán nghiệp vụ thuế xuất khẩu, nhập khẩu toàn ngành, phân tích các thông tin báo cáo phục vụ yêu cầu quản lý nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

c) Nghiên cứu, đánh giá thực trạng, đề xuất những nội dung cần bổ sung, sửa đổi về kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Các công việc khác được giao.

2. Tại các Cục Hải quan và tương đương:

a) Tổ chức công tác kế toán tại đơn vị mình đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định pháp luật thuế, hải quan và pháp luật kế toán. Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc chấp hành quy định về kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu tại các đơn vị cơ sở thuộc sự quản lý của đơn vị mình;

b) Tổng hợp báo cáo, phân tích các thông tin kế toán xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đơn vị theo yêu cầu quản lý; lập và nộp báo báo gửi cơ quan cấp trên đúng thời hạn quy định.

c) Nghiên cứu, đánh giá thực trạng, đề xuất những nội dung cần bổ sung, sửa đổi về kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu và báo cáo với Tổng cục Hải quan;

d) Trường hợp Cục Hải quan không phân cấp công tác kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu đến cho Chi cục thì Cục Hải quan phải thực hiện công việc kế toán của các Chi cục chưa được phân cấp, công việc cụ thể theo quy định tại khoản 3 Điều này.

e) Các công việc kế toán khác được giao;

3. Tại các Chi cục Hải quan và tương đương:

a) Kiểm tra tính hợp lệ của các chứng từ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu và cập nhật vào hệ thống kế toán;

b) Thực hiện việc tổng hợp số thuế theo tờ khai, theo thông báo điều chỉnh, viết biên lai, thu thuế, thu lệ phí;

c) Lập báo cáo và nộp lên Cục Hải quan đúng thời hạn quy định; Đề xuất những nội dung cần bổ sung, sửa đổi về kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu và báo cáo lên Cục Hải quan.

d) Tổ chức công tác kế toán tại đơn vị mình đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định pháp luật thuế, hải quan và pháp luật kế toán.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. HỆ THỐNG CHỨNG TỪ KẾ TOÁN

Điều 17. Chứng từ kế toán

Chứng từ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện theo đúng nội dung, phương pháp lập, ký chứng từ theo quy định của Luật Kế toán và Nghị định số 128/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong lĩnh vực kế toán nhà nước.



Điều 18. Trình tự luân chuyển chứng từ kế toán

1. Đối với chứng từ kế toán do các bộ phận nghiệp vụ quản lý thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tiếp nhận, lập và xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao:

a) Các bộ phận nghiệp vụ quản lý thuế chịu trách nhiệm kiểm tra, quản lý lưu giữ chứng từ gốc và cập nhật số liệu về thuế và các khoản thu khác vào Hệ thống thông tin nghiệp vụ quản lý thuế của cơ quan hải quan, đảm bảo theo dõi quản lý chi tiết các nghiệp vụ đã thực hiện. Đồng thời lập bảng kê các chứng từ cùng loại có cùng nội dung kinh tế để chuyển bộ phận kế toán thuế làm căn cứ hạch toán ghi sổ kế toán.

Định kỳ các bộ phận nghiệp vụ phối hợp với bộ phận kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu để kiểm tra đối chiếu số liệu phát sinh trong kỳ kế toán trước khi đóng kỳ kế toán. Đảm bảo số liệu theo dõi chi tiết của bộ phận nghiệp vụ quản lý thuế phải phù hợp với số liệu tổng hợp của bộ phận kế toán khi đóng kỳ kế toán.

b) Bộ phận kế toán thuế có nhiệm vụ căn cứ nội dung bảng kê chứng từ lập chứng từ ghi sổ để hạch toán ghi sổ kế toán phù hợp với phương pháp kế toán và hệ thống tài khoản theo quy định Thông tư này, lưu trữ chứng từ ghi sổ và bảng kê chứng từ theo quy định về lưu trữ chứng từ kế toán.

c) Yêu cầu về cập nhật, theo dõi, quản lý số liệu trên Hệ thống thông tin nghiệp vụ quản lý thuế:

Cập nhật đầy đủ, kịp thời các nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phát sinh vào sổ sách và báo cáo nghiệp vụ.

Phản ánh thông tin, số liệu nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu và chính xác.

Phản ánh trung thực hiện trạng, bản chất, nội dung và giá trị của nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Thông tin, số liệu nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải được phản ánh liên tục theo kỳ kế toán hiện hành; số liệu kỳ này phải kế tiếp theo số liệu của kỳ trước.

Thông tin, số liệu nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải được phân loại, sắp xếp theo trình tự, có hệ thống, phù hợp với các chỉ tiêu quản lý thuế; phù hợp với số liệu trên báo cáo tài chính khi kết thúc kỳ kế toán.

d) Yêu cầu về bảng kê chứng từ:

Bảng kê phải có chữ ký của người lập và phụ trách bộ phận lập bảng kê (bảng kê điện tử phải có chữ ký số), người lập bảng kê có trách nhiệm lưu trữ quản lý chứng từ theo quy định của pháp luật kế toán, pháp luật thuế, pháp luật hải quan.

Thông tin trên bảng kê phải phù hợp với thông tin trên Hệ thống thông tin nghiệp vụ quản lý thuế, phản ánh đúng hiện trạng, nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế phát sinh, đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết cho bộ phận kế toán lập chứng từ ghi sổ theo quy định, hạch toán phản ánh nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Mẫu bảng kê chứng từ được hướng dẫn tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo thông tư này, ngoài các nội dung chủ yếu được quy định trên mẫu, đơn vị kế toán có thể bổ sung thêm chỉ tiêu hoặc thay đổi hình thức biểu mẫu cho phù hợp với việc ghi chép và yêu cầu quản lý.

2. Đối với các chứng từ kế toán do bộ phận kế toán thuế tiếp nhận, lập và xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao: Bộ phận kế toán chịu trách nhiệm kiểm tra, lưu giữ và hạch toán, ghi sổ kế toán theo quy định của pháp luật kế toán.

3. Trình tự kiểm tra chứng từ kế toán, gồm:

a) Kiểm tra tính hợp pháp của nghiệp vụ thuế xuất khẩu, nhập khẩu phát sinh đã ghi trên chứng từ kế toán;

b) Kiểm tra tính rõ ràng, trung thực, đầy đủ của các chỉ tiêu, các nội dung ghi chép trên chứng từ kế toán;

c) Kiểm tra tính chính xác của số liệu, thông tin trên chứng từ kế toán.

Khi kiểm tra chứng từ kế toán nếu phát hiện có hành vi vi phạm chính sách, chế độ, các quy định về quản lý tài chính, thuế của Nhà nước, phải từ chối thực hiện, đồng thời báo ngay cho Thủ trưởng đơn vị kế toán biết để xử lý kịp thời theo đúng pháp luật hiện hành.



tải về 1.99 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương